Correspondence: Paul Celan và Ingeborg Bachmann (phần 2)
"Anh có còn nhớ chúng ta từng rất hạnh phúc bất chấp mọi thứ, ngay cả trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất, khi chúng ta là kẻ thù tệ hại nhất của nhau không?"
Tiếp tục correspondence: Paul Celan và Ingeborg Bachmann. Những lá thư dưới đây (trong khoảng 1950 - 1951) được dịch bởi Thanh Nghi, song song với bản dịch Ba lối tới hồ, tập truyện của Bachmann, thuộc kỳ Thu tháng 11-12 này.
Đó là quãng 1950 - 1951, ba năm kể từ cuộc gặp đầu của họ. Bachmann chuyển đến Vienna còn Celan thì ở Paris: những bức thư qua lại giữa hai thành phố. Trong thời gian này, Bachmann hoàn thành luận án tiến sĩ (về Heidegger) và bắt đầu đi nhiều, nhận nhiều công việc, thực sự bước vào thế giới (câu chuyện về người phụ nữ phiêu dạt giữa nhiều ngôn ngữ trong Ba lối tới hồ). Không lâu sau đó, Celan gặp Gisèle de Lestrange, người mà Celan sẽ kết hôn chỉ một năm sau, tháng 12 năm 1952. Ingeborg và Gisèle sẽ vẫn giữ liên lạc, kể cả sau khi Celan qua đời (tự tử bằng cách nhảy xuống sông Seine).
13 Paul Celan gửi Ingeborg Bachmann, Paris, ngày 7 tháng 9 năm 1950
Paris, ngày 7 tháng Chín năm 1950.
Ingeborg thân mến,
Đây là thư mời đến Paris mà Tiến sĩ Rosenberg gửi cho em: Anh hy vọng em sẽ xin được visa sang Pháp sớm. Hãy nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết và báo tin cho anh nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Đừng chần chừ nữa, Ingeborg: nếu em thực sự muốn đến Paris, tốt nhất là nên đi ngay. Em không cần phải lo lắng gì khi ở đây, mọi thứ sẽ ổn cả thôi. Anh rất vui vì em sắp đến, và có khi em đã ở đây rồi nếu em trả lời thư của Nani sớm hơn. Hy vọng lãnh sự quán sẽ không trì hoãn việc cấp visa - có thể em sẽ phải chủ động đốc thúc một chút. Klaus, người hiểu rõ tình hình ở Pháp, sẽ cho em vài lời khuyên hữu ích.
Theo những gì anh nghe được từ Nani, và qua những lá thư cô ấy viết, có vẻ em vừa có vài chuyện buồn, Inge. Anh rất tiếc khi biết điều đó. Nhưng anh tin Paris có thể xoa dịu nỗi buồn ấy, đặc biệt là chuyện kia1. Và anh có thể cùng Paris làm điều đó. Em biết không, anh đã phải vật lộn rất lâu trước khi Paris thực sự chấp nhận anh và coi anh là một phần của nó. Nhưng em sẽ không cô đơn, không lạc lõng hay bị từ chối như anh đã từng. Quyền đầu tiên mà một người có được ở đây là: bảo vệ những người thân của mình khỏi các khó khăn mà mình từng phải đối mặt trong vô vọng và loay hoay không biết làm sao.
Klaus và Nani chắc chắn đã kể với em về vẻ đẹp của Paris: anh sẽ rất vui khi được có mặt bên em lúc em nhận ra vẻ đẹp đó.
Hãy hồi âm sớm nhé. Anh ôm em thật chặt.
Paul
Gửi lời chào thân ái của anh đến cả Klaus và Nani nhé.
Chú thích:
1. Vào ngày 1 tháng 9 năm 1950, Maier viết về “sự suy sụp thần kinh kéo dài” của IB, điều này đã “khiến cô ấy phải nằm liệt giường suốt gần cả mùa hè”.
14 Ingeborg Bachmann gửi Paul Celan, Vienna, sau ngày 7 tháng Chín năm 1950
Anh yêu dấu,
Cảm ơn anh rất nhiều vì lá thư đầy yêu thương, lời mời và tất cả những điều anh đã làm cho em. Em đã lập tức bắt tay làm mọi việc - em đã đến lãnh sự quán và bây giờ đang ngóng visa từng ngày. Hiện tại em chưa biết chính xác khi nào có thể khởi hành, hy vọng sẽ là tuần đầu tiên của tháng 10. Dĩ nhiên, có rất nhiều thứ cần chuẩn bị cho một chuyến đi lớn và quan trọng như thế này; em lo lắng không ít về việc nên làm thế nào - và nên làm đến mức nào - để thu xếp các thứ ở đây. Ngoài ra, em vẫn đang chờ xem nhà xuất bản S. Fischer quyết định ra sao về cuốn sách của em; nhưng em sẽ đi ngay khi có thể, dù có nhận được tin từ Tiến sĩ Bermann hay không1. Để tránh kiệt sức trong vòng tay anh khi tới nơi, em dự định sẽ tá túc lại nhà vài người quen ở Innsbruck và Basel, mỗi nơi một ngày hoặc một đêm - và sẽ đến Paris khi đã hoàn toàn thư thái.
Bây giờ em khó mà viết thêm gì nữa; hãy để dành tất cả cho những ngày dài sắp tới bên nhau.
Ngay khi em biết thêm thông tin chi tiết hơn về thời gian khởi hành hoặc thời gian đến, em sẽ viết cho anh.
Hãy gửi lời cảm ơn chân thành của em đến Tiến sĩ Rosenberg, dù em chưa có dịp gặp bà ấy.
Sẽ sớm xong thôi,
Của anh
Ingeborg
Chú thích:
1. Dr. Bermann: IB đã cố thu hút sự quan tâm của Bermann - Fischer Verlag cho cuốn Stadt ohne Namen, nhưng đã từ bỏ dự án tiểu thuyết này vào năm 1952. Trong khi đó. Gottfried Bermann-Fisher về sau có vai trò quan trọng hơn đối với PC khi ông trở thành giám đốc của S.Fisher Verlag: Từ năm 1958, ông cho xuất bản các tác phẩm Sprachgitter, Die Niemandsrose, Der Meridian, cùng nhiều bản dịch khác.
15 Ingeborg Bachmann gửi Paul Celan, Vienna, ngày 27 tháng Chín năm 1950
Anh yêu dấu,
Em khao khát bình yên đến mức gần như sợ mình sẽ sớm tìm thấy nó. Anh sẽ phải thật kiên nhẫn với em đấy - hoặc có thể anh sẽ thấy mọi thứ với em diễn ra quá dễ dàng. Em đang lạc lối, tuyệt vọng và cay đắng, em cũng hiểu rằng chẳng thể dựa vào mỗi Paris để mong rằng mọi rối ren trong lòng được giải quyết, rằng có rất nhiều thứ còn tùy thuộc ở em, và rất nhiều thứ khác nữa lại phụ thuộc vào mối quan hệ giữa chúng ta.
Em lúc thì mong đợi, lúc lại lo sợ về những điều sắp tới; và nỗi sợ vẫn cứ lớn hơn nhiều. Hãy tốt với em và đừng buông tay em nhé! Đôi khi em ngỡ mọi thứ chỉ là một giấc mơ hỗn loạn, rằng cả anh lẫn Paris đều không tồn tại, chỉ có con quái vật Hydra trăm đầu đáng sợ là cái nghèo đang bóp nghẹt em và không buông tha.
Em được hẹn nhận visa vào mồng năm tháng Mười; hy vọng visa sẽ thực sự xong vào hôm đó. Nếu số tiền em cần cũng đến kịp, em sẽ có lý do để cảm thấy hạnh phúc trở lại, điều mà lâu rồi em không còn cảm nhận được nữa.
Em ôm anh thật chặt, anh yêu, và sẽ sớm báo tin ngày em khởi hành!
Của anh,
Ingeborg.
27 tháng Chín năm 1950.
16 Paul Celan gửi Ingeborg Bachmann, Paris, 14 tháng Mười năm 1950 hoặc sau đó
Ingeborg thân mến,
Bây giờ là bốn giờ rưỡi và anh phải tới gặp sinh viên. Đây là cuộc hẹn đầu tiên của chúng mình ở Paris, tim anh đã đập loạn nhịp nhưng em lại không tới.
Hôm nay anh còn phải dạy hai ca nữa, họ ở xa, và anh sẽ không về trước 8 giờ 45.
Phích cắm bàn ủi của em đã cắm sẵn; nhưng hãy cẩn thận và đóng cửa thật chặt, để không ai trong khách sạn phát hiện em đang ủi đồ nhé. Cũng nhớ viết thư nữa. Chờ một bức thư thật là một việc khó khăn.
Và hãy nghĩ một chút về cảm xúc dâng trào trong anh khi anh được trò chuyện với em.
Paul
Chú thích:
Ngày 14 tháng 10 năm 1950: ngày IB đến Paris (PCPC). Một khả năng khác: có thể đây là lần thứ hai bà đến Paris (23 tháng 2 - 7 tháng 3 năm 1951); PC đã không thể gặp IB tại ga (gửi Nani Demus, 23 tháng 2 năm 1951).
17 Paul Celan gửi Ingeborg Bachmann, Paris, sau ngày 14 tháng Mười năm 1950 hoặc sau 23 tháng Ba năm 1951
Inge thân mến,
Anh sẽ về trong khoảng 1:45 - đợi anh nhé.
Paul
18 Ingeborg Bachmann gửi Paul Celan, Vienna, ngày 4 tháng Bảy năm 1951
Paul thân yêu,
Klaus sẽ tới Paris tối nay; em định gửi anh ấy bức thư này, cùng với những lá thư khác viết từ lâu cũng như viết gần đây. Dù anh không có thời gian viết thư cho em, em hy vọng sẽ sớm nghe từ Klaus về tình hình của anh.
Làm ơn, hãy suy nghĩ thật kỹ về những bài thơ của anh; em nghĩ rằng việc thực hiện điều gì đó thông qua sự giúp đỡ Jünger và Doderer chẳng phải sai lầm gì cả.
Trên hết, xin đừng trách em vì đã viết tất cả những lá thư quan trọng nhất bằng máy đánh chữ. Đánh máy đã trở thành một thói quen - hay còn hơn thế - đến mức em gần như không còn khả năng viết ra những lời từ đáy lòng bằng mực trên giấy nữa.
Hôm nay em đã đến Institut Français; em được biết rằng có thể em sẽ đến Paris vào đầu học kỳ hè năm sau (tháng Hai hoặc tháng Ba năm 1952). Em dần thân hơn với Klaus: dạo này chúng em thường xuyên gặp và nói chuyện, và sẽ thật tuyệt biết bao nếu bốn người chúng ta không bao giờ mất liên lạc với nhau.
Với tất cả tình yêu của em
Của anh
Ingeborg
Chú thích:
Jünger: Nhà văn bảo thủ cánh hữu người Đức Ernst Jünger đã nhiều lần được các phe phát xít theo đuổi trước và sau năm 1933; mặc dù ban đầu có sự đồng cảm, nhưng những nỗ lực của họ đã không thành công. Theo sáng kiến của Demus, PC đã liên hệ với ông và nhờ giúp tìm một nhà xuất bản Đức cho các bài thơ của mình.
18.1 Gửi kèm
Tháng Ba, 1951.
Paul thân mến,
Hôm nay là Thứ Hai Phục Sinh, và em vừa mới dậy được khỏi giường sau một trận ốm không quá nghiêm trọng, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với em; có thể nói rằng nó đã đến kịp thời để cứu em. Em đã không còn biết phải làm gì hay làm sao để thấy hài lòng với cuộc sống ở đây nữa. Sai lầm đầu tiên là em đã tiếp tục cuộc sống cũ ở Vienna1 suốt một tuần, như thể chẳng có chuyện gì xảy ra; rồi đột nhiên em rơi vào tuyệt vọng và hoảng loạn, không muốn rời khỏi nhà, nhưng cũng hiểu rằng không thể cứ mãi như vậy được. Sau đó, mọi thứ trở nên tệ hơn vì một điều kinh khủng từ bên ngoài ập đến, tệ hơn cả những gì em từng trải qua2. Rồi em gái em đến3, và cuối cùng em bị cúm. Bây giờ, mọi thứ yên ắng như sau một vụ nổ bom trong chiến tranh4, khi khói tan đi và người ta nhận ra ngôi nhà không còn nữa, chẳng còn biết phải nói gì; mà có gì để nói đây?
Có thể ngày mai em sẽ ra ngoài tìm một công việc. Lúc nào cũng có việc gì đó xảy đến. Thế mà cả ngày hôm nay điện thoại im lặng, như thể có một thỏa thuận bí mật, kỳ dị nào đó.
Em có thể sẽ đến Paris vào mùa thu. Nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn. Tuy vậy, dù có phải ở lại đây, em cũng chẳng nên buồn. Em đã có quá nhiều, đã nhận được quá nhiều, đến mức có thể sống ổn một thời gian dài; nhưng ngay cả như thế cũng chưa đủ - dù người ta chỉ cần rất ít để sống. Khi thời khắc ấy đến, chúng ta sẽ đâu được phép mang theo nhiều hành lý, thậm chí chẳng mang gì cả.
Em chắc rằng anh không mong em nói điều gì về “chúng ta” lúc này; bây giờ em không làm sao suy nghĩ thấu đáo nổi; trước mắt em phải thoát khỏi mọi thứ đã - nhưng em cũng lo rằng khi ấy em sẽ ở quá xa anh.
Thỉnh thoảng hãy viết thư cho em nhé. Đừng ngại ngần nói rằng rèm cửa sổ của chúng ta lại cháy và người ta đang nhìn chúng ta từ dưới phố5…
Với cả trái tim
Của anh
Ingeborg
Gửi lời chào ấm áp của em đến Nani.
Milo Dor6 đã rất mừng.
Ngày 4 tháng 7: Em gửi kèm bức thư này, chỉ là một trong nhiều lá thư khác, hầu hết đã bị vò nát - viết để anh hiểu thêm một chút về em.
Chú thích:
Trước khi ở lại Paris và London (rời Vienna vào ngày 14 tháng Mười năm 1949, trở lại vào ngày 7 tháng Ba năm 1951), IB đã có mối quan hệ với nhà văn kiêm người bảo trợ bảo trợ văn học người Vienna là Hans Weigel.
IB có lẽ cảm thấy không thoải mái với tiểu thuyết có yếu tố tự truyện Unvollendete Symphonie của Weigel (Vienna, mùa xuân năm 1951). Nhân vật nữ chính trong tác phẩm đó được xây dựng dựa trên IB. Ngay trước khi trở về Vienna, bà đã viết thư gửi Weigel: “Tiểu thuyết tiến triển tới đâu rồi?” (không ghi ngày).
Isolde, sau khi kết hôn có tên là Moser, đã hoàn thành khóa đào tạo giáo viên tại Vienna và cũng là một thành viên trong nhóm bạn của Weigel và Dor. Sau khi kết hôn vào tháng 4 năm 1952, cô sống ở Kötschach (Carinthia).
IB miêu tả vụ đánh bom Klagenfurt trong Jugend in einer österreichischen Stadt.
Ý trong bài thơ Corona của Paul Celan.
PC đã gặp nhà văn Milo Dor - sinh ra tại Budapest, lớn lên ở Serbia và đã sống một phần chiến tranh ở Vienna với tư cách “tù nhân được bảo hộ” [Schutzhäftling] trong văn phòng biên tập của tạp chí Plan. Nhân vật Petre Margul trong cuốn tiểu thuyết Internationale Zone (1953) lấy cảm hứng từ PC trong những ngày ông sống tại Vienna.
18.2 Gửi kèm
Tháng Sáu năm 1951
Anh yêu, em có thể lấy những bài thơ của anh từ chỗ Klaus hoặc anh có thể gửi chúng cho em sớm được không? Cuối cùng em cũng thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với nước Đức, và thực tế là phải thông qua một người rất am hiểu và đang rất quan tâm đến tác phẩm của anh. Nhưng em cần có bản thảo trước trong khoảng giữa hoặc cuối tháng Tám1! (Đó là Heimito von Doderer của nhà xuất bản Beck-Verlag, nhà xuất bản lâu đời thứ hai ở Đức, chỉ sau Cotta - chúng em đã bàn về anh từ lâu rồi.)
Chú thích:
Ban đầu ghi “Tháng Sáu” nhưng sau đó được sửa lại bằng tay.
18.3 Gửi kèm
Vienna, 27 tháng 6, 1951.
Paul thân yêu, thân yêu của em,
vài ngày nữa Klaus sẽ đến Paris; em nhờ cậu ấy mang theo tất cả những lá thư em đã viết cho anh, cả những lá hoàn chỉnh lẫn chưa hoàn chỉnh—em chưa bao giờ đủ can đảm gửi chúng đi. Cậu ấy sẽ kể anh nghe những tin quan trọng nhất ở đây, cũng như vài điều khác, những điều hệ trọng hơn, chỉ có thể nói ra một cách khó nhọc hoặc có khi chẳng thốt ra được.
Em không biết liệu mình có nên cố gắng không.
Em nhớ anh rất nhiều, rất rất nhiều, và đôi khi cảm giác đó khiến em gần như phát ốm và tất cả những gì em muốn chỉ là được gặp anh thêm lần nữa, ở đâu đó - không phải một lúc nào đó xa xôi, mà là sớm thôi. Nhưng nếu em cố tưởng tượng những gì anh sẽ nói, mọi thứ bỗng hoá u ám, và những hiểu lầm cũ mà em cố xóa đi lại quay trở về.
Anh có còn nhớ chúng ta từng rất hạnh phúc bất chấp mọi thứ, ngay cả trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất, khi chúng ta là kẻ thù tệ hại nhất của nhau không?
Tại sao anh không bao giờ viết thư cho em? Bà Jené đã đến Paris chưa? Tại sao anh không còn cảm nhận được rằng em vẫn muốn quay lại với anh mặc cho cái đầu điên rồ, bối rối và đầy mâu thuẫn của em đôi khi vẫn dựng lên chống lại anh? Em dần hiểu ra tại sao em lại kháng cự anh mạnh đến vậy và có thể em sẽ chẳng bao giờ ngừng như thế. Em yêu anh và em không muốn yêu anh, điều đó quá sức và quá khó khăn; nhưng trên hết, em yêu anh - hôm nay em sẽ nói với anh, dù có phải đối mặt với nguy cơ rằng anh sẽ không thể, hoặc không còn muốn nghe điều đó nữa.
Em chắc chắn không thể rời Vienna trước mùa thu; em có quá nhiều việc và không thể bỏ ngang các việc em đã nhận. Sau đó em có thể sẽ đi Đức để xem xét một chút, hoặc ở lại đó một thời gian. Còn học bổng Paris của em thì bị hoãn lại đến năm 1952. Em vẫn chưa biết mình sẽ xoay xở ra sao; điều em muốn nhất là có thể vượt qua khoảng thời gian đó bằng cách đến sống ở Mỹ. Nhưng tất cả những kế hoạch em đang kể cho anh đây vẫn còn rất mơ hồ; mọi chuyện có khi lại diễn ra hoàn toàn khác - có thể em sẽ phải ở lại chỗ này và không đạt được bất cứ điều gì em hy vọng trong năm nay.
Cho em gửi đến anh lời chào thân ái cùng tình yêu của em, những cái hôn và những cái ôm mà anh chẳng thể đón nhận, hãy để em ở bên anh trong thoáng chốc suy nghĩ…
Của anh,
Ingeborg
19 Paul Celan gửi Ingeborg Bachmann, Levallois-Perret, ngày 7 tháng Bảy năm 1951
Paul Celan
c/o Dr W. Adler
14, Villa Chaptal Levallois-Perret
(Seine)
Levallois, ngày 7 tháng Bảy năm 1951.
Inge thân mến,
Một tuần trước, bà Jené đã mang đến cho anh gói quà mà em gửi, và hôm qua Klaus cũng đến với một món quà khác từ em - cảm ơn em rất nhiều vì tất cả! Và cũng cảm ơn em vì những lá thư: lá đầu tiên mà bà Jené định mang cho anh thì anh đã nhận được từ vài tuần trước rồi; bà ấy đã tốt bụng gửi nó đi khi vẫn còn ở Vienna, vì bà ấy dự định nán lại vùng Saar khá lâu và không muốn để anh phải chờ.
Thật khó để trả lời những lá thư này, Ingeborg; em biết mà, thật ra em còn biết rõ hơn anh là đằng khác, vì em có thể nhìn nhận tình huống hiện tại từ góc độ mang tính quyết định (nếu không muốn nói là chịu trách nhiệm) trong việc tạo ra nó. Ý anh là, em sẽ nhìn rõ chính mình hơn anh, bởi anh - chủ yếu do sự im lặng dai dẳng của em - đang phải đối mặt với các vấn đề mà giải pháp của chúng chỉ làm nảy sinh thêm những vấn đề khác: loại vấn đề phát sinh do ta cứ gán cho chúng các nghĩa và tầm quan trọng, rồi đến cuối cùng, ta vô lý đứng trước chúng, không hiểu nổi làm sao mình lại đến được đây. Nếu anh không bị cuốn vào thì sẽ thú vị biết bao, và cũng thật đẹp - khi có thể dõi theo những khoảnh khắc của sự siêu vượt chính mình ở cả hai đầu, cái mơ hồ được nâng lên bằng biện chứng của thực tại chúng ta, vốn được nuôi dưỡng từ máu thịt chúng ta! Nhưng anh đã bị cuốn vào rồi, Inge, và vì thế anh không thể nhìn thấy điều mà em, trong đoạn đã bị gạch đi nhưng vẫn đọc được lỗ chỗ, gọi là phẩm chất “mẫu mực” của quan hệ chúng ta. Và làm sao anh có thể lấy chính mình ra làm mẫu đây? Hướng tiếp cận kiểu đó chưa bao giờ là điều anh chú trọng; đôi mắt anh sẽ nhắm lại nếu nó được định chỉ làm chức năng của một con mắt, chứ không phải làm con mắt của anh. Nếu không phải như thế, anh đã không viết thơ.
Ở nơi chúng ta từng nghĩ rằng mình đang đứng, các ý nghĩ hoạt động nhân danh trái tim - nhưng không theo chiều ngược lại. Việc mọi thứ diễn ra hoàn toàn trái ngược không thể nào xóa bỏ được một cử chỉ, dù đó có thể là cử chỉ duy nhất khả dĩ trong khoảnh khắc khó khăn ấy. Chẳng gì có thể lặp lại; thời gian của chúng ta, cuộc đời của chúng ta, chỉ dừng lại một lần duy nhất, và thật khủng khiếp khi biết được khoảnh khắc đó là khi nào và bao lâu.
Thật khó để cho em, em hơn bất kỳ ai, thấy điều đã từ lâu trở thành một phần trong các thuộc tính riêng tư nhất của em - nhưng, nói anh nghe, liệu em có muốn làm cho thế giới này càng khó hiểu hơn bằng một lời thầm thì bất cẩn ném vào khoảng không hay không?
Anh sẽ cảm thấy nhẹ nhõm biết bao nếu có thể tự nhủ rằng em nhìn nhận những gì đã xảy ra đúng với chúng: là thứ không thể rút lại, nhưng chắc chắn có thể được lưu giữ trung thực qua ký ức. Để làm được như thế - và không chỉ cho riêng điều đó - em cần tĩnh lại, Ingeborg, yên tĩnh và vững chãi, và anh tin rằng em sẽ tìm thấy chúng bên trong chính mình, chứ không phải từ người khác. Em đã có cơ hội nhận học bổng, Inge, vậy hãy tập trung vào học bổng này và đừng cố lấp đầy khoảng thời gian chờ đợi tới Paris bằng cách đi Mỹ. Rốt cuộc, tại sao lại là Mỹ? Liệu có thực sự quan trọng chuyện tìm kiếm kinh nghiệm ở một nơi mà giá trị được đo bằng độ thành công không?
Cho tới giờ em đã nhận được nhiều thứ từ cuộc sống hơn hầu hết những người cùng thời, Inge ạ. Không có cánh cửa nào khép lại với em cả, và những cánh cửa mới vẫn liên tục mở ra. Em không có lý do gì để vội vàng, Ingeborg, và nếu anh có thể đưa ra một lời khuyên, thì đó là - hãy suy ngẫm về việc mọi thứ đã bày ra sẵn đó cho em dễ dàng đến nhường nào. Và giờ, hãy tiết chế phần nào những đòi hỏi của mình nhé.
Em cũng có thêm nhiều bạn bè, nhiều người sẵn lòng dốc sức vì em hơn. Có lẽ còn hơi quá nhiều. Hay đúng hơn, có quá nhiều người nghĩ rằng họ hiểu rõ hướng đi của em - trong khi đáng nhẽ họ nên hiểu rằng con đường họ đã đi không đủ mang tới cho họ một cái nhìn toàn vẹn sâu sắc để có thể đưa ra lời khuyên. Anh có cảm giác - và vài người khác cũng đã xác nhận với anh - rằng ở Vienna, rất hiếm khi có ai đó thực sự là mình như cách họ thể hiện ra ngoài. Ý anh là, nhiều người có tiếng nói ở Vienna thường là những kẻ tai thính và miệng lại quá nhanh. Tin anh đi, nhận ra điều ấy khiến anh cay đắng không khác gì em, vì dù thế nào đi nữa, anh vẫn rất gắn bó với Vienna. Anh nói với em tất cả những chuyện này vì muốn cảnh báo em về một kiểu thành công: nó có thể sẽ rất chóng qua, và những người có chiều sâu tinh thần như em cần biết cách đối diện với nó.
Nhưng bấy nhiêu lời khuyên là đủ rồi! Chỉ còn một điều nữa: hẳn em biết rõ các kinh nghiệm khó khăn ẩn phía sau để có được những lời khuyên này.
Anh sẽ ở lại khoảng sáu tuần với vài người quen ở ngoại ô thành phố, trong một ngôi nhà nhỏ có cửa sổ nhìn ra ba cây đoan. Không phố xá ồn ào, không sinh viên dạo bộ, không cả du khách Mỹ ưa khám phá một “Paris by night”…và có một chiếc máy đánh chữ. Anh vừa dịch thêm vài bài thơ của Apollinaire, có thể sẽ được đăng trên Merkur.
Anh rất cảm ơn em vì những nỗ lực em dành cho các bài thơ của anh. Anh nhớ rất rõ về Heimito von Doderer - em có thể gửi cho anh địa chỉ của ông ấy không? Em có dịp gặp Hilde Spiel chưa? Cô ấy đã viết một bài phê bình rất tốt cho tờ Munich Neue Zeit về các bài thơ mà anh đăng trong tập niên giám - anh thực lòng muốn trực tiếp gửi lời cảm ơn cô ấy. Em có biết liệu cô ấy có dự định đến Paris không?
Inge thân yêu, anh kết thư tại đây thôi. Anh mong em sẽ viết thư cho anh thường xuyên và đều đặn hơn.
Gửi đến em tất cả tình yêu cùng những lời chúc tốt đẹp nhất!
Paul
Thanh Nghi dịch
diary & correspondence
John Middleton Murry & Katherine Mansfield
Thư và nhật ký chiến tranh của Ingeborg Bachmann
Dưới đây là một timeline Paul Celan - Ingeborg Bachmann:
|
|
23/11/1920 PC sinh ở Czernowitz, Bukovina, trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức. |
25/6/1926 IB sinh tại Klagenfurt; anh chị em: Isolde (1928) và Heinz (1939). |
|
|
1932 Cha của bà gia nhập NSDAP. |
|
|
12/3/1938 Binh lính Hitler tiến vào Klagenfurt. |
|
|
T9/ 1939 Cha của bà nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự. |
|
|
|
|
T6/ 1942 Cha mẹ của ông là Friederike và Leo Antschel bị trục xuất (họ mất vào mùa đông năm 1942/43 trong trại tử thần của Đức Quốc xã ở Mikhaylovka, Ukraine). |
T5 – T6/ 1945 Gặp gỡ Jack Hamesh, một lính chiếm đóng Anh gốc Do Thái tại Vienna. |
|
|
T10/ 1946 Tiếp tục các nghiên cứu về triết học đã bắt đầu ở Innsbruck và Graz tại Vienna; địa chỉ: Vienna III, Beatrixgasse 26. |
|
|
|
|
17/12/1947 Đến Vienna sau khi chạy trốn từ Bucharest qua Budapest. |
|
16/5/1948 Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa IB và PC. |
|
|
20/5/1948 Bắt đầu cuộc tình giữa hai người. |
|
|
|
Cuối T6/ 1948 Khởi hành từ Vienna đi Paris qua Innsbruck (5-8/ 7/ 1948). |
|
|
13/7/1948 Đến Paris, địa chỉ từ tháng 8 (?): 31, rue dé Ecoles. |
|
|
T8(?)/ 1948 “Edgar Jené. Der Traum vom Traume”. |
|
|
T9/ 1948 Der Sand aus den Urnen |
T6/ 1949 Chuyển đến Vienna III, Gottfried-Keller-Gasse 13 |
|
|
23/3/1950 Hoàn thành Tiến sĩ (luận án: “Tiếp nhận phê phán triết học hiện sinh của Martin Heidegger”. |
|
|
|
14/ 10 – giữa T12 IB ở Paris. |
|
Cuối T12/ 1950 – T2/ 1951 Tới London từ Paris |
|
|
|
23/2 – 7/3/1951 IB ở Paris, sau đó trở lại Vienna. |
|
T4 – T8/ 1951 Làm việc cho người Mỹ. |
|
|
T9/ 1951 – cuối T7/ 1953 Làm việc cho đài phát thanh Rot-Weiss-Rot, đầu tiên là biên kịch, sau đó là biên tập viên. |
|
|
|
|
Đầu T11(?)/ 1951 Lần đầu gặp gỡ Gisèle de Lestrange. |
25/2/1952 Vở kịch radio Ein Geschäft mit Träumen lần đầu được phát sóng. |
|
|
|
23 – 27/5/1952 Gặp gỡ tại Niendorf và Hamburg. |
21/ 5 – 6/6/1952 Chuyến đi tới Đức, tham gia hội nghị của Gruppe 47 tại Niendorf. |
1/11/1952 Lần đầu gặp gỡ Hans Werner Henze, người mà bà có mối quan hệ gắn bó không liên tục từ năm 1953.
|
|
|
|
|
23/12/1952 Kết hôn với Gisèle de Lestrange. |
|
|
T12/ 1952 – T1/ 1953 Mohn und Gedächtnis
|
T5/ 1953 Nhận giải thưởng của Gruppe 47. |
|
|
|
|
T7/ 1953 Chuyển tới 5, rue de Lota (XVI). |
T8 – T10/ 1953 Ở lại với Henze trên đảo Ischia. Tiếp tục có những khoảng thời gian lưu trú dài hơn với Henze vào mùa đông 1954/55, từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1955. |
|
T8/ 1953 Claire Goll đã gửi những cáo buộc đạo văn đầu tiên cho các nhà phê bình, nhân viên đài phát thanh và nhà xuất bản với thái độ tức giận và bức xúc. |
T10/ 1953 Chuyển tới Rome: Piazza della Quercia 1. |
|
7 – 8/10/1953 Ngày chào đời và ngày mất của con trai đầu lòng François. |
T12/ 1953 Die gestundete Zeit. |
|
|
25/3/1955 Phát sóng vở kịch Die Zikaden lần đầu tiên, với phần âm nhạc của Henze.
|
|
|
T5/ 1955 Nhận Giải thưởng văn học của Khu vực văn hóa trong Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (Literature prize of the cultural area in the Federal Association of German Industry). |
|
|
|
|
6/6/1955 Con trai Eric chào đời. |
|
|
T6/ 1955 Von Schwelle zu Schwelle, với lời đề tặng “Dành cho Gisèle”. |
T7 – T8/ 1955 Tham gia Tham gia Hội thảo quốc tế của Đại học Harvard, chuyến đi New York. |
|
T7/ 1955 Chuyển tới 29, rue de Montevideo (XVI). Trở thành công dân Pháp. Trở thành công dân Pháp nhập tịch. |
T10/ 1956 Anrufung des Grossen Bären. |
|
|
T11 – T12/ 1956 Ở Paris tại Hôtel de la Paix, Rue Blainville 6 mà Celan không hay biết. |
|
|
T1/ 1957 Ở Rome, tại Via Vecchiarelli 38. |
|
|
26/1/1957 Nhận giải thưởng Văn học của Thành phố tự do Hanseatic Bremen (Literature Prize of the Free Hanseatic City of Bremen). |
|
|
T4/ 1957 Ấn bản thứ hai của Anrufung des Grossen Bären. |
|
|
T9/ 1957 – T5/ 1958 Cố vấn kịch nghệ tại Đài Truyền hình Bavarian ở Munich. Căn hộ đầu tiên: Biedersteinerstr. 21a. |
|
T9/ 1957 Nhận Giải thưởng văn học của Khu vực văn hóa trong Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (Literature prize of the cultural area in the Federal Association of German Industry). |
|
11 – 13/10/1957 IB và PC gặp lại tại hội nghị “Literaturkritik-kritisch betrachtet” tổ chức bởi Wuppertaler Bund. |
|
|
14/10/1957 Họ gặp lại nhau ở Cologne sau hội nghị. Mối quan hệ yêu đương tiếp tục (cho đến tháng 5 năm 1958). Sau đó, họ cùng nhau phụ trách phần tiếng Đức của tạp chí đa ngôn ngữ Botteghe Oscure, số 21 (1958). |
|
|
|
T11/ 1957 Chuyển tới 78, rue de Longchamp (XVI). |
|
7 – 9/11/1957 PC thăm IB ở Munich. |
2 – 11/11/1957 Tới Đức. |
Giữa T11/ 1957 Chuyển tới Franz-Joseph-Str. 9a. |
|
|
|
|
23 – 30/1/1958 Tới Đức, bao gồm tới Bremen (bởi giải thưởng văn học học Bremen, 26/ 1/ 1958). |
|
28 – 30/1/1958 PC thăm IB ở Munich; Những đề tặng viết tay kín đáo của từng bài thơ riêng lẻ trong Mohn und Gedächtnis (ấn bản thứ hai; 1955) |
|
T4/ 1958 Tham gia biểu tình phản đối vũ khí hạt nhân trong quân đội. |
|
|
|
7 – 8/5/1958 PC thăm IB tại Munich, chấm dứt mối quan hệ yêu đương. |
4 – 8/5/1958 Tới Đức. |
29/5/1958 Lần đầu phát sóng kịch truyền thanh Der gute Gott von Manhattan. |
|
|
|
23/ 6 – đầu T7/ 1958 IB ở Paris, có buổi gặp mặt với PC vào ngày 25 và ngày 30 tháng 6 và ngày 2 tháng 7. Cuộc gặp mặt đầu tiên giữa IB và Gisèle Celan – Lestrange. |
|
3/7/1958 Gặp Max Frisch ở Paris |
|
|
|
|
T9/ 1958 Dịch Arthur Rimbaud, tác phẩm Das trunkene Schiff. Dịch Alexander Block, Die Zwölf. |
T11/ 1958 Der gute Gott von Manhattan. |
|
|
3/12/1958 Ở Paris với Frisch, không thông báo với PC. |
|
|
|
|
Đầu T12/ 1958 Nghiên cứu sinh Jean Firges bảo vệ cho một bức biếm họa bài Do Thái do những người quen vẽ sau buổi đọc thơ của Celan ở Bonn. |
|
Cuối năm 1958 Bản ghi đĩa than Lyrik der Zeit với giọng đọc thơ của IB và PC. |
|
17/3/1959 Diễn văn nhận giải thưởng Kịch nói trên đài phát thanh của Người mù chiến tranh: Die Wahrheit ist dem Menschen zumutbar. ist dem Menschen zumutbar. |
|
T3/ 1959 Sprachgitter |
|
19 – 22/7/1959 Cuộc gặp gỡ cá nhân đầu tiên giữa PC và Frisch tại Sils |
|
T10/ 1959 Căn hộ làm việc ở Zurich, Kirchgasse 33. |
|
Từ T10/ 1959 Trợ giảng tiếng Đức tại École normale supérieure, Rue d'Ulm. |
|
|
11/10/1959
|
25/11/1959 – 24/2/1960 Bài giảng về thơ ở Frankfurt. |
|
T11/ 1959 Bản dịch Gedichte (Ossip Mandelstamm). |
|
Giữa T1/ 1960 Ingeborg Bachmann đọc bài giảng Frankfurt thứ ba (ngày 13?); Paul Celan đọc thơ từ Die junge Parze (ngày 16) tại Frankfurt. Không gặp nhau. |
|
T3/ 1960 Tham gia hội nghị chuyên đề thơ tại Leipzig, |
|
T3/ 1960 Bản dịch Die junge Parze (Paul Valéry). |
|
|
T4 – T5/ 1960 Cáo buộc đạo văn được Claire Goll công bố trên tạp chí Munich Baubudenpoet. Vào tháng 5, tham khảo ý kiến các thành viên của nhà xuất bản S. Fischer Verlag và Klaus Demus ở Frankfurt: lên kế hoạch công bố phản hồi trên Die Neue Rundschau. |
22/5/1960 Ra mắt vở opera Der Prinz von Homburg của Henze với phần libretto của Ingeborg Bachmann. |
25 – 28/5/1960 Paul Celan tới Zurich Celan để trao giải Droste cho Nelly Sachs, gặp gỡ Ingeborg Bachmann, một số cuộc gặp có mặt Gisèle Celan – Lestrange và Max Frisch. |
|
|
|
22/10/1960 Nhận giải thưởng Georg Büchner ở Darmstadt. |
|
30/10/1960 Cuộc gặp gỡ tại Hôtel du Louvre; Frisch và Siegfried Unseld cũng có mặt. |
|
|
Khoảng 20/11/1960 Phản hồi [Entgegnung] đối với cáo buộc đạo văn được in trong "Die Neue Rundschau" với chữ ký của Ingeborg Bachmann, Klaus Demus và Marie Luise Kaschnitz. |
|
|
25 – 27/11/1960 Paul Celan ở Zurich: những cuộc trò chuyện hàng ngày về cáo buộc đạo văn trên báo chí quốc gia. Đây là những cuộc gặp cuối cùng của họ. |
|
|
|
T1/ 1961 Bài phát biểu giải thưởng Büchner Der Meridian. |
|
|
T3/ 1961 Bản dịch Gedichte (Sergai Yesenin). |
T6/ 1961 Das dreissigste Jahr. Ở Rome với Frisch: Via de Notaris 1 F. |
|
|
Mùa hè 1961 Bản dịch Gedichte (Giuseppe Ungaretti). |
|
|
|
Cuối năm 1961 Bức thư cuối từ Ingeborg Bachmann, lời chúc Giáng sinh từ bà và Max Frisch tới Paul Celan và Gisèle Celan – Lestrange. |
|
Mùa thu 1962 Kết thúc mối quan hệ với Frish, dẫn tới một loạt vấn đề tâm lý và nỗ lực tự tử. |
|
|
Cuối năm 1962 - Đầu năm 1963 Nằm viện ở Zurich. |
|
Cuối năm 1962 - Đầu năm 1963 Lần đầu tiên điều trị nội trú tại bệnh viện tâm thần. |
Mùa xuân năm 1963 – cuối năm 1965 Sống ở Berlin, đầu tiên ở Akademie der Künste, sau đó từ tháng 6 năm 1963 ở Berlin – Grunewald, Königsallee 35. |
|
|
T7 – T8/ 1963 Nằm viện ở Berlin. |
|
|
|
|
Cuối T10/ 1963 Die Niemandsrose |
|
16/4/1964 Paul Celan và Frisch gặp nhau ở Rome. |
|
1964 Bắt đầu sáng tác Tosedarten; thay đổi ý tưởng, ngừng sáng tác, rồi lại tiếp tục cho đến khi qua đời. |
|
|
17/10/1964 Nhận giải Georg Büchner tại Damstadt. |
|
|
12/11/1964 Gặp Anna Akhmatova tại Rome. |
|
|
1965 Bài phát biểu tại Giải thưởng Büchner Ein Ort für Zufälle với bức vẽ của Günter Grass. |
|
|
7/4/1965 |
|
|
T2 – t3/ 1965, T11/ 1965, T5 – cuối mùa hè năm 1966, T2/ 1967 Nằm viện ở Baden-Baden, mỗi lần vài tuần. |
|
|
|
|
24/11/1965 Cố gắng giết Gisèle Celan-Lestrange, sau đó bắt buộc phải nhập viện tại nhiều phòng khám tâm thần khác nhau (cho đến 11/6/1966). |
|
|
T6/ 1966 Rời S. Fischer Verlag, nơi ông cảm thấy không hỗ trợ đầy đủ cho ông trong vụ Goll; chuyển sang Suhrkamp. |
Mùa thu năm 1966 – cuối năm 1971 Ở Rome, Via Bocca di Leone 60. |
|
|
18/3/1967 Rời khỏi nhà xuất bản Piper Verlag sau khi Hans Baumann, một tác giả có quá khứ theo Quốc xã, được chọn thay Celan để dịch thơ Akhmatova; chuyển sang Suhrkamp. |
|
|
|
30/7/1967 Bức thư cuối Celan gửi tới Bachmann. |
|
|
|
T9/ 1967 Atemwende |
|
19/9/1967 Chắc hẳn là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Celan và Frisch ở Zurich (1970). |
|
|
|
T9/ 1968 Fadensonnen |
|
|
T11/ 1968 – T2/ 1969 Nhập viện tâm thần bắt buộc lần cuối. |
|
|
Khoảng 20/4/1970 Tự tử tại sông Seine. |
Mùa hè năm 1970 Chương “Die Geheimnisse der Prinzesin von Kagran” viết sau cái chết của Paul Celan được đưa vào bản hoàn thiện của tiểu thuyết Malina. |
|
T6/ 1970 Lichtzwang |
|
27 và 29/11/1970 Gisèle Celan – Lestrange và Ingeborg Bachmann gặp gỡ tại Rome. |
|
T9/ 1971 Simultan |
|
|
Từ đầu năm 1972 Căn hộ tại Via Giulia 66, Palazzo Sacchetti. |
|
|
2/5/1972 Nhận giải thưởng của Anton-Wildgans của Hội kỹ nghệ gia Áo dành cho nữ tác giả. |
|
|
|
2/1/1973 Bức thư còn sót lại cuối cùng từ Gisèle Celan – Lestrange tới Ingeborg Bachmann. |
|
14/3/1973 Bố của bà qua đời. |
|
|
T5/ 1973 Chuyến đọc sách ở Ba Lan. Thăm quan Trại tập trung Auschwitz. |
|
|
25 – 26/9/1973 Hỏa hoạn nghiêm trọng trong đêm. |
|
|
17/10/1973 Mất tại bệnh viện Rome. |
|
|
|
|
9/11/1991 Cái chết của Gisèle Celan – Lestrange tại Paris. |
4/4/1991 Cái chết của Max Frisch tại Zurich. |
|
|