Chuyện
Lặp
Chuyện các bà vợ già là một âm nhạc dài điểm nhịp bằng những cái chết.
Cái chết đầu tiên là của chính người đã dựng nên ngôi nhà: một đám tang vang dội gói êm một đoạn cuối đời gần như không còn ý thức. Sau cái chết của người đàn ông trụ cột, chính xác hơn là cái bóng của ông ta, người vợ đến sống cùng chị gái, và vài năm sau, hai bà già béo phị, cô đơn ấy lần lượt qua đời, không trống không kèn. Những cái chết nhạt nhòa của những con người bị đẩy khỏi sân khấu cuộc đời chính mình: sự sống chết lẻ loi ngơ ngẩn của họ chẳng can hệ đến ai, chẳng có chút tác động gì lên chuyển động lịch sử, và dường như bất kỳ ai cũng có thể, chỉ trong vài từ chiếu lệ, tóm tắt xong tồn tại của họ, vì tồn tại ấy làm gì có nội dung nào ngoài sự lặp vô tri đáng ngán, thuần bản năng động vật của những nếp quen.
Nhưng sự lặp - chính nó - là ma thuật không bao giờ được hiểu. Cái chết của những con người đã kiệt sức sống dường như khởi động cỗ máy số phận của những người vừa bước vào sân khấu lớn, với niềm tin chắc chắn rằng chẳng ai ngoài chính mình có thể quyết định đời mình. Họ sẽ sớm hết ảo tưởng, tất nhiên. Vài chục năm sau, kịch bản cũ lặp lại, trong một thế giới đã rất khác: người đàn ông trụ cột chết, hai người phụ nữ lẻ loi đến sống với nhau rồi lặng lẽ qua đời. Dường như có một mê cung đã được giăng từ trước khi con người khốn khổ có ý thức về mình, và càng cố thoát ra, nó càng đi sâu vào đó. Nhưng cũng chính trong sự lặp buồn nản ấy, cái chết và sự sống của những cuộc đời trước mới hé lộ khuôn mặt bí ẩn của chúng. Trong sự khép lại vòng tròn, một nghĩa thành hình, nhưng là sự thành hình không bao giờ hiện ra đầy đủ với ý thức của con người cá nhân.
Nhìn thấy thì không nói nữa.
Đối
Cấu trúc thời gian của Chuyện là lặp, còn cấu trúc không gian của nó là đối. Phố tỉnh và kinh đô, an phận và nổi loạn: những cặp nhị nguyên cứ nhân bội không ngừng. Đến một thời điểm, vật chất tách đôi: các thế giới đối nhau không còn nhìn thấy nhau, hai chị em sống hai cuộc đời biệt lập. Nhưng chính trong sự biệt lập ấy, họ mới tìm thấy hình thức - hiện ra trong hai ngôi nhà mà hai người phụ nữ sẽ trông nom. Một là khách sạn kinh đô, một là cửa hiệu và gia đình tỉnh. Chẳng thể khác nhau hơn nữa, nhưng vẫn từ một khuôn mà ra. Khuôn tinh thần ấy là ngôi nhà Baines, và ở đó, hai người phụ nữ tìm thấy nhân dạng của mình: một người nhà Baines.
Nhưng họ không phải là người dựng nhà, tạo khuôn. Cơ nghiệp cả đời chăm nom, họ có thể bỏ nhẹ như không, khi đã xong việc của mình. Họ thuộc về đám đông những con người không bao giờ có thể coi mình là chủ thể của lịch sử: các thay đổi thời đại (dù tất yếu hay không) chưa bao giờ trở thành đối tượng cho chiêm ngưỡng và băn khoăn của họ. Với họ, không có lịch sử mà chỉ có thời gian. Thời gian cuốn mọi thứ đi; họ nương mình theo - khi đắc thắng, lúc hụt hơi - cố giữ đầu mình chấp chới phía trên mặt nước. Chỉ một thứ thực sự tồn tại với họ: ngôi nhà, và chính khi cuối cùng cũng được tự do chọn sống ở đâu tùy thích, họ chọn bám chắc vào nhà, dẫu lựa chọn ấy có vẻ phi lý chừng nào.
Nó đã thành nấm mồ, tự nguyện.
Nhà
Vì đó là thời đại của sự không-hẳn-nhà: nhà khách sạn, nhà nghỉ dưỡng, nhà trừu tượng, nhà không còn gắn chặt vào một mảnh đất nào. Không phải là chuyện homme du monde: con người trôi dạt và chiêm ngưỡng thế giới, đo mình bằng chuyển động lịch sử [cf. Baudelaire, Họa sĩ của cuộc sống hiện đại]. Một phụ nữ như Sophia của Chuyện hoàn toàn không at home cả trong lịch sử lẫn trong thế giới. Kể cả khi sống giữa lòng những sự kiện lịch sử xoay chuyển thế giới, Sophia vẫn chẳng thấy gì ngoài sự lên xuống của giá cả và tính cơ hội của lái buôn (bao gồm chính nàng): bản tính con người vẫn thế, mọi ý niệm về phá hủy và phục sinh chỉ là ảo tưởng.
Giống Emma Bovary, Sophia cũng được sinh ra cho những độ cao chóng mặt của Lãng Mạn và đã hăm hở lao theo, chỉ để phải bẽ bàng. Nhưng khác Emma, Sophia sớm thấy những cơn ngây ngất chỉ là hiệu ứng của ánh đèn sân khấu - có thể đẹp hoặc lố bịch, và thường là lố bịch, bởi diễn viên tồi, bạn diễn tồi, đạo cụ tồi. Khác Emma, Sophia được nuôi dưỡng với hình dung vững chắc về nhà - vững đến mức Lãng Mạn cũng chưa bao giờ xuyên thủng được. Cả trong lúc điên cuồng nhất, Sophia vẫn thấy mình đang diễn - diễn theo một kịch bản cao vời nhưng vẫn là diễn, và khi màn biểu diễn thất bại, Sophia bỏ luôn mọi trông chờ về thực tại của lý tưởng. Lý tưởng đẹp đấy, nhưng phù du và về cơ bản là không thể trông cậy. Người Pháp hay đấy, nhưng toàn quân lừa đảo. Chính giữa sự hỗn loạn của hoàn cảnh, Sophia mới nhận ra thực tại duy nhất mà mình biết - ngôi nhà và quả thật đã trở thành matron của một ngôi nhà xứng đáng với mình. Ở đó không có đứa con theo nghĩa thông thường. Sophia chẳng còn đủ ảo tưởng cho một ngôi nhà như thế. Người phụ nữ Anh cứng rắn nhận nước Pháp ủy mị, thất thường và đôi khi phản phúc làm con, chăm lo cho nó, rèn nó vào trật tự, dù chỉ trong ngôi nhà - khách sạn của mình. Nhưng đó là cả thế giới của nàng, hình dung thế giới duy nhất có nghĩa với nàng.
Ngoại đề: Trong khách sạn
Một thiếu nữ bỏ nhà, trôi dạt vào một khách sạn hung hiểm rồi trở thành bà chủ của khách sạn ấy. Nàng biết nàng chỉ cần quay về xin lỗi thì chắc chắn sẽ được tha thứ. Nhưng nàng thà chết còn hơn làm thế. Ngôi nhà vẫn ở đó nhưng nàng đã tự cắt đường về. Nàng chỉ chịu quay về khi đã là một bà lớn Paris, khi đã tự lực dựng ra ở đất khách ngôi nhà của chính mình, theo đúng nếp ngôi nhà cũ và có thể ngạo nghễ chê bai ngôi nhà cũ. Nàng lì lợm, giỏi giang và ngu ngốc. Nàng gây cho mình và người khác những đau đớn không cần thiết, và cuối cùng cũng chẳng để làm gì. Nhưng nàng hiểu rõ một điều: dẫu thế nào cũng phải có nhà, dù là một ngôi nhà phiêu bạt. Cả với Henry James, kẻ tự nhận mình là “đứa con của các khách sạn”, một phụ nữ không nhà như Madame Merle vẫn là một bất hạnh, dẫu Madame có được chào đón ở mọi ngôi nhà danh giá trên đời. Madame phải lấy thế giới làm nhà bởi chẳng tìm được ngôi nhà nào đạt được hình dung đã trót quá cao, và Madame dùng nhà của người khác để làm đạo cụ cho màn biểu diễn bất tận của mình, nhất là để gây ấn tượng với Isabel, cô gái trẻ vẫn tưởng có thể thả trôi mình bất tận trong thế giới. Khi bị lột mặt nạ, Madame biến mất khỏi sân khấu của mọi ngôi nhà choáng ngợp. Nhưng người phụ nữ ấy sẽ vẫn ngạo nghễ, kể cả trong thất bại của mình.
Isabel - trẻ trung, giàu có và xinh đẹp - đạt được đúng những gì Madame ao ước: trở thành bà chủ của một lâu đài, với những dạ tiệc vang danh khắp Châu Âu. Được khuôn trong ngôi nhà lộng lẫy, với một trật tự áp đặt bởi lực bạo chúa của chồng, nàng trở thành hiện thân của cái đẹp không thể chạm vào, không thể dò thấu và dường như phi thực: một mặt nạ chết chóc ngay khi đang sống.
Quay về nhà
Arnold Bennett thường bị chỉ trích là quá thích tưởng tượng ngôi nhà, hơn là nhân vật. Trật tự của các gian phòng (ai được ở đâu), cánh cửa và hành lang, từng món đồ trong nhà và nguồn gốc của chúng, vị trí bếp và phòng khách, giờ trà và các nghi lễ, cách phục vụ bữa ăn, cho đến từng cái thìa bạc con con - dịp nào thì mới được dùng: tất cả những thứ tủn mủn ấy thì quan trọng gì? Nhưng đó lại là tất cả, trong thế giới của Bennett, một người con của tỉnh phiêu dạt ra kinh đô, cả đời chỉ mơ làm ông chủ của một khách sạn. Hình dung thế giới của Bennett cũng là một ngôi nhà.
Sự suy sụp tinh thần điểm nhịp bởi những đám tang cách nhau chục năm. Đến khi giờ trà bị xáo trộn và nhất là khi người hầu không chịu ở đúng chỗ của mình, thì chẳng gì còn như trước nữa. Sophia - hiện thân của lý trí và ý chí - cố làm cho chị nàng hiểu sự thật đơn giản ấy: nhà đã không còn ở được, phải đi thôi. Nhưng chị nàng biết một sự thật khác, và đây mới là sức mạnh thực sự của ngôi nhà cùng những người thuộc về ngôi nhà: sức mạnh bản năng điếc đặc trước mọi lý lẽ của nó. Đúng thế, ngôi nhà suy cho cùng cũng chỉ là một khối gạch có thể xây cũng có thể bỏ, có thể mua cũng có thể bán, một cái ổ có thể dựng ra ở bất kỳ đâu. Một ngôi nhà và một suite khách sạn đâu khác gì nhau: cũng tiện nghi, cũng người hầu, cũng có tiền là ở được. Nhưng người chị biết một ngôi nhà đúng là một ngôi nhà vẫn khác. Một ngôi nhà chỉ xứng với cái tên ấy nếu nó ấn được một trật tự tuyệt đối lên những người sống ở đó: một trật tự khiến người ta bức bối nhưng cũng là thực tại duy nhất có thể quy thuận khi chẳng còn biết phải bám vào đâu.
Ngôi nhà Baines, mang trong mình tất cả những linh hồn đã sống và chết, là một ngôi nhà đã xác lập được trật tự. Trật tự ấy nằm ngoài ý thức. Nó ấn lên những người sống ở đó một cái khuôn không thể khác, dù về lý mà nói thì chẳng điều gì, kể cả bổn phận, ràng buộc họ. Sức áp chế của một ngôi nhà cũng đui mù bạo chúa như sự áp chế của tự nhiên lên tạo vật: con chim không biết nó sẽ đẻ trứng khi xây tổ, con nhện không biết nó sẽ săn mồi khi dệt mạng. Tất cả là thể động ngoài lý trí, ngoài ý thức, ngoài mục đích tính. Nhưng nếu không như thế, sẽ chẳng có ngôi nhà nào. Quy luật tương tự có lẽ cũng đúng với hành vi sinh sản.
Khi Sophia chạy trốn khỏi nhà Baines, nàng không chỉ chạy khỏi nhà mình mà - đúng như một người mang triệu chứng thời đại dù không hề ý thức được điều này - nàng chạy khỏi ý niệm về một ngôi nhà bạo chúa, một trật tự tuyệt đối mà tâm hồn có thể dựa vào. Sự đảo lộn mới chỉ manh nha vào thời điểm ấy đã thực sự thành hình vài chục năm sau. Tất cả những gì là vững bền trong trật tự vật, hiện thân của danh dự và giá trị đồng loạt sụp đổ. Không còn những cái măng tô được gìn giữ cả đời, từng đường may đều được kính trọng mà chỉ còn món hàng vài chục xu, nay mua mai vứt. Và cả nhà cũng chẳng còn là nhà, dù người ta có sở hữu nó hay không. Ngôi nhà Baines, với người phụ nữ đã sống và chết cùng nó, là ngôi nhà đích thực cuối cùng. Cả thế giới bỗng đổ sụp, chẳng còn gì nữa, cho đến cả những cái tên.
Sophia không chết trong nhà mà chết trên đường - một cái chết tuyệt đối bí ẩn, bị hiểu lầm bởi tất cả những người “ở nhà”, hoàn toàn xứng đáng với một tâm hồn kiêu ngạo và ngoan cường đến thế. Lần đầu tiên và duy nhất trong đời, nàng được nâng lên một cái gì giống như độ cao thực, tinh thuần của lý tưởng, mà mọi trò diễn hồi trẻ không bao giờ với được.
***
Arnold Bennett (1867-1931) là một trường hợp “lạc quẻ” của thời đại mình. Con của một gia đình làm gốm căn cơ ở tỉnh, Bennett không bao giờ thực sự hòa hợp với lối sống phiêu lưu, liều lĩnh, hào nhoáng của giới nghệ sĩ kinh đô, dù là một nhà văn vô cùng ăn khách. Đó là thời hoàng kim của các flaneur và flâneuse, của sự lạc loài và trôi dạt được nâng thành lý tưởng. Cả các nữ anh hùng khăng khăng khuôn tạo số phận mình của Henry James (1843-1916) cũng đã có vẻ thuộc về một thế giới biến mất. Khi những nhân vật như Katherine Mansfield (1888-1923) hay Jean Rhys (1890-1979), cách Bennett một thế hệ, bước vào sân khấu thì câu chuyện Bennett kể đã trở thành một dạng ngày xửa ngày xưa. Thế giới của những phụ nữ ấy chẳng có gì liên quan đến câu chuyện về nàng Sophia dạt đến khách sạn kinh đô rồi trở thành bà chủ. Đó là cổ tích của những đứa con sinh ra từ chính các gia đình căn cơ ở tỉnh, kéo về thành thị mỗi lúc một đông. Có những người trong dòng chảy ấy hăm hở đánh bạc với cuộc đời, nhưng phần đa mang theo cái khuôn của cha mẹ họ, dựng lên ở chốn mới một ngôi nhà yên ổn theo đúng mẫu ngôi nhà thơ ấu, dù ít tự tín và co cụm hơn nhiều. Sau khi ngôi nhà bạo chúa và trật tự tuyệt đối chết đi, tất cả những gì sau này chỉ còn là cái bóng mờ của nó. Khách sạn, nhà trọ, studio, những khu nghỉ mát hạng sang và chính các ngôi nhà trong thế giới của Jean Rhys và Katherine Mansfield chỉ là thêm một chốn lưu đày khỏi một quê hương chớp hiện trong mơ màng chứ chưa bao giờ được biết.
Như một vĩ thanh khôi hài của Chuyện, sau này Bennett sẽ viết một quyển sách tên Làm sao sống 24 giờ của ngày: một cuốn self-help trước cả khi có self-help, dành cho chính tầng lớp bàn giấy cổ cồn thành thị, con cái của các gia đình tỉnh. Những con người ấy thậm chí chẳng còn một ngôi nhà ở quê để quay về. Các hình thức mới của thương mại cùng những liên kết vùng đã xóa sổ đến cả cái tên của những thị trấn từng uy nghi đến thế. Quyển sách của Bennett dạy người ta làm thế nào để thu xếp được một đời sống tinh thần ổn thỏa trong sự chật hẹp của cảnh mới, làm thế nào để tạo những cái rễ con con cho một đời sống con con. Đúng việc, đúng tông, nó hết sức thành công. Người ta kể rằng chỉ riêng Henry Ford đã mua liền 500 bản, để đem đi phân phát.
Bennett không thuộc vào những người nói được về sự cao và sâu, về những trác tuyệt và hãi hùng của sống. Nhưng đó là một trong những người hiếm hoi kể được, và kể rất cảm động, về hằng hà sa số những người thường. Họ, cả họ nữa, cũng có chuyện. Và ấy không phải là chuyện của một quần chúng làm nên lịch sử, dù ở vai chủ thể hay nạn nhân. Có liên quan gì đâu. Đây là chuyện của một ngôi nhà - nếu không có nó thì chẳng có gì. Đây là sự khôn ngoan bản năng của những con người biết rằng một ngôi nhà, dẫu suy sụp, dẫu nhạt nhòa đến đâu, vẫn là cái khung đỡ sự sống trần thế.
Chỉ cái nhìn ấy mới ghi nhận được sự đáng kính của đời sống tỉnh. Tỉnh, trong Chuyện, không phải là phần âm của kinh đô như trong Balzac hay Flaubert, là chốn bùn lầy nước đọng mà chuyển động lịch sử phải vượt thoát để thành hình. Nó là một thế giới tự đầy đủ, với nghi lễ và ngôn ngữ riêng hùng mạnh, ngang hàng với kinh đô. Đến những ngày hội công cộng nhân danh đám tang của hai bên cũng chẳng kém gì nhau. Cả tỉnh và kinh đô đều cần những cuộc hành hình kịch tính để duy trì sức sống. Với một tâm hồn tỉnh cứng rắn, lịch sử chỉ là một diễn cảnh, một thứ quảng cáo thiếu đứng đắn cho những kẻ vô tri bồng bột, dẫu có thể đầy thiện ý cùng nhiệt tâm. Một người nhà Baines thuần thành, một cư dân gốc gác của Năm Thị Trấn phải biết khinh bỉ một câu chuyện quá hay, vì nó chỉ kích thích những dục vọng thấp kém và dung túng cho yếu đuối. Những con người giản dị nhưng đầy tự trọng ấy hẳn sẽ không thể hiểu và còn khó chịu khi bất kỳ ai cố khuôn sự sống và cái chết của họ thành một câu chuyện, nhất là một câu chuyện “anh hùng”. Họ có ngôi nhà của mình, và không cần biến đời mình thành vở diễn. Nhưng đến lúc, cả họ cũng biến mất, cùng sự biến mất của ngôi nhà.
Khi đám rước tang lễ khởi hành, Mary và Fossette hom hem (di tích duy nhất của mối liên hệ giữa gia đình Baines với Paris) bị bỏ lại một mình trong nhà. Người hầu đầy nước mắt sửa soạn bữa chiều cho con chó và đặt bữa ăn trước mặt nó trong cái đĩa xúp quen trong góc quen. Fossette ngửi rồi bỏ đến nằm trước ngọn lửa bếp với tiếng thở dài của một con chó. Ngày hôm đó những thói quen của nó đã bị lộn tùng phèo; nó có ý thức về sự bỏ bê này, nhờ các sự kiện đã lướt qua tầm lĩnh hội của nó. Và nó không thích điều đó. Nó bị tổn thương và sự ngon miệng của nó cũng bị tổn thương. Tuy nhiên, sau ít phút, nó bắt đầu xem xét lại vấn đề. Nó liếc nhìn và, nghĩ biết đâu ở đó có thể có món gì đáng kiểm tra, nó vụng về gượng dậy trên những cẳng chân già nua, quay lại với đĩa xúp.
Anh Hoa