favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Đông 2024
Next

Charles Lamb: Ba bài từ Elia

01/01/2025 15:36

Gentleman cắn thuốc phiện gọi đến đây một nhân vật Anh quốc nữa: Charles Lamb. Tình cờ, khi cú debut của Thomas De Quincey bắt đầu xuất hiện trên tờ London Magazine cũng là lúc Essays of Elia của Charles Lamb, một trong những văn nhân De Quincey làm quen sớm nhất thông qua Coleridge, đang được đăng rải rác cùng ở đó. Bình luận của De Quincey về Lamb - đặt Lamb trong phả hệ khởi phát từ Rabelais và Montaigne, rồi tiếp nối bởi Sir Thomas Browne, La Fontaine, sau đó là Laurence Sterne và Jonathan Swift - cũng là một trong những gì đúng nhất từng được viết về Lamb, cũng như về chính De Quincey.

Dưới đây là ba bài từ Elia của Lamb. Chúng ta cũng sẽ sớm được đọc Biographia Literaria của Coleridge - một nguồn cảm hứng lớn lao khác của De Quincey - trên Văn Bản

 

Công ty Nam Hải

Thả bộ từ Ngân hàng Anh quốc - nơi bạn đọc nửa năm một lần nhận tiền cổ tức (tôi giả sử bạn cũng giống tôi, một người trông vào món tiền lãi thường niên nhỏ bé) - về bến xe Flower Pot để mua suất xe ngựa về Dalston, Shacklewell hay thị trấn ngoại ô nào về phía Bắc thủ đô này, bạn đọc có bao giờ để ý thấy một công trình xây bằng gạch và đá, đẹp mắt nhưng toát ra vẻ chán đời, nằm về phía tay trái, chỗ đường Threadneedle giao với đường Bishopsgate không?

Bạn chắc không ít lần trầm trồ những khung cửa to lớn, mở thông thống mà nhìn từ ngoài vào sẽ thấy được một phần của khoảng sân nguy nga đồ sộ, nơi có những cột, những hành lang hiếm hoặc không người qua lại. Một công trình hoang vu như thành Balclutha vậy.

Nơi đây đã có thời là một điểm giao dịch - một cái rốn của lãi lời sôi động qua lại. Thương nhân các miền đổ về đây, nơi thình thịch những nhịp đập của lợi nhuận. Nói cho đúng thì ngày nay, nơi đây vẫn còn giữ lại một vài hình thức làm ăn này nọ, nhưng đó chỉ là cái xác đã mất hồn. Vẫn còn lại những cổng vòm đồ sộ, những cầu thang khiến kẻ nhìn choáng ngợp, những văn phòng thênh thang như phòng ốc trong cung vua (nhưng giờ đã bỏ hoang, hoặc chỉ còn lác đác vài anh lục sự đi lại tản mát). Vẫn còn đó những phòng nội vụ, những phòng họp ủy ban với những bức điêu khắc hình sứ giả truyền tin và thần giữ cửa nghiêm khắc; nhưng giờ đây, ngồi ở những phòng ấy chỉ còn những giám đốc đến ngày thì lên ngồi lấy lệ (để thông báo cổ phần nào đã chết). Họ ngồi bên những chiếc bàn dài bị mối xông (mà có thời đã là bàn gỗ xà cừ khang trang), bọc da khảm họa tiết đã mờ, trên bàn là các lọ mực bằng bạc nhưng mực cạn từ lâu. Còn đó lớp gỗ sồi ốp tường, nơi treo những bức hình những vị thống đốc, phó thống thống đốc quá cố, nữ vương Anne và hai vị vua đầu tiên nhà Brunswick. Vẫn còn những biểu đồ hầm hố, bị các phát hiện về sau làm cho lỗi thời. Còn đó những tấm bản đồ đất Mexico, những đường duyên hải eo đất Panama giờ đây đã mờ trong bụi như những giấc mộng. Dọc những hành lang dài, trên những bờ tường chống chọi được bất kỳ hỏa hoạn nào (ngoại trừ vụ cháy gần đây nhất), là những cái xô, mỗi đoạn mắc một cái, cứ thế nối nhau thành một dải, trông thật vô tích sự. Bên dưới toàn bộ cấu trúc này là những dãy hầm chứa, nơi những đồng peso từng tích trữ, nơi thần Mammon thường đến nằm để tìm chút an ủi cho trái tim hiu quạnh. Những đồng tiền ấy đã tiêu tán hết, hoặc rải khắp bầu trời từ độ cái Bong Bóng nọ tan tành.

Công trình mà tôi vừa tả đó, là Công ty Nam Hải, đúng hơn là Công ty Nam Hải mà tôi biết - một di tích kỳ vĩ. Từ bấy đến nay, tuy chưa có dịp tìm hiểu xem Công ty có thay đổi gì không, song tôi nghĩ thời gian chẳng giúp nó phục hồi được. Không gió nào động nổi đầm nước đã ngủ say, và thời gian chỉ hình thành thêm một lớp tù trên mặt nước. Những con mọt vốn béo tốt nhờ ăn gặm sổ cái và nhật ký giờ đã ngơi phá phách, nhưng có những thế hệ ưa sáng đến sau, những kẻ đục đẽo hết sổ kép đến sổ đơn thật tài tình. Lớp bụi mới cứ thế chồng lên những lớp cũ vốn chẳng bị ai sờ đến, trừ những ngón tay tò mò muốn tìm hiểu cách người ta làm sổ sách hồi nữ vương Anne còn trị vì. Hoặc giả, mò tới, nhưng với niềm tò mò tầm thường hơn chút, là các tay đầu cơ hạng xoàng, với dụng tâm tìm ra những bí quyết nằm sau cú lừa mà tầm cỡ của nó được họ ôn lại trong cùng một vẻ sững sờ thán phục, trong cùng một tham vọng sánh vai nhưng không thể đến tầm, mà giới âm mưu mặt choắt đời nay thường tưởng tượng ra tầm cỡ Titan phi phàm của bà Vaux ngày xửa ngày xưa.

Nguyện cho vong hồn của Bong Bóng ấy an nghỉ. Hỡi công trình ngạo nghễ, trên các vách ngươi chỉ còn nghèo túng và câm lặng làm kỷ niệm mà thôi.

Ngươi đứng đây, giữa trung tâm của nền thương mại luôn sống động và trăn trở, giữa cơn sốt, cơn thắt ruột của đầu cơ, giữa kỳ đỉnh cao của thịnh vượng hôm nay; xung quanh nào là Ngân hàng Anh quốc, nào Sàn Giao dịch Chứng khoán, nào Công ty Đông Ấn cứ không thôi chường cái mặt tự đắc như để sỉ vả ngươi, anh láng giềng làm ăn bị bể. Nhưng với những kẻ rỗi rãi và cả ngày chỉ nghĩ ngợi (như ta đây, hỡi công thự cũ kỹ!), thì sự thầm lặng ngươi có gì đó duyên dáng làm sao. Tuy là một sự ngừng nghỉ, tuy là một nét lãnh đạm với mua bán, tuy là một vẻ tự tại gần như kinh viện, song lại vui tươi! Biết bao thành kính tôi đi lại tới lui qua những phòng, những sảnh vào buổi chiều. Những chốn ấy thường nhắc nhở tôi những chuyện đời xưa: người kế toán (nay đã qua đời) với cây bút gài trên tai vẫn còn xẹt qua tôi, người âm mà xơ cứng không khác lúc sinh thời. Tôi không hiểu nổi các con tính, cũng không hiểu những viên kế toán. Tôi không giỏi thao tác với những con số. Thế nhưng những cuốn sổ với hoa văn lắt léo và những đường uốn lượn điểm xuyết màu đỏ, kềnh càng tới nỗi ba viên kế toán ốm o đời nay khéo không hạ nổi từ giá xuống; những cuốn sổ khi mở ra là thấy những con tính dàn thành ba cột, trình bày bằng các ký hiệu thừa thãi mà đi trước luôn là những câu văn tỏ lòng kính sợ trời đất mà nếu không có, tổ tiên kính sợ Chúa của chúng ta ắt chẳng bao giờ dám mở sổ sách hay những đơn xuất nhập hàng; những cuốn sách bọc bằng thứ da dê đắt tiền đến nỗi ta ngỡ mình vừa bước vào một thư viện nào cao cấp hơn, chứ không phải cái công sở này - chính những pho sổ ấy lại tạo cho tôi một cảnh dễ chịu và gây nhiều suy tư bổ ích. Tôi nhìn ngắm xác những con rồng này mà lòng lấy làm kiêu hãnh. Những con dao tay cán ngà hình thù kỳ dị (vật gì cha anh làm ra cũng to quá ngưỡng mà lớp hậu sinh chúng ta mường tượng) mà tôi tìm thấy ở đây quý báu nào thua gì cổ vật lấy về từ Herculaneum! Những hũ đựng phấn của ngay chính thời đại chúng ta cũng bắt đầu lội ngược thời gian rồi.

Những người lục sự làm cho Nam Hải mà tôi còn giữ trong ký ức - đây là chuyện cách đây 40 năm - có một phong thái khác xa những nhân viên công sở mà tôi tiếp xúc từ bấy đến nay. Họ làm nên nét riêng của nơi này.

Đa số họ sống độc thân (bởi công ty không có chuyện trả lương thừa thãi dư dật cho ai bao giờ). Nhìn chung, (vì ít việc) họ nhiều tò mò, nhiều suy ngẫm. Họ là những người truyền thống - vì sao thì tôi đã nói. Họ là chất liệu cho hài kịch, vì mỗi người là một vẻ. Không bị gom lại với nhau từ khi còn non trẻ (và do đó không bị đồng hóa với nhau để sống trong tập thể lớn), song đến với công ty này khi ai nấy đã cứng tuổi, chín dừ, họ mang tới nhiệm sở những thói quen, những nét lập dị đến nỗi không thể lấy một tính chất chung mà nhóm họ lại được. Đâm ra cả công ty là một con tàu Nô-ê. Một đám người lập dị. Một tu viện vẫn nằm trong thế tục. Các đầy tớ trong một đại gia, nuôi vì hình thức nhiều hơn là vì ích dụng, song vẫn là những anh chàng dễ ưa, rôm rả. Không ít người trong số họ còn chơi thành thạo cây sáo Đức.

Viên thu ngân thời bấy giờ là một bác tên Evans, người Wales. Mặt tiền của bác này như bị in lên những nét nóng nảy đặc trưng của đồng bào bác, nhưng sâu xa bác là một trái tim tử tế. Tóc bác rắc phấn, uốn thành lọn không sót một sợi, theo kiểu mà các sách vở châm biếm tôi đọc hồi còn bé gọi là macaroni. Bác là sinh vật cuối cùng của giống người làm đỏm theo lối ấy. Tôi còn nhớ hình ảnh bác buồn bã như con mèo thiến bên bàn giấy nguyên một buổi chiều, những ngón tay đếm tiền như thể ai đứng quanh bác khi ấy cũng là người có vay mà không trả. Trong cơn bệnh tưởng, bác thiếu điều tưởng tượng chính mình là một trong số đó, và trí óc bác bị ám ảnh với ý nghĩ, rằng biết đâu chính bác không trở thành một người ôm tiền rồi biến mất. Gương mặt buồn bã của bác có sáng lên tí chút vào hai giờ chiều, bên đĩa nạc vai bê ở hiệu Alderton, nơi vẫn còn treo bức hình của bác, bức hình được vẽ không lâu trước khi bác qua đời thể theo nguyện vọng của ông chủ quán cà phê mà bác đã đều đặn đến làm khách trong 25 năm giời. Song phải đợi đến chiều, vào giờ uống trà và tiếp khách, sự sống động đó mới như mặt trời đạt thiên đỉnh. Tiếng lộp độp ai ai cũng biết khi những ngón tay bác gõ lên cánh cửa, đồng thanh với tiếng đồng hồ điểm sáu giờ chiều, là chủ đề của những câu đùa vô tận ở những gia đình mà sự hiện diện của ông già độc thân này đã làm cho vui vẻ. Giờ ấy mới là giờ huy hoàng, giờ mà sở trường của bác Evans được phô ra. Bác tíu tít, bác niểm nở hẳn lên bên cái bánh muffin. Bác kể rộng kể dài các bí sử. Khi bác động đến London xưa và nay, thì ngay cả ông Pennant đồng hương bác cũng không tài nào trôi chảy bằng. Bác kể nơi đã từng tọa lạc một nhà hát, nhà thờ, hay một con đường nay đã tàn tạ. Bác kể chuyện hồ Rosomond, Vườn Dâu, Mương Ngầm ngả Cheapside, kèm với bao nhiêu giai thoại ly kỳ mà bác nghe cha ông trong nhà kể lại về những nhân vật kỳ dị được Hogarth làm cho bất tử qua bức Noon. Bác kể luôn chuyện về con cháu của những con chiên xưng tội sống có tiết tháo ấy, những người sau khi trốn chạy cơn cuồng nộ của Louis XIV và những đội kỵ binh của ngài, đã giữ cho ngọn lửa tinh khiết của đức tin tiếp tục cháy, bất chấp trùng trùng chướng ngại mà Hog Lane giăng ra hòng làm lu mờ nó, bất chấp Seven Dials huyên náo đảo điên ở ngay sát bên!

Làm phó cho Evans là Thomas Tame. Bác này có phong thái và dáng cúi của một ông quý tộc. Ví thử gặp bác trên lối đi về phía Westminster, bạn đọc sẽ nghĩ bác là một ông quyền quý nào. Dáng cúi mà tôi nói đây là cúi mình về phía trước. Ta phải hiểu rằng, ở những ông lớn, tư thế này cho thấy thói quen chiếu cố đến người đứng trong chỗ thấp mà hướng lên ta xin xỏ. Suốt cuộc trò chuyện, người ta thấy căng thẳng tột độ, nhưng khi đối thoại chấm dứt, họ cười vào cái nhỏ nhặt thực chất nằm sau những nét bên ngoài đã khiến họ sững sờ trước đó. Trí tuệ của bác này ở vào hàng nông cạn nhất, không đến nổi tầm một câu cách ngôn. Trí óc ấy vẫn ở trạng thái nguyên sơ, như tờ giấy trắng; đến đứa trẻ đang bú cũng bắt chước bác được. Vậy thì quý phái là do đâu? Bác giàu chăng? Thưa không, ông Thomas Tame này nghèo lắm. Bác trai lẫn bác gái nhà này nhìn bề ngoài thì quý tộc, nhưng tôi e bề trong không được như thế. Bác gái thân người còi cọc, điều cho thấy bác không phạm cái tội chiều mình vô độ, song trong huyết quản của bác là máu nóng của nhà quyền quý. Lần qua một mê cung huyết thống mà tôi không tài nào hiểu hết và (khi đang cầm bút viết dòng này) lại càng không thể dựa trên hiểu biết về gia huy mà giải thích cho được, để truy về tổ tiên của bác gái, ta cuối cùng sẽ về được với gia tộc lẫy lừng nhưng bạc mệnh mang tên Derwentwater. Đây chính là cái bí mật đằng sau dáng cúi của bác Thomas. Chính đây là mảnh suy nghĩ, là chút cảm tưởng, là ngôi sao độc nhất chiếu sáng trong đời sống các người, hỡi đôi vợ chồng hiền hòa và vui vẻ, giúp các người tươi tỉnh giữa đêm đen trí tuệ, trong địa vị khiêm tốn của mình. Dòng máu ấy thế chỗ cho giàu sang, địa vị và những thành tựu lấp lánh của đời người; giá trị của nó không thua gì những thứ kia gộp lại. Hai bác chẳng bao giờ ỷ vào nó mà xúc phạm ai, và nhờ khoác nó lên như tấm hộ giáp, không lời xúc phạm nào có thể xuyên qua mà chạm đến hai bác được. Decus et solamen.

Anh kế toán lúc bấy giờ, John Tipp, là một kiểu người rất khác. Anh không hề tỏ ra mình là dòng dõi cao quý, mà cũng chẳng coi chuyện cao quý với không cao quý vào đâu. Anh tin “kế toán là người vĩ đại nhất nhất trần gian, và tôi là giỏi nhất trong hàng các kế toán”. Tuy vậy, John không phải là không có sở thích tinh tế. Anh mượn cây vĩ cầm giải trí vào những giây phút rảnh rỗi. Anh ca, và ca “những khúc chưa đặt cho tiếng lyre xưa của Orpheus”. Anh luyện thanh, anh kéo vĩ thế nào mà để mọi người phát sợ. Bộ com-lê mà anh diện ở văn phòng phố Threadneedle, bộ com-lê chưa cần đèo bòng thêm thứ gì cũng đã thổi phồng hình ảnh của người mặc về chính bản thân mình (tôi không biết giờ này người mặc bộ quần áo ấy là ai) - chính bộ com-lê ấy cứ hai tuần lại một lần được giao hưởng với những khúc nhạc phát ra từ một dàn những bộ ngực “đầy sữa mật” (như các cụ ngày xưa quen nói) từ những câu lạc bộ, những dàn nhạc. Họ là những người hát trong ca đoàn, những tay cello 1, cello 2 trong dàn nhạc nào đó, những thầy gảy contrebasse hay thổi kèn clarinet, những người ngồi xơi thịt cừu lạnh, uống rượu pha và nịnh hót đôi tai của ngài kế toán. John Tipp ngồi giữa họ như đại vương Midas trong truyện xưa. Thế nhưng ở bàn giấy, Tipp là một sinh vật hoàn toàn khác. Nơi ấy, anh tiễn hết những suy nghĩ chỉ có tác dụng điểm trang. Nếu không muốn bị mắng, bạn chớ gợi nhắc chuyện gì lãng mạn: chính trị phải bỏ ngoài, đến tờ báo cũng là thứ quá tinh vi, trừu tượng, bởi nhiệm vụ loài người nơi đây chỉ có một: viết giấy nhận lãi. Cả tháng nay, ngày cũng như đêm Tipp ngồi cộng sổ cho công ty (theo đó, hình như số dư năm nay chênh lệch 25 pound 1 shilling 6 pence so với năm ngoái). Không phải Tipp mù mờ không biết công ty yêu dấu của anh đang “chết” (nói theo lối của dân Trung tâm tài chính), không phải anh không thở dài ước ao được quay về ngày xưa sôi nổi, thời mà các tham vọng của Công ty Nam Hải còn mới mẻ. Tipp đủ sức kiểm toán những sổ sách rối rắm nhất của công ty đang ăn nên làm ra nhất trong ngành, ngày ấy cũng như bây giờ. Thế nhưng đã là kế toán viên chân chính thì lãi năm nay hơn kém năm ngoái bao nhiêu không quan trọng. Đồng farthing ở một hàng thập phân xa xôi, với anh, cũng quý báu không thua gì hàng trăm, hàng nghìn đi trước đó. Anh là một kép diễn có tâm, người diễn vai quân vương hay nông dân sâu như nhau. Với Tipp, khuôn khổ là trên hết. Đời sống anh nằm gọn gàng trong khuôn. Những hành vi của anh như được uốn nắn theo thước mực. Trí óc suy nghĩ ra sao, thì ngòi bút làm theo như thế, không hơn không kém. Anh là người thực hiện di chúc có nghề nhất thế gian, và vì thế những mối thuê anh cứ thế ám lấy anh, khiến lá lách anh bao nhiêu cồn cào, thì lòng tự ái trong anh được bấy nhiêu ve vuốt. Anh sẵn sàng chửi (bởi Tipp quen miệng chửi thề) những đứa trẻ không cha không mẹ mà chính anh được nhờ đứng ra bảo vệ quyền lợi, và sẽ bảo vệ với mức độ quyết liệt không thua gì cánh tay đang chộp giật của một người lâm phút sinh tử. Nhưng bên cạnh đó, ở anh cũng có một vẻ rụt rè (mà những kẻ thù ít ỏi của anh đặt cho một danh từ xấu hơn) - một vẻ mà chúng ta, để tỏ lòng kính cẩn với người đã khuất, sẽ rón rén đặt vào hàng anh dũng. Trời đã phú cho Tipp một bản năng giữ thân mạnh mẽ đến mức đủ dùng. Có một kiểu hèn nhát mà ta không khinh bỉ, bởi ở nó không có gợn thấp kém hay phản phúc nào. Sự hèn nhát ấy lật lọng chính nó, chứ không lật lọng ai. Nhút nhát này chỉ là một tính khí, tức là thiếu những nhân tố lãng mạn và liều lĩnh trong con người. Khác hẳn Fortinbras, nếu thấy con sư tử từ xa, sự nhút nhát ấy sẽ không “xé chuyện bé ra to” vì thấy danh dự bị động chạm. Đời Tipp chưa một lần ngồi xe tứ mã, hay tựa lan can, hay đi trên bờ tường, hay nhìn xuống vực thẳm. Tipp chưa một lần bóp cò súng, không đi chơi thuyền, và nếu can ngăn được thì sẽ không bao giờ bàng quan nhìn kẻ khác chơi món ấy. Và chưa miệng lưỡi nào một lần dám kể rằng Tipp đã vì hăm dọa hay lợi nhuận mà bỏ một người bạn hay một nguyên tắc sống.

Ở ai nữa mà những danh từ chung lại biến thành tên của những tính chất rất riêng, để cho ta một lần gọi người ấy lên từ cát bụi? Sao cháu có thể quên bác được, bác Henry Man, bộ óc thông minh, văn nhân tài hoa, vị tác gia của Nhà Nam Hải? Sáng đến trưa đi (bác làm gì ở văn phòng thế không biết?), có lần nào bác không buông một câu nước đôi sâu cay làm quà? Những lời châm chọc, những câu bông đùa của bác giờ không còn ai nghe nữa, còn lại chăng thì chỉ còn lại trong hai pho sách đã rơi vào lãng quên mà cháu may thay đã vớt được từ một giá sách ở Barbican cách đây chưa đến ba hôm. Cháu đọc mà thấy bác vẫn còn nhát gừng, đột phá và súc tích như hồi bác đương còn. Gặp phải thời cầu kỳ như thời nay, kiểu khôi hài của bác đã hơi cũ kỹ, các chủ đề bác đụng đến tỏ ra xơ cứng khi đứng cạnh những “mốt mới”. Nhưng bác đã có thời oanh liệt trên những số báo Public LedgerChronicles, khi bác bàn về Chatham, Shelburne, Rockingham, Howe, Burgoyne và Clinton, về cuộc chiến mà kết quả là Britain và các thuộc địa bất trị đã đường ai nấy đi. Về cả Keppel, Wilkes, Sawbridge, Bull, Dunning, Pratt, Richmond nữa chứ, và những chuyện chính trị nho nhỏ đại loại thế.

Kém khôi hài hơn chút, nhưng to tiếng hơn nhiều lần, là chiếc thùng rỗng Plumer. Bác là con cháu, nhưng lại không trực hệ (bởi lẽ ở bác này, những khẳng định về dòng giống cũng y như những khẳng định về bản thân, khi nào cũng hơi khuất tất vòng vo), của họ Plumer đất Hertfordshire. Dân gian truyền tụng như thế, và một vài đặc tính phô ra ở cả bác lẫn những ông tổ cũng củng cố mạnh mẽ cho lời truyền tụng. Lão già Walter Plumer (mà người ta đồn đã đẻ ra bác) rõ ràng là một người hư hỏng, hay đi đây đi đó và sang Ý chơi nhiều. Ông này là bác - người bác độc thân nhé - của một chính trị gia nổi bật phe Whig, người đã đại diện hạt Hertfordshire qua rất nhiều nhiệm kỳ Quốc hội và sở hữu một lâu đài nguy nga ở Ware. Bản thân lão Walter thì nổi vào thời George II; chính lão này đã bị Hạ viện triệu tập và chất vấn về vụ gửi đồng franc cho Phu nhân Quận công Marlborough. (Quý vị đọc Đời Cave của Johnson sẽ rõ.) Cave xử lý vụ này rất khôn. Còn bác Plumer của chúng ta thì không bao giờ lấp liếm lời đồn này. Bác còn tỏ ra thích thú mỗi khi có ai, thật tế nhị, nhắc nhở vụ việc ấy. Ngoài những ba hoa về ông cha, Plumer là người thú vị, và có giọng hát sang sảng.

Nhưng Plumer hát sao ngọt ngào bằng người hát - hỡi M. hiền lành, trẻ thơ, hỡi M. của đồng quê mục súc - khi người lấy những giai điệu của miền Arcadia - những giai điệu thần tiên hơn tiếng thở của cây sáo - và chất giọng như vọng về từ rừng Arden, để ngâm khúc ca Amiens gửi tới ngài quận công bị tiếm đoạt của mình, trong có câu

Gió mùa đông, xin cứ thổi

vì gió đâu cay nghiệt đến nỗi

lòng vô ơn của loài người

Cha của người là ông M. khinh đời, ông bõ khó gần của nhà thờ Bishopsgate. Ông ta đã sinh ra người, nhưng chẳng biết điều mình làm, như mùa đông rét cắt đẻ ra đứa con mùa xuân dịu dàng. Nhưng người từ giã cõi đời chẳng được may mắn; phải chi cái chết ấy nhẹ nhàng, yên ủi, như cái chết của thiên nga, thì tốt biết mấy.

Còn nhiều lắm. Nhiều bóng hình kỳ ảo nữa hiện ra, nhưng tôi xin giữ cho riêng mình. Là vì tôi mua nước mắt và cảm thương từ độc giả đấy. Bởi nếu không thì tôi sao dám không nhắc đến bác Woollett lập dị, con người sinh ra là để cãi chày cãi cối và đâm đầu vào những kiện tụng béo bở? Sao tôi dám bỏ qua bác Hepworth còn lập dị hơn nhiều lần, bác Hepworth vô tiền khoáng hậu, đi đứng trang trọng, đến nỗi từ cái “trọng” của bác, Newton chắc cũng suy ra được định luật về trọng lực. Bác chắp bút mới trịnh trọng và nhúng bánh trong trà mới nghiêm cẩn làm sao!

Nhưng giờ phải kết thôi, bởi những bánh xe đêm đang lọc cọc quay nhanh trên đỉnh đầu tôi. Trò giễu nhại nghiêm trang này đến đây kết thúc được rồi.

Này bạn đọc, biết đâu từ nãy tới giờ tôi gạt bạn đấy - biết đâu những cái tên tôi vừa xướng lên là những tên tưởng tượng, trống rỗng, cũng như Henry Pimpernel, hay John Naps người Hy Lạp vậy.

Có thế đi chăng nữa, bạn hãy cứ yên tâm là mỗi tên ấy ứng với một người có thật. Nhưng họ đã nằm trong quá khứ hết rồi.

 

Oxford vào kỳ nghỉ

Cũng như người sành tranh in, hễ đảo mắt xem qua (họ có xem đấy, mà như không xem!) những bản in thì không khi nào quên tham khảo phần lạc khoản ở góc dưới; và xem xong thì phán ngay được rằng bức hiếm lạ nọ là của một ông Vivares hay ông Woollet nào - hẳn bạn đọc đang vừa xem qua đít bài báo này (chưa đọc vội!) vừa tự hỏi “Thế Elia1 là ai nhỉ?”

Trong bài trước, để giải trí cho bạn đọc, tôi đã phác lại tính cách của dăm nhân viên quá cố mà người đời đã quên quá nửa, những người từng làm việc cho một hiệu buôn nay đang chờ chết. Chắc vì thế mà bạn đọc sẽ liệt tôi vào hàng những người làm ấy, xem tôi là kẻ phụng sự cho công việc bàn giấy, một tên lục sự tóc tai tỉa tót, một người (như người ta tả những người ốm đau bệnh hoạn) hút dưỡng chất nuôi thân qua cọng lông gà.

Thì tôi đành nhận vậy. Nửa ngày giời, khi trí óc của văn nhân đang hầu quý vị cần chút thư giãn - và có gì hữu hiệu cho bằng cái thư giãn mà thoạt đầu, khi đem sánh với công việc đèn sách dấu yêu, là đường lối thư giãn tởm lợm nhất - thì tôi đây thích, tôi đây ước ao được phung phí vài giờ để đắm chìm vào nào thuốc nhuộm, nào vải bông, nào lụa, nào vải tấm, có hoa hoặc không hoa. Thứ nhất, ... khi bạn xong việc đứng lên, bạn về với sách vở trong niềm háo hức hơn gấp trăm lần ... đó là chưa kể, những miếng giấy bọc vở, bọc sổ kế toán bỏ đi còn đón nhận một cách vô cùng ấm áp và tự nhiên những chấm phá đầu tiên của những sonnet, epigram, tản văn nữa chứ. Vậy đấy, những giấy vở thừa thãi, vứt đi của một phòng kế toán lại góp thành những bài vở đầu tay của một tác gia. Đã cả ngày trầy trật lần theo “vết xe goòng” mà những con số, những ký hiệu bới ra, cây lông gà giờ đây được trả lại tự do, để vô tư phượng múa rồng bay trên tấm thảm hoa nghị luận giữa canh khuya ... Quý vị thấy chưa, không vì tôi hạ cố làm cái công việc số má kia mà danh giá văn chương của Elia tôi bị suy suyển chút nào.

Tôi kể ra đây cơ man là những phúc lợi của đời sống công sở, nhưng xin đừng ai tưởng tôi làm ngơ trước những hạn chế mà kẻ vạch lá tìm sâu tinh quái hẳn sẽ khui ra khi hắn săm soi chiếc áo nhiều sắc mà cha yêu may cho Giô-sép này. Đến đây tôi xin nghiêm cẩn tỏ lòng tiếc thương những ngày nghỉ đã bị bỏ, những ngày trống việc mang an ủi cho thần hồn con người, những mưa móc của tự do thảng hoặc thăm viếng trần gian xuyên suốt bốn mùa. Ấy là những ngày red-letter giờ đã hóa những ngày dead-letter. Có ngày cho Phao-lô, cho Ê-tiên, cho Ba-na-ba

Anh-rê và Giăng, những người xưa ai cũng biết.

Hồi còn học trường Christ's Hospital, chúng tôi giữ không thiếu ngày lễ nào mang tên những vị thánh này. Đến giờ tôi còn nhớ hình vẽ của các ngài trong cuốn Kinh Chung do Baskett soạn: có hình Phi-e-rơ ngồi tư thế vẹo vọ, hình Spagnoletti vẽ Ba-tê-lê-my chịu án lột da (như Marsyas trong truyện cổ), thứ hình phạt mới lâu la, phiền toái làm sao. Thánh nào tôi cũng trân trọng; tôi thậm chí còn ứa lệ khi nhìn hình Ích-ca-ri-ốt giấu bạc tư túi. Bạn thấy không, các tích thiêng liêng được chúng tôi tôn thờ như vậy đấy. Tôi chỉ hơi hậm hực về việc sáp nhập Giu-đe (không phải Giu-đa) với Si-môn, về việc dồn làm một hai thánh vị khác nhau, để hai ngài phải chia nhau một ngày hội. Đã ban bố những ngày thánh mà còn để những toan tính chắt bóp này chi phối, thì thật là không đáng.

Cứ mỗi dịp có vị thánh nào viếng thăm, là một lần đời anh học trò hay anh kế toán lại bừng sáng. Những chuyến thăm viếng này “soi sáng những nơi bánh xe mình chưa chạm tới”. Ngày ấy, tôi thuộc các ngày lễ không thua một cuốn lịch mùa. Tôi biết ngày thánh này là nhằm tuần sau, hay phải đợi tuần sau nữa. Họa hoằn, do các chu kỳ trùng hợp với nhau, mà chẳng may ngày Hiển Linh lại rơi trúng hôm Sa-bát. Nhưng bây giờ tôi dốt ngày dốt tháng như người ngoại vậy. Xin quý vị chớ lầm tưởng tôi đang lục vấn trí khôn của những vị được đặt ngồi trên để lo liệu việc đời - những người từ xưa đã nhận thấy, rằng còn giữ những lễ này là còn mê tín dị đoan, còn thờ ma giáo hoàng. Nhưng tôi chỉ ước sao, khi đưa ra quyết định giữ hay bỏ một phong tục lâu đời đến vậy, các Tôn Ông Giám Mục giá mà tường tận được - à mà thôi, tôi đang nói chuyện mình không biết rồi. Tôi không xứng làm người vạch ra ranh giới giữa quyền hạn dân sự và quyền hạn mục vụ. Tôi là anh chàng Elia, chứ nào phải Selden hay Tổng Giám mục Usher; mặc dù giờ này tôi đang hăng say giữa những pho sách họ để lại, ngay giữa cái rốn của học hành, dưới bóng của thư viện Bodleian sừng sững này.

Bị cướp mất từ thuở thiếu thời miếng ngon của người đi học, tức là cơ hội đèn sách đến nơi đến chốn dưới hiên một học viện, cho nên để một người như tôi rong chơi cho hết mấy tuần rảnh rỗi thì không có nơi đâu thích thú cho bằng một trường đại học. Chưa kể, kỳ nghỉ của các trường trùng khít với kỳ nghỉ của cánh sổ sách chúng tôi. Nơi đây, tôi dạo chơi mà không bị quấy rầy, tôi cho mình đứng vào cấp bậc, vào địa vị nào cũng được. Tôi có thể dậy khi chuông nhà nguyện ngân, và dậy mà tưởng như chuông ngân vì mình. Lúc khiêm tốn hơn, tôi tự cho mình là một Sizar, một Servitor nào. Phải lúc tính khoe khoang xòe lông ngỗng nổi lên, tôi tỏ ra là một Sinh Viên Tự Túc. Lúc muốn đạo mạo, tôi đi đứng với tư cách Phó Tiến sĩ; mà nói thật, tôi thấy tôi nào thua cái nhân vật được trọng vọng ấy. Ở trường, nhiều người tạp vụ mắt đã mờ, nhiều người đeo kính chuyên đi thay khăn trải giường, đã khôn ngoan nhận quách tôi là một bậc cao trọng đại loại tầm đó, rồi cúi mình hoặc nhón chân chào. Tôi thường mặc đồ đen đi lại cho người ta tưởng như vậy. Riêng ở khoảng sân trường thiêng liêng ở Christ Church, người ta phải tưởng tôi là một ông Tiến Sĩ Nhà Giời tôi mới cam.

Vào kỳ nghỉ, những lối đi là của riêng mình ta - nào những ngọn cây cao ở Christ's, nào những khu vườn ở Magdalen! Những sảnh đường không người, cửa mở toang đón ta bước vô lúc không ai hay biết, cho ta chào hỏi một quý nhân nào có công sáng lập, hoặc một quý bà, một công nương đã làm phúc tặng tiền cho trường (mặc dù khoản phúc đức ấy đáng lẽ phải dành cho nhà buôn chúng tôi đấy). Họ ngồi trong những bức chân dung, nhoẻn cái cười của bậc bề trên với kẻ đã nhận ân huệ và đang cầu nguyện cho linh hồn họ. Xem chừng họ còn muốn biến tôi đây thành người cầu thay cho họ nữa. Thế rồi tôi lại ngó qua nhà chứa rượu và bánh, kho để chén đĩa thơm mùi bếp núc tích tụ từ cổ xưa. Ta đi từng hang bếp, ghé từng lò giữ lửa, những hốc tường ấm áp, những chiếc lò ra lượt bánh đầu tiên cách đây bốn thế kỷ, những bếp than xưa đã nấu nướng cho thi sĩ Chaucer! Nhờ những tưởng tượng của thi sĩ ấy mà đến viên ngự trù thấp bé nhất giữa đống chén đĩa này cũng trở thành thiêng liêng với tôi. Anh Bếp bình thường đã hóa ông Hậu Cần oách.

Ngày Xưa ơi hỡi Ngày Xưa! Người là gì thế, hỡi lá bùa huyền nhiệm? Chính bởi người là hư không, nên người là tất cả! Nhưng thuở người đương còn, người nào đã phải ngày xưa. Thuở ấy, người đặt tên ngày xưa cho một ngày xưa khác còn xưa hơn, và người ngoái nhìn ngày xưa đó với niềm ngưỡng vọng mù quáng. Người thấy bản thân mình nhàm chán, buồn tẻ, hiện đại. Bí mật nào nằm sau sự ngoái lại này nhỉ? Chúng ta là những bán-Janus chăng, những kẻ không thể nhìn phía trước với cùng niềm tôn kính mà họ ngoái lại phía sau? Tương lai đồ sộ là tất cả, ấy vậy mà tương lai với ta dường như hư không! Quá khứ là hư không, nhưng chính nhờ hư không mà lại là tất cả!

Thời tăm tối của người là thời nào nhỉ? Thời ấy, hẳn Mặt Trời lên rực rỡ không khác hôm nay, và hẳn là cứ sáng ra, người ta lại bắt tay vào việc. Khi nghe nhắc tên “Thời Tăm Tối”, tại sao ta luôn có cảm giác, rằng dường như một màn đêm sờ nắn được đã phủ lên diện mạo của sự vật, và tổ tiên chúng ta đã một thời phải tới lui mò mẫm trong bóng tối?

Trong số những đặc sản của người, hỡi Oxford cổ xưa, món mà ta khoái nhất, an ủi ta nhiều nhất, là những kho đụn tri thức đang hóa mùn - những giá sách của người.

Kỳ diệu làm sao khi ta đứng trong một thư viện nhiều năm tuổi! Tưởng như nơi đây là chốn tạm nghỉ, một thế giới nằm giữa hai cõi âm dương làm chỗ dừng chân cho linh hồn cả đám họ, những tác giả đã hiến tặng thành quả lao động cho những thư viện như nhà Bodleian này. Tôi không muốn chạm tay, không muốn làm tục lụy những trang sách xiêu vẹo của họ, bởi vừa làm vậy là tôi liền xô ngã một hồn ma. Lấy ngón tay lần giở các phiến giấy người xưa để lại, tôi thấy mình như hít vào tri thức, và mùi mối xông từ bìa sách cũng thơm như lứa táo đầu tiên kết đơm từ cây-học-biết đứng giữa khu vườn hạnh phước ngày xưa ngày xửa.

Đó là chưa kể, tôi thiếu tò mò đến mức chẳng muốn xáo trộn vẻ ẩn dật cũ kỹ của những bản viết tay. Những variae lectiones2, dù có lôi cuốn được những tì vị ham học hơn tôi, lại chẳng hề khiến tôi thấy lòng tự tin mình bị xao động hay suy suyển tí nào. Tôi không làm cây cào để bới thành Herculaneum lên từ đống đất làm gì. Phải tay tôi, chuyện “ba nhân chứng” hẳn đã được để yên, giá trị nó không bị nghi ngờ. Tôi xin nhường những tình tiết ly kỳ ấy cho ông Parson - và G.D., kẻ mà tôi đã bắt gặp ở một góc tí hin trong trường Oriel, khi chàng đang cần mẫn như con mối bên một tệp lưu trữ đã mục, vốn được tay chàng khui ra từ một hộc tủ gần như chưa ai khám phá. Chúi mũi hàng giờ vào trang giấy, chính chàng như đã biến thành một cuốn sách; bên những kệ sách cổ kính, chàng đứng bất động không khác gì một pho. Tôi những muốn đưa chàng qua Nga bọc da lại, rồi đặt chàng vào một kệ, một ngăn nào xứng đáng. Chàng đã tích lũy đủ để đứng đó làm một pho Scapula đồ sộ.

Cứ thế bền bỉ D. viếng thăm những đền đài này của học thức. Theo tôi biết, từ chỗ vốn liếng chẳng đáng bao nhiêu, chàng đã trích ra một phần không hề nhỏ để chi dụng vào những chuyến đi đi về về giữa các thư viện và Clifford's Inn - nơi chàng, như chú bồ câu một mình giữa hang rắn, đã bao lâu nay trú ngụ, chịu chung đụng với một đám luật sư, thư ký luật sư, những chân chạy việc tòa án, những nhà sáng lập doanh nghiệp, một giuộc sâu mọt sống nhờ hệ thống pháp lý mà chàng không hề hợp tính và bản thân họ chẳng ai hợp nhau. Giữa đám họ, chàng “ngồi trong cái bình an của linh hồn không tội lỗi”. Những chiếc răng nanh của luật pháp không đâm nổi chàng, những cơn bão kiện tụng chỉ thổi vèo qua phòng chàng làm việc. Đến vị chấp hành viên nghiêm khắc cũng kéo mũ chào khi chàng lướt qua. Bất lịch sự, dẫu là theo luật hay trái luật, không khi nào chạm được đến G.D. Không ai màng đến chuyện sử dụng vũ lực hay gây điều bất công với chàng bao giờ, bởi làm thế có khác nào “đánh đập một ý niệm trừu tượng”.

D. nói với tôi, rằng đã nhiều năm nay chàng khổ công đi sâu vào từng ngóc ngách kỳ bí liên quan đến hai trường Đại Học ở nước ta. Mới đây, D. bắt gặp một tập gồm những hiến chương viết tay liên quan đến C(ambridge) mà nhờ nó, chàng hy vọng sẽ giải quyết dứt điểm được một số chỗ còn tranh cãi, nhất là tranh cãi về chuyện trường nào có trước, trường nào sau. Tôi e rằng ở đây hay C(ambridge) cũng thế thôi, cái nhiệt tâm mà chàng dâng hiến cho những tìm tòi vô tư này vẫn chưa nhận được sự khích lệ nó xứng đáng. Những ông ủy viên hội đồng lãnh đạo trường đại học và những ngài hiệu trưởng lại là những người ít để tâm nhất đến các vấn đề này. Tu lấy dòng sữa từ mẹ Alma Mater mà đã thấy thỏa lòng, và chẳng cần tọc mạch hỏi xem những quý nương nuôi dưỡng mình năm nay đã bao nhiêu tuổi, họ thậm chí còn cho những chuyện ly kỳ của D. là vô duyên, là bất kính. Đã nắm trong tay mảnh đất mỡ màu, họ thấy chẳng việc gì phải đào bới địa bạ lên xem xét nữa. Tôi nghe từ chỗ khác thì biết thế, bởi D. là người chẳng bao giờ thấy khó mà phàn nàn.

Khi bị tôi làm gián đoạn công việc, D. nhảy dựng lên như con bò cái chưa thuần. Cứ xét tính nết hai đứa tôi, đáng lẽ chúng tôi khó có cơ duyên bắt gặp ở trường Oriel. Thế nhưng ở đâu cũng thế thôi - ở Clifford's Inn hay Temple cũng vậy - nếu tôi đột ngột tiến sát bên chàng, hẳn chàng cũng giật mình như thế. Không những mắc chứng cận thị (hậu quả của đèn sách đêm hôm và đọc viết dưới ngọn đèn dầu) mà do đó chàng trở nên gợi đòn cho kẻ khác, D. còn là người đãng trí nhất trần đời. Vào một buổi sáng cách đây không lâu, D. ghé chơi nhà anh bạn M. ở Bedford Square. Vì không có ai ở nhà tiếp, nên chàng được người nhà dẫn vào hành lang, nơi chàng xin giấy bút và, trong một quyết tâm sắt đá, điền tên mình vào sổ, đúng loại sổ thường vạ vật ở những chỗ như hành lang để ghi nhận những lỡ dở của vị khách đen đủi hoặc đến chơi không phải lúc. Thế rồi chàng ra đi sau ôi thôi bao nhiêu chào hỏi, bao nhiêu lời bày tỏ tiếc nuối. Hai, ba tiếng sau, trăm nghìn hướng đi rồi lại trỏ về khu nhà ấy, và rồi hình ảnh mọi người quây quần bên ngọn lửa ở nhà anh M. - nơi có chị M. chủ xị cuộc chuyện y như Nữ vương Lar, kế bên nữ vương là cô A.S. xinh xắn - lại dồn dập đến mức khôn cưỡng trong trí tưởng tượng của chàng, để rồi chàng lại ghé nhà M. (mà quên rằng họ “chắc chắn đến hết tuần lễ này vẫn chưa quay lại”). Thất vọng lần thứ hai, G.D. lại xin giấy bút, người ta lại mang sổ ra cho chàng nhắn, và ở dòng ngay trên dòng chàng sắp sửa viết tên G.D. thứ hai, tên G.D. thứ nhất (chưa ráo mực!) trừng trừng nhìn chàng như thể bắt gặp Sosia của mình, như thể một người bất chợt nhìn thấy bản sao của anh ta! Chắc quý bạn đọc mường tượng được chàng cảm thấy thế nào. D. không biết bao nhiêu lần hạ quyết tâm không đãng trí như vậy nữa. Mong là chàng quyết tâm không quá cao.

Bởi lẽ với G.D., lìa bỏ thân thể này (tôi không dám mở miệng báng bổ) nhiều khi lại đồng nghĩa với việc ở cùng Chúa. Nếu chàng có đi ngang qua mà không nhận ra bạn - hay nếu, như con thú giật mình, chàng nhảy dựng lên khi bị bạn chặn lại giữa đường - thì bạn đọc ơi, đó là lúc chàng đang lang thang trên đỉnh Tabor, hoặc núi Parnassus, hoặc vi vu cùng tầng giời với Plato, hoặc đang hội ý với Harrington để vẽ ra những “cộng hòa bền vững”, nâng cao đời sống cho đất nước hoặc giống loài chúng ta đấy. Hoặc không khéo chàng còn đang ấp ủ một nghĩa cử có tình, có lễ phép nào để dành đến một cá nhân, dành đến bản thân bạn đấy, bạn đọc ạ; đến nỗi khi nhận ra bạn đang đứng trước mặt, chàng xấu hổ giật mình trước sự hiện diện sỗ sàng của cái con người bằng xương bằng thịt là bạn.

Ở đâu D. cũng vui, nhưng ở những nơi như thế này chàng phơi phới hơn cả. Chàng không mặn mà gì với Bath. Ở Buxton, ở Scarborough, hay ở Harrowgate, chàng đều gượng gạo. Với chàng, sông Cam và sông Isis “tốt hơn mọi con sông ở Đa-mách”. Cũng như các Chàng Chăn Chiên sống vui vẻ và ngay lành trên Núi Vui, thì chàng G.D. cũng sống ngay lành và vui vẻ trên núi mà các Thần Thơ cư ngụ. Nếu có dịp được chàng đưa đi tham quan các Trường, các Nhà thuộc các Đại học, bạn sẽ ngỡ mình đang bên Thầy Giải Kinh Thánh đi từng bước thăm căn Nhà Mỹ Hạnh trong truyện kể năm nào.

 

Tai

Tôi không có tai.

Xin bạn đọc chớ hiểu lầm, chớ tưởng rằng tôi sinh ra đã thiếu hai mẩu thịt sinh đôi nọ, cái cặp trang sức lơ lửng treo, đôi vành (nói theo ngôn ngữ kiến trúc) xinh đẹp trang trí cho hai bên của đầu-cột bằng thịt người này. Tôi mà thiếu hai cơ quan ấy, thì thà mẹ tôi nuốt tôi vào bụng. Xét hai cái địa đạo ấy, trời đã ban tặng cho tôi vừa đủ chứ không dồi dào. Về mặt này, tôi thấy không cần phải ghen cái đôi tai sung túc của con lừa, cũng không tị nạnh hai cái ống dẫn kỳ diệu như mê cung, khác nào hai tên mật thám mẫn cán, của con chuột chũi. Đời tôi chưa lần nào phải chịu, hay làm gì để mà phải chịu, cho ngũ quan mình biến dạng ghê gớm như Defoe ngày xưa. Tôi cũng chưa lần nào - như ông ta - phải tự trấn an rằng có chịu phép gia hình ấy cũng không sao, hay phải lấy câu “chẳng việc gì xấu hổ” tự an ủi. Tạ ơn sao chiếu mệnh, tôi chưa lần nào phải đeo gông thị chúng, và nếu tôi xem sao đúng, thì mệnh tôi sẽ không bao giờ vướng nạn ấy.

Tôi nói tôi không có tai, chắc bạn đọc sẽ hiểu ý tôi là không có tai nghe nhạc. Nhưng nếu nói rằng trái tim này chưa một lần tan chảy vì một hòa âm êm dịu, ấy là tôi tự bôi nhọ quá đáng. Water parted from the sea3 lần nào cũng cảm động trái tim ấy đến lạ lùng. In infancy4 cũng thế. Nhưng đó là những khúc ca ngân vang từ một người đàn bà quý phái - người đàn bà dịu lành nhất, quý phái nhất trong đám người được gán cho tính từ ấy - khi bà ngồi bên chiếc harpsichord của mình cất tiếng hát. Tội gì tôi không gọi tên bà: đó là bà S., một thời là nàng Fanny Weatheral của the Temple; đó là người có đủ quyền năng làm khấp khởi hồn vía Elia, dù hắn lúc bấy giờ mới đang là một con yêu tí hon, còn ở tuổi mặc áo choàng dài quá khổ. Người đàn bà ấy đã khiến hắn sáng bừng, run rẩy, khiến mặt hắn đỏ rẫy vì một xúc cảm; và chính cảm xúc này là hừng đông, là báo hiệu của cái tình cảm tiêu nuốt thần hồn dành cho nàng Alice W---n mà định mệnh sẽ đưa đến, và khi đã đến, nó sẽ ngập tràn và khuất phục cả xác thân hồn phách chú Elia nọ.

Về đường tình cảm, tôi thích sự hài hòa; thế nhưng về đường sinh lý, tôi không cảm được giai điệu. Tôi đã dành cả đời tập bài “God Save the King”; nào huýt sáo, nào rì rầm tự nghe mỗi khi một mình một góc. Như mọi người nhận xét, tôi hát vẫn sai nhiều nốt quá; ấy thế mà cái dạ trung quân của Elia này chưa một lần suy suyển.

Tôi không khỏi nghĩ rằng trong tôi có năng khiếu âm nhạc bị thui chột. Vì rằng sáng hôm rồi, sau khi tôi đã phóng túng múa may trên cây đàn piano của A bạn tôi (trong khi bạn đang bận việc ở phòng kế bên), A khi quay về đã hài lòng nhận xét, rằng người mới chơi đó chắc chắn không phải cô hầu. Sau phút đầu ngỡ ngàng vì những nốt nhạc thanh thoát và điêu luyện, vì không tin tôi đã tạo ra chúng, bạn tôi đã ngờ cho cô Jenny. Nhưng khi nghe đến một nốt hoa mỹ nọ, vốn chỉ có thể xuất phát từ một thẩm mỹ phi thường, thì ngay lập tức A tin rằng, một sinh vật nào đó - kỹ thuật có thể thiếu, nhưng chắc phải được dìu dắt bởi một nguyên tắc cao cấp bao trùm lên tất cả các nghệ thuật - đã đưa các phím đàn vào một không khí mà Jenny, dẫu có dốc hết nỗi nhiệt thành ít học của nàng, cũng không khiến chúng vang lên được. Tôi kể lại việc này là để minh họa cho cái óc biết suy xét của bạn tôi, chứ không hề có ý hạ thấp Jenny.

Xét từ góc nhìn khoa học, chưa có cách nào cho tôi hiểu được (dù tôi đã nhiều cố gắng) nốt nhạc là như thế nào, hay sự khác biệt giữa các nốt là gì. Với giọng, tôi lại càng không phân biệt được soprano với tenor. Chỉ có bass, bass hẳn, là đôi khi tôi còn đoán ra được vì nó đặc biệt chối tai. Đến như dùng những thuật ngữ đơn sơ nhất để gọi tên chính thứ mình không biết, mà tôi còn sợ mình sẽ dùng sai. Tôi nhận tôi dốt, nhưng dốt cái gì thì tôi chưa biết nói. Chưa chắc tôi đã gọi tên đúng thứ tôi ghét. Sostenuto và adagio đối với tôi mù mịt như nhau; sol, fa, mi, re cũng rối rắm như luật Baralipton vậy.

Thời nay - là thời mà người ta nắm bắt những âm thanh hài hòa vừa nhanh, vừa sành sỏi hơn mọi thời đi trước (tính từ ngày Jubal phát hiện ra thang âm) - tôi thấy rất khó đứng lẻ loi, rất khó mãi mãi một mình trơ lì trước những ảnh hưởng ma mị của cái nghệ thuật được xem là an ủi, nâng đỡ và tẩy gột tình cảm con người đặc biệt công hiệu. Nhưng vì không cam tâm chặn đứng dòng chảy trung thực của những thú nhận này, cho nên tôi phải thừa nhận với quý vị, rằng cái năng lực được người đời ca ngợi này đã mang cho tôi nhiều khổ hơn là sướng.

Tôi sinh ra đã nhạy cảm với tiếng ồn. Quai búa bác thợ mộc, vang lên một chiều hè ấm áp, cũng đủ làm tôi nổi cơn cuồng giữa hạ. Ấy vậy mà những tiếng ồn rời rạc, không liên hệ đó lại chưa là gì so với cái họa của âm nhạc có tiết nhịp. Với những tiếng ồn đơn lẻ kia, lỗ tai ta thụ động tiếp thu. Không mạch nào phải theo đuổi, nó vui vẻ nhận những lằn roi vô thưởng vô phạt. Nhưng đã động đến nhạc thì không thể thụ động nữa. Kém cỏi mặc dầu, cái tai - ít nhất là tai tôi - sẽ ra sức lần đường thoát khỏi mê cung, giống như mắt người chưa học đọc cố lần theo chữ tượng hình. Tôi có lần đã chịu ngồi xem một vở nhạc kịch Ý cho đến lúc, vật vã khôn tả, tôi phải chạy vội đến những nơi ồn ào nhất ở phố đông. Tôi đến đó để tìm an ủi trong những thanh âm không đòi hỏi tôi phải dõi theo, để trốn chạy đòn tra tấn đến từ việc chú ý lắng nghe cho đến vô tận mà vẫn hoài công vô ích. Sự chú ý ấy khiến tôi quằn quại đến lạc cả phách! Tôi nương náu trong mớ âm thanh đời thường bộc trực và khiêm tốn; cái là luyện ngục đối với Thầy Nhạc Chánh Thạnh Nộ, với tôi lại là địa đàng.

Tôi đã từng ngồi dự khán một vở Thanh Xướng Kịch (vốn là sự dung tục hóa những mục đích đặt ra bởi sân khấu kịch vui tươi gấp bội). Tôi nhìn những gương mặt khán giả ngồi trong sân5, bất động, hoặc giả tạo một cảm xúc nhạt nhòa nào đó (thật khác bao nhiêu cái cử tọa toe toét trong tranh Hogarth vẽ!); tôi đã nhìn họ cho đến khi - đúng như người ta kể về thế giới bên kia, nơi những gì ta chăm chú làm chỉ là cái bóng của những công việc đem cho ta niềm vui hồi còn ở dương thế - tôi ngỡ đâu mình đã rơi vào nhà hát nào dưới tận Hades, nơi mọi hình thức của nhà hát ở đất này được giữ nguyên, nhưng mọi vui hưởng thì mất hết, giống

bữa tiệc trong sảnh lớn

...

khách ai cũng lặng im

ai cũng chịu nguyền rủa

Những concerto, những nhạc phẩm (theo cách gọi của người ta), chúng hành hạ, chúng khiến cho trí tuệ tôi nhuốm vị cay đắng. Có câu chữ, tức là còn có gì đó. Thế nhưng phải hứng chịu những tràng đạn pháo âm thanh không bao giờ chấm dứt; phải nằm chờ chết trên cỗ giường đầy hoa hồng; phải cố gắng không ngừng nghỉ để duy trì một tình trạng mệt mỏi; phải thêm mật vào đường, thêm đường vào mật cho đến khi niềm ngọt ngào đơn điệu đã đạt đến vô cùng; phải điền cảm xúc vào âm thanh, phải kéo giãn các hình dung để theo kịp với tiếng nhạc; phải ngước lên khung trống trơn, tự mình vẽ tranh vào; phải đọc một cuốn sách toàn dấu chấm, còn câu chữ tự mình phải cung cấp; phải căn cứ vào những cử chỉ xa xôi, được diễn viên thực hiện một cách vô lối và khó hiểu, mà tự sáng tác tại chỗ một vở bi kịch cho khớp - đây mới chỉ là cái bóng nhạt mờ của những gì tôi nếm trải sau khi đã dự khán một lô các tác phẩm (thuộc cái thể loại khí nhạc trống rỗng ấy) được sáng tác ở tầm điêu luyện nhất.

Phải nói là lúc mở đầu một buổi hòa nhạc, tôi có cảm thấy thứ gì đó du dương và đẹp; nhưng về sau chỉ có mệt nhọc và áp bức. Hệt như khi đọc cuốn sách khiến lòng người rã rời, mà ai kia đã viết ở Patmos. Cơn buồn của Burton xâm chiếm như thế nào, thì ở đây âm nhạc cũng quỷ quyệt mon men đến bên như thế. “Với những người bị ông xanh ban cho cái bệnh buồn, thì sung sướng nhất là được thả bộ một mình bên bờ suối trong mảnh vườn cô liêu nào đó, có một bên là rừng, bên kia là nước; và được ngâm ngợi một chủ đề hay ho, vui vẻ khiến tâm can mình xúc động - một huyễn tưởng đẹp - một tự phỉnh mê say. Họ sung sướng vô song khi được xây lâu đài giữa không trung, khi tự cười với mình, khi vào vô số vai, những vai mà họ tưởng như mình đang diễn, những tình huống họ tưởng như đang xảy ra. Mới đầu, những trò này vui đến độ họ có thể dành cả ngày lẫn đêm, thậm chí nhiều năm trong những suy tưởng, những ngâm ngợi huyễn hoặc như mơ ấy. Tưởng như không gì lôi kéo họ ra được - họ lên dây rồi nhả chính mình như những con đồng hồ, cứ phăm phăm tự làm mình vui sướng - cho đến khi CẢNH VẬT BỖNG DƯNG XOAY CHUYỂN. Bấy giờ, đã quá quen với những ngâm ngợi và nơi chốn cô liêu như thế, họ không muốn cho người nào lởn vởn quanh mình, trong đầu họ chỉ toàn những ý nghĩ khắc nghiệt và kinh tởm. Sợ hãi, sầu muộn, hồ nghi, subrusticus pudor6, bất mãn, lo âu và nỗi chán đời bỗng chốc xông hãm, khiến họ không nghĩ nổi đến chuyện gì khác. Họ không ngớt lo lắng rằng vừa khi mở mắt, thì cơn bệnh từ luyện ngục gửi lên mang tên sầu muộn này sẽ vồ lấy họ, khiến linh hồn họ kinh hãi, và mang đến cho dòng suy nghĩ họ một đối tượng gớm ghiếc. Bấy giờ có dùng cách nào, có vất vả bao nhiêu, có thuyết phục bằng lý lẽ trên trời dưới đất gì chăng nữa, họ cũng không tránh nổi, không gạt bỏ nổi đối tượng ấy, mà lại cũng không thể đừng cho nó vào đầu được.”

Tôi đã từng có kinh nghiệm tương tự với pha CHUYỂN CẢNH mà tác giả nhắc đến; đó là những tối họp mặt ở nhà anh Nov—, người bạn Công giáo của tôi. Bản thân anh là một nhạc công điêu luyện; với cây đàn organ hết ý, anh đã biến phòng khách của mình thành nhà nguyện, những ngày trong tuần thành hết ra Chủ nhật, và đến Chủ nhật cũng nhờ anh mà đổi ra những thiên đàng tí hon.

Khi bạn tôi khởi tấu bản nào trong số những khúc thánh ca rất thánh mà đôi tai tôi (lúc bấy giờ không chăm chú gì) đã có lần - một lần cách đây ba mươi lăm năm - vô tình bắt được trong khi lang thang dọc những hành lang bên hông của cái tu viện mờ sương ngày ấy; khi khúc thánh ca mà bạn chơi (dẫu là bài thi thiên có anh thi sĩ, đã yếu mỏn dưới sự bắt bớ của những kẻ gian tà, nên giờ đây ước sao mình được chắp đôi cánh bồ câu; hay là bài nọ, cũng buồn và nghiêm không kém, trong có hỏi cách nào để một gã trai trẻ gột sạch được đây tâm trí mình) đánh động một cảm nghĩ mới và mang trở lại cho trí cái niềm thành kính xa xưa của hồn - khi ấy, một cảm giác an bình thiêng liêng tràn ngập tôi. Trong phút giây, tôi

Sướng lên tận tầng không

tôi hân hoan một hân hoan mới mẻ

mà ông trời chưa hứa hồi lọt lòng.

Thế nhưng khi thầy phù thủy này, thấy một linh hồn đã phủ phục thôi chưa đủ, lại tiếp tục thi triển quyền phép trút lên linh hồn ấy nhiều hoan lạc hơn nó biết hưởng; khi vị pháp sư muốn chiến thắng “cái phàm” trong hồn người bằng “cái thiêng” của mình; khi hắn, đằng đẵng hàng giờ, dẫn thêm lại thêm những đợt sóng từ biển âm thanh, hay cụ thể hơn là từ cái đại dương Đức vô tận, nơi đang cưỡi lưng cá voi và lướt đi trong đắc thắng là hai gã A-ri-ăng đầu sỏ, tên Haydn và Mozart, đứng hầu hai bên là hai tên triton tên Bach và Beethoven, sau lưng là một bộ lạc đông vô số, đến nỗi nếu đếm chắc tôi sẽ lại lao xuống vực mất. Tôi lao đao dưới quả tạ hòa âm, tôi loay hoay quằn quại. Những đám mây, như thể khói hương, xông hãm tôi; những linh mục, những bệ thờ, những người ôm lò hương cứ thế diễu qua diễu lại trước mắt tôi. Đạo của bạn tôi giăng lưới bắt tôi. Bóng một mão triều thiên ba tầng đổ lên hàng mày mới đây còn sạch trơn, quang đãng của bạn. Bạn là Giáo hoàng mất rồi, và ngồi bên bạn - theo đúng lẽ phi lý của những cơn mơ - là một Nữ Giáo hoàng, cũng đội nón ba tầng y hệt! Tôi trở lại Công giáo mất rồi, nhưng tôi vẫn là Tin lành Kháng cách. Tôi vừa là malleus hereticorum7, vừa là một tên dị giáo đầu sỏ; nói đúng hơn, con người tôi là ba cái dị giáo khác nhau: tôi là Marcion, Ebion và Cerinthus đập một; vừa là Gót, vừa là Ma-gót. Tôi cứ thế, cho đến khi mâm bày thức ăn đêm, cái mâm hiền hòa thân thuộc, được dọn lên để đánh tan viễn tượng nọ, và một ngụm bia đậm đà hương vị Luther (qua đó bạn tôi cho thấy bạn không hề giáo điều câu nệ) ngay lập tức đưa tôi về những suy lý thuộc về một đức tin tinh khiết hơn, và trả lại cho tối bộ mặt hiền hòa thật có của ông bà chủ.

Nguyễn Công Nam dịch

1 Đọc là “I-lai-a”.

2 Tiếng Latin: những kiến giải khác nhau.

3 Nước rời bể.

4 Hồi bé thơ. Đây là tên những ca khúc do Thomas Arne soạn.

5 Tiếng Anh là pit, khoảng nền nhà không có ghế, nơi những người mua vé rẻ nhất có thể ngồi bệt hoặc đứng xem.

6 Tiếng Latin: nỗi sợ mình quê mùa.

7 Tiếng Latin: cái búa diệt dị giáo.

về Charles Lamb

Thomas De Quincey đọc Lamb

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công