Borges về Chesterton
Gu văn chương của Borges rất đặc biệt, có thể nói là không giống ai. Nhưng càng ngày người ta càng thấy Borges có lý như thế nào khi say mê các nhân vật như Léon Bloy, hay Chesterton. Đấy vẫn cứ là một sự hướng dẫn lớn cho sự đọc của chúng ta.
“Bởi Ngài không lấy đi nỗi sợ hãi trên loài cây ấy”
- Chesterton, Lần thơ ấu thứ hai
Edgar Allan Poe viết những truyện thuần túy kinh dị hoặc thuần túy bizarrerie; ông phát minh ra thể loại trinh thám. Một điều chắc chắn khác: ông không bao giờ trộn lẫn hai thể loại ấy. Ông không bắt nhân vật C. Auguse Dupin phải phá vụ án mạng cổ trong Người trong Đám Đông hay lý giải biểu tượng đã khiến Prince Prospero đeo mặt nạ khiếp đảm trong căn phòng đen và đỏ. Ngược lại, Chesterton lại thỏa sức trình diễn những màn tour de force ngập tràn dục vọng và hân hoan. Mỗi truyện trong Saga Cha Brown đều trình hiện một bí ẩn, xòe ra những lời giải thích nhuốm màu quỷ dị hay thần thuật, rồi cuối cùng thay thế chúng bằng những lời giải thích hết sức trần tục. Sự lôi cuốn của những mẩu truyện ngắn ấy không chỉ dừng lại ở kỹ thuật; tôi tin mình nhận ra trong những tác phẩm ấy bản yếu lược về cả cuộc đời Chesterton, một biểu tượng hay suy tưởng của Chesterton. Việc trở đi trở lại với công thức ấy qua rất nhiều năm tháng và nhiều tác phẩm (Người Biết Quá Nhiều, Thi Sĩ và Người Điên, Nghịch lý của Ngài Pond) dường như xác nhận đây là một hình thức cốt yếu chứ không chỉ đơn giản là một kỹ thuật khoa trương. Các ghi chép này của tôi hòng cố gắng giải mã hình thức ấy.
Nhưng trước hết, ta phải nhìn vào lại vài sự thực có lẽ đã quá hiển nhiên. Chesterton là tín đồ Ki-tô giáo, ông tin tưởng vào cái thời Trung cổ của nhóm Tiền-Raphael (“London nhỏ bé, trắng muốt và sạch sẽ”). Cũng giống như Whitman, Chesterton cho rằng riêng việc tồn tại không thôi đã phi thường tới mức không bất hạnh nào có thể tước đoạt lòng biết ơn vũ trụ khỏi chúng ta. Đó có thể là một niềm tin chính đáng, nhưng nó chỉ gợi lên một sự quan tâm rất hạn hữu; cho rằng Chesterton chỉ đem đến có ngần ấy là quên mất rằng tín điều chỉ là nền tảng cho một chuỗi quá trình diễn biến tinh thần và cảm xúc, và rằng mỗi người đều là một chuỗi hoàn chỉnh như thế. Ở Argentina, người Công giáo tán tụng Chesterton, người tự do tư tưởng thì lại gạt bỏ ông. Như mọi nhà văn tuyên xưng tín điều, Chesterton bị phán xét thông qua nó, bị lên án hay ca ngợi cũng bởi nó. Trường hợp của ông không giống của Kipling, người luôn bị đính kèm trong mối liên hệ với nước Anh Đế quốc.
Poe và Baudelaire phác ra một cõi kinh hoàng, như Urizen khổ đạo của Blake cũng từng làm; việc tác phẩm của họ tràn ngập những hình ảnh rùng rợn là điều tự nhiên, dễ hiểu. Theo tôi, Chesterton sẽ không chấp nhận bị gán ghép là người bày cơn ác mộng, một monstrorum artifex (Pliny, XXVII, 2), nhưng ông lại không thể tránh khỏi xu hướng quay về với những quan sát thảm khốc. Ông tự hỏi liệu có khi nào con người có ba mắt, hay một con chim có ba cánh; để phản bác các nhà phiếm thần luận, ông kể về một người đã chết và phát hiện ra trên thiên đường, các linh hồn trong dàn đồng ca thiên thần đều có chung khuôn mặt với mình; ông nói về nhà tù bằng gương; mê cung không trung tâm; người đàn ông bị những cỗ máy kim khí tự động ăn thịt; cái cây nuốt chửng chim chóc rồi mọc lông thay vì mọc lá; ông tưởng tượng (trong Một người tên là Thứ Năm, VI) “rằng nếu một người cứ thế đi về phía Tây đến tận cùng thế giới, hắn sẽ tìm được gì đó - tỉ dụ một cái cây - nhưng là một cái cây có chút trồi trụt, một cái cây bị quỷ ám; và nếu cứ thế đi về phía Đông đến tận cùng thế giới, hắn sẽ tìm thấy được gì không nguyên vẹn là chính nó - một tòa tháp, có lẽ, với các đường nét đều rất dị hợm”. Ông định nghĩa cái gần bằng cái xa, thậm chí bằng cái tàn bạo; khi nói về đôi mắt, ông dùng lời Ezekiel (1:22) “viên tinh thể khủng khiếp”; khi nói về đêm, ông hoàn thiện nỗi khiếp sợ cổ xưa (Khải Huyền 4:6) và gọi nó là “quái vật làm từ mắt”. Câu chuyện Cách Tôi Tìm Được Siêu Nhân cũng được minh họa hệt như thế. Chesterton nói với cha mẹ Siêu Nhân; khi ông hỏi họ về ngoại hình đứa con họ, kẻ chưa bao giờ rời khỏi căn phòng tối, họ nhắc ông rằng Siêu Nhân tạo ra luật lệ riêng và phải được đánh giá bằng chính luật lệ ấy. Nhìn từ góc đó, cậu sẽ đẹp hơn cả Apollo; nhưng nhìn từ góc độ phàm nhân, dĩ nhiên là… Rồi họ thừa nhận rằng khó mà bắt tay được với cậu do khác biệt về cấu tạo. Thực tế, họ chẳng thể xác định chính xác liệu cậu mọc tóc hay lông vũ. Sau khi cậu bị giết chết bởi một luồng khí lọt vào căn phòng, cỗ quan tài được những người đàn ông khiêng đi không có hình dạng giống như cho con người. Chesterton kể lại câu chuyện quái dị về một quái thai này như chuyện đùa.
Những ví dụ như thế, thứ ta có thể dễ dàng cứ tìm thêm ra mãi, chứng minh rằng Chesterton luôn tự ngăn mình trở thành Edgar Allan Poe hay Franz Kafka, nhưng có gì đó trong tính cách lại khiến ông ngả về phía ác mộng - thứ gì đó bí ẩn, khó thấy và nằm ở trung tâm. Không phải ngẫu nhiên mà ông dành tác phẩm đầu tay để biện minh cho hai bậc thầy gothic là Browning và Dickens; không phải ngẫu nhiên mà ông lặp đi lặp lại rằng cuốn sách lớn nhất nước Đức từng tạo ra là Truyện cổ Grimm. Ông chê bai Ibsen và bênh vực Rostand (một cách không bênh được), nhưng lũ Troll và cha đẻ của Peer Gynt mới là thứ cấu thành nên các giấc mơ của ông. Mâu thuẫn ấy, sự khuất phục mong manh trước ý chí quỷ dữ ấy, đã định nghĩa bản chất Chesterton. Với tôi, biểu tượng của cuộc vật lộn đó chính là những cuộc phiêu lưu của Cha Brown, nơi mỗi câu chuyện đều cố gắng giải thích sự kiện không thể lý giải chỉ bằng lý trí. Đó là lý do khiến ở đoạn đầu tiểu luận này tôi đã cho rằng những câu chuyện ấy là chìa khóa đưa ta vào Chesterton, những biểu tượng và suy tưởng của Chesterton. Tất cả chỉ có thế, ngoại trừ thứ “lý trí” mà Chesterton dùng để kiềm chế trí tưởng tượng không hẳn là lý trí, mà là đức tin Ki-tô giáo, hay đúng hơn là tập hợp những tưởng tượng Do Thái đã khuất phục dưới tay Plato và Aristotle.
Tôi nhớ có hai dụ ngôn đối nghịch. Truyện thứ nhất nằm trong tập đầu những tác phẩm của Kafka về một người đàn ông xin vào pháp luật. Viên gác ở cổng đầu tiên bảo bên trong còn vô số cổng khác, mỗi cổng đều có một người gác và càng vào sâu, những tay gác sẽ càng quyền thế. Người đàn ông này ngồi ngoài đợi. Ông đã ngồi ở đó ngày này qua ngày này, năm này qua năm khác, cho tới lúc ông chết. Trong giờ lâm chung, ông hỏi: “Chẳng lẽ nào suốt những năm tôi ngồi đợi, chẳng ai muốn vào ngoài tôi sao?” Người gác cổng trả lời, “Chẳng ai được đi qua cánh cửa này cả, bởi nó sinh ra chỉ để dành cho ông mà thôi. Giờ tôi sẽ đóng nó lại.” (Ở chương Chín truyện Vụ Án, Kafka dẫn giải tiếp dụ ngôn này, khiến nó thậm chí còn phức tạp hơn nữa.) Truyện còn lại nằm trong Hành Hương của Bunyan. Ai ai cũng thèm muốn được nhìn tòa lâu đài được canh gác bởi vô số chiến binh; người gác cổng cầm sổ đi ghi tên những ai xứng đáng được cho vào. Một người đàn ông can đảm tiến tới viên gác mà bảo, “Xin điền tên tôi vào.” Rồi rút kiếm xông vào đám binh lính; những nhát kiếm đẫm máu tung lên từ cả hai phía; hắn xông vào giữa chiến loạn và tiến được vào lâu đài. Cả đời Chesterton luôn tận tụy cố viết dụ ngôn thứ hai, nhưng có gì đó trong ông vẫn kéo ông về phía dụ ngôn đầu tiên.
Bùi Gia Bin dịch
(từ Other Inquisitions)
Leopardi (1798–1837)
Baudelaire (1821–1867)
Chesterton (1874–1936)
Kafka (1883–1924)
Bruno Schulz (1892–1942)
Michaux (1899–1984)
Borge (1899–1986)
Beckett (1906–1989)
Cioran (1911–1995)
Paul Celan (1920–1970)
Pietro Citati (1930–2022)
Thomas Bernhard (1931–1989)