Adorno: Walter Benjamin người viết thư
Bài thơ sinh ra từ một sự áp đặt chủ quan và một lựa chọn khách quan.
(René Char)
Sau hòm hòm lưu trữ về correspondence, đã có thể nhìn vào hình thức của nó (lại cái từ ấy - kỳ gần nhất). Adorno viết về Walter Benjamin người viết thư, nói rằng đó là con người của hình thức (tức là tinh thần), đến mức gần như không cơ thể: cả một nghịch lý bởi hơn ai hết, Benjamin dường như có với vật chất một quan hệ máu thịt. Những bộ sưu tập gây choáng ngợp mà người ta tìm thấy sau khi Benjamin qua đời (tự sát bằng liều morphine lúc nào cũng mang theo khi cần) mặc cho bao nhiêu di chuyển, chiến tranh và khốn khổ lưu đày dễ gây liên tưởng về một hoarder. Nhưng chính bằng cách đi thẳng vào đó (đừng tránh - tại sao lại tránh?), Benjamin thoát được hoarding - cơn rồ đổ đầy mọi thứ vào nỗi rỗng trong mình, càng đổ càng thiếu thốn. Với con người ấy, tất cả là hình thức, là sự đầy đủ ngay từ đầu (có thể nói là ngay từ legislation).
Correspondence, với Benjamin, trở thành một hình thức của văn chương và của sống. Thư - không có gì chung với tâm thư, sự làm điếm của nó - tạo ra khoảng cách. Nó cùng lúc là cuộc hiệp thông tinh thần và đào thoát xã hội. Đâu có gì lạ khi correspondence chỉ thực sự tồn tại - chỉ đạt được hình thức sống - trong những quan hệ con người phi cơ thể, khi người ta phải vận toàn bộ tưởng tượng để nhìn thấy nhau. Chính trong biểu đạt thiết thân nhất của tâm hồn, người ta lại ở xa nhất nhà tù của cái "tôi" chật chội để buông mình cho cuộc đi tìm - cùng nhau. Chính trong nỗi vắng không thể nguôi ngoai, tình bạn đầy đủ và tinh thuần nhất hiện ra.
Adorno gặp Benjamin năm 1923, lúc tròn hai mươi tuổi. Correspondence giữa hai người bắt đầu từ năm 1928 đến khi Benjamin qua đời, năm 1940. Adorno cũng là người biên tập Gesammelte Schriften (1955) của Benjamin, còn viết cả một quyển sách (Über Walter Benjamin, 1970). Nhưng kể cả như thế, Adorno vẫn không giấu giếm chuyện mình không thực sự hiểu Benjamin. Correspondent thực sự của Adorno là Max Horkheimer, mà Adorno đề tặng Minima Moralia: cuốn sách aphorism về cuộc đời bị phá hủy. Chúng ta cũng sẽ sớm đến với nó (cũng như hình thức aphorism).
(một cuốn sách khác, cũng bắt đầu với một bức thư)
Walter Benjamin người viết thư
- Theodor W. Adorno
Con người Walter Benjamin, ngay từ đầu, đã là trung giới cho tác phẩm, hạnh phúc của ông gắn chặt với tinh thần đến mức tất cả những gì là tính trực tiếp của sự sống cũng đều phải chịu sự khúc xạ ở ông. Dù không phải là kẻ khổ hạnh và cả bề ngoài cũng không tạo ấn tượng ấy, ở ông vẫn có điều gì đó gần như phi thể chất. Benjamin, người đặt lên con người mình một tự trị hiếm ai đạt được, dường như bị xa lạ với chính thân thể mình. Có lẽ đây chính là một trong những cội rễ của ý hướng triết học nơi ông: nắm bắt bằng phương tiện lý trí những kinh nghiệm hiện ra trong trạng thái tâm thần phân liệt. Suy tư của ông là phản đề của khái niệm hiện sinh về con người, và dù là một cá nhân tính cực đoan, ông hầu như không phải là một con người mà là một trường chuyển động cho nội dung cưỡng bức tìm đường biểu đạt qua ông. Chẳng ích gì chuyện truy vấn nguồn gốc tâm lý của đặc điểm này; làm như thế sẽ giả định trước một đời sống "bình thường" - khái niệm mà chính suy tư của Benjamin đã phá vỡ trong khi tâm thức tuân phục của xã hội lại càng bám vào, tỷ lệ thuận với mức độ sự sống bốc hơi đi trong nó. Benjamin từng nói, về chữ viết của mình - ông là một nhà giám định chữ xuất sắc, rằng mục đích tối hậu của nó là không tiết lộ bất cứ điều gì. Nhận xét ấy, nếu không chứng minh được gì khác, ít nhất phản ánh thái độ của ông đối với khía cạnh này của bản thân. Ở những phương diện khác, ông chẳng quá quan tâm đến tâm lý của mình.
Hầu như không ai thành công hơn trong việc biến chính sự cuồng trí của mình - nếu đó đúng là cuồng trí - thành một nguồn sản sinh mãnh liệt đến vậy. Một phần trong khái niệm phân tâm học về cuồng trí là sự bế tắc của các lực tạo tác, sự chệch hướng của năng lượng. Nhưng với Benjamin thì chẳng có gì như thế. Sự sung mãn sáng tạo của con người tách khỏi chính mình này chỉ có thể được giải thích bằng thực tế rằng một điều gì đó khách quan và lịch sử đã kết tinh trong hình thức phản ứng chủ quan đầy mẫn cảm của ông, khiến ông có khả năng biến chính mình thành một cơ quan của khách quan tính. Tất tật những gì Benjamin thiếu ở phương diện tính trực tiếp, mà ông hẳn đã phát sinh bản năng che giấu từ rất sớm, đã mất hút trong một thế giới bị cai trị bởi các luật trừu tượng của quan hệ con người. Nó chỉ có thể hiện ra thông qua đau đớn khôn cùng, hoặc - theo lối ngụy - như một tự nhiên được dung thứ. Benjamin đã rút ra kết luận từ điều này rất lâu trước khi ông hoàn toàn ý thức được những vấn đề như vậy. Trong chính mình và trong quan hệ với người khác, ông dành ưu tiên tuyệt đối cho tinh thần và chính điều này, chứ không phải tính trực tiếp, lại trở thành hình thức của tính trực tiếp nơi ông. Các biểu hiện riêng tư của ông tiến gần đến nghi lễ. Ở đây, có thể nhìn thấy ảnh hưởng của Stefan George và trường phái George, dù từ lúc trẻ Benjamin đã không có bất cứ điểm chung nào về triết học với George: điều duy nhất ông tiếp nhận từ George là các sơ đồ nghi lễ. Trong hình thức thư của ông, tính nghi lễ ấy mở rộng đến cả kiểu chữ và loại giấy - với ông là quan trọng vô cùng, và cả trong thời kỳ lưu vong, bạn ông là Alfred Cohn vẫn tiếp tục gửi tặng ông một loại giấy đặc thù mà ông ưa. Dấu vết nghi lễ hằn rõ nhất trong thời niên thiếu và chỉ đến cuối đời mới dần lỏng ra, như thể nỗi sợ thảm họa, sợ một điều gì còn tồi tệ hơn cái chết, đã đánh thức biểu đạt tự phát bị chôn sâu - tính tự phát mà ông đã trấn áp bằng chính sự mô phỏng cái chết.
Benjamin là một người viết thư vĩ đại; rõ ràng là ông có một ham mê sâu sắc đối với việc viết thư. Nhiều thư của ông sống sót bất chấp hai cuộc chiến tranh, Đệ tam Đế chế và những năm lưu vong. Thật khó để chọn lọc từ chúng. Bức thư trở thành một hình thức văn chương đối với Benjamin. Hình thức truyền tải những xung động nguyên thủy, đồng thời cũng chen vào giữa chúng và người nhận một yếu tố thứ ba - chính là cuộc khuôn tạo nghệ thuật nội dung được viết ra, như thể dưới luật của tính khách quan hóa - vừa cự lại vừa được nương theo tính tức thời hoàn cảnh thời gian và không gian, như thể chỉ có hoàn cảnh ấy mới mang lại tính chính đáng cho xung động ban đầu. Với những người suy tư thực sự mạnh, những soi sáng sắc bén nhất cũng thường là những soi sáng về chính mình, và Benjamin cũng vậy: chân dung Goethe về già như một "thư ký của chính nội tâm mình" là một điển hình. Chẳng có gì là giả tạo trong kiểu tự nhiên thứ hai này - và dẫu có bị vặn vẹo, Benjamin hẳn cũng sẽ đón nhận thản nhiên. Hình thức thư thiết thân đến thế với ông chính vì nó, ngay từ đầu, khuyến khích một tính trực tiếp trung giới, một tính trực tiếp khách quan hóa. Viết thư tạo ra một hư cấu về sống trong môi trường của ngôn từ bị chộp đông cứng ngay giữa nhịp bay. Trong thư, người ta có thể phủ nhận sự cô lập của mình, đồng thời vẫn duy trì khoảng cách.
Một chi tiết không trực tiếp liên quan đến thư có thể soi sáng đặc thù của Benjamin với tư cách người viết thư. Correspondence giữa chúng tôi từng đụng tới khác biệt giữa ngôn từ viết và ngôn từ nói, chẳng hạn cách người ta đôi khi bỏ qua những quy ước hình thức trong giao tiếp trực diện vì sự nhân nhượng con người - chọn thì quá khứ hoàn thành vì nó dễ chịu hơn trong khi về ngữ pháp thì quá khứ đơn mới đúng. Benjamin, vốn có cái tai vô cùng nhạy đối với các sắc thái ngôn ngữ, đã bác bỏ sự phân biệt này với một niềm hăng say như thể một điểm nhạy cảm đã vô tình bị chạm. Những bức thư của ông phác công tua của một giọng nói đang viết - viết trong trạng thái nói.
Nhưng những thư này được tưởng thưởng phong phú nhất chính nhờ sự từ bỏ nằm ở nền tảng của chúng. Điều này biện minh cho việc công bố chúng rộng hơn. Con người ấy, kẻ người thực sự kinh nghiệm hiện tại “trong phản chiếu đầy màu sắc của nó” mượn lời Goethe, được ban quyền năng đối với quá khứ. Hình thức thư giờ đây đã lỗi thời - đã bắt đầu như vậy cả khi Benjamin còn sống, nhưng điều đó không làm giảm giá trị của những bức thư của ông. Có một ý nghĩa đặc biệt trong việc Benjamin, bất cứ khi nào có thể, luôn viết thư bằng tay, ngay cả khi máy đánh chữ đã từ lâu thành phương tiện thống trị; viết tay khiến ông sung sướng - ông thích chép trích đoạn và sao thật đẹp các văn bản - ông lùi lại trước phương tiện cơ giới. Giống như nhiều điều khác trong lịch sử tư tưởng của ông, chuyên luận về tác phẩm nghệ thuật trong thời đại sản xuất cơ giới, ở một mức độ nào đó, là sự đồng nhất với kẻ xâm lược. Việc viết thư khẳng định một đòi hỏi đã trở thành bất khả của cá nhân - và cũng không còn được tôn trọng trong thế giới ngày nay. Benjamin đã chỉ ra tình hình khi, trong tiểu luận về người kể, ông bảo rằng giờ thì không thể thực sự tạo ra biếm họa về bất kỳ ai nữa. Trong một xã hội bị toàn thể hóa, nơi mỗi cá nhân bị hạ thấp và quy giản thành một chức năng, thì sẽ là phá luật - chuyện viết về chính mình trong thư như thể mình vẫn còn là cá nhân chưa bị đồng hóa mà bức thư tuyên bố: đã có điều gì đó ảo tưởng về chuyện xưng “tôi” trong thư. Nhưng trong thời đại của sự tan rã kinh nghiệm, con người không còn có thiên hướng chủ quan đối với việc viết thư. Hiện tại, có vẻ công nghệ đang xóa bỏ mọi tiền điều kiện cho điều đó.
Vì thư không còn cần thiết nữa khi đã có mặt những phương thức giao tiếp nhanh hơn và khoảng cách không-thời gian ngày càng thu hẹp, bản thể của thư cũng đang tan rã. Benjamin mang đến cho việc viết thư một tài năng mang tính cổ vật và không gò bó; đối với ông, thư đại diện cho hợp nhất giữa cái đang biến mất và phi lai về sự phục sinh của nó. Động lực khiến ông viết thư cũng liên quan đến chính cách ông kinh nghiệm thế giới - ở chỗ ông nhìn các hình thức lịch sử - và thư là một trong đó - như tự nhiên, như một thứ cần được giải mã, với các mệnh lệnh cần được tuân theo. Tư thế của Benjamin người viết thư là tư thế của một nhà tượng trưng. Đối với ông, thư là những hình ảnh triết học-tự nhiên của một điều gì có khả năng tồn tại qua mọi phù du và suy tàn. Những bức thư của ông chẳng có gì chung với những phát ngôn phất phơ của một con người đang sống, và chính nhờ vậy mà chúng có được một sức mạnh khách quan - một sức mạnh của sự hình thành và tinh luyện xứng đáng với phẩm giá con người. Con mắt than khóc những mất mát sắp phải chịu đựng dừng lại kiên nhẫn và mãnh liệt trên các vật - như thể nó sẽ có thể làm được như vậy một lần nữa, một thời điểm nào đó trong tương lai. Một nhận xét riêng tư của Benjamin dẫn ta đến bí mật của thư ông: "Tôi không quan tâm đến con người," ông nói, "tôi chỉ quan tâm đến vật." Sức mạnh phủ định phát ra từ tuyên bố ấy cũng chính là sức mạnh sáng tạo của ông.
Những bức thư đầu tiên của ông đều được gửi cho bạn bè, cả nam lẫn nữ, trong Phong trào Thanh niên Tự do Đức, nhóm cấp tiến do Gustav Wyneken lãnh đạo - mà tư tưởng gần như được hiện thực hóa ở Cộng đồng Trường Tự do Wickersdorf. Benjamin là một tác giả quan trọng của Der Anfang, tạp chí của nhóm, từng gây xôn xao những năm 1913–1914. Dường như nghịch lý khi tưởng tượng Benjamin - con người hoàn toàn tách biệt, phi quy chuẩn ấy - thuộc về một phong trào như thế, hay bất cứ phong trào nào. Việc ông buông mình vào đó mà không chút dè dặt và đối xử với cuộc tranh luận trong “Sprechsäle” - những tranh luận giờ không còn ai ngoài những người từng tham gia có thể hiểu - cùng tất cả những người trong đó với một sự nghiêm túc khác thường, không nghi ngờ gì, là một hiện tượng có tính bù đắp. Được tự nhiên khuôn tạo để biểu đạt cái phổ quát thông qua sự cá biệt cực đoan, thông qua sự đặc thù bản thân, Benjamin chịu đựng điều đó đến mức điên cuồng kiếm tìm những tập thể, và chắc chắn là tìm vô vọng, nhưng vẫn cứ tìm ngay cả khi đã trưởng thành. Ông cũng chia sẻ xu hướng tất yếu của tinh thần tuổi trẻ: đánh giá quá cao những con người mà mình tiếp xúc đầu tiên. Đúng như một người ý chí thuần khiết, ông tin không chút hoài nghi rằng bạn bè mình cũng theo đuổi lý tưởng tột bậc như mình - thứ đã thúc đẩy đời sống trí tuệ của ông từ đầu cho đến tận cùng. Một trong những kinh nghiệm đau đớn nhất của ông hẳn là khi nhận ra rằng không chỉ đa số con người không có sức mạnh nâng mình lên như ông đã giả định về họ - bởi ông đo họ bằng con người mình - mà họ thậm chí còn không hề khao khát cái đích xa xôi mà ông gán cho họ, vì điều đó chỉ tồn tại như một khả thể của nhân loại.
Benjamin kinh nghiệm tuổi trẻ - mà ông tha thiết đồng nhất với chính mình - và chính con người trẻ tuổi của mình trong môi trường của suy tư. Việc mình đang trẻ trở thành một thái độ ý thức đối với ông. Ông có một sự hững hờ đầy tự trị đối với nghịch lý trong đó - rằng bất cứ ai coi sự ngây thơ như một lập trường, thậm chí lập kế hoạch cho một “siêu hình học của tuổi trẻ” lại chính là kẻ phủ nhận sự ngây thơ. Sau này, Benjamin diễn đạt sự thật u sầu ấy - đặc trưng cho những bức thư đầu tiên của ông - khi ông nói rằng ông sùng kính tuổi trẻ. Dường như ông đã cố bắc cầu qua vực thẳm giữa bản tính mình và vòng tròn mà ông tham gia bằng một nhu cầu thống lĩnh; ngay cả về sau, trong quá trình thai nghén công trình về bi kịch Baroque, ông cũng nhận xét rằng hình ảnh một vị vua ban đầu có ý nghĩa rất lớn đối với ông. Những bức thư đầu tiên, phần lớn bị phủ một lớp sương mờ, lại thường xuyên lóe lên những tia bạo chúa, như những tia sét cố đánh; cử chỉ ấy báo trước những gì sau này sẽ được đạt tới bằng sức mạnh trí tuệ của ông. Điều mà những người trẻ tuổi, chẳng hạn học sinh sinh viên, thường thích bắt bẻ ở những người tài năng nhất trong số họ - sự kiêu ngạo - có lẽ đã đúng với Benjamin một cách điển hình. Sự kiêu ngạo này không thể phủ nhận. Nó đánh dấu độ chênh giữa những gì mà những con người có địa vị trí tuệ cao biết là khả thể của họ và những gì họ thực sự đạt được; họ bù đắp cho độ chênh ấy bằng một kiểu hành vi mà từ bên ngoài nhất định sẽ bị xem là kiêu căng. Nhưng càng về sau, sự kiêu ngạo hay nhu cầu thống lĩnh ấy càng ít hiện diện ở Benjamin trưởng thành. Ông được biết đến với một sự lịch thiệp tuyệt đối, được thể hiện cả trong thư. Ở điểm này, ông giống Brecht; nếu không có nó, tình bạn giữa hai người có lẽ khó có thể kéo dài.
Với sự bẽ bàng mà những người đòi hỏi chính mình đến mức ấy thường cảm thấy khi đối diện với sự non yếu của những khởi đầu - sự bẽ bàng tỷ lệ thuận với đánh giá ban đầu của họ về bản thân, Benjamin đã chấm dứt giai đoạn tham gia phong trào thanh niên khi đạt đến trạng thái tự ý thức đầy đủ. Ông chỉ duy trì liên hệ với một số ít người, như Alfred Cohn, và với Ernst Schoen - một tình bạn cho đến khi qua đời. Sự tinh tế và nhạy cảm khó diễn tả của Schoen hẳn đã tác động đến Benjamin ở tầng sâu nhất; chắc chắn Schoen là một trong những người đầu tiên Benjamin gặp có thể ngang hàng với ông. Những năm ít ỏi mà Benjamin sau này có thể sống tương đối không lo nghĩ, sau khi dự đồ học thuật của ông thất bại và trước khi phát xít bùng nổ, phần lớn là nhờ sự hỗ trợ bền bỉ của Schoen, người - với tư cách giám đốc Radio Frankfurt - đã cho ông cơ hội công việc thường xuyên và ổn định. Schoen là một trong những người có sự tự tin vững vàng đến mức sẵn lòng rút vào hậu trường không chút oán hận, thậm chí đến mức tự xóa mờ mình hoàn toàn; đó lại càng là lý do để nhớ về ông khi nói về đời sống riêng của Benjamin.
Ngoài cuộc hôn nhân với Dora Kellner, kinh nghiệm quyết định trong giai đoạn tự do của Benjamin là tình bạn với Gershom Scholem, người ngang hàng với ông về trí tuệ; đây có lẽ là tình bạn thiết thân nhất trong đời ông. Ở nhiều khía cạnh, tài năng về tình bạn của Benjamin rất giống tài năng viết thư của ông, ngay cả trong những đặc điểm kỳ quặc như tính thích giấu - khiến ông cố gắng giữ những người bạn của mình tách biệt nhau hết mức có thể, dù rằng trong một vòng tròn nhỏ như vậy, cuối cùng họ cũng vẫn tìm ra nhau. Nếu vì ác cảm với những sáo rỗng của Geisteswissenschaft mà Benjamin bác bỏ ý về sự phát triển trong các tác phẩm của mình, thì khác biệt giữa những thư đầu tiên ông gửi Scholem và tất cả những thư trước đó lại cho thấy ông đã phát triển đến mức nào, ngay cả ngoài con đường do chính tác phẩm của ông vạch ra; trong thư gửi Scholem, ông đột nhiên thoát khỏi mọi vẻ tự tôn giả tạo. Thay vào đó là một sự châm biếm dịu dàng vô hạn, thứ mang lại cho ông sức quyến rũ phi thường trong các mối quan hệ cá nhân, bất chấp bản tính khách quan hóa lạ lùng, không thể chạm tới của ông. Một trong những yếu tố của lối châm biếm này là cách mà con người vô cùng nhạy cảm và kỹ càng ấy nghịch với ngôn ngữ bình dân, chẳng hạn kiểu nói Berlin hoặc những cách diễn đạt lối Do Thái.
Từ những năm 1920 trở đi, các bức thư của Benjamin không còn có vẻ xa cách với chúng ta như những thư viết trước Thế chiến thứ nhất. Trong những thư sau này, ông bộc lộ mình nhiều hơn - qua những câu chuyện và tường thuật quyến rũ, những nghịch lý sắc sảo và đôi khi - dù không quá thường xuyên - qua những lập luận lý thuyết; ông chỉ bị đẩy vào đó khi khoảng cách địa lý quá lớn ngăn cản ông, một người di chuyển không ngừng, khỏi những thảo luận trực tiếp với các correspondent của mình. Các quan hệ văn chương của ông vô cùng rộng. Benjamin không phải là một kẻ vô danh chỉ mới được khám phá lại. Chất lượng suy nghĩ của ông chỉ có thể bị che khuất đối với những kẻ ghen tị. Nó đã hiển lộ với công chúng qua các phương tiện báo chí, như Frankfurter Zeitung và Literarische Welt. Chỉ khi phát xít đến gần, ông mới bị gạt ra lề, và cả trong những năm đầu Hitler, ông vẫn có thể xuất bản một số bài tại Đức dưới bút danh. Những bức thư không chỉ dựng ra một chân dung chuyển động về chính ông mà còn phản ánh không khí tinh thần của cả một thời đại. Phạm vi quan hệ nghề nghiệp và cá nhân của ông không bị giới hạn bởi bất cứ giới hạn chính trị nào - trải từ Florens Christian Rang và Hofmannsthal đến Brecht; sự đan dệt các mô-típ thần học và xã hội trong suy tư của ông hiện rõ trong thư. Trong nhiều trường hợp, Benjamin nương theo correspondent mà không làm giảm cá nhân tính của mình; khi đó, sự tế nhị và dè dặt - đặc tính của tất cả thư ông - trở thành một hình thức ngoại giao. Có điều gì đó thật cảm động khi nghĩ rằng những câu thường được cân nhắc hết sức công phu ấy thực ra chẳng giúp cuộc sống của ông trở nên dễ dàng hơn chút nào, rằng ông vẫn luôn không thể dung hòa với trật tự hiện tại, vẫn luôn là một kẻ không thể chấp nhận đối với thế giới ấy, bất chấp những thành công tạm thời.
Tôi muốn nhấn mạnh phẩm giá của Benjamin và - khi không bị đặt vào tình thế sinh tồn - sự điềm tĩnh mà ông giữ vững khi chịu đựng sự lưu vong, mặc dù trong những năm đầu tiên, nó đẩy ông vào những điều kiện vật chất khốn khổ nhất, và mặc dù ông chưa bao giờ tự dối mình dù chỉ một khoảnh khắc về những nguy hiểm của việc ở lại Pháp. Ông chấp nhận hiểm nguy vì công trình vĩ đại của đời mình, Paris Arcades. Chính phẩm chất gần như phi cá nhân của ông đã giúp ông giữ vững tư thế suốt quãng ấy; ông hiểu bản thân là một công cụ cho các ý của mình và không bao giờ xem sự sống mình như một mục đích tự thân - dù cho, hoặc có lẽ chính bởi, ông là hiện thân của một sự giàu có khủng khiếp về kinh nghiệm và bản thể. Và ông cũng không than khóc số phận của mình như một bất hạnh cá nhân. Hiểu những điều kiện khách quan của số phận mình cho ông sức mạnh để vượt lên trên nó; chính sức mạnh đó đã cho phép ông, ngay cả trong năm 1940 - khi hẳn đã nghĩ đến cái chết của mình - vẫn có thể viết các luận đề về khái niệm lịch sử.
Chỉ bằng cách hy sinh chính sự sống của mình, Benjamin mới trở thành tinh thần sống bằng ý về một sự sống không có nạn nhân.
Anh Hoa dịch
correspondence
Joseph Conrad và Ford Madox Ford
Paul Celan và Ingeborg Bachmann
Madame de Sévigné: Mấy bức thư
Jena - Frankfurt