Veblen: Tầng lớp nhàn rỗi (phần 4)
Ba tuần kể từ phần trước, dưới đây là ba chương tiếp: các vấn đề thiết thân hơn với đời sống hằng ngày, nhất là chuyện ăn mặc. Ta bắt đầu đi vào các nghịch lý: Tại sao lại có chuyện phá cả một cánh rừng, trồng cây non du nhập vào rồi gọi đó là sống "xanh" (và sang)? Tại sao có thời phụ nữ sẵn sàng cắm cả con chim chết nhồi bông (thậm chí vài con) lên đầu cho thời trang, và thời trang nghĩa là những thứ không chỉ đắt nhất, mới nhất mà còn xấu nhất, phi lý nhất? Tại sao có một giai đoạn giới nhà giàu châu Á chăm chăm gắn mình với những màu chóe, để rồi giai đoạn ngay sau đó là sự xa lánh tất cả những gì gây ấn tượng quá chỏi với mắt nhìn? Tại sao có những cái túi nhiều nghìn đô chỉ đựng vừa một thỏi son, và nhất là tại sao các kiến trúc sư vẽ nhà xấu thế?
Rất cần nhớ, trong lúc đọc, rằng Tầng lớp nhàn rỗi xuất bản năm 1899, một nghiên cứu kinh tế về sự tiến hóa của các thiết chế bởi một người Mỹ ở thời kỳ đất nước này bắt đầu bước vào pha cuồng trưng trổ đầu tiên, tương đối dài - hai thập kỷ hồ hởi phấn khởi theo sau giai đoạn hậu chiến. Veblen đã có dịp chứng kiến con người không hề hành xử lý trí như các nhà kinh tế học cổ điển vẫn khăng khăng, thậm chí là ngược lại: nhưng những hành xử phi lý ấy lại vẫn rất logic, nếu biết nhìn.
Chương V
Tiêu Chuẩn Tài Sản trong Đời Sống
Đối với phần lớn cư dân thuộc bất kỳ cộng đồng hiện đại nào, lý do gần nhất dẫn đến việc tiêu thụ vượt quá mức cần thiết cho sự thoải mái thể chất không phải sự khoe khoang có ý thức thông qua tiêu thụ phô trương mà chủ yếu là vì mong muốn sống theo tiêu chuẩn thông thường của sự đàng hoàng về số lượng và phẩm cấp hàng hóa tiêu thụ. Mong muốn này không được xác định bởi một tiêu chuẩn cứng nhắc bất biến, mà khi đạt được nó rồi, người ta không còn động lực gì nữa. Ngược lại, tiêu chuẩn ấy linh hoạt và có thể mở rộng vô hạn, miễn là có đủ thời gian để thích nghi với sự gia tăng tài sản và để đạt được sự thành thạo trong mức chi tiêu mới, là kết quả của sự gia tăng đó. Việc lùi lại từ một mức chi tiêu đã quen thường khó khăn hơn nhiều so với việc mở rộng mức chi tiêu đó khi có thêm của cải. Nhiều khoản chi quen thuộc khi phân tích ra là hoàn toàn lãng phí, và do đó chúng chỉ có ý nghĩa phô trương, nhưng một khi đã được đưa vào chuẩn tiêu thụ đàng hoàng và trở thành phần không thể thiếu trong kế hoạch sống của một người, thì từ bỏ những khoản này cũng khó khăn chẳng kém gì từ bỏ những khoản chi tiêu trực tiếp mang lại sự thoải mái thể chất, hay thậm chí những khoản thiết yếu cho cuộc sống. Nói cách khác, những khoản chi phô trương lãng phí nhưng mang lại sự mãn nguyện về tinh thần có thể trở nên không thể thiếu, thậm chí còn hơn cả những khoản chi phục vụ cho những nhu cầu "thấp" hơn về sự thoải mái thể chất hay duy trì sinh tồn. Rõ ràng, việc từ bỏ một tiêu chuẩn sống "cao" cũng khó khăn không kém việc hạ thấp một tiêu chuẩn vốn đã tương đối thấp; mặc dù trong trường hợp đầu, khó khăn mang tính chất đạo đức, còn trong trường hợp sau có thể là một sự cắt giảm vật chất từ sự thoải mái thể chất của cuộc sống.
Nhưng trong khi việc quay lại rất khó khăn, thì việc tiến lên một mức tiêu thụ phô trương mới lại tương đối dễ dàng; thật vậy, điều này gần như là lẽ tự nhiên. Trong những trường hợp hiếm hoi khi điều đó không xảy ra, việc không tăng mức tiêu thụ khi có khả năng lại bị xã hội nhìn nhận như một hiện tượng cần giải thích, và người không đạt yêu cầu này bị gán cho những động cơ hèn kém như keo kiệt. Ngược lại, một phản ứng nhanh chóng trước kích thích mới được coi là hệ quả bình thường. Điều đó cho thấy tiêu chuẩn tiêu thụ thường dẫn dắt chúng ta không phải là mức trung bình, bình thường mà ta đã đạt được mà là một lý tưởng tiêu thụ nằm ngay ngoài tầm với, hoặc phải cố gắng mới đạt được. Động lực thúc đẩy ở đây là sự ganh đua - kích thích từ một sự so sánh gây ghen tị thúc đẩy ta vượt qua những người mà ta thường tự xếp cùng nhóm. Mệnh đề này thực chất tương ứng với nhận định thông thường rằng tầng lớp nào cũng ghen tị và cố bắt chước tầng lớp ngay trên mình trong thang xã hội, trong khi hiếm khi tự so sánh với những người ở dưới hoặc cách xa về địa vị. Nói cách khác, tiêu chuẩn đàng hoàng trong tiêu thụ, cũng như ở những mục tiêu ganh đua khác, được thiết lập bởi thói quen của những người ngay trên chúng ta trong bậc thang đáng kính; và theo cách này, đặc biệt là trong một cộng đồng nơi ranh giới giữa các tầng lớp còn mơ hồ, tất cả các quy chuẩn về sự đáng kính và đàng hoàng, cùng các tiêu chuẩn tiêu thụ, đều được truy ngược về những thói quen và tư duy của tầng lớp xã hội và tài sản cao nhất - tầng lớp nhàn rỗi giàu có.
Chính tầng lớp này quyết định, theo những công tua chung, lối sống mà cộng đồng sẽ chấp nhận là đàng hoàng hay danh giá; và nhiệm vụ của họ là - bằng lời dạy và hành động - trưng bày lối sống cứu rỗi xã hội ở hình thức lý tưởng nhất. Tuy nhiên, tầng lớp nhàn rỗi cao cấp này chỉ có thể thực hiện vai trò tương đương giáo sĩ ấy trong giới hạn vật chất nhất định. Họ không thể tùy ý tạo ra một cuộc cách mạng đột ngột hay đảo ngược thói quen tư duy của công chúng về bất kỳ yêu cầu nghi lễ nào. Phải có thời gian để bất kỳ thay đổi nào thấm vào số đông và cải biến tâm thức chung, và đặc biệt cần nhiều thời gian để thay đổi thói quen của các tầng lớp ở xa trung tâm phát sáng. Quá trình này diễn ra chậm hơn ở những nơi mà tính di động của dân cư thấp hoặc khoảng cách giữa các tầng lớp rộng hơn và đột ngột hơn. Nhưng nếu được cho thời gian, tầng lớp nhàn rỗi có một quy mô ảnh hưởng khá rộng trong các vấn đề về hình thức và chi tiết trong lối sống của cộng đồng; trong khi đối với các nguyên tắc thiết yếu của danh giá, những thay đổi mà họ có thể thực hiện nằm trong một biên độ chấp nhận tương đối hẹp. Sự gương mẫu và lời răn của họ có sức mạnh định quy tắc cho tất cả các tầng lớp bên dưới; nhưng trong quá trình hình thành các nguyên tắc được truyền đạt để điều chỉnh hình thức và phương pháp của sự danh giá - trong việc định hình các tập quán và thái độ tinh thần của các tầng lớp thấp hơn - sự chỉ dẫn uy quyền này luôn vận hành dưới sự hướng dẫn có chọn lọc của quy chuẩn phô trương lãng phí, được điều chỉnh ở các mức độ khác nhau bởi bản năng lao động. Bên cạnh các quy chuẩn đó là một nguyên tắc rộng rãi khác của bản tính con người - thiên hướng săn mồi - về tổng thể và nội dung tâm lý, thiên hướng này nằm giữa hai yếu tố vừa được nêu. Tác động của thiên hướng này trong việc định hình lối sống được chấp nhận sẽ còn cần được thảo luận. Quy chuẩn về danh giá, vì vậy, phải thích ứng với hoàn cảnh kinh tế, truyền thống và mức độ trưởng thành tinh thần của tầng lớp cụ thể là đối tượng của sự điều chỉnh lối sống. Đặc biệt cần lưu ý rằng, dù có uy quyền cao đến đâu và dù đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản của danh giá đến thế nào, một sự tuân thủ hình thức cụ thể không thể tự duy trì giá trị của nó nếu theo thời gian hoặc khi được chuyển giao cho một tầng lớp tài sản thấp hơn, nó mâu thuẫn với nền tảng cốt yếu của sự đàng hoàng ở các cộng đồng văn minh, tức là khả năng phục vụ cho mục đích so sánh mang tính ganh đua trong thành công tài sản. Rõ ràng những quy chuẩn chi tiêu này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tiêu chuẩn sống cho bất kỳ cộng đồng hay tầng lớp nào. Cũng hiển nhiên rằng tiêu chuẩn sống thịnh hành vào một thời điểm hoặc tầng bậc xã hội cụ thể, về phần mình, sẽ quyết định hình thức mà sự tiêu thụ danh giá sẽ mang, cùng mức độ mà nhu cầu “cao hơn” này chi phối mức tiêu thụ của con người. Ở khía cạnh này, tác động của tiêu chuẩn sống được chấp nhận chủ yếu mang tính tiêu cực: nó gần như chỉ nhằm ngăn chặn sự thoái lui khỏi một mức tiêu thụ phô trương đã trở thành thói quen.
Tiêu chuẩn sống mang bản tính của thói quen. Nó là thang đo và phương thức phản ứng thường xuyên đối với những kích thích nhất định. Khó khăn trong việc thoái lui khỏi một tiêu chuẩn quen thuộc về cơ bản là khó khăn trong việc phá vỡ một thói quen đã thành hình. Sự dễ dàng tương đối trong việc nâng cao tiêu chuẩn có nghĩa rằng quá trình sống là quá trình hoạt động mở rộng không ngừng, và rằng nó sẽ sẵn sàng mở ra một hướng mới bất cứ khi nào và ở đâu mà sự kháng cự đối với việc tự thể hiện có dấu hiệu suy giảm. Nhưng khi thói quen tự thể hiện theo một hướng có kháng cự thấp đã thành hình, sự phát tỏa năng lượng sẽ tìm đến lối triển khai quen thuộc ngay cả khi môi trường đã thay đổi và sự kháng cự từ bên ngoài đã tăng lên đáng kể. Sự quen thuộc tăng lên trong sự tự thể hiện theo một hướng nhất định, cái mà ta gọi là thói quen, có thể bù đắp cho một sự gia tăng của sự kháng cự từ hoàn cảnh bên ngoài. Giữa các thói quen khác nhau, hoặc các phương thức và hướng thể hiện thông thường tạo nên tiêu chuẩn sống của một cá nhân, có một khác biệt đáng kể về mức độ kiên trì ở những hoàn cảnh đối lập và mức độ bắt buộc chi phối hướng triển khai của sự phát tỏa năng lượng.
Nói cách khác, theo ngôn ngữ lý thuyết kinh tế hiện đại, dù về cơ bản con người không muốn cắt giảm chi tiêu theo bất kỳ hướng nào, họ đặc biệt không muốn phải cắt giảm ở một số hướng hơn là ở các hướng khác; và trong khi bất kỳ hình thức tiêu thụ quen thuộc nào cũng chỉ có thể từ bỏ một cách miễn cưỡng, có những hạng mục mà sự miễn cưỡng lên đến cực độ. Những vật phẩm hoặc hình thức tiêu thụ mà người ta bám vào mạnh nhất thường là những nhu cầu được gọi là thiết yếu của cuộc sống, hay mức tối thiểu cần để tồn tại. Mức tối thiểu này, tất nhiên, không phải là một lượng hàng hóa cố định, xác định và bất biến về loại và lượng; nhưng trong trường hợp này, có thể coi nó bao gồm một mức tiêu thụ nhất định, ít nhiều rõ ràng, cần thiết cho việc duy trì sự sống. Mức tối thiểu này thường là điều cuối cùng bị từ bỏ trong trường hợp phải cắt giảm chi tiêu dần dần. Nói chung, những thói quen lâu đời và sâu đậm nhất, điều khiển cuộc sống của cá nhân - những thói quen ảnh hưởng đến sự tồn tại của anh ta như một sinh thể - là những thói quen bền bỉ và bắt buộc nhất. Sau những nhu cầu này là các nhu cầu cao hơn - những thói quen hình thành muộn hơn của cá nhân hoặc của chủng tộc - theo một sự phân cấp bất quy tắc và không hoàn toàn cố định. Một số nhu cầu cao hơn này, chẳng hạn như nhu cầu sử dụng chất kích thích thường xuyên, nhu cầu cứu rỗi (theo nghĩa cánh chung [eschatological]), hay nhu cầu về danh tiếng, trong một số trường hợp có thể vượt qua các nhu cầu thấp hơn hoặc cơ bản hơn. Nói chung, thói quen càng lâu dài, không gián đoạn và càng gần với các hình thức quen thuộc của quá trình sống, thì càng kiên định. Thói quen sẽ càng mạnh nếu những đặc điểm cụ thể của bản tính con người mà nó liên quan hoặc các năng lực mà nó thể hiện là những đặc điểm hoặc năng lực đã được liên kết sâu sắc trong quá trình sống hoặc gắn bó mật thiết với lịch sử sinh tồn của chủng tộc ấy. Các mức độ khác nhau về sự dễ dàng khi hình thành thói quen ở các cá nhân khác nhau, cũng như mức độ miễn cưỡng khác nhau khi từ bỏ các thói quen khác nhau, cho thấy rằng việc hình thành thói quen không chỉ phụ thuộc vào thời gian quen thuộc. Năng lực di truyền và đặc điểm khí chất đóng vai trò không kém thời gian trong việc quyết định phạm vi chi phối của thói quen đối với lối sống của bất kỳ cá nhân nào. Kiểu năng lực di truyền phổ biến, nói cách khác là kiểu khí chất chiếm ưu thế trong một cộng đồng, sẽ quyết định phần lớn phạm vi và hình thức của quá trình sống quen thuộc với cộng đồng đó. Tầm quan trọng của các đặc điểm di truyền cá biệt trong việc hình thành thói quen nhanh chóng và dứt khoát ở cá nhân được minh họa qua sự dễ dàng tột độ mà một thói quen thống trị toàn bộ con người, chẳng hạn như thói nghiện rượu, đôi khi; hoặc trong dáng vẻ tất yếu của thói quen mộ đạo ở những người có biệt tài theo hướng đó. Cũng có thể nhận xét tương tự về sự dễ dàng thích ứng với một môi trường con người cụ thể, mà ta gọi là tình yêu lãng mạn.
Con người khác nhau ở năng lực di truyền hoặc ở mức tương thích với các hướng triển khai khác nhau của hoạt động sống; và những thói quen trùng khớp với hoặc phát triển từ một năng lực mạnh hoặc một khả năng biểu hiện đặc biệt sẽ trở nên quan trọng đối với cuộc sống tốt lành của một người. Vai trò của yếu tố năng lực trong việc quyết định độ bền bỉ của các thói quen tạo nên tiêu chuẩn sống giúp giải thích sự miễn cưỡng tột độ khi con người từ bỏ bất kỳ khoản chi nào đã thành thói quen theo hướng tiêu thụ phô trương. Những năng lực hoặc xu hướng làm nền tảng cho một thói quen thuộc loại này là những năng lực liên quan đến sự ganh đua; và khuynh hướng ganh đua - sự so sánh mang tính đố kỵ - đã bắt rễ lâu đời và là đặc điểm bao trùm của bản chất con người. Nó dễ dàng được khơi dậy trong bất kỳ hình thức mới nào và kiên quyết tự khẳng định ở bất kỳ hình thức nào mà nó đã có cơ hội thể hiện thường xuyên. Khi một cá nhân đã hình thành thói quen tìm cách thể hiện mình qua một hướng tiêu thụ danh giá - khi một chuỗi các kích thích nhất định đã trở thành phản ứng theo một hoạt động cố định, hướng dẫn bởi những xu hướng ganh đua tỉnh táo và ăn sâu, thì từ bỏ loại chi tiêu đã thành thói quen này sẽ là một sự miễn cưỡng khủng khiếp. Ngược lại, khi có thêm sức mạnh tài sản, khi cá nhân ở đúng vị trí mở rộng phạm vi cùng cường độ cho quá trình sống của mình, những xu hướng lâu đời của chủng tộc sẽ tự khẳng định mình: sẽ xác định hướng đi mà sự bộc lộ mới của cuộc sống chọn. Những xu hướng vốn đã hoạt động dưới một hình thức liên quan nào đó, được hỗ trợ bởi những gợi ý cụ thể từ lối sống được công nhận hiện tại và có đủ phương tiện, cơ hội vật chất để thực hiện, sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định hình thức và hướng cho sức mạnh mới. Tóm lại, trong bất kỳ cộng đồng nào mà tiêu thụ phô trương là một phần của lối sống, việc gia tăng khả năng chi trả của cá nhân nhiều khả năng sẽ dẫn đến sự chi tiêu theo một hướng tiêu thụ phô trương đã được công nhận rộng rãi.
Ngoại trừ bản năng tự bảo toàn, khuynh hướng ganh đua có lẽ là động cơ kinh tế mạnh mẽ, nhạy bén và bền bỉ nhất. Trong một cộng đồng sản xuất, khuynh hướng này biểu hiện dưới dạng ganh đua tài sản; và đối với các cộng đồng văn minh phương Tây hiện nay, điều này gần như đồng nghĩa với việc thể hiện mình qua các hình thức phô trương lãng phí. Nhu cầu phô trương lãng phí sẵn sàng hấp thu bất kỳ sự gia tăng nào trong hiệu suất sản xuất hoặc sản lượng hàng hóa của cộng đồng, sau khi đã đáp ứng các nhu cầu vật chất cơ bản nhất. Nếu điều này không xảy ra trong các điều kiện hiện đại, nguyên nhân thường nằm ở mức độ gia tăng tài sản cá nhân quá nhanh để thói quen chi tiêu có thể theo kịp; hoặc có thể cá nhân đó trì hoãn việc tiêu thụ phô trương số tiền tích lũy cho đến một thời điểm sau - thường là để làm tăng hiệu ứng ngoạn mục của tổng chi dự tính. Khi hiệu suất sản xuất tăng lên, giúp việc kiếm sống trở nên dễ dàng hơn, năng lượng của các thành viên cần mẫn trong cộng đồng lại được dồn vào việc đạt đến kết quả cao hơn trong tiêu thụ phô trương, thay vì giảm nhịp độ để có một cuộc sống thoải mái hơn. Áp lực không giảm khi hiệu suất tăng; thay vào đó, sản lượng tăng được dùng để đáp ứng nhu cầu ấy, vốn có thể mở rộng vô hạn, theo cách mà lý thuyết kinh tế thường gán cho các nhu cầu thuộc về tinh thần. Chính vì yếu tố này trong tiêu chuẩn sống mà J. S. Mill có thể nói rằng “cho đến nay, có lẽ mọi phát minh cơ học đã thực hiện đều chưa làm giảm bớt thời gian lao động của bất kỳ người nào.” Chuẩn tiêu thụ được chấp nhận trong cộng đồng hoặc trong tầng lớp mà một người thuộc về quyết định phần lớn tiêu chuẩn sống của anh ta. Điều này được thể hiện trực tiếp khi tiêu chuẩn đó được coi là đàng hoàng và tốt đẹp qua thói quen thường xuyên ngắm nhìn và đồng hóa lối sống mà nó thuộc về; nhưng cũng gián tiếp qua đòi hỏi của xã hội về việc tuân theo thang chi tiêu đã được chấp nhận như một điều đàng hoàng, dưới sự đe dọa của sự khinh miệt và tẩy chay. Việc chấp nhận và thực hành tiêu chuẩn sống đang thịnh hành là vừa dễ chịu vừa hợp lý, và thường đến mức không thể thiếu cho sự thoải mái cá nhân và thành công. Tiêu chuẩn sống của bất kỳ tầng lớp nào, trong phạm vi phô trương lãng phí, thường cao ngang những gì khả năng kiếm tiền của tầng lớp đó cho phép - với xu hướng liên tục muốn cao hơn. Tác động của điều này đến các hoạt động nghiêm túc, do đó, là định hướng chúng tập trung vào việc giành được nhiều tài sản nhất có thể và xem thường các công việc không mang lại lợi ích. Đồng thời, tác động lên tiêu thụ là tập trung vào các lĩnh vực dễ thấy nhất đối với những người quan sát mà họ muốn gây ấn tượng; trong khi những sở thích và năng khiếu không liên quan đến sự tiêu thụ danh giá về thời gian hoặc tài sản có xu hướng suy yếu do không được dùng tới.
Do sự thiên vị dành cho tiêu thụ phô trương, đời sống gia đình của phần lớn các tầng lớp trở nên tồi tàn hơn so với sự rực rỡ của phần đời công khai diễn ra trước mắt người quan sát. Hệ quả phụ của sự thiên vị này là con người có xu hướng che giấu đời sống riêng tư của mình khỏi mọi quan sát bên ngoài. Họ tách hẳn những phần tiêu thụ có thể được thực hiện một cách kín đáo mà không bị phê phán khỏi mọi tiếp xúc với hàng xóm, từ đó dẫn đến sự khép kín của con người về đời sống gia đình trong hầu hết các cộng đồng công nghiệp phát triển, và một cách gián tiếp khiến thói quen dè dặt trở thành một đặc trưng lớn trong quy tắc ứng xử của tầng lớp khá giả trong mọi cộng đồng. Tỷ lệ sinh thấp ở các tầng lớp mà yêu cầu về chi tiêu danh giá đặt nặng cũng bắt nguồn từ các đòi hỏi của một tiêu chuẩn sống dựa trên sự phô trương lãng phí. Tiêu thụ phô trương và chi phí gia tăng đáng kể liên quan đến việc duy trì danh giá của một đứa trẻ có hiệu ứng ngăn cản mạnh mẽ. Đây có lẽ là một trong những biện pháp kiểm soát dân số hiệu quả nhất theo lý thuyết Malthus về sự thận trọng.
Tác động của yếu tố này trong tiêu chuẩn sống, cả về việc cắt giảm các yếu tố tiêu thụ mờ nhạt hơn phục vụ cho sự thoải mái và duy trì thể chất, lẫn về việc ít con hoặc không có con, có lẽ được thể hiện rõ nhất ở các tầng lớp theo đuổi con đường học thuật. Do được cho là có sự vượt trội và khan hiếm về tài năng và thành tựu đặc trưng cho cuộc sống của họ, các tầng lớp này theo truyền thống được xếp vào một cấp bậc xã hội cao hơn so với địa vị tài sản của họ. Tiêu chuẩn chi tiêu thụ đắn trong trường hợp này được đặt ở mức tương đối cao, do đó để lại một khoảng trống đặc biệt hẹp dành cho các mục tiêu khác trong cuộc sống. Do hoàn cảnh chi phối, nhận thức thường trực của họ về những gì là đúng và hợp lý trong các khía cạnh này, cùng với kỳ vọng của cộng đồng về sự đàng hoàng tài sản ở tầng lớp trí thức, trở nên cao phi lý - nếu xem xét độ giàu có và khả năng kiếm tiền phổ biến của họ, trong so sánh tương đối với các tầng lớp không học thuật mà họ được coi là tương đương về vị trí xã hội. Trong bất kỳ cộng đồng hiện đại nào không có sự độc quyền tu sĩ trong những ngành nghề này, người làm học thuật không tránh khỏi sự tiếp xúc với các tầng lớp có địa vị tài sản cao hơn họ. Tiêu chuẩn tài sản cao cho sự đàng hoàng của những tầng lớp thượng lưu này thấm dần vào tầng lớp trí thức với rất ít giảm trừ, và kết quả là không có tầng lớp nào trong cộng đồng tiêu tốn tỷ lệ tài sản cao hơn vào việc phô trương lãng phí như họ.
Chương VI
Các Quy Chuẩn Tài Sản về Thẩm Mỹ
Cảnh báo đã được nhắc lại nhiều lần rằng mặc dù chuẩn mực điều chỉnh tiêu thụ phần lớn là yêu cầu phô trương lãng phí, không nên hiểu rằng động cơ của người tiêu thụ trong từng trường hợp cụ thể chỉ dựa trên nguyên tắc này ở dạng đơn thuần, chưa qua trau chuốt. Thông thường, động cơ của anh ta là mong muốn tuân theo tập quán đã được thiết lập, tránh những nhận xét hay chú ý tiêu cực, và sống theo các quy chuẩn đàng hoàng được chấp nhận về loại, số lượng và cấp độ hàng hóa tiêu thụ, cũng như về cách thức phù hợp trong việc sử dụng thời gian và công sức. Trong hầu hết các trường hợp, cảm tri về tập quán này hiện diện trong động lực của người tiêu thụ và tác động trực tiếp như một lực mang tính hạn chế, đặc biệt là đối với những tiêu thụ diễn ra dưới sự quan sát của người khác. Tuy nhiên, yếu tố tập quán về xa xỉ cũng xuất hiện trong các trường hợp tiêu thụ ít được người ngoài chú ý, chẳng hạn như đồ lót, một số loại thực phẩm, dụng cụ nhà bếp và các thiết bị gia đình khác được thiết kế để phục vụ chứ không phải để phô trương. Trong tất cả các loại vật dụng hữu ích này, một quan sát kỹ lưỡng sẽ phát hiện ra những đặc điểm làm tăng chi phí và giá trị thương mại của sản phẩm, nhưng không tương ứng gia tăng công năng của chúng cho các mục đích vật chất mà, trên bề mặt, chúng được thiết kế để phục vụ.
Dưới sự giám sát chọn lọc của quy luật phô trương lãng phí đã hình thành một hệ quy chuẩn tiêu thụ được công nhận, có tác dụng giữ người tiêu thụ tuân theo một chuẩn về sự xa hoa trong việc tiêu thụ hàng hóa và sử dụng thời gian cũng như công sức. Sự phát triển của tập quán quy định này có tác động tức thì lên đời sống kinh tế, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng gián tiếp và xa hơn đến hành vi trong các khía cạnh khác. Những thói quen suy nghĩ về việc thể hiện cuộc sống một bất kỳ hướng nhất định sẽ, không thể tránh khỏi, tác động đến quan điểm về những gì là tốt và đúng trong các hướng khác. Trong cấu trúc phức hợp hữu cơ của các thói quen suy nghĩ tạo nên cuộc sống có ý thức của một cá nhân, lợi ích kinh tế không tách biệt hoàn toàn so với các lợi ích khác. Chúng ta đã đề cập, chẳng hạn, đến quan hệ của nó với các quy chuẩn về danh giá.
Nguyên tắc phô trương lãng phí định hướng thói quen trong tâm thức về những gì là khả kính trong cuộc sống và trong các loại hàng hóa. Và khi làm vậy, nguyên tắc này xuyên vào các chuẩn mực hành vi khác không trực tiếp liên quan đến danh dự tài sản, nhưng có ý nghĩa kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp đáng kể. Do đó, quy chuẩn về sự lãng phí danh giá có thể, trực tiếp hoặc gián tiếp, chi phối ý thức về bổn phận, cảm quan về cái đẹp, ý niệm về tính hữu dụng, cảm tri về sự phù hợp trong nghi lễ hoặc tôn giáo, và cả nhận thức khoa học về sự thật.
Không cần thiết phải đi sâu vào việc xác định những điểm cụ thể hoặc cách thức cụ thể mà quy chuẩn về chi tiêu danh giá xung đột với quy chuẩn đạo đức. Vấn đề này đã nhận được nhiều sự chú ý và minh họa từ những người có nhiệm vụ giám sát và cảnh báo về những hành vi lệch khỏi quy tắc đạo đức được chấp nhận. Trong các cộng đồng hiện đại, nơi mà đặc điểm kinh tế và pháp lý nổi bật là chế độ tư hữu, một trong những nét chính của quy chuẩn đạo đức là sự thiêng liêng của tài sản. Không cần phải khẳng định hay minh họa thêm để chứng minh rằng thói quen giữ gìn sự bất khả xâm phạm của tài sản tư hữu xung đột với xu hướng chiếm đoạt tài sản nhằm nâng cao danh tiếng thông qua tiêu thụ phô trương. Hầu hết các hành vi phạm pháp về tài sản, đặc biệt là những hành vi có quy mô đáng kể, đều thuộc loại này. Cũng hiển nhiên như thế việc, trong những hành vi giúp kẻ phạm tội thu được nhiều tài sản, hắn thường không phải chịu hình phạt cực đoan hay sự khinh miệt cực độ như những trường hợp phạm pháp bị đánh giá hoàn toàn dựa trên chuẩn mực đạo đức. Tên trộm hoặc kẻ lừa đảo giàu có nhờ hành vi của mình có nhiều cơ hội thoát khỏi hình phạt nghiêm khắc của pháp luật hơn tên trộm nhỏ lẻ, và từ tài sản gia tăng cùng cách tiêu xài hợp mực, hắn còn đạt được chút danh tiếng. Những tiêu xài xa hoa từ của cải bất chính đặc biệt thu hút những người có ý thức cao về lễ nghi và giảm cảm giác tội lỗi thuộc về đạo đức mà hành vi của hắn gây ra trong mắt họ. Cũng cần lưu ý rằng chúng ta dễ bỏ qua hành vi phạm pháp về tài sản của một người khi động cơ của anh ta là đáng trọng, chẳng hạn nhằm cung cấp phương tiện sống “đàng hoàng” cho vợ con mình. Nếu người vợ được “nuôi trong nhung lụa”, điều đó càng được coi là tình tiết giảm nhẹ. Nói cách khác, chúng ta có xu hướng bỏ qua hành vi phạm pháp khi mục tiêu của nó là danh dự: khi người vợ của kẻ phạm tội thực hiện thay cho anh ta sự tiêu thụ phô trương về thời gian và tài sản được coi là phù hợp với tiêu chuẩn đàng hoàng. Trong trường hợp ấy, thói quen chấp nhận mức độ phô trương lãng phí quen thuộc xung đột với thói quen không chấp nhận vi phạm quyền sở hữu đến mức đôi khi không thể biết là nên khen ngợi hay trách cứ. Điều này đặc biệt đúng khi hành vi phạm pháp bao gồm yếu tố săn mồi hoặc cướp bóc đáng kể.
Chủ đề này có lẽ không cần tiếp tục bàn sâu thêm; nhưng cũng nên nhắc rằng toàn bộ nền tảng đạo đức xoay quanh khái niệm quyền sở hữu bất khả xâm phạm cũng chính là kết tủa tâm lý của quan niệm truyền thống về sự đáng kính của sự giàu có. Cũng cần bổ sung rằng sự giàu có được coi là thiêng liêng này được đánh giá chủ yếu vì danh tiếng đạt được qua tiêu thụ phô trương. Ảnh hưởng của chuẩn mực tài sản đối với tinh thần khoa học hay việc truy cầu tri thức sẽ được thảo luận chi tiết hơn trong một chương riêng. Cũng không cần bàn nhiều ở đây về ý thức sùng kính hay sự xứng đáng mang tính nghi lễ; chủ đề này sẽ được đề cập gián tiếp ở các chương sau. Tuy nhiên, có thể nói rằng tập quán chi tiêu danh giá có ảnh hưởng lớn trong việc định hình thị hiếu chung về những gì là đúng đắn và đáng kính trong các vấn đề thiêng liêng, và do đó, tác động của nguyên tắc phô trương lãng phí lên một số thực hành sùng kính thông thường và quan niệm phổ biến cũng cần được chỉ ra.
Rõ ràng, quy chuẩn về phô trương lãng phí giải thích một phần lớn những gì có thể gọi là tiêu thụ sùng kính; chẳng hạn các công trình thiêng, trang phục và các vật phẩm cùng loại. Ngay cả trong các tín ngưỡng hiện đại mà thần thánh được cho là ưa chuộng những ngôi đền không do con người dựng nên, các công trình thiêng và các vật phẩm phụ trợ vẫn được xây dựng và trang trí với mức độ lãng phí đáng kính. Chỉ cần một chút quan sát hoặc tự nhìn nhận - và cả hai đều có thể chứng minh điều này - chúng ta sẽ thấy rằng sự lộng lẫy đắt đỏ của ngôi đền có tác động nâng cao và làm dịu lòng người thờ phụng. Thực tế này càng được khẳng định khi ta nghĩ về cảm giác xấu hổ tột độ mà bất kỳ dấu hiệu nghèo nàn hoặc nhếch nhác nào ở chốn thiêng gây ra cho những người chiêm bái. Các phụ kiện của mọi nghi lễ sùng kính phải đạt tiêu chuẩn đàng hoàng về mặt tài sản. Yêu cầu này là bắt buộc, bất kể có thể được nới lỏng thế nào về tính thẩm mỹ hoặc công năng của những phụ kiện ấy. Cũng cần lưu ý rằng, ở tất cả các cộng đồng, đặc biệt là những khu vực nơi tiêu chuẩn tài sản đàng hoàng cho nhà ở không cao, nơi thờ tự lại được xây dựng và trang hoàng với một sự lãng phí nổi bật hơn hẳn so với nhà ở của các thành viên cộng đoàn. Điều này đúng với gần như tất cả các giáo phái và tín ngưỡng, dù là Thiên Chúa giáo hay ngoại giáo, nhưng đặc biệt đúng với những tín ngưỡng lâu đời và trưởng thành hơn. Đồng thời, nơi thờ tự hầu như không mang lại nhiều tiện nghi vật chất cho các thành viên. Thật vậy, cấu trúc thiêng không chỉ phục vụ ít cho sự thoải mái thể chất của các tín đồ so với ngôi nhà khiêm tốn của họ; mà tất cả đều cảm thấy rằng, theo nhận thức đúng đắn và sáng suốt về cái đúng, cái đẹp và cái tốt, mọi khoản chi cho nơi thờ tự đều phải tránh hoàn toàn bất kỳ yếu tố nào có thể đem lại sự thoải mái cho người thờ phụng. Nếu có bất kỳ yếu tố tiện nghi nào được phép xuất hiện trong nội thất của nơi thờ tự thì phải được che giấu cẩn thận và ẩn dưới một vẻ nghiêm khắc rõ rệt. Trong những ngôi đền hiện đại danh giá nhất, nơi không tiếc chi phí, nguyên tắc nghiêm khắc được áp dụng đến mức khiến nội thất trở thành công cụ hành xác, đặc biệt là trong dáng vẻ bên ngoài. Rất ít người có thẩm mỹ tinh tế trong vấn đề tiêu thụ sùng kính mà lại không coi sự khắc khổ lãng phí này là chính đáng và đúng đắn. Sự tiêu thụ sùng kính mang tính chất tiêu thụ thay thế. Quy chuẩn về khắc khổ sùng kính dựa trên sự danh giá tài sản của tiêu thụ phô trương lãng phí, cùng với nguyên tắc rằng tiêu thụ thay thế không nên tạo ra sự thoải mái cho người tiêu thụ thay thế.
Nơi thánh địa và các vật dụng bên trong mang nét nghiêm khắc, khổ hạnh: điều này xuất hiện ở tất cả các tín ngưỡng mà vị thánh hay vị thần mà nơi đó thuộc về được coi là không hiện diện và không sử dụng tài sản để thỏa mãn những thị hiếu xa hoa được gán cho ngài. Ở những tín ngưỡng mà lối sống được gán cho vị thần gần gũi hơn với đời sống của một vị gia trưởng quyền thế trần tục - nơi ngài được cho là trực tiếp sử dụng các của cải này - thì thánh địa và các vật dụng bên trong cũng có xu hướng gần hơn với phong cách của những tài sản dành cho tiêu thụ phô trương của một chủ nhân trần thế. Ngược lại, ở những nơi mà các vật thiêng chỉ để phục vụ thần, nghĩa là chỉ dành cho sự "tiêu thụ thay mặt" ngài bởi các người hầu của ngài, thì các tài sản thiêng cũng có tính chất của tài sản dành riêng cho tiêu thụ thay thế.
Trong trường hợp ấy, nơi thánh địa và các vật thiêng sẽ được sắp xếp sao cho không làm tăng sự tiện nghi hay đầy đủ cho cuộc sống của người tiêu thụ thay thế, hay ít nhất không gây ấn tượng rằng mục đích của việc tiêu thụ này là sự thoải mái của người tiêu thụ. Mục đích của tiêu thụ thay thế không phải là để tăng sự sung túc cho người tiêu thụ, mà là để nâng cao uy tín về tài sản của chủ nhân, vì người đó là lý do chính của sự tiêu thụ dạng này. Do đó, y phục của giới tu sĩ thường đắt đỏ, trang trí công phu, và không hề thoải mái; và trong những tín ngưỡng nơi người phục vụ thần thánh không được coi là người phối ngẫu của vị thần, trang phục của họ thường khổ hạnh. Và cảm giác chung là nên như thế.
Nguyên tắc lãng phí không chỉ xâm nhập vào các tiêu chuẩn về sự đàng hoàng của xa xỉ tôn giáo mà còn ảnh hưởng đến cả cách thức và phương tiện trong các nghi lễ, dựa trên cả tiêu thụ thay thế lẫn nhàn rỗi thay thế. Tư thế chuẩn của các tu sĩ phải cách biệt, hững hờ, nhàn nhã, qua loa, hình thức, không để lộ bất kỳ dấu hiệu nào về khoái cảm giác quan. Điều này đúng ở các mức độ khác nhau tùy theo tín ngưỡng và giáo phái; nhưng trong đời sống tu sĩ của tất cả các tín ngưỡng nhân dạng hóa, dấu ấn của sự tiêu thụ thời gian thay thế đều hiện diện rõ ràng.
Cùng nguyên tắc về sự nhàn rỗi thay thế cũng xuất hiện trong chi tiết ngoại cảnh của các nghi thức tôn giáo và chỉ cần được nhắc đến là có thể nhận ra ngay. Tất cả các nghi lễ đều có xu hướng quy về một sự diễn lại các công thức. Sự phát triển của các công thức này đặc biệt rõ nét trong những tín ngưỡng đã trưởng thành, với đời sống và trang phục tu sĩ trang trọng, cầu kỳ và khắt khe hơn; nhưng cũng có thể nhận thấy trong các hình thức và phương pháp thờ phụng của các giáo phái mới hơn và ít nghiêm ngặt hơn về yêu cầu đối với tu sĩ, y phục và nơi thánh địa. Việc diễn tập các nghi lễ (từ “service” - vừa nghĩa là nghi lễ vừa nghĩa là "phục vụ" - là một từ rất chuẩn) trở nên qua loa hơn khi tín ngưỡng đã trưởng thành và nhất quán, và chính sự qua loa này lại phù hợp với thị hiếu tôn giáo đúng đắn. Và điều này có lý do chính đáng, vì sự qua loa biểu lộ rõ rằng chủ nhân là đối tượng của sự phục vụ này không có nhu cầu thực tế về sự hữu ích từ phía người phục vụ. Họ là những kẻ phục vụ không sinh lợi, và sự không sinh lợi của họ mang đến một hàm ý tôn vinh cho chủ nhân của họ. Chưa cần phải chỉ ra tương đồng chặt chẽ giữa vai trò tu sĩ và vai trò của người hầu cận. Chỉ cần nhận xét rằng trong cả hai trường hợp, cảm tri về sự hợp lý của chúng ta được thỏa mãn khi ta nhận ra, qua sự qua loa không giấu giếm, rằng đây hoàn toàn là một nhiệm vụ mang tính hình thức. Không nên có bất cứ biểu hiện nào của sự nhanh nhẹn hay kỹ năng trong việc thực hiện nhiệm vụ tu sĩ, những biểu hiện có thể gợi ý khả năng hoàn thành mau lẹ.
Trong tất cả những điều này dĩ nhiên có một hàm ý rõ ràng về tính khí, thị hiếu, xu hướng, và thói quen sống được gán cho vị thần bởi tín đồ - những người sống theo truyền thống của chuẩn mực danh giá dựa trên của cải. Thông qua việc thẩm thấu vào cách suy nghĩ của con người, nguyên tắc tiêu thụ phô trương cũng nhuốm màu lên hình dung của tín đồ về vị thần và quan hệ của con người với ngài. Tất nhiên, sự nhuốm màu của cái đẹp mang tính chất tài sản là rõ nhất trong các tín ngưỡng ngây thơ hơn, nhưng ta có thể thấy nó hiện diện khắp nơi. Tất cả các dân tộc, bất kể ở giai đoạn văn hóa hay mức độ hiểu biết nào, đều muốn bổ sung vào những hình dung còn nghèo nàn về tính cách và môi trường sống các vị thần của họ. Khi viện đến trí tưởng tượng để làm phong phú và tô điểm cho hình ảnh của vị thần, họ thường gán cho ngài những đặc điểm mà họ coi là biểu hiện của một con người danh giá. Và khi tìm cách kết nối với thần linh, cách thức tiếp cận bao giờ cũng được cố gắng sao cho gần nhất với lý tưởng về thần thánh trong tâm thức chung vào thời điểm đó. Người ta cảm nhận rằng việc bước vào sự hiện diện thần thánh nên được thực hiện với phong thái đẹp và hiệu quả nhất, theo những phương pháp được chấp nhận, cùng các yếu tố vật chất nhất định, mà trong nhận thức chung là đặc biệt tương hợp với bản tính của thần. Lý tưởng về phong thái và vật dụng xứng hợp với các dịp thông giao linh thiêng này, dĩ nhiên, phần lớn được hình thành bởi nhận thức phổ biến về những gì vốn dĩ là đẹp và cao quý trong cung cách và môi trường sống của con người trong tất cả các dịp giao tiếp trang trọng. Vì lý do này, sẽ rất sai lầm nếu cố phân tích thái độ sùng kính bằng cách quy mọi bằng chứng về sự hiện diện của chuẩn mực danh giá tài sản về tiêu chuẩn ngầm của sự ganh đua tài sản một cách quá trực tiếp, theo nghĩa xấu. Tương tự, sẽ là đọc lệch nếu gán cho vị thần, như được quan niệm phổ biến, một sự chú trọng mang tính đố kị đến danh tiếng tài sản của ngài và thói quen tránh né, lên án những hoàn cảnh và môi trường hèn mọn chỉ vì chúng không đạt chuẩn về tài sản.
Vậy nhưng, sau khi đã xem xét tất cả các yếu tố, các chuẩn mực về danh tiếng tài sản dường như vẫn, trực tiếp hoặc gián tiếp, tác động đáng kể đến quan niệm của chúng ta về các thuộc tính của thần thánh cũng như về cách thức và hoàn cảnh thích hợp cho sự giao tiếp thần linh. Người ta cảm nhận rằng vị thần phải có một lối sống đặc biệt thanh thản và nhàn nhã. Và bất cứ khi nào nơi cư ngụ của ngài được miêu tả bằng ngôn từ thi vị, nhằm khơi gợi lòng sùng kính hay làm thỏa mãn trí tưởng tượng mộ đạo, người họa sĩ ngôn từ dĩ nhiên sẽ vẽ ra trong tâm trí người nghe hình ảnh một ngai vàng với vô số biểu tượng của sự giàu có và quyền lực, bao quanh bởi một đoàn phục dịch lớn. Trong các mô tả phổ biến về nơi ở trên trời của thần thánh, nhiệm vụ của đoàn phục dịch này là thực hiện sự nhàn rỗi thay thế, thời gian và công sức của họ chủ yếu dành cho việc diễn lại các đức tính đáng quý và chiến công của vị thần, trong khi nền của khung cảnh được phủ lấp lánh kim loại quý và các loại đá quý còn đắt tiền hơn. Nhưng chỉ trong những biểu hiện thô tục hơn của trí tưởng tượng mộ đạo thì sự xâm nhập của các chuẩn mực tài sản vào các lý tưởng thần thánh mới đạt đến mức ấy. Một trường hợp điển hình xuất hiện trong hình tượng tôn giáo của người da đen ở miền Nam. Các họa sĩ ngôn từ của họ không thể dùng một biểu tượng thấp hơn vàng; do đó, sự nhấn mạnh vào vẻ đẹp tài sản trong trường hợp này tạo ra một hiệu ứng vàng rực nổi bật - một hiệu ứng quá mức đối với những cảm năng trầm lặng hơn. Tuy nhiên, có lẽ không có tín ngưỡng nào mà các lý tưởng về tài sản không được sử dụng để bổ sung cho các lý tưởng về sự đầy đủ nghi lễ, vốn là thứ định hướng quan niệm của con người về sự đúng đắn trong việc bố trí các vật thiêng.
Tương tự, người ta cảm nhận - và hành động dựa trên cảm nhận đó - rằng những tu sĩ phục vụ thần thánh không nên tham gia vào các công việc sản xuất; rằng công việc trần tục - bất kỳ nghề nghiệp nào mang tính hữu ích thực tế cho con người - không nên diễn ra trước sự hiện diện của thần thánh hoặc trong phạm vi thánh địa, rằng bất kỳ ai đến trước mặt thần thánh đều phải thanh tẩy mình khỏi mọi dấu vết của công việc trần tục trong trang phục hay chính bản thân họ, và phải mặc những bộ trang phục xa hoa hơn mức thường nhật; rằng vào các ngày lễ được dành riêng để tôn vinh hoặc giao tiếp với thần thánh, không ai được phép thực hiện bất kỳ công việc nào hữu ích cho con người. Thậm chí, những tín đồ ở xa cũng phải dành ra trong tuần riêng một ngày nhàn rỗi có tính thay thế. Trong tất cả những quy ước về những gì được xem là phù hợp và đúng đắn trong các nghi lễ tôn giáo và trong quan hệ với thần thánh, sự hiện diện của các chuẩn mực danh giá tài sản hiển nhiên đến mức không thể phủ nhận, bất kể chúng tác động trực tiếp hay gián tiếp đến sự đánh giá của người mộ đạo.
Các chuẩn mực danh tiếng này cũng có tác động tương tự, nhưng sâu rộng và rõ ràng hơn, đến nhận thức phổ biến về cái đẹp và tính hữu dụng trong các sản phẩm tiêu dùng. Yêu cầu về sự đàng hoàng theo chuẩn mực tài sản đã ảnh hưởng đáng kể đến cảm nhận về cái đẹp và tính hữu dụng của các đồ vật. Các đồ vật phần nào được ưa chuộng sử dụng vì sự lãng phí phô trương của chúng; giá trị phục vụ của chúng được xác định tùy theo mức độ lãng phí và kém thích hợp với công dụng bề ngoài của chúng.
Giá trị phục vụ của những vật được đánh giá cao về thẩm mỹ phụ thuộc chặt chẽ vào độ đắt đỏ của chúng. Một ví dụ đơn giản sẽ làm rõ sự phụ thuộc này. Một chiếc thìa bằng bạc thủ công, giá khoảng mười đến hai mươi đô la, thường không có khả năng phục vụ tốt hơn - theo nghĩa đen của từ này - so với một chiếc thìa đại trà làm bằng máy từ cùng chất liệu. Nó thậm chí có thể không phục vụ tốt hơn một chiếc thìa làm bằng máy từ kim loại "rẻ" như nhôm, chỉ có giá mười đến hai mươi xu. Trên thực tế, thìa thủ công thường ít hiệu quả hơn trong mục đích sử dụng chính của nó so với thìa làm bằng máy. Có thể có lời phản bác rằng, nếu chỉ nhìn theo cách này, chúng ta đã bỏ qua một trong những mục đích chính, nếu không phải là mục đích chính, của chiếc thìa đắt đỏ hơn; chiếc thìa thủ công thỏa mãn thị hiếu của chúng ta, cảm nhận về cái đẹp của chúng ta, trong khi chiếc thìa bằng kim loại rẻ tiền chỉ có chức năng "thô sơ" là hiệu quả. Các sự vị đúng là như lời phản bác, nhưng suy cho cùng, phản bác này không đủ để kết luận. Có thể nhận xét rằng: (1) dù các vật liệu mà hai chiếc thìa được làm ra đều có vẻ đẹp và tính hữu dụng riêng cho mục đích sử dụng của chúng, chất liệu của chiếc thìa thủ công đắt gấp trăm lần so với kim loại rẻ, nhưng lại không hẳn vượt trội về vẻ đẹp tự nhiên của vân hay màu sắc, cũng không có tính năng cơ học vượt trội đáng kể nào; (2) nếu một kiểm tra kỹ hơn cho thấy chiếc thìa thủ công thực chất chỉ là một bản nhái thủ công cực kỳ tinh vi, nhưng là một bản sao khéo léo đến mức gây được ấn tượng tương tự về đường nét và bề mặt trừ khi bị soi kỹ bởi con mắt nhà nghề, thì giá trị của vật phẩm này, bao gồm cả sự hài lòng mà người dùng có được khi chiêm ngưỡng nó như một vật đẹp, sẽ lập tức giảm từ tám mươi đến chín mươi phần trăm, thậm chí hơn; (3) nếu hai chiếc thìa cùng được gán mác thủ công gần như giống nhau đến mức chỉ có trọng lượng nhẹ hơn của chiếc thìa nhái làm bằng máy mới tiết lộ được rằng nó là hàng nhái thì sự giống nhau về hình thức và màu sắc cũng sẽ không thực sự làm tăng giá trị của chiếc thìa làm bằng máy, cũng như không làm tăng đáng kể sự hài lòng về "cảm nhận cái đẹp" của người dùng khi chiêm ngưỡng nó, miễn là chiếc thìa rẻ tiền không phải là một thứ gì mới lạ và có thể dễ dàng mua với chi phí thấp. Trường hợp những chiếc thìa này rất điển hình. Sự hài lòng vượt trội có được từ việc sử dụng và chiêm ngưỡng các sản phẩm đắt tiền và được cho là đẹp thường là một sự thỏa mãn về cảm giác đắt đỏ của chúng, mà chúng ta gán cho tên gọi cái đẹp. Đánh giá cao hơn của chúng ta đối với vật phẩm đắt giá hơn chủ yếu là đánh giá về danh giá vượt trội của nó, hơn là sự chiêm ngưỡng cái đẹp thuần túy. Yêu cầu về sự lãng phí phô trương thường không hiện diện một cách có ý thức trong các chuẩn mực thẩm mỹ của chúng ta, nhưng nó vẫn tồn tại như một chuẩn mực cưỡng chế, định hình và duy trì cảm nhận của chúng ta về cái đẹp, và hướng dẫn chúng ta trong việc phân biệt những gì có thể được công nhận là đẹp và những gì không thể.
Chính ở điểm mà cái đẹp và danh giá gặp gỡ và hòa quyện này, việc phân biệt giữa tính hữu dụng và lãng phí trở nên khó khăn hơn cả. Thường xuyên xảy ra trường hợp một vật phẩm phục vụ cho mục đích danh giá của sự phô trương lãng phí lại đồng thời là một vật phẩm đẹp; và công sức lao động dành để phục vụ mục đích danh giá ấy cũng có thể, và thường xuyên tạo ra vẻ đẹp về hình thức. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi nhiều vật phẩm, như đá quý, kim loại và một số chất liệu khác được dùng để trang trí và làm đẹp, tỏ ra hữu dụng cho mục đích phô trương lãng phí chính nhờ vào tính hữu dụng sẵn có, vì đẹp. Chẳng hạn, vàng có vẻ đẹp giác quan rất cao; rất nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết các tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao đều đã đẹp sẵn. Điều này cũng đúng với một số loại vải dùng cho may mặc, một số cảnh quan thiên nhiên và nhiều vật phẩm khác ở mức độ thấp hơn. Nếu không vì vẻ đẹp vốn có này, những vật phẩm ấy khó có thể được khao khát đến thế để trở thành các biểu tượng độc quyền của niềm tự hào cho người sở hữu và sử dụng. Tuy nhiên, tính hữu dụng của những thứ này đối với người sở hữu thường ít phụ thuộc vào vẻ đẹp nội tại của chúng hơn là vào sự danh giá mà việc sở hữu và sử dụng chúng mang lại, hoặc vào sự khinh miệt mà chúng có thể giúp người sở hữu tránh được.
Ngoài tính hữu dụng ở những khía cạnh khác, các vật phẩm này cũng đẹp và có giá trị sử dụng với tư cách là những vật đẹp; chúng có giá trị nhờ vào điều này nếu chúng có thể được chiếm hữu hoặc độc quyền sở hữu. Vì vậy, chúng được khao khát như những tài sản quý, và việc tận hưởng độc quyền các vật này thỏa mãn cảm giác vượt trội về tài sản của người sở hữu đồng thời với việc chiêm ngưỡng chúng thỏa mãn cảm nhận về cái đẹp của người ấy. Nhưng vẻ đẹp của chúng, theo nghĩa ngây thơ của từ này, là cớ chứ không phải là lý do cho việc độc quyền sở hữu hoặc giá trị thương mại của chúng. “Dù vẻ đẹp cảm quan của đá quý rất lớn, sự hiếm có và giá trị của chúng đã thêm vào cho chúng một biểu hiện của sự phân biệt mà chúng sẽ không bao giờ có nếu chúng rẻ.” Trong hầu hết các trường hợp thông thường, động lực để sở hữu và sử dụng độc quyền những vật đẹp này rất ít, ngoại trừ vì sự danh giá của chúng như những món tiêu thụ phô trương. Hầu hết các vật phẩm trong nhóm này, trừ một phần các món trang sức cá nhân, cũng sẽ phục vụ tốt cho mọi mục đích khác ngoài mục đích tăng danh giá, dù chúng có thuộc sở hữu của người chiêm ngưỡng hay không; và ngay cả với trang sức cá nhân, cũng cần nói thêm rằng mục đích chính của chúng là làm nổi bật người đeo (hoặc sở hữu) qua sự so sánh với những người không có chúng. Sự sở hữu không làm cho một vật đẹp đẹp hơn.
Khái quát mà cuộc thảo luận đến đây đã cung cấp nền tảng là: để có thể thu hút cảm nhận về cái đẹp của chúng ta, bất kỳ vật phẩm giá trị nào cũng phải đáp ứng yêu cầu về cả cái đẹp lẫn sự đắt đỏ. Nhưng vẫn chưa hết. Thêm vào đó, chuẩn mực về sự đắt đỏ cũng tác động đến cảm năng của chúng ta theo cách khiến dấu hiệu của sự đắt đỏ hòa lẫn không thể tách rời với các đặc điểm đẹp của vật phẩm trong đánh giá của chúng ta, và kết quả là chúng ta xem tất cả đơn giản là đánh giá về cái đẹp. Các dấu hiệu của sự đắt đỏ dần được chấp nhận như những đặc điểm đẹp của các vật phẩm đắt tiền. Chúng gây thích thú vì là dấu hiệu của sự xa xỉ danh giá, và cảm giác thích thú do điều này mang lại hòa quyện với cảm giác thích thú từ hình thức đẹp của vật phẩm; ta thường reo lên rằng một món trang phục nào đó “tuyệt xinh”, trong khi thực ra, nếu phân tích giá trị thẩm mỹ, điều duy nhất ta có thể kết luận là nó có giá trị danh giá về tài sản.
Sự hòa trộn và nhầm lẫn giữa sự đắt và sự đẹp có lẽ được thể hiện rõ nhất qua các vật thuộc về trang phục và nội thất gia đình. Quy chuẩn về danh tiếng trong vấn đề ăn mặc quyết định những kiểu dáng, màu sắc, chất liệu và hiệu ứng nào được coi là phù hợp vào một thời điểm nhất định; và những lệch lạc khỏi quy chuẩn này gây khó chịu cho cảm năng của chúng ta, vì chúng bị cho là đi ngược lại “sự thật” về thẩm mỹ. Sự tán thưởng mà chúng ta dành cho trang phục hợp thời không hoàn toàn là tự huyễn. Chúng ta dễ dàng và phần lớn hoàn toàn chân thành khi thích thú những thứ đang thịnh hành. Chẳng hạn, chất liệu thô ráp và màu quá chóe có thể gây khó chịu vào những thời điểm mà mốt đang là chất liệu bóng mịn và màu trung tính. Một chiếc mũ đúng kiểu năm nay chắc chắn sẽ thu hút cảm quan của chúng ta hôm nay nhiều hơn một chiếc mũ kiểu năm ngoái, mặc dù nếu nhìn từ quan điểm của hai lăm năm sau, tôi nghĩ sẽ rất khó để phân định chiếc nào thực sự đẹp hơn. Tương tự, có thể nhận xét rằng, khi xét về hiệu ứng vật lý với cơ thể người, độ bóng sáng ngời ở mũ các quý ông hoặc giày da đánh bóng không sở hữu vẻ đẹp tự nhiên lớn hơn độ bóng trtương tự ên một chiếc áo khoác bạc màu; tuy nhiên, chắc chắn tất cả những người có học thức (trong các cộng đồng văn minh phương Tây) theo bản năng và rất tự nhiên sẽ xem thứ nhất là biểu tượng của vẻ đẹp và lánh xa cái thứ hai vì nó xúc phạm đến mọi giác quan. Rất đáng ngờ chuyện hoàn toàn chỉ vì đẹp mà người ta chịu đội cái mũ cao của xã hội văn minh.
Sự quen thuộc với việc đánh giá các dấu hiệu của sự đắt đỏ trong hàng hóa và việc đồng nhất cái đẹp với danh giá về tài sản dẫn đến việc một vật phẩm đẹp nhưng không đắt thì bị coi là không đẹp. Chẳng hạn, có những loài hoa đẹp nhưng thường bị coi là cỏ dại vô giá trị; có những loài hoa khác trồng dễ dàng và được tầng lớp trung lưu thấp yêu thích, bởi họ không có khả năng mua các loài hoa xa xỉ hơn; nhưng những loài hoa này lại bị xem là tầm thường bởi những người có khả năng chi cho các loài hoa đắt đỏ hơn và đã được dạy phải tuân theo cái đẹp đại diện cho tài sản trong các sản phẩm hoa. Trong khi đó, có những loài hoa, vốn chẳng đẹp mấy, lại được trồng với chi phí cao và được người yêu hoa ngưỡng mộ, những người có thị hiếu đã được trau dồi trong một môi trường thanh lịch.
Sự khác biệt trong vấn đề thị hiếu từ tầng lớp này sang tầng lớp khác cũng có thể thấy rõ trong nhiều loại hàng hóa khác, chẳng hạn như đồ nội thất, nhà ở, công viên và vườn cảnh. Sự đa dạng trong quan điểm về cái đẹp trong các loại hàng hóa này không phải là sự đa dạng về chuẩn mực mà cảm nhận ngây thơ về cái đẹp tuân theo. Đó không phải là sự khác biệt bẩm sinh về khả năng thẩm mỹ, mà là sự khác biệt trong quy chuẩn danh giá, thứ xác định những vật phẩm nào nằm trong phạm vi tiêu thụ danh giá cho tầng lớp mà người đánh giá thuộc về. Đó là sự khác biệt trong truyền thống về sự đúng đắn trong tiêu thụ các vật phẩm thuộc phạm vi nghệ thuật và gu, sao cho không làm giảm giá trị của người sử dụng. Với một số ngoại lệ do các nguyên nhân khác, những truyền thống này được xác định, một cách ít nhiều nghiêm ngặt, bởi mức tài sản của tầng lớp xã hội đó.
Đời sống hằng ngày mang lại nhiều minh họa thú vị về cách quy chuẩn cái đẹp tài sản trong các vật phẩm tiêu dùng thay đổi theo từng tầng lớp, cũng như cách mà cảm quan thẩm mỹ thông thường khác với cảm quan chưa qua đào tạo về các yêu cầu danh tiếng tài sản. Một ví dụ tiêu biểu là thảm cỏ được cắt tỉa gọn gàng trong sân hoặc công viên - hết sức hấp dẫn đối với cảm năng người phương Tây. Nó có vẻ đặc biệt thu hút các tầng lớp khá giả trong những cộng đồng nơi người da sáng màu, cao, tóc vàng (dolicho-blond) chiếm ưu thế đáng kể. Thảm cỏ chắc chắn đẹp về mặt cảm quan đúng như một đối tượng của tri giác, và theo cách đó nó trực tiếp thu hút mắt nhìn của hầu hết các chủng tộc và tầng lớp; nhưng có lẽ đối với người dolicho-blond, nó đẹp hơn hẳn so với hầu hết các chủng người khác. Sự tán thưởng này gắn liền với một số đặc điểm khác của tính cách dolicho-blond, sinh ra từ việc tổ tiên họ từng là người chăn thả du mục sống lâu dài ở vùng có khí hậu ẩm ướt. Một thảm cỏ cắt gọn đặc biệt đẹp trong mắt một dân tộc có xu hướng di truyền là thích ngắm nhìn một đồng cỏ hoặc bãi chăn thả được chăm sóc tốt.
Đối với mắt thưởng thức, thảm cỏ dễ gợi liên tưởng đến đồng cỏ cho bò, và trong một số trường hợp ngày nay - khi sự đắt đỏ của các yếu tố xung quanh loại bỏ bất kỳ gợi ý nào về sự chắt bóp - bức tranh đồng quê lý tưởng của người dolicho-blond sẽ được phục dựng hoàn hảo bằng việc đưa một con bò vào thảm cỏ hoặc khuôn viên riêng. Trong những trường hợp này, giống bò được sử dụng thường là những giống đắt tiền. Liên tưởng phổ biến, gần như không thể tách rời khỏi hình ảnh con bò về sự chắt bóp là một phản đối thường trực đối với việc sử dụng nó như một vật trang trí. Do đó, ngoại trừ những trường hợp có các yếu tố xa hoa phủ nhận mọi liên tưởng theo hướng ấy, phải tránh hết sức việc sử dụng bò để điểm trang. Nếu thấy nhất thiết phải có một con vật ăn cỏ mới đầy đủ bức tranh đồng quê, con bò thường được thay thế bởi hươu, linh dương, hoặc các loài ngoại lai khác. Mặc dù những con vật thay thế này không đẹp bằng bò đối với con mắt chăn thả của người phương Tây, chúng vẫn được ưa chuộng vì tính đắt đỏ hoặc sự vô dụng vượt trội, và do đó, khả năng củng cố danh tiếng tài sản. Chúng không thể đưa lại ích lợi thực tế nào và cũng không khiến người ta liên tưởng đến ích lợi nào.
Công viên công cộng cũng thuộc cùng loại với bãi cỏ, và những công viên đẹp nhất cũng là mô phỏng đồng cỏ. Dĩ nhiên, cách chăm sóc công viên tốt nhất là chăn thả, và những gia súc trên cỏ tự chúng đã là bổ sung đáng kể cho vẻ đẹp của cảnh quan, điều này rõ ràng với bất kỳ ai từng thấy một đồng cỏ được chăm sóc kỹ lưỡng. Nhưng điều đáng chú ý, như một biểu hiện của yếu tố tài sản trong thị hiếu chung, là phương pháp chăm sóc như vậy hiếm khi được áp dụng. Những người thợ lành nghề dưới sự giám sát của người quản lý được đào tạo có thể tạo ra một mô phỏng đồng cỏ ít nhiều sát với thực tế, nhưng kết quả luôn thiếu đi hiệu ứng thẩm mỹ mà việc chăn thả tự nhiên mang lại. Trong tâm thức chung, một đàn gia súc gợi lên quá rõ hình ảnh của sự chắt bóp và hữu ích, đến mức hiện diện của chúng trong công viên công cộng sẽ bị xem là quá tầm thường. Phương pháp ấy lại còn ít tốn kém, vì thế bị coi là bệ rạc, không đàng hoàng về danh tiếng tài sản.
Một đặc điểm khác của các khu công cộng cũng mang cùng nghĩa ấy: lối phô trương tài sản được nghiên cứu kỹ, kết hợp với bề ngoài giả tạo của sự giản dị và chăm sóc thô sơ. Các khu vực tư nhân cũng thể hiện đặc điểm tương tự, bất cứ khi nào chúng được quản lý hoặc sở hữu bởi những người có thẩm mỹ được khuôn thành dưới ảnh hưởng của thói quen sinh hoạt tầng lớp trung lưu hoặc truyền thống của tầng lớp thượng lưu không muộn hơn thời thơ ấu của thế hệ thượng lưu đang dần lụi tàn. Những khu vực được xây dựng theo thẩm mỹ của tầng lớp thượng lưu ngày nay không còn thể hiện đặc điểm này rõ nét. Lý do cho sự khác biệt về thẩm mỹ giữa thế hệ thượng lưu quá khứ và thế hệ thượng lưu mới nằm ở sự thay đổi tình hình kinh tế. Khác biệt tương tự cũng hiện ra ở các khía cạnh khác, cũng như trong lý tưởng được chấp nhận về các khu vực dành cho tiêu khiển. Ở quốc gia này cũng như ở hầu hết các quốc gia khác, cho đến nửa thế kỷ vừa qua, chỉ một phần rất nhỏ dân số sở hữu tài sản đủ lớn để không cần tiết kiệm. Do các phương tiện liên lạc chưa phát triển hoàn thiện, phần nhỏ này thường phân tán và không có sự liên hệ hiệu quả với nhau. Vì vậy, không có cơ sở để hình thành một gu thẩm mỹ không chú trọng đến sự đắt đỏ. Sự chống đối của gu thẩm mỹ tầng lớp thượng lưu đối với sự tiết kiệm tầm thường không bị cản trở. Những trường hợp lẻ tẻ khi cảm nhận thẩm mỹ thiếu tinh tế xuất hiện - một thẩm mỹ tán thưởng những khu vực tiêu khiển rẻ tiền hoặc tiết kiệm, nó sẽ chẳng thể nào gặp được sự "khẳng định xã hội" mà chỉ một số lượng lớn những người cùng quan điểm mới có thể mang lại. Do đó, đã không hình thành một quan điểm thẩm mỹ thượng lưu có thể bỏ qua những dấu hiệu của sự rẻ tiền, và vì vậy, không có khác biệt đáng kể nào giữa lý tưởng của tầng lớp nhàn rỗi và tầng lớp trung lưu về hình thức của các khu vực tiêu khiển. Cả hai tầng lớp đều xây dựng lý tưởng của mình với nỗi lo về sự mất danh tiếng tài sản.
Ngày nay, một khác biệt trong lý tưởng bắt đầu trở nên rõ ràng. Tầng lớp nhàn rỗi đã liên tục được miễn trừ khỏi công việc và những lo toan về tài sản qua một hoặc nhiều thế hệ giờ đã đủ lớn về số lượng để hình thành và duy trì quan điểm rạch ròi về các vấn đề thẩm mỹ. Sự gia tăng tính di động của các thành viên trong tầng lớp này cũng làm tăng khả năng đạt được sự "khẳng định xã hội" trong nội bộ họ. Đối với họ, việc được miễn trừ khỏi việc phải tiết kiệm đã trở thành quá thông thường đến mức mất đi phần lớn giá trị như một cơ sở để thể hiện sự đàng hoàng về tài sản. Do đó, các chuẩn mực thẩm mỹ của tầng lớp thượng lưu hiện đại không còn nhất quán đòi hỏi một sự thể hiện không ngừng về sự phô trương tài sản và sự loại bỏ hoàn toàn vẻ ngoài tiết kiệm. Thay vào đó, một sự yêu thích dành cho sự mộc mạc và "tự nhiên" trong thiết kế công viên và khu vực cảnh quan bắt đầu xuất hiện ở các tầng lớp xã hội và trí thức cao. Sự yêu thích này phần lớn là kết quả của bản năng sản xuất và được thể hiện với các mức độ nhất quán khác nhau. Nó hiếm khi hoàn toàn không vờ vĩnh, và đôi khi chuyển dần thành một thứ không khác mấy so với sự giả vờ mộc mạc đã được đề cập trước đó.
Một sự yếu lòng đối với những thiết kế thô sơ, mang tính phục vụ rõ ràng và gợi liên tưởng về khả năng sử dụng ngay mà không lãng phí cũng xuất hiện cả trong thị hiếu của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, điều này vẫn được kiềm chế dưới sự thống trị không gián đoạn của chuẩn mực về sự vô dụng đáng kính. Hệ quả là ta có vô số cách thức và phương tiện để giả vờ sự hữu dụng: những hàng rào mộc, cầu, nhà chòi, gian lều, và các yếu tố trang trí tương tự. Một ví dụ cho sự giả vờ hữu dụng này, có lẽ khi nó đi xa nhất khỏi những thôi thúc đầu tiên của cảm tri về cái đẹp kinh tế, là hàng rào và giàn hoa bằng gang theo phong cách thô sơ hoặc một đường lái xe quanh co được đặt trên mặt đất bằng.
Tầng lớp nhàn rỗi chọn lọc đã vượt qua nhu cầu sử dụng những biến thể giả vờ hữu ích của sự phô trương tài sản, ít nhất là ở một số khía cạnh. Tuy nhiên, thị hiếu của những người mới gia nhập tầng lớp nhàn rỗi đích thực, cũng như của các tầng lớp trung lưu và thấp hơn, vẫn đòi hỏi một vẻ đẹp mang tính phô trương để bổ sung cho vẻ đẹp vốn có, ngay cả trong những đối tượng vốn được ngưỡng mộ chủ yếu vì vẻ đẹp vốn có ấy.
Thị hiếu phổ biến trong các vấn đề này được thể hiện qua sự tán thưởng đối với nghệ thuật cắt tỉa cây và những bồn hoa kiểu mẫu tại các khu công cộng. Một minh họa điển hình cho sự thống trị của vẻ đẹp mang tính phô trương so với vẻ đẹp vốn có trong thị hiếu của tầng lớp trung lưu có thể được thấy ở việc tái thiết khu đất mà trước đây là nơi tổ chức Triển lãm Columbia. Các bằng chứng đều cho thấy rằng yêu cầu về sự phô trương đáng kính vẫn tồn tại mạnh mẽ ngay cả khi tất cả các hình thức xa hoa bề ngoài đều bị tránh. Các hiệu ứng mỹ thuật được tạo ra trong quá trình tái thiết này khác biệt khá rõ so với những hiệu ứng mà cùng khu đất đó có thể tạo ra dưới bàn tay không bị chi phối bởi các chuẩn mực thẩm mỹ của tài sản. Thậm chí, tầng lớp khá giả hơn trong số dân cư của thành phố cũng tỏ ra hoàn toàn ủng hộ, cho thấy trong trường hợp này có rất ít, nếu có, khác biệt giữa thị hiếu của tầng lớp thượng lưu và tầng lớp trung lưu hoặc thấp hơn. Cảm tri về cái đẹp của cư dân thành phố đại diện cho văn hóa tài sản cấp cao này chỉ miễn cưỡng bất kỳ lệch lạc nào khỏi nguyên tắc lớn của nó: sự lãng phí phô trương.
Tình yêu thiên nhiên, có lẽ được vay mượn từ các chuẩn mực thẩm mỹ của tầng lớp cao hơn, đôi khi thể hiện theo những cách bất ngờ dưới sự dẫn dắt của chuẩn mực về cái đẹp mang tính phô trương tài sản, và dẫn đến những kết quả thoạt đầu có vẻ không hợp lý đối với một người quan sát không suy xét sâu xa. Ví dụ, việc trồng cây ở những vùng không có cây xanh, một hành động được chấp nhận rộng rãi, đã được thực hiện như một khoản chi mang tính danh dự ngay cả ở những khu vực có rừng rậm; không hiếm để thấy một ngôi làng hoặc một nông dân ở vùng rừng rậm đốn hạ cây cối tự nhiên và ngay lập tức trồng lại những cây non thuộc các giống được du nhập xung quanh khu vực trang trại hoặc dọc theo các con đường. Bằng cách này, một khu rừng gồm các loài sồi, du, dẻ, óc chó, thông độc, basswood, và bạch dương bị đốn hạ để nhường chỗ cho những cây non như phong mềm, bông gòn và liễu giòn. Người ta cảm thấy rằng việc để nguyên các cây rừng tự nhiên, một hành động ít tốn kém hơn, sẽ làm giảm giá trị phẩm cách vốn nên gắn với một đối tượng được định hình để phục vụ mục đích tôn vinh.
Chi phối tương tự của danh tiếng tài sản lên thẩm mỹ cũng có thể thấy trong các tiêu chuẩn phổ biến về vẻ đẹp ở động vật. Vai trò của chuẩn mực này trong việc xếp hạng loài bò trong thang giá trị thẩm mỹ chung đã được đề cập trước đó. Điều tương tự cũng đúng với các vật nuôi trong nhà khác, trong chừng mực chúng có giá trị kinh tế đáng kể đối với cộng đồng - chẳng hạn gia cầm, lợn, bò, cừu, dê, và ngựa kéo. Những loài này thuộc loại hàng hóa sản xuất, phục vụ mục đích hữu ích và thường mang lại lợi nhuận; do đó, cái đẹp hiếm khi được gán cho chúng. Nhưng lại rất khác đối với những vật nuôi thường không phục vụ mục đích kinh tế, như bồ câu, vẹt và những chim lồng khác, hay mèo, chó, và ngựa đua. Những loài này thường là đối tượng của tiêu thụ phô trương, do đó mang tính danh dự và có thể được coi là đẹp. Nhóm động vật này được tầng lớp thượng lưu ngưỡng mộ theo truyền thống, trong khi tầng lớp thấp hơn về tài sản - và nhóm thiểu số thuộc tầng lớp nhàn hạ, nơi chuẩn mực không chấp nhận vẻ tiết kiệm dần trở nên lỗi thời - thường tìm thấy vẻ đẹp ở mọi nhóm động vật mà không phân biệt nghiêm ngặt "đẹp" và "xấu" dựa trên giá trị tài sản. Đối với những vật nuôi được xem là mang tính danh dự và do vậy được coi là đẹp, có một cơ sở phụ trợ để đánh giá cần được nói tới: ngoài những loài chim thuộc nhóm vật nuôi mang tính danh dự, được xếp vào nhóm này nhờ không mang lại lợi nhuận, các động vật đáng chú ý đặc biệt bao gồm mèo, chó và ngựa đua. Mèo ít danh giá hơn so với hai loài còn lại vì chúng ít mang tính phô trương hơn; đôi khi, chúng thậm chí còn phục vụ mục đích hữu ích. Đồng thời, bản tính của mèo không phù hợp với mục đích danh dự. Mèo sống cùng con người trên cơ sở bình đẳng, không nhận thức được quan hệ về địa vị, vốn là nền tảng cổ xưa của mọi phân biệt về giá trị, danh dự và danh tiếng, và chúng không dễ dàng phục vụ cho việc so sánh hơn kém giữa chủ nhân và hàng xóm. Ngoại lệ cho quy tắc này nằm ở những giống mèo hiếm và lạ như mèo Angora, có giá trị danh dự nhờ sự đắt đỏ, và do đó, có vị trí đặc biệt trong đánh giá vẻ đẹp dựa trên các tiêu chuẩn tài sản.
Chó có ưu thế từ sự vô dụng cũng như những đặc thù trong tính khí. Nó thường được nhắc đến, theo cách tôn vinh, như người bạn của con người, và sự thông minh cũng như lòng trung thành của nó được ca ngợi. Điều này có nghĩa rằng chó là người phục vụ của con người, với khả năng phục tùng không thắc mắc và sự nhạy bén của một nô lệ trong việc đoán biết tâm trạng chủ nhân. Bên cạnh những điểm này - những điểm khiến nó phù hợp với quan hệ mang tính địa vị - chó có những đặc điểm khác khó có thể coi là đẹp. Nó là loài bẩn nhất trong số các vật nuôi trong nhà, cả về thể trạng lẫn thói quen. Để bù lại, chó có một thái độ phục tùng nịnh bợ đối với chủ, cùng sự sẵn sàng gây hại hoặc bất tiện cho những gì không phải chủ của nó. Chó được lòng chúng ta bằng cách đáp ứng khuynh hướng thống trị của con người. Thêm vào đó, nuôi chó thường tốn kém và chó hiếm khi phục vụ mục đích sản xuất, do đó nó chiếm một vị trí vững chắc trong sự tán thưởng của con người như một biểu tượng của danh tiếng đàng hoàng. Trong tưởng tượng của chúng ta, chó đồng thời gợi liên tưởng tới hoạt động săn bắn - hoạt động được xem là cao quý, biểu hiện của bản năng săn mồi danh dự. Trên nền tảng ấy, mọi vẻ đẹp về hình dáng, chuyển động và các đặc điểm tinh thần đáng khen ngợi mà nó sở hữu đều được thừa nhận và phóng đại trong truyền thống. Ngay cả những giống chó bị biến dạng kỳ quặc bởi người chơi chó cảnh cũng được nhiều người thật lòng coi là đẹp. Những giống chó này - và điều tương tự cũng đúng với các loài vật cảnh khác được lai tạo đặc biệt - thường được đánh giá về giá trị thẩm mỹ dựa vào mức độ kỳ quái của hình dáng chúng. Mức độ bất thường về cấu trúc này có thể được quy thành sự khan hiếm và chi phí cao. Giá trị thương mại của những con chó kỳ lạ, như các giống chó cảnh được cả đàn ông và phụ nữ nuôi làm thú cưng, nằm ở chi phí sản xuất cao của chúng. Giá trị của chúng đối với chủ nhân chủ yếu nằm ở vai trò là những món tiêu thụ phô trương. Gián tiếp, qua phản ánh chi phí này, một giá trị xã hội được gán cho chúng; và như vậy, thông qua một hoán đổi từ và ý dễ dàng, chúng được ngưỡng mộ và coi là đẹp. Vì sự quan tâm dành cho những động vật này không thể mang lại lợi ích hay giá trị thực dụng, chúng cũng được coi là đàng hoàng. Do thói quen chăm chút đến chúng không bị phản đối, nó có thể phát triển thành một sự gắn bó thường xuyên và bền chặt, thậm chí như với con người. Do đó, trong tình cảm dành cho thú cưng, chuẩn mực về chi phí phô trương hiện diện ít nhiều từ xa như một quy chuẩn định hướng và hình thành tình cảm cũng như sự lựa chọn đối tượng. Điều tương tự, như sẽ được bàn sau, cũng đúng đối với tình cảm dành cho con người; mặc dù cách thức mà quy chuẩn này hoạt động trong trường hợp đó có phần khác biệt.
Trường hợp ngựa đua khá giống với chó. Nhìn chung, nó là một loại tài sản đắt đỏ, lãng phí và vô dụng - xét về mục đích sản xuất. Bất kỳ giá trị thực dụng nào mà ngựa có thể mang lại, như cải thiện đời sống cộng đồng hoặc làm cuộc sống con người dễ dàng hơn, thường thể hiện qua những màn phô diễn sức mạnh và sự linh hoạt trong chuyển động, thỏa mãn cảm tri phổ biến về cái đẹp. Đây tất nhiên là một hình thức phục vụ thực chất. Ngựa không được ban bản năng phụ thuộc mang tính nô lệ như chó, nhưng nó vẫn phục vụ hiệu quả cho bản năng của chủ nhân trong việc biến các "lực sống" của môi trường thành công cụ dưới sự kiểm soát và ý chí của mình, qua đó thể hiện xu hướng thống trị của họ. Ngựa đua ít nhất cũng tiềm năng là ngựa thi đấu, dù thuộc hạng cao hay thấp; và chính trong vai trò này, nó đặc biệt hữu dụng đối với chủ nhân. Giá trị thực dụng của ngựa đua phần lớn nằm ở khả năng hỗ trợ cho sự ganh đua; nó thỏa mãn cảm giác tấn công và thống trị của chủ nhân khi ngựa của họ vượt qua ngựa của hàng xóm. Sử dụng này không mang lại lợi ích kinh tế mà về tổng thể khá lãng phí và rất phô trương. Do đó, nó mang tính danh dự và đem lại cho ngựa đua một vị thế đáng kính. Ngoài đó ra, ngựa đua cũng mang tính danh dự như công cụ phục vụ cho hoạt động cờ bạc.
Ngựa đua, do đó, may mắn về mặt thẩm mỹ ở chỗ chuẩn mực về danh tiếng tài sản cho phép đánh giá thoải mái bất kỳ vẻ đẹp hay tính hữu dụng nào mà nó có thể sở hữu. Kỳ vọng đặt vào nó nhận được ủng hộ từ nguyên tắc phô trương lãng phí và khả năng săn mồi mang tính thống trị cũng như ganh đua. Hơn nữa, ngựa là một động vật đẹp, mặc dù ngựa đua không mang vẻ đẹp đặc biệt nào đối với thị hiếu chưa qua đào tạo của những người không thuộc tầng lớp yêu thích ngựa đua hay không bị chi phối bởi thẩm mỹ của những người sành ngựa. Với thị hiếu mộc mạc này, con ngựa đẹp nhất dường như lại là hình thức ít bị can thiệp hơn so với ngựa đua dưới bàn tay chọn lọc của các nhà lai tạo. Tuy nhiên, khi một nhà văn hoặc diễn giả - nhất là những người thường xuyên sử dụng lối hùng biện phổ thông - muốn tìm một minh họa về sự duyên dáng và hữu dụng của động vật, họ thường chọn ngựa; và thường họ làm rõ rằng hình ảnh trong đầu họ chính là ngựa đua.
Cần lưu ý rằng trong sự đánh giá phân cấp về các giống ngựa và chó, như thường thấy ở những người có thẩm mỹ được rèn luyện tương đối trong các vấn đề này, còn có thể thấy một đường lối ảnh hưởng khác, trực tiếp hơn, của các chuẩn mực danh tiếng từ tầng lớp nhàn rỗi. Ở đất nước này [nước Mỹ] chẳng hạn, thẩm mỹ của tầng lớp nhàn rỗi phần nào được định hình dựa trên các thói quen và phong cách phổ biến hoặc được cho là phổ biến, trong tầng lớp nhàn rỗi ở Anh. Điều này ít đúng hơn chó hơn so với ngựa. Với ngựa, đặc biệt là ngựa cưỡi - loài động vật có thể phục vụ mục đích phô trương lãng phí trong trường hợp tốt nhất - có thể khái quát rằng ngựa càng nhiều nét “Anh” thì càng đẹp. Điều này là do ở đất nước này, tầng lớp nhàn rỗi Anh được coi là tầng lớp nhàn rỗi cao nhất và do đó trở thành hình mẫu cho các cấp bậc thấp hơn. Sự bắt chước trong phương pháp tri nhận cái đẹp và hình thành các đánh giá thẩm mỹ này không nhất thiết dẫn đến một sự ưa thích giả tạo. Sự ưa thích là một đánh giá thẩm mỹ nghiêm túc, dù dựa trên nền tảng nào. Khác biệt nằm ở chỗ, thị hiếu trong trường hợp này là thị hiếu dành cho sự đúng đắn theo quan niệm danh tiếng, chứ không phải cho cái thực đẹp.
Sự bắt chước ấy, cần nói thêm, không chỉ giới hạn ở cảm nhận về vẻ đẹp của giống ngựa mà còn mở rộng đến cả phụ kiện đi kèm và kỹ thuật cưỡi ngựa. Tư thế hoặc dáng ngồi đúng chuẩn, được xem là đẹp và danh giá, cũng được quyết định bởi phong cách Anh, bao gồm cả dáng đi của ngựa. Để minh họa cho tính ngẫu nhĩ của những điều kiện quyết định điều gì được xem là phù hợp hoặc không phù hợp theo chuẩn mực tài sản, có thể lưu ý rằng dáng ngồi Anh Quốc và dáng đi đặc biệt khó chịu của ngựa Anh - điều khiến cho tư thế ngồi không thoải mái ấy thành cần thiết, là tồn dư từ thời kỳ đường sá ở Anh còn ngập bùn tới độ một con ngựa với dáng đi thoải mái khó có thể lội qua. Thành thử ngày nay một người có gu thẩm mỹ được đào luyện cưỡi một con ngựa đuôi cắt ngắn, với tư thế ngồi không thoải mái và dáng đi nặng nề chỉ vì đường sá ở Anh phần lớn thế kỷ trước không phù hợp cho một con ngựa di chuyển với dáng đi tự nhiên hơn, hoặc cho một giống ngựa vốn được tạo ra để di chuyển dễ dàng trên các vùng đất chắc chắn và thoáng đãng, nơi tổ tiên loài ngựa. Không chỉ các mặt hàng tiêu thụ - bao gồm cả vật nuôi - mà các chuẩn mực thẩm mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi chuẩn mực về danh tiếng tài sản. Cũng có thể nhận xét tương tự về vẻ đẹp con người. Để tránh tranh cãi, chúng ta sẽ không đề cập đến sự ưa chuộng phổ biến đối với dáng vẻ đĩnh đạc (khoan thai) và phong thái quyền uy vốn theo truyền thống gắn liền với sự giàu có ở đàn ông trưởng thành. Những đặc điểm này phần nào được chấp nhận như những yếu tố của vẻ đẹp cá nhân. Tuy nhiên, đối với phụ nữ, có một số yếu tố của vẻ đẹp mang tính vật chất rõ rệt, đủ để có thể phân tích chi tiết. Thường thì trong các cộng đồng ở giai đoạn phát triển kinh tế mà phụ nữ được tán thưởng chủ yếu vì khả năng phục vụ, lý tưởng về vẻ đẹp nữ giới là khỏe mạnh, tay chân vâm váp. Tiêu chuẩn đánh giá nằm ở vóc dáng, còn đường nét khuôn mặt chỉ là phụ. Một ví dụ nổi tiếng về lý tưởng này trong văn hóa săn mồi sơ khai là hình ảnh các thiếu nữ trong thơ Homer.
Lý tưởng này thay đổi trong giai đoạn phát triển tiếp theo, khi, theo mô hình truyền thống, vai trò của người vợ thuộc tầng lớp thượng lưu chuyển thành việc thực hiện sự nhàn rỗi thay thế. Lý tưởng lúc này bao gồm các đặc điểm được cho là kết quả từ, hoặc đi đôi với, một cuộc sống nhàn hạ nhất quán. Lý tưởng được chấp nhận trong hoàn cảnh này có thể được suy ra từ các mô tả về phụ nữ đẹp trong thơ ca và văn chương thời kỳ hiệp sĩ. Trong mô hình truyền thống thời ấy, phụ nữ thuộc tầng lớp cao được hình dung là luôn luôn sống dưới sự giám hộ và được cẩn trọng miễn trừ khỏi mọi công việc hữu ích. Lý tưởng về cái đẹp mang tính hiệp sĩ hoặc lãng mạn hình thành từ đó tập trung chủ yếu vào khuôn mặt, sự tinh xảo của tay và chân, vóc dáng mảnh mai, đặc biệt là vòng eo thon gọn. Trong các hình ảnh phụ nữ thời ấy cũng như trong các sáng tác lãng mạn hiện đại bắt chước suy nghĩ và tình cảm hiệp sĩ, vòng eo thường được vẽ gầy đến phi lý để biểu thị sự yếu đuối cực độ. Lý tưởng này vẫn tồn tại trong một bộ phận đáng kể dân cư của các cộng đồng hiện đại, nhưng cần lưu ý rằng nó duy trì mạnh mẽ nhất ở những cộng đồng ít phát triển về kinh tế, nơi mà tàn dư của chế độ địa vị và các thiết chế của xã hội săn mồi vẫn còn phổ biến. Nói cách khác, lý tưởng hiệp sĩ được bảo tồn tốt nhất ở những cộng đồng có mức độ hiện đại hóa thấp nhất. Tàn tích của lý tưởng lãng mạn nhàn rỗi này xuất hiện khá phổ biến trong thị hiếu của tầng lớp giàu có tại các quốc gia lục địa. Ở các cộng đồng ở trình độ sản xuất cao hơn, tầng lớp nhàn rỗi thượng lưu đã tích lũy được khối lượng tài sản đủ lớn để đặt phụ nữ của họ vượt khỏi mọi nghi ngờ về việc lao động sản xuất tầm thường. Phụ nữ bớt dần vai trò là người tiêu thụ thay thế trong một số bộ phận dân cư; và do đó, lý tưởng về vẻ đẹp nữ giới cũng bắt đầu quay trở lại với hình mẫu phụ nữ nguyên thủy, người không chối bỏ tay chân cũng như những đặc điểm vật chất khác của cơ thể mình. Trong quá trình phát triển, lý tưởng về vẻ đẹp của các dân tộc thuộc văn hóa phương Tây đã chuyển từ phụ nữ khỏe khoắn sang phụ nữ liễu yếu đào tơ, và giờ lại đang dần dịch chuyển về mẫu cũ. Tất cả những thay đổi này đều tuân theo điều kiện của sự ganh đua tài sản. Có thời kỳ, sự ganh đua đòi hỏi những nô lệ khỏe mạnh; thời kỳ khác, nó lại yêu cầu một màn phô diễn cuộc sống nhàn rỗi thay thế, do đó mà có yêu cầu phụ nữ phải yếu đuối. Nhưng giờ yêu cầu này đang dần không còn cần thiết, bởi vì với hiệu quả cao hơn của nền sản xuất hiện đại, sự nhàn rỗi ở phụ nữ đã trở nên khả thi ngay cả ở các tầng lớp thấp hơn trong thang bậc danh giá, và do đó không còn là dấu hiệu đặc trưng của tầng lớp tài sản cao nhất nữa.
Ngoài sự chi phối chung của chuẩn mực lãng phí phô trương lên lý tưởng về vẻ đẹp nữ giới, có một số chi tiết đáng được bàn riêng để làm rõ nó có thể ảnh hưởng cực đoan thế nào đến cảm nhận về cái đẹp phụ nữ. Như đã đề cập, ở những giai đoạn tiến hóa kinh tế mà sự nhàn rỗi phô trương được coi trọng như một phương tiện của danh tiếng, lý tưởng yêu cầu tay và chân nhỏ nhắn, mảnh mai cùng vòng eo thon gọn. Những đặc điểm này, cùng với những khiếm khuyết cấu trúc thường đi kèm, cho thấy người phụ nữ như vậy không có khả năng làm việc hữu ích và do đó phải được chủ nhân của mình chu cấp để sống nhàn rỗi. Cô ta vô dụng và tốn kém, do đó trở thành bằng chứng cho sức mạnh tài sản của chủ nhân. Kết quả là ở giai đoạn văn hóa này, phụ nữ cố công thay đổi cơ thể mình để phù hợp hơn với các yêu cầu của thẩm mỹ quy định bởi thời đại; và dưới định hướng của chuẩn mực đàng hoàng về tài sản, đàn ông lại thấy những đặc điểm bệnh lý nhân tạo này hấp dẫn. Một số ví dụ cho việc này là vòng eo bị siết đến biến dạng, một xu hướng phổ biến và lâu dài trong các cộng đồng phương Tây, hay bàn chân biến dạng ở phụ nữ Trung Quốc. Cả hai đều là những hình thức biến dạng đáng ghê sợ đối với cảm tri tự nhiên, chưa qua đào tạo. Việc quen với chúng đòi hỏi thời gian thích nghi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sức hấp dẫn của chúng đối với những người đàn ông mà lối sống của họ coi chúng là biểu tượng danh dự, được chuẩn mực tài sản chấp nhận. Những đặc điểm này trở thành biểu hiện của vẻ đẹp tài sản và văn hóa và lý tưởng về nữ tính.
Liên hệ này giữa giá trị thẩm mỹ và giá trị phô trương của sự vật, tất nhiên, không xuất hiện trong ý thức của người đánh giá. Nếu một người cân nhắc rằng đối tượng được xem xét là lãng phí và do đó có thể coi là đẹp theo chuẩn mực thì đánh giá ấy không phải là một đánh giá thẩm mỹ đích thực và không nằm trong phạm vi được xem xét ở đây. Mối liên hệ được nhấn mạnh ở đây giữa danh giá và vẻ đẹp của đối tượng nằm ở sự chi phối của thực tế về danh tiếng lên thói quen tư duy của người đánh giá. Anh ta có thói quen đánh giá giá trị ở nhiều loại khác nhau - kinh tế, đạo đức, thẩm mỹ hoặc danh tiếng - về các đối tượng mà mình quan tâm, và sự tán dương của anh ta đối với một đối tượng dựa trên bất kỳ cơ sở nào khác cũng sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của anh ta về đối tượng đó khi xem xét nó từ góc độ thẩm mỹ. Điều này đặc biệt đúng đối với việc đánh giá dựa trên các cơ sở liên quan chặt chẽ đến cái đẹp, chẳng hạn như danh tiếng. Đánh giá từ mục đích thẩm mỹ và từ mục đích danh tiếng khó có thể tách bạch rõ ràng. Thường dễ lẫn lộn hai loại đánh giá này, bởi vì giá trị của các đối tượng cho mục đích danh tiếng không thường được gọi rõ tên. Kết quả là, các thuật ngữ quen dùng để chỉ cái đẹp thường được áp dụng để bao gồm cả yếu tố danh tiếng tài sản không được đặt tên này, và sự lẫn lộn tương ứng trong trật tự ý dễ dàng theo sau. Theo cách ấy, trong tâm thức chung, các yêu cầu về danh tiếng tài sản hợp nhất với các yêu cầu của cảm tri về cái đẹp, và vẻ đẹp không đi kèm với những dấu hiệu được công nhận của danh tiếng tốt sẽ không được chấp nhận. Tuy nhiên, các yêu cầu về danh tiếng tài sản và các yêu cầu về vẻ đẹp trong các cảm năng đơn thuần, chưa qua đào tạo lại không có điểm chung đáng kể nào. Việc loại bỏ các yếu tố không phù hợp theo đánh giá về danh tiếng tài sản khỏi môi trường xung quanh chúng ta dẫn đến việc loại bỏ khá triệt để các yếu tố thẩm mỹ chẳng may không đáp ứng yêu cầu về danh tiếng tài sản. Các chuẩn mực cơ bản của thẩm mỹ có nền tảng rất xưa, có lẽ lâu hơn nhiều so với sự xuất hiện của các thiết chế tài sản đang được thảo luận ở đây. Kết quả là, nhờ vào sự thích nghi chọn lọc trong thói quen tư duy của con người, các yêu cầu đơn thuần về cái đẹp, phần lớn được đáp ứng tốt nhất bởi các thiết kế và cấu trúc không đắt đỏ, những thứ mà theo cách trực tiếp gợi ý cả chức năng mà chúng sẽ thực hiện lẫn phương thức phục vụ mục đích đó. Có lẽ cần nhớ lại quan điểm tâm lý học hiện đại. Vẻ đẹp hình thức dường như trỏ thẳng đến sự dễ dàng trong tri nhận. Có lẽ có thể an toàn mở rộng đề xuất này thêm nữa. Nếu loại bỏ các yếu tố liên tưởng, gợi ý, và "biểu cảm" - vốn được xem là các yếu tố của vẻ đẹp, thì vẻ đẹp trong mọi đối tượng khả tri cuối cùng đều quy về chuyện tâm trí dễ dàng triển khai hoạt động tri nhận theo những hướng mà đối tượng đó cung cấp. Những hướng tri nhận và biểu đạt dễ dàng ấy là những hướng mà thói quen lâu dài, thiết thân đã khiến tâm trí trở nên quen thuộc. Xét về các yếu tố cốt yếu của vẻ đẹp, thói quen này sâu sắc và lâu dài đến mức không chỉ tạo ra sự ưa chuộng đối với hình thức ấy mà còn dẫn đến sự thích nghi về cấu trúc và chức năng sinh lý. Xét về vai trò của lợi ích kinh tế trong cấu thành của vẻ đẹp, nó là gợi ý hoặc biểu đạt về sự đủ khả năng cho một mục đích, một sự phục vụ rõ ràng đối với quá trình sống. Sự tiện lợi hoặc hữu dụng kinh tế trong bất kỳ đối tượng nào - có thể gọi là vẻ đẹp kinh tế của đối tượng - thể hiện tốt nhất ở gợi ý rõ ràng, không mơ hồ về chức năng của nó và hiệu quả của nó đối với các mục đích vật chất của cuộc sống.
Chiểu theo cơ sở này, trong số các vật dụng sử dụng hàng ngày, những vật đơn giản và không trang trí sẽ là đẹp nhất về mặt thẩm mỹ. Nhưng vì chuẩn mực danh tiếng tài sản từ chối những món đồ rẻ tiền cho việc sử dùng cá nhân, khát khao những thứ đẹp đẽ của chúng ta chỉ có thể được thỏa mãn trong thỏa hiệp. Cần một thiết kế nào đó có thể chứng minh sự lãng phí đáng kính, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của cảm tri về sự hữu dụng và vẻ đẹp, hoặc ít nhất đáp ứng được yêu cầu từ một thói quen nào đó đã thay thế cho cảm tri này. Một "cảm tri thẩm mỹ" phụ trợ thuộc dạng này là cảm giác mới lạ, được bổ trợ bởi sự tò mò ta luôn luôn thấy khi ngắm nhìn những thiết kế tinh xảo và bí ẩn. Vì vậy, hầu hết các đối tượng được cho là đẹp và thực hiện chức năng nhờ cái đẹp của chúng thường có sự tinh tế đáng kể trong thiết kế và được chế tạo để khiến người xem bối rối - đánh lạc hướng họ bằng những gợi ý không liên quan và hết sức khó tin - đồng thời cho thấy bằng chứng về lượng lao động lớn đã bỏ ra, vượt xa mức cần thiết cho mục đích kinh tế mà chúng thể hiện.
Điều này có thể được minh họa bằng những ví dụ nằm ngoài phạm vi thói quen và tiếp xúc hằng ngày của chúng ta, do đó tránh được những thành kiến chủ quan. Những áo choàng lông vũ độc đáo của người Hawaii hay những cán búa nghi lễ được chạm khắc tinh xảo từ một số đảo Polynesia chẳng hạn: những món đồ này không thể phủ nhận là đẹp, cả ở khía cạnh hài hòa về hình dáng, đường nét và màu sắc, lẫn ở khía cạnh thể hiện kỹ năng và sự sáng tạo đáng kinh ngạc trong thiết kế và chế tác. Đồng thời, chúng hiển nhiên không phù hợp để phục vụ bất kỳ mục đích kinh tế nào. Tuy nhiên, không phải lúc nào những thiết kế tinh xảo và bí ẩn dưới sự dẫn dắt của chuẩn mực về lao động lãng phí cũng mang lại kết quả tốt đẹp như vậy. Kết quả thường xuyên hơn là sự loại bỏ gần như hoàn toàn tất cả các yếu tố có thể chịu được sự đánh giá khắt khe dưới góc nhìn thẩm mỹ hoặc hữu dụng, thay vào đó là bằng chứng về tài khéo bị sử dụng sai cách và lao động bị phung phí, đi kèm với sự kém cỏi rõ rệt. Hệ quả là, nhiều món đồ xung quanh chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, thậm chí cả trang phục, là những thứ không thể được chấp nhận nếu không chịu sự áp đặt của quy chuẩn. Sự thay thế này - thay thế sự tài khéo và chi phí vào chỗ của vẻ đẹp và sự hữu dụng - có thể thấy rõ trong kiến trúc nhà ở, trong nghệ thuật hoặc đồ thủ công trang trí nội thất, trong các loại trang phục khác nhau, đặc biệt là trang phục nữ giới và trang phục của các giáo sĩ.
Chuẩn mực về vẻ đẹp yêu cầu sự biểu đạt mang tính phổ quát. Tuy nhiên, yếu tố "mới lạ" xuất phát từ yêu cầu của sự phô trương lãng phí lại đi ngược chuẩn mực này, bởi nó biến diện mạo của đối tượng thành một tập hợp các đặc điểm dị biệt, lại còn là những đặc điểm dị biệt chịu sự giám sát chọn lọc của chuẩn mực về sự lãng phí phô trương.
Quá trình thích nghi chọn lọc các thiết kế nhằm mục đích phô trương lãng phí và thay thế vẻ đẹp tài sản cho vẻ đẹp thẩm mỹ đã đặc biệt hiệu quả trong sự phát triển của kiến trúc. Sẽ vô cùng khó khăn để tìm thấy một nhà ở hay một tòa nhà công cộng nào trong văn minh hiện đại có thể tuyên bố gì hơn ngoài mức độ "không gây khó chịu" tương đối trong con mắt của một người có thể tách biệt các yếu tố thẩm mỹ khỏi các yếu tố phô trương danh giá. Sự đa dạng vô tận của các mặt tiền mà tầng lớp nhà ở cao cấp và chung cư trong các thành phố của chúng ta thể hiện thực chất là một chuỗi vô tận những khốn khổ về kiến trúc và những bất tiện đắt đỏ. Xét về góc độ thẩm mỹ, những bức tường chết ở hai bên và phía sau các công trình ấy, vốn không được chạm đến bởi bàn tay nghệ nhân, thường là điểm tốt nhất của tòa nhà.
Những gì đã phát biểu về ảnh hưởng của quy luật phô trương lãng phí lên chuẩn mực thẩm mỹ cũng sẽ đúng, với một chút thay đổi về thuật ngữ, về ảnh hưởng của nó lên quan niệm của chúng ta về sự hữu dụng của hàng hóa đối với những mục đích khác ngoài mục đích thẩm mỹ. Hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ như một phương tiện để đạt đến sự trọn vẹn đời sống, và giá trị sử dụng của chúng trước hết nằm ở hiệu quả của chúng ở tư cách phương tiện để đạt được mục đích này. Mục đích ban đầu - sự trọn vẹn của đời sống cá nhân - được hiểu theo nghĩa tuyệt đối. Tuy nhiên, khuynh hướng ganh đua của con người đã nắm bắt việc tiêu thụ hàng hóa như một phương tiện cho so sánh phân biệt, từ đó gán cho hàng hóa một giá trị sử dụng thứ cấp là bằng chứng cho khả năng chi trả vượt trội. Sử dụng gián tiếp, thứ cấp này làm cho việc tiêu thụ trở nên đáng kính, từ đó cũng làm cho những hàng hóa phục vụ tốt nhất cho mục đích tiêu thụ ganh đua thành đáng kính. Việc tiêu thụ hàng hóa đắt đỏ được coi là đáng khen, và những hàng hóa có chi phí vượt xa những gì cần thiết để đáp ứng mục đích cơ học của chúng được coi là danh giá. Dấu hiệu của sự tốn kém dư thừa trong hàng hóa vì vậy trở thành dấu hiệu của giá trị - của hiệu quả cao đối với mục đích gián tiếp; ngược lại, hàng hóa trở nên hèn mọn và do đó thiếu hấp dẫn nếu chúng quá tiết kiệm cho mục đích cơ học và không bao gồm một mức chi phí dư thừa có thể làm cơ sở cho một so sánh phân biệt khiến người ta tự mãn. Chính giá trị sử dụng gián tiếp này mang lại phần lớn giá trị của các hàng hóa "cao cấp" hơn. Để thu hút được cảm tri đã được đào tạo về giá trị sử dụng, một món hàng phải chứa đựng một mức độ giá trị sử dụng gián tiếp như vậy.
Trong khi ban đầu con người có thể không tán thành lối sống tiết kiệm vì nó cho thấy khả năng chi tiêu hạn chế, đồng nghĩa với sự thiếu thành công về tài sản, thì theo thời gian, họ lại rơi vào thói quen không chấp nhận những thứ rẻ tiền, coi chúng là không đáng kính hoặc không đàng hoàng chỉ vì chúng rẻ. Mỗi thế hệ tiếp sau lại kế thừa truyền thống chi tiêu đáng kính từ thế hệ trước và lần lượt củng cố, phát triển thêm chuẩn mực về danh tiếng tài sản trong hàng hóa được tiêu thụ. Kết quả là chúng ta đã đạt đến mức độ thuyết phục về sự thiếu giá trị của tất cả những thứ rẻ tiền đến nỗi chẳng còn do dự khi nói: “Của rẻ là của ôi.” Thói quen tán dương những thứ đắt đỏ và chê bai những thứ rẻ tiền đã ăn sâu vào suy nghĩ của chúng ta đến mức chúng ta vô thức yêu cầu ít nhất một mức độ lãng phí nào đó trong tiêu dùng của mình, ngay cả khi những hàng hóa ấy được tiêu thụ một cách kín đáo và không hề nhằm mục đích phô trương. Chúng ta đều cảm thấy, một cách thành thực, không nghi ngờ, rằng tinh thần của mình được nâng cao khi, ngay cả trong không gian riêng tư gia đình, chúng ta ăn bữa cơm hằng ngày bằng bộ đồ bạc chế tác thủ công, với những đĩa sứ vẽ tay (thường có giá trị nghệ thuật đáng ngờ) trên khăn trải bàn đắt tiền. Bất kỳ sự thoái lui nào khỏi tiêu chuẩn sống mà chúng ta coi là xứng đáng theo khía cạnh này đều được cảm nhận như một sự vi phạm nghiêm trọng đối với phẩm giá con người. Tương tự, trong khoảng hơn chục năm qua, nến đã trở thành nguồn sáng được ưa thích hơn trong bữa tối so với bất kỳ hình thức nào khác. Ánh sáng nến được xem là dịu nhẹ hơn, ít gây khó chịu hơn cho đôi mắt tinh tế của tầng lớp thượng lưu so với ánh sáng từ dầu, khí đốt hoặc điện. Không thể nói như thế cách đây ba mươi năm, khi nến vẫn là nguồn sáng rẻ nhất cho sử dụng trong gia đình. Thậm chí ngay cả hiện nay, nến cũng không được xem là nguồn sáng hiệu quả cho bất kỳ mục đích nào ngoài việc tạo ánh sáng mang tính nghi lễ.
Một nhà hiền triết chính trị còn sống đã tổng kết vấn đề này bằng câu sau: “Áo rẻ làm nên người rẻ”, và có lẽ không ai không cảm thấy sức thuyết phục mạnh mẽ của cái câu ấy.
Thói quen tìm kiếm các dấu hiệu của sự chi tiêu dư thừa trong hàng hóa và yêu cầu rằng tất cả hàng hóa phải mang lại một giá trị sử dụng gián tiếp, mang tính phân biệt nào đó đã dẫn đến thay đổi trong tiêu chuẩn đánh giá giá trị sử dụng của hàng hóa. Yếu tố danh dự và yếu tố hiệu quả thô sơ không tách bạch trong quá trình đánh giá của người tiêu dùng về các loại hàng hóa; chúng kết hợp để tạo nên cảm tri về sự hữu dụng tổng hợp, chưa qua phân tích của hàng hóa. Theo chuẩn giá trị sử dụng này, không một món hàng nào có thể được chấp nhận chỉ dựa trên việc nó phục vụ đủ cho nhu cầu vật chất. Để đạt được sự chấp nhận hoàn toàn của người dùng, hàng hóa cũng phải thể hiện yếu tố danh dự. Kết quả là các nhà sản xuất hàng hóa tiêu dùng hướng nỗ lực vào việc sản xuất những sản phẩm đáp ứng nhu cầu danh dự này. Họ sẽ làm điều này nhanh chóng và hiệu quả hơn, bởi chính họ cũng chịu sự chi phối của cùng tiêu chuẩn ấy, và họ sẽ chân thành đau lòng khi nhìn thấy các sản phẩm thiếu đi lớp véc-ni danh dự phù hợp. Do đó, ngày nay không có loại hàng hóa nào trên thị trường không chứa yếu tố danh dự ở mức nhiều hay ít. Một người tiêu dùng, nếu giống như Diogenes, kiên quyết loại bỏ mọi yếu tố danh dự hoặc lãng phí khỏi việc tiêu thụ của mình, sẽ không thể đáp ứng được cả những nhu cầu nhỏ nhất trong thị trường hiện đại. Thực tế, ngay cả khi anh ta cố gắng tự đáp ứng nhu cầu bằng nỗ lực tự thân, anh ta cũng sẽ thấy khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, bởi không thể thoát khỏi những thói quen tư duy liên quan. Kết quả là, anh ta khó có thể tự mình đáp ứng đủ những nhu cầu thiết yếu trong ngày mà không vô thức hoặc vô tình tích hợp vào sản phẩm tự làm của mình một số yếu tố danh dự, gần như mang tính trang trí, của lao động lãng phí.
Ai cũng biết rằng trong việc lựa chọn hàng hóa hữu dụng trong thị trường bán lẻ, người mua thường bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi lớp hoàn thiện và kỹ thuật gia công của sản phẩm thay vì những dấu hiệu về tính hữu dụng thực chất. Hàng hóa, để có thể bán được, phải chứa đựng một lượng lao động đáng kể được đầu tư vào việc tạo ra các dấu hiệu của chi phí "đàng hoàng", bên cạnh những gì cần thiết để làm chúng hiệu quả cho mục đích sử dụng vật chất. Thói quen biến sự tốn kém rõ ràng thành một chuẩn mực của tính hữu dụng, tất nhiên, làm gia tăng tổng chi phí của các sản phẩm tiêu dùng. Nó khiến chúng ta cảnh giác với sự rẻ tiền bằng cách đồng nhất phần nào giá trị với chi phí. Thông thường, người tiêu dùng vẫn cố gắng nhất quán trong việc tìm kiếm hàng hóa đáp ứng được nhu cầu sử dụng với giá cả hợp lý nhất có thể; nhưng yêu cầu truyền thống về sự tốn kém rõ ràng - như một sự bảo chứng và một yếu tố cấu thành tính hữu dụng của hàng hóa - bao giờ cũng dẫn đến việc họ loại bỏ những sản phẩm không chứa đựng yếu tố lãng phí phô trương lớn, coi chúng là hàng hóa dưới tiêu chuẩn.
Cần bổ sung rằng phần lớn những đặc điểm của hàng hóa tiêu dùng được xem như dấu hiệu của tính hữu dụng trong nhận thức chung và được nhắc đến ở đây như các yếu tố của sự lãng phí phô trương cũng được người tiêu dùng đánh giá cao vì những lý do khác ngoài yếu tố đắt đỏ đơn thuần. Chúng thường thể hiện tay nghề cao, ngay cả khi tay nghề ấy không đóng góp vào tính hữu dụng thực chất của hàng hóa. Không nghi ngờ gì rằng chính trên cơ sở này mà dấu hiệu cụ thể của tính hữu dụng danh dự đã xuất hiện lúc ban đầu và sau đó duy trì vị trí của nó như một yếu tố cấu thành giá trị thông thường của sản phẩm. Sự trình bày tay nghề cao tự thân nó đã gây thỏa mãn, ngay cả khi kết quả cuối cùng của nó là vô ích trong hiện tại. Có một sự hài lòng về mặt nghệ thuật khi chiêm ngưỡng một tác phẩm thiện xảo. Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng không một dấu hiệu nào về tay nghề tinh xảo hay về sự tương thích hiệu quả giữa phương tiện và mục đích có thể nhận được sự tán thưởng lâu dài từ người tiêu dùng văn minh hiện đại nếu nó không được chuẩn mực của sự lãng phí phô trương chấp nhận.
Quan điểm được trình bày ở đây được minh chứng một cách thú vị qua vị trí của các sản phẩm làm bằng máy trong nền kinh tế tiêu dùng. Khác biệt quan trọng về vật chất giữa hàng hóa làm bằng máy và hàng hóa chế tác thủ công phục vụ cùng mục đích thường là hàng hóa làm bằng máy đáp ứng mục đích chính của chúng đầy đủ hơn. Chúng là sản phẩm hoàn thiện hơn - thể hiện sự thích nghi hoàn hảo hơn giữa phương tiện và mục đích. Tuy nhiên, điều này không giúp chúng thoát khỏi sự coi thường và xem nhẹ, vì chúng không đáp ứng được thử thách của sự lãng phí danh giá. Lao động thủ công là phương thức sản xuất lãng phí hơn; do đó, hàng hóa được tạo ra bằng phương thức này phù hợp hơn cho mục đích gia tăng danh tiếng tài sản; vì vậy, các dấu hiệu của lao động thủ công trở thành danh giá, và những sản phẩm thể hiện các dấu hiệu này được xếp hạng cao hơn so với hàng hóa tương ứng làm bằng máy. Thông thường, nếu không muốn nói là luôn luôn, dấu hiệu danh giá của lao động thủ công chính là những khuyết điểm và sự không đồng đều trong các đường nét của sản phẩm, cho thấy người thợ chưa hoàn thiện trong việc thực hiện thiết kế. Cơ sở cho sự vượt trội của hàng hóa chế tác thủ công là một mức độ thô sơ nhất định. Không bao giờ được quá thô sơ đến mức thể hiện sự vụng về trong tay nghề, vì đó sẽ là bằng chứng của chi phí thấp, cũng không được quá tinh vi để gợi lên độ chính xác lý tưởng chỉ đạt được bởi máy móc, vì đó cũng sẽ là bằng chứng của chi phí thấp.
Sự tán thưởng những dấu hiệu thô sơ danh giá làm nên giá trị và sức hấp dẫn vượt trội của hàng thủ công đòi hỏi một thẩm mỹ có khả năng phân biệt. Điều này cần đến sự đào tạo và việc hình thành những thói quen suy nghĩ đúng đối với những gì có thể gọi là "diện mạo" của hàng hóa. Hàng hóa làm bằng máy dùng hằng ngày thường được tầng lớp phổ thông và những người thiếu chưa qua đào tạo ưa chuộng chính vì sự hoàn hảo quá mức của chúng, bởi họ chưa dành đủ suy nghĩ cho những chuẩn mực khắt khe của sự tiêu dùng thanh lịch. Sự thấp kém mang tính nghi thức của các sản phẩm làm bằng máy cho thấy rằng sự hoàn hảo trong kỹ nghệ, được thể hiện qua bất kỳ đổi mới đắt đỏ nào trong khâu hoàn thiện hàng hóa tự nó không đủ để đảm bảo rằng hàng hóa sẽ được chấp nhận và yêu thích lâu dài. Bất kỳ đổi mới nào cũng cần có sự hỗ trợ của chuẩn mực phô trương lãng phí. Bất kỳ đặc điểm nào trong diện mạo của hàng hóa, dù bản thân nó có hấp dẫn đến đâu, và dù nó có phù hợp với thẩm mỹ về hiệu quả đến mức nào, sẽ không được chấp nhận nếu nó đi ngược lại chuẩn mực danh giá tài sản.
Sự thấp kém hoặc thiếu đàng hoàng mang tính nghi thức trong hàng hóa tiêu dùng, do tính "phổ biến" - nói cách khác là do chi phí sản xuất thấp - đã được nhiều người xem xét nghiêm túc. Sự phản đối đối với hàng làm bằng máy thường được diễn đạt như sự phản đối đối với tính phổ biến của chúng. Phổ biến tức là nằm trong tầm tay (về tài sản) của nhiều người. Tiêu thụ chúng chẳng có gì danh giá: chúng không đặt ta cao hơn những người tiêu dùng khác. Việc dùng hay thậm chí chỉ nhìn những món đồ ấy không thể tách khỏi sự gợi ý khó chịu về các tầng lớp thấp hơn. Kết quả là người ta rời khỏi việc chiêm ngưỡng chúng với một cảm giác bao trùm về sự hạ tiện, cực kỳ khó chịu và gây chán nản đối với những người nhạy cảm. Đối với những người mà cảm tri về cái đẹp lấn át mọi thứ khác và những người không có năng lực, thói quen hay động lực để phân biệt giữa các cơ sở của các đánh giá thẩm mỹ khác nhau, đánh giá về tính danh giá sẽ quyện vào đánh giá về vẻ đẹp và tính hữu dụng - như đã được đề cập trước đó. Và đánh giá tổng hợp này cuối cùng đóng vai trò như một phán xét về vẻ đẹp hoặc tính hữu dụng của đối tượng, tùy thuộc vào khuynh hướng hoặc mối quan tâm của người đánh giá. Do đó, không hiếm trường hợp những dấu hiệu của sự rẻ tiền hoặc tính phổ biến được chấp nhận như những dấu hiệu quyết định cho sự không phù hợp về mặt nghệ thuật. Trên cơ sở này, một bộ quy tắc hoặc danh sách về những điều phù hợp và không phù hợp về thẩm mỹ được xây dựng để định hướng trong các lựa chọn của gu.
Như đã được chỉ ra, những sản phẩm rẻ tiền, và do đó thiếu đàng hoàng, trong tiêu dùng hàng ngày của các cộng đồng hiện đại thường là sản phẩm làm bằng máy. Đặc điểm chung của diện mạo hàng hóa làm bằng máy so với sản phẩm chế tác thủ công là sự hoàn hảo hơn trong kỹ nghệ và độ chính xác cao hơn trong việc thực hiện các chi tiết của thiết kế. Do đó, các khuyết điểm có thể nhìn thấy trên các sản phẩm chế tác thủ công, vì mang tính danh giá, được coi là dấu hiệu của sự vượt trội về mặt thẩm mỹ, hoặc tính hữu dụng, hoặc cả hai. Từ đó đã xuất hiện sự tôn sùng những khiếm khuyết, mà John Ruskin và William Morris từng là người phát ngôn nhiệt thành trong thời của mình; và trên cơ sở này, những cổ vũ cho sự thô sơ và lãng phí được tiếp nối và phát triển. Cũng từ đó đã hình thành phong trào kêu gọi trở lại nghề thủ công và sản xuất hộ gia đình. Nhiều phần trong công trình và triết lý của những người này, phù hợp với đặc điểm được nêu ở đây, sẽ không thể tồn tại ở một thời điểm khi những sản phẩm rõ ràng hoàn hảo hơn không phải là sản phẩm rẻ hơn.
Tất nhiên, ở đây chỉ có thể đề cập đến giá trị kinh tế của trường phái thẩm mỹ này. Những gì được nói không nhằm đánh giá thấp họ, mà chủ yếu là để mô tả xu hướng của trường phái này trong ảnh hưởng đến tiêu dùng và sản xuất hàng hóa tiêu dùng.
Cách mà thiên kiến thẩm mỹ này phát triển và thể hiện trong sản xuất có lẽ được minh chứng rõ rệt nhất qua việc làm sách của William Morris vào những năm cuối đời. Điều đúng với những điểm nổi bật của nhà xuất bản Kelmscott cũng áp dụng gần như hệt cho những sản phẩm sách nghệ thuật thời nay - bao gồm kiểu chữ, giấy, minh họa, vật liệu bìa và kỹ thuật đóng sách. Các yêu cầu về sự xuất sắc của các sản phẩm sau này trong ngành sách dựa phần nào vào mức tiệm cận với sự thô sơ của thời kỳ khi làm sách còn là một cuộc vật lộn vất vả với các vật liệu khó xử lý bằng những công cụ thiếu thốn. Những sản phẩm này, vì đòi hỏi lao động thủ công, nên đắt đỏ hơn; chúng cũng kém tiện dụng hơn so với những cuốn sách được sản xuất với mục đích phục vụ đơn thuần. Do đó, chúng ngầm khẳng định khả năng của người mua trong tiêu thụ xa xỉ, cũng như khả năng lãng phí thời gian và công sức. Trên chính cơ sở ấy, các nhà in ngày nay đang quay trở lại sử dụng các kiểu chữ "cổ điển" hoặc các phong cách phần nào đã lỗi thời khác, vốn khó đọc hơn và tạo ra một diện mạo thô sơ hơn cho trang sách so với kiểu chữ "hiện đại". Thậm chí, một tạp chí khoa học - với mục đích rõ ràng chỉ là trình bày nội dung khoa học một cách hiệu quả nhất - cũng phải nhượng bộ trước những đòi hỏi của "vẻ đẹp tài sản" này, khi xuất bản các bài thảo luận khoa học của mình bằng kiểu chữ cổ, trên giấy dập vân, với mép giấy chưa cắt gọt. Những cuốn sách không thuần mục đích trình bày nội dung tất nhiên còn tiến xa hơn theo hướng này. Ở đây, ta thấy kiểu chữ thô sơ hơn, in trên giấy thủ công mép lởm chởm, lề rộng quá mức và các trang chưa cắt mép, bìa được làm bằng cách thức thô sơ nhưng công phu và vụng về một cách cầu kỳ. Nhà xuất bản Kelmscott thậm chí đã đẩy điều này đến mức phi lý - nếu nhìn từ quan điểm hiệu quả sử dụng thực tế - khi xuất bản những cuốn sách hiện đại được biên tập bằng chính tả lỗi thời, in bằng kiểu chữ đen cổ, và đóng bằng da bê mềm với dây buộc. Một đặc điểm kinh tế khác đặc trưng cho việc làm sách nghệ thuật là những cuốn sách này, ở dạng xuất sắc nhất, thường được in với số lượng giới hạn. Một ấn bản giới hạn thực chất là một bảo chứng - dù có phần thô thiển - rằng cuốn sách ấy hiếm và vì thế đắt, đồng thời mang lại sự khác biệt tài sản cho người sở hữu.
Sức hấp dẫn đặc biệt của những sản phẩm sách này đối với người mua sách có thẩm mỹ đã qua đào tạo không nằm ở việc họ nhận ra một cách ngây thơ hay có ý thức về sự đắt đỏ và sự vụng về vượt trội của chúng. Tương tự như trong sự vượt trội của hàng thủ công so với sản phẩm làm bằng máy, lý do hữu thức cho sự ưu ái này là sự xuất sắc nội tại được gán cho những sản phẩm đắt đỏ và thô sơ hơn. Sự xuất sắc được gán cho những cuốn sách bắt chước sản phẩm của các quy trình cổ xưa và lỗi thời chủ yếu được quy về giá trị sử dụng mang tính thẩm mỹ; tuy nhiên, không hiếm trường hợp một người yêu sách thanh lịch khẳng định rằng sản phẩm thô sơ hơn cũng phù hợp hơn cho vai trò phương tiện truyền tải ngôn từ in ấn. Xét về giá trị thẩm mỹ i, lập luận của người yêu sách có lẽ có phần cơ sở. Cuốn sách được thiết kế với mục tiêu duy nhất là tính thẩm mỹ, và kết quả thường đạt được một mức độ thành công nhất định từ phía người thiết kế. Tuy nhiên, ở đây cần nhấn mạnh rằng quy tắc thẩm mỹ mà người thiết kế tuân theo được hình thành dưới sự giám sát của luật phô trương lãng phí, và luật này hoạt động như một cơ chế chọn lọc để loại bỏ bất kỳ chuẩn mực thẩm mỹ nào không tuân thủ các yêu cầu của nó. Nói cách khác, cuốn sách phong cách ấy có thể đẹp thật, nhưng giới hạn cho công việc của nhà thiết kế vẫn được định bởi các yêu cầu không mang tính thẩm mỹ. Sản phẩm, nếu đẹp, cũng phải đồng thời đắt đỏ và kém phù hợp với công năng vốn có. Tuy nhiên, với nhà thiết kế sách, chuẩn mực thẩm mỹ bắt buộc không hoàn toàn được định hình bởi luật lãng phí theo hình thức đầu tiên của nó; thay vào đó, chuẩn mực này phần nào được định hình theo biểu hiện thứ cấp của bản tính săn mồi - lòng tôn kính đối với những gì cổ xưa hoặc đã mất đi, mà trong một phát triển đặc biệt của nó được gọi là chủ nghĩa cổ điển (classicism). Trong lý thuyết thẩm mỹ, có thể rất khó, nếu không nói là bất khả, chuyện vạch ra ranh giới giữa chủ nghĩa cổ điển hay sự trân trọng cái cổ xưa và quy tắc về cái đẹp. Với mục đích thẩm mỹ, sự phân biệt này hầu như không cần thiết và có thể không tồn tại. Đối với một lý thuyết về thẩm mỹ, việc thể hiện một lý tưởng cổ xưa đã được chấp nhận, bất kể cơ sở của nó là gì có lẽ nên được xem như một yếu tố của cái đẹp; không cần phải đặt ra câu hỏi về tính chính đáng của nó. Nhưng với mục đích hiện tại của chúng ta - xác định xem cơ sở kinh tế nào hiện diện trong các quy tắc thẩm mỹ đã được chấp nhận và ý nghĩa của chúng đối với việc phân phối và tiêu thụ hàng hóa - thì sự phân biệt này lại không thể bỏ qua. Vị trí của các sản phẩm làm bằng máy trong sơ đồ tiêu dùng văn minh chỉ ra bản chất của mối quan hệ giữa luật phô trương lãng phí và quy tắc tiêu dùng hợp lý. Trong cả các vấn đề nghệ thuật và thẩm mỹ cũng như trong nhận thức phổ biến hiện tại về tính hữu dụng của hàng hóa, luật này không hoạt động như một nguyên tắc đổi mới hay sáng tạo. Nó không hướng tới tương lai như một nguyên tắc tạo ra cái mới và bổ sung các mặt hàng tiêu dùng hay các yếu tố chi phí mới. Nguyên tắc này, ở một khía cạnh nhất định, là một luật mang tính tiêu cực hơn là tích cực. Nó là một nguyên tắc điều tiết chứ không tạo ra. Hiếm khi nó khởi xướng bất kỳ tập quán nào một cách trực tiếp. Hoạt động của nó mang tính chọn lọc. Sự lãng phí phô trương không trực tiếp tạo cơ sở cho thay đổi và phát triển, nhưng sự tuân thủ các yêu cầu của nó là điều kiện cho sự tồn tại của những đổi mới được thực hiện vì các lý do khác. Bất kể tập quán hay phương pháp chi tiêu phát sinh như thế nào, tất cả đều phải chịu sự tác động chọn lọc của quy tắc về danh giá này; và mức độ tuân thủ các yêu cầu của quy tắc ấy là thước đo khả năng sống sót của chúng trong sự cạnh tranh với các tập quán tương tự. Nếu các yếu tố khác tương đồng thì tập quán hoặc phương pháp rõ ràng lãng phí hơn sẽ có cơ hội tồn tại tốt hơn dưới luật này. Luật phô trương lãng phí không giải thích cho khởi sinh của các biến thể mà chỉ giải thích cho sự tồn tại của các hình thức phù hợp để tồn tại dưới sự thống trị của nó. Nó hoạt động để duy trì những gì phù hợp, chứ không phải để tạo ra những gì có thể chấp nhận. Vai trò của nó là thử mọi thứ và giữ lại những gì tốt cho mục đích của nó.
Chương VII
Trang phục như một biểu hiện của văn hóa tài sản
Để minh họa, có thể trình bày chi tiết cách các nguyên tắc kinh tế đã được đề cập áp vào những sự vị thường nhật. Trong mục đích này, không có hình thức nào minh họa rõ ràng hơn chi tiêu cho trang phục. Quy tắc phô trương lãng phí đặc biệt thể hiện rõ qua trang phục, mặc dù các nguyên tắc khác liên quan đến danh tiếng tài sản cũng được minh chứng trong cùng hình thức. Các phương pháp khác để thể hiện địa vị tài sản cá nhân thường đạt được mục tiêu của chúng một cách hiệu quả và luôn được sử dụng phổ biến ở mọi nơi, mọi thời điểm. Tuy nhiên, chi tiêu cho trang phục có một ưu thế vượt trội so với các phương pháp khác, đó là quần áo chúng ta mặc luôn được trưng bày, là dấu chỉ tức thời về địa vị tài sản mà bất kỳ ai cũng có thể nhận ra từ cái nhìn đầu tiên. Hơn nữa, việc chi tiêu để phô trương được thừa nhận rõ ràng hơn và, có lẽ, được thực hiện phổ biến trong trang phục hơn bất kỳ hình thức tiêu dùng nào khác. Chẳng ai thấy khó khăn gì trong việc đồng tình với thực tế rằng phần lớn chi tiêu của mọi tầng lớp xã hội cho trang phục là nhằm có một diện mạo "đàng hoàng", hơn là để bảo vệ cơ thể. Và có lẽ không có lĩnh vực nào mà cảm giác thiếu đàng hoàng gây tổn thương hơn khi ta không đạt được chuẩn mực do tập quán xã hội đặt ra trong ăn mặc. Điều này đúng với trang phục ở mức độ cao hơn hẳn so với hầu hết các mặt hàng tiêu dùng khác. Người ta sẵn sàng chịu đựng sự thiếu thốn đáng kể trong các tiện nghi hoặc nhu yếu phẩm của cuộc sống chỉ để có thể đạt được mức độ tiêu dùng phô trương được xem là đàng hoàng. Vì vậy, không hiếm gặp trường hợp ở những vùng khí hậu khắc nghiệt, người ta mặc không đủ ấm chỉ để "diện". Giá trị thương mại của các loại hàng hóa may mặc trong các cộng đồng hiện đại chủ yếu được xác định bởi mức độ "thời trang" và danh giá của nó, hơn là bởi công dụng cơ học trong việc bảo vệ cơ thể người mặc. Nhu cầu về trang phục rõ ràng là một nhu cầu "cao cấp" hay mang tính tinh thần.
Nhu cầu tinh thần về trang phục này không hoàn toàn và thậm chí không chủ yếu xuất phát từ xu hướng đơn thuần muốn phô trương chi tiêu. Quy luật phô trương lãng phí dẫn dắt việc tiêu dùng trong trang phục cũng như trong các lĩnh vực khác chủ yếu theo lối gián tiếp, thông qua việc định hình các chuẩn mực về thẩm mỹ và sự đàng hoàng. Trong hầu hết các trường hợp, động cơ có ý thức của người mặc hoặc người mua sắm những trang phục mang tính phô trương lãng phí là nhu cầu tuân theo các tập quán đã được thiết lập và sống đúng với chuẩn mực về thẩm mỹ và danh giá được xã hội công nhận. Điều này không chỉ để tránh sự bối rối do những ánh nhìn và luận bàn bất lợi - dù riêng động cơ này đã chiếm một phần không nhỏ - mà còn bởi yêu cầu về sự đắt đỏ đã ăn sâu vào thói quen suy nghĩ của chúng ta trong các vấn đề về trang phục đến mức mà bất cứ thứ gì không đủ đắt cũng bị coi là đáng chê trách. Không cần suy xét hay phân tích, chúng ta cảm nhận rằng những thứ rẻ tiền là không xứng đáng. "Cái áo rẻ tiền làm nên người rẻ tiền." "Của rẻ là của ôi" là chân lý được công nhận trong trang phục, với ít ngoại lệ hơn so với các hình thức tiêu dùng khác. Theo đúng châm ngôn “Của rẻ là của ôi”, một món trang phục rẻ tiền bị xem là tồi trên cả phương diện thẩm mỹ và tiện dụng. Chúng ta cảm thấy mọi thứ đẹp đẽ và hữu dụng phần nào tỷ lệ thuận với mức độ đắt đỏ của chúng. Ngoại trừ một số ít trường hợp không đáng kể, hầu hết chúng ta đều cảm thấy một món trang phục thủ công đắt đỏ vượt trội hơn nhiều về mặt thẩm mỹ lẫn tiện dụng so với một bản mô phỏng rẻ tiền, dù bản mô phỏng đó có tái hiện khéo léo nguyên mẫu đắt đỏ đến mức nào. Điều làm tổn thương cảm quan của chúng ta ở món đồ mô phỏng không phải là nó thiếu sót về hình dáng, màu sắc, hay bất kỳ hiệu ứng thị giác nào. Món đồ nhái có thể là một bản sao gần như hoàn hảo, chỉ bị phát hiện qua sự soi xét kỹ lưỡng nhất; nhưng ngay khi sự giả mạo bị phát hiện, giá trị thẩm mỹ của nó, cùng với giá trị thương mại, lập tức sụt giảm nghiêm trọng. Hơn thế nữa, có thể khẳng định với rất ít rủi ro bị phản đối rằng giá trị thẩm mỹ của một món đồ giả mạo trong trang phục giảm đi phần nào tỷ lệ thuận với mức giá rẻ hơn của nó so với bản gốc. Nó đánh mất vị thế thẩm mỹ vì rơi xuống một bậc thấp hơn trong phân hạng tài sản.
Nhưng chức năng của trang phục như một minh chứng cho khả năng chi trả không chỉ dừng lại ở việc cho thấy người mặc tiêu thụ hàng hóa đắt tiền vượt mức cần cho sự thoải mái thể chất. Việc phô trương lãng phí tài sản một cách đơn giản mang lại hiệu quả và sự hài lòng nhất định; đó là bằng chứng rõ ràng về thành công tài sản và, qua đó, là bằng chứng sơ khởi về giá trị xã hội. Tuy nhiên, trang phục còn có những khả năng tinh tế và sâu rộng hơn nhiều so với chứng cứ trực tiếp, thô sơ về tiêu dùng lãng phí. Nếu, ngoài việc cho thấy người mặc có thể chi tiêu thoải mái, không cần tiết kiệm, trang phục còn chứng minh rằng người ấy không phải lao động để kiếm sống, thì thứ hạng xã hội của họ được nâng lên một mức độ đáng kể. Vì vậy, để phục vụ mục đích một cách hiệu quả, trang phục không chỉ cần đắt đỏ mà còn phải cho thấy rõ rằng người mặc không tham gia vào bất kỳ công việc sản xuất nào. Trong quá trình tiến hóa, hệ thống trang phục của chúng ta đã được phát triển đến mức độ hoàn hảo đáng ngưỡng mộ như hiện nay; và chức năng phụ trợ này - cung cấp bằng chứng về sự nhàn rỗi - đã nhận được sự chú ý đúng mức. Một phân tích chi tiết về những gì được coi là trang phục thanh lịch trong nhận thức chung sẽ cho thấy mọi khía cạnh của chúng được thiết kế ở để truyền ấn tượng rằng người mặc không thường xuyên thực hiện bất kỳ nỗ lực nào liên quan đến sinh kế. Hiển nhiên, không loại trang phục nào có thể được coi là thanh lịch hay đàng hoàng nếu nó còn lưu dấu vết của lao động thủ công như bụi bẩn hoặc mài mòn. Hiệu ứng dễ chịu từ những bộ quần áo gọn gàng, không tì vết chủ yếu, nếu không muốn nói là hoàn toàn, đến từ việc chúng gợi lên sự nhàn rỗi - một sự miễn trừ khỏi tiếp xúc trực tiếp với bất kỳ quá trình sản xuất nào. Phần lớn sức hấp dẫn của những đôi giày da bóng lộn, áo sơ mi trắng tinh, mũ lụa bóng bẩy, và gậy đi bộ - những thứ làm tăng vẻ uy nghiêm tự nhiên của một quý ông - đến từ việc chúng ám chỉ rằng người mặc, khi ăn vận như vậy, không thể tham gia vào bất kỳ công việc nào mang lại lợi ích tức thời, trực tiếp. Trang phục thanh lịch hoàn thành vai trò của nó không chỉ vì nó đắt đỏ, mà còn vì nó là biểu tượng của sự nhàn rỗi. Nó không chỉ cho thấy người mặc có khả năng tiêu thụ lớn, mà đồng thời còn chứng minh rằng họ tiêu thụ mà không sản xuất.
Trang phục phụ nữ thậm chí còn đi xa hơn trang phục nam giới trong việc trưng bày sự tránh né lao động sản xuất. Chẳng cần tranh luận để có thể nhận xét rằng những kiểu mũ thanh lịch của phụ nữ còn làm cho lao động trở nên khó khăn hơn cả mũ chóp cao của nam giới. Giày phụ nữ bổ sung thêm yếu tố được gọi là gót giày kiểu Pháp vào bằng chứng của sự nhàn rỗi, thể hiện qua độ bóng bẩy của nó: gót giày cao khiến cho mọi công việc, dù đơn giản và thiết yếu, cũng trở nên cực kỳ khó khăn. Điều này còn đúng ở mức độ cao hơn đối với váy vóc và những loại y phục khác đặc trưng cho trang phục phụ nữ. Lý do cốt yếu khiến chúng ta kiên trì bám giữ lấy chiếc váy chính là điểm này: nó đắt đỏ và gây cản trở cho người mặc ở mọi góc độ, làm cho họ không thể thực hiện bất kỳ nỗ lực hữu ích nào. Tương tự, thói quen để tóc dài quá mức của phụ nữ cũng mang ý nghĩa như vậy.
Trang phục phụ nữ không chỉ vượt xa trang phục nam giới về mức độ thể hiện sự miễn trừ lao động mà còn bổ sung một điểm độc đáo và rất đặc trưng, khác biệt hoàn toàn so với bất kỳ thứ gì mà nam giới thường sử dụng. Ấy lớp phụ kiện mà áo nịt ngực (corset) là ví dụ điển hình. Theo lý thuyết kinh tế, áo nịt ngực về cơ bản là một hình thức cải biến cơ thể, được thực hiện nhằm giảm chuyển động của người mặc, khiến họ trở nên vĩnh viễn không phù hợp cho công việc. Đúng là áo nịt ngực làm giảm sức hấp dẫn nhục thể, nhưng tổn thất đó được bù đắp bằng sự gia tăng danh giá xuất phát từ việc họ trở nên đắt đỏ và yếu đuối hơn. Có thể nói một cách tổng quát rằng tính "nữ tính" của trang phục phụ nữ thực tế quy về khả năng cản trở mọi lao động hữu ích, bằng việc chế ra các món phục trang đặc trưng cho phụ nữ. Ở đây chỉ tạm chỉ ra khác biệt giữa trang phục nam và nữ. Cơ sở của hiện tượng này sẽ được bàn đến ở phần sau.
Như vậy chúng ta đã xác định được nguyên tắc lớn chi phối trang phục, đó là nguyên tắc phô trương sự lãng phí. Kèm theo nguyên tắc này, và như một hệ quả tất yếu, là nguyên tắc phô trương sự nhàn rỗi. Trong thiết kế trang phục, nguyên tắc này được thể hiện qua các phương thức khác nhau nhằm chứng minh rằng người mặc không cần và không thể tham gia vào lao động sản xuất. Bên cạnh hai nguyên tắc này còn có một nguyên tắc thứ ba cũng không kém ràng buộc, sẽ nảy ngay ra trong đầu bất kỳ ai từng suy nghĩ về chủ đề này: trang phục không chỉ cần đắt tiền và bất tiện mà còn phải hợp thời. Hiện tượng thay đổi thời trang liên tục chưa bao giờ được giải thích một cách thật sự thỏa đáng. Yêu cầu bắt buộc phải mặc theo phong cách được công nhận là mới nhất, cũng như thực tế rằng phong cách được công nhận này thay đổi liên tục từ mùa này sang mùa khác, là điều ai cũng quen thuộc. Tuy nhiên, lý thuyết giải thích sự thay đổi này vẫn chưa được phát triển đầy đủ. Tất nhiên chúng ta có thể phát biểu một cách hoàn toàn nhất quán và chuẩn xác rằng nguyên tắc mới lạ là một hệ quả khác dưới luật phô trương sự lãng phí. Rõ ràng, nếu mỗi bộ trang phục chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn và không có món đồ nào từ mùa trước được dùng tiếp trong mùa này thì sự chi tiêu lãng phí vào quần áo sẽ tăng rất nhiều. Điều này đúng trong chừng mực nó có thể lý giải hiện tượng, nhưng chỉ ở phạm vi một nguyên tắc tiêu cực. Hầu như tất cả những gì cân nhắc này cho phép chúng ta khẳng định là quy tắc phô trương lãng phí giám sát mọi vấn đề liên quan đến trang phục, đến mức bất kỳ thay đổi nào trong thời trang cũng phải phù hợp với yêu cầu lãng phí. Nhưng điều này lại không trả lời được câu hỏi về động lực nguyên ủy thúc đẩy việc tạo ra và chấp nhận một thay đổi cụ thể trong phong cách thịnh hành, và cũng không giải thích được tại sao việc tuân thủ một phong cách nhất định vào một thời điểm cụ thể lại trở nên bắt buộc như chúng ta đã biết.
Để tìm một nguyên tắc sáng tạo có khả năng đóng vai trò như động lực thúc đẩy những phát minh và đổi mới trong thời trang, chúng ta cần quay trở lại động lực nguyên sơ, phi kinh tế, vốn là cội nguồn của phục trang - động lực làm đẹp. Không cần đi sâu vào thảo luận về cách thức và lý do động lực này tự thúc đẩy dưới sự dẫn dắt của quy luật phô trương sự đắt đỏ, có thể khái quát rằng mỗi sự đổi mới liên tiếp trong thời trang đều là nỗ lực nhằm đạt đến một hình thức phô trương nào đó dễ chấp nhận hơn đối với cảm tri về hình dáng và màu sắc, hoặc về hiệu quả, so với những gì nó thay thế. Các phong cách thay đổi chính là biểu hiện của một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ cho điều gì đó có thể làm thỏa mãn cảm tri thẩm mỹ của chúng ta; tuy nhiên, vì mỗi sự đổi mới đều phải chịu sự chọn lọc của quy tắc phô trương sự lãng phí, phạm vi mà đổi mới có thể diễn ra sẽ bị hạn chế phần nào. Sự đổi mới không chỉ cần đẹp hơn - hoặc có lẽ thường là ít gây khó chịu hơn - phong cách mà nó thay thế; nó còn phải đạt được chuẩn mực được chấp nhận về độ đắt đỏ.
Thoạt nhìn, dường như kết quả của cuộc đấu tranh không ngừng nhằm đạt đến cái đẹp trong trang phục sẽ là một sự tiến dần đến sự hoàn hảo về nghệ thuật. Chúng ta có thể kỳ vọng rất tự nhiên rằng thời trang sẽ biểu lộ một xu hướng rõ ràng hướng tới một hoặc nhiều kiểu trang phục đặc biệt tôn dáng vẻ con người, và thậm chí chúng ta cảm thấy có cơ sở để hy vọng rằng ngày nay, sau tất cả sự khéo léo và nỗ lực đã được dành cho trang phục suốt bao nhiêu năm, thời trang sẽ đạt được một mức hoàn thiện và ổn định tương đối, gần như tiệm cận một lý tưởng nghệ thuật có thể duy trì lâu dài. Nhưng thực tế không phải vậy. Sẽ rất mạo hiểm nếu khẳng định rằng các kiểu dáng thời trang ngày nay tôn dáng hơn so với những kiểu cách của mười, hai mươi, năm mươi, hay một trăm năm trước. Ngược lại, có một nhận xét thường xuyên được đưa ra mà không bị phản bác là các phong cách thời trang thịnh hành từ hai ngàn năm trước còn tôn dáng hơn cả những thiết kế công phu và tỉ mỉ nhất của ngày nay.
Lời giải thích về thời trang vừa được đưa ra, do đó, vẫn chưa hoàn toàn làm sáng tỏ vấn đề, và chúng ta sẽ phải tìm hiểu sâu hơn. Ai cũng biết là nhiều nơi trên thế giới đã hình thành những phong cách và kiểu trang phục tương đối ổn định; chẳng hạn, ở Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia phương Đông khác; cũng như ở Hy Lạp, La Mã và các dân tộc cổ đại; hay trong thời kỳ sau này, ở tầng lớp nông dân của hầu hết các quốc gia châu Âu. Những trang phục quốc gia hoặc dân gian này, theo đánh giá của các nhà phê bình có chuyên môn, thường được cho là tôn dáng hơn, mang tính nghệ thuật hơn so với các phong cách thay đổi thất thường của thời trang hiện đại trong xã hội văn minh. Đồng thời, chúng cũng thường ít phô trương lãng phí hơn; nghĩa là, trong cấu trúc của chúng, người ta dễ dàng nhận thấy những yếu tố khác ngoài sự trưng trổ xa hoa.
Những trang phục ổn định tương đối này thường gắn rất chặt với địa phương, với những biến thể nhỏ, có hệ thống ở các khu vực khác nhau. Chúng hầu như đều được phát triển bởi các dân tộc hoặc tầng lớp nghèo hơn chúng ta và đặc biệt, chúng xuất hiện ở những quốc gia, địa phương, hoặc thời kỳ mà dân cư - hoặc ít nhất là tầng lớp sở hữu trang phục đó - tương đối đồng nhất, ổn định và ít di động. Nói cách khác, những trang phục ổn định có thể chịu được thử thách của thời gian và mắt nhìn được phát triển trong những hoàn cảnh mà chuẩn mực phô trương lãng phí không quá áp đặt như ở các thành phố lớn hiện đại, nơi mà tầng lớp giàu có và di động tương đối dẫn đầu xu hướng thời trang. Các quốc gia và tầng lớp đã phát triển những trang phục ổn định, đầy tính nghệ thuật này thường ở trong hoàn cảnh mà sự ganh đua tài sản được chuyển hướng thành cạnh tranh về sự nhàn rỗi hơn là về tiêu thụ hàng hóa xa xỉ. Ngược lại, nhìn chung, các phong cách thời trang kém ổn định nhất và kém hài hòa nhất thường xuất hiện ở những cộng đồng nơi nguyên tắc phô trương sự lãng phí hàng hóa chi phối mạnh nhất, như xã hội của chúng ta. Tất cả điều này chỉ ra mâu thuẫn giữa sự đắt đỏ và trang phục mang tính nghệ thuật. Trên thực tế, chuẩn mực của sự phô trương lãng phí không tương thích với yêu cầu rằng trang phục phải đẹp hoặc phù hợp. Và chính mâu thuẫn này có thể cho chúng ta một lời giải thích cho sự thay đổi không ngừng của thời trang - mà cả chuẩn mực về sự xa hoa lẫn vẻ đẹp đều không thể lý giải đầy đủ.
Chuẩn mực đáng kính đòi hỏi trang phục phải thể hiện sự chi tiêu lãng phí; nhưng mọi sự lãng phí đều gây khó chịu đối với cảm tri tự nhiên. Phần trước chúng ta đã chỉ ra luật tâm lý rằng con người - và phụ nữ có lẽ còn nhiều hơn - ghét sự vô dụng, dù đó là vô dụng trong nỗ lực hay trong chi tiêu, như người ta thường bảo rằng tự nhiên ghét khoảng không. Nhưng nguyên tắc phô trương lãng phí lại đòi hỏi một sự chi tiêu rõ ràng là vô ích; và do đó, sự đắt đỏ phô trương của trang phục phải xấu. Trong tất cả các đổi mới về trang phục, mỗi chi tiết được thêm vào hoặc thay đổi đều cố gắng tránh bị chỉ trích bằng cách trưng ra một mục đích nào đó, đồng thời nguyên tắc phô trương sự lãng phí khiến sự hữu dụng của những đổi mới này chỉ là giả vờ. Cả ở trong những phăng te di tự do nhất, thời trang cũng hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, thoát khỏi việc giả vờ một số công dụng. Tuy nhiên, tính hữu dụng bề ngoài của những chi tiết thời trang này luôn là một sự giả tạo rõ ràng đến mức sự vô dụng thực chất của chúng sớm hiện rõ và trở nên không thể chịu đựng được, buộc chúng ta phải tìm đến một phong cách mới. Nhưng phong cách mới vẫn phải tuân theo yêu cầu của sự lãng phí đáng kính và sự vô dụng. Sự vô dụng của nó chẳng mấy chốc cũng trở nên đáng ghét như phong cách trước, và cách giải quyết duy nhất mà quy luật lãng phí cho phép là tìm kiếm sự thoải mái trong một cấu trúc mới, cũng vô dụng và cũng không thể chấp nhận. Từ đó dẫn đến sự xấu xí và sự thay đổi không ngừng của trang phục thời thượng.
Sau khi giải thích hiện tượng thay đổi thời trang, bước tiếp theo là làm cho lời giải thích này phù hợp với sự vị thường nhật. Trong các sự vị này có một chuyện ai cũng biết là tất cả mọi người đều ưa các kiểu dáng đang thịnh hành vào một thời điểm nhất định. Một phong cách mới xuất hiện, được thích thú trong một mùa, ít nhất là trong khi nó còn là một điều gì mới mẻ. Người ta cảm nhận sự thịnh hành là đẹp. Điều này một phần là do sự thay đổi mang lại cảm giác nhẹ nhõm vì khác với những gì đã có, và một phần là do nó đáng kính. Như đã chỉ ra trong chương trước, chuẩn mực của sự đáng kính phần nào định hình thị hiếu của chúng ta, đến mức dưới sự dẫn dắt của nó, bất cứ điều gì cũng sẽ được chấp nhận là phù hợp cho đến khi sự mới mẻ của nó phai nhạt, hoặc cho đến khi chuẩn mực đáng kính chuyển sang một cấu trúc mới, khác lạ nhưng phục vụ cùng mục đích. Việc cái gọi là "vẻ đẹp" hay "sự duyên dáng" của các phong cách đang thịnh hành tại một thời điểm nhất định chỉ là phù du và giả tạo được chứng minh bởi thực tế rằng chẳng kiểu thời trang biến đổi liên tục nào có thể chịu được thử thách của thời gian. Chỉ cần cách vài năm thì cả những phong cách tốt nhất cũng có vẻ kỳ quái, nếu không muốn nói là khó chấp nhận. Sự gắn bó thoáng qua của chúng ta với bất cứ điều gì tình cờ là mới nhất dựa trên những cơ sở không phải là cái đẹp, và chỉ kéo dài cho đến khi cảm tri thẩm mỹ bền vững của chúng ta có thời gian để nổi lên và từ chối những thiết kế khó tiêu này.
Quá trình phát triển cảm giác "buồn nôn thẩm mỹ" cần nhiều hay ít thời gian tùy trường hợp; thời gian cần thiết trong mỗi trường hợp tỷ lệ nghịch với mức độ khó chịu của phong cách thời trang đó. Mối quan hệ thời gian giữa sự khó chịu và tính bất ổn trong thời trang tạo cơ sở để suy luận rằng, phong cách càng chóng bị thay thế thì nó càng gây phản cảm đối với gu thẩm mỹ lành mạnh. Do đó, giả định được đưa ra là: cộng đồng, đặc biệt là tầng lớp giàu có trong cộng đồng, càng phát triển về của cải, tính linh hoạt và mức độ tiếp xúc xã hội, thì luật phô trương tài sản sẽ càng được khẳng định mạnh mẽ trong các vấn đề trang phục; cảm giác về cái đẹp sẽ càng có xu hướng bị lấn át hoặc bị chế ngự bởi chuẩn mực về sự đáng kính tài sản; các phong cách thời trang sẽ thay đổi càng nhanh chóng; và những kiểu dáng thịnh hành kế tiếp nhau sẽ càng kỳ quặc và khó chịu hơn.
Vẫn còn ít nhất một điểm trong lý thuyết về trang phục này cần được bàn. Hầu hết những gì đã được đề cập áp dụng cho trang phục nam giới cũng như nữ giới mặc dù trong thời hiện đại, nó gần như luôn có sức ảnh hưởng lớn hơn lên trang phục nữ giới. Nhưng trang phục phụ nữ khác biệt đáng kể so với đàn ông ở điểm sau: trong trang phục phụ nữ rõ ràng có sự nhấn mạnh lớn hơn vào những đặc điểm thể hiện sự miễn trừ hoặc bất lực của người mặc trong tất cả các công việc sản xuất thô tục. Đặc điểm này của trang phục nữ giới rất đáng chú ý, không chỉ vì nó hoàn thiện lý thuyết về trang phục, mà còn vì nó khẳng định những gì đã được nói trước đây về địa vị kinh tế của phụ nữ, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.
Như đã thấy trong phần thảo luận về địa vị của phụ nữ dưới các chương Nhàn Rỗi Thay Thế và Tiêu Thụ Thay Thế, theo tiến trình phát triển kinh tế, vai trò của phụ nữ đã trở thành người tiêu thụ thay thế cho người đứng đầu gia đình, và trang phục của họ được thiết kế nhằm mục đích này. Điều này dẫn đến việc lao động sản xuất trở thành một thứ đặc biệt hạ thấp giá trị của những phụ nữ được xem là đàng hoàng và do đó thiết kế trang phục nữ giới phải đặc biệt nhấn mạnh với người nhìn rằng người mặc không và không thể tham gia thường xuyên vào công việc hữu ích (dù điều này thường chỉ là tưởng tượng). Sự lịch thiệp yêu cầu phụ nữ đàng hoàng phải kiêng cữ nhất quán khỏi mọi lao động sinh kế và trưng bày sự nhàn rỗi rõ ràng hơn so với đàn ông thuộc cùng tầng lớp xã hội. Chúng ta thấy nhức nhối khi phải nghĩ rằng một phụ nữ con nhà lại phải đi kiếm sống bằng lao động. Đó không phải là chỗ cho phụ nữ. Chỗ của họ nằm trong gia đình, nơi họ nên tô điểm và là vật trang trí chính của nó. Người đứng đầu gia đình là nam giới không được nhắc đến như một món trang trí của gia đình. Điểm đặc trưng này, khi được kết hợp với thực tế rằng phép lịch thiệp yêu cầu phụ nữ phải chú ý nhiều hơn đến việc phô trương sự tiêu xài xa hoa trong trang phục và các vật dụng khác, củng cố thêm quan điểm đã phác từ trước. Xuất phát từ hệ thống gia trưởng trong quá khứ, hệ thống xã hội của chúng ta đã quy định rằng vai trò của phụ nữ là chứng tỏ khả năng tài sản của gia đình mà họ thuộc về. Theo lối sống hiện đại của các tầng lớp kinh tế cao, danh tiếng của gia đình là trách nhiệm đặc thù của phụ nữ; và hệ thống tiêu dùng phô trương cùng sự nhàn rỗi có tính trưng bày duy trì danh tiếng này chính là phạm vi hoạt động của họ. Theo mô hình lý tưởng, như đang có xu hướng hiện thực hóa trong đời sống của các tầng lớp kinh tế cao hơn, việc tiêu dùng xa hoa nên là chức năng kinh tế duy nhất của phụ nữ.
Ở giai đoạn phụ nữ vẫn được xem là tài sản hoàn toàn thuộc sở hữu của nam giới, việc thực hiện nhàn rỗi phô trương và tiêu thụ xa hoa trở thành một phần trong những nghĩa vụ được yêu cầu ở họ. Vì phụ nữ không phải là chủ của bản thân, sự tiêu xài và nhàn rỗi rõ ràng của họ không mang lại danh tiếng cho bản thân họ mà lại trở thành niềm tự hào cho chủ sở hữu - thường là người đàn ông trong gia đình. Cuộc sống phụ nữ càng xa hoa, càng hiển nhiên không tham gia sản xuất thì càng khẳng định danh tiếng của gia đình hoặc người đứng đầu gia đình. Thực tế này đã đạt đến mức độ mà phụ nữ không chỉ được yêu cầu thể hiện bằng chứng của đời sống nhàn rỗi mà còn phải tự làm mất khả năng tham gia vào các hoạt động hữu ích.
Chính tại điểm này, trang phục của nam giới không đạt đến mức độ như phụ nữ, và điều đó có lý do rõ ràng. Sự phô trương tiêu thụ và nhàn rỗi trở nên đáng kính hoàn toàn vì chúng là bằng chứng của sức mạnh tài sản; và sức mạnh tài sản được coi là đáng kính hoặc danh giá bởi, suy cho cùng, nó chứng minh sự thành công và năng lực vượt trội. Do đó, những biểu hiện tiêu thụ phung phí và nhàn rỗi mà một cá nhân thể hiện cho bản thân không thể đồng thời ám chỉ sự bất lực hoặc sự bất tiện mà không vi phạm sự nhất quán. Nếu màn trình diễn không chứng minh được sức mạnh vượt trội mà lại phản ánh sự yếu kém thì nó coi như hỏng. Do đó, bất cứ khi nào ta thấy sự tiêu xài lãng phí và tránh né lao động đến mức gây ra sự bất tiện rõ ràng hoặc suy giảm thể chất tự nguyện, ta có thể kết luận ngay rằng cá nhân ấy không thực hiện những việc này vì danh tiếng tài sản của mình, mà là của một người khác mà họ có quan hệ phụ thuộc kinh tế. Quan hệ này, xét đến cùng trong lý thuyết kinh tế, phải được hiểu là một dạng quan hệ phục dịch.
Để áp dụng khái quát này vào trang phục của phụ nữ và nói cụ thể: giày cao gót, váy, mũ bonnet rườm rà không thực dụng, áo corset, và sự phớt lờ mọi thoải mái của người mặc - tất cả những điều này đều là bằng chứng cho thấy rằng trong sơ đồ cuộc sống văn minh hiện đại, phụ nữ vẫn, về lý thuyết, là người phụ thuộc kinh tế vào nam giới. Có lẽ theo một nghĩa lý tưởng hóa cao độ, họ vẫn là tài sản sở hữu của người đàn ông. Lý do thực tế cho tất cả sự phô trương nhàn rỗi và trang phục của phụ nữ nằm ở chỗ họ là những người phục dịch mà, trong sự phân công chức năng kinh tế, đã được giao phó nhiệm vụ thể hiện khả năng tài sản của chủ nhân họ. Có một tương đồng rõ rệt giữa trang phục của phụ nữ và của những người giúp việc trong nhà, đặc biệt là những người mặc đồng phục. Ở cả hai trường hợp, có một sự trình diễn rất phô trương về sự tốn kém không cần thiết, và cũng có một sự xem nhẹ đáng kể đối với sự thoải mái thể chất của người mặc. Trang phục của một quý bà thậm chí còn đi xa hơn trong việc nhấn mạnh một cách tinh vi sự nhàn rỗi, nếu không muốn nói là tình trạng suy giảm thể chất của người mặc, so với trang phục người giúp việc. Và điều này là hợp lý; bởi vì, theo lý thuyết, trong sơ đồ lý tưởng của văn hóa tài sản, người phụ nữ của ngôi nhà là người phục dịch chính của gia đình.
Ngoài tầng lớp người giúp việc, vốn được thừa nhận rõ ràng, hiện nay còn ít nhất một nhóm khác mà trang phục khiến họ gần gũi với tầng lớp giúp việc và thể hiện nhiều đặc điểm tương đồng với "nữ tính" trong trang phục phụ nữ. Đó là tầng lớp giáo sĩ. Trang phục giáo sĩ thể hiện tất cả những đặc điểm đã được chứng minh là bằng chứng của một địa vị phục dịch và cuộc sống mang tính đại diện. Còn mang tính trưng bày hơn cả trang phục thường ngày của giáo sĩ, các lễ phục, theo đúng nghĩa của nó, thường hoa mỹ, kỳ quặc và, ít nhất là bề ngoài, bất tiện đến mức gây khó chịu. Giáo sĩ được mong đợi phải kiêng mọi lao động hữu ích và, khi xuất hiện trước công chúng, phải thể hiện một vẻ mặt lãnh đạm và u buồn, rất giống phong thái của một người giúp việc được huấn luyện tốt. Khuôn mặt được cạo nhẵn của giáo sĩ cũng là một yếu tố củng cố cho lập luận này. Tương đồng giữa tầng lớp giáo sĩ và tầng lớp người giúp việc, cả trong phong thái lẫn trang phục, bắt nguồn từ tương đồng về chức năng kinh tế của hai nhóm này. Theo lý thuyết kinh tế, giáo sĩ là một người giúp việc, về mặt hình thức, phục vụ cho vị thần mà họ khoác lên bộ y phục của ngài. Bộ lễ phục này rất xa hoa, đúng như nên thế để thể hiện sự trang trọng phù hợp với phẩm giá cao quý của vị thần mà họ phụng sự; nhưng nó được thiết kế để cho thấy rằng nó hầu như không đóng góp gì, hoặc rất ít, cho sự thoải mái thể chất của người mặc. Ấy là bởi nó là một hạng mục của tiêu thụ đại diện, và uy tín sinh ra từ việc sử dụng nó sẽ được quy cho vị thần vắng mặt, chứ không phải người phục vụ.
Ranh giới giữa trang phục của phụ nữ, giáo sĩ và người hầu với trang phục của nam giới không phải lúc nào cũng được tuân thủ nhất quán trong thực tế, nhưng khó có thể phủ nhận rằng nó luôn hiện diện ở một mức độ nhất định trong thói quen suy nghĩ phổ biến. Tất nhiên cũng có những người đàn ông tự do, và không hề ít, vì lòng nhiệt thành mù quáng đối với trang phục đàng hoàng mà vượt qua ranh giới lý thuyết giữa trang phục của nam giới và nữ giới, đến mức khoác lên mình những trang phục rõ ràng được thiết kế để gây khó chịu cho cơ thể. Tuy nhiên, ai cũng nhận ra không do dự rằng loại trang phục như vậy đối với nam giới là một sự lệch lạc so với chuẩn mực thông thường. Người ta nói rằng chải chuốt như thế là "ẻo lả"; và đôi khi ta còn nghe nhận xét rằng một quý ông ăn diện nào đó "bảnh bao chẳng kém gì một người hầu."
Một số điểm dường như không nhất quán trong lý thuyết về trang phục này xứng đáng được xem xét kỹ hơn, nhất là khi chúng đánh dấu một xu hướng khá rõ ràng trong sự phát triển chín và muộn hơn của thời trang. Sự thịnh hành của áo corset là một trường hợp ngoại lệ đối với quy tắc mà nó đã được nhắc đến ở đây như một bằng chứng. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, ta sẽ thấy rằng ngoại lệ này thực chất lại xác minh quy tắc rằng sự phổ biến của bất kỳ yếu tố hay đặc điểm nào trong trang phục cũng dựa trên công dụng của nó như một bằng chứng về vị thế tài sản. Người ta biết rõ rằng trong các cộng đồng có nền sản xuất phát triển hơn, áo corset chỉ được sử dụng trong một số tầng lớp xã hội được định rõ. Phụ nữ thuộc tầng lớp lao động nghèo, đặc biệt là ở nông thôn, thường không sử dụng áo corset, trừ khi như một món xa xỉ cho những ngày lễ đặc biệt. Đối với những tầng lớp này, phụ nữ phải lao động vất vả, và việc tự “tra tấn thân xác” trong cuộc sống thường nhật để giả vờ nhàn rỗi chẳng mang lại ích lợi gì. Việc sử dụng áo corset vào lễ hội chỉ là do bắt chước các chuẩn mực đàng hoàng của tầng lớp cao hơn. Từ cấp độ thấp của nghèo khó và lao động chân tay này trở lên, áo corset từng là món đồ gần như không thể thiếu để đảm bảo vị thế xã hội không thể chê trách đối với mọi phụ nữ, bao gồm cả những người giàu có và danh giá nhất, cho đến một hoặc hai thế hệ trước đây. Quy tắc này tồn tại cho đến khi hình thành một tầng lớp nhàn rỗi đủ lớn và giàu đến mức mọi buộc tội về việc phải lao động chân tay trở nên vô nghĩa và không đáng để ý. Khi đó, áo corset đã phần lớn mất đi sự phổ biến trong tầng lớp này. Ngoại lệ đối với quy tắc từ bỏ áo corset chủ yếu nằm ở tầng lớp giàu có ở các quốc gia có cấu trúc sản xuất kém phát triển hơn - gần giống kiểu sản xuất bán nguyên thủy - cùng những người mới gia nhập tầng lớp giàu có ở các cộng đồng sản xuất tiên tiến hơn. Những người thuộc nhóm sau chưa có đủ thời gian để từ bỏ các tiêu chuẩn thẩm mỹ và danh tiếng mang tính bình dân được kế thừa từ cấp độ tài sản thấp hơn trước đây. Sự tồn tại của áo corset vẫn còn phổ biến trong các tầng lớp xã hội cao hơn ở một số thành phố Mỹ mới bắt đầu trở nên thịnh vượng và phát triển nhanh. Nếu từ “trưởng giả học làm sang” được sử dụng như một thuật ngữ kỹ thuật, không mang hàm ý xúc phạm thì có thể nói rằng áo corset vẫn tiếp tục tồn tại qua thời kỳ “trưởng giả học làm sang” - giai đoạn thiếu chắc chắn chuyển tiếp từ tầng lớp thấp lên tầng lớp cao hơn của văn hóa tài sản. Nghĩa là, ở tất cả các quốc gia đã thừa hưởng truyền thống áo corset, nó vẫn tiếp tục được sử dụng chừng nào nó còn dùng được như một bằng chứng của sự nhàn rỗi danh giá, bằng cách ngụ ý sự bất lực thể chất của người mặc. Quy tắc tương tự dĩ nhiên cũng áp dụng cho các kiểu “biến dạng” cơ thể và các thiết bị khác nhằm làm giảm hiệu quả vận động của cá nhân.
Điều tương tự cũng có thể áp dụng cho nhiều món đồ tiêu dùng phô trương khác và thực tế có vẻ đúng ở một mức độ nào đó đối với một số đặc điểm trong trang phục, đặc biệt nếu những đặc điểm này mang lại sự khó chịu đáng kể cho người mặc. Trong một trăm năm qua, có thể nhận thấy một xu hướng trong sự phát triển của trang phục nam giới, đó là sự loại bỏ các phương thức tiêu dùng và các biểu tượng nhàn rỗi gây khó chịu vốn từng phục vụ hiệu quả mục đích của chúng, nhưng tiếp tục sử dụng chúng trong tầng lớp thượng lưu ngày nay sẽ trở thành một động tác thừa, chẳng hạn tóc giả rắc bột, viền ren vàng, và thói quen cạo râu liên tục. Trong những năm gần đây, việc cạo râu trong xã hội lịch sự đã ngập ngừng tái xuất, nhưng có khả năng đây chỉ là một hành động bắt chước không sáng suốt các xu hướng thời trang áp đặt lên tầng lớp gia nhân, và rất có thể nó sẽ đi vào quên lãng giống như tóc giả của ông cha chúng ta ngày trước.
Những dấu hiệu này cùng với những biểu hiện táo bạo tương tự nhằm công khai sự vô dụng thường xuyên của những người sử dụng chúng đã được thay thế bằng các phương pháp tinh tế hơn để truyền tải cùng thông điệp; các phương pháp này không kém rõ ràng đối với con mắt tinh tường của một vòng tròn nhỏ hơn, tinh hoa hơn, đã trở thành đối tượng chính cho sự trưng trổ. Phương pháp trưng trổ thô sơ và giản đơn trước đây tồn tại lâu dài bởi công chúng mà người trưng bày phải hướng tới bao gồm những phần lớn trong cộng đồng chưa được rèn luyện để nhận ra những biến thể tinh tế trong các biểu hiện của sự giàu có và nhàn rỗi. Khi một tầng lớp giàu có đủ lớn phát triển, với thời gian nhàn rỗi để học cách diễn giải các dấu hiệu tinh tế hơn của sự chi tiêu, phương pháp trưng trổ cũng được tinh chỉnh. Trang phục "lòe loẹt" trở nên phản cảm đối với những người có gu, vì nó thể hiện một mong muốn thái quá trong việc gây ấn tượng lên cảm quan chưa tinh luyện của tầng lớp bình dân. Đối với những cá nhân thuộc tầng lớp thượng lưu, chỉ có sự tán thưởng từ những người cùng đẳng cấp với mình mới thực sự quan trọng. Khi tầng lớp nhàn rỗi giàu có này mở rộng, hoặc khi quan hệ của từng cá nhân trong tầng lớp này với nhau được mở rộng đủ để tạo thành một môi trường xã hội đủ cho những trưng bày danh dự, thì cũng dần hình thành xu hướng loại bỏ các thành phần "thấp kém" hơn trong xã hội khỏi kế hoạch, cả trong vai trò khán giả mà sự tán thưởng hay khó chịu của họ đã trở thành không cần thiết. Kết quả của tất cả những điều này là sự tinh chỉnh các phương pháp, việc sử dụng những công cụ phức tạp hơn, và sự tâm linh hóa của biểu tượng trong trang phục. Và vì tầng lớp nhàn rỗi thượng lưu này đặt ra tiêu chuẩn trong mọi vấn đề liên quan đến sự đàng hoàng, kết quả cho phần còn lại của xã hội cũng là một sự cải thiện dần dần trong cách ăn mặc. Khi cộng đồng tiến lên một nấc mới về về sự giàu có và văn hóa, tài sản được thể hiện bằng những phương tiện đòi hỏi sự phân biệt tinh tế hơn từ người quan sát. Thực tế, khả năng phân biệt tinh tế này là một phần rất lớn của văn hóa tài sản cấp cao.
Anh Hoa dịch