Vào thuở nớ vậy, buổi dạ-minh của cuộc phục-hồi
Nếu một người, giả-sử đã sống với một nỗi xa-cách thâm-sâu trong tinh-thần, và rồi thì, giả-sử vào một ngày nào đó tiếp theo trong đời của người đó, một ngày mà mặc kệ người đó, thời-thế rốt cuộc cũng nảy ra cử-động tiếp theo của nó. Vậy người đó sẽ làm gì tiếp theo? Tìm cách nhằm quên lảng* nỗi xa-cách kia để xoa dịu cái tinh-thần, hay cứ sống và không ngừng băn-khoăn đồng-thời với một tinh-thần khó nguôi về một nỗi xa-cách thâm-sâu? Ở hầu hết trường-hợp, câu trả lời sẽ luôn là bất-định. Ở một vài trường-hợp, sự đánh đổi đã thể-hiện được vai-trò của nó. Và ở trường-hợp này, đó là tập thơ in illo tempore của Nguyễn-Thụy-Đan.
Mối khởi-điểm công-khai đã là một thứ khác hơn, cũng là về một tập, ấy là một tạp-chí. Tạp-chí Kẻ sĩ gần như đã là một thực-nghiệm của Nguyễn-Thuỵ-Đan cho cái khởi-điểm mà giờ đây đã đang dừng lại, hoặc đã dừng lại hẳn; ở đó, dẫu muốn hay không, cái nỗ-lực tiềm-tàng đã khiến cho những trí-óc ít nhiều liên-hệ phải ngẫm nghĩ tới là một đường-lối vi-tế để từ đó dẫn vào một đường-lối khác cao-xa hơn. Nhưng nỗ-lực đó nhằm tới điều gì? Khó chắc được, một khi cái khởi-điểm đã chưa đầy đủ.
In illo tempore, một khởi-điểm khác, rõ-ràng hơn, gắn chặt vào cái kết-cuộc đã xảy ra ở buổi quá-khứ. Với nó, nhiều yếu-tố đã xuất-hiện lại (như dấu gạch nối), và trên hết, nó là một dấu-hiệu, cùng hình-thức của nó, nghĩa là hình-thức của cuốn sách này, cũng là một dấu-hiệu, nhưng thậm-chí còn hơn vậy, nó là một dấu-hiệu bất-khả-tỵ*.
Người ta sẽ trông đợi gì ở một cuốn sách với hình-thức kỹ-lưỡng như In illo tempore? Tất cả. Qua suốt các trang của cuốn sách là một nỗi xa-cách mà hiển-hiện theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Điều này là trọng-yếu vì theo đó, nó biểu-lộ một cuộc phục-hồi, một cuộc phục-hồi mà theo thường-thức đã phải xảy ra từ lâu; tương-tợ với trường-hợp về Nguyễn Văn Vĩnh, một nhân-vật đã phục-hồi đầy đủ ở cùng một nơi, FORMApubli.
Nỗi xa-cách của những câu thơ ở In illo tempore, không chỉ về địa-dư, nhưng hầu hết về tinh-thần, bủa vây những ý-tứ của tập thơ, và trên hết, chính nỗi xa-cách này đã chi-phối tất cả về tập thơ, dẫu là thất-luật*, song-thất lục-bát hay tân-thể-thi*. Nó hiển-hiện nhất ở victorville tháng sáu gặp nguyễn-văn-sâm, bi-khúc bolsa, đêm đại-lộ năm mươi nhớ bố đến bất-tận, những phiến-đoạn dành cho con.
Kể từ một mối cảm-hoài mà gần với một hoài-hương-bệnh*, là ở bolsa. bushard. brookhurst. hazard. mcfadden. magnolia. edinger. euclid. warner. westminster. garden grove. nhưng đã không đủ để gán cho một ai giang-nam, nghĩa là một cố-hương, và cũng đành nhận chịu rằng cổ-ngư của tôi đây. lê-lợi của tôi đây. Nhưng không chỉ như vậy, đúng hơn là có lẽ nó đã hơn như vậy. Nỗi xa-cách của những câu thơ ở In illo tempore đã vượt khỏi một cố-hương; một người trở về chốn cố hương chỉ để thấy rằng nó hoá ra xa-xỉ, vì chưng người đó hay vì chưng nó đã không giống trong trí-trưởng của người đó? Có lẽ là cái sau, vì chưng trăng cố-quốc ngỡ miền trời bể, vì chưng giữa thành đô lần lữa thay tên, và nỗi xa-cách, theo lẽ tự-nhiên, cũng trở nên thâm-sâu cùng bành-trướng để vượt khỏi một cố-hương, trở nên tôi một bữa già cùng vũ-trụ, từng phút giây gồm đủ bi-hoan, và nếu rốt cuộc cũng tới mức này, nhưng chính vì đã tới mức này, nỗi xa-cách chỉ còn có thể được vỗ-về bởi Thiên-Chúa. Kể từ đó, những ý-tứ khác còn lại trong tập thơ, bị nỗi xa-cách không nguôi kia bủa vây, chỉ còn quẩn-quanh với nghi-tâm và tín-tâm lẫn-lộn trong một làn sương siêu-hình về sự tồn-tại và nhân-sanh, thậm-chí một đôi khi, về Thiên-Chúa.
Con người sống nơi một thế-giới nghịch-lý, thường-thức của thế-giới đó thì mâu-thuẫn cho lương-tâm, và mâu-thuẫn đó, hoàn-toàn nằm ngoài ước-vọng của con người, dẫu muốn hay không, sẽ có lúc khiến con người phải định-đoạt câu trả lời về sự tồn-tại; như từng là vậy thật với chốn thái-bình-dương mà đã vĩnh-viễn đượm vào linh-hồn của kẻ đã vượt qua nó, kẻ đã nằm lại trong nó, và kẻ đã đang nối dõi kể từ cuộc tử-sanh đó. cho dù tôi đã không hiểu gì về nó. cho dù người sẽ không hiểu gì về nó.
Ở In illo tempore, lời khấn nguyện đã giữ đúng được hiệu-quả của nó là giúp con người không muốn chết, hoặc tạm quên ý-muốn về cái chết. Tuy-nhiên như không ít trí-óc có thể nhận ra ngay, rằng thế-giới này có thể dễ-dàng đánh bại con người ra sao, Nguyễn-Thuỵ-Đan đã không hề giấu điều đó ở tập thơ này; con người mòn-mỏi nơi cái thế-giới mà đang ngày càng lìa khỏi giá-trị của chính nó, và lời khấn nguyện giúp cho con người sống tiếp chỉ để ngày càng mòn-mỏi hơn. Một người cha, viết cho đứa con trai rằng, cứ thế. người sẽ thêm tuổi. chuyện trò với ma, như ngầm nhắc rằng chính người cha cũng đã liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ, ái thính thu phần quỷ xướng thi. Một đứa con, nhớ về người cha và ngậm-ngùi rằng the winner takes it all. the winner takes it all, lời khóc lời cười, người cha và đứa con, hơi ấm hy-hữu của tập thơ, rằng họ đã mất hết, cả giọng bắc. chúng ta không còn hôm qua. chúng ta không còn hôm qua. Và cũng chẳng hề xuất-hiện một niềm chờ đợi nào ở đó, dẫu còn tín-ngưỡng và sở-vọng, nhưng tuyệt-nhiên không niềm chờ đợi. Có lẽ cơn mòn-mỏi đã là quá đủ.
Mở ra kể từ chờ cơn hấp-hối và đóng lại kể từ độ-nhật. bằng những khoảng vắng, điểm khác nhau chỉ nằm ở bề mặt của chữ-nghĩa. Tập thơ này vẫn mang ít nhiều phong-vị như tạp-chí kia, nhưng ngoài đó ra, cái nỗ-lực tiềm-tàng đã xuất hiện ở tạp-chí kia, Nguyễn-Thuỵ-Đan dường như đã gác lại. Ở tập thơ này, bằng một bút-pháp gợi về điển-hình, và quả-nhiên Nguyễn-Thuỵ-Đan đã rộng lòng cho người ta được biết vậy bằng mọi bài thơ trong đó, tuy-nhiên với cái tính-chất như vậy, nó đã khó lòng thuyết-phục người ta rằng nó không nảy ra ít nhiều khoảnh-khắc mà cũng xa-cách với điển-hình đó — trong một sự hỗn-loạn mà cũng đã phô bày ở tập thơ — ở trang sáu mươi chín, với võ-phiến. nguyên-sa. mai-thảo. du-tử-lê. ngọc-lan. việt-dzũng. lam-phương. thái-thanh. nhưng còn Quỳnh Giao hay Trần Chúc hay Vũ Thành hay Lê Văn Khoa, v.v. những cái tên thậm-chí đã thực-sự ôm lấy điển-hình? Và ở trang bảy mươi bảy, với cô phục-vụ thay vì nữ chiêu-đãi-viên; trong văn-chương, oái-oăm thay như hầu hết lãnh-vực, chi-tiết thì phô bày nhiều hơn đại-thể. Tính-chất này ở một tinh-thần như của Nguyễn-Thuỵ-Đan, một tinh-thần được củng-cố bằng một di-sản lâu đời nhưng đã bị gián-đoạn, nó đang trải qua cái hiện-đại mà nếu không hoàn-toàn thì cũng gần như trái-ngược với di-sản đó và không thể giấu để biểu-lộ một nỗi xa-cách thâm-sâu với cái hiện-đại.
Nhưng đó đã không phải là tất cả về tập thơ này, hay rõ hơn, về cuốn sách này.
Nỗi xa-cách của những câu thơ ở In illo tempore, nghĩa là nội-dung của nó, thậm-chí chỉ để điểm-xuyết cho một nỗi xa-cách khác, tương-đồng và lớn-lao hơn, ấy chính là hình-thức của nó, nghĩa là cuốn sách In illo tempore.
Xuất-hiện giữa khi những mảnh giá-trị chót đang bị đẩy tới mé thâm-uyên ở một môi-trường có truyền-thống từ chối tiến-bộ vì tập-quán, những cuốn sách như In illo tempore đã tự đặt ra một thử-thách như muốn vãn-hồi những mảnh giá-trị chót kia, nhưng hẳn là không chỉ vậy. Sự xuất-hiện của những cuốn sách này, vào ngay lúc này, ập vào tâm-trí của người ta và gây ra một ấn-tượng — rất thẳng-thắn — xa-cách hết sức, nhưng đồng-thời cũng cần-thiết hết sức; những cuốn sách này — những cuốn sách như In illo tempore — như thể, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, một người mà vì đã đang chờ đợi quá lâu cho nên đành phải trở thành cái mà người đó đã đang chờ đợi. Và như vậy là một dấu-hiệu. Cho cái gì? Trước hết và cần-thiết hơn hết, cho cuộc phục-hồi của những giá-trị — như trường-hợp về Nguyễn Văn Vĩnh ở FORMApubli, một giá-trị quan-trọng và cần-thiết để từ đó có thể tới với những giá-trị khác, cơ-bản hơn và trọng-yếu hơn.
Nghĩa là, ở trường hợp của những cuốn sách như In illo tempore, hình-thức của nó thì biểu-lộ được nhiều hơn nội-dung của nó; và bằng hình-thức và nội-dung của nó, những cuốn sách này đã tự chọn lựa hoặc đó chính là tính-chất của nó, nó biểu-lộ rằng mọi thứ vẫn chưa chấm dứt, rằng những giá-trị sẽ sớm phục-hồi, dẫu thời-thế đã huỷ-diệt gần như tất cả.
Đây là dòng phi-lộ của In illo tempore: la poesía tiene que deslizarse en este fosco atardecer como perdiz entre las hierbas (thi-ca phải lướt qua hoàng-hôn hắc-ám này như chim đa-đa giữa những bụi cỏ). Và những cuốn sách này là một dấu-hiệu về cuộc phục-hồi của ánh sáng đầu-tiên sau cơn hắc-ám dài.
Cước-chú:
*dạ-minh: 夜明, danh-từ: buổi bình-minh, buổi rạng-đông (Hán-tự Nhật-ngữ)
*quên lảng: 'lảng' ghép với 'quên' mới đúng chánh-tả, không phải 'lãng'
*bất-khả-tỵ: 不可避, tĩnh-từ: không thể tránh khỏi (Hán-tự Nhật-ngữ)
*thất-luật: thể thơ mỗi câu bảy chữ
*tân-thể-thi: 新体詩, danh-từ: thơ theo lối mới (Hán-tự Nhật-ngữ)
*hoài-hương-bệnh: 懐郷病, danh-từ: bệnh vì nhớ quê-hương (Hán-tự Nhật-ngữ)
Đỗ Nguê Văn Miêng