Naipaul: The Enigma of Arrival
trước tiên, Naipaul đọc Conrad
Giữa những tác giả thời ấy, Naipaul chỉ nhận Conrad là người nói được về thế giới của mình. Đó là thế giới của sự tạo ra và phá hủy không ngừng, trong cái nhìn của những người không thực sự bám rễ vào bất cứ xã hội nào. Conrad là người Ba Lan viết tiếng Anh - một thứ tiếng Anh gây hấn với những cách dùng đã thành nếp. Naipaul - con cháu của những người Ấn di cư sang Trinidad vào thế kỷ 19 và mười tám tuổi mới sang Anh - thì viết một thứ tiếng Anh cự tuyệt mọi ủy mị và cường điệu, càng về sau càng khép vào một sự trung thực khắc kỷ, gần như u uất. The Enigma of Arrival - cuốn sách lấy tên một bức tranh kỳ lạ của De Chirico - có thể coi là đoạn đầu của cuộc chìm xuống ấy.
Enigma là ký ức về quãng mười một năm Naipaul sống trong một căn nhà ở đồng quê nước Anh - căn nhà ba phòng thuộc về một trang viên từng rất huy hoàng vào những năm đế quốc. Khi còn ở quê nhà, Naipaul từng nghĩ sẽ tìm được quê hương tinh thần khi đến Anh, được gỡ hẳn khỏi những biến cố lịch sử và gốc gác, tạo lập một sự nghiệp thuần văn chương. Đúng là những năm ấy (từ 1970 đến 1981), Naipaul đã rất hạnh phúc và viết rất nhiều. Lần đầu tiên ở lâu được một ngôi nhà (lại còn là một ngôi nhà tuyệt vời) sau bao nhiêu vất vưởng, những cuộc đi dạo ngày ngày cận kề Stonehenge: đó dường như là tồn tại lý tưởng với một người đã hoàn toàn chuyên chú cho đời sống tinh thần. Vậy nhưng thế giới ấy hiện ra trong Enigma lại u uất lạ lùng. Salman Rushdie, đọc cuốn sách ấy ngay khi nó vừa ra đời, bảo rằng đã rất lâu rồi mới có một cuốn sách buồn và cô độc đến thế. Không thiếu những sự kiện đáng lẽ sẽ vô cùng kịch tính, và mọi chi tiết hiện lên chuẩn xác trong một khung cảnh không thể nói là không thi vị. Vậy nhưng tất cả đều được nhìn từ một khoảng cách đã rút mọi sức sống khỏi đối tượng - một cái nhìn thản nhiên gỡ sạch ảo tưởng nhưng cũng gỡ luôn khả thể cho điều kỳ diệu gọi là hư cấu. Thực tại ở đó là một thực tại chân không, nơi tất cả - vật và người - chỉ là những ảnh tượng phù du của cuộc mục rữa bất khả vãn hồi, và thứ duy nhất xác định tồn tại của chúng là cái nhìn không khoan nhượng vừa neo chúng lại, vừa phá hủy mọi hào quang của chúng.
The Enigma of Arrival
- Naipaul
Trời mưa suốt bốn ngày đầu. Tôi gần như không còn biết mình đang ở đâu. Rồi hết mưa và tôi nhìn thấy, bên kia bãi cỏ và các công trình phụ trước nhà, những cánh đồng phân cách bởi những vệt cây trụi lá; xa xa trong nắng, những gợn sông nhấp nhoáng ẩn hiện, lững lờ bên trên mặt đất.
Dòng sông nhỏ tên là Avon, nhưng không phải Avon của Shakespeare. Sau này - khi vùng đất đã có nhiều ý nghĩa hơn với tôi, khi nó đã hút ngấm cuộc đời tôi nhiều hơn vùng nhiệt đới nơi tôi lớn lên, tôi có thể tự nhiên gọi những cánh đồng bằng phẳng đầy kênh rãnh này là “đồng nước” hay “đồng lầy” và những dải mềm mại bên kia sông, thấp thoáng trong hậu cảnh trở thành “đồi”. Nhưng ngay lúc ấy, sau mưa, tất cả những gì tôi nhìn thấy - dù đã ở Anh hai mươi năm - chỉ là những cánh đồng nhẵn nhụi phẳng lì và một dải sông hẹp.
Bấy giờ là mùa đông. Mùa đông và tuyết vẫn luôn khiến tôi náo nức, nhưng ở Anh, những từ này đã hết lãng mạn với tôi: những mùa đông nước Anh tôi đã kinh qua gần như chẳng bao giờ đạt được cực hạn như tưởng tượng của tôi khi còn ở hòn đảo nhiệt đới. Tôi đã trải mọi loại khắc nghiệt của thời tiết - tháng Một ở Tây Ban Nha, trong một khu trượt tuyết gần Madrid; tháng Mười Hai ở Simla, Ấn Độ, tháng Tám ở đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng ở Anh, cái cực hạn hầu như chẳng có bao giờ. Cả năm tôi vẫn mặc cùng kiểu quần áo ấy, thỉnh thoảng mới thêm áo len chui đầu và hiếm lắm mới cần áo khoác.
Và dù tôi biết mùa hè thì nắng, mùa đông thì cây trụi lá xác xơ như trong tranh màu nước của Rowland Hilder, nhịp của năm - nhịp của cây cỏ và nhiệt độ - vẫn rất mờ mịt với tôi. Tôi khó lòng phân biệt được diễn biến của mùa; các loài hoa và cây chẳng gợi cho tôi một tháng nào cụ thể. Vậy mà tôi đã luôn quen ngắm nhìn thế giới; tôi để ý mọi thứ, tôi biết run rẩy với cái đẹp của cây, với những sớm mai bừng nắng và những đêm bồng bềnh. Mùa đông với tôi chỉ là một quãng dằng dặc những ngày ngắn cũn, đèn chăng khắp nơi cả trong giờ làm việc, cũng là khi có thể chờ thấy tuyết.
Nếu tôi nói ấy là mùa đông khi đến ngôi nhà trong thung lũng sông thì chỉ là bởi tôi nhớ có sương - bốn ngày mưa và sương mù bít kín; sự mịt mù dội lại những lo sợ của tôi - nỗi lo về công việc, về việc chuyển đến đây, lại thêm một dời đổi trong chuỗi dài xô dạt của tôi ở nước Anh này.
Tôi còn nhớ đó là mùa đông bởi nỗi lo về phí sưởi. Trong nhà tranh tôi ở chỉ có điện sưởi - đắt hơn gas hay dầu. Và cái nhà ấy mới khó sưởi làm sao. Nó dài và hẹp, lại gần sông và các dải đồng lầy; sàn xi măng thì chỉ cao hơn nền đất chừng một foot.
Rồi một chiều tuyết xuống. Tuyết ngập bãi cỏ trước nhà, phủ xoà những cành trơ trọi, viền những vật đã bị ngó lơ và cả những tòa nhà quạnh hiu quanh vùng cỏ mà bấy lâu tôi không để ý hay chỉ nhớ loáng thoáng. Cứ thế, từng mảng một, bức phác về khung cảnh xung quanh dần thành hình khi tôi nhìn tuyết rơi.
Lũ thỏ ùa ra chơi tuyết, cũng có thể là để tìm cái ăn. Một thỏ mẹ hơi gù và ba bốn đứa con. Chúng quệt những vệt màu bẩn lên tuyết trắng. Màu thỏ gợi lên hoặc có lẽ tạo ra những chi tiết khác của ngày đông: ánh tuyết trong chiều muộn, những ngôi nhà dị kỳ quanh bãi cỏ nổi hẳn lên - trắng và oai vệ. Cái màu ấy cũng gợi cánh rừng tôi mơ hồ nhớ đã thấy phía sau bờ giậu trắng dần, nơi lũ thỏ đang nhấm cỏ. Bãi cỏ trắng xóa, những ngôi nhà trống xung quanh, bờ giậu dựng một bên, khoảng trống trong bờ giậu, một con đường, khu rừng thấp thoáng. Tôi đã thấy khu rừng. Nhưng nó không thực sự là một khu rừng; nó chỉ là một vườn cây ăn quả già nua đằng sau dinh thự lớn - nhà tranh của tôi nép trên đất dinh thự ấy.
Tôi thấy tất cả rất rõ ràng. Nhưng tôi không biết mình đang nhìn gì. Tôi chẳng có gì để gắn nó vào. Tôi vẫn bị treo trong lửng lơ đờ đẫn. Nhưng tôi biết một số thứ. Tôi biết tên thị trấn tôi đã đến bằng tàu. Tên nó là Salisbury. Đó gần như là thị trấn Anh đầu tiên tôi biết, thị trấn đầu tiên tôi có ý niệm - nhờ bản sao một bức tranh Constable của Salisbury Cathedral trong cuốn tập đọc lớp ba của tôi. Đã xa lắc - hòn đảo nhiệt đới của tôi; hồi ấy tôi chưa đầy mười tuổi. Một bản sao chỉ có bốn màu - mà tôi từng nghĩ là bức tranh đẹp nhất trên đời. Tôi biết ngôi nhà thuộc một trong các thung lũng sông gần Salisbury.
Ngoài mẩu cổ tích về bản sao bức tranh Constable, toàn bộ kiến thức tôi mang đến nơi này là ngôn ngữ học. Tôi biết “avon” ban đầu chỉ có nghĩa là sông, cũng như “hound” ban đầu chỉ có nghĩa là chó, bất cứ loại chó nào. Tôi còn biết nghĩa cả hai thành tố của Waldenshaw - tên ngôi làng, cũng là tên tòa nhà có nhà tranh của tôi - tôi biết cả “walden” và “shaw” đều có nghĩa là gỗ. Thêm một lý do vì sao, ngoài ấn tượng cổ tích về tuyết và lũ thỏ, tôi nghĩ mình đã thấy một khu rừng.
Tôi cũng biết ngôi nhà ở gần Stonehenge. Tôi biết có một con đường dẫn đến gần vòng đá đó; tôi biết đoạn trên cao con đường ấy có một điểm ngắm cảnh. Và sau bốn ngày, khi mưa ngừng, sương ráo, tôi ra ngoài vào buổi chiều, đi tìm đường và cảnh.
Chẳng có làng nào gần đây. May là thế. Tôi sẽ bối rối lắm nếu đụng phải người. Sau bao nhiêu năm ở Anh, tôi vẫn bối rối ở một chốn lạ, cái phản ứng tươi sống ấy - thấy mình đang ở quê hương kẻ khác, thấy sự lạc lõng, sự cô độc của mình. Và cuộc đi vào vùng đất mới của đất nước này với người khác có thể là phiêu lưu còn với tôi thì giống như xé lớp da trên một vết thương vừa bắt đầu liền lại.
Có một đường công cộng hẹp chạy dọc khuôn viên tối tăm rợp bóng thủy tùng của trang viên. Vừa hết đường, hàng rào dây thép gai và bụi cây ven đường, triền thoải bắt đầu dốc ngược. Stonehenge và lối đi có điểm ngắm cảnh nằm ở hướng đó. Hẳn phải có một lối rẽ bẻ ra từ con đường công cộng. Tôi phải rẽ trái hay phải để thấy nó đây? Thật ra thì thế nào cũng thế. Rẽ trái có đường, rẽ phải cũng có đường. Hai đường này gặp nhau ở nhà tranh của Jack, đúng hơn là sân trại cũ có nhà tranh của Jack, trong thung lũng trên đồi.
Hai lối đến nhà tranh. Rất khác nhau: một đã cũ lắm rồi, một rất mới. Lối cũ dài hơn, bằng phẳng hơn; nó men theo một lòng sông rộng nhấp nhô đã có từ lâu, chắc xưa là đường cho xe ngựa. Lối mới - dành cho máy - dốc hơn, chạy thẳng lên đồi rồi quặt xuống.
Rẽ trái là vào lối cũ. Đoạn đường khuất dưới những rặng giẽ gai. Nó chạy trên dải đá của thoải đồi ngay phía trên dòng sông rồi men xuống gần mực nước. Có một cụm nhà ở đó. Tôi đã để ý: một ngôi nhà gạch nhỏ rất cũ với hàng hiên trang nhã và trên bờ sông, gần sát nước, một nhà mái rạ, vách trắng đang được “sửa sang”. (Nhiều năm sau, nhà ấy vẫn sửa chưa xong; có thể thấy qua các cửa sổ bụi mù những bao xi măng đã dùng một nửa.) Đến đó, chỉ cần rẽ là tới nhà tranh của Jack.
Một con đường nhựa dẫn qua nửa tá những nhà tranh thường thường, hai ba cái còn mang ký hiệu tên chủ nhân, người xây dựng hay thiết kế - nét đặc sắc duy nhất của chúng, kèm theo năm xây dựng, và bất ngờ ấy là năm 1944 - năm chiến tranh. Đường nhựa hết, con đường hẹp gồ ghề, rộng dần khi vào thung lũng, đầy những dấu bánh xe đá lửa lởm khởm chen với những dải cỏ thô xù. Thung lũng có vẻ cổ xưa. Bên trái có một con dốc cao che khuất tầm nhìn - một dốc trọc không cây không bụi, bên dưới lớp cỏ mỏng mịn của nó vẫn thấp thoáng những vạch dài - sẹo hằn của nhiều năm cày xới hoặc cũng có thể là của các công sự. Con đường rộng ngoằn ngoèo; thung lũng rộng (có thể là lòng sông cổ) mà con đường ấy chiếm giữ chạy thẳng một mạch, bao lại ở đằng xa bởi một dãy đồi thấp. Nhà của Jack và sân trại nằm ở cuối mạch thẳng tuột ấy, ngay chỗ rẽ.
Lối thứ hai dẫn đến đó, lối mới - ngắn và dốc, ngoặt lên từ đường công cộng rồi xuôi xuống thung lũng và sân trại, bờ phía bắc viền bằng một rào chắn gió, những cây sồi non được che chắn bằng rặng thông cao. Trên đỉnh dốc có một nhà kho hiện đại, tường kim loại; bên kia, thấp xuống một chút là một khoảng trống trong rào cây chắn gió. Đây chính là điểm quan sát Stonehenge - nó ở xa, nhỏ xíu, không dễ thấy như những mục tiêu phát sáng màu đỏ hay cam của các trường bắn quân đội. Và dưới chân dốc, xuôi theo con đường đá gồ ghề men rào chắn gió là những cụm nhà trại bỏ hoang và dãy nhà tranh vẫn còn hoạt động, Jack sống ở một trong số đó.
Các dải đồi quanh đó khô và lởm chởm đá lửa, màu nâu và xanh bạc phếch. Nhưng trên con đường rộng bên dưới, quanh các nhà trại, mặt đất đen kịt bùn. Bánh xe máy kéo đã đào những hố dài vẹo vọ trong bùn đen.
Chiều đầu tiên đến khu nhà trại, xuôi con đường dốc men rào chắn gió, tôi đã phải hỏi đường đến Stonehenge. Từ điểm quan sát trên cao, nó hiện ra thật rõ ràng. Nhưng từ đó trở xuống là trập trùng đồi nọ lấp đồi kia, các chỗ lõm và những con đường khuất hẳn tầm nhìn, và dưới cùng, nơi bùn và những vũng dài lầy lội khiến chỉ đi lại thôi cũng khó khăn và không gian như rộng hơn, đường càng nhập nhằng: một số còn dẫn ra khỏi con đường lớn của thung lũng. Tôi bối rối. Một câu hỏi tưởng như đơn giản đến thế, giữa vùng trống trải; và không bao giờ tôi quên là ngày đầu tiên tôi đã hỏi đường ai đó. Có phải Jack không? Tôi không nhận rõ là ai; tôi còn mải băn khoăn về con đường kỳ lạ, sự lạc lõng của tôi và sự phi lý trong câu hỏi của tôi.
Tôi được chỉ là phải đi vòng quanh các ngôi nhà của trại, rẽ phải, bám theo con đường chính rộng rãi và đừng để bị cám dỗ bởi những lối mòn khô ráo dẫn ra khỏi đường chính, hướng về khu rừng nằm phía bên kia - những vạt rừng non trông như thể báo hiệu một đồng quê sâu thẳm, như thể là điểm bắt đầu của khu rừng thực thụ
Và như thế, băng qua bùn lầy quanh đám nhà tranh và sân trang trại, băng qua đống gỗ cũ lộn xộn, dây thép gai cũ rối mù và những máy móc nông trại rõ là đã bị bỏ quên, tôi rẽ phải. Con đường rộng bùn đất trở thành đường cỏ - cỏ rậm và sũng nước. Rồi ngay sau đó, khi đã bỏ lại đám nhà trại phía sau và thấy mình đang bước trên một lòng sông rộng, trống trơn và rất cổ, cảm giác về không gian bắt đầu làm tôi ngợp.
Con đường cỏ (mà tôi nghĩ là lòng sông cũ) dốc lên, hướng tầm mắt đến lưng trời; hai bên là những sườn dốc của đồi, mở rộng và cũng hướng lên trời. Một bên là gia súc; bên kia, sau một đồng cỏ, là một vạt dài mênh mông điểm những cây thông non, một khu rừng nhỏ. Một khung cảnh cổ xưa: ta bị choáng ngợp bởi không gian, bởi đất đai không người cư ngụ - khởi đầu của tất cả. Không có ngôi nhà nào trong tầm mắt, chỉ có con đường rộng cỏ rậm rì, bầu trời trên cao và những con dốc hai bên.
Đi trên đoạn đường này, ta có thể bám chắc vào trống trải. Nhưng khi lên đến đỉnh con đường, ngang hàng với các gò đất cùng nấm mồ rải rác trên các cồn cát cao khắp xung quanh và phóng mắt về Stonehenge, tôi lại thấy các trường bắn của Salisbury Plain và chi chít những ngôi nhà nhỏ sắc cạnh của West Amesbury. Sự trống trải mênh mông tôi vừa thấy cũng là ảo tưởng khác nào hình dung về khu rừng đằng sau những cây thông non. Khắp xung quanh - không xa lắm - là đường và cao tốc, những xe tải và ô tô nhiều màu như đồ chơi. Stonehenge, các gò đất cùng nấm mồ vạch một đường viền cắt ngang trời; các trường bắn quân đội, West Amesbury. Cái cũ và cái mới; và, từ một lưng chừng hoặc một thời gian khác, sân chuồng cùng nhà tranh của Jack ở đáy thung lũng.
Nhiều khu chuồng trại đã bỏ hoang. Các chuồng và kho - tường gạch đỏ, mái lợp bằng đá phiến hoặc ngói đất sét nung bao quanh cái sân lầy lội đều đã đổ nát; và thỉnh thoảng lắm trong chuồng mới có gia súc - những con bê ốm yếu, bị cách ly khỏi đàn. Những mảnh ngói rớt, mái thủng, tôn rỉ nát cong vênh, sự ẩm ướt bao trùm, những lớp gỉ màu nâu và đen, thoáng rêu xanh đã xỉn hay ánh lên trên lớp bùn bị giày xéo, ẩm vì phân của sân chuồng: vẻ bơ vơ của các con vật trong khung cảnh ấy giống như những thứ sắp sửa bị vứt đi khiến người ta phát rợn.
Có lúc còn có cả những con dị tật. Chăn nuôi gia súc ở đây đã trở nên máy móc đến độ dị tật cũng có vẻ máy móc - giống như lỗi của một quá trình công nghiệp. Những cục thịt thừa kỳ quái mọc lên ở những chỗ khác nhau trên thân thể con vật như được đúc bởi một cái khuôn ghép từ hai phần, và ở chỗ nối hai phần ấy, chất súc vật, cái hỗn hợp mà từ đó từng con được khuôn thành, đã tràn ra, cứng lại thành thịt và mọc lông theo đúng mẫu Frisian đen trắng. Ở đó, trong sân trại bỏ hoang đổ nát, đầy phân và rêu - chỉ còn phân là mới, chúng đứng, nặng trĩu và quái đản, khối chất súc vật thừa lủng lẳng giữa thân như miếng yếm bò, như những tấm rèm nặng nề đợi được đưa tới các lò mổ trong thị trấn.
Đi khỏi khu chuồng trại cũ, xuôi con đường rộng bằng phẳng là lối cũ đến nhà tranh của Jack, ta sẽ thấy những tàn dư và đổ nát khác, dấu tích của những nỗ lực khác, những sự sống khác. Ở cuối con đường rộng, bên cỏ mọc cao là những cái hộp nông và phẳng, sơn xám, xếp hai hàng. Sau này tôi được cho biết chúng từng là tổ ong. Người ta không bảo cho tôi người nuôi ong là ai. Đó là một nông dân sống trong nhà tranh ở đây hay là ai đó nhàn nhã hơn, định thử kinh doanh chút đỉnh rồi bỏ cuộc và quên bẵng nó? Bị bỏ phế, vô nghĩa lý, những cái hộp xám mà người ta còn chẳng buồn gỡ đi có vẻ thật bí ẩn giữa hiu quạnh mênh mông.
Phía bên kia con đường chăn thả rộng, nơi khúc cua lớn quanh khu chuồng trại vừa bắt đầu, trong bóng những cây non và bụi rậm, có một cái xe lữ hành cũ sơn màu xanh lá, vàng và đỏ, còn khá tốt, một cái xe Di-gan rực rỡ có màu của những ngày đã xa (tôi nghĩ vậy), trông như thể những con ngựa chỉ vừa được tháo khỏi xe ít lâu. Một bí ẩn nữa, một thứ nữa từng được chế tạo rất cẩn thận giờ bị bỏ phế, một mẩu của quá khứ không còn dùng được làm gì nhưng cũng chưa bị vứt đi. Giống những khối máy nông nghiệp nặng nề, cổ lỗ nằm rải rác và gỉ sét quanh khu chuồng trại.
Đến nửa con đường rộng và thẳng, xa khỏi những tổ ong và cái xe lữ hành là một đống cỏ khô - những kiện cỏ chất thành một khối khổng lồ, một tấm nhựa đen cũ kỹ phủ lên trên. Cỏ cũ lắm rồi; trên nền đen của nó đã nảy những mầm xanh; cỏ được cắt cẩn thận và chất gọn ở đây từ một hè nào đó đang mục dần, biến thành phân bón. Cỏ khô nông trại giờ được chứa ở một nhà kho mở hiện đại, một khối đúc sẵn in tên nhà sản xuất ngay bên dưới đỉnh mái. Nhà kho này được dựng ngay cạnh sự hỗn tạp của sân chuồng cũ - như thể bao giờ cũng sẽ có đủ chỗ và chẳng phải sờ vào những thứ cổ lỗ hoang phế làm gì. Cỏ khô ở đây còn mới, mùi ngọt và ấm; những kiện cỏ được dỡ thành từng bậc vàng ửng sạch sẽ - mùi ấm áp của nó khiến tôi nghĩ tới câu chuyện dệt rơm thành vàng, tới những cuốn sách bối cảnh châu Âu có những người ngủ trên rơm trong kho thóc. Hồi ở Trinidad tôi không tài nào hình dung được cảnh ấy; ở đó cỏ lúc nào cũng được cắt tươi cho gia súc, luôn xanh chứ không bao giờ ngả nâu. Giờ, mùa đông, ở đáy thung lũng ẩm ướt này: những kiện cỏ khô vàng chất cao, những bậc vàng ấm áp ngay cạnh bùn đen lợn cợn.
Không xa đụn cỏ ôi mục trông như một túp lều hay nhà tranh là tàn tích của một ngôi nhà thực sự, tường chắc bằng đá lửa và bê tông. Một ngôi nhà đơn sơ, những bức tường có lẽ không có móng giờ đã hoàn toàn lộ thiên. Những bức tường đổ nát không mái che bao quanh mảng đất truồng - không có dấu hiệu của sàn lát đá hay bê tông. Sao mà ẩm ướt! Xung quanh miếng đất, những loài cây rào giậu - cây sung dâu hay sồi - đã mọc cao, khiến ngôi nhà trông lùn xủn. Từng có lúc chẳng ai thấy chúng nhưng chúng vẫn sống trong khi ngôi nhà đã không còn, và giờ chúng ôm giữ mặt đất trong lạnh lẽo, rêu phong và bóng tối vĩnh viễn. Những ngôi nhà nhỏ hơn bên đường công cộng được xây bởi những người lấn chiếm từ thế kỷ trước, phần lớn là lao động nông trại đã áp đặt quyền sở hữu cho người xây chúng và cho con cháu. Nhưng ở đây, bên lối chăn thả rậm cỏ, giữa những đồi, đồng cỏ và sự cô độc, người chủ hay người xây ngôi nhà đã chẳng để lại gì; không có gì được tạo ra. Chỉ những cái cây ông ta trồng là vẫn tiếp tục lớn.
Có lẽ ngôi nhà chẳng hơn gì một chỗ trú chân của người chăn chiên. Nhưng đó chỉ là phỏng đoán. Lều chăn chiên sẽ phải nhỏ hơn và những cái cây quanh mảnh đất không nói về một lều chăn chiên, về một chỗ trú tạm vài đêm mỗi lần.
Chiên không còn là vật nuôi chính trên đồng bằng này nữa. Tôi chỉ thấy người ta xén lông chiên đúng một lần. Việc do một người đàn ông to lớn thực hiện - tôi nghe nói là người Úc - và diễn ra trong một căn nhà cũ tường gỗ mái đá ở rìa dãy nhà nhỏ nơi Jack sống. Tôi gặp cảnh ấy hoàn toàn tình cờ; trước đó tôi không nghe ai nói gì, lúc đi dạo chiều thì thấy. Nhưng hẳn với một số người, xén lông chiên là sự kiện đáng đưa tin; người trong trại và cả người từ nơi khác kéo tới xem. Một màn biểu diễn sức mạnh và tốc độ: con vật đầy lông được nhấc lên, xén trụi (đôi khi bị cắt vào da) rồi thả đi, trần truồng quái đản - nghi lễ như bước ra từ một tiểu thuyết cũ, có lẽ Hardy, hoặc từ một nhật ký nông thôn thời Victoria. Cứ như thể trong khoảnh khắc đó, những bãi tập bắn của Salisbury Plain, những vệt khói máy bay quân sự trên trời, những dãy nhà lính và những đường cao tốc gầm rú xung quanh không còn tồn tại. Như thể trong góc nhỏ quanh khu chuồng trại và căn nhà của Jack, thời gian ngừng trôi và mọi thứ vẫn như xưa, trong chốc lát. Nhưng chuyện xén lông chiên thuộc về quá khứ. Như những công trình trại cũ. Như cái xe lữ hành sẽ không bao giờ chuyển bánh. Như kho thóc không còn ai chứa thóc.
Cái kho ấy có một cửa sổ cao với một giá kim loại nhô ra. Có lẽ trước đây người ta từng gắn một ròng rọc, một sợi xích hay dây thừng vào cái giá ấy để kéo những kiện hàng từ xe ngựa lên rồi đu chúng qua cửa sổ cao mở vào kho. Trong thị trấn Salisbury cũng có một thiết bị cổ xưa như thế, ở tầng trên một tiệm tạp hoá cũ nổi tiếng. Nó vẫn còn đó, được giữ lại như một món đồ cổ, một dấu hiệu nghề nghiệp, một biểu tượng phù hợp với một thị trấn cổ biết gìn giữ quá khứ của mình. Nhưng thứ được xem là cổ vật trong thị trấn lại thành đồ bỏ ở cuối con dốc. Nó là một phần của cái kho đang mục dần từng mùa đông - cái kho và những công trình nông trại đổ nát khác vẫn còn đứng đó chỉ vì trong khu bảo tồn này, quy định xây dựng chỉ cho phép dựng nhà mới ở nơi từng có nhà cũ.
Và nếu cái nhà kho đúc sẵn hiện đại thay thế đống cỏ khô mục nát xưa kia, thì - nhưng ở xa lắm, không phải chỉ là phần nối đơn giản với những công trình nông trại cũ - kho thóc thật sự nay nằm trên đỉnh đồi, cạnh hàng cây chắn gió. Nó có tường bằng tôn mạ kẽm, chắc chắn chống chuột. Ở đó, máy móc điều khiển mọi thứ và những xe tải hạng nặng (không còn những xe ngựa từng dùng con đường chăn thả bằng phẳng dẫn tới kho cũ dưới thung lũng) trèo lên con đường đá gồ ghề từ con lộ chung rồi rẽ vào sân bê tông của kho, nơi ống dẫn từ trong kho tuôn ngũ cốc bụi mù vào các khay sâu của xe tải.
Rơm vàng ửng và ấm; hạt thóc cũng vàng; nhưng lớp bụi rơi xuống khắp nơi - trên sân bê tông, con đường đá, những cây thông và sồi non nơi hàng cây chắn gió - lớp bụi rơi xuống sau khi thóc được đổ vào khay xe tải lại xám. Bên hông kho tường kim loại, ngay dưới một ống xả kim loại là một ụ bụi hình nón được máy sàng ra từ những đống thóc hình nón lớn hơn trong kho. Lớp bụi ấy - cứng chắc ở chân, mềm mịn kỳ diệu ở đỉnh - mịn vô cùng và xám, không một chút sắc vàng.
Mới tinh, cái kho này, với đủ thứ thiết bị cơ giới. Nhưng ngay cạnh nó, qua một con đường đất lầy lội là một phế tích khác: một hầm trú ẩn thời chiến, một ụ đất trồng đầy cây thích để ngụy trang, với một ống thông gió bằng kim loại giờ lạc lõng chỉa ra giữa những thân cây đã lớn. Đám thích ấy hẳn đã được trồng ít nhất hai lăm năm trước; nhưng vì được trồng sát thế, chúng trông vẫn trẻ con.
***
Jack sống giữa tàn tích, giữa những thứ đã lỗi thời. Nhưng cái nhìn ấy chỉ đến với tôi về sau, và rõ ràng hơn khi tôi viết. Đó không phải là ý nghĩ xuất hiện khi tôi lần đầu ra ngoài đi dạo.
Cảm giác về đổ nát và hoang phế, về sự lạc lõng, là điều tôi cảm nhận về mình, gắn liền với tôi: kẻ từ một bán cầu khác, một bối cảnh khác, tuổi trung niên đến dừng chân trong căn nhà nhỏ của khu điền trang bị bỏ bê một nửa - nơi đầy chật những dấu vết của quá khứ thời Edward, hầu như không còn liên hệ gì với hiện tại. Một dị vật giữa những khu nhà lớn trong thung lũng, và tôi lại là một dị vật nữa trong khuôn viên của nó. Tôi thấy mình không có chỗ bám, lạc loài. Mọi thứ tôi thấy trong những ngày đầu ấy, khi dần nắm bắt xung quanh - mọi thứ tôi thấy trên những buổi đi dạo hằng ngày, bên hàng cây chắn gió hay dọc theo con đường cỏ rộng - tất cả chỉ khiến cảm giác ấy thêm sắc. Tôi cảm thấy hiện diện của mình trong thung lũng cổ xưa ấy là một phần của thứ gì giống một cơn biến động, một cuộc đổi thay trong dòng chảy lịch sử xứ sở này.
Còn Jack, tôi lại xem ông là một phần khung cảnh. Tôi thấy đời sống của ông là thực, có gốc rễ, hài hòa: con người khớp vào cảnh vật. Tôi nhìn ông như một tàn tích của quá khứ (mà sự hiện diện của tôi báo hiệu sự tan rã). Khi mới bắt đầu những cuộc đi dạo và chỉ nhìn thấy cảnh quan, xem những gì mình thấy là những yếu tố thuộc về cuộc đi dạo ấy, là những điều người ta có thể bắt gặp ở vùng quê quanh Salisbury - những điều xưa cũ và phù hợp, tôi đã không hề tự nhủ rằng Jack đang sống giữa đống phế thải, giữa tàn tích của gần một thế kỷ, rằng quá khứ bao quanh căn nhà nhỏ của ông có thể không phải là quá khứ của chính ông, rằng ông cũng từng là người mới trong thung lũng này, rằng lối sống ấy của ông có thể là kết quả của một lựa chọn, một hành động có ý thức, rằng từ mảnh đất nhỏ đi cùng căn nhà nông trại (một trong ba căn liền kề), ông đã tạo ra một lãnh địa riêng, một khu vườn, nơi - dù bị bao vây bởi tàn tích, những dấu vết của đời sống đã khuất, ông sống đời mình không chỉ với sự mãn nguyện mà còn như thể đang cử hành mùa màng, như trong một phiên bản riêng của Sách giờ kinh.
Tôi nhìn ông như một tàn dư còn sót. Không xa đó, giữa những gò mộ cổ và những ụ đất tiền sử, là các bãi tập bắn và khu huấn luyện quân sự của Salisbury Plain. Có chuyện kể rằng, chính vì sự vắng bóng con người ở những vùng ấy, vì suốt thời gian dài đất đai chỉ được dùng cho mục đích quân sự nên - trái với điều người ta có thể nghĩ sau những vụ nổ và những cuộc chiến giả định - vẫn còn một số loài bướm sống sót trên đồng bằng ấy, những loài đã biến mất ở các vùng dân cư đông đúc hơn. Và tôi nghĩ, bằng một cách nào tương tự thế, trong con đường chăn thả rộng dưới đáy thung lũng, nơi tình cờ được che chắn khỏi con người, xe cộ và cả quân đội, Jack cũng như những con bướm kia - đã sống sót.
Tôi nhìn mọi thứ chậm; chúng hiện ra từ từ. Người tôi để ý đầu tiên trong những buổi đi dạo không phải là Jack mà là bố vợ Jack. Và chính ông bố vợ - chứ không phải Jack - mới là người hiện lên như một nhân vật văn chương giữa khung cảnh cổ xưa. Ông gợi lên một nhân vật bước ra từ thơ Wordsworth: lưng còng, còng đến kỳ lạ, lặng lẽ làm những việc nhà nông như thể đang sống trong một cô tịch mênh mông nào đó của Vùng Hồ.
Ông già lưng còng ấy bước rất chậm; ông làm mọi việc cẩn trọng vô cùng. Ông đã tự vạch những lối đi riêng băng qua các triền đồi và luôn bám theo chúng. Người ta có thể lần dấu những lối đi ấy ngay cả khi chúng vượt qua hàng rào kẽm gai nhờ những bao nhựa xanh (từng chứa phân bón) mà ông đã cuộn quanh dây gai rồi buộc thật chặt bằng sợi nylon đỏ, kỹ lưỡng tương xứng với nhịp và sự cẩn trọng của mình, tạo ra những chỗ bọc an toàn để có thể chui qua dưới hàng rào hoặc trèo qua bên trên.
Thế, đầu tiên là ông già. Rồi sau đó là khu vườn, khu vườn giữa những thứ đã bị thay thế. Chính khu vườn của Jack khiến tôi chú ý đến Jack, còn những người sống trong hai căn nhà nhỏ còn lại thì tôi chẳng bao giờ biết là ai, chẳng nhận ra mặt, chẳng biết họ đến hay đi lúc nào. Nhưng cũng phải mất một thời gian tôi mới nhìn ra khu vườn ấy. Biết bao tuần trôi qua, biết bao lần đi dạo giữa những đồi đá phấn và đá lửa bạc màu lên vùng gò mộ để nhìn xuống Stonehenge, biết bao lần chỉ để đi tìm một con thỏ rừng - mãi đến khi bắt đầu có một cảm giác mới về các mùa trong năm, tôi mới để ý khu vườn. Trước đó nó chỉ đơn giản là một thứ nằm dọc đường đi, một điểm mốc, không có gì để đặc biệt chú ý. Dẫu vậy, tôi đã luôn yêu cảnh vật, yêu cây cối, hoa lá, mây trời, và luôn nhạy cảm trước những thay đổi của ánh sáng và nhiệt độ.
Tôi để ý đến rào cây của ông trước tiên. Nó được tỉa gọn gàng, phần giữa rất chặt nhưng sát mặt đất thì có chỗ lưa thưa. Tôi cảm nhận, qua cách tỉa ấy, rằng người làm vườn hẳn muốn hàng rào được đều khắp, kín mít như một bức tường gạch, gỗ, hay một loại vật liệu nhân tạo nào. Rào cây đánh dấu ranh giới giữa khu vườn cây ăn quả và hoa của Jack với con đường chăn thả - đoạn này rất rộng, nền đất trống trải bao quanh những căn nhà tranh và khu chuồng trại hầu như lúc nào cũng mềm và lầy lội. Mùa đông, những vũng nước dài soi bầu trời giữa lớp bùn đen hằn vết bánh máy cày. Vài ngày trong mùa hè, lớp bùn ấy khô lại, hóa trắng và bụi mù. Trong vài ngày ngắn ngủi ấy của mùa hè, hàng rào chạy dọc khu vườn mà Jack sở hữu cùng căn nhà của ông trắng bụi đá phấn khoảng một gang tay tính từ mặt đất; còn mùa đông thì nó bị bắn bùn lên, rồi khô lại từng mảng trắng hoặc xám.
Hàng rào ấy không che điều gì. Có thể nhìn thấy hết khi đi xuống dốc theo lối hàng cây chắn gió. Những công trình nông trại cũ kỹ, màu rỉ sét và đen ở phía sau; những căn nhà trát vữa xám nằm phía trước; khoảng đất hay mảnh vườn phơi trước mặt những nhà ấy; và khoảng trống không thuộc về ai mở toang hoang trước các sân cùng vườn. Cạnh vườn của Jack là hàng rào của Jack: một bức tường nhỏ màu xanh lốm đốm bùn, chỏi lên đột ngột giữa khoảng trống mênh mông của con đường chăn thả, như một di tích, một ký ức về một kiểu nhà, vườn và phố xá khác, một dấu vết của điều gì đó trọn vẹn hơn, lý tưởng hơn.
Về kỹ thuật, khu vườn nằm ở phía trước đám nhà tranh. Nhưng thực tế, theo thói quen nhiều năm, mặt sau của những nhà ấy đã thành mặt trước và những khu vườn “trước nhà” đã hóa vườn sau. Nhưng Jack, với cùng một bản năng khiến ông trồng và tỉa cẩn thận (rồi kết thúc đột ngột) hàng rào cây cạnh con đường chăn thả, lại đối xử với vườn của mình như một khu vườn trước nhà. Một lối đi lát đá, viền bằng một loại cây nào đó, chạy từ cửa “trước” nhà ông xuống giữa vườn. Đáng lẽ lối đi ấy phải dẫn tới một cánh cổng, một vỉa hè, một con phố. Quả có một cái cổng - nhưng cánh cổng ấy, gắn vào hàng rào lưới thép mắt to, chỉ mở ra một khoảnh đất nhỏ cũng rào lưới thép, năm nào cũng được xới lên: đó là nơi Jack trồng những cây hoa một năm. Phía trước khoảnh đất ấy là khoảng trống không thuộc về ai, nằm giữa con đường chăn thả và chân dốc bắt đầu của vùng đồi được canh tác. Vịt và ngỗng của Jack có chuồng trong khu vực ấy, một khoảng đất lộn xộn ngập phân và lông. Dù không bị nhốt, lũ ấy chẳng bao giờ đi xa, chỉ lắc lư qua lại trên con đường chăn thả.
Hàng rào cây, khu vườn, luống đất để trồng hoa một năm, khoảnh đất cho vịt và ngỗng; và xa hơn nữa, vượt qua phần đất dành cho hai căn nhà nhỏ còn lại, ngay nơi mặt đất bắt đầu dốc lên tới những cánh đồng được canh tác bằng máy móc của nông trại, là khu vực Jack trồng rau.
Mỗi mảnh đất là một đơn vị riêng biệt. Jack không nhìn khung cảnh quanh mình như tổng thể. Nhưng ông nhìn rõ từng phần riêng lẻ và mọi thứ ông chăm chút đều phản ánh ý niệm độc nhất mà ông dành cho nó. Hàng rào cây được tỉa đều đặn, khu vườn đẹp, sạch sẽ, đầy màu sắc thay đổi theo mùa; còn khu đất cho ngỗng thì bẩn thỉu, với những cái chuồng dựng vội, những chậu và thau men, cùng bồn rửa bằng đất nung cũ bỏ đi. Như một ngôi làng trung cổ thu nhỏ - tất cả những phần khác nhau của khu vườn mà Jack dựng lên quanh những công trình nông trại cũ. Đó là phong cách của Jack, và chính điều ấy khiến tôi (rất lầm, như tôi sẽ sớm nhận ra) tưởng rằng ông là tàn tích của một lớp tá điền xưa, sống sót ở đây giống như lũ bướm giữa những tiếng nổ của Salisbury Plain, sống sót bằng cách nào đó qua cách mạng công nghiệp, những ngôi làng bị bỏ hoang, đường sắt và cả sự hình thành của những điền trang nông nghiệp lớn trong thung lũng.
Tôi nhìn tất cả những điều này phần lớn qua con mắt văn chương hoặc với sự trợ giúp của văn chương. Một kẻ lạ ở nơi này, mang theo những dây thần kinh của kẻ lạ nhưng lại có tri thức về ngôn ngữ và lịch sử của ngôn ngữ cũng như của văn bản, tôi có thể tìm thấy một kiểu quá khứ đặc biệt trong những gì mình nhìn, một phần trong tinh thần tôi vẫn có thể chấp nhận sự tưởng tượng.
Một buổi sáng, tôi nghe đài phát thanh nói rằng vào thời Đế quốc La Mã, người ta có thể lùa ngỗng đi bộ đến chợ từ tận Gaul cho đến thành Rome. Từ sau đó, lũ ngỗng đầu ngẩng cao, đi nghênh ngang và thả phân trên con đường lầy lội đầy rãnh dưới đáy thung lũng - lũ ngỗng của Jack - bắt đầu mang một đời sống lịch sử trong tôi, điều gì đó vượt khỏi hình dung về tá điền thời trung cổ, những tập quán làng quê Anh xa xưa hay những hình vẽ ngỗng trong sách trẻ con. Và khi một năm kia, trong cơn thèm được quay lại với Shakespeare, với khởi nguồn của ngôn ngữ, tôi quay lại đọc King Lear lần đầu sau hơn hai mươi năm và thấy trong lời mắng của Kent câu: “Đồ ngỗng, nếu ta mà có mi trên đồng Sarum, thì ta đã lùa mi quang quác về Camelot rồi,” thì những từ ấy trở nên rõ mồn một với tôi. Sarum Plain tức Salisbury Plain; Camelot là Winchester - chỉ cách đây hai mươi dặm. Và tôi cảm thấy nhờ lũ ngỗng của Jack - những sinh vật có lẽ mang một chiều sâu cổ xưa mà chính Jack cũng không ngờ - tôi đã chạm được đến sự hiểu một điều gì đó trong King Lear mà, theo lời chú thích của bản tôi đọc, các nhà chú giải trước nay vẫn xem là tối nghĩa.
Sự cô tịch của những buổi đi dạo, nỗi trống trải mênh mông của dải đồi cho phép tôi buông mình theo cái nhìn của riêng tôi, để mặc những tưởng tượng ngôn ngữ và lịch sử được thỏa sức hiện hình, đồng thời giúp tôi trút bỏ niềm căng thẳng của kẻ lạ trên đất Anh. Một sự tình cờ - có lẽ là hình dạng của những thửa ruộng, cách các lối men và con lộ hiện đại khớp với nhau hay những nhu cầu của quân đội - đã cô lập vùng đất nhỏ này, và tôi có cả khoảnh lịch sử ấy của nước Anh cho riêng mình mỗi cuộc dạo.
Ngày nào tôi cũng đi trên con đường cỏ rộng giữa những sườn đồi đá lửa, băng qua các thung lũng đá phấn vụn trắng toát, đôi lúc trông như một thung lũng Himalaya giữa mùa hè, đầy tuyết cũ cùng đá sỏi. Ngày nào tôi cũng nhìn thấy những gò đất được đắp lên từ bao thế kỷ trước. Bao nhiêu là gò! Chúng rải khắp mọi nơi. Từ một độ cao nhất định, chúng nổi trên nền trời trông như những nốt sần trên mặt đất. Lúc đầu tôi thích giẫm chân lên những gò nào nằm dọc đường mình. Cỏ trên các gò ấy thô ráp, lá dài, màu nhợt, mọc từng bụi dày làm trẹo cả mắt cá. Cây cối, nếu có, thì đều bị gió vặn vẹo và lùn tịt.
Tôi bước cẩn trọng lên, xuống, vòng quanh từng gò; những ngày đầu ấy, tôi không muốn bỏ sót bất cứ gò nào có thể đến gần, cảm giác rằng nếu nhìn đủ chăm, đủ lâu, tôi có thể không đạt đến sự hiểu điều huyền nhiệm tôn giáo nhưng ít ra có thể cảm nhận được phần lao động chứa trong đó.
Ngày nào tôi cũng đi trên con đường cỏ rộng - có lẽ xưa kia từng là một lối đi tế lễ. Ngày nào tôi cũng leo từ đáy thung lũng lên tới đỉnh con đường ấy, tới nơi có thể nhìn toàn cảnh: những vòng đá tròn hiện lên ngay phía trước, bên dưới, nhưng vẫn còn khá xa: xám trên nền xanh, đôi khi ánh lên dưới nắng. Trên đường đi lên con đường phủ cỏ ấy (và dù sẵn sàng thừa nhận rằng con đường tế lễ thật sự có thể nằm ở nơi khác), tôi không bao giờ thôi tưởng tượng mình là một con người thuở xa xưa, đang trèo lên để nhận được sự khẳng định rằng thế giới này vẫn ổn.
Mỗi bên Stonehenge có một con đường lớn. Trên hai con đường ấy, xe tải, xe van, xe hơi trông như những món đồ chơi. Dưới chân Stonehenge là một nhúm du khách - không quá nổi bật, không đến mức ồn ào như người ta vẫn tưởng nếu chỉ nhìn từ bầu không khí hội hè quanh những khối đá khi ta thực sự đứng giữa chúng. Từ khoảng cách này, đám đông ấy chỉ nhận ra được nhờ cái váy hay áo khoác đỏ mà vài phụ nữ trong đoàn mặc. Màu đỏ chỏi giữa đám du khách Stonehenge: chưa bao giờ tôi không thấy nó; luôn luôn có ai đó mặc đồ đỏ giữa những bóng bé tí dưới kia.
Và bất chấp đám đông, những xa lộ, những bãi tập pháo binh (với các mục tiêu huỳnh quang hay sáng mờ), cảm giác về cổ xưa, về tuổi của trái đất và sự lâu dài trong cuộc chiếm giữ nó của con người, luôn chập chờn trong tôi. Một vùng đất chôn cất linh thiêng rộng lớn bao quanh bởi bầu trời - những gò mộ và ụ đất ấy hé lộ điều gì về những hoạt động từng diễn ra ở đây, số lượng người, sự tổ chức, cường độ của một đời sống nhộn nhịp từng hiện ra nơi những dải đồi nay gần như trống không! Cảm giác về cổ xưa ấy đem lại một tầm vóc khác cho mọi hoạt động đang diễn ra xung quanh. Nhưng đồng thời, từ độ cao ấy, với tầm nhìn bao quát ấy, cũng có một cảm giác về sự liên tục.
Thế là ý niệm về cổ xưa, vừa làm lu mờ vừa làm cao cả thêm những hoạt động con người hiện tại đã cùng những hình dung văn chương bao bọc thế giới này - một thế giới tuy bị vây quanh bởi xa lộ và doanh trại, đến nỗi những đám mây trên cao đôi khi cũng bị khắc vạch bởi vệt hơi nước của máy bay quân sự - nhưng lại hiện ra với tôi như một phát hiện may mắn của cô tịch, nơi mà nhiều buổi chiều, tôi thấy mình trú ngụ.
Larkhill là tên của trường pháo binh. Trong năm đầu tiên hay năm thứ hai của tôi ở đây, có một dịp gì đó như hội chợ hay ngày hội chào mừng: trước sự có mặt của gia đình binh sĩ, pháo được bắn trình diễn. Nhưng lark hill mà tôi tìm trong những cuộc dạo lại là ngọn đồi có gò mộ cổ, nơi sơn ca thực sự đẻ và làm đúng như những con sơn ca trong thơ. “Và tan biến giữa sắc lam sống động kia, sơn ca trở thành nhạc vô hình.” Điều ấy hoàn toàn đúng: những con chim bay lên, bay mãi, gần như theo một đường thẳng đứng. Tôi đoán là trước đây mình cũng từng nghe thấy sơn ca. Nhưng đây là lần đầu tôi thực sự chú ý đến chúng, lần đầu tôi dõi mắt theo và lắng tai nghe. Chúng là một phát hiện may mắn nữa trong nỗi cô độc của tôi, thêm một món quà bất ngờ.
Và rồi đó trở thành trạng thái của tôi. Khi tôi dần bắt đầu nhận ra những khóm tường vi dại và cây táo gai trên đường đi, tôi không xem hàng cây chắn gió mà chúng mọc cạnh như một dấu vết địa chủ còn lại trong cảnh cô tịch này - họ đã gìn giữ nó, đã trồng rừng ở một vài chỗ nhất định (người ta nói là để mô phỏng vị trí các con tàu trong trận Trafalgar - hay là Waterloo?). Tôi không nghĩ đến các địa chủ. Trạng thái của tôi thuần khiết hơn: tôi nghĩ đến những đóa hồng đơn cánh và chùm hoa thơm ngát bên đường ấy như những sinh thể dại, những thứ mọc tự nhiên hoàn toàn.
Một ngày thu - ngày đang ngắn lại, khiến tôi đầy những ý nghĩ về những sung sướng mùa đông: lửa sưởi, ánh đèn buổi tối và sách - một ngày thu nọ, tôi cảm thấy một thứ gì như khao khát đọc về mùa đông trong Sir Gawain và Kỵ sĩ Xanh, bài thơ tôi đã đọc hơn hai mươi năm trước ở Oxford - một phần trong khóa văn chương Anh Trung đại. Những trái tầm gửi đỏ mọng bên hàng chắn gió - những quả mọng đỏ của thời điểm chết chóc nhưng ấm áp trong năm - khiến tôi muốn đọc lại hành trình mùa đông trong bài thơ cổ ấy. Và tôi đọc nó trên chuyến xe buýt trở về từ Salisbury, nơi tôi đã đến để mua sách. Tôi đã cùng nhịp với cảnh vật đến mức, trong sự cô tịch đó, lần đầu tiên tôi cảm thấy mình thực sự thuộc về nước Anh.
Văn chương, cổ tích và phong cảnh - Jack, khu vườn của ông, đàn ngỗng, căn nhà tranh, và cả cha vợ ông - tất cả như thể mọc ra từ đó.
Người đầu tiên tôi để ý đến là cha vợ của ông. Và cũng chính ông cụ là người đầu tiên tôi gặp. Tôi gặp ông khá sớm, trong lúc đang lang thang khám phá, trước cả khi cố định một lộ trình hằng ngày. Tôi đi bộ hoặc dò dẫm men theo những con đường nhỏ ít người qua lại trên sườn đồi - những con đường đầy bùn, cỏ cao um tùm hoặc bị cây che phủ. Những ngày đầu ấy, tôi đi những lối mòn mà về sau tôi sẽ không bao giờ đi lại nữa. Và chính trong một lần đi dạo như thế - trên một con đường ngang nối từ con dốc đá cạnh hàng cây chắn gió tới con đường rộng và bằng phẳng hơn - chính trên một trong những lối nhỏ lẩn khuất ít người qua ấy, tôi đã gặp cha vợ Jack.
Ông cụ còng kỳ lạ, gần như phi lý, như thể tấm lưng ấy sinh ra là để gánh nặng. Một âm thanh khàn khàn như tiếng ễnh ương phát ra khi ông nói với tôi. Thật khó tin khi với giọng như thế, ông lại chủ động bắt chuyện với người lạ. Nhưng điều khiến tôi kinh ngạc hơn cả là đôi mắt - đôi mắt của ông già lưng gù: sáng rực, động và tinh quái. Trên gương mặt gầy hốc hác với nước da xám kỳ lạ - một sắc xám ngăm khiến tôi nghĩ đến gốc người Di-gan - trên gương mặt ấy, với lớp râu trắng mỏng như lông tơ trên má và cằm, đôi mắt là một điều kỳ diệu và một sự bảo chứng, rằng bất chấp tai nạn đã vĩnh viễn làm tổn thương cột sống, nhân cách, bản thể của con người ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Ông khàn giọng kêu lên: “Chó? Chó à?” Tiếng nghe như tiếng ễnh ương. Ông dừng lại, ngẩng đầu lên như một con rùa. Ông lại khò khè: “Chó? Chó à?”, giơ một ngón tay đầy uy quyền. Ông dường như đang nói: “Chó à? Chó thật à?” Và chỉ cần một lời đáp lại của tôi - “Chó?” - là ông thu mình lại, trở về với dáng vẻ một ông già lưng còng, bận rộn với việc của mình. Mắt ông mờ đi, đầu lại chúi xuống. “Chó,” ông lầm bầm, cái từ nghẹn lại nơi cổ họng. “Làm bọn chim trĩ phát hoảng.”
Bên rìa con đường, dưới tán cây, có những chuồng cao ngang bụi rào nhốt chim trĩ. Với tôi thật mới mẻ khi nhìn những sinh vật tưởng như hoang dã ấy được nuôi như gà ở sân sau. Cũng vậy, tôi dần hiểu ra rằng cả cánh rừng bao quanh lẫn những hàng hoa hồng xen kẽ với táo gai dọc theo hàng sồi và thông chắn gió đều đã được trồng lên từ trước.
Trên con đường khuất nẻo ấy, ông cụ bỗng có một thôi thúc muốn ra oai, gần như hống hách với người lạ mặt - mà xét về nước da kiểu Di-gan thì còn sậm hơn ông đến hai mươi lần. Nhưng thôi thúc ấy nơi ông già chỉ là khoảnh khắc thoáng qua và có lẽ đó cũng là một dạng thôi thúc xã hội: mong muốn được trao đổi đôi lời với người lạ, thêm một con người nữa vào danh sách những người ông từng gặp trong đời.
Ông lại thu mình; ánh sáng trong mắt ông vụt tắt. Và tôi không bao giờ nghe ông nói thêm lần nào nữa.
Đường chúng tôi thật ra không giao nhau. Tôi thỉnh thoảng thấy ông từ xa. Có lần tôi thấy ông vác một bó củi trên lưng còng: kiểu nhân vật cho một bài thơ Wordsworth mà nhà thơ có thể đặt tên là “Người Nhặt Củi”. Ông đi rất chậm; nhưng có một sự quả quyết trong từng bước cân nhắc ấy: ông đã tự đặt ra một công việc nhất định sẽ hoàn thành. Có điều gì đó thú vật trong thói quen của ông. Như một con chuột, ông dường như có một “lối mòn” riêng, dù (ngoài việc trông coi lũ chim trĩ - mà điều này chưa chắc đã đúng) tôi cũng không rõ ông thực sự làm gì trên mảnh đất ấy.
Con đường chăn thả - lối đi dọc đáy của thung lũng sông cổ xưa - rộng lắm. Khi tôi mới bắt đầu đi dạo, nó vẫn chưa được rào lại. Trong năm đầu tiên hoặc năm thứ hai, lối đi rộng ấy bắt đầu thu hẹp. Một hàng rào kẽm gai được dựng lên. Nó chạy dọc phần giữa con đường dài và thẳng và những cọc rào vững chắc màu xanh (các cọc lớn hơn được gia cố cẩn thận) cùng những dây thép gai căng thẳng khiến tôi cảm thấy - dù cuộc sống trong thung lũng với tôi chỉ vừa bắt đầu - rằng tôi cũng đã, theo một nghĩa nào đó, đi đến hồi kết của điều mình vừa khám phá.
Buồn biết bao khi đánh mất cảm giác về sự rộng và không gian! Điều đó khiến tôi đau lòng. Nhưng tôi cũng đã quen sống với cái ý rằng mọi thứ đều thay đổi; tôi đã quen sống với ý niệm về tàn úa. (Tôi vẫn luôn sống với nó. Nó giống như một lời nguyền: ý nghĩ - mà tôi đã mang từ khi còn nhỏ ở Trinidad - rằng tôi sinh ra trong một thế giới đã qua thời cực thịnh.) Tôi đã quen sống với ý nghĩ về cái chết, với ý nghĩ - mà thật ra một người trẻ tuổi không thể nào thực sự giữ được trong tim - rằng thời gian mình sống trên trần gian, đời sống mình, là một điều ngắn ngủi. Những ý nghĩ ấy - về một thế giới đang tàn úa, một thế giới luôn biến đổi và về sự ngắn ngủi của đời người - đã khiến nhiều điều trở nên có thể chịu đựng.
Về sau, những dấu tích cũ hơn nữa của sự xâm lấn cũng hiện ra trên con đường chăn thả. Một mùa hè, khi đứng từ đồi chim chiền chiện nhìn xuống Stonehenge, tôi nhận ra - từ sự thay đổi màu sắc trên các đồng lúa mạch đang trổ bên lề đường - những vết hẳn từng là vết lằn bánh xe ngựa hoặc xe thồ ngày xưa. Bởi lẽ lối đi này từng là con đường xe ngựa hoặc xe chở hàng từ Stonehenge đến Salisbury - con đường do lầy lội nên phải rộng hơn nhiều so với đường lát đá. Giờ thì một phần bề rộng của con đường cổ ấy đã từ lâu bị hợp vào các thửa ruộng và nằm sau hàng rào kẽm gai.
Việc rào kín một con đường cổ xưa rộng lớn như thế - tuyên bố chủ quyền tư hữu đối với một lòng sông cổ, hẳn từng linh thiêng với các bộ tộc thời xưa - lẽ ra phải khiến tôi nghĩ đến hiện tại, đến những điền trang rộng lớn bao quanh tôi, đến phần đất còn sót lại của điền trang mà tôi đang sống. (Và ở một đầu của thung lũng rộng ấy, phía bên kia các tổ ong, cái xe moóc, đống cỏ khô cũ và ngôi nhà đổ nát có những cây du lớn, ở đầu đó - bên dưới lớp cỏ mỏng trên bờ phía tây - có dấu vết của những luống cày cổ xưa, hoặc của công sự phòng thủ.)
Tôi thấy người nông dân, hoặc có lẽ là người quản lý trang trại, đi tuần trên xe Land Rover. Tôi thấy kho chứa ngũ cốc hiện đại ở đỉnh đồi. Tôi thấy hàng cây chắn gió chạy lên rồi xuống triền đồi và nhận ra nó mới được trồng gần đây, những cây thông mọc nhanh hơn cả những cây sồi mà chúng được trồng để che chắn (và giờ thì hàng cây ấy đã bắt đầu thành một dải như rừng thật, có cả thảm mục tự nhiên từ cành khô và gỗ mục). Tôi thấy dấu tay con người nhưng không thực sự để tâm, vì tôi chỉ thích nhìn cái mình muốn: đó là địa hình kỳ vĩ của vùng đồng bằng này, với những ngọn đồi thoai thoải và lòng sông xưa, xa khỏi dòng sông nhỏ hiện tại. Tôi thấy cái cổ xưa; tôi thấy những tàn tích của sân trại cũ.
Trong chuyện khăng khăng nhìn mọi thứ như mình muốn, tôi cũng giống phần nào cha vợ Jack, người phớt lờ hàng rào mới cắt ngang nhiều đoạn con đường ông thường băng qua. Ông phớt lờ cả những cánh cổng mới (vốn ít ỏi) và bám lấy lối đi của mình, tự gò ra những bậc thang, những chỗ vượt rào, những lối vượt mềm bằng cách cuộn các bao nhựa xanh quanh dây thép gai rồi buộc lại bằng từng vòng dây cước đỏ hoe hoặc dây nylon xoắn.
Đường đi ngoằn ngoèo lạ lùng của ông già giờ hiện rõ, cũng như ranh giới rộng nhất của nó: từ những chuồng chim trĩ nằm trên con đường bùn rậm rạp phía bên kia quả đồi có nhà kho mới, đi xuống con đường đó, băng ngang lối chăn gia súc rồi đi hết cánh đồng rìa mọc cây bụi, lên đến khu rừng già nằm trên sườn đồi phía bắc. Trên một cánh cổng đồng ở đó, một ngày trong mùa hè đầu tiên của tôi, tôi thấy mấy con quạ bị phơi xác, cánh xoãi rộng, đang phân hủy - một số còn tươi, một số đã khô, một số chỉ còn là những túm lông nhẹ như vỏ rỗng. Thật kỳ lạ khi liên hệ hành động dữ dội ấy với ông già lưng còng di chuyển chậm chạp đến thế, nhưng khi tôi nhớ lại đôi mắt tinh quái của ông, làn da ngăm kiểu Di-gan, khuôn mặt rắn rỏi và lém lỉnh ấy - hành động ấy bỗng trở nên rất hợp với ông.
Cả một cuộc đời, cả một nhân cách bền bỉ dường được thể hiện qua con đường ấy. Và những dấu vết về hiện diện của ông già thật mạnh - quá nhiều tinh thần của ông dường vẫn còn quẩn quanh con đường, quanh những bậc vượt rào, những bậc thang, những bao nhựa cuộn đặt ở những chỗ kỳ lạ, thậm chí cả những bao đã cuộn và buộc từ lâu, nay đã rách nát, lớp nhựa mất đi độ bóng, màu xanh phai thành trắng - tất cả những điều ấy khiến hình ảnh ông già lặng lẽ đi lại, tự lo những công việc của riêng mình hiện rõ đến nỗi phải một thời gian sau tôi mới chợt nhận ra là mình đã không thấy ông đâu nữa. Và rồi tôi hiểu ra rằng suốt nhiều tuần qua, thậm chí nhiều tháng qua, những gì tôi thấy chỉ là di tích của ông.
Ông đã chết. Không ai công bố điều đó, không có ai truyền tin. Và mãi về sau, trên những hàng rào cũng đang dần già đi, những tấm nhựa vẫn tiếp tục phai màu và rách vụn. Chúng vẫn còn đó, giống như những mảnh vụn khác dưới đáy thung lũng - những bức tường không mái của ngôi nhà đổ nát, những cỗ máy nông nghiệp cổ lỗ nằm dưới hàng bạch dương non, những gỗ và kim loại bị vứt bỏ nằm dưới hàng cây sồi phía sau khu nhà nông trại cũ, cái giá kim loại còn sót lại trên ô cửa chất hàng của nhà kho mục nát.
Và mãi về sau tôi mới biết được rằng ông già đã sống và qua đời trong ngôi nhà của Jack, rằng ông chính là cha vợ của Jack.
Nhưng trước khi biết Jack, tôi đã quen người quản lý trang trại. Tôi đoán là (vì Jack sống trong một trong những căn nhà dành cho người làm công gắn với nông trại) người quản lý là cấp trên của Jack. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ về họ theo quan hệ đó. Trong đầu tôi, họ là hai con người độc lập.
Người quản lý trang trại đi tuần bằng xe Land Rover. Ông ta có một con chó đi cùng - lúc thì ngồi trên ghế bên cạnh, lúc thì thò đầu ra từ phía sau xe.
Chúng tôi gặp nhau trên con đường đá dốc dẫn từ đáy thung lũng - nơi có những căn nhà và công trình nông trại cũ - lên tới nhà kho mới nằm trên đỉnh đồi. Đây là đoạn dốc gắt nhất của cả lộ trình đi bộ và tôi xem nó là phần dành cho vận động. Nó xuất hiện đúng lúc - gần cuối đường đi - và vừa đủ dài, vừa đủ thử thách để khiến tôi cảm nhận được các bó cơ ở chân và thở mạnh hơn. Chính tại con dốc ấy, một buổi chiều, người quản lý trang trại dừng lại chào tôi một câu thân thiện - có thể là đùa mời tôi quá giang đoạn cuối, chừng năm mươi thước. Đó là một người trung niên đeo kính.
Con đường hẹp; đã có hơn một buổi chiều tôi phải đứng nép sang bên để nhường đường cho ông ta đi qua. Ban đầu tôi chỉ thấy Land Rover, cái xe. Rồi tôi bắt đầu nhận ra người ngồi bên trong, quen dần với những đường nét trên khuôn mặt ông và cả cái vẻ mãn nguyện hơn là cảnh giác của con chó đi cùng. Tôi đã giả định rằng ông là chủ nông trại - hoặc là chủ sở hữu hoặc là người thuê lại những mảnh đất được chăm kỹ lưỡng này - và vì vậy, khi, tại khu nhà kho, ông bước ra khỏi xe Land Rover và đi vào kiểm tra sấy thóc hay bất kỳ việc gì ông định ngày hôm ấy, tôi đã gán cho ông một “dáng đi trại chủ.” Tôi trao cho ông một kiểu uy quyền riêng, một thái độ đặc biệt đối với mảnh đất quanh chúng tôi. Nhưng rồi tôi phát hiện ra, chính từ miệng ông, rằng ông không phải là chủ đất. Và tôi buộc phải điều chỉnh lại cách nhìn của mình về ông: ông chỉ là quản lý trang trại, một người làm công.
Những chuyến kiểm tra của ông bao phủ một phần lộ trình đi bộ của tôi. Con đường cạnh hàng cây chắn gió dẫn xuống con đường công cộng. Dưới mặt đất thấp bên kia con đường là khu chăn nuôi bò sữa của trang trại. Phía sau dãy chuồng bò là đồng cỏ ngập nước, và xa hơn nữa, nơi bờ sông, là những cây liễu và các loại cây khác. Ở rìa con đường, ngay lối vào khu sân trại có một bục gỗ cao chừng ba, bốn foot. Trên bục đó người ta đặt các thùng sữa để xe thu gom của trại bò đến lấy. Sau đoạn này, con đường công cộng tiếp tục qua một căn nhà tranh tường hồng và một vài nhà gạch và đá lửa đơn sơ hơn. Rồi đến hàng thủy tùng và sồi của khu điền trang. Chính tại đó lộ trình đi bộ của tôi kết thúc: cổng vào rộng mở giữa khoảng tối xanh thẫm, ngay sau đó là bãi cỏ rực sáng trước căn nhà tranh tôi ở.
Đây chính là đoạn đường công cộng mà, khi tôi lần đầu bước ra sau bốn ngày mưa liên tiếp, đã đặt cho tôi câu hỏi khó: rẽ phải hay rẽ trái đây? Nếu chiếc Land Rover của người quản lý đi từ sau tới và vượt qua tôi ở đoạn này, tôi biết nó sẽ đi đâu. Nó sẽ băng qua hàng thủy tùng, men theo con đường treo lơ lửng dưới hàng sồi cao phía trên dòng sông rồi đi xuống khu định cư nhỏ nằm sát mép nước - nơi có căn nhà tranh tường trắng đang được sửa sang và một con đường nhựa càng lúc càng dập vỡ dẫn qua một dãy những ngôi nhà nhỏ, vài căn có huy hiệu nổi trên tường, đến con đường chăn thả rộng lớn, không lát đá.
Tình cảm tôi dành cho con đường cỏ rộng ấy ngày càng sâu sắc. Tôi hình dung nó là lòng sông xưa của một dòng sông cổ, gần như thuộc về một thời kỳ địa chất khác; tôi tưởng tượng đó là lối mà ngày xưa người ta từng lùa ngỗng từ Salisbury Plain về Camelot - Winchester; tôi thấy nó là con đường xe ngựa thời trước.
Nhưng chính gần nơi ấy - nơi đang không ngừng lấn không chỉ vào quá khứ mà vào cả cõi cổ xưa, vào vùng linh thiêng - giữa những ngôi nhà nhỏ mà trước đó tôi chẳng mấy để tâm, trong một khu đất gọn gàng có hàng rào bao quanh, một đường lát chạy thẳng vào căn nhà một tầng thấp nhỏ xíu và một khu vườn sặc sỡ trồng quá tay, đầy những loài hoa cao, những cây thông lùn và những cụm cây cảnh lớn - chính tại đó, trên lối đi lát đá, tôi đã thấy chiếc Land Rover một ngày kia và cả những ngày sau đó. Hóa ra đây là nơi người quản lý sống và là nơi những chuyến đi kiểm tra của ông ta kết thúc: một ngoại ô nằm ngay rìa cõi cổ xưa. Thế mà tôi từng không mảy may chú ý đến ngôi nhà ấy; trong quá trình dần cảm nhận và định hình vùng đất quanh mình, căn nhà ngăn nắp ấy lại là thứ tôi phải mất lâu hơn để nhận ra, để thấy được. Còn cái cổ xưa - mơ hồ hơn nhiều, đầy giả định - thì lại hằn vào tôi dễ dàng hơn: tôi sẵn sàng đón nhận nó.
Gần như ngay lập tức, khi bắt đầu vòng kiểm tra trang trại của mình, người quản lý hẳn đã lái xe xuống con đường gia súc đầy rãnh sâu, chạy qua bờ đất gần như trơ trụi, nơi còn hằn những luống cày cũ. Ông chắc đang nghĩ đến rừng, đồng ruộng, mùa màng và đàn gia súc - thấy những điều rất khác với tôi - ông hẳn đã lái xe dọc đoạn đường nay bị chia đôi bởi hàng rào kẽm gai chính tay ông dựng hoặc cho người dựng, đoạn đường chạy ngang ngôi nhà đá không còn mái, cạnh những cây phong sycamore cao lớn và đống cỏ khô cũ kỹ hình dạng như một túp lều phủ kín bạt nhựa đen, ngang qua chiếc xe lữ hành nằm trong bóng râm bụi rậm và cây cối một bên và hai hàng tổ ong giờ đã được đưa vào bên trong khu đất rào kẽm gai phía bên kia, ngang qua những nhà trang trại cũ (dù đã có kho cỏ mới) và các căn nhà nhỏ, một trong số đó là của Jack, rồi ngang qua vườn rau và bãi nuôi ngỗng của Jack, đến khu nhà kho mới dựng bằng tôn kim loại.
Đó là vòng tuần tra của người quản lý, gần như khép thành một vòng tròn. Đó cũng là vòng của Jack, và một phần cũng là của tôi.
Tôi đã thấy Jack làm việc trong vườn rau của ông, một thửa đất nằm sau hàng rào vườn trước của các ngôi nhà, ở chỗ bắt đầu dốc xuống phía những cánh đồng của trại. Tôi từng để ý đến bộ râu tỉa gọn và nhọn khác thường của ông. Và dù trong khu vườn ấy, tính cách của Jack hiện rõ hơn hẳn những người làm công khác ở trang trại (mà tính cách ít nhiều được biểu lộ qua chiếc máy cày hoặc công việc với máy cày - lặng lẽ từng luống một, thay đổi màu sắc hay kết cấu của cả một cánh đồng rộng lớn), thì ban đầu, Jack đối với tôi vẫn chỉ là một cái bóng trong phong cảnh, không hơn. Chắc hẳn tôi cũng vậy trong mắt ông: một người lạ, một kẻ đi bộ, ai đó đang sử dụng quyền đi lại công cộng xa xưa trên mảnh đất nay đã là sở hữu tư nhân.
Nhưng sau một thời gian, nhiều tuần, khi cảm thấy có lẽ nỗ lực ấy sẽ không bị uổng phí, ông đã thừa nhận tôi. Và từ rất xa, hễ vừa thấy tôi, ông liền cất tiếng chào vang dội - lời chào nghe không rõ mà giống như một tiếng ồn cố tình tạo ra giữa tĩnh lặng.
Tôi thấy ông rõ hơn khi ông làm vườn ở phía trước (hoặc phía sau) căn nhà nhỏ, và rõ nhất khi ông làm lụng trên mảnh đất trồng cây con rào lưới thép, nơi ông lật lớp đất tơi xốp, tối màu, đã được sàng kỹ bên dưới gốc táo gai già. Cảnh ấy gợi trong tôi những ký ức xa xưa về Trinidad, về ngôi nhà nhỏ cha tôi dựng trên một ngọn đồi và khu vườn ông từng cố khai khẩn trên một khoảng rừng vừa phát quang: những ký ức về đất ẩm, tối, ấm và những mầm cây đang lớn; những bản năng cũ kỹ, những niềm vui cũ kỹ. Và tôi cảm thấy một niềm thân thiết sâu thẳm với Jack, với sức mạnh và vẻ dịu dàng lạ lùng trong động tác xới đất, sàng đất - sự hài hòa giữa tay và chân của ông. Tôi cũng dần nhận ra phong cách ăn mặc đặc biệt, có phần cường điệu của ông: mùa hè chỉ mới chút nắng đã cởi trần, còn trời vừa chuyển lạnh là lập tức kín bưng. Tôi bắt đầu xem chuyện ăn mặc của ông như biểu tượng của từng mùa - như thể bước ra từ một cuốn Sách giờ kinh hiện đại.
Rồi một ngày, ông - giống như người quản lý trang trại trong chiếc Land-Rover - cũng dừng xe của mình trên con dốc cao dẫn từ khu nhà trang trại, men hàng cây chắn gió lên nhà kho. Jack và người ở các căn nhà nhỏ đều có xe hơi; không có xe, họ sẽ khó lòng sống yên ổn ở những ngôi nhà ấy - vì chúng quá xa đường cái và cách các cửa hiệu đến hàng dặm; tôi nghe nói người đưa thư cũng chỉ ghé mỗi tuần một lần.
Tôi đã nghe thấy tiếng xe và đứng nép sang bên. Trên con đường trang trại hẹp này, đó là điều buộc phải làm. (Nếu muốn ẩn mình, ta có thể đứng hẳn vào hàng cây chắn gió, giữa những thân sồi gai và thông, trong bóng râm rải đầy cành lá mục.) Chính nhờ những lần đứng tránh sang bên và quan sát họ đi ngang trên xe hơi hay máy cày mà tôi dần quen mặt những người làm việc ở trang trại. Và họ, sau những giờ dài đơn độc trong cabin máy cày và giữa những ngọn đồi, lúc nào cũng sẵn sàng đáp lại bằng một cái vẫy tay và nụ cười. Đó là mức giao tiếp tối đa - thật sự không có gì để thêm vào sau cái vẫy tay, nụ cười ấy, cái gật đầu thừa nhận sự hiện diện của nhau.
Với Jack lần này cũng vậy, dù việc ông dừng lại trên xe riêng vào thời gian rảnh của mình là khác thường. Chúng tôi nhìn nhau, quan sát nhau, phát ra những âm thanh hơn là trò chuyện.
Tôi vẫn thường để ý đến bộ râu nhọn của ông. Nhìn từ xa, tôi từng nghĩ bộ râu ấy là một phần của cái bảnh kiểu thanh niên. Nhìn ông lúc đang đào xới, dáng cao, lồng ngực nở, đôi chân vững chãi, dáng thẳng khoan thai, tôi từng tưởng ông còn trẻ. Nhưng giờ thì tôi nhận ra bộ râu đã gần bạc; ông có lẽ đã cuối tứ tuần.
Đôi mắt ông nhìn xa xăm. Chính đôi mắt ấy - bồn chồn kỳ lạ, bất an kỳ lạ - để lộ con người thật của ông, cho thấy rốt cuộc ông vẫn là một người lao động chân tay ở trang trại, và nếu ở trong một bối cảnh khác, đông đúc hay cạnh tranh hơn, có lẽ ông đã không thể trụ được. Phát hiện ấy khiến tôi có chút bối rối, bởi (sau khi đã gạt bỏ ý nghĩ rằng ông là tàn dư của một tầng lớp nông dân xưa) tôi từng thấy trong bộ râu ấy, trong dáng điệu ấy - dáng đi thẳng, khoan thai, thanh nhã - những phẩm chất của một người có ý thức cao về chính mình, một người vì nguyên tắc mà quay lưng với những lối sống khác.
Chúng tôi không trò chuyện nhiều, nhưng một sự thân thiện láng giềng đã hình thành, vẫn tiếp tục được ông biểu lộ qua tiếng gọi lớn từ xa.
Khu vườn của ông đã dạy tôi về các mùa trong năm, và tôi bắt đầu nhận ra bằng con mắt mới những điều hẳn tôi đã thấy nhiều lần trước đó. Tôi thấy hoa nở trên những cây táo được cắt tỉa cẩn thận, học được sắc hoa, giữ nó trong đầu (và nhờ thế luôn có thể gợi lại), gắn nó với một thời điểm cụ thể trong năm; thấy quả non hình thành, treo xanh, lớn dần cùng khu vườn rồi chuyển màu.
Tôi đã chứng kiến sự màu mỡ lúc đầu tưởng như không thể có trên thứ đất đá phấn pha đá lửa này - mà vào mùa hè có thể lộ ra sắc trắng. Ở Anh, tôi không làm vườn và cũng không mấy bận tâm đến những khu vườn nhỏ trước nhà mà tôi từng thấy (và thỉnh thoảng vẫn thấy, khi đi xe buýt vào Salisbury). Nhìn những khu vườn ấy, tôi chỉ thấy màu sắc, gần như không thể phân biệt được bằng mắt cây nào với cây nào.
Nhưng buổi chiều nào tôi cũng ngắm khu vườn của Jack, chú ý việc ông làm và dõi xem công sức ấy đã sinh ra những gì.
Tôi nhìn bằng con mắt của thưởng thức. Nhưng hiểu biết đến với tôi rất chậm. Nó không giống như sự hiểu biết gần như bản năng mà tôi từng có từ thuở nhỏ, khi sống giữa cây và hoa Trinidad; nó giống như học một ngôn ngữ thứ hai. Nếu lúc ấy tôi biết được những điều mà giờ tôi biết thì hẳn tôi đã có thể tái hiện bốn mùa trong khu vườn của Jack. Nhưng tôi chỉ còn nhớ những điều đơn giản - như các loại củ mùa xuân, những loài hoa hàng năm như cúc vạn thọ và dạ yến thảo, những cây delphinium và lupin ở đỉnh điểm mùa hè và những loài như hoa lay-ơn, mà tôi rất thích, vì chúng phát triển tốt cả trong khí hậu nước Anh lẫn khí hậu nhiệt đới của Trinidad. Cũng có những khóm hồng được uốn quanh các cột gỗ cao, chắc chắn, nở hàng trăm bông, và trên những cây táo nhỏ luôn được cắt tỉa gọn gàng kia là điều kỳ diệu của trái chín căng lên vào mùa thu, nhuốm ấm áp trong trời lành lạnh, trông chẳng khác gì những cây táo trong sách trẻ con hay sách giáo khoa thuở trước.
Phía sau căn nhà nhỏ của ông - cái “phía sau” giờ đã thực sự trở thành mặt chính, vì đó mới là lối vào chính từ con đường mòn dành cho gia súc - có một nhà kính. Trông nó giống hệt những nhà kính quảng cáo trên báo và tạp chí, có lẽ đã được đặt mua qua bưu điện. Trong nhà kính ấy, được đặt trên một nền bê tông bằng phẳng, mới, trang trọng lạ lùng giữa khu đất trống lộn xộn nằm giữa sân trại cũ và các căn nhà nhỏ - nơi ngổn ngang cả đồ đạc của người lẫn rác rưởi tích tụ nhiều năm của trang trại - và không xa những chuồng đổ nát trước kia từng nhốt bò và bê ốm, chúng giẫm lên phân của chính mình khiến đất đen phủ rêu dày - trong nhà kính với những đường nét thẳng thớm, gỗ mới, kính trong suốt ấy, Jack đã trồng những loài cây và hoa đặc trưng của nhà kính Anh, thứ hoa được chăm chút quá mức - như những bụi fuchsia rực rỡ, vốn được coi là rất đẹp.
Biết bao thứ phải chăm sóc! Biết bao loại cây phải trồng vào những thời điểm khác nhau! Cứ như thể Jack tự bới việc ra làm, những việc lặt vặt, cố giữ cho mình luôn bận rộn. Rồi tôi chợt nhận ra rằng không chỉ là sự bận, không chỉ là chuyện lấp đầy thời gian và cũng không đơn thuần là vì tiền - dù Jack có thể kiếm thêm nhờ bán cây và rau quả - mà còn là điều gì đó sâu xa hơn. Có vẻ như chính trên mảnh đất ấy, giữa những công trình đổ nát của một nền canh tác đã lỗi thời (ít máy móc hơn, kém hiệu quả hơn, và còn rất nhiều lao động chân tay trong vùng nông thôn Wiltshire này - mà thế kỷ trước từng được biết đến vì sự bần cùng của lao động nông trại), Jack đã tìm được sự viên mãn.
Sự kinh ngạc của tôi trước những mãn nguyện trong cuộc sống của ông - một con người khớp đúng vào khung cảnh, như tôi vẫn nghĩ (trạng thái mà tôi cho là đặc biệt hạnh phúc), một con người hài hòa với mùa màng và cảnh vật quanh mình - sự kinh ngạc ấy đã chuyển thành ghen tị vào một chiều Chủ nhật, khi tôi đi dạo sau bữa trưa và thấy cái xe nhỏ của Jack đang lắc lư chạy về phía căn nhà của ông, men theo con đường mòn rộng và đầy rãnh chứ không đi lối thường là con đường lát đá chạy song song với hàng cây chắn gió. Ông từ quán rượu về. Khuôn mặt ông đỏ bừng. Tiếng gọi của ông khi thấy tôi - và hình như ông còn thò người ra khỏi cửa sổ xe - nghe vô cùng sảng khoái.
Chủ nhật! Nhưng tại sao ông lại chọn con đường mòn um cỏ ấy? Sao ông không lái tiếp chừng nửa dặm nữa lên phía trên, đến con đường dễ dàng hơn cho xe của ông - con đường lát đá (dù đã bong tróc) dẫn thẳng lên đồi tới nhà kho mới, rồi từ đó xuống ngay căn nhà nhỏ? Là vì ông say? Là vì ông thích cảm giác xóc nảy khi chạy đường mòn? Hay là vì ông ngại con đường hẹp men gờ núi, bên dưới là sông sâu, với hai ba khúc cua khuất tầm nhìn? Có lẽ ông chỉ thấy đó là chuyến xe Chủ nhật của ông, đỉnh cao của buổi nhậu dài. Nỗi sướng bia bọt ngày Chủ nhật! Giống như niềm sung sướng được làm vườn trong tự do của ông.
Đây, một thế giới bất biến - ít nhất đó là điều người ngoài sẽ nghĩ. Và đó cũng là cảm giác của tôi khi lần đầu nhận ra hiện diện của nó: cuộc sống thôn quê, thời gian chậm, đời sống như đã chết, đời sống riêng tư, thu mình trong những ngôi nhà khép kín, cách biệt nhau.
Nhưng ý về sự bất biến ấy là lầm. Thay đổi diễn ra không ngừng. Người ta chết; người ta già đi; người ta đổi nhà; nhà cửa được rao bán. Đó là một kiểu thay đổi. Sự hiện diện của chính tôi trong thung lũng này, trong căn nhà nhỏ của khu điền trang là biểu hiện của một kiểu thay đổi khác. Hàng rào kẽm gai chạy dọc đoạn đường mòn thẳng tắp - đó cũng là thay đổi. Ai cũng đang già đi; mọi thứ đều đang được làm mới hoặc bị loại bỏ.
Không lâu sau khi tôi quen thuộc với vòng tuần tra của người quản lý trang trại, sự thay đổi bắt đầu đến với nó. Cặp vợ chồng già sống trong ngôi nhà mái tranh bên con đường công cộng - ngôi nhà có hàng rào hoa hồng nở rộ - chuyển đi. Thế vào đó là những người lạ, cả một gia đình. Tôi nghe nói họ là dân thành phố. Người đàn ông đến chăn bò hoặc làm ở trại sữa. Những người làm ở trại sữa - công việc đơn điệu nhưng liên tục: đưa hàng chục con bò qua máy vắt sữa, hai lần mỗi ngày - lại là những người tính khí thất thường nhất; một số còn là kẻ du cư, phiêu bạt nay đây mai đó.
Người làm ở trại sữa mới là một đàn ông xấu xí. Vợ ông ta cũng xấu xí. Và có một sự bi thảm trong vẻ xấu xí ấy. Xấu xí đã tìm đến xấu xí để tựa vào nhau; nhưng dường như điều đó cũng chẳng mang lại bao nhiêu an ủi.
Sự đổi thay thật lạ lùng. Cả hai cụm dân cư hình thành nên ngôi làng hay xóm nhỏ ấy đều có rất ít nhà, thế nhưng bởi con đường kia không phải nơi người ta thường đi bộ, bởi đời sống con người khép kín trong những căn nhà, bởi việc mua sắm đều diễn ra ở các thị trấn quanh vùng - Salisbury, Amesbury, Wilton - và không có khu đất chung hay chỗ gặp gỡ nào, cũng không có một cộng đồng cố định nên phải mất một thời gian, dù thay đổi có lớn đến đâu, người ta mới nhận ra. Những cây beech cao, những cây sồi và dẻ, những khúc ngoặt và bóng tối trên con đường hẹp, những đoạn cua khuất tầm nhìn - chính những điều làm nên vẻ đẹp của vùng quê cũng góp phần tạo ra một thứ gần như là sự kín đáo.
(Chính cảm giác riêng tư và không bị ai để ý ấy đã khiến tôi, lúc mới chuyển đến đây, cố tình trả lời sai khi có người hỏi. Sau này tôi mới biết họ là công nhân trang trại hay người làm cho hội đồng xã. Họ thân thiện, tỏ ra quan tâm; họ muốn biết tôi ở căn nhà nào. Tôi đã nói dối; bịa ra một ngôi nhà. Tôi không nghĩ rằng họ biết rõ từng căn nhà.)
Tôi gần như chưa kịp làm quen với cặp vợ chồng già từng sống trong căn nhà mái tranh ấy. Tôi quen với ngôi nhà hơn; nó để lại ấn tượng một cảnh nên thơ. Ngôi nhà hẹp, tường sơn màu hồng. Mái tranh được giữ chặt bằng lưới kẽm; một phần mái dưới ô cửa sổ mái lợp phủ đầy rêu xanh tươi và trên đỉnh mái có hình một con chim trĩ bằng khung kẽm phủ rơm hoặc lau - một trò ngẫu hứng của thợ lợp mái khi xưa, giờ đã trở thành vật trang trí phổ biến trong vùng. Với hàng rào dâm bụt và hoa hồng (hàng trăm bông hồng nhỏ màu hồng nhạt), căn nhà màu hồng ấy trông như hình mẫu hoàn hảo của một ngôi nhà nông thôn.
Chỉ đến lúc này, khi cặp vợ chồng già đã đi, tôi mới hiểu rằng vẻ đẹp mái rạ đồng quê của ngôi nhà - nhất là của hàng rào và khu vườn - là công trình của họ, là kết quả của thẩm mỹ, của sự chăm chút không ngơi nghỉ qua bao nhiêu năm. Rất nhanh, chỉ trong vài tháng, khu vườn bắt đầu xơ xác. Hàng dâm bụt vẫn giữ được vẻ gọn gàng nhưng hàng rào hoa hồng, không còn ai cắt tỉa hay dẫn nhánh, trở nên rối rắm, hoang dại.
Câu chuyện về gia đình mới đến căn nhà ấy - tôi nghe loáng thoáng từ Bray, người cho thuê xe hơi và là hàng xóm gần đó, từ những người chăm nom khu điền trang và từ những lời thoảng qua trên xe buýt chiều đi Salisbury - chuyện kể rằng người làm trại sữa mới và gia đình anh ta đã từng sống cơ cực ở một thị trấn nào đó và đã được “cứu rỗi” khi đến sống ở thung lũng này.
Người đàn ông cao, còn trẻ, đầu dài, tóc thưa; khuôn mặt anh ta không thô kệch mà nặng nề u uẩn. Anh ta có gương mặt của một người từng chịu đựng sự chà đạp. Nhưng đó vẫn là một gương mặt trẻ. Vợ anh ta trông già hơn nhiều; những gì gia đình họ từng trải qua chừng đều hằn trên gương mặt ấy, gương mặt như có thể là mẹ anh ta. Nếu chồng có mặt và đầu dài thì vợ lại mặt vuông, và cái mặt vuông ấy như bị ép dẹt, nếp nhăn lúm xúm. Chị ta đeo kính không gọng (một cố gắng tạo phong cách đầy bất ngờ). Chị ta khép kín, thu mình. Dần dần, tôi có thấy chồng chị ta bắt đầu biết cười. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy chị ta nhếch một nụ cười.
Thị trấn ấy hẳn đã là một chốn kinh hoàng đối với họ! Làm sao những con người như thế - những người không có ngôn ngữ để gọi tên tình cảm và dục vọng của mình - sống sót? Nhiều nhất họ chỉ có thể chịu đựng trong im lặng. Nỗi đau và nhục nhã sẽ âm thầm ăn sâu vào tính cách họ như những tà khí nhập vào thân thể, khiến thân thể ấy có thể hành xử sai trái mà bản thân nó dường như vẫn vô tội.
Cặp vợ chồng có hai đứa con trai. Đứa lớn mang chút gì đó từ vẻ ngoài bị chèn ép, bị hành hạ của cha mình nhưng ở nó còn có thêm sự hung hăng, tinh quái, một thứ ác ý vô thức. Đứa nhỏ thì giống mẹ hơn. Dù mặc bộ đồng phục học sinh bằng flannel xám, trông nhỏ bé và gọn gàng, nó đã mang dáng vẻ khép kín, xa cách của mẹ.
Có một chuyến xe buýt rời Salisbury vào đầu buổi chiều, vừa là xe công cộng vừa đưa đón học sinh cho các thị trấn và làng mạc nhỏ phía bắc. Chiều đi, xe đón bọn trẻ ở trường mẫu giáo; chiều về, đón học sinh các trường trung học. Cả hai cậu con trai nhà người vắt sữa đều đi chuyến ấy. Tôi thỉnh thoảng cũng đi. Với cuộc sống ở thung lũng như thế, đó là dịp gần nhất tôi được quan sát bọn trẻ. Và tôi bắt đầu cảm thấy rằng dù người ta nói chúng đã được “cứu rỗi” nhờ đến với thung lũng, dấu vết của thị trấn vẫn còn đè nặng lên chúng.
Lũ trẻ lớn tuổi hơn, dù ồn ào, thường khá lễ độ. Khi xe đông, chúng có thói quen đứng dậy nhường ghế cho người lớn; sự phản kháng, nếu có, chỉ thể hiện ở sự chậm trễ tí chút trong cử chỉ. Nhưng con trai lớn của người vắt sữa đã mang một sắc thái khác hẳn lên chuyến xe học trò. Tiếng ồn trở thành sự náo loạn; và một ngày, tôi thấy nó không chỉ từ chối đứng dậy mà còn đặt cả hai chân lên ghế bên cạnh. Khi tôi bước lên xe, nó lúng túng - tôi là hàng xóm, biết nhà nó và biết cha mẹ nó. Nhưng nó cũng đang ở giữa bạn bè mình và không thể tỏ ra yếu thế.
Xe buýt thả cả hai chúng tôi xuống dưới bóng những cây thủy tùng lớn trước trang viên, gần nhà tôi và nhà thằng bé.
Tôi gọi: “Peter.”
Nó đứng nghiêm lại, như một học sinh quân sự hoặc một đứa trẻ trong trại cải huấn, ngẩng đầu lên đáp: “Thưa ông!” như thể đang chờ ít nhất là một cái tát; đồng thời, câu đáp ấy hoàn toàn không mang chút gì của sự xin lỗi hay kính trọng thật lòng. Phản ứng đó khiến tôi bối rối. Trong khoảnh khắc, tôi có cảm giác mình thoáng thấy được quá khứ của nó và nhận ra nhu cầu gây hấn - hình thức duy nhất nó có thể dùng để khẳng định bản thân. Tôi không biết nên tiếp tục nói chuyện với nó như thế nào, mà thật ra tôi cũng không muốn. Tôi không nói thêm gì nữa.
Thằng bé lạc lõng trên xe buýt và như một kẻ lạ trong làng. Thật ra chẳng còn đứa trẻ nào cùng độ tuổi với nó quanh đây; những gia đình có con đến tuổi lớn hơn thường đã chuyển đi nơi khác. Trong vùng vẫn còn nhiều trẻ nhỏ, nhưng đứa con trai út của người vắt sữa cũng có vẻ hơi kỳ lạ. Trong số những đứa trẻ từ các trường mẫu giáo mà xe buýt đón dọc đường có hai ba đứa gần như đần độn. Thằng út của người vắt sữa, nhỏ thó và mong manh, lại quấn lấy một đứa như vậy: một thằng bé béo ụ, mặt mũi thô kệch, đầu tròn nặng nề, ăn mặc sặc sỡ - khi thì đỏ chói, khi thì vàng chóe - với hàng mi và lông mày vàng bạch kim nhạt đến trông như mù dở. Thằng béo này không chịu ngồi yên trên xe buýt. Nó nhảy từ ghế này sang ghế khác và - như thể biết rằng những ràng buộc của trường học đã tạm thời chấm dứt - thản nhiên buông lời thoá mạ qua đôi môi dày ướt, nói bậy vô tư với giọng thấy ngay là bắt chước người lớn. Đó là bạn thân của thằng út nhà người vắt sữa.
Công việc đã cứu rỗi họ - cuộc sống trong thung lũng mà biết bao người ao ước. Nhưng hiện diện của họ cứ chỏi lên. Và họ đang phá nát khu vườn của căn nhà màu hồng xinh xắn mà họ mới dọn vào. Không giống như Peter trên xe buýt, hành động đó không xuất phát từ ý định gây hấn mà từ sự vô tri - không hề nhận thức hay tưởng tượng được rằng cách sống ở nơi cũ của họ có thể gây bận tâm cho bất kỳ ai. Một phần trong tự do mới mẻ mà họ cảm nhận được là cảm giác kín đáo nơi thôn dã - tự do khỏi sự soi xét mà (giống như tôi hồi đầu) họ ngỡ mình đã tìm thấy trên những con đường vắng tối om và giữa những cánh đồng rộng không người.
Từ tự do, từ niềm sung sướng ngây ngô mới mẻ với đời thôn dã ấy đã nảy sinh trong người vắt sữa một bản năng kỳ lạ như của dân du mục hay buôn ngựa. Anh ta mua một con ngựa trắng còm cõi và nhốt nó trong khoảnh đất nhỏ ven đường cái. Con vật thật thảm hại, càng thảm hơn vì bị bỏ mặc một mình; chẳng mấy chốc nó đã gặm trụi cỏ trong khoanh đất nhỏ. Nó uể oải, lờ đờ; người trên xe buýt thường xì xào về tình trạng của nó.
Rồi một chuyện khác xảy ra, khiến người ta càng bàn tán về người vắt sữa: một tối, đàn bò của anh ta sổng chuồng. Chúng lang thang trên đường, dẫm nát vài cánh đồng, vài khu vườn và cả bãi cỏ trước trang viên, ngay trước căn nhà nhỏ của tôi.
Rồi một ngày, cũng ngay trước căn nhà nhỏ của tôi, trên con đường mòn phía bên kia bãi cỏ, người vắt sữa dắt theo một con ngựa nhỏ lông nâu trắng lốm đốm, chân to cổ to, dẫn nó ra chuồng phía sau. Và một buổi chiều (sau giờ tan học), anh ta cùng con trai Peter thiến con ngựa ngay tại đó rồi dắt con vật vẫn đang chảy máu ròng ròng đi ngang cửa sổ nhà tôi, qua cánh cổng trắng rộng, ngang nghĩa địa, men theo con đường tối om dưới rặng thủy tùng rồi ra đường lớn. Họ có biết mình đang làm gì không? Họ đã được đào tạo chưa? Hay chỉ là có ai đó bảo thiến ngựa là việc cần làm?
Tôi không nghe được gì cụ thể nhưng tôi tin con ngựa đã chết. Đó là sự tàn nhẫn của một người trông nom súc vật. Không phải là cái ác tuyệt đối mà là sự dửng dưng - thái độ của một người quen sống giữa những sinh vật thấp kém hơn, phụ thuộc vào mình, người nắm giữ trọn vẹn vòng đời chúng, có thể dịu dàng, nhưng cũng dễ dàng sống với thực tế rằng một con bò dù có đẻ bao nhiêu bê con, dù đã cho bao nhiêu sữa, thì cũng đến ngày phải bị đưa lên xe tải phủ mui, chở đến lò mổ.
Bò, cỏ, cây: những cảnh làng quê hiện diện quanh tôi. Dù trước kia chưa từng thực sự thấy hoặc hòa vào khung cảnh ấy, tôi vẫn có cảm giác đã luôn biết chúng. Trong những chiều đi dạo trên đồi, có một sườn dốc đôi khi tôi thấy những con bò trắng đen nổi trên nền trời. Cảnh ấy giống hệt như hình in trên nhãn lon sữa đặc tôi từng thấy hồi nhỏ ở Trinidad, nơi không có những con bò đẹp như vậy, nơi sữa tươi rất hiếm và hầu hết mọi người phải dùng sữa đặc hoặc sữa bột nhập khẩu.
Giờ, không xa khung cảnh đẹp đẽ lại xảy ra hành vi tàn nhẫn kín đáo kia. Ký ức về con ngựa nhỏ bị thiến, máu bê bết, vẫn còn giận dữ hất đầu và bờm, bị dắt đi qua cánh cổng trắng dưới hàng thủy tùng bởi hai người đàn ông đầu to tướng - cha và con - ám ảnh tôi suốt một thời gian.
Gia đình thành thị ấy đã được “cứu rỗi.” (Có phải họ đến từ Bristol? Hay Swindon? Những thị trấn đó đối với giới lao động ở đây nghe thật đáng sợ! Và với tôi nữa, dù vì những lý do rất khác.) Nhưng cuộc sống ở nông thôn của họ không kín đáo hay ít bị để ý như họ tưởng. Họ bị xét nét nhiều hơn, có lẽ còn hơn cả khi còn sống ở thị trấn. Cảm giác dần lan rộng - tôi nghe loáng thoáng những bình phẩm trên xe buýt và còn nghe kể lại nhiều hơn từ cặp vợ chồng trông coi trang viên - rằng đã đến lúc họ nên đi. Họ quá chỏi lên và đã gây ra quá nhiều khó chịu.
Từ Bray, người cho thuê xe - cũng là hàng xóm gần nhà họ, một người cũng thích làm kẻ lạc lõng theo cách riêng của mình - tôi nghe được câu duy nhất thiện cảm với gia đình đó. Một buổi tối, Bray ghé qua để cứu một con sáo bị lạc vào gác mái nhà tôi mà không tìm được lối ra. Bray xử lý rất dễ dàng. Rồi khi nói chuyện hàng xóm, ông ấy nhắc đến thằng con lớn của người vắt sữa: “Thằng bé rất giỏi chăm chim đấy, anh biết không.”
Bray lúc ấy đang dùng cả hai tay ôm con sáo - con chim lông đen ánh xanh, bóng mượt, còn đang hoảng sợ - ông khum cả hai bàn tay lại để con chim nằm yên trên các ngón tay rộng bản, đầu nó thò ra giữa vòng tròn tạo bởi hai ngón trỏ và hai ngón cái. Chỉ một cái bóp nhẹ là có thể nghiền nát con chim, nhưng chỉ hai ngón cái của Bray cử động, ông vuốt đầu nó chậm rãi, từng ngón một, cho đến khi nó bắt đầu nhìn quanh. Bray - dù đã biến mảnh đất trước nhà mình thành bãi sửa xe - vẫn là một người của đồng quê. Những câu chuyện ông kể về chim và thói quen của chúng dường như bắt nguồn từ tuổi thơ ông - gần như từ một thời đại khác. Và tôi tự hỏi làm sao một sự hiểu biết về chim như hiểu biết của Bray, lại có thể đến được với thằng bé con nhà người vắt sữa kia.
Thay cho con ngựa nhỏ lông trắng nâu đỏ từng ở trong chuồng giờ là một con ngựa rất cao, dáng thanh nhã. Tôi nghe nói đó là một con ngựa đua già nổi tiếng. Tôi không nghĩ sự xuất hiện của nó trong chuồng có liên quan gì đến người vắt sữa. Có lẽ một chủ đất nào đó trong vùng - thậm chí có thể là chính người đang âm thầm tìm cách đuổi người vắt sữa đi - đã đưa nó đến.
Tôi không biết tên con ngựa cũng như danh tiếng lẫy lừng của nó. Và chỉ nhìn mắt thường, tôi cũng không đoán được tuổi nó. Nhưng nó rất già; nó chỉ còn sống được vài tháng, có khi vài tuần; nó đã được đưa về thung lũng này để chờ chết. Trong mắt tôi, nó vẫn còn vạm vỡ và bóng mượt, giống như những vận động viên hay tay chơi thể thao mà dù đã mất đi sức mạnh và sự nhanh nhẹn vẫn giữ lại được phần nào nét thanh tú của cơ thể đã được rèn luyện nhiều năm.
Khi nghe về vinh quang và thành tích của con vật, tôi bất giác tự hỏi những câu nhân hoá mỗi khi nhìn nó trong chuồng. Liệu nó có biết mình là ai không? Nó có biết mình đang ở đâu? Nó có để tâm không? Nó có nhớ đến tiếng reo hò của đám đông?
Một hôm, tôi đi đến tận rìa khu đất trang viên để ngắm con ngựa. Băng qua bãi cỏ cao, qua đống lá sồi ướt chồng chất đang từ từ hoai mục, qua những cây táo phủ đầy rêu và mốc trắng, với một thoáng nhìn về khu vườn ăn trái rậm rạp bên cạnh. Con ngựa đua già quay đầu nhìn tôi một cách lạ lùng. Và rồi tôi nhận ra - với một cú nhói đau đớn và bối rối - rằng nó đã mù mắt trái. Khi tôi đến gần, nó phải xoay đầu lại để nhìn tôi bằng mắt phải còn sáng, sáng long lanh và đầy tin cậy, với tôi thì chẳng có vẻ gì là ánh mắt của một con vật đã già.
Nó cao làm sao! Và chỉ khi đứng gần, tôi mới nhận ra rằng bộ lông của nó từng bóng mượt và đều màu hơn, rằng những bắp cơ của nó từng rắn chắc hơn. Con vật này đã quen với sự chăm sóc và tình thương con người. Ở gần nó có một cảm giác rất yên lòng. Chính bởi thế, phải nhìn cái đầu mù lòa của nó lại càng đau đớn. Con mắt đã bị khoét hẳn đi và da đã mọc trùm lên hốc mắt. Lớp da ấy liền lạc hoàn toàn, khiến nửa đầu bị mù của con ngựa trông như một tác phẩm điêu khắc.
Từ phòng khách căn nhà nhỏ, tôi có một góc nhìn xiên ra khu chuồng ngựa và những đồng trũng phía xa. Những cánh đồng ấy giờ là nơi đàn bò ra gặm cỏ. Ngày hai lần, sau khi vắt sữa, chúng lại lừ đừ bước ra đồng lầy ướt (có khi thích đi cả xuống mương). Ngày hai lần, có khi bốn, lúc gọi bò về hay thả bò ra, người vắt sữa lại trông thấy con ngựa già.
Cảnh con ngựa ấy - cao quý, lẫy lừng, mù một mắt, đứng một mình - đã hằn dấu lên anh ta. Và chính anh ta - người từng tàn nhẫn hủy hoại một con ngựa non đầy sức sống ngay tại chuồng này, người sắp bị búa giáng xuống đầu: cái thị trấn từ đó anh ta từng được cứu giờ sẽ là nơi anh ta cùng cả gia đình phải quay về - con người với cuộc đời đã đầy chật dằn vặt, lại xúc động mãnh liệt trước con ngựa bị bỏ rơi (như anh ta nghĩ), đang chờ chết.
Một tối Chủ nhật, anh ta đến nhà tôi. Trước đó thì chưa bao giờ.
Anh ta nói rằng có mấy người bạn vừa đến chơi; họ đã trò chuyện về con ngựa và bi kịch trong những ngày cuối đời của nó. Một con ngựa từng nổi tiếng, từng được cưng chiều, từng đem về bao nhiêu tiền của, giờ lại cô độc trong một chuồng nhỏ, rào tạm bợ, chờ chết, không đám đông, không một tiếng vỗ tay. “Không công bằng,” người vắt sữa nói. “Tôi thấy cảnh đó hằng ngày, thấy mà chịu không nổi.”
Những người bạn ấy là ai? Họ thuộc loại người nào? Họ có phải cũng là bạn của vợ anh ta? Họ có đến từ cái “thị trấn” nơi mọi chuyện từng đổ vỡ? Những người bạn đó có biết rằng người bạn của họ sắp bị đuổi việc và họ đến để chia sẻ, an ủi? Hay họ chỉ đơn thuần đến chơi một ngày ở vùng quê?
Điều mà người vắt sữa đến để xin tôi - gần như bật khóc vào cuối buổi chiều Chủ nhật cùng bạn bè - là giúp anh ta “khởi động một cuốn sách” về con ngựa đua già ấy - làm điều gì đó xứng đáng cho nó.
Tôi không đáp lại anh ta bằng bất kỳ khích lệ nào. Sự uỷ mị đó khiến tôi sợ. Đó là thứ uỷ mị của một người có thể tự bào chữa hoàn hảo cho những hành động quái đản nhất của mình.
Chẳng bao lâu sau, con ngựa không còn ở trong chuồng nữa. Nó đã chết. Như bao cái chết khác ở vùng quê nhỏ bé này, như bao biến cố lớn lao, cái chết ấy dường như xảy ra sau cánh gà.
Mùa đông bất ngờ trở nên dịu dàng. Mặt trời ló rạng, một thứ hoa nở như bung khắp nơi.
Trong một buổi đi dạo, tôi gặp người vắt sữa đang đi xuống đồi từ phía nhà kho. Anh ta cười rất tươi - con ngựa đã bị quên lãng. Anh ta quay lại, vẫy tay về phía sườn đồi. Anh ta nói, “Tháng Năm giữa tháng Hai đây mà!”
Ý anh ta không phải là tháng Năm lịch dương; anh ta nói đến “may,” tức hoa táo gai. Đó là lần cuối cùng tôi nghe anh ta bộc lộ niềm hân hoan trước vẻ đẹp thôn quê. Nhưng trong đó có chút gì như đóng kịch; anh ta giống như một người đang cố sống đúng với vai diễn được trao cho mình.
Và anh ta đã nhầm. Thứ đang nở ở đỉnh đồi hôm ấy không phải là táo gai mà là mận gai. Trên đỉnh đồi, dọc một con đường bị cắt ngang bởi lối đi lát đá của trang trại và hàng cây chắn gió là một hàng những cây ấy. (Chính trên đoạn đường này, vào những ngày đầu đến đây, tôi đã gặp cha vợ Jack và trao đổi với ông già đôi câu - cũng là lần duy nhất chúng tôi nói chuyện.)
Mặt trời sáng sớm chiếu thẳng vào hàng cây, phía ta sẽ thấy khi đi lên đồi từ đường lớn. Và trong sự dịu dàng bất chợt ấy, những thân cây bỗng trắng xoá hoa nở, trên nền bùn đen mùa đông và những vũng nước còn đọng bởi bánh xe máy cày.
Người vắt sữa và gia đình anh ta rời đi - lặng lẽ, không ai để ý. Tuần này họ còn ở đó, chỏi lên giữa căn nhà và khu vườn; tuần sau, căn nhà bỗng trống hoang, lại phần nào trở về dáng vẻ của một ngôi nhà đồng quê thực sự.
Những thay đổi lớn hơn cũng diễn ra. Người quản lý trang trại nghỉ hưu; ông không còn xuất hiện trên chiếc Land-Rover với con chó nữa. Trang trại chuyển sang tay người mới. Và chẳng bao lâu, mọi thứ trở nên nhộn nhịp: nhiều máy kéo hơn, nhiều máy móc nông nghiệp hơn, nhịp làm việc rộn ràng hơn.
Mùa đông năm đó tưởng đã rút lui sớm nhưng rồi lại quay trở lại. Rồi mùa xuân thật sự cuối cùng cũng đến. Nó đến khu vườn của Jack. Nhưng dù xung quanh đầy hoạt động - trên đồi, dọc đường mòn, đường ruộng, với những máy kéo đời mới màu rực rỡ - trong khu đất của Jack không còn một dấu hiệu nào của niềm vui con người, không còn những nghi lễ mà tôi quen thuộc.
Hàng giậu cắt tỉa từ mùa thu, lấm tấm bùn, giờ bừng dậy cùng những cây táo, những bụi cây cảnh, bụi hồng. Nhưng không còn bàn tay nào chăm sóc nữa. Không cắt tỉa, không buộc cành, không nhổ cỏ; nhà kính cũng bị bỏ mặc. Vườn rau chỉ còn vài đám cây mọc lộn xộn, vài rễ cây, hạt giống vương vãi. Không ai cuốc xới luống đất dưới gốc táo gai già. Khói vẫn bốc lên từ ống khói căn nhà Jack, trong khi khu vườn của ông thì bị bỏ hoang đi. Chỉ còn lũ ngỗng và vịt là vẫn được chăm nom.
Và xung quanh tôi là chuyển động và thay đổi. Căn nhà màu hồng giờ có một cặp khác, trẻ tuổi, mới hai mươi mấy. Người đàn ông không làm việc trong trại sữa. Anh ta là một dạng công nhân nông trại chung hơn, giống như những lao động mới mà ban quản lý mới mang đến. Họ đều trẻ, có học ở mức nào đó, có lẽ vài người còn có bằng cấp. Họ ăn mặc chỉn chu; quần áo, và đặc biệt là những kiểu thời trang mới, rất quan trọng với họ. Họ không đặc biệt thân thiện. Có thể họ chỉ phản chiếu sự nghiêm túc và hiện đại của ban quản lý mới; hoặc cũng có thể họ muốn khẳng định rằng, dù làm việc nông, họ không hẳn là kiểu nông dân như trước.
Người đàn ông sống trong căn nhà hồng có một chiếc xe hơi mới hoặc gần như mới. Vào những chiều đẹp trời, vợ anh ta nằm phơi nắng trong khu vườn đã bị tàn phá, dường như không mấy bận tâm khi lộ ngực. Đó là một phụ nữ thấp, đùi to. Những mốt hiện đại mà cô theo đuổi không tôn dáng cô chút nào; chúng khiến cô trông nặng nề, mất cân đối, có phần lố bịch. Nhưng có một hôm tôi chợt thấy rõ: những váy dài thời trước, với eo cao và hẹp cùng phần hông xòe rộng, hẳn sẽ tuyệt đối hợp với cô, sẽ khiến cô trở nên đầy đặn gợi cảm. Và tôi cảm thấy chính đó là cách cô hình dung về mình - một người đàn bà cực kỳ quyến rũ, rằng việc cô nằm phơi nắng giữa đống đổ nát khu vườn, việc chăm chút cho thân thể mà thoạt đầu tôi từng nghĩ là lười biếng, nặng nề có lẽ là điều cô tin là phải làm như sự tôn vinh dành cho vẻ đẹp của mình. Chiếc xe hơi mới, quần áo chỉn chu của chồng cô - tất cả cũng là những lễ vật dâng lên cho sắc đẹp đó.
Những người mới, cũng rất trẻ, đã chuyển vào hai căn nhà còn lại trong dãy nhà của Jack dưới đáy thung lũng. Những chổi mới - cả hai: bọn họ quét sạch mọi thứ, dọn dẹp những gì còn lại trong vườn, san phẳng đất và trồng cỏ.
Khu vườn của Jack vẫn để hoang.
Một hôm tôi thấy vợ Jack đứng ngoài căn nhà. Bà nhắc đến những hàng xóm mới, nhưng không hề có cử chỉ nào lộ ý mình: “Anh thấy không? Cỏ hết cả, anh bạn ạ.”
Cách nói, sự châm biếm trong giọng bà khiến tôi bất ngờ. Trước đây tôi chưa từng nghĩ vợ Jack có thể nói như vậy; nhưng rồi tôi nhận ra là tôi vẫn luôn nghĩ về bà - và bà dường như cũng chấp nhận để người ta nghĩ vậy - như một phần phụ thuộc vào Jack.
“Lại còn ngựa nữa,” bà nói.
Gia đình sống ở căn nhà giữa có một con ngựa.
Tôi hỏi, “Jack dạo này thế nào?”
“Ông ấy ổn đấy. Lại đi làm rồi.”
“Tôi thấy ngoài vườn còn nhiều việc để làm lắm.”
Bà đáp, “Anh nghĩ vậy à?”
Như thể tôi vừa nói điều gì sai. Tại sao bà lại muốn phủ nhận điều quá rõ ràng như thế? Chúng tôi đang đứng ngay ngoài khu vườn. Chẳng lẽ tôi đã đụng vào điều gì bà thấy không nên nhắc đến? Có phải tôi đang nguyền rủa người bệnh?
Bởi vì Jack đang bệnh. Dù vợ ông nói rằng ông đã đi làm lại, thực ra ông vẫn yếu. Suốt mùa hè năm đó, từng đợt hai ba tuần một, ngay cả trong những ngày nắng đẹp - những ngày mà các năm trước ông thường để lưng trần ra vườn làm - khói vẫn thốc lên từ một trong các ống khói căn nhà, như một biểu tượng bệnh tật, dấu hiệu của cái lạnh mà người đàn ông ốm yếu cảm thấy trong phòng mình. Trong khi đó, những người làm nông mới, những chàng trai trẻ với những người vợ trẻ, lái máy kéo mới rông khắp những cánh đồng lớn và sau giờ làm lại ra ngoài bằng xe hơi mới hoặc gần như mới.
Vợ Jack nhẹ nhàng, có phần mỉa mai, bình luận về những thay đổi. Nhưng bà dường như ngày càng chấp nhận rằng Jack đang dần mất đi công việc, căn nhà và khu vườn của mình, và rằng thời gian của chính bà ở nơi này cũng sắp kết thúc.
Một hôm, xe ông dừng lại bên tôi. Đó là lần đầu tiên tôi gặp lại ông kể từ mùa thu năm trước. Mặt ông tái nhợt như sáp. Tôi từng biết cách nói ấy qua sách vở. Nhưng cho đến lúc này, khi nhìn thấy đúng những gì nó tả trên gương mặt trắng bệch ấy, tôi mới thực sự hiểu. Tất cả sắc nâu từng nhuộm gương mặt Jack, tất cả ánh nắng mà ông từng hứng lấy trong khu vườn của mình, đều đã tan. Da ông trắng và nhẵn, trông giả tạo như trái cây phủ sáp - như thể có một lớp phấn mỏng, giống như trên vỏ quả mận, phủ lên lớp da sống. Râu ông được cắt tỉa gọn gàng. Nhưng cả bộ râu ấy cũng trông rất sáp, thậm chí như được đánh sáp thật. Không nhiều lời; chỉ những chào hỏi nhẹ nhàng, thân thiện, trấn an. Đôi mắt từng dữ dội của ông cũng đã dịu lại. Sáp. Và khói vẫn tiếp tục bay ra từ ống khói căn nhà Jack, suốt mùa thu và mùa đông - rồi ngừng hẳn.
Con đường mòn dẫn lên đồi đến khu nhà kho mới rồi vòng xuống dãy nhà và các công trình cũ của trang trại - con đường nằm kề bên hàng chắn gió gồm cây sồi beech và thông, cùng hàng rào phụ với hoa hồng dại và táo gai - đã trở nên gồ ghề lởm chởm. Đi trên đó rất dễ trẹo chân. Ban quản lý mới của trang trại bắt đầu cho sửa con đường ấy.
Người và máy móc kéo đến ngay tuần sau, và chỉ trong vài ngày, một lớp nhựa đường trộn sỏi màu đen phẳng lỳ được trải ra. Màu đen ấy và lớp bề mặt được máy móc làm nhẵn trông thật mới mẻ và xa lạ cạnh những bờ cỏ lởm chởm hai bên. Nhưng mặt đường ấy, được rải nhanh như thế, lại là để tồn tại lâu dài: như để cam đoan cho điều đó, một tấm biển vàng của đội làm đường được dựng lên trên đường lớn, ngay trước lối rẽ vào con đường mòn, và một đầu tấm biển được cắt thành hình mũi tên chỉ hướng.
Tôi không thích thay đổi đó. Tôi cảm thấy nó đang đe dọa những gì tôi đã tìm được và chỉ vừa bắt đầu bước vào. Tôi không thích sự nhộn nhịp mới, những cái máy mới, những cú cắt xén bằng máy vào táo gai và hồng dại khiến chúng tả tơi. Và tôi cũng không muốn lớp nhựa mới trên con đường mòn ấy giữ được lâu.
Tôi tìm những vết nứt và dấu hỏng trên mặt đường, hy vọng rằng những trầy xước và lực xói mòn của nước sẽ lan ra, khiến người ta không thể - trong tưởng tượng của tôi, đã vượt khỏi lý trí - rải thêm lớp nhựa mới nào nữa. Tất nhiên tôi biết mình đang tưởng tượng: dẫu trang trại này được đặt giữa những tàn tích đủ loại, những dấu vết gợi nhắc sự tạm bợ của mọi công trình con người, thì cũng vẫn còn một khía cạnh khác trong công việc con người. Người ta quay trở lại, người ta tiếp tục, người ta làm rồi lại làm. Những con thuyền caravel nhỏ bé đã vượt Đại Tây Dương và chen ngang vào dòng lịch sử tưởng như phẳng lặng ở bên kia đại dương: ít người, phương tiện hạn chế, gần như chẳng được ai để ý. Nhưng chúng đã quay lại. Và chúng đã làm thay đổi thế giới ở vùng đất ấy mãi mãi.
Vậy nên, dù lớp nhựa mới bị bánh xe máy cày cán lún xuống từng đoạn; dù mưa, chảy từ trên đồi xuống, tìm đến mọi điểm yếu, mọi vết nứt nơi những chỗ lún, khoét dần từng hạt nhựa nhỏ giữa các viên đá rồi ăn sâu vào lớp bề mặt đã lỏng ra và mép lớp nhựa gồ ghề bị xói mòn do nước mưa chảy thành những khe nhỏ (những bản thu nhỏ của các con suối lớn hơn mà thung lũng của chúng tôi là tàn tích) - dù những điều đó khiến tôi tưởng rằng con đường có thể sẽ lại trở về trạng thái lởm chởm gập ghềnh như khi tôi mới tìm thấy nó, thì con đường ấy vẫn được sửa lại, rồi lại được sửa tiếp, và cuối cùng đã chống chọi được mùa đông - năm ấy đến thật dữ dội.
Có một trận bão tuyết vào ngày Giáng sinh, gió thổi từ hướng tây bắc. Khi bước ra ngoài vào đầu giờ chiều, tôi thấy tuyết đã bị thổi dồn thành từng ụ trong hàng cây chắn gió. Một bờ tuyết hiện lên bên lề con đường và ở phía khuất gió của mỗi thân cây, mỗi cành cây vững chãi, mỗi vật cản đều có một gờ sắc nét chỉ ra hướng gió.
Hình dạng và kết cấu của ụ tuyết ấy khiến tôi nhớ đến một khí hậu hoàn toàn khác: một bãi biển ở Trinidad, nơi những dòng suối cạn - nước ngọt pha nước mặn, mặn nhiều hay ít tùy theo thủy triều - chảy từ rừng nhiệt đới ra biển. Những dòng nước ấy dâng lên và hạ xuống theo nhịp thủy triều. Lúc thì nước từ biển tràn vào các vũng của suối rừng, lúc thì chảy ngược lại. Mỗi khi thủy triều xuống thấp, các dòng suối ấy lại rạch ra những lối đi mới trên lớp cát vừa trải, tạo thành những vách cát nhỏ mới, rồi khi thủy triều bắt đầu dâng, các vách ấy sụp xuống gọn gàng, từng mảng, rơi vào dòng nước lăn tăn đang chảy: một bài học địa lý thu nhỏ. Đối với tôi khi còn là một đứa trẻ, những dòng suối ấy luôn gợi đến buổi khởi đầu thế giới, một thế giới chưa có con người, chưa có định cư. (Lãng mạn và vô tri: bởi dù trên đảo khi ấy không còn người bản địa, họ đã từng sống ở đó hàng thiên niên kỷ.)
Và thế là kết cấu, hình dạng và hoa văn của tuyết trên triền đồi - trong vùng chắn gió và ở phía khuất gió - đã tạo nên, ở quy mô nhỏ, một địa lý của những quốc gia rộng lớn. Tựa như những dòng suối nhỏ len giữa bờ cỏ dốc và lớp nhựa đường mới trải của con đường làng. Và địa lý thu nhỏ ấy, tôi nghĩ, hay đúng hơn, tôi thích nghĩ, thuộc về một địa lý rộng lớn hơn. Thung lũng chạy dọc con đường chăn thả, giữa những ngọn đồi thấp, mượt gợi đến những dòng sông mênh mông rộng hàng trăm thước từng chảy qua đây trong một thời đại giờ không còn hình dung nổi: một địa lý với tỉ lệ khiến con người trở thành không hiện diện. Hẳn đã từng có một con sông tràn đầy hoặc một dòng chảy liên tục nối từ Stonehenge (và vùng đồng bằng phía sau) đến căn nhà của Jack, rồi tiếp tục dọc theo con đường chăn thả với những tổ ong, cái xe xe lữ hành, căn nhà đá trơ vỏ, căn nhà kiểu ngoại ô của người quản lý nông trại cùng khu vườn nhỏ; hẳn toàn bộ nơi ấy từng là một con sông, một dòng chảy phẳng lì màu xám, đổ vào hoặc lấp đầy thung lũng nơi dòng sông hiện tại đang chảy - con sông còn lại, nhỏ, đầu dấu ấn con người, tôi đôi khi bước đi bên bờ nó và giờ người ta câu cá hồi, những con cá được thả ra bởi người trông nom. Trong địa lý mênh mông ấy - được tạo nên bởi phong cảnh thu nhỏ và tưởng tượng về con đường chăn thả như lòng sông - không còn chỗ cho con người; đó là một viễn tượng về thế giới trước khi có con người.
Vượt qua đỉnh đồi, gió thổi gắt; ngọn đồi và hàng cây chắn gió không còn che chở nữa. Một bầu trời xám xịt, xám mà bẩn ấm, treo lơ lửng trên vùng đồng bằng rộng lớn, nơi những gò mộ như mụn nổi trên da: những vòng đá bị tuyết vùi lấp, mờ dần ở rìa tầm nhìn, không còn nhìn thấy mục tiêu pháo binh đủ màu. Dưới chân đồi, giữa những công trình nông trại (nay thành ra giống những đài tưởng niệm nhờ tuyết), là căn nhà chết của Jack: tuyết phủ trên mặt đất xung quanh nó (nơi con đường chăn thả thường rất lầy lội, đen ngòm) như một vật khổng lồ và sạch sẽ, như thể thế giới được tạo lại từ đầu.
Tuyết khiến đi bộ trở nên khó nhọc. Nhưng kiểu thời tiết này, giữa thung lũng vốn hiền hòa, lại đánh thức trong tôi khao khát sự cực hạn, dù chính cái lạnh, cái ẩm, cái ướt ấy là thứ đã mang Jack đi. Buồng phổi đã hỏng của ông, sống dưới đáy thung lũng ẩm thấp ấy, không cho phép ông cảm thấy ấm ngay cả giữa mùa hè. (Dĩ nhiên, không có cái lạnh hay sự ẩm ướt thì hẳn vẫn sẽ có một thứ khác đưa ông đi.)
Trong những buổi dạo đầu tiên, sau khi đã ngắm đủ Henge và các gò mộ, tôi từng tìm thỏ rừng trên một triền đồi. Rồi, vào một mùa khác, trên một ngọn đồi khác, tôi tìm chiền chiện, cố giữ chúng trong tầm mắt khi chúng bay lên cao mãi, từng tầng từng tầng, rồi dõi theo khi chúng sà xuống. Còn bây giờ, tôi tìm nai. Một gia đình ba con đã xuất hiện trong thung lũng - không ai biết từ đâu tới - và bằng cách nào đó vẫn sống sót trong thung lũng của chúng tôi, nơi đất đai đã được cày xới kỹ lưỡng, cỏ bị gặm sạch, nơi có nhiều vùng nguy hiểm vì đạn pháo quân sự, nhiều đoạn bị cắt ngang bởi những xa lộ đông đúc - vẫn sống sót giữa chúng tôi, không ai rõ bằng cách nào.
Chúng - đám nai - cũng có đường đi của riêng mình. Và chính trong niềm hy vọng sẽ được thấy chúng - cộng với sự phấn khích vì tuyết và gió - tôi đã lội qua những khu nhà nông trại và bước lên con đường chăn thả, tới điểm có thể nhìn ra khu rừng và triền đồi hoang chưa canh tác, nơi đám nai đôi khi chui ra gặm cỏ. Và thật khó tin - món quà Giáng sinh của tôi! - chúng đã ở đó, trong tuyết. Thường thì, khi đứng cạnh khu rừng, đám nai rất khó thấy; thấp hơn, trên nền xanh nhợt pha nâu của triền đồi trơ trụi đá phấn, bộ lông nâu đỏ của chúng là một vệt ấm, nhưng vẫn cần tinh mắt mới nhận ra. Còn giờ (giống như những con thỏ tôi từng thấy ngay tuần đầu tiên, chạy ra gặm cỏ trên bãi cỏ trước căn nhà tôi ở), đám nai có màu xám bẩn, tối sẫm nổi trên nền tuyết - thành mục tiêu dễ dàng cho bất kỳ ai muốn bắn hạ.
Tôi mong cho lũ nai ấy sống sót. Và chúng đã sống sót. Vào cuối mùa đông, tôi phát hiện ra một con trong vùng hoang sau lưng nhà, nơi đầm lầy ven sông. Đó là một con nai non, tôi thấy nó vào một buổi sáng, mắt mở to ẩn mình giữa những đám sậy nâu bị gió đè rạp. Nhiều buổi sáng liên tiếp, tôi vẫn thấy nó đó. Tôi đứng trên cái cầu mục nát bắc qua dòng suối đen ngòm mà nhìn. Bí quyết để thấy được nó, để giữ nó ở yên chỗ, là phải giữ ánh nhìn của nó và giữ cho mình bất động. Miễn ta còn nhìn, nó còn nhìn lại; nhưng hễ ta cử động hay ra hiệu, nó sẽ chạy đi ngay - len qua những khóm sậy và cỏ cao rồi bật một cú tuyệt đẹp, vượt hẳn qua hàng rào hay bụi rậm.
Mùa xuân đến. Lớp nhựa đường mới trên con dốc vẫn còn nguyên. Cuộc sống mới của nông trang tiếp tục, và năm thứ hai liên tiếp, căn nhà và khu vườn của Jack đứng ngoài mọi nhộn nhịp. Cái chết của ông, tang lễ của ông - giống như cái chết và tang lễ của cha vợ ông mấy năm trước - cứ như thể diễn ra trong âm thầm: một phần hệ quả của đời sống miền quê, những con đường tối, những ngôi nhà thưa thớt và những đõi nhìn trải rộng. Vườn rau của ông, giờ cỏ dại mọc tràn, hầu như không còn ai để ý. Vườn cây ăn trái và hoa thì ngày càng hoang, hàng giậu và bụi hồng mọc đuổi ra ngoài. Nhà kính phía sau (thực ra là phía trước) giờ trống rỗng.
Bao điều trước kia tưởng là truyền thống, là tự nhiên, là những phát lộ từ phong cảnh, những việc người miền quê vẫn làm - gieo trồng hoa mùa vụ, chăn ngỗng, tỉa hàng rào, cắt tỉa cây ăn trái - nay hóa ra không hẳn là truyền thống hay bản năng mà là những việc mang dấu ấn riêng của Jack. Khi ông không còn ở đó để làm những việc ấy thì không ai làm nữa; chỉ còn lại hoang tàn. Những người mới đến các căn nhà khác không làm những việc Jack từng làm. Họ dường như không mấy bận tâm đến mảnh đất quanh nhà mình. Hoặc họ nhìn nó khác đi, hoặc họ có một hình dung khác về đời sống.
Năm đầu Jack bệnh, vợ ông vẫn vờ rằng chẳng có gì thay đổi, rằng khu vườn của Jack vẫn là một khu vườn. Nhưng giờ thì bà không còn giả vờ nữa. Bà đang chuẩn bị đi. Và bà làm việc đó một cách thản nhiên. Như thể, rốt cuộc, bất chấp mọi bề ngoài, bất chấp lối sống cổ kính của cha mình, bất chấp cả Jack, bà chẳng đầu tư bao nhiêu vào căn nhà ấy, vào cuộc sống gắn liền với nó, hay vào những năm của khu vườn.
Giờ bà không còn liên hệ gì với nông trại hay với mảnh đất ấy nữa. Hội đồng địa phương sẽ tìm cho bà một căn nhà hoặc căn hộ trong khu nhà dưới thung lũng, hoặc ở một trong những thị trấn gần đó như Amesbury, Salisbury, Shrewton, Great Wishford, bất cứ nơi nào. Bà sẽ gặp gỡ nhiều người hơn, sẽ gần các cửa hàng hơn. Bà đang mong chờ cuộc chuyển nhà. Lối sống “truyền thống” dưới đáy thung lũng, giữa bùn lầy ẩm ướt quanh nông trại, cách xa con người, nơi nếu không có xe thì buổi tối sẽ bị giam lỏng trong nhà - lối sống ấy vốn không hợp với bà.
Dù vậy, bà vẫn nghĩ rằng Jack đã có một cuộc đời tốt đẹp.
Bà nói: “Đêm Giáng sinh, ông ấy vẫn dậy và đi đến quán rượu, anh biết không. Ông ấy biết mình sắp chết và biết đó là cơ hội cuối cùng.”
Bà nói điều ấy một cách hết sức bình thản, như thể chỉ đang kể lại chuyện cũ - chuyện đã hơn một năm rồi. Bà chỉ đang trò chuyện vu vơ.
Bà nói: “Ông ấy muốn gặp lại bạn bè lần cuối.”
Gặp bạn bè; uống ly cuối cùng; tận hưởng vị ngọt cuối cùng của đời sống như ông từng biết. Cần đến bao nhiêu nỗ lực để làm điều đó! Với hai lá phổi như băng tảng không sao ấm nổi, kiệt sức và choáng váng, không còn mong gì ngoài được nằm xuống, nhắm mắt lại và trôi đi trong những ảo mộng đang vẫy gọi. Vậy mà ông vẫn cố gượng dậy, gom chút sức tàn để mặc đồ vào và lái xe đến quán rượu trong kỳ nghỉ, trước khi chết.
Có phải ông đã lái xe dọc con đường làng lên rồi xuống cạnh hàng cây chắn gió? Hay để dễ dò hơn, ông chọn con đường chăn thả rộng lồi lõm? Lối ấy - con đường chăn thả - có lẽ là đường đưa ông đến quán rượu và trở về dễ dàng hơn. Nhưng nó hẳn đã làm ông xóc này kinh khủng - như tôi từng thấy ông trong một tâm trạng khác, một chiều xuân hay hè nào đó, khi tiếng gọi của ông đã lẫn hơi men. Chuyến đi cuối ấy đến quán rượu không phục vụ gì ngoài sự sống; thế nhưng ông đã biến nó thành một hành động anh hùng - một hành động thơ.
Bên kia bãi cỏ, đối diện căn nhà tôi ở có một ngôi nhà nhỏ xây bằng đá lửa cổ. Nó phủ đầy dây thường xuân, dày và chắc đến nỗi chim bồ câu làm tổ trên đó. Ngôi nhà có mặt bằng vuông và mái chóp, dường như hở ở đỉnh, và phía trên đỉnh ấy, trên bốn cột chống, là một mái nhỏ thứ hai, cũng hình chóp tương tự. Người ta bảo tôi rằng ngôi nhà này từng là kho thóc hay nhà chứa và đã tồn tại được vài thế kỷ. Giờ thì nó không còn được sử dụng nữa; tôi chưa từng thấy ai ra vào bên trong. Nó được giữ lại vì vẻ đẹp, như một di tích.
Không xa đó, vẫn ở bên kia bãi cỏ là một ngôi nhà giả làm như thể một trang trại cũ. Tường của nó được ghép từ gạch vụn, đá và đá lửa - một hỗn hợp trông như đống đổ nát, như thể là những nhặt nhạnh của nông dân. Ngôi nhà này khoảng năm mươi tuổi, được dựng lên như một công trình phụ thuộc vào dinh thự chính: có thể từng là sân chơi fives hay sân squash, nhưng được xây theo kiểu “thơ mộng” để hòa hợp với cảnh quan xung quanh. Có lẽ nó từng được dùng làm sân squash một thời gian, nhưng “cửa trước” đã bị đóng vĩnh viễn, mái tôn lượn sóng sụp vài chỗ, vài ô kính cửa sổ đã rơi - giờ nó không còn công năng gì và đã như vậy nhiều năm. Giống như nhà thuyền bên bờ sông, giống như ngôi nhà hai tầng tròn cho trẻ con chơi với mái tranh hình nón trong vườn cây ăn trái bị bỏ hoang.
Cuộc sống của dinh thự đã thay đổi; cơ cấu tổ chức của nó đã thu hẹp. Những nhu cầu từng lan rộng - như thể để tương xứng với nguồn lực và cấu trúc của một ngôi nhà lớn - hóa ra không hề bền. Dinh thự ấy cũng có những tàn tích của riêng nó.
Giữa nhà kho và ngôi nhà nông trại giả cổ, ở bên kia bức tường dinh thự, là nhà thờ. Lúc đầu với tôi, nhà thờ là nhà thờ - một công trình xây theo kiểu nhất định, có những cửa sổ hình dạng đặc trưng: ý niệm được hình thành từ các nhà thờ Gothic thời Victoria mà tôi từng thấy ở Trinidad. Nhưng ngày nào tôi cũng thấy nhà thờ làng ấy lù lù trước mắt, và chẳng bao lâu - trong thế giới mới đang hình thành quanh tôi trong sự cô độc may mắn - tôi nhận ra rằng nhà thờ ấy đã được trùng tu, và về mặt kiến trúc thì nó cũng giả tạo chẳng kém gì ngôi nhà nông trại. Một khi đã thấy điều đó thì không thể lờ đi nữa; nhà thờ toát ra một không khí riêng - không khí của những người trùng tu thời Victoria-Edward. Tôi không còn thấy đó là một “nhà thờ” mà là một phần của sự giàu có và an ổn thời Victoria-Edward. Nó giống như dinh thự mà căn nhà nhỏ của tôi gắn vào, giống như nhiều ngôi nhà lớn khác trong vùng.
Người ta nói nhà thờ được xây trên một nền đất có từ trước thời Trung Cổ. Nhưng trong kiến trúc hiện tại, hầu như không còn gì được truyền lại từ thuở đó. Không một mảnh đá lửa; không một phiến đá đẽo nào từng ôm lấy khung cửa sổ kiểu Gothic. Và có lẽ ngay cả đức tin cũng không còn như xưa.
Cũng giống như việc khó mà hình dung đời sống và thôi thúc tín ngưỡng của những con người đã, với vô vàn lao nhọc, biến vùng đồng bằng này thành một nơi chôn cất và gìn giữ sự thiêng ấy suốt hàng thế kỷ - giờ đây, dù đứng ngay trên mảnh đất ấy, dù cùng chịu thời tiết ấy (nhưng không còn là những bình minh hay hoàng hôn khi xưa: lúc nào cũng là vệt khói máy bay), cũng thật khó lòng nhập được vào tinh thần, vào nỗi sợ và khát khao cứu rỗi của những con người đã thờ phụng ngàn năm trước trong nhà thờ Cơ Đốc đầu tiên trên nền đất này - nơi ở gần tôi đến thế, chỉ cách một bãi cỏ và nhà nông trại đồ chơi.
Nhà nông trại đồ chơi, nhà thờ được trùng tu. Phải chăng tôn giáo trong nhà thờ trùng tu ấy cũng là một dạng chơi? Những người trùng tu có thực sự chia sẻ những kinh hoàng xưa? Hay đức tin của họ là một điều hoàn toàn khác - một đức tin nhuốm ý thức lịch sử, cảm giác về sự liên tục và niềm tin rằng ta nợ chính mình điều gì đó?
Từ điểm quan sát trên hàng cây chắn gió trên đồi, nếu nhìn xuống đồng bằng, có thể thấy Stonehenge ở phía tây và rìa thị trấn Amesbury ở phía đông. Sông Avon chảy qua Amesbury. Cũng có các nguyện đường và tu viện nằm bên dòng sông rộng và nông ở đoạn này. Amesbury - giờ là một thị trấn quân sự với những căn nhà nhỏ hiện đại, các cửa hàng và gara - là một chốn cổ xưa. Chính tại một tu viện ở Amesbury mà Guinevere, hoàng hậu của vua Arthur, người tình của Lancelot, đã lui về ẩn cư khi Bàn Tròn tan rã và Camelot sụp đổ - tận hai mươi dặm về phía tây ở Winchester. Một tấm biển trên đường từ Stonehenge, ngay trước khi vào Amesbury, ca ngợi sự cổ kính của thị trấn: có huy hiệu và niên đại, năm 979 sau Công nguyên.
Chính cảm tri lịch sử đã khiến người ta dựng nên tấm biển ấy; chính nó dẫn đến việc trùng tu các nguyện đường và tu viện ở Amesbury, cũng như nhà thờ bên kia bãi cỏ căn nhà nhỏ của tôi: lịch sử - giống như tôn giáo, hay như một phần nối dài của tôn giáo - như ý niệm về sự cứu rỗi và vinh quang của chính mình.
Thế nhưng có một bóng tối không được ca ngợi nào đó đã bao phủ nơi này trước khi thị trấn Amesbury ra đời vào năm 979 như tấm biển ghi. Hơn năm trăm năm trước thời điểm ấy, quân đội La Mã đã rút khỏi nước Anh. Stonehenge đã được xây dựng rồi sụp đổ, và vùng chôn cất rộng lớn ấy đã mất tính thiêng của nó rất lâu trước cả khi người La Mã đến. Ở nơi có quá nhiều tàn tích và trùng tu này, lịch sử dường là những cao nguyên ánh sáng, bị ngăn cách bởi những vùng trũng hay những khoảng mất dạng vào bóng tối.
Chúng tôi vẫn đang sống trên một cao nguyên như thế - một cao nguyên của ánh sáng lịch sử. Amesbury, thành lập năm 979 sau Công nguyên. Lịch sử, vinh quang, tôn giáo như ước muốn được làm đúng với mình - những ý ấy vẫn còn ở một số người trong các thung lũng quanh đây, dù vinh quang cá nhân đã phai nhạt ít nhiều và những ngôi nhà mới, những khu vườn mới chỉ như thứ tiền lẻ của các điền trang vĩ đại thế kỷ trước và đầu thế kỷ này. Những con người ấy - dù phần lớn đến từ nơi khác - vẫn giữ ý thức rằng họ là những kẻ kế thừa và tiếp nối. Chính bởi ý thức về di sản lịch sử và kế tục ấy mà nhiều người mới đến thung lũng đã đi lễ ở nhà thờ trùng tu. Nhà thờ được trùng tu cho những người như họ; nó đáp ứng nhu cầu của họ.
Ở điểm này, họ khác Bray, người cho thuê xe và đã sống cả đời trong thung lũng. Bray không bao giờ đi nhà thờ và khinh miệt động cơ của những người đến đó. Và những người đi nhà thờ cũng khác Jack, người đã sống phần lớn cuộc đời trong căn nhà nhỏ bên kia đồi và, khi còn khỏe mạnh, đã mừng các mùa trong năm bằng những nghi lễ riêng. Vào các Chủ nhật, Jack làm vườn buổi sáng, trưa thì đến quán rượu, chiều lại trở về làm vườn.
Nhà thờ được xây trên một nền đất cổ. Tôi có thể tin điều đó. Bên kia khu đất nhà thờ và gần như bị che khuất bởi chính nhà thờ, bởi bức tường đá lửa cổ bao quanh nhà thờ và hàng cây phía sau, là những kho và dãy nhà của trại nuôi bò sữa. Có phải chúng cũng được dựng trên một nền đất cổ? Tôi không khó khăn gì tin như vậy. Bởi thế giới - ở những nơi như thế này - không bao giờ hoàn toàn là mới; luôn có điều gì đó từng tồn tại trước. Nơi thờ tự hoặc vùng đất thiêng trước khi có nhà thờ; nông trại trước khi có nông trại; trên nền của một bến lội cũ nằm giữa rừng, từ “walden,” rồi đến “shaw,” rồi thành Waldenshaw. Một xóm nhỏ giữa những bãi bồi ven sông và các triền đồi đá lửa; một xóm nhỏ trong rất nhiều xóm nhỏ dọc theo đường thủy.
Là người mới đến thung lũng, choáng ngợp vì may mắn có được sự cô tịch gần như tuyệt đối giữa một vùng đất lịch sử của nước Anh, sự cô tịch đã xua tan mọi cảm giác xa lạ nơi tôi, tôi từng nhìn mọi thứ như một dạng hoàn hảo - một tiến hóa quá hoàn hảo. Nhưng tôi chỉ vừa mới bắt đầu quan sát, mảnh đất này và đời sống của nó chỉ vừa bắt đầu định hình quanh tôi thì mọi thứ đã bắt đầu thay đổi. Và tôi đã phải quay về với ý cũ - không còn là ý về sự tàn tạ mà là về biến dịch và sự thường hằng của thay đổi - để đối diện với nỗi bất an mà tôi cảm thấy trước mọi sự - một cái chết, một hàng rào, một cuộc ra đi - những điều phá vỡ, thay đổi hoặc đe dọa cái hoàn hảo mà tôi từng cảm thấy.
Người ta có thể nói rằng vẻ hoàn hảo của ngôi nhà trong khuôn viên tôi sống đạt đến tột đỉnh vào khoảng bốn, năm chục năm trước, khi ngôi nhà thời Edward vẫn còn tương đối mới, khi đời sống gia đình của nó phong phú hơn, khi những công trình phụ vẫn còn được sử dụng và khu vườn còn được chăm sóc kỹ. Nhưng trong vẻ hoàn hảo ấy - diễn ra vào thời đế quốc - hẳn sẽ không có chỗ cho tôi. Người xây nhà và người thiết kế khu vườn, với viễn kiến thế giới của họ, chắc không thể nào tưởng tượng rằng đến một lúc sẽ có một người như tôi sống trong khuôn viên ấy, rằng tôi lại có thể cảm thấy đó mới là trạng thái viên mãn của chốn này - căn nhà nhỏ, những ngôi nhà “thơ mộng” bỏ không quanh bãi cỏ, khuôn viên, những khu vườn hoang - sống trong cái đẹp không hề được hoạch định. Tôi yêu cả sự tàn tạ, dù chỉ chút ít, đang hiện diện ở đây. Nó không khiến tôi muốn cắt tỉa, làm cỏ, sửa sang hay tái thiết điều gì. Rõ ràng nó không thể kéo dài. Nhưng chừng nào nó còn tồn tại, nó vẫn là hoàn hảo.
Thấy được khả thể, thấy cả sự tất yếu của đổ vỡ - ngay trong khoảnh khắc tạo thành - ấy là khí chất của tôi. Những dây thần kinh ấy đã được gắn vào tôi từ thuở nhỏ ở Trinidad, một phần do hoàn cảnh gia đình: những căn nhà chúng tôi từng sống, nửa tàn hoang hay dở dang, những lần chuyển chỗ liên miên, sự bất định bao trùm mọi mặt. Có lẽ cảm tri ấy còn bắt rễ sâu hơn, là một di sản tổ tiên, một thứ được truyền lại qua lịch sử đã tạo nên tôi: không chỉ Ấn Độ, với những ý niệm về một thế giới nằm ngoài kiểm soát của con người, mà cả những đồn điền thuộc địa ở Trinidad, nơi tổ tiên Ấn nghèo khổ của tôi từng bị đưa tới vào thế kỷ trước - những đồn điền mà điền trang Wiltshire, nơi tôi đang sống, chính là hình thức hoàn hảo nhất.
Năm mươi năm trước, nơi này hẳn sẽ không có chỗ cho tôi; ngay cả bây giờ, hiện diện của tôi vẫn là điều gì đó cận kề bất khả. Nhưng không chỉ ngẫu nhiên đã đưa tôi đến đây. Đúng hơn, trong chuỗi những ngẫu nhiên đã dẫn tôi đến căn nhà nhỏ trong khuôn viên dinh thự này, nơi có thể nhìn ra nhà thờ được trùng tu, vẫn có một mạch lịch sử rõ rệt. Cuộc di cư trong khuôn khổ Đế quốc Anh, từ Ấn Độ sang Trinidad, đã ban cho tôi tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ cùng một kiểu giáo dục đặc thù. Chính điều đó phần nào đã gieo vào tôi khao khát trở thành nhà văn theo một lối riêng và gắn bó tôi với con đường văn chương mà tôi theo đuổi suốt hai mươi năm ở Anh.
Lịch sử mà tôi mang theo, cùng với ý thức bản thân do giáo dục và tham vọng đem lại, đã đưa tôi bước ra thế giới với cảm tri về vinh quang đã chết, và ở nước Anh, nó khiến tôi mang những dây thần kinh nóng rẫy của một kẻ xa lạ. Nhưng giờ, một cách trớ trêu - hoặc thích đáng - khi sống trong khuôn viên của một dinh thự đã thu hẹp, trong những buổi đi bộ, những dây thần kinh ấy được xoa dịu; và trong khu vườn hoang, vườn cây bên bãi bồi ven sông, tôi đã tìm thấy một vẻ đẹp thể lý hoàn toàn phù hợp với khí chất mình, và hơn thế, đáp ứng được mọi ý niệm đẹp đẽ mà tôi từng có, thuở nhỏ ở Trinidad, về dáng vẻ thể lý của nước Anh.
Người ta bảo tôi rằng điền trang này từng rộng lớn vô cùng. Nó được tạo nên một phần nhờ sự giàu có mà đế quốc mang lại. Nhưng rồi từng chút một, đất đai bị bán dần đi. Gia đình chủ nhân, với nhiều nhánh khác nhau, giờ đã phát triển ở những nơi khác. Trong thung lũng hiện chỉ còn lại chủ nhà của tôi - một người đàn ông lớn tuổi, sống độc thân, có người chăm sóc.
Khuyết tật thể chất giờ đã chồng lên thứ u uất từng đổ xuống ông nhiều năm trước - một thứ u uất mà tôi không nắm rõ nhưng hình dung đó là thứ gì giống như acedia, chứng uể oải hay trầm cảm của các tu sĩ thời Trung Cổ - đó là cách mà sự an ổn quá mức, những phúc lộc trần thế dư thừa, đã giáng xuống ông. Acedia biến ông thành một người ẩn dật, chỉ tiếp xúc với bạn bè thân thiết. Và vì thế, trong dinh thự cũng như trên những đường đi bộ qua đồi, tôi được hoàn toàn cô tịch.
Tôi cảm thấy một niềm đồng cảm sâu xa đối với ông chủ nhà. Tôi nghĩ tôi hiểu được nỗi u uất của ông; tôi thấy nó như là mặt kia của nỗi u uất trong tôi. Tôi không nghĩ về ông như một kẻ thất bại. Những từ như thành công hay thất bại không áp dụng được ở đây. Chỉ một người cao quý hay một người có ý thức lớn lao về phẩm giá con người mới có thể thản nhiên phớt lờ giá trị kinh tế khổng lồ của điền trang mình và bằng lòng sống giữa cảnh bán hoang tàn như vậy. Những suy tư của tôi trong khuôn viên dinh thự không phải về sự suy tàn của đế quốc. Trái lại, tôi kinh ngạc trước chuỗi lịch sử đã đưa chúng tôi đến với nhau - ông sống trong ngôi nhà lớn, tôi sống trong căn nhà nhỏ của ông, khu vườn hoang là gu của ông (theo lời người khác kể lại), và cũng là của tôi.
Tôi biết cuộc sống trong khuôn viên dinh thự này chỉ là tạm thời và không thể kéo dài. Tương lai rất dễ hình dung: một khách sạn, một trường học, hoặc một quỹ nào đó sẽ tiếp quản ngôi nhà chính, phục trạng những khu vườn đã xuống cấp - nơi tôi đang bước những bước hân hoan, và lần đầu tiên trong đời trưởng thành của mình, với hiểu biết ngày một cụ thể, tôi cảm thấy mình thực sự cùng nhịp với tự nhiên. Tôi sợ sự thay đổi - cả ở đây lẫn trên con đường chăn thả; và chính vì thế, để đón lấy nỗi bất an ngay từ lưng chừng, tôi đã nuôi dưỡng những cảm tri cũ, có lẽ do tổ tiên để lại - những cảm tri về vinh quang đã chết - và bám lấy ý niệm về một thế giới luôn biến dịch: trống sáng tạo trong tay phải của thần, ngọn lửa hủy diệt trong tay trái.
Và thế là suốt một tuần, có khi hơn, tôi lơ lửng giữa hai trạng thái - lo lắng và nghĩ mãi về biến dịch - cho đến khi tôi nghe thấy, từ bên kia khu đất nhà thờ, tiếng của một xe ủi đất hoặc thứ gì đó tương tự. Âm thanh truyền qua lòng đất thành những rung chấn - không phải là âm thanh mà một cửa sổ có thể ngăn lại.
Những dãy chuồng bò và công trình thuộc trại sữa phía sau nhà thờ đang bị dỡ bỏ - những kiến trúc bằng ngói đất nung và gạch đỏ, từng là một phần quen thuộc của khung cảnh tôi nhìn thấy khi xuống dốc vào cuối buổi đi bộ, tự nhiên và đúng đắn đến mức tôi không mấy để tâm đến chúng. Nhưng giờ, khi những dãy nhà ấy biến mất, mảnh đất trông thật trần trụi tầm thường; đồng cỏ bồi phía sau lộ ra, cả những hàng cây bên bờ sông cũng vậy. Ngói lợp mái chất thành đống; xà gồ cũng được xếp riêng (và trông mới không ngờ, dù trước đó tôi vẫn nghĩ những công trình kia đã rất cũ). Và rồi gần như ngay lập tức, tầm nhìn mở rộng ấy bị chặn lại bởi một nhà kho lắp ghép lớn, với tường bằng gỗ xẻ thưa, tên của hãng sản xuất nhà kho được in rõ trên một tấm bảng hoặc mảnh kim loại ngay dưới đỉnh mái. (Một nhà kho như thế - nhưng không có vách gỗ xẻ - đã từng được dựng, cách một hai đời chủ hoặc quản lý trước, ở rìa sân nông trại cũ bên kia đồi, không xa căn nhà của Jack, để chứa cỏ khô, thay thế cho đống rơm hình dáng như ngôi nhà tranh, phủ bạt nhựa đen đặt bên đường chăn thả - đống rơm ấy giờ đang mục rữa, lớp nhựa đen thì bạc màu vì thời tiết, không còn độ bóng hay căng, không còn tiếng răng rắc khi gió thổi qua; kết cấu của nó giờ giống như da người già, như cánh hoa hồng đã phai màu.)
Thay đổi! Những ý tưởng mới, hiệu suất mới. Trước đây, bên lề đường, ngay lối vào sân trại sữa, từng có một bục gỗ đặt các thùng sữa - được làm cao vừa tầm để xe tải sữa có thể dễ dàng nhấc lên. Nhưng giờ sẽ không còn thùng sữa nữa. Sẽ có các bồn chứa lạnh, và sữa sẽ được thu gom bằng xe bồn.
Bên cạnh nhà kho vách kim loại trên đỉnh đồi, một chuồng bò lắp ghép khác được dựng lên, và cạnh đó là một tòa nhà vắt sữa hiện đại. Tòa nhà vắt sữa ấy - hay “sảnh” vắt sữa (nghe thật lạ lẫm) - là một công trình cơ khí. Nền bê tông của nó, đặt giữa một cánh đồng dốc, giống như một bệ xi măng. Nó có ống dẫn, đồng hồ đo và áp kế; và những người vận hành sảnh vắt sữa, những người lùa đàn bò lấm phân vào các ngăn hoặc lối rào, có đang vẻ chỉn chu của công nhân công nghiệp.
Họ lái xe lên sảnh vắt sữa trong những chiếc ô tô sặc sỡ (màu sắc nổi bật trên cao, tương phản với gam dịu của vùng đồi: xanh, nâu, đá phấn, và vào mùa đông là sắc tối mờ của những thân cây trụi lá). Những chiếc xe ấy, khi đỗ lại, góp phần khiến sảnh vắt sữa, nhà kho và chuồng bò lắp ghép mới kia trông chẳng khác gì một nhà máy nhỏ trên đỉnh đồi.
Sảnh vắt sữa rít lên giọng cơ giới và điện. Nhưng chuồng bò mới nhức mùi phân. Một phần đất được đào ra để làm móng cho sảnh vắt sữa đã bị đổ đống giữa phòng và con đường tráng nhựa; ở khu đất thải này, cỏ mọc dày và xanh, lẫn lộn với đám cỏ dại và vài nhánh lúa mạch lạc loài.
Những chiếc ô tô màu mè, tiếng vo vo và rít lên của máy vắt sữa (những con bò, dù lấm phân, giờ cũng chỉ còn là vật thể được máy móc điều khiển), những chàng trai căng thẳng, ý thức rõ về phong cách của mình - quần jeans, áo sơ mi, ria mép, xe hơi - tất cả là biểu hiện của một cái gì đó mới, cường điệu, đã bất thần trùm xuống chúng tôi.
Ngày hai lần, xe bồn chở sữa lại gầm rú leo lên đồi, theo con đường đã được trải lại, để hút sữa từ các bồn lạnh trong sảnh vắt sữa mới. Với những máy cày của nông trại và xe hơi của đám công nhân mới, đôi khi cuộc đi dạo trên con đường bên hàng cây chắn gió của tôi trở nên chẳng khác gì đi trên đường công cộng, phải để ý xe qua lại.
Trên con đường công cộng, ngôi nhà mái tranh với bức tường sơn hồng và hình chim trĩ rơm trên đỉnh mái đã mất đi chút gì đó trong vẻ nguyên sơ của nó. Khi tôi mới thấy, nó thật xinh, như một tấm bưu thiếp, như một điều gì đó người ta luôn mang trong ký ức - với hàng rào hoa hồng và những cửa sổ nhỏ bóng loáng. Tôi chắc rằng người chủ trại sữa cũng từng thích ngôi nhà ấy nhưng, cũng như tôi thuở đầu, ông hẳn đã xem vẻ đẹp của nó như một thuộc tính tự nhiên của cảnh đồng quê; ông đã sống trong căn nhà ấy như thể sống trong một ngôi nhà nào đó ở thị trấn nơi ông từng rời đi, không có cảm giác mình hay gia đình mình nợ ngôi nhà họ đang sống điều gì, vì cả đời ông đã quen nghĩ rằng nhà cửa - kể cả nơi ông sống - đều thuộc về người khác. Bồn rửa, nồi niêu xoong chảo, giấy vụn, lon thiếc, hộp rỗng bị bỏ lăn lóc trong vườn, và một số thứ vẫn còn ở đó ngay cả sau khi ông và gia đình đã đi.
Giờ đây, một phần hàng rào hoa và rào dây thép đã bị dỡ bỏ để ô tô của cặp vợ chồng mới có thể đậu gọn vào sân, tránh khỏi đường công cộng. Chiếc xe hơi rất quan trọng với những người mới đến, quan trọng hơn cả ngôi nhà. Họ là vợ chồng trẻ, chưa có con, và họ cư xử với ngôi nhà theo cách hoàn toàn mới. Đó là nơi trú ngụ, không hơn: một chỗ trú tạm cho một công việc tạm thời. Người vợ thường phơi nắng ngoài vườn trước mỗi khi có thể và có lẽ vì thế mà cửa trước thường xuyên mở toang. Cánh cửa mở ấy khiến người ta bất an một cách khó hiểu.
Ngôi nhà như nơi trú ngụ tạm thời chứ không phải nơi có thể truyền giao (hay mạo hiểm truyền giao) cảm xúc hay hy vọng - thái độ của cặp vợ chồng trẻ dường như phản ánh một thái độ mới, phổ biến hơn đối với đất đai. Với những người lao động mới, đất đai đơn giản chỉ là thứ để canh tác. Và với máy móc trong tay, họ canh tác đất như thể muốn biến mọi gồ ghề tự nhiên thành những đường thẳng hay những đường cong được san phẳng, phân cấp.
Một ngày, tôi thấy một cái lu nặng và rộng được kéo bởi máy cày băng qua một cánh đồng cỏ non - dù là cỏ non nhưng đã khá cao và mởn. Cái lu như đang nghiền nát thân cỏ, tạo ra, như thể từ cõi u linh, hiệu ứng của một bãi cỏ hai màu. Để làm gì vậy? Người thanh niên tôi hỏi dường như bối rối. Có lẽ anh ta không hiểu tôi đang nói gì. Anh lẩm bẩm điều gì đó mà tôi không nghe ra - phong thái thường ngày của anh ta dường như sụp đổ đúng vào khoảnh khắc mở miệng (khiến tôi nhớ đến giọng nói như nghẹn lại, những tiếng ồm ồm như gắt trong cổ họng của cha vợ Jack: “Chó? Chó à? Làm bọn chim trĩ phát hoảng.”). Ngay cả khi anh ta giải thích cho tôi, nghe vẫn chẳng có gì hợp lý. Cỏ non bị đè nát, anh ta nói, để kích thích cho mọc mạnh hơn.
Một người khác, vào một ngày khác, thì bảo rằng lăn lu là để ép đá lửa của Wiltshire xuống đất, để sau này khi thu hoạch, cỏ có thể được cắt mà không làm hỏng máy. “Một viên đá lửa Wiltshire thôi,” anh ta nói - và đám đá lửa của Wiltshire, của những triền đồi tôi đi bộ mỗi ngày, bỗng được gán cho tầm quan trọng và sự hiểm độc mà tôi chưa từng nghĩ tới - “có thể gây thiệt hại hàng nghìn bảng cho một chiếc máy như thế này.”
Tôi đặc biệt chú ý đến một cái máy mới. Nó ép rơm thành những cuộn lớn, trông như những chiếc bánh cuộn Thụy Sĩ khổng lồ làm từ cỏ khô. Những cuộn ấy to đến mức một người không thể nhấc lên hay gỡ ra được, phải dùng đến một cái máy khác ghê gớm không kém - một cỗ máy càng sắt giống như đuôi bọ cạp khổng lồ. Một kho chứa những cuộn rơm như thế - xếp thành hai tầng, như để dự trữ cho một mùa đông sử thi - được lập ở một chỗ xa các công trình nông trại cũ, trong một thung lũng không có hàng rào và đầy đá lửa, nằm lệch về phía con đường chăn thả, ngay dưới ngọn đồi có lũ chiền chiện và những gò mộ, nơi mà từ đỉnh đồi, người ta có thể bất ngờ nhìn thấy Stonehenge rất gần.
Thế là có ba kho chứa cỏ khô ở ba nơi khác nhau: những cuộn bánh Thụy Sĩ ở đây, những kiện cỏ màu vàng hình hộp chữ nhật trong nhà kho mới ở rìa sân nông trại cũ và những kiện cỏ cũng hình chữ nhật trong đống rơm mục nát ở giữa đoạn thẳng của con đường chăn thả. Những cuộn bánh Thụy Sĩ ấy để làm gì? Có lợi thế gì so với kiểu kiện truyền thống? Tôi không biết, mãi cho đến nhiều năm sau, khi chương đời này của tôi đã khép. Những kiện kiểu cũ được buộc chặt bằng máy cuốn, phải được cạy ra bằng tay rồi trải ra cho bò ăn. Còn những cuộn lớn kia thì chỉ cần tháo ra; một cỗ máy có thể làm xong việc đó chỉ trong vài phút.
Quả là tinh vi! Nhưng có lẽ quy mô ấy - đối với một nông trại - là không thích hợp. Có lẽ thời gian ngày ngày không nên trở nên quý giá đến thế. Có lẽ khi các quy trình khắt khe như thế, chúng cũng sẽ dễ dàng trật nhịp. Một mắt xích đứt - mà công việc của con người vốn luôn có khả năng sai sót - cũng có thể khiến toàn bộ vận hành lệch khỏi quỹ đạo.
Mọi thứ mà nông trại mới làm đều ở quy mô lớn. Một hố ủ cỏ khổng lồ đã được đào ở chân đồi, ngay bên kia con đường từ hàng cây chắn gió, không xa các căn nhà nhỏ. Chỉ có một yếu tố còn vẻ cũ kỹ trong cái hố cỏ ấy: nó được phủ bạt nhựa đen, và những vật được dùng để giữ cho tấm bạt ấy nằm yên, căng chặt, lại chính là những thứ mà theo kinh nghiệm của tôi vẫn luôn được dùng cho việc đó: lốp xe cũ. Họ đã mua lốp với số lượng khổng lồ. Phải hàng trăm chiếc đã được dùng và hàng trăm chiếc nữa nằm rải rác ở đáy thung lũng, trên con đường chăn thả, ngay phía đối diện nơi từng là bãi thả ngỗng của Jack. Những lốp ấy, cùng cái hố ủ cỏ mới sâu hoắm, tường được chống bằng những ván gỗ lớn, những ụ gạch đá thải ra trong quá trình đào hố và dòng phụ gia ủ cỏ màu nâu sẫm rỉ ra từ đáy: tất cả khiến phần con đường chăn thả ấy mang dáng vẻ của một bãi rác - ở đó, khi Jack còn sống, lũ ngỗng và vịt vẫn thong dong đi lại.
Những người làm nông trại cũ ban đầu sẽ có chút dè dặt với người lạ, xem xét sơ, rồi sau đó là một thứ thân thiện lặng câm - kiểu hòa nhã của những nông dân đã quen ngồi một mình hàng giờ trên máy cày ngoài đồng. Còn các công nhân mới - họ giống như dân thành thị sống ở nông thôn, dân thành thị đến làm việc trong một chốn rộng hơn - thì không có kiểu thân thiện đó. Họ không đến thung lũng để gắn bó. Họ tự xem mình là người mang một loại công việc và kỹ năng mới; họ gần như những lao động nông nghiệp di cư - những kẻ luôn trong chuyển dịch. Đã có không ít người đến rồi lại đi.
Tôi chưa từng nhận được một nụ cười từ bất kỳ ai trong số những người dọn vào nhà Jack sau khi vợ ông chuyển đi. Bà từng nói về nhóm hàng xóm đầu tiên của mình rằng họ là những người “trưởng giả,” quan tâm đến bãi cỏ và ngựa hơn là những khu vườn nhà tranh cổ xưa. Sau một vài đợt đến rồi đi, đúng là có những người như thế định cư trong nhà của Jack.
Nhà kính của ông - từng được mua như từ một cuốn danh mục đặt hàng, từng xanh rờn những dây leo lủng lẳng - giờ trống trơn, kính phủ bụi và nước mưa mờ đục, khung gỗ bạc màu. Một ngày, nhà kính cũng bị tháo dỡ, để lộ nền bê tông bên dưới. Khu vườn cầu kỳ, với tất cả những việc tốn thời gian, bị san phẳng. Những gì còn lại chẳng đòi hỏi nhiều chăm sóc. Không còn cây hoa mùa vụ; không còn cuộc xới đất dưới gốc cây táo gai; không còn hoa delphinium vào hè. Mọi thứ bị san bằng, chỉ trừ hai ba bụi hồng và vài cây táo mà Jack từng tỉa cho tán xòe ở ngọn, mọc từ một thân dày và thẳng. Mặt đất được phủ cỏ. Hàng giậu - trước đây cắt tỉa gọn gàng ở ngọn, gốc bám đầy bùn và từng là ranh giới nửa vời giữa khu vườn và con đường nông trại đầy rãnh - giờ bắt đầu mọc vươn thành những bụi cây lớn.
Hơn bao giờ hết, những căn nhà nhỏ dường không còn phân biệt đâu là trước, đâu là sau. Chúng đứng giữa một vùng đất trống không hình dạng. Mọi thứ phản ánh con người và thái độ của họ đối với nơi chốn. Nó cũng phản ánh kiểu canh tác mới - lý trí bị đẩy đến cực đoan, đất bị tước hết sự thiêng - giống như cách ngôi nhà mái tranh màu hồng bên đường công cộng, từng xinh đến thế với hàng rào hoa hồng, bị tước mất bầu không khí của một mái ấm bởi những người chỉ xem nó như chỗ trú tạm thời.
Nhưng có lẽ đó chỉ là cách nhìn của riêng tôi. Tôi đã từng - một thời gian ngắn - biết đến đoạn thẳng của con đường chăn thả khi nó còn mở và không có hàng rào. Nó đã được rào chia đôi ngay trong năm đầu tiên tôi ở đây và vẫn giữ như thế, nhưng tôi luôn mang ký ức về cảnh cũ. Tôi hình thành cảm tri về các mùa qua việc quan sát khu vườn của Jack, rồi kết hợp với những biến chuyển trên sông và bên bờ sông dinh thự. Nhưng vẫn còn những cách nhìn khác. Jack, chính ông, với sự chăm chút dành cho một hàng giậu vô nghĩa - chạy dọc suốt khu vườn rồi đột ngột dừng - chắc chắn đã thấy điều gì đó khác.
Và có lẽ lũ trẻ của những người mới chuyển vào nhà Jack cũng nhìn mọi thứ theo cách khác. Chúng học tiểu học ở Salisbury. Buổi chiều, xe buýt đưa chúng về và thả xuống đường công cộng; mẹ chúng đến đón bằng ô tô. Nhiều lần trong những buổi dạo chiều, tôi phải nép mình trên con đường lát đá để nhường chỗ cho xe của cô ta đi qua. Cô ta chưa bao giờ có lấy một dấu hiệu thừa nhận tôi đã nhường đường; cô ta hành xử như thể con đường ấy là đường công cộng và xe của mình đương nhiên có quyền ưu tiên. Và tôi cũng chưa bao giờ thật sự để tâm hay quan sát kỹ xem cô ta là người thế nào. Đối với tôi, cá tính của cô ta chỉ hiện ra qua màu sắc và hình dáng cái xe - lao lên hoặc lao xuống đồi, đi đón con hoặc chở con về.
Tôi nghi ngờ rằng trước đây đã từng có đứa trẻ nào trong những ngôi nhà nhỏ kia được đón từ xe buýt như thế. Không biết những hình ảnh nào về thời gian sống dưới đáy thung lũng này - dù chỉ là một quãng ngắn - sẽ còn lưu lại trong ký ức chúng! Những đõi nhìn mênh mông, ký ức về sự trống vắng trải dài, theo con đường chăn thả rộng lớn và những triền đồi đá lửa!
Dưới chân con đường lát đá chạy xuống đồi, đối diện với hố ủ cỏ, có một lối mòn hẹp, ít người dùng đến, cỏ mọc um hầu như chẳng còn thấy rõ con đường chạy dọc theo một hõm đất giữa những triền đồi đến một công trình nông trại bỏ hoang - đã bạc màu khó nhận ra, có lẽ là từ thế kỷ trước. Một chiều thứ Bảy, khi bọn trẻ không phải đến trường và không đi xe buýt, tôi thấy chúng - lũ trẻ từ căn nhà cũ của Jack - đang chơi trong lối mòn ấy. Như những đứa trẻ thời tiền sử, giữa một cõi cô tịch rộng lớn. Nhưng chúng lại chơi giữa những chiếc lốp xe thừa ra từ hố ủ cỏ (một vài đã được biến thành đồ chơi, những cái bè tưởng tượng để bơi); giữa những bờ đất bạc dần và đống gạch đá đào lên lổn nhổn, cỏ dại xanh bợt lác đác xen những chùm hoa vàng rực, giữa những khối bê tông còn sót lại từ cuộc xây dựng.
(còn nữa)
Anh Hoa dịch