Melville: Người kéo vĩ cầm
Vậy là thơ tôi tận mạng, và danh bất diệt chẳng thuộc về tôi! Từ giờ tôi chẳng là ai và sẽ như vậy đến suốt kiếp. Một phần số không sao dung chịu nổi!
Giật phăng chiếc nón, tôi ném tờ phê bình xuống, rồi lao ra phố Broadway, nơi hàng đoàn dài người đang xúm tụm đến một gánh xiếc phố bên, chỉ vừa mới khai rạp, nổi tiếng nhờ một gã hề cừ khôi.
Một chốc bạn cũ Standard tôi có chiều om sòm mà chạy xộc tới chỗ tôi.
“Ơ kìa, Helmstone, cậu đấy ư! Ủa! sao thế kia? Mới gây án sát nhân đấy à? Hay đang chạy trốn pháp luật? Trông cậu thất kinh lắm!"
“Cậu thấy rồi à?” tôi hỏi, dĩ nhiên là chỉ đến bài phê bình kia.
“Ờ phải; tớ đã ở đây từ tận suất diễn sáng. Gã hề cừ lắm, thề với cậu. Mà Hautboy đang tới kìa. Hautboy – Helmstone.”
Chưa kịp có thì giờ hay lòng dạ đâu mà bực tức một nhầm lẫn nhục nhã nhường ấy, tôi liền dịu lại ngay tắp lự khi nhìn lên mặt mối sơ giao vừa được giới thiệu bỗ bã kia. Bộ anh thấp, đậm với một vẻ lanh lợi, hoạt bát toát ra. Nước da anh au au đỏ như người miền quê; con mắt anh chân thành, tươi, và xám. Chỉ có mái tóc là làm lộ ra rằng anh đã chẳng còn là một cậu trai lớn xác. Từ tóc ấy mà tôi đồ rằng anh ta ít gì cũng phải ngoài bốn mươi.
“Nào, Standard,” anh ta hồ hởi gọi bạn tôi, “cậu không đến xem xiếc à? Người ta bảo tay hề là có một không hai đấy. Đi thôi nào; cả anh Helmstone, luôn – cả hai người; rồi xiếc xong thì ta ghé tiệm Taylor làm bữa đồ hầm với ly punch[1].”
Lòng dung dị sáng ngời, tính vui và khuôn diện au au đỏ chân thành của mối sơ giao tuyệt đối lạ kỳ này động đến tôi tựa hồ ma thuật. Dường chỉ đơn thuần là tùy tòng với bản chất con người khi nhận lấy lời mời từ một trái tim hiền từ không lỗi không lầm và lương thiện nhường ấy.
Con mắt tôi suốt lúc xiếc diễn dán lên Hautboy nhiều hơn là lên gã hề. Hautboy là cảnh tôi muốn thấy. Sự hân hưởng thuần thành như thế làm tôi ngỡ ngàng đến tận tâm hồn với một cảm giác về thực tại của cái gọi là hạnh phúc. Miếng hài của gã hề dường làm lưỡi anh cong lên tấm tắc như ăn được magnum bonum[2] mọng ngon. Khi thì chân, khi lại tay, luôn được anh lấy làm vật chứng cho sự tán dương hậu hĩ. Hễ có cú nào hay hơn thường, anh quay sang Standard và tôi để xem xem mình có được cùng chia niềm khoái trá hiếm hoi ấy chăng. Nơi một người đàn ông bốn mươi tôi thấy được một cậu bé đôi sáu; vậy mà trong cái nhìn ấy, sự kính trọng của tôi nào có bớt đi. Bởi lẽ mọi thứ đều chân thật và tự nhiên, từng biểu cảm và sắc thái đều thật duyên dáng với chân-chất khéo thật, đến độ cái vẻ lanh lợi diệu kỳ của Hautboy dường lĩnh lấy một loại khí thánh thần bất diệt, như một vị thần Hy Lạp vĩnh viễn xanh xuân vậy.
Nhưng dù tôi có đăm đăm dõi Hautboy suốt như thế nào, và dù tôi tôi có mến mộ bầu không của anh nhiều ra sao, tâm trạng tuyệt vọng khiến tôi phải tức tốc lao ra khỏi nhà thoạt đầu vẫn chưa thực sự tan hết để mà không quấy nhiễu tôi với những cơn dội thoáng chốc. Nhưng từ những lần tái phát như vậy tôi sẽ lại bứt mình ra và đảo mắt nhìn quanh đấu trường rộng lớn đầy những mặt người thích chí và hoan nghênh. Nghe kìa! tay vỗ, chân giậm, miệng hú hét điếc tai; đại hội sao tất bật tung hô; và thứ chi, tôi ngẫm ngợi, gây lên những sự ấy? Ồ, chỉ là gã hề nhăn mặt hài với một cái nhăn nhở thêm vào.
Đoạn tôi nhẩm lại trong đầu đoạn siêu phàm trong bài thơ của mình, trong đoạn ấy Cleothemes thành Argos biện hộ cho lẽ công bình của cuộc chiến[3]. Phải, phải, tôi tự nghĩ, giờ mà tôi nhảy vào giữa đấu trường kia và ngâm lại đoạn ấy, không, phải là diễn lại cả thiên bi kịch ấy trước mặt họ, thì liệu họ có tung hô nhà thơ như họ tung gã hề không? Không đời nào! Họ sẽ gào ầm lên, rồi gọi tôi là gàn hoặc điên. Vậy việc này chứng tỏ điều gì? Sự say mê của ngươi hay vô cảm năng của họ? Có lẽ cả hai, nhưng hẳn nhiên là cái đầu tiên. Nhưng cớ gì mà ta thán? Ngươi đi tìm sự mộ phục từ những kẻ mộ một thằng hề sao? Hãy nhớ lấy lời của Athen nhân nọ, người khi dân chúng tung hô ì ầm trong diễn đàn, đã hỏi thầm một người bạn rằng, mình mới thốt ra cái thứ ngu xuẩn gì vậy?[4]
Rồi mắt tôi lại quét quanh trường xiếc, đậu lên quầng đo đỏ trên dung diện Hautboy. Nhưng sự thích chí thật tâm sáng trên đó liền khinh lấy cái khinh của tôi. Lòng kiêu ngạo không dung của tôi bị giáng một đòn. Ấy vậy mà Hautboy chẳng hay chẳng biết gì về cái ma thuật quở trách một tâm hồn như tôi đang ngự trên vầng trán cười của anh. Ngay khắc tôi thấy mũi lao quở ghim vào mình, mắt anh ánh lên, tay anh vẫy, giọng anh cất vang trong niềm khoái trá hăm hở trước một miếng hài khác của gã hề vô tận hạn kia.
Hết xiếc, chúng tôi đến quán Taylor. Giữa bao người chen chúc, bọn tôi vào mâm hầm và làm mấy ly punch ở một trong mấy bàn đá nhỏ. Hautboy ngồi đối diện tôi. Dù đã ngớt cơn rộn khi nãy, mặt anh hãy còn loáng nét sướng vui. Song vẫn chưa hết, ở đây lại nảy ra một tính chất khác nãy giờ chưa lộ rõ: một biểu hiện thanh thản nhất định của sự khôn sáng nhàn nhã, sâu thâm. Hòa nhã và khôn sáng trong anh nối tay nhau. Khi cuộc chuyện trò giữa Standard sôi nổi và anh ta diễn ra – bởi tôi nói chỉ đôi ba câu và gần như là chẳng nói gì – tôi lại càng ngỡ ngàng trước năng lực đánh giá bén sắc mà anh ta tỏ. Trong hầu hết các nhận xét của mình về đủ loại chủ đề, Hautboy dường theo đường trực quan mà bước đến ngay điểm cân bằng giữa nhiệt tâm và lãnh đạm. Rõ ràng là Hautboy thấy thế giới đúng như vậy đấy, nhưng anh chẳng tán tụng suông bên mặt sáng rỡ và cũng chẳng ngợi ca mặt tối của nó. Khước từ mọi loại giải pháp, anh chỉ công nhận các sự thật. Những nỗi buồn của thế giới anh không cạn nông chối bỏ; niềm vui của nó anh cũng chẳng gièm pha nghi kỵ; và thảy những thứ gì cá nhân anh thấy mình hưởng thích, anh lĩnh vào tim mình với lòng biết ơn đầy tràn. Rõ ràng là, nếu vậy – ít nhất là trông nó như vậy vào lúc ấy – thì sự hoan hỉ phi thường của anh chẳng hề khởi phát từ sự thiếu cảm xúc hay suy tư.
Chợt nhớ ra một cuộc hẹn, anh đội nón lên, hòa nhã cúi chào rồi rời bọn.
“Thế nào, Helmstone,” Standard nói, khe khẽ nhịp tay trên phiến đá, “cậu thấy sao về mối sơ giao mới?”
Bốn chữ cuối vang lên với một âm hưởng lạ lùng và mới mẻ.
“Kì thực là mối sơ giao mới,” tôi ngân lên. “Standard này, tớ nợ cậu cả ngàn lời tạ vì đã giới thiệu tớ cho người phi thường nhất mà tớ từng thấy. Phải có con mắt thịt của một người như thế mới tin nổi khả thể của tồn tại anh ta.”
“Vậy cậu thích anh ấy, nhỉ,” Standard buông một câu giễu khô khan.
“Tớ yêu và mộ anh ta lắm, Standard. Tớ ước sao mình là Hautboy.”
“Ấy à? Tiếc thay. Đời chỉ có một Hautboy thôi.”
Câu nói ấy khiến tôi liền trầm ngâm trở lại, và có chiều vực dậy tâm trạng tăm tối trong tôi.
“Cái sự hoan hỉ kỳ diệu ấy, tớ đoán,” tôi nói, cười chua chát, “bắt nguồn chẳng những từ một tính khí khéo hợp tình mà còn từ một vận may khéo ứng. Sự khôn sáng lớn của anh ta thì khỏi phải bàn; nhưng sự khôn sáng lớn đâu nhất thiết phải tồn tại cùng thiên tư siêu phàm. Không, tớ thấy là, trong vài trường hợp, sự khôn sáng ấy chẳng qua là do thiếu vắng những thiên phú đó thôi. Hoan hỉ, lại càng thêm vậy. Vô khả hữu thiên tư, ấy là Hautboy đời đời được phước.”
“Ấy à? Vậy cậu chẳng thấy anh ta là thiên tài phi phàm gì, phỏng?”
“Thiên tài? Trời đất! một gã thấp lùn béo tốt như vậy mà là thiên tài! Thiên tài, phải như Cassius[5], gầy hao.”
“Ấy à? Nhưng bộ câu không tưởng gì tới chuyện Hautboy xưa kia cũng từng là thiên tài, nhưng may sao đã giũ bỏ được nó, rồi mới nên da nên thịt như thế sao?”
“Thiên tài mà bỏ được thiên tư thì cũng vô phương ngang ngửa với một kẻ mắc lao phổi nặng mà tự dưng khỏi bệnh vậy.”
“Ấy à? Nghe cậu quả quyết quá nhỉ.”
“Phải, Standard,” tôi thốt lên, lại càng chua chát, “Hautboy tươi vui của cậu, suy cho cùng, chẳng phải gương mẫu, chẳng phải bài học gì với cậu và tớ. Với năng lực chỉ ở mức thường thường: ý kiến rõ ràng bởi viên vi có chừng dục vọng ngoan ngoãn bởi chúng yếu ớt, tính khí vui bởi anh ta sinh ra vốn thế – làm sao mà Hautboy của cậu có thể làm một tấm gương hữu lý cho người chân tay như cậu, hay kẻ mơ mộng cao xa như tớ? Không điều gì cám dỗ anh ta vượt ra giới hạn thường; trong anh ta lại cũng chẳng có gì để phải chế ngự. Bởi thiên tính mà anh ta được miễn khỏi mọi mối nguy đạo đức. Giả tham vọng từng xui giục anh ta, giả anh ta được một lần nghe tay người ta vỗ hoặc nếm mùi khinh bỉ, thì hẳn Hautboy của cậu đã là một con người rất khác. Tuân phục và bình tịnh từ nôi cho đến mộ, hiển nhiên là anh ta chỉ nhẹ lướt qua đại đồng.”
“Ấy à?”
“Sao cậu cứ Ấy à lên lạ lùng như thế mỗi khi tớ nói vậy?”
“Cậu nghe đến Master Betty bao giờ chưa?”
“Thần đồng nước Anh, xưa kia lấn át Siddons lẫn nhà Kemble tại rạp Drury Lane, và làm cả trấn tung hô điên cuồng đó sao?”[6]
“Chính vị ấy,” Standard nói, lại nhịp tay trên mặt đá.
Tôi nhìn cậu ta với vẻ bối rối. Cậu ta trông cứ như đang giữ chiếc chìa khóa chủ chốt của cuộc đối thoại này trong sự dặt dè bí hiểm; dường vứt cái tên Master Betty ra chỉ để khiến tôi rối trí thêm.
“Rồi Master Betty trên cao xanh kia, thiên tài vĩ đại, thần đồng và là một thằng bé mười hai tuổi người Anh, thì can hệ gì với với một kẻ chân đất tay bùn Hautboy dưới này, một người Mỹ tuổi đã bốn mươi?”
“Ôi, có can hệ gì đâu. Tớ còn nghĩ họ chưa bao giờ thấy mặt nhau nữa là. Vả lại Master Betty thì đã phải xanh cỏ từ lâu rồi.”
“Vậy hà cớ gì phải băng biển, quật mộ để lôi đống xương tàn của ông ta vào cuộc bàn luận sống này?”
“Tớ đãng trí đó, chắc vậy. Tớ thành thật xin lỗi. Cậu cứ tiếp tục nêu quan điểm của cậu về Hautboy đi. Cậu cho rằng anh ta chẳng bao giờ có thiên tư, quá bằng lòng, quá sung sướng và quá mập để có thứ ấy – phỏng? Cậu nghĩ anh ta chẳng là gương gì cho người đời? chẳng cho một bài học nào có giá trị cho những công trạng bị lạnh nhạt, thiên tài bị ngó lơ, hoặc sự tự phụ bất lực bị quở trách? – mà thảy ba điều đó đều là một. Cậu mộ phục sự hoan hỉ của anh ta nhưng lại khinh tâm hồn thường tầm của anh. Hautboy tội nghiệp, nghĩ mà buồn khi chỉ vì cái sự hoan hỉ đó thôi mà cũng, khi không, phải hứng lấy khinh bỉ.”
“Tớ không nói là tớ khinh anh ta; cậu nói vậy là sai đấy. Tớ chỉ bảo là anh ta chẳng phải là gương mẫu gì cho tớ.”
Một tiếng động đột ngột bên cạnh khiến tôi phải giật mình đưa tai. Quay người lại, tôi thấy Hautboy, một lần nữa vui vẻ ngồi vào chiếc ghế anh vừa rời đi.
“Tớ trễ mất cuộc hẹn,” Hautboy nói, “nên nghĩ thà quay lại nhập bọn với mấy cậu còn hơn. Mà thôi, mấy cậu ngồi đây đủ lâu rồi. Ta hãy về phòng tớ chơi. Cách có năm phút bộ thôi.”
“Hứa chơi vĩ cầm cho bọn tớ đi, rồi bọn tớ đến,” Standard nói.
Vĩ cầm ư! tôi nghĩ – thế hóa ra anh ta là một tay kéo vĩ cầm quèn sao? Thảo nào thiên tư lại chê mà chẳng buồn bước cùng nhịp với cây vĩ của người kéo. Nỗi chua chát trong tôi lại càng đậm hơn.
“Tớ chơi tới khi mấy cậu chán thì thôi,” Hautboy đáp. “Đi nào.”
Trong độ vài phút, bọn tôi đã có mặt tại tầng năm của một tòa nhà thuộc kiểu nhà kho, nằm trên một con phố nhỏ ăn ra phố Broadway. Gian phòng bày biện đủ thứ nội thất lạ lùng dường thu được, từng món một, ở phiên đấu giá đồ gia dụng lỗi thời. Nhưng nhìn chung tất cả đều sạch sẽ và ấm cúng theo một lối khéo duyên.
Bị Standard giục, Hautboy liền vớ lấy cây vĩ cầm cũ méo cong ra, ngồi xuống một ghế đẩu cao cót két, rồi hăng hái chơi ngay bài “Yankee Doodle” và đủ những khúc ngẫu hứng, phóng khoáng, khinh khỉnh mặc kệ mọi sự. Nhưng dù những điệu ấy tầm thường là vậy, tôi vẫn ngơ ngác như bị mội thứ gì đó siêu vượt diệu kỳ nơi phong cách đâm xuyên. Ngồi đên trên chiếc ghế cũ, cái nón sờn trên đầu anh lệch một bên, một chân lơ lửng, anh ta vung cây vĩ như một pháp sư làm phép mê. Mọi sự bất mãn u uất, từng vết tích bực dọc, tan đi. Tâm hồn tuyền buồn bực của tôi chịu quy phục trước cây vĩ cầm thần kỳ ấy.
“Cứ như Orpheus, ấy ha?” Standard nói, tinh nghịch thúc cùi chỏ vào sườn trái tôi.
“Còn tớ, chính là chú Bruin bị mê hoặc,”[7] tôi lẩm bẩm.
Tiếng vĩ cầm dứt. Một lần nữa, với cơn tò mò dâng cao gấp bội, tôi nhìn lên Hautboy ung dung, dửng dung ấy. Nhưng anh dập ngấm hết mọi nỗ lực dò xét.
Đoạn, rời khỏi chỗ anh ta, Standard cùng tôi lại bước xuống phố, tôi khẩn thiết nài cậu nói cho tôi biết sự thật chân xác, Hautboy kỳ lạ này là ai.
“Này, bộ cậu chẳng thấy tận mắt rồi đó sao? Và chẳng phải chính cậu đã tự mình phanh mổ anh ta trên mặt bàn đá ở quán Taylor đó sao? Vậy cậu còn muốn biết gì nữa? Hẳn nhiên, nội quan tinh tường của chính cậu đã nhìn thấu mọi sự rồi đấy.”
“Cậu móc mỉa tớ, Standard à. Vẫn còn gì đó bí ẩn ở đây. Nói tớ biết đi, tớ xin cậu đấy, Hautboy rút cục là ai?”
“Một thiên tài phi thường đấy, Helmstone,” Standard nói, với nhiệt khí thình lình, “người vào thời trai tráng đã uống cạn bình vinh quang, kẻ mà mỗi bước chân từ thành này sang thành khác là một bước khải hoàn đến khải hoàn. Người đã nên một đối tượng để các bậc hiền nhân kinh ngạc, để những giai nhân cưng nịnh, lãnh sự tôn kính giữa thanh thiên bạch nhật của ngàn này đến ngàn khác chúng dân. Vậy mà nay anh ta bước giữa phố Broadway và chẳng ai biết tới. Cũng như cậu với tớ, bị cùi chỏ của những ký lục hối hả và cây sào của chiếc buýt ngựa chẳng xót thương ai xô đi. Anh là người từng trăm lần đội miện nguyệt quế triều thiên, nay lại đội, như cậu thấy đấy, cái mũ lông hải ly chùng bẹp. Một thời vận số trút mưa vàng vào lòng anh, cũng như mưa nguyệt quế lên trán. Nay, từ nhà này sang nhà khác anh ta tất tưởi, dạy vĩ cầm để kiếm sống. No nê danh tiếng một thuở, giờ anh vẫn vui mà chẳng cần đến nó. Mang thiên tư và không-màng danh tiếng, nay anh hạnh phúc hơn bậc đế vương. Giờ anh ấy mới là thần đồng hơn bao giờ.”
“Tên thật của anh ta là gì?”
“Để tớ nói nhỏ vào tai cho nghe.”
“Sao cơ! Ơ, Standard, hồi bé tôi gào khản cổ cái tên đó mà hoan hô trong nhà hát đấy!”
“Tớ nghe thấy chuyện bài thơ không được đón nhận đẹp lòng của cậu rồi,” Standard nói, đột ngột đổi chủ đề.
“Đừng nhắc tới chuyện đó, Cao Xanh ơi!” tôi thốt lên. “Nếu Cicero, khi ông đến phương Đông, đã tìm được nguồn an ủi cảm thông cho nỗi đau buồn từ việc chứng kiến cảnh đổ nhào khốc liệt của một thành bang xưa kia diễm lệ, thì cái chuyện cỏn con này của tớ có là gì, khi trông thấy ở Hautboy những dây nho và mân côi leo trên hàng cột nát trụ tan của ngôi đền Danh Vọng anh ta điêu tàn?”
Hôm sau tôi xé hết mọi bản thảo của mình, mua một cây vĩ cầm, và đến học đàn bài bản chỗ Hautboy.
Gia Hải dịch
________
1. Punch là một loại đồ uống, pha từ nước ép các loại cam chanh, gia vị như hồi hoặc quế, đường, và một lượng rượu tinh vừa phải như rhum hoặc brandy.
2. Tiếng La-tinh trong nguyên văn. Magnum bonum có nghĩa là “điều tốt đẹp lớn.” Bắt đầu từ thể kỉ 18 - 19, cụm từ này được đùng để chỉ cho bất cứ loại trái cây, rau củ nào mà to và mọng nước. Hiện nay cụm này được dùng chủ yếu để gọi một giống táo.
3. Người dịch không tìm thấy một nhân vật nào tên Cleothemes thành Argos, và nếu có cái tên nào gần giống như thế thì đó là vua Cleomenes, nhưng là vua thành Sparta. Người dịch nghĩ rằng, rất có thể tác giả đã để Helmstone dùng một cái tên sai như thế nhằm chỉ ra sự vô năng của anh ta trong việc sáng tác thơ ca.
4. Giai thoại về một lần đăng đàn (Agora) của Demosthenes.
5. Tức Gaius Cassius Longinus (86? – 42 TCN), vị tướng La Mã nổi tiếng dưới thời Julius Caesar, với việc là một trong người chủ mưu ám sát Caesar. Lời Caesar trong vở Shakespeare dựng về ông, màn I cảnh 2, nói rằng: “Yond Cassius has a lean and hungry look; He thinks too much: such men are dangerous.”
6. Master Betty (1791–1874), còn gọi là "Young Roscius", thần đồng sân khấu nước Anh. Mrs. Siddons, tức Sarah Siddons, một nữ diễn viên kịch nổi tiếng cuối thế kỉ 18, được mệnh danh là một muse của bi kịch, nổi tiếng vào thời ấy với vai Lady Macbeth do bà diễn. Bà thuộc gia đình Kemble, có cha mẹ và các em cũng tiếp nối nghề diễn viên kịch. Drury Lane là một nhà hát nổi tiếng ở London, thành lập từ thế kỷ 17, là trung tâm biểu diễn kịch nói và opera của Anh suốt nhiều thế kỷ. Hiện nay vẫn còn tồn tại.
7. Orpheus có tài chơi đàn lyre, và khi anh chơi, như Ovid kể, cây cối, chim muông, thú hoang, đều kéo đến chỗ anh mà nghe. Bruin là tên của con gấu trong truyện cổ Reynard the Fox của văn hóa các nước Hà Lan, Đức, Pháp. Sau này Bruin là một cách gọi văn chương dành cho gấu, hoặc khi cần nhân hóa con gấu. Ở đây Helmstone chỉ mượn tên ấy để gọi mình, chứ trong truyện về Orpheus chơi đàn lia giữa rừng thì không xuất hiện con gấu, và nếu có thì cũng sẽ không dung tên này để gọi.
Melville
Mardi (1849)
Jacket trắng (1850)
Người 'Gee (1853)
Người kéo vĩ cầm (1854)
Jimmy Rose (1855)
Ngắn (1855-1856)
Cúc-cà-cúc-cu (1856)
Tôi và ống khói của tôi (1856)