favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Madame de Sévigné: Mấy bức thư

23/08/2024 16:26

Thế kỷ 17 của nước Pháp - Thế Kỷ Lớn - không chỉ được làm nên từ các giọng đàn ông, mà còn đặc biệt có giọng của một phụ nữ: Madame de Sévigné, và giọng ấy, người ta có thể nghe rất rõ, vì nó được trình bày trong những bức thư. Các bức thư của Madame de Sévigné, nhất là thư gửi con gái của bà, Madame de Grignan, đã trở thành một kho báu trong lịch sử văn chương Pháp. Marcel Proust, trong Tìm thời gian mất, ngoài Racine nhân vật lớn của kịch nghệ thế kỷ 17, còn không ít lần nhắc tới thư của Sévigné: người bà của cậu bé là độc giả lớn của Sévigné, rất hay trích thư của Madame; khi người bà đã mất, người mẹ trở nên vô cùng giống người bà khi cũng bắt đầu hay trích thư của Madame.

 

 

 

Paris, thứ Sáu ngày 6 tháng Hai năm 1671

Nỗi đau buồn của ta sẽ thật tầm thường, nếu không tả được cho con; ta cũng sẽ chẳng bắt đầu đâu. Ta vô vọng tìm con thương của ta, mà nào thấy nữa, và mọi bước con đi đều đưa con lìa xa. Vậy là ta tìm tới Đức Mẹ [tu viện dòng Thăm ở faubourg St-Jacques, hiện không còn nữa], rền rĩ, như đang chờ chết: tâm ta, hồn ta như bị bứt đi; và thật thế mà, sự cách trở mới tàn bạo làm sao! Ta đòi được tự do ở riêng một mình; người ta đưa ta vào phòng bà Housset, nhen lửa cho ta; Agnes nhìn ta không nói, giao hẹn giữa hai chúng ta là thế; ta ngồi đó tới năm giờ, nức nở mãi không thôi: mọi ý nghĩ đều khiến ta chết đi được. Ta viết cho ông Grignan, giọng thế nào thì con hình dung được rồi đấy. Tiếp đó ta tới nhà bà La Fayette, và nỗi buồn đau của ta nhân lên gấp đôi, thêm phần bà vào nữa. Bà một mình, và đau yếu, và sầu muộn vì một bà xơ qua đời: bà đúng như những gì ta mong mỏi ở bà. Ông La Rochefoucauld tới; chúng ta chỉ nói chuyện về con, về nguyên do làm ta thống khổ, và về dự tính nói cho ra nhẽ với Merlusine [biệt danh của bà Marans, bà này nói xấu bà Grignan sau khi bà Grignan bị sảy thai]. Ta đáp lời con là bà ta sẽ không được yên đâu. Cha Hacqueville sẽ thuật lại cho con rõ. Mãi tám giờ ta mới từ nhà bà La Fayette về; nhưng vào tới đây, lạy Chúa tôi! con có hiểu được ta cảm thấy thế nào khi leo cầu thang này chăng? Căn phòng ta vẫn thường vào ấy, hỡi ôi! ta thấy cửa mở; nhưng ta thấy đồ đạc trống trơn, mọi thứ đảo lộn, và đứa con nhỏ tội nghiệp của con, gợi nhớ con ta. Con có hiểu ta sầu não thế nào chăng? Những lần thức dậy trong đêm thì tối đen, còn sáng ngày ra ta chẳng tiến được bước nào đặng giúp tâm trí được an. Buổi chiều qua đi cùng bà La Troche ngoài vườn hoa Arsenal. Tối đến ta nhận được thư con, thư lại lôi ta về những xáo động ban đầu, còn lá thư này, tối nay ta sẽ viết nốt ở nhà ông Coulange, ta sẽ nhận được tin con ở đó; bởi với ta, những gì ta biết là đây, cùng nỗi buồn đau của tất cả những ai con để lại nơi này. Thư sẽ tràn ngập những lời ca tụng nếu ta muốn. 

Tối thứ Sáu

Ta nhận được tin con ở nhà bà Lavardin như ta đòi con; và qua bà La Fayette ta biết rằng hôm qua bà cùng ông Larochefoucauld đã nói chuyện với Merlusine, chi tiết không dễ viết ra; nhưng cuối cùng bà này bối rối và phẫn nộ vì sự ghê rợn trong lối cư xử của chính mình, bị trách cứ không nể nang. Bà rất mực sung sướng với cách giải quyết chúng ta đề nghị, và thuận tình: đó là cẩn trọng im lặng, và đổi lại chúng ta sẽ không ép bà tới cùng. Con có những người bạn bảo vệ lợi ích của con rất nhiệt tình; ta chỉ thấy những người yêu quý con và đề cao con và dễ dàng đồng cảm với nỗi sầu muộn của ta. Ta chỉ còn muốn đến nhà bà La Fayette nữa thôi. Người khác sốt sắng tìm ta, chiếm lấy ta, và ta hãi chuyện ấy như hãi tử thần.

Ta cầu xin con, con thương của ta, hãy lo cho sức khỏe của con: hãy giữ sức khỏe vì tình yêu của ta, đừng buông mình cho những sự chểnh mảng tàn ác, thứ hình như làm người ta không bao giờ bình phục. Ta hôn con bằng lòng yêu không gì sánh nổi, bất kể mọi lòng yêu khác có là thế nào.

Hỉ sự của cô Houdancourt và ông Ventadour đã ký sáng nay. Cha Chambonnas sáng nay cũng được bổ đến tòa giám mục Lodève. Thứ Tư Madame la Princesse sẽ rời les Cendres đi Châteauroux, Monsieur le Prince muốn bà lưu lại đó ít lâu. Ông Marguerie có chân trong hội đồng của ông Estampes vừa mới qua đời. Bà Mazarin tối nay về đến Paris; nhà vua đã tự xưng là người bảo trợ của bà, và cho tìm bà về ở tu viện Lys bằng một sĩ quan và tám cận vệ cùng một cỗ xe ngựa ra trò.

Một chuyện bội bạc này sẽ không làm con chán đâu, chuyện mà ta muốn dùng khi nào làm sách về những sự vong ân bội nghĩa. Thống chế Albret đã thuyết phục bà Heudicourt không những làm trò lẳng với ông Béthune, người vẫn luôn bị ông thống chế ngờ vực, mà còn nói về ông Béthune và bà Scarron đủ mọi điều xấu xa con người ta có thể nghĩ ra được. Chẳng có nhiệm vụ đốn mạt nào là cô nàng không cố gắng làm cho người này kẻ nọ, và chuyện đã rõ quá mà, thành thử bà Scarron cũng như toàn bộ hôtel của giáo chủ Richelieu đều không nhìn mặt cô nàng nữa. Vậy là người phụ nữ này hỏng hẳn; nhưng cô nàng có niềm an ủi là tự mình không góp phần vào đó!

 

 

 

Paris, thứ Hai ngày 9 tháng Hai [năm 1671]

Ta nhận được các lá thư của con, con ngoan của ta, như con cũng đã nhận được nhẫn của ta; đọc thư con ta bật khóc; tim ta như muốn xẻ làm đôi; con như đang viết cho ta những lời thóa mạ hoặc như đang bị ốm hoặc gặp tai nạn vậy, trong khi hoàn toàn ngược lại kia mà: con yêu ta, con thương của ta, và cách con nói ra khiến ta không sao kìm được nước mắt tuôn rơi. Con tiếp tục chuyến đi không chút tai ương; và khi hay tin, đúng những gì dễ chịu nhất cho ta, thì tình trạng ta lại ra thế này. Vậy là con nghĩ đến ta, con kể với ta, và tình cảm dành cho ta con thích viết ra chứ không thích nói. Tình cảm ấy, dầu đến với ta cách nào cũng vậy, đều được đón nhận cùng lòng yêu và rung cảm mà phải ai người biết yêu như ta mới hiểu. Con khiến ta cảm thấy trước con tất cả những gì lòng yêu có thể cảm thấy; nhưng nếu nghĩ đến ta, con ngoan khốn khổ của ta, cũng hãy yên tâm là ta không thôi nghĩ đến con: ấy là ý nghĩ thông thường trong cách gọi của người sùng đạo; ấy là điều cần phải có trước Thượng đế, nếu chúng ta làm tròn bổn phận. Không có gì làm ta lãng đi; ta luôn luôn ở bên con; ta trông thấy cỗ xe liên tục tiến lên và không bao giờ lại gần phía ta: ta mãi ở trên những con đường lớn; ta thậm chí còn cảm thấy thỉnh thoảng mình như sợ xe bị đổ; trời mưa suốt ba ngày nay đẩy ta vào tuyệt vọng; sông Rhone gieo một nỗi sợ lạ lùng trong ta. Ta có một tấm bản đồ trước mặt; ta biết hết mọi địa điểm con ngủ lại: tối nay con ở Nevers, và chủ nhật con ở Lyon, lá thư này sẽ đến tay con ở đó. Ta chỉ viết được cho con đến Moulin, qua bà Guénégaud. Ta mới chỉ nhận được hai bức thư của con; bức thứ ba có lẽ sẽ tới; ấy là điều khuây khỏa duy nhất ta mong mỏi; những điều khác ta chẳng kiếm tìm. Ta hoàn toàn không có khả năng gặp nhiều người cùng một lúc; điều ấy có thể rồi sẽ đến, nhưng hiện giờ thì chưa. 

[...]

Paris, thứ Tư ngày 11 tháng Hai [năm 1671]

Ta mới chỉ nhận được ba trong số những bức thư thú vị của con, những lá thư làm xúc động lòng ta; vẫn còn thiếu một bức nữa. Ngoài việc ta thích cả mấy lá thư, và không thích bị mất bất cứ điều gì từ con gửi đến, ta vẫn tin mình không mất gì cả; ta thấy chẳng có điều đáng mong đợi nào lại không nằm trong thư đã nhận. Thư được viết, trước tiên, thật khéo làm sao, thêm nữa lại thật ngọt ngào và tự nhiên khiến người ta không thể không tin: bản thân sự ngờ vực sẽ phải quy phục: thư con có tính chân lý mà ta vẫn luôn coi trọng, và thể hiện ra đầy uy lực, trong khi dối trá nằm dưới lớp vỏ những lời thiếu sức thuyết phục; càng cố thể hiện những lời ấy càng bị khuất lấp. Lời con chân thật và thể hiện ra như thế. Lời con nhiều nhất là dùng để giãi bày; và trong sự đơn giản thanh cao ấy, chúng có sức mạnh không gì cưỡng nổi. Con ngoan, thư con hiện ra trước ta như thế đấy. Mà chúng tác động lên ta biết bao nhiêu, và làm ta tuôn lệ biết bao nhiêu, khi thấy mình quy phục chân lý vượt lên trên mọi chân lý, cái chân lý ta mong mỏi hơn hết thảy, không ngoại lệ! Qua đó con có thể xét đoán những lời gây cho ta cảm xúc đối nghịch trước kia [của bà Grignan] thì tác động thế nào lên ta. Nếu lời ta có cùng uy quyền như lời con, thì con không cần nói gì thêm nữa: ta tin chân lý của ta tác động lên con theo cách thông thường; nhưng ta không muốn con nói rằng ta là bức rèm che khuất con đi; mà ta có che khuất con cũng mặc, con càng thêm phần khả ái khi rèm được vén lên; con cần lộ ra mới đạt tới hoàn mỹ; chúng ta nói thế đã ngàn lần rồi. Còn ta, ta thấy mình như trần trụi, những gì làm cho ta khả ái đều đã bị lột ra hết cả. Ta không dám ra ngoài đời, và dù người ta có làm gì đặng đưa ta trở lại, ta vẫn qua trọn những ngày này như người sói, không làm khác đi cho nổi. Ít có ai xứng đáng được hiểu ta đang cảm thấy những gì; ta tìm người thuộc số ít ấy, và tránh những kẻ khác ra. Ta có gặp ông bà Guitaut; ông bà ấy mến con lắm: hãy gửi ta đôi lời cho họ. Sáng qua có mấy người nhà Grignan ghé thăm. Ta hết lời cảm tạ Adhémar đã cho con mượn giường. Chúng ta không muốn xét kỹ xem điều gì thì tốt hơn cho ông ấy, làm rầy giấc nghỉ của con hay trở thành nguyên cớ cho nó; chúng ta không đủ sức đi sâu vào sự điên rồ ấy, nên lấy làm vui rằng cái giường rất ổn.

Có vẻ hôm nay con ở Moulins, con sẽ nhận được một trong những bức thư của ta. Ta không viết gì cho con đến Briare cả; nếu phải viết thì đó chính là vào ngày thứ Tư ác nghiệt ấy; cái ngày con đi: ta đau buồn và xuống tinh thần quá đỗi, tới mức có viết cho con cũng không đủ khả năng tìm được nguồn an ủi. Vậy đây là bức thư thứ ba của ta, bức thứ hai thì gửi tới Lyon; nhớ báo ta hay con đã nhận được thư ta chưa: khi xa nhau làm vậy, người ta không còn cười giễu những bức thư mở đầu bằng Con đã nhận được thư người (etc…). Ý nghĩ trong con, rằng con đi hẳn, thấy cỗ xe cứ dần đi xa mãi, là một trong những ý nghĩ giày vò ta nhiều nhất. Con đi mãi, và, như con nói, sẽ ở cách ta hai trăm dặm. Thế nên, không thể chịu nổi bất công khi tới lượt mình không tự gây ra bất công, từ phía mình ta cũng bắt đầu đi xa ra, ta sẽ đi tới, đặng cách xa ba trăm dặm: đó là khoảng cách vừa đẹp, và đi xuyên nước Pháp đến thăm con sẽ là điều xứng với lòng yêu của ta.

Ta xúc động trước mối ân tình giữa ngài phó giám mục và con: con biết ta thấy điều ấy cần thiết nhường nào cho hạnh phúc đời con rồi đấy. Hãy nâng niu kho báu ấy, con ngoan khốn khổ của ta; chính bản thân con cũng cảm động vì lòng nhân từ của ngài ấy, hãy cho ngài ấy thấy rằng con không phải là kẻ vô ơn.

Ta sắp xong thư rồi. Có thể con sẽ mụ mị vì bao niềm vinh dự dành cho con ở Lyon nên không có thời gian đọc hết những điều này; ít nhất hãy dành ra chút ít cho ta biết tin của con, sức khỏe con ra sao, và gương mặt khả ái ta yêu nhường ấy thế nào, con có lên tàu trên con sông Rhône hãi hùng không. Tại Lyon con sẽ có Monsieur de Marseille.

 

 

 

 

Hồ Thanh Vân dịch

diary & correspondence

Sau một mùa hè

Sức mạnh của sự vắng

Vui

Paul Celan và Ingeborg Bachmann

Dostoievski: Nhật ký

Nhịp

Quy Nhơn

Lukács về Kierkegaard

Annie Ernaux: Bị chiếm

Nhật ký tình đầu

Thư và nhật ký chiến tranh

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công