favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

Lichtenberg nói

17/04/2025 14:35

Lichtenberg (Georg Christoph) là nhân vật như thế nào mà đến cả một người như Wittgenstein cũng hết sức ngưỡng mộ: sự ngưỡng mộ ấy lâu dài và để lại không ít dấu vết, thậm chí nhiều khi dẫn tới một hiện tượng hiếm khi xảy ra, sự đồng hóa?

Sống ở thời Lãng mạn (Albert Béguin từng, từ rất sớm, nói đến tầm quan trọng của Lichtenberg), nhưng Lichtenberg dường như không thuộc vào thời nào: chính Lichtenberg nói, "Hãy cố sao để không thuộc vào thời của mình" - một trong những câu đặc trưng hơn cả của nhân vật ấy.

Ngay trước thời của Leopardi (Lichtenberg chết đúng vào năm 1799), Lichtenberg nắm giữ các yếu tố không khỏi gợi nhắc nhân vật người Ý (đến lượt mình, Leopardi không khỏi gợi nhắc nhân vật đi ngay sau, Schopenhauer). Cũng cần phải nói rằng cả hai đều dị dạng và có thể chất yếu ớt. Nhưng sự tương đồng lớn hơn cả giữa Lichtenberg-Leopardi nằm ở chỗ khối lớn nhất trong sự viết của họ, Zibaldone của Leopardi và Sudelbücher hay Waste book (gồm nhiều quyển sổ) của Lichtenberg chỉ được người khác đọc sau khi họ đã qua đời: như thể cuộc đời họ được dùng để ấp những tác phẩm ấy, và điều kiện cho việc này là không được để ai nhìn thấy; điều đó không đồng nghĩa với việc họ không được biết tới lúc còn sống: Leopardi là một nhà thơ danh tiếng, một triết gia không tầm thường và một tinh thần chiến đấu dữ dội trong nhiều cuộc tranh cãi, còn Lichtenberg là một nhà khoa học tự nhiên, rất nổi tiếng ở một số lĩnh vực. Như vậy, "Lichtenberg nói" lại chính bằng cách không hề nói. Nhưng đấy là một con người của các nghịch lý.

Nghịch lý của nghịch lý là chính nó là hình thức thuộc vào số những gì tồn tại dai dẳng hơn cả.

Một số đoạn trong những quyển sổ của Lichtenberg được dịch dưới đây. Các ký hiệu đi kèm cho thấy nó thuộc quyển sổ nào (được đánh dấu theo chữ cái) và nằm ở vị trí số bao nhiêu trong đó (số Ả Rập) - điều này là theo ấn bản hiện đại bằng tiếng Đức tác phẩm của Lichtenberg.

 

Ngay từ hồi còn đi học, tôi đã nuôi dưỡng về sự tự sát những ý nghĩ chính xác đối lập với các suy nghĩ thường có trên đời và tôi nhớ là mình đã biện hộ bằng tiếng Latin ủng hộ tự sát và tìm cách bảo vệ nó. Nhưng tôi phải công nhận rằng lòng tin thiết thân về sự tuyệt hảo của một thứ (như độc giả chăm chú sẽ nhận ra điều này) thường có lý do cuối cùng nằm ở một điều gì đó tăm tối thật khó, hoặc ít nhất có vẻ rất khó rọi ánh sáng vào vì quãng cách giữa câu được diễn đạt một cách rõ ràng và tình cảm mù mờ của chúng ta khiến chúng ta nghĩ rằng mình còn chưa tìm được câu chuẩn xác. Vào tháng Tám năm 1769 và trong vòng nhiều tháng tiếp theo đó, tôi đã nghĩ đến sự tự sát nhiều hơn bất cứ khi nào trước đó và, suy xét chiểu theo hoàn cảnh của tôi, tôi từng lúc nào cũng thấy là một người có bản năng sinh tồn bị suy yếu tận đến mức có thể bị hư vô hóa hết sức dễ dàng lại không phạm tội tự giết mình. Nếu từng có một sai lầm bị phạm, thì nó xưa hơn nhiều. Có lẽ tôi đã tự tạo cho mình một hình dung như thế về tự sát là vì tôi có một ý quá mạnh về cái chết, về khởi đầu của nó, về việc xét sâu xa nó vô cùng dễ dàng. Tất tật những ai từng gặp tôi tại những chỗ nào không đông quá, và không phải mặt đối mặt, đều sẽ ngạc nhiên khi thấy tôi có thể nói một điều như vậy. Chỉ Herr Ljungberg [bạn thân của Lichtenberg] biết rằng một trong các mơ mẩn mà tôi thích nhất là nghĩ tới cái chết và ý ấy đôi khi có thể chiếm ngự tôi đến độ dường tôi cảm thấy thì đúng hơn là nghĩ và đối với tôi những quãng nửa tiếng trôi qua giống các phút. Đấy không phải là một khổ hình u ám mà tôi lao thân vào dẫu không muốn, mà đối với tôi là một sự tận hưởng của tâm trí mà tuy vậy tôi lo sao để không lạm dụng, bởi tôi e là nó sản sinh sở thích chiêm ngưỡng chết chóc của loài chim đêm.
(A126)

Trên tờ Spectator [tạp chí của Anh] viết: The whole man must move together, mọi thứ trong một con người đều phải hướng về cùng một đích.
(B31)

Anh ta từng gọi các lực cao hơn và thấp hơn nơi tâm hồn của mình là thượng viện và hạ viện và rất thường cái thứ nhất thông qua một dự luật mà cái thứ hai vứt bỏ.
(B67)

Trong số tất tật các loài thú trên đời, con người gần với con khỉ hơn cả.
(B107)

Có hai cách kéo dài cuộc đời, trước hết bằng cách kéo cho xa nhau hai điểm, sự sinh ra và sự chết đi và như vậy là kéo dài con đường ra. Cho điều này người ta đã chế ra biết bao nhiêu loại máy và những thứ khác, tới nỗi nếu nhìn nhận chúng một cách đơn lẻ, hẳn người ta sẽ chẳng bao giờ nghĩ được rằng chúng có thể dùng để kéo dài một con đường, trong địa hạt này một số bác sĩ từng rất xuất chúng. Phương cách còn lại là cứ để mặc hai điểm kia ở chỗ mà Chúa đã đặt chúng và đi chậm hơn. Đấy là điều mà các triết gia làm. Họ đã thấy rằng tốt hơn hết là tận dụng điều này để sưu tầm cây cỏ, đi dích dắc, tìm cách nhảy qua một cái hố ở đây và vượt qua nó trở lại tại chỗ nào sạch nhất, thử nhào lộn những khi không ai có thể nhìn thấy ta, vân vân và vân vân.
(B129)

Anh ta cứ cần phải chơi nghịch với một cái gì đó. Nếu tôi không giao cho anh ta giữ lũ chim, thì chắc hẳn anh ta đã nuôi các tình nhân.
(B175)

Thói quen của chúng ta, đọc sách từ sớm và thường quá nhiều, thứ mang đến cho chúng ta biết bao nhiêu chất liệu từ đó chúng ta không làm gì được, làm cho ký ức của chúng ta trở thành bà chủ nhà thay vì sự nhạy cảm hay gu, thành thử sau đó phải có một triết học sâu sắc nhằm trả lại cho cách thức cảm nhận của chúng ta tình trạng trong trắng ban đầu của nó, nhằm rút đi khỏi chúng ta cái đống toàn những thứ xa lạ kia và bắt đầu tự chúng ta cảm thấy, tự chúng ta nói và, suýt thì tôi đã nói, rốt cuộc thì cũng tồn tại được.
(B264)

Nhiều điều gây đau đớn cho tôi chỉ tạo chút khốn khổ cho những người khác.
(B389)

Những gì ai đó nói trong lúc mơ hẳn có thể đóng góp cho sự phát triển cốt truyện của một cuốn tiểu thuyết.
(C60)

Đối với con người suy nghĩ hay ném các hòn tuyết thì cũng tự nhiên y như nhau.
(C157)

Một hôm, hồi ở Hanover, cửa sổ của tôi nhìn xuống một cái ngõ nối hai phố lớn với nhau. Thật thích khi quan sát bằng cách nào khuôn mặt người ta thay đổi lúc họ bước vào ngõ, nơi họ nghĩ người ta ít nhìn mình hơn, bằng cách nào mà ở đây một người đái, ở kia một người khác kéo lại bít tất, bằng cách nào một người bí mật cười và một người khác thì lắc đầu. Các cô thiếu nữ mỉm cười nghĩ đến đêm hôm trước và chỉnh đám ruy băng cho cuộc chinh phục mà họ sắp thực hiện tại phố lớn bên kia.
(C166)

Tổ tiên của chúng ta từng có những lý do tốt để tạo ra trật tự này và chúng ta có những lý do rất tốt để hủy bỏ nó đi.
(C234)

Con người đã tự biến mình thành một loài vật nuôi trong nhà, chính vì thế mà anh ta đồi bại đến độ...
(C341)

Đúng thế đấy, tôi không thể tự mình làm ra đôi giày để đi, nhưng triết học của tôi, thưa các ngài, tôi không để cho nó được định đoạt sẵn đâu. Giày của mình thì tôi rất muốn để cho người khác làm, tôi không thể nhận về cái việc đó.
(D68)

Đi theo cho tới tận hệ quả cuối cùng, sao cho không còn lại bất kỳ ý tối tăm nào, phát hiện ở đó những chỗ yếu nhờ các kinh nghiệm, hoàn thiện nó hoặc đề xuất theo hướng này một điều gì đó thỏa đáng hơn, là phương cách duy nhất để chúng ta có được lương tri, thứ hẳn phải là cái đích chính yếu cho tất tật các nỗ lực của chúng ta. Nếu không có nó thì không có đức hạnh đúng nghĩa. Chỉ nó tạo ra được nhà văn lớn, scribendi recte sapere est et principium et fons [Một hiểu biết chuẩn xác là nguyên tắc và nguồn cho nghệ thuật viết - Horace]. Chỉ cần muốn là đủ, đấy là châm ngôn của Helvétius.
(D133)

Điều quan trọng đối với triết gia ba hoa xích tốc kia ít là sự thật hơn so với tiếng tinh tang thứ văn xuôi của ông ta.
(D153)

Trong các công việc của mi, hãy đặt lòng tin vào mi, hãy có một sự kiêu hãnh cao quý và cái ý theo đó những kẻ khác không đáng giá hơn mi, bọn họ tránh được việc phạm phải những lỗi của mi nhưng lại phạm các lỗi khác mà mi đã tránh được.
(D176)

Tôi rất muốn có Swift làm thợ cạo, Sterne làm thợ cắt tóc, Newton vào bữa sáng, Hume vào giờ uống cà phê.
(D249)

Lê Công Tăng dịch

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công