Joseph Conrad và Ford Madox Ford
Joseph Conrad và Ford Madox Ford (Hueffer) bắt đầu hợp tác vào cuối năm 1898, khi Ford 24 tuổi và Conrad 41 tuổi. Vào thời điểm đó, Conrad đã xuất bản một số tác phẩm như Almayer's Folly (1895), An Outcast of the Islands (1896), The Nigger of the 'Narcissus' (1897), và Tales of Unrest (1898); còn Ford cũng đã nổi danh nhờ vào việc xuất bản các câu chuyện dành cho thiếu nhi được yêu thích như The Brown Owl (1891) và The Feather (1892), một tiểu thuyết có tên The Shifting of the Fire (1892), một tập thơ (1893), và một tiểu sử về ông nội của mình, Ford Madox Brown (1896). Tuy nhiên cả hai vẫn chưa đạt đến đỉnh cao sự nghiệp: Under Western Eyes (1911), May (1913) và Victory (1915) của Conrad vẫn còn một thập kỷ nữa mới xuất hiện, cũng như Người lính tốt (1915) và bộ bốn tiểu thuyết Parade's End của Ford. Cái bắt tay giữa hai người mở ra cả một cuộc phiêu lưu vĩ đại không khác gì câu chuyện trong Victory: lên đường khám phá những con lạch huyền bí có giấu vàng (dẫu lời hứa về vàng ấy hóa ra là một ảo tưởng, như những ai đã đọc Victory của Joseph Conrad đều biết).
Sự cộng tác giữa hai người không chỉ tạo nên phép mầu mà chính lựa chọn cộng tác ấy tự thân nó đã là một phép mầu. Chỉ xét riêng về tính cách, người ta đã thấy khó mà hiểu nổi vì sao hai con người như vậy có thể tung hứng ăn ý đến thế suốt cả thập kỷ. Ford nhắc đi nhắc lại trong các bài viết về Conrad rằng đó là một quý ông ưa thích sự ngăn nắp và gọn gàng - cung cách đặc trưng của người đi biển. Có lần, Conrad từng gọi một gã chăn ngựa khổng lồ, béo ụ, cao đến sáu foot hai ra hỏi tội chỉ vì hắn trộm phần yến mạch mà ông đã cẩn thận xếp riêng cho con ngựa của mình. Thế nhưng về phần Ford, trong hồi ký của Jessie Conrad (vợ của Joseph Conrad), bà cho thấy sự căm ghét của mình và dẫn không ít dẫn chứng về tính cẩu thả vô tổ chức của Ford - điều châm ngòi cho các cuộc đụng độ giữa họ. Giả dụ trong một lần, Ford cảm thấy rèm cửa phòng ngủ không đủ chắn sáng liền lấy tấm chăn che cửa sổ, sau đó lại dùng quần áo sọc và áo khoác của Conrad (mà Jessie đã ủi phẳng phiu) đắp lên giường để giữ ấm; sáng hôm sau, Jessie phát hiện quần áo bị nhàu nhĩ đến mất hình mất dạng, và bà kịch liệt phàn nàn với Conrad về cách cư xử “không thể chấp nhận” của Ford với đồ đạc quý giá nhất của ông. Hay nét đối lập tính cách rõ rệt khác giữa họ: nếu Conrad là người sống khép kín, dè dặt, trầm lặng, thường xuyên lo lắng và sống cuộc đời kỷ luật và có phần khổ hạnh thì Ford lại là người quảng giao, hào phóng, có phần phô trương, phóng đại và đôi khi bị đánh giá là phù phiếm, thiếu nghiêm túc.
Nhất thiết phải có quãng thời gian cộng tác ấy làm tiền đề cho sự nở rộ thiên tài của cả hai tác giả sau này. Ford trẻ tuổi gặp Conrad là gặp được một người có đủ lực áp chế để khuôn tâm hồn ưa tự do và đầy kiêu hãnh của ông vào trạng thái nghiêm cẩn cần thiết cho sự viết đúng nghĩa. Conrad làm việc đó bằng một cách hết sức đơn giản đơn giản: buộc Ford phải viết đi viết lại rất nhiều lần. Tiền thân của tiểu thuyết viết chung Romance (1903) là bản thảo Seraphina của Ford - một bản thảo vụng về mà Ford tự nhận là “bộ xương khô của một màn trình diễn kỹ thuật vô hồn”, còn Conrad thì không ngừng thốt lên “Trời ơi” rồi cầm các trang giấy lên với vẻ khó chịu như thể chúng là bằng chứng của tội ác khi nghe Ford đọc nó. Và để cải thiện tác phẩm, một mô hình được đề ra giữa họ, Ford viết, Conrad bình luận và phê bình, Ford sửa đổi hoặc viết lại, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi Conrad bắt đầu thêm hoặc chỉnh sửa các đoạn văn để tạo ra cái mà Ford gọi là “một bức khảm độc đáo”. Hay phải đọc bức thư mà Conrad gửi Edward Garnett liên quan tới cuốn tiểu thuyết viết chung The Inheritors (1901) mới thấy rõ được thái độ nghiêm khắc không khoan nhượng của Conrad về người bạn vong niên: “Không có chương nào mà tôi không bắt cậu ta viết lại… hầu hết là ba lần trở lên. Tôi đã thật tàn nhẫn. Tôi đã thô lỗ với cậu ấy; nhưng nếu tôi không gọi cậu ấy là đồ đần thì tôi không thành thực.”
Tuy nhiên, chính tâm hồn trẻ tuổi đầy nhiệt thành của Ford lại có khả năng lấp đầy và nâng đỡ các quãng hẫng của Conrad khi ông ngập ngụa trong nỗi tuyệt vọng về việc mình chẳng còn gì hay ho để viết. Cách mà Ford làm cũng lại hết sức đơn giản: ghi nhớ (có khi là ghi lại) và khơi dậy các ký ức bên trong Conrad. The Mirror of the Sea (1906) chịu ơn Ford rất nhiều bởi cuốn sách sẽ không được ra đời nếu Conrad không có một người đủ trí tuệ để trò chuyện và liên tục gợi cho ông nhớ về các ký ức. Hay phải kể đến một vụ rất ngoạn mục cho thấy sự xuất hiện kịp thời của Ford cùng trí nhớ của ông có khả năng lật ngửa tình thế ra sao: vụ chiếc đèn làm việc của Conrad bỗng đột nhiên phát nổ khiến phần lớn bản thảo của “The end of the Tether” (Cùng sào) cháy thành tro. Lúc này, Ford đã giúp Conrad viết lại phần bản thảo bị cháy bằng cách dành hàng giờ cùng ông nhớ và viết lại các phần đã mất, đồng thời tìm các ghi chú cùng bản thảo nháp mà Conrad đã lưu lại ở đâu đó.
Hành trình khám phá những con lạch bí ẩn chứa vàng của tiểu thuyết là một hành trình cam go và gian nan của việc tìm rồi hụt rồi lại đi tìm. Hành trình ấy đòi hỏi Ford và Conrad phải luôn luôn hợp sức và kề cận, thậm chí chập vào nhau. Kể từ lúc ấy đã có rất nhiều tranh luận phân bua nổ ra về việc họ có nhúng tay vào các tác phẩm của nhau hay không và nếu có thì tới mức độ nào. Ngay cả những xác minh được Ford công bố cũng phủ lên đó màn sương mơ hồ. Song sự mơ hồ mới đúng, mới là cái kết xứng với phần mở đầu của một hành trình kỳ lạ nhường ấy.
Conrad và Ford còn đồng hành trên nhiều khía cạnh khác ngoài sáng tác văn chương. Khi Ford thành lập và điều hành The English Review, Conrad đã trở thành cố vấn và cộng tác viên mẫn cán cho tạp chí này. Ngược lại, Ford là một chủ nợ hào phóng của Conrad khi cho Conrad thuê nhà ở Pent Farm và hết lần này tới lần khác để ông gia hạn các khoản vay.
Năm 1909 đánh dấu sự sụp đổ của tình bạn đẹp đẽ nhưng cũng nhiều xung đột giữa Conrad và Ford, và bê bối tình ái giữa Ford và Violet Hunt có lẽ chỉ là cú bùng nổ tất định sau rốt. Về sau Ford cố hàn gắn song mối quan hệ không còn được như xưa. Conrad mất đi Ford cũng là mất đi nguồn động lực to lớn, ngay sau sự kiện ấy ông đã bắt tay vào viết “The Secret Sharer” (Kẻ đồng hành bí mật, trong Giữa đất và nước, 1909), câu chuyện về cuộc gặp định mệnh ngắn ngủi với một con người quá kỳ lạ đến mức dường như là một bóng ma. Ba năm sau, Conrad đã tìm được Richard Curle, nhưng Curle không phải Hueffer, Curle có thừa lòng ngưỡng mộ dành cho Conrad nhưng lại thiếu mất sự hòa hợp tự nhiên, khả năng phê bình sắc sảo hoặc sự hào phóng trong tính cách mà Conrad cần ở một người đồng hành có thể cùng ông lao vào các cuộc phiêu lưu vĩ đại.
Thanh Nghi