favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Đông 2024
Next

Joseph Conrad: Những phụ nữ

14/01/2025 20:11

Project Henry James (giờ đã là một khối đồ sộ) cần những bước rụt rè thử trước thì mới thành hình, nhưng đến Joseph Conrad thì khởi đầu quá ngọt: ngay lập tức đã có - cùng một lúc - một tiểu thuyết và hai tập truyện ngắn, chưa kể những chùm không nhỏ văn bản liên quan. Một sự xuất hiện đột ngột như thế hoàn toàn có thể gây chóng mặt. Sau bình luận thứ nhất về Conrad, viết trong khi còn đang dịch, đã có bình luận thứ hai - rất sớm sau khi có đủ ba quyển sách - và còn là một cái nhìn từ bên ngoài. 

 

Joseph Conrad: Những phụ nữ

Lúc dừng quân trên vùng vừa tiếp thu

Đọc Joseph Conrad, tôi ngưỡng mộ làm sao tinh thần hào hiệp và cũng rất thực tế của những người đi biển, và không chỉ thế, của các nhân vật chính (gồm cả những người kể chuyện) trong các tác phẩm không có đề tài ấy. Những gì ta còn băn khoăn ở đời đất liền, những cõi siêu hình, những lo lắng về hữu hạn, thì hiển hiện với toàn bộ yếu tính của nó mà chẳng cần mất tí lực tưởng tượng nào, trong mắt người thuỷ thủ. Những con tàu: thuyền buồm, tàu hơi nước, thuyền kéo, cả tàu chiến chính là những thiết chế khác của xã hội loài người khi đã trừ bớt đi các yếu tố ngoại vi gây nhiễu. Người ta thấy tàu thuyền là nhà, là tình nhân (như trong “Freya của bảy đảo”), là hình ảnh mặc nhiên của tinh thần, rồi cái anh chàng Falk (trong “Falk”) còn được nhìn như một nhân mã, không phải, như một lai giữa người và thuyền, một người-thuyền. Tưởng không còn gì chính xác hơn những miêu tả tài tình kiểu như thế. “Freya của Bảy Đảo” là chuyện tình thật đẹp, thật cổ điển, nhưng vậy thì nhất thiết phải kể từ những giọng của người khác, bằng không thì sai tinh thần của Joseph Conrad: giữ khoảng cách với lãng mạn, không ôm ghì lấy (Từ “ôm ghì” này tôi cọp được của bản cuốn Tâm hồn và Hình thức, chương về Novalis, với cá nhân tôi có rất nhiều ý nghĩa lớn). Thì rõ ràng đấy là nghề mà “người ta ôm vào ít vì các nguyên nhân thực tiễn hơn là hào quang của những liên tưởng lãng mạn”. Vả chăng đó là phản chiếu chính xác nguyên tắc đi biển: trong cơn bão lớn, các anh không được phép ôm cột buồm, nhìn chung không nên ôm bất cứ cái gì. Vì chưng trong bão thì người ta chỉ có thể tìm vị trí, tìm các tư thế đúng để mà kiểm tra rất nhiều thứ, còn nếu có cái gì mang tính ghìm giữ, đấy phải là những dạng tồn tại như thanh chắn.

Quyển May (Anh Hoa chuyển ngữ) mới là cuốn tiểu thuyết mang đến cho tôi nhiều điều hơn cả văn chương. Nhưng nói về ý nghĩa văn chương trước, hiện vẫn còn xem xét và tự lý giải. Nhà văn lớn có thể soi chiếu rất xa, soi chiếu được ngay cả những trường hợp trông như chả liên quan gì. Lấy đại một trường hợp: đọc Nguyễn Huy Thiệp. Tôi thích đọc Nguyễn Huy Thiệp cho đến một lúc đọc được trong Không có vua, cái đoạn những người con bầu ai đồng ý bố chết giơ tay. Vì đọc Điệu Valse Giã Từ của Milan Kundera ngay đoạn đầu cũng có cảnh tương tự, mấy anh nghệ sĩ đạo mạo ngồi bàn rất kỹ cách phá thai cho người tình, và bầu chọn phương án. Nhưng Milan Kundera đi vào tận trong chứ không chỉ mở cửa: các phương án phá thai được cân nhắc cực kỳ kỹ lưỡng, kèm cả đánh giá năng lực đạo đức của y tá, cứ như họp ra mắt sản phẩm. Nguyễn Huy Thiệp không làm như thế bao giờ vì nó sẽ phá hiệu ứng: nhanh, trực diện, cảnh báo. Đấy là hai cách khác nhau của văn chương khi xử lý những chân lý, rồi thì cả những nghịch lý. Ta cứ giả sử nhà văn là người có gì đó cần nói cho thiên hạ. Joseph Conrad chỉ nhắn cho những độc giả như tôi một điều: cứ từ từ, đi đâu mà vội (trong kịch “Còn lại tình yêu”, của Nguyễn Huy Thiệp, hình như tay quan Tây nói với Nguyễn Thái Học là: anh còn trẻ lắm, đã biết đời hay dở thế nào đâu mà cứ rộn cả lên). Anh muốn nhận được đặc ân gì đó từ tác phẩm văn chương thì hãy ngồi đấy xếp hàng đi. Người đọc có thể bắt gặp những quan sát mạnh mẽ chỉ có Conrad mới có được ở rất nhiều đoạn, với những cánh cửa tối tăm dưới tầng hầm St. Katherine, pha trùng tên Powell rất hài hước, với những quan sát về cách các từ ngữ run rủi thời đại khi miêu tả ông De Barral làm tín dụng kia… những điều mà cuốn tiểu thuyết kỳ diệu phân phát trên ghế chờ. Chờ những trang cuối cùng diệu kỳ của May.

Tôi đã tìm thấy hình bóng của những người bạn xưa kia, đây rồi: Marlow, Powell, tựu trung là những người góp giọng kể chuyện đan xen nhau trong các cuốn tiểu thuyết. Cần những Marlow giữa đời chúng ta. Một tình cảm rất mạnh nảy nở trong tôi, một niềm vui rất lớn không mấy ai hiểu cho. Ấy là vì tôi là người có kinh nghiệm rất lâu năm và dày dạn trong lĩnh vực đi ở nhờ nhà người khác - ở nhờ theo nghĩa chuẩn nhất của nó, nên tôi lập tức hiểu ngay những người kể chuyện ấy là ai. Phải nói rõ về chuyện ở nhờ: ở nhờ khác xa với ở trọ. Giữa đời chúng ta, tôi nghĩ là chuyện ở nhờ mới phải là ý niệm cốt tử, chứ không phải ở trọ. Tôi rất muốn khuyên những người bạn nghệ sĩ của mình, những người cứ “ở trọ” rồi “ở trọ trần gian” mãi, rằng đấy là các  hoán dụ rất nguy hiểm, không chỉ hại một sự nghiệp âm nhạc, và không chỉ sinh ra những homestay, cơn say bất động sản… mà còn là một loại tiền án đóng lên hồ sơ nghệ thuật. Ở nhờ và ở trọ có chung một đặc điểm là tạo ra cho người ta cái năng lực đi qua đi lại giữa vùng lõm của các khái niệm, nhưng ở nhờ cho phép đi đến đỉnh cao và vực thẳm cùng một lúc. Cùng một lúc trên một cái giường của nhà người khác, người ta vừa có thể thấy tội lỗi, vừa có thể thấy mình là một vị vua. Tương tự, một năng lực kỳ diệu khác ấy là khi ở nhờ, nhất là những chung cư cao tầng, và nếu ngủ dưới sàn, ta sẽ đủ tư cách mà nằm mơ. Ta sẽ mơ thấy những người họ hàng của người chủ nhà đích thực đến thăm, và ta bị bắt gặp trong một tình trạng nằm dưới sàn nhà, trong một tình thế của việc làm hại họ phải sắp xếp về mặt siêu hình cho ta một căn cước, xen giữa cơn mơ lại có tiếng nước chảy của vòi quên vặn. Thế thì những anh chị làm phim viết truyện về cái chuyện “hồn ma người sống” đừng có nói nhiều quá đi. Những người kể chuyện của Joseph Conrad rất sợ đêm về sẽ mơ thấy tình cảnh của ban ngày, mơ thấy hồn ma người sống: ít nhất tôi bắt gặp hai lần trong các quyển sách, nhất cái đoạn ông kia đi đánh bài và thương thuyết với anh Falk. Bởi sứ giả luôn sợ bị gọi về, rút phép thông công.

Nói vậy để tỏ niềm tự hào rất có màu xám chì của tôi về những năm dài dặc tuổi trẻ ở nhờ. Những năm ấy sinh cho tâm hồn tôi một thứ của nợ tinh thần mà thi thoảng giờ đây nó rất hay tư vấn mấy lẽ về cuộc đời, toàn là tư vấn sai, nhưng lúc nào đúng thì không ai đúng hơn được. Và một đêm nằm ngủ trên sofa phòng khách (tất nhiên, nhà người khác), tôi đã thấy kinh hãi khi nhìn vào căn phòng đóng kín, nơi người chủ nhà của tôi nghỉ ngơi. Tôi đã hiểu ngay cái gì gọi là đứt vỡ thực tại, đó hẳn phải là một chiều không gian khác, nhất định thế: họ ở trong đó, những thực thể khác, còn tôi ở đây, trong chỗ không gian bên dưới được cắt phần. (Giả thử lúc ấy có camera loại hay đặt ở phòng khách thì đỡ hơn bao nhiêu, thế giới lại như cũ, nhưng không có cái nào kết nối thực tại cả). Nếu bạn từng mơ về các thần tượng hồi trẻ, hẳn sẽ có lúc mơ thấy họ trong căn phòng kín không chịu bước ra (mới thấy Facebook đã phá hoại tất cả bằng cách cho like Fanpage). Đấy: đấy chính là cảm giác của tôi về những người kể chuyện, về Marlow; đấy cũng chính là ông Nelson nhìn về phía tay quan chức Hà Lan Heemskirk, một phần - nếu dễ dãi - cũng là Powell lúc xuống tầng hầm bến St. Katherine. Cảm giác lớn mạnh có thể át đi cả những cách đọc đúng đắn hơn với May, và với vài tác phẩm khác. Nhưng đấy chỉ là một vế, ngoài nỗi sợ hãi, cùng một lúc - theo năng lực của người ở nhờ - lại thêm một cảm giác ngược lại, là sự an tâm.

Những người kể chuyện của Joseph Conrad kể câu chuyện con người từ góc nhìn của sao chiếu mệnh. Nếu không chọn tình thế đó, câu chuyện không thể vĩ đại như vậy được (người khác viết văn người ta có những cách dễ dãi hơn để nhìn thế giới, kiểu nhìn vào đứt gãy thực tại, nhận thấy một cõi khác cạnh cõi này). Ta phải chọn lấy ngôi sao của mình, đặc biệt là giọng kể của Marlow. Nếu ta mất Marlow, tôi không nói trong văn chương, mà nói trong đời ấy, thì mất quá nhiều thứ. Trước hết, ta mất những người bạn lạc thời, những người luôn tin tưởng và cùng một lúc luôn băn khoăn. Falk đã được hưởng một ân sủng vì được ghé thăm như thế, thế là đời anh ta yên ổn ngay thôi, lúc ấy nhân vật tôi còn nghĩ mình đang tốt bụng một cách vờ vịt. Đã có lúc tôi từng định viết một tiểu thuyết về những kẻ lạc thời (giờ thì có khi lại được khen, vì lạc thời thì rất là hợp thời hoặc ít cũng có câu chuyện để nói trong lúc chán - hợp với một tay bourgeois như tôi). Hy vọng sẽ viết được. Nhưng trở lại với ngài Marlow và ngài Conrad, họ ngay lập tức gặp một đối thủ, những vị thần ấy gặp ngay một ánh mắt khác dõi từ phương khác: những phụ nữ.

Ấn tượng cuối cùng, tôi viết ở đây để bỏ lại, chuẩn bị tinh thần tươm tất hơn đọc Lord Jim hay The Secret Agent chắc là sẽ được dịch, là các phụ nữ trong truyện. Cô Bessie trong "Ngày Mai" đầy quyền lực. Nhưng câu chuyện phức tạp của May thi thoảng đem cho tôi cảm giác về việc cứ phải dừng lại hỏi ý kiến bà Fyne - kẻ nhiếp chính trong câu chuyện, thay cho ông bố chồng, nhà thơ, cũng là Thánh thượng. Bà Fyne nhận ra luôn cơ hội để chớp lấy tính nữ trong nhân vật Marlow, còn Marlow bắt được ngay điều đó, hai kẻ gườm nhau và tất tần tật các đoạn đối thoại giữa họ là những chỗ thú vị nhất, hài hước nhất của May. Bà Fyne là những gì ở cao nhất của cái khả thể ấy, là phép cộng của bà Quentin và Hope Fenno trong Cát lầy của Edith Wharlton, là bà cô Thị Nở cộng với bà lẽ Bá Kiến. Một mình bà lìa khỏi mê cung câu chuyện được đặt quanh Flora de Barral. Thế còn chưa đủ, các nhân vật nữ khác còn chẳng thèm nói gì, cô gái trong Falk lẳng lặng từ đầu đến cuối, dành ngay vị trí để “diễn giải các khía cạnh nữ” (trang 253) cho câu chuyện. Trong đất liền, cuộc đấu tay đôi của D’Hubert với Feraud, thì cô vợ trẻ của Feraud nhìn ra toàn bộ bản chất câu chuyện ngay từ đầu, một cách giản dị, nhìn ra luôn cả cái ngu của D’Hubert - nhân vật được yêu thích nhất. Và Madamme De Lionne, thấy ngay từ xa, vai trò của một cô gái khác trong cuộc đấu tay đôi, và điên lên. Thế nghĩa là trong nhiều tác phẩm của Conrad, xảy ra sự hội tụ của những tinh thần cao vút lên ngự trị câu chuyện.

Ta được quyền thưởng thức tất cả những điều ấy, được quyền nói về nó theo cách của sức đọc bình sinh, chẳng hạn như Virginia Woolf viết về Conrad. Nhưng bởi vì tôi chắc rằng văn chương của Joseph Conrad là một thế giới đủ lý, trọn vẹn. Chỉ có những thế giới trọn vẹn ta mới có thể đọc theo kiểu của common reader, ta muốn tìm điều gì cũng có ở đó. Và đó lại là một nghịch lý, vì con người hiện đại cứ tưởng như tiểu thuyết nào cũng như vậy, tưởng là văn chương nào cũng đọc theo cách I read it mà không cần phải lấy tí tinh thần ngoại lai nào mà trộn vào.

Đức Anh

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công