favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Joseph Conrad: Cùng sào

26/09/2024 16:56

Cùng sào (The End of the Tether) là một trong ba truyện làm nên tập tale rất nổi tiếng của Joseph Conrad. Tập truyện mang nhan đề chung Youth, a Narrative, and Two Other Stories, in năm 1902 - một trong những tập truyện đầu tiên của Joseph Conrad; những tập truyện ấy có tầm quan trọng không kém so với các tiểu thuyết.

Trong tập Youth, "Two Other Stories" tức là Heart of DarknessThe End of the Tether. Cả Youth lẫn Heart of Darkness đều từng có bản dịch tiếng Việt (tuy bản tiếng Việt của Youth thì không dễ tìm).

Với bản dịch The End of the Tether (Cùng sào - đăng lần đầu, nhiều kỳ, trên tạp chí Blackwood's Magazine), tập truyện danh tiếng ấy của Joseph Conrad cuối cùng đã hiện diện đầy đủ trong tiếng Việt.

Ngay tiếp sau đây, FORMApubli sẽ in bản dịch một tập truyện lớn khác của Joseph Conrad, trong Kỳ Thu: Typhoon.

 

Cùng sào

- Joseph Conrad

I

Một lúc lâu sau khi tàu hơi nước Sofala đã đổi hướng để cập vào đất liền, bờ biển trũng như đầm lầy vẫn giữ nguyên dáng vẻ của nó, chỉ như một đường lờ mờ tối bên ngoài vành đai lấp lánh sáng. Những tia nắng dường như đổ nhào dữ dội xuống mặt biển tĩnh lặng - giống như chúng tự vỡ tan trên một bề mặt rắn như kim cương thành bụi lấp lánh, thành một làn hơi chói lóa làm quáng mắt và khiến bộ não mệt lử vì ánh chói rực nhấp nháy liên tục.

Thuyền trưởng Whalley không nhìn về phía đó. Khi viên Serang1 của ông, đến gần cái ghế bố rộng bằng mây đan mà ông vừa vặn lấp đầy, thấp giọng báo cho ông biết rằng lộ trình đã được thay đối, ông nhổm dậy ngay và vẫn đứng yên tại chỗ, mặt hướng về phía trước, trong khi đầu con tàu đánh một góc tư vòng tròn. Ông không thốt ra một lời nào, thậm chí còn không bảo giữ vững bánh lái. Chính viên Serang, một người Mã Lai nhỏ thó, lanh lẹ, trông hơi già, nước da rất sẫm, đã lầm bầm ra lệnh cho người cầm lái. Và rồi Thuyền trưởng Whalley lại chầm chậm ngồi xuống cái ghế bố trên đài chỉ huy và dán mắt xuống khoảng sàn ở giữa hai chân.

Ông không thể hy vọng nhìn thấy bất cứ thứ gì mới trên vùng biển này. Ông đã ở trên những bờ biển ấy suốt ba năm qua. Từ Mũi Thấp đến Malantan khoảng cách là năm mươi dặm, mất sáu tiếng nhả khói để còn tàu cũ xuôi dòng, hoặc bảy tiếng để ngược dòng. Sau đó ta lái thẳng vào đất liền, và dần dần ba cây dừa sẽ xuất hiện trên bầu trời, cao và mảnh, những cái đầu bù xù tụm lại thành một chùm, như thể đang bí mật chỉ trích dãy rừng đước tối tăm. Tàu Sofala sẽ hướng về dải bờ u ám, nó, đến một giờ định sẵn, khi con tàu xáp lại gần theo một góc xiên, sẽ để lộ ra nhiều vệt nứt sáng loáng - một cửa sông lênh láng nước. Rồi xuyên qua một thứ chất lỏng nâu, ba phần nước một phần đất bùn đen, tiến lên đều đều giữa hai bờ thấp, ba phần đất đen và một phần nước lợ, tàu Sofala rẽ lối ngược dòng, như nó vẫn làm mỗi tháng một lần đã hơn bảy năm qua, từ rất lâu trước khi ông biết đến sự tồn tại của nó, rất lâu trước khi ông nghĩ đến chuyện làm việc với con tàu và những chuyến đi biển giống hệt nhau của nó. Con tàu già hẳn phải biết rõ hải trình hơn những gã đàn ông của nó, họ chẳng ở lại quá lâu mà không bị thay đổi; biết rõ hơn cả viên Serang trung thành, người mà ông đã mang theo từ con tàu cuối cùng của mình để quan sát cho thuyền trưởng; biết rõ hơn cả chính ông, mới chỉ làm thuyền trưởng của nó được ba năm. Luôn luôn có thể trông cậy vào nó khi rẽ hướng. La bàn của nó không bao giờ hỏng. Nó chẳng hề gặp khó khăn nào khi đi lại, như thể tuổi tác cao mang lại cho nó hiểu biết, khôn ngoan, và kiên định. Con tàu cập bờ gần như không chệch chút nào, và chỉ sai lệch cùng lắm là một phút so với bảng giờ quy định. Bất cứ lúc nào, khi ông ngồi trên đài chỉ huy mà không nhìn lên, hay nằm thao thức trên giường, chỉ cần tính ngày và giờ là có thể biết được đang ở đâu - vị trí chính xác theo từng khắc. Ông cũng biết rất rõ lộ trình, chuyến chạy hàng đơn điệu này, lên và xuống eo biển; ông biết trật tự của nó, cảnh quan và con người của nó. Bắt đầu từ Malacca, đi vào lúc ban ngày và đi ra lúc hoàng hôn, băng qua với một vệt khí phát quang cứng đờ con đường lớn ấy của vùng Viễn Đông. Bóng tối và ánh lấp loáng trên mặt nước, những vì sao nổi rõ trên bầu trời đen, đôi khi những ngọn đèn của một tàu hơi nước Anh kiên định lướt đi ở giữa eo biển, hoặc có thể là cái bóng lẩn quất của cái thuyền tàu bản địa với những cánh buồm xỉn màu vụt qua trong im lặng - và vùng đất trũng ở phía bên kia trông thấy được dưới ánh sáng ban ngày. Vào giờ trưa ba cây dừa của trạm dừng kế tiếp vẫy gọi, rẽ vào một dòng sông uể oải. Người da trắng duy nhất cư trú ở đó là một thủy thủ về hưu sớm sống ẩn dật, người mà ông trở nên thân quen sau nhiều chuyến đi. Xa hơn sáu mươi dặm nữa là một trạm dừng khác, một vịnh nước sâu chỉ có vài ngôi nhà bên bờ biển. Và cứ thế, vào rồi ra, nhặt hàng dọc theo bờ biển chỗ này chỗ kia, và kết thúc liền một hơi đều đặn dài một trăm dặm xuyên qua mê cung của một quần thể các đảo nhỏ đi đến một thị trấn bản địa lớn ở cuối lịch trình. Con tàu cũ có ba ngày nghỉ trước khi ông lại bắt đầu với nó trong một trình tự đảo ngược, nhìn thấy cùng những bờ biển ấy theo một hướng khác, nghe thấy cùng những giọng trong cùng những nơi ấy, quay trở lại cảng đăng ký của tàu Sofala trên quãng đường thẳng tắp hướng về phía Đông, ở đó ông sẽ chiếm một chỗ thả neo gần đối diện với tòa nhà lớn xây bằng đá của văn phòng bến cảng cho đến khi lại bắt đầu chặng đường cũ 1600 dặm và ba mươi ngày. Đây rõ chẳng phải là một cuộc sống quá mạo hiểm đối với Thuyền trưởng Whalley, Henry Whalley, hay còn gọi là Harry-Whalley Táo Tợn của tàu Condor, một tàu chạy nhanh có tiếng vào thời của nó. Không. Chẳng phải là một cuộc sống quá mạo hiểm đối với một người từng phục vụ các hãng nổi tiếng, người đã lái những tàu nổi tiếng (trong số đó nhiều cái là của ông); người đã vạch ra những lối đi nổi tiếng, là tiên phong của những tuyến đường mới và những ngành buôn mới; người đã lái tàu băng qua những nơi chưa được biết đến của vùng biển Nam, và đã nhìn thấy mặt trời mọc trên các hòn đảo không có trên bản đồ. Năm mươi năm trên biển, và bốn mươi năm ở biển Đông (“một quãng học nghề hơi quá kỹ”, ông thường mỉm cười nêu nhận xét), đã khiến ông rạng danh với một thế hệ chủ tàu và thương gia ở tất tật các cảng từ Bombay cho đến tận chỗ phương Đông nhập vào với phương Tây trên bờ biển của hai châu Mỹ. Danh tiếng của ông vẫn còn hiệu lực, không quá lớn nhưng đủ rõ ràng, trên các hải đồ của Bộ Hàng Hải. Chẳng phải ở đâu đó giữa Úc và Trung Quốc có một đảo Whalley và một bãi đá ngầm Condor đó sao? Trên dải đá ngầm hung hiểm ấy con tàu siêu hạng đã bị mắc kẹt trong vòng ba ngày, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của nó đã quẳng hàng hóa xuống biển, có thể nói là bằng một tay và với tay còn lại, cố bảo vệ nó trước một tiểu đội xuồng chiến man rợ. Vào thời điểm đó cả hòn đảo và rặng đá ngầm vẫn chưa chính thức tồn tại. Sau này các sĩ quan trên tàu hơi nước lớn Fusilier của Hoàng gia, được cử đi khảo sát tuyến đường, đã công nhận, bằng việc đặt hai cái tên này, lòng can đảm của người và sự vững chãi của tàu. Ngoài ra, bất kỳ ai quan tâm đều có thể xem, “Danh mục Chung”, tập II trang 410, bắt đầu mô tả về “Con đường Malotu hay Whalley” bằng những từ: “Tuyến đường thuận lợi này, lần đầu tiên được khám phá năm 1850 bởi Thuyền trưởng Whalley trên tàu Condor,” vân vân, và kết thúc bằng việc nồng nhiệt đề xuất tuyến đường ấy cho những tàu lớn rời khỏi các cảng Trung Quốc đi về hướng Nam vào khoảng thời gian từ tháng Mười hai đến tháng Tư.

Đây là thành quả rõ ràng nhất mà ông có được trong đời. Không gì có thể lấy đi danh tiếng ấy của ông. Việc đi xuyên qua eo biển Suez, giống như phá thủng một con đập, đã làm tràn vào phương Đông một dòng chảy những tàu mới, những con người mới, những cách thức thương mại mới. Nó đã thay đổi bộ mặt của vùng biển phía Đông và cả tinh thần cuộc sống của họ; bởi vậy những kinh nghiệm sớm sủa của ông chẳng có nghĩa gì với thế hệ thủy thủ mới.

Trong thời đã qua rồi ấy ông quản lý hàng nghìn bảng tiền của chủ và của chính ông; ông đã tham gia một cách trung thực, như theo luật một Thuyền trưởng phải làm, những xung đột lợi ích của chủ tàu, bên thuê tàu, và bên bảo hiểm. Ông chưa bao giờ mất một con tàu nào hay ưng thuận một giao dịch mờ ám; và ông đã tồn tại rất tốt, rốt cuộc kéo dài thêm những điều kiện tạo nên tên tuổi ông. Ông đã chôn cất vợ mình (ở vịnh Petchili), và gả con gái cho người mà cô không may chọn phải, và đã mất một khoản thu nhập khổng lồ trong vụ phá sản của tập đoàn ngân hàng Travancore và Deccan lừng danh, sự sụp đổ của họ đã làm chấn động cả vùng biển Đông như một vụ động đất. Và ông đã sáu mươi lăm tuổi.

II

Tuổi tác chỉ khẽ đậu lên ông; và về sự tàn lụi của mình ông chẳng xấu hổ. Không chỉ có mỗi mình ông tin vào sự ổn định của Hội đồng Ngân hàng. Những người mà khả năng phán đoán trong các vấn đề tài chính cũng lão luyện như tài đi biển của ông đã khen ngợi sự thận trọng trong các khoản đầu tư của ông, và bản thân họ cũng đã mất rất nhiều tiền trong vụ vỡ nợ lớn ấy. Sự khác biệt duy nhất giữa ông và họ là ông mất sạch. Tuy vậy đó không phải là tất cả của ông. Vẫn còn sót lại từ số tài sản đã mất ấy một tàu ba buồm rất đẹp, Fair Maid, ông đã mua để dành cho lúc an nhàn của một thủy thủ về hưu - “để chơi”, như chính ông nói rõ.

Ông chính thức tuyên bố đã chán biển vào năm ngay trước đám cưới của cô con gái. Nhưng sau khi đôi trẻ đến sống tại Melbourne ông hiểu ra rằng mình không thể hạnh phúc trên bờ. Ông mang quá nhiều khí chất của một Thuyền trưởng tàu buôn thành thử một chiếc du thuyền thuần túy không thể thỏa mãn được. Ông muốn cái ảo tưởng của các áp phe; và việc giành lại tàu Fair Maid giúp ông duy trì sự liên tục của cuộc sống. Ông đem đi giới thiệu con tàu với đám người quen ở các cảng khác nhau như là “con tàu nằm dưới sự chỉ huy cuối cùng của tôi”. Khi nào ông quá già để ra khơi với một con tàu, ông sẽ cho nó nghỉ và đem lên bờ chôn cất, để lại chỉ dẫn trong di chúc là phải hạ cột buồm xuống và đánh đắm nó một cách tử tế ở vùng nước sâu vào ngày tang lễ. Con gái ông sẽ không oán giận ông khi ông tự mang lại cho mình niềm sung sướng biết rằng không người lạ nào được chỉ huy con tàu đó sau ông. Nhìn vào toàn bộ tài sản mà ông có thể để lại cho cô, trị giá của một con tàu ba buồm trọng tải 500 tấn có đáng mấy. Tất cả những điều này sẽ được nói với một ánh lấp lánh hài hước trong mắt ông: ông già cường tráng có quá nhiều sức sống, đâu thèm đoái hoài gì tới sự đa cảm của nuối tiếc; và đồng thời cũng lại có chút buồn bã, bởi vì ông đang có một cuộc sống thoải mái, tận hưởng một niềm vui chân thật trong những xúc cảm và của cải của nó; trong phẩm giá của danh tiếng và sự dư dả của cải, trong tình yêu ông dành cho con gái, và trong sự hài lòng với con tàu - món đồ chơi lúc nhàn rỗi cô độc của ông.

Ông đã sắp xếp mọi thứ trên tàu theo lý tưởng đơn giản của mình về sự thoải mái khi đi biển. Một tủ sách lớn (ông là một độc giả lớn) chiếm hết một bên buồng nghỉ; bức chân dung bà vợ quá cố của ông, một bức sơn dầu phủ bitum phẳng mô tả góc bán diện và mái tóc xoăn đen của một phụ nữ trẻ, đặt đối diện chỗ ông nằm ngủ. Ba chiếc đồng hồ bấm giờ nhắc ông ngủ và gọi ông dậy bằng cuộc đua nho nhỏ những nhịp đập của chúng. Ông thức dậy vào năm giờ hằng ngày. Sĩ quan trực ca sáng, khi đang uốn tách cà phê sớm sủa của mình sau bánh lái ở đuôi tàu, sẽ nghe thấy qua lỗ thông gió rộng bằng đồng những cú bắn tung tóe, phun phì phì, và tiếng loạt xoạt phát ra từ phòng vệ sinh của thuyền trưởng. Những tiếng động này sẽ được nối tiếp bởi một tràng rì rầm sâu thẳm kéo dài lời cầu nguyện được đọc lên bằng một giọng thành khẩn lớn tiếng. Năm phút sau đầu và vai Thuyền trưởng Whalley nhô lên khỏi chỗ cửa sập. Lúc nào ông cũng dừng lại một lúc trên cầu thang, nhìn khắp đường chân trời; ngước lên nhìn dáng vẻ các cánh buồm; hít thật sâu làn không khí trong lành. Sau đó ông mới bước lên sàn đuôi tàu, xác nhận bằng bàn tay giơ lên rìa mũ cùng câu chào uy nghi và nhân từ “Chúc buổi sáng tốt lành.” Ông đi bộ trên boong cho đến đúng tám giờ. Đôi khi, không quá hai lần một năm, ông phải dùng đến một cây gậy to như dùi cui vì bị cứng hông - một chứng phong thấp nhẹ, ông cho là vậy. Còn lại thì ông chẳng hề biết đến các bệnh tật của thể xác. Khi chuông bữa sáng reo ông đi xuống dưới cho đám chim hoàng yến của ông ăn, lên dây cót đồng hồ bấm giờ và ngồi vào đầu bàn ăn. Ngồi ở đó ông có trước mặt những bức ảnh carbon2 lớn chụp cô con gái ông, chồng cô, cùng hai đứa bé chân to - cháu ngoại ông - lồng khung màu đen treo trên vách bằng gỗ thích của khoang tàu. Sau bữa sáng ông tự mình dùng một miếng vải phủi bụi bám trên mặt kính những bức chân dung này, và phủi bức tranh sơn dầu của bà vợ bằng một chiếc lông chim nằm lơ lửng trên cái móc đồng nhỏ bên cạnh khung tranh vàng nặng. Sau đó khi đã đóng cửa phòng nghỉ, ông ngồi xuống cái trường kỷ bên dưới bức chân dung đọc một chương trong cuốn Kinh Thánh dày khổ bỏ túi - cuốn Kinh Thánh của bà. Nhưng có những ngày ông chỉ ngồi đó nửa tiếng với ngón tay kẹp giữa các trang quyển sách đã gập lại để trên đầu gối. Có lẽ đột nhiên ông nhớ ra rằng bà mê đi tàu đến nhường nào.

Bà là một bạn thủy thủ đích thực và cũng là một phụ nữ đích thực. Với ông có một điều giống như niềm tin bất diệt, rằng chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ, có một ngôi nhà nào vui vẻ, tươi sáng, ở bất kỳ nơi nào trên bờ hay dưới nước, hơn căn nhà của ông bên dưới boong chỉ huy của tàu Condor, với khoang lái chính sơn màu trắng và vàng, trang hoàng như thể dành cho một lễ hội miên viễn với những vòng hoa không bao giờ tàn.

(còn nữa)

---

1 Chức vụ của một thủy thủ người bản địa trên các tàu hoạt động ở vùng biển Đông, phụ trách buồm, neo, cáp… và mọi việc trên boong.

2 Một kỹ thuật chụp ảnh trước đây, từng được cấp bằng sáng chế.

Công Hiện dịch

Project Conrad

Hồng Chương

Tôn Nữ

Công Hiện

Anh Hoa

Nhị Linh

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công