favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Jean Rhys: Quartet

06/07/2024 01:48

Tiếp tục một giọng nữ: giọng của correspondante. Sau Katherine MansfieldIngeborg BachmannAnnie Ernaux và Clarice Lispector, nhân vật tiếp theo của chúng ta sẽ là Jean Rhys. Đoạn dưới đây rút ra từ phần đầu cuốn tiểu thuyết debut của Jean Rhys, Quartet. Đây là một kinh nghiệm formation với rất nhiều phá hủy và đau đớn, liên quan trực tiếp đến Ford Madox Ford (cũng chính là người đặt cho Ella Lenglet cái tên Jean Rhys). [Một câu chuyện rất liên quan: correspondance Celan - Bachmann]. 

Ford Madox Ford (đã nhắc đến loáng thoáng ở kia) là một trong các mầm non được nuôi dưỡng từ tờ Nhịp của Murry - Mansfield và sẽ trở thành một editor lớn, một trong những nhân vật báo chí - văn chương bùng nổ nhất thời mạt kỳ Victoria. Đó là người rất giỏi ký họa, với vô vàn anecdote về, chẳng hạn, Henry James hay Joseph Conrad. 

Các chú thích được lược bỏ, để độc giả chỉ còn tập trung vào mạch truyện.  

 

Quartet

- Jean Rhys

1

Chừng năm rưỡi một chiều tháng Mười, Marya Zelli bước ra khỏi Café Lavenue, một quán danh giá và khá đắt trên Boulevard du Montparnasse. Cô đã ngồi đó gần một tiếng rưỡi và suốt quãng ấy đã nốc cạn hai tách cà phê đen, hút sáu điếu caporal và đọc Candide của tuần.

Marya da trắng, tóc hoe, vóc thanh, eo nhỏ. Khuôn mặt cô ngắn, gò má cao, môi đầy; đôi mắt dài hơi xếch lên thái dương, ánh nhìn vừa dịu dàng vừa xa lạ. Thường trên Boulevard St Michel và Montparnasse, hội choai choai tã tượi vẫn xà vào cô và buông những lời đầy hy vọng bằng đủ thứ tiếng. Gặp ai quá tã, cô chỉ cười xa xôi và đáp bằng tiếng Anh:

“Rất xin lỗi; tôi không hiểu anh nói gì.”

Cô băng ngang boulevard, xuôi xuống Rue de Rennes. Vừa đi cô vừa nghĩ: “Đường này thật giống Tottenham Court Road - đúng là chị em với Tottenham Court Road.”

Ý nghĩ ấy kéo cô trĩu xuống, và để làm nhãng mình, cô dừng bước, ngắm nghía một chiếc mũ dạ qua cửa kính hàng thời trang. Ai đó đằng sau cô nói:

“Chào, Madame Zelli, cô đang làm gì ở cái xó này thế?”

Miss Esther De Solla, cao, mảnh, vai rộng, đang đứng đó dõi mắt xuống cô với vẻ chở che. Khi Marya đáp: “Chào! Có gì đâu. Nói thật là tôi chỉ đang thấy buồn,” cô ta đề nghị:

“Qua studio của tôi đi.”

Miss De Solla, một họa sĩ khổ hạnh đến cực đoan, sống trong một con phố đằng sau Lion de Belfort. Studio của cô ta ẩn sau một tòa nhà u ám, điểm giặt giũ của các bà nội trợ trong khu. Đó là một chốn lặng lẽ, tường vôi trắng, nồng mùi rau củ hỏng. Nữ nghệ sĩ giải thích là một marchande des quatre saisons chất chúng trong sân, đó lại là chị dâu của người bảo vệ, than phiền cũng chẳng ích gì.

“Nhưng thỉnh thoảng mùi cũng tởm lắm. Ngồi gần bếp lò một tí đi. Hôm nay lạnh.”

Cô ta mở một cái tủ khổng lồ, lấy ra một chai gin, một chai vermouth, hai cái ly và một hộp các tông chứa vài bức vẽ.

“Tôi vừa mua sáng nay đấy. Cô thấy thế nào?”

Marya, được hơi men trợ lực, thấy tranh cũng đẹp. Những khóm phụ nữ. Những khối da thịt sắp đặt để tạo thành các hoa văn tinh xảo.

“Của một người Hung,” Miss De Solla nói. “Ông ta sống gần chỗ Trotsky từng sống. Phát hiện của Heidler đấy. Hẳn cô biết Heidler chứ, tay môi giới tranh người Anh ấy.”  

Marya đáp: “Tôi không biết người Anh nào ở Paris cả.”

“Không à?” Miss De Solla đờ người ra một lúc. Rồi cô ta vội vã kêu lên: “Cô tuyệt quá, thật hoàn hảo!”

“Chị nghĩ thế à?” Marya ngập ngừng hỏi lại.

Miss De Solla nhắc lại tuyên bố của mình.

“Tôi thành thật tin rằng người ta phải cố mà thoát khỏi người Anglo-Saxon ở Paris, nếu không thì đến đây để làm cái quái gì? Và chuyện đó không dễ đâu nhé. Dù thế nào thì cũng không dễ cho phụ nữ. Nhưng, tất nhiên rồi, chồng cô là người Pháp, nhỉ?”

“Không,” Marya đáp. “Anh ấy người Ba Lan.”

Nữ nghệ sĩ nhìn chéo sang cô, thầm nghĩ: “Cô ta cưới gã Zelli thật ư? Thật là một món trang trí xinh xẻo - đẹp nhưng bi thảm đến lạ. Ta phải bắt cô nàng ngồi làm mẫu mới được.”

Và cô ta bắt đầu lý luận rằng có điều gì đó không thực về hầu hết người Anh.

“Họ chạm vào cuộc sống qua găng tay. Lúc nào họ cũng vờ vĩnh. Vờ vĩnh toàn những điều tốt đẹp, tất nhiên rồi. Nhưng kể cả thế…”

“Ai mà chả giả vờ,” Marya thầm nhủ. “Người Pháp cũng có kém đâu, chỉ là họ vờ vĩnh cái khác và không lộ liễu như thế. Chị ta sẽ biết nếu ở đây lâu như mình.”

“Lâu như mình” Bốn năm Paris của cô bỗng như vô tận.

“Người Anh…” Miss De Solla vẫn tiếp tục, giọng độc đoán.

Tiếng đàn concertina vẳng lên từ dưới sân. Ai đó đang cố chơi “Yes, we have no babanas.” Nhưng đó là một chuỗi âm thanh không thể nhận ra. Nó lại nhấn chìm Marya vào nỗi đê mê rời rã như khi đưa chân dọc một trong những phố hẹp đầy chật những parfumeries tàn tạ, những quầy sách cũ, những tiệm mũ rẻ tiền, những quán bar nơi các nàng phấn son và các chàng ầm ĩ thường lui tới, những phòng khám của các bà đỡ đẻ…

 Montparnasse đầy ngập những con phố như thế, bao giờ cũng dài kỳ dị. Có thể đi hàng giờ và hàng giờ. Rue Vaugirard chẳng hạn. Chưa bao giờ Marya đi được đến cuối Rue Vaugirard, về cơ bản đó vẫn là một con phố khả kính. Nhưng nếu cứ thế bước về phía Grenelle rồi rẽ vào các ngách…

Mới hôm qua cô phát hiện ra, chính theo cách ấy, một nhà hàng tuyệt vời. Không có patronne, nhưng một mình patron bù được hết. Chỗ nào cần đỏ thì đỏ, chỗ nào cần đào thì đào. Ông ta nói ngọng. Phòng đầy chật đàn ông đội mũ, buông những lời đường mật với nhau; một cái máy hát hoạt động không ngừng; một con chó trắng xinh đẹp nằm thu lu dưới quầy, người ta gọi nó là Zaza, ném xương cho nó và nó sủa như điên.

Nhưng Stephan kịch liệt phản đối những cuộc lang thang vào những ngõ ngách bẩn thỉu ấy. Và dù Marya thấy chồng cực kỳ thiếu nhất quán, cô vẫn phải nhượng bộ sự thiếu nhất quán của anh và dành hàng giờ một mình trong phòng ngủ của mình ở Hotel de l’Univers. Không phải là cô ghét sự cô độc. Ngược lại. Cô có sách, ơn Trời, rất nhiều, đủ loại.

Nhưng vẫn có những lúc cô thấy tồn tại của mình thật loạn, dẫu rất vui. Nó thiếu hẳn độ vững; nó thiếu một cái nền cố định. Một phòng ngủ, một ban công, một cabinet de toilette trong một khách sạn Montmartre rẻ tiền không thể gọi là một cái nền vững được.  

Miss De Solla, đã vét cạn chủ đề, không còn biết nói gì thêm.

Marya nói: “Vâng, nhưng cũng cô đơn lắm, khi không biết người Anh nào.”

“À,” Miss De Solla đáp, “nếu cô thích thế… Tối nay cô làm gì? Đi cùng tôi đến Lefranc’s và gặp nhà Heidler đi? Chắc cô nghe nói về ông ta rồi chứ?”

“Chưa.”

“Hugh Heidler?” Miss De Solla nhắc lại.

Vậy là cô ta kể về Mr Heidler, một nhân vật rất quan trọng trong ngạch của mình, có vẻ thế. Ông ta phát hiện tài năng; ông ta giúp những người trẻ tuổi, ông ta biết cách.

“Tôi tin là họ định từ giờ sẽ sống hẳn ở Pháp - Provence mùa đông, còn lại thì Montparnasse - cô biết kiểu ấy mà. Ông ta bị suy nhược thần kinh hay sao đó. Tất nhiên, người ta bảo…”

Miss De Solla đột ngột ngừng.

“Nhưng tôi thích Mrs Heidler. Một phụ nữ rất khôn ngoan, tỉnh táo - đừng hòng vơ vẩn với bà ấy. Đó là một trong số ít người ở Montparnasse mà tôi thích. Hầu hết bọn họ… Nhưng  sạch sẽ vẫn tốt hơn là tử tế.”

“Tốt hơn nhiều!” Marya đồng ý.

“Nhưng họ cũng không quá cuồng tắm gội và chuốt móng tay đâu,” nữ nghệ sĩ đáp. “Mà kệ đi.” Cô ta đứng dậy châm thuốc. “Mrs Heidler cũng vẽ đấy. Thật kinh khủng khi nghĩ đến hàng trăm phụ nữ quanh đây, ai cũng vẽ hoặc hý hoáy gì đó, nhỉ?”

Cô ta ngó quanh studio khắc khổ của mình, và nỗi thèm khát của người Do Thái - thèm sự êm dịu và ấm áp hiện lên lồ lộ trong mắt cô. 

“Chà,” Marya nói, “tôi muốn đến lắm, nhưng tôi phải gọi cho Stephan đã. Gọi điện ở đâu được nhỉ?”

“Café Buffalo. Chờ chút, tôi phải đứng lên ghế để ngắt ga đã. Bà chủ nhà cá mập của tôi nhất định không chịu mắc đèn điện. Nhưng đừng nhầm, tôi thích chỗ này lắm đấy, dù mùi mẽo đôi khi cũng tởm. Cái đầu đằng kia trông không quá tệ trong ánh sáng này, phải không?” Miss De Solla mơ màng nói.

*

Lefranc’s là một nhà hàng nhỏ ở lưng chừng Boulevard du Montparnasse. Đó là địa điểm thường xuyên của người Anglo Saxon khu này, dù thỉnh thoảng cũng có người Hà Lan và Scandinavi.

Patron có dáng tỉnh lẻ dễ mến. Patronne, rạng rỡ ngự sau quầy, trông thật khỏe khoắn với vóc dáng và kiểu tóc những năm chín mươi: éo hóp, hông nở, tóc đen dài cuộn thành một búi mượt trên đỉnh cái đầu tròn trịa. Thật là một cảnh dịu êm cho đôi mắt đã mệt nhoài.

Nhà Heidler ngồi tít đầu kia căn phòng. 

“Chào buổi tối,” Mrs Heidler nói với giọng của một nam thanh niên nhiều học thức và vẻ mặt không quá nồng nhiệt.

Encore deux vermouths-cassis!” Mr Heidler nói với cô phục vụ.

Đó là những người chắc nịch và tươi tắn. Mr Heidler, quả thật, chắc và tươi đến nỗi khó có thể hình dung ông ta suy nhược thần kinh, dù là loại nào. Ông ta có dáng vẻ của người không thể suy. Cao, đẹp, có lẽ chừng bốn lăm tuổi; bờ vai rộng mênh mông, dáng mũi cao ngạo, tay ngắn, rộng và múp đến nỗi các đốt tay có lúm. Vẻ tượng gỗ của khuôn mặt là kết quả của một cuộc đẽo tạc cẩn trọng. Mắt xanh phớt thông minh, nhưng có vẻ trơ lì, có lẽ còn tàn bạo nữa. 

“Chắc lại một tay nhặng xị,” Marya thầm nghĩ.

Mrs Heidler trẻ hơn chồng nhiều, bụ bẫm, ngăm đen, vẻ quê mùa thận trọng điểm nét Chelsea, mang rất ngay ngắn một cái mũ dạ che hết nửa phần trên khuôn mặt. Bà ta ngồi im một lúc, nghe Miss De Sofia than về sự khan hiếm studio rồi bất thần bảo Marya:

“H. J. và tôi đã quyết định rằng ăn uống là sự sung sướng lớn nhất đời. Ý tôi là, không phải ư? Dẫu thế nào thì đó cũng là một trong những sự sung sướng không bao giờ làm ta thất vọng.”

Mắt bà ta đẹp, màu nâu rất trong, mi dài cong vút, nhưng ánh mắt có một cái gì đó nghi hoặc, như đã tắt lửa lòng.

[...] 

Miss De Solla, chưa bao giờ trông khổ hạnh đến thế, đồng ý rằng ăn uống là khoái lạc lớn ở đời. Họ thảo luận chuyện ăn, chuyện nấu, nước Anh và, cuối cùng, Marya; họ nhắc đến cô ở ngôi thứ ba như thể cô là một con vật hoang hay đi lạc - dù thế nào thì cũng không thuộc hẳn vào bầy.

*

“Nhưng cô là người Anh - hay không phải?” Heidler hỏi.

Ông ta đang đi dọc boulevard cạnh cô, đầu nghiêm ngắn ngửa ra sau.

Marya khẳng định với ông rằng đúng, cô là người Anh. “Nhưng tôi rời Anh bốn năm rồi.”

Ông ta hỏi: “Thế cô vẫn ở Paris suốt à?” Rồi, không đợi cô trả lời, ông ta nhặng lên: “Lois và Miss De Solla đâu rồi nhỉ? À, đây! Để tôi đi xem Guy có đây không, Lois.”

Ông ta biến mất vào Café du Dôme.

“Kinh khủng, phải không?” Mrs Heidler nói.

Marya dõi mắt qua cửa, nhìn đám đông chật chội và buồn thảm, đồng ý rằng kinh khủng thật.

Heidler lại hiện ra, vừa thở hổn hển vừa thông báo, giọng lo lắng:

“Không ở đây. Ta lên sân thượng ngồi chờ vậy.”

Sân thượng trống và lạnh, nhưng không ai phản đối; họ ngồi xuống một lượt, gọi cà phê và liqueur brandies.

Marya, đã bắt đầu run, uống brandy và thấy mình đang nhìn chằm chằm Mrs Heidler, hết sức tò mò.

Một phụ nữ ngăm đen, cả người và mặt chắc như vâm. Có điều gì đó thuộc về đất ở bà ta, điều gì đó rất nông dân. Miệng bà ta rộng, môi dày nhưng không hẳn thiếu nhạy cảm, và bà ta có lối nhăn mặt đến là lạ mỗi khi Heidler sẵng giọng. Cơn run sẽ vẩn trên một bên mặt, và trong khoảnh khắc Mrs Heidler trông như một con vật bị thương.

“Mình cá là có lúc ông ta vũ phu lắm,” Marya nghĩ. Vừa nghĩ thế, cô bỗng thấy bàn tay người đàn ông nặng trịch trên đầu gối.

Thật lố bịch khi làm thế. Lố bịch chứ không đáng sợ. Có gì đáng sợ đâu?

Cô cựa mình thận trọng nhưng dứt khoát, và bàn tay thu lại.

“Ở đây lạnh quá,” Heidler nói, giọng dịu dàng. “Ta qua Select Bar nhé?”

*

Chừng sau nửa đêm, Marya quay lại Hôtel de l’Univers, Rue Cauchois. Cô leo năm tầng thang dốc, không thảm, lần tìm đường qua hành lang không đèn, mở tung cửa phòng ngủ và ôm nghiến lấy chồng. Trông anh thật khẳng khiu khi so với nhà Heidler béo tốt.

Tiens, Mado,” anh nói. “Em về muộn quá.”

Phòng rộng, trần thấp, giấy dán tường sọc đã bạc, không còn gây hấn. Tủ áo màu sẫm khổng lồ đối diện cái giường màu sẫm khổng lồ. Những đồ đạc còn lại co rúm vào các góc, méo mó, sượng sùng. Cánh cửa hẹp bên trái dẫn vào phòng thay đồ nhỏ và rất tối. Sàn không có thảm.

“Anh cũng vừa về,” Stephan nói.

Marya nói: “Ổn cả chứ?” Và khi anh đáp, “Ổn,” cô không hỏi gì thêm.

Stephan không thích bị hỏi. Nếu bị dồn, anh sẽ nói dối. Cứ nói dối thôi. Không giảo hoạt, tính toán mà hững hờ, bực bội. Thế nên từ lâu Marya đã không hỏi nữa. Chính cô cũng liều lĩnh, lười và lang thang từ trong máu, và lần đầu tiên trong đời, cô đến sát gần hạnh phúc.

2

Marya, bạn phải hiểu, không hẳn bị bấng đột ngột, thô bạo từ một chốn êm ấm vững vàng sang khí hậu hỗn loạn của Montmartre. Không hề. Sự thật là cô đã quen với sự hỗn loạn từ lâu

Trước khi kết hôn, cô đã có vài năm làm trong công ty lữ hành số 1 của Albert Prance. Một đoạn đời quái đản. Những bà chủ nhà u ám, những củ hành luộc làm bữa khuya. Những chai gin trong phòng thay đồ. Dũa móng tay không ngừng trên chuyến tàu Chủ nhật. Bàn luận không ngừng về đàn ông. (‘Swine, deary, swine.’) Dàn nữ ca am tường đàn ông đến chân tơ kẽ tóc, phán rất nhanh và bao giờ cũng chuẩn đến điếng người.

Marya muốn đóng một vai lấp lánh - hồi ấy cô mới mười chín tuổi - đối lập với cái nền u ám và chuẩn chỉ của London. Cô đã đến gặp một tay bầu kịch, và quý ông bệ vệ, vẻ mặt chán chường ấy đã lia mắt lên rồi xuống, nhận xét giọng không chút hy vọng: “Chà, cô em không phải là Tetrazzini rồi, nhỉ, cô em? Thôi không sao, thử làm vài bước xem nào.”

Cô làm vài bước. Quý ông bệ vệ liếc nhìn một quý ông khác đứng sau cây dương cầm, có vẻ là quản lý của Mr Albert Prance. Hai người khẽ gật đầu. Thế là thảo hợp đồng. Và xong.

“Miss - cô gọi mình là gì được nhỉ? - Miss Marya Hughes, từ giờ nữ nghệ sĩ đã có tên.”

Điều 28: không diễn, không trả tiền.

Ngày hôm sau, cô có buổi diễn tập đầu tiên và nghe đạo diễn âm nhạc lảm nhảm, vẻ cam chịu: “Soprano sang phải, contralto sang trái.”

 Mr Albert Prance có mũi cong, bụng tướng, ria mép đen dài. Ông ta ngắm cuộc diễn tập và đôi khi chen vào mấy lời ngắn ngủn.

Chẳng hạn:

“Các quý bà quý ông của tôi ơi, phải bạo lên chứ!”

Ông ta làm Marya phát khiếp; đầu gối cô run lập cập mỗi khi ông ta đến gần cô.

Đôi lúc cô thầm nghĩ rằng cái cách mình bị quăng quật thế này thật đáng kinh ngạc, thậm chí còn đáng khiếp nữa. [...] Gia đình Marya là những người đáng trọng, lương thiện nhưng nghèo, và nghèo là nguồn gốc của rất nhiều sự thỏa hiệp.

Vậy là cô đã đến đó và đã ở đó. Dần dà, sự thụ động thay thế máu phiêu lưu ban đầu. Cô học được, sau những cố gắng lâu dài, đau đớn, làm sao để nói đúng giọng của một con hát - nhưng chỉ đến một mức thôi. Quá mức ấy, cô vẫn tách riêng, cô đơn, sợ sự cô đơn của chính mình, căm giận nó đến cực điểm. Cô ngày một mỏng đi. Cô bắt đầu sống cuộc đời đơn điệu và cứng lạnh của mình theo một lối máy móc, ơ hờ.

Một chuỗi thị trấn mơ hồ, cái nào cũng như cái nào, một chuỗi đàn ông, ai cũng như ai. Cô phát hiện ra người ta có thể thả trôi mình như thế rất lâu, cẩn thận giấu đi sự thật rằng đây không phải là những gì mình đã trông đợi ở cuộc đời. Không hề, không hề.

Hai tư tuổi, cô kinh hoàng tưởng tượng mình đang già đi. Rồi, trong một quãng vô công rồi nghề ở London, cô gặp Monsieur Stephan Zelli.

Đó là một người đàn ông ba lăm tuổi: thấp, gầy, dẻo dai, với đôi mắt nâu sáng linh động và vẻ mặt sôi nổi nhưng đầy bí mật. Anh nói tiếng Anh khá tốt, giọng hơi gằn (khi anh căng thẳng) với âm sắc Mỹ.

Anh bảo Marya rằng anh là người Ba Lan, rằng anh sống ở Paris, rằng anh thấy cô thật đẹp và muốn cưới cô. À, anh còn là commissionaire d'objets d’art nữa.

“Ồ, anh bán tranh,” cô nói.

“Tranh và những thứ khác.”

*

Marya, đã học được sự thận trọng qua nhiều đau đớn, bảo mình rằng người lạ ngoại quốc này chắc chẳng tốt đẹp gì. Nhưng cô cảm thấy bình yên kỳ lạ khi ở cạnh anh, như thể rút cuộc thì cuộc đời không phải là vô tận hỗn loạn hãi hùng, như thể anh đang nói với cô: “Nào, nhìn đây, anh biết em lắm. Anh biết em còn hơn em biết chính mình. Anh biết vì sao em không hạnh phúc. Anh có thể làm em hạnh phúc.”

Và anh thật chắc chắn về mình, thật rõ ràng, các suy nghĩ của anh thật sắc nét. Sắc và cứng, có lẽ, một sự hoài nghi gây bối rối và bất an. Nhưng dù thế nào thì đấu óc ấy cũng không bục ra ở những chỗ bất ngờ. Hầu hết người ta do dự. Họ dò dẫm. Họ đầy dè dặt và thành kiến, đầy bất định, hận thù, mặc cảm, và cứ thế - chẳng bao giờ tới đâu. Sau một lúc, ta chỉ thấy một sự trống rỗng và một thành chai trơn tuột - giống như cứ cố trèo lên một bậc thang không ở đó. Nhưng tốt xấu gì, Monsieur Zelli cũng đã ở đây. Rõ ràng như thế. Một người đàn ông. Anh chỉ trích cách ăn mặc của cô bằng giọng uy quyền và cô bị mê hoặc vì điều đó. Anh bảo cô rằng cánh tay cô gầy quá, rằng cô là tạng Slav và khuôn người cô thật đẹp, rằng nếu cô hạnh phúc và được chiều chuộng, cô sẽ rất đáng yêu. Hạnh phúc, được chiều chuộng, đáng yêu - thật là những từ ma thuật. Và người đàn ông này biết mình đang nói gì, Marya có thể thấy rõ điều đó.

Về phần Monsieur Zelli, anh rút ra kết luận từ vẻ chán chường, lúc nào cũng như sắp ngất và sự non trẻ tuyệt đối của cô, đôi mắt đổ bóng, những cú rơi thảm hại, vô thức của cô vào bất lực. Nhưng anh không có những định kiến bourgeois, ít nhất là anh tưởng mình như thế, và cả đời anh đã luôn làm theo các xung động của mình, dù lúc nào cũng theo lối chỉn chu, cẩn thận.

Bữa trưa ở Soho vừa kết thúc. Marya đã hút xong điếu thuốc, nhận xét:

“Anh biết đấy, tôi không có tiền đâu, không gì cả, không một xu nào.”

Cô nói thế bởi vì khi anh dấn người tới với que diêm vừa thắp, anh làm cô nhớ tới tay vĩ cầm của China Audley.

China, cũng là một phát hiện của Mr Prance, được yêu bởi một người đàn ông cao ráo, đẹp mã, túi tiền rủng rỉnh, giọng nói mê hồn. Một hiệp sĩ trẻ tuổi. Anh ta đã đấu một trận kịch liệt với mẹ mình, người cho rằng với hạng con hát thì không việc gì phải hành xử như một quý ông. Và hai người đã đính hôn.

Rồi China điên cuồng quẳng đi viên ngọc ấy để bí mật cưới tay vĩ cầm thấp bé, da tối thui của một quán cà phê Manchester. Suốt phần còn lại của chuyến đi, cô ta chẳng làm gì ngoài nhận những điện tín khẩn khoản từ chồng; “Xin em năm pound ngay Antonio” hoặc đại loại thế. Cô ả đã phải mang đồng hồ đeo tay đi cầm rồi lại chuộc ở không biết bao nhiêu tiệm cầm đồ. Liên tục và liên tục. “Cho đáng kiếp,” những cô khác nói.

“Không tiền. Không gì cả,” Marya nhắc lại. “Cha mẹ tôi mất rồi. Dì tôi…”

“Tôi biết; cô đã kể với tôi,” Monsieur Zelli ngắt lời; từ lâu anh đã đặt những câu hỏi rất khéo và biết hết những gì cần biết về gia đình Marya. Anh tự nhủ rằng có vẻ họ không hề quan tâm cô sẽ thế nào và quan điểm của người Anh về đời sống gia đình đôi khi thật kỳ lạ. Nhưng anh không nói gì.

“Thật đáng tiếc,” Monsieur Zelli nói. “Phụ nữ có một chút tiền dù sao vẫn tốt hơn. An toàn hơn cho cô ấy.”

“Cái váy đang mặc tôi cũng phải mua nợ đấy,” Marya nói. Cô đã quyết tâm khiến anh hiểu rõ tình hình.

Anh bảo cô là mai họ sẽ cùng đi trả tiền cho nó.

“Cô nợ bao nhiêu?”

“Không đáng từng ấy đâu,” anh bình thản nhận xét khi cô nói con số cho anh. “Không phải là xấu nhưng không chic. Tôi nghĩ nhà may lừa cô rồi.”

Marya khó chịu nhưng bị ấn tượng.

“Cô biết đấy - cô sẽ hạnh phúc với tôi,” anh tiếp tục, giọng rất thuyết phục.

Và Marya đáp rằng cô dám nói là cô sẽ.

Một Chủ nhật tháng Sáu, nóng đến rũ cả người, họ đến Paris.

*

Stephan đã sống ở Montmartre mười lăm năm, anh bảo cô, nhưng anh không có bạn thân và rất ít người quen. Đôi khi anh đưa cô theo tới một quán cà phê khuất nẻo, nơi anh gặp một ông già dáng vẻ kỳ dị hay một người trẻ tuổi diện từ đầu đến chân. Cô sẽ ngồi trong cảnh tranh tối tranh sáng vẩn mùi mốc, nhấp bia lạnh và nghe những lời xèo xẹt vụt qua: “La Vierge au coussin vert - Premiere version - Authentique — Documents — Collier de VImperatrice Eugenie…

“Vòng cổ thạch anh tím, viên nào cũng to như mắt bê. Mặt dây chuyền hình quả lê, cỡ trứng bồ câu. Dây xâu là vàng ròng, cùng ngọc trai loại tinh khiết nhất.” Cả cái khối ấy sẽ phải được thòng càng nhanh càng tốt quanh cổ Mrs Bucknell A. Butcher hoặc bất cứ quý bà nào sẵn sàng chịu đựng một món trang sức cổ lỗ sĩ, vì impératrice là một từ đẹp và cả empress cũng không đến nỗi tệ.

Dường như Stephan tiến hành hầu hết công việc của mình trong các quán cà phê. Anh giải thích rằng mình làm trung gian giữa những người Pháp muốn bán và những người ngoại quốc (bao giờ cũng là ngoại quốc) muốn mua: mua tranh, áo lông, tượng Madonna thế kỷ mười hai, Madame du Barry’s prie-Dieu, bất cứ thứ gì.

Có lần anh còn bán một con ngựa bập bênh từng là đồ chơi của một đứa con Millet: một vụ rất bở.

Một tối, cô về nhà và thấy thanh kiếm của Napoleon nằm trần trụi, trông thật đáng kinh ngạc trên giường, bên cạnh cái vỏ gỗ tuyết tùng của nó.

(“Oui, parfaitement,” Stephan nói. “Kiếm của Napoleon.”)

Một trong các thanh kiếm của ông ta, cô đoán thế. Tất nhiên ông ta phải có vài cái chứ. Một người như Napoleon. Chắc là nhiều lắm. Cô đi vòng sang bên kia giường, nhìn nó chằm chằm, thấy bất an mơ hồ. Có một miêu tả dài về báu vật ấy trên cái vỏ bằng gỗ tuyết tùng.  

“Có hai bao, cái thứ nhất bằng sứ dát vàng, chiếc thứ hai bằng vàng khảm đá quý. Cán kiếm được làm bằng vàng theo phong cách phương Đông. Lưỡi làm bằng thép Damascus tốt nhất, trên đó khắc: ‘Để thể hiện sự phục tùng và kính trọng đối với Napoléon Bonaparte, người anh hùng của Aboukir - Mouhrad Bey.’”

Đêm ấy, rất lâu sau khi vỏ gỗ tuyết tùng đã được cất vào một cái vali tồi tàn, Marya vẫn nằm trằn trọc.

“Stephan,” cuối cùng cô nói.

“Gì thế?” Stephan đáp. Anh đang hút thuốc trước cửa sổ mở. “Anh tưởng em ngủ rồi.”

“Không,” Marya đáp. “Anh lấy thứ đó ở đâu thế?”

Anh giải thích là nó thuộc về một gia tộc Pháp lâu đời.

“Giờ họ nghèo lắm và muốn bán. Chỉ thế thôi. Sao họ không gì cơ? Ông ta phải lén lút vì bà mẹ và ông chú sẽ ngăn lại nếu phát hiện ra.”

Marya ngồi dựng dậy trên giường, vòng tay qua đầu gối, giọng không lấy gì làm vui vẻ:

“Có lẽ ông ta không có quyền bán nó mà không có sự cho phép của bà mẹ.”

“Bà mẹ chẳng có quyền gì để nói cả,” Stephan nói cụt lủn. “Nhưng bà ta sẽ làm rầy rà nếu có thể.”

Sáng hôm sau, anh đi rất sớm, mang theo cái vali, và Marya không bao giờ biết rút cuộc thì thanh kiếm đã đi đâu.

“Sang Mỹ,” Stephan mơ hồ đáp khi cô hỏi. Giống như người ta nói “Ra biển.”

Không bao giờ anh giải thích những gì mình làm. Anh là một người bí mật, cô thầm nhủ. Đôi khi, không báo trước cũng không giải thích, anh vắng biệt hai, ba ngày và, bị bỏ lại một mình trong khách sạn, cô bắt đầu sợ, không phải sợ bị bỏ rơi mà sợ một tai họa mơ hồ, đã mờ mờ trong dự cảm. Nhưng không có gì xảy ra cả. Cuộc đời họ kỳ dị, nhưng nó vẫn nhón chân đi, như người ta hay nói. Không có tai họa nào. Cuối cùng Marya không hỏi nữa và bắt đầu biết vui.

Stephan nói dối, Stephan bí mật, nhưng Stephan rất dịu dàng và là một người tình lão luyện. Cô là đứa trẻ được chiều chuộng, nâng niu, là nữ tình nhân được ham muốn, là nữ thần được phụng thờ và ấp trong thơm ngát. Với Stephan, cô là tất cả những điều đó, ít nhất thì anh khiến cô tin là vậy. Marya chưa bao giờ biết một người đàn ông có thể làm được như thế cho một phụ nữ - dịu dàng đến thế trong từng điều nhỏ.

Thêm nữa, cô thích anh. Cô thích những vui tươi hoang dã của anh, những im lặng đột ngột, cố chấp của anh và cái cách, đôi khi, anh vươn tay về phía cô. Quờ quạng. Như trẻ con, cô nghĩ.

Mười tám tháng sau, họ đi Brussels một năm. Trước khi quay lại Paris, mọi ngờ vực đã rời bỏ cô. Cô cảm thấy hôn nhân của mình, dù mạo hiểm, đã thành công mỹ mãn. Cuộc đời cô cứ thế lắc lư đều đặn, thậm chí đơn điệu giữa hai cực, tránh hẳn vực thẳm nghiền nát tâm hồn ở giữa. Có lúc họ có rất nhiều tiền và lập tức tiêu bằng sạch. Có lúc họ cạn túi và phải uống rượu trắng lạnh toát trên ban công trừ bữa.

Từ ban công, Marya có thể thấy một mặt của Place Blanche. Đối diện nó, Rue Lepic trườn lên các đỉnh hoang dã của Montmartre. Thật kỳ lạ làm sao khi tất cả bỗng thật đẹp, đầy tràn và dễ hiểu đến thế sau một ly rượu lấp đầy dạ dày rỗng.

Những đốm sáng nháy mắt với mặt trăng nhợt nhạt, những cô nàng son phấn mảnh mai, đôi cánh của Moulin Rouge, mùi xăng, nước hoa và mùi nấu nướng.

Place Blanche, Paris, Cuộc Sống. Người ta bỗng nhận ra mọi thứ. Giá trị của một huyễn tưởng, chẳng hạn, và rằng cái bóng có thể quan trọng hơn vật thật. Mọi thứ.

3

“Buổi tối tốt lành, Madame Zelli,” patronne của Hôtel de l'Univers nói. “Phiền cô lại đây một chút được không? Tôi có điều này phải nói. Edouard, mang ghế cho cô đi.”

Có một phòng khách nhỏ đằng sau văn phòng khách sạn nơi Madame Hautchamp và chồng đã dành hơn nửa cuộc đời, với vẻ ngoài mãn nguyện. Đó là một căn phòng tối mờ, bức bối, đầy chật đồ: một bàn lớn, một bàn nhỏ, ba cái ghế lưng thẳng tắp.

Monsieur Hautchamp, một ông già nhỏ thó với đôi mắt mơ hồ, hiền lành, lầm bầm gì đó rồi rút ra ngoài.

“Tất nhiên rồi,” Marya tự nhủ, “bọn họ lại đòi tăng tiền thuê nhà đây.” Cô chờ đợi.

Madame Hautchamp, một bà già bệ vệ, mũi khoằm, gương mặt xa cách và không dễ đoán, thông báo:

“Tối nay chồng cô sẽ không quay lại đâu, Madame.”

“Ồ!” Marya nói. “A! Bon! Anh ấy gọi à?”

Cô nhìn cái đồng hồ tích tắc rất to trên kệ lò sưởi. Mới tám giờ.

“Monsieur,” patronne đáp, “bị bắt rồi. Phải, Madame, bị bắt. Một tiếng trước, chừng bảy giờ. Một thanh tra và một đặc vụ đã đến đây. En fin…”

Cô phác một cử động bằng cả hai tay và một bên mày.

“Tôi không hiểu là chuyện gì. Không gì cả. Nhưng chuyện chồng cô bị bắt là chắc chắn.”

Im lặng.

Rồi Marya hỏi, giọng thận trọng. “Anh ấy không… nói gì trước khi đi sao?”

“Tôi nghĩ là monsieur đã hỏi xem có thể để lại cho cô một lá thư không, và ngài thanh tra từ chối.”

“Ồ, vậy à?” Marya nói, đăm đăm nhìn Madame Hautchamp.

Tim cô ngừng bặt rồi bắt đầu đập điên cuồng tới nỗi cô thấy buồn nôn. Tay cô ẩm và lạnh toát. Điều gì đó trong óc cô đang rú lên đắc thắng: “Thấy chưa? Đã bảo mà!”

Patronne lại nói, sau một nhịp ngừng. “Những việc thế này rất phiền, phiền cho tất cả mọi người. Không ai thích bị dính vào những thứ như thế.”

Giọng xéo sắc của bà chủ nhà làm dấy lên trong Marya bản năng tự vệ. Hẳn phải có nhầm lẫn gì ở đây, cô nói.

“Ồ, hẳn rồi,” Madame Hautchamp lịch sự đồng ý. Bà ta tò mò nhìn người khách trọ và nói thêm: “Chà, đừng quá tự dày vò mình. Cảnh sát ấy mà! Nhiều khi họ bắt người chẳng vì lý do gì cả! Vớ vẩn thế đấy. Họ đang ngờ một vụ gì đó - tôi cũng chẳng biết nữa - họ bảo đang có một âm mưu Bôn-xê-vích ở Paris. Thế là họ bắt hết người này đến người khác, trong khi voyous thực thì vẫn để sổng. Nếu tôi mà là cô, tôi sẽ bình tĩnh ngồi đợi tin và không dày vò mình đâu, Madame ạ.”

Khi Marya leo lên thang gác về phòng, chân cô như muốn khuỵu. Cô phải bám vào thành thang.

“Mình phải đi tìm De Solla mới được,” cô tự nhủ. Tâm trí cô tuyệt vọng bám chặt vào sự bình tĩnh của Miss De Solla, vào giọng nói sâu và nam tính của cô ta.

*

Trời đang mưa, đèn từ Moulin Rouge đỏ nhoè trong hơi nước: Salle de danse, Revue.

Grelot sáng rực. Place Blanche, hồi chiều còn ngây thơ mơ màng, đã dậy sẵn sàng cho công việc của đêm. Người ào ạt lướt qua, khom mình bên dưới những cái ô; vỉa hè trơn lấp loáng - những tấm gương nhỏ buồn thảm phản chiếu ánh đèn nhuốm đỏ. Những cái cây dọc Boulevard Clichy trông thật ngớ ngẩn khi duỗi những cánh tay khẳng khiu trần trụi lên một bầu trời không sao.

Marya chui lên khỏi Metró, vừa nhập vào Place Denfert-Rouchereau vừa đếm: “Ba phút nữa thôi, mình sẽ được nghe ai đó nói tiếng Anh. Hai phút nữa, một phút nữa.” Cô hớt hải chạy dọc Avénue d'Orléans. Nhưng studio của Miss De Solla tối đen. Cô gõ cửa, và một phụ nữ nhoài đầu khỏi một cánh cửa bên kia sân, bảo Mademoiselle đi London rồi. Mademoiselle chắc sẽ vắng vài tuần, nhưng nếu có thư thì có thể chuyển.

“Ôi, tôi không biết cô ấy đi rồi,” Marya nói.

Cô đứng nhìn những ô cửa tối chừng một phút, rồi chậm chạp bỏ đi. Khi ngoặt qua góc Rue Denfert-Rochereau, cô bỗng thấy nhà Heidler bên kia đường. Họ đang đi ngược chiều gió, cả hai cùng nép dưới một cái ô to tướng. Một luồng gió xoáy làm cái áo đi mưa của Heidler rung phần phật như một lá cờ, vướng cả vào cái ô. Cô trông thấy khuôn mặt khó chịu của ông ta.

Cô nghĩ: “Việc này thì liên quan gì đến họ, mà họ có thể làm gì kia chứ?” Cô đi tiếp, ngược lên phố. Người ta quay lại nhìn cô chằm chằm vì cô đi rất chậm, trong mưa xối xả. 

*

Ngày hôm sau, cô dành vài giờ trong tòa nhà cạnh Palais de Justice trên Quai des Orfèvres. Cứ nửa giờ, cô lại đến hỏi một người đàn ông cao lớn, mặt phị, khoác áo chùng đen - người ta bảo ông ta có thể cho cô biết vì sao chồng cô bị bắt.

“Tên?” người mặt phị mệt mỏi hỏi.

Khi cô đáp, ông ta lướt ngón tay dọc theo một danh sách và nói: “Không thấy thông tin gì.”

Rồi một người bước vào với một chồng tài liệu mới, và Marya quay lại ghế của mình, chờ đợi. Cái ghế cứng kinh khủng; gió lùa thông thống vào căn phòng mênh mông; cô thấy lưng mỏi nhừ.

Ngồi một bên cô là một lady rất đánh kính vận đồ đen, mang theo bonne. Chắc chắn là bonne, vì cô ta mang mũ Breton cùng tạp dề, và mặc cho màu trắng của món đồ lanh, trông cô ta rất bẩn. Cả hai đều bẩn thỉu, họ thầm thì không ngớt ssp…spp…ssp.

Ngồi bên kia là một thanh niên mang đôi giày mới sáng chói màu vàng ngả đỏ, áo và quần bó chật, mũ rất nhỏ và không áo khoác. Anh ta có vẻ vô lo, vừa âu yếm và kiêu hãnh ngắm đôi giày, huýt một điệu nho nhỏ. Anh ta nhìn Marya đồng cảm và hỏi cô đã ở đó lâu chưa. Nghe cô đáp, anh ta nói: “Ồ, bọn họ không vội đâu, ces messieurs. Chúng ta đến cắm rễ ở đây thôi,” anh ta vui vẻ nói.

Tất cả những người khác ngồi rầu rĩ như thể họ thuộc về một décor u ám của một vở kịch dài dằng dặc. Đôi khi, một quý ông vẻ người nhà nước sẽ từ phòng ngoài sượt qua, hiên ngang đi thẳng đến phòng trong rồi lại xuất hiện sau một quãng, không để lộ dấu hiệu gì.

Năm giờ chiều.

“Tên?” người mặt phị hỏi đến lần thứ sáu. “Nhưng tôi bảo cô là không có thông tin gì rồi mà. Không, không có. Hôm nay không biết được - muộn quá rồi. Tốt nhất là sáng mai cô đến Palais de Justice ấy.”

“Ôi, nhưng tôi phải biết ngay,” Marya bảo ông ta. “Tôi phải biết. Đó là chồng tôi.”

“Chồng hay anh hay cha hay chú thì cũng vậy thôi,” người mặt phị nói. “Tôi không biết.”

Ông ta nói thêm, vẻ rất bực bội: “Không!”

Khi cô đi ra, người bảo vệ đã chỉ cho cô phòng của tay mặt phị hỏi hôm nay cô có lấy được tin không. Cô lắc đầu, bật khóc. Lưng cô đau ê ẩm. Cô quá mệt để có thể chịu đựng một giọng nói ân cần lúc này.

Ah, là, là,” người bảo vệ nói. “Nhưng có gì đâu. Có gì mà lo. Lái xe ẩu đấy mà. Ba ngày là cùng. Thôi nào, thôi nào. Khóc cái gì, ma petite dame. Can đảm lên!”

Một đồng nghiệp hỏi ông ta có biết gì về vụ việc không và ông ta quay lại giải thích:

“Tôi không thể nhìn phụ nữ khóc được. Nhìn phụ nữ khóc là tôi phải an ủi. C'est plus fort que moi.”

Và ông ta lại bắt đầu, giọng khẩn thiết. “Ma petite dame…”

Marya đã lại bước đi.

“Không phải ra đường đó đâu,” một giọng vang lên mơ hồ.

Cô quay người, qua một cổng vòm và thấy mình đã đứng trên Quai des Orfèvres yên bình. Cô ở đó một lúc lâu, nhìn những phản chiếu run rẩy của ánh đèn trên sông Seine. Ánh sáng vàng như đá quý, như những con mắt nhấp nháy với cô. Ánh sáng đỏ như những tia máu trên dòng nước ám muội. Những dải vòng dệt từ ánh sáng trải trên mặt nước tối thẳm lững lờ.

Cô ở đó cho đến khi một giọng trẻ tuổi đi ngang xé tan im lặng: “Ái chà, người đẹp. Tối nay định tự tử đấy à?”

Cô gọi taxi về Montmartre, vừa trả tiền vừa ơ hờ nghĩ: “Mình cũng chẳng còn mấy đồng. Đúng là một mớ bòng bong đẹp đẽ.”

*

Hôm sau, cô đến Palais de Justice.

Những cánh cổng sáng loá, những cầu thang vút lên. Liberté, Egalité, Fraternité chữ vàng rực rỡ; Tribunal de Police chữ đen. Hiện hình của Thiên đường và Phán xét.

Cô cắm cúi đi qua không biết bao nhiêu hành lang và cầu thang dằng dặc. Một người bé nhỏ sáng láng đeo kính gọng sừng, tự xưng là nhà báo, hỏi xem có thể giúp gì cho cô không. Ông ta bảo biết Palais rất rõ. Ông ta nhào đến một cánh cửa, gõ, hỏi một câu chớp nhoáng rồi vụt đi theo hướng ngược lại và Marya, thở dốc đằng sau, bắt đầu thấy như đang chơi một trò chơi phức tạp mà mình không hiểu luật. Họ vừa chạy, ông ta vừa nói về cuộc săn lùng người Bôn-sê-vích. Ông ta bảo các cuộc bắt bớ đã trở thành một xì căng đan, rằng đã đến lúc bọn họ phải dừng lại và họ sẽ bị buộc phải dừng lại.

“Chúng tôi ở đây là vì điều đó, nhà báo chúng tôi.” Lần nào cô cảm ơn ông ta giữa những cơn thở dốc, ông ta cũng đáp: “Rất vui lòng được giúp một confrère.”

Cô tự hỏi không hiểu vì sao ông ta lại tưởng tượng rằng Stephan cũng là nhà báo. “Mình đã nói gì khiến ông ta nghĩ thế à?” cô lo lắng tự nhủ.

Ông ta gõ cộc cộc lên cánh cửa cuối cùng. Hai quý ông vận áo chùng đen, cổ cồn trắng nhỏ xíu, bộ râu đen đồ sộ hướng về họ ánh nhìn tra vấn.

“Chồng của Madame,” người bạn của Marya nói, “một Monsieur tên là Stephan Zelli, một confrère,” ông ta mỉm cười và lại cúi đầu, “bị bắt. Tất nhiên cô ấy rất lo lắng, cô ấy muốn biết nguyên nhân của vụ bắt bớ này là gì.”

Những giải thích trôi chảy, đầy thuyết phục ôn tồn tuôn ra từ miệng ông ta. Con người bé nhỏ sáng láng! Và ông ta có được đúng những gì mình muốn, vì một trong các luật sư đã đứng dậy, rà qua một chồng tài liệu và quay lại với một bộ hồ sơ. Ông ta nói:

“Zelli, Stephan. Aha! Ông muốn biết nguyên nhân cuộc bắt giữ à? Là ăn cắp, escroquerie.”

Nhà báo hắng giọng và ho.

Bon soir, Madame, bon soir,” ông ta vội vàng nói. “Rất vui được giúp cô.” Ông ta lùi ra cửa, trông căng thẳng như thể sợ cô sẽ cố giữ ông ta lại, cố kéo ông ta vào tồn tại tai tiếng của mình. “Bon soir, bon soir!” ông ta tiếp tục nói, giọng vui tươi. Và biến mất.

“Vụ này có nghiêm trọng không?” Marya hỏi.

Cô nghĩ đến tất cả những hành lang và cầu thang đã dẫn mình đến căn phòng tối tăm, vẩn mùi mốc này và bắt đầu thấy chóng mặt.

Hai tay luật sư cùng cười như điên, một trong hai ngả cả đầu ra sau, miệng mở to để lộ cái lưỡi dài màu hồng và trắng cùng khúc đầu vòm họng.

“Ăn cắp, Madame,” ông ta nói vẻ khiển trách, sau khi đã cười xong, “luôn là chuyện rất nghiêm trọng.” Ông ta săm soi cô như một chuyên gia định tội, lại mỉm cười và hỏi quốc tịch của cô. “Cũng Ba Lan à?”

“Không,” Marya nói. Cô đứng dậy.

Quý ông râu dài, ít chớt nhả hơn, nói rằng họ chỉ có thể nói cho cô chừng đó.

“Chồng cô bị bắt vì bị buộc tội ăn cắp, không chỉ một lần. Anh ta đang ở Prison de la Santé và có lẽ một hai hôm nữa, cô sẽ được tin từ anh ta. Cô có thể xin giấy phép đến thăm anh ta trong tòa nhà bên cạnh, Quai des Orfècres.”

“Cảm ơn ông,” Marya nói.

4

Sáng hôm sau, thư từ Stephan đến.

Mado yêu quý của anh,

Anh sợ đã làm em lo lắng. Nhưng anh không thể viết sớm hơn vì chưa được phép. Tối đó, vừa vào, anh đã thấy hai người đợi sẵn và cho anh xem lệnh bắt. Anh bị buộc tội trộm tranh và vài thứ khác. Thật vớ vẩn. Nhưng anh đang bị giữ ở đây, và anh nghĩ bọn họ sẽ không chịu thả anh sớm đâu. Trừ khi anh có thể tìm được một luật sư rất giỏi. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào luật sư. Thứ Năm, ngày thăm thân, em qua với anh nhé, anh sẽ giải thích. Em yêu, anh đang suy sụp lắm.

Stephan

“Dẫu thế nào cũng thật khốn khổ,” Madame Hautchamp thầm nhủ khi thấy người phụ nữ trẻ mặt tái nhợt lên cơn ho dữ dội. “Ôi những con người này,” bà ta nghĩ.

Madame Hautchamp muốn nói đến tất cả bọn họ: tất cả những cặp đôi kỳ dị đang lấp đầy khách sạn - những người nước ngoài trôi dạt sớm muộn cũng vướng vào rắc rối. Bà ta quay lại phòng khách và nói thế với Monsieur Hautchamp, đang đọc báo, và Monsieur Hautchamp nhún vai; rồi, với vẻ bất bình sâu sắc, ông ta tiếp tục bài báo, nó bắt đầu với những dòng này:

Le mélange des races est à la base de l'èvolution humaine vers le type parjait.

“Làm gì có chuyện,” Monsieur Hautchamp thầm nghĩ thế - hoặc một điều gì tương tự.

Marya gấp bức thư lại - thư viết bằng tiếng Anh trên giấy rẻ tiền với đường kẻ xanh, cẩn thận đặt nó vào túi và bước ra Place Blanche. Cô dành cả ngày sương mù hôm ấy đưa chân vô định, bất tận, như thể nếu đi đủ nhanh, cô sẽ thoát hẳn nỗi sợ đang săn đuổi. Đó là nỗi sợ mơ hồ, một cái bóng ám muội, như thể một điều gì độc ác và ngu ngốc sẽ tóm được cô và không bao giờ thả cô ra nữa. Cô đã luôn biết nó ở đó - giấu sau bề mặt ít nhiều đẹp đẽ của mọi sự. Lúc nào cũng ở đó. Từ khi cô còn là một đứa trẻ.

Người ta có thể cãi lý với cái đói, cái lạnh hoặc nỗi cô đơn, nhưng với nỗi sợ ấy thì không thể. Nó thấm quá sâu. Ta quá chắc chắn, dẫu chẳng thể cắt nghĩa vì sao, về sự áp chế của nó. Ta chỉ có thể đi thật nhanh và cố bỏ lại nó phía sau.

Tối đó cô ngồi lì trong một quán bar nhỏ, uống cà phê, và sau cốc thứ ba, cô biên một bức thư về Anh hỏi mượn tiền. Rồi, “Nhưng họ cũng có tiền đâu,” cô nghĩ. “Mình sẽ chưa kể gì cả. Ích gì chứ?”

Cô xé bức thư. Cô bảo mình: “Phải tỉnh táo lên mới được. Mình sẽ thoát được tất cả những việc này nếu mình tỉnh táo. Mình phải bạo lên, Albert Prance sẽ nói thế.”

Đối diện cô, một cô gái xanh xao, khuôn mặt dài ngồi trước món đồ uống còn chưa nhấp môi, nhìn ra cửa. Cô ta đang đợi người đêm trước đã ngồi với cô - đợi anh ta đến trả tiền, và rõ ràng cô ta đang đợi vô ích. Miệng cô ta thõng xuống, mắt tối sầm tội nghiệp.

*

Marya quay lại phòng từ những con phố mù sương và đóng cửa với cảm giác nhẹ nhõm như thể vừa chặn lại thế giới xấu xa bên ngoài. Phòng ngủ của cô là chốn lánh nạn. Cô chậm chạp trút bỏ đồ trên mình, thầm nghĩ: “Cái phòng này thật lạ khi không có Stephan.” Thật trống trải, đầy những cái bóng âm hiểm. Chốc chốc cô lại ngưng một nhịp thở, nghe ngóng, hồi hộp chờ nghe tiếng anh dọc hành lang.

Khi nằm xuống, cô với tay dịu dạng chạm vào gối của anh… Stephan. Anh đúng là chẳng tử tế gì. Có thể lắm. Chà, đã rõ còn gì nữa. Nhưng thế thì sao? “Mình chẳng quan tâm,” Marya nghĩ. “Anh ấy tốt với mình thế. Chúng mình đã thật vui. Mình chẳng quan tâm anh ấy là gì.”

Cô lật mình bất an vài lần, rồi thở dài, bật đèn và run rẩy châm thuốc. Bịp bợm, toàn là bịp bợm. Những thứ bẩn thỉu người ta vẫn làm. Làm và thoát - lại còn đắc thắng - cười nhếch mép. Có ai quan tâm đâu. Chẳng phải cô đã ngờ ngợ rồi à? Chẳng phải cả cô cũng biết à? Nhưng tất nhiên, cứ dính đến tiền là người ta sẽ lao vào trừng phạt không thương tiếc.

“Bịp bợm!” cô bật lên thành tiếng.

Nhưng vừa tắt đèn đi, nỗi sợ lại tràn vào - giờ nó có hình dạng con đường dằng dặc mà cô đi. Con đường thắp đèn đỏ, nhà hai bên cao, xám xịt, cửa đóng chặt, âm thanh duy nhất là tiếng lốc cốc của những cỗ xe ngựa khuất tầm mắt, mơ hồ vẳng đằng sau.

Buổi sáng, cô quay lại Quai des Orfèvres và xin được giấy phép đến thăm nhà tù Santé. Marya Zelli, hai tám tuổi, quốc tịch Anh theo khai sinh, quốc tịch Ba Lan theo kết hôn… Và cứ thế, cứ thế.

*

Bức tường bên ngoài Santé nghiêm trang nhìn xuống Boulevard Arago. Ba trăm thước tối đen, nghiêm nghị và vô vọng. Lại sự dằng dặc vô tận ấy, dường như không hở một lối vào nào. Cuối cùng Marya cũng nhờ được một cảnh sát đi tuần bên ngoài chỉ cho và trước ánh mắt săm soi của ông ta, cô lí nhí đáp là cô đến thăm phạm nhân. Ông ta hất ngón cái qua vai, chỉ một đường ngách và quay đi. Bên trong, một mụ bảo vệ béo phị, tóc vàng, bụng hình quả lê ngồi lún một cái ghế nhỏ đến phi lý, phác một cử chỉ cứng nhắc và hạ cố, ra hiệu cho cô vào. Cô băng qua khoảng sân lát đá cuội xám, bước lên thang để vào sảnh chính, nơi một nhúm bảo vệ đang nhặng xị đợi lấy giấy phép vào thăm. “Chẳng khác gì xếp hàng nộp vé ở một nhà hát Paris,” Marya thầm nghĩ.

Cô bước vào parloir, một gian phòng khổng lồ, tiếng người rầm rĩ. Một trong số bảo vệ mở cửa một ô nhỏ và cô ngồi trên một băng ghế gỗ, đăm đăm nhìn suốt những chấn song trông như chấn song chuồng thú. Tim cô bắt đầu đập nặng trịch. Tiếng rầm rĩ đinh tai làm cô tê bại. Cô thấy như thể một cái vòng sắt đang thít chặt đầu cô, như thể cô đang từ từ chìm xuống nước sâu hun hút.

Stephan xuất hiện phía bên kia, đột ngột như thể vừa được bắn ra khỏi một cái bẫy.

“Hallo, Mado!”

“Hallo,” cô nói. “Tội nghiệp anh, xui quá!”

“Anh nghĩ,” Stephan nói, căng thẳng liếc quanh, “là chúng ta phải nói tiếng Pháp. Em có nghe được anh nói không?” anh hỏi.

“Tất nhiên rồi.”

“Ôi, cái thứ âm thanh địa ngục này. Cứ như cả Paris đang gào thét ở đây. Mado, nghe này, chuyện tồi tệ nhất là việc này xảy ra đúng lúc anh không có tiền. Em phải thư về Anh ngay để mượn tiền. Em đã viết chưa?”

Cô trả lời thận trọng. “Em viết rồi, nhưng họ cũng chẳng có bao nhiêu, anh biết đấy. Ích gì làm họ lo lắng khi họ không giúp được? Nhưng em sẽ ổn thôi,” cô hấp tấp nói thêm, “em sẽ lo liệu cho mình. Hẳn phải có nhiều việc em có thể làm, nhưng em vừa cảm lạnh kinh quá, không nghĩ được gì rõ ràng cả.”

Cô thấy bất an. Thật kinh khủng khi nhìn gương mặt anh nhòm cô qua những chấn song, gầy và lén lút, không còn gì giống Stephan nữa. Cô nói:

“Nói cho em chính xác đã xảy ra chuyện gì đi. Em muốn biết.”

Anh ngoẹo đầu, vẻ không thoải mái.

“Anh đã nói trong thư rồi mà.”

Anh ấy không muốn nói cho mình, cô nghĩ. Mà suy cho cùng thì quan trọng gì? Cái vòng sắt thít quanh đầu cô càng lúc càng chặt hơn.

Anh bắt đầu nói rất nhanh, vừa nói vừa ra hiệu, nhưng những gì anh nói không truyền được gì đến cô cả. Đột nhiên cô không còn hiểu tiếng Pháp nữa. Anh bỗng trở nên xa xôi đến kỳ lạ.

“Và lúc bị bắt anh không có một xu,” Stephan tiếp tục. “Đó là điều ngu ngốc nhất. Lại đúng lúc này.” Anh chửi thề rất khẽ: “Nom de Dieu! Anh chỉ lo cho em thôi.”

“Ôi, em sẽ ổn mà,” Marya nói.

Bảo vệ đập tung cánh cửa. Hai người mỉm cười rúm ró với nhau.

Đầu tuần tiếp theo, cô bắt đầu bán váy. Cô nằm bẹp trên giường: cơn cảm lạnh đã thành sốt. Váy vóc trải trên một cái ghế phơi mình dưới con mắt săm soi của Madame Hautchamp. Bà chủ nhà thông cảm, nhưng không để sự thông cảm của mình làm lệch việc buôn bán một ly:

“Cô em chồng tôi là teinturière, tôi có thể sắp xếp để họ treo bán mấy món này trong tiệm, vì nếu không thì tôi cũng không mua làm gì cả. Và tôi cũng không trả cho cô được nhiều đâu. Đây, chẳng hạn cái robe de soirée này…” Bà ta chỉ viên ngọc của bộ sưu tập: “Ai mà mua? Không ai hết. Chỉ có hạng phụ nữ qui fait la noce thôi. May là cô em chồng tôi có vài khách qui fait la noce.

“Nhưng tôi không hiểu tại sao cứ phải là kiểu phụ nữ ấy,” Marya cự lại.

“Cái váy này không hữu dụng,” Madame Hautchamp bình thản nói, “để lòe ấy mà. Cho nên nếu có ai mua thì phải là hạng ấy. May là, như tôi nói đấy, cô em chồng tôi có vài khách hàng…”

Madame Hautchamp thật đáng sợ. Có thể nghe được những bánh xe xã hội xủng xoảng khi bà ta nói. Không ác ý. Một thực tế rành rành, không thể khác, người ta chỉ có thể cúi đầu cam chịu.

“Tôi có thể đưa cô hai trăm năm mươi franc,” Madame Hautchamp tính toán, trông như một con đại bàng diêm dúa có tài mặc cả.

“Được thôi,” Marya đáp. Cô rùng mình, nhắm mắt, ngọ nguậy đầu để tìm một chỗ mát mẻ trên gối.

“A, mình ngốc quá thể!” bà chủ nhà vừa nói vừa gói ghém đống váy. “Có thư cho cô này.”

“Madame Zelli yêu quý,” Mrs Heidler viết. “Miss De Solla cho chúng tôi địa chỉ của cô. Tối mai cô có muốn cùng dùng bữa và đến dự tiệc của một người bạn Mỹ, mà tôi chắc cô sẽ rất thích, không? Tám rưỡi ở Lefranc's nhé. Tôi hy vọng cô đến được.”

5

“Chà,” Heidler nói, “đến thật.”

Marya mỉm cười, đáp: “đến thật.”

Cô lạnh. Chân cô ướt sũng. Cô tưởng tượng tất cả mọi người trong nhà hàng đều chải chuốt, gọn gàng, viên mãn và ghen tị với cuộc đời ngăn nắp của họ. Rồi vermouth làm ấm cổ họng và ngực cô và cô thấy cơ thể mình đỡ khổ sở hơn.

“Monsieur Lefranc,” Heidler gọi.

Patron vội vã lại bàn - một người nhanh nhẹn hoạt bát nhưng kiệm cả lời nói và cử chỉ, tiến cử hết món này món kia với điệu bộ như muốn nói: “Nên nhớ là không phải ai tôi cũng làm thế này đâu.” Có thể thấy ngay vì sao người Anh chuộng nhà hàng này. Vẻ tiết chế điềm đạm ấy khiến họ tin tưởng.

Mrs Heidler quan sát vị khách với đôi mắt nâu điềm tĩnh.

“Nhưng cô ướt hết rồi kìa, cô bé khốn khổ!”

Marya đáp là không sao đâu, chỉ có ống tay áo khoác thôi.

“Thế thì cởi ra đi,” Mrs Heidler khuyên.

Bà ta hướng mắt xuyên Marya để nhìn một cô nàng vận đồ đỏ có hai thanh niên tháp rùng, đang điểm món với cái đầu nghênh nghênh lạnh lùng.

“Chà,” bà nói, “anh thấy Cri-Cri lờ tịt em đấy H.J.? Thế mà Chủ nhật trước cô ta mới đến tiệc của em.”

Cri-Cri, một tâm hồn không biết sợ ngồi xoạc chân như một kỵ sĩ, chộp lấy menu và bắt đầu liến thoắng, giọng xấc xược. Đó là một cô gái nhỏ người, phúng phính, make up chuẩn đến đáng kinh ngạc, một lớp make up bất biến, ngày nào cũng như ngày nào, tuần nào cũng như tuần nào. Đôi mắt xanh lục của cô ta đánh khối đen, cái mũi nhọn phủ phấn trắng toát. Không một nét thừa hay thiếu, không một lọn tóc đen óng bị lệch. Một màn biểu diễn tuyệt vời. Cô là người mẫu có danh của một hoạ sĩ Nhật, một ca sĩ cabaret, một người nổi tiếng; cô lờ nhà Heidler đi vì cô thấy là cô có thể làm mặt lạnh, niềm nở quá chẳng bao giờ được việc.

Mrs Heidler soi cô với vẻ mơ hồ buồn bã. Bà không thể không định một giá trị cho bất kỳ ai ngó lơ bà, và bà rất sốt sắng muốn có những người như Cri-Cri trong tiệc của mình. Những người xuất hiện trên báo. Các nhân vật. Các típ. Bà bắt đầu huyên thuyên về nữ nhân nổi danh ấy, các nhân vật, các giai nhân.

“Là góc mắt và miệng đấy,” Mrs Heidler nói. Bà nhắc lại, đầy thoả mãn: “Chính nó. Tôi đã để ý nhiều lần. Chính là góc mắt và miệng của cô ta.”

Monsieur Lefranc mang món cá ra.

Khi Marya nhìn Heidleir, cô để ý thấy ông ta có hàng mi thật kỳ dị, ba sợi mi ở góc phủ trên con mắt nhạt màu thông minh. Không hề có vẻ một người dễ mến. Nhưng không phải là không có khả năng quan tâm, vì mỗi lần ly của cô rỗng, ông ta lại chủ động rút đầy. Một cách kỳ diệu, cô bắt đầu thấy yên tâm, hạnh phúc và an toàn. Các ý nghĩ của cô mơ hồ dễ chịu, nỗi khốn khổ của cô xa xôi như tiếng mưa rơi. Cô dõi mắt qua màn sương mù và thấy một nhóm người vừa bước vào nhà hàng, những chuyển động cánh tay cởi áo khoác ngoài, chân đi tất sáng màu và giày đế thấp bước trên sàn gỗ để giấu mình bên dưới khăn trải bàn. Trên quầng nền mờ ảo, cô thấy, rõ khủng khiếp, một gương mặt phụ nữ, tấm lưng của một người khác, những chai rượu sáng loáng trên quầy, vai của một người đàn ông và dải cà vạt kẻ sọc của hắn. Marya ngồi rất thẳng trên ghế da, nói năng cẩn thận và rõ ràng. Một chuỗi giọng ầm ì bên tai cô - giọng to và uy quyền của Mrs Heidler, giọng dịu dàng và ngập ngừng của Heidler.

“À, Lola,” Heidler nói, “Lola là kiểu Elizabeth.” Họ vẫn đang bàn về các típ.

Căn phòng màu lam ngả xám như rộng ra, những bức tường lùi đi, những bóng điện căng lên kỳ diệu. Giờ trông chúng như những mặt trăng nhỏ.

“Cô đây rồi, Anna,” Mrs Heidler nói với một người Mỹ bé nhỏ, gọn gàng, thanh lịch, tóc vàng ửng, mắt sắc và môi rất chặt.

“Lola đang ở Select,” cô ta nói. “Một phút nữa cô ấy đến.”

Miss Lola Hewitt đến, được tháp tùng bởi một thanh niên mặt non choẹt đội béret basque, mang áo jersey và một cái quần rất luộm thuộm. Lola là một giai nhân ủ dột. Những ngón tay dài mảnh mai của cô mân mê chân ly, và cô tuyên bố: “Ôi, chẳng làm sao ngồi cho yên được, nói như người Pháp.”

“Cưng à,” Lois bảo cô nàng, “đừng ủ rũ thế. Làm thêm một fine đi.”

Một cô nàng gầy gò quấn khăn turban có vẻ cũng sẽ đến bữa tiệc, cả một quý ông dễ chịu ngồi cạnh Marya và mời cô đến gặp ông ta ở Dôme mười rưỡi sáng hôm sau nữa. Ông ta vui vẻ bảo thêm: “Tôi không nghe rõ tên cô. Tên tôi là Porson.” Và Marya nhận ra từ giọng ông ta rằng Mr Porson hẳn phải là người nổi tiếng. Lady quấn turban đang cợt: “Vụ Rolls và các buổi tụ tập văn chương đáng tiếc nhỉ? Ừ, tối nay hắn cũng có một buổi tụ tập văn nhân ở Café Lavenue đấy. Chín giờ. Rolls và Boyes. Cả hai. Toàn bộ khu vực trung tây sẽ có mặt.”

“Cô thấy thế nào,” Porson vẫn kiên trì, “sáng mai cô không đến được ư? Giá mà cô có thể sắp xếp. Tôi thấy rất muốn nói chuyện với cô. Tôi biết mười rưỡi thì hơi sớm, nhưng chiều tôi đã quay lại London rồi.” Ông ta nói thêm, gục đầu ủ rũ, rằng mình đang tiến hành thủ tục ly hôn. “Thật nhiễu sự. Chẳng gì mệt mỏi hơn đâu.”

Rất khó nghe được chi tiết về vụ ly hôn của Mr Porson. Marya nghe chàng thanh niên mặt non choẹt nói: “Tôi có thể uống bất cứ thứ gì mình thích và tỉnh ngay trong một phút với thứ này.”

“Gì thế?” cô nói, ngả sang cậu ta. “Tôi xem với nào.”

“Cô có muốn thử không?” cậu trai hỏi. Cậu ta đưa cô một viên nhỏ. “bẻ nó ra, hít vào, đúng rồi.”

Marya bẻ viên con nhộng và hít một hơi. Tim cô khựng một nhịp rồi như thể đột ngột giãn ra, đau đớn khủng khiếp. Máu dồn lên mặt và cổ cô. “Mình gục mất,” cô kinh hoàng tự nhủ, víu lấy cạnh bàn.

“Nó tóm được cô rồi đấy,” cậu chàng mặt non choẹt nói, vẻ hào hứng. Cậu ta bảo những người khác: “Này, nhìn xem. Cô ấy ngấm rồi.”

Từ một khoảng cách vời vợi, Marya nghe giọng cô nàng quấn khăn turban: “Rolls tất nhiên giỏi tạo kiểu nhưng Boyes - Boyes mới là người tiên phong.”

“Tôi rất xin lỗi,” cô bắt đầu lắp bắp. Rồi cô giải thích, rất cẩn thận, rằng cô e là không thể đến bữa tiệc được, rằng cô sợ là cô phải về thẳng nhà. “Tôi bị cúm, nó đang làm rầy tôi quá. Tôi phải về thôi,” cô lúng búng, nhìn Heidler vẻ van lơn.

“Tất nhiên rồi,” ông ta nói. “Vẫn mưa đấy, cô phải gọi taxi đi.”

Khi ra đến cửa, cô cảm thấy biết ơn ông ta kinh khủng. Cô chắc chắn ông ta biết cô ốm và đã chực oà khóc. Đó là một người đàn ông vững như đá, với bờ vai rộng và giọng nói ôn tồn.

“Chúc ngủ ngon,” ông ta nói. “Lois sẽ ghé thăm cô ngay khi chúng tôi quay lại từ Brunoy. Chăm sóc cho chứng ho của cô nhé. Đừng lo gì cả.”

Ông ta đóng cửa taxi lại.

6

Mười ngày sau, Stephan được xử và lãnh một năm tù giam, sau đó sẽ bị trục xuất khỏi Pháp. Marya đến Santé gặp anh, thấy kiệt sức, ơ hờ, bị rút cạn mọi cảm xúc. Nhưng ngay khi cô bước vào khoảng sân tối tăm của nhà tù, sự hững hờ của cô biến mất. Trong parloir, một người bảo vệ mở cửa một ô thăm thân và ra hiệu cho cô. Cô nín thở đợi, hơi run rẩy.

Khi Stephan xuất hiện: “Em ốm suốt,” cô bắt đầu, “nếu không thì em đã đến Palais de Justice để dự buổi xét xử của anh rồi.”

“Nhưng anh đã bảo em đừng đến,” Stephan đáp. “Em không nhận được thư của anh à? Chà… chẳng ăn thua gì cả.”

Anh không cạo râu, áo không cổ. Anh ngồi co ro trên ghế gỗ, đăm đăm nhìn cô với đôi mắt u ám đỏ ngầu. “Anh sẽ không chịu được,” anh thì thầm, giọng một đứa trẻ. “Anh không thể, không thể.”

Tiếng nói chuyện rầm rĩ từ các ô xung quanh giống như tiếng vo ve của những con côn trùng khổng lồ. Tiếng vo ve làm xây xẩm mặt mày.

“Anh cứ rối hết cả lên khi nghĩ về em, Mado ạ.”

Marya nói: “Em nghĩ em sẽ ổn thôi. Nhà Heidler.” Cô bóp chặt hai tay đang để trên đùi vào nhau. “Dù thế nào mình cũng không được khóc,” cô nghĩ.

“Nhà Heidler,” Stephan hỏi mơ hồ.

“Mrs Heidler đến thăm em ngay khi em nhận thư anh và em đã kể cho bà ấy. Em xin lỗi. Em không định bôi xấu anh; nhưng em thấy, anh biết đấy - tệ lắm.”

“Ồ, có sao đâu?” Stephan nói. “Je m’en fiche.” Rồi anh tò mò hỏi thêm: “Thế bà ấy nói gì?”

“Chẳng nói gì mấy. Em nghĩ bà ấy tử tế đấy.” Cô ngừng, nhớ lại giọng Lois khi bà ta nói: “Tất nhiên, phải làm gì đó về việc này, cưng ạ.” Giọng nói thật uy quyền.

“Tối nay em sẽ đi gặp họ,” cô tiếp tục. “Có lẽ họ sẽ giúp em tìm được một công việc hay gì đó. Em cũng có thể viết thư về Anh mượn một ít tiền. Em sẽ ổn thôi.”

Họ ngồi im lặng một lúc, rồi anh bảo cô là anh sẽ bị gửi đi Fresnes, không phải một nhà tù trung tâm.

“Fresnes khá gần Paris. Em sẽ đến thăm anh chứ?”

“Tất nhiên, tất nhiên rồi… Stephan, nghe này. Đừng lo, anh yêu. Tháng Chín anh sẽ được tự do, phải không nào? Chẳng lâu lắm đâu. Thời gian sẽ qua mau.” Nói thế đúng là không khéo lắm, nhưng đầu óc cô bây giờ đang không hoạt động bình thường.

“Mau! Chúa ơi, buồn cười thật! Mau cơ đấy!”

Anh cười, nhưng cô tự nhủ rằng trông anh như đang cầu xin giúp đỡ, và cô thấy muốn vỗ về anh kinh khủng.

“Em yêu anh,” cô nói

“C'est vrai?” Stephan hỏi. “Chà, có lẽ. Anh sẽ thấy.”

Cô nhắc lại: “Em yêu anh. Đừng buồn quá nhé, anh yêu.” Nhưng chỉ vô vọng, vì cô cảm thấy rõ là anh đang bị kéo đi khỏi cô, bị khép vào cái vòng của nỗi đau riêng, không sao chạm thấu.

Người bảo vệ đằng sau anh mở toang cửa và anh nhảy dựng lên với vẻ sẵn sàng khiến cô khiếp sợ.

“Lần sau nhé” anh nói bằng tiếng Anh, lại nhăn nhó mỉm cười.

Người bảo vệ càu nhàu gì đó. Anh dựng lên như một con ngựa hoảng và biến mất khỏi tầm mắt cô.

*

Đó là một chiều mù sương, trời lạnh như cắt. Bên ngoài, phố đã lên đèn. “Cứ như là London,” Marya nghĩ. Boulevard Arago, giống mọi thứ khác, có vẻ phi thực, huyễn ảo nhưng cũng quen thuộc vô cùng, và cô cố giải thích cảm giác quen thuộc kỳ dị ấy.

Cô thấy lạnh khi qua Avenue d'Orléans và vào bar gọi cà phê nóng. Quán vắng tanh, chỉ có một người đàn ông to lớn ngồi đối diện, đang làm một cốc bia đen. Ông ta vừa uống vừa dõi ánh mắt nặng nề, chậm chạp về phía Marya, và khi cô rút thư của Stephan ra đọc lại, ông ta thầm nghĩ: “Lại chim chuột gì đây.”

“Luật sư của anh không biết métier. Thay vì bào chữa cho anh, hắn lại bảo toà là anh biết sáu ngôn ngữ. Thế là anh bị gán với một vụ ngu ngốc ở Brussels. Thành thử…”

Một vụ ngu ngốc ở Brussels. Nhưng khi cô cố nghĩ xem đó là gì, bộ não mệt mỏi của cô chỉ kéo ra được những mảnh rời rạc về Brussels: bồi bàn diện gi-lê trắng mang những cốc bia cao và mảnh, con tàu Paris lảnh lót tiến vào ga u tối, mặt trời trên những cái ô sọc đỏ trong chợ hoa, những cái cây xanh ngắt của Vanue Louise.

Cô ngồi đó, hút hết điếu này đến điếu khác, rất lâu sau khi người đàn ông to lớn đã biến mất. Mỗi lần cửa quán mở để nhận một khách mới, cô lại thấy bóng đèn đỏ quạch của hiệu thuốc lá đối diện cùng phản chiếu đỏ quạch của nó trên đường nhựa, và cô bắt đầu vẽ ra mê cung vô tận những con phố Paris sáng quắc, chật những người hối hả. Nhưng giờ cô nghĩ về họ mà không sợ hãi, thậm chí còn phấn khích kỳ lạ.

“Lo lắng ích gì?” cô tự nhủ. “Mình chẳng quan tâm. Mình chán buồn rồi.”

Cô ra khỏi quán và đứng vài phút nhìn Lion de Belfort fair - những quầy hàng, những khối người chen nhau trong ánh đèn trắng lung linh, trong tiếng nhạc leng keng của các vòng quay thú nhún.

*

Nhà Heidler đang đợi ở nhà hàng August's trên Boulevard St Michel. Chín giờ kém mười lăm, Heidler nói:

“Anh hy vọng không có gì xảy ra với cô bé.”

Và khi Lois đáp rằng chắc không có gì đâu, hy vọng thế, Marya bước vào. Cô tái xanh, mắt đánh khối, môi bôi son rất vội, đậm nhạt lỗ chỗ. Cô mặc váy đen bên dưới áo khoác - một cái váy thảm hại không tay, không hình dạng rõ ràng, và trông cô yếu ớt, trẻ con và vô cùng tiều tuỵ.

“Em nói với cô ấy nhé, H.J.?” Lois hỏi.

“Sao không?” Heidler đáp, vẻ nghiêm nghị nhưng có phần ngượng ngập.

“Đừng sợ nhé,” Lois nói.

Marya liếc nhanh từ vợ sang chồng và nhắc lại, “Sợ…?”

“Cô sẽ thích việc này, ít nhất thì tôi hy vọng cô sẽ thích. Cô biết đấy, H.J. và tôi đã nghĩ rất nhiều về cô. Và, cưng ạ, cô không thể cứ một mình như thế này được. Ý tôi là, không thể, phải không?”

Bà ta vươn tay ra ve vuốt. Marya tự nhủ rằng thật lạ khi mình không bao giờ có thể xác định được là rút cuộc mình thích hay cực kỳ không thích sự đụng chạm của Mrs Heidler.

Lois tiếp tục: “Trông này, chúng tôi muốn cô chuyển vào căn phòng trống trong studio.” Bà ta hơi căng thẳng, thế nên giọng nói còn có vẻ áp chế hơn bình thường. “Chỉ là cái tổ chim thôi, nhưng ở đó cô sẽ ổn. Và cô phải ở lại cho đến khi quyết định được là sẽ làm gì. Cho đến khi cô ổn hơn. Lâu chừng nào cô muốn, cưng ạ.”

Im lặng.

Monsieur August đã đặt một con cá bơn lớn lên bàn, liếc Heidler với đôi mắt màu lam nhạt xa cách và lui đi.

“Tay August này trông ghê gớm tợn,” Heidler nhận xét, khẽ cựa mình trên ghế. Ông ta có vẻ rụt rè.

Marya nói rất nhỏ: “Tôi không biết làm thế nào để cảm ơn anh chị. Anh chị thật tốt khi lo lắng cho tôi…”

Heidler nói, vẻ nhẹ nhõm, rằng mọi thứ đã được quyết định, không cần nói thêm nữa. Marya mỉm cười khó nhọc. Cô tự nhủ: “Những người này tử tế kinh khủng, nhưng mình không muốn đến sống với họ. Mình sẽ không đi đâu. Chẳng có gì phải lo cả.”

“Khi nào cô có thể chuyển đến?” Heidler hỏi. “Mai nhé?”

“Nhưng,” Marya nói, “tôi sợ là sẽ rất phiền.”

“Không sao đâu!” Heidler trấn an cô. Mắt ông ta gặp mắt cô một chớp, rồi ông ta nhìn đi chỗ khác.

“Tôi thực sự sợ,” cô khăng khăng, “là không thể. Anh chị rất tốt, nhưng tôi không thể làm phiền anh chị được.”

“Vớ vẩn!” Lois nói. “Chúng tôi sẽ rất thích có cô, mọi thứ đã sắp xếp ổn thoả. Sau bữa tối cô phải qua studio đấy, chúng ta sẽ nói chuyện này. H.J. có cuộc hẹn phải đi chỗ khác.”

Marya nhẹ nhõm đồng ý. “Vâng, chúng ta sẽ nói chuyện.” Cô im lặng suốt phần còn lại của bữa tối.

Khi Lois tuyên bố: “Tôi muốn vẽ cô. Trong chính cái váy đen ấy, tôi nghĩ thế, thêm găng tay ngắn màu đen nữa. Hay đổi sang găng tay màu lục nhỉ? Anh nghĩ sao, H.J.?” cô bắt đầu tự hỏi tại sao chuyện sống cùng nhà Heidler lại khiến cô bất an đến thế. Suy cho cùng, cô tự nhủ, cũng có thể sẽ vui chứ.

*

Hai người phụ nữ đi dọc Boulevard St Michel, đằng sau cái bóng biến dạng của họ. Họ bước trong im lặng, gần nhau, gần như chạm vào nhau, vừa đi Lois vừa nghĩ: “Con bé không nói được. Con quỷ nhỏ khốn khổ chẳng có gì nguy hiểm, mình không phải sợ giúp cô ta. Cô ta sẽ không phiền phức đâu. “

Họ bước qua lối vào heo hút của Bal Bullier và những quầng đèn màu của Closerie des Lilas, rồi băng qua đường, nhập vào khoảng âm u của Avenue de l'Observatoire, nơi những ngọn cây, như những bóng ma, biến vào sương ẩm.

Nhà Heidler sống trên tầng hai một toà nhà cao ở nửa trên con phố. Cửa ngoài đóng và trong khi đợi, Lois bắt đầu nói về người dọn nhà. Bà ta bảo Marya rằng người dọn nhà của họ khó chịu kinh khủng.

“Vào một tiệc thứ Bảy của tôi,” bà ta giải thích, “Swansee Grettle - cô biết cô ta chứ? Một nhà điêu khắc đấy. Hôm đó Swansee than phiền là có người cố tình đá cô ta. Thế là gã đang quen Swansee gây sự với cả bọn đàn ông ở đó.”

Cửa mở, và Mrs Heidler dẫn lối lên cầu thang gỗ không trải thảm, vẫn liến thoắng.

“Anh chàng ấy bị táng vào mũi, máu vương khắp nơi, và sáng hôm sau khi thấy phải lau chùi thứ ấy, bà dọn nhà làm ầm cả lên, từ đó lúc nào bà ta cũng hậm hực với chúng tôi. Tất nhiên đây chỉ là chỗ tạm cho tới khi tìm được nơi nào tốt hơn thôi. Vào đi.”

Studio là một gian phòng lớn, trần cao, đồ đạc thưa thớt, tối mờ mờ. Một con búp bê ăn vận như một quý cô thế kỷ mười tám cười ngạo nghễ trên đi-văng, váy satin cứng đơ trải rộng. Có một cái máy hát cầu kỳ, vài thẻ bài nhét vào tấm gương bên trên lò sưởi. Trên tường, phía trên tấm gương là một bức chân dung, được vẽ rất cẩn thận nhưng hơi khiên cưỡng, giống một bức ảnh màu. Marya thầm nghĩ: “Thật kỳ lạ khi nhà Heidler sống trong một căn phòng như thế này.”

“Tôi lấy cho cô ít thuốc lá nhé,” Lois bảo. “Nằm xuống đi-văng đi. Trông cô mệt lắm.”

Khi quay lại, bà ta nói: “Cô không muốn đến sống với chúng tôi, có phải không? Nhưng tại sao chứ? Lo gì? Nếu cô thực sự sợ làm phiền thì tống ngay ý nghĩ ấy khỏi đầu đi. Tôi quen với chuyện này rồi. Lúc nào H.J. cũng sốt sắng cứu một thiên tài trẻ tuổi nào đó và nhét anh ta vào căn phòng trống… Từ khi ở Montparnesse chúng tôi đã lôi được rất nhiều người ra khỏi lỗ, tôi có thể nói với cô như vậy,” Bà nói thêm: “Và bao giờ sau đó bọn họ cũng ghét chúng tôi thậm tệ. Chẳng sao cả! Có lẽ cô sẽ là một ngoại lệ rực rỡ.”

Marya mơ hồ trả lời: “Vâng, nhưng với tôi thì không phải chỉ là trú nhờ vài ngày hay vài tuần. Tôi thực sự không có tiền, và tôi thấy mình phải làm gì đó.”

“Chà,” Lois nói, “thế cô định làm gì?” Bà ta săm soi Marya với vẻ hoài nghi thấu suốt như muốn nói: “Nào. Nói đi. Tôi nghe đây. Tôi đang cố hiểu cô đây.”

Marya khó nhọc bắt đầu: “Chị thấy đấy, tôi sợ rằng mình không đủ cứng rắn. Tôi mềm yếu, dễ bị nhát, và mấy ngày qua tôi sợ run lên được. Ý tôi không phải là nỗi sợ vật lý đâu…” Cô ngừng bặt.

Mrs Heidler vẫn đăm đăm nhìn cô với đôi mắt nâu khôn ngoan, tra vấn.

“Tôi đã nhận ra, chị biết đấy, rằng cuộc sống thật tàn nhẫn và khủng khiếp đối với những người không được bảo vệ. Tôi nghĩ cuộc sống thật tàn nhẫn. Tôi nghĩ con người thật tàn nhẫn.” Suốt lúc ấy, cô vẫn vừa nói vừa nghĩ: “Sao mình lại nói với bà ta những điều này?” Nhưng cô thấy thôi thúc phải tiếp tục. “Tất nhiên tôi có thể hoàn toàn sai, nhưng đúng là tôi cảm thấy như thế. Thực ra tôi đã quen phải đối mặt với sự tàn nhẫn rồi. Người ta có thể làm được điều đó, chị biết đấy. Sẽ đến lúc cả con người mềm yếu nhất cũng chẳng thiết nữa; và đó là một khoảnh khắc quý giá. Không được bỏ phí nó. Chị thật tốt, nhưng nếu tôi đến ở với chị, tôi sẽ chỉ mềm yếu và nhút nhát hơn thôi, và sau này tôi sẽ phải học cách cứng rắn lại từ đầu. Tôi không nghĩ,” cô tuyệt vọng nói thêm, “là chị hiểu những gì tôi đang nói.”

Lois vặn lại: “Tôi không hiểu tại sao sau này cô lại phải học cách cứng rắn lại từ đầu. Con người chứ có phải quái vật đâu. Người ta có thể rất tử tế với cô nếu cô không làm họ xù lông lên.”

“Có thể ư?” Marya nói.

Lois ho húng hắng: “Có chứ, nhưng quay lại việc chính, chính xác thì cô định làm gì? Tôi cảm thấy ít nhiều có trách nhiệm với cô. Tôi cũng không hiểu tại sao. Chắc cô là kiểu người khiến người ta muốn chịu trách nhiệm. Cô từng biểu diễn, phải không? Chà, tôi hy vọng cô không nghĩ đến việc làm femme nue. Bọn họ không được trả tiền đâu, những con người khốn khổ.”

“Tôi biết,” Marya đáp. “Không, tôi không định làm femme nue đâu. Tôi cũng chưa biết sẽ làm gì… tôi chẳng quan tâm, dù sao đó cũng là một lợi thế lớn.”

Cô tựa đầu vào gối và khép hờ mắt. Đột nhiên cô thấy mệt kinh khủng, mơ màng như sắp ngất.

“Tất nhiên rồi,” Lois nói, giọng suy xét, “đàn ông… một tay nào đó có thể… phải, theo cách nào đó… Nhưng những chuyện như thế phải cẩn thận, cô bé ạ, nếu không thì sẽ ê chề lắm đấy. Ý tôi là, kể cả khi cô quyết định rằng đó là lối thoát tốt nhất, cô cũng phải lên kế hoạch thật cẩn thận, và dù cẩn thận đến thế nào thì cũng vẫn ê chề, tôi thấy thế.”

“Tôi không nghĩ tôi sẽ có bao giờ lên kế hoạch cẩn thận bất cứ điều gì,” Marya nói, “và tất nhiên không phải chuyện đó. Nếu tôi ký hợp đồng với quỷ thì sẽ là vì tôi muốn thế, hoặc vì đó là một liều thuốc quên, hoặc vì đằng nào tôi cũng chẳng quan tâm quái gì đến cơ thể đàn bà ngu ngốc của tôi. Và tất cả những ai có sức nói ra nói vào.” Cô bật ra rất nhanh, đỏ bừng mặt rồi bật khóc. “Mình xong rồi,” cô thầm nghĩ. “Mình bắt đầu khóc rồi, sẽ không bao giờ dừng được nữa.”

Lois nói: “Cô thấy tôi đã đúng thế nào khi bảo cô phải đến ở cùng chúng tôi rồi đấy. Không thể để cô một mình được.” Giọng bà ta run run. Marya kinh ngạc khi thấy nước mắt ậng lên trong mắt người phụ nữ… “Cô biết đấy,” Lois nói thêm, “H.J., tôi yêu ông ấy kinh khủng… và không phải lúc nào ông ấy cũng tốt với tôi.”

Họ ngồi cạnh nhau trên đi-văng, khóc cùng nhau. Marya tự hỏi làm sao mình lại có thể nghĩ Lois cứng rắn và hà khắc. Tạo vật mềm yếu này, người phụ nữ cùng hội cùng thuyền này, bị cuộc đời làm cho hoang mang, đau đớn chẳng khác gì cô. “Chị ta chỉ tỏ ra gan dạ hơn mình thôi,” cô thầm nghĩ. “Chị ta nguỵ trang tốt hơn mình.”

(còn nữa)

Anh Hoa dịch

Nữ phù thủy

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công