favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

Graham Greene: Francois Mauriac

01/05/2025 08:58

Chủ đề Graham Greene đã bắt đầu, text gần nhất ở kia. Ngay sau khi bức ảnh trong text ấy xuất hiện, đã có một hồi ứng.

Graham Greene, đọc François Mauriac, trước hết nhắc ngay đến cái chết của Henry James. Đó là hành động tự nối mình vào một truyền thống: nối bằng cách cự lại. Henry James từng nhìn thấy ở George Eliot giới hạn cho mức cao nhất mà tiểu thuyết Anh kiểu cũ có thể đạt tới, còn Greene thấy ở James mức cao nhất của tiểu thuyết Anh mới: một tượng đài bằng mọi giá phải vượt qua.

Tất nhiên, truyền thống Pháp rất quan trọng trong sự formation này. James được gợi ý rất nhiều bởi Balzac, MaupassantFlaubert, còn Greene, đến lượt mình, cũng thấy cần nhìn vào François Mauriac. Tiểu luận dưới đây viết năm 1945, chính giai đoạn Greene viết những tiểu thuyết nhiều tính chất tôn giáo nhất của mình: The Power and the Glory (1940), Vấn đề là ở chỗ (1948) và The End of the Affair (1951).

Các đoạn tiếng Pháp trong văn bản sẽ được giữ nguyên không dịch.

 

Francois Mauriac

- Graham Greene

Sau cái chết của Henry James một thảm họa đã ập xuống tiểu thuyết Anh; thực ra từ rất lâu trước khi ông qua đời người ta đã có thể hình dung dáng hình tĩnh lặng, ấn tượng, phần nào tự mãn ấy, giống như người sống sót cuối cùng trên một cái bè, nhìn ra biển đầy xác tàu đắm. Ông thậm chí còn ghi lại những ấn tượng của mình trong một bài báo trên tờ The Times Literary Supplement, ghi nhận hy vọng của ông – nhưng liệu đó có thực là hy vọng hay chỉ là một hình thức của sự lịch thiệp phương đông bất khả xâm phạm nơi ông? – vào những tiểu thuyết gia trẻ như Mr. Compton Mackenzie và Mr. David Herbert Lawrence, và chúng ta, những người đã sống qua thảm họa, có thể nhận ra sự phù phiếm của những hy vọng ấy.

Với cái chết của James ý thức tôn giáo cũng mất đi trong tiểu thuyết Anh, và cùng với ý thức tôn giáo là ý thức về tầm quan trọng của hành động con người. Như thể thế giới hư cấu mất đi một chiều: nhân vật của những nhà văn ưu tú như Mrs. Virginia Woolf và Mr. E. M. Forster lang thang như những biểu tượng bìa cứng đi qua một thế giới làm bằng giấy mỏng. Ngay cả nơi một trong những tiểu thuyết gia duy vật nhất của chúng ta – Trollope – chúng ta vẫn cảm nhận được một thế giới khác mà hành động của nhân vật bật được lên. Vị mục sư lóng ngóng lê bước trong bùn với đôi ủng đen, vụng về cầm cây dù, nói về khoản thu nhập khốn khổ của mình và vấp ngã với một lời cầu hôn, tồn tại theo một cách mà Mr. Ramsay của Mrs. Woolf không thể làm được, bởi chúng ta cảm nhận được rằng ông ta không chỉ tồn tại với người phụ nữ ông đang nói chuyện mà còn tồn tại trong mắt Chúa. Sự tầm thường của ông trong thế giới giác quan chỉ có thể sánh với tầm quan trọng to lớn của ông trong một thế giới khác.

Tiểu thuyết gia, có lẽ vô thức nhận ra tình thế khó khăn của mình, đã ẩn náu trong tiểu thuyết chủ quan. Dường anh ta nghĩ rằng bằng cách đào vào các lớp tính cách cho đến nay vẫn chưa được đụng đến, anh ta có thể khám phá được bí mật của ‘sự quan trọng’, nhưng chính trong hoạt động khai thác này, anh ta lại đánh mất một chiều khác của thế giới. Thế giới hữu hình đối với anh ta đã thôi không còn tồn tại trọn vẹn ở tư cách thế giới tinh thần. Mrs. Dalloway đi xuôi phố Regent nhận thấy ánh lấp lánh nơi cửa sổ các hiệu đồ, cuộc trò chuyện giữa những người mua sắm, nhưng đó chỉ là một phố Regent nhìn thấy bởi Mrs. Dalloway được truyền đến độc giả: một bài thơ văn xuôi duyên dáng kỳ quặc nhiều hơn là tình cảm chính là cái phố Regent đã trở thành: một luồng khí, một mùi hương thức dậy, một lóe sáng thủy tinh. Nhưng, chúng ta phản đối. Phố Regent cũng có quyền tồn tại; nó thực hơn Mrs. Dalloway và chúng ta hoài niệm về những quán rượu, những tòa án tồi tàn, những phố tĩnh lặng ngày Chủ nhật của Dickens. Các nhân vật của Dickens có tầm quan trọng bất tử, và những ngôi nhà họ yêu mến, những khu trọ nơi họ tự nguyền rủa mình được tôn vinh nhờ sự hiện diện của họ. Họ được trao quyền tồn tại như họ vốn dĩ, bị bóp méo, nếu có, thì chỉ bởi con mắt những kẻ quan sát họ – chứ không bị bóp méo thêm nữa ở một chuyển dịch thứ hai bởi một nhân vật tưởng tượng.

Bởi vậy, tầm quan trọng trước hết của M. Mauriac với một độc giả Anh đó là ông thuộc về nhóm những tiểu thuyết gia lớn truyền thống: ông là một nhà văn cho những ai mà thế giới hữu hình vẫn chưa ngừng tồn tại, tính cách họ có sự vững vàng và quan trọng của con người mang linh hồn để giữ gìn hoặc để mất, và  là một nhà văn nói lên truyền thống và quyền thiết yếu của một nhà văn, để bình luận, để bày tỏ cái nhìn riêng của mình. Bởi chúng ta đã quá mỏi mệt với tiểu thuyết thuần túy giáo điều, truyền thống thiết lập bởi Flaubert và đạt đến đỉnh cao khúc khuỷu tráng lệ ở Anh với các tiểu thuyết của Henry James. Người ta nhớ đến những câu đố trong các tờ báo dành cho trẻ con có hình dạng một mê cung. Trẻ con được khuyến khích dùng bút chì lần tìm trung tâm của mê cung. Nhưng trong tiểu thuyết thuần túy, độc giả bắt đầu ở trung tâm và tìm đường đến chỗ cái cổng. Anh ta rê đầu bút chì xuống những lối đi hẳn phải dẫn thẳng đến các vòng ngoài, thế giới bên ngoài mê cung, nơi những phán quyết đạo đức và những hành động có tầm quan trọng siêu nhiên có thể tìm thấy (việc viết một cuốn tiểu thuyết thực sự có thể được coi là một hành động quan trọng, thể hiện ý định có tầm quan trọng sống còn, hơn nhiều so với vụ ngoại tình của nhân vật chính hay vụ giết người ở chương thứ ba), nhưng các lối đi được in hình lại trượt, tuột và trôi đi, đưa trở lại nơi anh ta bắt đầu, và anh ta thấy rằng người thiết kế mê cung thực tế đã in đè lên lối thoát duy nhất.

Tôi không phủ nhận sự vĩ đại của Flaubert hay James. Tiểu thuyết đã thôi không còn là một hình thức thẩm mỹ và họ đã gợi ra điều đó với lương tâm nghệ thuật. Chính những nhà văn sau này đã mù quáng chấp nhận giáo điều kỹ thuật để biến tiểu thuyết thành một hình thức đờ đẫn không sinh khí (hình thức mà nó vẫn giữ nguyên) như hiện nay. Việc loại trừ tác giả có thể đi quá xa. Ngay cả tác giả, con quỷ khốn khổ, cũng có quyền tồn tại, và M. Mauriac tái khẳng định quyền ấy. Đúng là hình thức kiểu Flaubert không hoàn toàn bị từ bỏ trong tiểu thuyết này [La Pharisienne] như trong Le Baiser au lépreux; ‘tôi’ của câu chuyện đóng một vai trò trong hành động, nhưng sự giả vờ này rất mỏng – ‘tôi’ bị chi phối bởi Tôi. Tôi sẽ trích hai đoạn:

'—Et puis, tellement beau, tu ne trouves pas?

‘Non, je ne le trouvais pas beau. Qu’est-ce que la beauté pour un enfant? Sans doute, est-il surtout sensible à la force, à la puissance. Mais cette question dut me frapper puisque je me souviens encore, après toute une vie, de cet endroit de l’allée où Michèle m’interrogea ainsi, à propos de Jean. Saurais-je mieux définir aujourd’hui, ce que j’appelle beauté? saurais-je dire à quel signe je la reconnais, qu’il s’agisse d'un visage de chair, d’un horizon, d’un del, d’une couleur, d’une parole, d’un chant? A ce tressaillement charnel et qui, pourtant, intéresse l'âme, à cette joie désespérée, à cette contemplation sans issue et que ne récompense aucune étreinte...'

'Ce jour-la, j’ai vu pour la première fois à visage découvert, ma vieille ennemie la solitude, avec qui je fais bon ménage aujourd’hui. Nous nous connaissons: elle m’a asséné tous les coups imaginables, et il n’y a plus de place où frapper. Je ne crois avoir évité aucun de ses piéges. Maintenant elle a fini de me torturer. Nous tisonnons face à face, durant ces soirs d’hiver oil la chute d’une “pigne”, un sanglot de nocturne ont autant d’interêt pour mon coeur qu’une voix humaine.’

Trong những đoạn như vậy người ta nhận ra, như trong kịch Shakespeare, sự căng thẳng đột ngột, sự im lặng dường bao trùm tinh thần – đây là cái còn quan trọng hơn nhà vua, Lear, hay viên tướng, Othello, điều gì đó không bị giới hạn và không ràng buộc bởi cốt truyện; ‘tôi’ đã ngừng nói, chỉ có Tôi đang nói.

Ta không bao giờ bị cám dỗ xem xét các chi tiết trong cốt truyện của M. Mauriac. Ai có thể mô tả thứ tự các sự việc sáu tháng sau đó, chẳng hạn trong Ce qui était perdu? Ta nhớ các nét phác đơn giản của Le Baiser au lépreux, nhưng các sự việc của cuốn tiểu thuyết càng ít được triển khai thì chúng càng mất hút khỏi tâm trí, chỉ để lại trong ký ức những nhân vật mà chúng ta biết quá rõ đến mức các sự việc trong một giai đoạn của cuộc đời họ được tiểu thuyết gia lựa chọn có thể bị quên đi mà ta không quên họ. (Những dòng đầu tiên của La Pharisienne tạo ra trọn vẹn một Comte de Mirbel khủng khiếp: ‘“Approche ici, garcon!” Jemeretournai, croyant qu’il s’adressait à un de mes camarades. Mais non, c’était bien moi qu’appelait l’ancien Zouave pontifical, souriant. La cicatrice de sa lèvre supérieure rendait le sourire hideux.’) Các nhân vật của M. Mauriac tồn tại với sự hoàn thiện phi thường về mặt thể chất (chúng ta cảm thấy ông có mối liên hệ với Dickens), nhưng hành động cụ thể của họ không quan trọng bằng quyền năng, dù là bởi Chúa hay Quỷ, đã thúc đẩy họ, và dù M. Mauriac vươn lên đến đỉnh cao kịch tính trong những xen lớn nhất của ông, chẳng hạn khi Jean de Mirbel, cậu bé mà tâm hồn đang lâm nguy (một kiểu Meaulnes [nhân vật của Le Grand Meaulnes, – Alain-Fournier] đau khổ chịu dày vò), là nhân chứng thầm lặng bên ngoài khách sạn nông thôn về vụ ngoại tình thô tục của người mẹ yêu dấu, các khớp nối của cốt truyện của ông, các sự việc đáng lẽ phải diễn ra theo trình tự hợp lý từ cảnh này sang cảnh khác, thường lại thiếu vắng kỳ lạ. Nếu được tả qua cốt truyện, tiểu thuyết của ông đôi khi có vẻ nhấp nháy như một bộ phim thời đầu. Nhưng kẻ nào sẽ làm cái việc là cố tả chúng như cốt truyện? Xóa bỏ toàn bộ diễn biến các sự việc và chúng ta sẽ vẫn ở lại với các nhân vật theo cách mà tôi không thể so sánh với bất kỳ tiểu thuyết gia nào khác. Nếu loại bỏ khả năng tự thể hiện của Mrs. Dalloway thì không chỉ không còn tiểu thuyết mà cũng chẳng còn cả Mrs. Dalloway; nếu loại bỏ cốt truyện khỏi Dickens thì các nhân vật đã sống xuyên suốt từ sự việc này sang sự việc khác sẽ biến mất. Nhưng nếu nữ bá tước de Mirbel không ngoại tình, nếu người giám hộ của Jean, Papal Zouave độc ác, không bao giờ giơ lên cánh tay chống lại anh ta, nếu vị linh mục vụng về tốt bụng, Abbe Calou, không bao giờ được giao phụ trách cậu bé thì các nhân vật, chúng ta cảm thấy, hẳn vẫn tiếp tục tồn tại theo cách giống hệt. Chúng ta được cứu rỗi hoặc bị nguyền rủa bởi suy nghĩ của mình, không phải bởi hành động của mình.

Các sự việc trong tiểu thuyết của M. Mauriac được sử dụng không phải để thay đổi các nhân vật (thực ra chúng ta vô cùng ít bị thay đổi bởi các sự việc: thật lãng mạn và sai lệch trong đối sánh với Lord Jim của Conrad) mà để bộc lộ nhân vật một cách dần dần với sự tinh tế vô song. Sự nhìn thấu về đạo đức và tôn giáo của ông trái ngược với điều trông thấy: bạn hiếm khi tìm thấy giả định sai dễ bị đánh bại, hình mẫu cố định của M. Mauriac. Lấy ví dụ người quản gia nghèo ngoan đạo M. Puybaraud. Ở Anh người ta gọi đó là một Jesus lê lết, nhưng M. Mauriac cho thấy Jesus lê lết ấy có thể lết về phía Jesus như thế nào. Bản thân La Pharisienne [kẻ giả hình, chỉ nữ bá tước de Mirbel] dưới sự tự phụ hủy diệt và lòng thương hại giả tạo của mình được tiết lộ một cách đồng cảm với cốt lõi tôn giáo. Bà học thông qua sự đạo đức giả. Kẻ được cho là đạo đức giả ấy không thể sống tách biệt mãi mãi khỏi những niềm tin mà bà tuyên xưng. Có mỉa mai nhưng không có chế nhạo trong tác phẩm của Mauriac.

Tôi ý thức được rằng mình đã tản mát quá nhiều với những cái tên và so sánh trong tiểu luận ngắn và hời hợt này, nhưng một cái tên – cái tên lớn nhất – không thể bị bỏ qua khi xem xét tác phẩm của M. Mauriac, Pascal. Tiểu thuyết gia hiện đại này, vốn cho phép mình tự do bình luận, đã bình luận, dù thông qua nhân vật hay thông qua chính ‘tôi’ của ông, bằng giọng của Pascal.

‘Les êtres ne changent pas, c’est là une vérité dont on ne doute plus à mon âge; mais ils retoument souvent à l’inclination que durant une vie ils se sont épuisés à combattre. Ce qui ne signifie point qu’ils finissent toujours par céder au pire d’eux-mêmes: Dieu est la bonne tentation à laquelle beaucoup d’hommes succombent à la fin.’

‘Il y a des êtres qui tendent leurs toiles et peuvent jeuner longtemps avant qu’aucune proie s’y laisse prendre: la patience du vice est infinie.’

‘Il ne faut pas essayer d’entrer dans la vie des êtres malgré eux: retiens cette leçon, mon petit. Il ne faut pas pousser la porte de cette seconde ni de cette troisième vie que Dieu seul connait. Il ne faut jamais tourner la tête vers la ville secrète, vers la cité maudite des autres, si on ne veut pas être changé en statue de sel…

‘Notre-Seigneur wxige que nous aimions nos enemis; c’est plus facile souvent que de ne pas hair ceux que nous aimons.’

Nếu Pascal là một tiểu thuyết gia, chúng ta cảm thấy rằng đây chính là phương pháp và giọng mà ông hẳn sẽ dùng.

Công Hiện dịch

 

Bên kia cầu
Trong trắng
Vấn đề là ở chỗ
Mario Vargas Llosa: Văn chương và cuộc đời
Sống tiếp

ở tỉnh
Sa mạc tình yêu

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công