Graham Greene: Bên kia cầu
Cùng các Melville ngắn (kỳ mới nhất ở kia), giờ thì cả Greene ngắn. Cũng sẽ rất sớm có Greene dài, chính là The heart of the matter (1948).
“Bên kia cầu” viết năm 1938, gần cùng thời điểm với “Trong trắng”: cả hai cùng nằm trong tập Hai mốt truyện, xuất bản năm 1954. Đọc Graham Greene rất dễ nghĩ đến Henry James và Joseph Conrad. Greene từng viết về James (chuyện đã nhắc đến ở kia). Và khi đọc cuốn sách của một nhân vật viết tiểu sử cho Conrad, Greene đã tự tìm cách gặp, đề nghị viết tiểu sử mình. Nhân vật sau đó được cho xem toàn bộ lưu trữ cá nhân của Greene và gặp những người có thể nói về Greene.
Như vậy thì không hề ít, vì đó là một người gây ấn tượng về một cuộc đời vô cùng bí ẩn. Quãng đầu thập niên 50, ở Đông Dương có hai nhà báo lớn: Lucien Bodard và Graham Greene. Bodard ký giả Pháp viết một trường thiên về cuộc chiến, sau này được dịch rút gọn sang tiếng Anh, lấy tên (cũng) là Cát lầy. Greene thì đã quá nổi tiếng ở đây với cuốn tiểu thuyết chuyển thể thành phim.
Nhưng Greene phong phú hơn thế nhiều, và ở cả những gì ngắn. Giờ đây, với James và Conrad đã hiện ra tương đối đầy đủ, đã có thể đặt lại nhân vật ấy dưới ánh sáng của một truyền thống, một mối băn khoăn rộng lớn.
Bên kia cầu
- Graham Greene
“Họ nói ông ta đáng giá cả triệu đô,” Lucia nói. Ông ta ngồi đó, trong một quảng trường nhỏ, oi và ẩm của Mexico, một con chó nằm dưới chân, với vẻ kiên nhẫn mênh mông và tuyệt vọng. Con chó lập tức thu hút sự chú ý: nó gần như là chó săn lông xù Anh, chỉ có điều cái đuôi và bộ lông viền của nó hỏng ở đâu đó. Những tàu lá cọ héo rũ trên đầu ông, quanh nhà vòm nhạc toàn là bóng râm và ngột ngạt, radio từ những quán gỗ nhỏ - nơi người ta đổi peso lấy đô la với tỷ giá thiệt thòi - thi nhau oang oác tiếng Tây Ban Nha. Tôi có thể nhận ra ông ta chẳng hiểu một chữ nào, từ cách ông ta đọc tờ báo - cũng giống như tôi, chỉ lượm lặt những từ na ná tiếng Anh. “Ông ta ở đây cả tháng rồi,” Lucia nói. “Họ trục xuất ông ta khỏi Guatemala và Honduras.”
Không thể giữ bất kỳ bí mật nào quá năm tiếng ở cái thị trấn biên giới này. Lucia mới chỉ ở đây hai tư tiếng, nhưng đã biết hết về ông Joseph Calloway. Lý do duy nhất khiến tôi không biết gì về ông ta (dù đã ở đây hai tuần) là bởi tôi cũng chẳng nói được thứ ngôn ngữ này, không hơn gì ông Calloway. Không còn ai trong thị trấn không biết chuyện về Công ty Đầu tư Halling và thủ tục dẫn độ. Bất cứ kẻ nào đang làm ăn buôn bán trong những quầy gỗ bụi bặm ở thị trấn đều am tường chuyện của ông Calloway hơn tôi, ngoại trừ việc tôi - theo nghĩa đen - đã có mặt vào lúc kết thúc. Tất cả theo dõi vở kịch diễn tiến với một sự quan tâm, thông cảm và tôn trọng to lớn. Bởi, suy cho cùng, ông có trong tay một triệu đô.
Cứ chốc chốc trong ngày dài hầm hập lại có một thằng bé chạy tới đánh giày cho ông Calloway: ông không đủ vốn từ để xua chúng đi - chúng vờ không hiểu tiếng Anh. Hôm Lucia và tôi ngồi xem, chắc ông đã cho người ta đánh giày ít nhất nửa tá lần. Đến giữa trưa, ông đi bộ qua quảng trường tới quán Antonio Bar và uống một chai bia, với con chó săn lông xù sát gót, như thể đang dạo chơi đồng quê ở nước Anh (anh hẳn còn nhớ, ông từng sở hữu một trong những điền trang lớn nhất Norfolk). Sau chầu bia, ông lại đi dọc con đường, giữa những túp lều của đám đổi tiền, xuống tận bờ sông Rio Grande, đứng nhìn qua cầu sang phía Mỹ: người ta lái xe qua lại không ngớt. Rồi ông quay về quảng trường cho tới giờ ăn trưa. Ông trọ ở khách sạn tốt nhất, nhưng ở cái thị trấn biên giới này, khách sạn "tốt" cũng chẳng ra gì: không ai ở lại đó quá một đêm. Những khách sạn tử tế nằm bên kia cầu: anh có thể thấy biển hiệu sáng rực cao hai mươi tầng từ quảng trường nhỏ này vào ban đêm, như những ngọn hải đăng đánh dấu nước Mỹ.
Anh có thể hỏi tại sao tôi lại nấn ná suốt hai tuần ở một nơi buồn tẻ đến vậy. Nơi đó chẳng có gì đáng quan tâm đối với bất kỳ ai; chỉ toàn hơi ẩm, bụi bặm, nghèo đói, một bản sao tồi tàn của thị trấn bên kia sông: cả hai có một quảng trường đặt cùng vị trí; cả hai có cùng số rạp chiếu bóng. Chỉ khác là bên kia sạch sẽ hơn, đắt đỏ hơn - đắt hơn rất nhiều. Tôi đã ở bên đó vài đêm, chờ một người mà một văn phòng du lịch bảo là đang lái xe từ Detroit xuống Yucatán và sẵn lòng bán một chỗ trong xe với giá rẻ đến khó tin - tôi nhớ là hai mươi đô gì đó. Tôi cũng không chắc người đó có thật hay chỉ là tưởng tượng của tay nhân viên lai lạc quan trong văn phòng; dù thế nào thì hắn cũng chẳng bao giờ xuất hiện, và tôi cứ thế chờ, chẳng mấy bận tâm, ở bên rẻ hơn của dòng sông. Điều đó cũng không quá quan trọng; tôi vẫn đang sống. Một ngày nào đó, tôi sẽ từ bỏ người đàn ông từ Detroit mà về nhà hoặc xuôi xuống phương Nam, nhưng cứ lần lữa mãi. Như thế dễ hơn là phải vội vàng quyết định điều gì. Lucia thì chỉ đang chờ một chiếc xe đi ngược lại hướng tôi, và cô không phải chờ lâu như tôi. Chúng tôi chờ cùng nhau và dõi mắt nhìn ông Calloway cũng đang chờ đợi - Chúa mới biết ông ta chờ điều gì.
Tôi không biết phải xử lý câu chuyện này thế nào - đối với ông Calloway, đó là một bi kịch; đối với các cổ đông mà ông ta đã làm cho phá sản bằng những giao dịch lừa đảo, tôi đoán nó là sự báo ứng thơ; còn với Lucia và tôi, ở giai đoạn này, đó hoàn toàn là hài kịch - trừ những lúc ông ta đá con chó. Tôi không phải là người quá ủy mị chuyện chó mèo; tôi thà thấy người ta tàn nhẫn với động vật còn hơn với con người. Nhưng tôi không thể không cảm thấy ghê tởm trước cách ông ta đá con vật ấy - một cái đá độc ác lạnh lùng - không phải vì tức giận mà như thể đang trả thù cho một trò xỏ lá mà con chó đã giở ra với mình rất lâu về trước. Điều đó thường xảy ra mỗi khi ông ta quay trở về từ phía cây cầu: đó là dấu hiệu duy nhất cho thấy trong ông ta còn có chút gì giống như cảm xúc. Còn lại, ông ta trông chỉ như một sinh vật nhỏ bé, khô khốc, hiền lành, với mái tóc bạc, bộ ria bạc, kính gọng vàng và một cái răng vàng như một vết rạn trong nhân cách.
Lucia đã không hoàn toàn chính xác khi nói rằng ông ta bị trục xuất khỏi Guatemala và Honduras; thực ra, ông ta đã tự nguyện đi khi các thủ tục dẫn độ có vẻ sắp được tiến hành, và di chuyển lên phía Bắc. Mexico vẫn chưa phải là một quốc gia quá tập quyền và ở đó, người ta vẫn có thể luồn lách với các thống đốc, điều không thể với các bộ trưởng hay thẩm phán. Và thế là ông ta chờ ở đây, biên giới, chờ nước cờ tiếp theo. Phần đầu của câu chuyện chắc là kịch tính, nhưng tôi không chứng kiến nó, cũng không thể bịa ra những gì mình không nhìn tận mắt - những ngày đằng đẵng chầu chực ngoài các phòng tiếp khách, những khoản hối lộ được nhận rồi từ chối, nỗi sợ hãi bị bắt lớn dần, và rồi cuộc tháo chạy - với cặp kính gọng vàng - vụng về tìm mọi cách xóa dấu vết của mình, bởi đây không còn là chuyện tiền bạc và ông ta là một kẻ nghiệp dư trong trò trốn chạy. Và thế là ông ta dạt về đây, ngay dưới mắt tôi và Lucia, ngồi suốt ngày dưới mái vòm nhạc, không có gì để đọc ngoài một tờ báo Mexico, không có gì để làm ngoài nhìn sang bên kia sông, nơi nước Mỹ bắt đầu - hoàn toàn không hay biết, tôi đoán vậy, rằng mọi người ở đây đã biết mọi chuyện về ông ta - và mỗi ngày một lần, đá con chó. Có lẽ, theo cách nửa vời của thứ chó săn lông xù ấy, nó khiến ông ta quá nhớ điền trang Norfolk - dù cũng có lẽ đó chính là lý do ông ta giữ nó lại.
Màn tiếp theo thì hoàn toàn là hài kịch. Tôi ngần ngại nghĩ đến những gì người đàn ông triệu đô này đã làm tốn kém cho đất nước mình, khi họ phải xua đuổi ông khỏi hết vùng đất này đến vùng đất khác. Có lẽ ai đó đã bắt đầu chán ngán và ngãng ra; dẫu thế nào thì họ cũng đã phái hai thám tử sang, mang theo một tấm ảnh cũ. Từ ngày tấm ảnh đó được chụp, ông ta đã để ria và già đi nhiều, nên họ không nhận ra. Họ vừa mới qua cầu được hai tiếng đồng hồ thì người trong thị trấn đã biết hết - rằng có hai thám tử nước ngoài đang đi tìm ông Calloway - ai cũng biết, trừ ông Calloway, vì ông không nói được tiếng Tây Ban Nha. Có rất nhiều người có thể cho ông hay bằng tiếng Anh, nhưng họ đã không làm thế. Không phải vì tàn nhẫn, mà như một dạng kính nể: như một con bò tót, ông ngồi trầm ngâm trong quảng trường với con chó bên chân, trở thành một cảnh lộng lẫy mà tất cả chúng tôi có chỗ hàng đầu để chiêm ngưỡng.
Tôi tình cờ gặp một trong hai viên cảnh sát trong quán Bar Antonio. Anh ta tỏ ra hết sức chán nản; dường như anh đã hình dung rằng chỉ cần băng qua cây cầu, cuộc sống sẽ khác hẳn, sẽ có nhiều màu sắc hơn, nhiều nắng hơn, và - tôi ngờ rằng - cả tình yêu nữa. Nhưng tất cả những gì anh ta tìm thấy chỉ là những phố rộng lầy lội, nơi nước mưa đêm qua còn đọng từng vũng, những con chó ghẻ lở, sự hôi thối và lũ gián bò trong phòng ngủ. Thứ gần nhất với tình yêu mà anh ta thấy là cánh cửa mở toang của Học viện Thương mại, nơi những cô mestizo xinh xẻo ngồi luyện đánh máy cả sáng. Tip-tap-tip-tap-tip - có lẽ chính các cô cũng nuôi một giấc mơ - mơ về những công việc bên kia cầu, nơi cuộc sống sẽ xa hoa, tinh tế và thú vị hơn nhiều.
Chúng tôi bắt chuyện với nhau; anh ta có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi biết họ là ai và họ đang tìm kiếm điều gì. Anh ta nói: “Chúng tôi nhận được tin rằng người đàn ông tên Calloway đang có mặt trong thị trấn.”
“Tôi cũng nghe nói ông ta đang lảng vảng đâu đó,” tôi đáp.
“Anh có thể chỉ cho tôi ông ta không?”
“Tôi cũng không nhận được mặt ông ta,” tôi bảo.
Anh ta uống hết cốc bia rồi ngồi nghĩ một lúc. “Tôi sẽ ra ngồi ở quảng trường. Thế nào ông ta cũng đi ngang qua.”
Tôi uống cạn ly bia rồi vội vã đi tìm Lucia. Tôi nói, “Nhanh lên, chúng ta sắp được chứng kiến một vụ bắt người.” Chúng tôi chẳng mảy may quan tâm đến ông Calloway; đối với chúng tôi, ông chỉ là một ông già đá chó và lừa đảo người nghèo, đáng nhận bất cứ điều gì sắp ụp lên ông. Thế là chúng tôi nhằm thẳng quảng trường; chúng tôi biết chắc Calloway sẽ ở đó, nhưng cả hai đứa đều không lường tới chuyện các thám tử sẽ không nhận ra ông ta. Có một đám đông khá lớn tụ tập quanh đó; dường như tất cả những người bán hoa quả và đánh giày trong thị trấn đều đã kéo đến. Chúng tôi phải chen mới vào được, và ngay trung tâm nhỏ hẹp, ngột ngạt đầy cây xanh của quảng trường, ngồi trên những ghế sát nhau, là hai người mặc thường phục và ông Calloway. Tôi chưa bao giờ thấy nơi này im ắng đến vậy; ai nấy nín thở, và hai thám tử mặc thường phục đang chăm chú dò đám đông để tìm ông Calloway, trong khi ông Calloway vẫn ngồi trên cái ghế quen thuộc, mắt dõi về phía những túp lều đổi tiền, nhìn sang nước Mỹ.
“Chuyện này không thể tiếp tục được. Không thể nào,” Lucia nói. Nhưng nó vẫn tiếp tục. Và còn trở nên kỳ quái hơn. Ai đó nên viết một vở kịch về chuyện này. Chúng tôi ngồi gần hết mức có thể mà không bị lộ. Suốt thời gian ấy, chúng tôi phải cố gắng ghìm tiếng cười. Con chó lai giống chó săn lông xù cào cào vì bọ chét, còn ông Calloway vẫn đăm đăm nhìn về nước Mỹ. Hai viên thám tử thì dán mắt vào đám đông, và đám đông trang nghiêm theo dõi màn trình diễn, đầy mãn nguyện. Rồi một trong hai thám tử đứng dậy và bước về phía ông Calloway. Thế là hết rồi, tôi nghĩ. Nhưng không, mới chỉ là bắt đầu. Vì một lý do nào đó, họ đã loại ông ra khỏi danh sách nghi phạm. Tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu tại sao.
Người đàn ông hỏi, “Ông nói tiếng Anh chứ?”
“Tôi là người Anh,” ông Calloway đáp.
Ngay cả vậy cũng không phá vỡ được bầu không khí, và điều kỳ lạ nhất là cách ông Calloway như bừng tỉnh.Tôi nghĩ đã nhiều tuần rồi không ai nói chuyện với ông một cách bình thường như vậy. Người Mexico thì quá kính trọng - ông có cả triệu đô cơ mà - và cả Lucia lẫn tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới việc đối xử với ông như với một con người bình thường; cả trong mắt chúng tôi, ông cũng đã trở nên to lớn, bị phóng đại bởi vụ trộm khổng lồ và cuộc truy đuổi toàn cầu.
Ông nói, “Chỗ này thật khủng khiếp, anh không nghĩ vậy sao?”
“Đúng vậy,” viên cảnh sát đáp.
“Tôi không hiểu sao có ai lại vượt cầu sang đây.”
“Bổn phận,” viên cảnh sát uể oải nói. “Tôi đoán ông chỉ ghé qua thôi?”
“Phải,” ông Calloway đáp.
“Tôi cứ tưởng bên này sẽ có - ông biết đấy - cuộc sống. Người ta vẫn đọc về Mexico cơ mà.”
“A, cuộc sống,” ông Calloway nói. Ông nói chắc chắn và rành rọt, như thể đang phát biểu trước một ủy ban cổ đông. “Cuộc sống bắt đầu ở bên kia cơ.”
“Người ta không biết trân trọng đất nước mình cho đến khi xa nó.”
“Rất đúng,” ông Calloway nói. “Rất đúng.”
Ban đầu thật khó mà không bật cười, nhưng rồi một lúc sau, chẳng còn có gì đáng cười nữa; chỉ là một ông già đang mơ về tất cả những điều tốt đẹp diễn ra bên kia cây cầu biên giới. Tôi nghĩ ông hình dung thị trấn đối diện như một kết hợp giữa London và Norfolk - những nhà hát, những quán cocktail, một chút săn bắn và những buổi dạo quanh đồng lúc chạng vàng cùng con chó - phiên bản tồi tàn đáng thương của giống chó săn - lục lọi trong bờ rãnh. Ông chưa từng sang bên kia nên không thể biết rằng đó cũng chỉ là cùng một thứ - đến cả cách bố trí; chỉ khác là các con phố bên đó lát gạch, khách sạn cao thêm mười tầng, cuộc sống đắt đỏ hơn, và mọi thứ có vẻ sạch sẽ hơn đôi chút. Ở đó chẳng có gì mà ông Calloway có thể gọi là cuộc sống - không phòng triển lãm, không hiệu sách, chỉ có Film Fun, báo địa phương, Click và Focus và mấy tờ lá cải.
“Thôi,” ông Calloway nói, “tôi nghĩ tôi sẽ đi dạo một vòng trước bữa trưa. Phải tạo cho mình một chút thèm ăn mới nuốt nổi đồ ở đây. Tôi thường xuống đó ngắm cây cầu vào giờ này. Anh có muốn đi cùng không?”
Viên thám tử lắc đầu. “Không,” anh ta nói, “tôi đang làm nhiệm vụ. Tôi đang tìm một người.” Và chỉ thế thôi, tất nhiên, cũng đủ để lộ hết. Trong cái nhìn của ông Calloway, trên đời này chỉ có một “người” duy nhất mà người ta có thể tìm - mọi khả năng khác đều bị loại bỏ: bạn bè tìm bạn bè, chồng chờ đợi vợ, mọi tìm kiếm nào khác đều không tồn tại - chỉ còn lại mình ông. Khả năng loại đi mọi yếu tố thừa ấy chính là điều làm nên một nhà tài phiệt - ông có thể quên những con người đứng sau cổ phiếu.
Đó là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy ông trong một quãng dài. Chúng tôi không thấy ông ta vào tiệm Botica Paris để mua aspirin, cũng không thấy ông dắt chó đi bộ từ cầu về. Ông đơn giản là biến mất, và khi ông biến mất, người ta bắt đầu xì xào, các thám tử cũng nghe được những lời xì xào đó. Họ trông có vẻ ngu ngốc ra trò, cuống cuồng truy tìm đúng người mà họ đã ngồi cạnh trong vườn bấy lâu. Sau đó, chính họ cũng biến mất. Cả họ lẫn ông Calloway đều đã lên thủ phủ của bang để gặp Thống đốc cùng Cảnh sát trưởng, và hẳn đó cũng là một cảnh tượng thú vị - khi họ chạm mặt ông Calloway và lại ngồi cùng ông trong các phòng chờ. Tôi đoán rằng ông Calloway thường được mời vào trước, vì ai cũng biết ông có cả triệu đô. Chỉ ở châu Âu người ta mới có thể vừa là tội phạm vừa là triệu phú.
Dù sao thì, sau khoảng một tuần, tất cả bọn họ đều trở về trên cùng chuyến tàu. Ông Calloway ngồi khoang hạng Pullman, còn hai viên cảnh sát thì đi toa thường. Rõ ràng là họ đã không xin được lệnh dẫn độ.
Lúc đó Lucia đã đi rồi. Xe đến, rồi băng qua cầu. Tôi đứng bên Mexico và nhìn cô xuống xe ở trạm Hải quan Hoa Kỳ. Cô vốn chẳng có gì đặc biệt, nhưng nhìn từ xa, cô trông thật xinh đẹp khi vẫy tay chào tôi từ bên kia nước Mỹ rồi bước lại vào xe. Và bất chợt tôi thấy thương cho ông Calloway, như thể có một điều gì đó ở bên kia mà ở đây không bao giờ có được. Tôi quay lại và thấy ông trở về chỗ cũ, đi tuần trên hành trình quen thuộc, con chó lặng lẽ theo sau.
Tôi nói: “Chào buổi chiều,” như thể từ trước đến giờ chúng tôi vẫn thường chào nhau như vậy.
Ông trông mệt mỏi, ốm yếu, bụi bặm, và tôi thấy thương hại ông - nghĩ đến cái kiểu chiến thắng mà ông đã giành được, bao nhiêu tiền bạc và công sức bỏ ra, mà phần thưởng chỉ là cái thị trấn dơ bẩn tẻ nhạt này, những quầy đổi tiền, những tiệm làm đẹp tồi tàn với những ghế mây và sofa trông như phòng tiếp khách nhà chứa, cái vườn nóng và ngột ngạt cạnh nhà vòm nhạc.
Ông đáp uể oải: “Chào buổi sáng,” và con chó bắt đầu hếch mũi ngửi một đống phân đâu đó, ông liền quay lại và đá nó một cú tức giận, buồn bã, tuyệt vọng.
Đúng lúc ấy, một cái taxi chở hai cảnh sát chạy ngang qua chúng tôi, trên đường ra cầu. Chắc chắn họ đã thấy cú đá ấy; có lẽ họ thông minh hơn tôi vẫn nghĩ, hoặc có thể họ chỉ là những kẻ yếu lòng với loài vật, muốn làm một việc tốt, và mọi thứ sau đó chỉ là ngẫu nhiên. Nhưng sự thật vẫn thế - hai trụ cột của pháp luật ấy đã bắt đầu tính đánh cắp con chó của ông Calloway.
Ông nhìn theo chiếc taxi khuất dần. Rồi ông nói: “Sao anh không qua bên kia?”
“Ở đây rẻ hơn,” tôi đáp.
“Tôi vẫn nghĩ ít nhất vẫn nên qua một tối. Ăn một bữa ở cái nơi mà ban đêm ta vẫn thấy đèn sáng trên trời. Đi xem kịch.”
“Không có cơ hội đâu.”
Ông bực bội nói, mút chiếc răng vàng: “Dù sao cũng nên rời khỏi cái lỗ này đi.” Ông nhìn xuống con dốc và nhìn lên bên kia sườn đồi. Ông đâu có biết con phố leo dốc từ cây cầu bên kia cũng chỉ toàn những quầy đổi tiền như bên này.
Tôi hỏi: “Sao ông không đi?”
Ông lảng: “Ồ… công việc.”
Tôi nói: “Chỉ là vấn đề tiền bạc thôi. Ông đâu cần phải đi qua cầu.”
Ông tỏ vẻ hơi quan tâm: “Tôi không biết nói tiếng Tây Ban Nha.”
“Tất cả mọi người ở đây,” tôi nói, “đều biết tiếng Anh.”
Ông nhìn tôi, kinh ngạc. “Vậy sao?” ông nói. “Vậy sao?”
Đúng như tôi đã nói; ông ta chưa bao giờ thử trò chuyện với ai, và người ta thì quá kính nể ông - cả triệu đô cơ mà - nên cũng không ai bắt chuyện với ông. Tôi không biết mình nên vui hay buồn vì đã nói cho ông sự thật đó. Nếu tôi không nói, có lẽ bây giờ ông vẫn còn ngồi đó, bên nhà vòm nhạc, để người ta đánh giày cho - còn sống và còn chịu đựng.
Ba ngày sau, con chó của ông biến mất. Tôi bắt gặp ông đang đi tìm nó, gọi khẽ giữa những hàng cọ trong vườn. Trông ông hoang mang thật sự. Ông nói giọng thấp, đầy giận dữ: “Tôi ghét nó. Con chó khốn kiếp,” rồi lại gọi “Rover, Rover,” bằng một giọng yếu ớt không vang nổi năm thước. Ông nói, “Tôi từng nuôi chó săn. Nếu là trước đây, tôi đã bắn một con chó như thế rồi.” Rõ ràng tôi đã đoán đúng: con chó ấy khiến ông nhớ đến Norfolk, và ông sống trong ký ức đó, và ông ghét nó vì sự tầm thường, thiếu hoàn hảo của nó. Ông là một con người không gia đình, không bạn bè, và kẻ thù duy nhất của ông chính là con chó ấy. Anh không thể gọi pháp luật là kẻ thù được; muốn có kẻ thù thật sự thì phải có thân mật.
Cuối buổi chiều hôm đó, có người nói với ông rằng họ đã thấy con chó đi qua cầu. Dĩ nhiên chuyện đó không đúng, nhưng khi ấy chúng tôi chưa biết - họ đã trả cho một người Mexico năm peso để lén đưa con chó sang bên kia. Và thế là suốt buổi chiều hôm đó và cả ngày hôm sau, ông Calloway ngồi lì trong vườn, để người ta đánh giày cho mình hết lần này đến lần khác, vừa ngồi vừa nghĩ về việc một con chó có thể tự do bước qua cây cầu như vậy, trong khi một con người - một linh hồn bất tử - lại bị giam ở đây, trong cái guồng tệ hại của những cuộc dạo bộ ngắn ngủn, những bữa ăn không có từ nào tả nổi và những viên aspirin. Con chó đang được thấy những điều mà ông không thể thấy - cái đồ đáng ghét đó. Điều ấy khiến ông phát điên - tôi nghĩ là theo nghĩa đen. Bạn phải nhớ rằng ông đã kéo lê tình cảnh ấy nhiều tháng trời. Ông có cả triệu đô trong tay mà chỉ sống hai bảng một tuần, chẳng có gì để tiêu. Ông ngồi đó, ôm ấp cơn điên giận trước bất công kinh khủng ấy. Tôi đã nghĩ rồi một ngày ông cũng sẽ tự mình băng qua, nhưng con chó chính là giọt nước cuối làm tràn ly.
Hôm sau, khi không thấy ông đâu nữa, tôi đoán ông đã vượt qua cầu, và tôi cũng đi theo. Thị trấn bên phía Mỹ nhỏ chẳng kém thị trấn bên Mexico. Tôi biết nếu ông có ở đó thì thế nào cũng sẽ bắt gặp, và tôi vẫn còn tò mò. Có chút thương hại cho ông, nhưng không nhiều.
Tôi bắt gặp ông lần đầu trong hiệu thuốc duy nhất của thị trấn, đang uống một ly Coca-Cola, rồi lại thấy ông đứng trước một rạp chiếu bóng, chăm chú nhìn các tấm áp phích;
ông ăn mặc cực kỳ chỉn chu, như thể đi dự tiệc, nhưng ở đây chẳng có bữa tiệc nào. Đến vòng thứ ba, tôi bắt gặp hai viên thám tử - họ cũng đang uống Coca-Cola trong hiệu thuốc và hẳn đã bỏ lỡ ông Calloway trong gang tấc. Tôi bước vào và ngồi xuống quầy.
"Chào," tôi nói, "các anh vẫn còn ở đây à?"
Chợt tôi thấy lo cho ông Calloway, tôi không muốn họ chạm mặt nhau.
Một trong hai người hỏi, "Calloway đâu rồi?"
"Ồ," tôi đáp, "vẫn loanh quanh đâu đó thôi."
"Nhưng con chó thì không," anh ta nói, rồi bật cười. Người kia có vẻ hơi sốc, như thể anh ta không thích ai đó cợt nhả về một con chó. Rồi họ đứng dậy - xe họ đậu bên ngoài.
"Uống thêm một ly nữa chứ?" tôi hỏi.
"Không, cảm ơn. Chúng tôi phải tiếp tục đi."
Một người cúi sát lại và thì thầm với tôi, "Calloway đã sang bên này rồi."
"Không đời nào!" tôi nói.
"Và cả con chó của ông ta."
"Ông ta đang đi tìm nó," người kia nói thêm.
"Quỷ bắt ông ta đi," tôi buột miệng, và lần nữa, một trong hai người lại trông có vẻ hơi sốc, như thể tôi vừa xúc phạm đến con chó.
Tôi không nghĩ ông Calloway thực sự đang tìm con chó, nhưng con chó thì chắc chắn đã tìm thấy ông. Đột nhiên, từ trên xe vang lên tiếng sủa vui nhộn, rồi con chó săn lông xù lai giống lao vọt ra, nhảy cẫng lên, phóng như điên dọc theo con phố. Một trong hai thám tử - người có vẻ đa cảm hơn - lập tức lao khỏi xe trước cả khi chúng tôi kịp tới cửa, đuổi theo con chó. Gần cuối con đường dài dẫn xuống cầu, tôi thấy ông Calloway - tôi tin rằng ông đã đi xuống để nhìn về bờ Mexico, khi nhận ra bên bờ Mỹ chỉ có tiệm thuốc, rạp chiếu bóng và vài sạp báo. Ông thấy con chó đang lao tới và hét gọi nó về - “về nhà, về nhà, về nhà,” như thể còn đang ở Norfolk - nhưng con chó chẳng thèm để ý, cứ lao thẳng về phía ông. Rồi ông thấy chiếc xe cảnh sát đang lao đến và bắt đầu bỏ chạy. Mọi chuyện sau đó diễn ra quá nhanh, nhưng tôi nghĩ trình tự thế này: con chó phóng qua đường ngay trước đầu xe và ông Calloway hét lên - với con chó hay với chiếc xe, tôi cũng không rõ. Dù sao thì viên thám tử cũng đánh lái - sau này trong buổi điều tra, anh ta yếu ớt biện bạch rằng mình không thể cán qua một con chó được - và ông Calloway ngã xuống, trong đống hỗn độn của kính vỡ, gọng vàng, tóc bạc, và máu. Con chó đã lao tới trước cả chúng tôi, vừa rên ư ử vừa liếm lấy liếm để. Tôi thấy ông Calloway giơ tay lên, rồi nó rơi xuống, ôm lấy cổ con chó, và tiếng rên của nó vọt lên thành một tiếng sủa ngu ngốc đắc thắng, nhưng ông Calloway đã chết rồi - vì sốc và vì tim yếu.
“Ông già tội nghiệp,” viên thám tử nói, “Tôi cá là ông ta thực sự yêu con chó ấy,” và đúng là tư thế mà ông ta nằm đó trông giống một cái vuốt ve hơn là một cú đánh. Tôi thì nghĩ đó định là một cú đánh, nhưng có thể viên thám tử đã đúng. Cảnh ấy đối với tôi dường như quá cảm động để có thể là thật: lão gian nằm chết đó, một tay vòng qua cổ con chó, chết giữa đám lều đổi tiền, cả triệu đô còn trong túi. Nhưng cũng nên khiêm tốn trước bản tinhs con người. Ông ta đã băng qua cầu để tìm kiếm một điều gì đó, và biết đâu, rốt cuộc, điều ông ta tìm kiếm lại chính là con chó ấy. Nó ngồi đó, tru chiến thắng ngu ngốc và lai tạp của mình trên xác ông, như một bức tượng sến súa. Đó là nơi gần nhất ông có thể chạm đến những cánh đồng, những bờ rãnh, và chân trời của quê nhà. Vừa khôi hài vừa đáng thương, nhưng sự khôi hài không hề giảm chỉ vì ông đã chết. Cái chết không biến hài kịch thành bi kịch, và nếu cử chỉ cuối cùng ấy quả thực là âu yếm thì tôi cho rằng nó cũng chỉ là thêm một minh chứng cho khả năng tự lừa dối bản thân của con người - sự lạc quan vô căn cứ của chúng ta, thứ còn kinh hoàng hơn cả tuyệt vọng.
Anh Hoa dịch
Mario Vargas Llosa: Văn chương và cuộc đời