favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

François Mauriac: Graham Greene

05/05/2025 09:21

Đã có Graham Greene viết về François Mauriac thì bây giờ đến chiều ngược lại: Mauriac bình luận Greene. Năm 1940, The Power and the Glory, một trong những cuốn tiểu thuyết lớn nhất của Greene, in tại Anh thì đến năm 1948, nhà xuất bản Robert Laffont in bản dịch tiếng Pháp, với lời tựa của Mauriac, trong đó nhà văn Pháp tỏ lòng biết ơn nhà văn người Anh vì đã làm tác phẩm của ông được biết đến rộng rãi ở bên kia biển Manche. Dưới đây là text ấy của François Mauriac.

Trong lời tựa, Mauriac cũng nhắc tới Georges Bernanos, nhân vật sắp trở thành tác giả của FORMApubli.
 

Graham Greene

- François Mauriac

Tác phẩm của một tiểu thuyết gia Công giáo người Anh - của một người Anh quay trở lại với Công giáo - như The Power and the Glory của Graham Greene, luôn luôn mang lại cho tôi trước hết một cảm tri về mất phương hướng. Chắc chắn, tôi tìm lại được ở đó tổ quốc tinh thần của tôi, và Graham Greene dẫn tôi vào trung tâm một bí ẩn quen thuộc. Nhưng mọi chuyện diễn ra như thể tôi đã bước vào khu đất cũ bằng một cánh cửa bí mật, mà vốn dĩ tôi không biết, được giấu trong bức tường phủ đầy dây leo, như thể tôi đã tiến lên, đằng sau nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, xuyên qua các cành cây đan kết vào với nhau, và đột nhiên nhận ra lối đi chính của khu vườn lớn nơi tôi từng chơi đùa hồi còn nhỏ và đọc được, trên một gốc sồi, những chữ cái của tên tôi khắc lên vào một ngày của kỳ nghỉ xưa kia.

Một người Công giáo Pháp thì chỉ đi vào Nhà thờ qua cửa chính; anh ta được hòa lẫn vào lịch sử chính thức của nó; anh ta dự phần vào tất tật các tranh cãi từng giằng xé nó trong vòng nhiều thế kỷ, và nhất là chúng đã chia rẽ Nhà thờ Gallican. Ở toàn bộ những gì mà anh ta viết, trước hết người ta phát hiện được anh ta đứng về phía Port-Royal [tức Jansénisme] hay những người dòng Tên [những người Jésuite], anh ta có ủng hộ sự cãi cọ của Bossuet nhằm vào Fénelon hay không, anh ta cùng hội cùng thuyền với Lamennais và Lacordaire hay cảm thấy mình nhất trí với Louis Veuillot. Tác phẩm của Bernanos, mà ta không thể nào không nghĩ tới trong lúc đọc The Power and the Glory, có nhiều ý nghĩa trên phương diện này. Tất tật các tranh luận Công giáo của bốn thế kỷ vừa rồi được trải ra ở đó theo lối mờ ẩn. Đằng sau trưởng tu Donissan của Mặt trời Satan [Sous le soleil de Satan của Georges Bernanos], hiện ra ông cha xứ ở Ars [tức thánh Jean-Marie Vianney]. Những vị thánh của Bernanos, cũng như các linh mục cởi mở của ông, cũng như những người ngoài dòng mộ đạo mà ông miêu tả với một sự hung dữ hết sức thơ thới, để lộ những kính ngưỡng cùng những gớm tởm của ông.

Graham Greene thì như thể đã lén lút mà xâm nhập vương quốc xa lạ, vương quốc của tự nhiên và của Ân Sủng. Chẳng thiên kiến nào gây rối loạn cho viễn kiến của ông. Không một dòng ý nào làm ông lãng đi khỏi phát hiện ấy, khỏi cái chìa khóa ấy, mà đột nhiên ông đã tìm ra. Ông không có bất kỳ ý kiến từ trước nào về cái mà chúng ta gọi là một viên linh mục tệ hại; hẳn có thể nói ông không có trong tâm trí bất cứ mẫu về thánh tính nào. Có bản tính bị băng hoại và có Ân Sủng toàn năng; có con người thảm hại, vốn dĩ chẳng là gì, kể cả trong cái ác, và tình yêu bí hiểm kia, thứ tóm lấy kẻ đó ở chỗ đậm đặc nỗi bần cùng lố bịch cùng sự xấu hổ nực cười hơn cả của anh ta để biến anh ta thành một ông thánh và một người tử đạo.

Quyền năng và vinh quang của Ông Cha sáng lòa lên nơi vị cha xứ Mexico kia, người quá mê rượu và từng làm một trong những phụ nữ ở giáo xứ của mình có con. Một cái típ thô lậu, tầm thường đến mức các tội lỗi chết người của ông ta chỉ khơi lên sự chế nhạo cùng cú nhún vai, và ông ta biết điều đó. Thứ mà cuốn sách phi thường ấy cho chúng ta thấy là, nếu tôi dám nói vậy, việc Ân Sủng sử dụng tội lỗi. Vị linh mục ngang ngạnh và bị quyền lực chung kết án tử hình, với mạng sống bị đem ra treo giải ấy (tấn kịch xảy ra tại một Mexico bị giao phó vào tay những kẻ điều hành vô thần và thích hành hạ), người tìm cách trốn đi, cũng như vả lại tất tật các linh mục khác, ngay cả những người đức hạnh hơn cả, đều từng làm, trốn thoát được thật và đi qua biên giới, nhưng quay trở lại mỗi khi nào có một người hấp hối cần đến ông ta, và ngay cả những lúc ông ta biết rằng sự trợ giúp của mình sẽ vô vọng, và ngay cả những lúc chẳng phải ông ta không biết thật ra đấy là một vụ đón lõng và kẻ gọi ông ta đã phản bội ông ta, thì cái ông linh mục say xỉn, thiếu thuần khiết và run rẩy trước cái chết kia cho đi mạng sống của mình mà chẳng hề đánh mất vào bất cứ khoảnh khắc nào cảm giác về sự đê hạ cùng nỗi xấu hổ của mình. Hẳn ông ta sẽ nghĩ tới một trò đùa cợt nếu người ta bảo rằng ông ta là một vị thánh. Theo lối mầu nhiệm, ông ta thoát được khỏi lòng kiêu ngạo, khỏi sự tự mãn, khỏi nỗi hài lòng về bản thân. Ông ta đi đến với cuộc tử đạo, luôn luôn có ở trong tâm trí viễn kiến về hư vô bị vấy bẩn và báng bổ liên quan tới một linh mục rơi vào trạng thái tội lỗi chết người, thành thử ông ta tự hy sinh, mang mọi thứ về lại cho Chúa từ quyền năng kia và vinh quang kia, những thứ chiến thắng ở kẻ mà ông ta coi như là thảm hại hơn cả trong số các con người: chính ông ta.

Và ông ta càng tiến lại gần kết cục hơn, chúng ta càng thấy kẻ tội lỗi tầm thường đó thêm tương hợp, một cách chậm rãi, với Đấng Ki-tô, tận đến mức giống với Người, nhưng nói vậy thì còn chưa đủ: tận đến mức tự đồng hóa với Đức Chúa của ông và Chúa của ông. Cuộc Chịu Nạn tái khởi quanh nạn nhân được lựa chọn giữa đống rác con người ấy và làm lại những gì mà Đấng Ki-tô từng làm, không còn là như trên ban thờ, mà ông ta chẳng phải mất gì khi thực hiện, dâng tặng máu và da thịt dưới dạng rượu vang và bánh mì, mà bằng cách trao đi như trên thập giá máu của chính ông ta, da thịt của chính ông ta. Ở vị linh mục tệ hại giả đó, đức hạnh không phải là thứ hiện ra như đối nghịch của tội lỗi, mà là lòng tin - lòng tin đặt vào cái dấu hiệu ấy, mà ông ta đã nhận vào ngày được thụ phong, đặt vào cái chỗ chứa kia mà chỉ một mình ông ta (bởi vì tất tật các linh mục khác đều đã bị tàn sát hoặc bỏ trốn mấy) còn mang nơi hai bàn tay ông ta, bất xứng và thế nhưng thật thiêng.

Là linh mục cuối cùng còn lại ở đất nước, ông ta không thể nghĩ rằng sau mình sẽ có ai nữa để làm lễ Hy Sinh, cũng như để giải tội hay chia thứ bánh mì vốn dĩ không còn là bánh mì nữa, hay để giúp những người hấp hối ở ngưỡng cửa của cuộc sống vĩnh hằng. Và thế nhưng, lòng tin của ông ta không hề chao đảo, dẫu ông ta không biết là chỉ cần ông ta gục ngã dưới những phát đạn, tức thì sẽ xuất hiện một vị linh mục khác, trong chớp mắt.

Chúng ta cảm thấy rằng chính cái đó, hiện diện bị giấu đi của Chúa nơi một thế giới vô thần, sự chu chuyển ngầm của Ân Sủng, là thứ khiến Graham Greene bị choáng ngợp hơn nhiều so với mặt tiền uy nghi mà Nhà thờ thuộc thời gian vẫn còn dựng lên phía bên trên các dân chúng. Nếu có một Ki-tô hữu nào không bị khuấy động trước sự sụp đổ của Nhà thờ hiển hiện, thì đó chính là cái ông Graham Greene kia, mà tôi từng nghe, tại Bruxelles, trước hàng nghìn người Công giáo Bỉ đầy bối rối và trước hiện diện của một sứ thần tòa thánh tông đồ đầy mơ mộng, nhắc đến giáo hoàng cuối cùng của một châu Âu hoàn toàn bị phi Ki-tô hóa, xếp hàng trước một sở cảnh sát, mặc đồ vải gabadin lấm bẩn, và cầm nơi bàn tay hẵng còn lóe sáng cái nhẫn của kẻ phạm tội, một cái va li bằng bìa.

Đấy là để nói rằng cuốn sách này, theo ý trời cao, hướng tới thế hệ mà sự phi lý của một thế giới điên rồ túm lấy cổ họng. Với các thanh niên cùng thời với Camus và Sartre, những con mồi tuyệt vọng của một tự do nực cười, có lẽ Graham Greene sẽ hé lộ rằng sự phi lý kia đúng ra chỉ là sự phi lý của một tình yêu vô chừng mực.

Thông điệp cũng hướng đến những người nào tin, đến những người đức hạnh, đến những ai không nghi ngờ vào các công trạng của mình và luôn luôn có trong tâm trí nhiều mẫu về thánh tính, với kỹ thuật thích hợp nhằm đạt tới nhiều mức độ khác nhau của thăng tiến thần bí. Đặc biệt nó hướng đến những Ki-tô hữu linh mục và phi giáo hội, nhất là đến các nhà văn rao giảng thánh giá nhưng về họ việc nói họ không bị đóng đinh thập tự là còn chưa đủ. Bài học lớn cho những kẻ bị ám bởi sự hoàn hảo kia, cho những kẻ nhiều đắn đo cứ đi chẻ sợi tóc làm tư những thiếu hụt của mình và quên mất rằng vào ngày cuối cùng, theo lời của thánh Jean de la Croix, họ sẽ bị phán xét dựa trên tình yêu.

Graham Greene yêu quý, mà tôi gắn chặt với rất nhiều dây nối, và trước hết là những dây nối của lòng biết ơn (bởi vì, nhờ ông, những cuốn sách của tôi ngày hôm nay tìm được ở Anh cùng sự đón nhận hăng hái mà chúng từng được nhận tại đất nước của chính tôi, vào cái thời tôi vẫn còn là một tác giả trẻ tuổi sung sướng), đối với tôi thật êm dịu khi nghĩ rằng nước Pháp, nơi Tác Phẩm của ông đã hết sức được yêu mến, sẽ khám phá được, nhờ cuốn sách lớn này, The Power and the Glory, biểu nghĩa đích thực của nó! Cái Nhà nước mà ông miêu tả kia, thứ truy lùng vị linh mục cuối cùng và sát hại ông ta cũng chính là Nhà nước mà chúng ta đang thấy được dựng nên ngay trước mắt. Đó là giờ khắc của ông hoàng của thế giới này, nhưng ông miêu tả nó chẳng chút hận thù nào: ngay cả đám đao phủ, ngay cả viên chỉ huy cảnh sát của ông cũng được ông đánh dấu bằng một dấu hiệu của tình thương: bọn họ tìm kiếm cái đúng; bọn họ tin, như những người cộng sản của chúng ta, là đã đạt được nó và phục vụ nó, cái sự thật kia, thứ đòi hỏi sự tiêu diệt những tạo vật được dâng. Bóng tối trùm lên toàn bộ mặt đất mà ông miêu tả cho chúng tôi, nhưng tia sáng xuyên qua nó mới cháy bỏng làm sao! Dẫu chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, chúng ta cũng biết là không được sợ, ông nhắc cho chúng tôi nhớ rằng cái không thể giải thích sẽ được giải mã, rằng vẫn còn một lối đoán định có thể áp dụng nơi thế giới phi lý này. Tự do mà Sartre chịu nhường cho con người, nhờ ông chúng tôi biết giới hạn đáng ngưỡng mộ của nó: chúng tôi biết rằng một tạo vật được yêu như chúng tôi được yêu không có tự do nào khác ngoài tự do từ chối tình yêu ấy, trong chừng mực tự do đó được nó biết và dưới các vẻ bề ngoài mà nó đã thích khoác lên mình.

Huỳnh Bất Thức dịch

Bên kia cầu
Trong trắng
Vấn đề là ở chỗ
Mario Vargas Llosa: Văn chương và cuộc đời
Sống tiếp

ở tỉnh
Sa mạc tình yêu

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công