Elsa Morante: Hòn đảo của Arturo
Cuốn sách của Elsa Morante cho thấy rõ mục đích, ngay từ đầu: ngoài nhan đề Hòn đảo của Arturo (L'Isola di Arturo) còn có dòng tít phụ: “Hồi ký của một cậu thiếu niên”; thêm nữa, epigraph của cuốn sách trích Umberto Saba: tuy đấy là một câu thơ lấy từ tập Canzoniere nhưng Saba cũng là tác giả một cuốn sách về một cậu thiếu niên, Ernesto.
Cuốn sách in năm 1957 của Elsa Morante, cùng cuốn sách vừa nói của Umberto Saba và Những nỗi hoảng hốt của cậu học sinh Törleß của Robert Musil có thể được coi là ba cuốn tiểu thuyết lớn nhất của thế kỷ 20 viết về sự lớn lên của các cậu bé.
Elsa Morante hay được nhắc đến ở tư cách vợ của nhà văn nổi tiếng Alberto Moravia (họ đã góp phần rất lớn trong việc biến Capri thành địa điểm ăn chơi lừng danh), nhưng cần phải thoát khỏi cách nhìn nhận sơ giản ấy: tự thân Morante đã là một nhà văn đồ sộ, nhất là với La Storia. Cuốn tiểu thuyết Aracoeli cũng là một thành tựu lớn, và đặc biệt, Hòn đảo của Arturo, câu chuyện đầy quyến rũ, mà dưới đây là đoạn mở đầu.
ĐỀ TẶNG
cho Remo N.
Điều bạn từng tin chỉ là chấm nhỏ trên mặt đất, lại là tất cả.
Và báu vật độc nhất này sẽ không bao giờ bị cướp mất
khỏi đôi mắt ghen tuông, đang say ngủ của bạn
Mối tình đầu của bạn sẽ không bao giờ bị vấy bẩn.
Trinh nguyên, nàng tự khép mình trong màn đêm
như cô gái gypsy trong tấm khăn choàng đen.
Một vì sao lơ lửng, vĩnh cửu nơi bầu trời phương Bắc:
không cạm bẫy nào có thể chạm đến nàng.
Bạn bè trẻ tuổi, những đứa con trai đẹp hơn cả Alexander và Uriel,
vẻ đẹp bất diệt, hãy bảo vệ giấc ngủ cho chàng trai của tôi,
Lá cờ của nỗi sợ hãi sẽ không bao giờ vượt qua ngưỡng cửa
của hòn đảo thiên đàng ấy.
Và bạn sẽ không bao giờ biết đến quy luật
mà tôi, như bao người khác, đang dần thấu tận,
- quy luật đã làm tan nát trái tim tôi:
Phía ngoài Limo không có Elysium.
ở cậu tôi tự nhận ra mình, dường như là vậy...
(trích Canzoniere của Saba)
I. Vị vua và ngôi sao trên trời
... Thiên đàng
cao vợi và mờ mịt...
(trích Thơ của Sandro Penna)
Vị vua và ngôi sao trên trời
Vinh quang đầu đời mà tôi có là cái tên. Tôi sớm đã biết (ông ấy, theo tôi nhớ, là người đầu tiên cho tôi hay) rằng Arturo - Arcturus - là tên một ngôi sao: nhanh và rực rỡ nhất trong chòm Boötes, Người Chăn Gia súc, trên bầu trời phương Bắc! Cái tên ấy cũng từng thuộc về một vị vua thời cổ đại, thủ lĩnh của một nhóm người trung thành: tất cả đều là anh hùng, giống như nhà vua, và được nhà vua đối đãi bình đẳng, như anh em ruột thịt.
Thật không may, sau này tôi phát hiện ra rằng vị vua Arthur lừng danh ấy, Vua của nước Anh, không có thật mà chỉ là một huyền thoại; vì thế tôi bỏ ông để tìm đến những vị vua khác, thật hơn (theo tôi, huyền thoại chỉ dành cho bọn trẻ con). Tuy nhiên, vẫn còn lý do khác đủ sức thuyết phục để tôi gán cho cái tên ấy giá trị cao quý: đó là vì mẹ, tôi được biết, chính bà là người đã chọn nó, dù tôi tin bà chẳng mảy may hay biết về ý nghĩa quý tộc ẩn phía sau. Bà chỉ là một phụ nữ trẻ mù chữ nhưng với tôi bà lớn lao hơn cả một nữ chúa.
Thực ra, tôi gần như chẳng biết gì về mẹ, bà qua đời khi chưa đầy mười tám tuổi, ngay khoảnh khắc tôi, đứa con độc nhất của bà, chào đời. Hình ảnh duy nhất của bà mà tôi có là từ bức chân dung in trên bưu thiếp. Một dáng hình mờ nhạt, bình dị, khá ma mị, song lại trở thành đối tượng để tôi tôn thờ suốt thời thơ ấu.
Người thợ chụp ảnh lang thang nghèo khó, người bắt được khoảnh khắc ấy, đã chụp bà vào những tháng đầu của thai kỳ. Nhìn vào dáng người, chỉ qua vài nếp gập trên váy, ta cũng có thể nhận ra bà đang mang thai; bà đan đôi tay nhỏ trước ngực, như thể muốn giấu đi chính mình, trong một dáng vẻ e thẹn, khiêm nhường. Nét mặt bà nghiêm nghị, đôi mắt đen không chỉ ánh lên mỗi vẻ cam chịu - điều thường thấy ở hầu hết các cô gái trẻ và các cô dâu quê - mà còn có cả vẻ sững sờ cùng chút băn khoăn e ngại. Như thể, giữa vô số ảo tưởng giăng quanh thiên chức làm mẹ, bà dường đã dự cảm được số phận sắp tới của mình sẽ là cái chết và sự ngu muội vĩnh viễn.
Hòn đảo
Mọi hòn đảo thuộc quần đảo của chúng tôi, nằm ở Vịnh Naples, đều tuyệt đẹp.
Phần lớn đất đai nơi đây có nguồn gốc từ núi lửa, và, đặc biệt gần miệng núi lửa, có hàng ngàn loài hoa dại: Tôi chưa từng thấy thứ gì tương tự chúng ở trên đất liền. Mùa xuân, các ngọn đồi phủ kín bụi kim tước: lênh đênh trên biển vào tháng Sáu, bạn sẽ nhận ra ngay mùi hoang dã, dịu dàng của nó khi tới gần một trong các cảng của chúng tôi.
Trên những ngọn đồi vùng ngoại ô, hòn đảo của tôi có các con đường nhỏ hẹp, vắng lặng, bao quanh bởi những bức tường cổ, ở phía sau là vườn cây ăn quả và vườn nho trải dài tựa khu vườn hoàng gia. Hòn đảo có một vài bãi tắm với cát nhạt, mịn, bên cạnh đó là các bờ sắc hơn, phủ đầy sỏi cùng vỏ sò, ẩn mình giữa các vách đá cheo leo. Bên trong những tảng đá dựng đứng lấn ra biển ấy, chim mòng biển và bồ câu rừng làm tổ, và bạn có thể nghe thấy tiếng chúng, nhất là buổi sáng sớm, lúc ai oán, khi lại ríu rít. Nơi đây, vào những ngày yên bình, biển êm đềm và mát lành, trải dài trên bờ như những giọt sương. À, tôi chẳng ước mình là một chú hải âu hay cá heo đâu; chỉ cần làm một con cá mặt quỷ - loài cá xấu xí nhất dưới đại dương - cũng đủ mãn nguyện rồi, miễn là được ở dưới đó, nô đùa trong làn nước ấy.
Quanh khu cảng, phố là những ngõ hẻm thiếu ánh nắng, hai bên là các ngôi nhà cổ xưa hàng thế kỷ, dù được sơn màu hồng nhạt hay xám tựa vỏ sò tuyệt đẹp, vẫn mang vẻ nghiêm trang và u sầu. Trên bậu cửa sổ nhỏ hẹp, gần như chỉ bằng lỗ châu mai, đôi khi bạn sẽ bắt gặp một bông cẩm chướng nở trong chiếc hộp sắt tây cũ, hoặc một cái lồng bé tí, trông chỉ vừa đựng một con dế, nhưng lại nhốt một con bồ câu. Các cửa hàng ở đây sâu hun hút và tối tăm như hang cướp. Bên trong quán cà phê ở cảng, có một bếp lò than, nơi bà chủ quán pha cà phê Thổ Nhĩ Kỳ trong một chiếc ấm tráng men màu xanh thẫm. Bà là góa phụ đã nhiều năm, lúc nào cũng vận đồ đen tang tóc: chiếc khăn choàng đen, đôi bông tai đen. Trên tường, bên cạnh quầy thu ngân, treo bức ảnh người chồng quá cố, được trang trí bằng những vòng lá phủ đầy bụi.
Ông chủ quán trọ, trong quán rượu của mình, nằm đối diện tượng đài Chúa Kitô Người Đánh Cá, đang nuôi một con cú bị xích vào thanh gỗ cao trên tường. Con cú có bộ lông đen xám mượt mà, một chỏm lông thanh thoát trên đầu, mí mắt xanh lam và đôi mắt lớn màu đỏ vàng rực rỡ, viền đen huyền bí. Cánh của nó lúc nào cũng rỉ máu, vì nó không ngừng dùng mỏ mổ vào đó. Nếu bạn đưa tay ra, định gãi nhẹ vào ngực nó, con cú sẽ nghiêng cái đầu nhỏ về phía bạn, với ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn tò mò.
Khi màn đêm buông xuống, nó bắt đầu vùng vẫy, cố gắng bay lên, nhưng lại rơi xuống trở lại, và đôi khi mắc kẹt trong tư thế lộn ngược đầu, cánh đập loạn xạ trên sợi xích.
Bên trong nhà thờ ở cảng, nhà thờ cổ nhất trên đảo, có những bức tượng thánh bằng sáp cao chưa đến ba gang tay, được khóa trong tủ kính. Các bức tượng vận váy ren thật, đã ố vàng, khoác áo choàng bằng gấm brocatelle phai màu, tóc thật, và từ cổ tay treo lủng lẳng những chuỗi tràng hạt tí hon kết bằng ngọc trai thật. Những ngón tay nhỏ bé tụ sắc tử khí, móng tay được minh hoạ bằng đường đỏ mảnh như sợi chỉ.
Những chiếc du thuyền sang trọng cùng tàu du lịch ngày càng đông đúc ở các cảng khác trong quần đảo lại hầu như chẳng bao giờ ghé vào cảng của chúng tôi; nơi đây chỉ thấy lác đác vài chiếc sà lan hay tàu chở hàng, cùng những con thuyền đánh cá của người dân trên đảo. Phần lớn thời gian trong ngày, quảng trường cảng gần như vắng hoe; phía bên trái, gần bức tượng Chúa Kitô Người Đánh Cá, một chiếc xe ngựa đơn độc chờ chuyến tàu hơi nước theo lịch trình. Những con tàu này chỉ dừng lại trong vòng vài phút để trả ba, bốn hành khách, chủ yếu là người dân địa phương. Chưa bao giờ, ngay cả giữa mùa hè, các bãi biển hoang sơ của chúng tôi từng chứng kiến cảnh náo nhiệt của du khách từ Naples, các thành phố khác, hay mọi miền trên thế giới, những người đổ về chen chúc tại các bãi biển lân cận. Nếu một lữ khách tình cờ dừng chân tại Procida, hẳn người đó sẽ rất ngỡ ngàng khi không tìm thấy ở đây vẻ huyên náo và niềm vui rộn rã đặc trưng, với những lễ hội tưng bừng, những câu chuyện rôm rả trên đường phố, hay tiếng hát vang lừng cùng giai điệu du dương của ghi ta và mandolin, thứ đã làm nên danh tiếng trên toàn thế giới cho vùng Naples. Người dân Procida cộc cằn, ít nói. Mọi cánh cửa lúc nào cũng đóng kín, hầu như chẳng ai thò đầu ra cửa sổ, mỗi gia đình sống thu mình trong bốn bức tường, không giao thiệp với người khác. Tình bạn, ở đây, chẳng được coi trọng. Sự xuất hiện của một người lạ không khơi gợi thú tò mò mà chỉ làm dấy lên nỗi ngờ vực. Nếu anh ta đặt câu hỏi, mọi người sẽ miễn cưỡng trả lời, bởi dân đảo tôi không thích ai xâm phạm đời tư của họ.
Họ là một tộc người nhỏ bé với làn da sậm màu, đôi mắt dài đen láy, thoáng gợi nét Á Đông. Họ giống nhau đến mức bạn có thể nghĩ rằng tất cả đều có cùng huyết thống. Phụ nữ, tuân theo phong tục cổ xưa, sống khép mình như các nữ tu. Nhiều người trong số họ vẫn giữ kiểu tóc búi, choàng khăn phủ đầu, mặc những chiếc váy dài thướt tha, và vào mùa đông, mang guốc bên ngoài các đôi tất cotton đen dày; còn mùa hè, một số lại đi chân trần. Khi họ lướt qua, nhẹ nhàng và lặng lẽ, né tránh ánh mắt người khác, trông họ như những con mèo hoang hay lũ chồn thoắt ẩn thoắt hiện.
Họ không bao giờ ra biển; với phụ nữ bơi ở biển là có tội, thậm chí nhìn người khác bơi cũng là có tội.
Trong những trang sách, các ngôi nhà của những thành phố cổ xưa, tụ lại thành cụm hoặc tản mát khắp thung lũng và sườn đồi, đều thu gọn trong tầm nhìn của lâu đài vươn cao trên đỉnh núi, thường được ví như đàn cừu quây quanh người chăn cừu. Tương tự như thế, ở Procida, từ những ngôi nhà lúc nhúc ở bến cảng, những ngôi nhà rải rác trên các triền đồi, cho đến những trang trại biệt lập, trông từ xa, tất tật hiện lên như một đàn gia súc lưa thưa nằm dưới chân lâu đài. Lâu đài này tọa lạc trên ngọn đồi cao nhất (giữa những ngọn đồi nhỏ khác, nó sừng sững như một ngọn núi); qua thời gian, với những công trình được chồng lên và mở rộng qua nhiều thế kỷ, nó đã mang dáng vóc của một pháo đài khổng lồ. Đối với các con tàu đi ngang qua, đặc biệt vào ban đêm, tất cả những gì thuộc về Procida chỉ là khối đen đồ sộ ấy, nó khiến hòn đảo trông như một pháo đài vững chãi giữa lòng đại dương.
Khoảng hai trăm năm nay, lâu đài này đã được dùng làm nhà tù, và theo tôi, đây là một trong những nhà tù lớn nhất cả nước. Đối với nhiều người sống ở nơi xa, tên của hòn đảo gắn liền với tên một nhà giam.
Ở phía Tây, hướng ra biển, từ ngôi nhà của tôi nhìn thấy được lâu đài, nhưng cách xa hàng trăm mét theo đường chim bay, băng qua những vịnh nhỏ nơi ban đêm ngư dân dong thuyền, ánh đèn lồng lấp loáng trên sóng nước. Từ khoảng cách ấy, không thể nhận thấy các song sắt trên cửa sổ hay vòng tuần tra của lính gác dọc theo tường thành. Vì thế, nhất là vào mùa đông, khi sương mù giăng khắp trời và mây trôi hờ hững trước mặt, nhà tù chẳng khác nào lâu đài cổ bỏ hoang, như bước ra từ những thành phố quá vãng. Một tàn tích huyễn hoặc, nơi chỉ có rắn, cú mèo và chim én ngự trị.
Câu chuyện về Romeo người Amalfi
Ngôi nhà của tôi đơn độc mọc trên đỉnh một ngọn đồi dốc, giữa vùng địa hình hoang hóa rải rác những viên sỏi nham thạch. Mặt tiền của nó hướng về phía thị trấn, và phía ấy ngọn đồi được chống đỡ bởi một bức tường cổ ghép từ những mảnh đá; nơi đây loài thằn lằn xanh thẫm trú ngụ (loài vật độc nhất vô nhị không tìm thấy được ở bất cứ nơi đâu trên thế giới). Bên phải, một lối cầu thang bằng đá và đất dẫn dốc xuống khu đất bằng phẳng, nơi xe cộ có thể đi lại.
Phía sau ngôi nhà là một bãi đất rộng thoáng đãng, vượt qua đó là vùng dốc đứng hung hiểm. Men theo một triền đá dài đổ xuống, bạn sẽ đến được bãi biển phủ cát đen nhỏ hình tam giác. Không có lối dẫn đến bãi biển ấy; nhưng, nếu đi chân trần, bạn có thể dễ dàng lần theo những tảng đá mà nhanh chóng trượt xuống dốc. Dưới chân dốc có một con thuyền duy nhất đang neo đậu: nó là thuyền của tôi, và nó có tên là Tàu ngư lôi Antilles.
Ngôi nhà của tôi cách không xa lắm một quảng trường nhỏ mang dáng dấp phố thị (có hẳn một tượng đài bằng đá cẩm thạch, cùng vài thứ khác) hay các dãy nhà nhung nhúc trong thị trấn. Song trong ký ức tôi, ngôi nhà ấy là trốn biệt lập, vẻ cô tịch của nó thoát tỏa và tạo nên cả một không gian mênh mông. Ngôi nhà nằm đó, ma mị và kỳ vĩ, tựa con nhện vàng khổng lồ giăng tấm mạng óng ánh phủ khắp hòn đảo.
Đó là một palazzo hai tầng, cùng với tầng hầm và tầng áp mái (tại Procida, những ngôi nhà khoảng hai mươi phòng, được coi là nhỏ ở Naples, gọi là palazzi), và giống phần lớn các khu dân cư lâu đời ở Procida, ngôi nhà được xây dựng cách đây ít nhất ba thế kỷ.
Ngôi nhà có màu hồng, vuông vắn, xù xì, không cầu kỳ; nếu không nhờ lối vào trung tâm bề thế cùng các song sắt kiểu Baroque bao lấy khung cửa sổ phía ngoài, dễ tưởng nó chỉ là một trang trại lớn. Mặt tiền ngôi nhà có hai chi tiết trang trí duy nhất là hai ban công sắt, nằm đối xứng hai bên lối vào, phía trước hai ô cửa sổ kín bưng. Những ban công ấy, cùng với hệ thống song chắn, từng được phủ lớp sơn trắng, nhưng giờ đã hoen ố và mục nát vì gỉ sét.
Một cánh cửa nhỏ được khoét vào một bên của lối vào trung tâm, và đó là lối chúng tôi thường xuyên đi qua: hai cánh lớn thì ngược lại, chưa bao giờ được mở, với những ổ khóa khổng lồ chốt từ bên trong đã bị gỉ sét ăn mòn đến mức không còn sử dụng được nữa. Qua cánh cửa nhỏ, bạn bước vào một hành lang hun hút, không có cửa sổ, lát đá phiến. Cuối hành lang, theo phong cách các ngôi nhà lớn ở Procida, là một cánh cổng mở ra khu vườn bên trong. Cánh cổng này được canh giữ bởi hai bức tượng đất nung đã bạc phếch, khắc họa hai nhân vật đội mũ trùm, có thể là tu sĩ hoặc người Saracen, song không thể xác định rõ ràng. Và vượt qua cánh cổng, khu vườn hiện ra, được bao bọc bởi những bức tường của ngôi nhà như một sân trong, tràn ngập vẻ đẹp hoang sơ của cây cỏ xanh tươi, tựa một khúc ca thiên nhiên đầy sức sống. Và trong đêm, nơi bầu trời sao sáng lấp lánh, chòm Mục Phu Boötes lặng lẽ dạo bước bên ngôi sao Arturo.
Từ ngày được xây dựng, suốt hơn hai thế kỷ, ngôi nhà này từng là một tu viện: chuyện ấy ở đây là điều bình thường, chẳng có gì lãng mạn. Procida xưa nay luôn thuộc về các ngư dân và nông dân nghèo, và những công trình tầm cỡ hiếm hoi của hòn đảo rốt cuộc cũng chỉ có thể là tu viện, nhà thờ, pháo đài hoặc nhà tù.
Về sau, các tu sĩ bỏ đi nơi khác, và ngôi nhà không còn thuộc về Giáo hội nữa. Một khoảng thời gian, trong và sau các cuộc chiến tranh của thế kỷ trước, nơi đây từng là chỗ đóng quân của các trung đoàn; rồi nó bị bỏ hoang suốt thời gian dài. Cuối cùng, khoảng nửa thế kỷ trước, ngôi nhà được một nhân vật - một thương gia vận tải biển giàu có người Amalfi - mua lại khi đi ngang qua Procida, biến chốn này thành chỗ ở, và sống an nhàn tại đó suốt ba mươi năm.
Ông đã sửa lại một phần nội thất, đặc biệt là tầng trên, nơi ông phá bỏ những bức tường ngăn giữa các căn phòng từ hồi tu viện cũ và dán thêm giấy trang trí tường. Ngay cả đến thời của tôi, mặc cho sự xuống cấp và tình trạng hư hỏng liên miên của căn nhà, nó vẫn được giữ nguyên cách bài trí như khi ông rời đi. Những món nội thất, vốn được thu thập bởi trí tưởng tượng duy mỹ nhưng lại kém gu từ các tiệm đồ cổ và đồ cũ nhỏ ở Naples, đã mang đến cho những gian phòng vẻ lãng mạn sệt nét quê. Bước vào bên trong, bạn lập tức bị các ảo giác về một quá khứ từ thời các bà, các mẹ, cùng những bí mật đàn bà xa xưa xộc lấy.
Vậy mà, từ khi những bức tường ấy được dựng lên cho tới năm gia đình tôi chuyển tới, chúng chưa từng thấy bóng dáng của bất kỳ người phụ nữ nào.
Khi, cách đây ngót nghét hơn hai mươi năm, ông nội tôi - Antonio Gerace, người đã bỏ Procida ra nước ngoài - trở về từ Mỹ với một khoản tiền khiêm tốn, thì lão Amalfitano, lúc ấy đã là một ông già, vẫn sống trong tòa palazzo cổ. Về già, lão bị mù; và người ta nói đó là sự trừng phạt của Thánh Lucia, vì lão ghét phụ nữ. Lão ghét họ từ thuở thanh niên, đến mức không tiếp cả chị em ruột, và khi các sơ của Dòng Nữ tu Đức Mẹ An Ủi đến xin bố thí, lão mặc kệ họ đứng ngoài cửa. Bởi vậy, lão chưa từng kết hôn; cũng chẳng có ai từng thấy lão xuất hiện tại các nhà thờ hay cửa hiệu, nơi thường dễ bắt gặp các phụ nữ.
Lão không hẳn thù ghét xã hội; thực ra, lão là người có tính cách khá hay ho. Lão thường tổ chức các bữa tiệc linh đình, thậm chí cả vũ hội hóa trang, và vào những dịp đó lão hào phóng như thể mất trí, đến mức trở thành huyền thoại của cả hòn đảo. Thế nhưng, phụ nữ không được phép bước chân vào những cuộc vui của lão; và các cô gái ở Procida, vì ghen tị với người yêu cùng anh em trai được tham gia những đêm hội bí ẩn ấy, đã ác ý đặt cho ngôi nhà của lão Amalfitano cái tên “Casa dei Guaglioni”, tức là “Động của đám trai trẻ” (từ “guaglioni” trong phương ngữ Naples có nghĩa là “chàng trai” hoặc “thanh niên”).
Ông nội Antonio của tôi, khi đặt chân trở lại quê hương sau chục năm trời xa cách, không hề nghĩ rằng số phận đã định sẵn “Casa dei Guaglioni” cho gia đình ông. Ông chỉ nhớ mang máng về lão Amalfitano, người mà ông chưa từng thân thiết; hơn nữa, tu viện doanh trại cũ kỹ giữa những bụi gai và xương rồng ấy chẳng hề giống với căn nhà ông hằng mơ ước suốt thời gian lưu lạc. Thay vào đó, ông mua một ngôi nhà ở vùng nông thôn, cùng với một trang trại, nằm ở phía Nam hòn đảo, rồi dọn về sống tại đó, một mình với các tá điền, vì ông vẫn còn độc thân và chẳng có người thân cận.
Thực ra, trên đời vẫn còn một người thân ruột thịt của Antonio Gerace mà ông chưa từng gặp mặt. Đó là đứa con trai, ra đời vào những năm đầu ông còn là dân di cư, từ mối quan hệ với một cô giáo trẻ người Đức, người mà ông sớm đã rời bỏ. Trong vài năm kể từ khi bị ruồng rẫy (người di cư đã sang Mỹ sau một thời gian ngắn ở Đức), cô gái-người mẹ ấy vẫn tiếp tục viết thư cho ông, van nài khoản hỗ trợ tài chính vì rơi vào tình cảnh thất nghiệp, đồng thời cố làm ông lung lạc bằng các miêu tả tuyệt vời về đứa bé. Tuy nhiên, chính người di cư cũng sống cảnh khốn đốn nên chẳng thể hồi âm, cho đến khi cô gái mất hết hy vọng và thôi không viết nữa. Thế rồi, khi quay về Procida lúc tuổi đã già và không có người thừa kế, Antonio cố tìm cô nhưng hay tin cô đã mất, để lại đứa con chừng mười sáu tuổi, ở Đức. Antonio Gerace bèn gọi người con trai ấy về Procida để trao cho họ của ông cùng phần gia tài thừa kế. Và thế là, người sau này trở thành cha của tôi đã cập bến đảo Procida, ăn vận rách rưới như một tay gypsy (mãi sau này tôi mới biết).
Cha tôi hẳn đã phải trải qua một cuộc đời gian khó. Và trái tim còn ngây ngô của ông có lẽ đã được dung dưỡng trong oán hận, không chỉ với người cha chưa từng gặp mặt, mà còn với tất tật người dân Procida vô tội khác. Hoặc, cũng có thể, bằng một hành động hay thái độ nào đó, họ đã xúc phạm đến lòng tự ái nóng nảy của cha ngay từ đầu, để rồi vết hằn ấy không bao giờ biến mất. Thái độ khinh khỉnh và dửng dưng khiến cha ắt bị dân đảo ghét bỏ. Còn đối với ông nội, người luôn luôn tìm cách lấy lòng con trai, cha vẫn giữ nguyên thái độ xa cách đến tàn nhẫn.
Người duy nhất trên đảo mà cha tôi gặp là lão Amalfitano. Từ lâu lắm rồi, lão không còn tổ chức tiệc tùng hay hội hè gì nữa, sống cô lập trong cảnh mù lòa, tính tình gắt gỏng và ngạo mạn, khước từ mọi kẻ tìm đến và thậm chí dùng gậy xua đuổi những ai tiến lại gần trên đường. Dáng vẻ cao gầy nhuốm nét u sầu của lão khiến ai nấy đều tránh xa.
Ngôi nhà ấy chỉ mở cửa trở lại cho duy nhất một người: con trai của Antonio Gerace, người thân thiết đến mức ngày nào cũng quanh quẩn bên lão, như thể lão Amalfitano, chứ không phải Antonio Gerace, mới là cha ruột của mình. Và lão Amalfitano dành cho cha thứ tình độc chiếm và hà khắc: dường như lão không thể sống qua nổi một ngày nếu thiếu cha. Nếu cha đến trễ, lão sẽ ra đón, ngồi đợi sẵn ở cuối phố. Và, trong nỗi phấp phỏng của kẻ mù lòa, thỉnh thoảng lão lại khản giọng gọi tên cha, nghe như tiếng vọng từ cõi âm ty. Nếu người qua đường đáp rằng con trai của Gerace không có mặt, lão liền thảy vài đồng xu và tờ bạc xuống đất, vung vãi và khinh khi, để họ nhặt lên mà biết đường đi gọi cha. Và nếu họ quay lại và nói rằng không tìm thấy cha ở nhà, lão sẽ sai họ lùng sục khắp đảo, thậm chí thả cả đàn chó săn để truy lùng. Đời lão bây giờ chỉ có hai việc: hoặc là ở bên người bạn duy nhất, hoặc là chờ người bạn ấy. Hai năm sau, khi qua đời, lão để lại cho cha ngôi nhà trên đảo Procida.
Chẳng bao lâu sau, Antonio Gerace chết; và người con trai, vốn đã kết hôn với một cô gái mồ côi từ Massa vài tháng trước đó, chuyển vào ngôi nhà của lão Amalfitano cùng người vợ trẻ đang mang thai. Khi ấy, cha mới mười chín tuổi, còn vợ thì chưa tròn mười tám. Đây là lần đầu tiên, sau gần ba thế kỷ kể từ khi tòa palazzo được xây dựng, có một người phụ nữ sống sau những bức tường này.
Những người nông dân vẫn sống trong căn nhà và trên mảnh đất của ông nội tôi, và đến tận bây giờ họ vẫn làm tá điền ở đó.
Động của đám trai trẻ
Cái chết yểu mệnh của mẹ tôi ở tuổi mười tám, khi sinh đứa con đầu lòng, hẳn đã chứng thực - nếu không muốn nói là khởi nguồn - cho lời đồn rằng lòng thù hận của lão chủ quá cố khiến bất cứ người phụ nữ nào sống trong “Casa dei Guaglioni”, “Động của đám trai trẻ”, hoặc thậm chí chỉ mới đặt chân tới thôi, cũng đều phải lãnh chịu kết cục bi thảm.
Cha tôi chỉ khẽ cười nhạt trước lời đồn quê mùa ấy, nên từ rất sớm, tôi cũng xem nó như thứ mê tín đáng khinh. Thế nhưng, lời đồn vô căn cứ ấy lại có sức lan tỏa không tưởng đến nỗi chẳng người phụ nữ nào chịu đến nhà tôi làm giúp việc. Hồi tôi còn bé, có một cậu trai từ Naples tên Silvestro làm việc cho nhà tôi ngay trước khi tôi chào đời; lúc đó cậu chỉ khoảng mười bốn, mười lăm tuổi. Khi đến tuổi đi lính, cậu trở về Naples, và chỗ trống được lấp bởi một tá điền của gia đình, người mỗi ngày chỉ ghé vài tiếng để nấu nướng. Không ai buồn bận tâm đến sự bẩn thỉu và lộn xộn của các gian phòng, với nhà tôi chúng tự nhiên hệt như đám cây dại rậm rịt trong khu vườn bỏ hoang, được bao bọc sau các bức tường nhà.
Thật khó để vẽ nên một bức tranh lột tả chính xác khu vườn này (bây giờ là chỗ yên nghỉ của chú chó Immacolatella). Quanh gốc cây carob già, bên cạnh vô vàn các thứ ngổn ngang khác, còn chất đống nào là khung đồ gỗ cũ kỹ đang mục rữa, phủ đầy rêu, bát đĩa vỡ, bình thủy tinh đựng rượu, mái chèo, bánh xe, vân vân. Giữa đám đá và đống đổ nát, những loài cây lá căng mọng đầy gai chồi lên, đôi lúc đẹp và huyền bí như thuộc về một giống ngoại lai. Sau mỗi trận mưa, hàng trăm đóa hoa quý phái lại bừng nở, vốn sinh ra từ hạt và củ đã gieo từ rất lâu. Đến mùa nắng hạn, mọi thứ hóa đen như vừa bị lửa thiêu rụi.
Dù dư dả, chúng tôi sống như những kẻ man dã. Vài tháng sau khi tôi chào đời, cha rời đảo gần nửa năm, để tôi lại cho cậu trai giúp việc đầu tiên - một cậu trai chững chạc hơn tuổi, nuôi tôi lớn bằng sữa dê. Chính cậu ấy đã dạy tôi nói, đọc và viết; còn lại, tôi tự học qua những cuốn sách tìm thấy trong nhà. Cha chưa bao giờ quan tâm đến chuyện cho tôi đi học: cuộc đời tôi như một kỳ nghỉ dài vô tận, những buổi lang thang chẳng bị siết bởi bất cứ quy lát hay lịch trình nào, đặc biệt là lúc cha vắng nhà. Chỉ khi cơn đói và cơn buồn ngủ ập đến, tôi mới nhận ra đã đến lúc trở về nhà.
Chẳng ai nghĩ đến việc cho tôi tiền, và tôi cũng chẳng đòi hòi; hơn thế, tôi không cảm thấy mình cần đến nó. Suốt những năm tháng ấu thơ, tôi không có ấn tượng rằng mình từng sở hữu dẫu chỉ một đồng xu.
Trang trại được thừa kế từ ông nội Gerace đã cung cấp đủ nguồn lương thực cho người nấu bếp của gia đình - người nấu bếp với tài nghệ đâu đó còn khá thô sơ. Ông tên là Costante, trầm tính và cộc cằn, hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm, Silvestro - cậu bé mà theo một mặt nào đó, tôi có thể coi như vú nuôi của mình - vốn hiền hòa và dịu dàng hơn nhiều.
Những đêm đông giá lạnh và những ngày mưa rả rích, tôi dành thời gian đắm mình trong các trang sách. Sau những giờ rong ruổi cùng biển trời và hòn đảo nhỏ, chẳng điều gì khiến tôi say mê hơn việc đọc. Tôi thường nằm dài trong phòng, khi thì trên giường, lúc lại trên ghế sofa, còn Immacolatella ngoan ngoãn cuộn tròn dưới chân.
Phòng của chúng tôi mở ra một hành lang hẹp, nơi từng có khoảng hai mươi gian phòng nhỏ của các tu sĩ. Chủ cũ đã phá đi phần lớn những bức tường ngăn để tạo ra không gian rộng rãi hơn, nhưng có lẽ vì mê mẩn các họa tiết chạm khắc tinh xảo, ông vẫn giữ lại một vài cánh cửa nguyên bản từ buổi đầu.
Vậy nên, chẳng hạn, phòng của cha tôi có ba cánh cửa xếp thẳng hàng dọc hành lang, và năm ô cửa sổ cũng nối liền một dãy tương tự. Giữa phòng tôi và phòng cha, có một gian phòng nhỏ được giữ nguyên kích thước ban đầu - nơi mà vào thời thơ ấu của tôi, cậu bé Silvestro từng nằm ngủ. Chiếc ghế sofa kiêm giường của cậu (hay nói chính xác hơn, một chiếc giường xếp đơn sơ) vẫn còn đó, bên cạnh chiếc hòm trống từng đựng mì sợi, nơi cậu cất quần áo của mình.
Còn cha tôi và tôi, chúng tôi chẳng bao giờ bận tâm chuyện cất quần áo. Phòng có sẵn tủ áo và tủ ngăn kéo, nhưng hễ mở ra là chúng như muốn đổ ào, bốc lên thứ mùi ngai ngái, âm u của một thời tư sản Bourbon đã chìm vào dĩ vãng. Mấy món đồ gỗ ấy chỉ nằm đó cho có, hiếm khi nào chúng tôi dùng đến, trừ những lúc tống vào các thứ đồ chẳng còn giá trị nữa - đôi giày cũ sờn mòn, cần câu gãy, áo sơ mi rách bươm cùng mấy món lỉnh kỉnh khác. Đôi khi, những chiếc tủ ấy lại trở thành rương báu nhỏ của chúng tôi: những vỏ sò hóa thạch từ thuở hòn đảo còn chìm dưới lòng biển; vỏ đạn rỗng; đáy chai nham nhở bị cát mài mòn; hay các mảnh động cơ han gỉ. Cả rong biển, sao biển, những thứ sau đó sẽ sớm quắt queo hoặc mục rữa trong các ngăn tủ ẩm mốc. Có lẽ chính vì thế mà tôi chưa từng bắt gặp cái mùi ấy ở bất kỳ nơi nào khác - không phải trong nhà ở của người, cũng chẳng phải trong hang của thú. Nếu có nơi nào mang hơi hướm quen thuộc ấy, thì đó hẳn là đáy một con thuyền, hoặc sâu trong lòng một hang động.
Những chiếc tủ ngăn kéo và tủ áo khổng lồ ấy chiếm trọn phần lớn mảng tường trống, chỉ chừa lại chút không gian vừa đủ cho giường ngủ - loại giường sắt cổ điển, với đầu giường khảm xà cừ hoặc trang trí bằng những bức phong cảnh sắc màu, kiểu giường có thể bắt gặp ở hầu hết các phòng ngủ trên đảo Procida hay trong những ngôi nhà ở Naples. Chăn đắp đông của chúng tôi - thứ mà tôi thường cuộn chặt lấy người như chui vào một cái bao - thủng đầy các lỗ mọt. Còn nệm thì lâu ngày bị đè bẹp, chưa từng được làm phồng hay giũ lại, trông như những tấm bột nhão đã cán dẹt.
Tôi còn nhớ, thỉnh thoảng cha tôi - với tôi làm phụ tá - dùng một chiếc gối cũ hoặc chiếc áo khoác da sờn từng thuộc về Silvestro làm chổi, phủi đầu lọc thuốc lá vương vãi quanh giường. Chúng tôi chất đống chúng ở góc phòng, rồi mặc kệ, cứ thế ném qua cửa sổ. Sàn nhà chúng tôi như thế nào - lát bằng gì, màu sắc ra sao - chẳng ai rõ, vì nó luôn bị vùi kín dưới lớp bụi dày. Những khung cửa sổ cũng chẳng khá khẩm hơn là bao với các tấm kính đen kịt và mờ đục; lơ lửng trên cao trong các góc và giữa các lưới cửa sổ, có thể nhìn thấy mạng nhện óng ánh, tỏa sáng trong ánh sáng.
Tôi nghĩ rằng lũ nhện, thằn lằn, chim chóc - và nói chung, tất tật sinh vật không phải con người - hẳn đã xem ngôi nhà của chúng tôi như một tòa tháp hoang phế từ thời Barbarossa, hoặc như một mỏm đá cô độc chỏi lên giữa biển khơi. Dọc theo những bức tường bên ngoài, thằn lằn bò ra từ các vết nứt và những rãnh khuất trồi từ lòng đất; chim nhạn và ong vò vẽ làm tổ chi chít khắp nơi. Những loài chim lạ, dừng chân trên hòn đảo trong những chuyến di cư, thường ghé đậu trên bậu cửa sổ để nghỉ ngơi. Cả những con mòng biển cũng tới đây hong mình sau cuộc lặn, như thể chúng đang tìm chỗ bám trên cột buồm của một con tàu hay trên đỉnh một vách đá hoang.
Có ít nhất một đôi chim cú mèo sống trong ngôi nhà của chúng tôi, dù tôi chẳng bao giờ tìm thấy nơi chúng ẩn náu. Nhưng điều đó là chắc chắn - chỉ cần hoàng hôn buông xuống, bạn sẽ thấy chúng cùng cả đàn lặng lẽ bay ra từ những bức tường, như thể ngôi nhà này là một phần máu thịt của chúng. Những con cú khác, thuộc nhiều loài, cũng tìm đến từ các nơi xa xôi để tìm mồi trên mảnh đất chẳng khác nào một cánh rừng nguyên sinh của chúng tôi. Một đêm nọ, một con cú khổng lồ - cú đại bàng - đậu trên bậu cửa sổ phòng tôi. Thoạt nhìn, vì kích thước đồ sộ của nó, tôi những tưởng nó là đại bàng thật. Song bộ lông nhợt nhạt như phủ màn sương khiến tôi chợt nhận ra mình đã nhầm, và sau đó, chính đôi tai nhỏ dựng thẳng như hai ngọn giáo xác nhận rõ điều ấy.
Trong vài căn phòng bỏ hoang của ngôi nhà, những khung cửa sổ bị lãng quên cứ mở toang quanh năm. Và nếu bất ngờ bước vào những căn phòng đó sau vài tháng, bạn có thể gặp phải một con dơi, hoặc nghe thấy tiếng kêu của một ổ chim bí mật, ẩn mình trong rương hoặc giữa các xà nhà.
Những sinh vật lạ lẫm bắt đầu xuất hiện, thuộc những loài chưa từng thấy trên hòn đảo này. Một sáng nọ, khi tôi đang ngồi trên nền đất sau nhà, thì bỗng nhìn thấy một con vật nhỏ, rất đẹp, chui ra từ đống đất đá sạt lở. Trông nó như giống lai giữa mèo và sóc, với chiếc đuôi xù to và cái mõm nhỏ hình tam giác cùng bộ ria trắng. Nó chăm chú quan sát tôi. Tôi ném cho nó một hạt hạnh nhân đã bóc vỏ, hy vọng có thể làm thân. Nhưng động tác của tôi lại khiến nó hoảng sợ và bỏ chạy mất.
Một lần khác, vào ban đêm, khi nhìn ra mép dốc, tôi chợt thấy một sinh vật bốn chân, màu trắng sáng, to cỡ một con cá ngừ trung bình, từ phía biển chậm rãi tiến về phía ngôi nhà. Nó có cặp sừng cong vút như hai mảnh trăng lưỡi liềm treo ngược. Vừa nhận ra tôi, nó lập tức quay mình, lẩn vào những vách đá và biến mất. Tôi đoán nó là con bò biển - một loài động vật nhai lại lưỡng cư quý hiếm mà một số người tin là không tồn tại trong khi một số khác nói rằng nó đã tuyệt chủng. Tuy nhiên nhiều thủy thủ lại quả quyết rằng họ từng thấy những con bò biển này quanh hang Grotta Azzurra ở Capri. Chúng sống dưới biển như cá, nhưng lại thèm ăn rau củ nên vào ban đêm thường mò lên bờ để lẻn vào các nông trại.
Thế còn về chuyện những người ghé thăm - dù là dân Procida hay khách lạ từ phương xa - thì căn Casa dei Gualioni vẫn luôn vắng tanh như thế suốt nhiều năm trời.
Tầng một từng là nhà ăn của các tu sĩ, vào thời của Almafitano, nó cải tạo thành phòng tiếp khách. Căn phòng rộng thênh thang, với trần nhà cao gần gấp đôi những phòng khác, và các khung cửa sổ kênh cao hướng ra phía biển. Khác với các phòng còn lại, tường phòng không dán giấy mà được trang trí bằng một bức bích họa chạy dọc quanh phòng, vẽ một hành lang có cột cùng các chùm nho và dây leo quấn quanh. Dọc theo bức tường cuối phòng là một cái bàn dài hơn sáu mét, xung quanh rải rác ghế sofa và ghế bành cũ kỹ thuộc đủ kiểu dáng khác nhau, kèm theo đó là những chiếc đệm đã bạc phếch. Ở góc phòng có một lò sưởi lớn song chúng tôi chưa từng nhóm lửa ở đó. Từ trần nhà rủ xuống chiếc đèn chùm khổng lò làm bằng thuỷ tinh đa sắc bị bụi phủ kín: chỉ còn sót lại vài bóng đèn cháy đen đủ sức tỏa ra thứ quầng sáng yếu ớt như ánh nến leo lét.
Chính tại căn phòng này, vào thời của Amalfitano, giữa tiếng nhạc và tiếng ca hoan rộn ràng, những nhóm thanh niên đã tụ họp rồi biến chốn này thành thiên đàng của vui thú bất tận. Căn phòng vẫn còn lưu lại dấu vết của những cuộc vui ấy, gợi nhớ đến các đại sảnh trong những dinh thự từng bị quân xâm lược chiếm đóng, hoặc đôi khi giống những phòng hội trong trại giam - nói đúng hơn, giống tất tật nơi mà các chàng trai tụ tập mà vắng bóng phụ nữ. Những tấm vải bọc sofa giờ đã sờn rách, lấm lem vết bẩn và lốm đốm vết cháy của tàn thuốc lá. Trên tường và mặt bàn, tràn lan các dòng chữ và hình vẽ nguệch ngoạc ghi: tên, chữ ký, câu đùa, lời bộc bạch hay những dòng tỏ bày tình cảm, các trích dẫn lời bài hát. Còn có cả hình trái tim xuyên mũi tên, con tàu rẽ sóng ra khơi và hình một cầu thủ giữ thăng bằng quả bóng trên mũi chân. Còn có cả các bức vẽ nom rất ngộ: một chiếc đầu lâu ngậm tẩu thuốc, một nàng tiên cá trú dưới ô và nhiều nữa.
Nhiều hình vẽ và dòng chữ khác đã bị cào xóa, chẳng rõ bởi ai, nhưng các vết sẹo nham nhở vẫn còn in hằn trên lớp vữa tường và trên mặt bàn gỗ.
Ở các căn phòng khác cũng có thể bắt gặp dấu vết tương tự của những vị khách năm xưa. Chẳng hạn, trong một căn phòng nhỏ bỏ không, trên lớp giấy dán tường ngay phía trên chậu nước thánh bằng thạch cao (còn sót lại từ thời tu viện), vẫn có thể đọc được một chữ ký mờ viết bằng mực với những nét phẩy uốn lượn xung quanh: “Taniello”. Song ngoài những chữ ký vô danh và những hình vẽ chẳng mấy giá trị đó, trong ngôi nhà chẳng còn lại bất kỳ dấu tích nào khác của thời tiệc tùng xa hoa đã qua. Tôi được kể rằng, sau cái chết của nhân vật từ xa tới kia, nhiều người dân Procida từng tham gia các cuộc hội hè thời trẻ đã kẻo đến Casa dei Guaglioni để đòi lại các món đồ và kỷ vật. Họ cả quyết rằng Amalfitano, khi còn sống, đã hứa tặng họ những món ấy vào ngày ông qua đời. Họ làm chứng cho nhau, và thế là một cuộc vơ vét có tổ chức nổ ra. Có lẽ từ sự kiện đó mà những bộ trang phục cùng mặt nạ - đến giờ vẫn còn được nhắc đến trên đảo - đã bị cuỗm mất, cùng với những cây đàn ghi ta, đàn mandolin, và những chiếc ly pha lê có khắc lời chúc tụng bằng vàng. Có thể một vài món trong số ấy vẫn được giấu ở đâu đó, trong những căn nhà nhỏ của nông dân hoặc ngư dân. Và những người phụ nữ trong gia đình, bây giờ đã già, thỉnh thoảng thấy lại các kỷ vật ấy sẽ hắt ra tiếng thở dài bởi cơn ghen từ thuở con gái khi bị hất khỏi các cuộc vui bí ẩn mà chỉ đàn ông mới được tham gia bất đồ sống dậy. Họ gần như ngại chạm vào các đồ vật vô tri ấy, như thể chúng chứa một lực thù ám quẻ của Casa dei Guaglioni.
Còn một bí ẩn khác xoay quanh số phận của những con chó nhà Amalfitano. Ai cũng biết lão từng nuôi nhiều chó và hết mực yêu thương chúng. Thế nhưng sau khi lão qua đời, lũ chó đột ngột biến mất không tăm hơi. Có người nói sau khi chủ nhân được mai táng, lũ chó đã rơi vào trạng thái u uất, bỏ ăn rồi đồng loạt chết đói. Lại có người nói chúng bắt đầu lang thang khắp đảo như lũ thú hoang, gầm gừ nanh nọc với bất cứ ai lại gần cho tới khi đồng loạt hoá dại. Cuối cùng, những người gác đảo buộc phải truy bắt và giết chúng rồi ném xác xuống vách đá.
Và thế là các câu chuyện xảy ra ở Casa dei Guaglioni trước khi tôi chào đời truyền tới tôi một cách mơ hồ, như những cuộc phiêu lưu từ thời quá vãng. Ngay cả quãng thời gian ngắn ngủi mẹ tôi từng sống ở đó - ngoài tấm ảnh mà Silvestro còn giữ - tôi chẳng tìm thấy bất cứ vết tích nào khác. Chính Silvestro kể cho tôi nghe rằng vào một ngày nọ, khi tôi mới chừng hai tháng tuổi và cha tôi vừa bỏ nhà để bắt đầu chuyến đi xa, có vài người bà con từ Massa mò đến. Họ trông như nông dân lam lũ, và không chút do dự, họ thuổng tất cả những gì thuộc về mẹ tôi, như thể đó là tài sản thừa kế hợp pháp của họ: từ của hồi môn, quần áo, đến cả đôi guốc gỗ và chuỗi tràng hạt xà cừ. Chắc hẳn họ toan lợi dụng lúc ngôi nhà vô chủ. Silvestro, khi nhận ra tình thế, sợ rằng họ sẽ lôi cả tôi đi. Trong cơn bối rối, cậu viện cớ rồi rời khỏi phòng khách, vội vã quay về căn phòng của mình nơi cậu đã đặt tôi nằm ngủ trên giường. Thế rồi, cậu nhanh chóng giấu tôi vào một cái thùng đựng mì cũ kỹ mà cậu vẫn thường cất quần áo. Cái thùng đã mòn vẹt, nắp hỏng, đủ chỗ cho không khí lọt vào. Cậu còn đặt cạnh tôi một chai sữa dê, phòng tôi thức dậy sẽ tự uống mà không khóc toáng. Thế nhưng tôi nằm yên không tỉnh giấc suốt thời gian những người bà con ấy ghé thăm. Họ cũng chẳng bận tâm đến tôi. Chỉ đến lúc sắp bỏ đi với chiến lợi phẩm, một người trong số đó vì giữ phép nên mới hỏi han xem tôi có khỏe không và đang ở đây. Silvestro đáp rằng tôi đã được gửi đi bú mớm. Nghe vậy, họ hài lòng, rồi trở về Massa mãi mãi, biệt tăm biệt tích.
Và thế là tuổi thơ cô độc của tôi lặng lẽ trôi qua, trong ngôi nhà tuyệt nhiên không có một bóng dáng phụ nữ.
Trong phòng của cha tôi treo bức ảnh lớn chụp lão Amalfitano. Bức ảnh tái hiện hình ảnh một lão già mảnh khảnh, khoác chiếc áo khoác dài, vận chiếc quần lỗi mốt để lộ đôi tất trắng. Mái tóc trắng của lão xõa xuống sau tai như bờm ngựa và vầng trán cao, láng bóng của lão hắt sáng lạ lùng. Đôi mắt mở vô hồn của lão có biểu cảm sáng rõ, đầy mê hoặc, giống như ánh mắt của một số loài động vật.
Amalfitano chọn dáng đứng táo bạo, đầy tính toán. Lão bước đi, thoáng nhếch một nụ cười lịch lãm như để chào hỏi. Tay phải lão giơ cao cây gậy đen đầu bọc sắt; tay trái lão nắm dây xích giữ hai con chó lớn. Bên dưới bức chân dung, với nét chữ run rẩy của một ông lão mù gần như thất học, lão viết lời đề tặng dành riêng cho cha tôi:
GỬI WILHELM
ROMEO
Bức ảnh chụp Amalfitano khiến tôi liên tưởng đến hình dáng của Boötes, chòm sao của Arturo, được khắc họa trên tấm bản đồ lớn của bầu trời Bắc bán cầu trong cuốn atlas thiên văn mà nhà tôi từng có.
Thanh Nghi dịch