Elsa Morante: Aracoeli (Phần 3)
phần 1 (Thanh Nghi)
phần 2 (Thanh Nghi)
Aracoeli
- Elsa Morante
Ông nội tôi, một thẩm phán trọng vọng ở Turin, đồng thời là một giáo sư luật xuất chúng, được cả vương quốc kính trọng. Trong dòng tộc trực hệ, gia đình tôi từng có những nhân vật thuộc tầng lớp tư sản lịch sử, những người lãnh đạo phong trào Risorgimento của Ý, và đến nay, một số con phố ở Piedmont vẫn mang tên họ. Ý thức rõ về sự kém cỏi của bản thân, tôi sẽ không nhắc đến họ của gia tộc trong những trang này.
Tên thánh rửa tội của cha tôi là Eugenio, theo sau là hai cái tên khác: Oddone và Amedeo. Dù khi ấy ông vẫn còn ở cấp bậc trung trong Hải quân vì tuổi đời còn trẻ, nhưng trong tòa nhà chúng tôi ở, cũng như trong gia đình, ông vẫn có cái uy của một đô đốc. Điều này không chỉ nhờ vào danh tiếng của dòng họ hay những chiến công (dù không ai nhắc đến), mà còn bởi diện mạo - mà theo lời Zaira, “sáng rỡ như hào quang” - và cung cách của ông: trầm tĩnh mà tự nhiên, tự tin và chân thành, “xứng với một bậc vương giả,” như Zaira từng nói.
Cha tôi không thể phủ nhận có những nét rất giống bác Monda, giống đến mức, thực sự, chỉ cần nhìn thoáng qua cũng biết ngay họ là chị em ruột. Thế nhưng, những đường nét chung của gia tộc - vốn khiến diện mạo bà trông thô kệch, thiếu hài hòa và có phần lạc điệu - lại hội tụ nơi cha tôi một cách hoà hợp, tạo nên vẻ nghiêm nghị đĩnh đạc nam tính, song vẫn phảng phất nét tươi sáng của tuổi trẻ. Chiều cao hơn mức trung bình, đôi vai rộng và dáng người thanh mảnh càng tôn thêm vẻ đẹp ấy. Ngay cả một chút cứng nhắc trong chuyển động - gần như mang dáng dấp của một cỗ máy - cũng không phải là khiếm khuyết, mà ngược lại, càng làm nổi bật bản tính cương nghị và kỷ luật của ông. Giống như chị gái, ông cũng có mái tóc vàng, nhưng đó là màu vàng khỏe khoắn, ấm áp như ánh mặt trời, chứ không nhạt và phai màu như của bà. Đôi mắt ông cũng to và hơi lồi, mang sắc xanh nhạt, trong veo, có phần vô cảm, nhưng không bị cận thị (thậm chí rất tinh tường); hàng mi của ông ngắn nhưng dày, ánh lên sắc vàng sậm như đồng hun, điểm xuyết quanh mắt một thứ ánh sáng lấp lánh tinh tế.
Làn da ông cũng mang sắc hồng tự nhiên, nhưng mịn màng, đều màu và càng thêm rạng rỡ nhờ ánh nâu rám nắng. Đôi khi (dù hiếm hoi) ông cũng đỏ mặt, tuy nhiên đó không phải là biểu hiện của sự xấu hổ hay bối rối, mà dường như bộc lộ một nét hồn nhiên kỳ lạ từ bên trong, một nét vô tư mà khi người khác nhìn thấy, họ dường được an ủi.
Cằm ông cân đối, không quá bạnh; răng có lẽ to và chắc hơn bình thường, song đều tăm tắp, trắng sáng và rạng rỡ, hoàn toàn không giống bác Monda.
Bác Monda, dĩ nhiên, ý thức được sự thua kém của mình so với em trai, song tuyệt nhiên không hề đố kị. Trái lại, bà coi ông như một tấm huy chương của gia tộc mà bà có thể hãnh diện cài lên. Đôi lúc, bà dường ăn năn vì bản thân trông chẳng khác nào một bản sao vụng về đặt bên cạnh nguyên tác hoàn mỹ. Mỗi khi ai đó chỉ ra điểm giống nhau giữa hai chị em, bà vừa đỏ mặt sung sướng, vừa rụt rè lùi lại, như thể phép so sánh ấy là một sự bất kính đối với hình mẫu hoàn mỹ kia và có thể gây vẩn đục. Đôi khi, lúc đứng cạnh em trai, bà nhìn ông với nụ cười nhỏ bé nhưng đầy đặc quyền, nụ cười của kẻ được tái hiện trong cơn ngây ngất, chứng kiến chính sự biến thân của mình. Và có lẽ chính cảm năng về sự song trùng thiêng liêng này đã khiến bà không thể gán những đường nét của em trai cho chàng Hoàng tử trong mộng. Trái lại, người thực sự mê hoặc bà lại mang diện mạo hoàn toàn đối lập. Bác Monda không phải kiểu người đi tìm một linh hồn song sinh trong tình yêu.
Với em trai mình, bác Raimonda dành một lòng tôn sùng sâu sắc, gần như mang sắc thái giáo điều; ngay từ nhỏ, bác đã được nuôi dạy trong một gia đình tin rằng người chồng luôn vượt trội hơn người vợ và con trai thì hơn con gái. Chỉ cần cất lên cái tên Eugenio, giọng bác đã vô thức để lộ niềm tự hào bị kìm nén, như thể đang xướng lên một tước hiệu quý tộc hay một danh hiệu danh giá. Bác chưa bao giờ hoài nghi các quan điểm hay mong muốn của em trai, dù trong một số khía cạnh, bác vẫn giữ lại một vài sở thích cá nhân. Tuy nhiên, bản thân cha tôi cũng không phải người thích áp đặt người khác; ngược lại, ông có xu hướng thuận theo ý kiến chung, thậm chí trở nên thụ động. Chỉ có hai điều ông xem là chân lý tuyệt đối: danh dự quân nhân và Tổ quốc với những biểu tượng thiêng liêng của chúng. Với ông những điều ấy là tín niệm, giống như Thánh giá đối với Hiệp sĩ của Thánh mộ.
Niềm kiêu hãnh lớn của ông chính là được đứng trong hàng ngũ Hải quân Hoàng gia - một lực lượng mà, theo đức tin của ông, dường sánh ngang với một dòng hiệp sĩ danh giá, rạng danh bởi những chiến công lẫy lừng. “Chúng ta, những người của biển cả!” - tôi từng nghe ông thốt lên đầy tự hào, như thể biển cả là gia tộc mà ông thuộc về. Ông cũng thường nhắc đến những vị đô đốc hay sĩ quan cao cấp với lòng tôn kính, như một chàng trai trẻ nhắc đến những bậc thầy vĩ đại mà mình hết lòng tôn sùng.
Ông hiếm khi nhắc tới mussolini, như thể đó chỉ là nhân vật thứ yếu, thậm chí có phần đáng ngờ. Trái lại, lòng ngưỡng phục tuyệt đối - phải nói là sùng kính - của ông dành trọn cho nhà vua. Mỗi khi nhắc đến nhà vua, ông luôn gọi là “Bệ hạ” (tin chắc rằng bằng danh xưng ấy, ông đang tôn vinh hiện thân trác tuyệt nhất của tổ quốc). Ngay tại vị trí trang trọng nhất trong tiền sảnh ngôi nhà, ông đặt một bức ảnh chân dung nhuộm màu của nhà vua, chụp nửa người, trong bộ quân phục gắn đầy huy chương, huân chương, dải ruy băng và thánh giá; ở trên đầu, nhà vua đội chiếc mũ kiểu sacô với một chùm lông vũ trắng dài cao vống lên.
Trong nhà tôi ai cũng biết bức chân dung này (chụp Quốc vương lúc còn trẻ) có từ thời cha tôi mới bắt đầu lập nghiệp. Và nó gắn liền với sự kiện mà đối với ông vẫn luôn là một trong những khoảnh khắc vĩ đại và đáng nhớ nhất.
Có vẻ như vào thời điểm đó, trong một cuộc duyệt binh lớn, quốc vương Ý đã đích thân ghé thăm con tàu của cha tôi. Và giữa tất tật những người có mặt trên boong, nhà vua đã trực tiếp hỏi ông: “Anh tốt nghiệp Học viện năm nào? Phục vụ bao nhiêu năm rồi? Đã gắn bó với con tàu này bao lâu?”
Đó là những điều đầu tiên tôi được biết về cha mình sau khi dọn đến ngôi nhà mới ở Khu Thượng lưu.
Ai cũng biết rằng Quốc vương Ý Victor Emmanuel Đệ Tam có vóc dáng thấp bé; nhưng vì chưa từng tận mắt thấy nhà vua, tôi vẫn mường tượng - dựa vào danh xưng “Bệ hạ” và chiếc mũ sacô cao vút - một hình hài vĩ đại, sừng sững trên boong tàu giữa các thủy thủ cùng sĩ quan các cấp bậc, đến mức ngay cả cha tôi, đứng bên cạnh, cũng trở nên bé nhỏ.
Ít nhất một lần - tôi không rõ là ở cảng nào, hoặc nhân dịp lễ hội hay lễ hạ thủy nào - mẹ và tôi được cho phép lên một chiến hạm, thậm chí còn được tiếp đón như các thượng khách. Tôi còn nhớ rõ con tàu khổng lồ được trang hoàng cờ rực rỡ, nơi cha tôi, trong bộ quân phục mùa hè trắng và vàng rạng rỡ, dẫn chúng tôi đi tham quan những dàn đại bác uy nghiêm, phủ lớp sơn bóng cùng các mảng kim loại được đánh sáng lấp loáng; mẹ nắm tay tôi, bước đi giữa những cái cúi chào cung kính, vận trên mình chiếc váy màu cam hồng và chiếc mũ rơm màu lúa mì có mạng che mặt hồng nhạt. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh bà, nhẹ nhàng tuột đôi găng tay ren màu ngà dài, chú trọng vào từng chuyển động, một việc lúc nào cũng khiến bà có chút bối rối.
Trước mỗi kỳ nghỉ phép của cha, cả nhà tôi lại tất bật tổng vệ sinh, háo hức chờ ông về. Nhưng cũng có những lần ông bất ngờ ghé thăm, bởi ông chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội về với gia đình, dù chỉ trong chốc lát. Mỗi khi tiếng chuông đặc biệt của ông vang lên, mẹ tôi, tim đập rộn ràng và vui sướng, liền chạy đi chải tóc, trong khi từ ngoài hành lang, ông đã cất tiếng gọi bà bằng giọng nam cao trong trẻo phảng phất chút e dè và nôn nao hạnh phúc. Rồi ngay lập tức, với dáng vẻ vừa như một vị khách quý, vừa như một kẻ không mời mà tới, ông xuất hiện nơi ngưỡng cửa, rạng rỡ, hàm răng trắng hé mở trong tiếng cười, hàng mi vàng óng lấp lánh quanh đôi mắt xanh nhạt, gần như bạch tạng. “Như thể mặt trời vừa ghé thăm,” Zaira thường thốt lên như vậy. Vốn có bản tính kiềm chế, mỗi chuyển động hồ hởi của ông đều mang nét vụng về như của những con chó con. Song khi cha mẹ tôi ôm chặt lấy nhau trong niềm vui hội ngộ, tình yêu của họ làm tan chảy mọi nỗi ngượng ngùng trong tiếng tíu tít, khiến ánh sáng ban ngày cũng phải rung lên.
Từ chiếc loa rè vang lên vài tiếng hô đứt quãng, tôi dường loáng thoáng nghe được thông báo về chuyến bay đến Almeria. Vậy là tôi lại phải lên đường. Cổng lên máy bay nằm phía dưới, ngay chân cầu thang. Khi bước xuống, tôi đã nhìn thấy nơi mình sắp đến - El Almendral - giờ chỉ còn lại một hố đất trống hoác, không một tàn tích, dù là xương cốt hay tro tàn.
Anda niño anda que
Dios te lo manda.
[Đi đi, con ơi, đi đi,
Chúa đã an bài như thế.]
Trong vô vàn giai điệu nhỏ bé của Aracoeli, khúc hát này đã không ít lần trở lại tâm trí tôi kể từ khi tôi quyết định đi khỏi. Tôi có thể gọi nó là khúc hát chúc thượng lộ bình an. Đó cũng chính là khúc hát đầu đời của tôi. Cứu cánh của tôi là Aracoeli, bà ngồi xổm trên mặt đất, dang rộng hai tay như vạch sẵn con đường cho tôi. Dios te lo manda. Và lảo đảo, niño như một kẻ tiên phong lao mình liều lĩnh, chẳng có lấy một sợi dây níu giữ, dưới mệnh lệnh của Chúa, hướng đến vạch đích vinh quang có những tràng pháo tay, những tiếng cười, những nụ hôn, những đôi mắt lấp lánh cùng những vòng tay e ấp đang chờ. DIOS. Suốt một thời gian dài bài đồng dao Dios ấy - cùng với Theos trong Kinh Thánh, Dio, Dieu, God, Gott và những danh xưng khác của Ngài, cùng tất tật triều thần và các Đức Mẹ Đồng Trinh - đối với tôi chẳng còn gì khác ngoài bóng đêm và sương mù. Vậy mà, thật phi lý, đâu đó trong tôi vẫn le lói một ảo ảnh cuối cùng về thiên đường. Tôi không biết mình đã học được ở đâu hay từ khi nào rằng trong tiếng Tây Ban Nha, almendral có nghĩa là “vườn hạnh nhân”. Và với cái tên ấy, một khu vườn sum suê, nơi những trái xanh biếc ôm ấp những hạt nhân trắng ngọt lành, thoáng chốc đón lấy tôi vào lòng tử cung rực sáng của nó.
Chuyến bay đến Almeria vẫn còn nhiều ghế trống; tôi nhanh chóng chọn cho mình một chỗ ở hàng ghế cuối, nhẹ nhõm vì không có ai ngồi cạnh. Như ở Milan, trước khi cất cánh, ở đây cũng phát cái thứ “âm nhạc” quen thuộc, được chế tác đồng loạt và đạt tới độ phi biên giới, như tiếng vọng cơ học của một thế giới phân rã. Tôi bịt tai lại để không phải chịu đựng nó. Nhưng sau khi cất cánh, giữa những tiếng cười đùa và giọng Tây Ban Nha lan khắp khoang, tôi bỗng cảm thấy từ bên trong mình trào dâng một sự tĩnh lặng tuyệt đối. Khi chúng tôi thoát khỏi đụn mây phình to đang quấn lấy mặt đất, tôi nhìn thấy bên kia ô kính một cơn run rẩy lấp lánh sao.
Từ túi ghế phía trước chỉa ra một tờ hướng dẫn du lịch với tiêu đề COSTA DEL SOL. Văn bản được viết bằng tiếng Anh. Và ở đây tôi biết được rằng almeria trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “tấm gương”. Với tôi, điều này dường như là một dấu hiệu nữa từ số phận, một biểu tượng rõ ràng của tấm gương, nơi Aracoeli hiện diện đầy sống động; và chỉ riêng khám phá ấy cũng đủ đưa tôi trở lại bên người tiền trạm từ cõi thiên giới của mình trong khoảnh khắc, người một lần nữa lại đi trước tôi giữa những vì sao, dẫn dắt chuyến bay của tôi đến El Almendral. Những thứ như thế này vốn là sản phẩm quen thuộc của cái đầu rối trí, nơi sự hoài nghi vụng về trộn lẫn với niềm tin mê tín và chất chồng bởi những viễn cảnh mâu thuẫn; trong ký ức tôi (chân thật hay ngụy tạo?) có một bản in sắc nét và chi tiết như thể được trích từ bộ phim tài liệu hay chuyên luận nào đó, xen kẽ với những chuỗi hình ảnh mờ nhòe, lóa sáng và dang dở.
Almería espejo mirror specchio. Tôi hầu như chẳng biết gì về thành phố này. Ngay cả tờ hướng dẫn du lịch đang nằm trước mắt tôi cũng chỉ cung cấp đôi dòng ít ỏi: Từng được gọi là Đại Cảng... xưa kia là sào huyệt của hải tặc... Một thời là kinh đô huy hoàng của người Moor… Những hình ảnh duy nhất về nơi ấy còn sót lại trong ký ức tôi là đôi tấm bưu thiếp từng gửi đến Rome, đóng dấu Gérgal và, đã được giữ lại trong nhà suốt nhiều năm. Một tấm là hình chụp cổng thành Almeria xưa (la Puerta de Oro), một khung cảnh như bước ra từ Nghìn lẻ một đêm, in trên nền hoàng thổ rực nắng (vàng), điểm xuyết vài vệt xanh lam và đỏ son. Tựa con tàu khổng lồ, cánh cổng ấy vươn cao, soi bóng bến cảng tấp nập những cánh buồm và những dáng hình Đông phương bé nhỏ.
Tấm bưu thiếp thứ hai ghi lại nội thất của một nhà thờ lớn (la Catedral-Fortaleza de Almería), nơi các vòm trần cao vút đan xen bằng những đường gân uốn lượn, được chạm khắc dày đặc biểu tượng và hình ảnh trên mọi bề mặt, khiến toàn bộ không gian như bao phủ bởi một thảm thực vật thiên giới.
Với tôi khi còn là một cậu bé, hai tấm bưu thiếp ấy chính là chân dung thực sự của thành phố Almería bí ẩn. Nhưng còn một tấm thứ ba, tấm mà tôi đã chiếm làm của riêng và cất trong ngăn kéo, bởi nó mê hoặc tôi đến lạ. Trong ảnh là một cô gái rạng rỡ trong chiếc váy đỏ rực xòe rộng, và, dễ thấy, một lớp váy lót xếp nếp bằng chất liệu mỏng nhẹ, phồng lên trông như được nhồi lông vũ. Cô đi tất trắng và mang đôi giày đỏ nhỏ, khoác chiếc khăn choàng thêu chỉ nhiều màu ôm lấy ngực và cài một bông hồng trắng trên đỉnh đầu.
Vì những điều cấm kỵ trong Bộ luật Hải quân liên quan đến hôn nhân của sĩ quan chuyên nghiệp, trong những năm đầu bên nhau, cha mẹ tôi vẫn là tình nhân lén lút, không hôn thú. Nhưng hồi nhỏ, tôi luôn tin rằng cha mẹ mình )dù từng bị chia cách một thời gian bởi Nghĩa Vụ mơ hồ nào đó) ngay khi gặp đã lập tức cử hành hôn lễ trong khung cảnh vô cùng tráng lệ.
Tôi biết họ gặp nhau lần đầu tại quê hương của mẹ và, tôi chỉ có thể hình dung khung cảnh hôn lễ của họ dựa trên những tấm bưu thiếp nổi tiếng ấy. Bước qua một cổng vàng, ngay phía trước bến cảng xanh biếc đầy ắp cánh buồm, đôi tân hôn tiến vào Catedral-Fortaleza. Mẹ tôi mặc chiếc váy đỏ rực bồng bềnh, đầu đội mũ gắn lông vũ trắng, còn cha tôi vận bộ quân phục trắng viền vàng.
Trên thực tế, lễ cưới hợp pháp của họ diễn ra gần như trong lặng lẽ, không nghi thức linh đình, không thông báo, không khách khứa, mặc dù vẫn có sự chấp thuận của Hoàng gia (theo cách diễn đạt trong Bộ luật Hải quân). Buổi lễ nhỏ, niềm khao khát suốt bao năm của hai kẻ yêu nhau, hẳn được tổ chức tại một nhà thờ hẻo lánh nào đó ở Rome, chỉ có hai nhân chứng và bác Monda có mặt, tôi nghĩ vậy và, dĩ nhiên là tôi không hay biết. Tình yêu bị ngăn cấm của họ đã kéo dài năm năm trước khi cử hành lễ cưới - mùa thu năm 1936.
Không ai biết chính xác hoàn cảnh họ gặp nhau lần đầu, nhưng nhiều manh mối khiến tôi tin rằng họ đã ngẫu nhiên chạm mặt nhau. Và với cha tôi, đó không phải là cuộc gặp tình cờ, đó là cuộc hiển linh của mẹ. Vì một lý do nào đó (có lẽ chỉ đơn giản là không biết làm gì với nửa ngày rảnh rỗi), cha tôi lang thang đến nơi bất kỳ trên đất Almería, và tại đó, ông nhìn thấy mẹ đi ngang qua rồi lập tức đem lòng yêu.
Tôi hình dung địa điểm họ gặp nhau nằm trong một khu tách biệt trên dãy sierra, gần El Almendral, nơi cuộc sống bé nhỏ của mẹ tôi cho đến lúc ấy vẫn quanh quẩn. Có lẽ đó không phải chỗ quen quen cho những chàng hoàng tử lịch lãm bước xuống từ các tàu hải quân khi dạo chơi hay thám hiểm. Và với lòng tin Công giáo mộc mạc, choán đầy hình tượng nhà thờ, tượng thánh, những truyền thuyết Á-Phi và các đoàn rước kiệu, mẹ hẳn đã nhìn người đàn ông tóc vàng, cao ráo và rực rỡ ấy - đến từ phương Bắc - như một Đấng Hiển Linh, người mang theo bí ẩn cùng ân sủng. Và từ đó cho đến tận cuối đời, trong mắt mẹ, hình ảnh ban sơ ấy của cha chưa bao giờ phai mờ ánh hào quang thuở đầu.
Người ta kháo nhau rằng dân Piedmont – dù bề ngoài thường chín chắn và điềm tĩnh hơn người – đôi khi ấp ủ trong sâu thẳm những mầm lửa có khả năng bùng lên thành đặc tính bất kham của loài ngựa cùng bướng bỉnh cứng đầu của loài la. Ông nội tôi, chẳng hạn, một vị quan tòa lẫy lừng, ngoan cố tin theo thuyết Lombroso đến mức có lần đã tuyên án một kẻ khốn khổ chỉ bằng cách nhìn vào hình dáng hộp sọ của anh ta. Còn bà nội tôi thì ham mê sưu tầm những bộ tóc giả cổ đến mức không ngại lặn lội đường xa chỉ để mang về một bộ tóc giả cũ rích bị nhậy cắn. Và ngay khi cô gái Andalusia ấy lướt qua, cha tôi lập tức bị nàng chiếm trọn - cả máu thịt lẫn tâm hồn - không thể nào cưỡng, đến nỗi trong cơn nôn nóng tột độ, ông quyết định phải lập tức đưa nàng về nhà và lấy nàng làm vợ mãi mãi. Lúc ấy, cha tôi chỉ vừa quá tuổi thiếu niên, một chuẩn úy mới được bổ nhiệm, chịu sự ràng buộc của kỷ luật và mệnh lệnh từ Hoàng gia. Và chính tại đây, tôi tin rằng cuộc xung đột khốc liệt đầu tiên trong đời ông đã bắt đầu - giữa nghĩa vụ thiêng liêng đối với tình yêu và nghĩa vụ thiêng liêng không kém phần đối với Hải quân Hoàng gia Ý. Và ngay trước khi trở thành tình nhân, mẹ và cha tôi, bằng những lời hứa trang trọng, đã thề nguyền đính ước.
Tình yêu đang nảy nở giữa họ chỉ còn được lưu truyền qua một kỷ niệm duy nhất, tôi không rõ bằng cách nào: nụ hôn đầu tiên. Có vẻ khi cha nghiêng môi về phía miệng vị hôn thê, bởi quá xúc động và nôn nóng, ông đã chuyển động vụng về khiến mũi họ đập vào nhau trước khi kịp chạm môi. Tai nạn hài hước này khiến vị hôn thê của ông bật cười và, trong chính tiếng cười ấy mà mọi nỗi e sợ trẻ con nơi bà đều tan biến; khoảnh khắc đó tình yêu mẹ dành cho cha mới thực sự nhen nhóm. Cả hai đều là mối tình đầu của nhau: cô gái, một trinh nữ chưa hôn ai bao giờ; còn chàng trai, một kẻ cô độc, chưa từng có kinh nghiệm yêu đương ngoại trừ những cuộc giao dịch tình dục cưỡng bách và chủ yếu giúp giải tỏa.
Lạ lùng thay, nụ hôn đầu chệch hướng ấy lại mang đến sự thân mật chứ không phải bối rối; song thực ra, sợi dây gắn kết giữa họ đã được thắt chặt ngay từ cái nhìn đầu tiên. Không có những lời tán tỉnh khéo léo từ phía cha, cũng chẳng có sự do dự hay chống đối từ phía mẹ. Có lẽ, cuộc đối thoại đầu tiên của họ chỉ vỏn vẹn: “Quieres casarte conmigo?” [Em có muốn lấy anh không?] “Si” [Muốn]. Và có lẽ trong khoảnh khắc ấy, cha đã đỏ mặt, còn mẹ thì hơi tái đi. Đối với cha, cũng như với mẹ, cơ may gặp mặt ấy nhuốm màu của số phận không thể hồ nghi.
Bên cạnh những khác biệt, hai người lại giống nhau ở một vài điểm: chẳng hạn, sự ngây thơ mãnh liệt trong những rung cảm, và ở lòng tin đã thề nguyền vào một Huyền thoại siêu vượt nào đó của riêng họ. Đó cũng là, từ phía mỗi người, một ham mê táo bạo và bất ngờ, nhưng cũng mang sắc thái của hôn phối và đậm tính chung quyết.
Khi theo cha ra đi, mẹ bỏ lại phía sau cha mẹ đã vào tuổi xế chiều (có lẽ, để thuyết phục họ cho mang người con gái đi, cha tôi đã tận dụng tài thương thuyết xuất chúng) cùng cậu em trai Manuel khi ấy chừng mười một tuổi. Chưa kể đến những thành viên không phải con người trong gia đình: con mèo Patufè và con dê Abuelita.
Hai người đã thánh hóa lễ đính hôn của mình - chỉ có họ với nhau - trước ban thờ một nhà thờ vào một buổi sáng sớm. Nghi thức ấy, đối với họ (và đặc biệt là với mẹ), có ý nghĩa chẳng khác nào một lễ cưới. Có lẽ nó chỉ gồm những lời nguyện trao nhau và một chiếc nhẫn mà cha lồng vào tay mẹ - chiếc nhẫn mà từ đó trở đi, mẹ luôn luôn đeo, cả trước lẫn sau đám cưới thật sự về sau. Đó là một vòng tròn bằng vàng, giống như nhẫn cưới, với hai chữ cái viết tắt tên họ và ngày 11-1-1931 khắc ở mặt trong.
Tôi không biết nghi thức tôn giáo nhỏ ấy đã diễn ra ở đâu - trong một nhà thờ xứ đạo nào đó ở tỉnh lẻ hay ngay tại thủ phủ Almería. Điều chắc chắn là mẹ tôi chưa từng đặt chân đến Almería trước khi bị cha tôi “bắt cóc” - một sự kiện không lâu sau đó được nối tiếp bằng việc mẹ bỏ Tây Ban Nha để đi theo cha. Và chuyện ra đi ấy, trong trí nhớ tôi, từ lâu đã là một điều mơ hồ nằm đâu đó giữa lịch sử và huyền thoại. Theo những tưởng tượng có phần tiểu thuyết hóa của bác Monda (người giữ lại ít nhiều mảnh vụn hậu kỳ ấy), mẹ tôi đã vượt biển đến Livorno (hoặc La Spezia) khi ẩn náu trên chiến hạm của cha tôi, với sự đồng lõa tiếp tay của toàn bộ thủy thủ đoàn.
Nhưng bác Monda, về một số chuyện, không phải lúc nào cũng đáng tin. Có thể cha tôi, sau một thời gian ngắn vắng mặt để lo liệu mọi việc cần thiết, đã quay lại đón vị hôn thê của mình bằng phương tiện thích hợp; hoặc cũng có thể, khi ông ra khơi từ bờ biển Tây Ban Nha, đã gửi mẹ vượt đường bộ đến điểm hẹn, giao bà cho một mệnh phụ tử tế nào đó mà ông tin tưởng. Còn trong những hình dung ngây ngô thuở nhỏ của tôi, dĩ nhiên, hai người đã cùng nhau rời bến cảng Almería trên một tuần dương hạm trang hoàng rực rỡ, giữa tiếng reo hò của cả đoàn thủy thủ, pháo nổ vang trời và, ít nhất ba trăm chiếc kèn đồng thổi vang khúc hoan ca như thể đại phong cầm của một thánh đường khổng lồ đang cùng lúc ngân lên!
Chúng tôi đáp xuống sân bay Almería trong bóng tối và mưa. Mùi không khí và những hình khối lờ mờ của cây cối khiến tôi có cảm giác mình vừa đặt chân xuống một khu vườn nhiệt đới ẩm ướt. Sảnh chờ đông nghẹt người và dưới ánh đèn điện sáng choang, tôi bị ngợp bởi khung cảnh tưng bừng của những cuộc hội ngộ. Tiếng cười, tiếng hát, những lời gọi vang - Pepito! Miguelito! Mamita! Benina! [Những tên gọi thân mật trong tiếng Tây Ban Nha] - cùng những cái ôm siết đến mức ai cũng dường đang ôm người mình yêu. Chỉ mình tôi không có ai chờ. Nhưng ngay lập tức, giữa cảm giác lạc lõng ấy, một âm thanh thân thuộc, với một cú giật của cảm tri, đã choàng lên tôi: tiếng hôn. Cũng theo lối ồn ào ấy, là những chiếc hôn Aracoeli từng trao cho tôi. Chúng có tiếng của lá cờ nhỏ phất gió hoặc tiếng castanet tí hon bật lách cách rồi để lại một vệt nhỏ dấp nước bọt mà bà sẽ lập tức lau đi bằng cách vuốt nhẹ một ngón tay. Cái vuốt ấy nhanh như một cử chỉ xoa dịu mà, cũng ngớ ngẩn chẳng khác nào một trò đùa; chúng tôi vẫn thường phá lên cười về điều đó.
Tôi vội vã lẩn khỏi đám đông hân hoan ấy như đang trồi khỏi vùng nước bẩn. Dàn hợp xướng những cái hôn đắm đuối đã đánh thức trong thần kinh tôi một luồng căm ghét. CĂM GHÉT, đúng thế! Dù tôi thừa biết, thực ra, từ đúng hơn phải là GHEN! Và để xua đi cơn ghen bất khả, vũ khí duy nhất khả thi lại chính là sự căm ghét tuyệt đối. Phòng tuyến cuối cùng, và là nơi cứu rỗi tôi.
Theo một ngụ ngôn cổ, có một người thợ may bất tử sống ẩn mình trong rừng; ban ngày ông ta ngủ vắt vẻo trên cành cây như một con cú, còn ban đêm ông ta lẻn vào phòng ngủ của vài người phàm đã được chấm chọn. Khi họ đang say giấc, ông ta dệt cho họ một chiếc áo vô hình từ những sợi chỉ của định mệnh. Từ đêm đó trở về sau, mỗi người được chấm chọn sẽ sống cuộc đời của mình mà không hề hay biết rằng mình đã bị khâu sống vào chiếc áo ấy và suốt đời, họ sẽ không thể nào cởi bỏ hay thay nó. Cái áo cũng như làn da của họ vậy. Thực ra họ chẳng thể nào nhận ra định mệnh phủ lên họ vì vào khoảnh khắc ấy, họ còn đang chìm trong giấc ngủ và đâu hề hay biết; thế là sáng hôm sau ai nấy lại tiếp tục vật lộn với cuộc sinh tồn như thường lệ mà chẳng cố lý giải những cơn ngứa ngáy, nhưng buông thả vô cớ hay những cơn mê sảng khiến họ hoá dại. Người ta kể rằng, trong khi dệt chiếc áo định mệnh ấy, người thợ may vừa khâu từng mũi chỉ vừa bật cười, như thể ông ta đã soi thấy trước cơn điên loạn sau này của những vị khách vô tri.
Không rõ người thợ may, trong việc chấm chọn, có tuân theo một tiêu chuẩn cá nhân hoặc quy tắc định sẵn, hay đơn thuần chỉ dựa vào trò may rủi hoặc ý thích thất thường, ngụ ngôn không đề cập. Tuy nhiên, ở phần cuối ngụ ngôn có nhắc đến sự tồn tại của một dạng thân thể phàm trần kỳ diệu, được ban cho những năng lực khác thường - chẳng hạn, có thể lột da như loài rắn, hoặc bất chợt trượt khỏi chiếc áo định mệnh như hạt đậu bật khỏi vỏ, thậm chí khiến chiếc áo âm thầm tan biến khỏi thân thể chỉ bằng hơi thở tự nhiên. Nhưng những trường hợp ấy là vô cùng hiếm. Và người thợ may bất tử, khi nhận ra họ, sẽ ghi chú cẩn thận, đánh dấu bằng những ký hiệu đặc biệt để phân biệt với số đông còn lại. Trong “Sổ Ghi Vạn Thể,” tên của họ (kèm theo vị trí của mỗi người trong bóng đêm) được đặt chữ cái P ở phía trước (người ta bảo có thể là viết tắt của PARADOX [Nghịch Lý] hoặc PRIVILEGE [Đặc Ân]), và theo sau là cụm NSSJ mà có người từng giải mã là NOT SUBJECT TO SEWN JACKETS [Không Thuộc Diện Bị Khâu Vào Áo Định Mệnh] (hoặc cũng có thể là STRAIT JACKETS [Áo Bó]).
Tuy nhiên người thợ may bất tử, bị ám ảnh bởi một ý duy nhất, chẳng dễ gì chấp nhận những ngoại lệ như thế. Và ông ta vẫn kiên trì khâu lại áo cho những thân thể kỳ diệu vốn đã từng có một lớp áo, hy vọng sẽ thành công lần nữa, dù mong manh. Có vẻ ông ta chưa từng một lần được toại nguyện. Những thân thể mang ký hiệu NSSJ, lần nào cũng vậy, không sót một ai, đều trút bỏ chiếc áo mới như thể đó chỉ là một cơn cảm mùa thoáng qua.
Như mọi câu chuyện cổ khác, câu chuyện này có lẽ cũng mang trong nó một phần sự thật. Và với tôi, điều rõ nhất mà nó nói lên chính là tôi chắc chắn không sở hữu một thân thể kỳ diệu. Nếu chịu khó dò tìm, tôi có thể kéo lên từ đáy ký ức cái ngày xa xăm mà người thợ may bất tử đã ghé thăm tôi trong đêm. Kể từ đó, giữa những điều bám chặt vào thân xác tôi, điều đầu tiên được ghi là:
NGƯƠI SẼ KHÔNG BAO GIỜ CÒN LÀ MỘT ĐỐI TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU.
KHÔNG BAO GIỜ, VỚI BẤT KỲ AI, MÃI MÃI.
NGƯƠI SẼ KHÔNG BAO GIỜ LÀ MỘT ĐỐI TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU.
Thế nhưng, phải rất lâu sau tôi mới nhận ra định mệnh đã được an bài ấy. Suốt ngần ấy năm tôi không sao hiểu, trong các thanh âm đơn điệu đời mình, cái chủ âm ám ảnh của một định mệnh không thể tránh khỏi. Mãi đến giờ, tôi mới nhìn thấy rõ sự lố bịch của những lần giãy giụa nực cười, những cố gắng lặp đi lặp lại nhằm lột bỏ lớp da của chính mình. Và cả những cuộc lang thang vô tận, những cuộc kiếm tìm, những lời van vỉ - như thể tôi đi ăn xin một sự hồi đáp yêu thương - bất chấp tất tật dấu hiệu tàn nhẫn của Điều Tất Định. Và những tháng ngày chờ đợi không đếm xuể chỉ để nhận lấy một sự từ chối. Và những lần lần tìm vết cũ. Và những nụ cười đầy tin tưởng trước những gương mặt lạnh băng. Và sự biết ơn ngờ nghệch trước những ân huệ hờ hững. Và những cơn rùng mình vì lại bị khước từ. Và những đòi hỏi ngốc nghếch. Không gì cả. Không một lời hồi đáp. Kể từ khi tôi đánh mất tình yêu đầu đời, Aracoeli, tôi chưa từng nhận được bất cứ nụ hôn từ tâm nào.
“Ông làm gì ở đây? Tôi muốn được ở một mình! Ông không hiểu à? TÔI MUỐN Ở MỘT MÌNH!”
“Tôi chỉ tình cờ đi ngang qua… nên nghĩ sẽ ghé lên một lát thôi…”
“À, Một lát hả! Lúc nào cũng “một lát,” rồi ông ngồi lì hai, ba tiếng, dính mông vào ghế như dán keo…”
“Tôi sẽ không ngồi… chỉ đứng thôi… chỉ một lát… tôi chỉ muốn lên xem cậu thế nào…”
“Tôi ổn, rất khoẻ! Ông nghĩ ông là ai, y tá của tôi chắc? Đấy, thấy rồi nhé. Tạm biệt. Tiếc quá ông phải đi rồi. “Một lát” kết thúc rồi đấy!”
“… Sao sáng nay cậu cúp máy đột ngột vậy…?”
“Vì tôi chán ngấy việc phải trả lời ông rồi! Chỉ cần nghe giọng ông vang lên: ‘A lô? Martuccio? Martuccio?’ là tôi nổi hết da gà. Được rồi, nói đi, ông định nói gì? Rằng ông yêu tôi, đúng không? Tin nóng hôi hổi! Ông yêu tôi! Ông yêu tôi thì liên quan quái gì đến tôi? Đi mà kể cho thợ cắt tóc nghe, hay cha xứ, hoặc viết thư gửi báo, gọi điện lên đài phát thanh mà giãi bày. Ông yêu tôi! Mà tôi thì chẳng cần TÌNH YÊU của ông. Của ông hay của bất kỳ ai. Rõ chưa?”
“Nhưng tôi thực sự yêu cậu rất nhiều.”
“Đúng thế, quá nhiều… nhưng không đủ.”
“Không đủ…? Vậy tôi phải làm gì để yêu cậu cho đủ?”
“Ngưng làm phiền tôi đi… Đừng quấy rầy tôi nữa. Đó mới là điều ông nên làm! Chính điều đó! CHÍNH ĐIỀU ĐÓ!”
“Ông vẫn còn ở đây à? Thật là tra tấn! Tôi biết ngay mà, tôi biết rõ cái ‘một lát’ của ông nghĩa là gì mà… hai ba tiếng đồng hồ hành xác, như mọi khi…”
“Nhưng mà… tôi ở lại thì gây hại gì cho cậu chứ?”
“Lại bắt đầu rồi đấy! Tôi phải làm gì thì ông mới hiểu? Nói tiếng Tàu à? Tôi muốn ở một mình. Làm ơn biến đi! Ông cứ ở đây là tôi ngứa ngáy, như mắc ghẻ vậy. Kể cả không nhìn thì tôi vẫn biết ông đang trơ ra đó như cái cọc đầu giường, nhìn chằm chằm bằng đôi mắt cá chết, như Đức Mẹ nhìn thiên thần truyền tin ấy! Nhưng tôi không phải Truyền tin, hiểu không? Còn ông… ông biết ông là ai không? Một thằng tư sản rách nát ủ dột! Ông cần một anh hùng cho mấy cái trò nâng đỡ tinh thần của mày! Một kiểu thiên tài Rimbaud! Một Che Guevara, một Chúa Giê-su trên núi Tabor. Nhưng tôi không phải, ông hiểu không? Tôi chỉ là một thằng bê đê quèn, chấm hết. Và ông muốn đụng vào tôi, đúng không? Còn khướt. Ông thậm chí còn không phải là ‘nữ hoàng’ thứ thiệt, ông là một thằng dị tính thất bại, đồ bỏ đi của giai cấp, hết hạn, hợp tống vào Bảo tàng Phát xít Chết. Cần lời khuyên không? Cút đi lấy vợ đi. Hoặc đi tu. Sao ông không sang Việt Nam? Hay sang Ấn Độ? Muốn đi đâu thì đi, ông cút mẹ nó đi! BIẾN! Ông còn không hiểu sao? Ông làm tôi buồn nôn. Mắt ông như mắt cá ươn, bụng thì phệ, chân thì khẳng khiu như bàn chân bẹt của mụ già… Hơi thở thì thối, nách cũng hôi…”
Cậu ta bắt đầu cười một cách ghê rợn, sùi bọt mép trong cơn căm giận điên loạn. Và búi tóc nâu của cậu ta xoà xuống mắt rồi lại hất ngược ra sau; những đường nét căm ghét phá hủy khuôn mặt trẻ ranh. Còn tôi đứng đó, tuyệt vọng, lặp đi lặp lại với chính mình rằng đây là lần cuối cùng, khoảnh khắc nhìn ngắm sau cuối, dồn hết từng dây thần kinh để khắc sâu vào trung tâm bản thể mình (ở đâu? Trong não? Trong dục thể? Trong tim?) cái búi tóc ấy, sắc nhợt già cỗi trên gương mặt trẻ măng kia, những ngón tay mảnh dẻ, hình ảnh tôi tôn thờ, căn phòng nhỏ tồi tàn tôi tôn thờ.
“Ciao!” cậu ta lặp lại, sốt ruột muốn tống khứ tôi đi; rồi, để không còn nhìn thấy tôi, cậu ta úp mặt vào gối.
“Vậy thì…” tôi nói. “ciao…” Nhưng ngay lúc sắp bước ra khỏi phòng, tôi ngu xuẩn buột miệng:
“Bao giờ ta gặp lại?”
“Không bao giờ!” cậu ta gào lên, ngẩng mặt. Và với nụ cười méo mó cùng giọng uể oải vì chán ghét, cậu ta tuyên bố: “À mà, ngày mai tôi sẽ đi khỏi thành phố. Tôi sang Zurich, có một bà hoàng hứa cho tôi chiếc Ferrari. Tạm biệt.”
“Bao giờ cậu quay lại?”
“Không bao giờ!”
Thế nhưng, hai ngày sau, tôi lại tình cờ thấy cậu ta, vẫn dính chặt lấy cái máy hát trong một quán cà phê trên phố Corso Magenta. Thật ra tôi biết thừa rằng chẳng có bà hoàng nào sất, và cậu ta thì cũng chẳng mấy quan tâm đến Ferrari hay thậm chí, một tấn vàng. Khi tôi vẫy tay chào từ xa, cậu ta chỉ đáp lại bằng cái nhếch mép khinh khỉnh.
Ngày hôm sau, cũng vào giờ ấy, cậu ta lại đi ngang qua quán cà phê ấy và cậu ta vẫn ngồi trong đó, dính chặt lấy cái máy hát quen thuộc, như thể chưa từng bỏ khỏi chỗ từ hôm trước. Lần này, thay vì chào tôi, cậu ta quay ngoắt.
Suốt khoảng một tuần, ngày nào tôi cũng ghé nhìn vào quán cà phê nhưng không còn thấy cậu ta đâu nữa. Rồi một buổi chiều, trên đường, tôi bắt gặp cậu ta đang vội vã đi trước tôi vài bước, tôi rảo lên. “Tôi phải làm gì thì ông mới chịu cút đi” - cậu ta quay lại, mặt tối sầm vì tức - “Giết ông à? Mà ông khoái thế chứ gì?” cậu ta chêm lời, đầy khinh bỉ.
Thế là tôi nhìn thấy cậu ta khinh khỉnh bỏ đi với dáng đi lêu nghêu, nửa như con rối và nửa như cún con; đôi chân dài, gầy guộc vẫn bọc trong chiếc quần jeans xanh bẩn thỉu, lúc nào cũng thế, mùa hè lẫn mùa đông; hai bả vai cậu ta gồ lên dưới lớp áo thun rách tả tơi... Đó là hình ảnh cuối cùng của tôi về cậu ta. Trong nhiều ngày sau đó tôi chẳng làm gì ngoài hành hương đến những nơi cậu ta từng lui tới, lảng vảng gần tòa nhà nơi cậu ta ở, rình rập sau góc phố, vừa cầu khẩn vừa lẩn tránh bất kỳ cơ may chạm mặt. Nhưng rồi một buổi tối, không thể chịu nổi nữa, tôi lại lao lên những bậc thang quen thuộc, kiệt sức vì chính sự liều lĩnh của mình, như một kẻ sát nhân thiếu can đảm. Tôi bấm chuông điên cuồng.
Rõ ràng cậu ta không ngờ việc tôi sẽ quay lại. Từ trong nhà vang lên tiếng hỏi: “Ai đấy?” - một trò nhại ranh mãnh theo lối truyện gián điệp rẻ tiền. Nhưng khi giọng quen thuộc của tôi cất lên, quen thuộc - “Mariuccio? Mariuccio?” - ban đầu chỉ nhận về một khoảng lặng; rồi từ sau cánh cửa đóng kín vang ra tiếng gào lạ lùng, the thé và cuồng loạn, đáp lại tôi, như thể một cơn nôn mửa ọc từ ruột gan. Và chuỗi âm thanh tục tĩu vô nghĩa ấy lại dễ khiến tôi rối loạn hơn bất kỳ lời thoá mạ nào. Thế nhưng trong ham muốn cố chấp và vô phương cứu chữa của mình, tôi lại bấm chuông, dữ dội hơn trước, song bên kia cánh cửa đóng kín vẫn không có lấy một lời hồi đáp.
Sau một ngày như thế, tôi gần như không dám đối mặt với thử thách của cánh cửa ấy thêm lần nào nữa; thực ra, suốt một tháng ròng tôi đã tự đày mình khỏi địa bàn của tình yêu như thể đó là trại tra tấn. Nhưng thú thật, đáng buồn thay, cái nỗ lực vô vọng ấy thực ra cũng chỉ là trò mánh khoé. Trong một chuyên luận về chiến lược tình ái mà tôi từng đọc, người ta viết rằng những kẻ quyến rũ bậc thầy rốt cuộc cũng phải dụng tới chiến thuật vắng mặt nhằm biến sự chán ghét tầm thường thành nỗi khao khát phi thường. Song sự vắng của tôi, trái lại, chỉ đổi lấy cái im ắng quái đản.
Kết thúc cái tháng vừa khắc khổ vừa bi hùng ấy, khi vẫn không có thêm tin tức gì từ căn phòng nhỏ, tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc lại phải đối mặt với chiếc thang Jacob địa ngục kia. Khi tôi rụt rè nhấn chuông hôm ấy, cánh cửa mở ra hay đúng hơn, chỉ hé ra một khe nhỏ; và qua khe hở đó, một giọng đàn bà lạ cất lên, báo rằng Mariuccio không còn sống ở đây nữa. Cánh cửa lập tức khép lại; và trong lúc bước xuống cầu thang, tôi có linh cảm rằng người phụ nữ kia có thể là tình nhân của cậu ta. Đã từng có lần, khi từ chối cho tôi vào, Mariuccio đã nói vọng ra từ trong phòng: “Không được, bọn tôi đang làm tình.”
“Bọn tôi…? Với ai cơ?”
“Một quý cô!” hắn trả lời tôi như thế. Và lần ấy tôi đã coi đó chỉ là một cái cớ lấy lệ. Nhưng nếu ngược lại thì sao? Nếu cô ta thật sự là người tình bí mật thì sao? Một người tình là phụ nữ! Vì một lý do không thể lí giải, cơn ghen trong tôi còn dữ dội hơn cả nếu người tình kia là đàn ông.
Hơn nữa, bà gác cổng, ngồi trong cái buồng nhỏ dưới lầu, khi nghe tôi hỏi một cách lúng túng, cũng xác nhận rằng đúng là Mariuccio không còn ở đây nữa. À thì suốt mấy tháng liền, có khi còn lâu hơn thế, cậu ta đã bị gửi giấy đòi nhà liên tục vì không trả tiền thuê (dĩ nhiên cậu ta chưa từng hé nửa lời về mấy chuyện đó với tôi).
Ngày hôm đó là lần cuối tôi leo lên những bậc thang ấy. Ở phía trên, giờ đây, chỉ còn lại căn phòng lạ lẫm và tồi tàn. Tôi bị ném trở lại con đường quen thuộc đến ngán ngẩm - những đại lộ, ngõ ngách, phố lớn hay hẻm ngoằn ngoèo - tất tật đều xa lạ đối với tôi. Cơn vũ bão cuồng nộ, liên miên, đơn điệu của bước chân, bánh xe, tiếng rú, tiếng còi. Có lúc, mọi thứ như đóng băng thành một mặt phẳng cứng lạnh, vô hình như nhà tù và tôi loạng choạng bước trong đó, bị giam kín.
Mariuccio. Đó là tên của mối tình mãnh liệt thứ hai trong đời tôi. Khi ấy tôi ba mươi ba tuổi còn cậu ta mười tám. Cậu ta cũng là dân thuộc tầng lớp tư sản giống tôi. Cậu ta cũng từng học tiếng Latin, tiếng Hy Lạp cổ, tiếng Anh và từng đọc sách. Nhưng bây giờ cậu ta chẳng đọc gì nữa. Cậu ta khinh mọi tất tật bọn đọc sách.
Cậu ta gì đối với tôi? Có lẽ chỉ là phản chiếu của thứ gì khác, một làn sương phát sáng tôi cứ đeo đuổi mà kỳ thực chẳng từng mong chạm tới. Nếu cậu ta cho tôi ôm một lần thôi, có lẽ tôi đã tỉnh ngộ rằng mình chỉ đang siết trong tay khối hư vô hay thân thể một ông già. Cậu ta nói đúng, dĩ nhiên, khi bảo rằng ngay cả cậu ta cũng chẳng phải là một “thân thể kỳ diệu.” Câu ta là con cún con bị loại, bị người ta thải khỏi lứa. Một trong những cậu trai tầm thường của thời đại này, những người mà qua đó người ta dự đoán rằng tương lai của trái đất là một cuộc cưỡng hiếp không thể tả. Và thế là tuổi thiếu niên của họ chỉ là những cơn mơ mẩn bất an, giữa những bóng tối nhá nhem, vô nghĩa, trong nỗi sợ hãi một Ông Kẹ vô hình.
Duérmete niño mio
que viene EL COCO
y se lleva a los niños
que duermen poco.
[Ngủ đi con nhé, ngoan nào,
Kẻo Ông Kẹ đến lôi vào chiêm bao.
Ông ta lôi đi hết những đứa trẻ nào,
Cứ thức chong mắt, chẳng thèm ngủ yên.]
Tôi chẳng bao giờ còn nghe tin về cậu ta nữa. Đôi khi tôi tự hỏi: liệu cậu ta có còn sống. Cậu ta không phải là kẻ có số thọ mệnh. Nhưng bây giờ ngay cả tin cậu ta chết cũng chẳng thể chạm tới tôi được nữa.
Món quà cậu ta để lại cho tôi là thói quen dùng ma tuý, bao gồm cả những loại nặng đô. Trước đó tôi chỉ dùng vài viên thuốc ngủ thông thường mua ở hiệu thuốc, như một cách chữa trị tạm thời chứng mất ngủ ban đêm hoặc như một phương cách trốn lánh tạm thời khỏi những cơn khủng hoảng cùng cực. Nhưng chính từ Mariuccio mà tôi biết cách biến giấc ngủ thành một sự phung phí, một cuộc đình công, một hành vi phá hoại. Tôi đã phá tung những năm gần đây, đi khỏi nhà máy của thời gian mỗi khi nhịp được định sẵn của nó khiến tôi kinh sợ, sự vĩnh hằng đánh số ấy. Khi tôi vắng mặt, đồng hồ thế gian nổ tung, và những ngày trôi đi hỗn loạn như mạt cưa tuôn ra từ một cái bào lỏng lẻo. Tôi tỉnh dậy sau nhiều ngày ngủ li bì, ngỡ như mình chỉ vừa chợp mắt từ tối hôm trước. Tương lai trở thành quá khứ, mọi ngày tháng đều đã chạm ngưỡng kỳ hạn bất khả kiểm soát, tin tức này bị phủ định bởi tin tức khác trên mặt báo. Những mách nước nóng hổi trên đường đua đã bị cái chết xóa sổ.
Mỗi khi cố lục tìm lại những năm tháng đã qua, tôi không thực sự nhìn thấy chúng mà chỉ nghe được - như một bản fuga sấm sét vọng vào giấc ngủ không mảy may tổn thương của mình. Năm của các đại tá và năm xảy ra cuộc chiến Yom Kippur. Rồi năm của những mùa xuân. Và những năm của bom đạn và khởi nghĩa, của bắt cóc, động đất, diệt chủng, những vụ bê bối, mafia, các phiên tòa. Rồi những hồi chuông ngân lên vào Giáng Sinh và Phục Sinh, và đoàn xe nối đuôi nhau trong cuộc di cư mùa hè. Chắc hẳn, trong khi tôi ngủ, những “thân thể kỳ diệu” kia vẫn thay da đổi xác theo mùa, để kịp cho những cuộc tình tự. Nhưng thân thể tôi, trong giấc ngủ ấy, tự choàng lên nó tuổi già. Có lẽ Mariuccio là một sứ giả, hay một sát thủ, được phái đến để tiêm vào tôi giấc ngủ, làm đổ sụp hệ thống của thời gian. Tương lai thụt về phía sau còn quá khứ vươn lên phía trước. Và trong sự vô trật tự kỳ dị ấy, vượt lên khỏi những dấu gạch chéo đánh dấu ngày tháng, chính là nàng, đang đợi tôi, với những nụ hôn đầu tiên.
…Tình yêu là một cuộc đổi chác: nghĩa là cho, và nhận. Và giờ đây, ở tuổi bốn mươi ba, nếu tôi lên đường để săn đuổi một bóng ma, thì là bởi đã từ lâu, tôi biết (và giờ thì chẳng còn chút nghi ngờ) rằng tôi không còn gì để đổi chác với bất cứ ai. Tôi không còn tìm thấy ân huệ trong trái tim ai đó. Ngay cả tình yêu mua bán (mà chỉ nghĩ đến thôi cũng khiến tôi đau đến ứa nước mắt), hiện giờ cũng là món hàng vượt quá khả năng. Thực ra, tôi là một gã nghèo kiết xác dù tôi thuộc vào tầng lớp có của, tức là những kẻ sống nhàn nhã bằng tiền thu nhập. Tôi sở hữu, thú thực, một tòa nhà…
Ở Turin có một khu phố, từng là nơi ở của giới quý tộc, sau này suy tàn thành một khu ổ chuột dành cho những người nhập cư nghèo nhất từ miền Nam. Những tòa nhà ở đó giờ chẳng khác nào những dãy chuồng chó, và tầng piano nobile của một trong số ấy là tài sản thuộc về tôi. Đó là di sản cuối cùng còn sót lại từ ông bà nội tôi, được cho thuê từ bao giờ tôi cũng không rõ, cho hai chị em già người Turin, những người vẫn đều đặn gửi tiền thuê nhà cho tôi qua đường bưu điện: một khoản rất nhỏ, nhưng đúng hẹn. Tôi chưa bao giờ thấy tận mắt tài sản của mình, cũng chưa từng gặp hai bà cụ kia. Nhưng tôi biết họ đã tự ý chất kín các gian phòng bằng những chiếc giường tầng và phản nằm, biến nơi đó thành một kiểu ký túc xá cho nam giới nhập cư độc thân. Mỗi giường chỉ đủ cho một người; tuy nhiên cũng có trường hợp một giường được hai người thuê chung, luân phiên ngủ theo ca làm việc - người ngày, người đêm. Phần lớn những người thuê trọ là công nhân, sống độc thân hoặc đã tách khỏi gia đình, chủ yếu là thanh niên miền Nam. Và tôi thấy trong lòng dấy lên một nỗi xót xa khi hình dung ra những thân thể trẻ trung, lam lũ ấy đang nằm ngủ trong hàng giường chật chội - những thân thể mà, theo một nghĩa nào đó, tôi mắc nợ vì sự tồn tại của chính mình. Dĩ nhiên, nếu tôi xuất hiện trước mặt họ, họ cũng sẽ chỉ nhìn tôi như một lão tư sản già xấu xí, vô dụng, tên bóc lột và là kẻ thù của họ.
Thanh Nghi dịch
Elsa Morante
Hòn đảo của Arturo (1957)
Chương 1 (Thanh Nghi)
Chương 2 (Huỳnh Bất Thức)
Chương 3 (Anh Hoa)
Aracoeli (1982)
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Elsa Morante và Alberto Moravia
Agamben: Sổ xưởng
một Ý
Casanova (1725 – 1798)
Leopardii (1798 – 1837)
Carlo Emilio Gadda (1893 – 1973)
Pavese (1908 – 1950)
Elsa Morante (1912 – 1985)
Natalia Ginzburg (1916 – 1991)
Angelo Maria Ripellino (1923 – 1978)
Italo Calvino (1923 – 1985)
Pietro Citati (1930 – 2022)
Claudio Magris (1939 – )
Giorgio Agamben (1942 – )
Emanuele Trevi (1964 – )