favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

Elsa Morante: Aracoeli (Phần 2)

30/03/2025 00:30

tiếp tục phần 1 (Thanh Nghi)

Aracoeli

- Elsa Morante

“Hôm nay đây, phút này đây! Người lao động phải vùng lên nắm lấy quyền lực!” - một trong các khẩu hiệu mà họ tâm đắc. Sáng nay, trên đường tôi đến nhà ga, những đội Thanh niên và Cách mạng lại tràn vào trung tâm thành phố, đồng thanh gào to cái câu ấy theo nhịp, như thể chĩa thẳng lời buộc tội vào tôi. Quả thực, tôi chưa bao giờ thực sự lao động trong đời. Và, nếu đã không dành cho Lao động, thì tôi lại càng không có chỗ trong cái Quyền lực lẫy lừng mà đám đông trẻ tuổi xem như Ân Phước Tối Thượng kia. Khẩu hiệu ấy, với tôi, là sự loại trừ kép. “Hắn muốn gì ở chúng ta? Hắn không phải người của chúng ta!!!” Nỗi hoảng sợ quen thuộc, nhập nhèm lập tức cắn xé tôi, song đúng vào khoảnh khắc ấy, tin tức vĩ đại tối hậu đã giải thoát tôi, như một nhát dao rạch qua da thịt: Hôm nay tôi đi rồi! Và tôi chẳng cần gì ở các người nữa! Lúc đó, theo phản xạ tự động, tôi tháo kính ra như tôi vẫn làm mỗi khi không còn gì đáng để nhìn nữa.

Ngay lập tức, một tấm màn mờ ảo ngăn cách tôi với cảnh tượng trước mắt, cho đến khi mọi thứ xung quanh cùng những con rối bằng khói dần dần trôi về cõi hư ảo nào, nơi ngày hoá thành đêm. Và chẳng bao lâu sau, ngay cả điệu vũ cuồng loạn của những chiếc xe, cùng tiếng còi vô hồn, cũng tan loãng thành vọng âm nhoà nhạt của lời tiễn biệt.

Không lâu trước đây, trên đường đi bộ đến nhà ga, một trong những thứ cuối cùng lọt vào tầm mắt tôi qua cặp kính vẫn là bức ảnh quen thuộc của chàng trai Basque dán trên tường; và chính khoảnh khắc đó, đột nhiên, tôi thấy trong đôi mắt trắng dã một điều gì thấp thoáng bóng dáng chính tôi. Trong khi đó, từ một nhóm người qua đường, tôi nghe được loáng thoáng những lời bàn tán về tin tức mới nhất. Họ nói rằng Caudillo giờ đã suy kiệt đến mức chỉ còn là cái xác không hồn, đang nằm trong trạng thái tiền hấp hối và níu kéo sự sống theo cách thức nhân tạo nhờ vào các mũi tiêm cùng các cú sốc điện. Những mưu toan vô hình - chính trị, kinh tế, hay quyền kế vị - đang ra sức trì hoãn việc công bố cái chết của hắn ta. Và thực tế trong số những người bàn tán kia, có kẻ đã cả quyết cho rằng hắn ta chết từ mấy ngày trước rồi.

Song chuyện đời hắn, may thay, chẳng còn dính líu đến tôi nữa. Tôi đã bỏ lại phía sau - ít nhất cũng ba, bốn mươi năm rồi - cái thời ngô nghê ôm mộng trốn sang Tây Ban Nha để hạ sát Kẻ Thù lừng danh ấy. Giờ đây, lão sát nhân già nua khốn khổ, mạng sống và cái chết của ngươi đối với ta nhẹ như vụ nổ lốp trong buổi chạy thử xe hay một đợt sụt giá trên phố Wall. Không gian quanh tôi bất đồ rỗng toác ngay khi tôi sực nhận ra rằng mình rốt cuộc đang chạy trốn về cố hương của mẹ, không phải để hành quyết Kẻ Thù, mà để thực hiện một cuộc gặp.

Thế nhưng hệ thần kinh của tôi kiệt quệ đến mức khi tôi chìa hộ chiếu tại quầy kiểm soát, tôi bỗng chết sững trước ý nghĩ kỳ quái rằng mình có thể bị chặn lại ngay chỗ này bởi các tình nghi liên quan đến chính trị. Bị tình nghi vì cái gì mới được? Chắc hẳn họ sẽ tìm ra đủ thứ bằng chứng; đầu tiên, chẳng hạn, những ý khủng bố viển vông đột khởi thuở tôi còn niên thiếu, biết đâu đã bị rò rỉ, qua những ngả siêu hình nào đó có Chúa mới biết, rồi lọt vào hồ sơ của các cơ quan tình báo quốc tế luôn luôn dõi mắt khắp nơi, nằm im chờ thời cơ vây bắt tôi. Trong thời đại của những guồng máy vận hành bằng cơ chế đen tối này - những thứ hoàn toàn bất khả giải đối với tôi - mọi chuyện đều có thể ngấm ngầm diễn ra. Và thực sự có những dấu hiệu dường cảnh báo tôi về cái bẫy bí mật rình rập lâu nay chuẩn bị được giăng ra. Tôi cảm giác viên cảnh sát trực ban đang xem xét ảnh hộ chiếu của tôi với vẻ chăm chú bất thường; có lẽ hắn đã ngờ ngợ thấy nét tương đồng giữa tôi và chàng Basque trẻ tuổi (dù vẻ nhếch nhác của tôi đủ để phân biệt tôi với cậu ta). Trong chớp mắt tôi thấy mình bị trao vào tay chiếc dây thắt cổ. Tôi mỉm cười biết ơn và tạm biệt viên cảnh sát khi anh ta trả lại cho tôi hộ chiếu đã được đóng dấu thông hành.

Vậy mà tôi vẫn bị đeo đuổi từng ngày bởi nỗi dằn vặt bám riết mỗi lần bước qua một nhà ga hoặc, bất cứ nơi nào mang dáng dấp của một trạm trung chuyển nhuốm màu câu thúc của lịch trình. Đó không chỉ là hệ quả của những cơn hưng cảm lặp đi lặp lại trong tôi, mà - tận gốc rễ - còn là do khiếm khuyết về thị lực. Tôi mắc chứng cận thị lẫn loạn thị từ khi còn bé, và đến khi trưởng thành, cách đây vài năm, tôi mắc thêm chứng viễn thị. Thế nên, tôi vừa cận vừa viễn cùng lúc; và hệ quả là - đặc biệt khi đầu óc rối loạn - những đối tượng bình thường trước mắt tôi đều biến dạng thành hình thù quái dị và khó hiểu, đôi lúc chẳng khác nào bước ra từ những trang truyện viễn tưởng. Kính mắt không giúp tôi được bao nhiêu, vì trong cảnh nghèo túng và vật vờ này, tôi chỉ có độc chiếc kính cũ đã lỗi thời từ lâu. Thành thử, tôi cứ lang thang, bơ vơ giữa sân bay Milan, loay hoay tìm cổng lên chuyến bay tiếp theo đến Madrid, chẳng thể nhận ra những bảng hiệu sáng đèn từ xa, cũng chẳng hiểu nổi những thông báo giận dữ phát ra từ loa phóng thanh và, chẳng biết phải tìm đến ai giữa các khuôn mặt đang nhìn tôi trừng trừng. Cuối cùng - nhờ vận may nào đó - tôi đã lần được đến hành lang EXIT trứ danh, người tôi đầm đìa mồ hôi, thở không ra hơi. Thế rồi, như một kẻ mộ đạo mê muội hành hương đến Đền Thánh của Phép Mầu, tôi căng hết toàn bộ dây thần kinh, co rúm lại, xuyên qua tầng bình lưu vô hình. Nơi đó, trong trạng thái bay bổng mà vẫn bất động, bên trong tấm gương được đóng khung lộng lẫy, người tiền trạm hết sức encantadora1 của tôi đi trước: chính nàng, Aracoeli, bế đứa con, tiến về căn phòng nhỏ bất tử của họ.

Hôm nay là lần đầu tiên, kể từ khi chào đời, tôi đi máy bay. Và dù tôi biết rõ đây là một phương tiện di chuyển thông dụng, nhưng khi bước lên máy bay, cảm tri của một pháp sư bước vào cõi mộng linh thiêng không khỏi bừng toả trong tôi. Trước lúc cất cánh, thứ âm nhạc công nghiệp, rẻ tiền của thời đại lại vang lên, cào rách dạ dày và não tôi; tôi luôn luôn phát ớn trước sự ngu si ti tiện của chúng. Song tiếng nheo nhéo ấy chẳng còn chạm được vào tôi, như thể tôi đã hoá điếc. Ngay khi bước vào khoang máy bay, tôi dường bị bọc trong trạng thái nửa mê man, tách biệt hoàn toàn khỏi những hiện tượng xung quanh và khỏi con người. Những hành khách khác trên chuyến bay (những kẻ tôi chẳng thể phân biệt với nhau, bọn họ như những bản phác thảo của một nhân vật hoạt hình duy nhất) tất tật đều đang hướng đến các điểm cụ thể, được tính toán hợp lý. Chỉ riêng tôi lên đường đến El Almendral: điểm tinh tú cực biên của Sáng Thế, nơi xé toạc chân trời của mọi biến cố, nuốt chửng toàn bộ mưu đồ của tôi vào những hố xoáy chóng mặt của nó.

Tại đây, như một đợt sóng trào ngược, một cơn bừng sốt huyền nhiệm nào lại ào về ý thức tôi, vọng từ thời niên thiếu, khi tôi để mình bị cám dỗ bởi ý nghĩ tự sát như thể đó là một cuộc viễn chinh liều lĩnh đến những thiên đường chưa biết, tất tật càng trở nên kỳ lạ và đáng thèm khát khi chúng là điều bất khả.

Tôi không ghi lại thời điểm mình rơi vào trạng thái “gây mê”; cũng chẳng nhận ra rằng máy bay, ai mà biết trong bao lâu, đã bắt đầu cuộc hành trình vĩ đại xuyên qua không gian và, giờ đây, bằng chuyển động thẳng đứng, đã vọt xa khỏi mặt đất. Thứ âm nhạc ngu xuẩn kia, may sao im rồi. Và sự phi thường đầu tiên khiến tôi bừng tỉnh là nhận ra mình đang bay trên các tầng mây. Dưới mặt đất, lúc chúng tôi đi khỏi, ánh sáng mùa thu còn vương mưa sầm sì; nhưng ở đây, trong cỗ máy bay này, một khoảng xanh thăm thẳm trải rộng trước mắt, và bên dưới, phía mặt đất, mọi dấu vết thế gian đều mất tăm. Chỉ còn lại những đám mây hình sóng nước, tạo nên dải sa mạc phát sáng của những cồn cát mềm như gối. Và ở phía trên, trong khoảng xanh vô tận, chiếc máy bay bình thản lướt đi, tựa con diều đứt dây.

Khung cảnh thần kỳ này hẳn là điều tầm thường với những người trưởng thành khác, những người đã quá quen với việc bay. Thật vậy, những hành khách khác thậm chí chẳng buồn nhìn ra ngoài cửa sổ, thờ ơ như thể họ đang ngồi trên một chuyến tàu điện, họ trò chuyện hoặc đọc báo hay sách tranh. Chợt tôi nhớ lại - có lẽ ngay sau khi cất cánh? - đã lờ mờ nhìn thấy, trong cơn buồn ngủ, một nữ tiếp viên vận bộ đồng phục đang phát báo; và trên tay tôi bây giờ quả thực có một tờ báo. Đó là một tờ báo Tây Ban Nha phát hành đúng ngày hôm nay và, trên trang nhất có bức ảnh lớn chụp Thống tướng Franco, trong bộ quân phục quen thuộc, quỳ trước cây thánh giá, bên cạnh vợ hắn và một nhân vật cấp cao. Gã Thống tướng trông già nua, tiều tuỵ nhưng còn sống; nếu bức ảnh này đúng là vừa mới được chụp - như dòng tít lớn tuyên bố - thì nó phủ định hoàn toàn tin tức tôi mới nghe được trước đó, rằng Kẻ Thù lừng danh của tôi đang bước vào giai đoạn hấp hối. Dù thế nào đi nữa, đối với tôi - người đang du hành trên cỗ máy thời gian, vượt lên mọi rào cản âm thanh - tất tật những điều này trở nên vô định trong một vùng đã bị bỏ lại và xóa sổ, có lẽ từ nhiều thế kỷ trước, đến mức tờ báo vừa rơi xuống đùi tôi dường úa vàng ngay trước mắt. Qua màng lọc của cơn lơ mơ, tôi mường tượng ra văn phòng xuất bản của tôi ở Milan, đóng cửa im lìm vì kỳ nghỉ tháng Mười một, nhưng, không phải tháng Mười một của năm 1975 này, mà là một tháng Mười một xa lắc nào đó trong quá khứ chỉ có Chúa mới biết. Văn phòng trông như bị bỏ hoang suốt nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Nhện giăng tơ từ bức tường này sang bức tường khác. Những kệ sách, những tập hồ sơ, những chồng bản thảo phủ lớp rêu bụi mịn. Và những bản in thử còn sót lại trên bàn tôi, chờ được chỉnh sửa, đã bị mối mọt gặm nhấm.

Đối với tôi, trên đường lao nhanh về El Almendral, thời gian co lại thành một điểm lấp lánh duy nhất: một tấm gương, nơi kết tụ mọi mặt trời và mặt trăng. Ở đó, lơ lửng trong điểm ấy, vừa bay mà vừa như bất động, người mở đường encantadora của tôi dẫn lối.

Giờ đây, mây đã tan thành màn mưa bụi xám, chiếc máy bay đang dần hạ độ cao. Từ phòng kiểm soát, một giọng vang lên: Chúng tôi đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Madrid.

Ở Madrid, tôi phải chờ vài giờ để nối chuyến đến Almería. Người mở đường từ cõi thiên giới, trong lúc đó, đã tan biến. Và với tâm trí vẫn còn choáng váng, sân bay Madrid, với những giọng nói vang lên vô thực từ loa phát thanh, những hành khách tất bật, những quầy báo và quà lưu niệm, chỉ là một bản sao kinh hãi của sân bay Milan, nơi tôi khởi hành. Ở đây, cũng như ở đó, tôi vội vã chạy từ quầy này sang quầy khác, tìm kiếm thông tin mà chính tôi cũng chẳng tin, lắp bắp vài câu tiếng Tây Ban Nha sơ cấp, túi đeo trên vai và tay phải siết chặt hộ chiếu như thể đang cầm một khẩu súng lục. Nhân vật này chính là tôi, đã đặt chân xuống chặng đầu tiên của vùng NƯỚC NGOÀI huyền thoại gắn liền với mẹ: chẳng qua chỉ là một khách du lịch trái mùa đầy lúng túng. Sau chuyến phiêu lưu ngắn trên bầu trời được nhấc bổng khỏi thời gian, việc trở lại mặt đất khiến dạ dày tôi cuộn lên đến mức buồn nôn. Và cái guồng quay thường nhật ở sân bay, nơi diễn ra những cuộc gặp bấp bênh giữa kẻ đến và người đi, khiến tôi khó chịu, một lần nữa khơi dậy trong tôi niềm tin không thể lay chuyển về sự thờ ơ tuyệt đối của thế giới trước số phận mình.

Mò mẫm các túi theo thói quen để tìm kính mắt, tôi suýt ngã nhào như cái bao tải xuống một dãy cầu thang. Cuối cùng, tôi ngồi xuống một bậc thang, nép mình vào góc khuất lờ mờ ánh đèn, nơi ít người qua lại, quyết định sẽ chờ chuyến bay nối chuyến tại đó. Trong sân bay và dưới những mái hiên, đèn điện đã bật sáng; bên ngoài trời tối hẳn và mưa đang rơi. Và từ những góc sâu thẳm nhất của chứng lo âu, tôi tri cảm rõ trên da mình nỗi bơ vơ của một kẻ không quốc tịch, bị xô đẩy bởi ngẫu nhĩ trong một phòng chờ nơi biên giới, mòn mỏi chờ đợi một chuyến tàu chẳng đi đến đâu.

Tôi lôi cặp kính ra khỏi túi trong của chiếc áo khoác da dầu sờn cũ, nhưng tạm thời chưa đeo, nghĩ rằng dù sao cũng chẳng có gì đáng để nhìn. Thỉnh thoảng tôi quét mắt xung quanh; và như mọi khi, thế giới trước mắt tôi, nửa mù mờ vì không có kính, tan ra thành từng vũng, loang lổ ánh sáng cùng những hình thù méo mó. Những ngọn đèn phình to thành những khối cầu rực lửa khổng lồ, tia lửa xuyên qua bức tường và những sợi dây điện luồn lách giữa những bước chân. Từ trần nhà, một chiếc đồng hồ lớn hiện ra với mặt số tối om, đồng tử phát sáng và những mí mắt xanh đang chuyển động. Một mụ đàn bà béo ú hai đầu đi ngang qua. Và xếp thành một hàng thẳng, quay mặt vào tường như thể chờ bị khám xét, những hình người chao đảo có cái vòi dài thay vì khuôn mặt. Song các ảo giác kiểu này đã quá quen thuộc, không đáng phải bận tâm nên tôi cũng chẳng tìm cách giải mã chúng.

Vào thời điểm này trong năm, sân bay không quá đông đúc, nhưng đám đông ở đây lại quá ầm ĩ, không ngừng biến đổi và di chuyển, dội vào tai tôi từng tràng nhiễu thanh của tiếng người xì xầm. Thỉnh thoảng một bàn chân đi ngang đá phải chiếc túi tôi để trên bậc thang, hoặc tôi bị những nhóm người lên xuống cầu thang va vào, vừa đi vừa trò chuyện bằng nhiều thứ tiếng, tiếng Tây Ban Nha dĩ nhiên chiếm phần lớn. Nhưng ngôn ngữ này, giữa muôn vàn ngôn ngữ, vang lên vô nghĩa trong não tôi và, với tôi, không là gì hơn ngoài một thứ âm thanh rời rạc.

Hiện tượng này không mới. Thực tế (mặc dù từ nhỏ tôi đã có thể nói được những ngôn ngữ nước ngoài chính) tôi không thể - chẳng rõ từ bao giờ - hiểu hay sử dụng thành thạo tiếng Tây Ban Nha. Ngôn ngữ ấy vốn hẳn thân thuộc với tôi từ hồi còn mù chữ, bập bẹ học theo những câu hát đầu tiên qua Aracoeli; song về sau - ngoại trừ những giai điệu ru hời ám ảnh thi thoảng vọng về - nó dần rơi vào một vực sâu tăm tối trong ý thức tôi rồi trở nên xa vời. Và giờ đây tiếng rầm rì xa lạ của thứ ngôn ngữ ấy giăng khắp cầu thang nơi tôi ngồi, làm dấy lên nỗi hoài niệm ngược, một sự chối bỏ, giống tiếng rổn rảng của cái cây đổ đối với lũ chim sẻ từng làm tổ trên đó.

Thực ra - sau khi Aracoeli chặt đứt tuổi thơ tôi từ tận gốc rễ - chính tôi (dù chưa từng thú nhận với bản thân) có lẽ đã cố tình xua đuổi cái ngôn ngữ yêu thương đầu tiên giữa chúng tôi, như người ta khước từ tiếng gọi mê hoặc của nàng tiên cá. Sự ngu xuẩn vô lý của tôi với tiếng Tây Ban Nha có lẽ chỉ là một chiến thuật trong cuộc chiến tuyệt vọng chống lại Aracoeli. Thậm chí, tôi tự hỏi liệu chuyến đi này - với cái cớ điên rồ là tìm lại Aracoeli - thực chất có phải là liệu pháp cuối cùng, một phương cách vô vọng để thoát khỏi bà hay không. Đào xới rễ của bà cho đến khi chúng khô quắt trong tay tôi, bởi tôi không đủ sức nhổ bật chúng lên.

Một ngày nọ ở Rome (khi đó tôi khoảng năm tuổi), một bà thầy bói người Di-gan xem chỉ tay cho tôi rồi bỗng thốt lên tiếng kêu kịch tính, đầy hốt hoảng. Bà ta kéo Aracoeli ra một góc, thì thầm (giọng không quá nhỏ đủ khiến tôi nghe được) rằng theo những gì thể hiện trên tay tôi, tôi sẽ chết vì tình trước khi tròn mười lăm tuổi. Cho rằng tôi không nghe thấy lời tiên đoán, Aracoeli cố giấu sự mất tinh thần của mình (bà tin vào thầy bói Di-gan chẳng khác gì tin các bức tượng trong nhà thờ); song ngay trong ngày hôm đó, bà treo lên sợi dây chuyền nhỏ tôi thường đeo một cái bùa bằng gỗ của bà, thứ mà bà tin có thể giữ tôi xa khỏi thần chết. Đó là một hình người tí hon, được chạm khắc thô sơ, hai cánh tay dang rộng, giương cao một chiếc cung nhỏ trên đầu; và tôi tin rằng nó là một phần trong số hành lý ít ỏi của bà - tất tật gói gọn trong một chiếc túi cói - mà bà mang theo từ Andalusia sau đám cưới đầu tiên với cha tôi. Linh vật nhỏ bé ấy, thần hộ mệnh của tôi (đức tin nơi bà đã khiến nó thiêng liêng trong đức tin nơi tôi), được thêm vào sợi dây chuyền rửa tội của tôi, nơi đã sẵn treo chiếc huy chương thánh cùng vài món bùa hộ mệnh khác mà mẹ tôi tin tưởng. Và nó vẫn ở đó cho đến mùa hè cuối cùng của tuổi thơ tôi, khi, trong một khoảnh khắc hắc ám, với cảm tri bi thảm của sự cắt cụt, tôi bất đồ giật phăng khỏi cổ sợi dây cùng tất tật bùa ngải trên đó rồi quẳng vào một chiếc xe rác bỏ không trên phố. Không nghi ngờ gì nữa rằng với hành động đó, tôi muốn chối bỏ Aracoeli, cắt đứt mình khỏi bà và khỏi tình yêu quá đỗi mãnh liệt ấy, như thể đó là điều đáng hổ thẹn. Tuy nhiên đồng thời, khi phản bội quy tắc của bà - quy tắc buộc tôi phải đeo bùa hộ mệnh Andalusia để tránh cái chết - tôi cũng đang tự trao mình cho số phận tất định: chết vì yêu, trước tuổi mười lăm. Nhưng ai, mới luôn luôn, là tình yêu của tôi? Và ai, rốt cuộc, mới là cái chết của tôi? Còn đây là trò chơi quái quỷ gì: chối bỏ một người đàn bà đê tiện bằng chính hành động mà, như một kẻ tử vì đạo, ta lại quăng cả mạng sống mình dưới chân bà ta?

Vậy là, ngay từ lúc đó, trong sự thơ ngây cuồng loạn, tôi đã lường gạt chính mình. Trò chơi đến bây giờ vẫn chưa thay đổi vì tôi vẫn tiếp tục tự kể cho mình nghe đoạn độc thoại rời rạc mà tôi đã khâu từ những ngày đầu bằng các sợi chỉ của nhập nhằng và giả tạo. Anda, niño, anda2. Như một đứa trẻ quê mùa mồ côi, tôi cứ tự thì thầm các câu chuyện cổ tích học được từ gã mục đồng. Tôi chạy theo người mẹ-cô gái trung tín của mình cùng vọng thanh ngọt ngào gắn với bà và, ra sức xua đuổi như kẻ xâm lăng một Aracoeli khác - người đàn bà đã nhẫn tâm ruồng rẫy để tôi trở thành trẻ mồ côi ngay trước khi bà ta chết. Hôm nay tôi cố lẩn tránh sự thật rằng Aracoeli thứ hai cũng chính là mẹ tôi, người đã mang nặng tôi trong tử cung mình; và rằng bà vẫn bám chặt vào từng khoảnh khắc trong đời tôi, khinh miệt cái ý ngây thơ rằng tôi có thể tự xây dựng cho mình một tổ ấm bình thường, xa rời khỏi bà. Dù tôi có cố gắng xua đuổi, bà ta vẫn không buông tha tôi trong những lần viếng thăm, thường nhập làm một với Aracoeli đầu tiên tựa bản sao méo mó. Một Aracoeli cướp đi Aracoeli kia khỏi tôi, rồi cả hai biến hình, hòa trộn, thay thế lẫn nhau, người này trong người kia.

Và tôi yêu cả hai, không phải với tâm thế của người đàn ông bị giằng xé giữa hai mối tình, mà như một kẻ say đắm một thực thể lai tạp, một giống loài mà trong cơn si cuồng, tôi không thể nhận diện, cũng chẳng hiểu nổi những âm mưu của nó. Để trừ tà, để thoát khỏi sự xâm chiếm kép ấy, tôi gào lên: ARACOELI CHẾT RỒI! Rồi tôi dồn sự tập trung vào tình trạng hiện tại của mẹ: không còn là cái xác, thậm chí chẳng còn là bộ xương, chỉ là một nắm tro tàn tội nghiệp. Và có lẽ ngay cả đám tro ấy cũng đã tan biến. Bấy lâu nay, có ai bận tâm chăm sóc phần mộ của Aracoeli ở nghĩa trang Verano hay không? Không ai cả. Các nghĩa trang đã kín chỗ, quá nhiều người chết, họ chen chúc trước cổng, tranh giành chỗ nằm. CÁI CHẾT: như thể tức là CHƯA TỪNG TỒN TẠI.

Và mặc dù, khi bắt đầu cuộc hành hương điên rồ này, tôi tự huyễn hoặc rằng mình có một phương hướng và mục tiêu, song thực tâm tôi vốn biết ngay từ đầu rằng mình chỉ đang diễn trò cho chính mình xem: Ở dưới kia trong các sườn núi, cũng như ở bất cứ nơi nào, chẳng có gì và chẳng có ai thay mặt Aracoeli chờ đợi tôi. Họ hàng bà, theo tôi biết, không một ai còn sống. Người em trai duy nhất của bà, Manuel, đã bị giết - và có lẽ còn không được chôn cất tử tế - trong cuộc nội chiến. Còn cha mẹ bà (vốn đã có tuổi khi sinh bà) thì từ lâu, tôi buộc phải tin vậy, thậm chí đến nắm tro cũng chẳng còn. Dù sao đi nữa, tôi chưa bao giờ cố tìm hiểu về số phận của họ, tiếp tục duy trì giữa họ và tôi tấm màn vô hình mà thuở trước từng che phủ cả một tiểu sử của Aracoeli khỏi thế giới của chúng tôi.

Đối với tôi, tấm màn ấy từng là (và ít nhất phần nào vẫn là) một cánh cửa phù phép, phía sau nó có thể ẩn giấu bất cứ điều gì: một hốc tủ bí mật, một cánh cửa sập dẫn xuống vực thẳm, hoặc một căn phòng chứa đầy những thứ kỳ diệu. Quy tắc bí ẩn trong nhà tôi, thứ đã áp đặt sự im lặng tuyệt đối về dòng dõi bên ngoại, khi còn nhỏ, tôi vẫn xem đó như điểm khởi đầu cho những chuyến bay bổng tưởng tượng về các nơi chốn huyền thoại. Đó chỉ là những khả thể mong manh, thoáng hiện, chưa từng được định hình, mới lướt qua trên đôi cánh vụng dại chưa kịp vỗ của tôi. Nhưng luôn luôn, trong những hành tinh lờ mờ chưa được khám phá ấy, tôi nghĩ mẹ có thể xuất thân từ một dòng giống Digan, hoặc ăn mày, hoặc đấu sĩ bò tót, hoặc kẻ cắp, hoặc quý tộc nào đó (phải chăng bà từng sống trong một tòa thành bất khả xâm phạm, một Alhambra hay Alcázar?). Và dù chỉ vụt qua tâm trí tôi, tất tật những số phận khả dĩ này vẫn tạo thành một vầng hào quang vô tận, rực rỡ, với các tia xuyên chiếu từ sắc thân chói lọi của bà.

Dù vậy, ngay từ khi ấy, tôi không khó để nhận ra rằng bí mật to lớn này - trong khi với tôi, mang dáng vẻ huyền nhiệm, gần như một vị khách xa lạ mà kỳ diệu - thì trái lại, với nhà chúng tôi, nó chẳng khác nào “cỗ xương giấu trong tủ,” như người ta vẫn nói. Và thực ra, nó đơn giản bắt nguồn từ chênh lệch giai cấp giữa cha mẹ tôi. Một số định kiến thời đó vẫn còn giữ được trọng lượng trong thế giới nhỏ bé của chúng tôi, chưa kể đến giá trị đã được quy phạm hóa - thậm chí nhuốm màu giáo điều - đối với tầng lớp quân đội và hải quân mà cha tôi thuộc về.

Từ những câu chuyện phiếm trong bếp mà tôi nghe loáng thoáng, tôi dần hiểu ra rằng cái gọi là bí mật gia đình nổi tiếng của chúng tôi thực ra chẳng phải bí mật gì cả, nói cách khác, ai cũng biết, chỉ là hiếm khi đề cập: mẹ tôi không xuất thân từ một dòng dõi cao quý vốn luôn luôn được tự hào phô trương trong giới tinh hoa.

Mỗi khi ai đó nhắc đến một người phụ nữ mới kết hôn với một quý ông tầm cỡ (một Ngài, một sĩ quan cao cấp, một quý tộc có tước hiệu hay một quan chức chủ chốt của chế độ, bác Monda, theo thói quen cố hữu, trước tiên sẽ hỏi: “Cô ấy có gia thế thế nào?” (tức là: Liệu cô ấy có xuất thân danh giá không?). Còn, nếu muốn ám chỉ rằng một người phụ nữ không có gia thế hiển hách, bà sẽ chầm chậm ngước mắt lên trời rồi than thở rằng người đàn bà kia CHẲNG CÓ TÍ GIA THẾ NÀO. Theo tự vị của bác Monda, mẹ tôi, trên thực tế, cũng thuộc diện chẳng có tí gia thế nào; tuy nhiên trong trường hợp này, bà tránh đề cập đến chủ đề ấy như thể đó là một căn bệnh di truyền (vừa là giữ ý, vừa là vì mọi lựa chọn của cha tôi đối với bác đều thiêng liêng, và như thế, cuộc hôn nhân không đăng đối của ông cũng vậy).

Sự im lặng của bác Monda được mọi người tôn trọng, như cách người ta thường dành cho sự tế nhị, trong xã hội nhỏ bé của chúng tôi ở Rome, nơi câu chuyện tình cảm của cha mẹ tôi được tô hồng, đủ để nó ló hiện theo lối duyên dáng; mẹ tôi được đối đãi với thái độ khoan dung đầy thiện ý và, tóm lại, như người ta thường nói, một phép lịch sự tối thiểu. Điều này, tôi tin, phần lớn là nhờ vào hình ảnh của cha tôi cùng uy tín tự nhiên của ông, thứ uy danh càng dày thêm vinh quang bí ẩn sau khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha bùng nổ. Nghe nói rằng vào giai đoạn đầu của cuộc nội chiến, cha tôi đã tự khẳng định mình - như một nhân vật chính - bằng một chiến công anh dũng, nhưng chiến công ấy vẫn chưa được biết đến, ngoại trừ trong một số ít giới quân sự cao cấp nhất: Thực tế, Ý vẫn duy trì chính sách không can thiệp. Nếu tôi nhớ không nhầm, lúc ấy cha tôi - một sĩ quan của Hải quân Hoàng gia Ý- đang mang hàm trung úy và phụ trách chỉ huy một con tàu ngầm. Khi đó tôi sắp tròn bốn tuổi. Đó là mùa hè năm 1936.

Chính năm đó, đánh dấu cột mốc mẹ con tôi được trình diện trước xã hội. Thực tế, cho đến lúc đó, sự tồn tại của mẹ con tôi (tôi và Aracoeli) vẫn chưa hề tồn tại trong mắt xã hội. Sự tồn tại ấy khởi đầu và được thừa nhận sau cuộc hôn nhân hợp pháp của cha mẹ tôi, tiếp đó là sự kiện mẹ con tôi nhanh chóng chuyển đến ngôi nhà tân hôn của cha ở Khu Thượng lưu.

*

Ở Khu Thượng lưu

Tôi không bao giờ biết được cái tên Khu Thượng lưu” ám chỉ độ cao địa lý hay địa vị xã hội; song chắc chắn nhiều cư dân Rome, khi nhắc đến nó, đều tỏ ra hào hứng và có phần tự mãn như thể khẳng định vị thế xã hội của mình. Trên thực tế, Khu Thượng lưu, nhìn chung, là một khu phố được tầng lớp trung và thượng lưu ưa chuộng, đặc biệt là trong khu “dân cư cao cấp,” nơi gia đình tôi chuyển đến. Đó là một căn hộ rộng rãi thuê trên tầng bốn của một tòa nhà nhỏ, có lẽ được xây cách đó khoảng hai mươi năm, theo phong cách Tân Nghệ thuật - lối kiến trúc thịnh hành trong khu vực.

Đôi khi trong giấc mơ - như một kẻ trở về nhà sau một quãng ngắn xa cách - tôi quay lại những căn phòng quen thuộc ấy song lập tức bị xua đuổi bởi những cư dân mới, một đám đông ồn ào và tàn nhẫn. Dù bị ngợp bởi bầu không khí ma quái, trốn chạy và tội lỗi, tòa nhà vẫn hiện ra nguyên vẹn và không hề thay đổi. Ở lối vào, người gác cổng quen thuộc vẫn đứng đó, đội chiếc mũ lưỡi trai và đeo cầu vai ánh vàng, gọi tôi là “Signorino.”

Phía sau ông ấy, trong sảnh hình bán nguyệt, giữa hai cây cột, là lồng thang máy bằng sắt rèn, trang trí những dây bìm bìm bằng kim loại; và tôi nhận ra ngay giọng của cái thang máy - mỗi khi rời một tầng, nó lại phát tiếng kêu ai oán, hơi cuồng loạn. Bên trong thang máy rộng rãi, mập mờ sáng, hai bên đặt những băng ghế bọc nhung đỏ. Trên tường treo một tấm bảng thông báo lồng trong khung mà tôi đã thuộc lòng nó từ lúc mới căng thẳng học đánh vần, như một thử nghiệm đầy háo hức:

SỨC CHỨA: 4 NGƯỜI
NGƯỜI SỬ DỤNG THANG MÁY TỰ CHỊU MỌI RỦI RO.
KHÔNG DÀNH CHO CHÓ, NGƯỜI HẦU, NHÂN VIÊN GIAO HÀNG, TRẺ EM KHÔNG CÓ NGƯỜI LỚN ĐI CÙNG VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG THÀNH THẠO CÁCH SỬ DỤNG.

Khi chúng tôi được thăng tiến lên Khu Thượng lưu, thang máy, đối với tôi và Aracoeli, vẫn còn rất mới lạ. Và với tôi (thuộc nhóm: trẻ con), mỗi lần đi thang máy là một dịp phiêu lưu, chỉ có thể thực hiện khi đi cùng cha tôi hoặc, hiếm hoi lắm, bác Monda. Thực ra những người thường đi cùng tôi ra ngoài đều không sử dụng thang máy: mẹ tôi thì sợ, còn những người khác thì không được phép (thuộc nhóm: người hầu). Thật ra, người gác cổng khẳng định chắc nịch rằng, khi đi cùng tôi, người hầu cũng được phép dùng thang máy, vì lúc đó họ được nâng lên chức “người hộ tống Signorino. Nhưng bác Monda, vốn rất khắt khe về chuyện tôn ti trật tự, kiên quyết phản đối, cho rằng một khi gia nhân được phép vượt qua ranh giới giai cấp, họ sẽ sinh hư và trở nên lấn lướt. Và để chứng minh, bà thường trích dẫn một câu tục ngữ mà hồi nhỏ học được từ cô gia sư người Pháp, một câu bà rất thích nhắc đi nhắc lại bằng giọng diễn cảm:

 On vole un oeuf,

puis un boeuf,

et puis on tue sa mère3.

Và cả gia đình đều tuân theo nguyên tắc của bác Monda (nhất là vì theo ý bố tôi, việc leo vài bậc cầu thang ở độ tuổi của tôi là một cách rèn luyện rất tốt). Thế nên, tôi thường đi bộ lên xuống cầu thang, tận dụng cơ hội để khoe tiến bộ trong việc học bảng chữ cái bằng cách hớn hở đọc to từng tấm biển tên treo trên cửa.  Cũng chính vì thế mà đến giờ tôi vẫn có thể nhớ vanh vách những thông tin chính về hàng xóm của chúng tôi.

Căn hộ phía trên chúng tôi (tầng năm, cũng là tầng cao nhất - căn hộ penthouse) thuộc về một Ngài nào đó mà tôi không nhớ tên vì tôi hiếm có dịp lên tận tầng năm. Vậy nhưng, tôi tin rằng đó là một nhân vật tầm cỡ: một học giả lỗi lạc hay gì đó tương tự, một viện sĩ Hoàng gia. Mỗi khi nhắc đến ông ta, người gác cổng lại cung kính gọi bằng một cụm từ duy nhất: NGÀI.

Dưới căn hộ chúng tôi, ở piano nobile, là nơi ở của bà chủ nhà, Bá tước phu nhân Lydia Zante, góa phụ của một vị tướng. Tấm biển tên đề trước cửa vẫn trịnh trọng ghi rõ cấp bậc của ông: TƯỚNG QUÂN, kèm theo những danh hiệu và huy chương khác, phía trên còn có cả một chiếc vương miện.

Ở tầng hai là nơi ở kiêm văn phòng của Tiến sĩ Pacifico Milano, một công chứng viên. Hai cánh cửa, một cánh không có biển tên, cánh còn lại gắn tấm biển to, đề vỏn vẹn từ: CÔNG CHỨNG.

Và cuối cùng, đối diện căn hộ chúng tôi là nơi ở của một quý ông độc thân, sống một mình. Trên cửa không có biển tên, chỉ có một tấm danh thiếp thay thế, ghi rõ: COMMENDATORE DR. ORESTE ZANCHI. Nhưng mỗi khi tôi dừng lại - như tôi vẫn làm ở các chiếu nghỉ - trước cánh cửa ấy, mẹ liền giật tôi khỏi, thậm chí có lúc kéo mạnh bằng bàn tay nhỏ nhưng rắn rỏi của bà. Ngay từ ngày đầu tiên, bà đã có một ác cảm khó hiểu và đầy ngờ vực với người hàng xóm này. Đó là một sự khước từ vô lý, giống như một phản ứng bài xích mà các bác sĩ gọi là rejection, mạnh đến mức chỉ cần nhìn thấy ông ta cũng khiến bà ghê tởm.

Ông ta là một quý ông chừng bốn mươi tuổi, đậm người, tóc thưa, ăn mặc hết sức bóng bẩy (ban sáng diện bộ vest sáng màu cài một khuy, còn buổi tối lại khoác lên mình bộ vest tối màu hai hàng khuy). Lúc nào ông ta cũng tỏa ra một mùi thoang thoảng, vừa hăng vừa nồng, phảng phất từ chiếc khăn tay và mái tóc bóng mượt. Khuôn mặt ông ta đầy đặn, cằm chẻ làm đôi, còn đôi má thì mịn màng và ửng hồng như má phụ nữ; bộ ria mép của ông ta được tỉa tót cẩn thận càng khiến ông ta trông giống một quý bà có ria. Giọng của ông ta du dương, khá ngọt, còn cung cách thì quá đỗi mực thước - mỗi khi chạm mặt trên chiếu nghỉ, ông ta không bao giờ quên cúi xuống hôn lên tay mẹ tôi. Lần nào cũng vậy, bà đều vội vã tháo găng tay trước khi nhận cái hôn ấy (theo lời dặn của bác Monda về phép xã giao), song động tác này lúc nào cũng có vẻ vụng về, khó khăn, một phần vì đôi găng tay luôn luôn chật so với bàn tay bà, với các ngón tay ngắn cũn. Và rồi, ngay sau cái hôn đó, ta có thể thấy bà khẽ chùi mu bàn tay vào tà váy theo bản năng.

Mỗi khi nhắc đến TIẾN SĨ ZANCHI, người gác cổng liền tỏ ra trịnh trọng, ngực ưỡn hẳn lên như để nhấn mạnh tầm quan trọng của ông ta. Hóa ra dù còn khá trẻ, người hàng xóm của chúng tôi đã giữ một chức cao trong một bộ hoặc cơ quan chính phủ nào đó. Bởi điều đó, cùng với danh hiệu Commendatore, đủ để khiến cả tòa nhà phải dành cho ông ta sự kính phục đặc biệt. Thực tế, ông ta cư xử hết sức nhã nhặn và kín đáo, luôn luôn giữ một cung cách điềm đạm, không quá thân mật với bất kỳ ai, kể cả chúng tôi, những người hàng xóm gần nhất. Với cha tôi, ông ta tỏ ra đặc biệt lễ phép, còn đối với mẹ tôi, ông ta giả vờ như không nhận thấy sự ghê tởm khó che giấu nơi bà, hoặc đơn giản là mặc kệ nó. Dù vậy, công việc  khiến ông ta hầu như vắng mặt suốt ngày, và những lần chúng tôi tình cờ gặp nhau - lúc nào cũng ở chiếu nghỉ - cũng  hiếm hoi vô cùng.

Vào những ngày Chủ nhật, chúng tôi thường bị đánh thức bởi tiếng ồn vang khắp trần nhà vì đó là ngày Ngài ở tầng trên (sống cùng vợ) đón lũ cháu đến thăm. Nhưng trong suốt các ngày còn lại của tuần, tòa nhà chìm trong sự tĩnh lặng lặng tuyệt đối. Đôi khi tôi, do thói quen cũ, mải chơi đùa với Aracoeli đến mức hơi quá trớn, lập tức từ tầng dưới, một cô hầu gái mực thước sẽ xuất hiện, nhẹ nhàng nhắc chúng tôi hạ giọng vì Bá tước phu nhân đang bị cơn đau nửa đầu hành hạ.

Người gác cổng cũng gọi bà vợ góa của vị tướng bằng tước hiệu Bá tước phu nhân (bà vốn xuất thân từ dòng họ Ardengo). Đến ngày mùng một hằng tháng, một đại diện trong số gia nhân nhà tôi (thực ra chỉ có một người duy nhất là bà quản gia Zaira) sẽ xuống gặp bà ấy để nộp tiền thuê nhà. Bà ấy thích tự tay thu khoản tiền này. Mỗi lần như thế (vì khi đó tôi vẫn còn giữ nguyên vẻ liều lĩnh bộc trực của trẻ con), tôi lại len lén theo chân gia nhân xuống dưới. Và lần nào khi trông thấy tôi, Bá tước phu nhân sẽ hỏi bằng giọng hơi ngập ngừng: “Có tin vui gì từ papà cháu không?” và sau đó đưa cho tôi một viên kẹo caramel, bóc nó ngay trước mắt tôi, rồi giữ lại mẩu giấy gói bé xíu vì, bà nói, bằng cách gom đủ số giấy ấy và gửi đến một hội truyền giáo nào đó ở châu Phi, người ta có thể cứu rỗi cả một linh hồn ngoại đạo.

Quý bà ấy, nghe nói thời trẻ, từng là một tuyệt thế giai nhân (người ta ví bà với Nữ hoàng Margherita, từng được thi sĩ Carducci ca tụng), lúc nào cũng nói chuyện với đôi môi mím chặt, không bao giờ nở nụ cười - người ta bảo rằng làm như thế để tránh da mặt bị nhăn. Thậm chí, còn có xì xào rằng mỗi tối, theo một công thức dưỡng nhan bất bại, bà sẽ đắp lên má hai lát thịt sống vừa mua từ hàng thịt (Zaira khẳng định đó là hai miếng cốt lết).

Và quả thực bà ấy vẫn giữ được làn da mịn màng, nhưng trông như thể được làm từ thứ vật liệu của nghĩa địa, vàng vọt như giấy cói. Thân hình bà gầy guộc, lúc nào cũng vận đồ tang, lớp mạng đen che mặt phấp phới không ngừng, tựa dấu ấn tôn vinh quãng đời góa bụa dài dặc của bà. Và dù mắt vẫn tinh tường, bà luôn luôn đeo kính đen, ngay cả khi ở trong nhà, trông không khác nào một người mù.

Vào những dịp lễ nghi trang trọng, bà cẩn thận ghim lên tấm áo tang các tấm huân chương của chồng - vị tướng quá cố, rồi lên chiếc xe quân đội đã được cử đến tận cửa để rước bà đi.

Ngài ở tầng trên (một người đàn ông lực lưỡng, đậm người với ánh mắt lờ đờ) vào những dịp trọng đại cũng có một chiếc limousine sang trọng với tài xế mặc đồng phục chờ sẵn dưới cửa để rước ông ấy. Ít nhất hai lần chúng tôi bắt gặp ông ấy ngay trước cửa, trong bộ quân phục lộng lẫy với tua rua vàng, mũ nghi lễ, thậm chí còn mang theo một con dao găm nhỏ bên hông. Khi người gác cổng chào ông bằng động tác chào kiểu Phát xít, ông chỉ ơ hờ đáp lại; song với mẹ tôi, trái lại, ông gật đầu một cách đúng mực - cử chỉ có vẻ không mấy dễ dàng đối với ông. Thực tế, ông gần như không có cổ. Cái đầu to bất thường, trắng toát, được đặt một cách vụng về giữa hai bờ vai, lúc nào cũng nghiêng nghiêng, ngật xuống ngực. Đi sau ông là vợ, một bà nhỏ nhắn trong bộ váy sang trọng, hăm hở nhưng mắt dường cận nặng, cứ thế chào bừa mọi người bằng động tác giơ tay kiểu La Mã, đồng thời thì thào hỏi chồng: “Ai thế? Ai thế?”

Lời chào dứt khoát nhất luôn đến từ ông công chứng viên ở tầng hai, người mà chúng tôi thường bắt gặp khi ông băng nhanh qua chiếu nghỉ từ Căn hộ Một sang Căn hộ Hai (ông sở hữu cả hai căn, một làm văn phòng, một làm nơi ở). Lúc nào ông cũng tất bật, vung tay loạn xạ; và với dáng người nhỏ thó, khô đét, cặp kính dày cộp cùng cái đầu hói trơn bóng, trông ông chẳng khác nào con chim sẻ bị vặt trụi lông giữa mùa đông, chuyền từ cành này sang cành khác. Ai cũng biết ông rất giàu nhưng vô cùng keo kiệt, đến mức không thuê nổi một người giúp việc mà tự mình ra mở cửa đón khách, nhưng trước khi mở, bao giờ ông cũng hé cửa một khe nhỏ, sợi xích an toàn vẫn cài chặt, nhằm dò xét xem ai đang đứng bên ngoài. Có lần, chúng tôi thấy anh thợ sửa ống nước của tòa nhà đứng bên ngoài cửa, lớn tiếng kêu than về khoản tiền công mà ông không chịu trả, trong khi từ khe cửa, giọng the thé, chói tai của ông vang lên đầy thách thức và cay cú: “Kiện đi, kiện đi” (tức là cứ đâm đơn ra tòa mà đòi nợ), rồi tiếp: “Thuê luật sư đi!”

Dù sao đi nữa, ông ấy cũng được người gác cổng hết mực kính nể, không chỉ vì giàu có mà còn bởi - trái ngược với dáng vẻ nhỏ thó của mình - ông từng lập được những chiến công hiển hách trong Thế chiến Thứ nhất, thậm chí còn được tặng huân chương bạc!

Thông thường, để chào hỏi, ông ấy chỉ vung tay nhanh hơn một chút, nói liến thoắng “Chào buổi sáng, chào buổi sáng” mà chẳng buồn nhìn chúng tôi. Còn tôi, bằng giọng lanh lảnh, sẽ hét lên với ông, “Chào buổi sáng!”, trong khi đó mẹ tôi nắm chặt tay tôi, vội vã kéo đi, như thể vừa được giải thoát.

Thực ra, những nghi thức chào hỏi thoáng qua và hời hợt này - vốn là lối giao tiếp duy nhất giữa các cư dân trong tòa nhà - từ những ngày đầu lẫn cả về sau này, luôn luôn khiến bà cảm thấy bồn chồn. Mỗi khi gặp mẹ tôi, vị Bá tước phu nhân, góa phụ của vị tướng, đều không quên hỏi: “Có tin gì tốt từ chồng cô không?”, mẹ tôi sẽ luống cuống đáp: “Vâng, vâng, vâng”,  bối rối như thể đang đối diện với một bóng ma. Rồi bà chạy vụt đi, nắm chặt tay tôi, lao ra khỏi cửa chính, tìm chỗ ẩn mình ở góc tòa nhà, nơi bà bật cười - một tràng cười pha lẫn giữa sự thích thú và một nỗi sợ thiêng liêng - như thể hai kẻ trộm vặt vừa trốn thoát sau khi hái trộm táo của người nông dân.

Ngay cả người gác cổng cũng khiến mẹ tôi có phần e dè, và mỗi khi chúng tôi đi qua sảnh, bà thường lẩn đi, như thể muốn làm mình trở nên vô hình. Nhưng ông ấy lại tỏ ra có chút khoan dung đầy kẻ cả đối với bà, dù vẫn giữ đúng mực tôn trọng (Vợ của NGÀI ĐẠI ÚY).

Ngôi nhà của chúng tôi, về cơ bản, được giao phó cho quản gia Zaira, với sự hỗ trợ không thường xuyên của người giúp việc theo giờ. Zaira ban đầu phục vụ trong nhà ông bà tôi ở Piedmont, sau đó được chuyển sang hầu hạ người con gái lớn của họ, Raimonda, và giờ đây làm việc cho cả bà ấy lẫn gia đình tôi.

Raimonda (bác Monda) sống một mình, ngay bên ngoài khu dân cư của chúng tôi, trong một tòa nhà lớn hơn nhiều so với nhà chúng tôi, kém sang trọng nhưng hiện đại hơn; trên tầng tám, bà ở trong một căn penthouse, thuộc sở hữu của mình, với tầm nhìn ra quảng trường rộng lớn vẫn còn đang thi công, đánh dấu ranh giới của khu phố. Bên kia quảng trường, những khu dân cư mới mọc lên lộn nhộn, xe cộ tấp nập; nhưng từ căn penthouse của bác Monda, chúng trông thấp và xa, vừa lúc nhúc vừa hỗn loạn.

Căn hộ ấy chỉ gồm một phòng khách bé và vài phòng ngủ nhỏ; song bù lại, nó có một sân thượng rộng rãi với tầm nhìn thoáng đãng. Trên sân thượng, hoa nhài, hoa oleander và hoa hồng mọc um tùm, được bác Monda tự tay chăm sóc, khéo hơn cả người làm vườn thực thụ. Người ta thường thấy bà đứng thẳng giữa sân, hai cánh tay dài vung vẩy, bắt chước dáng dấp một hình nộm để xua đuổi lũ chim phá phách.

Bà cũng dành sự ham mê không kém cho đồ đạc và các vật dụng trong phòng, đến mức bà không nuôi bất kỳ con chó hay con mèo nào vì sợ chúng làm hỏng các tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ và các cái ghế bọc nhung có phủ khăn thêu trắng. Loài vật duy nhất bà cho phép được bầu bạn là mấy con cá nhỏ sặc sỡ, được nuôi trong một bể kính nhỏ, sạch bóng, đặt gần cửa sổ lớn của phòng khách. Và bà chăm sóc chúng với tất tật lòng trìu mến, đến mức mỗi khi phát hiện một con cá chết, bà òa khóc nức nở, rồi đem chôn nó vào một chậu cây trên sân thượng, giữa những bông hoa. “Cứ như một con chiên ngoan đạo,” Zaira thường nói.

Giữ đúng truyền thống lâu đời của gia đình, bà sống một cuộc đời trang nghiêm và mẫu mực, không mấy bận tâm đến những cám dỗ trần tục; tuy nhiên, dù không theo đuổi lối phô trương hào nhoáng, bà lại vô cùng chăm chút cho trang phục của mình. Những bộ suit của bà được đặt may từ một thợ may danh tiếng trên phố Via Veneto; giày thì đóng thủ công; và bên dưới áo khoác, bà mặc những chiếc blouse tinh xảo của nghệ nhân Florence, toàn những đường xếp li và thêu tay tỉ mỉ, mua với giá đắt đỏ ở một cửa hàng độc quyền tại Piazza di Spagna. Cũng ở cửa hàng đó, bà mua một số váy ngủ bằng lanh hoặc lụa, được may tinh tế chẳng khác nào trang sức và thanh lịch như váy dạ hội; nhưng bà không mặc chúng mà cất đi, có lẽ chỉ Chúa mới biết chúng được dành cho đêm tân hôn tuyệt vời nào. Trong khi chờ đợi, bà ngủ giấc ngủ trinh nguyên trong những bộ pyjama giản dị.

Ở tuổi ngoài bốn mươi (lớn hơn cha tôi vài tuổi), bà giữ gìn sự trinh nguyên một cách bình thản, không chút chua chát, như thể hài lòng với cuộc sống đơn độc và thanh khiết của mình. Bà có một khoản thu nhập riêng (do một bà cô để lại), nhưng vẫn đi làm, làm cố vấn hoặc thư ký cho một số tạp chí học thuật; và công việc này, xen kẽ với việc chăm chút cho ngôi nhà, khu sân thượng và trang phuc, không chỉ mang lại cho bà sự độc lập đáng ngưỡng phục mà còn đáp ứng nhu cầu đóng góp xã hội và liêm chính đạo hạnh nơi bà. Vẻ ngoài của bà mang những nét đặc trưng, gần như định sẵn, mà người ta vẫn hay gán cho hình tượng các bà cô độc thân trong những khuôn mẫu rẻ tiền. Bà cao gần bằng cha tôi (theo Zaira thì quá cao so với một phụ nữ, và chính chiều cao quá khổ ấy là nguyên nhân khiến cô Signorina lận đận trong chuyện tình duyên); bà có dáng người gầy gò, ngực phẳng, hông lép, vai lại rộng, bước đi cứng nhắc như một người lính. Nước da bà có màu hồng phớt (điểm những vệt ửng đỏ, mỗi khi ngượng ngùng lại bừng lên thành màu đỏ thẫm); cằm bạnh rõ, đôi mắt xanh nhạt, hơi lồi, lúc nào cũng đượm vẻ lơ đãng của người cận thị; khuôn miệng bà bất cân đối, răng dài như răng ngựa, song khi mỉm cười, nét mặt bà lại ánh lên một nét duyên mong manh, ngây thơ như một thiếu nữ chưa trưởng thành. Thế nhưng, tận sâu trong dáng vẻ kém hài hòa ấy, bác Monda vẫn ôm ấp giấc mộng lãng mạn thời con gái, như một điệu nhạc quen thuộc vương vấn mãi. Chính Zaira cũng nhận xét rằng bà đang “chờ đợi Hoàng tử trong mộng” (thậm chí, theo bà, đây mới là lý do thầm kín khiến bà từng để lỡ những cơ hội kết hôn hiếm hoi trong quá khứ). Và hẳn cũng vì chờ đợi người ấy mà bà luôn giữ mình trong tư thế sẵn sàng - căn phòng lúc nào cũng sáng bóng, hoàn hảo, không một tì vết; ngoài ban công, hoa lá rực rỡ xanh tươi; và những chiếc áo ngủ lộng lẫy vẫn được bọc gọn trong lớp giấy lụa. Còn về chàng hoàng tử trong mộng mà bà hằng mong đợi, có nhiều dấu hiệu cho phép ta hình dung rằng, trong suy nghĩ của bà, hẳn người ấy phải mang dáng dấp của một số Vĩ Nhân đương thời - những người mà bà tin là hiện thân của quyền uy nam tính đích thực, để rồi bà có thể ngọt ngào cúi mình phục tòng và tận hiến như một nô lệ, theo hình mẫu của những nữ anh hùng trong tiểu thuyết của Elinor Glyn. Không còn nghi ngờ gì nữa, bà si mê Mussolini, hình ảnh của ông xuất hiện khắp phòng bà, trong những bức ảnh đóng khung lộng lẫy, với vẻ trang nghiêm với đủ kiểu trang phục khác nhau (giày ống và mũ quả dưa, quân phục chỉnh tề, áo đen). Cũng như vậy, về sau, bà lại đem lòng si mê Đại tướng Franco. [bỏ một đoạn]. Thực ra, không ai biết Zaira tin vào điều gì siêu việt, bởi bà chẳng mấy coi trọng bất kỳ tôn giáo nào (mà xét cho cùng, bà chủ của bà cũng khá dửng dưng với chuyện tín ngưỡng). Nhưng chắc chắn rằng tất tật lòng ngưỡng kính của bà đều dành cho các Quý ông và Quý bà, đặc biệt là những người sinh ra đã thuộc tầng lớp đó, tức là những người chính danh (bà coi kẻ trèo cao là những kẻ chiếm đoạt một quyền thiêng liêng). Ngược lại, theo bà, người nghèo mang trên mình một lời nguyền siêu nhiên, định sẵn cho họ sự dốt nát, nhếch nhác và bất hạnh (mà trong cách nói của bà, “bất hạnh” là lời sỉ nhục nặng nề nhất).

Tuy vậy, đôi khi ngay cả trong giới nghèo, bà vẫn vạch ra thứ bậc phân biệt những gia nhân có địa vị, những người không chìm trong đáy sâu ngu si như đám bần dân tầm thường, bởi họ đã được nâng lên tầm văn hóa quý tộc, tức là biết đến phong thái tao nhã trong giao tiếp, cách giữ gìn bản thân và nhà cửa chỉn chu, nắm rõ vài bí quyết ẩm thực, cũng như hiểu tường tận phép tắc trong các bữa tiệc tối. Trong tầng lớp có phần chỉnh tề hơn này, bà xếp mình cùng với người gác cổng của tòa nhà, trong khi nhìn chung, bà khinh miệt đám người dưới cơ, không ngớt lẩm bẩm mắng nhiếc họ, và trong những trường hợp quá đáng, thậm chí còn buông lời thóa mạ bằng thứ giọng thô lậu của tầng lớp bình dân. Thế nhưng, vào những ngày có hứng trò chuyện, bà vẫn không cưỡng lại được việc lê la đôi mách với họ, đặc biệt là về bác Monda. Nhờ thế mà một phần những chuyện riêng tư ấy đến được tai tôi. Trong đó có, chẳng hạn, chuyện tang lễ của lũ cá, những lần được cho là hiển linh của Hoàng tử trong mộng, hay những nỗi ám ảnh đến phát bực của bà Signorina về cách ủi áo blouse; và nhiều chuyện khác nữa. Tôi phải nói rằng, thực lòng, những mẩu chuyện như vậy khi ấy nghe thật nhạt nhẽo, chẳng mấy hấp dẫn, và tâm trí lơ đãng của tôi liền quên ngay. Chỉ đến bây giờ, khi khơi lại, chúng mới từ đáy ký ức trồi lên, như đám bọt biển phù du nổi lềnh bềnh trên bề mặt đại dương u ám.

Khi tôi biết bà (tức là gần như ngay từ khi chào đời), Zaira đã sắp chạm ngưỡng năm mươi; và hình ảnh đầu tiên hiện về trong tôi là dáng đi đầy tự trọng và kiểu cách của bà, với đôi hông đong đưa nhịp nhàng và bờ mông khá đồ. Bà không cao, nhưng dáng đứng thẳng, người đầy đặn, đôi chân cân đối và khuôn mặt như một quả táo hồng, gần như không có môi. Việc ăn mặc chỉnh tề như một người hầu chuẩn mực rất quan trọng đối với bà: tạp dề trắng thêu và mũ đội đầu. Và bà thường tự hào kể về quá khứ huy hoàng của mình, những ngôi nhà nơi bà từng phục vụ trước khi được kéo lên đỉnh Olympus tối cao của ông bà tôi. Tất tật những ngôi nhà đó, không nghi ngờ gì, đều thuộc hạng cao quý nhất; và đặc biệt có một nơi, nơi Chủ nhà mang tước hiệu, có huy hiệu gia tộc, và hơn nữa còn là Tổng đại lý bảo hiểm. Bà cũng từng có một người chồng, nhưng giờ chỉ được nhắc đến với thái độ căm ghét và khinh miệt, vì đó là một kẻ lười biếng chỉ muốn ăn bám bà. Ông ta chết sau khi bị một chiếc xe tải tông phải trong cơn say khướt, loạng choạng giữa đường vào lúc đêm khuya. Requiescat4. Nhưng bù lại, cuộc hôn nhân đó vẫn để lại cho bà một người con trai - hiện đang đóng quân ở Pisa - tốt nghiệp Trường Kỹ thuật và là ứng viên phi công cho đội Không quân. Và đây chính là điều khiến anh ta vượt trội về địa vị xã hội so với, chẳng hạn, đám lính cần vụ, một lũ tân binh tầm thường, không học vấn, không cấp bậc.

Qua nhiều dấu hiệu có thể thấy rằng, dù không bao giờ thừa nhận, bà không hề có chung niềm ngưỡng phục Mussolini với bác Monda. Theo hệ giá trị của bà, hắn (cũng như đám cốt cán của chế độ phát xít) chỉ là kẻ leo lên bằng thủ đoạn, chẳng phải quý ông đích thực, một tay hợm hĩnh mới phất! Bà buộc phải khéo léo né tránh mọi cuộc tranh luận về vấn đề này, đổi chủ đề mỗi khi cần, như thể đó là món ăn hơi khó tiêu đối với dạ dày bà. [bỏ một đoạn]. Tuy vậy, dù bề ngoài có cam chịu đến đâu, Zaira vẫn giữ trong lòng những tàn than bất đồng với thế giới nói chung, và đặc biệt là với người gác cổng. Trong thâm tâm, bà chỉ dành sự ngưỡng kính cho Hoàng gia chính thống. Và chắc chắn, theo cách của riêng mình, bà đã đem lòng yêu Hoàng thái tử (người mà bà gọi là Principino). Mà điều đó cũng không ngăn bà cùng lúc (và theo cách của riêng mình) yêu cả cha tôi.

Còn tôi, tôi chẳng biết gì về chính trị, dù là lý thuyết hay thực tiễn. Những mẩu thông tin ít ỏi hay những lời bàn tán mà tôi tình cờ nghe được đều trôi tuột khỏi đầu (giống như những câu chuyện phiếm về bác Monda), như những con sóng nhỏ rút đi trong lớp nước xoáy ngược. Tôi nhớ rằng cho đến một độ tuổi nào đó (khi tôi đã mọc đủ răng mới, hoặc có lẽ muộn hơn), tôi mơ hồ nghĩ rằng mussolini là một danh từ chung số nhiều để chỉ các nguyên thủ quốc gia, và cứ đinh ninh nước nào cũng có riêng một mussolini, cũng như ắt hẳn phải có vua, hoàng hậu và có lẽ cả giáo hoàng.

Thanh Nghi dịch

1. Mê hoặc.

2. Đi đi, con, đi đi.

3. Người ta trộm một quả trứng,
    rồi một con bò,
    và rồi giết cả mẹ mình.

4.  Hãy an nghỉ.

Elsa Morante

Hòn đảo của Arturo (1957)
Chương 1 (Thanh Nghi)
Chương 2 (Huỳnh Bất Thức)
Chương 3 (Anh Hoa)
Aracoeli (1982)
Phần 1
Phần 2
Elsa Morante và Alberto Moravia
Agamben: Sổ xưởng

 

một Ý

Casanova (1725 – 1798)
Leopardii (1798 – 1837)
Carlo Emilio Gadda (1893 – 1973)
Pavese (1908 – 1950)
Elsa Morante (1912 – 1985)
Natalia Ginzburg (1916 – 1991)
Angelo Maria Ripellino (1923 – 1978)
Italo Calvino (1923 – 1985)
Pietro Citati (1930 – 2022)
Claudio Magris (1939 – )
Giorgio Agamben (1942 – )
Emanuele Trevi (1964 – )

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công