favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024
Next

Colm Tóibín về Henry James

09/10/2024 05:38

Colm Tóibín, nhà văn Ireland, viết một tiểu thuyết về Henry James, The Master. Chuyện diễn ra trong bốn năm, bắt đầu vào thời điểm công diễn (và thất bại thê thảm) của vở kịch Guy Domville, mà James đặt nhiều tin tưởng. Thời điểm này James 52 tuổi, đã trải qua nhiều thất bại cùng mất mát. Đó cũng là giai đoạn James bắt đầu những sáng tác gây khó hiểu cho nhiều độc giả trung thành của mình (kể cả Edith Wharton). What Maisie KnewThe Awkward Age, Hình tượng trên tấm thảm, The Wings of the Dove, Con quái vật trong rừng và Ban thờ Người Chết đều ra đời trong thời gian ấy. 

Đây cũng là giai đoạn, sau nhiều di chuyển, James quyết định ở hẳn Anh và mua ngôi nhà ở đường Rye, Sussex, nơi James dành mười lăm năm cuộc đời mình, tất nhiên vẫn thỉnh thoảng đi đây đó, chẳng hạn lần qua Mỹ diễn thuyết về Balzac. Chính Tóibín cũng có thời kỳ năm nào cũng dành vài tháng giảng ở một trường đại học Mỹ (mỗi lần một khác), bị bứng đến một thành phố về cơ bản là xa lạ, với chỉ một chiếc vali, những tháng cô độc khiến Tóibín vô cùng khốn khổ, nhưng đó là một trong những nhà văn phải thực sự khốn khổ, theo nghĩa bị hành hạ về thể xác, mới có thể nở hoa.

The Master là tiểu thuyết thứ tư của Tóibín, xuất bản năm 2004. Dưới đây là đoạn đầu. 

 

The Master

- Colm Tóibín

Đôi khi, vào ban đêm, ông mơ về những người đã chết - những gương mặt quen thuộc và những gương mặt đã quên một nửa, thấp thoáng được triệu về. Ông tỉnh giấc, vẫn còn một giờ hay hơn nữa mới bình minh; mấy giờ liền không một tiếng động hay chuyển động nào. Ông sờ vào cơ cổ đã cứng đờ; bên dưới các ngón tay ông, chúng có vẻ rắn và thiếu mềm dẻo nhưng không đau. Tuy thế, khi cử động đầu, có thể nghe tiếng cơ kêu răng rắc. Mình cứ như một cánh cửa cũ ấy, ông tự nhủ.

Ông biết mình phải ngủ lại, không thể cứ nằm thao thức vào giờ này. Ông muốn ngủ, chìm vào một quầng đen êm dịu, tối nhưng không quá tối, nghỉ ngơi, không ám ảnh, không xô động, không bóng dáng nào lẩn khuất.

Khi tỉnh giấc lần nữa, ông thấy bồn chồn, không rõ mình đang ở đâu. Ông thường tỉnh lại rối bời như thế, chỉ nhớ mang máng giấc mơ và nôn nóng đợi ngày bắt đầu. Đôi lúc, trong mơ màng, ông đắm mình vào quầng sáng mờ ảo dịu dàng của Bellosguardo đầu xuân, những khoảng mờ sương, niềm sung sướng thuần khiết của nắng vờn trên mặt, trên cái ghế gần tường ngôi nhà cũ, trong thấp thoáng hương tử đằng, hồng, và nhài. Ông hy vọng khi tỉnh giấc, ngày sẽ giống như một giấc mơ - những dấu vết của dịu êm, của ánh sáng và màu sắc sẽ lưu lại nơi ranh giới mọi thứ, cho đến khi màn đêm lại buông.

Nhưng giấc mơ lần này khác. Ở đâu đó, trời tối hoặc đang tối dần, một thành phố, một chốn cổ xưa như Orvieto hay Siena nhưng không hẳn là đâu, một thành phố mơ với những con đường hẹp, và ông đang bước vội, không chắc là một mình hay với ai, nhưng vội, đám học sinh chầm chậm lên đồi, quá những cửa hàng, quán cà phê và nhà hàng sáng đèn, ông muốn vượt họ, ông tìm cách lách qua. Dù cố nhớ đến đâu, ông vẫn không chắc mình có người đồng hành nào không; có thể, hoặc có thể chỉ là ai đó đi sau lưng. Ông không tài nào nhận được cái bóng ấy, hiện diện chập chờn ấy, nhưng trong vài khoảnh khắc, dường như đúng là có một ai đó, một giọng nào đó gần ông, hiểu rõ hơn ông sự cấp bách, cần phải vội, ai đó hổn hển giục ông đi nhanh hơn, lách thật nhanh qua những học sinh trên đường.

Sao ông lại mơ thấy điều này? Cứ qua mỗi lối vào dài dặc, sáng mờ dẫn đến một quảng trường, ông lại bị cám dỗ rời con phố đông chen. Nhưng ông vẫn bị thúc bước tiếp. Có phải cái bóng ấy đang thúc ông? Cuối cùng, ông chầm chậm đưa chân vào một không gian Ý mênh mông, những tháp, mái pháo đài và bầu trời nhẵn mịn, xanh đen màu mực. Ông đứng đó nhìn như thể nó được đóng khung, bị hút vào sự cân đối và kết cấu của nó. Lần này - và ông rùng mình khi nhớ lại cảnh ấy - có những dáng hình ở trung tâm xoay lưng vào ông, những hình hài tạo thành một vòng tròn, nhưng ông không thấy được khuôn mặt họ. Ông đã sẵn sàng bước tới thì bỗng những thân người đang xoay lưng về phía ông quay lại. Một trong đó là mẹ ông lúc cuối đời, mẹ - như ông thấy bà lần cuối. Gần bà, giữa các phụ nữ khác, là dì Kate của ông. Cả hai đã mất nhiều năm; họ đang mỉm cười với ông, tiến về phía ông, chầm chậm. Khuôn mặt họ được chiếu sáng như trong một bức tranh. Cái từ đến với ông, ông chắc chắn mình đã mơ nó hệt như mơ cái cảnh kia, cái từ ấy là “cầu khẩn”. Họ đang cầu khẩn ông, hoặc ai đó, kêu nài, van vỉ, giơ hai tay như đã chuẩn bị sụp quỳ, và khi họ tiến lại gần, ông choàng tỉnh, đầm đìa mồ hôi lạnh, ông ước gì họ có thể nói, ước gì ông có thể cho hai người ông yêu nhất trên đời chút vỗ về. Nhưng chỉ trùm lên ông một nỗi buồn nặng trĩu, đè nghiến, và vì ông biết sẽ không thể ngủ lại nữa, một thôi thúc viết khủng khiếp nhói lên, viết bất cứ thứ gì - để làm tê liệt, để đánh lạc hướng chính mình khỏi viễn tượng chập chờn về hai người phụ nữ đã bị cướp khỏi ông mãi mãi. 

Ông phải lấy tay che mặt trong khoảnh khắc khi nhớ lại giấc mơ đã khiến ông choàng tỉnh. Ông sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì để quên nó, để nó đừng theo ông vào ngày: ở quảng trường ấy ông khóa ánh mắt với mẹ mình, ánh mắt kinh hoàng, miệng bà như đang chực hét lên. Bà muốn điều gì đó quá tầm tay, muốn vô cùng cái bà không thể có, và ông chẳng giúp gì bà được. 

 

Những ngày sát kề năm mới, ông từ chối mọi lời mời. Ông viết cho Lady Wolseley bảo mình đã ngồi xem diễn tập kịch cả ngày, cạnh mấy bà làm phục trang béo phị. Ông bối rối và lo lắng, thường căng thẳng, nhưng đôi khi, ông được kéo vào việc trên sân khấu như thể mọi thứ đều mới với ông, và ông xúc động. Ông muốn Lady Wolseley và chồng cùng cầu nguyện cho ông vào đêm diễn mở màn, không xa nữa. 

Buổi tối ông chẳng thể làm gì và chỉ ngủ chập chờn. Ông không gặp ai ngoài người hầu và họ không nói gì, cũng không làm phiền ông trừ khi nhất thiết.

Vở kịch của ông, Guy Domville, câu chuyện về một anh chàng thừa kế người Công giáo phải chọn vào tu viện hay duy trì dòng giống gia đình, sẽ diễn vào mồng năm tháng Một. Tất cả thư mời cho đêm khai mạc đã được gửi đi và ông đã nhận được nhiều lời xác nhận cùng cảm ơn. Alexander, nhà sản xuất, cũng là diễn viên chính, có một lượng khán giả trung thành, và trang phục - vở kịch lấy bối cảnh thế kỷ 18 - vô cùng lộng lẫy. Nhưng dù đã bắt đầu tận hưởng không khí của các diễn viên cùng những lấp lánh và sửa sang hằng ngày trong quá trình sản xuất, ông vẫn nói mình không sinh ra để làm kịch. Ông thở dài khi ngồi vào bàn. Ông ước gì hôm nay chỉ là một ngày bình thường, để ông có thể đọc lại những câu văn hôm qua, dành một buổi sáng thật chậm để chỉnh sửa, rồi bắt đầu lại từ đầu, lấp đầy buổi chiều bằng công việc bình thường. Nhưng ông biết tâm trạng mình có thể thay đổi nhanh như ánh sáng trong phòng có thể tối đi, và ông sẽ rất dễ dàng chỉ thấy hạnh phúc với cuộc sống sân khấu rồi bắt đầu chán ghét sự bầu bạn của những trang giấy trắng. Tuổi trung niên, ông nghĩ, đã khiến ông trở nên thật thất thường.

Vị khách của ông đến đúng mười một giờ. Ông không thể từ chối gặp; lá thư của bà có một sự kiên quyết cẩn trọng. Bà nói sẽ sớm rời Paris mãi mãi, và đây sẽ là chuyến thăm cuối cùng của bà đến London. Có điều gì đó dứt khoát và cam chịu lạ lùng trong giọng bà, một giọng xa lạ với tinh thần bà, khiến ông nhanh chóng nhận ra sự nghiêm trọng của tình huống. Đã nhiều năm ông không gặp, nhưng vẫn nhận được vài lá thư cùng tin tức về bà qua những người xung quanh. Nhưng sáng hôm ấy, vẫn ám ảnh bởi giấc mơ và bồn chồn về vở kịch, ông chỉ thấy bà như một cái tên trong nhật ký, khơi lại một ký ức cũ, công tua vẫn rõ nhưng chi tiết đã mờ.

Khi bà vào phòng, khuôn mặt già nua nở ra trong nụ cười ấm áp, thân hình cao lớn di chuyển chậm rãi và dứt khoát, lời chào tươi vui trìu mến và giọng nói dịu dàng quá đỗi, gần như thì thầm, thật dễ để ông dẹp lại những lo lắng về vở kịch và thời gian lãng phí khi không có mặt ở nhà hát. Ông đã quên mất mình từng thích bà đến mức nào và thật dễ dàng làm sao - được đưa trở lại những ngày ông chỉ hơn hai mươi, tìm đủ cách gần gũi với các nhà văn Pháp và Nga ở Paris.

Bằng cách nào đó, những năm sau này, các hiện diện nhạt nhòa lại thu hút ông chẳng kém những người nổi tiếng, những nhân vật chưa từng được điểm mặt gọi tên, những kẻ thất bại hoặc chưa bao giờ có ý định thành công. Vị khách của ông từng kết hôn với Prince Oblisky. Prince nổi tiếng là người nghiêm khắc và xa cách; số phận của nước Nga và sự lưu đày chủ ý của ông ta đã khiến ông quan tâm hơn là những trò vui của bữa tiệc và đám đông lộng lẫy xung quanh. Princess cũng là người Nga, nhưng bà đã sống phần lớn cuộc đời ở Pháp. Xung quanh bà và chồng luôn chờn vờn những bóng gió và tin đồn. Đó là một phần của thời đại và hoàn cảnh, ông tự nhủ. Tất cả những người ông biết đều mang trên mình hào quang của một cuộc đời khác, nửa bí mật, nửa công khai, ai cũng biết nhưng không ai nhắc tới. Những năm ấy, ta tìm trên từng khuôn mặt những gì nó có thể vô tình hé lộ, ta lắng nghe thật cẩn thận, cố bắt những manh mối và sắc thái chập chờn. New York và Boston không giống thế, và ở London, nơi ông cuối cùng đã đến ở hẳn, người ta còn cho phép mình tin rằng chẳng ai giấu con người bí mật nào, trừ khi họ được nói thẳng cho điều ngược lại. 

Ông nhớ cú sốc khi lần đầu biết Paris, văn hóa lập lờ thật dễ dàng, cảm giác ông bắt được về những phụ nữ và đàn ông ấy, được các tiểu thuyết gia canh chừng, cứ thế mà giữ kín những gì quan trọng nhất với họ. 

Ông chưa bao giờ mê những trò mưu mẹo. Nhưng ông thích biết các bí mật, vì không biết đồng nghĩa với việc bỏ lỡ hầu như mọi thứ. Ông đã học cách không bao giờ tiết lộ điều gì, thậm chí không ra bất cứ dấu hiệu xác nhận nào vào khoảnh khắc mọi thứ được hé cho mình, làm như thể tất cả chỉ là xã giao. Những đàn ông và phụ nữ trong các salon văn chương của Paris di chuyển như những người chơi trò chơi của biết và không, ngụy trang và vờ vĩnh. Ông đã học mọi thứ từ họ.

Ông tìm cho princess một chỗ để ngồi, mang thêm gối tựa cho bà, rồi lại mời bà ngồi một ghế khác, một chaise longue có lẽ sẽ thoải mái hơn. 

“Ở tuổi tôi” - bà mỉm cười với ông - “chẳng gì có thể thoải mái nữa.”

Ông dừng đi lại quanh phòng và quay lại nhìn bà. Ông đã nhận ra rằng khi ông ghim đôi mắt xám điềm tĩnh của mình lên ai, họ cũng sẽ trở nên điềm tĩnh; họ nhận ra, ít nhất ông nghĩ vậy, rằng những gì họ chuẩn bị nói sẽ là nghiêm túc, và thời gian cho những vờ vĩnh ơ hờ đã qua. 

“Tôi phải quay về Nga,” bà nói bằng thứ tiếng Pháp chậm rãi, từng chữ phát âm cẩn trọng. “Việc tôi phải làm. Tôi nói quay về như thể tôi đã từng ở đó, và đúng, đã từng, nhưng không phải theo bất cứ cách nào có ý nghĩa với tôi. Tôi chẳng ham thấy lại Nga lần nữa, nhưng ông ấy cứ khăng khăng bắt tôi phải ở đó và rời hẳn Pháp.”

Bà vừa nói vừa mỉm cười, luôn luôn là thế, nhưng lần này khuôn mặt bà đau đớn và hoang mang. Bà đã mang quá khứ theo vào phòng và với ông, những năm này, sau cái chết của cha mẹ và em gái, bất kỳ gợi nhắc nào về thời kỳ đã qua luôn mang theo sự u buồn trĩu nặng. Thời gian không khoan nhượng, và khi còn trẻ, ông chưa từng tưởng tượng được nỗi đau mà mất mát sẽ gây ra, nỗi đau mà chỉ công việc và giấc ngủ mới có thể đẩy lui chốc lát. 

Giọng nói dịu dàng và cử chỉ khoan thai ấy cho thấy bà đã chẳng hề thay đổi. Người ta nói chồng bà xử tệ với bà. Ông ta có vấn đề với đất đai. Bà đã bắt đầu nói về một điền trang xa xôi nào đó, nơi bà sắp phải lưu đày. 

Ánh sáng tháng Giêng như dòng lụa chảy khắp phòng. Ông ngồi yên nghe. Ông biết Prince Oblinsky đã để lại cậu con trai của cuộc hôn nhân đầu ở Nga và dành phần lớn đời mình ở Paris, không mấy thích thú. Luôn có những âm mưu chính trị bốc mù quanh ông ta, cảm giác rằng, bằng cách nào đó, ông ta sẽ tham gia vào tương lai của nước Nga và chỉ đang đợi thời điểm của mình.

“Chồng tôi nói rằng đã đến lúc tất cả chúng tôi phải trở về Nga, tổ quốc. Ông ấy đã trở thành một nhà cải cách. Ông ấy bảo nước Nga sẽ sụp đổ nếu không cải cách. Tôi nói với ông ấy nước Nga đã sụp đổ lâu rồi, nhưng tôi không nhắc ông ấy rằng khi chưa mắc nợ, ông ấy có quan tâm gì đến cải cách đâu. Gia đình người vợ đầu của ông ấy đã nuôi dạy đứa trẻ và họ không muốn dính dáng gì đến ông ấy nữa.”

Anh Hoa dịch

nhật ký & chân dung

Cioran, Beckett, Borges

Vòng tròn Dương Nghiễm Mậu

Dostoievski: Nhật ký

Bỉ tính của Michaux

Pietro Citati: Vẽ một phụ nữ

James và Stevenson

Leopardi đi khỏi

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công