Bi kịch từ Lỗi (phần cuối)
Lúc này họ đã tới tận cùng con đê lớn chắn sóng, đặt điểm kết cho ranh giới của phía trong cảng bằng một ngọn hải đăng. Mặt trời đã xuống.
“Tới hải đăng rồi, trời đang tối dần. Ta quay lại chứ?”
Hortense đứng một chốc từ chỗ của mình, nhìn ra biển. “Vâng,” cuối cùng nàng nói, “anh có thể quay thuyền -chậm thôi.” Khi con thuyền đã quay đầu, nàng ngồi lại chỗ cũ, đặt một bàn tay qua mạn thuyền, để nó rẽ nước khi họ tiến lên, mắt dõi vào những gợn sóng dài.
Sau cùng, nàng ngước nhìn đồng bạn. Giờ, khi gương mặt nàng bắt lấy vài tia sáng nấn ná từ hướng Tây, gã thấy nó tái nhợt như chết.
“Anh thấy khó sống ở đời này,” nàng nói, “tôi sẽ rất vui được giúp anh.”
Gã đàn ông giật thót, nhìn dán vào nàng một khắc. Là vì nhận định ấy giáng một đòn vào biểu tình trong mắt nàng, mà gã lờ mờ nhận ra? Tiếp đó, gã đưa tay lên mũ.
“Madame thật tốt quá. Bà sẽ làm gì?”
Madame Bernier đáp lại cái nhìn của gã.
“Tôi sẽ tin cậy anh.”
“A!”
“Và tưởng thưởng anh.”
“A? Madame có chút việc cho tôi?”
“Có chút việc,” Hortense gật đầu.
Gã không nói lời nào, xem chừng đang đợi nghe giải thích. Gương mặt gã đeo biểu cảm của một nỗi bực bội lưng chừng mà những bản tính thấp kém vẫn thấy khi lâm vào bối rối.
“Anh có phải người bạo không?”
Dường như ánh sáng đã rọi vào câu hỏi này. Sự giãn ra nhanh chóng các nét trên mặt gã là lời đáp. Với một kẻ hạ cấp, ta không thể chạm tới vài chủ đề nhất định mà không hy sinh thanh ba ri e ngăn giữa ta và hắn. Có những ý nghĩ, xúc cảm, những cái liếc nhìn và những điềm báo của suy nghĩ san bằng mọi khập khiễng về cấp bậc.
“Tôi đủ bạo,” tay lái thuyền nói, “cho bất cứ việc gì bà muốn tôi làm.”
“Bạo đến mức phạm tội chứ?”
“Không, nếu không công.”
“Nếu tôi đòi anh phạm tới bình an của tâm trí, hay mạo hiểm sự an toàn của bản thân vì tôi, chắc chắn tôi sẽ không nhờ suông. Phần tôi, mỗi phân lượng đè nặng lương tâm anh, tôi sẽ trả gấp mười như thế - bằng vàng.”
Gã đàn ông nhìn xói vào nàng, thật lâu, trong ánh chiều leo lắt.
“Tôi biết bà muốn tôi làm gì,” cuối cùng gã cất tiếng.
“Rất tốt. Vậy anh có làm không?”
Gã nhìn không rời mắt. Nàng đón ánh mắt gã, như một phụ nữ chẳng còn gì cần che đậy thêm.
“Trình bày ca của bà đi.”
“Anh có biết một con tàu tên Armorique, tàu hơi nước?”
“Có, nó chạy từ Southampton.”
“Sớm mai tàu sẽ đến đây. Liệu nó có qua được doi cát ngầm không?”
“Không, phải đến trưa.”
“Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi đợi một người trên tàu đó - một người đàn ông.”
Madame Bernier dường như không tài nào tiếp tục, như thể giọng nàng đã kiệt.
“Thì, thì?”
“Ông ấy là người” - một lần nữa, nàng ngưng bặt.
“Người…?”
“Người tôi muốn rũ khỏi.”
Vài khoảnh khắc trôi đi, không có thêm một lời. Gã lái đò hồi lại trước.
“Bà có kế hoạch chưa?”
Hortense gật.
“Nghe xem.”
“Người này,” Madame Bernier nói, “sẽ không chờ nổi tới khi tàu cập cảng, trước buổi trưa. Ngôi nhà người đó quay về sẽ ở trong tầm nhìn từ con tàu nếu, như các ông nói, nó thả neo. Nếu kiếm được thuyền, người đó chắc chắn sẽ vào bờ. Eh bien! - nhưng anh hiểu điều tôi nói đấy.”
“Aha! Ý bà là thuyền của tôi - con thuyền này?”
“Ôi Chúa!”
Từ chỗ ngồi, Madame Bernier bật phắt dậy, tay vung lên, rồi lại sụm xuống, chôn mặt giữa hai đầu gối. Đồng bạn của nàng vội vã thu mái chèo, và đặt tay lên đôi vai nàng.
“Allons donc, nhân danh quỷ dữ, đừng có mà suy sụp,” gã nói; “chúng ta sẽ đạt chung nhận thức thôi.”
Quỳ trong lòng con thuyền, đỡ nàng bằng đôi tay, gã làm được cho nàng nhỏm dậy, dẫu đầu nàng vẫn cúi gằm.
“Bà muốn tôi kết liễu ông ta trên thuyền?”
Không lời đáp.
“Ông ta đã già?”
Hortense hơi lắc đầu.
“Tầm tuổi tôi?”
Gật.
“Sapristi! Không dễ rồi.”
“Người đó không biết bơi,” Hortense nói mà không ngẩng đầu lên; “người đó - người đó tàn tật.”
“Nom de Dieu!” Gã lái đò buông thõng tay. Hortense mau chóng ngước nhìn. Bạn có thấy một vở kịch câm?
Sau cùng, gã nói thêm, “không sao, đó sẽ là một dấu hiệu.”
“Mais oui. Thêm nữa, người đó sẽ bảo anh đưa tới Nhà Bernier, ngôi nhà quay lưng ra biển, trên phần nối dài của ke lớn. Tenez, anh gần như có thể thấy nó từ đây.”
“Tôi biết chỗ ấy,” gã lái đò nói, rồi im, như thể tự hỏi và rồi tự trả lời một điều gì.
Hortense đang định ngắt ngang dòng suy nghĩ mà nàng hiểu gã đang theo, thì gã cướp lời.
“Tôi được bảo đảm về phi vụ này thế nào đây?”
“Về phần thưởng của anh? Tôi nghĩ rồi. Cái đồng hồ này là vật làm tin cho những gì tôi có thể và vui lòng cho anh, sau đó. Số ngọc trai trên viền trị giá hai ngàn franc.”
“Il faut fixer la somme[Cần phải thỏa thuận món tiền],” gã nói, không động vào chiếc đồng hồ.
“Điều ấy tùy anh.”
“Tốt. Bà biết tôi có quyền đòi một mức giá cao.”
“Tất nhiên. Ra giá đi.”
“Chỉ duy giả định về một khoản lớn mới hòng khiến tôi cân nhắc đề nghị của bà. Songez donc [Nghĩ mà xem], bà đòi tôi giết người đấy.”
“Giá… giá?”
“Tenez,” gã tiếp, “việc khuất tất luôn có giá cao. Ngọc trai trên cái đồng hồ đó đắt vì người ta phải đổi mạng mới mò được. Bà muốn tôi làm kẻ mò ngọc cho bà. Được thôi. Bà phải đảm bảo cho tôi bậc xuống an toàn - một bậc thang xuống, bà biết đấy - ha! - bà phải trang bị cho tôi áo giáp bảo hộ; một khe để thở khi tôi tiến hành công việc - ý nghĩ về một vựa đầy ắp đồng Napoléon!”
“Anh bạn tốt, tôi không có nhu cầu nói chuyện với anh, hay nghe anh đùa cợt. Tôi chỉ muốn biết giá anh nêu. Tôi không mặc cả lấy đôi con gà. Ra con số đi.”
Lúc này, gã lái đò đã về chỗ và tiếp tục khua chèo. Thật chậm, thật dài, gã vươn mình tới, mặt kề sát vào ả hồ ly của gã. Trong tư thế này, người gã rướn về phía trước, mắt dán chặt vào gương mặt Madame Bernier; gã cứ giữ như vậy suốt vài giây. Phước cho ý đồ của Hortense khi ấy, có lẽ - từ trước, điều này vẫn thường trợ giúp những mục đích của nàng - rằng nàng là một phụ nữ đẹp[1]. Một khuôn mặt nhạt nhòa biết đâu đã nhấn rõ bản chất đáng khinh tột đỉnh của cuộc thương lượng này. Bỗng, bằng một cử động giật và mau, gã đàn ông hoàn tất cú đánh.
“Pas si bête[Cũng không ngu]*! *Chính bà đề xuất đi.”
“Rất tốt, nếu anh muốn. Voyons: Tôi sẽ cho anh cái gì tôi cho được. Tôi có trang sức trị giá mười lăm ngàn franc. Tôi sẽ cho anh cái đó, hoặc, nếu những thứ ấy khiến anh gặp rắc rối, thì giá trị tương đương. Tôi có một ngàn đồng franc vàng ở nhà, trong một chiếc hộp. Anh sẽ có chúng. Tôi sẽ trả chi phí đi lại và trang bị để anh tới Mỹ. Tôi có bạn ở New York. Tôi sẽ viết thư cho họ để anh có việc làm.”
“Và bà sẽ cho mẹ với em tôi việc giặt giũ, hein? Ha! ha! Trang sức, mười lăm ngàn franc; một ngàn nữa là mười sáu; lộ phí đi Mỹ - tàu xe hạng nhất - năm ngàn franc; còn trang bị - Madame hiểu cái đó ra sao?”
“Tất tật những gì cần cho thành công của anh là-bas.”
“Văn bằng phủ nhận rằng tôi là một sát thủ? Ma foi, không xóa cái ấn tượng ấy lại tốt hơn. Nó từng giúp tôi ra trò, ít nhất ở bên này đại dương. Chốt là hai mươi lăm ngàn franc.”
“Rất tốt; nhưng không thêm xu nào nữa.”
“Tôi tin bà được chứ?”
“Lẽ nào tôi đang không tin anh? Tốt cho anh, là tôi không cho phép mình nghĩ về cú liều lĩnh tôi đang dấn vào.”
“Chắc chúng ta huề nhau, ở điểm ấy. Tôi và bà, không ai kham nổi việc tính tới một số khả năng. Dẫu sao, tôi cũng sẽ tin bà… Tiens!” gã nói thêm, “ta về gần kè rồi.” Rồi với một cái chạm làm bộ nghiêm trang lên vành lưỡi trai trên mũ, “Madame vẫn viếng thăm nghĩa trang chứ ạ?”
“Thôi, mau lên, để tôi xuống,” Madame Bernier sốt ruột nói.
“Ta đã ở cùng với người chết, theo lối nào đó,” gã lái đò khảng khăng, trong lúc chìa tay cho nàng.
III.
Khi Madame Bernier về tới nhà, đã quá tám giờ tối.
“Ngài de Meyrau có tới đây không?” nàng hỏi Josephine.
“Có, thưa bà; khi biết Madame đã ra ngoài, ông ấy để lại lời nhắn, chez monsieur.”
Trong thư phòng cũ của chồng nàng, Hortense thấy một lá thư niêm kín trên bàn. Nội dung như sau:
"Anh bơ vơ không sao tìm thấy em. Anh có lời muốn nói cùng em. Anh đã nhận lời mời dự bữa khuya và qua đêm tại C., anh cho là trông vào sẽ ổn. Với cùng lý do ấy, anh đã quyết túm lấy sừng bò tót, và khi trở lại sẽ lên tàu để chào mừng ông Bernier về nhà - đặc quyền của một bạn cũ. Anh được biết tàu Amorique sẽ neo ngoài doi cát trước bình minh. Em nghĩ sao? Nhưng, quá muộn để cho anh hay rồi. Hãy tán thưởng savoir faire của anh nhé - dẫu sao, sau tất cả, em sẽ làm vậy mà. Em sẽ thấy, bằng cách nào, việc anh làm vỗ êm mọi sự."
“Điên rồi! điên rồi!” Madame rít lên, khi đọc xong lời nhắn; “Chúa mang con khỏi những thân hữu này!” Nàng rảo bước dọc ngang căn phòng đôi ba lần, và cuối cùng bắt đầu lẩm bẩm với chính mình, như người ta thường làm trong các thời khắc xúc cảm mãnh liệt: “Bah! Nhưng anh ấy sẽ chẳng bao giờ dậy nổi trước bình minh. Anh ấy sẽ ngủ quá giấc, nhất là sau bữa đêm nay. Người kia sẽ tới trước. Ôi, cái đầu thảm thương của tôi, mày đã chịu đựng quá nhiều để thất bại ở đoạn chót rồi.”
Josephine lại lên xin hầu bà chủ thay đồ. Bà chủ của cô, trong cơn khao khát tự trấn an, hỏi câu đầu tiên nảy ra trong óc.
“Ngài Vicomte [tử tước] tới một mình à?”
“Không, thưa bà; một quý ông khác đi cùng ngài ấy - Ngài de Saulges, em nghĩ vậy. Họ ngồi xe tới, mang hai túi hành lý.”
Dẫu nỗi sợ bị phóng đại về việc chờm chân lên mảnh đất của hư cấu thường khiến tôi, bấy lâu nay, đắn đo hết mực để kể các bạn nghe những điều quý bà tội nghiệp nói và làm thay vì những điều nàng nghĩ, tôi có thể tiết lộ điều đang hiện ra trong tâm trí nàng lúc này đây:
“Anh ta là một tên hèn ư? Lẽ nào anh ta định bỏ mình? Hay anh chỉ đơn giản dành những giờ cuối này để chơi và uống? Anh ấy đã có thể ở bên mình. A! bạn ơi, anh đã vì em thực ít, trong khi em làm bao điều cho anh; em, người phạm tội sát nhân, và - Trời giúp tôi! - tự sát vì anh!.. Nhưng mình cho là anh ấy biết hơn cả. Dẫu thế nào, anh ấy sẽ tha hồ cả tối nay.”
Tối muộn, khi chị bếp tới, Josephine đã đợi sẵn và nói: “Chị không biết trông Madame bây giờ thế nào đâu. Bà ấy đã già đi mười tuổi, kể từ sáng nay. Đức mẹ hỡi! một ngày khủng khiếp với bà ấy xiết bao!”
“Đợi đến mai đi,” Valentine bí hiểm nói.
Lát sau, khi hai cô lên giường trên gác xép, họ thấy một luồng sáng dưới cửa phòng Hortense, và suốt đêm, Josephine, ở ngay trên phòng Madame, chẳng tài nào ngủ được (vì cảm thông, ta cứ cho vậy), nghe những chuyển động ở tầng dưới, dấu hiệu cho biết bà chủ của cô còn thao thức hơn nhiều.
IV.
Rạng ngày hôm sau, khi tàu Armorique thả neo ngoài cảng H., nó gây ra một xáo động đáng kể xung quanh. Một quý ông, khoác áo bành tô, tay chống gậy và xách một va li bé tới tàu trên con thuyền đánh cá nhỏ, và rời thuyền lên tàu.
“Ông Bernier có đây không?” ông ta hỏi sĩ quan đầu tiên mình gặp.
“Tôi đoán ông ấy đã lên bờ rồi, thưa ông. Có một nhà đò tới tìm ông ấy mấy phút trước, tôi nghĩ anh ta đã đưa ông ấy đi.”
Ngài de Meyrau suy tư thoáng chốc. Thế rồi ông ta băng sang phía bên kia tàu, nhìn về đất liền. Dựa vào thành tàu, ông ta thấy một con thuyền trống lướt tới cái thang thả dọc mạn tàu.
“Thuyền ấy từ thị trấn tới, phải không?” ông ta hỏi một người trong mấy người khuân vác đứng bên.
“Vâng, thưa ông.”
“Chủ thuyền đâu?”
“Tôi nghĩ ông ấy sắp lên đây ngay. Tôi vừa thấy ông ấy nói chuyện với một sĩ quan.”
De Meyrau xuống thang, ngồi vào phía đuôi thuyền. Khi người thủy thủ ông ta vừa hỏi chuyện đang chuyển túi xách của ông ta xuống, một gương mặt dưới mũ lưỡi trai đỏ nhìn qua thành tàu.
“Chào anh bạn!” De Meyrau cao giọng, “thuyền của anh đây à?”
“Vâng, thưa ngài, xin sẵn sàng phục vụ,” gã mũ đỏ đáp lời, đứng trên bậc thang cao nhất, nhìn chằm chặp vào cây gậy và túi hành lý của người đàn ông.
“Anh đưa tôi vào thị trấn, tới nhà Madame Bernier, ở cuối ke mới có được không?”
“Tất nhiên rồi, thưa ngài,” gã lái đò nói, thoăn thoắt xuống thang, “ông chính là người tôi cần.”
Một tiếng sau, Hortense Bernier ra khỏi nhà, và khởi sự thả bộ chậm rãi qua khu vườn, về phía terrace trông ra biển. Những người hầu, xuống nhà lúc sáng sớm, đã thấy nàng thức dậy, chải chuốt xong xuôi, hay đúng hơn, dường như đã không hề thay đồ, bởi nàng mặc y nguyên trang phục từ tối hôm trước.
“Tiens!” Josephine bật thốt, khi thấy bà chủ, “hôm qua Madame già thêm mười tuổi; qua một đêm, lại thêm mười tuổi nữa.”
Khi Madame Bernier tới giữa khu vườn, nàng khựng lại, đứng đó bất động một khắc, lắng tai nghe. Kế tiếp, nàng bật ra một tiếng rú kinh hoàng. Bởi, nàng thấy một dáng hình hiện ra từ dưới terrace, và khập khiễng tiến về phía nàng với đôi tay dang rộng.
Chi Quân dịch
[1] Tôi được nghe, nụ cười nàng là vô phương kháng cự; và rằng nàng có thể sai khiến, trong những lúc đau thương, một ánh nhìn tuyệt vọng khiến trái tim thô bạo nhất đồng tình và trái tim thiện lương nhất thuận theo cái động cơ tàn độc. (Đây là chú thích của tác giả trong nguyên bản đăng trên Continental Monthly, Vol.5 , là một phần của văn bản.)