Một gã đàn ông, đội mũ thủy thủ bằng len đỏ, ngồi trên bậc cấp đầu tiên, phì phèo cái tẩu ngắn và nhìn ra mặt nước. Tình cờ gã quay đầu, bắt gặp một thằng bé tất tả chạy dọc bờ ke về một túp lều dơ bẩn gần đó, tay ôm một chiếc bình.
“Ê, nhãi con!” gã đàn ông thét; “mày có thứ gì thế? Lại đây.”
Đứa trẻ ngoái nhìn, nhưng, thay vì vâng lời, nó càng rảo bước hơn.
“Quỷ tha ma bắt mày đi, lại đây!” gã đàn ông lặp lại, giận dữ, “hoặc tao sẽ bẻ cổ thằng ăn xin nhà mày. Mày không nghe cả lời cậu mày đấy, hả?”
Thằng bé dừng chân, ủ rũ tiến về phía ông cậu, ngoái cổ vài lần về phía căn nhà, như để kháng cáo lên một uy quyền đối kháng.
“Qua đây, mau!” gã đàn ông không buông tha, “hay tao phải ra xách cổ mày. Nhanh!”
Đứa trẻ bước lên năm, sáu bậc rồi đứng im, nhìn gã đàn ông với vẻ thận trọng, tay ôm chặt bình.
“Nào, thằng nhãi ăn mày, lại gần đây.”
Nhưng thằng bé im như thóc, và không nhúc nhích mảy may. Bỗng ông cậu tự phong của nó rướn lên, vung tay nắm lấy cổ tay gầy guộc cháy nắng của nó mà kéo về phía mình.
“Sao nghe gọi mà mày không qua?” gã hỏi, cánh tay rỗi lùa vào mớ tóc bù xù của đứa trẻ, rung lắc đầu nó tới khi thằng bé lảo đảo. “Sao mày không qua, thằng chó con vô lễ này, hả? hả? hả?” mỗi câu tra khảo lại kèm theo một cú lắc mới.
Đứa bé ngậm tăm. Nó chỉ cố, đầy vô ích, giằng cổ khỏi gọng kìm của gã đàn ông, và truyền về phía nhà một lời gọi cứu cấp.
“Nào, thẳng đầu lên. Nhìn tao, trả lời. Trong bình có gì thế? Đừng có mà nói dối.”
“Sữa.”
“Cho ai?”
“Bà.”
“Kệ thây bà mày.”
Gã buông tay, nhấc cái bình khỏi vòng ôm mảnh khảnh của đứa bé, nghiêng nó về phía ánh sáng mà xem kỹ thứ bên trong, bưng lên môi uống sạch. Đứa trẻ, dù đã được giải phóng, không thoái lui. Nó đứng xem ông cậu uống tới khi gã buông bình. Thế rồi, khi gã nhìn vào mắt nó, nó mới bảo:
“Sữa là cho em bé.”
Gã đàn ông phân vân trong thoáng chốc. Nhưng thằng bé dường như đã thấy trước cơn điên của gia trưởng: nó vọt ra sau và ù té chạy, vừa kịp né thoát chiếc bình bị gã đàn ông phi tới, vỡ loảng xoảng dưới gót chân. Khi thằng bé khuất dạng, gã đàn ông lại quay mặt về sông và, thay vì cắn tẩu, cau có, lầm bầm một câu gì đó, vào tai Madame Bernier, thật giống như… “ước gì đứa bé chết sặc.”
Hortense im tiếng quan khán vở kịch nhỏ. Kịch hết, nàng quay bước, đi chừng hai chục thước, tay ôm lấy đầu. Thế rồi, nàng lại đi một mạch về sau, và gọi gã đàn ông.
“Này ông,” giọng nàng êm ái, “ông là chủ một trong những chiếc thuyền này phải không?”
Gã ngước nhìn nàng. Tức khắc, tẩu rời môi, thay vào đó là một cái cười toét rộng. Gã đứng lên, tay đặt trên mũ.
“Vâng, thưa bà, xin sẵn lòng phục vụ.”
“Ông đưa tôi sang bờ bên kia được chăng?”
“Bà không cần đi thuyền; cầu đang đóng,” một chiến hữu của gã dưới chân thang nhìn qua và nói.
“Tôi biết, nhưng tôi muốn tới nghĩa trang, và đi thuyền thì đỡ phải cuốc bộ nửa dặm đường.”
“Giờ này nghĩa trang đóng cửa rồi.”
“Allons, để bà ấy yên,” gã mà nàng gọi lên tiếng.
“Lối này, thưa bà.”
Hortense an vị ở đuôi thuyền. Gã đàn ông cầm chèo.
“Thẳng sang ngang ư?” gã hỏi
Hortense nhìn quanh. “Tối nay đẹp trời; hay ông cứ chèo tới hải đăng, rồi cho tôi xuống ở điểm nào gần nghĩa trang nhất, trên đường về.”
“Được thôi,” người lái đò mau chóng tiếp lời; “mười lăm xu,” rồi mạnh mẽ khua mái chèo.
“Allez, tôi sẽ trả anh ra trò.”
“Giá đi đò mười lăm xu,” gã đàn ông nhắc lại.
“Chuyến đò dễ chịu, tôi sẽ trả anh cả trăm,” Hortense đáp.
Người kia không nói thêm. Hiển nhiên, gã muốn tỏ vẻ không nghe thấy gợi ý của nàng. Im lặng hẳn là thái độ đáng trọng nhất, khi nhận được một lời hứa rộng rãi tới mức chỉ có thể là một trò đùa.
Một quãng lặng im, chỉ bị đánh vỡ bởi tiếng khua chèo róc rách, âm thanh từ bờ sông và thuyền bè. Madame Bernier mải nhìn kỹ mặt bên của gã lái đò. Gã chừng ba lăm tuổi, mặt mũi cương ngạnh, cục súc, cau có. Những biểu hiện ấy hình như bị cái đều đều tẻ nhạt trong công việc của gã phóng đại. Đôi mắt không còn ánh lên tinh quái như khi gã chào mời một cách empressé [sốt sắng]. Mặt gã lúc đó khá hơn - nếu hiểu là, bất nghĩa còn hơn vô tri. Ta nói khuôn diện một người được “thắp sáng” nhờ nụ cười; và quả tình ánh lửa chớp lên ấy có ích như ngọn nến giữa căn phòng tối. Nó rải một tia sáng lên lớp ngoài u tối của tâm hồn chúng ta. Bộ mặt người nghèo, nhìn chung, quanh đi quẩn lại vài dạng. Phần đa nhân loại chỉ giắt lưng nhõn một biến đổi về biểu cảm, hay, đúng hơn, một biểu cảm duy nhất. À! Những khuôn mặt hoặc trần trụi hoặc nhàu nhã; những khuôn mặt mà quãng nghỉ là đờ đẫn, còn khi động thì độc địa; tồi tệ nhất là vô tri, tử tế nhất là đồi bại!
“Đừng chèo vất quá,” sau rốt Hortense cất lời. “Anh ngơi một chút không hơn ư?”
“Bà thực tốt bụng,” gã đàn ông tì lên mái chèo. “Nhưng nếu bà đã thuê tôi một tiếng,” gã nói thêm, cái cười nham nhở đã quay lại, “bà sẽ không thấy tôi câu giờ đâu.”
“Chắc anh rất chịu khó làm ăn.”
Gã vung nhẹ đầu, chừng để biểu đạt rằng sự bất cập trong mọi giả định hòng ước đoán lượng công việc của gã.
“Sáng nay tôi thức dậy từ bốn giờ, đẩy hết thùng này kiện nọ trên ke, chèo thuyền đi đi về về. Mồ hôi vã vượi mà chả có lấy năm phút xả hơi. C’est comme ça [Thế đấy]. Đôi lúc tôi bảo thằng bạn, hay là nhảy ùm xuống bể cho khô người. Ha! Ha! Ha!”
“Và dĩ nhiên chẳng kiếm được là bao.”
“Ít đến tàn tệ. Chỉ đủ nuôi thân cho cơn đói cắn nuốt.”
“Sao thế? Anh không đủ lương thực thiết yếu à?”
“Thiết yếu là từ co giãn lắm đấy, thưa bà. Bà có thể thu hẹp nó lại, chỉ cần trên mức không gì cả đã là xa xỉ rồi. Lương thực thiết yếu của tôi có khi là không khí. Nếu tôi không thiếu chúng, thì đấy là bởi muốn thiếu cũng chả được.”
“Bất hạnh đến thế được ư?”
“Tôi có nên cho bà biết tôi đã ăn gì hôm nay?”
“Nói đi.”
“Một mẩu bánh mì đen, một con cá trích muối, đó là tất cả những gì vào miệng tôi suốt mười hai tiếng qua.”
“Sao anh không kiếm việc tốt hơn?”
“Nếu đêm nay tôi chết,” gã lái đò nói, không bận tâm tới câu hỏi, với thái độ của kẻ đang đà thương thân, tới mức lướt qua những cờ hiệu của sự giải thoát, “còn gì để chôn tôi được đây? Quần áo tôi mặc trên người có thể đủ tiền áo quan. Bán bộ vét-tông sờn rách, mà tôi mặc chưa đến một năm này, lại mua được cái áo nghìn năm không hỏng. La bonne idee! [Ý hay]”
“Sao anh không kiếm việc gì trả cao hơn?” Hortense lặp lại.
Gã nhấn mái chèo.
“Việc trả cao hơn? Tôi phải làm việc để có việc. Việc cũng phải kiếm. Có việc mới có lương. Món lớn nhất trong thu nhập đêm thứ Bảy là hứa hẹn công ăn việc làm tuần tiếp theo. Năm chục thùng phuy lăn từ tàu vào kho có hai nghĩa: ba mươi xu, và năm mươi thùng để chuyển ngày hôm sau. Một phát bươm tay trẹo vai, là hai mươi franc vào túi dược sĩ và bon jour việc làm ăn của tôi.”
“Anh lấy vợ chưa?”
“Không, xin cảm ơn. Tôi không bị cái phúc ấy rủa. Nhưng tôi có một bà mẹ già, một con em, ba thằng cháu, tất tật đều trông vào tôi kiếm cơm. Mẹ thì quá già, em thì quá lười, bọn oắt thì quá bé, để làm lụng. Nhưng chẳng mống nào vì già quá hay nhỏ quá mà không biết đói, allez. Tôi mà không nuôi cả nhà như cha, thì tôi đi đầu xuống đất.”
Một quãng lặng thinh khi gã đàn ông quay lại khua chèo. Madame Bernier ngồi im phăng phắc, tiếp tục đánh giá tướng mạo người cùng thuyền. Tịch dương rọi đẫm mặt gã, phủ lấy nó bằng quầng sáng rờ rợ. Đường nét của nàng sẫm dần trên nền trời phía Tây, những biến chuyển trên nét mặt trở nên khó bề trông rõ trong mắt kẻ cùng thuyền.
“Sao anh không rời khỏi đây?” cuối cùng, nàng hỏi.
“Rời đi! Bằng cách nào?” gã ngước nhìn với vẻ thèm muốn lồ lộ mà những người thuộc tầng lớp gã trưng ra khi đón một đề nghị dính tới lợi ích, tính cả những đề xuất hảo tâm nhất mà kinh nghiệm đã dạy họ thủ vững phần mình trong cuộc mặc cả, mang theo nỗi hăm hở đẫm nghi ngại. Đó là kiểu đề nghị duy nhất nàng cho họ được quen.
“Đi nơi khác đi,” Hortense bảo.
“Đâu, ví dụ xem!”
“Một nước khác… Mỹ.”
Gã bật cười lớn. Hứng thú của Madame Bernier với màn diễn ngũ quan gã rõ hơn nhiều so với nỗi khó ở thường đi kèm khi biết mình bị cười nhạo.
“Đúng là tâm cơ đàn bà! Nếu bà viết đơn xin nhà sẵn đồ sẵn đạc, là-bas[ở đó], thì tôi chẳng mơ gì hơn. Nhưng với tôi, không có chuyện nhảy cóc khi mù mờ. Mỹ và Algeria đều là những từ hay ho để nhét vào cái bụng rỗng khi ta đang thẩn thơ sưởi nắng, không việc làm, y như nhồi thuốc vào tẩu rồi nhả khói lượn quanh đầu. Nhưng mấy từ ấy phai nhạt trước một miếng cốt-lết và một chai rượu. Khi nào trời trong, đất lành đến độ trông được sang Mỹ từ nơi này trở đi, thì tôi sẽ khăn gói lên đường. Trước đó thì khỏi.”
“Tức là, anh sợ đánh liều?”
“Tôi ấy à, tôi chả sợ gì sất. Nhưng tôi cũng đâu có ngu. Chưa chắc có giày, thì tôi không muốn đá đôi sabots[guốc] trên chân đi mất. Ở đây, tôi đi chân đất cũng được. Nơi nào sống được trên đất, thì tìm nước làm gì. Chứ Mỹ, tôi đã đến rồi.”
“A! Anh đến đó rồi ư?”
“Tôi từng tới Brazil, Mexico, California, và Tây Ấn.”
“A!”
“Tôi cũng tới cả châu Á rồi.”
“A!”
“Pardio, Trung Quốc và Ấn Độ. Ồ, tôi đã thấy thế giới! Tôi đã đi quanh mũi Cape ba lần.”
“Vậy anh từng là dân đi biển?”
“Vâng, thưa bà; mười bốn năm.”
“Trên tàu nào?”
“Chúa phù hộ bà, năm mươi con tàu.”
“Của Pháp?”
“Pháp, và Anh, và Tây Ban Nha; chủ yếu là Tây Ban Nha.”
“A?”
“Vâng, khi ấy tôi mới ngu làm sao.”
“Sao lại thế được?”
“Ôi, đó là đời chó. Tôi sẽ dìm chết bất cứ con chó nào giở đến nửa số trò bẩn tôi từng thấy.”
“Còn anh không nhúng tay bất cứ vụ nào?”
“Pardon, nhận gì trả đó. Tôi tử tế như bất cứ mọi gã Tây Ban Nha, mà cũng tàn độc không kém ai. Tôi mang dao khi ở cạnh những tay cừ nhất, rút dao nhanh, thọc dao sâu, không thua bất cứ kẻ nào. Nếu không phải quý bà đang ở trước mặt, tôi sẵn sàng cho xem sẹo trên mình. Nhưng tôi dám đảm bảo, trên thân cả chục thằng Tây Ban Nha, cũng có những vết sẹo tương đương.”
Hồi tưởng dường như truyền cho những nhát chèo của gã một sức lực mới. Một quãng lặng ngắn ngủi.
“Anh có nghĩ,” Madame Bernier nói, sau một hồi, “anh có nhớ… ý là, anh có nhớ được, liệu mình đã từng giết ai hay chưa?”
Mái chèo của gã lái đò thoáng ngơi. Gã liếc nhìn diện mạo nữ hành khách, vì chỗ ngồi mà trở nên khuất sáng, khó thấy biểu tình, một cái liếc sắc lẹm. Tông giọng tra hỏi của nàng để lộ nỗi hiếu kỳ đơn thuần, vơ vẩn. Gã ngần ngừ giây lát, rồi nhếch cười theo lối tỏ tường, xen lẫn thận trọng và ngờ vực, cái cười che giấu hoặc một giả định tội ác nhiều hơn sự thật, hoặc một chối bỏ tội lỗi về điều đã xảy ra.
“Mon Dieu![Chúa tôi]” gã nói và nhún vai thật mạnh, “câu hỏi ghê đấy!.. Tôi chưa bao giờ giết ai mà không có lý do.”
“Hẳn rồi.”
“Dẫu rằng, lý do ở Nam Mỹ thì, ma foi![trời ạ]” gã nói thêm, “không phải lý do ở đây.”
“Tôi đoán vậy. Lý do ở đó có thể là gì?”
“Ồ, nếu tôi giết kẻ nào ở Valparaiso - tôi không nói tôi đã làm thế, xin nhớ cho - thì đó là bởi dao của tôi ngập sâu hơn tôi tính.”
“Nhưng cớ gì lại phải động dao?”
“Tôi không xài dao. Nếu mà có, ắt cũng tại kẻ kia rút dao với tôi trước.”
“Vậy tại sao hắn làm thế?”
“Ventrebleu![Quỷ quái]Cớ thì đầy như thuyền trong cảng.”
“Ví dụ?”
“Thì, chẳng hạn tôi xí được chỗ trong công ty tàu biển, mà hắn đang nhăm nhe.”
“Những việc như vậy ư? Lẽ nào lại thế?”
“Ôi, cả những điều còn nhỏ hơn thế nữa. Chẳng hạn có ả nào đưa tôi chục cam mà ả đã hứa cho hắn.”
“Kỳ lạ!” Madame Bernier bật tiếng cười lanh lảnh. “Một kẻ hằm hè anh vì những việc kiểu ấy cứ thế tiến tới, đâm anh, và chẳng hề nghĩ gì ư?”
“Chính thế. Vừa xiên dao lút cán vào lưng tôi, vừa chửi thề, và năm phút sau có thể vừa dùng chính con dao ấy xẻ dưa hấu, vừa hát ngân nga.”
“Và khi ai đó sợ hãi, hổ nhục, hay vì lý do gì mà vô pháp tự thân báo thù, anh ta - hay cũng có thể, cô ta - liệu cô ta khiến ai khác làm việc ấy cho mình được chăng?”
“Parbleu! Bọn quỷ đói kiếm việc kiểu ấy đầy khắp dọc biển Nam Mỹ ngang đám commisionaires [chạy việc vặt] quanh góc phố ở ta.” Tay nhà đò ngạc nhiên thấy rõ trước sự ưa thích một quý bà bộc lộ với chủ đề xấu xa nhường này; nhưng trót, như ta thấy, sở hữu cái lưỡi hết sức hay chuyện, hẳn vẫn khoái hơn khi cả mình cả người đều lắng tai nghe mình nói. “Thế và ở đó, họ không bao giờ quên thù. Hôm nay không đâm, ngày khác sẽ đâm. Lòng căm hận của người Tây Ban Nha cũng giống giấc ngủ bị mất - cứ trì hoãn, nhưng sau cùng nó vẫn tóm được ta. Đám bất lương lúc nào cũng giữ lời chúng tự hứa… Có kẻ thù trên thuyền thì vui tưng bừng. Hệt lũ bò đực buộc cùng khoảnh đồng. Không tài nào đứng im dẫu chỉ nửa phút, trừ phi dựa tường. Dù hắn làm bạn với mình, mình cũng ngửi thấy mùi không ổn. Giỡn với hắn thì khác nào uống bằng cốc thiếc[1]. Ở đâu cũng vậy cả thôi. Thử để bóng mình lướt ngang lối một gã Tây Ban Nha xem, hắn sẽ luôn luôn thấy nó ở nguyên đấy. Nếu bà chưa từng sống ở đâu ngoài những thị trấn châu Âu khốn nạn tăm tắp như máy đồng hồ, bà chẳng thể tưởng tượng nổi đâu tình cảnh ở những cảng biển Nam Mỹ - nửa số người cư ngụ đón lõng nửa còn lại ở góc quanh. Nhưng ở đây, tôi thấy, cũng chả hơn là bao, một nơi ai cũng là gián điệp rình mò lẫn nhau. Nơi đó, mỗi ngã rẽ bà gặp một sát thủ, còn đây, một sergent de ville[nhân viên trị an]… Gì thì gì, quãng đời là*-*bas gợi cho tôi, hơn bất cứ điều gì, về việc lèo lái qua một kênh cạn, nơi ta chẳng biết sẽ va phải tảng đá ngầm nào. Kẻ nào cũng có với đồng bạn một món đợi trả, hệt như madame có với fournisseur [nhà cung ứng] của mình; và, ma foi, đó là những món duy nhất họ thanh toán. Chủ tàu tàu Santiago có thể trả đũa tôi, bất cứ khi nào, vì những cái tên tôi ọe vào ông ta sau khi ai đi đường nấy, chứ tiệt không phải lương của tôi.”
Theo sau màn phơi bày các đức tính của người Tây Ban Nha là một quãng dừng ngắn.
Rồi Hortense nối lại: “Vậy là, bản thân anh chưa từng tiễn ai khỏi thế gian này?”
“Ôi, que si! [có chứ]… Bà hãi à?”
“Không hề. Tôi biết việc ấy thường có thể được bào chữa.”
Gã đàn ông có một khắc im lặng, chừng ngạc nhiên, bởi điều tiếp theo gã thốt ra là:
“Madame là người Tây Ban Nha?”
“Trong chuyện đó, có lẽ.” Hortense đáp.
Thêm lần nữa, bạn đồng hành của nàng im bặt. Quãng nghỉ được nới dài. Bằng một câu hỏi, thể hiện nàng đang theo cùng dòng suy nghĩ, Madame Bernier phá vỡ nó.
“Ở đất nước này, chừng nào là đủ căn cứ để giết một người?”
Tiếng cười từ gã lái đò vang trên mặt nước. Hortense khép áo choàng chặt thêm quanh mình.
“Tôi e chẳng có đâu.”
“Không phải có quyền tự vệ hay sao?”
“Hẳn là có - đấy là thứ tôi phải biết ít nhiều. Nhưng ấy là thứ ces messieurs tại Tòa qua quít cho xong thôi.”
“Ở những nước Nam Mỹ, khi có kẻ khiến đời anh trở nên không sao sống nổi, thì anh làm gì?”
“Mon Dieu! Tôi đoán chừng ta giết hắn.”
“Thế ở Pháp?”
“Tôi đoán ta tự giết mình. Ha! ha! ha!”
(còn nữa)
Chi Quân dịch
[1] Trước kia, uống cốc thiếc được cho là không an toàn, do cốc bằng hợp kim thiếc trước thế kỷ 18 thường chứa chì, có thể tan lẫn vào chất lỏng trong cốc và gây ngộ độc.