favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

Bertrand Russell gặp Joseph Conrad

08/04/2025 17:31

từ Portraits from Memory and Other Essays, 1956

Joseph Conrad từng có nhiều cuộc gặp kỳ lạ với những người Anh, chẳng hạn như gặp John Galsworthy khi nhân vật ấy còn rất trẻ, trên một con tàu nơi Joseph Conrad là một sĩ quan (vào thời điểm ngay trước khi Joseph Conrad bỏ nghề đi biển, trở thành nhà văn); cuộc gặp sẽ dẫn đến một tình bạn lâu dài và có nhiều ý nghĩa với lịch sử văn chương.

Không ở mức thân thiết, nhưng Bertrand Russell - một nhân vật thuộc kiểu khác hẳn - cũng có với Joseph Conrad một số câu chuyện, được kể lại trong tiểu luận dưới đây, text ấy thể hiện cái nhìn sâu sắc của Russell vào một đối tượng hấp dẫn như vậy, tuy Russell đã nhầm về việc Joseph Conrad bị lãng quên.

 

Tôi quen Joseph Conrad vào tháng Chín năm 1913, thông qua người bạn chung của chúng tôi, Lady Ottoline Morrell. Dù đã nhiều năm ngưỡng mộ các tác phẩm của ông, tôi vẫn sẽ chẳng dám tìm cách làm quen nếu không có lời giới thiệu. Tôi đến thăm nhà ông gần Ashford, Kent, với tâm trạng vừa háo hức, vừa lo lắng. Ấn tượng đầu tiên của tôi là sự ngạc nhiên. Conrad nói tiếng Anh với âm sắc đậm đặc ngoại quốc, và không có gì trong cử chỉ của ông gợi lên hình ảnh một người đi biển. Ông là một quý tộc Ba Lan chính cống trên từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Tình cảm của ông dành cho biển cả và cho nước Anh là thứ tình yêu lãng mạn - một tình yêu từ khoảng cách đủ xa để giữ nguyên vẻ đẹp mộng mơ. Tình yêu biển đến với Conrad từ rất sớm. Khi chàng thanh niên Conrad bày tỏ mong muốn trở thành thủy thủ, cha mẹ khuyên ông gia nhập hải quân Áo. Nhưng chàng trai ấy một lòng khao khát những cuộc phiêu lưu, những vùng biển nhiệt đới và những dòng sông kỳ bí uốn quanh các bãi rừng thâm u - những thứ mà hải quân Áo chắc chắn không thể mang lại. Gia đình ông được một phen bàng hoàng khi con trai họ quyết định theo đuổi gia nhập đội thương thuyền Anh, nhưng ý chí của Conrad là thứ không thể nào lay chuyển được.

Như bất kỳ độc giả nào của ông cũng thấy, Conrad là một nhà đạo đức nghiêm túc đến mức khắc nghiệt, tư tưởng chính trị thì cách biệt vạn dặm với giới cách mạng. Đa phần các ý kiến giữa chúng tôi không tìm được đồng thuận, nhưng có một điểm căn cốt khiến chúng tôi đồng điệu một cách kỳ lạ.

Mối thân giữa tôi với Joseph Conrad không giống bất cứ mối quan hệ nào khác trong đời. Tôi và ông rất hiếm khi mới gặp, quãng quen biết cũng chẳng dài. Trong công việc thường nhật, chúng tôi hầu như xa lạ, nhưng lại có chung cái nhìn về nhân sinh và nhân mệnh, thứ từ đầu đã buộc chặt chúng tôi bằng sợi dây vô hình nhưng bền chắc hơn cả thép. Xin mạn phép dẫn lại một câu trong bức thư ông đã viết cho tôi ngay sau khi mới quen. Lẽ ra tôi đã không định làm điều ấy vì sợ tiếng khoe khoang, nếu chẳng phải bởi nó diễn đạt quá chính xác những gì tôi cảm nhận về ông. Như lời ông viết, cũng là điều mà tôi đồng cảm: “Một tình cảm hết mực trân quý, cho dù ngày mai anh có không bao giờ gặp lại tôi và quên bẵng sự tồn tại của tôi đi nữa, nó vẫn mãi mãi thuộc về anh usque ad finem.”

Trong số toàn bộ những gì ông từng viết, tôi mê nhất cái truyện kinh hoàng tên Heart of Darkness [đã có bản dịch tiếng Việt, Giữa lòng tăm tối], nơi một gã thanh niên đầy lý tưởng phát điên vì khiếp đảm trước rừng nhiệt đới và sự đơn độc giữa những người mọi rợ. Tôi nghĩ, câu chuyện ấy đã thể hiện thật là hoàn chỉnh triết lý sống của ông. Lúc nào tôi cũng cảm thấy, dầu chẳng biết ông có đồng tình không, rằng ông luôn luôn coi cuộc sống văn minh và đạo đức của loài người như bước đi chênh chao trên lớp vỏ dung nham vừa nguội, bất cứ lúc nào cũng có thể nứt toác ra, nuốt chửng ai khinh suất vào vực lửa cuồng nộ. Ông ý thức rõ mọi dạng điên loạn cuồng nhiệt mà con người dễ sa vào, và chính điều ấy khiến ông tin tưởng tuyệt đối vào kỷ luật. Có thể nói, quan điểm của ông đối lập hoàn toàn với Rousseau: “Con người sinh ra trong xiềng xích, nhưng anh ta có thể được tự do.” Tự do ấy, tôi tin Conrad sẽ nói, không đến từ việc sống buông tuồng theo bản năng, cũng không đến từ sự phóng túng và vô độ, mà đến từ việc biết giữ mình trước những thôi thúc ương ngạnh để hướng tới một mục đích chủ đạo nào đó.

Conrad không mấy quan tâm đến các thể chế chính trị, dù ông vẫn có những cảm giác chính trị mãnh liệt. Mạnh mẽ nhất là tình yêu nước Anh và sự thù địch với Nga - cả hai đều đã bộc lộ rõ trong Tay điệp viên [nhan đề gốc: The Secret Agent; FORMApubli sắp xuất bản tại Việt Nam]; riêng lòng căm ghét dành cho nước Nga, cả Sa hoàng lẫn các nhà cách mạng, thì đã được lột tả rất kịch liệt trong Dưới mắt phương Tây. Tinh thần bài Nga của ông là thứ gì đó rất Ba Lan. Nó sâu sắc tới mức ông không công nhận giá trị của cả Tolstoy lẫn Dostoevsky. Một lần nọ, ông bảo tôi, trong tất thảy tiểu thuyết gia người Nga, ông chỉ ngưỡng mộ mỗi Turgenev.

Bỏ qua tình yêu nước Anh và sự thù địch nước Nga, chuyện chính trị không mấy khi làm ông bận tâm. Điều làm ông day dứt là những tâm hồn lẻ loi khi giáp mặt với sự lãnh đạm của tạo hóa, cũng rất thường là sự thù địch của đồng loại, cùng cuộc giằng co giữa các ước vọng sâu trong tâm khảm, những ước vọng dầu có cao thượng hay thấp hèn đều dẫn tới cái đích hủy diệt. Bi kịch của sự cô độc chiếm phần lớn trong suy tư và xúc cảm của ông. Bão lớn [trong tập truyện cùng tên, đã được FORMApubli xuất bản] là truyện ngắn tiêu biểu nhất để chứng minh cho điều ấy. Ở đó, một vị thuyền trưởng thuần hậu đã đưa con tàu vượt bão bằng lòng dũng cảm vững vàng và ý chí sắt đá. Bão tan, ông viết một lá thư dài cho vợ thuật lại sự tình. Trong bức thư, ông mô tả về vai trò của bản thân mình hết sức đơn giản: ông chỉ làm tròn bổn phận thuyền trưởng theo kỳ vọng của tất thảy mọi người. Nhưng qua lời kể ấy, độc giả thấu hiểu tất cả những gì ông đã làm, đã đối phó và đã chịu đựng. Bức thư chưa kịp gửi thì bị viên steward trên tàu đọc lén, nhưng ngoại trừ anh này, chẳng còn ai đọc được dòng viết ấy nữa bởi vợ ông thấy tẻ nhạt và đã vứt bỏ bức thư còn nguyên trong bì.

Hai điều thường xuyên chiếm cứ trí tưởng tượng của Conrad là sự cô đơn và nỗi sợ cái lạ. An Outcast of the Islands [tức là phần tiếp theo cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Joseph Conrad, Almayer's Folly] Heart of Darkness thì đề cập đến nỗi sợ cái lạ. Đến Amy Foster [trong tập Bão lớn], hai điều ấy như quyện lại thành một câu chuyện xúc động đến phi thường. Truyện kể về một gã cùng đinh người Xlavơ miền Nam, kẻ duy nhất còn sống sau vụ đắm tàu và bị trôi dạt vào một khu làng thuộc vùng Kent. Cả làng đều ghê tởm và đối xử tệ bạc với anh ta, trừ Amy Foster - một cô gái tẻ nhạt, đơn thuần, người đã mang bánh mì cho anh khi anh sắp chết đói và về sau cưới anh làm chồng. Nhưng đến cả cô gái ấy, khi nghe chồng mình mê sảng bằng tiếng mẹ đẻ trong một trận ốm, cũng không thể tránh khỏi nỗi sợ hãi về sự xa lạ của anh, cô gái vội vã mang con cái trốn khỏi làng. Anh chàng chết trong cô đơn và tuyệt vọng. Đôi khi, tôi tự hỏi Conrad đã phải chịu bao nhiêu cô đơn giữa những người Anh giống cái người kia và nỗ lực ý chí để kìm nén nỗi cô đơn ấy trong ông phải mạnh mẽ tới mức nào.

Quan điểm của Conrad không hề hiện đại. Thế giới hiện đại sẽ chia ra hai kiểu triết lý: một, khởi nguồn từ Rousseau, chủ đích quét đi mọi kỷ luật vì cho nó là không cần thiết; cái còn lại, thứ mà hình thức căng tràn nhất của nó mang tên chủ nghĩa toàn trị, cho rằng tính kỷ luật về cơ bản là thứ được áp đặt từ bên ngoài vào. Conrad thì đi theo cách nhìn truyền thống hơn, cho rằng kỷ luật phải nên phát xuất từ bên trong. Ông khinh thường sự vô tắc và ghét bỏ thứ kỷ luật chỉ nổi ra bên ngoài.

Ở những điểm này, tôi thấy mình gần như đồng thuận với ông. Suốt buổi gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi nói chuyện với nhau miên mải, càng lúc lại càng thân mật hơn. Chúng tôi dường như đã lặn qua từng lớp vỏ bề mặt cho đến khi cả hai đều từ từ chạm đến thứ lửa ở trung tâm. Tôi chưa bao giờ có được trải nghiệm ấy. Chúng tôi nhìn vào mắt nhau, vừa thán ngạc vừa đắm say khi thấy mình ở một nơi như thế. Cảm xúc ấy mãnh liệt như tình yêu bồng cháy, nhưng đồng thời cũng tỏa khắp, phủ lên tất cả. Tôi bước đi trong bối rối, gần như chẳng thể nào trở lại với những thứ tầm thường của cuộc sống thường ngày.

Thời chiến cũng như quãng hậu chiến, tôi chẳng nghe gì về Conrad nữa cho đến một lần tôi từ Trung Quốc trở về vào năm 1921. Khi đứa con trai đầu lòng của tôi chào đời đúng cái năm đó, tôi mong muốn Conrad làm cha đỡ đầu cho thằng bé nhưng cũng không cần nghi thức trọng thị gì. Tôi viết thư cho Conrad: “Nếu anh cho phép, tôi xin đặt tên con trai mình là John Conrad. Cha tôi tên John, ông nội tôi tên John, cụ nội tôi cũng là John; còn Conrad, tôi chọn là vì thấy ấy mang thật nhiều ý nghĩa.” Ông nhận lời và theo phong tục, gửi tặng con tôi một chiếc cốc, vật phẩm truyền thống người ta vẫn tặng cho trẻ vào những dịp như thế.

Tôi không có dịp gặp mặt ông thường xuyên vì phần lớn thời gian tôi sống ở Cornwall, cộng thêm sức khỏe ông đang xuống. Nhưng tôi vẫn nhận được những bức thư hết sức ấm nồng từ ông, đặc biệt là một bức nói về cuốn sách tôi viết về Trung Quốc [Vấn đề Trung Quốc”, in 1922 sau thời kỳ Russell sống ở nước này dưới thời hỗn loạn sau phong trào Ngũ Tứ]. Ông viết:

“Tôi luôn có thiện cảm với người Trung Quốc, ngay cả những người cố giết tôi (và vài người khác) trước sân một ngôi nhà ở Chantabun, thậm chí (dù không thường lắm) cái tay đã trộm sạch tiền của tôi vào một đêm nọ ở Bangkok nhưng vẫn là bộ đồ của tôi cực kỳ tinh tươm để sáng hôm sau tôi mặc, xong xuôi mới biến mất vào miền thăm thẳm nước Xiêm. Không ít lần, tôi nhận được sự đối đãi rất chi là tử tế từ người Trung Quốc. Ngoài ra, tôi còn có một cuộc trò chuyện với Ngài Đại sứ Tăng [Tăng Kỷ Trạch] trên hành lang khách sạn cùng một lần học lấy lệ bài thơ ‘Người Trung Quốc ngoại đạo.’ Đó là tất cả những gì tôi biết về người Trung Quốc. Nhưng sau khi đọc quan điểm hết sức thú vị của anh về Vấn Đề Trung Quốc, tôi cảm thấy bi quan về tương lai đất nước họ.”

Ông tiếp tục nói rằng những nhận định của tôi về tương lai Trung Quốc “làm người ta rùng mình”, càng rùng mình hơn, ông nói, là ở chỗ tôi lại đặt niềm tin vào chủ nghĩa xã hội quốc tế - “Một thứ mà”, ông bình luận, “tôi không thể quy gán vào bất kỳ định nghĩa rõ ràng nào. Tôi chưa từng tìm thấy trong bất kỳ cuốn sách nào hay qua lời nói của bất kỳ ai đủ thuyết phục để chống lại cảm giác định mệnh thâm căn cố đế của tôi đang ngự trị lên thế giới loài người này.” Ông tiếp tục chuyển sang chuyện loài người đã chinh phục bầu trời, “Con người không bay như đại bàng mà bay như loài bọ cánh cứng. Và chắc chắn anh nhận ra sự bay của bọ cánh cứng xấu xí, lố bịch và dớ dẩn tới mức nào.” Trong những nhận xét đầy bi quan ấy, tôi cảm nhận được ông đã thể hiện một trí tuệ sâu sắc hơn muôn phần những gì tôi đã thể hiện trong những hy vọng có phần gương gạo của tôi về một kết cục tốt đẹp cho Trung Quốc. Phải thừa nhận rằng, cho tới nay, những thứ đang diễn ra đã chứng tỏ ông nói đúng.

Bức thư ấy là lần cuối cùng liên lạc giữa chúng tôi. Tôi không bao giờ gặp ông lại để trò chuyện nữa. Có một lần, tôi bắt gặp ông đang đứng bên kia đường say sưa trò chuyện với một người lạ mặt ngoài cổng Câu lạc bộ Nghệ thuật, chỗ trước kia từng là nhà của bà tôi. Tôi không muốn làm gián đoạn cuộc trò chuyện có vẻ nghiêm túc ấy nên đã bỏ đi. Khi ông qua đời không lâu sau đó, tôi mới thấy thật tiếc vì lúc ấy đã không can đảm hơn mà nhập hội.

Ngôi nhà giờ cũng không còn nữa, nó đã bị Hitler phá hủy. Tôi đoán Conrad cũng đang dần bị lãng quên. Nhưng trong ký ức tôi, sự thanh cao tót vời và đầy say mê ấy mãi sáng sủa trong tâm trí tôi như một vì sao lấp lánh nơi đáy giếng. Tôi ước có thể truyền lại ánh sáng ấy cho những người khác nữa, hệt như cái cách nó từng chiếu rọi vào tôi.

Bùi Gia Bin dịch

Joseph Conrad và Ford Madox Ford

Henry James và Edith Wharton

Paul Celan và Ingeborg Bachmann

James và Stevenson

Melville và James

James và Turgenev

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công