favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Annie Ernaux: Sự viết thì như một con dao

03/08/2024 15:36

Sau Ernaux thứ nhất (hết sức bất ngờ), Ernaux thứ hai bỗng vọt ra, bất ngờ không kém. Văn Bản hè này đã có ít nhất hai pha như vậy, chẳng hạn & chẳng hạn. Một sợi dây leo chao tới, có đu theo không (nghe cứ như trò Tarzan). Ngoài các ý nghĩa khác, đây còn là khởi đầu của một cái tên, để chào ở kia: Huỳnh Bất Thức. 

Sự viết thì như một con dao

Annie Ernaux trò chuyện cùng Frédéric-Yves Jeannet, L'Écriture comme un couteau, Stock, 2003. Giữa hai nhà văn, có sự trao đổi thư từ (correspondance) trong vòng nhiều năm - Jeannet sống ở Mỹ.

Trích đoạn từ cuộc trao đổi dài (dường như bất tận - như mọi sự trao đổi đúng nghĩa) ấy. In nghiêng là các câu hỏi của Frédéric-Yves Jeannet, còn lại là lời của Annie Ernaux.

[...] Bà có đồng ý với việc người ta chia [tác phẩm đã xuất bản của bà], nhằm nghiên cứu nó đúng như nó đã phát triển cho đến giờ, thành ba "vùng" phân biệt khá rõ: các tiểu thuyết (trong đó một phần lớn có tính cách tự truyện), các "câu chuyện tự thuật" (ngoặc kép ở đây muốn nói tính cách tương đối của những phân loại này) và cuối cùng là nhật ký [...]? Khi viết, bà có cảm thấy mình chuyển từ chặng này sang chặng khác, sự luân phiên của chúng hoặc sự cùng lúc của chúng?

Tôi có cảm giác lúc nào mình cũng đào cùng một cái hố, trong những gì tôi viết. Nhưng tôi công nhận là có các thức viết khác nhau. Trước tiên đã có hư cấu, như một điều hết sức tự nhiên, trong ba cuốn sách đầu tiên của tôi được in, chúng mang dòng chữ "tiểu thuyết" lúc xuất bản. Les armoires vides, Ce qu'ils disent ou rienLa Femme gelée. Rồi, một hình thức khác, xuất hiện với La place [trong tiếng Việt: "Một chỗ trong đời"], hẳn nó có thể được coi là "câu chuyện tự thuật" vì mọi sự hư cấu hóa các sự kiện đều bị gạt đi và vì, nếu tôi nhớ đúng, những sự kiện ấy đều là thật trong tất tật các chi tiết của chúng. Rốt cuộc "tôi" trong văn bản và cái tên viết trên bìa sách trỏ vào cùng một người. Nói ngắn gọn, các câu chuyện trong đó toàn bộ những gì mà người ta có thể kiểm tra bằng một cuộc điều tra cảnh sát, hay tiểu sử - hai cái đó thường là một! - đều chính xác cả. Nhưng cụm từ "câu chuyện tự thuật" không làm tôi thấy được thỏa mãn, vì nó không đủ. Nó nhấn mạnh một khía cạnh chắc chắn là nền tảng, một định hình của viết và đọc đối lập tận gốc rễ với định hình của tiểu thuyết gia, nhưng lại chẳng nói gì về tầm hướng tới của văn bản, sự xây dựng nó. Nghiêm trọng hơn, nó áp đặt một hình ảnh thu nhỏ đi: "tác giả nói về anh ta". Thế nhưng, La place, Une femme [trong tiếng Việt: "Một người phụ nữ"], La honte [trong tiếng Việt: "Nỗi nhục"] và một phần L'événement ["Sự kiện" - chưa có bản dịch tiếng Việt] ít có tính cách tự thuật hơn là tự thuật-xã hội học. Và Passion simple [trong tiếng Việt: "Cơn cuồng si"], L'occupation ["Bị chiếm"] là những phân tích trên thức phi nhân xưng về các dục vọng cá nhân. Theo một cách thức chung, các văn bản thuộc thời kỳ thứ hai này trước hết là những "khám phá", nơi vấn đề ít nằm ở chỗ nói lên "cái tôi" hay "tìm lại" nó hơn là để nó mất đi vào một thực tại rộng lớn hơn, một văn hóa, một điều kiện, một nỗi đau, v.v... Trong tương quan với hình thức tiểu thuyết hồi đầu của mình, tôi có cảm giác về một tự do to lớn và, lẽ dĩ nhiên, khủng khiếp. Một chân trời đã được nới rộng ra cùng lúc với việc tôi từ chối hư cấu, tất tật các khả thể của hình thức đã được mở.

Trong thực hành viết của mình, tôi có khuynh hướng đặt nhật ký ở một chỗ riêng. Trước hết là vì nó từng là thức viết đầu tiên của tôi, không có tầm với văn chương đặc biệt nào, chỉ là thứ thân thuộc và giúp cho tôi sống. Tôi đã bắt đầu viết nhật ký vào lúc tôi mười sáu tuổi, vào một buổi tối buồn khổ, vào một giai đoạn tôi không đặc biệt thấy trước là mình sẽ đem cuộc đời lấn vào sự viết. Tôi nhớ là lúc đầu mình đã rất cố gắng "viết hay", nhưng rất mau chóng sự bộc phát thắng thế: không gạch xóa, không ưu tư cả về hình thức lẫn sự tự bắt ép phải đều đặn. Dẫu sao thì, tôi đã viết cho chính tôi, nhằm tự giải phóng mình khỏi những nỗi xúc động bí mật, mà chẳng hề có chút ham muốn cho người nào khác đọc các quyển sổ tôi viết. Thái độ thiên về bộc phát đó, sự thờ ơ đó về phía một đánh giá cảm năng, sự từ chối cái nhìn của kẻ khác đó (những quyển sổ của tôi từng lúc nào cũng được giấu rất kỹ!), tôi tiếp tục có những cái đó trong thực hành viết nhật ký khi đã viết các văn bản để in thành sách. Tôi nghĩ mình vẫn có chúng, tôi muốn nói là tôi không mấy "dự liệu" một độc giả.

Tôi từng luôn luôn phân biệt rất rõ giữa những cuốn sách mà tôi viết ra và nhật ký của tôi. Ở các cuốn sách, mọi thứ đều phải làm, phải quyết định, tuân theo một tầm với, nó sẽ được hiện thực hóa theo đà sự viết. Ở nhật ký, thời gian áp đặt cấu trúc, và cuộc đời tức thì là chất liệu. Vậy nên nó bị giới hạn hơn, kém tự do hơn, tôi không có cảm giác về "xây dựng" một thực tại, chỉ là để lại một dấu vết của tồn tại, đặt ở đó một cái gì, không mục đích đặc biệt nào, chẳng hề có thời hạn xuất bản, cái ở đó thuần túy. Nhưng tôi phải phân biệt giữa nhật ký thực sự kín và nhật ký chứa đựng một dự định cụ thể, đấy là trường hợp của Journal du dehorsLa vie extérieure [tên hai cuốn sách của Annie Ernaux], đầy chủ ý chúng quay lưng lại với sự nội soi và với giai thoại cá nhân, nơi "tôi" trở nên rất hiếm. Ở đây, cấu trúc không hoàn thành, mẩu đoạn, niên biểu như là cái khung, vốn là những gì đặc trưng hóa cho hình thức của nhật ký, phục vụ cho một lựa chọn và một ý định, giống như chụp ảnh thực tại thường nhật, xung quanh, cộng đồng.

Để tóm tắt lại một chút: đối với tôi sự viết có hai hình thức. Một mặt, các văn bản được xếp đặt (mà cả Journal du dehorsLa vie extérieure cũng thuộc vào) và mặt khác, song song với đó, là một hoạt động của người viết nhật ký, xưa cũ, đa hình thức. (Tôi cũng, bên cạnh các quyển sổ viết nhật ký, viết một "nhật ký viết" kể từ năm 1982, về các nghi ngờ, về các vấn đề mà tôi gặp trong lúc viết, được trình bày rất tháu, nhiều viết tắt, ước lượng.) Trong tâm trí tôi, hai thức viết này tạo dựng một chút đối lập giữa "công cộng" và "riêng tư", văn chương và cuộc đời, toàn thể và không hoàn thành. Hành động và sự thụ động. Anaïs Nin viết trong Nhật ký của mình: "Tôi muốn tận hưởng chứ không chuyển hóa." Hẳn tôi sẽ nói rằng nhật ký đối với tôi là chốn của tận hưởng, còn các văn bản khác là chốn của chuyển hóa. Tôi cần chuyển hóa hơn là tận hưởng.

Huỳnh Bất Thức dịch

diary & correspondence

Sau một mùa hè

Sức mạnh của sự vắng

Vui

Paul Celan và Ingeborg Bachmann

Dostoievski: Nhật ký

Nhịp

Quy Nhơn

Lukács về Kierkegaard

Annie Ernaux: Bị chiếm

Nhật ký tình đầu

Thư và nhật ký chiến tranh

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công