favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Balzac
Next
Sách thuộc FORMA kỳ Hạ 2022
hiểu về lịch sử tiến hóa của ngôn ngữ chúng ta, qua các bản dịch cách đây tròn thế kỷ
Honoré de Balzac, Nguyễn Văn Vĩnh dịch
Honoré de Balzac, Cao Việt Dũng dịch
Honoré de Balzac, Cao Việt Dũng dịch

Miếng da lừa

Miếng da lừa
153.000 đ

400 trang
13,5 x 20 cm

TIỂU-SỬ ÔNG BALZAC

Honoré de BALZAC (Ô-nô-rê đơ Ban-dắc) tiên-sinh sinh tại thành Tours ngày 16 tháng 5 năm 1799, mất tại Paris ngày 20 tháng 8 năm 1850. Tuy tiên-sinh xưa có ý khoe-khoang dòng-dõi quí-phái, mà cứu thực ra thì tiên sinh là con nhà thứ-dân: cha mẹ là nhà nông-phu, thuyền-thợ, chính-quán ở xóm Nougaïrié, hạt Tarn. Chính tên họ vốn là Balssa hoặc Balsa (Ban-xa). Ông thân-sinh ra tiên-sinh đến ngụ ở thành Tours, mới đổi tên ra là Balzac (Ban-dắc). Mãi đến năm 1836, tiên-sinh mới tự tiện thêm chữ đệm de (đơ) vào tên mình. 

Tiên-sinh vốn học ở Vendôme Đại-học-đường mà ra. Còn trẻ tuổi đã sớm đến ở kinh-thành Paris. Từ nhỏ cho đến năm hai-mươi tuổi, cũng đã long-đong chìm-nổi lắm cách lạ-lùng; nếm thử mùi đời, cũng đã nhiều nghề nhiều cách, mà chưa thấy thành danh-phận gì cả. Sau đến ở thuê một cái phòng trên thượng-lương nhà người ta, trong sáu năm trời, từ 1822 đến 1828, soạn ra, in ra không biết bao nhiêu là sách, khi thì cùng đứng tên đồng-soạn với một người xứ Poitou tên là Saint-Alme, mà mình tự xưng là Viellerglé; lúc thì đứng một tên mình là trước-giả, Horace de Saint-Aubin, hoặc có quyển lại ký tên là Lord Rhoone. Sách in ra kể đã nhiều, mà tên mình vẫn chưa ai biết đến. Giá như người ta không có kiên-nhẫn, thì chắc hẳn thấy vậy đã ngã lòng. Nhưng tiên-sinh là một người đinh-ninh tin cậy ở tài mình, nhứt quyết nhờ tài mà lập lấy thân. Chờ cho đến khi bút thần nuôi được miệng, gây được cuộc vinh-hoa phú-quí, thì tiên-sinh hãy đem cái gan quả-quyết ra, mà thử cuộc sinh công kế lợi bằng công-nghệ bán buôn, đặng cầu lấy cái mối nhàn thân, mà chuyên việc nghiên bút. Tiên-sinh mở ngôi hàng bán sách, in sách, đúc hoạt-tự để in. Nhưng mấy nghề ấy đã chẳng làm lên giàu, lại thêm đổ công-nợ. Vì buôn thua bán lỗ, mà sau tiên-sinh lại chuyên nghiệp văn-chương. Tiên-sinh thường nói: “Nghề in đã nuốt của ta biết bao nhiêu vốn-liếng. Ta nhứt quyết bắt nghề in phải nhả lại cho ta mới nghe.” Nói rồi, cắm đầu cắm cổ mà làm sách lấy được, từ đó đến già không bao giờ rời bút ra nữa. 

Từ 1827 trở đi, tiên-sinh mới khởi sự làm ra những pho sách đứng thật tên mình. Kỳ thủy còn soạn mấy bộ sách tiểu-thuyết tả những cảnh-ngộ rất kỳ, mà các việc xếp khéo như người đã có sành nghề diễn kịch. Sau soạn đến sách luận về hôn-thú (Physiologie du Mariage). Năm 1829 mới thật hiển-danh. Song cũng chưa gọi được là bậc đại-tài. Đến năm sau 1830, in ra quyển tiểu thuyết: “Truyện miếng da lừa” này, mới thật là nổi danh lừng-lẫy khắp cả trong nước. Từ lúc đó trở đi, tiên-sinh cứ đều tay mà soạn ra không còn biết bao nhiêu sách nữa. Về sau lại hội cả mấy bộ tiểu-thuyết luận về nhân-tình thế thái, mà gọi là bộ: Hí-trường thế-giới (Comédie humaine).

Từ 1830 đến 1847, tiên sinh soạn ra vừa tiểu-thuyết, vừa hài-kịch, vừa truyện cổ-tích, tính ra hơn sáu mươi bộ.

Nhưng thời buổi danh-giá nhứt trong cái lịch-sử văn-chương của tiên-sinh, là thời tiên-sinh soạn ra mấy bộ tiểu-thuyết trong tập “Hí-trường thế-giới” gọi là “Những cảnh-ngộ trong gia-thất người ta, và những cảnh-ngộ ở chốn quê mùa” (Scènes de la Vie Privée et Scènes de la Vie de Province).

Tiên-sinh là một tay tả giỏi, nhứt là tả phong-tục một thời, thật là khéo thóc-mách những việc nhỏ-mọn trong nhà người ta, những tính tình các nhà phú-hộ; những sự rất tầm thường mà thật trong cách ăn ở, những sự nhỏ-nhen, những sự nên cười đời, thật là tỏ hết nhân-tình thế-cố. Khi tiên-sinh tả chân-tượng ai, thì người đọc sách hình như được nom thấy người ấy ngồi trước mặt cho mà vẽ. Nhiều những vai của tiên-sinh đặt ra, thật là những kiểu-mẫu các thứ người. Tuy là vai bịa, mà người đọc sách xem truyện, cũng tưởng ngay đã hình như có gặp qua những người ấy rồi.

Trong những bài tuồng của tiên-sinh đặt ra, thì bài nào cũng lấy đồng tiền làm chủ-ý. Nguyên tiên-sinh là một người hám của, thích ăn chơi cho thỏa sướng, cho nên động cầm bút viết, là nghĩ đến những cảnh-ngộ vì đồng tiền mà sinh ra. Phần nhiều những người đóng vai trong hài-kịch của tiên-sinh, chỉ có đồng tiền làm thần thờ, tư-lợi làm chủ-nghĩa, sự thỏa sướng làm tôn-chỉ. Cứ nói đến người nào, thì tiên-sinh lại cho ta biết những điều hi-vọng của người ấy, tính-toán những việc gì, tiên-sinh đếm cả đến tủ-bạc nhà người ta, kể từ đâu mà làm nên giàu-có, vì đâu mà hết của. Thường hay nói đến những đám luật-sư, chưởng-tòa, khách-nợ, toàn là những kẻ giao-thiệp với mình cả.

Tiên-sinh lại còn hay cầm bút ký-sự cho bọn các bà, nhứt là những đám đàn-bà hoa-mỹ đài-các, những chốn phồn-hoa thành-thị. Tiên-sinh khéo hoa cái ngọn bút xinh, mà tả những câu tưng-bốc, khiến cho bọn phụ-nữ ai cũng phải xu-phụng mình, vì đó mà sách tiên-sinh càng nhiều kẻ đọc. Tiên-sinh làm thân với bọn phu-nhân, công-nương, mỹ-nữ thuở bấy giờ, cũng như ông cố đi nghe thú tội, hay là ông thầy thuốc riêng nhà người ta, từ lầu-trang cho đến xó phòng ngủ, chỗ nào tiên-sinh cũng lọt, biết chuyện đàn-bà cho đến chân răng kẽ tóc, lại khéo kiếm những câu văn quyến liễu, dỗ-dành, an-ủy những cô ế-muộn, những ả xấu-xí, những ả bất-đắc-chí, cùng là những bà thật cảnh khổ, hay là yên chí rằng cảnh khổ, làm cho bà già đọc sách còn tưởng xuân-xanh có trở lại, cái già xồng-xộc đã tới sau lưng, còn như ngấp nghé tận đâu xa.
Nói tóm lại, thì tiên-sinh thật là một người sành mắt ngắm việc đời, bởi thế tiên-sinh đã nên một bậc soạn tiểu-thuyết rất sâu-sắc, rất thấm-thía ở đời thập-cửu thế-kỷ mới qua đây.

Truyện “Miếng da lừa” này, là một quyển triết-học luân-lý tiểu-thuyết, nghĩa-lý rất cao, Raphael de Valentin (Ra-phần đơ Va-lăng-tinh) là một người tính khí rất lạ, trong cách ăn ở có nhiều điều tương-phản cay-độc. Con người bụng dạ rộng-rãi, chí-khí kẻ cả, nhà nghèo mà lại có những hi-vọng to. Khi nhỏ tuổi đến trọ học ở kinh-thành Paris, bề ngoài thật là mô-phạm, diêm-dúa, mà trong lòng thì mơ tưởng những cách chơi bời dâm-dục, những sự xa-hoa tửu sắc; trong cách ăn ở thì thật nghiêm, mà bụng nghĩ những điều chi càn-rỡ bậy-bạ. Cùng ở một nhà có cô con gái nhà thế-gia sa-sút, thấy chàng tốt nết phải lòng. Chàng bèn dạy cô ả học mà kiêng nể, coi như thể em ruột vậy, không hề dám sỗ-sàng bỡn-cợt bao giờ. Trong bụng chỉ mê một ả giang-hồ đàng-điếm tên là Phê-đô-ra (Foedora). Thị ấy là một gái ăn chơi, vô tâm, vô tình, chỉ biết đỏm-đang, đài-các, làm hại biết bao nhiêu đứng nam-nhi vì đôi má phấn, mà một đời chẳng biết thương ai. Quyến anh rủ én, chẳng qua là cầu lấy một cái thỏa má-hồng. Nhân việc ấy, soạn-giả đem thần-bút mà tả những cảnh rất não-nùng của người mê gái mà không tiền. Ra-phần xem thế không sao với được, phải đi tự-tận. Đương đi thì gặp một ông già quái lạ cho một cái bùa bằng miếng da lừa. Bùa ấy khác nào quyển sách ước, muốn điều gì cũng như ý ngay tức thì, nhưng mỗi lần được thỏa thì miếng da co lại, hễ bao giờ co hết thì người phải chết. Ra-phần cam chịu như thế. Kỳ thủy ước hết điều này đến điều nọ, cho thỏa-thích một đời. Sau thấy miếng da co lại nhiều quá, sợ chóng chết, phải cố sức nén lòng, không ước ao gì nữa. Hay đâu lòng quyết-định như thế là khó, một ngày hồ dễ mấy ai là không có điều ước muốn, mà ước muốn điều gì, thì miếng da bản-mệnh lại co lại, không phép nào mà giữ được nó, mà làm cho nó ruỗi ra được nữa, kỳ cho đến khi miếng da co hết, thì người cũng chết.

Trong quyển truyện này, Balzac tiên-sinh bàn nhiều câu rất thâm-thúy, rất lý-thú, về việc tự-tử, về sự đánh bạc, về sự ăn chơi tửu sắc, về ái-tình, về sự ước muốn, về năng-lực của người ta, về chủ-nghĩa cận-lợi, và chủ-nghĩa cao-thượng mục-đích, vân vân. Cái cảnh trăm năm linh-hồn phản-đối với xác-thịt, vẽ ra thật là khéo, thật là rõ, thật là như in bụng dạ thế-nhân.

Sách này là sách hay nhứt của Balzac tiên-sinh.

Bản dịch này đã đăng trong tập Đông-dương Tạp-chí năm 1917.

(Nguyễn Văn Vĩnh)

In lại bản dịch đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này sang tiếng Việt, cuốn sách bạn đang xem thuộc bộ Quốc-ngữ, một phần trong dự án lớn Con đường Việt NamTập hợp các tác phẩm cốt yếu của sự tiến hóa tinh thần Pháp từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX trong ngôn ngữ dịch khoái hoạt và hàm súc của một bậc thầy tiếng Việt, bộ Quốc-ngữ gồm chín quyển sau: 

 Molière, Bệnh tưởng: hài kịch  
 Molière, Người biển-lận: hài kịch  
 Molière, Trưởng-giả học làm sang: hài kịch   
 Lesage, Tục-ca-lệ: hài kịch 
 Fénelon, Tê-lê-mặc phiêu lưu ký 
 Balzac, Miếng da lừa 
 Alexander Dumas, Ba người Ngự-lâm pháo-thủ
 Lesage, Truyện Gil-Blas (hai tập)

Có thể đặt cả bộ sách cùng bản mềm các tiểu luận phê bình liên quan tại đây.

Món quà đi cùng bộ sách này là quyển Đoản luận về Giáo dục của triết gia Alain, một độc giả lớn của các tác giả thuộc bộ sách trên, nhất là Fénelon và Balzac. 

Alain đọc Tê-lê-mặc phiêu lưu ký

Bardèche đọc Miếng da lừa

Nguyễn Văn Vĩnh ở giữa Molière và Balzac

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công