Xung quanh Céline
Một phụ nữ trong đời Céline
"Đi đến cùng đêm" được đề tặng cho Elizabeth Craig. Các tiểu thuyết của Céline không hay có đề tặng: Céline thuộc vào số những nhà văn rất ít đề tặng tác phẩm của mình, điều này khiến Céline giống một nhân vật, Jean-Jacques Rousseau, cả đời chỉ viết đề tặng đúng một lần, cho một cuốn sách duy nhất (mà Rousseau thì viết rất nhiều, ai cũng biết). Như vậy thì rất khác Balzac: rất khó thuộc hết tên những người mà Balzac đề tặng.
(Céline, giống Michel Houellebecq, lấy bút danh từ bà ngoại: Céline lấy tên còn Houellebecq, vốn dĩ tên là Michel Thomas, thì lấy họ của người bà; Louis-Ferdinand Destouches hồi còn trẻ thích viết họ của mình là "Des Touches", trông như là một cái họ quý tộc: tức là cũng có lúc gu của Céline không xa gu của Balzac lắm, và trong những ngày tù đày Céline rất muốn đọc Balzac; tuy cái tên "Ferdinand" hay được Céline sử dụng trong các câu chuyện, nhưng trong xưng hô bình thường, Céline là "Louis")
Elizabeth là một phụ nữ Mỹ, một diễn viên múa. Céline gặp Elizabeth sau khi đã ly hôn hai lần, trong đó cuộc hôn nhân thứ nhất (bên London) gần như không để lại thông tin gì. Cuộc hôn nhân thứ hai liên quan đến việc Céline học để trở thành bác sĩ (có lẽ ông bố vợ, một bác sĩ ở Rennes, có vai trò không nhỏ trong quyết định lấy vợ của Céline). Céline và Elizabeth Craig sống cùng nhau mấy năm, chính là quãng thời gian Céline viết "Đi đến cùng đêm"; điều này giải thích cho lời đề tặng.
Nhưng Elizabeth về Mỹ và hai người không còn sống chung nữa, đúng lúc Céline đã bắt đầu thành công (ai cũng biết, "Đi đến cùng đêm" là thành công lớn đến mức nào: ngay việc nó trượt Prix Goncourt năm 1932 cũng đóng góp vào thành công - người ta kể, người chiến thắng Céline đã không thể gượng dậy được, vì mau chóng hiểu ra thắng lợi của mình chua chát như thế nào).
Ta có thể đoán rằng Céline cảm thấy rất gắn bó với Elizabeth Craig. Trong chương trình sang Mỹ, Céline bỏ cả buổi interview đã lên lịch trước (và là với John Dos Passos) để từ New York đi Los Angeles, gặp Elizabeth nhằm tìm cách đưa Elizabeth về lại Pháp. Nhưng Céline đã quay về chỉ một mình.
Khi Céline đã trở thành một trong những nhà văn được quan tâm nhiều nhất trong lịch sử, từng chi tiết trong đời Céline đều bị xới tung; người ta tìm ra cho đến cả sổ tay một người tình của Céline, những bức thư của các người tình khác (Céline có nhiều người tình, và cuộc sống tình cảm rất phong phú, dưới nhiều hình thức). Một trong các "célinien" cuối cùng đã tìm ra Elizabeth Craig, nửa thế kỷ sau khi hai người chia tay (tất nhiên Céline đã qua đời từ lâu). Elizabeth, đã rất già, kể là lần Céline đến Los Angeles tìm mình, đến tận phút cuối cùng vẫn không quyết định được, vẫn nghĩ rất có thể mình sẽ theo Céline về Pháp. Nhưng người đàn ông của Elizabeth lúc đó tạo ra chỗ dựa vững chắc hơn: chứng kiến Céline viết "Đi đến cùng đêm", Elizabeth đã biết đó là một kinh nghiệm địa ngục.
Sau này, Céline hay đến một trường dạy múa. Ở đó, Céline gặp một cô gái trẻ (ít hơn Céline rất nhiều tuổi), Lucette Almanzor, thêm một diễn viên múa. Đây sẽ là Lucette Destouches, người phụ nữ ở bên Céline cho đến cùng, kể cả trong những giờ phút đen tối nhất hồi cuối chiến tranh, tại Đức rồi tại Đan Mạch. Lucette Destouches mới qua đời, cách đây đúng ba năm (tháng Mười một năm 2019).
1932
Năm 1932 là năm của Céline: "Đi đến cùng đêm" được xuất bản và đấy là một thành công chưa từng có. Chưa bao giờ có một cuốn sách gây nhiều tiếng tăm như vậy, nó là cả một cơn địa chấn. Céline là một cái tên hoàn toàn mới trên văn đàn Pháp, và cái tên ấy đã gây ra chuyện không thể tưởng tượng nổi.
Céline, sau khi viết cuốn sách (viết sách đối với Céline là một việc rất cực hình, luôn luôn là như vậy: mới vừa xong người ta lại tìm ra và in một "inédit" nữa của Céline; viết "Đi đến cùng đêm" lại càng khủng khiếp, vì thời điểm đó Céline vẫn làm bác sĩ, tại một "dispensaire": cuốn tiểu thuyết có "đêm" trong nhan đề, và nó cũng được viết trong những khoảng "nocturne"), gửi bản thảo đến hai nhà xuất bản. Gallimard chậm trả lời, và vậy là Robert Denoël trở thành nhà xuất bản của Céline.
(Denoël cũng sẽ in "Mort à crédit", bốn năm sau đó, năm 1936: nhưng "Mort à crédit" không hề là một thành công thương mại, thậm chí còn bán khá ế, ít nhất là trong nhiều tháng đầu tiên; "Mort à crédit" bản in đầu cũng có nhiều khoảng trắng trong sách: đấy là vì vào phút cuối, tự tay Denoël, do e ngại các phản ứng, bỏ đi nhiều từ, câu, thậm chí đoạn; sau khi Paris được giải phóng, Denoël bị ám sát, đây cũng chính là lý do khiến Céline, lúc đó đang bị nhốt tù ở Copenhagen, nhất định không muốn quay về Pháp, nhưng tất nhiên Céline muốn ở lại Đan Mạch, và không phải là trong tù)
Sự kiện lớn của năm ấy: "Đi đến cùng đêm" trượt giải Goncourt. Lucien Descaves của Académie Goncourt bỏ về trong lúc bỏ phiếu, khi nhận thấy Céline sẽ không được giải - đó là một xì căng đan lớn. Céline sẽ có một thời gian tương đối thân thiết với Descaves, một ông lớn của văn chương Pháp hồi ấy. (nhưng "Đi đến cùng đêm" nhận giải Renaudot)
"Đi đến cùng đêm" xuất bản thì tất nhiên Céline trở nên rất nổi tiếng. Trong một thời gian, Céline có một số mối quan hệ trong giới văn chương (về cơ bản, cả đời Céline hết sức cô độc, bạn bè thì hầu hết không phải văn nhân): gặp những người nhà Daudet, gặp đến cả Murnier là một nhân vật tôn giáo (abbé) rất quen thuộc với giới văn chương-nghệ thuật Paris giai đoạn đó. Đặc biệt, có một cuộc gặp chỉ thoáng qua nhưng để lại dấu ấn sâu đậm ở cả hai bên. Người gặp Céline năm ấy là Georges Bernanos (chúng tôi hy vọng cũng sẽ in được các tác phẩm của Bernanos).
Cuốn sách nhanh chóng vượt khỏi biên giới nước Pháp, và vậy là Céline có quan hệ với một số dịch giả. Câu chuyện về mối quan hệ giữa Céline và dịch giả người Anh của mình vô cùng hấp dẫn (sẽ kể sau, lúc nào đó), nhưng câu chuyện bản dịch tiếng Nga "Đi đến cùng đêm" mới thực sự ly kỳ. Người dịch "Đi đến cùng đêm" là Elsa Triolet, lúc đó đã sống cùng Louis Aragon. Người viết lời tựa cho ấn bản Nga (bị cắt xén rất nhiều) là Trotsky - Céline ở tư cách tác giả "Đi đến cùng đêm" hay được coi là một nhà văn tả phái, thậm chí cộng sản, nhưng người ta sẽ sớm hiểu điều đó là nhầm lẫn lớn tới mức nào. Vì đồng rúp không tiêu được ở đâu ngoài Nga, Céline được mời sang Nga. Ở đó, ngoài nhiều điều khác, Céline đòi đi thăm bệnh viện. Đây là một thói quen của Céline. Cũng chính nhờ làm việc trong lĩnh vực y khoa (nói đúng hơn, vệ sinh) mà Céline có chuyến đi Mỹ đầu tiên, từ đó mà có trường đoạn vô cùng nổi tiếng về nhà máy Ford trong "Đi đến cùng đêm" (Kafka - tuy chưa bao giờ đi Mỹ - cũng miêu tả, trong cuốn tiểu thuyết "Amerika", dây chuyền sản xuất của nhà máy ấy).