favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

William Morris: Nghệ thuật và lao động

07/05/2025 11:21

tiếp tục mạch từ kia, bốn thập niên sau Gothic của Ruskin

 

NGHỆ THUẬT VÀ LAO ĐỘNG

The Relations of Art to Labour – 1890

- William Morris

Khi bàn về chủ đề quan trọng này nhất thiết phải nhìn vào lịch sử thế giới, và, dù theo lối tổng quan, xem xét câu chuyện về một cặp song sinh. Nghệ thuật và Lao động, câu chuyện này quả thực không có nghĩa nào khác ngoài chính lịch sử của thế giới.

Lướt qua những giai đoạn mà con người thuần túy man rợ, ta bắt gặp những người văn minh trong lịch sử được phục vụ bởi lao động dưới ba hình thức – chiếm hữu nô lệ, nông nô, và trả lương. 

Vào thời cổ đại, xã hội con người được thiết lập dựa trên sự chiếm hữu nô lệ; các nghệ thuật nông nghiệp và công nghiệp phần lớn được tiến hành trên những con người có thể bị mua và bán như súc vật; và bởi vậy nghệ thuật của lao động, ít nhất là vào thời phồn vinh của trí tuệ Hy Lạp, đã bị coi thường, và những gì thuộc về nghệ thuật đi kèm với chúng được giữ trong sự phục tùng nghiêm ngặt nhất đối với những nghệ thuật của trí tuệ, vốn là tác phẩm của công dân tự do. Nghệ thuật đã, quả vậy, tránh khỏi tha hóa một phần là nhờ sự đơn thuần của cuộc sống, mà trong một môi trường không đòi hỏi nơi ở hay lối sống cầu kỳ, vốn là quy tắc chung cho tinh hoa Hy Lạp, khi sự xa hoa, theo nghĩa ngày nay, không được biết đến; và một phần khác – thực chất cũng xuất phát từ sự giản dị ấy, cùng với thiên tài siêu việt của một chủng tộc mà bạn phải nhớ là đã tách khỏi những điều kiện sống đơn giản hơn trong một khoảng thời gian không quá dài – nhờ sự giản dị của cuộc sống những con người khỏe mạnh và không bị tha hóa, tràn đầy sự khôn ngoan tự nhiên và sự khéo léo của đôi tay, tình yêu và sự hiểu biết đối với các hình thức của nghệ thuật nhiều trí tuệ hơn trở nên phổ biến, như một quy luật hơn là một ngoại lệ. Kết quả là, đối với các nghệ thuật, trong khi có rất nhiều biểu hiện cao cả, ở những nhánh nhỏ của nó vắng mặt những xấu xí ghê tởm thì đúng hơn là xuất hiện vẻ đẹp mê hồn. Trong khi đó, công dân Hy Lạp có học thức dường thấy chẳng có gì sai trái với sự chiếm hữu nô lệ. Đó là một phần trong trật tự tự nhiên của mọi thứ, và những trí tuệ lớn nhất thời ấy không thể thấy khả năng tuyệt diệt của nó, nếu người ta không kể đến đoạn văn đáng chú ý của Aristotle, khi ông nói rằng, chẳng hạn, nếu con thoi có thể tự bay qua khung cửi, người ta có thể tự làm việc mà không cần nô lệ; cứ như thể ông đã có một tia sáng tiên tri về máy móc hiện đại, về điều này và cách nó can thiệp vào nghệ thuật và lao động tôi sẽ phải nói đôi lời. Ngoài ra, tôi cho rằng một công dân tự do có học thức vào thời của Pericles, nếu vấn đề là về việc giữ cho đồng loại của anh ta phục tùng những nhu cầu được cho là của một số ít được ấn định lên anh ta, hẳn sẽ tìm thấy câu trả lời đủ để sẵn sàng dập tắt mọi ý cách mạng và củng cố niềm tin của anh ta rằng trật tự của mọi thứ nơi anh ta đang sống là vĩnh cửu. “Ngoài việc không thể xóa bỏ sự chiếm hữu nô lệ,” hẳn anh ta sẽ nói, “điều vốn đã được thiết lập trên bản chất đạo đức của con người – thì một xã hội thành lập trên cơ sở bình đẳng tự do hẳn sẽ thiếu hụt mọi yếu tố của quyền lợi và thay đổi vốn khiến cho cuộc sống trở nên đáng sống; một thay đổi như thế hẳn gây tổn hại cho nghệ thuật và phá hủy tính riêng biệt của cá nhân bằng cách tước đi động lực thiết yếu cho nỗ lực. Trong trường hợp tuyệt đối, ở một thế giới mà tất cả đều tự do trước pháp luật, sẽ chẳng có gì ngoài một mức ngang bằng trì độn những kẻ tầm thường.” Anh ta hẳn sẽ lập luận như vậy và, tôi tưởng tượng, sẽ được ủng hộ bởi hầu hết những người có học thức nhất ngày nay, những người dường thực sự nghĩ, và như vậy thì chẳng hề bất thường, rằng một quý ông ở Attica hay ở Anh là thành quả quý giá và hoàn thiện của nền văn minh đến mức anh ta xứng đáng với toàn bộ khốn khổ, bất công, và tàn bạo mà đám đông nhân loại ở dưới anh ta phải chịu; nhưng, quý ông Hy Lạp của chúng ta có thể tiếp tục lập luận ủng hộ chế độ nô lệ theo cách khiến chúng ta xấu hổ trong thời đại của tiến bộ và quyền lợi chính trị rộng mở ngày nay. “Bên cạnh đó,” anh ta sẽ nói, “bạn có chắc là bạn sẽ cải thiện tình trạng của nô lệ bằng cách giải phóng họ? Hiện tại việc nuôi và giữ cho nô lệ khỏe mạnh còn đem lại lợi ích cho người chủ – hơn nữa, trong nhiều trường hợp, nếu đó là một ông chủ tốt tính, anh ta thậm chí còn cố hết sức để nô lệ của mình hạnh phúc vì niềm vui của bản thân anh ta. Nhưng tôi có thể hình dung ra một trạng thái mà phần lớn công dân tự do có thể thực sự được tự do, tự do chết đói, và những khuôn mặt chua chát của kẻ khốn khổ làm việc quá sức và thiếu ăn sẽ không có cơ hội gây ấn tượng khó chịu cho những người không hề cảm thấy có trách nhiệm với cuộc sống của họ, thậm chí chẳng nhận ra họ tồn tại. Không, hãy tin tôi, tốt hơn hết là bạn nên tin tưởng vào ảnh hưởng nhân văn của sự giản dị khôn ngoan nơi những công dân cao quý và tự do của Thành Phố vinh quang chúng ta, như bạn biết rõ, vốn bất chấp tất tật chuyện kể của các nhà thơ, là vị thần thực sự chúng ta tôn thờ, và quả thực, dưới hình thức này hay hình thức khác, bất tử.”

Anh ta có thể lập luận như vậy, nâng các quy tắc thông thường của chính thể chuyên chế thống trị lên thành những luật tự nhiên và không thể thay đổi; nhưng tiếp theo thì sao? Sự tôn thờ thành phố rốt cuộc tìm thấy biểu đạt thích đáng của nó trong sự phát triển và thống trị của Rome, thành phố vĩ đại nhất, bàn tay sắt của nó đã nghiền nát những cãi vã không ngừng của các thị tộc và cá nhân tham vọng, và ném vào thế giới văn minh những xiềng xích của công đoàn cưỡng bức dưới sự cai trị của những người thu thuế, cuối cùng bị chế ngự bởi mê tín kỳ lạ về quyền lực lý tưởng hóa dưới biểu tượng của chủ nhân thế giới được suy tôn trong một thành phố nước Ý. Sự tham lam đến ghê tởm của những địa chủ tư bản này, mà nô lệ của họ ở trong tình trạng còn tệ hơn những người lao động nông nghiệp ở Anh ngày nay đã làm giảm sự màu mỡ của nước Ý, và rốt cuộc thay đổi lại đến, lần này là một cuộc thay đổi khủng khiếp. Đám đông nô lệ đói khát, trong tâm trí họ một tín điều cách mạng phương đông giờ nhanh chóng gieo rắc những ý hoàn toàn lạ lẫm với nền văn minh cổ đại, không hề bị chạm đến bởi tín ngưỡng được tôn sùng của thành phố, vốn đã từng đặt sức mạnh tối cao vào tay lính lê dương La Mã. Khắp nơi nô lệ đã đầu quân những băng cướp hay hải tặc, những chiến công của họ là nền tảng cho những âm mưu trong tiểu thuyết cổ điển thời kỳ sau này, và hình thành một sự mất trật tự dọn đường sẵn cho bất kỳ kẻ xâm lược nào. Bởi vậy nạn đói, đứa con sinh ra bởi thói háu ăn của kẻ độc quyền, phát huy vai trò trong đế chế, trong khi đó một thế lực khác, có thể là nạn đói gây ra bởi những nguyên nhân khác, đang hoạt động và liên minh với sự khuấy động bởi thối rữa bên trong. Các bộ lạc phương bắc ập vào đế chế, ở đó, như một lẽ tất yếu, họ không gặp phải bất kỳ kháng cự nào, bởi sự suy đồi của một hình thức cá nhân chủ nghĩa gớm guốc đã làm suy yếu mọi tinh thần chung; và như vậy, bị tấn công bởi nô lệ, Cơ đốc giáo, mọi rợ, chính thể cổ đại sụp đổ và, đối với hầu hết sử gia khi đó và kể từ đó, hỗn loạn đã thay thế nó, sự hỗn loạn mà, như người ta từng nghĩ, đã vô tình phát triển thành tập hợp các quốc gia độc lập mà chúng ta gọi là châu Âu hiện đại; từng nghĩ, tôi nói vậy, vì giờ đây những người biết suy nghĩ đã thấy rõ rằng sự thay đổi, dù có vẻ khủng khiếp đối với những người có học thức vào thời ấy, lại mang theo những hạt giống của trật tự ngay lập tức bắt đầu nảy mầm.

Bây giờ, điều đáng lưu ý cho mục đích hiện tại của chúng ta là tìm hiểu mối quan hệ giữa nghệ thuật và lao động, là một trong những dấu hiệu chính của trật tự mới ra đời đó, xuất hiện vào thời Đế chế La mã tan rã, có thể thấy trong nghệ thuật được tạo ra trong thời kỳ ấy. 

Những thời kỳ nối tiếp sự thống trị hoàn toàn của La mã và trong thời kỳ mà sự chiếm hữu nô lệ thịnh hành chỉ chứng kiến sự thay đổi rất ít trong tình trạng nghệ thuật liên quan đến sự gia tăng xa hoa và mục nát. Các nghệ thuật trí tuệ chủ yếu bắt chước các ý tưởng quá khứ hoặc ít nhất là hàn lâm và cố định. Tâm hồn chúng yếu ớt, thiếu chân thành và sức sống, mặc dù về thể xác chúng vẫn đủ đẹp; đối với các nghệ thuật thấp hơn, theo như chúng ta có thể biết từ kiến thức ít ỏi thu thập được, chúng có xu hướng tạo ra những món đồ chơi tinh xảo, và phần còn lại thì trở thành những thứ còn xấu hơn thời kỳ nghệ thuật Hy Lạp. Nhưng vẻ bề ngoài của nghệ thuật đã thay đổi rất nhiều dưới sự cai trị của La mã, ít ra trong một khía cạnh, bởi chịu ảnh hưởng từ những thứ có nguồn gốc khó mà biết được, nhưng chắc chắn vắng mặt trong nghệ thuật Hy Lạp: họ đã phát minh ra kiến trúc bằng cách phát minh và sử dụng mái vòm. Mặt khác, nghệ thuật trang trí của họ hoàn toàn mang tính hàn lâm và giả tạo đến mức họ không thể, cho đến khi thời cổ đại kết thúc, tạo ra một phong cách kiến trúc, đúng như tên gọi, thực sự hài hòa với phát minh vĩ đại này. Về mặt này họ hoàn toàn chịu sự thống trị của các hình thức nghệ thuật Hy Lạp, vốn được họ sử dụng thuần theo lối mê tín. Điều thực sự đáng ngưỡng mộ trong kiến trúc La Mã cổ đại nằm ở chất lượng các tòa nhà – ở sự uy nghiêm vững chãi và đồ sộ của nó – mà để đạt được chúng chẳng có thứ vật liệu, sự chăm sóc, hay sức lao động nào được tiết kiệm. Nó hiện diện trước mắt chúng ta ngày nay, ngay cả khi chúng ta tình cờ gặp phải nơi góc khuất của đế chế, như hiện thân của sự tôn thờ thành phố mà tôi đã nói, và chẳng hề nghi ngờ, đó chính là tinh thần sống động của nó. Vậy thì dẫu sao đây cũng là một cơ thể để bất kỳ nghệ thuật mới nào len lỏi vào, là một cơ thể mà, không như kiến trúc đến thờ Hy Lạp, có thể dễ dàng thích nghi với linh hồn mới của nó.

Linh hồn mới của nghệ thuật đã không bỏ lỡ cơ hội của nó giữa tất tật những thảm họa và khổ sở của cơn đau đẻ châu Âu phong kiến và tìm thấy biểu đạt trong một nghệ thuật mới, thứ chúng ta gọi cách chính xác là nghệ thuật Byzantine. Tín điều mà nó phục vụ xuất phát từ phương Đông; thành phố là trung tâm của nó, nằm giữa châu Âu và châu Á, thỏa hiệp trong hòa bình và chiến tranh với vương quốc Ba Tư, có sự giao lưu phong phú với phương Đông; bởi vậy không có gì kỳ lạ khi ảnh hưởng của phương Đông thật rõ rệt trong cơ thể của nghệ thuật; nhưng vì mục đích của tôi là xã hội, phần nào nhiều hơn lịch sử hay nghệ thuật, tôi không được nán lại chủ đề hấp dẫn về nguồn gốc của nghệ thuật Gothic, nhưng xin hãy lưu ý rằng nghệ thuật Byzantine này rất xa so với sự pha trộn vụng về của các yếu tố bị hiểu lầm của nghệ thuật cổ đại – một sự sắp đặt lại đầy thô lỗ và dã man disjecta membra [những tay chân bị cắt rời] của nghệ thuật La Mã – Hy Lạp; một quan niệm về nó có lẽ vẫn còn tồn tại trong tâm trí một số người – đúng hơn, đó là một sự phát triển xác thực mang tính lịch sử, được sinh ra, không phải từ sự mục nát của nghệ thuật Hy-La, mà là một phong cách mạnh mẽ, có trật tự, tuyệt đẹp, và trên hết sống động và đang lớn dần – không phải thứ đồ chơi cứng đờ mà là sinh vật sống hoạt động trong tinh thần con người, được họ thúc đẩy cách vô thức. Giờ thì bạn đã thấy, trong khi thời kỳ lãng phí chết người của chế độ thu thuế La Mã suy đồi chỉ tạo ra một thứ nghệ thuật chết thì nghệ thuật sống động này được tạo ra bởi sự phát triển xã hội giữa bối cảnh dường toàn là hỗn loạn và đổ nát. Trong sự tan rã của xã hội La Mã cũ, gây ra bởi các dân tộc bị cho là man rợ nhưng lại mang trong mình những quan niệm đạo đức đích thực, tuy thô sơ, và những luật xã hội đích thực, tuy khác biệt với những luật mà họ có nhiệm vụ phá hủy, trong sự tan rã hoặc tái sinh này, chế độ nô lệ sụp đổ và nhường chỗ cho một tình trạng mới của lao động; và tôi khẳng định rằng nghệ thuật Byzantine có xu hướng, xét theo tình hình của mọi thứ vào thời điểm ấy, chắc chắn là hướng đến tự do, là dấu vết và kết quả của tình trạng lao động mới ấy, có thể được mô tả ngắn gọn là lớp nông nô đấu tranh hướng đến tự do thông qua sự cộng tác để bảo vệ ngành thương mại và nghề thủ công. Nông nô là tình trạng của lao động vào sơ kỳ trung cổ, giống như chiếm hữu nô lệ ở thời cổ đại. Nô lệ được chủ nuôi và để cho sống trong tình trạng thoải mái phù hợp với chủ nhân, người, trong những thời kỳ thực sự tồi tệ, như đôi khi diễn ra trong những điền trang La Mã cổ đại, được thúc đẩy bởi hy vọng về lợi nhuận khổng lồ thành thử đã làm tăng lên lượng của cải chung ít ỏi của mình bằng lao động cưỡng bức, nhưng nhìn chung sẽ thấy rằng có lợi hơn khi giữ cho nô lệ sống trong tình trạng tốt. Ngược lại, nông nô phải thực hiện một số dịch vụ nhất định cho lãnh chúa phong kiến của anh ta, tức là làm việc hầu hết các ngày trong năm, và phần thời gian còn lại anh ta làm việc cho bản thân, tự nuôi sống mình bằng phần đất được phân cho. Làm như vậy, anh ta sống hòa hợp với sự sắp xếp chung của xã hội trong thời sơ kỳ trung cổ, một thời kỳ mà mỗi người đều tuân theo pháp luật cụ thể, có nghĩa vụ cá nhân đối với người bậc trên và có thể thỉnh cầu được giúp đỡ hay bảo vệ ở những mức nhất định.

Như thế, hệ thống phong kiến phân cấp hình thành, dựa trên các ý thấy trước về chính quyền thiêng, theo đó mỗi người đều có vị trí xứng đáng của mình, thứ anh ta (về mặt lý thuyết) không thể thay đổi hoặc chệch ra khỏi. Nghĩa vụ cá nhân cho tất cả, quyền lợi cá nhân cho tất cả, theo các vị trí đã được chỉ định cách thiêng liêng của con người – lý thuyết của thời trung cổ ấy trái ngược với thời cổ đại, khi mà thành phố tối cao là chúa tể và là người cai trị, đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt của con cái, những công dân được phục vụ bởi đám nô lệ hoàn toàn không được Chính quyền công nhận như là công dân, mà hẳn là như súc vật thồ.

Đúng là có vẻ rất tự nhiên khi hệ thống có thứ bậc của thời trung cổ được cho là hợp lý, cần thiết, và lâu bền hơn hệ thống trước đó. Nhưng cách mạng ấp ủ dành cho nó thì không kém hệ thống kia bởi, giống như nô lệ gần chết đói của các điền trang La Mã bị thôi thúc phải tự cứu lấy bản thân trước hết bằng nạn cướp bóc và sau đó bằng nổi loạn và phục vụ cho những kẻ xâm lược, nông nô thời trung cổ bị thúc đẩy bởi cưỡng bức lao động trong việc phải tự nuôi lấy mình sau khi hoàn thành lao dịch, phải cố gắng cải thiện toàn bộ, thoát khỏi vòng cổ của lãnh chúa và trở thành người tự do; cuộc đấu tranh ấy, như đã nói ở trên, diễn ra dưới hình thức cộng tác theo nhiều cách khác nhau.

Ngoài các tòa nhà tôn giáo – nơi bảo vệ người lao động và thậm chí còn tạo cho họ cơ hội thoát khỏi đẳng cấp của mình với điều kiện hoàn toàn chấp nhận sự phân cấp của chính quyền – ngoài các tu viện, còn có các tổ chức khác phát triển mạnh và có tầm ảnh hưởng rộng; các tổ chức này được gọi là các Nghiệp đoàn.

Xu hướng của các bộ lạc Germanic thiên về hợp tác và sống theo cộng đồng đã tự bộc lộ khá sớm vào thời trung cổ. Ở Anh, thậm chí trước cuộc chinh phục của người Norman, xu hướng này bắt đầu thu hút thợ và thương nhân vào một sự liên kết nhất định. Các nghiệp đoàn, vốn là kết quả của những liên kết này, lúc đầu chủ yếu mang bản chất các lợi ích xã hội, từ đó dần chuyển thành các nghiệp đoàn-Thương mại – tức các hiệp hội bảo vệ lẫn nhau trong giao dịch và cuối cùng là các nghiệp đoàn-Thợ thủ công, hay là các hiệp hội bảo vệ và quản lý nghề thủ công.

Mục đích thực sự của tất cả các nghiệp đoàn này là để cá nhân thoát khỏi sự thống trị và bảo trợ của lãnh chúa phong kiến, thay thế bằng thẩm quyền và sự bảo vệ lẫn nhau của các thành viên nghiệp đoàn, giải phóng lao động khỏi quyền lực các thành viên cá nhân thuộc tôn ti phong kiến và thế chỗ quyền lực của họ bằng quyền lực các đoàn thể, vốn phải được công nhận là một bộ phận thuộc hệ thống phân cấp ấy, thoát ra khỏi thứ mà đầu óc thời trung cổ khó mà làm cho nhúc nhích. Đương nhiên, tất cả những việc này mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi những công việc rất khó khăn, đặc biệt là các nghiệp đoàn-Thương mại, vốn chống lại những thay đổi muốn đem lại quyền lực cho nghiệp đoàn-Thợ thủ công một cách quyết liệt, nhất là ở Đức. Trong quá trình đấu tranh, phần lớn các nghiệp đoàn-Thương mại đã trở thành hội đồng các thị trấn, và nghiệp đoàn-Thợ thủ công đã hoàn toàn thế chỗ của họ trong việc tổ chức lao động và cuối cùng cũng chia sẻ một phần lớn trong chính quyền thành phố. Đến đầu thế kỷ mười bốn, những nghiệp đoàn-Thợ thủ công đã hoàn toàn ổn định, và làm chủ mọi nghề thủ công. Tất tật thợ thủ công đều buộc phải tham gia nghiệp đoàn của nghề mà họ làm. Trong một thời gian, rất ngắn, thiết chế của họ hoàn toàn là dân chủ; mọi thợ học nghề đều chắc chắn, nếu khả năng của anh ta có thể đáp ứng được tiêu chuẩn, trở thành một thợ cả khi đến lượt mình. Không có ai chỉ thuần làm thợ phụ. Tuy nhiên tình trạng này không kéo dài, vì khi các thị trấn phát triển và nông nô lao động được tự do, họ bắt đầu chen vào các nghiệp đoàn-Thợ thủ công, và các thợ cả, những người thoạt đầu hoàn toàn là thợ, được trợ giúp bởi thợ học việc hay những thợ chưa hoàn thiện, bắt đầu trở thành những nhà tư bản nhỏ và là chủ thuê lao động, tiến đến mức trở thành các thành viên được hưởng đặc quyền của nghiệp đoàn; và ngoài ra, các thợ học việc có đặc quyền thuê thợ phụ, những người, dù bị buộc phải gia nhập hội, không có đặc quyền và sẽ không thể theo lối thường mà được trở thành thợ cả. Điều này hẳn được coi là sự xuất hiện đầu tiên của cái gọi là thợ tự do, tức người nhận tiền công, ở châu Âu hiện đại. Sự khởi đầu này của giai cấp vô sản vào lúc bấy giờ được xem là một rắc rối, và một vài nỗ lực đã được tạo ra bởi các thợ làm thuê để hình thành các nghiệp đoàn riêng của họ bên dưới các nghiệp đoàn-Thợ thủ công, cũng theo cách mà các nghiệp đoàn-Thợ thủ công đã thực hiện bên dưới các nghiệp đoàn-Thương mại. Trong cuộc nổi dậy chống lại đặc quyền này họ đã không thành công, và các nghiệp đoàn-Thợ thủ công ngày càng trở nên thượng lưu, dẫu quyền lực của các thành viên có đặc quyền ở đây đối với thợ làm thuê đã bị hạn chế bởi các luật được đặt ra để có lợi cho thợ thuê.

Lao động thời Trung cổ, bởi vậy, diễn ra trong bối cảnh đấu tranh – một phần có ý thức, một phần vô thức – để thoát khỏi sự cai trị tùy tiện của đặc quyền quý tộc, tầng lớp ban đầu đã đè nghiến tất tật người lao động xuống tình trạng nông nô. Trước khi nhìn vào kết quả cuộc đấu tranh ấy, chúng ta hãy xem xét mối quan hệ giữa nghệ thuật và lao động trong giai đoạn Trung cổ phát triển hoàn thiện này.

Những sự kiện mà chúng ta có thể kiểm chứng liên quan đến tình hình kinh tế nước Anh vào thời kỳ ấy cho thấy rằng, dù tình trạng chung sống ấy có khắc nghiệt đến đâu, cuộc đấu tranh giành sinh kế của người lao động vẫn ít gian khổ và kém háo hức hơn nhiều so với hệ thống tư bản và trả lương của chúng ta ngày nay. Thu nhập của những người lao động bình thường lẫn những nghệ nhân xét theo giá cả nhu yếu phẩm thời điểm ấy, cao hơn nhiều so với hiện nay. Cuộc sống của tầng lớp lao động dễ dàng hơn, dù cuộc sống nói chung vẫn khắc nghiệt hơn so với ngày nay – tức là, có nhiều cách đạt được sự bình đẳng về điều kiện sống, bất chấp sự phân biệt tùy tiện của các lớp thượng đẳng, quyền quý, hạ đẳng và nông nô. Đúng là bởi sự phân phối của cải về tổng thể cân bằng hơn so với hiện tại, nên nghệ thuật nói riêng cũng vậy.

Những nhà nghiên cứu lịch sử lao động thời trung cổ đã lưu ý rằng tiền công của những người giám sát lao động – đốc công, kiến trúc sư, vân vân… – chỉ cao hơn một chút so với những người làm việc dưới quyền. Những người làm công việc trí tuệ hơn cũng thế – nghệ sĩ, nói tóm lại là được trả lương cao hơn thợ thủ công thông thường. Hơn nữa, có rất ít cạnh tranh trên thị trường, và không có người trung gian. Người thợ chỉ có một ông chủ – công chúng. Anh ta có toàn quyền kiểm soát thời gian, vật liệu, và công cụ làm việc – nói tóm lại là kiểm soát toàn bộ công việc – tức là, anh ta là một thợ tự do, một nghệ sĩ. Chính tình trạng lao động này, và không có gì ngoài nó, đã tạo ra nghệ thuật thời trung cổ. Các lý thuyết về lòng nhiệt thành tôn giáo và nhưng gì tương tự, với vai trò động lực thúc đẩy nghệ thuật, tôi cho rằng, đã gần như tuyệt diệt vào thời điểm này; thực sự, một lý thuyết như thế khó có thể đứng vững ngay cả trước cái nhìn đầu tiên vào vẻ diêm dúa gớm guốc của một vài nhà thờ dòng Tên ở nước ngoài, nơi lòng nhiệt thành tôn giáo ở thời cực điểm, với những hiệu quả nghệ thuật khiến một người nhạy cảm phải rùng mình kinh hãi khi nghĩ đến. Trên thực tế, càng nghiên cứu vấn đề này, thông qua cả những di tích còn sót lại của nghệ thuật thời trung cổ và những ghi chép con người thời ấy để lại cho chúng ta, càng thấy rõ là chẳng hề quá lời khi nói rằng suốt thời trung cổ chẳng có gì được tạo ra mà không tuyệt đẹp; vẻ đẹp ấy hình thành như một phần tất yếu của công việc thủ công lúc bấy giờ cũng như mọi công việc thủ công vốn luôn như thế. Và hơn nữa, vẻ đẹp tất yếu của thủ công này, ở giữa những người lành mạnh và cường tráng, là kết quả của người thợ làm việc tự do, không vì ông chủ; như tôi đã nói, họ có toàn quyền kiểm soát chất liệu, công cụ và thời gian.

Theo những điều kiện này, nghệ thuật, hay niềm vui cuộc sống, được toàn thể người dân chia sẻ. Không ai có thể không biết đến những nghệ thuật giản đơn của cuộc sống, và mọi người đều quan tâm đến việc sản xuất chúng; vậy nên tiêu chuẩn hoàn thiện của đồ vật tạo ra được duy trì và thúc đẩy cùng lúc bởi trí tuệ và sự quan tâm đến chất liệu của mọi người. Sự khác biệt giữa người nghệ sĩ và người không phải nghệ sĩ không tồn tại; đó chỉ là một vấn đề về khác biệt giữa các năng khiếu về tinh thần của người này và người kia. Dù những năng khiếu ấy là gì, không ai bị ngăn cản biểu đạt chúng trong nghệ thuật bằng phương tiện này hay phương tiện khác.

Đây là vị thế của nghệ thuật trong thời kỳ phong kiến, được tạo ra bởi cuộc sống lao động vốn là một cuộc đấu tranh giành tự do thoát khỏi sự kìm hãm của đặc quyền. Cuộc đấu tranh ấy đã kết thúc trong thắng lợi. Nó đã đem lại kết quả gì và như thế nào cho lao động và nghệ thuật?

Chúng ta đã thấy rằng vào thế kỷ mười lăm một tầng lớp hoàn toàn tự do được trả lương, hay là giai cấp vô sản, đã xuất hiện dưới hình thức thợ làm thuê cho các thợ thủ công chính; nhưng vị thế của họ, đương nhiên, không hề giống như các công nhân nhà máy hiện nay. Tiền lương của họ cao, và thực tế là tiền lương đã tăng lên vào thế kỷ mười lăm; và về công việc, họ ngang hàng với thợ chính – còn những người tổ chức lao động, như chúng ta dùng để gọi cách kỳ quặc những người không làm gì ngoài việc đứng nhìn công việc, thì chưa được biết đến vào thời đó, và sự phân chia công việc trong xưởng hầu như không xảy ra. Nhưng vào nửa đầu thế kỷ mười sáu, số lượng thợ làm thuê tăng mạnh đột ngột. Giao thương mở rộng khắp châu Âu và ngày càng hướng về phía tây. Ở vùng này các ràng buộc của chế độ phong kiến cá nhân đã bị lung lay mạnh bởi cuộc tàn sát quy mô lớn người thượng lưu trong Chiến tranh Hoa Hồng, và những địa chủ vốn đã bị vắt kiệt trông thấy trước mắt một cơ hội để khôi phục vị thế bằng cách lao vào thị trường thương mại mới ra đời. Sau đó, sự thay đổi lớn bắt đầu ở Anh, và trong khi trước đây con người tạo ra đồ vật để kiếm sống và cung cấp cho nhu cầu của hàng xóm, giờ họ bắt đầu sản xuất chúng vì lợi nhuận, cho một thị trường đầy may rủi. Bước đầu tiên trong thay đổi này nhắm vào đất đai. Các địa chủ, như tôi đã nói, nhìn thấy lợi thế của họ, và tập trung toàn bộ nguồn lực của họ vào việc sản xuất len như một mặt hàng tiêu thụ phổ biến. Động lực hướng về thương mại là không thể cưỡng lại được, mặc dù, dưới thời Henry VII., luật pháp đã cố ngăn chặn việc chiếm đất của những tiểu điền chủ. Bạo lực và gian trá, bùng nổ chẳng ngại ngùng, sớm phát huy tác dụng, và Anh quốc từ một đất nước thuần đất trồng trọt xen kẽ đất công để chăn thả gia súc của người dân, trở thành một vùng đồng cỏ lớn, chăn nuôi cừu để bán len cho thị trường nước ngoài.

Có hai người tiêu biểu đã rải khắp các tác phẩm của họ những dấu vết cho thấy sự cướp đoạt này cay đắng như thế nào. Một vị là Sir Thomas More, một trong những quý ông có học thức và cao thượng nhất thời bấy giờ, một tín đồ Công giáo nhiệt thành, một vị tử đạo vì sự trung thực của mình. Người còn lại là Hugh Latimer, con trai một tiểu điền chủ, típ người Anh trung thực thô lỗ điển hình, một người Tin lành nhiệt thành, cũng tử đạo vì nguyên nhân ấy. Cả hai nói cùng một điều, bằng những lời mà không ai từng đọc có thể quên được, cho chúng ta thấy một bức tranh khủng khiếp về hậu quả của lòng tham thương mại trong thời của họ. Chẳng hề nói suông khi cho rằng những con người ấy không bao giờ chết và giờ đây, một lần nữa trong thời đại chúng ta, dường như cái rìu của More và bó củi của Latimer vẫn đang hoạt động để tạo ra những hoa trái mà ngay cả họ – kể cả More – cũng không hình dung được.

Nhưng trong khi đó thương mại vẫn tiếp tục con đường hủy diệt của nó. Việc cướp đoạt trực tiếp của những người nhắc đến ở trên được tiếp nối bởi sự cướp đoạn gián tiếp dưới hình thức tịch thu đất đai các nhà thờ, với lý do là họ không còn thực hiện chức năng công cộng họ nắm giữ và bởi vậy không thể thực hiện được chức năng công cộng nào nữa. Vụ cướp mới này nhắm vào người dân, ngoài sự tàn bạo khủng khiếp nó được tiến hành, đã đem lại những kết quả tức thời, rất đau thương; nhưng đáng nói ở chỗ nó đã bổ sung cho đội quân những kẻ vô dụng được thả rông trên thế giới (về họ More và Latimer đã nói tới), đó là hậu quả của việc các địa chủ khám phá ra rằng họ có thể làm nông để kiếm lợi, và rằng con người là loài vật sinh lợi kém hơn cừu.

Bởi vậy mà tạo ra một nhóm đông đảo những người không có tài sản nào khác ngoài chính cơ thể họ, thứ giờ đây họ buộc phải bán cho bất kỳ ai muốn mua với điều kiện phải giữ họ sống để làm việc. Như thế hình thành nên tầng lớp những người lao động tự do mà ông bạn thành Athen của chúng ta vốn e ngại, không phải là không hợp lý; những người tự do chết đói. Chất liệu cho nạn dịch buôn bán vì lợi nhuận (gọi cách lịch sự là thương mại) đã sẵn sàng được tung ra thế giới. Thoạt tiên thị trường khó điều chỉnh, và “chất liệu” ấy có phần khó bảo – đến nỗi bởi tay người anh hùng ngoan đạo của Mr. Fronde, Henry VII (người mà chúng ta có thể gọi là một trong những kẻ vô lại vĩ đại nhất từng làm ô danh người Anh) cùng với những người khác, hàng nghìn người bị treo lủng lẳng trên lối đi.

Tuy nhiên, cuối cùng mọi thứ lại một lần nữa trở nên tồi tệ. Một luật tồi, không giống như luật hiện hành vốn nhân đạo và hợp lẽ, đã được ban hành để thế chỗ sự bố thí của các tu viện, và trật tự mới về mọi thứ được thiết lập dựa trên thương mại cũng như phúc âm thuở sơ khai của nó về cung và cầu.

Như vậy những cuộc đấu tranh của lao động, để giải phóng bản thân khỏi sự chuyên quyền phong kiến theo nghĩa nào đó đã thành công; chế độ phong kiến nhận đòn chí tử và thương mại chiếm ngai vàng. Vậy là người lao động đã bước vào vương quốc của mình? Tất tật đều thuần túy công bằng và cuộc sống tốt đẹp cho anh ta từ nay trở đi? Thật kỳ lạ khi phải nói, không hề. Ngược lại, anh ta bị đẩy lui một hoặc hai bước, và trên thực tế còn tệ hơn tiền thân của anh ta, nông nô. Anh ta lao động, và những người khác tham gia vào công việc của anh ta. Đó là những thành phần tạo ra từ nông nô được giải phóng, đoàn thể thương nhân, nghiệp đoàn-thợ thủ công có đặc quyền, tiểu điền chủ, dần phát triển thành một tầng lớp trung lưu, họ nhanh chóng gia tăng quyền lực và tài sản, được nuôi dưỡng bởi chính sự khốn cùng tạo ra trước tiên bởi việc chiếm đoạn của nông dân, những người, như tôi đã nói, trở thành chất liệu thích hợp cho việc buôn bán vì lợi nhuận của ngành thương mại mới ra đời.

Tầng lớp trung lưu mới này đã tạo ra một loại người chắc nịch và nghiêm khắc, thô kệch và chẳng đắn đo, và chống lại các đặc quyền, bỏ lại sau lưng những truyền thống cũ về những con người đầu tranh trong những hoàn cảnh rất khác, với những mục đích cũng ít nhất phần nào đó khác; vào giữa thế kỷ mười bảy, họ bắt đầu nhắm đến quyền tối cao trong Chính quyền thay vì tự do thương mại. Điều kiện lao động họ tạo ra khá nghèo nàn. Dù một số nghề thủ công được thực hiện theo lối gia đình không có sự phân chia lao động và không bị gây rối bởi người trung gian, hầu hết đều mang tính cạnh tranh và quy tắc của người chủ đã được thiết lập rõ rệt. Nghệ thuật cũng vậy. Thợ thủ công giờ bị chia thành nghệ sĩ, tức những người không phải thợ, và thợ, những người không là nghệ sĩ. Nghệ thuật đại chúng – vốn từng phổ quát, và ở đó những thay đổi từ nghệ thuật trí tuệ cao đến những trang trí thấp nhất diễn ra dần dần và không thể nhận ra – vẫn nán lại ở một hình thức thô sơ khi nó liên quan đến lao động gia đình, nhưng ngoài đó ra, dưới sự kìm kẹp của lợi nhuận, nó ngày càng giảm sút theo từng thập kỷ và được sử dụng để làm ra thuần là đồ chơi và lớp bọc ngoài. Kiến trúc hoặc và công trình trang trí vẫn giữ được một số nét quyến rũ và vẻ đẹp của nó khi cuộc sống thô sơ và giản dị nhưng ở những nơi khác đã mất hết sức sống và trở nên vô vọng, chìm vào sự phô bày buồn tẻ, giáo điều khi những luật của thời đại cũ bị hiểu nhầm. Tuy nhiên một truyền thống của những ngày tươi đẹp vẫn còn tồn tại, và nhìn chung chỉ khi con người muốn thể hiện niềm tự hào của họ về học vấn và của cải, họ mới tạo ra những thứ xấu thậm tệ.

Nghệ thuật của thế kỷ mười bảy là như vậy; nhưng có một xu hướng ngày càng tăng về sự thay đổi trong cách tổ chức lao động như là kết cục tất yếu của việc lợi nhuận ngày càng được đòi hỏi ở mức tối đa. Những người thợ được tập hợp về các xưởng, những máy móc đơn giản của họ – máy dệt, máy tiện, bánh xoay – dù phần lớn về nguyên tắc là không thay đổi, đã dần được làm nhẹ đi và cải tiến; sự phân chia lao động xuất hiện; và một người thông minh, trước đây từng lập kế hoạch và thực hiện công việc từ đầu đến cuối, giờ buộc phải tập trung toàn bộ sức mạnh tinh thần vào một phần nhỏ của cũng công việc ấy, tốc độ và sự chính xác trở thành phẩm chất được tìm kiếm nơi một người thợ, thay vì suy nghĩ và hoàn thiện khéo.

Hệ thống làm việc này được hoàn thiện trong thế kỷ tiếp theo (thế kỷ mười tám), với kết quả là toàn bộ nghệ thuật đại chúng bị phá hoại, ngoại trừ ở những nơi cách xa trung tâm văn minh đến mức họ hầu không cảm thấy sự ảnh hưởng của thương mại, trong khi các nghệ thuật vận dụng trí óc như hội họa, điều khắc… thì chìm xuống mức thấp nhất có thể, được dành cho một sự chú ý hời hợt trong phát minh, và độ khéo tay rất thấp trong thực hiện. Ngày nay chúng được phục hồi đến mức nào sau tình trạng sống dở chết dở ấy thì rất khó để những người đương thời chúng ta xác định được. Chắc chắn là có tồn tại các thiên tài, và thiên tài ấy sẽ, với nỗ lực khủng khiếp, phá vỡ hoàn cảnh bất lợi và tạo ra thứ gì đó; nhưng nghệ thuật đại chúng thì giống như một câu chuyện để kể lại, và con người bị tách hẳn khỏi vui thú sống.

Ngay cả trong thế kỷ mười tám, người ta cũng thường xuyên tạo ra những thứ xấu hơn là đẹp; và như thế thì chẳng có gì ngạc nhiên, bởi người thợ, như một quy tắc, chẳng còn nghĩ về thứ anh ta làm nữa, và bởi vậy không thể có niềm vui ở đó – chẳng còn có thể thỏa mãn giống như khi chế ngự một chất liệu theo ý muốn của mình, và bởi vậy tạo ra cái đẹp và gây thích thú từ rủi ro và thô ráp. Anh ta làm việc theo lệnh của một nhà thiết kế nào đó không biết công việc thủ công của anh ta, bản thân người này cũng bị thúc giục và quấy rầy bởi làm việc cho kẻ tìm lợi nhuận và không quan tâm đến chất liệu mà người này chẳng tự tay xử lý, cũng như những sản phẩm mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ trông thấy.

Vậy thì, cuối thế kỷ mười bảy, theo như lịch sử đã diễn ra, là một điểm kết thúc của nghệ thuật đúng là nghệ thuật; nhưng đối với lao động vẫn còn một sự thay đổi khác nữa. Hệ thống phân chia lao động thực sự đã tạo ra một thay đổi lớn trong việc sản xuất hàng hóa và tạo ra số lượng lớn hàng hóa cho thị trường, nhưng nhu cầu của những thị trường ấy tăng lên mỗi năm, bởi những lý do hiển nhiên không thể kể hết ở đây; và dẫu nước Anh đã có được phần đóng góp của mình vào ngành thương mại, về tổng thể, đó vẫn là một quốc gia nông nghiệp yên bình, ngay cả ở nửa đầu thế kỷ mười tám, dân lao động khi ấy thịnh vượng hơn nhiều so với các thế kỷ trước. Sau đó là sự thay đổi khủng khiếp đã tạo nên chúng ta như ngày nay, cuộc cách mạng của các ngành công nghiệp máy móc lớn. Lịch sử thực sự của năm mươi năm tạo nên cuộc cách mạng này vẫn chưa được viết, nếu như nó thực sự có thể được viết cách chân thực; nhưng, dẫu thế nào, chúng ta đều biết những nét chính của nó, và cuộc chiến tranh khủng khiếp mà chúng ta tiến hành, trên danh nghĩa bảo vệ nền quân chủ nhưng thực chất là để duy trì các thị trường nước ngoài và thuộc địa đã đặt chúng ta vào một vị thế kỳ lạ ở đầu thế kỷ này – quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, với độc quyền thương mại trong các ngành công nghiệp lớn, lại có dân cư khốn nạn nhất, bị áp bức không thể diễn tả bởi sự khinh suất của việc theo đuổi lợi nhuận thương mại bằng mọi cách, phớt lờ những đau khổ gây ra bởi những thay đổi mới trong bộ máy, cũng không cố chỉnh đốn những thay đổi ấy để cứu chúng ta khỏi những hậu quả tệ nhất của nó.

Sau tất cả những điều này, giờ đây chúng ta ở đâu? Đó chắc chắn là thắc mắc hẳn chúng ta đang tự hỏi. Về mối quan hệ giữa nghệ thuật và lao động, tôi chỉ có thể nói rằng lao động về tổng thể không còn bất cứ liên quan gì đến nghệ thuật nữa. Ngay cả trong hệ thống phân chia lao động của thế kỷ mười tám vẫn còn một số ít ỏi những gì hấp dẫn còn sót lại có thể thấy trong thực tế là người ta vẫn cho rằng việc tạo ra một tác phẩm tốt là đáng khen ngợi, “làm đúng và tốt,” như tổ tiên chúng ta nói. Giờ thì chúng ta đã tiến thêm một bước nữa và hiểu rõ rằng lợi nhuận là mục đích duy nhất của mọi hoạt động sản xuất; bởi vậy, xét về công việc của người lao động, không còn sự hấp dẫn – tức là nghệ thuật – ở đó, trong khi trước đây, như đã thấy, công việc của anh ta luôn luôn hấp dẫn.

Nhưng, nếu công việc không còn thú vị nữa thì chắc hẳn phải có thú vui nào khác được bù đắp trong cuộc sống chứ. Vậy thì nó đâu? Nhà của anh ta? Ôi thôi, ở các khu sản xuất, hay ở London, hay bất kỳ thành phố lớn nào, ngay cả một người giàu cũng chẳng thể có một ngôi nhà tử tế chứ đừng nói đến người nghèo, bởi người ta vẫn xem là nhẹ chuyện làm cho các con sông ngập rác, dập tắt ánh mặt trời và khiến trái đất trở nên bẩn thỉu với những trại bằng gạch – chúng ta sẽ không gọi chúng là những ngôi nhà – nơi những người làm ra của cải của chúng ta sống được chăng hay chớ.

Vậy thì thời giờ rảnh rỗi có bù đắp được cho công nhân không? Tôi nghĩ chẳng cần phải đi sâu vào câu hỏi đó. Hay mức lương cao, nếu chúng có thể có ích thế nào đó cho anh ta, buộc anh ta phải sống trong địa ngục lao khổ mà anh ta không thể thoát ra chừng nào còn lao động? Không, giờ thì chúng ta biết rằng, theo hệ thống hiện tại, tiền lương của anh ta phải bị giới hạn ở mức đủ để anh ta duy trì được điều kiện sống anh ta đã quen từ ngày này qua ngày khác, nếu không thì chẳng có lợi nhuận nữa. Hay giáo dục – đó có phải phần thưởng cho anh ta? Than ôi, vẫn còn những người muốn tước đi khỏi anh ta – hoặc đúng hơn là con cái anh ta – một nhúm đáng thương sự giáo dục mà mãi gần đây mới được bố thí cho anh ta, và ở đất nước của thỏa hiệp này (hèn nhát là cách gọi khác của nó), tôi có thể đoán chắc nó sẽ kết thúc như thế nào, trong thời hiện tại.

Câu hỏi ấy – mối quan hệ hiện nay giữa lao động và nghệ thuật? – sẽ được trả lời ngay. Mối quan hệ ấy khá đơn giản, bởi lao động thì đã tách rời hoàn toàn khỏi nghệ thuật. Về công việc của mình, người lao động hoặc là một cái máy, hoặc là nô lệ của một cái máy. Chẳng có nghệ thuật nào trong công việc của anh ta; và về cuộc sống của anh ta bên ngoài công việc, anh ta không có cả tiền, thời giờ rảnh rỗi lẫn giáo dục – tức là, sự tinh luyện – đủ để có được nghệ thuật.

E rằng một vài độc giả sẽ cho là việc ấy chẳng hệ trọng chút nào. Người lao động được cho ăn, mặc, và ở theo lối để anh ta trở thành một người lao động tốt – vì tạo ra được lợi nhuận cho người khác – và tuy thế vẫn hài lòng với số phận của mình. Những người nghĩ như vậy sẽ không quan tâm đến việc biết câu trả lời cho một câu hỏi khác – mối quan hệ giữa nghệ thuật và lao động nên như thế nào?

Trước tiên hãy xem xét những gì xung quanh cuộc sống của người lao động, bởi công việc của anh ta có thể không bao giờ được sắp đặt thỏa đáng trừ phi môi trường sống của anh ta, mà thực ra bao gồm cả môi trường sống của tất cả chúng ta, được sắp đặt đúng. Chúng ta hãy xem môi trường sống này nên như thế nào.

1. Người lao động phải sống trong một ngôi nhà dễ chịu ở một nơi dễ chịu. Đó là một yêu cầu về lao động mà tôi biết hầu hết mọi người sẽ đồng ý cho đến khi họ xem xét đến mức độ không thể đáp ứng được của nó trong hệ thống vắt lợi nhuận của chúng ta; hãy thử nghĩ xem cần bao nhiêu thời gian, tiền bạc và công sức để biến London thành một nơi dễ chịu, và đương nhiên một ngôi nhà dễ chịu thì phải là một ngôi nhà tốn kém.

2. Người lao động phải được giáo dục tốt. Một lần nữa, về chuyện này hầu hết mọi người hẳn sẽ đồng ý cho đến khi họ biết như thế nghĩa là gì – cụ thể là mọi trẻ em đều được giáo dục, không phải theo số tiền mà cha mẹ chúng tình cờ sở hữu, mà theo khả năng của chúng. Kém hơn mức ấy thì sẽ là giáo dục giai cấp, đó là sự áp bức lớn nhất của người giàu đối với người nghèo.

3. Người lao động phải có thời gian rảnh rỗi thích đáng. Một lần nữa điều này hẳn được nhất trí cho đến khi nghĩa của nó trở nên rõ ràng. Làm việc quá sức vì lợi nhuận phải được ngăn chặn bằng mọi giá. Phải tìm ra mức tối đa cần thiết cho một ngày làm việc, và phải hợp pháp hóa và bắt buộc. Theo hệ quả của tuyên bố này, mọi người đều phải lao động.

Như vậy là đủ cho môi trường sống cần thiết để nghệ thuật có thể đến với toàn thể mọi người. Tôi nghĩ rằng độc giả phải thấy rằng ba điều này thực sự có nghĩa là sự tinh luyện của cuộc sống, hoặc, như cách chúng ta gọi bây giờ, cuộc sống của một quý ông; và chúng ta phải hiểu rõ rằng nếu người lao động không có hy vọng trở nên có học thức hoặc tao nhã thì về lâu dài sẽ trở nên thô lỗ, và những tầng lớp khá giả cũng chẳng khá hơn. Chúng ta hãy nghĩ về việc ấy và ý nghĩa của nó. Cuộc sống của một số người trong chúng ta sẽ thật khủng khiếp nếu chúng ta không trở nên khôn ngoan hơn theo thời gian.

Bây giờ về cách thức làm việc, nếu chúng ta muốn có nghệ thuật một lần nữa dồn tại con người.

1. Không được làm bất kỳ công việc vô ích nào. Việc này, thực ra, theo lẽ tất yếu, là hạn chế giờ lao động một ngày; nhưng tất nhiên tôi biết nhiều độc giả không đồng ý với tôi, bởi chúng ta – những người thuộc tầng lớp khá giả – chủ yếu sống nhờ vào lao động vô ích – việc quay bánh xe của người nghiến lợi nhuận.

2. Bất kỳ công việc phiền phức nào buộc phải làm thì nên được thực hiện bằng máy móc, thứ thực sự nên được sử dụng để tiết kiệm công lao động, không phải để kiếm lợi như ngày nay. Tôi biết rằng điều này bao gồm cả điều hẳn được cho là đề xuất quái dị rằng máy móc phải là người hầu, không phải ông chủ của chúng ta, nhưng tôi vẫn chẳng ngại ngần tuyên bố.

3. Không có công việc vô ích nào được thực hiện, và mọi công việc vặt phiền phức được tiết kiệm nhiều nhất có thể bằng cách biến máy móc thành người hầu thay vì ông chủ, như thế khiến cho, như kết quả tất yếu, những công việc khác (thực sự là phần quan trọng nhất của công việc) được thực hiện chắc chắn đi kèm với niềm vui và được khen ngợi khi hoàn tất; hoàn toàn đúng là sản phẩm của mọi công việc được thực hiện cùng với niềm vui và sự ngợi khen thích đáng là nghệ thuật – tức là một phần thiết yếu của niềm vui sống. Cái đẹp là sự biểu đạt và dấu hiệu cho những công việc như thế.

Giờ thì, đương nhiên, người ta sẽ nói rằng loại công việc như thế chắc chắn đáng mong muốn nhưng không thể thực hiện được. Nhưng tôi xin nhắc lại rằng ở một quy mô nhất định nó đã được thực hiện ở thời Trung cổ, khi người thợ làm chủ chất liệu, công cụ và thời gian của mình. Để hiện thực hóa loại công việc mà tôi vừa nói, người thợ một lần nữa phải làm chủ những yếu tố ấy, và việc này phải được thực hiện không phải bằng cách quay lại hệ thống của thời Trung cổ, hiển nhiên là điều bất khả, mà bằng cách để cho người thợ làm chủ thời gian, công cụ và chất liệu của mình theo lối tập thể hoặc cộng đồng – có nghĩa là, người lao động phải điều chỉnh công việc vì lợi ích của người lao động. Đương nhiên, rõ ràng là điều này liên quan đến việc thay đổi nền tảng xã hội, vì nó không có nghĩa gì khác ngoài việc thay thế hệ thống cạnh tranh hiện tại, hoặc – cái xấu sẽ chiếm lấy thứ tụt lại đằng sau – bằng chủ nghĩa xã hội, hoặc hợp tác toàn thể, gọi là gì cũng được. Và một số người sẽ nghĩ rằng sự thay đổi như vậy thực sự là cái giá đắt phải trả vì nghệ thuật, ngay cả khi đúng là (và tôi vẫn tin là vậy) bạn không thể có nghệ thuật nếu không có sự thay đổi ấy.

Tuy nhiên hãy nhớ rằng tôi đã gọi nghệ thuật là niềm vui sống và thực ra không có nghĩa gì khác ngoài hạnh phúc. Vậy thì cái giá nào là quá đắt để mua hạnh phúc chung? 

Cũng hãy nhớ rằng tôi đã nói đối với sự ra đời mới của nghệ thuật người lao động phải có chỗ ở tốt, được giáo dục tốt và có thời gian rảnh rỗi. Tôi biết rằng điều này không thể xảy ra với anh ta theo hệ thống cạnh tranh hiện tại; nếu bạn không biết như thế, bạn có thể thấy nó đúng vào một lúc nào đó, khi bạn bắt đầu thử để cho người lao động có nơi ở tốt, được giáo dục tốt và có thời gian rảnh. Và nếu hệ thống hiện nay không làm được điều này cho anh ta, thì hệ thống nào sẽ làm được? Đó là một câu hỏi quan trọng, mà một ngày nào đó anh ta sẽ tự hỏi và trả lời mà không cần chúng ta trợ giúp nếu chúng ta không lưu ý đến nữa. Câu trả lời của tôi, một lần nữa, là: sự tối thượng của lao động khi được sử dụng theo nghĩa xã hội, vì lợi ích của cộng đồng. Đó chính là, tôi cảm thấy khá chắc chắn, bước đi tiếp theo trong trò chơi lớn của sự phát triển, và anh ta sẽ thực hiện bất kể chúng ta có thích hay không, có giúp đỡ hay không. Nhưng bởi đó là vì lợi ích của loài người, và bởi ngày qua ngày sự xuất hiện của bước đi ấy ngày một rõ ràng hơn, chúng ta hãy học cách yêu mến và giúp đỡ.

Công Hiện dịch 

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công