favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Walter Benjamin: Người kể. Nhìn nhận tác phẩm của Nikolai Leskov

30/09/2024 22:52

Không chỉ viết một tiểu luận kỳ diệu về người dịch, Walter Benjamin còn viết một tiểu luận khác, cũng kỳ diệu không kém, về người kể - lần này thì có đối tượng cụ thể, Leskov, nhà văn được Chekhov và Tolstoy ngưỡng mộ, từng có đoạn thời gian không xa lạ với Dostoevsky. Ở Việt Nam, từng có câu chuyện trong nhan đề có "Lady Macbeth".

Chủ đích của Benjamin, khi bàn về văn chương Leskov, là nói đến "Erzähler" (tên đầy đủ của tiểu luận: "Der Erzähler: Betrachtungen zum Werk Nikolai Lesskows"), tức là "người kể chuyện". Nhưng ngày nay, nói "người kể chuyện" thì sẽ khiến người ta (ít nhất là các độc giả quá rành về lý thuyết văn chương) nghĩ ngay đến "người kể chuyện" trong cái được gọi là tự sự học. Nhưng Benjamin muốn nói đến người kể chuyện bình thường, rất quen thuộc, người kể một câu chuyện, nhân vật luôn luôn xuất hiện trong lịch sử con người (nhưng ngày càng hiếm hoi, ở thế giới hiện đại: đến là phải nghĩ rằng, đó là một dạng người đã gần như tuyệt chủng). Ở bản dịch, "người kể" là từ được dùng, để tránh mọi nhầm lẫn.

 

Người kể

- Walter Benjamin

I

Người kể - dẫu âm vang mấy từ này có quen thuộc với chúng ta đến đâu - không hiện diện với chúng ta trong hoạt động sống động của anh ta. Người đó đã đi xa khỏi chúng ta và vẫn không ngừng đi xa thêm nữa. Việc bày Leskov ra như một người kể không đồng nghĩa với khiến cho ông xích lại gần chúng ta; ngược lại, làm như vậy lại còn làm tăng thêm khoảng cách phân tách chúng ta khỏi ông. Khi người ta nhìn nhận với một độ lùi nhất định, các nét lớn, sơ đẳng cấu tạo nên hình tượng người kể chiếm thế thượng phong. Một cách chính xác hơn, chúng hiện ra theo cùng cách thức của một cái đầu người hay một cơ thể động vật được họa ra trên một tảng đá đối với người nào nhìn cái đó từ khoảng cách vừa đủ và từ điểm quan sát tốt. Khoảng cách này và điểm quan sát này được định cho chúng ta bởi một kinh nghiệm mà gần như ngày nào chúng ta cũng có dịp có được. Một kinh nghiệm nói với chúng ta rằng nghệ thuật kể đang đến hồi kết thúc. Càng ngày càng hiếm khi chúng ta gặp được những người biết kể một điều gì đó, theo nghĩa đúng của từ này. Càng ngày càng hay có một nỗi bối rối có thể cảm thấy được ở xung quanh, những khi người ta bày tỏ mong muốn được nghe ai đó kể một câu chuyện. Mọi điều xảy ra như thể một năng lực đối với chúng ta từng dường không thể tha hóa, hiển nhiên vô cùng, kể từ nay đã bị rút đi mất khỏi chúng ta: năng lực trao đổi các kinh nghiệm.

Một trong những nguyên nhân cho hiện tượng này đập ngay vào mắt: đấy là vì dòng của kinh nghiệm đã rơi sụt xuống. Và có vẻ như là sự rơi của nó không có hồi kết. Chỉ cần nhìn qua tờ báo là chúng ta đã biết nó lại vừa đạt thêm một mức mới nữa trong sự trật cấp của mình, và không chỉ hình ảnh thế giới bên ngoài, mà cả hình ảnh thế giới tinh thần, từ hôm nay sang hôm sau đã phải chịu các biến đổi mà hẳn chẳng ai từng nghĩ là khả dĩ. Với cuộc thế chiến đã bắt đầu một quá trình hẵng còn chưa dừng lại kể từ đó. Chẳng phải người ta từng nhận ra, khi cuộc thế chiến ấy kết thúc, rằng những con người từ chiến trận trở về trong câm lặng? Không phải giàu có hơn, mà là nghèo nàn hơn về các kinh nghiệm để chia sẻ. Toàn bộ những gì người ta đã tuôn ra sau đó, mười năm về sau, trong dòng sóng những cuốn sách dành cho chiến tranh, chẳng có gì chung với kinh nghiệm được truyền miệng cho nhau nghe. Vả lại điều này không hề đáng ngạc nhiên. Bởi chưa bao giờ các kinh nghiệm từng bị chối bỏ theo lối triệt để tới vậy: những kinh nghiệm chiến lược, bởi dạng chiến tranh chiến hào; những kinh nghiệm kinh tế, bởi lạm phát; những kinh nghiệm thuộc cơ thể, bởi cuộc chiến thiết bị; những kinh nghiệm luân lý, bởi đám cầm quyền. Một thế hệ vẫn còn đang đến trường bằng tramway ngựa kéo bỗng ở ngoài trời, trong một phong cảnh nơi mọi thứ đã thay đổi, mọi thứ ngoại trừ các đám mây, và phía dưới, tại một trường lực bị băng ngang bởi những vụ nổ và những luồng hủy diệt, cơ thể con người, nhỏ xíu và yếu ớt.

II

Kinh nghiệm được truyền miệng cho nhau là nguồn khởi đi từ đó tất tật các người kể được tạo ra. Một số từng viết ra những câu chuyện; những người vĩ đại nhất trong số họ là những người có sự viết rời xa càng ít càng tốt khỏi lời nói của nhiều người kể vô danh. Giữa những người này lại có hai nhóm, lẽ dĩ nhiên xâm nhập lẫn nhau theo cả nghìn cách. Do đó hình tượng người kể chỉ nhận được đầy đủ hiện thân của nó nơi người nào không quên cả hai khía cạnh. "Khi đi xa, người ta có điều gì đó để kể", vox populi bảo, nuôi trong mình cái ý người kể là ai đó từ xa tới. Nhưng không phải vì thế mà người ta bớt dỏng tai lên nghe người nào, kiếm sống một cách trung thực, đã ở lại vùng đất của mình và biết các câu chuyện cùng các truyền thống của nó. Nếu muốn hình dung hai nhóm ấy dưới những nét của các đại diện cổ xưa của họ, chúng ta hãy nói rằng một được hiện thân bởi người nông dân cả đời không đi đâu còn nhóm kia, bởi thủy thủ tàu buôn. Hai thế giới đó quả thật đã tạo ra dòng giống các người kể riêng của mình. Dòng giống nào trong số ấy cũng đã lưu giữ được một số đặc trưng của mình trong chuỗi nhiều thế kỷ. Chính bằng cách đó mà, giữa những người kể Đức gần đây, Hebel và Gotthelf xuất thân từ dòng thứ nhất, Sealsfield và Gerstäcker thì từ dòng thứ hai. Thêm nữa, đây chỉ là, như người ta từng nói, các típ nền tảng. Quảng tính đích thực của địa hạt những câu chuyện, trong toàn bộ chiều lịch sử của nó, chỉ có thể được hình dung bằng cách để ý đến sự xâm nhập qua lại cực điểm của hai típ cổ xưa ấy. Về sự xâm nhập qua lại này, tổ chức các nghề thời Trung cổ là một biểu đạt đặc biệt trọn vẹn. Ông thầy ở một chỗ và thợ bạn hoàn thành chuyến đi xa của mình làm việc cùng nhau tại cùng các xưởng; và ông thầy nào cũng từng là một thợ bạn lưu động trước khi ở cố định lại một chỗ, tại quê hương mình hoặc chỗ khác. Nếu nông dân và thủy thủ từng là những ông thầy khét tiếng của nghệ thuật kể, thì nghề thủ công lại là trường đại học của nó. Chính tại nghề thủ công mà đã được thiết lập dây liên hệ giữa các tin tức từ xa xôi, mà người đã đi xa nhiều mang về nhà mình, và những tin tức từ quá khứ mà người ở một chỗ là tâm phúc tốt hơn cả.

III

Leskov ở đúng chỗ của mình tại nơi xa xôi của cả không gian và thời gian.

Cao Việt Dũng dịch

(còn nữa)

 

[chú thích của Walter Benjamin: Nikolai Leskov sinh năm 1831 tại vùng Orel. Ông mất năm 1895 ở Saint-Petersburg. Do mối quan tâm và sự đồng cảm của ông đối với thế giới nông dân, ông có một số gần gũi với Tolstoy; do định hướng tôn giáo của mình ông gần gũi với Dostoevsky. Nhưng những gì ông viết nhằm diễn tả các nguyên tắc cùng học thuyết của mình, những tiểu thuyết thuộc giai đoạn đầu, hóa ra lại chính là phần kém bền vững nhất trong tác phẩm của ông. Tầm quan trọng của Leskov được tạo lập trên các câu chuyện của ông, chúng thuộc vào một lớp muộn hơn trong sự viết của ông. Kể từ sau chiến tranh [tức là Thế chiến thứ nhất], nhiều toan tính đã được thực hiện nhằm đưa những câu chuyện ấy đến với độc giả tiếng Đức. Có nhiều tập tác phẩm chọn lọc đã được in bởi nhà xuất bản Musarion và nhà xuất bản Georg Müller; nhất là có các tác phẩm chọn lọc in thành chín tập của nhà xuất bản C. H. Beck.]

đọc lý thuyết

Lukács

Bardèche

Roger Caillois

Carl Dahlhaus

Pietro Citati

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công