Vui
Rigoni kể, trong Cioran dans mes souvenirs, rằng cho lý tưởng, Cioran nói mình có thể hy sinh cả danh dự và đã làm đúng như vậy. Đó là một người thất bại: không nhà, không công việc, cả đời để companion (không giàu có gì) nuôi. Khi một người như Cioran nói có thể hy sinh cả danh dự thì không hề là chuyện đùa, vì với Cioran, danh dự nếu không phải là thứ khó từ bỏ nhất thì cũng gần nhất. Chấp nhận một hành động mất danh dự nghĩa là mắc vào tội nợ, và bản thân điều đó là sự trừng phạt tối cao. Sự trừng phạt này không liên quan gì đến các hệ quả mang tính xã hội (trong đó mất mặt có thể coi là tệ nhất). Hoàn toàn ngược lại: tội càng ít người biết (hoặc biết nhưng khăng khăng không coi đó là tội), nợ càng nặng. Có những cơ chế tinh vi để trốn chuyện nhìn thẳng vào sự thật ấy, và cả đời chúng ta không làm gì ngoài chạy vòng quanh để trốn nợ, nhưng định mệnh của con người là kiểu gì cũng sẽ nhìn thấy sự thật, khi đến lúc (chuyện đã nói rất tường minh ở kia và ở kia).
Với một tinh thần sáng quắc như Cioran thì tất nhiên không có đến lúc nào cả. Sự trừng phạt ở ngay đây: những stigma liên tiếp hằn lên tư thế, làm cho không đứng thẳng được nữa. Một phụ nữ rất khôn ngoan đã nói với một phụ nữ khác - một lời tiên tri vô cùng chuẩn xác - rằng ai rồi cũng sẽ phải rạp mình thôi. Một người khác thì vẽ nó. Danh dự đúng là thứ quý giá nhất, nhưng phải hiến đúng thứ quý giá nhất, chứ không phải gần nhất: nếu không thì là cheating.
Cả điều này, Cioran cũng thấy quá rõ. Phải hiến thứ quý giá nhất cho - Rigoni gọi cái đó là tự do. Và tự do mới khốc liệt làm sao. Cảm giác rõ ràng nhất là sự khủng bố thường trực của tội-nợ, vừa như một điều kiện con người phổ quát, nhưng khủng khiếp hơn là một thực tế hết sức cụ thể, cá nhân. Andersen có một hình ảnh về tự do: nàng tiên cá đánh đổi giọng hát (không hề cheating) để lấy đôi chân người, và mỗi bước nhảy đều đau đớn như giẫm trên gót rạ vót nhọn. Nhưng chưa bao giờ người ta được chứng kiến bước nhảy nào nhiều grace đến thế, nụ cười nào điềm nhiên đến thế.
Nụ cười cũng là ấn tượng đầu tiên và cuối cùng của Rigoni về Cioran. Rigoni tả đó là một nụ cười sáng bừng, nụ cười thiên thần như từng được nhớ về Leopardi (mà Cioran là độc giả ở mức intimate: vì quá gần nên gần như không cần đọc nữa). Nụ cười trẻ thơ ấy (không ai có thể gặp nó mà không lây nhiễm) là đặc quyền của những tinh thần nhiều độc tố hơn cả.
Rigoni kể lại lần cuối gặp Cioran, lúc này gần như đã không còn ý thức, trong một bệnh viện trên đường Pascal. Con người của sự sáng suốt rực cháy ấy lại xuống thêm, chịu đựng đến tận cùng sự nhục nhã của sống. Khi vợ chồng Rigoni cùng Simone (companion của Cioran) bước vào, Cioran đột nhiên bừng khỏi sự đờ đẫn và, thoáng nhận ra bạn, mỉm cười. Nhưng mây mù đã lập tức phủ lên. Ba người ở lại nửa tiếng, thì thầm nói chuyện với nhau, rồi, như thể không biết phải làm gì nữa, họ đứng dậy. Rigoni tiến tới và đúng lúc ấy, Cioran mở mắt, lại nhận ra bạn và mỉm cười.
"Giữa hai nụ cười kỳ lạ ấy là chân dung tối hậu của một con người mà tôi có lý do để yêu cũng nhiều như ngưỡng mộ."
(Một sự chịu đựng đến cùng khác: Thomas Bernhard, cũng câu chuyện về hai người bạn, địa điểm là nhà thương điên.)
Mối nguy lớn nhất cho Cioran chính là Cioran: cả tính cách và văn chương ấy đều quá nhiều từ tính, quá dễ lây nhiễm, quá thích hợp để trở thành cult. Và thật vô ích khi tìm cách cự lại số phận ấy. Việc từ chối mọi giải thưởng, cũng giống hệt trường hợp Bernhard, chỉ càng củng cố hình dung chung về một enfant terrible.
Nhưng Cioran - và chính điều này mới khiến Cioran là Cioran - cũng chẳng cự lại. Người tuyên bố phải suy nghĩ chống lại chính mình cũng là một trong những người hiếm hoi hiểu ngay những gì Kafka nói, rằng trong cuộc chiến với thế giới, hãy đứng về phía thế giới. Rigoni kể rằng có lần, trên tàu, một người quay sang Cioran hỏi: "Có phải ông là Cioran không?" "Non, je l’étais!"
Nhưng đó không phải là dí dỏm (môn thể thao mà Cioran rất khinh bỉ, vì quá dễ). Đó là sự thật. Chưa kịp hiểu thì đã khác, biến mất ngay chính lúc hiện ra. Daisy Miller, hay cả Di sản Aspern của Henry James không nói gì hơn điều này. Một chân dung chỉ thực sự là chân dung khi nó là cửa sổ, là tấm gương, là khoảng đợi, là nỗi ám triền miên, là một khung chữ nhật vẽ ra rồi bước vào. Henry James tạo ra được những người quan sát trác tuyệt, đồng thời là người thí nghiệm, người lần theo bí ẩn (chẳng hạn). Nhưng đến pha của Cioran, enigma thậm chí không được đặt vào một bên ngoài nữa. Trở thành mình tức là trở thành khác, formation tức là liên tục khác đi, không bao giờ form, vì form lại là lúc tha hóa bắt đầu: chính khi có hết thì lại mất hết. Một biểu hiện của khác đi là nói bằng một giọng khác (chẳng hạn & chẳng hạn), ướm mình vào một điểm nhìn khác - nhưng không phải điểm nhìn của người khác, mà của chính mình trong sự trở thành, phát ra một giọng chưa từng biết trong mình, và chỉ trong formation ấy.
Đó là tự do, và tự do, với Cioran, là mệnh lệnh đạo đức tối cao. Con người không được tạo ra để chịu đựng nó, và chẳng gì đảm bảo rằng con người xứng đáng với nó. Nó nghiền nát con người tới độ phần đa thà chịu đựng áp bức còn hơn là phải chịu đựng tự do.
Cioran hoàn toàn có thể nói, giống Simone Weil, rằng xã hội là địa ngục, và hoàn toàn không phải vì ghét người. Rất ít người có lòng tin như Cioran vào khả thể của con người - đủ lòng tin để đặt một thước đo đủ cao cho nó. Thước đo của con người là chính nó: khuôn mặt lý tưởng - cũng là khuôn mặt thực duy nhất - của nó.
Tính chất địa ngục của xã hội một phần không nhỏ nằm ở cơ chế identity: mỗi người có một cái mặt, mọi thứ đều xoay quanh đó. Cơ chế ấy tỏ ra thực sự hiệu quả trong các hoạt động chiêu hồi: ghép mặt cho các cá thể từ chối gia nhập nhân quần bằng cách trước tiên là lờ đi, khi không lờ được nữa thì tấn công, và cuối cùng là phong thánh. Cioran nói rằng tự do chỉ có thể nảy nở trên các cơ thể xã hội đang bị bệnh, và chẳng gì khiến cơ thể ấy khoan khoái hơn là được khoan dung với những phần tử nguy hiểm trước đây. Một cơ chế tuyệt vời, lành mạnh và chắc chắn luôn luôn chiến thắng. Vấn đề không phải là đối địch với nó (đó mới là tư thế mời gọi chiêu hồi). Vấn đề là làm sao để không bị tóm. Cái khung chân dung ở đó, chẳng buồn giấu đi nhưng vẫn chẳng thấy gì.
catche me, catch me if you can
Điều này lý giải vì sao đọc - kể cả khi, nhất là khi đã chìm hẳn khỏi bề mặt, nhường chỗ cho những nghe, xem, lướt - vẫn cứ là thể động tinh thần thiêng nhất, là địa điểm của những cuộc tỉ thí ghê gớm nhất, mà độ vô hình tỉ lệ thuận với độ khốc liệt. Sứ mệnh của những tồn tại thực sự enigmatic như Cioran, chức năng sáng thế của nó, là làm sinh ra chuyển động phản ứng từ xã hội - không phải thứ reaction thô lậu của quyển sách giả mà là một cơ chế chiêu hồi thực sự tinh vi, hoàn thiện qua tiến hóa lâu dài và sẽ trở thành lịch sử. Không có những đối tượng bắn phá tạo ra được cân bằng với tất tật những gì còn lại, sẽ chẳng có lịch sử nào.
Điều xã hội chẳng bao giờ hiểu được là tự do có thể vui đến thế nào - sự vui tỉ lệ thuận với sự thảm khốc, thỉnh thoảng còn dôi một tí. Nhưng Cioran thì vui, Kafka cũng vậy.
Và chính sự vui ấy - chỉ được nhận ra bởi những trí tuệ tinh tế nhất, những người giữ thành giỏi nhất của xã hội - mới là thứ thực sự không thể chịu nổi. Ai cho phép ngươi vui? Chiêu hồi cao tay biến mọi sự vui thành pathos của thánh, gán cho nó một nghĩa chung, được biện minh bởi một trật tự cao hơn. Nhưng nụ cười của Cioran, của Leopardi, của Kafka vẫn ở đó, ở lại với con người. Cần phải cự tuyệt hết những món quà tốt lành nhất của mặt đất, chẳng phải vì lý tưởng chung nào, mà chỉ vì vui. Đúng là nó, lại thấy nó rồi, chỉ có nó.
Anh Hoa