favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
vocation
Next

Có một thứ gọi là văn chương và có một thứ gọi là lịch sử, và chính là với lịch sử - sự trở thành và tàn hủy, những khả thể về phụ thuộc và về toàn năng của con người - mà tôi bận mình, dẫu xu hướng bản năng nhất của tôi hướng về cái tuyệt đối, về ecstasy, về sự không ở đây.  

Đó là mùa xuân của tôi. Giờ thì tôi hiểu rằng cái muốn hướng về phần thưởng siêu nhiên không thể được đặt trên một lòng tin thành thực. Cầu nguyện như Teresa đã không còn có thể trong thế giới này, và cần phải hiểu tại sao. Đọc Ruskin viết lịch sử, tôi cảm nhận thật rõ rằng mỗi sử gia thuộc loại ấy (loại Lãng mạn?) cần có một hình dung về một thời hoàng kim - trung tâm của xác tín lịch sử. Có những hình dung lịch sử thật hạnh phúc, nơi con người đi đến cuộc gặp định mệnh của mình. Nhưng tôi thuộc về phía của Henry James: tôi không được phép thấy thế giới của những người được chọn, của sự chắc chắn về số phận hiện ra - không còn khả thể đó nữa. Nếu kể ra thì đó là huyền thoại, không phải lịch sử. Huyền thoại gần với cái sống tự nhiên hơn, lịch sử quay khỏi đó. Giống như phê bình, nó là cái sống của trí năng, của những người chỉ có thể thở được trong bầu khí trong và loãng của khái niệm, trên cao. Một số, thậm chí có thể nói hầu hết, hình thức sống tự nhiên không tương thích với nó, nhất là ở giai đoạn cường tráng. Nó là palette của thu chuyển sang đông - nhưng cũng tự tách mình khỏi sự băng giá vĩnh quyết của triết học. Vào độ úa, cái sống được cảm nhận với một sức xuyên thấu còn mạnh hơn những kỳ bừng nở vô tội vạ: tất cả run lên, đau đớn và sung sướng không thể nhận ra trong những úa xanh, nâu và vàng. Và bầu trời trùm lấy tôi. Những ánh sáng vỡ ra giữa các quầng mây. 

 

Trật tự không phải là một dàn ý, thậm chí không phải cấu trúc. Nó giống như âm nhạc trong câu chuyện của Andersen: cuốn đi, trả mọi thứ về đúng chỗ. Trật tự hiện ra trong sự tạo ra và chỉ trong đó. Hoàn toàn có thể chẳng có gì được tạo ra - bao giờ đó cũng là đột xuất - nhưng khi có thì nghĩa vụ là phải nhìn vào. Sự tạo ra - và chỉ nó mà thôi - là chủ đề đủ cho lịch sử, chứ lịch sử không phải là những lông gà vỏ tỏi thời sự. Các thiết chế chuyên nghiệp (trường, hội, vv.) chẳng hề đảm bảo cho việc có lịch sử hay văn chương, nhưng chính các thiết chế ấy lại là một trong các khía cạnh thuộc về thực tại mà sử gia cần nhìn nhận, tuy rằng thường thì bản thân nó không mang nhiều thực tại: nó không sống, nó không tạo ra, nó là cặn, nó cần phải có ở đó nhưng không thể là đối tượng đủ cho một cái nhìn lịch sử. 

Nếu xét nghiêm ngặt, cái nhìn chứa viễn kiến hoàn toàn có thể làm việc với vật liệu tầm thường - một trong các đặc điểm của nó là kiên nhẫn và hào phóng. Vẫn có thể tạo ra một thế giới từ vật liệu hạn chế, và ở một mức độ nào đó, cần chấp nhận rằng cuộc gặp của một viễn kiến với một đối tượng ngang hàng là một trong những may mắn hiếm hoi. Nếu, sau khi một viễn kiến lịch sử đã xử lý xong đối tượng, lại có những đoàn lũ đổ xô đến mở hòm lưu trữ nhưng không thấy ở đó vàng mà chỉ thấy toàn lông gà vỏ tỏi thì nên trách ai? Trách sử gia quảng cáo sai chăng? Không, họ nên tự trách mình vì đã không tìm được một đối tượng tương thích hơn với viễn kiến của mình - và không tìm được là vì không chịu đi tìm, vì tưởng có thể ăn đồ thừa. Nhưng một sử gia có đạo đức thì, rất tiếc, luôn ăn hết không để lại cặn. Đó là người khiến người ta phải nói: sau khi xyz đã viết về chủ đề ấy thì không ai còn dám viết về nó nữa. Và như vậy không phải là vì còn vật liệu chưa được tường thuật, mà vì dù có thêm vài tấn vật liệu, tất cả vẫn nằm trên lòng tay Như Lai. 

Câu này có thể gây hiểu lầm. Bởi vì đã luôn có các Cách mạng Pháp mới, các Gothic mới. Nhưng chỉ có Cách mạng Pháp mới nếu có một người cũng tìm được, trong đúng cái hòm đó, vàng, nhưng là một loại vàng khác hẳn. Vét kiệt và vô tận là cùng một thứ: chỉ những gì có khả thể về vô tận mới là địa điểm xứng đáng cho vét kiệt. Một cliché: mỗi thế hệ phải tạo ra Cách mạng Pháp của mình (điều này không có nghĩa mỗi sử gia đều phải coi Cách mạng Pháp là hoàng kim thời đại, là enigma của mình; mỗi người cần cố gắng làm đúng việc của mình và chỉ làm những phần việc khác khi buộc phải như vậy - vì có lúc cũng cần như vậy). 

Viễn kiến lịch sử (linh cảm thấy vô tận và đi đến cùng linh cảm ấy) không có gì chung với ký giả kền kền, dù đúng là cần một sự thính đặc biệt để đánh hơi thấy chủ đề khi chưa ai thấy. Nhưng một chủ đề thời sự không giống một chủ đề lịch sử, và một nhà báo lớn phải đi tìm chủ đề lịch sử, dù không hệ thống nó. Vinh quang sử gia thuộc về người đầu tiên tạo ra được viễn kiến lịch sử từ chủ đề (bằng cách kiên nhẫn vét cạn) chứ không phải là người đầu tiên "nói" về nó trong sự vơ vét cào bằng. Bài học sơ đẳng: không được ăn theo và không được nói leo. 

 

Đối tượng của sử gia là sự tạo ra chứ không phải tác phẩm. Formation là một bình diện của tạo ra (chuyện nó có phải là bình diện duy nhất tương thích với lịch sử hay không là câu hỏi khác). Không phải cái gì cũng đạt tới hình thức của nó. Phần lớn không, và deformed. Vấn đề không phải là tại sao lại có gì thay vì không có gì (lúc nào mà chẳng thừa mứa sự có gì, những mắn đẻ ồ ồ) mà tại sao lại có thể form được - mỗi lần đều là bất khả.

(Còn tại sao lại có formation ư? Vì Chúa muốn thế.)

Nhưng người làm công việc formation không có nghĩa vụ thuyết phục tất cả những ai không muốn hoặc chưa muốn form - chính vì tin rằng bất kỳ ai cũng có khả thể về sự muốn form. Cơ hội là ngang nhau: được phú bẩm càng nhiều thì thử thách càng lớn, càng dễ hỏng. Những sốt sắng forming thường dẫn đến kết quả tương tự những sốt sắng converting: tạo ra cái ác, vì thiếu kiên nhẫn. Đó là hành động vô đạo: làm hộ phần, làm cho dễ hơn tức là hạ cấp formation đích thực. Vì sự muốn formation nếu không phải là cái đích thì cũng là biểu hiện quan trọng nhất của formation. Người làm việc formation là như vậy không phải bởi một mức phú bẩm cao hơn mà bởi muốn nó hơn, không muốn gì ngoài nó và chỉ muốn nó ở mức cao nhất, thuần nhất, với lòng tin và sự nghiêm khắc hoàn toàn. 

Tương tự, sử gia không có nghĩa vụ làm rõ rằng formation là bất khả - tức là miracle - mỗi lần. Chỉ vào mình và nói "Miracle!" thì giống như quảng cáo nước cọ toa lét. Mang rao miracle dán vào vết thương là việc của Sơn Đông mãi võ etc. 

 

Nhưng có một tinh thần, và nếu không form thì sẽ thất thoát, cạn kiệt. Chẳng có gì đảm bảo formation diễn ra ở mọi thế hệ. Nói chính xác hơn, không phải cứ hai mươi năm thì sẽ có một thế hệ. Đôi khi đảo ngược diễn ra sát sạt, đôi khi rất lâu vẫn không dồn tụ đủ tinh thần để có formation: hết sa mạc này đến sa mạc khác. Khi nào có formation thì mới có thế hệ, và khi một thế hệ đặt tên cho mình thì nó cũng đặt tên luôn cho những gì trước và sau nó, ấn lên những tồn tại con người ấy dấu ấn của lịch sử.

Một ý thức thế hệ sinh ra khi những hình dung "ông bà mình", "sinh con mới hiểu lòng cha mẹ" không còn đủ nữa. Cần một bộ khung khác để đọc thực tại - để sống và để chết: lịch sử không trùng với các vòng sống chết của tự nhiên.  

Ý thức lịch sử, ở điểm đột khởi của nó, là ý thức về một khả thể chuyển động rộng lớn mang nghĩa và hướng, cần sự tham gia con người mới thành được, chứ không giống như chuyển động của một dòng sông tồn tại bên ngoài con người. Sự sinh ra của ý thức lịch sử ở cá nhân đi cùng ý thức về nghĩa vụ phải xác định một vị trí và thái độ với chuyển động ấy - và thường đó là ý thức về bất khả, về sự mắc kẹt, hoặc về một việc không thể hoàn thành. Luôn luôn có sẵn các lời mời cứu rỗi - những trình diễn một hiện tại đi tới bọc trong một quá khứ tự nhiên và tương lai nhìn thấy được. Vocation của sử gia không cho phép tư thế quỳ lạy một sự thiêng hiện hình như thế, coi đó là sự ký hợp đồng với quỷ, dù mọi tình cảm cao hơn của sử gia đều khát nó như trẻ khát sữa. Nhưng nếu không có khao khát ấy thì không có formation lẫn lịch sử. Biện chứng này làm nên đạo đức của lịch sử, lý lẽ tồn tại của nó. 

Nói cách khác, làm sáng rõ một formation - mà không ký hợp đồng với quỷ - tức là đặt mình vào truyền thống, là sống cái sống mạnh nhất và thực nhất của sử gia. 

 

Việc các lý thuyết gia về formation viết nó trong các giới hạn của thời mình và của cá nhân mình không hủy bỏ giá trị của việc họ đã viết, đã sống một lý tưởng, với sự thành thực cao nhất (và sự thành thực là thước đo giá trị viễn kiến của họ) trong việc tìm cách vượt qua các hạn chế hoàn cảnh để đạt đến sự công bằng. Sự vượt qua không hẳn nằm ở việc nhắc đến các đối tượng không tự nhiên thuộc phạm vi quan sát của mình mà - trong một số trường hợp - nằm ở việc không nhắc đến khi không biết rõ: tức là xác nhận giới hạn của mình trong chính hình dung lý tưởng. Nhưng ở một sử gia lớn, cũng như ở nhà văn lớn, đôi khi ta thấy sức mạnh viễn kiến đủ để đẩy cái viết qua giới hạn của hoàn cảnh. Khi đó ta có thể nói về "miracle". 

AH
(May 07, 2025)

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công