favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024
Next

Veblen: Tầng lớp nhàn rỗi (phần 5)

30/12/2024 21:09

Marathon Veblen bắt đầu từ kia, song song với project tạm gọi là la vie est ailleurs (kỳ mới nhất ở kia). Hai project không thực sự liên quan đến nhau, ít nhất xét về nội dung, nhưng đã cần để cùng đẩy nhau đến một điều gì đó (hoặc cũng có thể là thoát khỏi, bốc hơi khỏi một điều gì đó). Những ai đã theo project Veblen đến thời điểm này sẽ nhận ra rằng đó là một nhân vật rất khó chịu, thường xuyên có vẻ chỉ lặp lại cùng một ý suốt mấy trăm trang sách, nhưng nếu kiên nhẫn đến cùng, ta sẽ thấy một dự đồ thực sự rộng và chặt chẽ, trong đó mọi bộ phận đều hàm chứa tổng thể. Veblen đan một tấm lưới khít, và các phát hiện không ngờ nhất - những sự thật vẫn luôn ở đó nhưng chẳng ai nhìn thấy - có thể bất thần bị chụp lấy bất cứ lúc nào.

Bốn chương dưới đây nối với nhau ba nhóm thường bị xem xét tách biệt trong các mô hình kinh tế: tội phạm bậc cao, tín đồ tôn giáo và thủ lĩnh trong các môn mạo hiểm, đặc biệt là thể thao và chính trị. Cả ba đều cần các hình thức mê tín riêng để củng cố tinh thần và áp đặt uy quyền. 

 

Tầng lớp nhàn rỗi 

- Thorstein Veblen

Chương VIII

Miễn trừ sản xuất và bảo thủ

Đời sống con người trong xã hội, cũng như đời sống của các loài khác, là một cuộc đấu tranh để tồn tại và do đó là một quá trình thích nghi mang tính chọn lọc. Quá trình tiến hóa của cấu trúc xã hội là kết quả của chọn lọc tự nhiên đối với các thiết chế. Sự tiến bộ đã và đang diễn ra trong các thiết chế và phẩm chất của con người có thể được coi, một cách khái quát, là kết quả của sự chọn lọc tự nhiên những thói quen tư duy phù hợp nhất cùng quá trình thích nghi bắt buộc của cá nhân với môi trường, vốn thay đổi liên tục cùng sự phát triển của cộng đồng và các thiết chế chi phối đời sống. Các thiết chế không chỉ là kết quả của quá trình chọn lọc và thích nghi, định hình các loại thái độ và năng lực tinh thần chiếm ưu thế hoặc thống trị; chúng còn là những phương pháp đặc thù trong đời sống và quan hệ giữa con người và do đó, bản thân chúng cũng trở thành các yếu tố hiệu quả trong quá trình chọn lọc. Các thiết chế đang thay đổi sẽ tiếp tục thúc đẩy sự chọn lọc những cá nhân sở hữu tính khí phù hợp nhất, đồng thời tạo điều kiện cho sự thích nghi hơn nữa của tính khí và thói quen cá nhân với môi trường thay đổi thông qua việc hình thành các thiết chế mới.

Những lực định hình sự phát triển của đời sống con người và cấu trúc xã hội, suy cho cùng, chắc chắn có thể quy về những yếu tố liên quan đến mô sống và môi trường vật chất; nhưng cho mục đích mà chúng ta đang xét ở đây, những lực này sẽ được trình bày tốt nhất dưới dạng một môi trường - một phần là con người, một phần là phi con người, cùng một chủ thể con người có cấu trúc thể chất và trí năng ít nhiều rõ ràng. Khi xem xét tổng thể hoặc trung bình, chủ thể con người này có những biến đổi nhất định, chủ yếu theo một quy luật bảo tồn chọn lọc những biến thể thuận lợi. Sự chọn lọc các biến thể thuận lợi có lẽ phần lớn là sự bảo tồn chọn lọc các kiểu dân tộc học. Trong lịch sử đời sống của bất kỳ cộng đồng nào mà dân cư là hỗn hợp các yếu tố dân tộc khác nhau, tại bất kỳ thời điểm nào, một hoặc một vài típ thể chất và tính khí kiên trì và tương đối ổn định cũng sẽ nổi lên thống trị. Môi trường chung, bao gồm cả các thiết chế đang tồn tại, sẽ ưu tiên cho sự tồn tại và thống trị của một típ tính cách hơn so với các típ khác; và típ người được chọn để duy trì và phát triển thêm các thiết chế thừa hưởng từ quá khứ, ở một mức độ đáng kể, sẽ định hình các thiết chế đó theo hình thức của chính họ. Nhưng bên cạnh việc chọn lọc giữa các típ tính cách và thói quen tư duy tương đối ổn định, đồng thời cũng diễn ra quá trình thích nghi chọn lọc các thói quen tư duy trong phạm vi chung của các năng lực đặc trưng cho típ hoặc các típ dân tộc chiếm ưu thế. Có thể có sự thay đổi trong đặc điểm cơ bản của bất kỳ cộng đồng dân cư nào thông qua sự chọn lọc giữa các típ ổn định, nhưng cũng có sự thay đổi cả do sự thích nghi chi tiết trong phạm vi típ đó và lẫn sự chọn lọc giữa các quan điểm mang tính thói quen về bất kỳ quan hệ xã hội hoặc nhóm quan hệ nào.

Tuy nhiên, đối với mục đích hiện tại, câu hỏi về yếu tính của quá trình thích nghi - liệu nó chủ yếu là sự chọn lọc giữa các típ khí chất và tính cách ổn định, hay là sự thích nghi của thói quen tư duy với những hoàn cảnh thay đổi - ít quan trọng hơn so với thực tế rằng, bằng cách này hay cách khác, các thiết chế thay đổi và phát triển. Các thiết chế phải thay đổi theo sự thay đổi hoàn cảnh, vì về cơ bản chúng là một phương pháp mang tính thói quen để phản ứng với những kích thích mà các hoàn cảnh thay đổi này tạo ra. Sự phát triển của các thiết chế này chính là sự phát triển của xã hội. Các thiết chế thực chất là những thói quen tư duy phổ biến liên quan đến các mối quan hệ và chức năng cụ thể của cá nhân và cộng đồng; và hệ thống đời sống, được tạo nên từ tổng thể các thiết chế đang tồn tại tại một thời điểm hoặc trong một giai đoạn phát triển cụ thể của bất kỳ xã hội nào, có thể được đặc trưng, ở khía cạnh tâm lý học, như một thái độ tinh thần hoặc một lý thuyết sống phổ biến. Thái độ tinh thần hoặc lý thuyết sống này, xét đến cùng, có thể quy về một típ tính cách phổ biến.

Tình hình hiện tại định hình các thể chế của tương lai thông qua một quá trình chọn lọc mang tính cưỡng chế, bằng cách tác động lên quan điểm theo thói quen của con người, từ đó thay đổi hoặc củng cố một quan niệm hay thái độ tinh thần được truyền lại từ quá khứ. Theo cách ấy, các thiết chế - nghĩa là các thói quen tư duy chi phối đời sống con người được tiếp nhận từ một thời kỳ trước đó, có thể rất xa xưa, nhưng dù thế nào cũng đã được hình thành và tiếp nhận từ quá khứ. Chúnglà sản phẩm của quá trình trong quá khứ, được điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh của quá khứ và do đó không bao giờ hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại. Sự thích nghi chọn lọc không bao giờ có thể theo kịp tình hình thay đổi không ngừng mà cộng đồng đối mặt tại bất kỳ thời điểm nào; bởi môi trường, tình huống, và những đòi hỏi của cuộc sống buộc phải thích nghi và chọn lọc thay đổi từng ngày; và mỗi tình huống liên tiếp của cộng đồng lại thường trở nên lỗi thời ngay khi nó được thiết lập. Khi một bước phát triển được thực hiện, chính bước đó tạo nên một thay đổi tình huống mới, đòi hỏi một sự thích nghi mới, trở thành điểm xuất phát cho một bước điều chỉnh tiếp theo, và cứ thế kéo dài vô tận.

Cần lưu ý rằng, dù điều này có thể là một chân lý hiển nhiên đến mức nhàm chán, các thiết chế của ngày nay - tức hệ thống đời sống được chấp nhận hiện tại - không hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện tại. Nhưng đồng thời, các thói quen tư duy của con người trong hiện tại lại có xu hướng kéo dài vô hạn, trừ khi hoàn cảnh buộc phải thay đổi. Những thiết chế được truyền lại như vậy, những thói quen tư duy, quan điểm, thái độ tinh thần và năng lực, hay bất kỳ điều gì tương tự, tự thân chúng là một yếu tố bảo thủ. Đây chính là yếu tố tạo ra quán tính xã hội, quán tính tâm lý, và sự bảo thủ. Cấu trúc xã hội thay đổi, phát triển, thích nghi với một tình huống mới chỉ thông qua sự thay đổi trong các thói quen tư duy của các tầng lớp trong cộng đồng, hoặc xét đến cùng, thông qua sự thay đổi trong thói quen tư duy của từng cá nhân tạo nên cộng đồng đó. Sự tiến hóa của xã hội về cơ bản là một quá trình thích nghi tinh thần của các cá nhân dưới áp lực của hoàn cảnh, những áp lực không còn chấp nhận được các thói quen tư duy hình thành và phù hợp với một hoàn cảnh khác trong quá khứ. Đối với mục đích trước mắt, chưa cần thiết phải xét xem quá trình thích nghi này suy cho cùng là một quá trình chọn lọc và tồn tại của các típ dân tộc bền vững hay là một quá trình thích nghi cá nhân, kế thừa các đặc tính thu nhận được.

Tiến bộ xã hội, đặc biệt khi nhìn từ góc độ lý thuyết kinh tế, bao gồm một quá trình liên tục tiến tới sự "điều chỉnh các quan hệ bên trong với các quan hệ bên ngoài" một cách xấp xỉ chính xác. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này không bao giờ được thiết lập tuyệt đối, bởi các "quan hệ bên ngoài" luôn thay đổi do những biến đổi không ngừng xảy ra trong các "quan hệ bên trong." Mức độ tiến gần đến sự điều chỉnh này có thể nhiều hay ít, tùy thuộc vào chuyện điều chỉnh ấy dễ hay khó. Sự điều chỉnh lại các thói quen tư duy của con người để phù hợp với đòi hỏi của một tình huống thay đổi luôn diễn ra chậm chạp và miễn cưỡng, chỉ được thực hiện dưới áp lực của các điều kiện khiến các quan điểm được công nhận trước đó trở nên không còn khả thi. Sự điều chỉnh các thiết chế và các quan điểm quen thuộc để thích nghi với môi trường thay đổi là một phản ứng trước áp lực từ bên ngoài, giống như phản ứng trước kích thích. Do đó, sự tự do và dễ dàng trong việc điều chỉnh lại, tức khả năng tăng trưởng của cấu trúc xã hội, phụ thuộc phần lớn vào mức độ mà tình hình tại một thời điểm nhất định tác động đến các cá nhân trong cộng đồng - mức độ phơi mình của các cá nhân trước các lực ràng buộc từ môi trường. Nếu một bộ phận hay tầng lớp nào trong xã hội được che chở khỏi tác động của môi trường ở bất kỳ khía cạnh thiết yếu nào, bộ phận hoặc tầng lớp đó sẽ điều chỉnh quan điểm và hệ thống đời sống của mình chậm hơn; điều này sẽ làm chậm lại quá trình biến đổi xã hội. Tầng lớp giàu có nhàn rỗi ở vào đúng thế được bảo vệ ấy trước các lực kinh tế thúc đẩy sự thay đổi và điều chỉnh lại. Có thể nói rằng, các lực thúc đẩy sự điều chỉnh lại các thiết chế, đặc biệt trong các cộng đồng sản xuất hiện đại, xét cho cùng, hầu như hoàn toàn mang tính kinh tế.

Bất kỳ cộng đồng nào cũng có thể được nhìn nhận như một cơ chế sản xuất hoặc kinh tế, với cấu trúc được tạo nên từ những thiết chế kinh tế của nó. Những thiết chế này là các phương pháp mang tính thói quen trong việc duy trì quá trình sống của cộng đồng trong mối tương tác với môi trường vật chất mà nó tồn tại. Khi các phương pháp nhất định để phát triển hoạt động con người trong môi trường này được xây dựng theo cách ấy, đời sống của cộng đồng sẽ được thể hiện một cách dễ dàng hơn theo các hướng thói quen này. Cộng đồng sẽ sử dụng các lực của môi trường để phục vụ mục đích sống của mình theo các phương pháp đã học được từ quá khứ và được thể hiện trong các thiết chế đó. Tuy nhiên, khi dân số tăng lên, và khi kiến thức cũng như kỹ năng của con người trong việc điều khiển các lực tự nhiên mở rộng, các phương pháp mang tính thói quen trong mối quan hệ giữa các thành viên của nhóm và phương pháp duy trì quá trình sống của nhóm nói chung không còn mang lại kết quả như trước đây; hơn nữa, các điều kiện sống tạo ra cũng không còn được phân phối và chia sẻ theo cách thức hoặc với hiệu quả như trước. Nếu hệ thống chi phối quá trình sống của nhóm trong các điều kiện trước đây mang lại kết quả cao nhất có thể đạt được trong hoàn cảnh đó thì hệ thống tương tự, nếu không thay đổi, sẽ không mang lại kết quả tối ưu trong các điều kiện đã thay đổi. Dưới các điều kiện thay đổi về dân số, kỹ năng, và kiến thức, mức độ thuận lợi của đời sống khi được duy trì theo hệ thống truyền thống có thể không thấp hơn so với các điều kiện trước đây; nhưng khả năng cao là mức độ này sẽ thấp hơn so với mức tối ưu có thể đạt nếu hệ thống được điều chỉnh để phù hợp với các điều kiện đã thay đổi.

Nhóm được hình thành từ các cá nhân, và đời sống của nhóm chính là đời sống của các cá nhân được duy trì ít nhất trên danh nghĩa là riêng lẻ. Hệ thống đời sống được chấp nhận của nhóm là sự đồng thuận trong các quan điểm của các cá nhân này về điều gì là đúng, tốt, tiện lợi và đẹp trong đời sống con người. Trong quá trình tái phân phối các điều kiện sống phát sinh từ phương pháp thay đổi trong việc ứng phó với môi trường, kết quả không phải lúc nào cũng là sự thay đổi đồng đều về mức độ thuận lợi của đời sống trong toàn bộ nhóm. Những điều kiện thay đổi có thể cải thiện mức độ thuận lợi cho nhóm nói chung, nhưng việc tái phân phối thường dẫn đến sự suy giảm về sự thuận lợi hoặc đầy đủ của đời sống đối với một số thành viên trong nhóm. Sự tiến bộ trong các phương pháp kỹ thuật, sự gia tăng dân số, hoặc tổ chức sản xuất sẽ đòi hỏi ít nhất một số thành viên trong cộng đồng phải thay đổi thói quen sống của mình để có thể hòa nhập hiệu quả vào các phương pháp sản xuất đã thay đổi; và trong quá trình này, họ sẽ không thể duy trì những quan niệm đã được chấp nhận về những thói quen sống được xem là đúng đắn và đẹp đẽ.

Bất kỳ ai bị buộc phải thay đổi thói quen sống và các mối quan hệ quen thuộc với đồng loại của mình đều sẽ cảm nhận được sự khác biệt giữa phương thức sống mà các yêu cầu mới đặt ra và hệ thống đời sống truyền thống mà họ đã quen thuộc. Chính những cá nhân rơi vào tình huống này là những người có động lực mạnh mẽ nhất để tái cấu trúc hệ thống đời sống đã được tiếp nhận và dễ bị thuyết phục nhất để chấp nhận các tiêu chuẩn mới. Và nhu cầu sinh kế là yếu tố đặt con người vào tình huống này. Áp lực mà môi trường tác động lên nhóm, thứ thúc đẩy việc tái điều chỉnh hệ thống đời sống của nhóm, tác động đến các thành viên trong nhóm dưới hình thức các yêu cầu về tài sản. Chính bởi thực tế rằng các lực bên ngoài phần lớn được chuyển hóa thành các yêu cầu mang tính tài sản hoặc kinh tế, chúng ta có thể nói rằng những lực thúc đẩy sự tái điều chỉnh các thiết chế trong các cộng đồng sản xuất hiện đại chủ yếu là lực kinh tế; cụ thể hơn, những lực này mang hình thức áp lực về tài sản. Việc tái điều chỉnh như được đề cập ở đây thực chất là một sự thay đổi trong quan niệm chung về điều gì là đúng và tốt, và phương tiện thúc đẩy thay đổi trong nhận thức về cái đúng và tốt phần lớn lại chính là áp lực từ các yêu cầu về tài sản.

Bất kỳ thay đổi nào trong quan niệm của con người về cái đúng và tốt cũng diễn ra một cách chậm chạp hết sức có thể. Điều này đặc biệt đúng với những thay đổi theo hướng được gọi là tiến bộ, tức là theo hướng tách khỏi vị trí cổ xưa - vị trí có thể được xem như điểm khởi đầu tại mỗi bước tiến hóa xã hội của cộng đồng. Sự thoái lui, trở lại với một quan điểm mà loài người đã quen thuộc từ lâu trong quá khứ, thường dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp sự phát triển xa rời quan điểm quá khứ không chủ yếu do sự thay thế bởi một típ dân tộc có tính khí khác biệt hoàn toàn trước đó. Chúng ta đã gọi giai đoạn văn hóa ngay trước giai đoạn hiện tại trong lịch sử đời sống của văn minh phương Tây là giai đoạn bán hòa bình. Ở giai đoạn bán hòa bình này, luật về địa vị là đặc điểm thống trị hệ thống đời sống. Không cần phải chỉ ra rằng con người ngày nay vẫn dễ dàng quay lại với thái độ tinh thần của sự thống trị và sự phục tùng cá nhân, vốn đặc trưng cho giai đoạn đó, đến thế nào. Có thể nói rằng thái độ này vẫn còn bị kiềm chế trong một trạng thái không chắc chắn bởi các nhu cầu kinh tế ngày nay, hơn là bị thay thế hoàn toàn bởi một thói quen tư duy tương hợp hoàn toàn với những đòi hỏi phát triển sau này. Các giai đoạn kinh tế mang tính săn bắt và bán hòa bình dường như đã kéo dài trong lịch sử đời sống của tất cả các yếu tố dân tộc chủ đạo tạo nên dân cư của nền văn hóa phương Tây. Vì thế, tính khí và khuynh hướng đặc trưng cho những giai đoạn văn hóa này đã đạt được mức độ bền vững đủ để khiến cho sự quay trở lại nhanh chóng với các đặc điểm chính yếu của cấu trúc tâm lý tương ứng trở thành không thể tránh khỏi đối với bất kỳ tầng lớp hay cộng đồng nào bị loại khỏi tác động của những lực thúc đẩy việc duy trì các thói quen tư duy phát triển sau này.

Ai cũng biết rằng khi các cá nhân, hoặc thậm chí các nhóm người đáng kể, bị tách biệt khỏi một nền văn hóa cao cấp và tiếp xúc với một môi trường văn hóa thấp hơn, hoặc một hoàn cảnh kinh tế có tính chất nguyên thủy hơn, họ nhanh chóng cho thấy những dấu hiệu quay lại với các đặc điểm tinh thần vốn đặc trưng cho típ săn bắt. Có vẻ như người châu Âu dolicho-blond (tóc sáng, đầu dài) có khả năng quay trở lại trạng thái man rợ dễ dàng hơn so với các yếu tố dân tộc khác mà típ này liên kết trong nền văn hóa phương Tây. Những ví dụ về sự thoái lui như vậy ở quy mô nhỏ xuất hiện rất nhiều trong lịch sử muộn của các phong trào di cư và thuộc địa. Nếu không vì e ngại xúc phạm chủ nghĩa yêu nước sô-vanh - một đặc điểm rất điển hình của văn hóa săn bắt và thường là dấu hiệu nổi bật nhất của sự thoái lui trong các cộng đồng hiện đại - thì trường hợp các thuộc địa Mỹ có thể được coi là một ví dụ của sự thoái lui ở quy mô đặc biệt lớn, mặc dù không phải là một sự thoái lui có phạm vi rộng.

Tầng lớp nhàn rỗi phần lớn được che chở khỏi những áp lực kinh tế vốn chi phối bất kỳ cộng đồng sản xuất hiện đại, tổ chức cao nào. Những đòi hỏi trong cuộc đấu tranh giành phương tiện sống đối với tầng lớp này ít khắt khe hơn so với bất kỳ tầng lớp nào khác; và do vị trí đặc quyền ấy, có thể đoán được rằng đây sẽ là một trong những tầng lớp kém phản ứng nhất trong xã hội trước những yêu cầu về sự phát triển thêm các thiết chế và sự điều chỉnh để thích nghi với tình hình sản xuất thay đổi. Tầng lớp nhàn rỗi là tầng lớp bảo thủ. Những áp lực từ tình hình kinh tế chung của cộng đồng khó có thể tác động trực tiếp, không giới hạn lên các thành viên của tầng lớp này. Họ không bị nguy cơ mất quyền lợi buộc phải thay đổi thói quen sống và các quan điểm lý thuyết của mình về thế giới bên ngoài để phù hợp với những đòi hỏi của kỹ thuật sản xuất đã thay đổi, vì họ không thực sự là một phần hữu cơ của cộng đồng sản xuất. Do đó, những áp lực này không dễ dàng gây cho các thành viên của tầng lớp này sự bất an với trật tự hiện tại, vốn là điều kiện duy nhất có thể thúc đẩy bất kỳ nhóm người nào từ bỏ những quan điểm và phương thức sống đã trở thành thói quen. Vai trò của tầng lớp nhàn rỗi trong quá trình tiến hóa xã hội là làm chậm lại sự chuyển động và bảo tồn những gì đã lỗi thời. Quan điểm này không hề mới mẻ; từ lâu nó đã là một trong những ý phổ biến trong dư luận.

Quan niệm phổ biến rằng tầng lớp giàu có vốn dĩ bảo thủ đã được chấp nhận rộng rãi mà không cần nhiều hỗ trợ từ bất kỳ lý thuyết nào về vị trí và mối quan hệ của tầng lớp này trong sự phát triển văn hóa. Khi người ta đưa ra lời giải thích cho tính bảo thủ của tầng lớp này, thường đó là quan điểm tiêu cực rằng tầng lớp giàu có phản đối đổi mới vì họ có lợi ích cố hữu, thuộc dạng không đáng trân trọng, trong việc duy trì các điều kiện hiện tại. Tuy nhiên, lời giải thích chúng ta đưa ra ở đây không gán cho họ động cơ hèn hạ như vậy. Sự phản đối của tầng lớp này đối với những thay đổi trong hệ thống văn hóa là mang tính bản năng, và không chủ yếu dựa trên những tính toán có lợi về vật chất; đó là một phản ứng bản năng đối với bất kỳ sự lệch lạc nào khỏi cách thức đã được chấp nhận trong việc làm và nhìn nhận mọi thứ - một phản ứng mà tất cả mọi người đều có, chỉ có thể vượt qua khi hoàn cảnh ép buộc. Mọi thay đổi trong thói quen sống và tư duy đều gây khó chịu. Sự khác biệt trong khía cạnh này giữa tầng lớp giàu có và số đông còn lại không nằm ở động cơ thúc đẩy tính bảo thủ, mà ở mức độ tiếp xúc với các lực kinh tế ép buộc sự thay đổi. Các thành viên của tầng lớp giàu có không dễ dàng nhượng bộ trước yêu cầu đổi mới như những người khác vì họ không bị ép buộc phải làm như vậy.

Sự bảo thủ của tầng lớp giàu có rõ ràng đến mức nó thậm chí đã được công nhận như một dấu hiệu của sự đàng hoàng. Bởi bảo thủ là đặc trưng của tầng lớp giàu có và do họ là phần tử uy tín hơn trong cộng đồng, chính nó cũng đạt được một giá trị danh dự hoặc trang trí nhất định. Bảo thủ đã trở nên quy phạm đến mức việc tuân thủ các quan điểm bảo thủ mặc nhiên được coi là một phần trong quan niệm của chúng ta về sự đàng hoàng, và nó trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả những ai muốn sống một cuộc đời không chê trách được về danh tiếng xã hội. Bảo thủ, với tư cách là một đặc trưng của tầng lớp thượng lưu, được coi là lịch thiệp; ngược lại, đổi mới, với tư cách là một hiện tượng thuộc tầng lớp thấp, bị xem là thô tục. Yếu tố đầu tiên và không được suy ngẫm kỹ lưỡng nhất trong sự phản cảm và chê bai bản năng mà chúng ta dành cho tất cả những người đổi mới xã hội chính là cảm giác rằng đổi mới về cơ bản là thô tục. Do đó, ngay cả trong những trường hợp mà người ta nhận ra giá trị thực chất của lý lẽ mà nhà đổi mới đại diện - như có thể dễ dàng xảy ra nếu những sự tệ hại mà họ tìm cách khắc phục đủ xa về mặt thời gian, không gian, hoặc liên hệ cá nhân - người ta vẫn không thể không nhận thấy rằng nhà đổi mới là một người mà ít nhất ta thấy không thoải mái gắn mình vào, rằng ta phải tránh né quan hệ xã hội với họ. Đổi mới là một hình thức ứng xử không đúng mực.

Việc những tập quán, hành động, quan điểm của tầng lớp nhàn rỗi giàu có mang tính chất của một quy tắc ứng xử bắt buộc đối với phần còn lại của xã hội đã làm tăng thêm trọng lượng và phạm vi ảnh hưởng bảo thủ của tầng lớp này. Điều đó khiến tất cả những người có uy tín trong xã hội cảm thấy phải tuân theo sự dẫn dắt của họ. Nhờ vị trí cao như một hình mẫu chuẩn mực, tầng lớp giàu có tạo ra ảnh hưởng kìm hãm sự phát triển xã hội vượt xa mức mà số lượng của tầng lớp này vốn cho phép. Tấm gương quy phạm của họ góp phần đáng kể vào việc củng cố sự chống đối của tất cả các tầng lớp khác đối với bất kỳ đổi mới nào, và khiến con người gắn bó với những thiết chế tốt đẹp được truyền lại từ các thế hệ trước. Còn một cách nữa mà ảnh hưởng của tầng lớp nhàn rỗi tác động theo hướng tương tự, ấy là cản trở việc áp dụng một hệ thống đời sống quy ước phù hợp hơn với những đòi hỏi của thời đại. Phương pháp thứ hai này không hoàn toàn nhất quán để có thể xếp nó chung với sự bảo thủ bản năng và sự ác cảm với những phương thức tư duy mới vừa được đề cập; nhưng có thể đề cập tại đây, vì nó có điểm chung với thói quen bảo thủ là cũng có chức năng kìm hãm sự đổi mới và phát triển của cấu trúc xã hội. Bộ quy tắc ứng xử, tập quán, và thói quen phổ biến tại bất kỳ thời điểm nào và trong bất kỳ cộng đồng nào cũng có tính chất giống như một chỉnh thể hữu cơ; do đó, bất kỳ thay đổi đáng kể nào tại một điểm trong hệ thống đều liên quan đến một số thay đổi hoặc điều chỉnh tại các điểm khác, nếu không phải là sự tái tổ chức toàn bộ hệ thống. Khi một thay đổi được thực hiện mà chỉ trực tiếp tác động đến một điểm nhỏ trong hệ thống, sự xáo trộn gây ra có thể không rõ ràng; nhưng ngay cả trong trường hợp như vậy, có thể chắc chắn rằng những xáo trộn tổng thể, dù ít hay nhiều, sẽ xảy ra. Ngược lại, khi một nỗ lực cải cách liên quan đến việc loại bỏ hoặc tái cấu trúc toàn diện một thiết chế có tầm quan trọng hàng đầu trong hệ thống quy ước, người ta ngay lập tức cảm nhận được rằng một sự xáo trộn nghiêm trọng của toàn bộ hệ thống sẽ xảy ra; và việc điều chỉnh cấu trúc để thích nghi với hình thức mới sẽ được coi là một quá trình khó khăn và tốn thời gian, nếu không muốn nói là vô cùng bất định.

Để hiểu được khó khăn mà một thay đổi triệt để trong bất kỳ khía cạnh nào của hệ thống đời sống quy ước có thể gây ra, chỉ cần nghĩ đến việc xóa bỏ gia đình một vợ một chồng, hệ thống huyết thống theo dòng cha, quyền sở hữu tư nhân, hoặc đức tin thần thánh ở bất kỳ quốc gia nào thuộc văn minh phương Tây; hoặc giả định việc xóa bỏ thờ cúng tổ tiên ở Trung Quốc, hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ, chế độ nô lệ ở châu Phi, hoặc thiết lập bình đẳng giới ở các quốc gia Hồi giáo. Không cần tranh luận cũng có thể thấy rằng sự xáo trộn đối với cấu trúc chung của các quy ước trong bất kỳ trường hợp nào cũng đều rất đáng kể. Để thực hiện một đổi mới như thế cần có sự thay đổi sâu rộng trong thói quen tư duy của con người ở nhiều điểm khác trong hệ thống, ngoài điểm được nhắm đến trực tiếp. Sự ác cảm đối với bất kỳ đổi mới nào, như vậy, thực chất là sự né tránh một hệ thống đời sống vốn hoàn toàn xa lạ.

Sự phản cảm mà những người đứng đắn cảm thấy trước bất kỳ đề xuất nào về việc thay đổi các phương thức sống đã được chấp nhận là một thực tế quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Không hiếm khi những người đưa ra lời khuyên và cảnh báo cho cộng đồng nêu ý kiến mạnh mẽ những hậu quả nghiêm trọng mà cộng đồng sẽ phải chịu từ những thay đổi tương đối nhỏ như việc bãi bỏ Giáo hội Anh, giảm khó khăn trong thủ tục ly hôn, áp dụng quyền bầu cử cho phụ nữ, cấm sản xuất và bán đồ uống có cồn, xóa bỏ hoặc hạn chế quyền thừa kế, v.v. Chúng ta thường được nghe rằng bất kỳ đổi mới nào trong số này cũng sẽ "làm rung chuyển nền tảng của cấu trúc xã hội," "đưa xã hội vào hỗn loạn," "phá hủy nền tảng đạo đức," "làm cho cuộc sống trở nên không thể chịu đựng," "làm rối loạn trật tự tự nhiên," v.v. Những nhận định này, không nghi ngờ gì, là cường điệu; nhưng đồng thời, giống như mọi sự phóng đại khác, chúng cho thấy một cảm giác sống động về mức độ nghiêm trọng của hậu quả mà chúng muốn mô tả. Tác động của những đổi mới như vậy đối với việc làm xáo trộn hệ thống đời sống quy chuẩn được cảm nhận là nghiêm trọng hơn nhiều so với một sự thay đổi đơn thuần ở một mục riêng lẻ trong chuỗi các phương thức thuận tiện mà xã hội đã quen. Điều này đúng và rõ ràng nhất đối với các đổi mới có tầm quan trọng lớn, và cũng đúng ở mức độ thấp hơn đối với các thay đổi có tầm quan trọng nhỏ hơn. Sự phản cảm đối với thay đổi phần lớn xuất phát từ sự khó chịu trước sự phiền toái của việc phải điều chỉnh lại, việc mà bất kỳ thay đổi nào cũng đòi hỏi. Tính đồng bộ trong hệ thống lại càng củng cố sự kháng cự mang tính bản năng đối với bất kỳ thay đổi nào trong thói quen tư duy của con người, ngay cả trong những vấn đề mà, nếu xét riêng, chẳng mấy quan trọng. Một hệ quả của sự miễn cưỡng gia tăng này, do tính đồng bộ của các thiết chế con người, là bất kỳ đổi mới nào cũng đòi hỏi một mức tiêu hao năng lượng thần kinh lớn hơn thông thường để thực hiện các điều chỉnh cần thiết. Đây không chỉ là chuyện thay đổi các thói quen tư duy đã ăn sâu - vốn không lấy gì làm dễ chịu. Quá trình điều chỉnh lại hệ thống lý thuyết về đời sống đòi hỏi một mức độ nỗ lực tinh thần - một nỗ lực kéo dài và nhọc nhằn để tìm ra và duy trì định hướng của mình trong những hoàn cảnh đã thay đổi. Quá trình này cần một lượng năng lượng nhất định và, để hoàn thành thành công, đòi hỏi một nguồn năng lượng dư thừa vượt quá mức năng lượng bị tiêu hao trong cuộc đấu tranh hàng ngày để tồn tại. Do đó, tiến bộ xã hội bị cản trở không chỉ bởi tình trạng thiếu ăn hoặc những khó khăn vật chất nghiêm trọng, mà còn bởi một lối sống xa hoa, vốn loại bỏ sự bất mãn bằng cách triệt tiêu mọi cơ hội để bất mãn. Những người nghèo khổ cùng cực và tất cả những ai mà năng lượng hoàn toàn bị hút cạn bởi cuộc đấu tranh để tồn tại hằng ngày thì bảo thủ bởi họ không đủ khả năng để bận tâm đến ngày mai; tương tự, những người giàu có cực điểm cũng bảo thủ bởi họ không có nhiều lý do để bất mãn với tình trạng hiện tại.

Từ luận điểm này, có thể rút ra rằng sự tồn tại của thiết chế tầng lớp nhàn rỗi góp phần làm cho các tầng lớp thấp hơn trở nên bảo thủ bằng cách tước đi càng nhiều càng tốt các phương tiện sinh kế của họ, qua đó giảm mức tiêu thụ của họ và, kết quả là, làm giảm năng lượng khả dụng của họ đến mức họ không còn đủ khả năng để nỗ lực học hỏi và chấp nhận những thói quen tư duy mới. Việc dồn tích của cải ở đầu trên của thang đo tài sản kéo theo sự thiếu thốn ở đầu dưới thang đo. Đã là thực tế quen thuộc rằng, ở bất kỳ nơi nào, mức độ thiếu thốn đáng kể trong số đông người dân cũng là một trở ngại nghiêm trọng đối với mọi đổi mới.

Tác động kìm hãm trực tiếp từ sự phân phối không đều của cải được củng cố bởi một tác động gián tiếp khác hướng tới cùng kết quả. Như đã thấy, tấm gương mang tính bắt buộc do tầng lớp thượng lưu đặt ra trong việc xác định các quy chuẩn của sự đàng hoàng khuyến khích thực hành tiêu thụ phô trương. Việc tiêu thụ phô trương trở thành một trong những yếu tố chính trong tiêu chuẩn đàng hoàng của mọi tầng lớp tất nhiên không hoàn toàn bắt nguồn từ tấm gương của tầng lớp nhàn rỗi giàu có, nhưng thực hành này và sự nhấn mạnh vào nó chắc chắn được củng cố bởi nó. Những yêu cầu về sự đàng hoàng trong vấn đề này rất đáng kể và mang tính bắt buộc; đến mức ngay cả với các tầng lớp có vị thế tài sản đủ mạnh để cho phép tiêu thụ vượt xa mức tối thiểu để sinh tồn, phần dư thừa sau khi các nhu cầu thể chất cấp thiết được thỏa mãn thường không hiếm khi bị chuyển hướng vào mục đích thể hiện sự đàng hoàng phô trương, thay vì nâng cao sự thoải mái thể chất hoặc sự đầy đủ trong đời sống. Hơn nữa, năng lượng dư thừa có sẵn cũng có xu hướng được sử dụng để tích lũy hàng hóa phục vụ tiêu thụ phô trương hoặc sinh hoạt phô trương. Hệ quả là các yêu cầu về uy tín tài sản có xu hướng (1) chỉ để lại một mức tối thiểu sinh tồn cho các mục đích khác ngoài tiêu thụ phô trương, và (2) hấp thụ bất kỳ năng lượng dư thừa nào có thể có sau khi các nhu cầu thể chất cơ bản đã được đáp ứng. Kết quả của toàn bộ quá trình này là sự củng cố thái độ bảo thủ chung của cộng đồng. Thiết chế tầng lớp nhàn rỗi cản trở sự phát triển văn hóa một cách trực tiếp (1) bởi quán tính vốn có của chính tầng lớp này, (2) thông qua tấm gương quy phạm về sự lãng phí phô trương và bảo thủ, và (3) một cách gián tiếp thông qua hệ thống phân phối không đều của cải và phương tiện sinh kế mà chính thiết chế này dựa vào. Bên cạnh đó, tầng lớp nhàn rỗi còn có lợi ích vật chất trong việc giữ mọi thứ nguyên hiện trạng. Tầng lớp này luôn ở vị thế đặc quyền, và bất kỳ sự thay đổi nào khỏi trật tự hiện tại cũng đều được cho là sẽ gây bất lợi cho tầng lớp này hơn là mang lại lợi ích. Do đó, thái độ của tầng lớp này, đơn thuần dựa trên lợi ích giai cấp, sẽ là duy trì trạng thái hiện tại. Động cơ mang tính lợi ích này bổ sung cho khuynh hướng bản năng mạnh mẽ của tầng lớp, khiến nó trở nên càng nhất quán trong khuynh hướng bảo thủ.

Tất cả những điều này, dĩ nhiên, không nhằm ca ngợi hay chỉ trích vai trò của tầng lớp nhàn rỗi như một đại diện và phương tiện của sự bảo thủ hoặc thoái lui trong cấu trúc xã hội. Sự kìm hãm mà nó thực hiện có thể là hữu ích hoặc ngược lại. Việc nó thuộc loại nào trong từng trường hợp cụ thể là vấn đề thuộc về biện chứng đạo đức hơn là lý thuyết chung. Có thể có một phần sự thật trong quan điểm (trong phạm trù chính sách) thường được nêu bởi những người phát ngôn của phe bảo thủ, rằng nếu không có một sự chống đối nhất quán và đáng kể đối với đổi mới như tầng lớp giàu có bảo thủ đã thực hiện, những đổi mới và thử nghiệm xã hội có thể đẩy cộng đồng vào những tình huống không thể duy trì và không thể chấp nhận được, mà kết quả duy nhất có thể xảy ra là sự bất mãn tràn bờ. Nhưng những điều này nằm ngoài phạm vi vấn đề chúng ta đang xét tới.

Tuy không bàn đến những chỉ trích hay câu hỏi về tính cần thiết của một lực hạn chế đối với những đổi mới liều lĩnh, tầng lớp nhàn rỗi, theo yếu tính của nó, luôn đóng vai trò cản trở sự điều chỉnh với môi trường - cái được gọi là tiến bộ hoặc phát triển xã hội. Thái độ đặc trưng của tầng lớp này có thể được tóm gọn trong câu châm ngôn: "Cái gì đang tồn tại thì đúng", trong khi quy luật chọn lọc tự nhiên, khi áp dụng vào các thiết chế con người, lại đưa ra mệnh đề: "Cái gì đang tồn tại thì sai." Điều này không có nghĩa rằng các thiết chế hiện tại hoàn toàn sai đối với đời sống hôm nay, mà chúng, luôn luôn và theo yếu tính, có một mức độ lệch nhất định. Chúng là kết quả của một sự điều chỉnh chưa đầy đủ giữa các phương thức sống với một tình huống đã tồn tại tại một thời điểm nào đó trong quá khứ; do đó, chúng sai lệch không chỉ bởi khoảng cách giữa tình huống hiện tại và quá khứ, mà còn bởi sự không phù hợp về cơ bản. "Đúng" và "sai" ở đây dĩ nhiên không mang ý nghĩa đạo đức hay phán xét về điều gì là nên hay không nên. Đây là chuyện đúng sai từ quan điểm tiến hóa (không mang màu sắc đạo đức) và nhằm chỉ sự phù hợp hoặc không phù hợp với tiến trình tiến hóa hiệu quả. Thiết chế tầng lớp nhàn rỗi, thông qua sức mạnh của lợi ích giai cấp và bản năng, cùng với các nguyên tắc và tấm gương quy phạm, duy trì sự mất cân đối hiện tại của các thiết chế, thậm chí còn ủng hộ sự thoái lui về một hệ thống đời sống cổ xưa hơn; một hệ thống còn không phù hợp với các đòi hỏi của đời sống hiện tại hơn cả hệ thống đã lỗi thời nhưng vẫn được duy trì từ quá khứ gần đây.

Dù đã nói nhiều về việc bảo tồn những lề lối tốt đẹp xưa cũ, vẫn không thể phủ nhận rằng các thiết chế luôn thay đổi và phát triển. Có một sự tăng trưởng tích lũy của các tập quán và thói quen tư duy, một sự thích nghi chọn lọc của các quy ước và phương thức sống. Vẫn cần phải nhắc đến vai trò của tầng lớp nhàn rỗi trong việc định hướng sự tăng trưởng này, cũng như trong việc cản trở nó; nhưng ở đây chỉ có thể nói ít nhiều về mối quan hệ của tầng lớp này với sự phát triển của các thiết chế, ngoại trừ khi nó liên quan đến những thiết chế chủ yếu và trực tiếp mang tính chất kinh tế. Những thiết chế này - cấu trúc kinh tế - có thể được phân loại sơ bộ thành hai nhóm hoặc loại, tùy theo việc chúng phục vụ một trong hai mục đích khác nhau của đời sống kinh tế.

Theo thuật ngữ cổ điển, các thiết chế này có thể được phân thành thiết chế về chiếm hữu hoặc sản xuất; hoặc, quay lại các thuật ngữ đã được sử dụng trong các chương trước, chúng là các thiết chế về tài sản và thiết chế về sản xuất; hoặc - thêm một cách gọi nữa - là các thiết chế phục vụ lợi ích kinh tế mang tính ganh đua hoặc các thiết chế không mang tính ganh đua. Nhóm thiết chế thứ nhất liên quan đến "kinh doanh," còn nhóm thứ hai liên quan đến sản xuất, hiểu theo nghĩa cơ học. Nhóm thứ hai thường không được công nhận là thiết chế, phần lớn vì chúng không liên quan trực tiếp đến tầng lớp cầm quyền, và do đó hiếm khi là đối tượng của các quy định pháp luật hoặc các quy ước được xây dựng một cách chủ ý. Khi chúng nhận được sự chú ý, chúng thường được xem xét từ khía cạnh tài sản hoặc kinh doanh; đây là khía cạnh hoặc giai đoạn của đời sống kinh tế chủ yếu thu hút sự quan tâm trong thời đại chúng ta, đặc biệt là của tầng lớp thượng lưu. Tầng lớp này gần như chỉ có mối quan tâm dạng kinh doanh đối với các vấn đề kinh tế, nhưng đồng thời, trách nhiệm chủ yếu trong việc xem xét các vấn đề của cộng đồng lại đặt lên họ.

Quan hệ của tầng lớp nhàn rỗi (tức tầng lớp sở hữu tài sản nhưng không tham gia sản xuất) với quá trình kinh tế là quan hệ mang tính chất tài sản - mang tính chiếm hữu, không phải sản xuất; mang tính khai thác, không phải phục vụ. Dĩ nhiên, một cách gián tiếp, vai trò kinh tế của họ có thể cực kỳ quan trọng đối với quá trình sống kinh tế; và ở đây hoàn toàn không có ý đánh giá thấp chức năng kinh tế của tầng lớp sở hữu hoặc của những người đứng đầu sản xuất. Mục đích chỉ đơn giản là chỉ ra yếu tính của mối quan hệ giữa các tầng lớp này với quá trình sản xuất và các thiết chế kinh tế. Vai trò của họ mang tính ký sinh, và lợi ích của họ nằm ở việc chuyển hướng những gì có thể vào sử dụng cho bản thân, và giữ lại tất cả những gì họ nắm trong tay. Các quy ước của thế giới kinh doanh được hình thành dưới sự giám sát chọn lọc của nguyên tắc khai thác hoặc ký sinh này. Đó là những quy ước về quyền sở hữu, được phát triển, trực tiếp hoặc gián tiếp, từ nền văn hóa săn bắt cổ xưa. Tuy nhiên, các thiết chế tài sản này không hoàn toàn phù hợp với tình hình ngày nay, vì chúng được hình thành dưới những điều kiện trong quá khứ, vốn có phần khác biệt so với hiện tại. Do đó, ngay cả về mặt hiệu quả tài sản, chúng cũng không còn phù hợp như trước. Đời sống sản xuất thay đổi đòi hỏi những phương pháp chiếm hữu mới; và tầng lớp tài sản có một số lợi ích trong việc thích nghi các thiết chế tài sản sao cho chúng mang lại hiệu quả tối ưu trong việc chiếm đoạt lợi ích tư nhân, miễn là vẫn đảm bảo được sự tiếp tục của quá trình sản xuất, vốn là nguồn gốc của các lợi ích này. Do đó, có một xu hướng nhất quán trong định hướng của tầng lớp nhàn rỗi đối với sự phát triển của thiết chế, đáp ứng các mục tiêu tài sản vốn định hình đời sống kinh tế của họ.

Tác động của lợi ích tài sản và thói quen tư duy mang tính tài sản đối với sự phát triển của các thiết chế được thể hiện qua các quy định và quy ước nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản, thực thi hợp đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch tài sản, và bảo vệ quyền lợi cố hữu. Những thay đổi có liên quan bao gồm các quy định về phá sản và tiếp quản tài sản, trách nhiệm hữu hạn, ngân hàng và tiền tệ, liên minh giữa lao động hoặc chủ lao động, các công ty tín thác và hiệp hội. Những thiết chế kinh tế kiểu này có tác động trực tiếp chủ yếu đến các tầng lớp sở hữu tài sản, và ảnh hưởng đó tỷ lệ thuận với mức độ thuộc về tầng lớp nhàn rỗi của họ. Tuy nhiên, một cách gián tiếp, các quy ước này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với quá trình sản xuất và đời sống của cộng đồng. Trong việc định hướng sự phát triển của các thiết chế theo hướng này, tầng lớp tài sản phục vụ một mục đích vô cùng quan trọng đối với cộng đồng, không chỉ trong việc bảo tồn hệ thống xã hội hiện có, mà còn trong việc định hình quá trình sản xuất một cách cụ thể. Mục tiêu trực tiếp của cấu trúc thiết chế tài sản này và những cải tiến trong đó là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc khai thác một cách hòa bình và có trật tự; nhưng các tác động gián tiếp của nó vượt xa mục tiêu trước mắt này. Không chỉ việc kinh doanh dễ dàng hơn cho phép các hoạt động sản xuất và đời sống ngoài sản xuất diễn ra với ít xáo trộn hơn, mà việc loại bỏ các biến động và phức tạp đòi hỏi sự phân định khéo léo trong các vấn đề hàng ngày còn làm cho tầng lớp tài sản dần trở nên thừa thãi. Khi các giao dịch tài sản được tiêu chuẩn hóa thành quy trình thường nhật, vai trò của những người đứng đầu ngành sản xuất có thể bị loại bỏ. Dĩ nhiên, kết quả này còn nằm ở một tương lai chưa xác định. Những cải tiến trong các thiết chế hiện đại có lợi cho lợi ích tài sản còn có xu hướng thay thế vai trò của những người lãnh đạo cá nhân bằng các công ty cổ phần “vô hồn”, từ đó cũng làm suy giảm tính cần thiết của vai trò sở hữu—một chức năng quan trọng của tầng lớp nhàn rỗi. Do đó, một cách gián tiếp, khuynh hướng phát triển các thiết chế kinh tế dưới ảnh hưởng của tầng lớp nhàn rỗi có ý nghĩa đáng kể đối với quá trình sản xuất.

 

Chương IX

Sự Bảo Tồn Các Đặc Tính Cổ Xưa

Thiết chế tầng lớp nhàn rỗi không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc xã hội mà còn tác động đến tính cách cá nhân của các thành viên trong xã hội. Ngay khi một khuynh hướng nhất định hoặc một quan điểm nào đó được chấp nhận như một tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn có thẩm quyền trong đời sống, nó sẽ phản hồi lên tính cách của các thành viên trong xã hội đã chấp nhận nó như một quy chuẩn. Nó sẽ định hình, ở một mức độ nào đó, các thói quen tư duy và thực hiện sự giám sát chọn lọc đối với sự phát triển năng lực và khuynh hướng của con người. Hiệu ứng này được thực hiện một phần thông qua sự áp đặt mang tính cưỡng chế và giáo dục lên thói quen của tất cả cá nhân, một phần qua việc loại bỏ chọn lọc các cá nhân và dòng giống không phù hợp. Những nguồn lực con người nào không thích nghi được với các phương thức sống do hệ thống đã được chấp nhận áp đặt sẽ bị loại bỏ hoặc đàn áp ở mức độ nào đó. Các nguyên tắc về cạnh tranh tài sản và miễn trừ sản xuất, theo cách này, đã được nâng lên thành những quy chuẩn trong đời sống và trở thành các yếu tố cưỡng chế quan trọng trong tình thế mà con người phải thích nghi.

Hai nguyên tắc lớn về lãng phí phô trương và miễn trừ sản xuất tác động đến sự phát triển văn hóa bằng cách định hướng các thói quen tư duy của con người, từ đó kiểm soát sự phát triển của các thiết chế, và thông qua việc bảo tồn chọn lọc những đặc điểm nhất định trong bản tính con người, những đặc điểm hỗ trợ sự thuận lợi của đời sống dưới hệ thống tầng lớp nhàn rỗi, từ đó kiểm soát tính cách cộng đồng. Xu hướng gần nhất của thiết chế tầng lớp nhàn rỗi trong việc định hình tính cách con người đi theo hướng sinh tồn tinh thần và thoái lui. Tác động của nó lên tính cách cộng đồng mang tính ngăn cản sự phát triển tinh thần. Thiết chế này nhìn chung có xu hướng bảo thủ, đặc biệt là trong bước phát triển về sau của văn hóa. Luận điểm này về cơ bản đã quen thuộc, nhưng trong ứng dụng hiện tại, có thể nó sẽ mới mẻ đối với nhiều người. Do đó, một đánh giá tổng quan về cơ sở logic của nó có lẽ vẫn cần thiết, dù phải đối mặt với nguy cơ lặp lại những điều nhàm chán và các ý kiến quen thuộc.

Sự tiến hóa xã hội là một quá trình thích nghi chọn lọc về tính khí và thói quen tư duy dưới áp lực của hoàn cảnh trong đời sống cộng đồng. Việc thích nghi các thói quen tư duy chính là sự phát triển của các thiết chế. Tuy nhiên, song song với sự phát triển của các thiết chế, đã xảy ra một thay đổi cơ bản hơn. Không chỉ các thói quen của con người thay đổi theo những đòi hỏi biến động của tình hình, mà chính những đòi hỏi biến động này cũng đã tạo ra sự thay đổi tương ứng trong bản tính con người. Vật liệu con người tự nó cũng biến đổi theo các điều kiện sống. Theo quan điểm của các nhà dân tộc học hiện đại, sự biến đổi này là một quá trình chọn lọc giữa một số típ dân tộc tương đối ổn định và bền vững. Con người có xu hướng quay trở lại hoặc duy trì các đặc điểm của một hoặc một số bản tính nhất định, những đặc điểm đã được định hình phù hợp một cách tương đối với một hoàn cảnh trong quá khứ, khác biệt với hoàn cảnh ngày nay. Có một số típ dân tộc tương đối ổn định nằm trong thành phần dân cư của văn hóa phương Tây. Những típ dân tộc này tồn tại trong di sản giống nòi hiện nay, không phải như những khuôn mẫu cứng nhắc và bất biến, mỗi típ mang một hình thái chính xác và đặc thù, mà dưới dạng một số biến thể lớn hoặc nhỏ. Một số biến đổi của các típ dân tộc đã diễn ra dưới quá trình chọn lọc kéo dài mà các típ dân tộc này và các dòng lai của chúng đã trải qua trong sự phát triển văn hóa tiền sử và lịch sử.

Sự biến đổi cần thiết của các típ dân tộc, do một quá trình chọn lọc kéo dài và có xu hướng nhất quán, chưa được các nhà nghiên cứu thảo luận về sự tồn tại dân tộc chú ý đầy đủ. Lập luận ở đây tập trung vào hai biến thể chính, mang tính phân kỳ, trong bản tính con người, vốn là kết quả của sự thích nghi chọn lọc tương đối muộn của các típ dân tộc nằm trong văn hóa phương Tây. Vấn đề được quan tâm là tác động có thể có của tình hình hiện nay trong việc thúc đẩy sự biến đổi theo một trong hai hướng phân kỳ này.

Phối cảnh dân tộc học có thể được tóm lược rất ngắn gọn; và để tránh các chi tiết không cần thiết, sơ đồ về các típ và biến thể, cũng như lược đồ về sự thoái lui và tồn tại liên quan, được trình bày ở đây với sự đơn giản tối đa, dưới dạng biểu đồ giản lược - vốn không thể chấp nhận được cho bất kỳ mục đích nào khác. Con người trong các cộng đồng sản xuất của chúng ta có xu hướng duy trì đặc điểm di truyền thuộc một trong ba típ dân tộc chính: dolichocephalic-blond (tóc vàng, đầu dài), brachycephalic-brunette (tóc nâu, đầu ngắn), và Mediterranean - không tính đến các yếu tố phụ hoặc ngoại biên của văn hóa. Tuy nhiên, trong mỗi típ dân tộc chính này, sự thoái lui có xu hướng theo một trong ít nhất hai hướng biến đổi chính: biến thể hòa bình hoặc biến thể săn bắt. Biến thể đầu tiên, hòa bình, gần với típ nguyên gốc hơn trong mọi trường hợp, là đại diện thoái lui của típ này ở giai đoạn sớm nhất của đời sống cộng đồng mà ta có thể thu thập được bằng chứng, qua khảo cổ học hoặc tâm lý học. Biến thể này được coi là đại diện cho tổ tiên của người văn minh hiện nay trong giai đoạn hòa bình, dã man, vốn đi trước văn hóa săn bắt, chế độ địa vị và sự phát triển của cạnh tranh tài sản. Biến thể thứ hai, tức biến thể săn bắt, được coi là sự tồn tại của một biến đổi muộn hơn trong các típ dân tộc chính và các dòng lai của chúng - những típ này đã được điều chỉnh, chủ yếu thông qua thích nghi chọn lọc, dưới ảnh hưởng của văn hóa săn bắt và sau đó là văn hóa cạnh tranh trong giai đoạn bán hòa bình hoặc văn hóa tài sản thực thụ.

Theo các quy luật di truyền được công nhận, có thể tồn tại sự kế thừa từ một giai đoạn quá khứ xa xôi hoặc gần đây. Trong trường hợp thông thường, trung bình, hoặc bình thường, nếu một típ đã thay đổi, các đặc điểm của típ đó được truyền lại gần đúng như chúng đã tồn tại trong quá khứ gần - có thể được gọi là hiện tại di truyền. Đối với mục đích đang được xem xét, hiện tại di truyền này được đại diện bởi văn hóa săn bắt muộn và văn hóa bán hòa bình.

Biến thể bản tính con người đặc trưng cho văn hóa săn bắt hoặc gần như săn bắt gần đây - tức là vẫn còn tồn tại theo di truyền - là dạng mà con người văn minh hiện đại có xu hướng duy trì trong hầu hết các trường hợp phổ biến. Luận điểm này cần một số điều chỉnh khi xét đến con cháu của các tầng lớp nô lệ hoặc bị áp bức từ thời kỳ man rợ, nhưng mức độ điều chỉnh có lẽ không lớn như thoạt đầu có thể nghĩ. Nhìn chung, xét trên toàn bộ dân số, biến thể mang tính săn bắt và cạnh tranh này dường như chưa đạt đến mức độ ổn định hoặc nhất quán cao. Nói cách khác, bản tính con người mà người phương Tây hiện đại thừa hưởng không hoàn toàn đồng nhất trong phạm vi hay sức mạnh tương đối của các năng lực và khuynh hướng tạo nên nó. Con người thuộc hiện tại di truyền có phần hơi cổ xưa nếu xét theo các yêu cầu mới nhất của đời sống cộng đồng. Típ mà con người hiện đại chủ yếu có xu hướng thoái về theo quy luật biến đổi là một dạng bản tính cổ xưa hơn đôi chút. Ngược lại, khi xét theo các đặc điểm thoái lui biểu hiện ở những cá nhân khác biệt với kiểu tính khí săn bắt phổ biến, biến thể trước thời săn bắt dường như có mức độ ổn định cao hơn và sự phân bố hoặc sức mạnh tương đối của các yếu tố tính khí của nó thường cân đối hơn.

Sự phân kỳ trong bản tính được thừa hưởng giữa một biến thể sớm hơn và muộn hơn của típ dân tộc bị làm mờ và phức tạp hóa bởi một sự phân kỳ tương tự giữa hai hoặc ba típ dân tộc chính cấu thành dân cư phương Tây. Các cá nhân trong những cộng đồng này hầu như trong mọi trường hợp đều được xem là lai từ các yếu tố dân tộc chính yếu, kết hợp theo những tỷ lệ rất đa dạng; kết quả là họ có xu hướng thoái về một trong các típ dân tộc cấu thành này. Các típ dân tộc này khác nhau về khí chất theo cách tương tự với sự khác biệt giữa các biến thể săn bắt và trước săn bắt. Típ dolicho-blond thể hiện nhiều đặc điểm tính khí săn bắt hơn - hoặc ít nhất là khuynh hướng bạo lực rõ nét hơn - so với típ brachycephalic-brunette, và đặc biệt nhiều hơn so với típ Mediterranean. Do đó, khi sự phát triển của các thiết chế hoặc của tính khí hiệu quả trong một cộng đồng nhất định cho thấy sự lệch đi khỏi bản tính săn bắt, thì vẫn không thể chắc chắn rằng sự lệch đi ấy biểu thị sự thoái lui về biến thể trước săn bắt. Điều này có thể do sự gia tăng ảnh hưởng của một trong các yếu tố dân tộc được xem là "thấp hơn" trong dân cư. Tuy nhiên, dù bằng chứng chưa đủ thuyết phục như mong muốn, vẫn có những dấu hiệu cho thấy biến đổi trong tính khí chủ đạo của các cộng đồng hiện đại không hoàn toàn do sự chọn lọc giữa các típ dân tộc ổn định. Dường như phần nào đó, sự chọn lọc này diễn ra giữa các biến thể săn bắt và hòa bình của các típ khác nhau. Quan niệm này về sự tiến hóa con người đương đại không phải là điều kiện bắt buộc trong thảo luận. Các kết luận chung đạt được thông qua việc sử dụng các khái niệm thích nghi chọn lọc này sẽ vẫn đúng về cơ bản nếu thay thế chúng bằng các thuật ngữ và khái niệm cổ điển hơn của Darwin hoặc Spencer. Trong bối cảnh ấy, có thể chấp nhận một số linh hoạt trong cách sử dụng thuật ngữ. Từ "típ" được sử dụng một cách tương đối lỏng lẻo, nhằm chỉ những biến đổi về tính khí mà các nhà dân tộc học có thể chỉ xem như những biến thể nhỏ của típ thay vì các típ dân tộc riêng biệt. Ở những đoạn nào mà việc phân biệt chặt chẽ hơn là cần thiết cho lập luận, nỗ lực để làm rõ điều đó sẽ được thể hiện trong ngữ cảnh.

Các típ sắc tộc hiện nay, do đó, là những biến thể của các típ chủng tộc nguyên thủy. Chúng đã trải qua một số thay đổi và đạt đến một mức cố định trong hình thức đã thay đổi của mình dưới tác động của thiết chế văn hóa thời man rợ. Con người của hiện tại được kế thừa là biến thể man rợ, mang tính phục dịch hoặc quý tộc, của các yếu tố sắc tộc cấu thành nên họ. Tuy nhiên, biến thể man rợ này chưa đạt đến mức độ đồng nhất hay ổn định cao nhất. Thiết chế văn hóa man rợ - các giai đoạn văn hóa săn mồi và bán hòa bình - dù có thời gian tồn tại tuyệt đối lâu dài nhưng chưa đủ kéo dài hay nhất quán về tính chất để tạo ra sự cố định cực điểm về típ. Các biến thể khỏi bản chất con người man rợ vẫn xảy ra với tần suất đáng kể, và những trường hợp biến thể này ngày càng trở nên dễ nhận thấy trong thời đại ngày nay, vì các điều kiện của cuộc sống hiện đại không còn hoạt động nhất quán để đàn áp những sự lệch khỏi chuẩn mực của típ man rợ. Tính cách săn mồi không phù hợp với tất cả các mục đích của đời sống hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất hiện đại.

Những lệch khỏi bản tính con người trong hiện tại thường là sự quay về một biến thể trước đó của típ. Biến thể trước đó này được thể hiện qua tính khí đặc trưng cho giai đoạn sơ khai của thời kỳ dã man hòa bình. Những hoàn cảnh sống và mục tiêu nỗ lực trước khi thiết chế văn hóa man rợ xuất hiện đã định hình bản tính con người và cố định nó ở một số đặc điểm cơ bản. Và chính những đặc điểm cổ xưa, phổ quát này là điểm mà con người hiện đại thường quay lại. Những điều kiện sống trong các giai đoạn nguyên thủy nhất của đời sống cộng đồng từ khi bắt đầu có thể gọi là “con người” dường như mang tính hòa bình, và tính cách - khí chất và thái độ tinh thần của con người dưới những điều kiện hoặc thiết chế sớm này - dường như mang tính hòa nhã và không hung hăng, thậm chí có thể nói là lười biếng. Với mục đích cụ thể hiện tại, giai đoạn văn hóa hòa bình này có thể được xem là giai đoạn khởi đầu của sự phát triển xã hội. Liên quan đến lập luận của chúng ta, đặc điểm tinh thần nổi bật của giai đoạn văn hóa giả định ban đầu này dường như là một cảm tri nhóm không ngẫm ngợi, không định hình, chủ yếu thể hiện qua sự đồng cảm thoải mái, không hề gay gắt với mọi khía cạnh thuận lợi của đời sống con người, và một cảm giác bứt rứt khó chịu trước sự ức chế hoặc vô nghĩa của cuộc sống. Thông qua hiện diện phổ biến của nó trong thói quen tư duy của con người dã man trước thời kỳ săn mồi, cảm tri bao trùm nhưng không mạnh mẽ này về những gì hữu ích chung dường như đã tác động đáng kể lên đời sống của họ và những tiếp xúc thường xuyên của họ với các thành viên khác trong nhóm.

Những dấu vết của giai đoạn văn hóa hòa bình ban đầu, chưa phân hóa này dường như mờ nhạt và không chắc chắn nếu chúng ta chỉ xem xét các bằng chứng rõ ràng cho tồn tại của nó, như được thể hiện qua các tập quán và quan niệm phổ biến trong hiện tại lịch sử, dù là ở các cộng đồng văn minh hay còn thô sơ. Nhưng bằng chứng ít đáng ngờ hơn cả về sự tồn tại của giai đoạn này phải được tìm trong các dấu vết tâm lý còn sót lại, thông qua các đặc điểm kiên trì và phổ quát của tính cách con người. Những đặc điểm này có lẽ đặc biệt rõ trong những yếu tố sắc tộc từng bị đẩy lùi vào hậu cảnh trong thời kỳ văn hóa săn mồi. Các đặc điểm từng phù hợp với lối sống trước đây đã trở nên tương đối vô dụng trong cuộc đấu tranh sinh tồn cá nhân. Những phần tử trong dân số, hoặc những nhóm sắc tộc mà về khí chất ít phù hợp hơn với cuộc sống săn mồi đã bị đàn áp và đẩy vào hậu cảnh. Khi chuyển đổi sang văn hóa săn mồi, bản chất của cuộc đấu tranh sinh tồn đã thay đổi: từ cuộc đấu tranh của nhóm chống lại các lực phi con người sang cuộc đấu tranh trong chính môi trường con người. Thay đổi này đi kèm với sự gia tăng mâu thuẫn và ý thức về mâu thuẫn giữa các thành viên trong nhóm. Điều kiện để thành công trong nhóm, cũng như điều kiện để nhóm tồn tại, đã thay đổi và thái độ tinh thần chủ đạo của nhóm cũng dần thay đổi, dẫn đến một loạt các năng lực và khuynh hướng khác được đưa lên vị trí chủ đạo trong sơ đồ đời sống. Trong số những đặc điểm cổ xưa là tàn dư từ giai đoạn văn hóa hòa bình có bản năng đoàn kết chủng tộc mà chúng ta gọi là lương tâm, bao gồm cảm giác trung thực và công bằng, cùng bản năng lao động trong biểu hiện nguyên sơ, không mang tính ganh đua đố kỵ.

Dưới ánh sáng của khoa sinh học và tâm lý học hiện đại, bản tính con người sẽ cần được trình bày lại theo các thuật ngữ liên quan đến thói quen; và trong sự trình bày lại này, có vẻ như đây là vị trí và cơ sở duy nhất có thể xác định được của những đặc điểm đó. Những thói quen sống này quá bao trùm để có thể quy cho ảnh hưởng của một quá trình rèn luyện muộn hoặc ngắn ngủi. Việc những thói quen này dễ dàng bị áp đảo bởi các yêu cầu đặc thù của đời sống hiện đại cho thấy rằng chúng là tác động còn sót lại của một quá trình rèn luyện có niên đại cực kỳ cổ xưa, những bài học của nó con người thường xuyên buộc phải rời bỏ do hoàn cảnh thay đổi vào các thời kỳ sau. Đồng thời, cách thức gần như phổ quát mà những thói quen này tự khẳng định mình bất cứ khi nào áp lực từ những yêu cầu đặc thù giảm đi lại cho thấy rằng quá trình hình thành và tích hợp những đặc điểm này vào cấu trúc tinh thần phải kéo dài tương đối lâu và không bị gián đoạn nghiêm trọng. Vấn đề này không phụ thuộc vào chuyện đó có phải là một quá trình rèn luyện theo nghĩa truyền thống của từ này, hay là một quá trình thích nghi có tính chọn lọc của giống loài.

Tính chất và yêu cầu của cuộc sống dưới chế độ địa vị và đối kháng cá nhân cũng như đối kháng giai cấp - vốn bao trùm toàn bộ thời gian từ khi bắt đầu văn hóa săn mồi cho đến hiện tại - cho thấy rằng những đặc điểm về khí chất đang được thảo luận khó có thể phát sinh và đạt được tính ổn định trong thời gian đó. Hoàn toàn có khả năng những đặc điểm này xuất phát từ một phương thức sống trước đó và đã tồn tại qua giai đoạn văn hóa săn mồi và văn hóa bán hòa bình trong trạng thái suy giảm, hơn là được hình thành và củng cố bởi văn hóa sau này. Chúng dường như là những đặc điểm di truyền của loài người và đã tồn tại bất chấp yêu cầu phải đạt được thành công trong giai đoạn văn hóa săn mồi và sau đó là giai đoạn văn hóa tài sản. Chúng dường như tồn tại hoàn toàn nhờ sức mạnh của sự bền bỉ trong truyền thừa, vốn là đặc điểm của một tính chất di truyền hiện diện ở một mức độ nào đó trong mọi thành viên của loài và do đó dựa trên một nền tảng rộng lớn của tính liên tục nòi giống.

Những đặc điểm phổ quát như vậy không dễ bị loại bỏ, ngay cả trong một quá trình chọn lọc nghiêm ngặt và kéo dài. Những đặc điểm hòa bình này phần lớn xa lạ với các phương thức và tinh thần của đời sống man rợ. Đặc trưng nổi bật của văn hóa man rợ là sự ganh đua không ngừng và đối kháng giữa các tầng lớp và giữa các cá nhân. Kỷ luật ganh đua này dành ưu tiên thấp cho những cá nhân và dòng dõi có đặc điểm hòa bình của thời kỳ nguyên thủy. Nó có xu hướng loại bỏ những đặc điểm này và dường như đã làm suy yếu chúng đáng kể trong các quần thể chịu ảnh hưởng của nó. Ngay cả khi hình phạt tối cao cho việc không tuân thủ kiểu khí chất của người man rợ không được thực thi, vẫn có sự đàn áp tương đối nhất quán đối với các cá nhân và dòng dõi không tuân thủ. Trong một môi trường sống mà phần lớn là đấu tranh giữa các cá nhân trong nhóm, việc sở hữu các đặc điểm hòa bình cổ xưa ở mức độ đáng kể sẽ gây cản trở cuộc sinh tồn.

Trong bất kỳ giai đoạn văn hóa nào đã biết, khác hoặc muộn hơn giai đoạn khởi đầu giả định được đề cập ở đây, các phẩm chất như sự lương thiện, công bằng và lòng cảm thông không phân biệt không tạo ra tác động đáng kể đến việc nâng cao đời sống của cá nhân. Việc sở hữu những phẩm chất này có thể giúp cá nhân tránh được sự đối xử khắc nghiệt từ phía đa số, những người yêu cầu một mức tối thiểu các yếu tố ấy trong quan niệm lý tưởng. Nhưng ngoài tác động gián tiếp và tiêu cực này, cá nhân sẽ được lợi hơn nếu sở hữu ít những phẩm chất này hơn. Việc không bị ràng buộc bởi lương tâm, lòng cảm thông, tính trung thực và sự tôn trọng có thể thúc đẩy thành công trong văn hóa tài sản. Những người cực kỳ thành công trong mọi thời kỳ thường thuộc loại này, trừ những thành công không được đo bằng của cải hay quyền lực. Sự chính trực chỉ  được coi là con đường tốt nhất trong những trường hợp hãn hữu, và ngay cả khi đó cũng chỉ theo nghĩa phóng đại hoặc mỉa mai.

Từ quan điểm của văn minh hiện đại, tại một cộng đồng khai sáng phương Tây, một người nguyên thủy trước thời kỳ săn bắt - mà ta đã thử phác họa ở trên - sẽ không phải là một hình mẫu thành công. Ngay cả đối với mục đích của nền văn hóa giả định - văn hóa nguyên thủy hòa bình - mà loại hình con người này đã ổn định, loại hình này cũng có nhiều khuyết điểm kinh tế đáng kể, không kém các phẩm chất: điều này hẳn rõ ràng đối với bất kỳ ai không thiên vị bởi cảm giác đồng cảm. Ở trường hợp tốt nhất, anh ta là "một người lanh lợi nhưng vô dụng." Những thiếu sót của kiểu tính cách nguyên thủy giả định này bao gồm: yếu đuối, kém hiệu quả, thiếu sáng kiến và khéo léo, cùng với sự dễ dãi và lười biếng hòa nhã, đi kèm một cảm quan vật linh sống động nhưng không đáng kể. Song song với những đặc điểm này là một số đặc điểm khác có giá trị đối với tập thể, bởi thúc đẩy sự thuận tiện trong đời sống nhóm. Những đặc điểm này bao gồm tính trung thực, hòa bình, thiện chí, và sự quan tâm không cạnh tranh, không ghen tị đối với người và vật.

Với sự xuất hiện của giai đoạn săn bắt, yêu cầu đối với tính cách con người thành công cũng thay đổi. Thói quen sống phải thích nghi với những đòi hỏi mới trong một hệ thống quan hệ mới. Cùng một năng lượng bộc lộ, trước đây được thể hiện qua các đặc tính của đời sống hoang dã đã được đề cập ở trên, giờ tìm cách thể hiện theo một hướng hành động mới, những phản ứng mới đối với các kích thích đã thay đổi. Những phương thức từng tương đối phù hợp với đời sống giờ không còn đủ cho các điều kiện mới. Hoàn cảnh trước đặc trưng bởi sự vắng mặt tương đối của đối kháng hoặc phân biệt lợi ích, còn hoàn cảnh sau thì đặc trưng bởi sự cạnh tranh ngày càng tăng về cường độ và thu hẹp về phạm vi. Các đặc tính mô tả giai đoạn săn bắt và các giai đoạn văn hóa tiếp theo bao gồm (ở biểu hiện chính yếu): hung hãn, mưu cầu lợi ích cá nhân, bè phái và gian trá - sẵn sàng dùng đến lừa lọc và bạo lực.

Trong sự rèn luyện khắc nghiệt và kéo dài của cạnh tranh, sự chọn lọc các loại hình dân tộc cũng góp phần nhằm làm nổi bật các đặc điểm này, bằng cách ưu ái tồn tại của những yếu tố dân tộc được trang bị phong phú nhất về các tính cách ấy. Đồng thời, những thói quen chung của chủng loài, được hình thành từ trước, chưa bao giờ hoàn toàn mất đi tính hữu dụng đối với mục đích của đời sống tập thể và chưa bao giờ rơi vào trạng thái bị loại bỏ hoàn toàn. Cũng đáng lưu ý rằng kiểu người châu Âu dolicho-blond (đầu dài, tóc vàng) dường như chiếm được vị trí quyền lực gần đây là nhờ sở hữu các đặc điểm của con người săn bắt ở mức độ đặc biệt cao. Những đặc điểm tinh thần này, cùng năng lượng thể chất dồi dào - cũng có thể là kết quả của sự chọn lọc giữa các nhóm và các dòng dõi - là yếu tố chính đưa một thành phần dân tộc nào đó vào vị trí tầng lớp nhàn rỗi hoặc giai cấp thống trị, đặc biệt trong các giai đoạn đầu của sự phát triển thiết chế tầng lớp nhàn rỗi. Điều này không có nghĩa rằng một cá nhân sở hữu chính xác những phẩm chất như vậy sẽ đảm bảo được thành công. Điều kiện để cá nhân thành công không nhất thiết phải giống với điều kiện thành công của một tầng lớp. Thành công của một tầng lớp hoặc một nhóm đòi hỏi yếu tố trung thành mạnh mẽ, lòng trung kiên với một lãnh đạo hoặc tuân thủ một giáo điều; trong khi đó, cá nhân có khả năng cạnh tranh tối đa nếu kết hợp được năng lượng, sáng kiến và sự gian xảo của người săn bắt với sự thiếu trung thành hoặc bè phái của người hoang dã. Cũng có thể nhận xét rằng những người đạt được thành công rực rỡ kiểu Napoléon dựa trên tinh thần tự mưu cầu không thiên vị và sự thiếu nguyên tắc thường thể hiện nhiều đặc điểm thể chất của kiểu người brachycephalic-brunette (đầu ngắn, tóc sẫm màu) hơn là của kiểu dolicho-blond. Tuy nhiên, phần lớn những cá nhân đạt được thành công ở mức độ vừa phải trong tinh thần tự mưu cầu dường như, về mặt thể chất, thuộc về thành phần dolicho-blond vừa nêu.

Tính khí hình thành từ thói quen săn bắt làm tăng khả năng sinh tồn của cá nhân trong cuộc cạnh tranh; đồng thời, nó cũng góp phần vào sự tồn tại và thành công của nhóm nếu đời sống tập thể của nhóm chủ yếu là cuộc cạnh tranh thù địch với các nhóm khác. Tuy nhiên, sự phát triển của đời sống kinh tế trong các cộng đồng trưởng thành hơn về mặt sản xuất đã bắt đầu chuyển hướng, khiến lợi ích của cộng đồng không còn trùng khớp với lợi ích cạnh tranh của cá nhân. Các cộng đồng đang dần ngừng là những đối thủ cạnh tranh để giành các phương tiện sống hoặc quyền được sống - ngoại trừ trong chừng mực mà khuynh hướng săn bắt của các giai cấp cầm quyền tiếp tục duy trì truyền thống chiến tranh và cướp bóc. Các cộng đồng này không còn thù địch với nhau do hoàn cảnh thực tế, mà chỉ do các yếu tố thuộc về truyền thống và tính khí. Lợi ích vật chất của họ - ngoại trừ, có lẽ, lợi ích về danh tiếng chung - không chỉ không còn xung đột, mà thành công của bất kỳ cộng đồng nào trong nhóm chắc chắn cũng thúc đẩy sự phát triển và đủ đầy của các cộng đồng khác, ít nhất là trong hiện tại và tương lai gần. Không còn cộng đồng nào có lợi ích vật chất trong việc vượt trội so với các cộng đồng khác. Điều tương tự không hoàn toàn đúng với các cá nhân và mối quan hệ giữa họ.

Lợi ích chung của mọi cộng đồng hiện đại đều tập trung vào hiệu quả sản xuất. Cá nhân phục vụ được cho các mục tiêu của cộng đồng tùy thuộc phần nào vào hiệu quả của họ trong các công việc sản xuất, theo cách gọi thông thường. Lợi ích tập thể này được phục vụ tốt nhất thông qua sự trung thực, siêng năng, hòa bình, thiện chí, không ích kỷ, và khả năng nhận thức quan hệ nhân quả, không pha trộn niềm tin duy linh và không có cảm giác phụ thuộc vào sự can thiệp siêu nhiên trong diễn tiến của các sự vị. Không có nhiều điều để nói về cái đẹp, sự trác tuyệt đạo đức hay giá trị và danh tiếng tổng thể trong một bản tính khô khan mà các đặc điểm này ngụ ý; và cũng có ít lý do để hào hứng với phong cách sống tập thể có thể nảy sinh từ sự thống trị không suy suyển của những đặc điểm này. Nhưng đó không phải là trọng tâm ở đây. Hoạt động hiệu quả của một cộng đồng hiện đại được đảm bảo tốt nhất khi các đặc điểm này hội tụ. Sự hiện diện của chúng ở mức độ nào đó là cần thiết để có được sự thích nghi khả dĩ với các hoàn cảnh của tình thế hiện đại. Cơ chế phức tạp, toàn diện, bản chất hòa bình và tổ chức cao của cộng đồng sản xuất hiện đại hoạt động hiệu quả nhất khi tất cả những đặc điểm này, hoặc hầu hết trong số đó, hiện diện ở mức độ cao nhất có thể. Ở con người thuộc kiểu săn bắt, các đặc điểm này xuất hiện ở mức độ thấp đáng kể  so với mức độ hữu ích cần thiết cho đời sống tập thể hiện đại.

Nhưng mặt khác, lợi ích tức thời của cá nhân trong chế độ cạnh tranh lại được đảm bảo nhất nhờ sự khôn khéo và thiếu lương tâm. Các đặc điểm nêu trên, vốn phục vụ lợi ích của cộng đồng, lại gây bất lợi cho cá nhân. Sự hiện diện của những khả thể này trong bản tính con người làm chệch hướng năng lượng của họ sang những mục tiêu khác hơn là tìm kiếm lợi ích, và ngay cả trong cuộc theo đuổi lợi ích, chúng cũng khiến họ tìm đến các kênh gián tiếp và kém hiệu quả, thay vì theo đuổi thẳng thắn và không nao núng con đường cứng rắn. Những khả thể này tương đối nhất quán trong việc gây trở ngại cho cá nhân. Trong chế độ cạnh tranh, các thành viên của một cộng đồng hiện đại là đối thủ, mỗi người trong số họ sẽ đạt được lợi ích cá nhân hiệu quả nhất nếucó thể ung dung vượt qua và gây hại cho đồng loại ngay khi có cơ hội.

Như đã được đề cập, các thiết chế kinh tế hiện đại có thể được chia thành hai loại chính: các thiết chế thuộc về tài sản và các thiết chế thuộc về sản xuất. Điều này cũng đúng với các loại nghề nghiệp. Loại thứ nhất bao gồm các công việc liên quan đến sở hữu hoặc tích lũy; loại thứ hai bao gồm các công việc liên quan đến kỹ năng lao động hoặc sản xuất. Tương tự như khi nói về sự phát triển của các thiết chế, đối với nghề nghiệp cũng vậy: lợi ích kinh tế của tầng lớp nhàn rỗi nằm trong các nghề liên quan đến tài sản; lợi ích của tầng lớp lao động nằm ở cả hai loại nghề, nhưng chủ yếu trong các nghề sản xuất. Con đường gia nhập tầng lớp nhàn rỗi là thông qua các nghề liên quan đến tài sản.

Hai loại nghề này khác biệt đáng kể về các năng lực cần thiết cho mỗi loại; và quá trình đào tạo của chúng cũng đi theo hai hướng khác nhau. Các nghề liên quan đến tài sản giúp duy trì và phát triển năng lực và tinh thần chiếm đoạt. Nó làm điều này bằng cách rèn luyện những cá nhân và tầng lớp tham gia vào nghề, đồng thời sàng lọc và loại bỏ những cá nhân hoặc dòng dõi không phù hợp. Trong chừng mực mà thói quen tư duy của con người được định hình bởi quá trình cạnh tranh trong sự tích lũy và sở hữu, trong chừng mực mà các chức năng kinh tế của họ nằm trong phạm vi sở hữu tài sản được quan niệm dưới dạng giá trị trao đổi và việc quản lý, tài chính hóa thông qua sự hoán đổi giá trị thì kinh nghiệm của họ trong đời sống kinh tế ủng hộ sự củng cố tính cách cùng thói quen chiếm đoạt. Trong hệ thống hiện đại, hòa bình, rõ ràng là các thói quen và năng lực chiếm đoạt được nuôi dưỡng chủ yếu qua thu gom và tích lũy. Nói cách khác, các nghề liên quan đến tài sản phát triển kỹ năng trong các thực hành thuộc về gian trá, hơn là các thực hành thuộc về phương pháp chiếm đoạt bằng vũ lực vốn dĩ cổ xưa hơn.

Các nghề nghiệp liên quan đến tài sản, vốn có xu hướng duy trì tính khí chiếm đoạt, bao gồm những nghề gắn liền với sở hữu - chức năng trực tiếp của tầng lớp nhàn rỗi đúng nghĩa - và các chức năng phụ liên quan đến việc thu gom và tích lũy. Những nghề này bao trùm nhóm người và phạm vi nhiệm vụ liên quan đến quyền sở hữu các doanh nghiệp hoạt động trong nền sản xuất cạnh tranh, đặc biệt là các lĩnh vực tài chính. Cũng có thể kể đến phần lớn các nghề thương mại. Trong hình thức rõ nét và điển hình nhất, các nhiệm vụ này cấu thành vai trò kinh tế của "thuyền trưởng công nghiệp." Thuyền trưởng công nghiệp là một người khôn ngoan hơn là sáng tạo, và uy quyền của ông ta thuộc về tài sản hơn là sản xuất. Việc quản lý sản xuất mà ông thực hiện thường mang tính chất cho phép. Các chi tiết cơ học trong sản xuất và tổ chức thường được giao cho những cấp dưới ít sở hữu năng lực làm việc hơn là khả năng quản trị. Các nghề phi kinh tế thông thường cũng thuộc loại nghề liên quan đến tài sản. Những nghề này bao gồm chính trị, tôn giáo, và quân sự.

Các nghề liên quan đến tài sản cũng được coi là danh giá hơn nhiều so với các nghề sản xuất. Theo cách này, các chuẩn mực danh giá của tầng lớp nhàn rỗi góp phần duy trì uy thế của những năng lực phục vụ cho mục đích phân biệt, và do đó, lối sống phô trương của tầng lớp nhàn rỗi cũng thúc đẩy sự tồn tại và phát triển của những đặc điểm chiếm đoạt. Các nghề nghiệp được sắp xếp theo một hệ thống phân cấp về mức độ danh giá. Những nghề liên quan trực tiếp đến sở hữu ở quy mô lớn là danh giá nhất. Tiếp theo là các nghề phục vụ trực tiếp cho sự sở hữu và tài chính, chẳng hạn ngân hàng và luật pháp. Nghề ngân hàng gợi lên sự liên kết với sự sở hữu lớn, điều này chắc chắn góp phần vào uy tín của lĩnh vực ấy. Nghề luật không ngụ ý sở hữu lớn, nhưng do không mang dấu vết của tính hữu ích ngoài mục đích cạnh tranh, nó được xếp hạng cao. Luật sư chuyên tâm vào các chi tiết của sự gian lận chiếm đoạt, hoặc là thực hiện, hoặc ngăn chặn mưu mô, và thành công trong nghề này được coi là dấu hiệu của sự thiện xảo kiểu man rợ, vốn luôn thu hút sự kính nể và sợ hãi của con người. Các hoạt động thương mại chỉ được coi là danh giá một nửa, trừ khi chúng có yếu tố sở hữu lớn và yếu tố hữu ích nhỏ. Danh tiếng của các hoạt động này dao động tùy thuộc vào việc chúng phục vụ nhu cầu cao cấp hay thấp kém; vì vậy, kinh doanh bán lẻ các nhu yếu phẩm thông thường bị xếp ngang với nghề thủ công và lao động trong nhà máy. Lao động chân tay và cả việc giám sát các quy trình cơ học thì rõ ràng ở vị trí bấp bênh về danh giá. Một điểm cần lưu ý là kỷ luật được tạo ra bởi các nghề liên quan đến tài sản đã có một số thay đổi. Khi quy mô doanh nghiệp sản xuất ngày càng lớn, việc quản lý tài sản càng ít tính gian lận và cạnh tranh diễn ra ở cấp độ chi tiết hơn. Nói cách khác, đối với một tỉ lệ ngày càng lớn những người tiếp xúc với khía cạnh này của đời sống kinh tế, kinh doanh trở thành một công việc thông thường, ít gợi ý trực tiếp về việc vượt qua hoặc khai thác đối thủ. Sự miễn trừ khỏi các thói quen chiếm đoạt này chủ yếu dành cho các cấp dưới được thuê. Các nhiệm vụ liên quan đến sở hữu và quản trị hầu như không bị ảnh hưởng bởi thay đổi này. Chuyện rất khác đối với những cá nhân hoặc tầng lớp trực tiếp tham gia vào kỹ thuật và các hoạt động sản xuất thủ công. Cuộc sống hằng ngày của họ không bị chi phối nhiều bởi các động cơ cạnh tranh và phân biệt. Họ thường xuyên phải nắm bắt và phối hợp các sự vị và chuỗi cơ học, đồng thời đánh giá và sử dụng chúng cho các mục đích của cuộc sống con người. Đối với nhóm này, quá trình rèn luyện và sàng lọc của các hoạt động sản xuất mà họ trực tiếp tiếp xúc có xu hướng điều chỉnh thói quen suy nghĩ của họ theo các mục tiêu không mang tính phân biệt của đời sống tập thể. Điều này làm suy yếu các năng lực và xu hướng chiếm đoạt được truyền lại qua di truyền và truyền thống từ quá khứ man rợ của nhân loại.

Sự rèn luyện của đời sống kinh tế trong cộng đồng, do đó, không đồng nhất trong các biểu hiện của nó. Các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến cạnh tranh tài sản có xu hướng bảo tồn một số đặc điểm chiếm đoạt; trong khi đó, các nghề sản xuất liên quan trực tiếp đến việc tạo ra hàng hóa lại chủ yếu có xu hướng ngược lại. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, với nhóm nghề nghiệp sau, những người tham gia vào các ngành này hầu như đều ở một mức độ nào đó cũng liên quan đến các vấn đề cạnh tranh tài sản (ví dụ: trong việc định giá tiền lương và thu nhập thông qua cạnh tranh, trong việc mua hàng hóa để tiêu thụ, v.v.). Vì vậy, sự phân biệt ở đây giữa các nhóm nghề nghiệp không phải là một sự phân chia cứng nhắc giữa các nhóm người.

Các nghề nghiệp của tầng lớp nhàn rỗi có xu hướng duy trì một số thói quen và năng lực chiếm đoạt. Nếu các thành viên của tầng lớp này tham gia vào quá trình sản xuất, công việc của họ sẽ có xu hướng bảo tồn trong họ khí chất của thời kỳ man rợ. Tuy nhiên, cũng cần nói một số điều từ góc nhìn khác. Những cá nhân được đặt trong hoàn cảnh không phải chịu áp lực có thể sống sót và truyền lại các đặc điểm của mình, ngay cả khi chúng khác biệt lớn so với mức trung bình của loài, cả về thể chất lẫn tinh thần. Cơ hội để các đặc điểm di truyền của tổ tiên được bảo tồn và truyền lại là cao nhất ở những tầng lớp ít phải chịu áp lực từ hoàn cảnh. Tầng lớp nhàn rỗi, ở một mức độ nào đó, được bảo vệ khỏi áp lực của hoàn cảnh sản xuất, do đó, có thể tạo điều kiện cho một tỉ lệ lớn hơn các cá nhân có khuynh hướng quay lại khí chất hòa bình hoặc nguyên thủy. Điều này cho phép những cá nhân có xu hướng lệch chuẩn hoặc mang đặc điểm tổ tiên phát triển hoạt động sống của họ theo các đường hướng trước thời kỳ chiếm đoạt mà không phải chịu sự đàn áp hoặc loại trừ nhanh chóng như ở các tầng lớp thấp hơn.

Thực tế dường như đúng như vậy. Ví dụ, có một tỉ lệ đáng kể trong các tầng lớp thượng lưu hướng đến các hoạt động từ thiện, và trong tầng lớp này cũng tồn tại một bộ phận không nhỏ ủng hộ các nỗ lực cải cách và cải thiện xã hội. Hơn nữa, nhiều hoạt động từ thiện và cải cách này mang dấu ấn của sự khéo léo đáng mến nhưng thiếu nhất quán - đặc trưng của người nguyên thủy sơ khai. Tuy nhiên, vẫn có thể đặt nghi vấn liệu những sự vị này có thực sự chứng minh rằng tỉ lệ hồi nguyên về khí chất tổ tiên ở các tầng lớp cao là lớn hơn so với ở các tầng lớp thấp hay không. Ngay cả khi những khuynh hướng tương tự tồn tại ở các tầng lớp kém giàu có hơn, chúng cũng khó có thể bộc lộ dễ dàng, do những tầng lớp này thiếu phương tiện, thời gian và năng lượng để thể hiện những khuynh hướng đó trong thực tế. Những bằng chứng bề ngoài này khó có thể được chấp nhận mà không đặt câu hỏi.

Cũng cần lưu ý thêm rằng tầng lớp nhàn rỗi ngày nay được tuyển chọn từ những người đã thành công trong các hoạt động kinh tế và do đó, giả định rằng họ được trang bị một lượng lớn hơn bình thường các đặc tính săn mồi. Người ta gia nhập tầng lớp nhàn rỗi nhờ các ngành nghề liên quan đến tài sản, và những ngành nghề này, thông qua sự chọn lọc và thích nghi, chỉ đưa lên các tầng lớp trên những dòng dõi đủ khả năng tồn tại theo tiêu chuẩn săn mồi. Ngay khi có trường hợp quay về bản tính con người phi săn mồi xuất hiện ở các tầng lớp thượng lưu này, nó thường bị loại bỏ và đẩy xuống các tầng lớp kinh tế thấp hơn. Để giữ vị trí trong tầng lớp này, một dòng dõi cần phải sở hữu khí chất săn mồi thích hợp; nếu không, tài sản sẽ bị tiêu tán và dòng dõi đó sẽ nhanh chóng mất vị thế xã hội. Những trường hợp như vậy diễn ra khá phổ biến. Thành phần của tầng lớp nhàn rỗi được duy trì thông qua một quá trình chọn lọc liên tục, nhờ đó các cá nhân và dòng dõi có năng lực vượt trội trong cạnh tranh kinh tế được rút ra khỏi các tầng lớp thấp hơn. Để đạt được các vị trí cao hơn, người ứng tuyển phải sở hữu những năng lực này ở mức xuất sắc, đủ để vượt qua những trở ngại lớn trên con đường lên cao. Ngoại trừ những trường hợp bất thường, các thành viên mới gia nhập tầng lớp nhàn rỗi thường là những cá nhân được tuyển chọn kỹ lưỡng.

Quá trình chọn lọc để gia nhập tầng lớp nhàn rỗi này, tất nhiên, đã diễn ra liên tục kể từ khi xu hướng ganh đua về tài sản xuất hiện - tức là kể từ khi thiết chế tầng lớp nhàn rỗi hình thành. Tuy nhiên, tiêu chí cụ thể cho chọn lọc không phải lúc nào cũng giống nhau, và do đó, kết quả của quá trình này cũng không đồng nhất qua các thời kỳ. Trong giai đoạn đầu của văn hóa săn mồi hay thời kỳ man rợ sơ khai, tiêu chuẩn gia nhập là sức mạnh, theo nghĩa nguyên sơ nhất của từ ấy. Để gia nhập tầng lớp này, ứng viên phải sở hữu sức mạnh vượt trội, sự hung hãn, thiếu nguyên tắc và kiên định. Đây là những phẩm chất cần thiết để tích lũy và duy trì tài sản. Cơ sở kinh tế của tầng lớp nhàn rỗi, khi đó cũng như hiện nay, là sở hữu; nhưng phương pháp tích lũy của cải và các năng lực cần thiết để giữ gìn nó đã thay đổi ít nhiều kể từ những ngày đầu của văn hóa săn mồi. Do tác động của quá trình chọn lọc, những đặc tính nổi bật của tầng lớp nhàn rỗi thời kỳ man rợ sơ khai bao gồm khả năng xâm lược, ý thức nhạy bén về địa vị xã hội, và xu hướng lừa lọc và gian trá. Các thành viên của tầng lớp này duy trì vị trí của mình dựa trên sức mạnh cá nhân. Trong giai đoạn sau của văn hóa man rợ, xã hội dần ổn định với các phương thức chiếm hữu và sở hữu tài sản dưới chế độ địa vị bán hòa bình. Việc xâm lược đơn thuần và bạo lực không kiềm chế dần nhường chỗ cho các thủ đoạn tinh vi - đã trở thành phương pháp được ưu tiên để tích lũy tài sản. Một dải năng lực và xu hướng khác đã được bảo tồn trong tầng lớp nhàn rỗi. Khả năng xâm lược đi kèm với một ý thức địa vị kiên định đến tàn nhẫn vẫn được xem là những phẩm chất nổi bật của tầng lớp này. Chúng vẫn tồn tại trong truyền thống của chúng ta như những "phẩm chất quý tộc" điển hình. Tuy nhiên, cùng với đó, một loạt các phẩm chất kém nổi bật hơn, như sự tiết kiệm, thận trọng, và thủ đoạn, cũng ngày càng trở nên quan trọng. Theo thời gian, khi văn hóa kinh tế hòa bình hiện đại được hình thành, các năng lực và thói quen này ngày càng chứng tỏ hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu tài sản, và chúng ngày càng có vai trò lớn trong quá trình chọn lọc để gia nhập và duy trì vị thế trong tầng lớp nhàn rỗi.

Tiêu chí chọn lọc đã thay đổi, đến mức các năng lực tài sản hiện nay trở thành yếu tố duy nhất đủ điều kiện để gia nhập tầng lớp nhàn rỗi. Những gì còn sót lại của các đặc điểm thuộc tầng lớp man rợ săn mồi là sự kiên định trong mục tiêu hoặc sự nhất quán trong phương hướng, vốn từng phân biệt những kẻ săn mồi thành công với những người man rợ hòa bình mà họ đã thay thế. Tuy nhiên, đặc điểm này không thể nói là một dấu hiệu đặc trưng để phân biệt người thuộc tầng lớp trên giàu có với những người thuộc tầng lớp sản xuất phổ thông. Quá trình rèn luyện và sàng lọc mà tầng lớp sau này trải qua trong đời sống sản xuất hiện đại cũng đặt một tầm quan trọng tương đương vào đặc điểm ấy. Sự kiên định trong mục tiêu, thay vào đó, có thể được coi là dấu hiệu phân biệt cả hai tầng lớp này với hai nhóm khác: những kẻ sống lang bạt, không định hướng, và những tội phạm thuộc tầng lớp thấp. Về khả năng tự nhiên, người thuộc tầng lớp tài sản có thể so với tội phạm theo cách tương tự người thuộc tầng lớp sản xuất so với những kẻ phụ thuộc vô trách nhiệm. Mẫu người lý tưởng thuộc tầng lớp tài sản giống với tội phạm lý tưởng ở sự bất chấp trong việc biến tài sản và con người phục vụ cho mục đích của mình, cùng sự thờ ơ lạnh lùng đối với cảm xúc và mong muốn của người khác và hậu quả lâu dài từ hành động của họ. Tuy nhiên, anh ta khác tội phạm ở chỗ có ý thức mạnh mẽ hơn về địa vị xã hội và hành động nhất quán hơn với tầm nhìn xa hơn cho mục tiêu. Sự tương đồng giữa hai kiểu khí chất này còn thể hiện ở xu hướng thích săn bắn và đánh bạc, cùng sự hào hứng với các hoạt động ganh đua vô nghĩa. Người thuộc tầng lớp tài sản lý tưởng cũng thể hiện một quan hệ đặc biệt với tội phạm ở một biến thể kèm theo của bản tính săn mồi: tội phạm thường mang trong mình thói mê tín; hắn rất tin vào vận may, bùa chú, bói toán và định mệnh, cũng như các điềm báo và nghi lễ mang tính pháp sư. Khi hoàn cảnh thuận lợi, xu hướng này có thể biểu hiện qua sự sùng kính gần như nô lệ và một sự chú trọng tỉ mỉ đến các nghi thức và có lẽ nên được hiểu là lòng sùng kính hơn là tôn giáo. Ở điểm này, khí chất của tội phạm có nhiều điểm chung với tầng lớp tài sản và nhàn rỗi hơn là với người thuộc tầng lớp sản xuất hoặc tầng lớp phụ thuộc sống bấp bênh.

Cuộc sống trong một cộng đồng hiện đại, tức là trong văn hóa tài sản, hoạt động thông qua một quá trình chọn lọc nhằm phát triển và bảo tồn một số năng lực và khuynh hướng nhất định. Xu hướng hiện tại của quá trình chọn lọc này không đơn giản là sự quay trở lại một kiểu người cố định và bất biến. Thay vào đó, nó hướng tới một sự biến đổi bản tính con người, khác biệt ở một số khía cạnh so với bất kỳ kiểu mẫu hay biến thể nào được truyền lại từ quá khứ. Mục tiêu khách quan của sự tiến hóa này không thống nhất. Khí chất mà sự tiến hóa hướng tới khác với các biến thể cổ xưa ở sự ổn định cao hơn trong mục tiêu - sự tập trung và kiên trì lớn hơn trong nỗ lực. Ở chừng mực này thì mục tiêu khách quan của quá trình chọn lọc nhìn chung thống nhất, mặc cho những xu hướng nhỏ hơn, khác biệt đáng kể với xu hướng chính. Tuy nhiên, ngoài xu hướng chung này, đường lối phát triển không phải là duy nhất. Sự phát triển ở các khía cạnh khác chạy trên hai hướng khác biệt. Xét về sự bảo tồn năng lực ở các cá nhân, hai hướng này có thể được gọi là tài sản và sản xuất. Xét về sự bảo tồn khuynh hướng, thái độ tinh thần, hay động lực, hai hướng này có thể được gọi là ganh đua và không ganh đua. Xét về xu hướng trí tuệ hay nhận thức, hướng đầu tiên có đặc trưng là cái nhìn cá nhân, liên quan đến ý chí, quan hệ định tính, địa vị, hoặc giá trị; trong khi hướng thứ hai là cái nhìn phi cá nhân, liên quan đến trình tự, quan hệ định lượng, hiệu suất cơ học, hoặc tính hữu dụng.

Các công việc liên quan đến tài sản chủ yếu kích hoạt nhóm năng lực và khuynh hướng đầu tiên trong hai nhóm đã nêu, và thông qua quá trình chọn lọc, góp phần bảo tồn chúng. Ngược lại, các công việc sản xuất chủ yếu phát huy nhóm năng lực và khuynh hướng thứ hai, đồng thời cũng có tác động bảo tồn. Một phân tích tâm lý học toàn diện sẽ cho thấy rằng mỗi nhóm năng lực và khuynh hướng này chỉ là biểu hiện đa dạng của một khuynh hướng khí chất cụ thể. Do sự thống nhất và tính nhất quán của cá nhân, các năng lực, động lực và mối quan tâm thuộc nhóm đầu tiên gắn liền với nhau như những biểu hiện của bản tính nhất định. Điều tương tự cũng đúng với nhóm thứ hai. Hai nhóm này có thể được hình dung như hai khả thể phát triển của cuộc sống con người, trong đó một cá nhân nhất định sẽ nghiêng nhiều hơn hoặc ít hơn về một trong hai. Xu hướng của đời sống tài sản, nói chung, là bảo tồn khí chất của người man rợ, nhưng thay xu hướng gây tổn hại thể chất bằng sự gian trá và thận trọng cùng khả năng quản trị. Tuy nhiên, cuộc thay thế từ sự tàn phá sang lừa đảo chỉ diễn ra ở mức độ không chắc chắn. Trong các công việc liên quan đến tài sản, tác động chọn lọc diễn ra khá nhất quán theo hướng này, nhưng kỷ luật của đời sống tài sản, ngoài việc cạnh tranh vì lợi nhuận, không hoạt động nhất quán để đạt được hiệu quả tương tự. Kỷ luật của đời sống hiện đại trong việc tiêu thụ thời gian và hàng hóa không tác động rõ ràng để loại bỏ các phẩm chất quý tộc hay để thúc đẩy các phẩm chất tư sản. Cuộc sống đàng hoàng theo lối truyền thống đòi hỏi một sự vận dụng đáng kể các đặc điểm của người man rợ nguyên thủy. Một số chi tiết trong truyền thống này đã được đề cập ở các chương trước trong phần nói về nhàn rỗi và sẽ được trình bày chi tiết hơn ở các chương sau.

Từ những điều đã được trình bày, có thể thấy rằng lối sống của tầng lớp nhàn rỗi và mô hình sống của tầng lớp này có xu hướng thúc đẩy việc bảo tồn khí chất của người man rợ, chủ yếu là biến thể bán hòa bình nhưng cũng phần nào là biến thể săn mồi. Do đó, nếu không có các yếu tố gây nhiễu, ta có thể nhận diện sự khác biệt về khí chất giữa các tầng lớp trong xã hội. Những phẩm chất quý tộc và phẩm chất tư sản - tức là các đặc điểm phá hoại và các đặc điểm mang tính tài sản - sẽ chủ yếu được tìm thấy trong các tầng lớp thượng lưu, trong khi những đức tính sản xuất - tức là các đặc điểm hòa bình - sẽ chủ yếu xuất hiện trong các tầng lớp lao động cơ khí.

Điều này đúng trong một cách tổng quát và không rõ ràng, nhưng sự kiểm chứng không thể tiến hành dễ dàng hay mang tính kết luận như mong đợi. Có nhiều lý do có thể giải thích cho sự thất bại phần nào của nó. Tất cả các tầng lớp đều tham gia vào cuộc đấu tranh tài sản ở mức độ nhất định, và trong mọi tầng lớp, việc sở hữu các đặc điểm tài sản đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công và tồn tại của cá nhân. Bất cứ nơi nào văn hóa tài sản chiếm ưu thế, quá trình chọn lọc định hình thói quen tư duy của con người và quyết định sự tồn tại của các dòng dõi cạnh tranh đều diễn ra trên cơ sở sự phù hợp cho việc chiếm hữu. Do đó, nếu không phải vì thực tế rằng hiệu quả tài sản thường không tương thích với hiệu quả sản xuất, thì sự sàng lọc của mọi nghề sẽ có xu hướng dẫn đến sự thống trị không giảm sút của dạng tính cách chiếm hữu. Kết quả sẽ là sự thiết lập một loại "con người kinh tế" - người mà mối quan tâm duy nhất là lợi ích cá nhân và đặc điểm duy nhất là sự thận trọng - như hình thức chuẩn mực và chung quyết của bản tính con người. Tuy nhiên, "con người kinh tế" này lại vô dụng đối với mục đích của sản xuất hiện đại.

Công nghiệp hiện đại đòi hỏi một sự quan tâm khách quan, không đố kỵ đối với công việc đang thực hiện. Nếu thiếu đi điều này, các quy trình phức tạp sẽ không thể thực hiện được và thực tế sẽ chẳng bao giờ được hình thành. Sự quan tâm này đối với công việc chính là yếu tố phân biệt người lao động với tội phạm ở một phía và với nhà tư bản công nghiệp ở phía còn lại. Vì công việc phải được thực hiện để duy trì sự sống của cộng đồng, một quá trình chọn lọc tương đối đã xuất hiện, ủng hộ năng lực tinh thần dành cho công việc trong một số ngành nghề nhất định. Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng ngay cả trong các nghề sản xuất, quá trình chọn lọc để loại bỏ các đặc điểm chiếm đoạt vẫn là một quá trình không chắc chắn, và do đó, vẫn tồn tại một phần đáng kể khí chất man rợ trong các nghề này. Chính vì lý do ấy mà hiện nay không tồn tại sự khác biệt rõ ràng về khía cạnh này giữa tính cách của tầng lớp nhàn rỗi và tính cách của phần đông dân cư.

Toàn bộ vấn đề về khác biệt tầng lớp xét trên khía cạnh cấu trúc tinh thần cũng bị che mờ bởi hiện diện trong mọi tầng lớp xã hội những thói quen sống bắt chước các đặc điểm được thừa kế, đồng thời đóng vai trò phát triển những đặc điểm mà chúng mô phỏng. Những thói quen này, hay những đặc điểm tính cách mà chúng bắt chước, thường mang phong cách quý tộc. Vị trí mặc định của tầng lớp nhàn rỗi như một chuẩn mực về sự danh giá đã áp đặt nhiều yếu tố trong lý thuyết sống của họ lên các tầng lớp thấp hơn; kết quả là luôn có, trong toàn xã hội, một sự nuôi dưỡng liên tục, dù ít hay nhiều, những đặc điểm quý tộc này. Do vậy, những đặc điểm đó có cơ hội tồn tại cao hơn trong đại bộ phận dân cư so với trường hợp không có sự hướng dẫn và làm gương từ tầng lớp nhàn rỗi. Một trong những kênh quan trọng cho sự lan truyền cách sống quý tộc cùng những đặc điểm tính cách cổ xưa hơn chính là lớp người giúp việc trong gia đình. Những người này hình thành quan niệm của họ về điều gì là tốt đẹp thông qua tiếp xúc với tầng lớp chủ nhân và mang những định kiến đã tiếp thu trở lại với những người cùng xuất thân thấp kém với mình, từ đó lan tỏa những lý tưởng cao hơn ra khắp cộng đồng mà không mất nhiều thời gian. Câu nói "Chủ sao, tớ vậy" mang tầm quan trọng sâu sắc hơn nhiều so với những gì người ta thường nhận ra đối với sự tiếp nhận nhanh chóng của quần chúng về nhiều yếu tố của văn hóa thượng lưu.

Cũng có một loạt sự vị khác góp phần giảm bớt khác biệt giữa các tầng lớp: cuộc đấu tranh tài sản tạo ra một tầng lớp thiếu thốn, chiếm tỉ lệ lớn trong xã hội. Sự thiếu thốn này biểu hiện qua sự không đủ các nhu yếu phẩm cơ bản hoặc không đủ khả năng chi tiêu một cách đàng hoàng. Trong cả hai trường hợp, kết quả là một cuộc vật lộn gay gắt để đáp ứng những nhu cầu hằng ngày, dù là nhu cầu vật chất hay tinh thần. Áp lực phải trụ mình trong nghịch cảnh tiêu hao toàn bộ năng lượng của cá nhân; họ dồn toàn lực để đạt được mục tiêu ích kỷ của riêng mình, và ngày càng trở nên hẹp hòi, chỉ biết đến lợi ích bản thân. Theo cách này, các đặc điểm sản xuất hòa bình dần rơi vào quên lãng do không được sử dụng. Vì vậy, một cách gián tiếp, bằng cách áp đặt một tiêu chuẩn chi tiêu "đàng hoàng" theo thang bậc tài sản và rút bớt càng nhiều càng tốt phương tiện sống khỏi các tầng lớp thấp hơn, thiết chế tầng lớp nhàn rỗi góp phần bảo tồn các đặc điểm tính cách chiếm đoạt trong cộng đồng. Kết quả là các tầng lớp thấp hơn ngày càng bị đồng hóa theo mẫu tính cách thuộc về tầng lớp thượng lưu. Dường như không có khác biệt lớn về khí chất giữa các tầng lớp trên và dưới; nhưng cũng rõ rằng sự thiếu vắng một sự khác biệt như vậy phần lớn là do tấm gương của tầng lớp nhàn rỗi và sự chấp nhận phổ biến các nguyên tắc lãng phí phô trương và ganh đua tài sản. Thiết chế này tác động đến hiệu quả sản xuất của cộng đồng và làm chậm lại sự thích nghi của bản tính con người với những đòi hỏi của đời sống công nghiệp hiện đại. Nó tạo ra ảnh hưởng bảo thủ bằng cách: (1) truyền trực tiếp các đặc điểm cổ xưa thông qua di truyền trong nội bộ tầng lớp này và bất cứ nơi nào máu của tầng lớp nhàn rỗi được truyền ra ngoài và (2) bảo tồn và củng cố các truyền thống cổ xưa, nhờ đó làm tăng khả năng tồn tại của các đặc điểm man rợ ngay cả bên ngoài phạm vi di truyền của tầng lớp nhàn rỗi.

Hầu như chưa có gì, nếu có, được thực hiện nhằm thu thập hoặc hệ thống hóa các dữ liệu có ý nghĩa đặc biệt cho câu hỏi về sự tồn tại hoặc loại bỏ các đặc điểm trong các quần thể hiện đại. Vì vậy, ít có điều gì cụ thể có thể được đưa ra để ủng hộ quan điểm được trình bày ở đây, ngoài một cuộc rà soát rời rạc về những sự kiện hàng ngày mà ai cũng có thể nhận thấy. Một bản tường thuật như vậy khó tránh khỏi việc trở nên tầm thường và nhàm chán, nhưng dẫu vậy, nó dường như cần thiết để làm trọn vẹn lập luận, ngay cả trong một bản phác thảo sơ lược như đang được thử nghiệm ở đây. Do đó, có thể công bằng khi yêu cầu một mức độ khoan dung cho các chương tiếp theo, nơi sẽ đưa ra một bản tường thuật rời rạc thuộc loại này.

Chương X

Tàn Dư Hiện Đại Của Tinh Thần Chiến Đấu

Tầng lớp nhàn rỗi sống dựa vào cộng đồng sản xuất thay vì hòa mình vào đó. Quan hệ của họ với sản xuất mang tính chất sở hữu tài sản. Việc gia nhập tầng lớp này được xác định bởi năng lực tài sản - năng lực về tích lũy thay vì phục vụ. Vì vậy, có một quá trình chọn lọc liên tục đối với nguồn nhân lực tạo nên tầng lớp nhàn rỗi, và sự chọn lọc này dựa trên tiêu chí phù hợp với các hoạt động mang tính tài sản. Tuy nhiên, lối sống của tầng lớp này phần lớn là di sản từ quá khứ, mang theo nhiều tập quán và lý tưởng của thời kỳ man rợ ban đầu. Lối sống và các quy tắc ứng xử này cũng áp đặt lên các tầng lớp thấp hơn, với mức độ giảm nhẹ ít nhiều, đồng thời lại có tác động chọn lọc và giáo dục, góp phần định hình con người, chủ yếu theo hướng bảo tồn các đặc điểm, thói quen và lý tưởng thuộc về thời kỳ man rợ sơ khai - thời đại của năng lực chiến đấu và lối sống săn bắt, cướp bóc.

Biểu hiện trực tiếp và rõ ràng nhất của bản tính đặc trưng cho con người trong giai đoạn săn mồi là xu hướng chiến đấu. Trong những trường hợp mà hoạt động săn mồi mang tính tập thể, xu hướng này thường được gọi là tinh thần chiến đấu hoặc gần đây hơn là lòng yêu nước. Sẽ chẳng gặp nhiều phản đối khi nhận xét rằng ở các quốc gia châu Âu văn minh, tầng lớp nhàn rỗi có tính chất cha truyền con nối thường mang tinh thần chiến đấu này ở mức độ cao hơn so với tầng lớp trung lưu. Thật vậy, tầng lớp nhàn rỗi tự hào coi đây là một dấu hiệu phân biệt, và điều này không phải là không có cơ sở. Chiến tranh được coi là danh dự, và tinh thần chiến đấu được đánh giá là đáng kính; chính sự ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu cũng là bằng chứng tốt nhất cho bản tính săn mồi của người ngưỡng mộ chiến tranh. Sự nhiệt tình đối với chiến tranh và bản tính săn mồi mà nó biểu thị thể hiện mạnh nhất ở các tầng lớp thượng lưu, đặc biệt là tầng lớp nhàn rỗi thừa kế. Hơn nữa, con đường nghề nghiệp của tầng lớp thượng lưu thường là quản trị nhà nước, một lĩnh vực mà về nguồn gốc cũng như nội dung phát triển, vốn cũng là một hoạt động mang tính săn mồi.

Trường hợp duy nhất có thể đặt ra vấn đề với tầng lớp nhàn rỗi cha truyền con nối về danh dự của trạng thái tâm lý hiếu chiến là tội phạm tầng lớp thấp. Trong thời bình, phần lớn các tầng lớp sản xuất thường tỏ ra thờ ơ với các lợi ích liên quan đến chiến tranh. Khi không bị kích động, tầng lớp bình dân, thành phần chính tạo nên sức mạnh hiệu quả của cộng đồng sản xuất, thường có xu hướng tránh né bất kỳ cuộc chiến nào ngoại trừ chiến tranh phòng thủ; thực tế, họ phản ứng khá chậm chạp cả với những hành vi khiêu khích. Trong các cộng đồng văn minh hơn, chính xác hơn là các cộng đồng đã đạt đến mức độ phát triển sản xuất cao, tinh thần xâm lược có thể xem là đang dần mai một trong tầng lớp bình dân. Điều này không có nghĩa là không có một số cá nhân trong đó vẫn có tinh thần chiến đấu xuất chúng. Cũng không có nghĩa là đám đông quần chúng không thể bị kích động với lòng nhiệt tình chiến tranh trong một thời gian ngắn khi gặp phải một sự khiêu khích đặc biệt, như đã thấy ở nhiều quốc gia châu Âu ngày nay, và trong một thời gian nhất định tại Mỹ. Tuy nhiên, ngoại trừ những thời điểm phấn khích tạm thời đó, và ngoại trừ những cá nhân mang khí chất cổ xưa kiểu săn mồi cùng những nhóm tương tự thuộc tầng lớp cao hơn và thấp nhất, sự thụ động của quần chúng trong bất kỳ cộng đồng văn minh hiện đại nào có lẽ đủ lớn để khiến chiến tranh trở thành bất khả, trừ trường hợp bị xâm lược. Thói quen và năng lực của đại đa số con người hướng họ đến những hoạt động khác, ít kịch tính hơn so với chiến tranh.

Sự khác biệt về tính khí giữa các tầng lớp có thể một phần do sự khác biệt trong việc kế thừa các đặc điểm đã thành hình ở từng tầng lớp, nhưng dường như cũng phần nào tương ứng với nguồn gốc sắc tộc. Khác biệt giữa các tầng lớp về khía cạnh này rõ ràng ít hơn ở những quốc gia mà dân cư đồng nhất về sắc tộc, so với những quốc gia có sự phân hóa lớn hơn giữa các yếu tố sắc tộc tạo nên các tầng lớp trong cộng đồng. Liên quan đến vấn đề này, có thể nhận thấy rằng những người gia nhập tầng lớp nhàn rỗi sau này tại các quốc gia đa dạng sắc tộc thường, nói chung, thể hiện tinh thần chiến đấu ít hơn so với những đại diện đương thời của giới quý tộc thuộc dòng dõi cổ xưa. Những nouveaux arrivés này chỉ vừa mới thoát ly khỏi tầng lớp bình dân và họ gia nhập tầng lớp nhàn rỗi là nhờ việc phát huy các đặc điểm và xu hướng không thể được xếp vào tinh thần chiến đấu theo nghĩa cổ.

Ngoài các hoạt động chiến tranh thuần túy, thiết chế đấu tay đôi cũng là một biểu hiện của tinh thần chiến đấu vượt trội; và đấu tay đôi là một thiết chế thuộc tầng lớp nhàn rỗi. Về bản chất, đấu tay đôi là việc lựa chọn có ý thức phương thức chiến đấu làm giải pháp cuối cùng để giải quyết bất đồng. Trong các cộng đồng văn minh, đấu tay đôi chỉ còn tồn tại như một hiện tượng bình thường ở những nơi có tầng lớp nhàn rỗi mang tính chất cha truyền con nối, và hầu như chỉ giới hạn trong tầng lớp ấy . Ngoại lệ bao gồm: (1) Sĩ quan quân đội, những người thường là thành viên của tầng lớp nhàn rỗi và đồng thời được đào tạo đặc biệt với thói quen tư duy mang tính chất săn mồi. (2) Tội phạm thuộc tầng lớp thấp, những người, do thừa hưởng, do đào tạo, hoặc cả hai, mang đặc điểm và thói quen săn mồi tương tự. Chỉ các những quý ông dòng dõi cao lẫn côn đồ mới dùng tới bạo lực như phương pháp chính để giải quyết bất đồng. Người bình dân, nhìn chung, chỉ chiến đấu khi bị kích động quá mức do giận dữ hoặc hưng phấn do rượu gây ra, làm suy yếu những thói quen phản ứng phức tạp hơn trước sự khiêu khích. Họ bị đẩy trở lại những hình thức đơn giản hơn của bản năng khẳng định mình; họ tạm thời và không suy nghĩ quay lại với một thói quen cổ xưa.

Thiết chế đấu tay đôi, bắt đầu như một cách giải quyết cuối cùng các tranh chấp và những vấn đề nghiêm trọng về thứ bậc, dần chuyển sang hình thức bắt buộc, những trận đấu riêng tư không cần khiêu khích, được xem như một nghĩa vụ xã hội nhằm bảo vệ danh dự của một người. Một ví dụ đặc biệt về thói quen của tầng lớp nhàn rỗi này chính là tàn dư kỳ quặc của tinh thần hiếu chiến thời hiệp sĩ: hiện tượng đấu tay đôi của sinh viên Đức. Trong tầng lớp nhàn rỗi thấp hơn hoặc nhàn rỗi giả, tức tầng lớp tội phạm, cũng tồn tại một nghĩa vụ xã hội tương tự ở mọi quốc gia, dù kém trang trọng hơn. Đó là việc những kẻ côn đồ phải khẳng định nam tính của mình qua các trận đấu không cần lý do với những người đồng hạng. Thói quen này còn lan rộng ra tất cả các tầng lớp trong xã hội, thể hiện rõ trong cộng đồng trẻ con. Các cậu bé thường nắm rõ, từng ngày, thứ bậc tương đối của mình và bạn bè trong khả năng chiến đấu. Trong cộng đồng ấy thường không có cơ sở danh dự nào cho bất kỳ ai từ chối hoặc không thể chiến đấu khi được thách đấu.

Điều này đặc biệt đúng với những cậu bé đã đến một ngưỡng trưởng thành nhất định, dù cái ngưỡng này khá mơ hồ. Tính khí của trẻ nhỏ thường không phản ánh những đặc điểm này trong thời ấu thơ và những năm được bảo bọc kỹ lưỡng, khi trẻ vẫn thường xuyên tìm kiếm sự tiếp xúc với mẹ trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Có rất ít sự hiếu chiến hoặc khuynh hướng đối kháng trong giai đoạn ấy. Biến chuyển đổi tính khí từ hòa nhã sang săn mồi, và trong một số trường hợp cực đoan, sang sự tinh quái ác tâm diễn ra từ từ. Mức độ hoàn thiện của biến chuyển này cũng như phạm vi ảnh hưởng đến các năng lực cá nhân là khác nhau tùy trường hợp. Ở giai đoạn đầu của quá trình trưởng thành, trẻ em, dù là trai hay gái, thường ít thể hiện sự tự khẳng định mang tính hiếu chiến và ít có khuynh hướng tách biệt mình và lợi ích của mình khỏi nhóm gia đình mà chúng sống. Thay vào đó, trẻ cho thấy nhiều sự nhạy cảm hơn đối với lời trách mắng, nhiều e thẹn, rụt rè, và nhu cầu tiếp xúc thân thiện với con người. Trong đa số trường hợp, điều này dần chuyển biến, thông qua sự phai mờ dần nhưng khá nhanh của những đặc điểm ấu thơ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các đặc điểm săn mồi không thực sự thành hình, hoặc chỉ ở mức độ rất nhẹ và mờ nhạt.

Ở các bé gái, quá trình chuyển đổi sang giai đoạn săn mồi hiếm khi đạt được mức độ hoàn thiện như ở các bé trai; và trong tỷ lệ tương đối lớn trường hợp, quá trình này hầu như không xảy ra. Trong những trường hợp như vậy, sự chuyển tiếp từ thời thơ ấu sang tuổi thiếu niên và trưởng thành là một quá trình dần dần, liên tục, không đứt đoạn, với sự thay đổi mối quan tâm từ những mục đích và năng lực của trẻ nhỏ sang các mục đích, chức năng, và mối quan hệ của cuộc sống người lớn. Ở các bé gái, giai đoạn săn mồi trong quá trình phát triển ít phổ biến hơn. Và trong những trường hợp mà nó xuất hiện, thái độ săn mồi và xu hướng cô lập trong giai đoạn ấy thường ít được nhấn mạnh hơn so với ở các bé trai.

Ở trẻ nam, giai đoạn săn mồi thường khá rõ ràng và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng thông thường sẽ kết thúc (nếu có) khi đạt đến độ trưởng thành. Nhưng cũng không hiếm trường hợp sự biến đổi từ tính khí thời niên thiếu sang tính khí của người trưởng thành không xảy ra, hoặc chỉ xảy ra một phần - "tính khí trưởng thành" ở đây muốn nói tính khí trung bình của những cá nhân trưởng thành trong đời sống sản xuất hiện đại, những người có khả năng đóng góp vào các mục đích của quá trình sống tập thể, và do đó có thể được coi là thành phần trung bình hiệu quả của cộng đồng.

Thành phần sắc tộc của cư dân châu Âu rất đa dạng. Trong một số trường hợp, ngay cả các tầng lớp thấp hơn cũng bao gồm một tỷ lệ lớn những người dolicho-blond (da sáng, tóc vàng) có xu hướng gây rối trật tự. Trong khi đó, ở những nơi khác, yếu tố sắc tộc này chủ yếu xuất hiện trong tầng lớp nhàn rỗi cha truyền con nối. Thói quen chiến đấu dường như ít phổ biến hơn ở các cậu bé thuộc tầng lớp lao động trong các cộng đồng thuộc nhóm thứ hai so với các cậu bé thuộc tầng lớp thượng lưu hoặc trong các cộng đồng thuộc nhóm đầu tiên.

Nếu nhận định chung này về tính khí của các cậu bé thuộc tầng lớp lao động được chứng minh là đúng qua sự khảo sát sâu hơn và chi tiết hơn, nó sẽ củng cố quan điểm rằng tính hiếu chiến ở một mức độ nào đó là một đặc điểm sắc tộc. Tính khí này dường như xuất hiện nhiều hơn trong loại hình sắc tộc chiếm ưu thế thuộc tầng lớp thượng lưu ở các quốc gia châu Âu - những người dolicho-blond - so với các loại hình sắc tộc thuộc tầng lớp thấp hơn, được xem là chiếm phần lớn dân số trong cùng cộng đồng đó.

Trường hợp của các cậu bé có thể dường như không liên quan nghiêm trọng đến câu hỏi về tinh thần chiến đấu tương đối đặc trưng cho các tầng lớp xã hội khác nhau. Tuy nhiên, nó ít nhất cũng có giá trị ở chỗ cho thấy rằng xu hướng chiến đấu này thuộc về một tính khí cổ xưa hơn so với tính khí của người trưởng thành trung bình trong các tầng lớp lao động. Như ở nhiều đặc điểm khác của cuộc sống trẻ em, đứa trẻ tạm thời tái hiện, ở quy mô thu nhỏ, một số giai đoạn phát triển sớm hơn của con người trưởng thành. Theo cách giải thích này, sự  gây hấn và cô lập của cậu bé, vì lợi ích cá nhân có thể được xem như một sự quay về bản tính con người vốn là bình thường trong nền văn hóa man rợ sơ khai - cũng là nền văn hóa săn mồi thực thụ. Ở khía cạnh này, cũng như ở nhiều khía cạnh khác, đặc tính của tầng lớp nhàn rỗi và tội phạm là duy trì trong đời sống trưởng thành các đặc điểm vốn bình thường trong thời thơ ấu và thiếu niên, cũng chính là các đặc điểm bình thường, quen thuộc ở các giai đoạn văn hóa sớm hơn. Trừ khi sự khác biệt này có thể được truy hoàn toàn về khác biệt cơ bản giữa các loại hình sắc tộc cố hữu, các đặc điểm phân biệt những kẻ côn đồ khoe khoang và quý ông nhàn rỗi kiểu cách với đám đông bình thường chính là, ở một mức độ nào đó, dấu hiệu của sự phát triển tinh thần bị ngừng trệ. Những đặc điểm này đánh dấu một giai đoạn chưa trưởng thành, so với mức độ phát triển mà người trưởng thành trung bình trong cộng đồng hiện đại đã đạt được. Và, như chúng ta sẽ thấy, tính cách trẻ con của những đại diện thuộc tầng lớp cao nhất và thấp nhất của xã hội này cũng thể hiện qua sự hiện diện của các đặc điểm cổ xưa khác, ngoài khuynh hướng hung hãn và cô lập.

Như để xóa tan mọi nghi ngờ về sự thiếu trưởng thành của tính hiếu chiến, chúng ta thấy một hiện tượng trung gian giữa tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành, ấy là những hành vi gây rối không mục đích, vui đùa, nhưng có phần hệ thống và phức tạp, phổ biến ở các nam sinh lớn. Trong hầu hết trường hợp, những hành vi này chỉ giới hạn trong giai đoạn vị thành niên. Chúng xuất hiện với tần suất và mức độ ngày càng giảm khi tuổi trẻ chuyển dần sang tuổi trưởng thành, tái hiện theo cách chung nhất trình tự mà cộng đồng đã trải qua từ lối sống săn mồi sang một lối sống ổn định hơn. Trong một số trường hợp, sự phát triển tinh thần của cá nhân chấm dứt trước khi anh ta vượt qua giai đoạn trẻ con này; khi đó, tính khí hiếu chiến tồn tại suốt đời. Tất nhiên, mỗi cá nhân sẽ đạt đến mức độ trưởng thành tinh thần và điềm tĩnh khác nhau; và những người không đạt được mức trung bình sẽ tồn tại như một tàn dư chưa hòa tan trong cộng đồng hiện đại, đối trọng của quá trình chọn lọc thích nghi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và sự phong phú của đời sống tập thể. Sự phát triển tinh thần bị ngừng trệ này ở người lớn không chỉ biểu hiện trực tiếp qua việc tham gia vào các hành vi hiếu chiến mà còn gián tiếp bằng cách ủng hộ và kích thích những hành vi này từ phía những người trẻ tuổi. Những hành vi như vậy khuyến khích hình thành các thói quen hiếu chiến của thế hệ đang trưởng thành và do đó làm chậm lại sự tiến triển của cộng đồng hướng tới một tính khí ôn hòa và hiệu quả hơn. Nếu một người có khuynh hướng hiếu chiến này ở vào vị trí có thể định hướng sự phát triển thói quen của các thành viên vị thành niên trong cộng đồng thì ảnh hưởng anh ta tạo ra có thể rất đáng kể. Điều này được thể hiện chẳng hạnqua sự khuyến khích mà nhiều mục sư và những trụ cột xã hội gần đây đã dành cho các "lữ đoàn thiếu niên" và các tổ chức bán quân sự tương tự. Nó cũng thể hiện cả ở việc khuyến khích tinh thần “đoàn kết trường học”, các hoạt động thể thao ở trường đại học và những hoạt động tương tự tại các cơ sở giáo dục bậc cao.

Những biểu hiện của tính khí săn mồi này đều có thể được xếp vào nhóm khai thác. Chúng phần nào là những biểu hiện đơn giản và không suy xét kỹ lưỡng của thái độ hiếu chiến mang tính cạnh tranh, phần nào là những hoạt động được thực hiện có chủ đích nhằm đạt được danh tiếng về khả năng chiến đấu. Các môn thể thao thuộc mọi loại hình đều có tính chất này, bao gồm quyền anh, đấu bò, điền kinh, bắn súng, câu cá, du thuyền, và các trò chơi đòi hỏi kỹ năng, ngay cả khi sự tấn công thể chất không phải là đặc điểm nổi bật. Các môn thể thao dần chuyển từ phạm trù chiến đấu thù địch sang vận dụng sự khéo léo và gian xảo. Căn nguyên của ham mê thể thao nằm ở một cấu trúc tinh thần cổ xưa - khuynh hướng săn mồi mang tính cạnh tranh ở mức độ cao - một khuynh hướng mạnh hướng về các hoạt động khai thác mạo hiểm và gây thiệt hại.

Điều này có lẽ đúng hoặc ít nhất rõ ràng đối với các môn thể thao hơn so với các biểu hiện khác của tinh thần cạnh tranh mang tính săn mồi đã được đề cập. Tính khí khiến con người nghiêng về thể thao thực chất là một tính khí trẻ con. Do đó, sự ham mê thể thao phản ánh ở mức độ đặc biệt một sự phát triển bị ngưng trệ trong bản tính đạo đức. Sự trẻ con đặc thù ở những người ham thể thao trở nên rõ ràng ngay khi chúng ta chú ý đến yếu tố đóng vai kịch tính vốn tồn tại trong mọi hoạt động thể thao. Các môn thể thao chia sẻ đặc điểm này với các trò chơi mà trẻ em, đặc biệt là các bé trai, tham gia. Yếu tố này không xuất hiện đồng đều ở tất cả các môn thể thao nhưng có mặt ở mức đáng kể trong tất cả. Nó  dường như nổi bật trong săn bắn và điền kinh hơn trong các trò chơi đòi hỏi kỹ năng khác. Chẳng hạn, có thể thấy rằng cả những người đàn ông hiền lành và thực tế khi đi săn cũng thường mang theo một lượng lớn vũ khí và phụ kiện, nhằm tạo cho chính trí tưởng tượng của mình một ấn tượng nghiêm trọng về nhiệm vụ. Những thợ săn này cũng có xu hướng thực hiện các cử chỉ khoa trương, chẳng hạn những bước đi rón rén hoặc tấn công cường điệu. Tương tự, các môn điền kinh gần như luôn có một phần không nhỏ của sự phô trương - những đặc điểm đậm đặc tính biểu diễn. Tất cả điều này, tất nhiên, là gợi nhắc rõ ràng về sự đóng vai kiểu trẻ con. Thêm vào đó, tiếng lóng trong thể thao phần lớn cũng được khuôn từ những thuật ngữ đẫm máu của chiến tranh. Trừ khi là như một phương tiện cần thiết để giao tiếp bí mật, việc sử dụng tiếng lóng đặc thù trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể được xem như bằng chứng cho thấy lĩnh vực đó mang tính đóng vai kịch tính rõ ràng.

Một khác biệt giữa thể thao với đấu tay đôi và các hành vi gây rối tương tự là ở chỗ thể thao cho phép gán các động cơ khác ngoài những xung lực gây hấn và khai thác. Những người đi săn và câu cá thường viện dẫn tình yêu thiên nhiên, nhu cầu giải trí, và những điều tương tự. Những động cơ này chắc chắn thường hiện diện và góp phần làm cho cuộc sống của những người yêu thể thao trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng không thể là động cơ chính. Những nhu cầu được nêu ra có thể được đáp ứng dễ dàng và đầy đủ hơn mà không cần đến nỗ lực có hệ thống để tiêu diệt các sinh vật vốn là một phần thiết yếu của cái gọi là "thiên nhiên" mà người chơi thể thao yêu quý. Thực tế, tác động rõ ràng nhất của các hoạt động thể thao chính là việc giữ thiên nhiên trong trạng thái liên tục bị tàn phá, bằng cách tiêu diệt tất cả các sinh vật sống có thể.

Tuy vậy, lập luận của những người chơi thể thao, rằng chiểu theo những quy tắc xã hội hiện tại, nhu cầu giải trí và tiếp xúc thiên nhiên của họ chỉ được đáp ứng tốt nhất qua con đường mà họ chọn không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Một số quy tắc ứng xử đã được áp đặt bởi những ví dụ mang tính chuẩn mực của tầng lớp nhàn rỗi săn mồi trong quá khứ, và những quy tắc này đã được các đại diện đương thời của tầng lớp này bảo tồn cẩn thận. Chúng không cho phép họ tìm kiếm sự tiếp xúc với thiên nhiên bằng những cách khác. Từ chỗ là một nghề danh giá được truyền lại từ văn hóa săn mồi, săn bắn đã trở thành hình thức hoạt động ngoài trời duy nhất được chuẩn mực xã hội hoàn toàn thừa nhận. Do đó, trong các động cơ trực tiếp cho việc săn bắn và câu cá vẫn có thể kể đến nhu cầu giải trí và hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn khiến họ phải thỏa mãn những điều này trong hình thức một sự tiêu diệt có hệ thống là một quy tắc xã hội không thể vi phạm nếu không muốn đối mặt với nguy cơ bị mất danh dự và tổn hại đến lòng tự trọng.

Các môn thể thao khác cũng tương tự, trong số đó, điền kinh là điển hình nhất. Các quy tắc chuẩn mực về những hình thức hoạt động, tập luyện, và giải trí cũng hiện diện ở đây. Những người ham mê hoặc ngưỡng mộ các môn điền kinh thường lập luận rằng đây là phương tiện tốt nhất hiện để giải trí và phát triển "văn hóa thể chất". Và chuẩn mực xã hội cũng ủng hộ luận điểm này. Chuẩn mực ấy loại trừ khỏi lối sống của tầng lớp nhàn rỗi mọi hoạt động không thể được xếp vào dạng nhàn rỗi phô trương. Cũng do đó, chúng có xu hướng, theo quy định ngầm, loại trừ những hoạt động này khỏi lối sống của cả cộng đồng. Tuy nhiên, những nỗ lực thể chất không mục đích lại vô cùng nhàm chán và khó chịu. Thế nên người ta thường chọn một hình thức hoạt động nào đó ít nhất cũng có vẻ có mục đích, ngay cả khi mục đích được nêu ra chỉ là giả vờ. Thể thao đáp ứng những yêu cầu này: vừa không thực sự có ích, vừa mang lại một vẻ bề ngoài có mục đích. Ngoài ra, thể thao còn mở ra cơ hội cho sự cạnh tranh, và vì thế hấp dẫn. Để được coi là phù hợp với chuẩn mực xã hội, một hoạt động phải tuân theo quy tắc lãng phí danh giá của tầng lớp nhàn rỗi; đồng thời, mọi hoạt động, để có thể được duy trì như một biểu hiện thường xuyên, ngay cả khi chỉ là một phần, của cuộc sống, cũng phải tuân theo quy tắc hiệu quả thiết thực theo bản năng lao động. Quy tắc của tầng lớp nhàn rỗi đòi hỏi sự vô ích toàn diện và triệt để, trong khi bản năng lao động yêu cầu hành động có mục đích. Quy tắc về sự đàng hoàng của tầng lớp nhàn rỗi hoạt động một cách chậm rãi và toàn diện, bằng cách loại bỏ có chọn lọc tất cả các hình thức hành động hữu ích hoặc có mục đích khỏi lối sống được chấp nhận. Ngược lại, bản năng lao động hoạt động bộc phát và có thể được thỏa mãn tạm thời nhờ một mục đích gần gũi. Chỉ khi sự vô ích vốn tiềm ẩn của một hướng hành động được nhận thức rõ ràng như một yếu tố hoàn toàn xa lạ với xu hướng cuộc sống có mục đích bình thường, thì nó mới tạo ra tác động gây bất an và làm nản lòng đối với ý thức của người thực hiện.

Thói quen tư duy của cá nhân tạo thành một cấu trúc phức hợp hữu cơ, với xu hướng tất yếu hướng tới sự phục vụ cho quá trình sống. Khi cố gắng đồng hóa sự lãng phí có hệ thống hoặc sự vô ích, như một mục đích sống, vào cấu trúc phức hợp này, sẽ sớm xuất hiện một phản ứng chối bỏ. Tuy nhiên, phản ứng này của cơ thể có thể được tránh nếu sự chú ý được giới hạn vào mục đích gần gũi và không suy xét của các hành động cạnh tranh. Thể thao - săn bắn, câu cá, điền kinh, và các hoạt động tương tự - mang lại cơ hội để rèn luyện sự khéo léo cũng như tính hung hãn và mưu trí, những đặc điểm của cuộc sống săn mồi. Miễn là cá nhân chỉ có ít ý thức về xu hướng tiềm ẩn của hành động, miễn là cuộc sống của họ vẫn phần lớn là cuộc sống của những hành động bộc phát ngây thơ, thì mục đích gần gũi và không suy xét của thể thao vẫn sẽ thỏa mãn bản năng lao động của họ. Đồng thời, chuẩn mực xã hội sẽ ca ngợi thể thao như những biểu hiện của một lối sống đàng hoàng về mặt tài sản. Bằng cách đáp ứng hai yêu cầu này - sự lãng phí tiềm ẩn và mục đích gần gũi - bất kỳ hoạt động nào cũng có thể duy trì vị trí của mình như một hình thức giải trí truyền thống và quen thuộc, hợp quy chuẩn. Bởi các hình thức giải trí và tập luyện khác đã trở nên không thể chấp nhận về mặt đạo đức đối với những người có giáo dục tốt và cảm năng tinh tế, thể thao là phương tiện giải trí tốt nhất có thể trong hoàn cảnh hiện tại.

Những thành viên thuộc tầng lớp xã hội danh giá, những người ủng hộ các môn điền kinh, thường biện minh với chính mình và với những người khác rằng các môn này là một phương tiện phát triển cá nhân. Chúng không chỉ cải thiện thể chất của người tham gia mà còn nuôi dưỡng nam tính, cả ở người chơi lẫn khán giả. Bóng đá là môn thường được nhắc đến đầu tiên khi câu hỏi về tính hữu ích của các môn thể thao được đưa ra và do đó có thể được dùng để minh họa tác động thể chất và tinh thần của các môn điền kinh nói chung. Người ta từng nói, và không phải không đúng, rằng quan hệ giữa bóng đá với văn hóa thể chất tương tự như quan hệ giữa đấu bò với nông nghiệp. Tính hữu dụng của những thiết chế giải trí này đòi hỏi sự chuẩn bị cẩn thận. Dù là động vật hay con người, các đối tượng tham gia đều được chọn lọc và rèn luyện kỹ lưỡng để phát triển một số năng lực và khuynh hướng đặc trưng của trạng thái hoang dã, những khuynh hướng có xu hướng mai một trong môi trường thuần hóa. Điều này không có nghĩa rằng kết quả đạt được trong cả hai trường hợp là một sự khôi phục toàn diện thói quen thể chất và tinh thần thời man rợ. Kết quả, thay vào đó, là một sự trở lại lệch lạc, nhấn mạnh những đặc điểm thúc đẩy sự tàn phá và hủy diệt, mà không đi kèm sự phát triển các đặc điểm giúp cá nhân duy trì cuộc sống trong môi trường hoang dã. Văn hóa được bồi đắp trong bóng đá vừa khôi phục sự man rợ thời kỳ đầu vừa kìm nén một số khía cạnh của nó, những khía cạnh xét từ góc độ xã hội và kinh tế, lại là quan trọng nhất.

Sức mạnh thể chất đạt được qua quá trình rèn luyện cho các môn điền kinh - nếu thực sự quá trình rèn luyện có mang lại hiệu quả này - mang lại lợi ích cho cả cá nhân lẫn cộng đồng, bởi lẽ, nếu các yếu tố khác không đổi, nó góp phần nâng cao khả năng phục vụ kinh tế. Các đặc điểm tinh thần đi kèm các môn điền kinh cũng mang lại lợi ích kinh tế cho cá nhân - độc lập với lợi ích cho cộng đồng. Điều này đúng trong bất kỳ cộng đồng nào mà các đặc điểm này vẫn tồn tại ở một mức độ nào đó. Cạnh tranh trong thời hiện đại phần lớn là một quá trình khẳng định bản thân dựa trên những đặc điểm của bản tính săn mồi. Trong hình thức tinh vi mà chúng xuất hiện trong sự cạnh tranh ôn hòa của thời hiện đại, việc sở hữu những đặc điểm này ở một mức độ nhất định gần như trở thành điều kiện cần thiết để tồn tại đối với con người văn minh. Tuy nhiên, dù không thể thiếu đối với cá nhân cạnh tranh, chúng lại không mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng. Xét về khả năng phục vụ của cá nhân cho các mục đích của đời sống tập thể, hiệu quả cạnh tranh chỉ có ích một cách gián tiếp, nếu có. Tính hung hãn và mưu mẹo không có giá trị gì đối với cộng đồng, ngoại trừ trong quan hệ thù địch với các cộng đồng khác; và chúng chỉ hữu ích đối với cá nhân vì trong môi trường mà anh ta sống có một tỷ lệ lớn những đặc điểm tương tự đang hoạt động. Bất kỳ cá nhân nào bước vào cuộc cạnh tranh mà không được trang bị đầy đủ những đặc điểm này sẽ gặp bất lợi, giống như một con bò không có sừng sẽ gặp nguy khi lọt vào giữa đàn bò có sừng.

Việc sở hữu và phát triển các đặc điểm tính cách mang tính săn mồi, dĩ nhiên, có thể được xem là mong muốn dựa trên những cơ sở khác ngoài kinh tế. Có một thị hiếu cảm năng hoặc đạo đức phổ biến đối với các năng lực loại này, đến mức khả năng thỏa mãn những thị hiếu ấy có lẽ bù đắp được bất kỳ sự vô ích nào về kinh tế. Nhưng điểm này không liên quan đến chủ đề chúng ta đang xem xét, và ở đây sẽ không nhắc gì tới giá trị của thể thao trong các khía cạnh khác ngoài kinh tế.

Trong nhận thức chung, có rất nhiều điều đáng ngưỡng mộ ở kiểu nam tính mà thể thao nuôi dưỡng. Nam tính này được cho là bao gồm sự tự tin và tinh thần đồng đội, dù những thuật ngữ này thường được dùng khá lỏng lẻo trong ngôn ngữ thông thường. Từ một góc nhìn khác, các phẩm chất trên có thể được gọi là sự hung hăng và bè phái. Lý do khiến chúng được công nhận và ngưỡng mộ, cũng như được gọi là "nam tính" cũng giống với lý do khiến chúng hữu ích cho cá nhân: các thành viên trong cộng đồng, đặc biệt là tầng lớp chi phối các tiêu chuẩn thẩm mỹ, vốn sở hữu những khuynh hướng này ở mức độ đủ lớn để sự thiếu vắng chúng ở người khác được cảm nhận như một thiếu sót, và sự hiện diện của chúng ở mức độ vượt trội được đánh giá cao như một thuộc tính của phẩm chất ưu việt. Các đặc điểm của con người săn mồi hoàn toàn không lỗi thời trong phần đông dân số hiện đại. Chúng vẫn hiện diện và có thể dễ dàng được khơi dậy bất cứ lúc nào bởi một lời kêu gọi thể hiện những cảm xúc liên quan - trừ khi lời kêu gọi này xung đột với các thói quen và mối quan tâm thường nhật. Phần đông dân cư trong các cộng đồng hiện đại chỉ thoát khỏi các khuynh hướng không thuận lợi (xét về mặt kinh tế) này bởi, do ít được sử dụng và tạm thời bị lãng quên, chúng rơi vào vùng của các xung lực tiềm thức. Chúng có thể được khơi dậy hiệu quả nhất trong những trường hợp mà không có hoạt động nào xa lạ với văn hóa săn mồi chiếm lĩnh mối quan tâm hằng ngày. Đây là tình trạng ở tầng lớp nhàn rỗi và bộ phận dân cư phụ thuộc vào tầng lớp này. Vì vậy, có thể dễ dàng nhận thấy bất kỳ nhóm người mới gia nhập tầng lớp nhàn rỗi nào cũng nhanh chóng thích nghi với thể thao; và cũng vì vậy, thể thao và tinh thần thể thao phát triển nhanh chóng trong mọi cộng đồng đã tích lũy đủ của cải để giải phóng một phần đáng kể dân cư khỏi lao động.

Một thực tế gần gũi và quen thuộc có thể giúp minh chứng rằng khuynh hướng săn mồi không hiện diện ở mức độ như nhau trong tất cả các tầng lớp xã hội: nếu chỉ nhìn nhận đơn thuần như một đặc điểm của đời sống hiện đại, thói quen mang gậy đi bộ có vẻ là một chi tiết tầm thường, nhưng những tầng lớp mà thói quen này phổ biến nhất - mà chiếc gậy đi bộ đã đi vào tâm thức chung - là tầng lớp nhàn rỗi đúng nghĩa, những người ham thể thao, và tội phạm thuộc tầng lớp thấp. Có lẽ cũng có thể bổ sung thêm vào danh sách những người làm các công việc mang tính chất tài sản. Tuy nhiên, đa số người tham gia lao động sản xuất không mang gậy, và phụ nữ cũng thường không, trừ trường hợp đau yếu, khi gậy mang một công dụng khác. Dĩ nhiên, thói quen này phần lớn là phép lịch sự; nhưng nền tảng của phép lịch sự, đến lượt nó, lại là các khuynh hướng của tầng lớp cao chi phối. Chiếc gậy cho thấy bàn tay của người mang nó không bận rộn với lao động hữu ích, và do đó, nó có công dụng như một dấu hiệu của nhàn rỗi. Đồng thời, chiếc gậy cũng là một vũ khí, đáp ứng nhu cầu của người đàn ông thời man rợ. Việc có bên mình một công cụ tấn công đơn giản và nguyên thủy như vậy mang lại sự an ủi cho bất kỳ ai, ngay cả khi họ chỉ có một phần nhỏ hung hãn. Ngôn ngữ có những hạn chế khiến việc mô tả các khuynh hướng, năng lực và biểu hiện ở đây dễ mang vẻ phê phán. Tuy nhiên, chúng tôi không có ý định chê trách hay tán dương bất kỳ khía cạnh nào. Các yếu tố khác nhau của bản tính con người được xem xét từ lý thuyết kinh tế, và các đặc điểm được đánh giá dựa trên tác động kinh tế trực tiếp của chúng đối với quá trình sống tập thể: chúng thúc đẩy hay cản trở sự điều chỉnh của cộng đồng với môi trường và cơ cấu thiết chế cần thiết cho kinh tế hiện tại và trong tương lai gần. Ở góc độ này, các đặc điểm được thừa hưởng từ văn hóa săn mồi tương đối kém hữu ích, dù không thể bỏ qua rằng sự năng động và kiên trì của con người săn mồi là một di sản có giá trị không nhỏ. Giá trị kinh tế - với một chút cân nhắc về giá trị xã hội trong phạm vi hẹp hơn - của các năng lực và khuynh hướng này được đánh giá mà không xét đến giá trị của chúng từ một góc độ khác. Khi so sánh với sự tẻ nhạt của lối sống hiện đại, khi được đánh giá theo các chuẩn mực được công nhận về đạo đức, nhất là các chuẩn mực thẩm mỹ và thơ ca, những tàn dư từ một kiểu nam tính nguyên thủy hơn có thể mang một giá trị rất khác so với giá trị được xét ở đây. Điều này áp dụng cho cả những người trực tiếp tham gia thể thao và những người chỉ kinh nghiệm thể thao thông qua quan sát. Tuy nhiên, tất cả điều này nằm ngoài mục đích hiện tại. Những gì được đề cập ở đây về khuynh hướng thể thao cũng liên quan đến một số ý sẽ được thảo luận sau, đặc biệt về khía cạnh thường được gọi trong ngôn ngữ thông tục là tôn giáo.

Có một thực tế là ngôn ngữ hằng ngày hầu như không thể dùng được để bàn về nhóm năng lực và hoạt động mang tính chiến đấu mà không có vẻ phê phán hoặc cần thêm lời bào chữa. Thực tế này có ý nghĩa, vì nó cho thấy thái độ thường trực của con người bình thường, vô tư đối với những khuynh hướng thể hiện trong thể thao và trong các hành vi khai thác lợi ích nói chung. Tâm thế xin lỗi tương tự cũng bắt đầu được quan sát thấy ở những người đại diện cho hầu hết các thiết chế khác được truyền lại từ giai đoạn man rợ. Những thiết chế được cảm nhận là cần lời bào chữa bao gồm toàn bộ hệ thống phân phối của cải hiện hành, cùng với sự phân biệt tầng lớp phát sinh từ đó, gần như tất cả các hình thức tiêu dùng được xếp vào nhóm lãng phí phô trương, địa vị của phụ nữ dưới hệ thống phụ quyền và nhiều khía cạnh của các tín điều và nghi thức tôn giáo truyền thống. Những gì được đề cập về thái độ tự bào chữa khi tán dương thể thao và tinh thần thể thao do đó cũng áp dụng, với một số thay đổi thích hợp về diễn đạt, cho những lời bào chữa được đưa ra nhằm bảo vệ những yếu tố liên quan khác của di sản từ xã hội man rợ mà chúng ta thừa hưởng.

Có một cảm giác - thường mơ hồ và không được chính những người biện hộ thừa nhận rõ ràng nhưng có thể cảm nhận được qua cách họ trình bày - rằng thể thao, cùng với toàn bộ các xung lực và thói quen tư duy mang tính săn mồi của tính cách thể thao, không hoàn toàn phù hợp với lẽ thường. "As to the majority of murderers, they are very incorrect characters." Châm ngôn này đưa ra một đánh giá về tính khí săn mồi cũng như những tác động mang tính rèn luyện của việc thể hiện và thực hành nó, từ góc độ nhà luân lý. Nó cung cấp một dấu hiệu về phán quyết của lý trí tỉnh táo, trưởng thành đối với thiếu phù hợp của thói quen tư duy săn mồi cho các mục đích của đời sống tập thể, và gánh nặng chứng minh thuộc về những người ủng hộ việc khôi phục tính khí săn mồi. Dù công chúng có cảm tình lớn cho những hình thức giải trí và hoạt động thuộc loại này, trong cộng đồng vẫn tồn tại cảm giác bao trùm rằng cơ sở cảm tình này thiếu tính chính đáng. Để bù lại, người ta thường tìm cách chứng minh rằng, mặc dù thể thao về cơ bản mang tính săn mồi và do đó có tác động phân rã xã hội, mặc dù tác động trực tiếp của nó hướng tới việc quay lại các khuynh hướng không có lợi cho sản xuất nhưng một cách gián tiếp và xa xôi - qua một quá trình khó hiểu nào đó, có thể là sự kích thích ngược - thể thao sẽ nuôi dưỡng một thói quen tư duy có lợi cho mục đích xã hội hoặc sản xuất. Nói cách khác, mặc dù thể thao về cơ bản là một hình thức mang tính cạnh tranh, người ta cho rằng nó dẫn đến sự phát triển một tính khí không mang tính cạnh tranh. Lập luận này thường được cố chứng minh bằng thực nghiệm, đúng hơn là được mặc nhiên coi là một tổng quát thực nghiệm đối với bất kỳ ai sẵn sàng nhận ra điều đó. Trong việc nêu ra luận điểm này, người ta khéo léo tránh xa suy diễn lối nhân quả, ngoại trừ việc chứng minh rằng các "phẩm chất nam tính" đã được đề cập trước đó được nuôi dưỡng qua thể thao. Nhưng bởi chính những phẩm chất này cũng cần được hợp thức hóa (xét trên khía cạnh kinh tế), chuỗi lập luận đứt đoạn ngay tại điểm đáng lẽ phải bắt đầu. Dùng thuật ngữ kinh tế tổng quát nhất, những biện minh này nỗ lực chứng minh rằng, bất chấp logic của vấn đề, thể thao thực sự thúc đẩy cái có thể gọi là "tinh thần lao động". Người biện hộ cho thể thao sẽ không yên lòng cho đến khi thuyết phục được bản thân hoặc người khác rằng tinh thần ấy là kết quả của thể thao, và thường thì họ thực sự không thể yên lòng. Sự bất mãn của họ với chính lời biện minh của mình thường được thể hiện qua giọng quyết liệt và sự nhiệt thành chất chồng các lập luận để bảo vệ quan điểm. Nhưng tại sao lại cần phải biện minh? Chẳng nhẽ cảm tình lớn của công chúng dành cho thể thao còn chưa đủ làm cơ sở chính đáng? Sự rèn luyện lâu dài về tinh thần chiến đấu của loài người trong nền văn hóa săn mồi và văn hóa bán hòa bình đã truyền lại cho con người ngày nay một tính khí tìm thấy sự thỏa mãn trong những biểu hiện của sự hung hãn và mưu mẹo. Vậy tại sao không chấp nhận thể thao như những biểu hiện chính đáng của một bản tính bình thường và lành mạnh? Chuẩn mực cao hơn mà người ta thường viện dẫn chính là bản năng lao động, một bản năng mang cơ bản hơn và có nền tảng cổ xưa hơn cả khuynh hướng cạnh tranh săn mồi. Khuynh hướng sau chỉ là một biến thể đặc biệt của bản năng lao động, dù vẫn có niên đại lâu đời. Khuynh hướng cạnh tranh săn mồi - hay có thể gọi là bản năng thể thao - vẫn kém ổn định hơn bản năng lao động nguyên thủy.

Từ các bằng chứng đã được nêu ra, có thể thấy rằng, về cảm quan và khuynh hướng, tầng lớp nhàn rỗi có điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển thái độ và tinh thần chiến đấu so với các tầng lớp sản xuất. Điều tương tự dường như cũng đúng khi nói về thể thao. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thiết chế này đối với tâm thức chung chủ yếu diễn ra gián tiếp, thông qua các quy tắc về lối sống chuẩn mực. Những tác động gián tiếp này hầu như luôn hướng đến việc thúc đẩy sự tồn tại dai dẳng của tính khí và thói quen săn mồi. Điều này đúng cả với những biến thể của lối sống thể thao mà các chuẩn mực của tầng lớp nhàn rỗi cao cấp coi là không phù hợp, chẳng hạn như quyền anh, chọi gà, và các biểu hiện thô tục khác. Dù những quy định chi tiết mới nhất về chuẩn mực xã hội có nói gì, các quy tắc danh giá được thiết chế này thừa nhận vẫn khẳng định rõ ràng rằng cạnh tranh và lãng phí là tốt, còn trái với nó là không đáng tôn trọng. Ở các tầng xã hội thấp hơn, các chi tiết của bộ quy tắc này không được lĩnh hội đầy đủ như mong muốn, và do đó được áp dụng với ít suy xét về phạm vi lẫn các ngoại lệ được chấp thuận.

Sự ham mê điền kinh, cả ở việc tham gia trực tiếp lẫn ở cảm xúc và sự ủng hộ đạo đức dành cho nó, là đặc trưng của tầng lớp nhàn rỗi. Đây cũng là đặc điểm mà tầng lớp này chia sẻ với các nhóm tội phạm thuộc tầng lớp thấp và với những yếu tố mang tính thoái hóa trong cộng đồng, nơi có xu hướng săn mồi chiếm ưu thế. Trong các quốc gia phương Tây văn minh, rất ít cá nhân hoàn toàn không có bản năng săn mồi đến mức không tìm thấy ít nhiều giải trí khi quan sát các môn thể thao. Tuy nhiên, ở tầng lớp sản xuất, khuynh hướng này thường không đủ mạnh để trở thành một thói quen thể thao đúng nghĩa. Đối với các tầng lớp này, thể thao chỉ là một hoạt động giải trí thỉnh thoảng chứ không phải một bộ phận nghiêm túc của đời sống. Dù bản năng này không hoàn toàn biến mất ở họ hay ở bất kỳ số lượng cá nhân đáng kể nào, sự ham thích thể thao của họ mang tính hồi tưởng hơn là một mối quan tâm thiết yếu và lâu dài, đủ để trở thành một yếu tố chi phối trong việc định hình các thói quen tư duy phức hợp. Khi xem xét riêng lẻ, khuynh hướng này có vẻ không có ảnh hưởng lớn trực tiếp đến hiệu quả sản xuất hay mức tiêu dùng của bất kỳ cá nhân nào. Tuy nhiên, sự phổ biến và sự phát triển của loại hình con người mà khuynh hướng này là đặc điểm nổi bật lại là một vấn đề đáng quan tâm. Nó ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng cả về tốc độ phát triển kinh tế lẫn về tính chất của các kết quả đạt được từ sự phát triển. Các thói quen tư duy bị chi phối bởi kiểu tính cách này chắc chắn sẽ có vai trò lớn trong phạm vi, hướng đi, tiêu chuẩn, và lý tưởng của đời sống kinh tế tập thể, cũng như mức độ điều chỉnh của đời sống tập thể với môi trường.

Điều tương tự cũng có thể nói về các đặc điểm khác cấu thành nên tính cách man rợ. Theo lý thuyết kinh tế, những đặc điểm này có thể được xem như những biến thể phụ đi kèm tính khí săn mồi. Phần lớn, chúng không có tính chất kinh tế trực tiếp, cũng như không có nhiều tác động kinh tế rõ ràng. Tuy nhiên, chúng đóng vai trò là chỉ dấu cho giai đoạn tiến hóa kinh tế mà cá nhân sở hữu những đặc điểm này thể hiện. Chúng là một loại các thước đo bên ngoài để đánh giá mức độ thích nghi của tính cách đối với các yêu cầu kinh tế hiện nay. Ở một mức độ nào đó, chúng cũng quan trọng vì chính những năng lực này có thể góp phần làm tăng hay giảm khả năng phục vụ kinh tế của cá nhân.

Trong đời sống người man rợ, khả năng chiến đấu được thể hiện theo hai hướng chính - sức mạnh và mưu mẹo lừa dối. Ở các mức độ khác nhau, hai hình thức biểu hiện này cũng xuất hiện trong chiến tranh hiện đại, trong các nghề tài chính, và trong thể thao cũng như trò chơi. Cả hai loại năng lực này đều được rèn luyện và củng cố qua lối sống thể thao cũng như qua các hình thức cạnh tranh nghiêm túc hơn. Trong tất cả các lĩnh vực này, chiến lược có xu hướng phát triển thành sự tinh vi và gian xảo. Gian lận, dối trá, và đe dọa cũng giữ một vị trí vững chắc. Việc thường xuyên sử dụng trọng tài, cùng với các quy định kỹ thuật chi tiết giới hạn những hành vi gian lận và lợi dụng chiến lược được cho phép là đủ để chứng minh rằng các hành vi gian dối và nỗ lực vượt qua đối thủ là yếu tố bất biến của trò chơi. Sự quen thuộc với thể thao sẽ dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ hơn về năng lực gian lận; và sự phổ biến trong cộng đồng của tính khí săn mồi, vốn khiến con người có xu hướng tham gia thể thao, cũng đồng nghĩa với sự phổ biến của các hành vi gian xảo và sự thờ ơ trước lợi ích của người khác, cả trên phương diện cá nhân và tập thể. Việc sử dụng gian lận, dưới bất kỳ hình thức nào và với bất kỳ sự hợp pháp hóa nào bởi luật pháp hay tập quán, cũng là biểu hiện của một thói quen tư duy hẹp hòi, chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân. Không cần thiết phải bàn luận dài dòng về giá trị kinh tế của đặc điểm này, bởi lẽ nó rõ ràng không góp phần tích cực cho đời sống kinh tế của cộng đồng.

Trong bối cảnh này, cần lưu ý rằng điểm đặc trưng nhất của diện mạo được những người tham gia thể thao và các môn thi đấu ưa chuộng là vẻ sắc sảo tột bậc. Các tài năng và chiến tích của Ulysses hầu như không hề thua kém Achilles, cả về việc thúc đẩy trò chơi một cách thực chất lẫn về sự tỏa sáng mà chúng mang lại cho người chơi sắc sảo trong mắt đồng đội. Cử chỉ thể hiện sự sắc sảo thường là bước đầu tiên trong quá trình một thanh niên, sau khi nhập học tại bất kỳ ngôi trường danh giá nào, dù là trung học hay đại học, đồng hóa với hình mẫu của một vận động viên chuyên nghiệp. Và diện mạo sắc sảo này, như một nét trang trí, luôn thu hút sự chú ý cẩn trọng của những người thực sự quan tâm đến các môn thể thao điền kinh, các cuộc đua, hoặc các hình thức thi đấu mang tính cạnh tranh tương tự. Như một chỉ dấu thêm về mối quan hệ tinh thần, có thể chỉ ra rằng các thành viên của tầng lớp tội phạm thấp kém thường thể hiện rõ rệt diện mạo sắc sảo này, thêm vào sự phóng đại kịch tính như thường thấy ở các ứng viên trẻ tuổi đang theo đuổi danh vọng thể thao. Điều này cũng là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của cái mà người ta hay gọi là dáng vẻ "hư hỏng" ở những thanh niên khát khao tiếng xấu.

Những con người sắc sảo dạng ấy không mang lại giá trị kinh tế cho cộng đồng - trừ phi là để thực hiện các thủ đoạn tinh vi trong giao dịch với các cộng đồng khác. Chức năng của họ không góp phần vào quá trình sống chung của loài người. Xét về hiệu quả kinh tế trực tiếp, họ là sự chuyển hóa tài nguyên kinh tế của cộng đồng thành một sự phát triển xa lạ với quá trình sống chung - rất giống với cái mà trong y học được gọi là khối u lành tính, với khuynh hướng vượt qua ranh giới mơ hồ giữa sự phát triển lành tính và ác tính. Hai đặc điểm man rợ, sự hung hãn và sự sắc sảo, kết hợp để tạo nên tính khí hoặc thái độ tinh thần săn mồi. Chúng là biểu hiện của một thói quen tư duy hẹp, chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân. Cả hai đều rất hữu dụng cho sự thuận tiện riêng trong một cuộc sống hướng đến thành công có tính phân biệt. Cả hai cũng đều có giá trị thẩm mỹ cao. Cả hai đều được nuôi dưỡng bởi văn hóa tài sản. Nhưng cả hai đều không có ích gì cho các mục đích của đời sống tập thể.

 

Chương XI

Niềm Tin Vào May Rủi

Xu hướng cờ bạc là một đặc điểm phụ của tính khí man rợ. Đây là một biến thể đồng hành trong tính cách, phổ biến hầu khắp ở những người yêu thích thể thao và những người tham gia các hoạt động chiến tranh hoặc cạnh tranh nói chung.Tuy có giá trị kinh tế trực tiếp, đặc điểm này cũng gây trở ngại cho hiệu suất sản xuất tối ưu của tập thể trong bất kỳ cộng đồng nào mà nó xuất hiện ở mức đáng kể. Xu hướng cờ bạc khó có thể được xếp hẳn vào đặc trưng của tính cách săn mồi. Yếu tố chính trong thói quen cờ bạc là niềm tin vào may rủi; và niềm tin này dường như bắt nguồn, ít nhất ở mức cơ bản, từ một giai đoạn tiến hóa trước cả khi văn hóa săn mồi hình thành. Có lẽ chính dưới văn hóa săn mồi, niềm tin vào may rủi mới phát triển thành hình thức hiện tại, trở thành yếu tố chính trong xu hướng cờ bạc và khí chất thể thao. Hình thức cụ thể mà niềm tin này xuất hiện trong văn hóa hiện đại có lẽ được khuôn bởi kỷ luật săn mồi, tuy nó có nguồn gốc cổ xưa hơn văn hóa săn mồi. Nó là một hình thức của cảm tri mang tính nghệ thuật về sự vật, một tập tính cổ xưa được đưa vào văn hóa man rợ, rồi được biến đổi và truyền qua văn hóa đó đến một giai đoạn phát triển muộn hơn. Tuy nhiên, về cơ bản cần nhìn nhận rằng nó không phù hợp với các yêu cầu của quá trình sản xuất hiện đại và ở mức độ nào đó cản trở hiệu suất của đời sống kinh tế.

Dù niềm tin vào may rủi là nền tảng của thói quen cờ bạc, nó không phải là yếu tố duy nhất cấu thành hành vi đặt cược. Việc đặt cược vào kết quả của các cuộc thi về sức mạnh và kỹ năng còn xuất phát từ một động cơ sâu xa hơn. Nếu không có động cơ này, niềm tin vào may rủi khó có thể trở thành yếu tố nổi bật trong đời sống thể thao. Động cơ sâu xa đó là ham muốn của người dự đoán đúng kết quả hoặc người ủng hộ phe được dự đoán sẽ thắng trong việc nâng cao uy thế của phe mình bằng cái giá phải trả của phe thua cuộc. Vấn đề không chỉ là phe mạnh hơn sẽ chiến thắng vang dội hơn, còn phe thua chịu thất bại đau đớn và nhục nhã hơn khi mức độ được mất về tài sản trong vụ cược tăng lên - mặc dù đây đã là một yếu tố vật chất quan trọng. Cốt yếu nằm ở chỗ việc đặt cược thường được thực hiện với một kỳ vọng ngầm, không tuyên bố bằng lời và thậm chí không được thừa nhận rõ ràng, rằng nó sẽ tăng cơ hội chiến thắng cho người thi đấu. Người ta tin rằng những nguồn lực và sự quan tâm này sẽ không thể không tạo ra tác động đối với kết quả. Ở đây có một biểu hiện đặc biệt của bản năng làm việc, được củng cố bởi cảm giác rằng một hồi ứng vật linh sẽ quyết định chiến thắng cho phe có động lực mạnh đến thế - thể hiện dưới hình thức ủng hộ “phe yêu thích" trong bất kỳ cuộc thi nào và rõ ràng là một đặc trưng của bản tính săn mồi. Niềm tin vào may rủi, khi biểu hiện qua đặt cược, chính là phần bổ sung cho bản năng săn mồi và có thể xem là một yếu tố không thể thiếu trong khí chất săn mồi. Nó xuất phát từ một thói quen cổ xưa, khi các đặc tính chưa phân hóa rõ ràng rồi được củng cố bởi động lực cạnh tranh mang tính săn mồi, để rồi phát triển thành hình thức cờ bạc.

Niềm tin vào may rủi là một cảm tri về tính tất yếu ngẫu nhiên trong chuỗi hiện tượng. Với các biến thể và biểu hiện khác nhau, nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với hiệu suất kinh tế của bất kỳ cộng đồng nào nơi niềm tin này chiếm ưu thế đáng kể. Điều này đủ để biện minh cho một thảo luận chi tiết hơn về nguồn gốc, nội dung của niềm tin này, cũng như tác động của các nhánh khác nhau của nó đến cấu trúc và chức năng kinh tế. Đồng thời, cũng cần xem xét mối quan hệ giữa tầng lớp nhàn rỗi với sự hình thành, phân hóa và duy trì niềm tin ấy. Ở hình thức phát triển và tích hợp, dễ thấy nhất ở những người thuộc văn hóa săn mồi thời kỳ man rợ, hoặc trong giới thể thao ở các cộng đồng hiện đại, niềm tin này bao gồm ít nhất hai yếu tố khả dĩ phân biệt. Hai yếu tố này có thể được coi là hai giai đoạn khác nhau của cùng một thói quen tư duy, hoặc là cùng một yếu tố tâm lý trong hai giai đoạn kế tiếp nhau của quá trình tiến hóa. Việc chúng là các giai đoạn kế tiếp nhau không cản trở chúng cùng tồn tại trong thói quen tư duy của một cá nhân. Hình thức sơ khai hơn (hay giai đoạn cổ xưa hơn) là một niềm tin vật linh sơ khởi, hoặc một cảm tri vật linh về các quan hệ và sự vật, gán cho chúng một tính cách gần như cá nhân. Đối với con người cổ đại, mọi sự vật và sự vị nổi bật đều có cá tính con người. Chúng được cho là có ý chí, hoặc đúng hơn là các xu hướng nhất định, có phần trong các nguyên nhân phức hợp tác động lên sự vị theo cách không thể lý giải. Cảm giác về may mắn và ngẫu nhiên của người chơi thể thao, hay cảm giác về tình cờ tất yếu, là một dạng vật linh sơ khai. Nó áp dụng cho các sự vật và tình huống rất mơ hồ nhưng đủ rõ ràng để ngụ ý khả năng xoa dịu, đánh lừa, tâng bốc, hoặc làm xáo trộn các xu hướng nội tại trong các sự vật cấu thành thiết bị của bất kỳ trò chơi kỹ năng hay may rủi nào. Rất ít người chơi thể thao không có thói quen mang theo bùa hộ mệnh hoặc những vật được cho là có hiệu lực nhất định. Đấy là còn chưa kể những người theo bản năng sợ sự "ám quẻ" của những người chơi hoặc thiết bị trong cuộc thi họ đặt cược vào, hay những người cảm thấy rằng sự ủng hộ họ dành cho một phe trong trò chơi chắc chắn sẽ củng cố sức mạnh cho phe đó, hay những người coi "linh vật" mà họ nuôi dưỡng có ý nghĩa nhiều hơn một trò đùa.

Ở dạng đơn giản nhất, niềm tin vào may rủi là cảm tri bản năng về một xu hướng mục đích bí ẩn trong các sự vật hoặc tình huống. Chúng được cho là sẽ dẫn đến một kết quả nhất định, dù kết quả này được xem là xuất hiện ngẫu nhiên hay được theo đuổi có chủ ý. Niềm tin vật linh đơn giản này dần chuyển hóa qua thành dạng thứ hai hoặc giai đoạn phái sinh được nhắc đến ở trên - một niềm tin ít nhiều rõ ràng vào một quyền năng siêu nhiên khó giải thích. Quyền năng siêu nhiên này hoạt động thông qua các sự vật hữu hình mà nó liên kết, nhưng không đồng nhất với các sự vật đó. Thuật ngữ "quyền năng siêu nhiên" ở đây không ám chỉ gì thêm về bản tính của nó, ngoài việc nó là một bước phát triển xa hơn của niềm tin vật linh. Nó không nhất thiết được hình dung như một tác nhân mang tính cá nhân, nhưng nó được cho là mang những thuộc tính của nhân cách đến mức có thể tùy ý tác động vào kết quả của bất kỳ việc gì, đặc biệt là các cuộc thi đấu. Niềm tin vào hamingia hay gipta (gaefa, authna), vốn mang lại màu sắc đặc trưng cho các saga Iceland và các truyền thuyết dân gian Đức cổ, là một minh họa cụ thể cho cảm tri về một xu hướng phi vật lý trong diễn biến sự kiện.

Trong biểu hiện hoặc hình thức này của niềm tin, xu hướng không hoàn toàn được nhân cách hóa, dù được gán cho tính cá nhân nhất định. Đôi khi nó được hình dung là phải chịu nhượng bộ hoàn cảnh, thường là những hoàn cảnh mang tính tinh thần hoặc siêu nhiên. Một ví dụ nổi tiếng và ấn tượng về niềm tin này - ở một giai đoạn phân hóa khá cao và có sự nhân cách hóa theo lối nhân hình đối với tác nhân siêu nhiên được cầu xin - là trong hình thức "cược trận chiến". Ở đây, tác nhân siêu nhiên được xem là trọng tài, hành động theo lời thỉnh cầu và xác định kết quả cuộc đấu dựa trên một cơ sở định trước, chẳng hạn như sự công bằng hoặc chính đáng trong các tuyên bố của mỗi bên tham gia. Cảm giác tương tự về một xu hướng bí ẩn nhưng mang tính tất yếu tinh thần trong các sự kiện vẫn còn có thể nhận thấy mơ hồ trong các niềm tin phổ biến hiện nay. Một ví dụ là châm ngôn nổi tiếng: "Ba lần mạnh mẽ hơn là người biết mình tranh đấu vì lẽ phải." Châm ngôn này vẫn giữ được nhiều ý nghĩa đối với người bình thường cả trong các cộng đồng văn minh ngày nay. Dấu vết hiện đại của niềm tin vào hamingia hoặc sự dẫn dắt của một "bàn tay vô hình" có thể được tìm thấy trong việc chấp nhận nó, dù có lẽ không chắc chắn. Trong mọi trường hợp, niềm tin này dường như đã hòa trộn với các yếu tố tâm lý khác, mà tính vật linh ít rõ ràng hơn.

Đối với mục đích hiện tại, không cần thiết phải đi sâu hơn vào khía cạnh tâm lý hay dân tộc học trong quá trình phát triển hình thức cảm tri vật linh. Vấn đề này có thể rất quan trọng đối với tâm lý học dân gian hoặc lý thuyết về sự tiến hóa của các tín ngưỡng và nghi lễ. Điều tương tự cũng đúng đối với câu hỏi căn bản hơn, là liệu hai hình thức này có thực sự là hai giai đoạn kế tiếp nhau trong cùng quá trình phát triển hay không. Việc đề cập đến các câu hỏi này ở đây chỉ nhằm khẳng định rằng mối quan tâm của cuộc thảo luận hiện tại không nằm ở hướng đó. Xét về lý thuyết kinh tế, hai yếu tố hoặc giai đoạn này của niềm tin vào may rủi - hay vào một thiên hướng tính vượt ngoài nhân quả - là giống nhau về cơ bản. Chúng có ý nghĩa kinh tế khi được xem như những thói quen tư duy ảnh hưởng đến cách cá nhân nhìn nhận các sự kiện và chuỗi diễn biến mà họ tiếp xúc, từ đó ảnh hưởng đến khả năng đóng góp của cá nhân cho mục đích sản xuất. Do đó, mặc cho giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa, hay lợi ích của bất kỳ niềm tin vật linh nào, vẫn có chỗ để thảo luận về tác động kinh tế của chúng đối với khả năng phục vụ của cá nhân như một tác nhân sản xuất.

Như đã đề cập trước đó, để đạt được khả năng phục vụ cao nhất trong các quy trình sản xuất phức tạp hiện nay, cá nhân cần được trang bị năng lực và thói quen nhanh chóng nhận biết và liên kết các sự kiện theo quan hệ nhân quả. Quy trình sản xuất, cả ở tổng thể lẫn chi tiết, là quy trình của quan hệ nhân quả mang tính định lượng. Cái gọi là "trí tuệ" mà người lao động cũng như người quản lý quy trình cần đến, chủ yếu là mức độ thành thạo trong việc nhận thức và thích nghi với một chuỗi nhân quả định lượng. Chính sự thiếu hụt khả năng này là điều làm cho những người lao động kém nhạy bén trở nên không hiệu quả, và việc phát triển khả năng này chính là mục tiêu của giáo dục - ít nhất là trong chừng mực giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của họ.

Xu hướng hoặc tác nhân vượt ngoài nhân quả có giá trị rất cao như một phương cách đối phó khi gặp khó khăn, nhưng giá trị của nó hoàn toàn thuộc loại phi kinh tế. Nó đóng vai trò nơi trú ẩn và nguồn an ủi, nhất là khi đạt được mức độ nhất quán và chuyên biệt hóa gắn liền với một thần linh mang tính nhân hình. Tác nhân này còn có nhiều điểm đáng khen ngợi ngoài việc cung cấp cho cá nhân bối rối một phương tiện thoát khỏi khó khăn khi giải thích các hiện tượng theo chuỗi nhân quả. Tuy nhiên, ở đây không cần bàn nhiều về các giá trị đã được công nhận của thần linh nhân hình từ góc độ thẩm mỹ, đạo đức, tinh thần, hay cả từ chính trị, quân sự, chính sách xã hội. Câu hỏi ở đây chỉ xoay quanh giá trị kinh tế - giá trị ít được chú ý hơn. Và cả trong phạm vi này, ta cũng chỉ xem xét tác động trực tiếp của thói quen tin vào siêu nhiên đối với khả năng làm việc của người lao động, thay vì mở rộng để bao gồm các tác động kinh tế gián tiếp. Những tác động gián tiếp này rất khó xác định, bởi việc nghiên cứu chúng bị ràng buộc bởi các định kiến hiện tại về khả năng nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ mối liên hệ tinh thần với thần linh. Mọi nỗ lực theo hướng này đều khó mang lại kết quả.

Tác động trực tiếp và tức thì của thói quen tư duy hoạt linh lên trạng thái tinh thần chung của người tin tưởng thường dẫn đến việc làm giảm hiệu quả trí tuệ, đặc biệt ở khía cạnh mà trí tuệ đóng vai trò quan trọng đối với nền công nghiệp hiện đại. Hiệu ứng này xuất hiện ở các mức độ khác nhau, dù tác nhân hoặc xu hướng siêu nhiên được tin tưởng thuộc đẳng cấp cao hay thấp. Điều này đúng với cảm giác về may mắn và xu hướng ngẫu nhiên của người man rợ và người chơi thể thao, và cũng đúng với niềm tin phát triển cao hơn vào thần linh nhân hình, vốn thường phổ biến trong cùng tầng lớp này.

Điều này cũng cần được coi là đúng - dù khó xác định mức độ tương đối của tác động - đối với các tín ngưỡng nhân hình phát triển đầy đủ hơn, như thường thấy trong xã hội văn minh. Những bất lợi gây ra cho sản xuất có thể không quá lớn, nhưng vẫn nên xem xét. Ngay cả những tín ngưỡng cao cấp của văn hóa phương Tây cũng không phải là hình thức chung quyết của cảm tri vật linh. Bên ngoài những tín ngưỡng này, vật tri hoạt linh vẫn hiện diện trong các hình thức pha loãng hơn, chẳng hạn những kêu gọi về "trật tự tự nhiên" và "quyền tự nhiên" trong thế kỷ XVIII, hoặc trong đại diện hiện đại của chúng, khái niệm hậu-Darwin về "xu hướng cải thiện" trong quá trình tiến hóa. Diễn giải vật linh này là một dạng ngụy biện mà các nhà logic học gọi là ignava ratio (lý luận lười biếng). Đối với công nghiệp hoặc khoa học, đây là một sai lầm trong nhận thức và đánh giá. Ngoài các tác động trực tiếp tới sản xuất, thói quen vật linh có ý nghĩa nhất định đối với lý thuyết kinh tế trên những khía cạnh khác: (1) Nó là chỉ dấu tương đối đáng tin cậy về sự tồn tại, và ở chừng mực nào đó, cả mức độ ảnh hưởng của một số đặc tính cổ xưa khác đi kèm và có tác động kinh tế đáng kể. (2) Các tác động vật chất của bộ quy tắc đạo đức tôn giáo mà thói quen vật linh sản sinh trong quá trình phát triển của tín ngưỡng nhân hình: (a) Ảnh hưởng đến thói quen tiêu thụ của cộng đồng và các tiêu chuẩn thẩm mỹ phổ biến, như đã được nhắc đến trong một chương trước. (b) Thúc đẩy và duy trì sự công nhận thường xuyên về quan hệ với một cấp bậc cao hơn, từ đó củng cố ý thức về địa vị và lòng trung thành.

Về điểm (b), tập hợp các thói quen tư duy cấu thành nên tính cách của bất kỳ cá nhân nào, theo một nghĩa nào đó, là một chỉnh thể hữu cơ. Một biến đổi rõ rệt theo một hướng nhất định ở một điểm sẽ kéo theo biến đổi ở các điểm khác. Một thói quen hình thành để đáp ứng một kích thích nhất định sẽ tất yếu ảnh hưởng đến cách cá nhân phản ứng với các kích thích khác. Một thay đổi cục bộ sẽ dẫn đến thay đổi trong tổng thể. Trên cơ sở này, và có lẽ phần lớn dựa trên những nền tảng mơ hồ không thể thảo luận tại đây, ta thấy các biến đổi đồng hành trong bản tính con người. Ví dụ, các dân tộc man rợ với lối sống săn mồi phát triển thường cũng sở hữu thói quen vật linh mạnh mẽ, tín ngưỡng nhân hình rõ nét, và ý thức địa vị cao. Ngược lại, những xu hướng này ít hiện diện hơn trong đời sống của những dân tộc ở các giai đoạn trước và sau văn hóa man rợ. Ý thức về địa vị nhìn chung cũng yếu hơn ở các cộng đồng hòa bình. Cần lưu ý rằng một niềm tin vật linh nhiều sức sống nhưng ít chuyên biệt được tìm thấy ở hầu hết, nếu không phải tất cả, các dân tộc sống trong giai đoạn văn hóa tiền săn mồi. Tuy nhiên, người nguyên thủy hoang dã về cơ bản không coi trọng vật linh bằng người man rợ. Đối với họ, vật linh thường dẫn đến việc sáng tạo ra các thần thoại kỳ ảo hơn là những mê tín áp chế. Văn hóa man rợ thể hiện các đặc trưng như tinh thần thể thao, ý thức địa vị, và chủ nghĩa nhân hình. Cũng có thể quan sát thấy tương quan tương tự về các biến đổi này trong tính khí cá nhân của con người ở các cộng đồng văn minh hiện nay. Những đại diện hiện đại của tính cách săn mồi man rợ - những người thuộc giới thể thao - thường là những người tin vào may rủi; ít nhất họ có cảm giác mạnh mẽ về một xu hướng vật linh trong sự vật, điều này khiến họ thường có khuynh hướng cờ bạc. Điều tương tự cũng áp dụng đối với niềm tin nhân hình trong tầng lớp này. Những người theo tín ngưỡng trong số họ thường gắn bó với các tín ngưỡng mang tính nhân hình ngây thơ và nhất quán. Rất ít người thuộc giới ấy tìm kiếm sự an ủi tinh thần trong các tín ngưỡng ít nhân hình hơn, chẳng hạn Unitarian hay Universalist.

Tương quan giữa niềm tin nhân hình và năng lực thể hiện sức mạnh gắn bó chặt chẽ với thực tế rằng các tín ngưỡng nhân hình có tác dụng duy trì, nếu không phải khởi xướng, các thói quen tư duy ủng hộ chế độ địa vị. Về điểm này, rất khó để xác định hiệu quả khuôn nắn của tín ngưỡng kết thúc ở đâu và bằng chứng về tương quan của các biến thể trong các đặc điểm thừa hưởng bắt đầu từ điểm nào. Ở mức phát triển cao nhất, khí chất săn mồi, ý thức về địa vị, và tín ngưỡng nhân hình cùng thuộc về văn hóa man rợ; và giữa ba hiện tượng này tồn tại một quan hệ nhân quả nhất định. Cách chúng hiện diện trong thói quen và thái độ của các tầng lớp hiện nay cho thấy nhiều khả năng về quan hệ nhân quả hoặc quan hệ hữu cơ tương tự giữa các hiện tượng tâm lý này khi được xem xét như các đặc điểm của cùng một cá nhân. Như đã đề cập trước đó, quan hệ địa vị, như một đặc trưng của cấu trúc xã hội, là hệ quả của lối sống săn mồi. Xét về nguồn gốc, nó là một biểu hiện mở rộng của tư thế săn mồi. Mặt khác, một tín ngưỡng nhân hình là một bộ quy tắc chi tiết về các quan hệ địa vị, được đặt trên nền tảng của một xu hướng siêu nhiên, khó giải thích trong các sự vị vật chất. Tín ngưỡng này có thể được coi là phát triển từ cảm tri vật linh của con người cổ xưa, đã biến đổi ở một mức độ nào đó bởi lối sống săn mồi. Kết quả là một tác nhân siêu nhiên được nhân cách hóa và gán cho đầy đủ các thói quen tư duy đặc trưng cho con người thuộc văn hóa săn mồi.

Những đặc điểm tâm lý cơ bản liên quan trực tiếp đến lý thuyết kinh tế, và do đó cần được xem xét ở đây, bao gồm: (a) Như đã đề cập trong một chương trước, thói quen tư duy săn mồi và cạnh tranh, được gọi ở đây là năng lực thể hiện sức mạnh, chỉ là một biến thể mang tính man rợ của bản năng lao động vốn có ở con người. Thói quen này đã phát triển thành hình thức cụ thể dưới sự dẫn dắt của thói quen so sánh hơn thua giữa các cá nhân. (b) Quan hệ địa vị là một hình thức của sự hơn thua này, được đánh giá và phân cấp dựa trên một hệ thống chuẩn mực đã được chấp nhận. (c) Tín ngưỡng nhân hình, ít nhất trong thời kỳ hưng thịnh ban đầu của nó, là một thiết chế mà đặc trưng chính yếu là mối quan hệ địa vị giữa con người (ở vị thế thấp hơn) và tác nhân siêu nhiên được nhân cách hóa (ở vị thế cao hơn). Không khó để nhận ra quan hệ mật thiết giữa ba hiện tượng này. Một mặt, hệ thống địa vị và thói quen săn mồi là biểu hiện của bản năng lao động được định hình bởi thói quen so sánh hơn thua. Mặt khác, tín ngưỡng nhân hình và thói quen thực hành sùng đạo là biểu hiện của cảm tri vật linh, được phát triển dưới cùng thói quen so sánh. Hai hình thức này - thói quen sống cạnh tranh và thói quen thực hành sùng đạo - do đó cần được coi là những yếu tố bổ sung cho nhau trong bản tính con người thuộc văn hóa man rợ, cũng như trong các biến thể hiện đại của nó. Chúng là biểu hiện của cùng một phạm vi năng lực, nhưng được định hình để đáp ứng với các loại kích thích khác nhau.

Anh Hoa dịch

Như vậy là chỉ còn hai chương:

phần 1 (Chương I)

phần 2 (Chương II)

phần 3 (Chương III, IV)

phần 4 (Chương V, VI, VII)

phần 5 (Chương VIII, IX, X, XI)

sách sẽ thuộc đợt ngay sau ba quyển Sơ Đông

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công