Tưởng tượng và thực tại
Trong một bình luận về Henry James (tập Notes on Life and Letters, 1921), và cũng là về chính văn chương, Joseph Conrad khẳng định tầm quan trọng lớn của nghệ thuật sáng tạo, bởi đó là phép thuật có thể gợi lên những điều vô hình dưới các hình thức thuyết phục, làm cho những gì đã quen có thể gây ngạc nhiên, để nâng lên nhận thức của con người vốn bị kìm kẹp bởi đủ thứ lo âu trước những đợt thủy triều tầm thường nhất của thực tại. Nghệ thuật sáng tạo, Conrad viết, là dạng công việc cứu hộ, cụ thể là để giành giật sự tồn tại của ký ức thoát khỏi tình trạng chìm giữa hỗn loạn, kéo chúng ra khỏi cái tối tăm thường hằng và ban cho chúng những hình thức có thể nhận thấy, hình thức duy nhất có thể tồn tại trong thế giới của các giá trị tương đối. Trong cuộc chiến đấu ấy, theo Conrad, người nghệ sĩ không ngừng làm công việc diễn giải, đó không phải là anh hùng hay một nhà đạo đức, mà là người bền bỉ quan sát cho đến tia sáng cuối cùng, nghe cho đến lời cuối cùng được thốt ra trên trái đất; kẻ chắc hẳn phải giàu trí tưởng tượng ấy bị thúc để nói vào đêm ngay trước cái ngày tưởng chừng là cuối cùng, bởi vậy mà có lẽ hình thành một hy vọng nào đó. Nhờ mối quan hệ giữa những đồng minh và kẻ thù này mà nghệ sĩ sở hữu ý nghĩa phù du của anh ta, và cũng chính bởi việc diễn giải nó mà anh ta thực hiện nhiệm vụ, với các sáng tạo về tình thế và nhân vật, tóm lại, tìm thấy các hình thức.
Văn chương Conrad cũng có cái phông lớn bao trùm tất tật mọi thứ là một cú lao xuống chung quyết. Viễn kiến của ông về tình thế con người, về sự khổ nhọc của những số phận muốn được giật lấy khỏi lãng quên, được trình bày với một cường độ cao trong May, cuốn tiểu thuyết về đó, thêm một lần nữa, Conrad nói rằng đây là công việc người ta không làm hai lần trong đời. Đã có nhiều bình luận, khi quyển sách được xuất bản, cho rằng độ dài và sự chăm chút ở đó nhiều quá đáng so với chủ đề, và tác giả hẳn có thể rút gọn lại chỉ còn một nửa nếu ông chịu khó hơn và trình bày câu chuyện theo một cách khác... tức là phần lớn nhắm vào độ chênh lớn giữa cốt truyện dường đơn giản quá mức và hệ thống tường thuật đầy phức tạp mà Conrad bày ra. Ông đáp lại rằng chắc chắn có thể viết lại tất tật mọi câu chuyện theo một lối còn ngắn hơn thế nhiều, trên một mẩu giấy gói thuốc chẳng hạn, với điều kiện là phải đủ xa cách với con người, nhưng rõ ràng một tiểu thuyết gia thì không như vậy. Quả thật May càng đáng chú ý hơn bởi vẻ mơ hồ trong rất ít những dữ kiện có thật mà Marlow, đại diện cho nghệ thuật của Conrad, thu thập được để thực hiện công việc của trí tưởng tượng. Công việc cứu hộ ấy dường nhọc nhằn hơn cả, trong khi bản thân Marlow chẳng hề can thiệp vào câu chuyện chính của cuộc đời Flora, nhân vật của cuốn tiểu thuyết. Đó thuần túy là sự quan tâm của một hải nhân già đối với một con người mà tình cảnh còn nhạt nhòa hơn cả những kẻ hèn mọn, bởi các xung đột chủ yếu ở đó chỉ im lặng diễn ra trên bình diện tâm lý: dấu vết của tình yêu, của sự hào phóng hay tình trạng u uất của Anthony có thể là gì? Dấu vết mà ông già De Barral để lại, ngoài vụ tù tội trong quá khứ, còn gì khác ngoài cảnh tượng kết thúc khủng khiếp nhưng cũng kỳ quặc như thế? Và dấu vết về Flora trong toàn bộ sự việc, Marlow thu được từ chính cô gái và từ phản ứng của các nhân chứng bằng cách nào đó bị hút vào cô, thì đầy mâu thuẫn. Marlow chỉ tham gia trực tiếp cuộc sống của Flora ba lần: lần đầu tiên, vô tình xâm phạm vào nỗ lực tự tử của cô; nhưng chẳng phải sự hiện diện của ông, như Flora bày tỏ trong lần gặp thứ hai, một cuộc nói chuyện phần lớn được Marlow lấp đầy bởi tưởng tượng diễn ra trên vỉa hè trước khách sạn, mà con chó mới là điều ngăn cản cô hành động; cuối cùng là cuộc gặp khi mọi sự đã khép lại, ở đó Marlow thu thập được thêm cho kho suy tưởng của mình những sự việc cụ thể trên tàu mà Flora làm chứng. Với những dấu vết như thế, Marlow cần mẫn thực hiện các đường nối tưởng tượng, qua đó thể hiện cách trung thực nhất, theo lời Conrad, toàn bộ viễn kiến của mình về tồn tại con người.
Nhân chứng đầu tiên khơi gợi lại sự quan tâm về một số phận đã mất hút từ lâu trong ký ức của hải nhân già là một người từng ở ngay trên tàu Ferndale. Marlow, vốn là người có thói quen suy tư, những phát biểu của ông thường ở mức khái quát chung chung đến nỗi gây khó chịu cho người mới quen, kẻ không thể nắm được toàn bộ những gì được bày ra trong sự chiêm nghiệm của ông, va mạnh vào Powell, người khăng khăng ghi nhận điều cụ thể và khước từ đi xa hơn sự xác thực của những gì trông thấy. Powell rõ ràng là một nhân chứng lý tưởng, khả năng ngạc nhiên không cao, điều vốn gây nghi ngờ bởi có thể những điều quan trọng bị bỏ sót, thì được bù lại bằng một cái nhìn không thiên vị của một người mới toanh với con tàu, và tình cờ cũng không có thói quen vẽ ra các sự vị, tức là trí tưởng tượng không thường được thả rông. Tình thế mà hải nhân trẻ tuổi ấy rơi vào dường đòi hỏi anh ta phải dồn toàn bộ chú ý cho những cung cách và công việc trên con tàu mới. Thêm nữa tính tình bộc trực hăng hái khiến ông được mến ngay, nhưng có lẽ khi trò chuyện trong quán rượu, nếu không được nghe những lời kể được trông đợi của ông ta hẳn độc giả sẽ phải nghi ngờ sự ngớ ngẩn của kẻ sau bao nhiêu năm vẫn còn giữ những tự hào ngớ ngẩn chẳng hạn về tốc độ một con tàu. Nhưng điều này có lẽ gợi ý cho các lệch pha trong cuộc trò chuyện thoạt đầu không êm thấm. Marlow kiên nhẫn với những ý mơ hồ từ một cái nhìn hướng vào từ xa, Powell lại đáp trả một cách cố chấp, với sự hằn học của người vừa từ trên tàu xuống đất liền; và mọi thông tin được ghi nhận theo cách thức kỳ quặc của cuộc đối thoại ấy: mỗi người đều trung thành với cái nhìn riêng của mình, nơi có những điều mà người kia không thấy. Cuộc đối thoại của họ, dẫu sao cũng đi đến chỗ đồng thuận, không chỉ xác định từ đầu các điểm quan sát - một trực tiếp và một gián tiếp - mà còn vạch ra một sự chênh lệch được triển khai trong hầu hết các mối quan hệ khác của câu chuyện, như những mảng tương phản sáng tối liên tục tạo ra bố cục cho tác phẩm điêu khắc, ở đó mỗi người đều nắm giữ về phần mình những hiểu biết hay xác tín riêng mà người kia hoàn toàn không có hoặc một mực phản đối.
Một hải nhân từ biển lên bờ thì thường cau có giống như Powell. Sự thiếu vắng những hiểm nguy hay tình huống cấp bách đối phó với các lực hung bạo của tự nhiên, vốn tạo nên tâm tính thực dụng đặc trưng của các hải nhân, được thay thế bằng một tình trạng nở rộ của các giá trị tương đối. Con người thậm chí không biết các suy nghĩ của chính mình, một phần lớn những gì gây bận trí hoặc chẳng có nghĩa gì, hoặc được diễn giải theo lối trái ngược, và kết thúc là những lời rơi rụng, những ý đã chết luôn luôn sẵn sàng được dùng lại; người ta khước từ niềm tin này và lao vào niềm tin kia, buộc phải đặt cho chúng là cái tốt và cái xấu cũng như vô vàn những quan niệm vội vã, trong khi đó căn nguyên sâu xa của chúng bị phớt lờ. Trong tình trạng quá tách biệt và hỗn loạn như thế ánh sáng cho người này thì có thể không nhất thiết cũng như thế với người khác: cả một mạng lưới ảo tưởng đã hình thành. Trong A Personal Record - một tự truyện, tác phẩm có thể xem như một lời thanh minh cho nghệ thuật của Conrad - ông ngờ rằng mục đích của sự sáng tạo có lẽ hoàn toàn không thể là đạo đức; chính những quan niệm đạo đức về vũ trụ, ông chỉ ra, rốt cuộc đã đưa con người vào tình trạng mâu thuẫn đầy phi lý và tàn khốc, giờ đây những dấu vết cuối cùng của đức tin, hy vọng, lòng bác ái và lý trí dường sắp biến mất hoàn toàn. Trong cuộc lo toan sao cho bám chặt được vào cuộc sống và tránh khỏi những hung hiểm bất chợt của số phận nơi những con người trên đất liền, Conrad trình bày trước chúng ta hai đại diện của một trật tự thế giới dừng lại ở rìa biển: ông Fyne, với sự nghiêm túc tuyệt đối thiếu vắng tưởng tượng, bà Fyne, với những lý tưởng lạc đường sụp đổ khi Flora đáp lại bà bằng chính lý thuyết nữ quyền dị hợm ấy qua sự việc mà cô bị kéo vào. Đằng sau họ là cái bóng của nhà thơ lớn. Tất tật những hành động của họ, theo thứ tự trí tưởng tượng trác tuyệt của nhà thơ lớn giảm đến mức cạn kiệt nơi ông Fyne, dường chỉ phản ánh sự bất an của những sinh vật tuyệt vọng giành giật lấy một hình thức. Trong nỗ lực duy trì sự yên ổn trên đất liền, các tri nhận của tâm trí về thế giới được giữ gìn sao cho không một nghi vấn nào quá mức nổi trội, thông qua các quy tắc và quan điểm nghiêm túc của họ, và họ nhận thấy rõ những nguy cơ khi thế cân bằng giả tạo ấy bị đe dọa bởi những gì lệch chuẩn, cụ thể là bản thân Flora: xuất thân của cô, với bóng dáng ông bố bị bỏ tù đằng sau, thật đáng e ngại, và tình trạng thê thảm quá mức hay ánh mắt vui khủng khiếp của cô khiến bà Fyne bị ám ảnh. Cả hai ông bà đều được mô tả là những người tốt, họ đã che chở cho Flora và thấy rằng bản thân mình có trách nhiệm phải can thiệp vào thời điểm tai họa nổ ra trong đời cô gái, nhưng có lẽ đó không thể gọi là các lương tâm đẹp. Một lương tâm đẹp, theo cách gọi của Conrad khi ông bình luận về các nhân vật tiểu thuyết và về văn chương của Henry James, là một lương tâm mang bản chất trong suốt, thuần túy là một cảm tri bền bỉ về cái đúng luôn hiện diện nhưng vô hình, bởi vậy nó mang nặng trách nhiệm suy xét bền bỉ các sắc thái của hành vi. Nhưng sự vắng bóng hoàn toàn trí tưởng tượng, dường là một cách rất tốt để được yên ổn, khiến ông Fyne từ chối phân biệt rõ mọi thứ, và trong cơn xúc động trước một Anthony dường thật đáng ghét với ông, có lẽ, theo tưởng tượng của Marlow, ông chỉ biết moi ra trong cái kho những quan niệm mòn mỏi và giáo điều bất khả lay chuyển của mình, giội xuống những cụm từ đánh giá mà bản thân Anthony thấy thật kỳ quặc và chỉ có thể bị xáo động bởi những khẳng định vô lý của chúng. Trong khi đó, chính bởi dự cảm trước các xung đột lớn, cùng thất bại còn nóng hổi Flora vừa đem lại cho lý thuyết của mình mà bà Fyne, với trực giác của phụ nữ dẫu sao vẫn rất mạnh và không quá mù quáng khi hiểu rằng không thể viết thành chữ những ý nghĩ của mình nữa, cảm thấy bằng mọi cách phải ngăn lại cuộc hôn nhân theo bà chỉ có thể dẫn đến tai họa.
Các câu chuyện của Conrad luôn luôn thấp thoáng những khoảnh khắc con người chạm vào thực tại, dù là để mở ra hay kết thúc; những cú lao vào hay sượt qua bất chợt khiến máu dồn lên mặt, tay vã mồ hôi, và chỉ kể từ thời điểm ấy mọi thứ mới có thể bắt đầu, hoặc cũng có thể mắc kẹt mãi mãi. Người ta thấy tình huống ấy không thể rõ ràng hơn nơi những con tàu cạ vào bãi bồi hay chật vật trong cơn bão khủng khiếp, những cơn hoảng sợ thất thần đột nhiên túm lấy con người; hoặc cũng có thể theo chiều ngược lại, tuyệt vọng tìm kiếm một dấu vết trong sự lơ lửng gây bức bối đến ám ảnh. Trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Conrad lúc nào người ta cũng có thể bắt gặp những thuyền viên hoặc thuyền trưởng chật vật làm quen với con tàu của mình. May mở ra với lời tường thuật về việc Powell loay hoay đối mặt với những thứ gây hoang mang cho một tay mới chân ướt chân ráo vào nghề; những gì xảy ra trên con tàu mới cũng không khác, một bầu không khí căng thẳng mỗi lúc một thêm khó chịu bởi sự bứt rứt khó hiểu nơi các thuyền viên trung thành, và tay lính mới chỉ phần nào làm quen được sau một cú chết hụt. Nhưng tình huống va chạm mạnh đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, khiến tất cả chú ý, là cú chạm khủng khiếp của Flora De Barral với sự thực về thế giới, ngay khi cuộc đời mới chỉ bắt đầu. Với May, câu hỏi đặt ra là liệu có cơ hội nào cho con người trong một thế giới, theo viễn kiến của Conrad, đầy rẫy mờ mịt tối tăm? Và nó được khảo sát với một trường hợp có xuất phát điểm thấp nhất khi ngay từ đầu đã đặt Flora vào một vị thế dường như không thể thê thảm hơn được nữa. Tình trạng của Flora, dường cũng giống như tình trạng của Alex, cô gái xa cách con người trong Vận may mỉm cười, vào cái ngày được bà gia sư mở mắt cho với hiểu biết về cái ác của thế giới đến quá đột ngột thì còn tệ hơn một kẻ đắm tàu trên hoang đảo, và việc cô có thể sống qua những bước nhọc nhằn tiếp theo thì thuần túy là bởi tuổi trẻ, theo cách Marlow diễn giải, vốn không ngay lập tức hiểu được những gì đang xảy ra với mình. Đây còn là một trường hợp cực đoan mà Conrad trình bày, không sự phụ thuộc khốn khổ nào rõ ràng hơn sự phụ thuộc của Flora, không như đàn ông vốn lúc nào cũng có thể kháng cự, cô chẳng làm được gì khác ngoài đi theo các xô đẩy của số phận.
Nếu như thảm họa ngay tiếp theo, khi cô buộc phải đến sống với gia đình người họ hàng làm hộp các tông và ngay lập tức rơi vào những xung đột với con người vốn quen nếp thô lỗ không ngần ngại giấu giếm ý thức giai cấp, lòng thương hại thô thiển, những hy vọng và thất vọng về tài sản, tóm lại: một gia đình là sản phẩm hoàn toàn của ý luận, dường không khác những bi kịch xảy ra quá thường xuyên cho kẻ cơ nhỡ, bởi sự xấu xí và thiếu cảm thông của họ không còn mới, thì những trạm dừng sau đó của Flora dù thoảng qua nhưng lại mang một vai trò lớn khi hé lộ phần quan trọng trong mối quan hệ của Flora với những người xung quanh cô. Một bà lão giàu, có cái nhìn lạc quan và thích thú trải nghiệm mới mẻ, tỏ ý quan tâm và tình nguyện đưa cô đi nghỉ đông; nhưng những gì bà nhận được cho ý định tốt đẹp, an ủi cô gái và tìm kiếm sự vui tươi, là sự thất vọng, vì sự thật là bà không chịu nổi một bạn đồng hành yêu quý mình, và cái tên của ông bố đi tù của cô không thất bại trong việc khẳng định nỗi nghi ngại của bà già tốt bụng. Sự thật là cô chẳng biết phải đáp lại thế nào những đòi hỏi về sự quan tâm hay ít nhất là một phản ứng tự nhiên trước tình cảm thông thường mà người ta dẫu có lòng tốt lớn thế nào đi nữa, hoặc có lẽ cũng là nguyên nhân vô tội khơi gợi sự ban phát lòng tốt ấy, không bao giờ thôi đòi hỏi nơi các tạo vật vây quanh. Với gia đình người Đức sau đó, những con người bình thường, có lẽ sự xa cách với tình cảm con người và những ánh mắt kỳ lạ của Flora, giờ đây với tư cách một người nước ngoài, hẳn được kỳ vọng chẳng mấy làm họ bận tâm; nhưng giống như bà già tốt bụng trước đó, ông chủ nhà cũng nảy sinh mong muốn tương tự, được bày tỏ theo lối rất từ tốn đúng mực và hoàn toàn diệt trừ mọi tình cảm lệch ra khỏi mức đòi hỏi cơ bản, tức là được đáp lại bằng một phản ứng cho biết cô nhìn thấy ông ta; nhưng Flora lại chẳng thấy gì và thậm chí còn tưởng rằng đó là sự đồng cảm. Một tạo vật dù hèn mọn tới đâu vẫn luôn có thể khơi gợi trí tưởng tượng nơi những người tiếp xúc hằng ngày, nhưng sự thật là cô hoàn toàn vụng về trước những gì được trông đợi phải tỏ ra, trơ ì không thể phát ra một tia phản chiếu nào trước mong chờ của con người. Bà Fyne, với sự thẳng thắn và công bằng tuyệt đối với sự thật, thấy rằng đương nhiên phải dẹp bỏ tất tật động cơ cho trí tưởng tượng của Flora. Vậy là công cuộc giáo dục của cô gái hoàn thành.
Dù đúng như giả thuyết rằng tuổi trẻ cứu giúp cô của Marlow, nỗi tuyệt vọng chỉ dần dần nhích lên, nhưng theo lối chắc chắn và không thể đảo ngược; trong suốt quá trình ấy, cùng với sự đeo đẳng của lời nguyền xuất phát từ cơn ác ý bùng nổ của bà gia sư ấn vào cô gái ngay từ cái buổi sáng định mệnh cô chạm vào thực tại ấy, rằng chẳng có ai yêu cô, Flora hoàn toàn nhầm lẫn về mọi thứ. Bị giam cầm trong một ấn tượng sai là một bi kịch, theo nghĩa các ảo tưởng hay mặc cảm không buông tha người ta suốt cuộc đời. Dẫu sao thì một lúc nào đó sự tức giận trước phản ứng người ta dành cho ông bố khiến cô, vẫn còn đủ sức, lao vào một cuộc truy tìm dấu vết, có lẽ bởi một nhu cầu không thể cưỡng lại, và chẳng bao giờ có bài báo nào thuyết phục được cô gái, người mà niềm tin đinh ninh vào sự vô tội của ông bố như chiếc phao khả dĩ bám vào. Nỗi đau của tồn tại ấy trở nên càng lúc càng không thể chịu nổi khi ngày mãn hạn tù của ông bố đến gần, đó cũng là thời điểm Anthony xuất hiện. Rõ ràng cô gái nuôi ý định tự kết liễu ấy chưa tuyệt vọng hẳn, đâu đó vẫn còn những kẽ hở khả dĩ khiến ý nghĩ thoát khỏi bản thân, còn sót lại các tình cảm nho nhỏ đủ để hình thành những niềm hy vọng mới. Trước hết cô được cứu bởi nhầm lẫn về con chó, sau đó là bởi sự hiện diện mà bằng sự hào phóng phi thường cũng như cung cách bạo chúa của mình Anthony buộc cô phải trông thấy. Tình cảnh của Flora - sự căng thẳng buốt nhói trong một tư thế lơ lửng - chẳng thể gọi tên được, rõ ràng nỗ lực thổ lộ qua bức thư trước đó của cô đã thất bại, và Marlow bất lực tìm một từ bám vào để tưởng tượng; tình yêu hay cái đói chẳng thể vừa với sự thật, nhưng một hy vọng thì có lẽ: vài ngày sau những thời điểm cô gần như bỏ hết mọi sự mà quyết tâm chết, người ta thấy Flora vô cùng sốt ruột đứng trên vỉa hè cùng Marlow, chờ để gặp Anthony. Có thể nói rằng, dù còn sót lại bất kể tình cảm gì đi nữa với thế giới con người, Flora đã đặt trọn hầu hết vào Anthony. Dường như là tất yếu sự đổ vỡ của hy vọng ấy, trong hình hài đối với Flora chỉ có thể là sự phản bội, mà đầu óc lơ lửng của cô thoạt tiên đáp lại bằng vẻ ngỡ ngàng trước sự thay đổi của thuyền trưởng. Số phận buộc cô nhầm lẫn mọi thứ, và giờ đây bi kịch ấy lên đến một độ cao mới khi nó được góp thêm vào bởi sự nhầm lẫn, cũng hầu như về toàn bộ mọi thứ, của thuyền trưởng Anthony. Nỗi xúc động khi vừa cảm thấy sự thật đằng sau lòng hào phóng gây choáng váng của Anthony, một đòi hỏi còn khủng khiếp hơn cả những gì vốn dĩ cô không thể đáp ứng, khiến cô phản ứng thật mạnh khi ngay lập tức bỏ đi như chạy khỏi con tàu.
Anthony, theo như Marlow mô tả qua các dấu vết, căm ghét đất liền, mọi lễ nghi và cung cách con người ở đó khiến anh cả quyết rằng tất cả những gì thuộc về đất liền đều không thể chịu đựng được, chẳng có bình yên và ngơi nghỉ nào giống như anh tìm thấy trên biển. Sự cả quyết ấy đi xa đến mức khiến anh say với lý tưởng về tình thế của mình - loại lý tưởng chỉ là viễn tượng chói lòa của thực tại - rằng thuyền trưởng Anthony ẩn dật lánh mình khỏi thế giới xấu xa; cùng với đó, để hoàn thành tính khí của anh, Marlow cho rằng anh đặt tiêu chuẩn cho các hành xử của mình nơi những gì ông bố thổ lộ qua thơ, tức cũng lại thêm một viễn tượng của thực tại khác. Như các anh hùng khác, dù là theo lối vô thức, Marlow tiếp tục mạch diễn giải, anh đói khát hiện diện của nữ tính trong đời đến nỗi vượt quá cả lý tưởng của những kẻ trên bờ. Có lẽ, cũng tương tự như tình thế của viên thuyền trưởng của Vận may mỉm cười, anh bị lôi kéo thật dễ dàng khi mà trí tưởng tượng, bị đánh thức bởi cô gái hoàn toàn xa cách, khiến anh bị thu hút đến nhức nhối. Sự xấu xa với đó anh kết án toàn bộ sự vị trên bờ tìm thấy một minh chứng thật phù hợp, bởi vậy anh tưởng rằng mình hiểu tại sao Flora khóc mà chẳng cần nhiều suy tư hơn; cũng theo lối cố kết ấy mà anh nghĩ rằng đã xác định xong De Barral-người tù, bởi vậy chặn trước mọi thổ lộ của cô gái, trong khi niềm tin rằng ông bố vô tội là một trong những gì rất ít còn sót lại ở cô. Sau khi lãnh đủ những từ vô lý mà ông Fyne, với động cơ là lòng tốt và cảm giác về công lý bị xúc phạm, phóng vào anh trong cuộc gặp không thể tránh khỏi ở khách sạn, lòng kiêu hãnh lớn khủng khiếp bị lung lay. Lòng trắc ẩn, theo phân tích của Marlow, sinh ra từ một khả năng lớn của sự dịu dàng nơi con người cô độc và đầy kiêu hãnh, vốn đã khiến Anthony không bỏ rơi cô gái, giờ đi đến chỗ muốn thấy một dấu hiệu đáp lại: tình yêu của anh lên cơn vùng vẫy đòi hỏi những gì khả dĩ cho thấy rằng cô gái nhận ra nó. Bất lực trong việc nhìn nhận sự việc một cách sáng suốt và kiên nhẫn, và trước cô gái còn ngỡ ngàng vì những biến đổi vô lý khi anh luôn khăng khăng với con mắt chủ quan mù mịt của mình, Anthony dần trở nên thô bạo với cô, người vốn đã quen với nhiếc móc chà đạp, hòng đón lấy một phản ứng khả dĩ hiểu được nơi cô, một tia sáng cho biết rằng anh có tồn tại trong những suy tư của cô. Sự thô bạo của anh có thể nói là thuần khiết nhất, sau những nỗ lực tuyệt vọng trước một tạo vật trơ lì phản ứng. Chỉ vì một ý khác, cũng đã thành thông lệ, về sự yếu đuối mỏng manh cố hữu gắn chặt với phụ nữ, mà anh kìm được những bộc phát ghê gớm. Dẫu Anthony hy vọng Flora và ông bố của cô sẽ phải phản ứng thế nào trước những gì anh sắp đặt, người ta chỉ biết được độ lớn của thứ không lời và không bao giờ xảy ra ấy qua cách anh bị chạm tự ái thật mạnh trước thực tế xảy ra. Có lẽ phản ứng được trông chờ ấy khả dĩ khẳng định sự chiến thắng của anh, nhưng chiến thắng nào? Marlow tự hỏi, khi mà anh hoàn toàn vẫn chẳng hiểu gì. Và khi mọi hy vọng đã diệt trừ, nỗi đau phần nào anh tự ấn mình vào đã dẫn đến chỗ nhất định phải đi cho trọn ảo tưởng về lòng cao thượng tuyệt đối với ý chí sắt đá. Kể từ thời điểm ấy trở đi, trong mắt Flora, Anthony luôn luôn xuất hiện với một vầng hào quang - của lòng tốt quá quắt, của một tính khí không thể cảm thông, và tuyệt không có tình yêu - đương nhiên mọi biểu đạt là bất khả, trong một tình thế bị làm trầm trọng thêm bởi sự hiện diện của ông già De Barral.
Cùng với Anthony, De Barral vĩ đại hoàn toàn được dựng lên bởi tưởng tượng của Marlow qua các dấu vết. Trong khi bản thân là điều duy nhất còn lại mà Flora khả dĩ bám vào, lão lại dành cho cô gái sự phủ nhận cuối cùng, bất chấp nó phát ra bởi cái giọng lúc nào cũng dịu dàng đến vô lý. Những gì lão quan tâm vốn đã dừng lại ở quãng trước khi vào nhà tù; nói cách khác toàn bộ cuộc đời cô con gái đã trải qua, kể từ sau cú rơi khủng khiếp, không hề tồn tại trong tâm trí ông bố. Flora làm sao mà hiểu được rằng đối với lão tất cả chỉ mới là hôm qua; trong khi cô không biết làm sao để nói với lão về những gì sắp sửa xảy ra, lão đáp lại cô bằng những lo toan như thể những món nợ trong quá khứ chỉ chờ được giải quyết ngay lúc này. Lão sống vì cô, De Barral tuyên bố, nhưng chính xác thì đó là vì cô là dây nối duy nhất vào thời huy hoàng bị cắt ngang khi xưa. De Barral từng là cái tên gây kinh sợ cho những kẻ nghe nhắc đến, dù là giới tài phiệt hay những con người đạo đức như vợ chồng Fyne; sự lũng đoạn khủng khiếp, vô cùng táo bạo trong các vụ đầu cơ, tên tội phạm gây rúng động toàn xã hội, lại là người, vào thời điểm ấy, hoàn toàn thiển cận và hầu như có rất ít trí tưởng tượng. Nếu như lý tưởng cho các công cuộc quảng cáo là tìm cho được những từ khả dĩ cắn vào đầu óc của một số đông người nhất có thể thì De Barral đã làm được thật dễ với một đầu óc tầm thường vừa vặn. So với những tay tài chính thông thường, nhạy bén trước các mánh khóe với đầu óc con người và thường nuôi ham mê nghệ thuật què quặt, De Barral còn không đủ trí óc cho những trò đó; lão thấp kém đến nỗi bao trùm lão là cả một màn bí ẩn khiến đám tài chính khôn ngoan chẳng bao giờ biết lão sẽ làm gì tiếp theo. Trong khi bởi thiển cận mà lão bỏ mặc những gì đã vô tình gây dựng được, lão dồn hết vào các dự án viển vông lạ lùng mà khi bị phát giác mọi dấu vết đều chỉ ra sự tầm thường đến mức xúc phạm. Việc những dự đồ ấy bị chặn đứng không phải bởi sự thất bại tất yếu của chúng - điều lão chưa từng nghĩ đến như một khả năng nhỏ nhất kể từ ngày ra tòa cũng như suốt những ngày nghiền ngẫm trong tù - mà bởi một sự can thiệp của pháp luật khiến lão càng khăng khăng tin vào sự bất công. Ở đây xảy ra một sự đảo ngược khủng khiếp với vai trò lớn của nhà tù: toàn bộ những nỗi đau và uất ức của lão chỉ có thể tích tụ, và trí tưởng tượng vốn chẳng có mấy của lão giờ đây được nuôi dưỡng và thổi phồng đến độ dị hợm. Tất tật bị chặn đứng một lần nữa khi Flora bày tỏ với lão kế hoạch sắp tới: rời bỏ đất liền, cũng là bỏ toàn bộ những gì dở dang kia có lẽ lão chỉ chờ đến ngày nối lại, để sống trên biển. Các dự đồ dang dở, cuộc sống bị tước đoạt, những cơ hội bị chặn đứng cách bất công nhất... cảm giác uất ức về tất tật những điều ấy, mà kinh nghiệm về sự giày vò nó gây ra còn rất mới, giờ quay trở lại với lão ngay lập tức. Trí tưởng tượng bệnh hoạn bị ức chế của lão, hết sức tự nhiên, dành sự căm ghét cùng cực cho kẻ đã, sau lưng lão, chiếm lấy cô gái, tức là tước đi toàn bộ những gì mà lão hiểu rằng cô là dây nối duy nhất: cơ hội trở về với cuộc đời đã qua. Căn buồng trên tàu - thứ đã gây ra sự thay đổi vị trí các phòng, điều tối kỵ ở nơi mà nếp quen là vô cùng quan trọng - chỉ có thể là một nhà tù mới, và đương nhiên kẻ bày ra tất cả phải là tên cai ngục.
Conrad luôn luôn phản bác lại các ý kiến gán cho tiểu thuyết của ông những tiêu chí tuyệt đối: đạo đức, hiện thực, lãng mạn... có lẽ nhầm lẫn ấy tạo ra bởi ông hướng đến những mức lý tưởng trong các phẩm chất của con người và sự việc, không phải vì bản thân chúng mà để câu chuyện diễn ra trên nền những gì mà ở mức cao nhất các yếu tố đó có thể trình bày. Điều này còn được Conrad nêu rõ trong một bức thư [gửi Sidney Colvin năm 1917, đây cũng là người đã biên tập các tác phẩm và thư của Robert Louis Stevenson] rằng toàn bộ mối quan tâm của ông đều hướng đến giá trị ở mức lý tưởng của mọi thứ, các sự việc và con người, khi đặt chúng vào công việc sáng tạo; còn các khía cạnh hài hước, cảm thông, kích động... tự chúng xuất hiện sau đó. Bởi vậy có thể hiểu tại sao các nhân vật chính trong câu chuyện của Conrad, nhất là những khi nào có sự xuất hiện của một hoặc nhiều lời tường thuật, luôn trong trạng thái toàn bộ tâm trí bị chiếm trọn và ở vào một tình thế nơi những gì được bày ra thuộc về mức lý tưởng của chúng, cùng với những cái bóng của sự thực thu thập được, hành động của họ được diễn giải trên các dòng chảy đã cố định ấy. Ở May, khi tất cả đã lên tàu, ông già De Barral cùng với Anthony hình thành một cặp mà sự đối kháng khủng khiếp diễn ra tuyệt đối trên bình diện tâm lý. Powell, vốn dĩ thành thực và không thiên kiến bởi vị thế tay mơ của mình, rốt cuộc cũng không thể xác quyết sự bất đồng lơ lửng trên tàu có thể là gì; có lẽ toàn bộ những gì anh chàng phó hai trẻ tuổi thu thập được khả dĩ trỏ về phía bi kịch chỉ là một vài từ rỉ ra nơi De Barral hay sự rầy rà đến phát bực của lão phó nhất. De Barral chẳng quan tâm gì ngoài nỗi dằn vặt bởi cuộc sống bị tước đoạt, đến nỗi ngày đẹp trời chỉ có thể gây cho lão một nỗi xấu hổ vì còn sống, và nếu như nhà tù là nơi người ta bị nén trở lại với chính mình thì ở trên tàu tâm lý uất ức của De Barral bị nén đến hai lần; trong khi đó thuyền trưởng tự cầm tù mình bởi dục vọng hướng về phía Flora, nơi anh tuyệt vọng chờ đợi với cặp mắt mù một dấu hiệu. Chính bởi tình thế cấm ngặt các biểu đạt - ít nhất là cho đến khi bi kịch xảy ra - cùng với sự e dè mơ hồ họ tẩm độc bầu không khí bằng sự hiện diện của mình, nguồn động lực cho những ảo tưởng của họ bởi vậy chẳng bao giờ cạn kiệt.
Nhưng sự đối kháng của hai kẻ mà hào quang vây quanh đã đủ để người khác khựng lại ấy hoàn toàn phụ thuộc vào Flora. Qua những gì Marlow trình bày có thể nhận thấy một sự biến đổi lạ lùng trong tâm lý của cô gái, và kéo theo đó là vai trò của cô: Flora, thật kỳ lạ là chẳng còn bị giam cầm trong chính bản thân mình nữa, lại ở giữa hai kẻ bị cầm tù bởi các ảo tưởng lớn khủng khiếp. Và điều này thật quan trọng, cô hiểu, dẫu theo lối mù mờ đến đâu đi nữa thì đó hoàn toàn là một sự hiểu đúng, rằng sự cân bằng của tình thế đầy nguy cơ ấy chỉ có thể được giữ vững bằng cách không để lộ ra bất kỳ sự thiên vị hay một dấu hiệu bày tỏ nào khi cả ba ở cùng nhau. Làm sao lại có thể như thế, sự tự chủ đầy nhạy bén ấy của Flora đã đến từ đâu, trong khi chỉ mới cách đó không lâu cô phải khó khăn lắm mới nhìn thấy được một thứ gì ngoài tồn tại khốn khổ của chính mình? Nếu đây là điều mà Marlow dùng để minh chứng cho sự hiểu rõ thực tại của một phụ nữ, thì sự thay đổi ấy quả thật phi thường, thông qua khả năng chịu đựng kỳ diệu từng có lúc đã rất gần sụp đổ. Dường như việc Flora hoàn toàn chấp nhận thực tại không xảy ra trong một khoảnh khắc, với một đầu óc vốn luôn lơ lửng của cô, mọi thứ chỉ nhích lên dần dần... Flora hoảng hốt bỏ chạy khỏi con tàu, và ở trên bến, mắt cô mờ đi, tất tật nhà cửa, kho hàng, tàu thuyền đều lạ lẫm, méo mó và nguy hiểm... cô cảm thấy rõ hơn bao giờ hết mình không thuộc về thế giới này, nơi định mệnh của mọi thứ là phải đòi cho được một hình thức. Nhưng mười ngày sau đó, trong khi vẫn còn đau đớn vì sự phản bội kia - Anthony đi chệch khỏi lý tưởng mà cô gán cho anh, rằng chỉ thêm một sự chối bỏ nữa - sự thay đổi đã lấp ló: cô cảm thấy phải chấp nhận hoàn cảnh này mãi mãi và, cô muốn biết còn điều gì sẽ xảy ra. Những gì liên tiếp diễn ra sau đó làm cho vững thêm một vị thế mới, dẫu là sự từ chối thông cảm của Anthony hay sự phủ nhận thẳng thừng của ông bố. Và rồi trên con đường ra bến tàu, người ta thấy Flora, vốn từng lúc nào cũng trong tình cảnh như thể bị lôi đi, ra lệnh cho xe cứ tiếp tục chạy. Mọi thứ phải tiếp diễn với một quyết tâm kỳ lạ, để xem còn gì nữa... Khi đã ở trên tàu, cô dường đạt đến một mức tự chủ phi thường. Cuộc sống trên biển có lẽ phù hợp với cô; cô thật bình tĩnh trong tình thế lúc nào cũng căng thẳng đến độ bệnh hoạn trên tàu với một sự chịu đựng tuyệt hảo mà trong mắt Powell - một lần nữa, người không thiên vị cũng không tưởng tượng - cô hiện ra với vẻ điểm tĩnh tuyệt đối. Và rốt cuộc chính cô, bằng cách để lỏng đi sự tĩnh lặng bất biến ấy, đã vô tình quyết định bi kịch nghiêng về phía nào. Sự xuất hiện tình cờ của Powell đã chứng kiến khoảnh khắc hành vi tội ác được thực hiện, nhưng còn quan trọng hơn nhiều là điều mà Powell được để cho chứng kiến sau đó: Flora, trong cơn xúc cảm bùng phát, ôm chầm lấy Anthony. Một dấu hiệu thật cụ thể phóng vào bầu không khí chết chóc lơ lửng nhưng tuyệt không dấu vết, cả ly thuốc độc cũng được uống cạn; tình thế mơ hồ đầy nguy cơ ngay lập tức sụp đổ.
May không chỉ là cuốn tiểu thuyết về số phận của Flora mà còn trình bày nỗ lực tưởng tượng để tạo ra thực tại của Marlow, tức là chính sự viết. Biển - nơi thích hợp để chiêm nghiệm, và những suy tưởng của một hải nhân chỉ có thể hình thành dựa trên khoảng cách - là cõi sống của hải nhân, thế nên sự lần lữa trên bờ của Marlow dường gây thương cảm và khó hiểu. Nhưng công việc của trí tưởng tượng ấy, tức vẽ ra lý thuyết về các sự vị, vốn là thứ khả dĩ chống lại sự tồn tại nghèo nàn hình thức của con người, chắc hẳn chỉ gây ra một trạng thái bực dọc liên miên, nếu không nói là dẫn đến lầm lạc, khi người ta thiếu kiên nhẫn bám vào dấu vết của thực tại. Tưởng tượng và thực tại: dường như dự cảm của Conrad muốn chỉ ra rằng, bi kịch của con người xảy ra khi cái này không được nhìn thấy dưới ánh sáng của cái kia. Các tác phẩm của ông bắt đúng vào mạch của thực tại, bằng cách vạch ra các trục lý tưởng, không phải để trình bày chúng, mà dựa vào đó để tìm cách nối lại các dấu vết của thực tại. Văn chương ấy viết đi viết lại những câu chuyện về sự lầm lẫn các giá trị của con người. Chỉ vài năm sau khi May xuất bản, sự kiện lớn đầu tiên của thế kỷ hai mươi, với nguồn cơn âm ỉ từ lâu, thế chiến thứ nhất nổ ra. Hầu như tác phẩm của Conrad hiếm khi đề cập đến cuộc chiến ấy, nhưng phải thừa nhận rằng mọi thứ đều có thể tìm thấy ở đó. Trong suốt thế kỷ hai mươi bầu không khí của mọi sự kiện lớn đều phảng phất sự phi lý, và tất tật ở đó dường lặp lại những động cơ và tình thế mơ hồ của tồn tại con người mà ở ngay đầu thế kỷ đã được khám phá qua văn chương của Conrad.
Công Hiện
CôNghiện
Thomas de Quincey: Văn chương của biết và văn chương của năng
Stevenson: Các yếu tố kỹ thuật của phong cách
Thomas De Quincey gặp thần tượng
Trò chuyện với Isaac Bashevis Singer về Bruno Schulz
Stevenson: Biện bạch cho người ngồi không
Công Hiện: Văn chương Bruno Schulz
Gentleman cắn: niềm vui và nỗi đau