favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024
Next

Trò chuyện với Isaac Bashevis Singer về Bruno Schulz

28/12/2024 19:17

Philip Roth là một người Do Thái ở Mỹ viết bằng tiếng Anh. Ở đây, Roth trò chuyện với Issac Bashevis Singer, một người Do Thái viết về tiếng Yiddish (sau này di cư sang Mỹ) về Bruno Schulz, một người Do Thái viết bằng tiếng Ba Lan, nhưng gần như không bao giờ rời tỉnh nhỏ nơi mình ra đời. Cuộc trò chuyện, thực hiện năm 1976, rút ra từ tập Shoptalk: Chân dung một nhà văn, các đồng nghiệp và công trình của họ. 

 

Trò chuyện với Isaac Bashevis Singer về Bruno Schulz

- Philip Roth

Vài tháng sau lần đầu tôi đọc Bruno Schulz và quyết định đưa ông vào loạt bài của Penguin “Các nhà văn của một Châu Âu khác” [Writers from the Other Europe], tôi biết được rằng khi cuốn tiểu thuyết tự truyện của ông, Phố Cá Sấu [tên được chọn làm nhan đề cho tập Những hiệu quế trong bản dịch tiếng Anh], xuất hiện trong tiếng Anh cách đây mười bốn năm, nó đã được Isaac Bashevis Singer bình luận và khen ngợi. Vì Schulz và Singer sinh ra ở Ba Lan trong gia đình có bố mẹ Do Thái cách nhau mười hai năm – Schulz sinh năm 1892 tại thị trấn Drohobycz thuộc Galician, Singer ở Radzymin, gần Warsaw, năm 1904 – tôi gọi cho Singer, người tôi đã gặp xã giao một hai lần, và hỏi liệu có thể gặp ông để nói về Schulz và cuộc sống của một nhà văn Do Thái ở Ba Lan trong những thập kỷ khi cả hai đều trưởng thành ở đó với tư cách là nghệ sĩ. Cuộc gặp của chúng tôi diễn ra tại căn hộ ở Manhattan của Singer vào cuối tháng Mười một năm 1976.

Roth: Ông đọc Schulz lần đầu ở đây hay Ba Lan?

Singer: Tôi đọc ông ấy lần đầu ở Mỹ. Tôi phải nói với anh rằng, giống như nhiều nhà văn khác tôi tiếp cận một cuốn tiểu thuyết với ít nhiều ngờ vực; bởi phần lớn các nhà văn không thực sự viết tốt, tôi vẫn cho là khi tôi được gửi cho một quyển sách thì đó chẳng phải một quyển rất tuyệt. Và tôi đã ngạc nhiên ngay từ khi khởi sự đọc Schulz. Tôi tự nhủ, đây là một nhà văn hạng nhất.

Roth: Ông đã biết đến tên Schulz trước đó chưa?

Singer: Chưa, tôi còn chẳng biết đến tên Schulz. Tôi rời Ba Lan năm 1935. Schulz khi đó thực sự không được ai biết – và nếu có được biết đến thì tôi cũng không biết gì về ông ấy. Tôi chưa bao giờ nghe về ông ấy. Ấn tượng đầu tiên của tôi là người này viết giống Kafka. Có hai nhà văn mà người ta bảo là viết giống Kafka. Agnon là một [Shmuel Yosef Agnan]. Agnon từng nói rằng ông ấy chưa bao giờ đọc Kafka, nhưng người ta phải ngờ điều này. Quả thật đúng là ông ấy đã đọc Kafka, chẳng còn nghi ngờ gì chuyện này. Tôi không cho là ông ấy chịu ảnh hưởng bởi Kafka; luôn có khả năng hai hay ba người viết cùng một phong cách, trong cùng một tinh thần. Bởi vì không phải ai cũng hoàn toàn là độc nhất. Nếu Chúa có thể tạo ra một Kafka, Ngài có thể tạo ra ba Kafka, nếu Ngài có hứng làm thế. Nhưng càng đọc Schulz – có lẽ không nên nói thế – nhưng khi đọc ông ấy, tôi phải nói rằng ông ấy tuyệt hơn Kafka. Có sức mạnh lớn hơn trong một số câu chuyện của ông ấy. Ngoài ra ông ấy cũng rất tuyệt trong những chuyện vô lý, theo cách thông minh chứ không ngớ ngẩn. Tôi muốn nói rằng giữa Schulz và Kafka có thứ mà Goethe gọi là Wahlverwandtschaft, một sự thân thuộc của những tâm hồn mà anh chọn cho chính mình. Điều này có thể hoàn toàn đúng trong trường hợp của Schulz, và có thể ở mức nào đó cũng đúng với Agnon.

Roth: Với tôi dường như Schulz không thể để trí tưởng tượng ngoảnh đi khỏi bất kỳ thứ gì, bao gồm cả tác phẩm của các nhà văn khác, và đặc biệt là của một người như Kafka, người mà ông ấy dường có quan hệ mật thiết về bối cảnh và tính khí. Ngay trong Phố Cá Sấu ông hồi tưởng về quê nhà Drohobycz như một nơi tuyệt diệu và khủng khiếp hơn thực tế – một phần, như ông ấy nói, để được “giải thoát khỏi những hành hạ của sự buồn chán” – vậy thì, theo một cách nào đó, ông ấy đã hồi tưởng những mẩu của Kafka theo mục đích của riêng mình. Kafka có thể đã đưa vài ý tưởng khôi hài vào đầu Schulz, nhưng việc chúng phục vụ cho những mục đích khác có lẽ được minh họa rõ nhất bởi thực tế rằng trong quyển sách của Schulz nhân vật biến hình thành con gián không phải cậu con trai mà là ông bố. Hãy thử tưởng tượng là Kafka tưởng tượng ra điều đó. Không thể nào. Một số khuynh hướng nghệ thuật có thể là giống nhau, nhưng những khuynh hướng ấy lại liên quan đến những mong muốn hoàn toàn khác biệt. Như ông cũng biết, Schulz đã dịch The Trial [Der Prozess] sang tiếng Ba Lan năm 1936. Tôi không biết liệu Kafka có bao giờ được dịch sang tiếng Yiddish chưa.

Singer: Theo tôi biết thì chưa. Khi còn trẻ tôi đã đọc tác phẩm của các nhà văn trên thế giới bằng tiếng Yiddish; nếu Kafka có được dịch sang tiếng Yiddish, việc ấy hẳn phải diễn ra vào những năm ba mươi và tôi và tôi hẳn đã biết. Tôi e là không có bản dịch tiếng Yiddish nào. Hoặc cũng có thể đã có và tôi không biết về nó, trường hợp này có thể xảy ra.

Roth: Ông có biết về việc tại sao Schulz lại viết bằng tiếng Ba Lan mà không phải Yiddish không?

Singer: Rất có thể ông ấy được nuôi dưỡng trong một gia đình đã đồng hóa một nửa. Có lẽ cha mẹ ông ấy nói tiếng Ba Lan. Nhiều người Do Thái ở Ba Lan – sau khi Ba Lan giành độc lập, và thậm chí từ trước đó – đã nuôi dạy con cái họ bằng tiếng Ba Lan. Điều đó thậm chí cũng xảy ra ở phần Ba Lan thuộc Nga, nhưng đặc biệt là ở Galicia, phần của Ba Lan thuộc Áo và nơi mà người Ba Lan có một thứ quyền tự chủ và không bị đàn áp về mặt văn hóa. Thật tự nhiên khi những người bản thân họ nói tiếng Ba Lan nuôi dạy con cái theo cách này. Việc ấy tốt hay xấu tôi không biết. Nhưng bởi tiếng Ba Lan, có thể nói, là tiếng mẹ đẻ của ông ấy, Schulz không có lựa chọn khác, vì một nhà văn thực thụ sẽ viết không phải bằng ngôn ngữ được học mà bằng ngôn ngữ mà anh ta biết từ thời thơ ấu. Và đương nhiên, thế mạnh của Schulz là nằm ở ngôn ngữ. Tôi đọc ông ấy lần đầu trong tiếng Anh, và dù bản dịch rất tuyệt, khi tôi đọc ông ấy sau đó trong tiếng Ba Lan tôi thấy thế mạnh ấy rất rõ.

Roth: Schulz sinh ra trong gia đình Do Thái ở Ba Lan năm 1892. Ông sinh năm 1904. Liệu có phải là điều bất thường khi một người Do Thái Ba Lan ở thế hệ đó viết bằng tiếng Ba Lan, hoặc viết bằng tiếng Yiddish, giống như ông?

Singer: Người Do Thái có một số nhà văn quan trọng viết bằng tiếng Ba Lan, và tất cả họ đều ít nhiều sinh vào thời đó, những năm 1890. Antoni Slonimski, Julian Tuwim, Józef Wittlin – tất cả những nhà văn ấy đều cùng thời. Họ là những nhà văn giỏi, những nhà văn tài năng, nhưng không có gì đặc biệt. Một vài trong số họ, tuy vậy, rất giỏi tiếng Ba Lan. Tuwim là một bậc thầy tiếng Ba Lan. Slonimski là cháu trai của Chaim Zelig Slonimski, người sáng lập tờ báo Hebrew Hatsefira ở Warsaw. Slonimski được cha mẹ cải đạo sang Công giáo khi còn bé, trong khi Tuwim và Wittlin vẫn là người Do Thái, dù chỉ Do Thái trên danh nghĩa. Họ không liên quan đến các nhà văn Yiddish. Anh trai tôi, Israel Joshua Singer, sinh ra ít nhiều cùng thời, là một nhà văn Yiddish nổi tiếng ở Ba Lan và không có chút liên hệ nào với những nhà văn ấy. Còn tôi lúc ấy vẫn là tay mơ, ở Ba Lan, và chắc chắn không có liên hệ nào với họ. Nhà văn Yiddish chúng tôi coi họ là những người đã rời bỏ cội nguồn và văn hóa và trở thành một phần của văn hóa Ba Lan, thứ chúng tôi vốn coi là non trẻ và có lẽ kém quan trọng hơn văn hóa của chúng tôi. Họ cảm thấy rằng nhà văn Yiddish chúng tôi viết cho những người ngu dốt, những người khốn khổ, vô học thức, trong khi họ viết cho độc giả ở trường đại học. Bởi vậy chúng tôi từ cả hai phía đều có cớ đúng để khinh thường nhau. Dẫu sự thật là, họ không có lựa chọn khác và chúng tôi cũng không có lựa chọn khác. Họ không biết tiếng Yiddish, chúng tôi không biết tiếng Ba Lan. Dù tôi sinh ra ở Ba Lan, tiếng Ba Lan không gần gũi với tôi bằng tiếng Yiddish. Và tôi nói tiếng Ba Lan bằng một giọng riêng. Thực ra, tôi nói mọi ngôn ngữ đều bằng một giọng riêng.

Roth: Tiếng Yiddish thì không, hẳn thế?

Singer: Có đấy. Người Litvak bảo rằng tôi nói tiếng Yiddish bằng một giọng riêng.

Roth: Tôi muốn hỏi ông về Warsaw những năm ba mươi. Schulz học kiến trúc ở Lwów khi còn trẻ, và rồi, như tôi được biết, ông ấy trở về thị trấn Drohobycz ở Galician, nơi ông ấy dành phần đời còn lại dạy vẽ ở trường trung học. Ông ấy không rời Drohobycz một quãng đáng kể nào cho đến giữa hoặc cuối thập niên ba mươi, khi ông ấy đến Warsaw. Bầu không khí văn hóa ông ấy tìm thấy ở Warsaw vào lúc đó là thế nào?

Singer: Có hai điều cần nhớ về Schulz. Trước hết, ông ấy là một người khiêm tốn khủng khiếp. Chỉ riêng việc ông ở lại thị trấn ấy, nơi cách xa trung tâm của mọi thứ, đã cho thấy rằng ông vô cùng khiêm tốn, và cũng có phần sợ hãi. Ông ấy cảm thấy mình như một gã nhà quê sợ đến thành phố lớn và gặp những người nổi tiếng. Ông ấy sợ, rất có thể như vậy, rằng họ sẽ cười cợt hoặc phớt lờ ông. Tôi nghĩ người đàn ông này là một bó dây thần kinh. Ông ấy phải chịu đựng mọi nỗi ức chế mà một nhà văn có thể phải chịu. Khi anh nhìn vào bức hình của ông ấy anh thấy khuôn mặt một người không bao giờ yên ổn với cuộc sống. Cho tôi biết, Mr. Roth, ông ấy không kết hôn. Ông ấy có cô gái nào không?

Roth: Nếu những bức tranh ông ấy vẽ có hé lộ chút nào, tôi phải cho rằng ông ấy có những quan hệ kỳ lạ với phụ nữ. Một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong những bức tranh ấy mà tôi nhận thấy  là sự thống trị của đàn bà và sự quy phục của đàn ông. Có một sự khiêu dâm quái lạ, gần như là phô trương nơi một vài bức – những người đàn ông nhỏ thó, khẩn khoản trông không khác gì chính Schulz và những cô gái tuổi mới lớn vẻ xa cách, bán khỏa thân hoặc những cô bán hàng tô vẽ chải chuốt, đẹp như tượng. Họ nhắc tôi nhớ một chút đến thế giới khiêu dâm “rác rưởi” của một nhà văn Ba Lan khác, Witold Gombrowicz. Giống như Kafka, người cũng không kết hôn, Schulz được cho là đã có những trao đổi thư từ dài dặc và sôi nổi với phụ nữ và đã sống phần lớn cuộc đời tình ái của mình qua các bức thư. Jerzy Ficowski, người viết tiểu sử của ông ấy, đã viết phần giới thiệu cho ấn bản Penguin, nói rằng Phố Cá Sấu đã được bắt đầu như là một loạt các bức thư cho một người bạn nữ thân thiết. Theo Ficowski, chính nữ nhân này đã thúc Schulz – người thực sự vô cùng rụt rè – xem những bức thư ấy như một tác phẩm văn chương. Nhưng hãy trở lại với Schulz và Warsaw – đời sống văn hóa ở đó thế nào khi ông ấy đến đó vào giữa những năm ba mươi? Tâm trạng hay ý luận chủ đạo của các nhà văn và giới trí thức là gì?

Singer: Tôi phải nói rằng họ hẳn có cùng chuyển động như chúng ta ngày nay – một kiểu cánh tả. Điều này cũng đúng với các nhà văn Do Thái viết bằng tiếng Ba Lan. Họ đều là cánh tả hoặc được xem là cánh tả bởi những nhà văn Ba Lan già, những người này coi đám nhà văn Do Thái, thực chất, là những kẻ xâm phạm.

Roth: Bởi vì họ viết bằng tiếng Ba Lan?

Singer: Bởi vì họ viết bằng tiếng Ba Lan. Có lẽ người ta đã nói, “Thế quái nào mà họ không viết bằng thứ biệt ngữ của họ, tiếng Yiddish của họ – họ muốn gì ở đám Ba Lan chúng ta?” Tuy vậy, vào những năm ba mươi, những nhà văn Do Thái này trở nên rất quan trọng bất chấp phe thù địch. Thứ nhất, bởi họ là những nhà văn giỏi, dù không lớn; thứ hai, bởi họ theo cánh tả, vốn là xu hướng thời đó; và thứ ba, bởi họ hoạt động mạnh, họ xuất bản thường xuyên trên tạp chí Wiadomosci Literackie, họ viết cho rạp hát tạp kỹ, vân vân. Đôi khi những nhà văn Do Thái này viết những thứ nghe có vẻ bài-Do Thái với những người Do Thái. Đương nhiên tôi không đồng ý rằng đó là bài-Do Thái, vì vài tay phê bình cũng nói điều tượng tự về tôi. Dù tôi viết bằng tiếng Yiddish, họ bảo, “Sao lại viết về đám trộm cắp Do Thái và gái điếm Do Thái?” và tôi đáp, “Tôi phải viết về đám trộm cắp Tây Ban Nha và gái điếm Tây Ban Nha sao? Tôi viết về những tên trộm và những gái điếm mà tôi biết chứ.”

Roth: Khi ông viết bài ca ngợi sự Schulz trở lại năm 1963, ông đã có vài lời phê bình ông ấy. Ông nói rằng, “Nếu Schulz đồng nhất bản thân với những nhân vật của mình hơn, ông có lẽ đã không tốn quá nhiều sức lực cho việc bắt chước, nhại, và biếm họa.” Tôi thắc mắc liệu ông có muốn nói thêm về điều đó.

Singer: Tôi cảm thấy thế khi viết và tôi nghĩ lúc này tôi cũng cảm thấy đúng như vậy. Có rất nhiều giễu trong cách viết của cả Schulz và Kafka, dù ở Kafka sự giễu ngầm ẩn hơn. Tôi nghĩ rằng Schulz có đủ sức để viết những tiểu thuyết thực sự nghiêm túc nhưng thay vào đó lại viết một loại văn nhại. Và tôi nghĩ rằng về cơ bản ông ấy phát triển phong cách này là bởi ông ấy không thực sự thân thuộc với người Do Thái cũng như với người Ba Lan. Đây là một phong cách phần nào đặc trưng Kafka, bởi Kafka cũng cảm thấy mình chẳng có gốc rễ. Ông ấy là một người Do Thái viết tiếng Đức và sống ở Tiệp Khắc. Đúng là Kafka có thể đã đồng hóa nhiều hơn Schulz – ông không sống trong một thị trấn Do Thái như Drohobycz, nơi toàn người Hasidim [một nhánh của Do Thái giáo], và bố ông có lẽ còn đồng hóa nhiều hơn bố của Schulz, nhưng về cơ bản thì cũng vậy, và về phong cách thì cả hai ít nhiều giống nhau.

Roth: Có thể nghĩ về sự “không gốc rễ” của Schulz theo cách khác: không phải nó kìm hãm ông ấy viết những tiểu thuyết nghiêm túc mà là một điều kiện để tài năng và trí tưởng tượng đặc thù của ông ấy phát triển mạnh.

Singer: Phải, đương nhiên, đúng là như vậy. Nếu một tài năng thực sự không thể được nuôi dưỡng trực tiếp từ đất, anh ta sẽ được nuôi bằng thứ gì đó khác. Nhưng theo quan điểm của tôi, tôi muốn  thấy ông ấy như một nhà văn Yiddish hơn. Ông ấy hẳn chẳng phải lúc nào cũng có thể cự tuyệt và giễu như ông ấy vốn dĩ.

Roth: tôi thắc mắc liệu có phải thói cự tuyệt và giễu còn thúc Schulz nhiều hơn là sự buồn chán và chứng sợ không gian hẹp? Có lẽ thứ khiến ông ấy khởi sự cái được gọi là “cuộc phản công của huyễn tưởng” chính là việc ông là một người có vô vàn khiếu nghệ thuật và giàu trí tưởng tượng phải sống như một giáo viên trung học trong một thị trấn tỉnh nơi gia đình buôn bán. Ngoài ra, ông ấy còn là con trai của người cha được mô tả, ít nhất là những năm cuối đời, là một người điên hết sức thú vị nhưng đáng sợ, một “lãnh tụ dị giáo” vĩ đại, đầy mê hoặc, Schulz nói, “bởi các hình thức đáng ngờ và đầy mơ hồ.” Câu vừa rồi có lẽ cũng mô tả rất tốt bản thân Schulz, người mà tôi thấy dường hoàn toàn nhận thức được sự gần với điên, hay dị giáo, mà trí tưởng tượng đầy kích động của chính mình có thể đưa đến. Tôi không nghĩ rằng với Schulz, cũng như với Kafka, khó khăn lớn nhất là không thể hòa hợp với người này người kia, dù điều đó có lẽ gây thêm lắm rắc rối cho ông ấy. Từ bằng chứng của quyển sách này, có vẻ như Schulz khó có thể đồng nhất mình với cái thực, chứ đừng nói là người Do Thái. Người ta nhớ đến nhận xét của Kafka về những kết giao cộng đồng của ông: “Tôi có điểm gì chung với người Do Thái? Tôi hầu như không có điểm gì chung với chính mình và nên đứng thật lặng lẽ trong góc, hài lòng vì mình còn có thể thở được. Schulz không cần phải ở lại Drohobycz nếu ông ấy thấy ngột ngạt. Người ta có thể dọn đồ và đi. Ông ấy có thể ở lại Warsaw ngay khi ông rốt cuộc cũng đến đó. Nhưng có lẽ thứ môi trường ngột ngạt không thích hợp cho nhu cầu của con người này chính là thứ đã thổi hồn vào loại nghệ thuật của ông. Sự lên men là từ ông ưa thích. Có lẽ chỉ ở Drohobycz trí tưởng tượng của Schulz mới lên men được.

Singer: Tôi nghĩ cũng là bởi ở Warsaw ông ấy cảm thấy nên quay lại Drohobycz vì ở Warsaw mọi người đều nói, “Schulz là ai?” Các nhà văn không thực sự sẵn sàng trông thấy một chàng trai trẻ từ tỉnh lên rồi ngay lập tức bảo, “Cậu là anh em của chúng tôi, cậu là thầy giáo của chúng tôi” – họ không muốn làm thế. Rất có thể họ bảo, “Lại một tên phiền phức với một bản thảo.” Ông ấy cũng là một người Do Thái nữa. Và những nhà văn Do Thái ở Ba Lan kia, những người thực sự đang thống trị cõi văn chương, họ thận trọng với chuyện họ là người Do Thái.

Roth: Thận trọng theo cách nào?

Singer: Họ bị gọi là Do Thái bởi kẻ thù của họ, bởi những kẻ không ưa họ. Đây  là điều sỉ nhục muôn thuở. “Ông đang làm gì, Mr. Tuwin, với cái tên Hebrew của ông thế, viết bằng tiếng Ba Lan ư? Sao không quay về khu Do Thái với Israel Joshua Singer và những tên khác?” Mọi việc diễn ra theo cách ấy. Bởi vậy khi có thêm một người Do Thái viết bằng tiếng Ba Lan xuất hiện, họ  không thực sự thoải mái. Bởi thế là lại có thêm một đứa trẻ có vấn đề.

Roth: Tôi cứ nghĩ là dễ hòa nhập vào giới nghệ sĩ hay trí thức hơn là thế giới tư sản ở Warsaw.

Singer: Tôi phải nói là khó hơn nhiều. Tôi sẽ cho anh biết tại sao. Một luật sư Do Thái, nếu không muốn bị gọi là Levin hay Katz, có thể tự gọi bình là Levinski hay Kacinski và người ta không làm rầy nữa. Nhưng với một nhà văn thì người ta luôn dè chừng. Họ sẽ bảo, “Anh chẳng mắc mớ gì đến chúng tôi.” Tôi nghĩ có một vài điểm tương đồng nhỏ tồn tại ngay cả ở đất nước này với những nhà văn Do Thái viết bằng tiếng Anh và được chào đón bởi những người nói tiếng Anh. Không nhà văn nào ở đây sẽ bảo Saul Bellow hay anh, “Sao không viết bằng tiếng Yiddish, sao không quay về Đông Broadway?” Tuy nhiên, một phần rất nhỏ nào đó của những thứ như vậy vẫn tồn tại. Tôi nghĩ rằng có một số nhà văn bảo thủ hoặc nhà phê bình ở đây cho rằng anh không thực sự là nhà văn Mỹ. Tuy nhiên, ở đây các nhà văn Do Thái không thực sự xấu hổ vì là người Do Thái và không phải lúc nào họ cũng xin thứ lỗi. Ở kia, Ba Lan, có một bầu không khí của xin thứ lỗi. Ở đó họ cố thể hiện họ Ba Lan đến thế nào. Và dĩ nhiên họ cố hiểu tiếng Ba Lan còn hơn cả người Ba Lan, và họ đã thành công. Nhưng người Ba Lan vẫn nói rằng họ chẳng mắc mớ gì đến chúng tôi… Để tôi nói rõ hơn. Giả sử chúng ta có lúc này, ở đây, một goy [tên người Do Thái dùng để gọi những người không Do Thái] viết bằng tiếng Yiddish, nếu tay goy này thất bại, chúng ta sẽ để hắn yên. Nhưng nếu anh ta thành công lớn, chúng ta sẽ bảo, “Anh đang làm gì với tiếng Yiddish thế? Sao anh không quay lại với thứ tiếng goy của anh đi, chúng tôi không cần anh.”

Roth: Một người Do Thái Ba Lan thuộc thế hệ của ông viết bằng tiếng Ba Lan hẳn là một sinh vật kỳ lạ tương tự?

Singer: Hẳn vậy. Và giả như đã có nhiều người như vậy rồi, cứ cho là đã có sáu goy viết bằng tiếng Yiddish, và bỗng có thêm người thứ bảy…

Roth: Vâng, hiểu rồi. Ông đã làm nó sáng sủa hơn.

Singer: Tôi từng có lần ngồi tàu điện với nhà văn Yiddish S, một người để râu, và thời ấy, bốn mươi năm trước, rất ít người để râu. Ông ta thích phụ nữ, ông ta nhìn phía trước và ngồi đối diện là một phụ nữ trẻ, ông ta có vẻ rất hứng thú. Tôi ngồi bên cạnh và tôi nhận thấy điều đó – ông ta không thấy tôi. Đột nhiên ngay gần bên ông ta một người khác cũng có râu bước vào, và người này cũng nhìn cùng người phụ nữ kia. Khi S trông thấy một người có râu khác, ông ta đứng lên và bỏ đi. Ông ta đột nhiên nhận ra tình thế lố bịch của mình. Và người phụ nữ này, ngay khi người có râu sau bước vào, hẳn đã nghĩ, Cái quái gì đây, những hai tên râu dài?

Roth: Ông không để râu.

Singer: Không, không. Tôi cần có mọi thứ sao? Một cái đầu trọc rồi thêm một bộ râu?

Roth: Ông rời Ba Lan giữa thập niên ba mươi, vài năm trước khi Nazi xâm lược. Schulz vẫn ở lại Drohobycz và bị Nazi giết ở đó năm 1942. Khi đến đây để trò chuyện với ông, tôi đã nghĩ về cách ông, nhà văn Do Thái xuất thân Đông Âu được nuôi dưỡng nhiều nhất bởi thế giới Do Thái và rất gắn bó với nó, đã rời khỏi đó để đến Mỹ, trong khi những nhà văn Do Thái quan trọng khác cùng thế hệ của ông – những người Do Thái đã đồng hóa nhiều hơn, bị hút nhiều hơn vào dòng đương thời của nền văn hóa lớn hơn, những nhà văn như Schulz ở Ba Lan, Isaac Babel ở Nga, và, ở Tiệp Khắc, Jirí Weil, người đã viết một số câu chuyện đau thương nhất về Holocaust tôi từng đọc – bị tiêu diệt, theo cách này cách khác, bởi chủ nghĩa Quốc xã hoặc chủ nghĩa Stalin. Liệu tôi có thể hỏi rằng ai hay điều gì đã khuyến khích ông đi khỏi đó trước khi những sự kinh hoàng diễn ra? Sau rốt, việc một người bị lưu đày khỏi đất nước và ngôn ngữ bản địa của mình là điều mà hầu hết các nhà văn sợ hãi và có lẽ là điều miễn cưỡng nhất để làm cách tự nguyện. Tại sao ông làm thế?

Singer: Tôi có đủ mọi lý do để đi khỏi đó. Trước hết, tôi vô cùng bi quan. Tôi thấy rằng Hitler đã nắm quyền vào năm 1935 và ông ta dọa chiếm Ba Lan. Những tay phát xít như Göring đến Ba Lan để săn bắn và nghỉ dưỡng. Thứ hai, tôi làm việc cho báo Yiddish, và báo Yiddish thì liên tục sụp đổ – tôi hầu như không thể tồn tại. Và điều quan trọng nhất là anh trai tôi đã đến đây; anh ấy đã đi trước tôi khoảng hai năm. Vậy nên tôi có mọi lý do để chạy sang Mỹ.

Roth: Và, đi khỏi Ba Lan rồi, ông có sợ mất đi tiếp xúc với chất liệu của mình?

Singer: Dĩ nhiên, và nỗi sợ càng lớn hơn khi tôi đến đất nước này. Tôi đã đến đây và thấy rằng ai cũng nói tiếng Anh. Tôi muốn nói là, có một cuộc họp Haddassah, thế nên tôi đến và mong chờ được nghe tiếng Yiddish. Nhưng tôi đã đến và thấy khoảng hai trăm phụ nữ ngồi đó và tôi nghe thấy một từ: “delicious, delicious, delicious.” Tôi không biết đó là gì, nhưng không phải tiếng Yiddish. Tôi không biết họ ăn gì ở đó, nhưng hai trăm phụ nữ ngồi đấy và nói, “Delicious.” Nhân tiện, đây là thế giới nói tiếng Anh đầu tiên tôi biết. Ba Lan lúc ấy đã thật xa vời. Khi một người rất thân thiết với anh qua đời, trong một vài tuần đầu sau cái chết, người ấy cách xa anh nhất, xa nhất mà một người gần gũi có thể; chỉ sau nhiều năm người ấy mới trở nên gần hơn, và rồi anh hầu như có thể sống cùng người ấy. Điều này đã xảy ra với tôi. Ba Lan, cuộc sống Do Thái ở Ba Lan, giờ đây gần với tôi hơn hồi đó.

Công Hiện dịch

trò chuyện

 chỉ là để lại một dấu vết của tồn tại

Từ thực tại hiện nay, nó muốn trả lại nhịp điệu, dục vọng, hương vị, với sự tức thì ngẫu nhĩ của một Cellini, của một Defoe, của một kẻ ba hoa gặp được tại quán cà phê.

 năm, sáu bức thư mỗi tuần, từ suốt nhiều năm nay

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công