Thorstein Veblen: Tầng lớp nhàn rỗi (phần 3)
Tận hai tuần kể từ phần trước, hơi lâu rồi nhỉ. Nhưng marathon là như vậy: làm sao để không bị mất mạch, nhưng cũng để nhìn thấy những thế giới khác, đúng hơn là các tầng khác của thế giới mở ra, trong lúc ấy. Nghĩa là không được quá nhanh.
Marathon này - một lý thuyết, giống như ở kia, đúng hai năm trước - cũng là để thực sự đi vào một project mãi mới có thể bắt đầu và sẽ cần rất nhiều sức bền để có thể đi đến cùng. Cùng với phần 3 của Veblen là kỳ thứ ba của nó.
(kỳ thứ nhất & kỳ thứ hai)
Quay lại với Veblen, phần này là hai chương liên quan chặt chẽ với nhau. Tại sao, trong không ít hộ gia đình, người ta thấy cảnh một người đàn ông lao động cật lực chỉ để phụ nữ tiêu xài, và tại sao cả sự tiêu xài ấy vẫn phục vụ cho đàn ông? Tại sao, trong một số trường hợp (rất liên quan), người ta thà chết đói chứ nhất quyết không đụng tay làm việc? Tại sao một vị vua có nghĩa là thà chết thiêu chứ không chịu vi phạm hình thức đúng, làm mình ô uế bằng cách thò tay tự dời ghế của mình - việc mà kẻ hầu cận phải làm (cho nên không có vua mới là như thế).
Tầng lớp nhàn rỗi
- Thorstein Veblen
Chương III
Nhàn rỗi phô trương
Nếu không bị tác động bởi các lực kinh tế khác hoặc các yếu tố khác của quá trình cạnh tranh, tác động ngay lập tức của cuộc đấu tranh về tài sản như đã được mô tả sơ lược ở hai chương trước sẽ là khiến con người trở nên chăm chỉ và tiết kiệm. Kết quả này thực sự xảy ra ở một mức độ nào đó, đặc biệt là đối với các tầng lớp thấp hơn, những người mà phương tiện kiếm sống chính là lao động sản xuất. Điều này đặc biệt đúng với các tầng lớp lao động trong một cộng đồng định cư, đang ở giai đoạn nông nghiệp của sản xuất, với sự phân chia công việc khá rõ, ở đó, luật pháp và phong tục đảm bảo cho các tầng lớp này một phần sản phẩm từ lao động của họ. Các tầng lớp thấp hơn dù thế nào cũng không thể tránh khỏi lao động, do đó lao động với họ không phải là điều gì quá đáng chê trách, ít nhất là trong phạm vi tầng lớp của họ. Hơn nữa, vì lao động là lối sống được công nhận và chấp nhận của họ, họ còn có chút tự hào mang tính cạnh tranh về danh tiếng hiệu quả trong công việc, vì đó thường là con đường duy nhất mở ra cho họ. Đối với những người mà sự cạnh tranh chỉ có thể thể hiện trong hiệu quả sản xuất và tiết kiệm, cuộc ganh đua để đạt được danh tiếng về tài sản sẽ phần nào thúc đẩy điều đó. Tuy nhiên, một số đặc điểm phụ của quá trình cạnh tranh, sẽ được đề cập sau, sẽ hạn chế và làm thay đổi chính sự cạnh tranh dạng này, không chỉ ở tầng lớp thấp hơn mà cả ở tầng lớp cao hơn.
Với tầng lớp kinh tế cao hơn, mà chúng ta đang tập trung ở đây, động lực để chăm chỉ và tiết kiệm không hẳn là không có, nhưng nó bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các yêu cầu phụ của sự cạnh tranh về tài sản, đến mức mọi xung động theo hướng ấy hầu như bị lấn át và mọi động lực để siêng năng đều có xu hướng mất hiệu lực. Yêu cầu mạnh nhất trong những đòi hỏi phụ này, cũng là yêu cầu có phạm vi rộng nhất, là yêu cầu kiêng kỵ lao động sản xuất. Điều này đặc biệt đúng trong giai đoạn văn hóa dã man. Trong văn hóa săn mồi, lao động bắt đầu bị gắn với sự yếu đuối và sự lệ thuộc vào một ông chủ. Do đó, lao động trở thành dấu hiệu của sự thấp kém, và bị coi là không xứng đáng với người có địa vị cao nhất. Trong truyền thống ấy, lao động bị coi là hạ thấp phẩm giá, và truyền thống ấy chưa bao giờ biến mất. Ngược lại, cùng với sự phân hóa xã hội, nó đã có được sức mạnh mặc định nhờ tính cổ xưa không bị nghi ngờ.
Để đạt được và giữ vững sự tôn trọng của người khác, chỉ có tài sản hoặc quyền lực thôi thì không đủ. Tài sản hoặc quyền lực đó phải được phô bày, vì sự tôn trọng chỉ được ban dựa trên những gì thể hiện ra. Bằng chứng về tài sản không chỉ giúp khắc sâu và duy trì ý thức về tầm quan trọng của người sở hữu đối với những người khác, mà còn có tác dụng không kém trong việc củng cố và duy trì sự tự mãn của chính họ. Trong hầu hết các giai đoạn văn hóa, chỉ trừ những giai đoạn thấp nhất, một người được khuôn tạo bình thường sẽ thấy lòng tự trọng của mình được vuốt ve khi có "môi trường xung quanh đàng hoàng" và thoát khỏi những "việc tầm thường". Sự lệch bắt buộc khỏi tiêu chuẩn quen thuộc của họ, dù là trong tiện nghi cuộc sống hay trong loại và mức độ của hoạt động hằng ngày, đều bị coi như một sự sỉ nhục đối với phẩm giá họ, ngay cả khi không có sự cân nhắc có ý thức về sự đồng tình hay phản đối của những người xung quanh.
Sự phân biệt lý thuyết cổ xưa giữa thấp hèn và cao quý trong lối sống của con người vẫn giữ được nhiều sức mạnh ngày nay, đến mức hầu như không có ai thuộc tầng lớp thượng lưu mà không cảm thấy một sự ghê tởm bản năng đối với các hình thức lao động "tầm thường". Chúng ta cảm nhận một sự không sạch sẽ mang tính nghi lễ đặc thù gắn với những công việc mà trong thói quen suy nghĩ của chúng ta liên quan đến sự phục vụ thấp kém. Những người có cảm năng tinh tế đều cảm thấy rằng có một sự ô nhiễm tinh thần không thể tránh khỏi trong một số nhiệm vụ thông thường mà người giúp việc phải thực hiện. Môi trường thô thiển, những chốn cư trú hèn mạt (tức là ít tốn kém) và các công việc sản xuất tầm thường đều bị lên án và tránh né không do dự. Chúng không thể hòa hợp với một cuộc sống tinh thần đáng thỏa mãn - với "suy nghĩ bậc cao". Từ thời các triết gia Hy Lạp đến nay, một mức độ nhàn rỗi và miễn trừ khỏi các quy trình sản xuất cơ bản phục vụ nhu cầu hằng ngày của cuộc sống luôn được những người có suy nghĩ coi là điều kiện tiên quyết cho một cuộc sống xứng đáng và đẹp. Cuộc sống nhàn rỗi, cả trong khái niệm lẫn trong hệ quả của nó, đều là đẹp và cao quý trong mắt tất cả những người văn minh.
Giá trị trực tiếp và mang tính chủ quan của sự nhàn rỗi và những bằng chứng khác về tài sản phần lớn chỉ là thứ yếu và phát sinh. Một phần, đó là phản chiếu giá trị của nhàn rỗi như phương tiện để đạt được sự tôn trọng của người khác, phần khác, là kết quả của sự hoán vị trong tư duy. Lao động bị coi là bằng chứng quy ước của sự kém cỏi về sức mạnh; do đó, theo một lối tắt trong suy luận, tự thân nó trở thành thấp hèn.
Trong giai đoạn săn mồi và đặc biệt là trong những giai đoạn đầu của sự phát triển sản xuất bán hòa bình theo sau giai đoạn săn mồi, cuộc sống nhàn rỗi là bằng chứng dễ nhận thấy nhất và thuyết phục nhất về tài sản, và do đó về sức mạnh vượt trội, với điều kiện người nhàn rỗi có thể trưng bày cuộc sống dễ dàng và thoải mái của mình. Ở giai đoạn này, sự giàu có chủ yếu thể hiện ở nô lệ, và lợi ích thu được từ việc sở hữu tài sản và quyền lực phần lớn đến dưới hình thức phục dịch cá nhân và các sản phẩm trực tiếp của sự phục dịch cá nhân. Theo đó, sự kiêng kỵ lao động trở thành dấu hiệu quy ước của tài sản vượt trội và sự đáng kính và ngược lại, vì việc tham gia vào lao động sản xuất là dấu hiệu của sự nghèo khổ và lệ thuộc, nó trở nên không phù hợp với vị thế cao trong cộng đồng. Như vậy, thói quen lao động và tiết kiệm không phải lúc nào cũng được thúc đẩy bởi sự ganh đua tài sản. Ngược lại, loại ganh đua này gián tiếp không khuyến khích sự tham gia vào lao động sản xuất. Lao động, không thể khác, sẽ trở nên đáng xấu hổ, vì là bằng chứng cho địa vị thấp kém trong truyền thống cổ xưa, được truyền lại từ một giai đoạn văn hóa trước. Truyền thống cổ xưa của văn hóa săn mồi là cần tránh lao động sản xuất vì nó không xứng với những người đàn ông mạnh, và truyền thống này được củng cố thay vì bị loại bỏ trong quá trình chuyển từ lối sống săn mồi sang lối sống bán hòa bình.
Kể cả nếu tầng lớp nhàn rỗi không được hình thành cùng sự sở hữu cá nhân, thì do sự ô nhục gắn liền với lao động sản xuất, nó cũng sẽ xuất hiện như một trong những hệ quả sớm của sở hữu. Và cần lưu ý rằng dù tầng lớp nhàn rỗi tồn tại về mặt lý thuyết từ khi bắt đầu văn hóa săn mồi, thiết chế này chỉ có ý nghĩa mới và đầy đủ khi chuyển từ văn hóa săn mồi sang giai đoạn văn hóa tài sản kế tiếp. Từ thời điểm này trở đi, "tầng lớp nhàn rỗi" tồn tại không chỉ trên lý thuyết mà còn trong thực tế. Từ đây, thiết chế tầng lớp nhàn rỗi đạt được hình thức hoàn hảo của nó.
Trong giai đoạn săn mồi, phân biệt giữa tầng lớp nhàn rỗi và tầng lớp lao động ở một mức độ nào đó chỉ mang tính chất nghi lễ. Những người đàn ông khỏe mạnh kiêu hãnh tách mình khỏi những công việc mà họ cho là lao dịch hèn mọn; nhưng trên thực tế, hoạt động của họ vẫn đóng góp đáng kể vào sự sinh tồn của cả nhóm. Giai đoạn tiếp theo của sản xuất bán hòa bình thường được đặc trưng bởi sự hiện diện của chế độ chiếm hữu nô lệ, đàn gia súc và tầng lớp người chăn nuôi; sản xuất đã tiến bộ đến mức cộng đồng không còn phụ thuộc vào săn bắn hay bất kỳ hình thức hoạt động nào khác có thể xếp vào loại khai thác. Từ điểm này trở đi, đặc điểm nổi bật của cuộc sống tầng lớp nhàn rỗi là việc hiển nhiên thoát khỏi mọi lao động hữu ích.
Những công việc điển hình của tầng lớp này trong hình thức lịch sử trưởng thành của nó rất giống với giai đoạn trước. Đó là hoạt động cai trị, chiến tranh, săn bắn và nghi lễ tôn giáo. Những người quá câu nệ các chi tiết lý thuyết có thể cho rằng những hoạt động này vẫn còn gián tiếp mang tính "sản xuất" ở mức độ nào đó; nhưng điểm mang tính quyết định trong vấn đề này là động cơ thông thường và bề ngoài của tầng lớp nhàn rỗi khi tham gia vào những hoạt động này chắc chắn không phải để tăng thêm tài sản thông qua sản xuất. Ở giai đoạn văn hóa này, cũng như bất kỳ giai đoạn nào khác, hoạt động cai trị và chiến tranh, ít nhất một phần, được thực hiện nhằm gia tăng tài sản của những người tham gia, nhưng điều này đạt được qua phương pháp danh dự là chiếm đoạt và chuyển hóa. Những hoạt động này mang tính khai thác, không phải sản xuất. Cũng có thể nói như vậy về việc săn bắn, nhưng hơi khác. Khi cộng đồng chuyển khỏi giai đoạn săn bắn điển hình, hoạt động săn bắn dần phân hóa thành hai hướng riêng biệt. Một mặt, đó là một nghề chủ yếu để kiếm lợi, trong đó yếu tố khai thác hầu như vắng mặt, hoặc ít nhất không đủ để giải thoát nó khỏi sự phê phán là một việc kiếm lợi. Mặt khác, săn bắn cũng là một môn thể thao - một sự thể hiện đơn thuần của bản năng săn mồi. Hình thức này không có động cơ kiếm lợi đáng kể, nhưng lại có yếu tố khai thác rõ ràng. Chính sự phát triển này của hoạt động săn bắn - được thanh lọc khỏi mọi dấu vết của lao động "tầm thường" - mới thực sự xứng đáng và thuộc về kế hoạch cuộc sống của tầng lớp nhàn rỗi ở hình thức trưởng thành của nó.
Tránh né lao động không chỉ là một hành động danh giá mà dần dần trở thành điều kiện cần của sự đứng đắn. Trong những giai đoạn đầu của quá trình tích lũy của cải, sự khăng khăng nhấn mạnh vào tài sản như nền tảng của danh tiếng xã hội mang dáng vẻ ngây thơ và đầy áp chế. Tránh lao động là bằng chứng không thể chối cãi của sự giàu có và vì thế trở thành dấu hiệu quy ước của vị thế xã hội; và quy ước này khiến người ta càng nhấn mạnh sự nhàn rỗi. Nota notae est nota rei ipsius. Theo những quy luật đã được khẳng định của bản tính con người, các quy tắc xã hội hiện tại nắm lấy bằng chứng quy ước về sự giàu có và cố định nó vào thói quen tư duy như một sự cao quý tự thân; theo quy trình tương tự, lao động sản xuất trở thành sự thấp hèn tự thân theo hai nghĩa. Nó không chỉ là sự thấp hèn trong mắt cộng đồng mà còn trở thành hành vi không thể chấp nhận về mặt đạo đức đối với con người cao quý, tự do, và về cơ bản là hoàn toàn không phù hợp với một cuộc sống xứng đáng.
Quy tắc cấm lao động này còn có một hệ quả khác trong sự phân hóa sản xuất giữa các tầng lớp. Khi mật độ dân số tăng lên và nhóm săn mồi dần biến thành một cộng đồng sản xuất ổn định, quyền lực và phong tục điều hành sự sở hữu trở nên ngày càng nhất quán và có phạm vi rộng hơn. Lúc này, việc tích lũy của cải thông qua chiếm đoạt trở nên bất khả thi, và theo lô-gic đó, việc chiếm hữu bằng sản xuất cũng trở thành điều không thể đối với những người có tinh thần cao quý nhưng nghèo. Lựa chọn thay thế duy nhất dành cho họ là phải cậy nhờ hoặc chịu cảnh thiếu thốn. Ở bất cứ nơi nào mà quy tắc nhàn rỗi có cơ hội phát triển mà không bị cản trở, sẽ xuất hiện một tầng lớp nhàn rỗi thứ cấp và theo một nghĩa nào đó là giả - nghèo đến cùng cực, sống một cuộc sống bấp bênh trong cảnh đói khổ và bất tiện, nhưng đạo đức không cho phép hạ mình theo đuổi những công việc kiếm sống. Những quý ông suy tàn và những quý bà từng sống qua những ngày tươi đẹp hơn không phải là hiện tượng xa lạ, ngay cả trong hiện tại. Cảm giác về sự nhục nhã của những công việc lao động tay chân này quen thuộc với tất cả các dân tộc văn minh, cũng như với những dân tộc có văn hóa tài sản kém phát triển hơn. Ở những người có cảm năng tinh tế, đã quen với cung cách lịch thiệp, sự xấu hổ về lao động tay chân có thể mạnh đến mức, trong những tình huống nguy kịch, nó thậm chí còn lấn át cả bản năng sinh tồn. Chẳng hạn, người ta kể rằng có những tù trưởng Polynesia, dưới sức ép của hình thức đúng, đã chọn cách chịu đói thay vì tự tay đưa thức ăn lên miệng. Đúng là hành vi này có thể phần nào xuất phát từ tính thiêng hoặc cấm kỵ quá mức gắn liền với thân phận tù trưởng. Sự cấm kỵ được truyền qua sự tiếp xúc của đôi tay ông ta, khiến mọi thứ ông chạm vào không còn thích hợp làm thức ăn cho con người. Nhưng chính cấm kỵ này cũng là một dẫn xuất của sự không xứng đáng hay không thích hợp về mặt đạo đức của lao động; vì vậy, ngay cả khi được hiểu theo nghĩa cấm kỵ, hành vi của các tù trưởng Polynesia vẫn tương hợp với quy tắc của sự nhàn rỗi danh dự. Một minh họa tốt hơn, hoặc ít nhất là rõ ràng hơn, có thể được tìm thấy ở một vua Pháp, được cho là đã mất mạng vì có quá nhiều kiên định đạo đức trong việc tuân thủ hình thức đúng. Khi vắng người chức trách có nhiệm vụ dời ghế cho vua, vị vua này đã ngồi yên trước lò sưởi và để thân mình bị nướng, nhưng như vậy ông đã bảo vệ thanh danh cao quý nhất khỏi sự ô uế của việc chân tay. Summum crede nefas animam praeferre pudori, Et propter vitam vivendi perdere causas.
Như đã đề cập trước đây, thuật ngữ "nhàn rỗi" trong ngữ cảnh này không có nghĩa là lười biếng. Nó chỉ việc sử dụng thời gian theo cách không mang tính sản xuất, (1) do cảm giác về sự không xứng đáng của công việc sản xuất và (2) như một bằng chứng về tài sản đủ để duy trì một cuộc sống nhàn hạ. Tuy nhiên, không phải toàn bộ cuộc sống của một quý ông nhàn rỗi đều diễn ra trước mắt khán giả, những người cần được ấn tượng bởi màn trình diễn của sự nhàn rỗi danh dự, vốn là cốt lõi của cuộc đời anh ta theo lý tưởng. Một phần thời gian của anh ta tất nhiên được dành ở nơi không có sự chứng kiến của công chúng, và về phần thời gian này, để giữ vững danh tiếng của mình, quý ông nhàn rỗi nên có khả năng đưa ra một trình bày thuyết phục. Anh ta cần có bằng chứng về sự nhàn rỗi không được thể hiện ra. Điều này chỉ có thể được thực hiện gián tiếp, thông qua việc trưng bày một số kết quả cụ thể, bền vững của thời gian nhàn rỗi đã được sử dụng - tương tự như cách trưng bày những sản phẩm hữu hình, bền vững của lao động sản xuất do các lao động chân tay và người phục vụ anh ta thực hiện.
Bằng chứng bền vững của lao động sản xuất là sản phẩm vật chất của nó - thường là hàng hóa tiêu thụ. Tương tự, trong trường hợp khai thác, có thể dễ dàng có một kết quả hữu hình phục vụ cho việc trưng bày, dưới dạng chiến tích hoặc chiến lợi phẩm. Ở giai đoạn phát triển sau này, việc sử dụng huy hiệu danh dự tượng trưng cho chiến tích trở nên phổ biến, chúng không chỉ là dấu hiệu quy ước của sự khai thác mà còn chỉ ra mức độ hoặc số lượng chiến tích mà chúng đại diện. Khi dân số gia tăng và các mối quan hệ con người trở nên phức tạp hơn, mọi chi tiết của cuộc sống phải kinh qua quá trình phát triển và chọn lọc; trong quá trình này, việc trưng bày chiến tích phát triển thành một hệ thống cấp bậc, danh hiệu, và huy hiệu, điển hình là các huy chương và phần thưởng danh dự.
Xét từ quan điểm kinh tế, đời sống nhàn rỗi, khi được xem như một công việc, có sự tương đồng với đời sống khai thác; và thành tựu đặc trưng của một đời sống nhàn rỗi - tiêu chuẩn trang nhã của nó - có nhiều điểm chung với những chiến tích từ khai thác. Tuy nhiên, nhàn rỗi trong nghĩa hẹp, phân biệt với khai thác và với bất kỳ hình thức lao động sản xuất nào trên những đối tượng không có giá trị thực dụng, thường không để lại sản phẩm vật chất. Bằng chứng của một hành vi nhàn rỗi đã qua thường mang hình thức "phi vật chất". Bằng chứng phi vật chất này thường là các thành tựu có tính chất học thuật hoặc nghệ thuật, và kiến thức về các quy trình, sự vị không liên quan trực tiếp đến việc đảo bảo tồn tại. Ví dụ, trong thời đại của chúng ta, có kiến thức về các ngôn ngữ cổ, các khoa học huyền bí, về chính tả, cú pháp và thi luật; về các hình thức âm nhạc gia đình và các nghệ thuật nội thất khác; về mốt mới nhất của trang phục, đồ nội thất, và phương tiện di chuyển; về các trò chơi, săn bắn, và các loài động vật nuôi theo sở thích như chó săn và ngựa đua. Trong tất cả các lĩnh vực này, động cơ ban đầu dẫn đến sự lĩnh hội tri thức có thể là điều gì đó hoàn toàn khác với mong muốn thể hiện rằng thời gian không bị lãng phí vào lao động sản xuất; nhưng nếu những thành tựu này không chứng minh được giá trị của chúng như bằng chứng cho việc sử dụng thời gian không nhằm sản xuất, chúng sẽ không giữ được vị trí là thành tựu quy ước của tầng lớp nhàn rỗi.
Những thành tựu này có thể, trong một nghĩa nào đó, được xếp vào các nhánh của tri thức. Bên cạnh đó, có một loạt sự vị xã hội khác giao thoa giữa tri thức và kỹ năng cơ thể. Chẳng hạn nghệ thuật ứng xử, nghi thức xã giao và các nghi lễ nói chung. Những sự vị này thậm chí còn được coi trọng hơn và do đó thường được yêu cầu nghiêm ngặt hơn với tư cách bằng chứng của sự nhàn rỗi đáng kính. Điều đáng chú ý là tất cả những nghi thức được xếp vào loại phong cách ứng xử thường giữ một vị trí quan trọng hơn trong sự đánh giá của con người trong giai đoạn văn hóa mà nhàn rỗi nổi bật như một dấu hiệu của sự đáng kính, so với các giai đoạn sau của phát triển văn hóa. Người man rợ trong giai đoạn sản xuất gần hòa bình tuân thủ nghi thức ứng xử hơn nhiều các thời đại sau. Thực tế, ai cũng biết, ít nhất là tin, rằng cung cách cư xử đã thoái hóa nhiều kể từ khi xã hội lùi khỏi giai đoạn phụ quyền. Không ít các quý ông trường phái cũ đã phải than phiền về sự thiếu lịch thiệp của cả tầng lớp thượng lưu trong các cộng đồng hiện đại; và sự suy thoái của lễ nghi - hay còn gọi là sự thô tục hóa cuộc sống - trong các tầng lớp sản xuất đã trở thành một trong những điều đáng trách hơn cả của hiện đại trong mắt những người có cảm năng tinh tế. Sự suy thoái mà bộ quy tắc này đã phải chịu dưới tay một xã hội bận rộn là minh chứng cho sự thật rằng phong cách và nghi thức là sản phẩm và biểu hiện của tầng lớp nhàn rỗi và chỉ thực sự phát triển trong một xã hội dựa trên địa vị.
Nguồn gốc của cung cách chắc chắn không thể tìm thấy ở nỗ lực có ý thức của những người lịch thiệp trong việc thể hiện rằng họ đã dành nhiều thời gian để rèn luyện. Mục tiêu gần gũi nhất của việc sáng tạo và tinh chỉnh phong cách là nhằm đạt được hiệu quả cao hơn về mặt thẩm mỹ hoặc biểu đạt. Phần lớn bộ quy tắc nghi lễ và hành xử trang nhã nảy sinh và phát triển từ mong muốn hòa giải hoặc thể hiện thiện chí, như các nhà nhân học và xã hội học thường giả định, và động lực ban đầu này hiếm khi, nếu có khi nào, vắng mặt trong cách cư xử của những người lịch thiệp ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào về sau. Chúng ta được nghe rằng cung cách ứng xử một phần là sự tinh chỉnh của cử chỉ, và phần khác là sự tồn tại mang tính biểu tượng và quy ước của những hành động mang tính thống trị hoặc phục tùng trước đây. Phần lớn chúng là biểu hiện của quan hệ địa vị - một dạng kịch câm mang tính biểu tượng về quyền uy và phục tùng. Ở bất cứ nơi nào hiện nay mà lối tư duy của người săn mồi và thái độ thống trị hoặc phục tùng còn tồn tại và định hình một lối sống được chấp nhận, tầm quan trọng của các tiểu tiết trong ứng xử vẫn cực lớn, và sự cần mẫn trong việc tuân thủ nghi lễ liên quan đến địa vị và tước vị gần như đạt tới lý tưởng mà người man rợ của văn hóa du mục bán hòa bình đặt ra. Một số quốc gia lục địa châu Âu cung cấp những minh chứng rõ ràng về sự sống sót của tinh thần này. Trong những cộng đồng ấy, lý tưởng cổ xưa vẫn đủ uy quyền để khiến cung cách lịch thiệp được kính trọng như một giá trị nội tại.
Ban đầu, nghi lễ mang tính biểu tượng và kịch câm, chỉ có tác dụng thể hiện các sự vị và phẩm chất được biểu tượng hóa; nhưng nó đã nhanh chóng trải qua quá trình biến đổi thường thấy ở các sự vị mang tính biểu tượng trong giao tiếp giữa con người. Cung cách ứng xử dần có giá trị nội tại trong tâm thức chung, gần như một tính thiêng tách khỏi các sự vị mà chúng tượng trưng ban đầu. Việc lệch khỏi quy tắc trở nên đáng ghê tởm và ứng xử tốt không chỉ là một biểu hiện tình cờ của sự mẫn tiệp mà trở thành phần cốt yếu của phẩm giá con người. Có rất ít thứ khiến chúng ta ghê tởm theo lối bản năng như một sự vi phạm quy tắc ứng xử; và chúng ta đã tiến xa đến mức khó có thể tách rời một sự vi phạm lễ nghi khỏi cảm giác về nhân phẩm kém của người vi phạm. Bội tín có thể được tha thứ, nhưng vi phạm quy tắc ứng xử thì không. "Cung cách tạo nên con người."
Tuy nhiên, dù cung cách cư xử có tính hữu dụng nội tại đối với cả người thể hiện lẫn người quan sát, cảm giác về sự đúng đắn tự thân của lễ nghi chỉ là nền tảng gần nhất cho sự lên ngôi của sự lịch thiệp. Nền tảng sâu xa hơn về mặt kinh tế của chúng cần được tìm ở tính chất danh dự của sự nhàn hạ, hay việc tiêu tốn thời gian và nỗ lực theo lối không mang tính sản xuất. Hiểu biết và thói quen về "hình thức đúng" chỉ có thể đến từ việc thực hành liên tục trong thời gian dài. Những thị hiếu, phong cách ứng xử, thói quen sinh hoạt tinh tế là bằng chứng hữu ích về sự quý phái, bởi vì sự lịch thiệp đòi hỏi thời gian, sự tập trung và chi phí, và do đó không thể đạt được đối với những người mà thời gian và năng lượng bị chi phối bởi công việc thông thường. Kiến thức về "hình thức đúng" là bằng chứng ban đầu cho thấy phần cuộc sống không nằm trong tầm quan sát của công chúng đã được tiêu tốn một cách xứng đáng vào việc đạt được những kỹ năng không sinh lợi. Giá trị của sự lịch thiệp nằm ở chỗ chúng là minh chứng cho một cuộc sống nhàn hạ. Do đó, ngược lại, vì sự nhàn hạ là phương tiện mang lại danh tiếng về tài sản, việc đạt được một mức độ thông thạo nhất định trong lễ nghi là điều cần thiết đối với tất cả những ai mong muốn có được một vẻ đáng kính về tài sản.
Phần lớn của cuộc sống nhàn hạ không diễn ra trước mắt khán giả chỉ có thể phục vụ cho danh tiếng khi nó để lại kết quả hữu hình, có thể thấy và so sánh với những sản phẩm cùng loại của những người cùng cạnh tranh. Một số biểu hiện thuộc loại này - phong cách và điệu bộ nhàn nhã, đủng đỉnh v.v., xuất phát từ sự không làm gì liên tục, ngay cả khi chủ thể không suy nghĩ về vấn đề ấy và không cố tình tạo ra vẻ nhàn hạ quyền quý. Điều này đặc biệt đúng khi một cuộc sống nhàn hạ được duy trì qua nhiều thế hệ để lại dấu ấn lâu dài, dễ thấy trên ngoại hình và đặc biệt là trong tư thế và phong thái quen thuộc của một người. Tuy nhiên, tất cả những biểu hiện của cuộc sống nhàn hạ dồn tích và sự thông thạo về lễ nghi thông qua thói quen thụ động còn có thể được cải thiện thông qua suy nghĩ kỹ lưỡng và nỗ lực đạt được những dấu hiệu danh dự của sự nhàn hạ, sau đó đưa việc thể hiện những dấu hiệu này ra thành một kỷ luật nghiêm túc và có hệ thống. Sự chăm chỉ và một hầu bao mạnh có thể thúc đẩy đáng kể việc đạt được sự thông thạo các đặc tính của tầng lớp nhàn rỗi. Đồng thời, mức độ thành thạo càng cao và bằng chứng càng rõ ràng về sự quen thuộc lễ nghi thì càng chứng tỏ sự tiêu tốn thời gian và tài sản để đạt được chúng, từ đó nâng cao uy tín. Dưới sự cạnh tranh để giỏi trong phong cách ứng xử, việc chăm chút vào rèn luyện thói quen lễ nghi trở nên phổ biến và các chi tiết của lễ nghi phát triển thành một kỷ luật toàn diện, mà sự tuân thủ nó được yêu cầu từ tất cả những ai muốn giữ mình không bị chỉ trích về mặt danh tiếng. Từ đây, sự nhàn rỗi phô trương mà lễ nghi là một nhánh của nó dần trở thành một cuộc huấn luyện khắt khe về cách cư xử và một sự giáo dục về cảm năng cùng khả năng phân biệt xem những sản phẩm nào là phù hợp với lễ nghi và những phương pháp tiêu thụ nào là phù hợp.
Trong mối liên hệ này, cần lưu ý rằng khả năng tạo ra những dị biệt về tâm lý hay cung cách thông qua bắt chước tinh vi và huấn luyện có hệ thống đã được tận dụng trong việc sản sinh ra một tầng lớp văn hóa - và thường mang lại kết quả rất tích cực. Bằng cách này, thông qua quá trình thường được gọi một cách thô tục là "trưởng giả học làm sang", một sự tiến hóa rút ngắn của dòng dõi và cung cách quý phái đã được thực hiện đối với một số gia đình và dòng tộc. Kiểu dòng dõi rút ngắn này đem lại những kết quả mà xét về độ hữu ích trong trưng bày thì không kém gì những gia đình đã có thời gian đào tạo dài hơn nhưng ít nỗ lực tập trung hơn.
Thêm nữa, có những mức độ khác nhau về sự tuân thủ các quy tắc mới nhất liên quan đến phương thức và cách thức tiêu thụ trang nhã. Sự khác biệt giữa người này và người khác trong mức độ tuân thủ các lý tưởng ấy là có thể so sánh, và người ta có thể được xếp hạng và phân loại một cách chính xác theo một thang bậc về cung cách và dòng dõi. Danh tiếng trong lĩnh vực này thường được trao với một lòng tin mặc định, chủ yếu dựa trên mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn cảm năng đã được chấp nhận mà không chủ tâm điều tra địa vị tài sản hay mức độ nhàn rỗi của từng ứng viên. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn cảm năng chi phối danh tiếng luôn nằm dưới sự giám sát của luật về sự nhàn rỗi phô trương và thực tế luôn trải qua những thay đổi và điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu của luật này. Vì vậy, tuy lý do trực tiếp của sự phân biệt có thể khác nhau, nguyên tắc chi phối và tiêu chuẩn cuối cùng của sự quý phái vẫn là phải lãng phí thời gian một cách rõ ràng và đáng kể. Các chi tiết có thể có biến thể trong phạm vi của nguyên tắc này, nhưng chúng chỉ là những biến thể về cách thể hiện, chứ không phải về nội dung.
Phần lớn sự lịch thiệp trong giao tiếp hàng ngày dĩ nhiên là sự thể hiện trực tiếp của sự cân nhắc và thiện chí, và thường không phải quy sự lịch thiệp về bất kỳ nền tảng danh giá nào để giải thích sự hiện diện của nó hay sự tán thưởng mà nó nhận được; tuy nhiên, điều này không đúng với bộ quy tắc về phong thái. Những quy tắc này là biểu hiện của địa vị. Điều này rõ ràng với bất kỳ ai sẵn lòng nhìn nhận rằng thái độ của chúng ta đối với những người hầu hạ hoặc những kẻ phụ thuộc về mặt kinh tế thường là thái độ của người ở vị trí cao hơn trong mối quan hệ địa vị, dù cách thể hiện đã được làm mềm đi rất nhiều so với biểu hiện nguyên thủy của sự thống trị thô thiển. Tương tự, thái độ của chúng ta đối với những người ở vị trí cao hơn và phần lớn đối với những người ngang hàng cũng thể hiện một sự phục tùng đã được quy chuẩn hóa ít nhiều. Hãy chú ý đến sự hiện diện uy nghi của một quý ông hay quý bà cao quý, người không chỉ thể hiện sự thống trị và độc lập với hoàn cảnh kinh tế mà còn làm rung động cảm giác về sự đúng đắn và lịch lãm của chúng ta một cách thuyết phục. Trong tầng lớp nhàn rỗi cao nhất này - những người không có ai cao hơn và chỉ có rất ít ngang hàng - phong thái đạt được biểu hiện đầy đủ và trưởng thành nhất; và cũng chính tầng lớp này là nơi định hình các quy tắc hành xử cho các tầng lớp bên dưới. Tại đây, quy tắc rõ ràng là một quy tắc về địa vị và thể hiện rõ nhất sự không tương thích của nó với mọi công việc sản xuất thô thiển. Một sự điềm nhiên thiên bẩm và một vẻ ung dung uy quyền, như của một người đã quen với việc yêu cầu sự phục tùng và không lo lắng về ngày mai, là quyền thừa kế và tiêu chuẩn của một quý ông bậc cao; và trong sự kính sợ của số đông, phong thái này còn có trọng lượng hơn, bởi nó được coi là thuộc tính của giá trị tối cao, trước điều đó, những người sinh ra trong tầng lớp thấp hơn vui lòng cúi mình phục tùng.
Như đã được đề cập trong một chương trước, có lý do để tin rằng thiết chế sở hữu bắt đầu với việc sở hữu con người, trước tiên là phụ nữ. Những động lực để sở hữu loại tài sản này bao gồm: (1) khuynh hướng thống trị và cưỡng chế; (2) giá trị của những người này như là minh chứng cho sự dũng mãnh của người chủ; (3) giá trị từ sự phục dịch của họ.
Sự phục dịch giữ một vị trí đặc biệt trong sự phát triển kinh tế. Trong thời kỳ sản xuất nửa hòa bình, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, sự phục dịch của những người này thường là động lực chính trong việc sở hữu tài sản con người. Người hầu được coi trọng vì sự phục dịch của họ. Tuy nhiên, sự thống trị của động lực này không phải là do sự suy giảm về tầm quan trọng tuyệt đối của hai giá trị còn lại mà người hầu sở hữu. Chính hoàn cảnh đời sống thay đổi mới là nguyên nhân làm nổi bật giá trị phục dịch này. Phụ nữ và những nô lệ khác được coi trọng như là bằng chứng cho sự giàu có và phương tiện tích lũy của cải. Nếu đó là bộ lạc chăn nuôi thì họ, cùng với gia súc, là hình thức đầu tư phổ biến nhất để sinh lời. Ở chừng mực nào đó, nô lệ nữ định hình đời sống kinh tế của văn hóa nửa hòa bình, đến mức phụ nữ trở thành đơn vị giá trị giữa các dân tộc - như đã thấy trong thời Homer. Khi điều này xảy ra, hệ thống sản xuất chắc chắn dựa trên chế độ chiếm hữu nô lệ, và phụ nữ thường là nô lệ. Quan hệ con người chủ đạo trong một hệ thống như vậy là quan hệ giữa chủ và nô lệ. Bằng chứng được chấp nhận của sự giàu có là việc sở hữu nhiều phụ nữ, và dần dần cũng là sở hữu những nô lệ khác phục vụ cho chủ nhân và sản xuất hàng hóa cho ông ta.
Một sự phân chia lao động dần dần xuất hiện, theo đó phục dịch cá nhân và chăm sóc chủ nhân trở thành nhiệm vụ đặc biệt của một bộ phận nô lệ, trong khi những người hoàn toàn tham gia vào các công việc sản xuất đúng nghĩa dần dần bị tách xa khỏi mọi liên hệ trực tiếp với người chủ của họ. Đồng thời, những nô lệ có nhiệm vụ phục dịch cá nhân, bao gồm cả các công việc gia đình, dần được miễn khỏi các công việc sản xuất nhằm mục đích kiếm lời.
Quá trình miễn trừ dần này thường bắt đầu với người vợ, hoặc người vợ cả. Khi cộng đồng đã đạt đến lối sống ổn định, việc bắt vợ từ các bộ tộc thù địch trở nên không còn khả thi như một nguồn cung nô lệ thông thường. Ở những nơi đã đạt được bước tiến văn hóa này, người vợ cả thường thuộc dòng dõi quý tộc, và chính điều này sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc miễn trừ cô ta khỏi những việc tầm thường. Đây không phải là chỗ để nói sâu về nguồn gốc của khái niệm dòng máu quý tộc cũng như vị trí của nó trong sự phát triển của hôn nhân. Đối với vấn đề đang bàn, chỉ cần nói ngắn gọn rằng dòng máu quý tộc là dòng máu đã được nâng cao thông qua tiếp xúc lâu dài với của cải tích lũy hoặc quyền thế không bị gián đoạn. Người phụ nữ có nguồn gốc như vậy được chuộng trong hôn nhân, vừa vì liên minh với họ hàng quyền thế của cô ta vừa vì giá trị vượt trội được cảm nhận từ dòng máu đã gắn với nhiều tài sản và quyền lực lớn. Cô ta vẫn là tài sản của chồng, giống như cô từng là tài sản của cha trước khi được mua, nhưng đồng thời cô ta cũng mang dòng máu quý tộc của cha mình; do đó, sẽ có sự mâu thuẫn về đạo đức nếu cô ta tham gia vào công việc hạ cấp của những nô lệ khác. Dù cô ta hoàn toàn phụ thuộc vào chủ nhân và dù thua kém so với các thành viên nam trong tầng lớp xã hội mà nơi sinh của cô đã đặt cô vào, nguyên tắc rằng dòng máu quý tộc có thể truyền thừa vẫn nâng cô lên trên tầng lớp nô lệ thông thường; và ngay khi nguyên tắc này đạt được quyền lực quy ước, nó sẽ dần dần trao cho cô một phần nào đặc quyền của sự nhàn hạ, vốn là dấu hiệu chính của quý tộc. Được thúc đẩy bởi nguyên tắc truyền thừa dòng máu quý tộc này, sự miễn trừ của người vợ sẽ ngày càng mở rộng, nếu sự giàu có của người chủ cho phép, cho đến khi nó bao gồm cả việc miễn trừ khỏi mọi việc thủ công. Khi sản xuất tiếp tục phát triểnvà tài sản tập trung vào càng ít người, tiêu chuẩn tài sản quy ước của tầng lớp thượng lưu ngày càng cao. Xu hướng miễn trừ khỏi việc thủ công, và theo thời gian là khỏi các công việc gia đình tầm thường, sau đó cũng sẽ được áp dụng đối với những người vợ khác, nếu có, và đối với cả các nô lệ chăm sóc trực tiếp cho chủ nhân. Nô lệ ở càng xa con người chủ nhân thì sự miễn trừ này càng đến muộn.
Nếu tài sản của chủ nhân cho phép, sự phát triển của một tầng lớp chuyên biệt gồm những người phục dịch trực tiếp hay phục dịch thân cận cũng được thúc đẩy bởi tầm quan trọng lớn lao mà sự phục dịch này mang lại. Con người ông chủ - hiện thân của giá trị và danh dự - có vị trí tối quan trọng. Hết sức cần thiết, việc có những người phục dịch hiệu quả, chuyên biệt, luôn sẵn sàng mà không bị phân tán bởi các công việc khác, để giữ vị thế đáng kính trong cộng đồng lẫn lòng tự trọng của chủ nhân. Những người phục dịch này hữu ích ở khía cạnh thể hiện sự giàu có hơn là trong thực tế công việc. Trong chừng mực họ không chỉ tồn tại để trưng bày, họ mang lại niềm thỏa mãn cho chủ nhân chủ yếu bằng cách tạo điều kiện cho ông ta thể hiện xu hướng thống trị của mình. Đúng là việc quản lý các vật dụng ngày càng nhiều trong nhà có thể đòi hỏi thêm lao động, nhưng vì những vật dụng này thường được tăng thêm chủ yếu để làm phương tiện tạo dựng uy tín thay vì chỉ để phục vụ sự thoải mái nên vấn đề này không có trọng lượng lớn. Tất cả đều được cải thiện khi có nhiều người phục dịch chuyên biệt hơn. Do đó, kết quả là sự phân hóa và gia tăng số lượng người phục dịch trong nhà, cùng với việc ngày càng có nhiều người phục dịch được miễn khỏi công việc sản xuất. Vì đóng vai trò minh chứng cho tài sản, những người phục dịch này ngày càng ít nhiệm vụ và cuối cùng, sự phục dịch của họ chỉ còn mang tính tượng trưng. Điều này đặc biệt đúng đối với những người phục dịch gần nhất với chủ nhân. Giá trị của họ phần lớn nằm ở việc họ được miễn khỏi lao động sản xuất và bằng chứng mà điều này cung cấp về sự giàu có và quyền lực của chủ nhân.
Sau khi đã đạt được một mức tiến bộ đáng kể trong việc sử dụng một đội ngũ phục dịch chuyên biệt để thể hiện sự nhàn rỗi đáng kính, người ta bắt đầu ưu ái nam giới hơn phụ nữ cho những công việc bắt họ phải xuất hiện trước mắt người khác. Đàn ông, đặc biệt là những người lực lưỡng, khôi ngô, rõ ràng mạnh mẽ và tốn kém hơn phụ nữ. Họ phù hợp hơn cho công việc này, bởi họ thể hiện một sự lãng phí lớn hơn về thời gian và sức lao động. Do đó, trong kinh tế của tầng lớp nhàn rỗi, người nội trợ bận rộn trong những ngày đầu của chế độ phụ hệ cùng với đội ngũ nữ tì cần cù dần được thay thế bởi hình ảnh quý bà nhàn hạ và người phục dịch nam.
Ở mọi cấp bậc và vị trí trong xã hội, và ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình phát triển kinh tế, sự nhàn rỗi của các quý bà và người hầu khác với sự nhàn rỗi của những quý ông thực thụ ở chỗ nó là một loại hình hoạt động mang tính chất lao động rõ rệt. Sự nhàn rỗi này chủ yếu dưới hình thức chăm sóc tỉ mỉ cho việc phục dịch chủ nhân, hoặc duy trì và trau chuốt các vật dụng trong gia đình; vì vậy, nó chỉ được coi là nhàn rỗi ở nghĩa là hầu như không có công việc sản xuất thực sự nào được thực hiện bởi tầng lớp này, chứ không phải ở nghĩa là họ tránh hoàn toàn mọi dấu hiệu của lao động. Các công việc mà các quý bà hoặc những người phục dịch trong nhà thực hiện thường rất nặng nhọc, và chúng cũng thường hướng đến những mục tiêu được coi là rất cần thiết cho sự thoải mái của cả gia đình. Xét ở góc độ mang lại hiệu quả về mặt thể chất hoặc tiện nghi cho chủ nhân hay phần còn lại của gia đình, chúng phải được coi là công việc sản xuất thực sự. Chỉ phần còn lại, sau khi đã trừ đi những công việc hiệu quả này, mới được xếp vào loại nhàn rỗi.
Tuy nhiên, nhiều sự phục dịch vẫn được xếp vào nhóm "chăm sóc gia đình" trong cuộc sống hiện đại và nhiều "tiện ích" cần thiết cho cuộc sống thoải mái của con người văn minh lại mang tính nghi thức và thực ra thuộc vào loại nhàn rỗi theo định nghĩa ở đây. Chúng có thể không kém phần cần thiết từ góc độ của một cuộc sống đàng hoàng; chúng có thể còn rất cần thiết cho sự thoải mái cá nhân, mặc dù chủ yếu hoặc hoàn toàn mang tính nghi thức. Nhưng ở chừng mực mà chúng mang tính nghi thức, chúng là bắt buộc và cần thiết vì chúng ta đã được dạy phải coi trọng chúng, vì phải tránh sự "không sạch sẽ" hay "không xứng đáng". Chúng ta cảm thấy bất tiện khi không có chúng, nhưng không phải vì sự vắng mặt của chúng gây ra bất tiện thể chất trực tiếp; và một cảm quan không được rèn luyện để phân biệt giữa cái tốt và cái xấu theo quy ước sẽ không thấy khó chịu khi chúng bị bỏ qua. Trong trường hợp ấy, lao động dành cho những chăm chút này được xếp vào loại nhàn rỗi; và khi được thực hiện bởi những người khác ngoài chủ nhân tự do về kinh tế, chúng được coi là sự nhàn rỗi mang tính chất đại diện.
Sự nhàn rỗi mang tính chất đại diện mà các bà nội trợ và người hầu thực hiện dưới danh nghĩa chăm sóc gia đình có thể thường phát triển thành sự lao dịch, đặc biệt khi cạnh tranh cho sự danh giá ngày càng căng thẳng. Điều này thường xảy ra trong cuộc sống hiện đại. Khi đó, những sự chăm sóc gia đình, bao gồm nhiệm vụ của tầng lớp phục dịch này có thể được gọi chính xác là những nỗ lực lãng phí, thay vì sự nhàn rỗi mang tính đại diện. Nhưng thuật ngữ sau có lợi thế là chỉ ra sự phát sinh của những công việc gia đình này, cũng như gợi lên lý do kinh tế thực sự đằng sau vẻ tiện ích của chúng; bởi vì những hoạt động này chủ yếu có giá trị như một phương pháp gán sự danh giá về tài sản cho chủ nhân hoặc cho cả gia đình, dựa trên thực tế là một lượng thời gian và công sức nhất định đã bị phung phí rõ ràng.
Như vậy, một tầng lớp nhàn rỗi thứ cấp hoặc phái sinh xuất hiện, với nhiệm vụ thực hiện sự nhàn rỗi đại diện nhằm phục vụ cho danh giá của tầng lớp nhàn rỗi chính yếu. Tầng lớp nhàn rỗi đại diện này được phân biệt với tầng lớp nhàn rỗi thực thụ qua lối sống thường nhật của nó. Sự nhàn rỗi của tầng lớp chủ nhân, ít nhất về mặt hình thức, là sự hưởng thụ một xu hướng tránh né lao động và được cho là tăng cường sự thịnh vượng và chất lượng cuộc sống; nhưng sự nhàn rỗi của tầng lớp người hầu được miễn trừ khỏi lao động sản xuất, theo một cách nào đó, là một sự thực thi bắt buộc và không hướng đến sự thoải mái của chính họ. Sự nhàn rỗi của người hầu không phải là nhàn rỗi của họ. Nếu họ thực sự là người hầu, và không đồng thời là thành viên của một tầng lớp nhàn rỗi thấp kém hơn, thì sự nhàn rỗi của họ thường được che giấu dưới hình thức một sự phục dịch chuyên biệt cho sự thịnh vượng của chủ nhân. Bằng chứng về mối quan hệ phục tùng này rõ ràng có thể thấy trong cung cách và lối sống của người hầu. Điều tương tự cũng thường đúng với người vợ trong suốt giai đoạn kinh tế kéo dài mà cô ta vẫn còn chủ yếu là một người phục dịch - nghĩa là, miễn là gia đình với người đàn ông đứng đầu vẫn tồn tại. Để đáp ứng các yêu cầu trong chế độ sống của tầng lớp nhàn rỗi, người hầu phải thể hiện không chỉ thái độ phục tùng mà còn cả hiệu quả của việc được đào tạo và thực hành chuyên biệt về phục tùng. Người hầu hoặc người vợ không chỉ phải thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, theo đúng tư thế nô lệ, mà còn phải thể hiện sự thành thạo các chiến thuật phục tùng - sự tuân thủ được huấn luyện kỹ càng theo quy tắc. Ngay cả ngày nay, kỹ năng thuần thục trong việc thể hiện mối quan hệ phục tùng này vẫn là yếu tố chính tạo nên giá trị của những người hầu được trả lương cao, cũng như là một trong những trang sức chủ yếu của một người vợ gia giáo.
Yêu cầu đầu tiên của một người hầu tốt là phải biết rõ vị trí của mình và biết thể hiện điều đó theo đúng phép. Không chỉ phải biết cách đạt được kết quả mong muốn về mặt cơ học mà còn phải biết cách thực hiện những kết quả này theo hình thức đúng. Sự phục vụ trong gia đình có thể được coi là một chức năng tinh thần hơn là cơ học. Dần dần, một hệ thống phức tạp của hình thức đúng phát triển, quy định cụ thể cách thức thể hiện sự nhàn rỗi đại diện của tầng lớp người hầu. Bất kỳ sai lệch nào khỏi những quy tắc này đều bị đánh giá thấp, không phải vì nó cho thấy sự thiếu sót về hiệu quả cơ học hay sự thiếu thái độ và tính cách phục tùng, mà vì nó thể hiện sự thiếu huấn luyện chuyên biệt. Việc huấn luyện chuyên biệt trong phục dịch cá nhân tốn thời gian và công sức, và sự hiện hữu rõ ràng, ở trình độ cao của nó cho thấy người hầu sở hữu nó không hoặc chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ công việc sản xuất nào. Đó là bằng chứng về một sự nhàn rỗi đại diện từ lâu trong quá khứ. Do đó, giá trị của việc phục vụ được đào tạo không chỉ nằm ở thị hiếu bẩm sinh của chủ nhân về tay nghề khéo léo và bản năng thống trị, mà còn vì nó chứng tỏ mức tiêu thụ lao động con người lớn hơn nhiều so với một trường hợp nhàn rỗi đại diện thiếu đào tạo. Một sự khó chịu nghiêm trọng sẽ xảy ra nếu người quản gia hay người hầu của một quý ông thực hiện nhiệm vụ của mình quanh bàn ăn hoặc xe ngựa của chủ nhân một cách lúng túng, qua đó lộ ra rằng nghề chính của họ có thể là cày ruộng hay chăn cừu. Những vụng về như vậy ngụ ý sự bất lực của chủ nhân trong việc thuê những người hầu được đào tạo chuyên biệt, tức là ngụ ý rằng chủ nhân không đủ khả năng chi trả cho thời gian, công sức, và việc đào tạo cần thiết cho một người hầu được đào tạo chuyên biệt dưới bộ quy tắc hình thức khắt khe. Nếu màn thực thi của người hầu cho thấy sự thiếu phương tiện của chủ nhân thì đã trượt luôn mục đích chính của nó, bởi vì có người hầu chủ yếu là để phô trương khả năng chi trả của chủ nhân.
Những điều vừa được nói ra có thể dẫn đến suy nghĩ rằng vấn đề của một người hầu chưa được đào tạo đủ nằm ở việc nó để lộ ngay ra sự rẻ tiền. Dĩ nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác. Liên hệ không trực tiếp đến thế. Ở đây, chuyện tương tự các trường hợp khác: bất kỳ điều gì ban đầu được chúng ta chấp nhận vì một lý do nào đó dần dần sẽ trở thành một sự ưa chuộng tự thân và sau đó sẽ bám rễ trong thói quen suy nghĩ của chúng ta như là điều đúng đắn về bản chất. Nhưng để bất kỳ quy tắc hành xử cụ thể nào duy trì được sự ưa chuộng, nó phải tiếp tục có sự hỗ trợ, hoặc ít nhất không được mâu thuẫn với thói quen hay thị hiếu tạo thành chuẩn mực cho sự phát triển của nó. Nhu cầu về nhàn rỗi đại diện, hoặc tiêu thụ phô trương qua phục dịch, là động lực chính để duy trì người hầu. Miễn điều này còn đúng thì có thể kết luận rằng bất kỳ sự lệch nào so với thói quen đã chấp nhận có thể cho thấy thiếu sót trong quá trình đào tạo của người hầu sẽ trở thành không thể chấp nhận. Yêu cầu về sự nhàn rỗi đại diện đắt tiền hoạt động gián tiếp và chọn lọc bằng cách dẫn dắt sự hình thành cảm năng của chúng ta - cảm giác về điều gì là đúng trong những vấn đề như vậy - từ đó loại bỏ những sự lệch lạc không phù hợp bằng cách không ủng hộ chúng.
Khi chuẩn mực giàu có được công nhận bởi sự đồng thuận chung tăng lên, việc sở hữu và khai thác người hầu như một phương tiện thể hiện sự dư dả trải qua quá trình tinh chỉnh. Sở hữu và duy trì nô lệ để sản xuất hàng hóa thể hiện sự giàu có và quyền lực, nhưng việc duy trì người hầu không sản xuất gì lại thể hiện sự giàu có và địa vị còn cao hơn. Theo nguyên tắc này, xuất hiện một tầng lớp người hầu, càng đông càng tốt, có nhiệm vụ duy nhất là chờ đợi chủ nhân của họ một cách vô nghĩa, từ đó chứng minh khả năng của ông ta trong việc tiêu thụ một lượng lớn phục dịch mà không mang lại sản phẩm nào. Một sự phân công lao động giữa những người hầu hoặc thuộc hạ, những người dành cuộc đời mình để duy trì danh dự của quý ông nhàn rỗi, dần xuất hiện. Trong khi một nhóm sản xuất hàng hóa cho chủ nhân, nhóm khác, thường do người vợ hoặc người đứng đầu nhóm dẫn dắt, sẽ tiêu thụ cho chủ nhân thông qua sự nhàn rỗi đại diện, từ đó thể hiện khả năng chịu thiệt hại tài sản mà không làm giảm sự giàu có vượt trội của ông ta.
Sơ đồ lý tưởng hóa và khái quát này về sự phát triển và yếu tính của phục dịch gia đình gần nhất với giai đoạn văn hóa được gọi là "giai đoạn sản xuất bán hòa bình". Ở giai đoạn này, sự phục dịch cá nhân lần đầu tiên vươn lên vị trí của một thiết chế kinh tế, và cũng chính ở giai đoạn này nó chiếm vị trí lớn nhất trong lối sống của cộng đồng. Trong chuỗi phát triển văn hóa, giai đoạn bán hòa bình theo sau giai đoạn săn mồi đúng nghĩa, cả hai đều là các giai đoạn nối tiếp của đời sống man rợ. Đặc trưng của giai đoạn này là việc tuân thủ hình thức hòa bình và trật tự, dù đời sống vẫn chứa đựng quá nhiều sự cưỡng bức và mâu thuẫn để được gọi là hòa bình hoàn toàn. Với nhiều mục đích và từ một góc nhìn khác ngoài kinh tế, nó có thể được gọi là giai đoạn "địa vị". Quan hệ con người trong giai đoạn này, cũng như thái độ của con người ở mức văn hóa này, được tóm gọn dưới thuật ngữ đó. Nhưng xét về việc mô tả phương pháp sản xuất thịnh hành cũng như xu hướng phát triển sản xuất tại thời điểm này trong quá trình tiến hóa kinh tế, thuật ngữ "bán hòa bình" có vẻ thích hợp hơn. Trong các cộng đồng thuộc văn hóa phương Tây, giai đoạn phát triển kinh tế này có lẽ đã thuộc về quá khứ, ngoại trừ một nhóm nhỏ nhưng rất phô trương trong cộng đồng, ở đó thói quen tư duy đặc thù của văn hóa man rợ không bị ảnh hưởng nhiều.
Phục dịch cá nhân vẫn là một yếu tố có tầm quan trọng kinh tế lớn, đặc biệt trong việc phân phối và tiêu thụ hàng hóa; tuy nhiên, tầm quan trọng tương đối của nó trong khía cạnh này chắc chắn đã giảm so với trước đây. Giai đoạn thịnh nhất của loại hình nhàn rỗi thay thế này thuộc về quá khứ hơn là hiện tại; và biểu hiện rõ ràng nhất của nó trong thời đại này nằm ở lối sống của tầng lớp thượng lưu nhàn rỗi. Tầng lớp này đóng góp nhiều cho văn hóa hiện đại thông qua việc bảo tồn các truyền thống, tập quán và lối tư duy thuộc về một giai đoạn văn hóa cổ xưa hơn, ít nhất là ở dạng hiệu quả nhất của chúng.
Trong các cộng đồng sản xuất hiện đại, các thiết bị cơ khí phục vụ cho sự tiện lợi và thoải mái trong đời sống hằng ngày đã đạt mức phát triển rất cao, đến mức rất hiếm ai còn có người hầu hay người giúp việc gia đình, trừ khi dựa trên một chuẩn mực về danh tiếng được kế thừa từ tập quán. Ngoại lệ duy nhất là người được thuê để chăm sóc người ốm yếu hoặc người bị thiểu năng trí tuệ. Tuy nhiên, những người này thuộc về nhóm y tá được đào tạo chuyên nghiệp thay vì nhóm giúp việc gia đình, và do đó chỉ là một ngoại lệ bề ngoài chứ không phải là thực chất.
Lý do gần nhất cho việc giữ người giúp việc gia đình, chẳng hạn trong một gia đình khá giả ở thời hiện đại, (về mặt hình thức) là các thành viên trong gia đình không thể tự lo liệu công việc cần thiết trong một cơ ngơi hiện đại mà không gặp phải sự bất tiện. Lý do khiến họ không thể làm việc này là (1) họ có quá nhiều "nhiệm vụ xã hội" và (2) công việc quá nặng nề và quá nhiều. Hai lý do này có thể được diễn đạt lại như sau: (1) Theo bộ quy tắc về sự đứng đắn, thời gian và nỗ lực của các thành viên trong gia đình này bị buộc phải dành hết cho các hoạt động nhàn rỗi phô trương, như thăm hỏi, câu lạc bộ, nhóm may vá, thể thao, từ thiện và các chức năng xã hội tương tự khác. Những người dành thời gian và năng lượng cho những việc này thường than thở rằng tất cả các hoạt động ấy, cùng với việc chăm chút cho trang phục và các hình thức tiêu thụ phô trương khác, đều rất phiền toái nhưng hoàn toàn không thể tránh. (2) Theo yêu cầu về tiêu thụ phô trương, các vật dụng trong đời sống đã trở nên quá phức tạp và cồng kềnh, từ nhà cửa, nội thất, đồ trang trí, tủ quần áo đến các bữa ăn, đến mức người tiêu thụ không thể tự xử lý một cách hiệu quả mà không có sự trợ giúp. Tiếp xúc cá nhân với những người giúp việc được thuê để hoàn thành các công việc thường nhật của sự đứng đắn thường là khó chịu đối với chủ nhà, nhưng sự có mặt của họ vẫn được chấp nhận và trả lương để chuyển giao cho họ một phần trong công việc gia đình nặng nề này. Sự hiện diện của người giúp việc và đặc biệt là của người hầu cá nhân là một sự nhượng bộ về sự thoải mái cơ thể cho nhu cầu đạo đức về danh tiếng tài sản.
Biểu hiện lớn nhất của sự nhàn rỗi thay thế trong đời sống hiện đại chính là những gì được gọi là "nhiệm vụ gia đình". Những nhiệm vụ này ngày càng trở thành một loại hình phục dịch, không hẳn để phục vụ lợi ích cá nhân của người đứng đầu gia đình mà để phô trương sự danh giá của gia đình với tư cách là một đơn vị tập thể - một nhóm mà người vợ đứng ngang hàng với những thành viên khác một cách hình thức. Khi mô hình gia đình dần thoát khỏi nền tảng hôn nhân sở hữu, những công việc gia đình này tất nhiên sẽ dần rơi khỏi hạng mục nhàn rỗi thay thế theo nghĩa gốc, trừ trường hợp chúng được thực hiện bởi những người giúp việc được thuê. Nghĩa là, vì nhàn rỗi thay thế chỉ có thể tồn tại trên cơ sở địa vị hoặc sự phục dịch được thuê, nên khi quan hệ địa vị mất đi trong giao tiếp giữa con người thì nhàn rỗi thay thế cũng sẽ biến mất trong phần đời sống liên quan. Tuy nhiên, cần phải bổ sung rằng, chừng nào gia đình vẫn tồn tại, dù với một người đứng đầu đã bị phân quyền, thì loại lao động phi sản xuất nhằm nâng cao danh giá của gia đình này vẫn được coi là nhàn rỗi thay thế, dù theo một nghĩa hơi khác. Hiện nay, đó là sự nhàn rỗi phục vụ cho gia đình tập thể thay vì cho người đứng đầu sở hữu gia đình như trước đây.
Chương IV
Tiêu thụ phô trương
Trong những gì đã được nói về sự tiến hóa của tầng lớp nhàn rỗi đại diện và sự tách ra của nó từ các tầng lớp lao động có đề cập đến một sự phân công lao động tiếp theo: giữa các tầng lớp người phục vụ khác nhau. Một phần của tầng lớp người phục vụ, chủ yếu là những người làm công việc nhàn rỗi đại diện, dần đảm nhận một nhóm nhiệm vụ phụ trợ mới, là tiêu thụ đại diện. Hình thức tiêu thụ rõ ràng nhất là mặc đồng phục và chiếm dụng các khu ở rộng rãi dành cho người phục vụ. Một hình thức khác, ít phô trương hơn nhưng không kém hiệu quả và phổ biến hơn nhiều, là tiêu thụ thực phẩm, quần áo, chỗ ở và đồ đạc của phu nhân và những người còn lại trong gia đình mà người đó phục vụ.
Nhưng từ rất sớm trong quá trình tiến hóa kinh tế, trước cả sự xuất hiện của phu nhân, việc tiêu thụ hàng hóa chuyên biệt như một biểu hiện của sức mạnh tài chính đã bắt đầu phát triển thành một hệ thống tinh vi. Sự khởi đầu của phân hóa trong tiêu thụ thậm chí còn xuất hiện trước khi có bất kỳ điều gì có thể được gọi là sức mạnh tài sản. Điều này có thể được truy về giai đoạn đầu của văn hóa săn mồi, và thậm chí một sự phân hóa sơ khai đã tồn tại từ trước cả khi lối sống săn mồi bắt đầu. Sự phân hóa sơ khai nhất trong tiêu thụ hàng hóa giống sự phân hóa sau này mà chúng ta đều quá quen thuộc ở chỗ nó phần lớn mang tính nghi thức, nhưng khác ở chỗ nó không dựa trên khác biệt về của cải tích lũy. Công dụng của việc tiêu thụ như một bằng chứng của sự giàu có có thể được coi là một sự phát triển phái sinh. Đó là sự thích ứng với một mục tiêu mới, thông qua một quá trình chọn lọc, của một sự phân biệt vốn đã tồn tại và được thiết lập trong thói quen suy nghĩ của con người.
Trong các giai đoạn sơ khai của văn hóa săn mồi, sự phân hóa kinh tế duy nhất là phân biệt rộng rãi giữa một tầng lớp cao quý gồm đàn ông khỏe mạnh và một tầng lớp thấp kém gồm phụ nữ lao động. Theo quan niệm lý tưởng về cuộc sống lúc bấy giờ, nhiệm vụ của đàn ông là tiêu thụ những gì phụ nữ sản xuất. Sự tiêu thụ mà phụ nữ được hưởng hoàn toàn phụ thuộc vào công việc của họ; đó là phương tiện để họ tiếp tục lao động, chứ không phải là sự tiêu thụ nhằm mang lại sự thoải mái và trọn vẹn cho cuộc sống của chính họ. Việc tiêu thụ mà không sản xuất được coi là đáng kính, trước hết bởi đó là là dấu hiệu của sự dũng mãnh và là đặc quyền của danh dự cao; rồi nó trở thành một việc đáng kính tự thân, đặc biệt là tiêu thụ những thứ được coi là quý giá. Tiêu thụ những loại thực phẩm chọn lọc và thường là cả các trang sức hiếm trở thành điều cấm kỵ đối với phụ nữ và trẻ em; và nếu có một tầng lớp đàn ông thấp kém (nô lệ), thì cấm kỵ này cũng áp dụng cho họ. Khi văn hóa phát triển hơn nữa, cấm kỵ này có thể chuyển thành phong tục với mức độ nghiêm ngặt khác nhau; nhưng dù nền tảng lý thuyết của phân biệt này là gì, dù là một điều cấm kỵ hay một quy ước rộng hơn, thì các yếu tố của hệ thống tiêu thụ quy ước cũng không dễ dàng thay đổi. Ở giai đoạn sản xuất bán hòa bình, với nền tảng là chế độ chiếm hữu nô lệ, nguyên tắc chung, được áp dụng với mức độ nghiêm ngặt khác nhau là tầng lớp thấp kém chỉ nên tiêu thụ những gì cần thiết cho sự sống còn của họ. Theo lẽ tự nhiên, các loại xa xỉ phẩm và những tiện nghi của cuộc sống thuộc về tầng lớp nhàn rỗi. Dưới quy tắc cấm kỵ, một số loại thực phẩm, và đặc biệt là một số loại đồ uống, được nghiêm ngặt dành riêng cho tầng lớp thượng lưu.
Sự phân biệt mang tính nghi thức trong chế độ ăn uống được thấy rõ nhất qua việc sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích. Nếu những mặt hàng tiêu thụ này đắt đỏ thì chúng cũng được coi là cao quý. Vì vậy, các tầng lớp thấp kém, đặc biệt là phụ nữ, bị buộc phải kiêng những chất kích thích này, ngoại trừ ở những nơi mà chúng có thể được mua với giá rất thấp. Từ thời cổ đại cho đến suốt chiều dài của chế độ gia trưởng, phụ nữ đảm nhận việc chuẩn bị và phục vụ những món xa xỉ này, và tiêu thụ chúng là đặc quyền của những người đàn ông sinh ra và được nuôi dạy trong tầng lớp cao. Do đó, việc say xỉn và các hậu quả bệnh lý khác từ việc sử dụng không hạn chế các chất kích thích dần dần cũng trở thành một dấu hiệu danh giá, vì chúng biểu hiện, ở mức thứ hai, địa vị cao của những người có khả năng chi trả cho sự hưởng thụ đó. Những khiếm khuyết do việc lạm dụng quá mức được công nhận là đặc trưng của đực tính ở một số dân tộc. Thậm chí đã có trường hợp tên cho một số bệnh lý đã được dùng trong ngôn ngữ hằng ngày như một từ đồng nghĩa với "cao quý" hay "phong nhã". Chỉ ở một giai đoạn văn hóa tương đối sớm, các triệu chứng của thói xấu đắt đỏ mới được coi là dấu hiệu của địa vị cao và do đó có xu hướng được công nhận rộng rãi như là đức tính và nhận được sự kính trọng của cộng đồng; tuy nhiên, hào quang gắn liền với những thói xa xỉ này vẫn còn đủ để làm giảm đáng kể sự chỉ trích đối với những người đàn ông thuộc tầng lớp giàu có hoặc quý tộc khi họ hưởng thụ quá mức. Cũng chính sự phân biệt không công bằng này làm tăng thêm sự phản đối hiện tại đối với bất kỳ hành vi hưởng thụ nào từ phía phụ nữ, trẻ vị thành niên và các tầng lớp thấp kém. Sự phân biệt mang tính truyền thống này vẫn chưa mất đi sức mạnh của nó, ngay cả trong các xã hội tiên tiến hơn ngày nay. Ở những nơi mà gương mẫu do tầng lớp nhàn rỗi đặt ra vẫn giữ sức mạnh quyết định trong việc điều chỉnh các quy ước xã hội, có thể thấy rằng phụ nữ vẫn, trong nhiều trường hợp, thực hiện việc kiêng cữ truyền thống đối với chất kích thích.
Miêu tả sự kiêng cữ các chất kích thích mà phụ nữ thuộc các tầng lớp cao thực hiện có thể có vẻ là một sự tinh tế quá mức về logic, đi ngược lại với lẽ thường. Nhưng những sự vị mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra cho thấy rằng việc phụ nữ kiêng cữ nhiều hơn phần nào xuất phát từ sự cưỡng bách của các quy ước xã hội; và những quy ước này, nhìn chung, mạnh nhất ở những nơi mà truyền thống gia trưởng - truyền thống coi phụ nữ là tài sản - vẫn còn giữ vững sức mạnh lớn nhất. Theo cách hiểu đã được điều chỉnh nhiều về mức độ và phạm vi nhưng vẫn chưa hề mất đi ý nghĩa của nó, truyền thống này cho rằng phụ nữ, vì là tài sản, chỉ nên tiêu thụ những gì cần thiết cho sự sống còn của mình - trừ khi việc tiêu thụ thêm của họ đóng góp vào sự thoải mái hoặc danh tiếng của chủ nhân. Việc tiêu thụ xa xỉ phẩm, theo đúng nghĩa, là tiêu thụ nhằm mang lại sự thoải mái cho chính người tiêu thụ, và do đó là dấu hiệu của người chủ. Bất kỳ sự tiêu thụ nào như vậy của kẻ khác chỉ có thể xảy ra trên cơ sở chấp nhận miễn cưỡng. Trong các cộng đồng mà tư tưởng phổ biến vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống gia trưởng, các quy tắc cấm kỵ đối với hàng xa xỉ vẫn tồn tại, ít nhất là ở mức có sự phản đối theo quy ước đối với việc sử dụng chúng bởi các tầng lớp không tự do và phụ thuộc. Điều này đặc biệt đúng đối với một số loại xa xỉ phẩm, mà việc sử dụng chúng bởi tầng lớp phụ thuộc sẽ làm giảm đáng kể sự thoải mái hoặc niềm vui của chủ nhân, hoặc bị coi là không hợp lẽ vì những lý do khác. Theo quan niệm của tầng lớp trung lưu bảo thủ trong nền văn minh phương Tây, việc sử dụng các chất kích thích này bị phản đối ít nhất bởi một trong hai lý do, nếu không phải là cả hai; và một thực tế quan trọng không thể bỏ qua là chính trong các tầng lớp trung lưu của văn hóa Germanic, với ý thức mạnh mẽ về các quy chuẩn của chế độ gia trưởng còn tồn tại, phụ nữ chịu sự cấm kỵ đối với các chất gây nghiện và đồ uống có cồn ở mức độ lớn nhất. Mặc cho nhiều điều chỉnh - càng ngày càng nhiều khi truyền thống gia trưởng dần suy yếu - quy tắc chung vẫn là phụ nữ chỉ nên tiêu thụ vì lợi ích của chủ nhân. Tất nhiên, sẽ có phản đối rằng chi tiêu cho quần áo và các vật dụng trong nhà của phụ nữ dường như là một ngoại lệ rõ ràng đối với quy tắc này; nhưng chúng ta sẽ thấy rằng ngoại lệ này chỉ ở bề mặt chứ không phải thực chất. Trong các giai đoạn phát triển kinh tế sớm hơn, việc tiêu thụ không giới hạn, đặc biệt là những hàng hóa chất lượng cao—lý tưởng là tất cả những tiêu thụ vượt quá mức sống tối thiểu—thường chỉ có ở tầng lớp nhàn rỗi. Sự hạn chế này có xu hướng biến mất, ít nhất là về mặt hình thức, sau khi giai đoạn hòa bình muộn hơn được đạt đến, với chế độ tư hữu và hệ thống sản xuất dựa trên lao động thuê hoặc kinh tế hộ gia đình nhỏ. Nhưng trong giai đoạn bán hòa bình sớm hơn, khi nhiều truyền thống qua đó tầng lớp nhàn rỗi đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của thời kỳ sau được hình thành và củng cố, nguyên tắc này có sức mạnh như một quy tắc xã hội. Nó đã trở thành chuẩn mực mà việc tiêu thụ có xu hướng tuân theo, và bất kỳ sự lệch lạc đáng kể nào khỏi chuẩn mực này đều bị coi là hành vi sai trái, chắc chắn sẽ bị loại bỏ vào một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển tiếp theo.
Quý ông nhàn rỗi trong xã hội bán hòa bình không chỉ tiêu thụ những thứ vượt qua mức tối thiểu cần cho sự sống còn và hiệu quả thể chất mà còn phát triển sự chuyên biệt trong việc lựa chọn chất lượng hàng hóa tiêu thụ. Anh ta tiêu thụ không hạn chế và chọn lọc những gì tốt nhất: từ thực phẩm, đồ uống, chất kích thích, nơi ở, dịch vụ, trang sức, trang phục, vũ khí và dụng cụ, các hình thức giải trí, bùa chú, cho đến các thần tượng hay thần thánh. Trong quá trình cải tiến dần dần của các mặt hàng này, động lực và mục tiêu sát nhất của đổi mới tất nhiên là nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, đem lại sự thoải mái và sức khỏe tốt hơn cho cá nhân. Nhưng đó không phải là mục đích duy nhất của tiêu thụ. Quy chuẩn về danh giá xuất hiện và nắm lấy những đổi mới phù hợp với nó. Vì việc tiêu thụ những hàng hóa tốt hơn là bằng chứng của sự giàu có, nên nó trở thành dấu hiệu của danh dự; ngược lại, việc không tiêu thụ đủ số lượng và chất lượng trở thành dấu hiệu của sự thấp kém.
Sự phân biệt tỉ mỉ về chất lượng trong ăn uống, tiêu thụ, v.v. không chỉ ảnh hưởng đến lối sống, mà còn đến việc rèn luyện và hoạt động trí tuệ của quý ông nhàn rỗi. Anh ta không còn đơn thuần là người đàn ông thành công, hiếu chiến - một kẻ mạnh mẽ, tháo vát và dũng cảm. Để tránh trở nên lạc hậu, anh ta cũng phải trau dồi thẩm mỹ của mình, vì giờ đây, trách nhiệm của anh là phải biết phân biệt tinh tế giữa những thứ cao quý và thấp kém trong tiêu thụ. Anh ta trở thành một người sành sỏi trong việc phân biệt các món ăn tinh tế có phẩm chất khác nhau, trong đồ uống mạnh và trang sức, trong trang phục và kiến trúc, trong vũ khí, khiêu vũ, và các chất gây nghiện. Việc trau dồi cảm năng này đòi hỏi thời gian và sự chú tâm, do đó, những yêu cầu đặt ra cho quý ông theo hướng này dần dần biến cuộc sống nhàn rỗi của anh ta thành một công việc khá gian nan: anh ta phải học cách sống nhàn hạ một cách đàng hoàng. Đi liền với yêu cầu phải tiêu thụ không hạn chế và đúng loại hàng hóa, còn có yêu cầu biết cách tiêu thụ chúng sao cho đẹp. Cuộc sống nhàn rỗi của anh ta phải theo hình thức đúng. Từ đó, phép lịch sự xuất hiện, như đã được đề cập trong một chương trước. Phong thái cao quý và lối sống sang trọng là những yếu tố phù hợp với chuẩn mực của sự nhàn rỗi và tiêu thụ phô trương.
Việc tiêu thụ phô trương những hàng hóa có giá trị là một cách để người nhàn rỗi thể hiện sự đáng kính. Khi tài sản tích lũy nhiều hơn, nỗ lực tự thân sẽ không còn đủ để bộc lộ sự giàu có của anh ta bằng phương pháp này. Do đó, sự trợ giúp của bạn bè và các đối thủ cạnh tranh được huy động, thông qua việc tặng những món quà có giá trị và tổ chức tiệc tùng và những cuộc vui tốn kém. Có lẽ việc tặng quà và tổ chức tiệc ban đầu không nhằm mục đích khoe khoang hời hợt, nhưng chúng đã sớm trở thành công cụ cho mục đích này và đến nay vẫn giữ vai trò đó; sự hữu ích của chúng từ lâu đã là nền tảng chính mà các tập quán này dựa trên. Những giải trí tốn kém, chẳng hạn như potlatch (một dạng lễ tặng quà) hoặc các buổi khiêu vũ, đặc biệt phù hợp cho mục đích này. Đối thủ mà người tổ chức muốn so sánh được sử dụng như một phương tiện cho mục đích ấy. Anh ta tiêu thụ thay mặt cho chủ nhà đồng thời chứng kiến sự tiêu thụ quá mức những thứ tốt đẹp mà chủ nhà không thể tiêu thụ hết một mình, và anh ta cũng được chứng kiến sự khéo léo trong các nghi thức xã giao của chủ nhà.
Việc tổ chức các hình thức giải trí tốn kém dĩ nhiên cũng có các động lực khác, thân thiện hơn. Phong tục tụ tập hội hè có lẽ bắt nguồn từ động lực của sự hòa đồng và tôn giáo; những động lực này vẫn hiện diện trong các giai đoạn phát triển sau này nhưng không còn là động lực duy nhất nữa. Các lễ hội và buổi tiệc của tầng lớp nhàn rỗi thời nay có thể vẫn còn phục vụ một phần nhỏ cho nhu cầu tôn giáo, một phần lớn cho nhu cầu giải trí và hòa đồng, nhưng chúng cũng phục vụ mục đích ganh đua và vẫn giúp đạt được mục đích đó một cách hiệu quả, dù có vẻ dựa trên những động lực ít ganh đua hơn. Nhưng hiệu ứng kinh tế của những nghi thức xã giao này không vì thế mà giảm đi, dù là trong việc tiêu thụ gián tiếp hay trong việc phô trương những thành tựu khó khăn và tốn kém về mặt nghi thức xã hội.
Khi tài sản tích lũy, tầng lớp nhàn rỗi phát triển thêm về chức năng và cấu trúc, và một sự phân tầng nảy sinh trong chính tầng lớp này, tạo thành một hệ thống cấp bậc và giai tầng phức tạp. Sự phân tầng này càng được củng cố nhờ vào việc thừa kế tài sản, kéo theo thừa kế sự cao quý. Cùng với thừa kế sự cao quý là thừa kế nghĩa vụ nhàn rỗi; và sự cao quý đủ mạnh để dẫn đến nghĩa vụ này có thể được thừa hưởng mà không kèm theo sự giàu có cần thiết để duy trì cuộc sống nhàn rỗi một cách danh giá. Dòng máu quý tộc có thể được truyền lại mà không có đủ của cải để đảm bảo một cuộc sống tiêu thụ phóng túng. Vì thế hình thành một tầng lớp các quý ông nhàn rỗi nhưng túng thiếu, mà ta đã đề cập qua. Những quý ông nhàn rỗi nửa vời này được phân thành một hệ thống cấp bậc theo thứ hạng. Những người ở gần các cấp bậc cao hơn và cao nhất của tầng lớp nhàn rỗi giàu có về xuất thân, về của cải, hoặc cả hai, sẽ được coi là vượt trội so với những người ở xa hơn về xuất thân và yếu kém hơn về tiền bạc. Những tầng lớp thấp hơn, đặc biệt là những người thiếu thốn hoặc quý ông nhàn rỗi ở rìa, thường gắn bó với những bậc quyền quý thông qua một hệ thống phụ thuộc hoặc trung thành; bằng cách này, họ nhận được sự gia tăng về danh tiếng hoặc các phương tiện để duy trì một cuộc sống nhàn hạ từ vị bảo trợ của họ. Họ trở thành cận thần hoặc người hầu của vị bảo trợ, và nhờ được nuôi dưỡng, đỡ đầu, họ trở thành biểu hiện của vị thế và là người tiêu thụ gián tiếp của sự dư thừa tài sản từ vị bảo trợ. Trong số các quý ông nhàn rỗi gián tiếp này, một số người cũng có ít của cải của riêng mình do đó, hoàn toàn không hoặc chỉ phần nào là những người tiêu thụ gián tiếp. Tuy nhiên, phần nhiều, đặc biệt là cận thần và người phụ thuộc vào vị bảo trợ, có thể được xếp vào nhóm tiêu thụ gián tiếp không cần đắn đo. Trong số này, và trong tầng lớp quý tộc ở cấp thấp hơn, nhiều người lại có một nhóm tiêu thụ gián tiếp khác gắn vào với họ, bao gồm vợ con, người hầu, v.v.
Trong suốt hệ thống phân cấp của sự nhàn rỗi gián tiếp và tiêu thụ gián tiếp này, quy tắc là các nhiệm vụ phải được thực hiện theo một cách thức hoặc trong một tình thế hoặc dưới biểu tượng nào đó để chỉ rõ ai là chủ nhân mà sự nhàn rỗi hoặc tiêu thụ này thuộc về, và do đó, ai xứng đáng nhận sự gia tăng danh tiếng từ đó. Sự tiêu thụ và nhàn rỗi do những người này thực hiện thay cho chủ nhân hoặc người bảo trợ của họ đại diện cho một khoản đầu tư từ phía chủ nhân, với mục tiêu gia tăng danh tiếng. Đối với tiệc tùng và sự ban phát, điều này rõ ràng, và sự quy danh tiếng cho người chủ ở đây diễn ra ngay lập tức. Khi sự nhàn rỗi và tiêu thụ được thực hiện gián tiếp bởi các cận thần và người hầu, việc quy danh tiếng cho người bảo trợ được thực hiện bằng cách để họ sống gần gũi với người chủ, để ai cũng có thể nhận ra rõ ràng nguồn gốc của những gì họ hưởng. Khi có nhiều người như thế thì cần những phương tiện rõ ràng hơn; từ đó, đồng phục, phù hiệu và trang phục biểu tượng trở nên thịnh hành. Việc mặc đồng phục hoặc trang phục biểu tượng ngụ ý một mức độ phụ thuộc đáng kể, thậm chí có thể được coi là dấu hiệu của sự phục dịch. Những người mặc đồng phục hoặc trang phục biểu tượng có thể được chia thành hai loại - tự do và lệ thuộc, hay cao quý và hèn hạ. Các nhiệm vụ họ thực hiện cũng được chia thành cao quý và hèn hạ. Dĩ nhiên, sự phân biệt này không được tuân thủ một cách nhất quán trong thực tế; những sự phục vụ ít hèn hạ và những chức năng cao quý ít danh giá thường được đảm nhiệm bởi cùng một người. Nhưng sự phân biệt tổng quát vẫn không thể bị bỏ qua. Phức tạp là khi sự phân biệt cơ bản giữa cao quý và hèn hạ dựa trên nhiệm vụ bị cắt ngang bởi một sự phân biệt thứ cấp giữa vinh dự và nhục nhã, dựa trên cấp bậc của người được phục vụ. Những nhiệm vụ được coi là công việc chính đáng của tầng lớp nhàn rỗi thì được xem là cao quý, như cai trị, chiến đấu, săn bắn, chăm sóc vũ khí và trang bị, và những việc tương tự - nói cách khác, những việc có thể được xếp vào loại công việc săn mồi. Ngược lại, những công việc thuộc về tầng lớp lao động bị xem là ti tiện, như thủ công, lao động sản xuất, phục vụ tay chân và những việc tương tự. Tuy nhiên, một công việc thấp hèn được thực hiện cho một người có địa vị cao có thể trở thành một chức vụ rất vinh dự; chẳng hạn như Thị tùng hoặc Nữ quan phục vụ Hoàng hậu, hoặc Quản ngựa của Vua hoặc người Giữ chó săn của Vua. Hai chức vụ sau gợi lên một nguyên tắc có tính phổ quát. Mỗi khi, như trong những trường hợp này, công việc tay chân liên quan trực tiếp đến các hoạt động nhàn rỗi chính yếu như chiến đấu và săn bắn, nó dễ dàng mang một tính chất vinh dự phản chiếu. Theo cách ấy, vinh dự lớn có thể gắn với một công việc vốn thuộc loại thấp kém. Trong giai đoạn sau của sản xuất hòa bình, thói quen sử dụng một đội ngũ nhàn rỗi mang đồng phục dần dần biến mất. Sự tiêu thụ gián tiếp của những người phụ thuộc mặc trang phục biểu tượng của chủ họ thu hẹp lại thành một đội ngũ hầu cận mặc trang phục biểu tượng. Theo đó, đồng phục trở nên ngày càng là biểu tượng của sự phục dịch, hoặc đúng hơn là sự nô lệ. Đồng phục của cận vệ trước đây luôn mang tính chất vinh dự, nhưng tính chất vinh dự đó biến mất khi đồng phục trở thành biểu tượng dành riêng cho người hầu kẻ hạ. Đồng phục trở nên khó chịu đối với hầu hết những ai bị bắt buộc phải mặc nó. Chúng ta vẫn chưa cách xa chế độ nô lệ đến mức không cảm nhận được sự ngứa ngáy từ bất kỳ sự gán ghép nào liên quan đến sự phục dịch. Ác cảm này thậm chí thể hiện ngay cả trong trường hợp những đồng phục mà một số tập đoàn yêu cầu nhân viên của họ mặc. Ở đất nước này, sự ác cảm còn đến mức làm mất uy tín - dù theo cách rất nhẹ nhàng và kín đáo - cả những công việc trong chính phủ, quân sự và dân sự, vốn yêu cầu mặc đồng phục hoặc trang phục biểu tượng.
Khi chế độ nô dịch dần biến mất, số lượng người tiêu thụ gián tiếp gắn liền với chủ có xu hướng giảm đi. Điều tương tự cũng đúng, và có lẽ còn ở mức độ cao hơn, đối với số lượng người phụ thuộc thực hiện công việc nhàn rỗi gián tiếp cho chủ. Nhìn chung, mặc dù không hoàn toàn và nhất quán, hai nhóm này thường trùng nhau. Người phụ thuộc đầu tiên được giao những nhiệm vụ này là người vợ, hoặc vợ cả; và, như có thể đoán được, trong các bước phát triển sau, khi số người thực hiện những nhiệm vụ này dần thu hẹp, người vợ vẫn là người cuối cùng đảm nhiệm công việc này. Trong các tầng lớp xã hội cao hơn, một khối lượng lớn cả hai loại nhiệm vụ vẫn được yêu cầu; và ở đây, tất nhiên, người vợ vẫn được hỗ trợ bởi một đội ngũ người hầu tương đối đông đúc. Nhưng khi xuống các bậc thấp hơn trong thang xã hội, sẽ đến một điểm mà các nhiệm vụ nhàn rỗi và tiêu thụ gián tiếp hoàn toàn rơi vào vai trò người vợ. Trong các cộng đồng thuộc văn hóa phương Tây, điểm này hiện đang nằm ở tầng lớp trung lưu thấp.
Ở đây xảy ra một sự đảo ngược thú vị. Một thực tế dễ thấy là trong tầng lớp trung lưu thấp, không có bất kỳ sự giả vờ nào về sự nhàn rỗi từ phía người chủ hộ. Do hoàn cảnh, điều này đã trở nên lỗi thời. Nhưng người vợ của tầng lớp trung lưu vẫn tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ nhàn rỗi gián tiếp, vì danh tiếng của gia đình và người chồng. Khi xuống dần các bậc thang xã hội trong bất kỳ cộng đồng sản xuất hiện đại nào, yếu tố chính - sự nhàn rỗi phô trương của người chủ hộ luôn biến mất từ một bậc khá cao. Người đứng đầu hộ gia đình trung lưu bị những hoàn cảnh kinh tế buộc phải lao vào việc kiếm sống, thường là những công việc mang đặc trưng của lao động, như trường hợp của những người kinh doanh thông thường ngày nay. Nhưng yếu tố phát sinh - sự nhàn rỗi và tiêu thụ gián tiếp do người vợ thực hiện, cùng với sự nhàn rỗi gián tiếp bổ sung từ người hầu - vẫn tồn tại như một chuẩn mực xã hội mà yêu cầu về danh tiếng không cho phép bỏ qua. Không phải là hiếm khi thấy cảnh một người đàn ông lao động cật lực để vợ anh ta có thể thực hiện sự nhàn rỗi gián tiếp mà tâm thức chung của thời đại đòi hỏi.
Sự nhàn rỗi mà người vợ thể hiện trong những trường hợp như vậy, tất nhiên, không phải là sự lười biếng hay nhàn rỗi vô ích. Nó hầu như luôn xuất hiện dưới hình thức của công việc hoặc các nhiệm vụ gia đình, hoặc những tiện ích xã hội, mà khi phân tích ra, sẽ thấy không phục vụ cho mục đích nào ngoài việc chứng tỏ rằng cô ta không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào đưa lại lợi ích kinh tế. Như đã được đề cập trong phần về phép tắc cư xử, phần lớn những lo toan thường nhật của bà nội trợ thuộc tầng lớp trung lưu có tính chất này. Không phải là những kết quả từ sự chăm sóc gia đình, trang trí và vệ sinh không tạo ra hài lòng cho những người đàn ông được đào tạo trong các chuẩn mực của tầng lớp trung lưu; nhưng tiêu chuẩn cảm năng mà các kết quả đó hướng tới là một tiêu chuẩn được hình thành dưới một quy tắc lịch sự đòi hỏi những bằng chứng của sự lãng phí công sức thuộc dạng ấy. Những kết quả đó làm chúng ta hài lòng chủ yếu vì chúng ta đã được dạy để cảm thấy hài lòng. Các nhiệm vụ gia đình này chủ yếu là sự cẩn thận tạo ra kết hợp phù hợp của hình khối và màu sắc cùng những mục tiêu khác được xếp vào nhóm thẩm mỹ và không thể phủ nhận rằng đôi khi chúng đạt được các kết quả có giá trị thẩm mỹ đáng kể. Điểm được nhấn mạnh ở đây là, đối với những tiện nghi này, nỗ lực của bà nội trợ được dẫn dắt bởi những truyền thống đã được định hình theo sự tiêu thụ phô trương. Nếu có đạt được vẻ đẹp hoặc sự thoải mái - và điều này chỉ xảy ra một cách tình cờ - thì chúng phải được thực hiện thông qua những phương tiện và phương pháp phù hợp với quy luật kinh tế của sự tiêu thụ lãng phí. Những vật "đáng trưng bày" của gia đình trung lưu, một mặt là những hạng mục tiêu thụ phô trương, mặt khác là các công cụ để chứng minh cho sự nhàn rỗi gián tiếp mà bà nội trợ thực hiện.
Nhu cầu tiêu thụ gián tiếp từ tay người vợ vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả ở các mức tài sàn đủ thấp để không đòi hỏi sự nhàn rỗi gián tiếp. Ở một mức thấp, nơi mà hầu như không còn thấy dấu hiệu vờ nào của sự lãng phí công sức - chẳng hạn trong những sự sạch sẽ mang tính nghi thức, v.v., và chắc chắn không có ý thức về nhàn rỗi phô trương, sự lịch thiệp vẫn đòi hỏi người vợ phải tiêu thụ một số hàng hóa một cách phô trương để duy trì danh tiếng của gia đình và người chủ hộ. Trong phát triển đảo ngược này từ thể chế cổ xưa, người vợ, ban đầu là kẻ lao động cực nhọc và là tài sản của người đàn ông, cả về mặt thực tế và lý thuyết - người sản xuất hàng hóa để anh ta tiêu thụ - nay đã trở thành người tiêu thụ mang tính nghi lễ những hàng hóa mà anh ta sản xuất. Nhưng cô ta vẫn không thể phủ nhận rằng về lý thuyết, cô ta vẫn là tài sản của anh ta, vì nhàn rỗi gián tiếp và tiêu thụ gián tiếp vẫn là dấu hiệu bền bỉ của một người hầu không tự do.
Việc tiêu thụ phô trương do các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn thực hiện không thể được coi là biểu hiện trực tiếp cho mô hình sống của tầng lớp nhàn rỗi, bởi vì các hộ thuộc tầng lớp thu nhập này không thuộc về tầng lớp nhàn rỗi. Đúng hơn là mô hình sống của tầng lớp nhàn rỗi ở đây được thể hiện gián tiếp. Tầng lớp nhàn rỗi đứng ở vị trí cao nhất trong cấu trúc xã hội về sự danh giá; và do đó, lối sống cùng các tiêu chuẩn giá trị của họ trở thành chuẩn mực danh giá cho toàn bộ cộng đồng. Việc ít nhiều tuân theo các tiêu chuẩn này trở thành điều bắt buộc đối với tất cả các tầng lớp thấp hơn. Trong các cộng đồng văn minh hiện đại, ranh giới giữa các tầng lớp xã hội đã trở nên mơ hồ và tạm thời, và khi điều này xảy ra, chuẩn mực do tầng lớp thượng lưu áp đặt sẽ dễ dàng áp sức ảnh hưởng cưỡng chế của nó xuyên qua cấu trúc xã hội, gần như không gặp trở ngại gì, xuống đến các tầng lớp thấp nhất. Kết quả là, các thành viên của mỗi tầng lớp coi mô hình sống của tầng lớp cao hơn liền kề như lý tưởng về sự lịch thiệp của mình và dồn sức để đạt được lý tưởng đó. Nếu không muốn mất đi danh tiếng và lòng tự trọng khi thất bại, họ phải tuân thủ quy tắc được chấp nhận, ít nhất là trong hình thức. Nền tảng chung quyết cho danh tiếng tốt trong mọi cộng đồng sản xuất tổ chức bậc cao là sức mạnh tài sản; và sự nhàn rỗi và tiêu thụ phô trương là phương tiện để thể hiện sức mạnh tài sản nhằm đạt được hoặc giữ vững danh tiếng. Cả hai phương thức này đều được áp dụng ở các tầng lớp thấp hơn chừng nào còn khả thi; và ở những tầng lớp ấy, phần lớn nhiệm vụ được giao phó cho vợ và con cái. Ở tầng lớp thấp hơn nữa, khi bất kỳ hình thức nhàn rỗi nào, kể cả hình thức nhàn rỗi giả tạo, cũng trở nên bất khả thi đối với người vợ, việc tiêu thụ phô trương vẫn được duy trì bởi vợ và con. Người đàn ông trong gia đình cũng có thể đóng góp phần nào trong việc này, và thực tế thường là như vậy; nhưng khi mức sống hạ thêm nữa, đến mức nghèo khó - sát kề khu ổ chuột - người đàn ông, và dần dần cả con cái, hầu như ngừng việc tiêu thụ những hàng hóa có giá trị vì mục đích phô trương, và người phụ nữ gần như trở thành người duy nhất đại diện cho danh dự tài sản của gia đình. Không có tầng lớp xã hội nào, kể cả những người nghèo khổ nhất, từ bỏ hoàn toàn việc tiêu thụ phô trương theo tập tục. Những món cuối cùng trong hạng mục này chỉ bị từ bỏ khi không còn cách nào khác, trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Người ta sẵn sàng chịu đựng rất nhiều sự bần hàn khổ sở trước khi từ bỏ món trang sức cuối cùng hay dấu hiệu cuối cùng cho danh dự tài sản của mình. Không có tầng lớp nào hay quốc gia nào thiếu thốn vật chất đến mức phải phủ nhận hoàn toàn nhu cầu tinh thần này.
Từ khảo sát về sự phát triển của nhàn rỗi phô trương và tiêu thụ phô trương, có thể thấy rằng giá trị của cả hai phương pháp này đối với danh tiếng đều nằm ở yếu tố lãng phí. Ở sự nhàn rỗi phô trương là sự lãng phí thời gian và công sức, ở tiêu thụ phô trương là sự lãng phí hàng hóa. Cả hai đều là phương pháp chứng minh tài sản và được chấp nhận là tương đương, theo quy ước. Lựa chọn giữa hai phương pháp này chỉ phụ thuộc vào hiệu quả phô trương, ngoại trừ những trường hợp có ảnh hưởng của tiêu chuẩn phép tắc khác xuất phát từ các nguồn gốc khác. Trên cơ sở hiệu quả, ưu tiên có thể được dành cho phương pháp này hay phương pháp kia ở các giai đoạn khác nhau của sự phát triển kinh tế. Câu hỏi đặt ra là phương pháp nào trong hai phương pháp sẽ tác động hiệu quả hơn đến những người mà ta muốn gây ấn tượng. Phong tục đã trả lời câu hỏi này theo những cách khác nhau trong các hoàn cảnh khác nhau.
Chừng nào cộng đồng hoặc nhóm xã hội còn đủ nhỏ và gắn kết để có thể được tác động một cách hiệu quả chỉ bằng sự nổi tiếng thông thường - nghĩa là, chừng nào môi trường xã hội mà cá nhân cần thích nghi về mặt danh tiếng vẫn chỉ bao gồm những người trong vòng quen biết trực tiếp và lời đồn trong khu xóm - chừng đó, cả hai phương pháp sẽ có hiệu quả tương đương. Do đó, cả hai sẽ hoạt động tốt như nhau trong các giai đoạn đầu của sự phát triển xã hội. Nhưng khi quá trình phân hóa tiếp tục và cần phải tiếp cận một môi trường rộng lớn hơn, thì tiêu thụ bắt đầu chiếm ưu thế so với nhàn rỗi như một phương tiện phô trương. Điều này đặc biệt đúng trong giai đoạn phát triển kinh tế ổn định về sau. Các phương tiện truyền thông và sự di động của dân cư hiện nay khiến cá nhân bị đặt dưới sự quan sát của nhiều người, những người không có cách nào khác để đánh giá danh tiếng của anh ta ngoài việc nhìn vào sự phô trương vật dụng (và có thể cả xuất thân) mà anh ta thể hiện trong quá trình quan sát trực tiếp.
Tổ chức sản xuất hiện đại cũng theo cùng một hướng, nhưng cách khác. Nhu cầu của hệ thống sản xuất hiện đại thường đặt các cá nhân và hộ gia đình ở vị trí liền kề nhau, nhưng giữa họ không có mấy liên hệ ngoài việc đơn thuần là gần gũi về mặt không gian. Hàng xóm của một người, xét về mặt cơ học, thường không phải là hàng xóm về mặt xã hội, thậm chí không phải là người quen biết; tuy vậy, ý kiến thoáng qua của họ vẫn có giá trị đáng kể. Phương tiện khả thi duy nhất để gây ấn tượng về khả năng tài sản của một người trước những quan sát viên hờ hững này là một sự thể hiện không ngừng khả năng chi trả. Trong cộng đồng hiện đại, con người còn thường xuyên tham dự vào các buổi tụ tập lớn, nơi mà cuộc sống hằng ngày của họ không được ai biết đến, tại các địa điểm như nhà thờ, nhà hát, phòng khiêu vũ, khách sạn, công viên, cửa hàng và những nơi tương tự. Để gây ấn tượng với những người quan sát thoáng qua và giữ gìn lòng tự tôn trước sự chú ý của họ, dấu ấn về sức mạnh tài sản của một người phải được viết ra bằng những ký hiệu mà ai cũng có thể nhận ra ngay lập tức. Rõ ràng là xu hướng phát triển hiện nay đang hướng tới việc tăng cường hiệu quả của sự tiêu dùng phô trương so với nhàn rỗi.
Cũng đáng chú ý là hiệu quả của tiêu dùng phô trương như một phương tiện tạo dựng danh tiếng, cũng như sự nhấn mạnh vào việc coi đó là một yếu tố của sự đứng đắn đạt đến đỉnh cao trong những phần của cộng đồng nơi quan hệ xã hội của cá nhân là rộng nhất và tính di động của dân cư là lớn nhất. Tiêu dùng phô trương chiếm phần lớn hơn trong thu nhập của dân cư thành thị so với nông thôn, và yêu cầu về điều này cũng cấp thiết hơn. Kết quả là, để duy trì một hình thức đứng đắn, cư dân thành thị thường phải sống theo kiểu "tới đâu tính tới đó" nhiều hơn so với cư dân nông thôn. Nông dân Mỹ, vợ và con gái họ, thường ít chạy theo mốt trong ăn mặc cũng như ít tinh tế hơn trong phong cách cư xử so với gia đình của thợ thủ công thành phố có thu nhập tương đương. Không phải là dân cư thành thị khao khát sự tự mãn đặc trưng từ tiêu dùng phô trương nhiều hơn, cũng không phải dân cư nông thôn thiếu tôn trọng sự đứng đắn về tài sản. Nhưng sự khiêu khích đối với loại bằng chứng này cũng như tính hiệu quả thoáng qua của nó quyết liệt hơn ở thành thị. Phương pháp tiêu thụ phô trương, vì vậy, có nhiều khả năng được sử dụng hơn, và trong cuộc đua để vượt lên nhau, dân cư thành thị đẩy chuẩn tiêu dùng phô trương của họ lên một mức cao hơn, dẫn đến việc yêu cầu tiêu thụ để đảm bảo vị trí đứng đắn về tài sản nhất định cũng tăng theo. Việc tuân thủ tiêu chuẩn xã hội cao hơn này trở thành điều bắt buộc. Tiêu chuẩn ở mọi tầng lớp đều tăng, và người ta phải đua theo đó, trước nguy cơ đánh mất vị trí xã hội của mình.
Tiêu dùng trở thành yếu tố lớn hơn trong tiêu chuẩn sống ở thành thị so với ở nông thôn. Ở nông thôn, phần nào đó vai trò của tiêu dùng được thay thế bởi tiết kiệm và các tiện nghi gia đình, những thứ xuất hiện trong các câu chuyện đàm tiếu của hàng xóm, đủ để phục vụ mục đích chung là tạo danh tiếng về tài sản. Các tiện nghi này và sự hưởng thụ thời gian nhàn rỗi - nếu có - dĩ nhiên cũng phần lớn thuộc về các hạng mục của tiêu thụ phô trương, và điều tương tự cũng có thể nói về tiết kiệm. Số tiền tiết kiệm ít hơn của tầng lớp thợ thủ công không nghi ngờ gì là bởi, ở một mức độ nào đó, trong môi trường của họ, tiết kiệm là một phương tiện phô trương kém hiệu quả hơn so với ở các trang trại và làng nhỏ. Trong các cộng đồng nhỏ này, mọi người đều biết về công việc của nhau, đặc biệt là về tình trạng tài sản của từng người. Xét một cách đơn lẻ - nghĩa là ở cấp độ thứ nhất - áp lực mà tầng lớp thợ thủ công và lao động thành thị phải đối mặt có thể không làm giảm đáng kể số tiền tiết kiệm, nhưng xét tới tác động tích lũy của nó khi làm tăng tiêu chuẩn chi tiêu đứng đắn, hiệu ứng kìm hãm đối với xu hướng tiết kiệm là rất lớn.
Một minh họa thú vị về cách mà chuẩn mực về sự đáng kính thực thi ảnh hưởng của mình có thể thấy qua thói quen uống rượu, "mời rượu" và hút thuốc tại những nơi công cộng, hiện tượng phổ biến trong giới lao động và thợ thủ công ở các thị trấn và ở tầng lớp trung lưu thấp ở thành thị nói chung. Thợ in là nhóm trong đó hình thức tiêu dùng phô trương này rất thịnh hành và kéo theo những hệ quả rõ rệt thường bị lên án. Những thói quen đặc thù của nhóm này thường được cho là xuất phát từ một sự yếu kém đạo đức mơ hồ thường bị gán cho tầng lớp này, hoặc là từ ảnh hưởng đạo đức tai hại, tuy khó có thể xác định rõ, mà nghề nghiệp của họ gây ra. Thực tế của những người làm việc trong các phòng chế bản và in ấn tại các xưởng in thông thường có thể được tóm tắt như sau. Kỹ năng đạt được ở bất kỳ xưởng in hoặc thành phố nào cũng có thể dễ dàng được tận dụng ở bất kỳ xưởng hoặc thành phố nào khác; tức là sự ràng buộc do đào tạo chuyên môn là không lớn. Ngoài ra, nghề này yêu cầu trí tuệ và kiến thức chung cao hơn mức trung bình, nên những người làm việc trong nghề thường sẵn sàng hơn nhiều so với những người khác trong việc nắm bắt bất kỳ sự biến động nào trong nhu cầu lao động từ nơi này sang nơi khác. Do đó, sự ràng buộc do tình cảm gắn bó với nơi làm việc cũng thấp. Đồng thời, mức lương trong ngành đủ cao để giúp việc di chuyển từ nơi này sang nơi khác tương đối dễ dàng. Kết quả là tính di động của lực lượng lao động trong ngành in rất cao; có lẽ cao hơn bất kỳ nhóm công nhân nào khác có tính xác định rõ ràng và quy mô đáng kể tương đương. Những người này thường xuyên tiếp xúc với những nhóm quen biết mới, mà quan hệ thiết lập với họ chỉ là tạm thời hoặc chóng vánh, nhưng vẫn được họ coi trọng ý kiến trong thời gian ngắn đó. Xu hướng con người thích phô trương, được củng cố bởi sự giao hữu, khiến họ sẵn sàng chi tiêu rộng rãi vào những gì có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu này. Ở đây, cũng như ở nơi khác, chuẩn mực xã hội sẽ chiếm lấy thói quen này ngay khi nó trở nên phổ biến và biến nó thành chuẩn mực được công nhận về sự đàng hoàng. Bước tiếp theo là biến chuẩn mực này thành điểm xuất phát cho một sự tiến triển mới theo cùng hướng - bởi vì chẳng có giá trị gì trong việc chỉ đơn thuần và hời hợt tuân thủ một chuẩn mực về sự phóng túng mà ai trong ngành cũng coi là điều đương nhiên phải theo.
Việc thợ in có xu hướng phóng túng cao hơn so với mặt bằng chung của công nhân ít nhất phần nào có thể lý giải là do nghề này dễ dàng di chuyển và các mối quen biết con người trong nghề này chỉ thoáng qua. Tuy nhiên, nguyên nhân cốt yếu dẫn đến yêu cầu cao về sự phóng túng, suy cho cùng, không gì khác ngoài cùng một xu hướng thể hiện quyền lực và sự đàng hoàng về mặt tài sản, cùng nguyên nhân khiến những nông dân sở hữu ruộng đất ở Pháp phải tiết kiệm và cần cù và thúc đẩy các triệu phú Mỹ lập ra các trường đại học, bệnh viện và bảo tàng. Nếu chuẩn mực tiêu dùng phô trương không bị kháng cự một phần nào đó bởi các đặc điểm khác của bản tính con người, vốn không liên quan gì đến nó, thì về mặt logic, việc tiết kiệm sẽ là không thể đối với một cộng đồng như các tầng lớp công nhân và lao động thành thị hiện nay, cho dù mức lương hay thu nhập của họ có cao đến đâu.
Tuy nhiên, còn có những chuẩn mực về danh tiếng khác và những quy tắc ứng xử khác, ít hay nhiều vẫn mang tính bắt buộc, ngoài sự giàu có và sự thể hiện nó ra, và một số trong số đó đã góp phần nhấn mạnh hoặc điều chỉnh chuẩn mực của sự phô trương lãng phí. Theo tiêu chí đơn giản về hiệu quả, chúng ta có thể mong đợi sự phân chia khá đồng đều giữa nhàn rỗi và tiêu dùng phô trương trong sự cạnh tranh tài sản buổi đầu. Sau đó, có thể trông chờ nhàn rỗi sẽ mất dần chỗ đứng và thành lỗi thời khi phát triển kinh tế tiến triển và cộng đồng ngày càng mở rộng; trong khi tiêu dùng phô trương sẽ dần trở nên quan trọng hơn, cả về mặt tuyệt đối và tương đối, cho đến khi nó hấp thụ toàn bộ sản phẩm có sẵn, không để lại gì ngoài mức tối thiểu cần để sống. Tuy nhiên, quá trình phát triển thực tế có phần khác với mô hình lý tưởng này. Nhàn rỗi nắm giữ vị trí ưu tiên ngay từ đầu, và đạt đến vị trí cao hơn nhiều so với tiêu dùng lãng phí, cả trong vai trò thể hiện trực tiếp sự giàu có lẫn như một yếu tố trong chuẩn mực đàng hoàng, trong thời kỳ văn hóa hòa bình tương đối. Từ đó, tiêu dùng đã dần dần chiếm ưu thế, cho đến nay, không thể phủ nhận rằng nó giữ vị trí hàng đầu, mặc dù vẫn còn xa mới đạt đến việc hấp thụ toàn bộ sản phẩm dư ra ngoài mức sinh hoạt tối thiểu.
Sự thống trị ban đầu của nhàn rỗi như một phương tiện thể hiện sự danh giá có thể bắt nguồn từ sự phân biệt cổ xưa giữa những công việc cao quý và hèn mọn. Nhàn rỗi được coi là danh dự và trở nên bắt buộc một phần vì nó thể hiện sự thoát ly khỏi lao động hèn mọn. Sự phân chia cổ xưa thành các tầng lớp cao quý và thấp kém dựa trên một sự phân biệt bất công giữa các công việc, coi công việc là vinh dự hay hạ nhục; và sự phân biệt truyền thống này đã phát triển thành một chuẩn mực đạo đức bắt buộc trong giai đoạn văn hóa hòa bình tương đối ban đầu. Sự thống trị này càng được củng cố bởi thực tế rằng nhàn rỗi vẫn có hiệu quả ngang với tiêu dùng trong việc thể hiện sự giàu có. Thực tế, nó hiệu quả đến mức trong môi trường xã hội nhỏ và ổn định mà cá nhân phải tiếp xúc ở giai đoạn văn hóa đó, cùng với truyền thống cổ xưa phản đối mọi lao động sản xuất, nó đã tạo ra một tầng lớp nhàn rỗi đông đảo nhưng không có tiền tài, và thậm chí còn có xu hướng giới hạn sản xuất của nền sản xuất cộng đồng ở mức tối thiểu để tồn tại. Sự kìm hãm quá mức đối với csản xuất này chỉ được tránh nhờ vào lao động nô lệ, làm việc dưới áp lực mạnh hơn cả nhu cầu danh dự, buộc phải tạo ra sản phẩm vượt quá mức sinh hoạt tối thiểu của tầng lớp lao động. Sự suy giảm tương đối sau đó của việc sử dụng nhàn rỗi phô trương làm cơ sở cho danh tiếng một phần là do hiệu quả ngày càng tăng của tiêu dùng như minh chứng cho sự giàu có, nhưng phần nào có thể được lý giải bởi một yếu tố khác, không liên quan và ở mức độ nào đó đối lập với thói quen lãng phí phô trương.
Yếu tố mới này là bản năng nghề nghiệp. Trong những hoàn cảnh khác phù hợp, bản năng này khiến con người nhìn nhận tích cực hiệu quả sản xuất và bất cứ điều gì có ích cho con người. Nó khiến họ xem thường sự lãng phí vật chất hay công sức. Bản năng nghề nghiệp có mặt ở tất cả mọi người và tự khẳng định ngay cả trong những hoàn cảnh rất bất lợi. Vì vậy, dù một khoản chi tiêu có thể lãng phí đến đâu, nó ít nhất cũng cần có một lý do hợp lý bề ngoài. Cách mà bản năng này, trong những hoàn cảnh đặc biệt, dẫn đến thị hiếu khai thác và một sự phân biệt bất công giữa các giai cấp cao quý và thấp kém đã được nêu rõ trong chương trước. Khi bản năng này xung đột với quy luật lãng phí phô trương, nó không bộc lộ qua sự khăng khăng vào sự hữu ích mà qua một cảm giác bền bỉ về sự đáng ghét và sự bất khả về mặt thẩm mỹ của những gì rõ ràng là vô ích. Là một tình cảm mang tính bản năng, sự chỉ dẫn của nó chủ yếu và ngay lập tức ảnh hưởng đến những vi phạm rõ ràng, hiển nhiên đối với yêu cầu của nó.
Chừng nào tất cả lao động vẫn còn do nô lệ thực hiện hoàn toàn hoặc phần lớn thì sự hèn mọn của mọi nỗ lực sản xuất vẫn còn gắn chặt và ám ảnh trong tâm trí con người đến mức bản năng nghề nghiệp khó có thể thực sự phát huy tác dụng hướng đến hiệu quả sản xuất; nhưng khi giai đoạn bán hòa bình (với chế độ nô lệ và địa vị) chuyển sang giai đoạn sản xuất hòa bình (với lao động thuê và trả công bằng tiền mặt), bản năng này mới thực sự phát huy. Khi ấy, nó bắt đầu tác động mạnh mẽ đến quan niệm của con người về điều gì là đáng ngợi khen và khẳng định mình như một quy chuẩn bổ sung cho sự tự hài lòng. Nếu không tính đến những yếu tố ngoại vi thì ngày nay chỉ còn một thiểu số nhỏ (người trưởng thành) không theo đuổi một mục đích nào đó, không tự thúc đẩy bản thân để tạo ra một vật, một sự, hay một quan hệ nào đó hữu ích. Khuynh hướng này có thể phần nào bị áp đảo bởi động lực tức thì hướng đến sự nhàn rỗi đáng kính và tránh né những sự hữu dụng không đúng mực, và do đó nó có thể chỉ thể hiện qua những hình thức giả tạo, chẳng hạn như "nhiệm vụ xã hội", những hoạt động nghệ thuật hoặc học thuật bán chuyên, chăm sóc và trang trí nhà cửa, hoạt động trong các hội nhóm khâu vá hay cải cách trang phục, sự sành về mốt, bài lá, du thuyền, golf, và các môn thể thao khác. Nhưng thực tế rằng nó có thể trong hoàn cảnh khó khăn mà dẫn đến những trò vô bổ không hề phủ nhận hiện diện của bản năng này, cũng như thực tế rằng một con gà mái có thể ngồi ấp trên ổ trứng giả không hề bác bỏ bản năng ấp trứng của nó.
Những tìm kiếm không yên một hình thức hoạt động có mục đích nhưng không sản sinh ra lợi ích cá nhân hay tập thể một cách không đúng mực ngày nay đánh dấu sự khác biệt về thái độ giữa tầng lớp nhàn rỗi hiện đại và giai đoạn bán hòa bình trước đây. Ở giai đoạn trước, như đã nói ở trên, hệ thống nô lệ và địa vị chi phối mọi thứ đã phản đối không khoan nhượng bất kỳ nỗ lực nào hướng đến bất kỳ mục đích nào ngoài các mục tiêu săn mồi ngây thơ. Khi đó vẫn có thể tìm thấy một số hoạt động thường xuyên cho khuynh hướng hành động trong sự công kích hoặc đàn áp nhằm vào các nhóm thù địch hoặc tầng lớp thấp kém trong cộng đồng; điều này giúp giải tỏa áp lực và sử dụng năng lượng của tầng lớp nhàn rỗi mà không cần đến những công việc thực sự hữu ích hoặc thậm chí được cho là hữu ích. Hoạt động săn bắn cũng phục vụ mục đích tương tự ở mức độ nào đó. Khi cộng đồng phát triển thành một tổ chức sản xuất hòa bình và khi đất đai được khai thác đầy đủ làm cơ hội săn bắn còn lại không đáng kể, năng lượng tìm kiếm sự hoạt động có mục đích buộc phải tìm lối thoát theo hướng khác. Sự xấu hổ gắn với nỗ lực hữu ích cũng giảm bớt phần nào với sự biến mất của lao động cưỡng bức, và bản năng nghề nghiệp khi đó bắt đầu khẳng định mình bền bỉ và nhất quán hơn.
Đường hướng ít bị kháng cự nhất đã thay đổi ở một mức độ nào đó, và năng lượng trước đây từng tìm lối thoát trong hoạt động săn mồi giờ được chuyển một phần sang các mục đích có vẻ hữu ích. Việc nhàn rỗi không có mục đích rõ ràng đã dần bị xem thường, đặc biệt là đối với phần lớn tầng lớp nhàn rỗi có xuất thân bình dân, vốn có xu hướng đi ngược lại truyền thống otium cum dignitate (nhàn rỗi với phẩm giá). Tuy nhiên, nguyên tắc danh dự ngăn cản mọi công việc sản xuất vẫn còn tồn tại, và nó không cho phép bất kỳ công việc nào thực sự hữu ích hoặc mang tính sản xuất có thể duy trì lâu dài. Kết quả là sự thay đổi đã diễn ra trong kiểu nhàn rỗi phô trương mà tầng lớp nhàn rỗi thực hành, không phải về bản chất mà là về hình thức. Sự hòa giải giữa hai yêu cầu xung đột này được thực hiện thông qua việc giả vờ làm việc. Nhiều lễ nghi phức tạp và các trách nhiệm xã hội mang tính nghi thức được phát triển; nhiều tổ chức được thành lập với cái tên rất kêu và phong cách rất sang, những giao lưu qua lại và chuyện trò không ngừng nghỉ để người tham gia không còn lúc nào suy ngẫm về giá trị kinh tế thực của những việc họ đang làm. Và đan xen không thể tách rời trong những công việc mang mục đích giả tạo này vẫn thường có một yếu tố nỗ lực có chủ ý hướng đến một mục tiêu nghiêm túc, dù nhiều hay ít.
Trong phạm vi hẹp hơn của sự nhàn rỗi thay thế, một thay đổi tương tự cũng diễn ra. Thay vì đơn giản chỉ ngồi không một cách hiển nhiên như trong những ngày tốt đẹp nhất của chế độ gia trưởng, người nội trợ ở giai đoạn hòa bình phát triển đã chuyên cần chăm lo công việc gia đình. Những đặc điểm nổi bật của bước phát triển trong sự chăm sóc gia đình này đã được chỉ ra. Quá trình tiến hóa của tiêu dùng phô trương, cho dù là tiêu dùng hàng hóa, sự phục vụ hay nhân lực, có một ý xuyên suốt: để nâng cao danh tiếng, sự tiêu dùng phải là lãng phí. Chẳng có ý nghĩa gì nếu chỉ tiêu thụ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, trừ khi so sánh với những người nghèo khổ cùng cực không thể đáp ứng cả mức sinh tồn tối thiểu; và không thể có một tiêu chuẩn chi tiêu nào được hình thành từ sự so sánh đó, ngoại trừ mức tối thiểu và kém hấp dẫn của sự tươm tất. Một tiêu chuẩn sống vẫn có thể tồn tại với những cách so bì khác ngoài sự giàu có; chẳng hạn, so bì các phương diện khác nhau của sức mạnh đạo đức, thể chất, trí tuệ hoặc thẩm mỹ. Sự so bì đa dạng này đang thịnh hành ngày nay và thường gắn chặt với sự so bì tài sản, đến mức không thể phân biệt được. Điều này đặc biệt đúng trong các đánh giá hiện tại về biểu hiện của sức mạnh trí tuệ và thẩm mỹ, đến nỗi chúng ta thường xuyên hiểu là khác biệt thẩm mỹ hoặc trí tuệ những gì thực chất chỉ là khác biệt về tài sản.
Việc sử dụng thuật ngữ "lãng phí" ở một khía cạnh nào đó là một lựa chọn chưa được trọn vẹn. Trong ngôn ngữ hàng ngày, từ này mang hàm ý chê bai. Ở đây, nó được sử dụng do thiếu một thuật ngữ tốt hơn có thể miêu tả đầy đủ động cơ và hiện tượng, và không nên hiểu theo nghĩa tiêu cực, ngụ ý một sự tiêu dùng phi lý các sản phẩm hoặc lao động con người. Theo quan điểm lý thuyết kinh tế, chi tiêu này không hợp lý hơn hay kém hợp lý hơn bất kỳ loại chi tiêu nào khác. Ở đây, nó được gọi là "lãng phí" vì chi tiêu này không phục vụ đời sống nói chung, chứ không phải vì nó là một sự lãng phí hay lệch hướng của nỗ lực hoặc chi tiêu xét từ góc độ của cá nhân đã chọn nó. Nếu anh ta chọn nó thì điều đó giải quyết vấn đề về tính hữu ích tương đối của nó đối với anh ta so với các hình thức tiêu thụ khác mà không bị xem thường do tính lãng phí. Bất kể anh ta chọn hình thức tiêu thụ nào, bất kể mục đích anh ta tìm kiếm trong lựa chọn đó là gì, nó vẫn có giá trị với anh ta bởi thị hiếu của chính anh ta. Xét từ góc độ mục đích tiêu thụ cá nhân, vấn đề về tính lãng phí không xuất hiện trong phạm vi lý thuyết kinh tế thuần túy. Việc sử dụng từ "lãng phí" như một thuật ngữ kỹ thuật không ám chỉ sự chê bai các động cơ hay mục tiêu mà người tiêu thụ hướng đến dưới nguyên tắc "tiêu thụ phô trương."
Tuy nhiên, về các khía cạnh khác, rất đáng chú ý rằng thuật ngữ "lãng phí" trong ngôn ngữ hàng ngày hàm ý chê trách. Hàm ý này thực chất là biểu hiện của bản năng lao động có ích. Sự phê phán phổ biến đối với lãng phí ngụ ý rằng, để cảm thấy yên lòng, người ta phải thấy rằng mọi nỗ lực và hưởng thụ phải góp phần cải thiện đời sống con người tổng thể. Để được chấp nhận hoàn toàn, mọi hiện tượng kinh tế phải tự chứng minh tính hữu ích của mình xét từ góc độ của con người nói chung. Lợi thế cạnh tranh của một cá nhân so với người khác không thỏa mãn được lương tâm kinh tế, và do đó, sự tiêu thụ mang tính cạnh tranh không nhận được sự chấp thuận của lương tâm này.
Một cách chính xác, chỉ nên xếp vào mục phô trương lãng phí những khoản chi được thực hiện trên cơ sở so sánh tài sản mang tính phân biệt. Tuy nhiên, để xếp một khoản chi nào đó vào mục này, không nhất thiết người chi phải nhận thức rằng nó là lãng phí theo nghĩa đó. Thường thì một yếu tố của mức sống ban đầu chủ yếu là phô trương lãng phí, nhưng theo thời gian, người tiêu thụ có thể coi nó là một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và bằng cách này, nó có thể trở nên không thể thiếu như bất kỳ khoản chi nào khác trong thói quen tiêu dùng của họ. Những thứ như thảm và rèm, bộ đồ ăn bằng bạc, phục vụ bàn, mũ lụa, vải lanh hồ cứng, nhiều loại trang sức và trang phục đều là những ví dụ minh họa cho nguyên lý này. Tuy nhiên, tính không thể thiếu của những vật này, sau khi thói quen và quy ước đã được hình thành, có rất ít tác động đến việc phân loại chúng là lãng phí hay không lãng phí theo nghĩa kỹ thuật. Tiêu chuẩn để quyết định điểm này là câu hỏi liệu nó có phục vụ trực tiếp việc nâng cao đời sống con người nói chung hay không - liệu nó có thúc đẩy cuộc sống xét một cách khách quan hay không. Đây là tiêu chuẩn của bản năng lao động, và bản năng này là thẩm phántối cao trong bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến sự hợp lý về kinh tế. Đó là yêu cầu phán quyết được đưa ra bởi một lý trí bình thản. Câu hỏi không phải là liệu, trong hoàn cảnh hiện tại của thói quen cá nhân và tập quán xã hội, một khoản chi cụ thể có mang lại sự hài lòng hay sự yên tâm hay không; mà là liệu, không xét đến những thị hiếu đã thành hình và các tiêu chuẩn cùng phong tục truyền thống, nó có mang lại sự thoải mái hay sự phong phú cho cuộc sống hay không. Chi tiêu theo tập quán phải được xếp vào mục lãng phí trong chừng mực tập quán ấy có thể truy từ thói quen so sánh tài sản mang tính phân biệt - trong chừng mực nó không thể trở thành tập quán và chuẩn mực nếu không có sự hỗ trợ của nguyên tắc về danh tiếng tài sản. Rõ ràng là không cần thiết chuyện một vật phẩm tiêu dùng phải hoàn toàn lãng phí để thuộc vào danh mục phô trương lãng phí. Một vật phẩm có thể vừa hữu dụng vừa lãng phí, và tính hữu dụng của nó đối với người dùng có thể bao gồm cả yếu tố sử dụng và lãng phí với những tỷ lệ khác nhau. Hàng hóa tiêu dùng và thậm chí cả hàng hóa sản xuất thường chứa cả hai yếu tố này kết hợp trong tính hữu dụng của chúng, mặc dù nhìn chung, yếu tố lãng phí có xu hướng chiếm ưu thế ở các vật phẩm tiêu dùng, trong khi là ngược lại đối với các vật phẩm được thiết kế cho mục đích sản xuất. Ngay cả trong những vật thoạt nhìn có vẻ chỉ phục vụ cho mục đích phô trương vẫn luôn có thể phát hiện ít nhiều hữu dụng, ít nhất là về mặt hình thức; và ngược lại, cả trong các thiết bị và công cụ đặc biệt được chế tạo cho một quy trình sản xuất cụ thể nào đó cũng như trong các dụng cụ thô sơ nhất của sản xuất, dấu vết của phô trương lãng phí hoặc ít nhất là của thói quen phô trương vẫn hiện ra khi xem xét kỹ lưỡng. Sẽ rất mạo hiểm khi nói rằng một mục đích hữu dụng hoàn toàn vắng mặt trong bất kỳ vật phẩm hoặc dịch vụ nào, cho dù rõ ràng mục đích chính và yếu tố chính của nó là phô trương lãng phí; và cũng không kém mạo hiểm khi cho rằng một sản phẩm chủ yếu hữu dụng không có yếu tố lãng phí góp phần vào giá trị của nó, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Anh Hoa dịch
Veblen
"la vie est ailleurs, pourvu que je soit un autre"
Dương Nghiễm Mậu: The Age of Poisonous Water
and