favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024
Next

Thorstein Veblen: Tầng lớp nhàn rỗi (phần 1)

11/10/2024 08:00

Tầng lớp nhàn rỗi (1899), tức là, thời chúng ta. Đây sẽ là một marathon, nghĩa là cứ được đọan nào thì văn bản luôn đoạn ấy, cùng Các hình thức của kinh nghiệm tôn giáo (1902, William James) và The Closing of the American Mind (1987, Allan Bloom). Đó là ba người Mỹ. Từng có lúc, nước Mỹ thực sự mang nhiều triệu chứng thời đại, nghĩa là đáng để nhìn vào. James nhìn vào tôn giáo ở nguồn của nó, Veblen nhìn vào danh dự như một cơ sở cho tiến hóa, còn Bloom nhìn vào giáo dục bậc cao, ở thời điểm nó đã thực sự trở thành cái ổ của tha hóa. Một thế giới không có lòng tin, không có tình yêu và nhất là không biết đọc thì thế nào?

một người Mỹ nữa

Các bản dịch marathon này sẽ không bao gồm chú thích, để độc giả chỉ còn tập trung vào văn bản chính.

 

Tầng lớp nhàn rỗi

- Thorstein Veblen

Chương I 

Thiết chế tầng lớp nhàn rỗi phát triển nhất ở các giai đoạn cao của văn hóa man rợ, chẳng hạn ở châu Âu hay Nhật Bản thời phong kiến. Trong những cộng đồng này, sự phân biệt giữa các tầng lớp được tuân thủ rất nghiêm ngặt; và đặc điểm có ý nghĩa kinh tế nổi bật nhất trong sự khác biệt tầng lớp là sự phân biệt giữa các công việc dành cho từng tầng lớp khác nhau. Các tầng lớp thượng lưu theo tập quán được miễn hoặc loại khỏi các công việc sản xuất, và được dành cho một số công việc gắn liền với danh dự. Đứng đầu trong số các nghề cao quý trong mọi cộng đồng phong kiến là nghề chiến trận; nghề tu sĩ thường xếp thứ hai Nếu cộng đồng man rợ không đặc biệt hiếu chiến thì tu sĩ có thể đứng đầu, chiến binh đứng thứ hai. Tuy nhiên, quy tắc chung, chỉ với một số ngoại lệ nhỏ, là cho dù là chiến binh hay tu sĩ, các tầng lớp thượng lưu đều được miễn trừ khỏi công việc sản xuất, và sự miễn trừ này chính là biểu hiện kinh tế cho địa vị cao hơn của họ. Ấn Độ thời Brahmin là một ví dụ điển hình về sự miễn trừ công việc sản xuất đối với cả hai tầng lớp này. Trong các cộng đồng thuộc văn hóa man rợ cấp cao hơn, tầng lớp nhàn rỗi lại chia thành các hạng khác nhau, mỗi hạng ứng với một nghề. Về cơ bản tầng lớp nhàn rỗi bao gồm quý tộc và tu sĩ cùng phần lớn tùy tùng của họ. Các nghề rất đa dạng nhưng đặc điểm kinh tế chung là đều không liên quan đến sản xuất. Những nghề thượng lưu và phi sản xuất đại khái có thể chia thành bốn lĩnh vực: cai trị, chiến tranh, nghi lễ tôn giáo và săn bắn.

Ở một giai đoạn man rợ sớm hơn, nhưng không phải là sớm nhất, tầng lớp nhàn rỗi xuất hiện ở một hình thức ít phân biệt hơn. Cả phân biệt giữa các tầng lớp và phân biệt giữa các nghề nghiệp của tầng lớp nhàn rỗi đều không quá chi tiết và phức tạp. Cư dân trên các đảo Polynesia thể hiện rõ giai đoạn phát triển này, ngoại trừ việc, do thiếu các loài thú lớn, săn bắn không giữ vị trí danh dự thường thấy trong đời sống của họ. Cộng đồng Iceland thời Sagas cũng là một ví dụ điển hình. Trong những cộng đồng như vậy có sự phân biệt nghiêm ngặt giữa các tầng lớp và giữa các công việc đặc trưng cho từng tầng lớp. Lao động chân tay, sản xuất, hay bất cứ điều gì liên quan trực tiếp đến công việc hằng ngày để mưu sinh đều là nghề dành riêng cho tầng lớp thấp hơn. Tầng lớp này bao gồm nô lệ cùng những người phụ thuộc khác và thông thường cũng bao gồm tất cả phụ nữ. Nếu có nhiều cấp bậc quý tộc khác nhau thì những phụ nữ thuộc tầng lớp cao thường được miễn khỏi công việc sản xuất, hoặc ít nhất là khỏi những công việc chân tay tầm thường. Đàn ông của tầng lớp thượng lưu không chỉ được miễn trừ mà theo tập quán còn bị cấm tham gia vào tất cả công việc sản xuất. Phạm vi nghề nghiệp dành cho họ được xác định rất nghiêm ngặt. Giống như ở xã hội cấp cao hơn đã nói trước đó, những nghề này bao gồm cai trị, chiến tranh, nghi lễ tôn giáo và săn bắn. Bốn lĩnh vực hoạt động ấy xác định lối sống của tầng lớp thượng lưu, và đối với tầng lớp cao nhất - các vị vua hoặc thủ lĩnh - đây là loại hoạt động duy nhất mà tập quán hoặc lẽ thường của cộng đồng cho phép họ tham gia. Thực tế, khi hệ thống này được phát triển đầy đủ, thậm chí hoạt động săn bắn cũng được coi là có phần không phù hợp đối với những người thuộc tầng lớp cao nhất. Đối với các cấp bậc thấp hơn của tầng lớp nhàn rỗi, có một số nghề nghiệp khác có thể mở ra, nhưng chúng đều là công việc phụ trợ cho một hoặc một vài nghề điển hình của tầng lớp nhàn rỗi, chẳng hạn như chế tạo và chăm sóc vũ khí, trang bị, thuyền chiến; chăm sóc và huấn luyện ngựa, chó, chim ưng; chuẩn bị đồ tế lễ, v.v. Các tầng lớp thấp hơn bị loại khỏi những công việc danh dự phụ trợ này, ngoại trừ những công việc rõ ràng mang tính sản xuất và chỉ liên quan xa tới các nghề nghiệp điển hình của tầng lớp nhàn rỗi.

Nếu lùi một bước từ văn hóa man rợ mẫu mực và quay lại các giai đoạn man rợ thấp hơn, chúng ta sẽ không còn thấy một tầng lớp nhàn rỗi phát triển hoàn chỉnh nữa. Tuy nhiên, man rợ ở cấp thấp hơn cho thấy các tập quán, động lực và hoàn cảnh từ đó tầng lớp nhàn rỗi xuất hiện, đồng thời chỉ ra các bước phát triển ban đầu của nó. Các bộ lạc săn bắn du mục ở nhiều nơi trên thế giới minh họa cho các giai đoạn phân hóa sơ khai này. Bất kỳ bộ lạc săn bắn nào ở Bắc Mỹ cũng có thể được lấy làm ví dụ. Những bộ lạc này hầu như không có một tầng lớp nhàn rỗi. Có sự phân biệt chức năng và phân chia tầng lớp dựa trên khác biệt chức năng ây, nhưng sự miễn trừ của tầng lớp thượng lưu khỏi lao động chưa phát triển đủ để có thể áp dụng thuật ngữ "tầng lớp nhàn rỗi". Các bộ lạc thuộc cấp độ này đã tiến tới sự phân biệt kinh tế ở mức có sự phân chia rõ ràng giữa các công việc của nam và nữ, và sự phân biệt này rất đáng kể. Trong gần như tất cả các bộ lạc ấy, phụ nữ, theo tập quán, bị giới hạn cho các công việc mà từ đó các nghề sản xuất sẽ phát triển ở giai đoạn tiếp theo. Đàn ông được miễn trừ khỏi những công việc thô tục này và chỉ tập trung vào chiến tranh, săn bắn và các nghi lễ tôn giáo. Sự phân biệt rất tinh tế thường được thể hiện rõ trong vấn đề này. 

Sự phân chia lao động này trùng khớp với sự phân biệt giữa tầng lớp lao động và tầng lớp nhàn rỗi như được thấy trong văn hóa man rợ cao cấp hơn. Khi sự đa dạng hóa và chuyên môn hóa các nghề tiến triển, ranh giới này dần chia tách các nghề sản xuất và phi sản xuất. Công việc của người đàn ông ở giai đoạn man rợ sơ khai không phải là nguồn sinh ra bất kỳ phần đáng kể nào của các việc sản xuất sau này. Ở giai đoạn phát triển sau, nó chỉ còn để lại dấu vết trong những công việc được coi là phi sản xuất: chiến tranh, chính trị, săn bắn, học thuật và tu sĩ. Ngoại lệ đáng chú ý duy nhất là một phần của việc đánh bắt cá và một số công việc nhỏ khác, khó có thể xếp hẳn vào lĩnh vực sản xuất, chẳng hạn như sản xuất vũ khí, đồ chơi và dụng cụ săn bắn. Hầu như toàn bộ công việc sản xuất đều phát triển từ những gì được coi là công việc của phụ nữ trong cộng đồng man rợ nguyên thủy.

Công việc của đàn ông trong văn hóa man rợ cấp thấp không kém thiết yếu đối với sự tồn tại của cộng đồng so với công việc do phụ nữ thực hiện. Thậm chí có thể nói rằng công việc của đàn ông đóng góp ngang bằng vào nguồn cung cấp lương thực và các nhu cầu tiêu dùng khác. Thật vậy, tính "sản xuất" trong công việc nam giới rõ ràng đến mức trong các bài viết kinh tế thông thường, công việc của thợ săn vẫn được coi là hình mẫu của sản xuất nguyên thủy. Nhưng cái nhìn của người man rợ về vấn đề này không như vậy. Trong mắt họ, đàn ông không phải là lao động và không được xếp ngang hàng với phụ nữ trong khía cạnh ấy; nỗ lực của họ không thể được coi là lao động hay sản xuất theo cách có thể nhầm lẫn với công việc nặng nhọc của phụ nữ. Trong tất cả các cộng đồng man rợ đều có một nhận thức sâu sắc về khác biệt giữa công việc của đàn ông và phụ nữ. Công việc của đàn ông có thể góp phần duy trì cộng đồng, nhưng người ta cảm nhận rằng nó làm được điều đó với một sự sắc bén và hiệu quả không thể so sánh, mà không hạ thấp, với sự cần cù bình lặng của phụ nữ.

Lùi xa hơn trên thang bậc văn hóa - trong các nhóm người hoang dã - sự phân hóa công việc càng ít phức tạp và sự phân biệt tầng lớp cùng công việc cũng thiếu nhất quán và không nghiêm ngặt bằng. Rất khó tìm thấy các ví dụ rõ ràng về văn hóa hoang dã nguyên thủy. Rất ít nhóm hoặc cộng đồng có thể được xếp vào loại "hoang dã" mà không có dấu vết của sự thoái hóa từ một giai đoạn văn hóa phát triển hơn. Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm - có vẻ không phải kết quả của sự thoái hóa - thể hiện những đặc điểm của sự hoang dã nguyên thủy một cách trung thực. Văn hóa của họ khác với các cộng đồng man rợ ở chỗ thiếu vắng tầng lớp nhàn rỗi và phần lớn thiếu thái độ hay động lực làm nền tảng cho sự tồn tại của tầng lớp này. Những cộng đồng hoang dã nguyên thủy không có sự phân tầng kinh tế này chỉ chiếm một phần nhỏ và không nổi bật trong tổng số loài người. Ví dụ tiêu biểu về giai đoạn văn hóa ấy có thể thấy ở các bộ lạc Andaman hoặc ở những người Todas của dãy Nilgiri. Lối sống của các nhóm này vào thời điểm tiếp xúc đầu tiên với người châu Âu rất gần với mô hình, ít nhất là về việc không có tầng lớp nhàn rỗi. Một ví dụ khác có thể kể đến là người Ainu ở đảo Yezo, và, ít chắc chắn hơn, một số nhóm người Bushman và Eskimo. Một số cộng đồng Pueblo cũng có thể được đưa vào loại này. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các cộng đồng được nêu ở đây có thể là những trường hợp thoái hóa từ một nền văn hóa man rợ cao hơn chứ không phải là những văn hóa chưa bao giờ vượt qua mức độ hiện tại của nó. Kể cả vậy, chúng vẫn có thể được xem xét làm bằng chứng, không khác gì nếu chúng thực sự là các cộng đồng "nguyên thủy".

Những cộng đồng không có một tầng lớp nhàn rỗi rõ ràng này cũng giống nhau ở một số đặc điểm khác trong cấu trúc xã hội và cách sống. Đây là các nhóm nhỏ với cấu trúc đơn giản (nguyên sơ), họ thường sống hòa bình và định cư, họ nghèo, và sở hữu cá nhân không phải là đặc điểm nổi bật trong hệ thống kinh tế của họ. Nhưng điều này không có nghĩa rằng đây là những cộng đồng nhỏ nhất hiện có, hoặc rằng cấu trúc xã hội của họ là phân hóa tối thiểu, cũng không nhất thiết bao gồm tất cả các cộng đồng nguyên thủy không có hệ thống sở hữu cá nhân rõ ràng. Nhưng cần lưu ý rằng nhóm này dường như bao gồm những cộng đồng hòa bình nhất - có lẽ là tất cả các nhóm người nguyên thủy hòa bình. Thật vậy, đặc điểm chung nổi bật nhất của các thành viên của những cộng đồng này là một sự thiếu hiệu quả dễ mến khi phải đối mặt với bạo lực hoặc lừa đảo.

Bằng chứng từ các tập quán và đặc điểm văn hóa của những cộng đồng ở giai đoạn phát triển thấp cho thấy tầng lớp nhàn rỗi đã hình thành dần trong quá trình chuyển từ hoang dã nguyên thủy sang man rợ, cụ thể hơn: trong quá trình chuyển từ lối sống hòa bình sang lối sống chiến tranh thường xuyên. Những điều kiện cần thiết để tầng lớp nhàn rỗi xuất hiện một cách nhất quán là: (1) Cộng đồng phải có lối sống săn mồi (chiến tranh hoặc săn thú lớn, hoặc cả hai), tức là đàn ông, những người tạo thành tầng lớp nhàn rỗi sơ khai, phải quen với việc gây tổn thương thông qua vũ lực và mưu lược; (2) Nguồn sống phải được cung cấp một cách tương đối dễ dàng để cho phép một phần đáng kể trong cộng đồng được miễn khỏi sự lao động liên tục và đều đặn. Tầng lớp nhàn rỗi là kết quả của sự phân biệt công việc từ sớm, theo đó một số công việc được coi là đáng giá và một số khác là không đáng giá. Dưới sự phân biệt cổ xưa này, những công việc đáng giá là những việc có thể xếp vào loại chinh phục; còn những công việc không đáng giá là những công việc hằng ngày thiết yếu, không có yếu tố chinh phục nào đáng kể.

Sự phân biệt này có rất ít ý nghĩa rõ ràng trong một cộng đồng sản xuất hiện đại, do đó nó ít được các nhà kinh tế chú ý. Khi nhìn dưới góc độ của lẽ thường hiện đại, thứ đã dẫn dắt các cuộc thảo luận kinh tế, phân biệt này dường như chỉ mang tính hình thức và không thực chất. Tuy nhiên, nó vẫn kiên trì tồn tại như một định kiến phổ biến, ngay cả trong đời sống hiện đại, như được minh chứng qua ác cảm quen thuộc của chúng ta đối với các công việc hạ đẳng. Đây là một sự phân biệt mang tính cá nhân - về sự vượt trội và kém cỏi. Ở những giai đoạn văn hóa sớm hơn, khi sức mạnh cá nhân đóng vai trò rõ ràng và tức thì hơn trong việc định hình các sự kiện, yếu tố chinh phục đóng vai trò lớn hơn trong đời sống hằng ngày. Mối quan tâm tập trung nhiều hơn vào sự vị này, do đó, sự phân biệt dựa trên cơ sở này có vẻ mang tính bắt buộc và dứt khoát hơn so với ngày nay. Ở tư cách một sự vị trong quá trình phát triển, phân biệt này là thực chất và dựa trên những nền tảng đủ hợp lý và thuyết phục.

Nền tảng cho phân biệt giữa các sự vị sẽ thay đổi khi mối quan tâm chi phối cái nhìn các sự vị thay đổi. Những đặc điểm của các sự vị hiện có sẽ nổi bật và quan trọng nếu chúng được soi rọi bởi mối quan tâm chủ đạo của thời đại. Bất kỳ cơ sở phân biệt nào cũng sẽ có vẻ thiếu thực chất đối với những người đã quen nhìn các sự vị đó từ một quan điểm khác và đánh giá chúng cho một mục đích khác. Thói quen phân biệt và phân loại các mục đích và hướng đi khác nhau của hoạt động tồn tại ở mọi nơi và mọi thời kỳ, vì đó là điều thiết yếu để xây dựng lý thuyết hoặc kế hoạch cho cuộc sống. Quan điểm cụ thể, hay đặc điểm cụ thể được chọn làm tiêu chuẩn phân loại các sự vị phụ thuộc vào mối quan tâm chi phối mong muốn phân biệt chúng. Do đó, nền tảng phân biệt và chuẩn mực phân loại các sự vị sẽ thay đổi dần khi văn hóa phát triển, bởi mục đích chi phối cách người ta nhìn nhận các sự vị thay đổi, và quan điểm do đó cũng thay đổi theo. Vì vậy, những đặc điểm được công nhận là nổi bật và quyết định của một loại hoạt động hoặc của một tầng lớp xã hội ở một giai đoạn văn hóa sẽ không giữ nguyên tầm quan trọng trong các giai đoạn phân loại tiếp theo.

Nhưng sự thay đổi về tiêu chuẩn và quan điểm bao giờ cũng diễn ra từ từ và hiếm khi dẫn đến sự lật đổ hoặc loại bỏ hoàn toàn một quan điểm đã từng được chấp nhận. Vẫn có sự phân biệt thường thấy giữa các nghề sản xuất và phi sản xuất; và phân biệt hiện đại này là một biến thể của phân biệt giữa chinh phục và lao động khổ nhọc trong xã hội man rợ. Những công việc như chiến tranh, chính trị, thờ phụng công khai và các hoạt động hội hè công cộng được cảm nhận, trong quan niệm chung, là khác về cơ bản so với lao động tạo ra các phương tiện vật chất của cuộc sống. Đường ranh giới chính xác không còn giống như trong hệ thống man rợ sơ khai, nhưng phân biệt tổng quát vẫn chưa bị lãng quên.

Trên thực tế, sự phân biệt ngầm định, theo lẽ thường ngày nay là: bất kỳ nỗ lực nào cũng được coi là sản xuất khi mục đích cuối cùng của nó là sử dụng các đối tượng không phải con người. Việc con người cưỡng ép sử dụng con người khác không được coi là một chức năng sản xuất, nhưng tất cả các nỗ lực nhằm nâng cao cuộc sống con người bằng cách tận dụng môi trường phi con người đều được xếp chung là hoạt động sản xuất. Theo quan niệm của các nhà kinh tế học đã giữ gìn và điều chỉnh truyền thống cổ điển, "quyền lực của con người đối với tự nhiên" là đặc trưng của sản xuất. Quyền lực này được hiểu là bao gồm quyền kiểm soát của con người đối với đời sống của động vật và các lực tự nhiên. Theo cách này, một ranh giới được vạch ra giữa con người và con vật

 Trong những thời kỳ khác và ở những người có hệ thống quan niệm khác, ranh giới này không được vạch rõ như chúng ta vạch nó ngày nay. Trong cuộc sống của người man rợ hay hoang dã, nó được vạch ở một vị trí khác và theo một cách khác. Trong tất cả các cộng đồng thuộc văn hóa man rợ, luôn có một nhận thức nhạy bén và bao trùm về sự đối lập giữa hai nhóm hiện tượng rộng lớn, một nhóm bao gồm chính người man rợ, nhóm còn lại là nguồn thực phẩm của họ. Có một đối lập cảm nhận được giữa các hiện tượng kinh tế và phi kinh tế, nhưng không được hình dung theo cách hiện đại; đó không phải là đối lập giữa con người và con vật, mà là giữa vật sống và vật vô tri vô giác.

Có thể hơi thừa khi giải thích rằng khái niệm "animate" (sống) theo quan niệm của người man rợ, như được sử dụng ở đây, không giống với "living". Thuật ngữ này không bao gồm tất cả các sinh vật sống nhưng lại bao gồm rất nhiều thứ khác. Những hiện tượng tự nhiên nổi bật như bão, bệnh tật, thác nước đều được coi là "sống"; trong khi đó, trái cây, thảo mộc, thậm chí cả các động vật không đáng chú ý như ruồi, giòi, lemming, cừu thì thường không được coi là "sống", trừ khi được xem xét ở quy mô bầy đàn. Khi sử dụng ở đây, thuật ngữ này không nhất thiết ám chỉ sự tồn tại của một linh hồn hoặc tinh thần nội tại. Nó bao gồm những thứ có vẻ đáng sợ trong cảm quan của người hoang dã hay người man rợ, những thứ có khả năng khởi phát hành động (khả năng thực hay được tin là thực). Loại này bao gồm nhiều đối tượng và hiện tượng tự nhiên đa dạng. Sự phân biệt giữa vật trơ và vật động vẫn tồn tại trong thói quen của những cảm quan ngây thơ và vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết phổ biến về đời sống con người và các quá trình tự nhiên; tuy nhiên, nó không thâm nhập vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta ở mức độ hay với hệ quả thực tiễn sâu rộng như đã thấy ở các giai đoạn văn hóa và tín niệm trước đây.

Trong tư duy của người man rợ, khai thác và sử dụng những gì mà tự nhiên vô tri cung cấp là một hoạt động hoàn toàn khác so với cách đối xử với những đối tượng và lực lượng được coi là "sống". Đường ranh giới có thể mơ hồ và thay đổi, nhưng phân biệt rõ ràng này vẫn đủ thực tế và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong cách tổ chức cuộc sống của người man rợ. Đối với các đối tượng được coi là "sống", trí tưởng tượng của người man rợ gán cho chúng một sự triển khai hoạt động nhắm tới một mục đích nào đó. Chính sự hoạt động có mục đích này xác lập một đối tượng hoặc hiện tượng nào đó là một sự vị "sống". Bất cứ khi nào người hoang dã hoặc người man rợ gặp phải một hoạt động có ít nhiều tính cưỡng chống, họ lại giải thích nó bằng những thuật ngữ sẵn có trong nhận thức về hành động của chính mình. Hoạt động này, do đó, được đồng hóa với hành động của con người, và các đối tượng hoạt động theo cách đó cũng được đồng hóa với tác nhân con người. Những hiện tượng thuộc loại này - đặc biệt là những hiện tượng có hành vi đáng sợ hoặc khó hiểu - phải được đối phó bằng một tinh thần khác và năng lực khác so với khi xử lý các vật vô tri. Đối phó thành công với những hiện tượng như vậy là một việc thể hiện sức mạnh chinh phục chứ không phải là lao động sản xuất. Đó là bằng chứng về sự vượt trội, không phải sự cần cù.

Dưới sự dẫn dắt của phân biệt ngây thơ này giữa vật vô tri và vật sống, các hoạt động của nhóm xã hội nguyên thủy có xu hướng chia thành hai loại, mà theo thuật ngữ hiện đại sẽ được gọi là khai thác và sản xuất. Sản xuất là nỗ lực tạo ra một thứ mới, với một mục đích mới được định hình bởi bàn tay của người tạo ra từ vật liệu thụ động ("vật chất thô"); trong khi khai thác, nếu mang lại kết quả có ích cho người hành động, là sự chuyển đổi những năng lượng đã được hướng tới một mục đích khác bởi một tác nhân khác để phục vụ cho mục đích của bản thân. Chúng ta vẫn còn dùng từ "vật chất thô" với phần nào nhận thức của người man rợ về tầm quan trọng to lớn của nó.

Phân biệt giữa khai thác và lao động khổ nhọc trùng khớp với khác biệt giữa hai giới. Hai giới khác nhau không chỉ ở vóc dáng và sức mạnh cơ bắp, mà có lẽ còn quyết định hơn ở tính khí, và điều này sớm dẫn đến sự phân chia lao động tương ứng. Các hoạt động thuộc về khai thác thường được giao cho nam giới, vì họ có cơ thể mạnh hơn, lực lưỡng hơn, dễ dàng chịu đựng những căng thẳng đột ngột hơn và dễ có xu hướng tự khẳng định, tranh đua và xâm chiếm hơn. Sự khác biệt thể chất, đặc điểm sinh lý và tính khí có thể không lớn giữa các thành viên của nhóm nguyên thủy; thực tế, trong một số cộng đồng cổ xưa mà chúng ta biết, chẳng hạn như các bộ lạc của Andamans, khác biệt này dường như tương đối nhỏ và không quan trọng. Nhưng ngay khi sự phân hóa về chức năng bắt đầu theo các đường lối do sự khác biệt thể chất và tính khí này định hình, khác biệt ban đầu giữa hai giới sẽ tự nó mở rộng [điểm quan trọng]. Một quá trình thích nghi tích lũy theo hướng phân chia các công việc mới sẽ bắt đầu, đặc biệt nếu môi trường sống hoặc hệ động vật mà nhóm tiếp xúc đòi hỏi phải có sự thể hiện đáng kể các đức tính cứng cỏi. Việc săn đuổi thú lớn thường xuyên đòi hỏi nhiều phẩm chất đực tính như sự cường tráng, nhanh nhẹn và hung dữ, và do đó khó có thể không thúc đẩy và mở rộng sự phân hóa chức năng giữa hai giới. Và ngay khi nhóm này tiếp xúc thù địch với các nhóm khác, sự phân hóa về chức năng sẽ phát triển thành sự phân biệt giữa khai thác và sản xuất.

Trong một nhóm săn mồi gồm các thợ săn, nhiệm vụ của nam giới khỏe mạnh là chiến đấu và săn bắn. Phụ nữ làm những việc còn lại - những thành viên không phù hợp với công việc của đàn ông vì lý do này mà được xếp cùng phụ nữ. Tuy nhiên, việc săn bắn và chiến đấu của đàn ông lại có một đặc tính chung. Cả hai đều mang tính săn mồi; chiến binh và thợ săn đều thu hoạch từ những gì họ không gieo trồng. Sự khẳng định vũ lực và sự tinh khôn mang tính xâm lược của họ rõ ràng khác biệt với sự cần cù và đơn giản của phụ nữ trong việc tạo hình các nguyên liệu; đó không phải là lao động sản xuất mà là sự chiếm đoạt tài sản. Công việc của người đàn ông man rợ, ở giai đoạn phát triển cao nhất và xa nhất so với công việc của phụ nữ, khiến bất kỳ nỗ lực nào không liên quan đến việc khẳng định sức mạnh đều trở nên không xứng đáng với họ. Khi truyền thống này trở nên nhất quán hơn, lẽ thường của cộng đồng biến nó thành một quy tắc ứng xử, theo đó người đàn ông tự trọng ở giai đoạn văn hóa này không thể chấp nhận bất kỳ công việc hay tài sản nào trừ những gì dựa trên sức mạnh - vũ lực hoặc gian trá. Khi lối sống săn mồi đã gắn liền với nhóm qua thói quen lâu dài, nhiệm vụ được công nhận của người đàn ông khỏe mạnh trong nền kinh tế là giết chóc, tiêu diệt những kẻ cạnh tranh trong cuộc đấu tranh sinh tồn, những kẻ cố gắng chống lại hoặc né tránh anh ta và chinh phục, khuất phục những thế lực ngoại lai dám tự khẳng định mình. Phân biệt lý thuyết giữa khai thác và lao động khổ nhọc được tuân thủ một cách bền bỉ và tinh tế đến mức ở nhiều bộ lạc săn bắn, người đàn ông không được mang chiến lợi phẩm về nhà mà phải gửi người phụ nữ của mình đi làm nhiệm vụ hạ cấp đó.

Như đã đề cập, phân biệt giữa khai thác và lao động khổ nhọc là một phân biệt giữa các loại công việc. Những công việc được xếp vào loại khai thác thì xứng đáng, đáng kính, cao quý; còn những công việc không chứa yếu tố khai thác, đặc biệt là những công việc ngụ ý phục tùng hoặc quy phục thì không xứng đáng, hèn hạ, và thấp kém. Khái niệm về phẩm giá, giá trị hoặc danh dự, khi được áp dụng cho con người lẫn hành vi, có tầm quan trọng hàng đầu trong sự phát triển và phân biệt của các tầng lớp, vì vậy cần nói rõ một chút về nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Cơ sở tâm lý học của khái niệm này có thể được phác thảo như sau.

Do yêu cầu chọn lọc, con người là một tác nhân. Trong nhận thức của chính mình, anh ta là trung tâm của những hoạt động bộc phát, mang mục đích đính (teleological). Anh ta là một tác nhân tìm cách đạt được một kết quả cụ thể, khách quan trong mỗi hành động. Vì là một tác nhân như vậy, anh ta có khuynh hướng thích công việc hiệu quả và không ưa những nỗ lực vô ích. Anh ta có cảm giác về giá trị của sự hữu ích hoặc hiệu quả và không thích thú với sự vô ích, lãng phí hoặc bất tài. Khuynh hướng hoặc khả năng này có thể được gọi là bản năng công việc. Ở bất kỳ nơi nào mà hoàn cảnh hoặc truyền thống dẫn đến việc so sánh thường xuyên giữa con người với nhau về mặt hiệu quả, bản năng công việc sẽ phát triển thành sự so sánh mang tính ganh đua hoặc phân biệt. Mức độ của kết quả đạt được phụ thuộc phần lớn vào tính khí của cộng đồng. Trong bất kỳ cộng đồng nào mà sự so sánh, phân biệt giữa con người được thực hiện thường xuyên, thành công hiển nhiên trở thành mục tiêu vì đó là cơ sở để đạt được sự kính trọng. Người ta đạt được sự kính trọng và tránh sự chỉ trích bằng cách thể hiện rõ ràng hiệu quả của mình. Kết quả là, bản năng công việc được thể hiện qua sự phô diễn sức mạnh mang tính cạnh tranh.

Trong giai đoạn phát triển xã hội nguyên thủy, khi cộng đồng vẫn còn sống hòa bình, có lẽ định cư và chưa có hệ thống sở hữu cá nhân phát triển, hiệu quả của cá nhân chủ yếu được thể hiện qua những công việc nhằm cải thiện đời sống của nhóm. Sự ganh đua về mặt kinh tế giữa các thành viên của một cộng đồng như vậy chủ yếu sẽ là ganh đua trong việc phục vụ sản xuất. Đồng thời, động lực thúc đẩy sự ganh đua này không mạnh, và phạm vi ganh đua cũng không lớn.

Khi cộng đồng chuyển từ giai đoạn hoang dã hòa bình sang giai đoạn săn mồi, điều kiện của sự ganh đua thay đổi. Cơ hội và động lực ganh đua gia tăng đáng kể cả về quy mô và tính cấp bách. Hoạt động của nam giới ngày càng mang tính chất khai thác; và sự so sánh, phân biệt giữa các thợ săn hoặc chiến binh trở nên dễ dàng và phổ biến hơn. Những bằng chứng hữu hình về sự dũng mãnh - chiến lợi phẩm - bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong thói quen tư duy của con người như một yếu tố thiết yếu của cuộc sống. Chiến lợi phẩm, phần thưởng từ việc săn bắn hoặc tấn công, trở thành bằng chứng cho sức mạnh vượt trội. Xâm lược trở thành hình thức hành động được công nhận và chiến lợi phẩm trở thành bằng chứng ban đầu cho xâm lược thành công. Ở giai đoạn văn hóa này, tranh đấu được chấp nhận là hình thức tự khẳng định mình đáng giá, và các vật dụng hay dịch vụ hữu ích có được bằng chiếm đoạt hoặc ép buộc được xem là bằng chứng quy ước của tranh đấu thành công. Do đó, ngược lại, việc thu nhặt bằng những phương thức khác, ngoài chiếm đoạt bị coi là không xứng đáng với người đàn ông bậc cao nhất. Việc thực hiện công việc sản xuất hoặc dịch vụ cũng bị xem là hèn kém vì cùng lý do. Bằng cách này, một phân biệt rõ ràng nảy sinh giữa khai thác và thu nhặt. Lao động trở nên đáng chán bởi sự thấp kém mà nó bị gắn vào.

Với người man rợ nguyên thủy, trước khi nội hàm đơn giản của khái niệm bị che mờ bởi những phân nhánh và phát triển thứ cấp của các ý liên quan, "danh dự" dường như không ám chỉ gì ngoài sự khẳng định sức mạnh vượt trội. "Danh dự" là "đáng sợ"; "xứng đáng" là "vượt trội". Hành động mang tính danh dự, suy cho cùng, chỉ là một hành động xâm lược thành công được công nhận, và vì xâm lược có nghĩa là xung đột với con người và thú vật, nên hoạt động được xem là đặc thù và chủ yếu mang tính danh dự là sự áp bức. Thói quen ngây thơ và cổ xưa - diễn giải tất cả những biểu hiện của sức mạnh dưới dạng cá nhân hoặc "ý chí" - càng củng cố sự tôn vinh truyền thống đối với sự áp bức. Những tính từ vinh danh, được sử dụng phổ biến trong các bộ lạc man rợ cũng như các dân tộc có văn hóa phát triển hơn, thường mang dấu ấn của cảm giác ngây thơ về danh dự này. Các tính từ và tước hiệu dùng để xưng hô với các thủ lĩnh và để xoa dịu các vị vua và thần thánh thường gán cho người đó xu hướng bạo lực áp bức và một sức mạnh tàn phá không thể cưỡng lại. Điều này vẫn đúng ở mức độ nào đó trong các cộng đồng văn minh hơn ngày nay. Sự ưu ái dành cho các loài thú ăn thịt và chim săn mồi trong các biểu tượng huy hiệu cũng củng cố quan điểm này.

Theo quan niệm thông thường của người man rợ về giá trị hay danh dự, việc lấy mạng sống - giết những đối thủ đáng gờm, dù là thú vật hay con người - là hành động danh dự cao nhất. Và nhiệm vụ giết chóc cao cả này, biểu hiện quyền lực vượt trội của kẻ sát nhân phủ lên mọi hành động giết chóc và tất cả công cụ, phụ kiện liên quan hào quang của sự xứng đáng. Vũ khí thấm đẫm danh dự, và sử dụng chúng, dù chỉ để săn những sinh vật tầm thường nhất trên cánh đồng, cũng trở thành một công việc danh dự. Cùng lúc, công việc sản xuất trở nên đáng khinh tương ứng, và theo lẽ thường, việc xử lý các công cụ và thiết bị sản xuất trở nên kém danh dự đối với những người đàn ông khỏe mạnh. Lao động trở thành gánh nặng chán chường.

Ở đây giả định rằng trong quá trình tiến hóa văn hóa, các nhóm người nguyên thủy đã chuyển từ giai đoạn hòa bình ban đầu sang giai đoạn tiếp theo, nơi chiến đấu trở thành công việc đặc trưng và được thừa nhận của nhóm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đã có một sự chuyển tiếp đột ngột từ hòa bình và thiện chí tuyệt đối sang một giai đoạn sau đó hoặc cao hơn, nơi lần đầu tiên chiến đấu xuất hiện. Cũng không có nghĩa rằng tất cả các hoạt động sản xuất hòa bình biến mất khi chuyển sang giai đoạn văn hóa săn mồi. Chúng ta có thể an toàn khẳng định rằng chiến đấu luôn luôn xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn phát triển xã hội nào từ sớm. Những cuộc chiến có thể xảy ra với tần suất khác nhau, phần lớn là do cạnh tranh tình dục. Thói quen đã biết của các nhóm người nguyên thủy, cũng như thói quen của các loài vượn người, đều minh chứng cho điều này, và bằng chứng từ bản tính đã biết của con người càng củng cố quan điểm này.

Do đó, có thể phản bác rằng không hề tồn tại giai đoạn hòa bình ban đầu như đã giả định ở đây. Không có điểm nào trong quá trình tiến hóa văn hóa mà trước đó không có sự xuất hiện của chiến đấu. Nhưng điểm đáng nói không phải là việc có xảy ra chiến đấu hay không, dù thỉnh thoảng, lẻ tẻ, hay liên tục, mà là sự xuất hiện của một tâm thế chiến đấu thường xuyên. Vấn đề nằm ở chỗ có tồn tại một thói quen chung trong việc đánh giá các sự việc và sự kiện từ quan điểm của cuộc chiến hay không. Giai đoạn văn hóa săn mồi chỉ đạt được khi thái độ săn mồi đã trở thành thói quen và được chấp nhận như một thái độ tinh thần chủ đạo đối với các thành viên trong nhóm, khi chiến đấu trở thành yếu tố chi phối trong lý thuyết sống, khi cách đánh giá thông thường về con người và sự việc trở thành đánh giá chi phối hoàn toàn bởi mục tiêu chiến đấu.

Khác biệt cơ bản giữa giai đoạn văn hóa hòa bình và giai đoạn văn hóa săn mồi, do đó, là khác biệt về mặt tinh thần, chứ không phải về cơ chế. Sự thay đổi về thái độ tinh thần là kết quả của sự thay đổi trong các yếu tố vật chất của đời sống cộng đồng, và nó diễn ra dần dần, khi các hoàn cảnh vật chất thuận lợi cho thái độ săn mồi xuất hiện. Giới hạn thấp nhất của văn hóa săn mồi là một giới hạn mang tính sản xuất. Săn mồi không thể trở thành nguồn lực thường xuyên và được chấp nhận của bất kỳ nhóm hay tầng lớp nào cho đến khi các phương thức sản xuất đã được phát triển đến mức đủ hiệu quả để tạo ra một mức dư thừa đáng để chiến đấu, vượt xa mức sinh kế của những người đang tham gia vào việc kiếm sống. Do đó, sự chuyển đổi từ hòa bình sang săn mồi phụ thuộc vào sự phát triển của kiến thức kỹ thuật và việc sử dụng công cụ. Một văn hóa săn mồi tương tự cũng không thể đạt được trong thời sơ khai, cho đến khi vũ khí được phát triển đến mức khiến con người trở thành một loài động vật đáng gờm. Sự phát triển ban đầu của công cụ và vũ khí, tất nhiên, là cùng một hiện tượng được nhìn từ hai góc độ khác nhau.

Đời sống của một nhóm nhất định sẽ được coi là hòa bình chừng nào việc thường xuyên sử dụng đến chiến đấu chưa đưa cuộc chiến trở thành trung tâm trong suy nghĩ thường nhật của con người, như một đặc điểm chi phối đời sống. Một nhóm có thể đạt được thái độ săn mồi ở các mức hoàn chỉnh khác nhau, tùy theo việc cách sống và quy tắc ứng xử của họ bị chi phối chừng nào bởi tinh thần săn mồi. Có thể hiểu rằng văn hóa săn mồi hình thành dần dần, thông qua sự phát triển tích lũy của các thói quen, truyền thống và năng lực săn mồi, do thay đổi trong hoàn cảnh sống của nhóm, loại thay đổi phát triển và duy trì những đặc điểm của bản tính con người cũng như những truyền thống và chuẩn mực ứng xử khuyến khích lối sống săn mồi thay vì lối sống hòa bình.

Bằng chứng cho giả thuyết rằng đã từng tồn tại một giai đoạn văn hóa nguyên thủy hòa bình phần lớn được rút ra từ tâm lý học hơn là từ dân tộc học và không thể trình bày chi tiết ở đây. Một phần bằng chứng này sẽ được đề cập trong chương sau, khi thảo luận về dấu vết của các đặc điểm cổ xưa của bản tính con người trong văn hóa hiện đại.

Anh Hoa dịch 

lý thuyết ấy

Roger Caillois: Xã hội học về đao phủ

Walter Benjamin: Người kể

György Lukács, Tâm hồn và Hình thức

György Lukács, Lịch sử (ngắn) văn chương Đức

Carl Dahlhaus, Âm nhạc ở giữa sử tính và tính cách cảm năng

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công