Tàu buồm và tàu hơi nước
Hệ thống các nhân vật trong các truyện của Joseph Conrad dễ gây cho độc giả, khi đọc đến đoạn cuối, cảm giác về một sự hoàn hảo tròn trịa không thừa không thiếu. Từng lớp riêng rẽ ấy được trình bày lần lượt theo một trật tự dường sắp đặt thật khéo, để khi sự thật chung quyết được tiết lộ, thứ xuất hiện sau lần đọc đầu như thể giải tỏa sức căng của toàn bộ câu chuyện, thì nó như thể mang một sức nặng ghê gớm đã được tích tụ ngay từ đầu truyện. Ta chẳng thể biết được có phải những con người và sự việc đó do tác giả bày ra theo một dự đồ sẵn có hay không, nhưng khi sự thật hiện ra cùng toàn bộ vẻ khủng khiếp của nó, mỗi bộ phận trong hệ thống ấy vẫn còn một sức sống riêng, không phải chỉ là một tình tiết để trang trí hay làm cho kết cục mang tính thuyết phục cao hơn. Ngay cả những kẻ có thể nói khó ưa nhất rốt cuộc vẫn để lại một cảm giác không thể khác được, và kêu gọi một sự hiểu với mỗi hành động của họ.
Người ta suốt đời bị túm chặt lấy bởi một số phận, nhưng chỉ nhận ra tình cảnh ấy khi sắp sửa hoàn tất, bởi một bi kịch, một tai nạn… Những tai nạn như thể đã lơ lửng sẵn đâu đó chỉ chờ lúc thích hợp. Đột nhiên người ta nhận ra mình nói một tiếng nói khác, đơn độc hoàn toàn, và không cách nào hiểu được đối với những người xung quanh. Giữa những tồn tại con người ấy sự hiểu luôn luôn vắng bóng, không còn là chuyện của ngôn ngữ, mà là dục vọng, các động cơ sâu kín thậm chí khiến cho một con người trở nên đáng kinh hãi trước mặt kẻ khác. Độc giả bắt gặp khắp nơi trong các truyện của Conrad những kẻ ghét bỏ con người hay bị con người ghét bỏ, đi vào nơi hoang vu sống giữa bọn mọi và thậm chí quay lưng lại với cả đồ tiếp tế; những thủy thủ Mã Lai làm việc trên tàu hiểu biết mọi thứ chỉ trừ động cơ hành động của những người da trắng trên đài chỉ huy; tay thuyền phó với giọng nói tuyệt diệu khiến mê hoặc cả những lỗ tai tinh tế nhất lại rơi vào thế khổ sở cùng cực và kết thúc bằng cách tự cắt cổ họng… Thường xuyên Conrad cho nhân vật của mình thoát chết chỗ này để chết ở chỗ khác. Họ bị đưa ra khỏi nơi mà thói quen sống của con người được thiết lập qua một quãng thời gian dài, chẳng còn bị kiềm tỏa hay được nâng đỡ bởi một cộng đồng, và nếu có một dư luận nào xung quanh danh tiếng của họ thì đó đã là quá khứ. Sân khấu của định mệnh ấy được sắp đặt ở những nơi dường là tận cùng thế giới, nơi tồn tại con người leo lắt chẳng mấy đáng giá; bị vây chặt bởi những gầm rú phi nhân tính bủa vây tha hồ quăng quật, người ta mơ hồ nhận ra linh hồn của xứ sở. Nơi này tự nó vận hành, một nhân vật giữ vai trò quản lý ở bến cảng vùng thuộc địa nói, họ, những người bản địa, có các vị Chúa của mình, và những người da trắng, những đại diện của văn minh, nếu chẳng muốn hạ mình trộn lẫn vào với cuộc sống bản địa thì chỉ còn cách viện đến bạo lực. Bạo lực như là một phản ứng của sợ hãi tột cùng, chẳng khác nào tự tước bỏ ảo tưởng về giá trị của con người văn minh, rốt cuộc ngang bằng với những hú hét phi nhân của đám thổ dân không cách gì sai khiến kia.
Tương ứng với sự không hiểu của người là những con tàu đắm. Có rất nhiều thuyền trưởng trong truyện của Conrad, và cũng có rất nhiều vụ đắm tàu. Người ta phải căng mắt ra quan sát mà chọn cho đúng đường, vì chỉ cần lơ là một chút là tai họa sẽ ập xuống ngay. Tàu hai buồm Bonito kiều diễm vô song trong Freya của bảy đảo ngay lập tức gặp nạn khi thuyền trưởng rời khỏi nó, còn tàu hơi nước Sofala của thuyền trưởng Whalley (trong Cùng sào) cũng bị trừng phạt theo cách tương tự, như một định mệnh. Con tàu nào cũng cần thuyền trưởng của nó, cần người không thể thiếu của nó, dù là một ghe bầu hay một tàu hơi nước tối tân. Rõ ràng chuyện lạc đường trên biển chẳng hề là một trải nghiệm dễ chịu, đi men theo những bãi bờ đầy hung hiểm dẫu có quen thuộc hay không thì thảm họa vẫn treo lơ lửng; nguy cơ chết người lẩn khuất sau những um tùm cây cối, và những rặng đá ngầm hay bãi đất bồi luôn luôn đợi chờ con tàu bên dưới mặt nước phẳng lặng. Thật khó mà gọi đó là những cuộc chinh phục, vì người ta phải tìm cách hiểu để tránh các cú quệt thật mạnh vào vùng đất hoang sơ ấy. Trên hết, việc để cho con tàu của mình quệt đáy đem lại những ám ảnh ghê gớm cho một thuyền trưởng.
Cuộc đời một thủy thủ gắn liền với các con tàu, mọi tình cảm, hy vọng, những thành tựu của anh ta đều không thể tách rời khỏi nó. Việc giao phó đời mình cho một con tàu khác với khi ở trong một ngôi nhà, từ đó lúc nào cũng có thể đi ra ngoài. Một ngôi nhà với sự vững chãi bất di dời của nó, dẫu đôi khi cũng không thể chịu được những lực quá khích bất thình lình của tự nhiên, vẫn luôn luôn gây cho người ta, mỗi khi nào sự cọ sát vào cuộc sống bị lỏng ra, cái ham muốn trang hoàng nó bởi những thứ vụn vặt. Một ông bố trong truyện của Conrad, một thủy thủ ghét biển và chẳng bao giờ để cho đất liền mất hút khỏi tầm nhìn quá lâu, muốn nhồi chật nhà mình với những món đồ mua về lén lút để chờ cậu con trai (trong một truyện thuộc tập Giữa đất và nước)… Và khác với một ngôi nhà, mọi thứ vật dụng trên một tàu buồm thì vắng bóng hoàn toàn các dấu vết của ham muốn con người. Nó hướng ra ngoài tự nhiên, đối tượng duy nhất thống trị và uốn nắn hình hài của nó. Tình cảm của một thủy thủ trong cuộc đời lênh đênh trên biển lại đặc biệt dành cho những tàu buồm, thứ mà chuyển động chính là kết quả của sự đối phó của con người trước các lực hung hãn của tự nhiên. Thực tại trên một con tàu đồng thời là sự phản ứng của con người trước tự nhiên nơi anh ta bị đặt vào. Tính hữu dụng của từng bộ phận của con tàu đều không thể bị chối bỏ và cho thấy sự thật hiển nhiên nơi tồn tại của chúng trong cuộc chống chọi sống còn.
Thuyền trưởng Whalley phải cay đắng bán đi tàu buồm của mình để lấy tiền giúp cho cô con gái. Nhưng nếu như một con tàu cần có người không thể thiếu của nó, thì đến lượt anh ta lại trở nên vô dụng khi không có con tàu của mình. Số phận đặt thuyền trưởng Whalley vào tình thế phải trở lại những con đường giao thương ấy để cạnh tranh với thế hệ thủy thủ hậu bối, những người chẳng biết đến tiếng tăm ông, hòn đảo mang tên ông dường chỉ được biết đến bởi hệ thống đèn mới được lắp ở đó. Thuyền trưởng Whalley là một thủy thủ hạng nhất, tầm vóc uy nghi sừng sững và niềm tin không thể lay chuyển của ông mang vẻ bất khả chiến bại. Nhưng cũng giống như những tàu buồm, giống như những gì mà vẻ đẹp tuyệt diệu được tạo nên bởi thứ vật chất đích thực, tất yếu phải mang một đặc tính không vật chất nào cưỡng lại được, có thể, và phải bị mòn đi. Giờ đây, sau khi gần như đạt được mọi mọi thứ, chứng kiến hết các biến chuyển của ngành thương mại bằng tàu thủy cũng như sự thay đổi của những con người và vùng đất, chẳng còn nỗi nguy hiểm gây khiếp sợ hay vinh quang tột cùng nào chưa từng trải qua, Thuyền trưởng Whalley buộc phải giành lấy một chỗ đứng giữa những thủy thủ đã ra đời khi mà ông còn lênh đênh trên biển, họ “lớn lên với tàu hơi nước”, và không thể hiểu được tầm quan trọng to lớn cũa những con người đơn độc xưa kia xông pha vào cõi hoang vu với toàn bộ lòng can đảm và sự ngây thơ ấy. Khi nghĩ về chuyện cần phải có một công việc để tiếp tục hiến sức mình cho cô con gái, ông cảm thấy một cách mơ hồ rằng những gì mình đã làm trong quá khứ, cái hồ sơ chẳng thể tuyệt vời hơn để đi xin việc kia, sẽ bị nhìn vào như một thứ đồ hiếm cổ xưa của vùng biển Đông, giống như lời kể lể được viết lại bằng từ ngữ lỗi thời - bằng thứ ngôn ngữ gần như đã bị lãng quên.
Đã qua rồi cái thời mà mỗi cá nhân đều có tiếng nói, sự quan trọng trong hành động của mỗi người, bất chấp kết cục bi thảm hay vinh quang thế nào đi nữa, là không thể chối bỏ. Khi công việc với lợi nhuận khổng lồ xác lập với những tuyến đường được khai mở cũng là lúc các hãng hàng hải bắt đầu vào cuộc và thiết lập hệ thống, đẩy mạnh sao chép hình thức và giảm giá nhân công bằng cách lợi dụng sức lao động và các tàu bản địa, v.v… các cá nhân phải bị đẩy vào quên lãng. Một con tàu hơi nước thì không màng những lực của tự nhiên và tự thân chúng lao đi vun vút bất kể trời có gió hay không, và các tuyến thương mại chằng chịt, cố định sử dụng tàu hơi nước dần thay thế cho các tàu buồm. Sự cạnh tranh về thương mại vô cùng gay gắt thành thử thật vô ích nếu như thể cơ hội trôi tuột đi theo thời gian cho những tàu buồm, vốn hoàn toàn nương theo tính khí gắt gỏng hay thay đổi bất chợt của tự nhiên. Nhưng tàu hơi nước lại phải phụ thuộc vào máy móc, và một khi cắt giảm những chi tiết cồng kềnh của một tàu buồm, nó lại thành ra trơ ì nếu những máy móc kia không được con người khởi động. Một tàu hơi nước nằm im là một vật chết, Thuyền trưởng Whalley bất khả chiến bại chợt nhận ra suy tư về cái chết đã lẻn vào đầu mình khi nghĩ về những con tàu, về sự chuyển động và im lìm của chúng, một thuyền buồm dẫu thế nào cũng sẵn sàng lao vào cuộc sống với hơi thở của thiên đường bất diệt; còn một tàu hơi nước khi ngọn lửa trong nó đã tắt ngấm, chẳng một luồng hơi ấm nào bên dưới có thể chạm vào ta ở trên boong… lạnh lẽo và bất động không mạch đập như một xác chết.
Cái nhìn vào sự xuất hiện của những con tàu hơi nước cùng với sự tàn lụi của thời đại các cá nhân của Joseph Conrad là một mô tả về chuyển động của thế giới. Rốt cuộc Người ta không còn hiểu con tàu của mình, không đủ sức, hay không còn cần thiết nữa? Các trật tự trên một con tàu đã lung lay, điều đó, đối với Joseph Conrad, dường như cũng không thể tránh khỏi. Sự cạnh tranh trong ngành hàng hải, dù có loại ra một tay kỹ sư kiêm chủ tàu Sofala, người không cách nào hiểu được tại sao một thuyền trưởng lại quan trọng đến thế, khiến hắn phải từ bỏ nghề đi biển cũng như cả con tàu, đã trở thành một nơi sạch bóng những nỗ lực cá nhân phi thường, không còn chỗ cho những tàu buồm vụng về cồng kềnh lẫn những thuyền trưởng oai nghiêm bất khả chiến bại. Các hệ thống mới được thiết lập, sân chơi thuộc về những thủy thủ mới, những thanh niên xuất sắc, giống như thuyền phó Stern, giỏi giang, tháo vát, đầy tham vọng, sẵn sàng leo lên bằng mọi cách các chức vụ giờ đây bày ra như các bậc thang thành đạt hơn là những vai trò cụ thể trong một trật tự cũ. Và đồng thời cũng không cần phải hiểu quá nhiều, những đợt gió tháng Mười hai và tháng Sáu với họ đều như nhau.
Công Hiện
cũng
Project Conrad