Tập ngưỡng mộ: Cioran, Beckett, Borges
Trong Cioran dans mes souvenirs, Mario Andrea Rigoni, một người bạn có thể gọi là vong niên, gặp Cioran lần đầu khi mới hai mươi tuổi (một người khác cũng có cuộc gặp định mệnh vào tầm tuổi ấy) kể rằng Cioran là một người đọc lớn, với ham thích đặc biệt đối với các chân dung. Đó cũng là người rất giỏi vẽ chân dung, và trong một số trường hợp, những chân dung ấy chính là tự họa sinh ra từ correspondence (một tương tự). Trong bộ môn truyền thần, cuốn sách nổi tiếng của Cioran là Tập ngưỡng mộ (Exercices d’admiration. Essais et portraits), nhưng cũng phải kể đến Anthologie du portrait. De Saint-Simon à Tocqueville hay vô số chân dung bắn ra từ Sổ cùng Thư (một số tập hợp trong Manie Epistolaire). Trái với mọi hình dung về một kẻ ghét người, Cioran có đời sống xã hội vô cùng phong phú, nói rất hay, ở mức có thể khiến cho những con gì con gì cũng phải bò ra nghe (và ngày nào cũng sám hối vì nói quá hay). Khoảnh khắc Cioran bình luận Borges và Beckett trong cùng một cuốn sách đặc biệt đáng chú ý, không chỉ bởi lý do đã nói ở kia. Cioran có thể nhìn nhận rất sáng suốt một nhân vật mà mình không hề thích (không thuộc phía của mình) nhưng điều đó không quan trọng bằng việc thấy rằng nhất thiết phải nhìn nhận, phải nói đến, chỉ nói khi đã nhìn đủ và nói đủ những gì cần nói, rồi thôi. Đó là luyện tập (một tương tự, again).
Borges
- Cioran
Thư gửi Fernando Savater
Paris, le 10 décembre 1976
Bạn thân mến,
Hồi tháng Mười, khi ghé Paris, anh đã đề nghị tôi cộng tác với một tập sách vinh danh Borges. Phản ứng đầu tiên của tôi là không muốn làm việc ấy; phản ứng thứ hai là… cũng thế. Ích gì mà ca tụng ông ấy, khi bản thân các Trường Đại Học đã làm thế rồi? Nỗi thiếu may mắn vì bị công nhận đã ụp xuống đầu ông ấy. Ông ấy xứng đáng hơn thế nhiều. Ông ấy xứng đáng được ở trong bóng tối, trong nỗi bất khả thấu hiểu, được hưởng cái sự không làm sao mà nắm bắt nổi, chẳng mấy ai biết đến, như là sắc thái mơ hồ ấy. Đó mới là trú sở của ông ấy. Sự tôn sùng là đòn trừng phạt tệ hại nhất - nói chung là đối với một nhà văn, và đặc biệt là đối với một nhà văn thuộc kiểu ông ấy. Kể từ thời điểm tất cả mọi người trích dẫn ông ấy, ta không còn có thể trích dẫn ông ấy được nữa, hoặc giả, nếu có trích dẫn thì ta cũng có cảm giác mình chỉ xuất hiện để làm đông đảo thêm cái mớ “người ngưỡng mộ” ông ấy, nghĩa là đám kẻ thù của ông ấy. Những ai bằng mọi giá muốn trả công bằng cho ông ấy trên thực tế chỉ làm một việc là thúc đẩy thêm cho cú ngã chúi của ông ấy. Tôi xin ngừng lời, vì nếu cứ tiếp tục bằng cái giọng này, chắc hẳn đến cuối tôi sẽ đâm ra nỉ non khóc thương cho số phần của ông ấy. Thế nhưng, ta có đủ mọi lý do để nghĩ chính ông ấy cũng đã làm việc đó rồi.
Tôi nghĩ mình từng nói với anh trước đây, rằng tôi quan tâm tới ông ấy đến vậy là bởi vì ông ấy đại diện cho một tiêu bản loài người đang trên đường biến mất, vì ông ấy là hiện thân cho nghịch lý của một kẻ thích ngồi yên một chỗ mà không có tổ quốc về mặt trí tuệ, của một kẻ phiêu lưu bất động, rất thoải mái trong nhiều nền văn minh và nhiều nền văn chương, một ông thần tuyệt đỉnh và bị kết án. Để có được một hình mẫu tương tự ở châu Âu, ta có thể nghĩ đến Rudolf Kassner, một người bạn của Rilke, hồi đầu thế kỷ ông ta đã cho xuất bản một tác phẩm thuộc hạng cự phách về thơ ca Anh (chính là sau khi đọc cuốn sách này trong quãng thời gian xảy ra cuộc chiến tranh gần đây nhất mà tôi đã khởi sự học tiếng Anh…) và từng nói, với một sự thấu suốt đáng ngưỡng mộ, về Sterne, Gogol, Kierkegaard, rồi cả về xứ Maghreb hay Ấn Độ. Chiều sâu và sự thông thái không đi cùng được với nhau; thế nhưng ông ta đã kết hợp được hai thứ này. Một tinh thần phổ quát, ở đó chỉ thiếu mỗi một thứ, là sự duyên dáng, là vẻ quyến rũ. Chính nơi đây hiện ra sự vượt trội của Borges, con người quyến rũ hơn tất thảy ai khác, người đủ sức khơi lên một cái gì mỏng mảnh rất phơi phới, rất bay bổng, rất đăng ten cho bất cứ thứ gì, ngay cả cho một lập luận ác chiến nhất. Bởi vì ở ông, mọi thứ đều được đưa qua sự chuyển hóa của trò chơi, nhờ một vũ điệu của những tìm tòi sôi sục và những ngụy biện tinh tế tuyệt diệu.
Tôi chưa từng bao giờ bị thu hút bởi các tinh thần bị khuôn gọn trong một hình thức văn hóa duy nhất. Không được bắt rễ, không được thuộc về một cộng đồng nào hết - đó từng là và vẫn là châm ngôn sống của tôi. Ngoái nhìn sang những chân trời khác, tôi vẫn luôn luôn tìm cách biết về những gì diễn ra ở nơi khác. Khi tôi ở tuổi hai mươi, vùng Balkan đã chẳng thể mang lại cho tôi thêm gì nữa. Sinh ra tại một không gian “văn hóa” nhỏ bé, tầm phơ thì phải chịu tấn kịch ấy, nhưng cũng là lợi thế ấy. Kẻ khác trở thành vị thần của tôi. Từ đó mà nảy sinh niềm khao khát được phiêu bạt qua những văn chương và triết lý, xồ vào để ăn thịt chúng với một sự dữ dội bệnh hoạn. Những gì diễn ra ở Đông Âu nhất thiết cũng phải diễn ra ở các nước Mỹ Latinh, và tôi đã nhận ra rằng những đại diện của nó chất chứa được lắm thông tin, “hiểu biết” hơn cực kỳ nhiều so với người phương Tây, những kẻ tỉnh lẻ hết thuốc chữa. Cả ở Pháp lẫn ở Anh tôi đều chẳng thấy có một ai mang một sự tò mò sánh được với sự tò mò ở Borges, một sự tò mò bị đẩy đến nỗi cuồng ám, đến mức tội lỗi, đúng là tôi nói tội lỗi đấy, bởi vì, trong lĩnh vực nghệ thuật và suy tư, mọi thứ gì không biến thành sự phun trào hơi có chút tính chất biến thái đều là hời hợt tất, hời hợt, thế cho nên là không thực.
Khi còn là sinh viên, tôi từng có nhiệm vụ phụ trách các môn đệ của Schopenhauer. Trong số đó, có một người tên là Philipp Mainländer, mà tôi đặc biệt quan tâm. Là tác giả của một tác phẩm mang tên Triết học về giải thoát, trong mắt tôi ông ta còn rực rỡ hơn nhiều nữa, do tác động từ việc ông ta đã tự sát. Triết gia này, đã hoàn toàn bị lãng quên, tôi rất khoái chí vì mình là người duy nhất còn để ý đến; mà trong việc ấy tôi cũng chẳng có gì để tự hào, vì công việc nghiên cứu đằng nào cũng sẽ dẫn tôi đến với ông ấy, không thể nào khác. Tôi kinh ngạc khủng khiếp khi, rất lâu về sau, tôi đọc phải một tác phẩm của Borges, nó lôi chính xác ông triết gia kia ra khỏi lãng quên! Tôi kể cho anh ví dụ này là vì, kể từ giây phút đó, tôi bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn so với lúc trước, về hoàn cảnh của Borges, người được tiền định, buộc phải đi tới cái phổ quát, buộc phải hướng tâm trí đi theo tất cả mọi phía, dẫu cho chỉ là để thoát khỏi sự ngột ngạt do đất nước Argentina gây ra. Chính khối hư vô Nam Mỹ đã biến các nhà văn của cả một châu lục trở nên rộng mở hơn, sống động hơn và đa dạng hơn nếu so với người Tây Âu, vốn dĩ bị tê liệt vì các truyền thống của mình, chẳng đủ khả năng vọt ra ngoài khối lở loét đầy chói lọi của họ.
Vì anh muốn biết tôi yêu quý điều gì nhất ở Borges, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng đó là sự thư thái của ông ấy trong mọi lĩnh vực đa dạng nhất, cái năng lực mà ông ấy sử dụng khi nói về Quy Hồi Vĩnh Cửu hay Tango, tinh tế y như nhau. Với ông ấy mọi thứ đều đáng kể, miễn ông ấy là trung tâm của mọi thứ. Trí tò mò theo hướng phổ quát chỉ là dấu hiệu của sức sống khi nào nó mang dấu ấn tuyệt đối của một cái tôi, một cái tôi từ đó tỏa ra mọi thứ và cũng là nơi mọi thứ dồn về: sự thống trị tối cao của cái võ đoán, khởi đầu và kết thúc mà người ta có thể diễn giải tùy theo những tiêu chí bấp bênh nhất. Thực tế nằm ở đâu trong toàn bộ câu chuyện đó? Cái Tôi - lời đùa cợt tối cao… Trò chơi ở Borges nhắc ta nhớ đến sự mỉa mai của chủ nghĩa lãng mạn, cuộc khám phá siêu hình về ảo tưởng, món tung hứng với Cái Vô Hạn. Friedrich Schlegel sống vào thời bây giờ, dựa lưng vào Patagonie [ý Cioran muốn nói: Borges có thể so sánh với hình ảnh Schlegel, siêu cao thủ của chủ nghĩa lãng mạn, nhưng lại ở Nam Mỹ]…
Thêm một lần nữa, ta chỉ có thể than phiền, về việc một nụ cười bách khoa toàn thư và một viễn kiến tuyệt diệu đến thế lại khơi dậy một sự đồng lòng tán thưởng, với tất tật những gì mà điều này hàm ý… Nhưng, dẫu sao, Borges hẳn vẫn có thể trở thành biểu tượng cho một nhân loại không giáo điều cũng không hệ thống, và nếu có một cõi phi lai mà tôi sẵn sàng ghi danh mình vào, thì đó sẽ là cõi phi lai nơi bất kỳ ai cũng nương theo hình mẫu của ông, tức là một trong những tinh thần ít nặng nề nhất từng tồn tại, nương theo “con người tinh tế cuối cùng” ấy.
Nhị Linh dịch
Sự tò mò phổ quát là một trong các dấu hiệu để Cioran nhận ra Borges, nhưng cũng chính là điểm con đường phân đôi. Mọi thứ đều đáng kể, miễn là: đó là hạt đậu dưới hai mươi lần nệm. Rất khó để cảm thấy nó, nhưng nó ở đó.
Một đối lập vật chất giữa hai con đường: Borges bất động cả đời (đã thế còn được hưởng một lợi thế vô song, là mù), trong khi Cioran đi không ngừng, chẳng bao giờ có nhà và thậm chí còn trở thành một dạng nước tăng lực cho một số vận động viên, diễn viên, chính trị gia trước các pha nhào lộn (chuyện được chính Rigoni kể). Một lần các celebrity dạng ấy mời Cioran đến một tiệc riêng ở điện Élysée. Vì là celebrity nên không cần giới thiệu, nhưng rất tiếc Cioran chẳng biết ai trong đó (chuyện này cũng có thể tin, dù chính Cioran kể với Rigoni rằng đời mình chỉ có hai đam mê lớn: một là thần bí luận Hồi giáo, hai là báo lá cải, nhưng phải là cải xịn, tức là gossip chất lượng, ít nhất thì cũng phải ở trình độ kia).
Beckett. Vài cuộc gặp
- Cioran
Để có thể đoán định về một con người xa cách như Beckett, cần phải đặt nặng quan tâm vào thành ngữ "giữ cho mình cách biệt", phương châm không hiển ngôn trong mọi khoảnh khắc của ông, quan tâm đến sự thể là cách nói ấy đặt giả định về cô độc và bướng bỉnh ngầm, quan tâm đến cốt yếu của một bản thể ở bên ngoài, bản thể ấy đeo đuổi một công việc chẳng lúc nào nguôi và không có điểm kết. Trong Phật giáo, về người nào tìm con đường giác ngộ, người ta bảo anh ta phải chộn rộn như "chuột gặm quan tài" [châm ngôn này thuộc Thiền tông, dường như trong phát ngôn của Đạt Ma Tổ sư]. Mọi nhà văn đích thực đều phải có một nỗ lực tương tự. Đó là một kẻ phá hoại thêm vào cho tồn tại, bằng cách tàn phá sự tồn tại mà làm cho nó thêm phong phú.
[...]
Ông không sống trong thời gian mà ở song song với thời gian. Chính vì vậy mà chưa từng bao giờ tôi nảy ra ý định hỏi ông nghĩ gì về một sự kiện nào đó. Ông thuộc vào số những con người khiến ta hình dung được rằng lịch sử là một kích thước mà con người hẳn có thể chẳng cần đoái hoài.
[...]
Với các nhà văn chẳng có gì để nói, những người không có riêng cho mình một thế giới, ta chỉ có thể nói về văn chương. Với ông thì rất hiếm, thật ra thì gần như không bao giờ. Bất kỳ một chủ đề liên quan tới đời thường nào (những khó khăn về vật chất, những phiền toái đủ mọi loại) cũng hấp dẫn ông nhiều hơn - lẽ dĩ nhiên là trong các cuộc trò chuyện.
[...]
Vì cả đời là một người say mê các nghĩa trang và biết rằng Beckett cũng yêu quý chúng (Tình đầu, ta còn nhớ điều này, mở đầu bằng sự miêu tả một nghĩa trang, ở đây cần mở ngoặc đơn đó là nghĩa trang Hamburg), hồi mùa đông năm ngoái [bài này Cioran viết năm 1976], trên đại lộ Đài Thiên Văn, tôi kể cho ông về một chuyến thăm nghĩa trang Père-Lachaise ngay trước đó, về nỗi phẫn nộ của tôi vì không tìm thấy tên Proust trên danh sách "những nhân vật nổi tiếng" được chôn tại đó. (Cũng nên nói qua, cái tên Beckett, tôi đã nhìn thấy lần đầu tiên, cách đây chừng ba chục năm tại Thư viện Mỹ, cái ngày tôi rơi trúng phải cuốn sách nhỏ của ông viết về Proust.) [...] Beckett nói với tôi rằng ông đang đọc lại [một cuốn sách của Jonathan Swift]. Ông cho tôi biết - với tôi đây là cả một nỗi ngạc nhiên to lớn, nhất là một nỗi thất vọng to lớn - rằng Joyce không thích Swift.
[...]
Kể từ khi quen Beckett, không biết đã bao nhiêu lần tôi tự hỏi (tôi nhận ngay rằng hỏi như thế thì thật là dở hơi và khá ngu xuẩn) về mối quan hệ mà ông có thể có với các nhân vật của ông. Giữa họ có điểm chung nào? [...] Không ít trang viết của ông đối với tôi thật giống lời độc thoại sau sự kết thúc của một giai đoạn vũ trụ nào đó. Cảm giác như đang bước vào một thế giới sau cái chết, vào một địa dư nào được mơ thấy bởi một con quỷ, đã trút thoát mọi gánh nặng, thoát luôn cả sự nguồn rủa của nó!
[...]
Nhị Linh dịch
Có thể cảm thấy niềm kinh ngạc bạn bè lấp lánh ở đây, không chỉ trong cảm giác cùng hội cùng thuyền của những người tự ôm vào mình sự lưu đày mà, nhiều hơn, trong những phát hiện dạng ô, cậu cũng thế à. Khi Cioran nói rằng với Beckett, bất cứ chủ đề đời thường nào cũng hấp dẫn hơn văn chương (tất nhiên là trong các trò chuyện) thì cũng là Cioran nói chính mình. Một điểm chung nữa: cả hai người đều rất thích các nghĩa trang (thấy ở đó hình ảnh đúng của thành phố). Là một người bạn, Beckett có vinh dự được chứng kiến Cioran phẫn nộ (và phẫn nộ thật) khi không thấy tên Proust trong các celebrity được chôn ở nghĩa trang Père-Lachaise. Một người bạn khác, Rigoni, thì bị bắt dùng lợi thế chiều cao để giải phóng cái đầu Baudelaire khỏi một cành cây vô duyên trong công viên Luxembourg (mà Cioran gọi là vườn nhà, vì hôm nào cũng ra đó đi dạo - nghĩa trang thì, tất nhiên, cũng là một vườn, một công viên).
portrait as correspondence