Sương mù
về Tiệc vườn (Katherine Mansfield)
Thế giới của Katherine Mansfield mở ra trong sương mù: sương mù xóa mờ mọi hình hài, mọi phân biệt, mọi trật tự. Sương mù che chở cho thế giới ấy khỏi sự sỗ sàng của cái nhìn thọc xuống từ bên trên. Để tìm đường trong đó, không có cách nào ngoài đi bộ, men lần từ một góc bất kỳ - không phải như một nhà thám hiểm mà có lẽ như một đàn cừu - "những cái chân líu ríu vội vàng như bị cái lạnh và sự tịch mịch làm cho khiếp hoảng." Khiếp hoảng, nhưng cũng điên cuồng náo nức - "lên, lên mãi, lao vào ánh sáng và hơi nóng, ầm ào, ríu rít, hổn hển, như bị đẩy đi bởi một cái gì [...] bị hút vào một quầng chói lọi - ở tận đâu?" Đàn cừu kêu be be trong sương như đáp lại tiếng be be của những đàn lũ ma quái nào vẳng lên từ biển. Sương mù tỏa ra từ chính thứ âm nhạc rù quyến ấy - nó bọc lấy tất cả trong một khối chộn rộn bồng bềnh - "đi mãi mà như chẳng đi đâu - xung quanh chỉ thấy mịt mù hun hút."
Trong thế giới mù lòa, vô trật tự ấy, việc duy nhất có thể làm là chờ đợi - chờ đợi và lắng nghe, đón nghe một âm thanh khác xuyên qua nhà tù êm ái: một tiếng gọi vọng lại từ xa thẳm, một lời cầu nguyện, những chuyển động âm thầm: tiếng nước len lỏi giữa những hòn đá nhẵn trơn, tiếng những bụi cây khốn khổ "vươn tay tuyệt vọng trong đêm, cầu xin mà không biết đang cầu xin điều gì." Và nhất là tiếng gọi tên mình như lần đầu nghe thấy: "Beryl!" "Vâng tôi đây. Tôi Beryl đây. Ai gọi tôi đó?" "Beryl!" Cho tôi theo với, kẻ lạc đường van vỉ. Đừng để tôi lại chốn mịt mù xa lạ này. Tôi nhớ ra rồi, tôi nhận ra rồi, không bao giờ tôi quên nữa:
Một vòng tay nhỏ, ấm áp trùm quanh cổ ông. Một khuôn mặt nhỏ nhắn, xanh xao ngước lên, và một giọng êm dịu thì thầm, "Tạm biệt, báu vật của tôi." Là ai? Tại sao người ấy phải nói lời tạm biệt? Những sai lầm khủng khiếp. Nàng là vợ ông, người phụ nữ bé nhỏ xanh xao ấy - và tất cả phần còn lại của cuộc đời ông chỉ là mơ...
Trong khoảnh khắc, người ta mở mắt để nhận ra tất cả những gì đã luôn ở đó nhưng không được thấy - hạt đậu được bọc dưới hai mươi lần đệm, chỉ đôi khi nhói lên mơ hồ, "gần như là một nỗi đau nhưng lại là một nỗi đau êm dịu." Trong đêm, một điều gì đó đã xảy ra - sương mù đã lan ra từ đâu đó, nhưng từ đâu - không thể nào biết được. Chỉ có một điều chắc chắn: cảm giác ngờ ngợ rằng mọi thứ đã có thể khác hẳn thế này và dường như vẫn có thể khác hẳn thế này - khoảnh khắc của sự thật, cũng là của nỗi đau, nhưng sự đau đớn ấy không phải là thứ con người có thể chịu đựng không ngơi nghỉ. Middlemarch, cuốn sách mà Katherine Mansfield từng đọc, có viết: người phàm chúng ta vẩn vơ trên mặt đất trong một lớp đệm rất dày ngăn ta cảm thấy được những xao động của thế giới, và cái đó là cần thiết cho sự an toàn của ta, bởi vì nếu ta mẫn cảm đến độ nghe được tiếng cỏ mọc, ta sẽ chết vì tiếng gầm gào nằm nằm ở phía bên kia im lặng.
Khoảnh khắc chuyển hóa của thế giới Katherine Mansfield có tiếng cỏ mọc, tiếng biển trườn lên những viên đá cuội, "một giọng ngân nga nghèn nghẹt vọng ra từ đám nhà tranh tối thẫm, một tia sáng lóe lên, một cái bóng trườn qua cửa sổ." Những chuyển động nhận ra ấy thì thầm: nhanh lên, nhanh lên, chỉ có một cơ hội này thôi.
Thường xuyên, cơ hội ấy trượt đi. "Một thoáng im lặng. Rồi Constantia yếu ớt, "Em không thể nói những gì em định nói nữa, Jug ạ. Em quên mất rồi... em quên mất em định nói gì rồi." Nỗi quên phủ xuống một màn voan êm ái, và cả điều này dường như cũng đã xảy ra nhiều lần, quá nhiều lần - tới nỗi người ta cam chịu nó như một tất yếu, mân mê nó trên tay như một bông hoa vừa nở đã tàn, vậy mà vẫn nở - để làm gì, cho ai? "Duỗi dài trên ghế, Linda thấy mình nhẹ bỗng như chiếc lá. Nhưng Cuộc Đời đã như một cơn gió ào đến, tóm lấy nàng, cuốn phăng nàng đi." Tôi đi đây, tôi đến đây, tôi lại mê man trong điệu vũ cuống cuồng, đã quên rằng những rộn ràng lấp lánh ấy vừa đổ ụp trước mắt tôi, rằng tôi vừa quyết tâm quay lưng khỏi đó: "[C]hân nàng lướt đi, lướt đi. Ánh đèn, đỗ quyên, váy vóc, những khuôn mặt ửng hồng, ghế nhung, tất cả bị hút vào một bánh xe bay ngây ngất..."
Sự thật là thứ tuyệt đối vô dụng, và dường như thật dễ - chỉ cần lắc mình là có thể thoát khỏi nó, nhưng phiền hà là nó không bao giờ chịu biến hẳn đi, cũng không bao giờ phơi ra toàn bộ khuôn mặt. Nó dường như lúc nào cũng chập chờn ở đó. "Nhưng nó có nghĩa gì? Nàng khao khát điều gì? Tất cả những chuyện này rồi sẽ dẫn đến đâu?" Sẽ mãi như thế này ư, không lối thoát? - con người băn khoăn, thẫn thờ, phấp phỏng, không bao giờ có thể đi đến một kết luận dứt khoát, một lần cho mãi mãi. Dẫu nói Có hay nói Không, một cái gì vẫn luôn rục rịch trào khỏi khuôn, lời cuối luôn bị đình lại, treo lơ lửng - mâu thuẫn triền miên giữa nồng nhiệt và xa cách, giữa điên cuồng và nhẫn nại, giữa ngây ngất và hoài nghi, giữa xung động tức thì và phân vân do dự. Nhưng không cự lại cám dỗ, thả cho mình bị hút vào, trượt đi, hết lần này đến lần khác - đó lại là cách để cựa thoát được sự cằn cỗi giáo điều của cái nhìn từ trên cao - một cái nhìn quá yên ổn, dẫu "tông" của nó là cay độc, dung túng hay đạo mạo. Nhưng yên ổn là biểu hiện của sự tự mị vô đạo đức - tự mị rằng có một cách dễ dàng để xuyên thủng sương mù, rằng có một cách nào khác để tìm đường trong một thế giới vô trật tự ngoài tự vẽ con đường bằng những bước lần dò chới với.
Nỗi chới với thể hiện rất rõ ở những sự bắt đầu: những cô bé lần đầu tiên tập làm người lớn và nhanh chóng nhận ra cả sự huy hoàng lẫn sự tàn nhẫn của thế giới ấy. Cảm quan của đứa trẻ chưa bị thói tục làm cho xơ cứng; nó phát hiện ra ngay sự thật về bộ quần áo mới của hoàng đế, nhưng trước những lời khiển trách, trước cơn gió mới mẻ vừa ào tới, nó bỗng rụt rè, băn khoăn:
Chưa bao giờ em tưởng tượng được mình có thể trông như thế này. "Mẹ có đúng không?" em tự nhủ. Giờ thì em hy vọng là mẹ đúng. Mình có đang làm quá không? Có lẽ đúng là thế thật.
Không có một uy quyền cao hơn nào để vin vào, mỗi cuộc bắt đầu đều là một chuyến đi huyền hoặc, và nếu đến được một sự nhận ra nào có thể gọi là xác tín thì điều đó cũng không thể nói thành lời:
Laurie ôm lấy vai em. "Thôi nào, đừng khóc nữa," cậu dỗ dành. "Khủng khiếp lắm à?" "Không," Laura nức nở. "Chỉ là... mọi thứ quá đẹp, quá kỳ diệu. Nhưng Laurie..." em ngập ngừng nhìn anh trai. "Đó không phải là cuộc sống," em bắt đầu lập cập, "không phải là cuộc sống..." Nhưng cuộc sống là gì, em không tài nào giải thích được.
Sự vô trật tự của thực tại mà cô bé bắt được gây nên một thoáng bối rối đối với bề mặt trật tự, yên ổn mà thế giới người lớn đã quen coi là đương nhiên. Nó có khả năng gây chấn động cho cả những tâm hồn đã xơ cứng, đánh thức trong họ một điều gì chính họ cũng không thể hiểu, dẫu chấn động ấy sẽ chẳng kéo dài. Sương mù của âm nhạc quyến mị, của trật tự giả sẽ nhanh chóng trùm lên. Những kẻ lạc loài không thể hy vọng vào một thiên đường khác. Như những thiên thần rơi xuống mặt đất, không tìm được đường quay lại bầu trời, những tâm hồn ấy chỉ có thế giới này - một thế giới vô tận thân thiết, đồng thời vô tận lạ lùng: một ánh sáng khác, một người bỗng hiện ra khác hẳn. Cứu rỗi ở đó, nếu có, không phải là một cuộc giải thoát, trốn chạy mà là một cái nhìn khác, một niềm hy vọng nhẫn nại gửi vào kẻ khác:
Nhưng cuối cùng nàng đã kết hôn với anh. Thậm chí nàng còn yêu anh. Không phải Stanley mà những kẻ khác thấy, không phải Stanley của cuộc đời thường nhật. [...] Anh phóng ra những lời quá quắt, nhưng đôi mắt mở to thảng thốt, run rẩy quẫn cùng của anh là đôi mắt của con thú sa vào bẫy. Nhưng vấn đề là - Linda bỗng thấy muốn bật cười, dù Chúa biết đây hoàn toàn không phải chuyện đáng cười - nàng hiếm khi thấy được Stanley của nàng. Có những thoáng hiện ra, những khoảnh khắc, những khoảng bình yên run rẩy, nhưng hầu hết thời gian nàng như sống trong một ngôi nhà hỏa hoạn kinh niên, một con tàu không ngày nào không đắm.
Con người trong thế giới ấy chỉ thực sự tìm thấy nhau, nhận ra nhau và nhận ra chính mình trong những khoảnh khắc mà giấc mơ của họ gặp nhau, khi họ tạo ra cả một thế giới khác trong nhau, dẫu biết rõ nó chỉ sáng lên trong khoảnh khắc.
Đàn cừu đi qua khi tất cả còn đang say ngủ - ngày ngày, nghi lễ gọi mặt trời diễn ra âm thầm mà chẳng kẻ nào nhìn thấy. Chỉ có tiếng be be vọng vào giấc mơ của lũ trẻ con. "Chúng đưa cả hai tay ra mà kéo, mà ôm ghì những con cừu non yêu dấu trong cơn mơ màng." Những cái chân líu ríu bị cái lạnh và nỗi hãi hùng đẩy đi. Trong sương mù dày đặc, trong tiếng biển ma quái, chỉ có một tia sáng xuyên qua sương: tiếng huýt sáo xa xăm của người chăn cừu. Đó là sự định nhịp - cũng chính là sự hướng lối - không phải cho lũ cừu mà cho con chó chăn cừu - nó sẽ giữ lũ cừu trong trật tự:
Đàn cừu có vẻ mất phương hướng khi đến đồng cỏ vàng sũng nước, và Wag, con chó chăn cừu - với những bước êm gọn - lập tức chạy đến quây chúng lại, hướng chúng về con đường đá hẹp và dốc dẫn ra khỏi Vịnh Lưỡi Liềm, nhằm hướng Vũng Ngày. "Be! Beee!" Tiếng kêu yếu ớt vẳng lên khi lũ cừu lừ đừ bước trên con đường đang khô đi theo từng nhịp mặt trời. Người chăn cừu cất tẩu thuốc, thả nó vào túi áo ngực, cái nõ tẩu la đà bên ngoài túi áo, và lập tức tiếng huýt sáo nhẹ nhõm, xa xăm lại cất lên. [...] Cứ thế, vừa xô, vừa huých, đàn cừu líu ríu vòng qua khúc quanh, bóng người chăn cừu phía sau cũng dần mất hút.
Anh Hoa