Dưới đây là một mẩu của lịch sử, được giữ nguyên như thế, từ phông chữ cho các đường link. Thời điểm nó được viết ra là mùa Đông năm 2016.
Cách đây chừng năm, sáu năm, Linda Lê đọc tại vài thành phố Việt Nam một bài tiểu luận, "Étranges Étrangers". Khi ấy, bản dịch Lại chơi với lửa của anh Nguyễn Khánh Long (nay đã qua đời) mới xuất bản, một thời gian sau bản dịch Vu khống cũng của Nguyễn Khánh Long. Trong sự viết của Linda Lê, các tiểu luận không kém quan trọng so với tiểu thuyết và truyện ngắn; ngày ấy, tôi ngồi trong số thính giả của buổi nói chuyện tại Hà Nội, phải có mặt ở đó mới thực sự cảm nhận được sức mạnh của ngôn từ do Linda Lê tạo ra. Lần đó, chỉ nghe bài tiểu luận đối với tôi đã là đủ rồi, nên suốt đợt Linda Lê ở Việt Nam, tôi không hề gặp.
Dưới đây là một tiểu luận khác của Linda Lê, sẽ in trong một tập sách tương lai.
Sức mạnh của sự vắng
(“Tôi viết cho bạn từ một đất nước xa xôi”)
Linda Lê
Năm 1956, đã rời Rumani quê hương và từ hai mươi năm chọn nước Pháp làm nơi neo đậu, Cioran đăng trên tạp chí La Nouvelle Revue Française “Thư gửi một người bạn xa” về sau sẽ được đặt ở đầu cuốn sách Lịch sử và Utopia. Trong bức thư dài, ông hồi đáp một người không được nêu danh tính thúc giục ông nói về Paris, miêu tả chi tiết cái thế giới “huyền diệu” mà ông có cơ may băng ngang qua. Thật là một dịp tốt để tác giả tương lai của Đấng tạo hóa xấu xa giăng mắc các nghịch lý, đề nghị người bạn ở xa phòng ngừa niềm hào hứng hoặc lòng ghen tị đối với các “cơ may” của người lưu đày, cơ may được chuyển đi nơi khác, khả năng sống đời du mục, vong bản, cách xa “quê hương đã tiêu tan” của mình. Và Cioran kết thúc những lời tâm sự bằng cách trích dẫn Chamfort, nói rằng ở Paris, bốn phần năm dân cư “chết vì sầu muộn”.
Vừa hết sức tránh rơi vào một hình thức hoài nhớ khô kiệt, ông vừa nhắc nhở, tất cả chúng ta đều bị nguồn gốc của mình truy đuổi: là người lữ khách phải lòng những chân trời mới, nhưng ông sẵn sàng cho đi mọi phong cảnh trên đời để đổi lại phong cảnh của tuổi thơ ông (không phải vì phong cảnh ấy điền viên êm ái, ông nói thêm, mà những màn ảo thuật của ký ức ông huyền ảo đến mức mọi thứ gì ở đó đều như thể nhiễm từ tính). Hẳn ông cũng có thể nói, giống như Marina Tsvetaeva, rằng từ “tổ quốc” trộn lẫn với từ “số phận”, thứ mà ông mang đi khắp nơi bên mình. Hẳn ông cũng có thể nói giống như bà, rằng ông tuyệt đối không quan tâm nơi nào sẽ che chở nỗi cô đơn của ông, không quan tâm đến việc chẳng ai hiểu mình (bằng ngôn ngữ nào đây?). “Tôi chỉ là một tâm hồn/Một ngày kia sinh ra, đâu đó”, nữ thi sĩ vĩ đại tuyên bố, thậm chí bà còn thách thức cả tiếng mẹ đẻ của mình, “đầy những âm thanh ngọt”. Cioran không thúc thủ trước “bụi quê hương” như người bạn xa, nhưng sống ở phương Tây, ông luôn luôn cảm thấy bị ám ảnh bởi cảm giác mình “ở giữa những người văn minh, như một tên đột nhập, giống như một kẻ thô lậu mọi rợ đắm đuối với rụng héo, chìm nghỉm vào trong những lời cầu nguyện tàn hủy, thường trực nỗi sợ hãi không thoát thai từ một thế giới quan mà từ những co rút thịt da và bóng tối của máu”.
Trong số các văn bản đầu tiên mà Cioran viết bằng tiếng Pháp có vài trang, chính xác đến rợn người, về từ “dor”, nghĩa là “hoài nhớ” trong tiếng Rumani. Tuy nhiên từ này, được dùng theo cách thức trữ tình bởi người cố công tìm lối diễn đạt cho nỗi nhớ từ xa, cũng giống Sehnsucht, yearning, saudade hay cảm hoài trong tiếng Việt, không thể dịch được. Marina Tsvetaeva từng nói, suốt một thời gian dài bà phủ nhận nỗi nhớ quê, nỗi nhớ cứng đầu. “Sung sướng thay kẻ vô tổ quốc”, Hannah Arendt khẳng định trong một bài thơ, cũng được viết cho những người, tràn ngập lòng lạc quan gắng gượng, từ chối không chịu tự hỏi mình có phải, đối với mảnh đất tiếp nhận, những kẻ không được mong muốn, không thích bị gọi là những “kẻ tị nạn” mà thích cụm từ “những người mới đến” hơn và cho rằng cái đất nước mà họ hy vọng sẽ thành nơi tiếp nhận mới có thể hé lộ cho họ một tổ quốc đích thực nghĩa là gì.
“Mọi nỗi hoài nhớ, Cioran viết trong các suy tư về từ dor, đều là sự vượt qua hiện tại. Cuộc đời chỉ có thể mang nội dung trong sự cưỡng bức thời gian. Nỗi ám ảnh nơi khác chính là sự bất khả của khoảnh khắc.” Và sự bất khả này là bản thân nỗi hoài nhớ, nó buộc tâm hồn phải trôi nổi trong tình trạng bất xác định, phải sống phơi mình trong thời gian. Trong số tất tật utopia, Cioran kết luận, chốn kỳ lạ nhất lại chính là chốn của một thế giới quê hương, nơi con người ngơi nghỉ khỏi chính bản thân mình, khỏi những mệt nhọc của mình.
Người lưu đày, chúng ta đã biết, có xu hướng choàng vinh quang lên nỗi hoài nhớ. Milan Kundera, người cũng, giống như Cioran, đổi ngôn ngữ, chọn tiếng Pháp để tạo dựng một thế giới của người dịch chuyển, nhắc nhở, trong Vô tri, sự thật này: rất hiếm người di cư không bị choáng ngợp trước ma thuật vĩ đại của sự trở về. Ulysse ở thời điểm nhìn thấy lại hòn đảo của mình sau nhiều năm phiêu bạt là hình ảnh gốc đeo đuổi những ai từng sống lâu dài nơi đất lạ: “Cuộc trở về trong tiếng Hy Lạp là nostos. Algos thì có nghĩa đau đớn. Như vậy hoài nhớ là nỗi đau đớn gây ra bởi ham muốn trở về không được thỏa mãn.”
Nhân vật Người Di Cư, vẫn theo Milan Kundera, thường trộn lẫn vào với nhân vật Kẻ Phản Bội hoặc Người Chịu Đau Khổ Vĩ Đại. Lưu đày đồng nghĩa với mất chỗ và mất sở hữu. Đó là một thảm họa vũ trụ, theo Norman Manea, tuy nhiên lại là người ít nhất cũng đã mang theo mình ngôn ngữ mà ông sử dụng để sống, yêu, mơ, và sẽ dựng nên, cách xa quê hương, tại New York, một tác phẩm hoàn toàn được xây trên những gì còn lại trong ông của tiếng Rumani. Nhưng ai đã đổi ngôn ngữ và viết bằng những từ đi mượn thì gần như buộc phải gánh lấy vai trò Kẻ Quay Lưng, phản bội ngôn ngữ của mình, cũng như vai trò của Người Chịu Đau Khổ Vĩ Đại: từ Ovide cho tới Günther Anders, thư từ và nhật ký của lưu đày ngập tràn lời than thở của những người, trước cả khi học được ngôn từ khác, cảm thấy tiếng mẹ đẻ của mình rạn vỡ trầm trọng đến mức nào. “Anh muốn biết tôi có ý định rồi một ngày sẽ quay trở lại với ngôn ngữ của chúng ta hay không, Cioran viết cho người bạn ở xa, hay tôi vẫn sẽ trung thành với thứ tiếng khác này, nơi anh cứ vu vơ mà tưởng đâu đối với tôi là dễ dàng lắm, nhưng không, sẽ chẳng bao giờ dễ dàng đâu.” Ông hoài nhớ những gì mà tiếng Rumani cho phép, trong sự “lộn xộn tuyệt diệu” của nó, và than van vì phải, mà vốn dĩ ông cảm thấy châu Á cuồn cuộn trong mạch máu, đánh vật với những thứ cứng đờ áp đặt bởi một cú pháp mang “phẩm hạnh của xác chết”, nếu ông muốn để lại một dấu vết giữa những người gây mê hoặc, ảo thuật gia ngôn từ từng vượt qua được cơn ác mộng sinh ra từ mối quan hệ giữa ông và tiếng Pháp.
Bằng cách vứt bỏ đi mọi tính chất oặt ẹo của nỗi hoài nhớ, Cioran chưa bao giờ để mình sa vào vòng bi lụy. Tuy nhiên ông đong quá tay sức mạnh của sự vắng, khi thực tại bắt kịp ông trong đời lưu đày. Câu chuyện “Thư gửi một người bạn xa” có một vĩ thanh vượt xa mức bi thảm: một năm sau khi nó xuất hiện trên tờ NRF, người bạn Rumani không được nêu tên, trên thực tế là triết gia Constantin Noica, bị an ninh của Đảng bắt, cùng khoảng hai mươi trí thức. Tại phiên tòa xử họ năm 1960, “Thư gửi một người bạn xa”, cùng toàn bộ thư từ giữa triết gia lưu đày và người ở lại Bucarest, được coi là bằng chứng buộc tội, Noica bị cáo buộc âm mưu lật đổ và bị kết án hai mươi lăm năm tù khổ sai (tuy nhiên ông được thả vào năm 1964).
Norman Manea, nhắc lại lời Kafka theo đó viết thư “là phơi mình trần truồng trước lũ ma, chúng hau háu đợi thời điểm ấy”, có lẽ là nhà văn lưu đày tự chất vấn nhiều nhất về các ngõ cụt nơi đâm bổ vào mọi con người tìm kiếm dấu vết, chuếnh choáng mang niềm hy vọng về Cuộc Trở Về Vĩ Đại và trở nên rồ dại trước viễn cảnh lại phải hòa hoãn với cái đã biết, mà vốn dĩ họ đã luôn luôn phải sống giữa nhiều điều bất khả do Kafka phát biểu: bất khả không viết, bất khả viết bằng những từ đi mượn, bất khả viết bằng một thứ tiếng khác, nhưng hẳn ta còn cần thêm vào đó nỗi bất khả viết, hết sức giản dị vậy thôi, và cả “điều bất khả thứ năm” nữa, do Norman Manea nêu lên: lưu đày nội tâm, mà hiện thân theo cách thức tuyệt đối là Kafka, người khuyên chúng ta, trong cuộc đối đầu với thế giới, hãy đứng về phía thế giới, Kafka, con người tự đặt mình, đầy chủ đích, ra ngoài rìa và không ngừng trở đi trở lại với sự bất lực tham gia cuộc chơi của mình. “Hãy xem có đến bao nhiêu điều bất khả trong những bức thư của chúng ta, ông viết cho Felice Bauer. Đâu đâu cũng là những bất khả!”
Viết thư, đó là gọi tên sự vắng, quay trở lại nỗi trống rỗng hoác miệng do chia ly xới lên. Viết thư từ cuộc lưu đày hiếm khi nào đồng nghĩa nối lại với những gì thuộc về ta nhưng còn chưa rời khỏi quê hương, mà ngược lại, thường nói lên sự trở về bất khả và cúi mình khuất phục trước sức mạnh của sự vắng. Chủ yếu, người ngự trị nhờ sức mạnh của sự vắng lại không phải kẻ lưu đày, Heimatlos, mà là người cứ mãi đậu thuyền nơi bến cảng xưa cũ, người đã không phản bội, cái người không hề thường trực tìm kiếm những con đường còn in dấu bước chân lạc của tuổi thơ, có lẽ anh ta được phép nói Antée là đồng minh của mình, rằng sức mạnh đi cùng anh ta đến mọi nơi. Anh ta không tự đặt câu hỏi về chuyện có thuộc về một ngôn ngữ hay không, anh ta không trở thành con mồi cho “điện ảnh gia của tiềm thức” ấy, kẻ, Milan Kundera nói trong Vô tri, ban ngày thì gửi đến cho anh ta các mẩu phong cảnh quê hương như những hình ảnh của hạnh phúc nhưng đêm đến lại tổ chức những cuộc trở về gây khiếp hãi, vẫn là tới đất nước kia - đã bao giờ người ta hình dung được “giấc mơ di cư”, những giờ khuya khoắt, theo rất nhiều dị bản, viếng thăm những ai từng bỏ đi khỏi nhà, tin mình đã nhất quyết quay lưng lại mọi biểu hiện gốc rễ, những ai chẳng còn biết nữa mình đang tiến lên trong cuộc tồn tại với bệ đỡ là các mối liên hệ giả tưởng mà họ còn giữ được với thiên đường đã mất hay cái ý nghĩ rằng, vượt qua đường biên giới tổ quốc mình cũng có nghĩa họ đã trốn thoát một địa ngục?
Trong các bức thư lưu đày, ít người thể hiện mình là kẻ trốn chạy không “tự kể lể” cơn say của Cuộc Trở Về Vĩ Đại, tuy rằng lẽ sống của họ, kể từ khi nhổ neo, là trở thành, cũng giống các bạn đồng hành của Ulysse, những Kẻ Ăn Hoa Quên, lãng quên con đường đưa họ quay về Ithaque quê hương. Thư lưu đày là nơi hằn rõ điều mà Norman Manea gọi bằng cái tên sự hội tụ đầy mâu thuẫn và nhiều tính chất sáng tạo của mọi sự bất khả bên trong người di cư: anh ta có ý thức mình ở giao điểm các cơn gió, nuôi dưỡng những bóng ma bằng cách không ngừng nhắc đi nhắc lại cùng những câu chuyện hoài nhớ, nhưng anh ta cũng có ý thức rằng những gì một ngày kia anh ta sẽ nhận ra nếu quay về cái chốn đã chứng kiến anh ta ra đời, là “điều tốt đẹp nhất”, thứ quý giá nhất trong số mọi tài sản mà anh ta sở hữu, lại nằm bên ngoài các vùng đất thân thuộc ấy, trong những năm anh ta từng sống không ràng buộc, khi anh ta chơi đùa và hưởng thụ một ngôn ngữ khác, ngôn ngữ của xa xôi, nó thì thầm với anh ta là phải trở về nhà nhưng đồng thời mang đi xa mất những gì máu thịt với anh ta và nhắc anh ta nhớ rằng tổ quốc anh ta cũng chính là miền đất của những mối bất hòa của anh ta.
Người lưu đày nào, mỗi lúc đọc được một bản dịch tuyệt vời, mà không nghĩ, giống như Jacques Roubaud, rằng đó là một con thú kỳ dị, nó nói: “Tôi viết cho bạn từ một đất nước xa xôi”? Người lữ thứ không ngoảnh đầu nào, cập vào những bến bờ xa lạ, lại không hy vọng, giống như Nelly Sachs, rằng những biến hình của thế giới sẽ trở thành quê hương cho mình? Nhớ đến một tác phẩm thời trẻ của Aristote, trong đó ông so sánh cuộc đời nhà tư tưởng với cuộc đời người nước ngoài, Paolo Virno, trong Sử dụng cuộc đời và các chủ đề gây lo lắng khác, nhắc rằng triết gia cũng như người lưu đày, trong lúc giữ mình xa khỏi “những giọng nói hỗn loạn của Quảng Trường”, dành một “lòng tin tưởng chuyên nhất cho cú pháp khái niệm của toàn thể giống loài: triết gia thì tìm kiếm ở đó sự thật, còn người lưu đày tìm sự an toàn”. Và nhấn mạnh rằng cư dân các thành phố lớn lúc nào cũng là người nước ngoài, luôn luôn vươn tới thân phận “người xa xứ”, vì cứ bị bắt buộc phải “vĩnh viễn phụng sự các phạm trù thiết yếu nhất thuộc trí năng ngôn ngữ”, dẫu cho anh ta “phải bị tra tấn” mới chịu đọc một cuốn sách nào đó. Xuất phát từ các nhìn nhận về hiện tượng đô thị và tu từ học - thành phố lớn ngày nay lấy ngôn ngữ làm hình mẫu và hiện ra như một mê cung các ẩn dụ, phát ngôn, trật nghĩa và hàm ngụ - Paolo Virno dẫn dắt một suy tư về các địa điểm: địa điểm chung của tâm trí, địa điểm đặc biệt của tập quán, địa điểm quen của luân lý, nghĩa là của cuộc sống tốt lành.
Từ nơi nào sẽ cất tiếng người viết thư chơi đùa với sức mạnh mà sự vắng ban cho anh ta? Những bức thư mà hai người bạn ở xa viết cho nhau, hai cư dân của những thành phố lớn nằm tại các đối cực, hai cư dân, dẫu một trong đó chưa từng bao giờ rời khỏi hàng rào khu vườn của mình, đều là những người lưu đày tự thân, có phải nhất thiết những bức thư sẽ mang dấu ấn của một nỗi hoài nhớ không thể chữa trị, một cú xé toang không thể vá víu, vì lúc nào các bóng ma cũng hoạt náo nhằm giũa mòn những gì còn lại của hiện diện, nhằm tước đoạt hiện thân những gì đã có nguy cơ sắp rơi vào sự trừu tượng? Sẽ là nhầm nếu tưởng những từ ngữ bay từ người đã đi xa khỏi biên giới tổ quốc đến người cố định mãi ở nơi neo đậu chỉ nói lên sự trống rỗng: sự bất khả hiện ra từ những trò chuyện qua thư giữa người được ở đây lựa chọn và người du hành ở kia hé lộ những điều có thể rất khó ngờ. Sự vắng, sự xa cách, thậm chí cả cảm giác cô lập, có lẽ, được chuyển hóa thành các năng lượng ngầm. Người lưu đày sẽ không còn nói đến một nơi mọi thứ đều bị tàn hủy và sẽ không còn cất tiếng hướng tới một thế thân giả định may mắn hơn mình bởi vì không phải trải qua sự bùng vỡ bên trong mà, người ta hay nói, luôn luôn bị kích động bởi lời giã biệt quê hương, anh ta sẽ có thể rời khỏi những ngõ cụt bị dồn vào khi nhận thức được thân phận mình, không còn là Kẻ Khôn Nguôi Tấm Tức ở phương diện siêu hình, mà trở thành người cải biến các kỳ tang chế và những cái chết liên tiếp của mình thành chừng ấy chuyến đi, trong đó, mở lòng mình với người kia, cái người vẫn gắn bó không rời với bờ bến thân quen, anh ta sẽ không nối lại theo đường lối giả tạo với nguồn gốc của mình, mà sẽ làm nổ tung những gì cầm tù tất tật, nhốt chặt và bủa vây - thư lưu đày, thay vì nói lên “hiểu biết về đau khổ”, khi ấy lại trở thành một sự ở bên ngoài đầy cứu rỗi.