Philip Roth: The Ghost Writer
The Ghost Writer
- Philip Roth
Cho Milan Kundera
Chương 1: Bậc thầy
Đó là giờ cuối cùng của một buổi chiều tháng Mười Hai, cách đây hơn hai mươi năm - tôi hai mươi ba tuổi, đang viết và xuất bản những truyện ngắn đầu tay và, như bao nhân vật trong các Bildungsroman trước tôi, tôi bắt đầu mường tượng về chính cuốn Bildungsroman đồ sộ của đời mình - khi tôi đến chốn ẩn cư của ông để gặp vị đại văn hào. Ngôi nhà gỗ lợp ván nằm ở cuối con đường đất, cao một ngàn hai trăm feet trên vùng núi Berkshires, vậy mà người bước ra từ phòng làm việc để đón tôi bằng một cái chào nghi thức lại vận bộ comple gabardine, thắt cà vạt len màu xanh biển gài vào sơ mi trắng bằng một cái kẹp bạc không hoa văn và, đi đôi giày đen của mục sư được đánh bóng cẩn thận làm tôi liên tưởng đến cảnh ông bước xuống từ một quầy đánh giày hơn là từ bệ thờ cao vợi của nghệ thuật. Trước khi tôi kịp bình tĩnh để nhận ra cách ông ngẩng cằm đầy uy quyền và độc đoán, hoặc sự tỉ mỉ và kiểu cách trong lối chỉnh trang quần áo trước khi ngồi - để kịp nhận ra bất cứ điều gì, thực sự, ngoài việc tôi bằng phép mầu nào đó, đã tới được đây với ông bất chấp xuất thân chẳng có chút can hệ nào với văn chương - ấn tượng của tôi là E. I. Lonoff trông giống một ông hiệu trưởng của học khu địa phương hơn là người kể chuyện độc đáo nhất vùng kể từ Melville và Hawthorne.
Không phải những lời đồn đại ở New York về ông khiến tôi trông đợi điều gì đó hoành tráng hơn. Khi tôi mới nhắc tới tên ông trong một buổi tiệc xuất bản đầu tiên ở Manhattan - tôi đến đó, háo hức như một minh tinh mới nổi, khoác tay ông biên tập già - thì cái tên Lonoff gần như bị đám dí dỏm gạt phăng như thể thật nực cười khi một người Do Thái thuộc thế hệ ấy, vốn là con của dân nhập cư, lại cưới được ái nữ của một gia tộc lâu đời ở New England và sống suốt ngần ấy năm “ở nông thôn” - tức là, trong cái vùng hoang dã toàn chim muông và cây cối của bọn goyish, nơi nước Mỹ đã ra đời và chấm dứt từ lâu. Tuy nhiên, bởi tất tật tên tuổi lẫy lừng khác mà tôi nhắc đến cũng đều bị những tay sành sỏi xem như trò cười, nên tôi sinh nghi về cách họ châm biếm các ẩn sĩ văn chương lừng danh kia. Thật ra, từ những gì tôi chứng kiến tại bữa tiệc, tôi bắt đầu hiểu vì sao lựa chọn sống ẩn dật trên độ cao một nghìn hai trăm feet giữa núi rừng và chỉ có chim muông cùng cây cối bầu bạn lại không hề là ý tồi đối với một nhà văn, bất kể có phải người Do Thái hay không.
Căn phòng khách ông dẫn tôi vào gọn gàng, ấm cúng và giản dị: một tấm thảm tròn lớn móc tay, vài cái ghế bành bọc vải, một cái ghế sofa cũ, một bức tường dài ốp kín sách, một cây đàn dương cầm, một máy phát nhạc, một bàn thư viện bằng gỗ sồi được sắp xếp ngay ngắn với các tập san và tạp chí. Trên nền vách gỗ trắng, các bức tường màu vàng nhạt hoàn toàn trống trơn ngoại trừ nửa tá tranh màu nước nghiệp dư vẽ ngôi nhà trang trại cũ vào các mùa khác nhau. Qua bệ cửa sổ lót đệm và những tấm rèm cotton không màu được buộc gọn, tôi có thể trông thấy những cành trơ trụi của những cây phong to đen sẫm và những cánh đồng tuyết bị gió thổi xô. Tinh khiết. Tĩnh lặng. Giản dị. Biệt lập. Mọi sự tập trung, chói lọi và độc đáo của một người đều dành trọn cho một sứ mệnh gian nan, cao cả và siêu vượt. Tôi nhìn quanh và nghĩ: Đây là cách mà tôi sẽ sống.
Sau khi chỉ tôi ngồi vào một trong hai cái ghế bọc vải bên lò sưởi, Lonoff tháo tấm chắn lửa và nhìn vào bên trong để chắc chắn lỗ thông gió đã được mở. Ông dùng que diêm gỗ đốt đống củi mồi rõ ràng đã được chuẩn bị sẵn cho cuộc gặp của chúng tôi. Rồi ông đặt lại tấm chắn lửa trở lại đúng vị trí như thể đang lắp nó vào một cái rãnh khớp sẵn. Đảm bảo rằng những khúc gỗ đã bắt lửa - hài lòng vì đã nhóm lửa thành công mà không gây hoạ cho ngôi nhà hai trăm tuổi hay mạng sống những người trong đó - cuối cùng ông đã yên chí ngồi xuống cạnh tôi. Với đôi tay gần giống như của phụ nữ bởi sự nhanh nhẹn và khéo léo trong từng chuyển động, ông thả nếp gấp trên mỗi ống quần rồi ngồi xuống. Ông di chuyển với sự uyển chuyển đáng ngạc nhiên so với cơ thể to lớn, nặng nề của mình.
“Cậu thích được gọi là gì?” Emanuel Isidore Lonoff hỏi. “Nathan, Nate, hay Nat? Hay cậu còn cái tên nào khác?” Bạn bè và người quen vẫn hay gọi ông là Manny, ông tiết lộ cho tôi và, tôi cũng nên gọi như thế. “Như thế nói chuyện sẽ dễ hơn.”
Tôi hơi nghi ngờ, nhưng vẫn mỉm cười để tỏ ý rằng, dù có chút choáng váng tôi vẫn sẽ nghe theo. Và rồi, bậc thầy ấy còn khiến tôi bối rối không ít khi ông đề nghị tôi kể về cuộc đời mình. Dĩ nhiên, cuộc đời tôi chẳng có gì đáng kể vào năm 1956 hết - chắc chắn chẳng có gì, theo tôi nghĩ, để nói trước một người sành đời và thâm sâu như ông. Tôi được nuôi lớn trong sự hết mực thương yêu của bố mẹ tại một khu phố ở Newark, gia cảnh không giàu cũng không nghèo; tôi có một em trai nhỏ rất thần tượng tôi; học tại một trường trung học tốt trong vùng và tốt nghiệp một trường đại học xuất sắc, tôi có con đường học vấn mẫu mực theo đúng những gì cha ông tôi trông đợi; sau đó tôi phục vụ quân đội, đóng quân cách nhà chỉ một giờ đồng hồ, công việc là soạn thảo các bản thông tin tuyên truyền cho một ông thiếu tá ở Fort Dix, ngay cả khi cuộc tàn sát mà cơ thể tôi bị trưng dụng đang đi đến hồi kết đẫm máu ở Triều Tiên. Kể từ khi xuất ngũ, tôi sống và viết trong một căn hộ tầng năm không thang máy ở mạn cuối phố Broadway, được bạn gái tôi mô tả, khi cô ấy dọn đến ở chung và sửa sang đôi chút, là tổ ấm của một ông sư không giữ giới.
Để tự trang trải, tôi vượt sông sang New Jersey ba ngày mỗi tuần để phập phù làm một công việc từ mùa hè đầu tiên thời đại học, khi tôi hồi đáp một mẩu quảng cáo hứa hẹn hoa hồng cao cho những tay bán hàng nhiệt huyết. Mỗi sáng tám giờ, cả nhóm chúng tôi được chở đến một thị trấn công nghiệp nào đó ở New Jersey để gõ cửa từng nhà nhằm bán các gói đăng ký báo dài hạn, và đến sáu giờ chiều thì được đón trước một quán rượu đã hẹn sẵn rồi chở ngược về trung tâm Newark bởi người giám sát, McElroy. Hắn là một tay nghiện rượu bảnh chọe với bộ ria mép thưa, không bao giờ ngừng cảnh báo chúng tôi - hai cậu trai đầy lý tưởng đang dành dụm tiền đi học và ba lão già lờ phờ, nhợt nhạt, phì nộn, tàn tạ bởi đủ mọi bất hạnh có thể tưởng tượng - rằng đừng dại mà dây vào mấy bà nội trợ ở nhà một mình và tóc còn đang cuốn lô: các anh có thể bị một ông chồng sôi máu bẻ gãy cổ, có thể bị lùa bẫy tống tiền nhừ tử, có thể dính bất kỳ một trong năm mươi biến thể bệnh lậu ghê hãi nào đó, và hơn hết, mỗi ngày chỉ có từng ấy tiếng đồng hồ thôi. “Hoặc lên giường,” hắn lạnh lùng khuyên, “hoặc bán Silver Screen. Chọn một.” “Môsê của Thần Tài”, hai đứa sinh viên bọn tôi gọi hắn thế. Chưa từng có bà nội trợ nào tỏ ý muốn mời tôi bước vào hành lang, dù chỉ để nghỉ chân - và tôi thì luôn luôn cảnh giác bất kỳ dấu hiệu dâm đãng nào có thể bùng lên nơi những phụ nữ không kể độ tuổi, miễn là họ chịu đứng nghe tôi qua cánh cửa lưới - thế nên tôi buộc phải chọn sự hoàn hảo trong công việc thay vì trong đời sống, và đến cuối mỗi ngày dài đi vận động từng nhà, tôi có trong tay mười đến hai mươi đô tiền hoa hồng và một tương lai không tì vết trải rộng phía trước. Tôi từ bỏ cuộc sống phàm tục ấy mới vài tuần - cùng bạn gái trong căn hộ tầng năm không thang máy, người tôi đã hết yêu - và, với sự giúp đỡ của một biên tập viên danh tiếng ở New York, tôi được chào đón đến Quahsay Colony trong những tháng mùa đông, một khu tĩnh cư của các nghệ sĩ nông thôn nằm bên kia ranh giới tiểu bang so với ngọn núi nơi Lonoff sống.
Từ Quahsay, tôi đã gửi cho Lonoff những tạp chí văn chương học thuật từng đăng truyện ngắn của tôi - tính đến giờ là bốn truyện - kèm theo bức thư bày tỏ việc ông có ý nghĩa lớn lao thế nào đối với tôi khi tôi tình cờ đọc được tác phẩm của ông “vài năm trước” hồi học đại học. Cùng lúc, tôi nhắc đến việc mình đã bắt gặp “gia đình tinh thần” của ông là Chekov và Gogol, rồi khẳng định tôi là một chàng trai nhất mực nghiêm túc với văn chương; và, bên cạnh đó, tôi cũng còn rất trẻ. Thế nhưng tôi chưa từng viết ra thứ gì khiến mình vã mồ hôi nhiều như bức thư đó. Mọi điều tôi viết ra, dù không thể chối cãi là thật, lại lập tức trở nên giả tạo một cách trắng trợn ngay khi tôi đặt bút; và càng cố gắng thành thật bao nhiêu, mọi thứ càng tệ hại bấy nhiêu. Cuối cùng tôi gửi đi bản thảo thứ mười và suýt nữa đã thò cả cánh tay vào họng hòm thư để moi nó ra.
Tôi cũng chẳng khá khẩm hơn trong việc kể lại tiểu sử của mình tại căn phòng khách giản dị và ấm cúng ấy. Vì chẳng buông nổi dù chỉ một lời tục tĩu nhẹ trước bệ lò sưởi kiểu Mỹ thời đầu của ông Lonoff, nên màn bắt chước ông McElroy - một tiết mục rất được bạn bè tôi yêu thích - thành ra không nhằm nhò. Tôi cũng khúm núm khi nói về tất tật những điều McElroy đã cảnh báo bọn tôi, hoặc nhắc đến chuyện mình từng hau háu sự sa ngã đến nhường nào, chỉ cần có cơ hội được gõ cửa. Hẳn người ta những tưởng - khi nghe tôi kể phiên bản bị cắt xén của câu chuyện đời bé nhỏ, nhạt nhẽo - rằng thay vì nhận được một lá thư nồng ấm và lịch thiệp từ nhà văn lừng danh mời tôi đến rồi dành một buổi tối dễ chịu trong nhà ông, thì tôi đã vượt đường xa đến đây để khẩn cầu một chuyện hệ trọng nhất đời mình trước một quan tòa khắt khe, và rằng chỉ cần lỡ sảy chân, một điều gì đó vô giá đối với tôi sẽ vĩnh viễn biến mất.
Và thật ra đúng là như vậy, ngay cả khi tôi chưa hoàn toàn hiểu được mình khát khao sự công nhận từ ông đến tuyệt vọng nhường nào và tại sao. Thay vì bối rối trước cách truyền tải lắp bắp, rụt rè của mình - khác hẳn bản tính của tôi trong những năm đầy tự tin ấy - lẽ ra tôi nên ngạc nhiên vì mình chưa quỳ rạp xuống tấm thảm móc tay kia để van vỉ dưới chân ông. Bởi tôi đến đây, như bạn thấy, nhằm xin được làm con trai tinh thần của E. I. Lonoff, nhằm cầu xin ông trở thành người bảo trợ đạo đức cho tôi và nếu có thể, giành lấy sự chở che nhiệm mầu từ lời ủng hộ và tình yêu của ông. Tất nhiên, tôi cũng có một người bố ruột yêu quý, người mà tôi có thể nhờ cậy bất cứ ngày nào trong tuần, nhưng bố tôi là một bác sĩ chữa bệnh bàn chân chứ không phải nghệ sĩ, và gần đây trong nhà lại xảy ra lục đục chỉ vì một truyện ngắn tôi mới viết. Ông bối rối đến mức phải chạy ngay đến chỗ cố vấn đạo đức của mình, một thẩm phán tên là Leopold Wapter, để nhờ vị này giúp con trai ông sáng mắt ra. Và thế là, sau gần hai mươi năm nói chuyện hòa thuận, chúng tôi đã không nói với nhau gần năm tuần nay, và tôi bỏ đi để lên đường tìm kiếm một sự xác nhận phụ hệ ở nơi khác.
Và đó không chỉ là sự công nhận từ một người cha vốn là nghệ sĩ thay vì bác sĩ chữa bệnh bàn chân, mà còn là từ chính nhà khổ hạnh văn chương lừng danh nhất nước Mỹ, người khổng lồ của lòng kiên nhẫn, sức mạnh và vị tha, người mà trong suốt hai mươi lăm năm từ cuốn sách đầu tiên đến cuốn sách thứ sáu (tác phẩm mang về cho ông Giải Sách Quốc gia mà ông lặng lẽ từ chối nhận), gần như không có độc giả cũng chẳng được công nhận, và hễ có ai nhắc đến tên cũng chỉ để gạt phắt như thể ông là tàn tích lỗi thời từ khu ổ chuột Do Thái Cựu Thế Giới, một nhà dân gian học lạc nhịp, thảm thương không biết đến các dòng chính của văn chương và xã hội đương thời. Hầu như không ai biết ông là ai hay đâu là nơi ông thực sự sống; suốt một phần tư thế kỷ, gần như không ai quan tâm. Ngay cả trong số độc giả của ông cũng có người nghĩ rằng những câu chuyện tưởng tượng của E. I. Lonoff về người Mỹ được viết bằng tiếng Yiddish ở đâu đó trong nước Nga thời Sa hoàng trước khi ông được cho là chết tại đó (giống như cha ông suýt chết thật) vì bị thương trong một cuộc thảm sát. Tôi khâm phục ông không chỉ bởi sự bền bỉ trong sự trung thành với lối viết truyện riêng suốt chừng ấy năm, mà còn bởi ngay cả sau khi được “phát hiện” và trở nên nổi tiếng, ông chọn từ chối mọi giải thưởng và học vị, khước từ tham gia bất kỳ viện danh dự nào, không nhận phỏng vấn công khai hay cho phép chụp ảnh - như thể việc gắn khuôn mặt mình với các tác phẩm hư cấu là một sự thừa thãi lố bịch.
Bức ảnh duy nhất mà độc giả được thấy là bức chân dung mờ nhòe in màu nâu nhạt, từng xuất hiện vào năm 1927 ở mặt trong bìa áo của cuốn It’s Your Funeral: chàng nghệ sĩ trẻ điển trai với đôi mắt hạnh nhân đầy chất thơ, mái tóc kiểu pompadour như của tay lãng tử và bờ môi dưới gợi cảm. Quá khác so với ông bây giờ, không chỉ bởi nọng cằm chảy, cái bụng phệ và đầu hói viền tóc bạc, mà còn như một kiểu người hoàn toàn khác, đến mức tôi nghĩ (khi cuối cùng cũng có thể nghĩ) rằng ắt hẳn phải có thứ gì đó tàn bạo hơn cả thời gian mới lý giải được sự biến hình này: hẳn chính là Lonoff. Ngoài cặp lông mày rậm và bóng cùng dáng cằm cương nghị hơi hướng lên, gần như chẳng còn gì ở tuổi năm mươi sáu dính dáng với bức ảnh chàng Valentino si tình, lặng lẽ, rụt rè, người - vào cái thập kỷ bị thống trị bởi những Hemingway và Fitzgerald trẻ tuổi - đã viết nên một tập truyện ngắn về người Do Thái lang bạt không giống bất kỳ thứ gì từng được viết trước đó bởi một người Do Thái lang bạt tới nước Mỹ.
Thật ra, lần đầu tiên tôi đọc trọn bộ tác phẩm của Lonoff - lúc đó tôi vẫn còn là một sinh viên theo thuyết vô thần chính thống và đang trong quá trình tập làm học giả - đã khiến tôi nhận ra mình vẫn là con nhà Do Thái nhiều hơn bất kỳ điều gì tôi từng mang theo tới Đại học Chicago từ những bài học tiếng Hebrew thời thơ ấu, từ căn bếp của mẹ, hay từ những cuộc trò chuyện tôi từng nghe giữa bố mẹ và họ hàng về các hiểm họa của việc kết hôn khác đạo, về vấn đề ông già Noel và sự bất công của các hạn ngạch vào trường y (những hạn ngạch mà tôi sớm hiểu là lý do khiến bố tôi phải theo nghề chữa bệnh bàn chân và trở thành người ủng hộ suốt đời cho Liên minh Chống Phỉ báng B’nai B’rith). Hồi còn học tiểu học, tôi đã có thể tranh luận những vấn đề phức tạp này với bất kỳ ai (và đúng là tôi đã làm thế, mỗi khi được yêu cầu); tuy nhiên, đến khi đi khỏi nhà để học tập ở Chicago, niềm ham mê ấy cũng gần như tiêu tan và tôi sẵn sàng lao đầu vào chương trình Humanities One của Robert Hutchins. Nhưng rồi, cùng với hàng chục ngàn người khác, tôi đã khám phá ra E. I. Lonoff - người mà văn chương của ông đối với tôi dường là lời đáp trả cho gánh nặng của sự bị loại trừ và giam hãm vẫn đè nặng lên cuộc đời những người đã nuôi dạy tôi rồi dần dần kết thành nỗi ám ảnh dai dẳng trong gia đình chúng tôi về vị thế của người Do Thái. Niềm tự hào dâng lên trong bố mẹ tôi trước việc quê hương được thành lập vào năm 1948 ở Palestine - nơi sẽ đón nhận phần còn lại chưa bị sát hại của người Do Thái ở châu Âu - thật ra cũng không khác mấy so với cảm xúc dâng trào trong tôi khi lần đầu tiên bắt gặp những linh hồn bị dồn nén, bí mật, bị giam cầm của Lonoff, và nhận ra từ tất tật những gì nhục nhã mà người bố đầy nỗ lực nhưng bất an của tôi đã từng ra sức vượt thoát để nâng đỡ cả gia đình, lại có thể hình thành không chút ngượng ngùng một nền văn chương đầy mỉa mai khắc khổ và cay đắng như thế. Đối với tôi, dường như những âm hưởng mộng mị trong Gogol đã được lọc qua chủ nghĩa hoài nghi đầy nhân đạo của Chekhov để nuôi dưỡng nên nhà văn “Nga” đầu tiên của đất nước này. Hoặc ít nhất đó là điều tôi đã lập luận trong bài tiểu luận ở trường đại học, nơi tôi “phân tích” phong cách của Lonoff nhưng giữ riêng cho mình phần cắt nghĩa những cảm xúc thân thuộc mà truyện của ông khơi trong tôi về dòng họ phần lớn đã Mỹ hóa của mình, những người vốn xuất thân là dân nhập cư không xu dính túi buôn bán lặt vặt, từng sống cả đời ở shtetl chỉ cách mười phút đi bộ từ những ngân hàng có cột đá và các thánh đường bảo hiểm trang trí đầu thú ở trung tâm Newark; và hơn thế nữa, cảm giác gắn bó huyết thống với những tổ tiên ngoan đạo mà tôi chưa từng biết mặt, những người mà nỗi thống khổ của họ ở vùng Galician xưa kia - khi tôi lớn lên trong sự an toàn ở New Jersey - xa lạ với tôi chẳng kém gì chuyện Abraham ở xứ Canaan. Với cảm quan của một nghệ sĩ tạp kỹ đối với huyền thoại và cảnh quan (Chaplin, tôi đã ví Lonoff như vậy trong bài luận năm cuối của mình, người dùng đúng đạo cụ để làm sống dậy cả một xã hội cùng thế giới quan của nó); với thứ tiếng Anh như được “dịch lại” của ông khiến cách diễn đạt tầm thường nhất cũng mang sắc thái mỉa mai; với âm điệu bí ẩn, thầm lặng, mộng ảo, những truyện ngắn của ông lại gợi tri cảm về rất nhiều điều - vậy thì, như tôi tuyên bố, nền văn chương Mỹ liệu có ai giống được ông?
Người anh hùng điển hình trong truyện của Lonoff - người anh hùng có ý nghĩa lớn lao đối với những người Mỹ ham đọc sách vào giữa những năm năm mươi, người anh hùng mà, chỉ khoảng mười năm sau thời Hitler, dường đã nói lên điều gì đó vừa mới mẻ vừa quặn lòng với người ngoại đạo về dân Do Thái, với dân Do Thái về chính bản thân họ và với giới độc giả lẫn người viết trong thập kỷ hồi phục ấy về những mơ hồ của sự thận trọng cùng nỗi bất an trước hỗn loạn, về cơn đói sống, những cuộc mặc cả với đời hay nỗi kinh khiếp trước sự sống trong những biểu hiện sơ khai nhất - thường là một kẻ vô danh đến từ hư không, đi khỏi ngôi nhà nơi chẳng ai nhớ đến, nhưng lại buộc phải quay về mà không được phép chậm trễ. Sự hòa trộn giữa lòng cảm thông và sự tàn nhẫn của ông (được Time tôn vinh bằng khái niệm “Lonovian” sau nhiều thập kỷ hoàn toàn phớt lờ) thể hiện rõ nhất trong những truyện kể về một kẻ cô độc bối rối cố buông mình theo dòng cuốn để rồi nhận ra sự cẩn trọng quá mức khiến y lần lữa và rồi chẳng giúp được ai, hoặc khi bất ngờ hành động một cách bốc đồng và khác thường thì y lại hoàn toàn nắm bắt sai thứ đã lôi kéo mình khỏi cuộc sống trong vòng kiểm soát, kết quả càng khiến mọi chuyện tệ hại hơn.
Những truyện u ám nhất, hài hước nhất và, cũng gây bất an nhất - nơi mà theo tôi người viết lạnh lùng ấy như đang chênh vênh trên rìa của việc tự đâm mình - đều được viết trong khoảng thời gian ngắn ngủi ông bước vào hào quang văn chương (bởi ông đã qua đời năm 1961 vì một căn bệnh tủy xương; và khi Oswald bắn Kennedy và thành lũy nghiêm cẩn sụp đổ nhường chỗ cho một nền cộng hòa chuối khổng lồ, thì văn chương của ông, cùng với thứ quyền uy mà nó từng trao cho mọi điều cấm kỵ trong cuộc sống, nhanh chóng mất đi tính “liên hệ” đối với thế hệ độc giả mới.) Thay vì khiến ông phấn chấn, chính sự thành danh của Lonoff lại củng cố những hình dung ảm đạm nhất của ông, xác nhận rằng viễn cảnh về một đời sống bị kiềm toả đến tận cùng có lẽ đã bị xem là thiếu cơ sở nếu thế giới không kịp trao cho ông phần thưởng trước phút cuối cùng. Chỉ khi một chút vinh quang hằng ao ước cuối cùng cũng nằm trong tầm tay ông - chỉ khi việc ông tuyệt nhiên không phù hợp với bất cứ điều gì nằm ngoài nghệ thuật của ông đã hoàn toàn rõ ràng - ông mới có cảm hứng viết nên chuỗi truyện ngụ ngôn hài hước rực rỡ (Revenge, Lice, Indiana, Eppes Essen, và Adman), nơi người anh hùng bị giằng xé đến mức không làm gì cả - mọi thôi thúc dù nhỏ nhất hướng tới sự nới lỏng hay buông mình, chưa kể âm mưu hay phiêu lưu, đều lập tức bị dập tắt không thương tiếc bởi bộ ba thống trị là Lý trí, Trách nhiệm và Lòng tự trọng, với sự trợ giúp đắc lực từ các tay sai tận tụy: lịch trình, mưa rào, cơn đau đầu, tín hiệu máy bận, tắc đường và, trung thành nhất trong số đó, nỗi hoài nghi phút chót.
Tôi có bán tạp chí nào khác ngoài Photoplay và Silver Screen không? Tôi có dùng cùng một lời rao trước mọi cánh cửa hay điều chỉnh kiểu chào theo từng kiểu khách? Tôi lý giải thế nào về sự thành công của mình với nghề bán hàng? Tôi nghĩ những người đặt mua các tạp chí nhạt nhẽo ấy đang tìm kiếm điều gì? Công việc đó có nhàm chán không? Trong lúc lang thang qua những khu tôi không biết thì có chuyện gì bất thường từng xảy ra không? Ở New Jersey có bao nhiêu đội bán hàng kiểu như Mr. McElroy? Làm sao công ty có thể trả cho tôi ba đô la cho mỗi lượt đăng ký? Tôi đã từng đến Hackensack chưa? Nơi đó như thế nào?
Thật khó tin khi những gì tôi làm chỉ nhằm nuôi thân cho đến khi có thể bắt đầu sống như ông lại khiến E. I. Lonoff quan tâm. Ông rõ ràng là một người lịch thiệp và đang cố hết sức giúp tôi thả lỏng, song tôi nghĩ, ngay cả khi mình dốc toàn lực vào cuộc tra hỏi, rằng chẳng bao lâu nữa ông sẽ tìm cách tống khứ tôi trước bữa tối.
“Tôi ước mình biết nhiều về việc bán tạp chí như cậu,” ông nói.
Để tỏ rằng tôi không thấy phiền nếu bị ông xem thường, và rằng tôi hiểu nếu ông sớm đuổi khéo tôi về, mặt tôi đỏ lựng.
“Tôi ước,” ông nói tiếp, “mình biết nhiều về mọi thứ. Tôi đã viết truyện tưởng tượng suốt ba mươi năm trời. Chẳng có gì xảy đến với tôi cả.”
Chính vào lúc ấy một cô gái - người phụ nữ nổi bật xuất hiện trước mặt tôi - ngay khi ông vừa thốt ra, với giọng có vẻ tự ghê tởm, lời than thở khó tin kia, và tôi còn đang cố gắng nắm bắt. Chẳng có gì xảy đến với ông ấy ư? Trời ạ, thiên tài đã xảy đến với ông, nghệ thuật đã xảy đến với ông, ông là một nhà tiên tri kia mà!
Vợ của Lonoff - người phụ nữ tóc bạc đã lập tức rút đi sau khi mở cửa cho tôi - đã đẩy cửa phòng làm việc đối diện với phòng khách và cô đứng đó, mái tóc dày và sẫm, đôi mắt nhạt màu - xám hoặc xanh lục - cùng một vầng trán cao hình oval gợi nhớ đến Shakespeare. Cô ngồi bệt trên tấm thảm giữa một đống giấy tờ và tài liệu, mặc một chiếc váy dạ tuýt kiểu “New Look” - kiểu dáng đã lỗi mốt ở Manhattan lúc bấy giờ - và một chiếc áo len trắng rộng thùng thình; cô thu chân lại một cách kín đáo dưới lớp váy xòe và ánh mắt hướng về một điểm xa xăm. Tôi đã từng thấy vẻ đẹp u ám khốc liệt đó ở đâu rồi nhỉ? Ở đâu nữa ngoài bức chân dung của Velázquez? Tôi nhớ lại bức ảnh chụp Lonoff năm 1927 - cũng có nét “Tây Ban Nha” như vậy - và lập tức tôi đoán cô là con gái ông. Tôi thậm chí còn đi xa hơn thế. Mrs. Lonoff chưa kịp đặt cái khay xuống tấm thảm thì tôi đã tưởng tượng mình sẽ kết hôn với infata ấy rồi sống trong một nhà trại của riêng chúng tôi cách đây không xa lắm. Song rốt cuộc cô bao nhiêu tuổi khi bà mẹ vẫn cho phép cô ăn bánh quy trong lúc làm bài tập trên sàn nhà của bố? Gương mặt đó, với những đường xương góc cạnh như thể được bàn tay một nhà điêu khắc tinh quái hơn tạo hóa nắn chỉnh, cô hẳn phải hơn mười hai tuổi. Mà nếu chưa đủ tuổi, tôi có thể đợi. Thực ra ý đó còn hấp dẫn tôi hơn cả viễn cảnh của một hôn lễ diễn ra ngay tại phòng khách này vào mùa xuân. Thế mới là người có bản lĩnh chứ, tôi nghĩ. Nhưng người bố lừng danh ấy sẽ nghĩ gì? Tất nhiên ông chẳng cần ai nhắc đến tiền lệ vững như bàn thạch trong Kinh Cựu Ước về việc phải chờ bảy năm trước khi tôi cưới Miss Lonoff làm vợ; nhưng mặt khác, ông sẽ phản ứng ra sao khi thấy tôi lảng vảng bằng ô tô bên ngoài trường cấp ba của cô?
Trong lúc đó ông đang nói với tôi, “Tôi đảo các câu. Đó là cuộc sống của tôi. Tôi viết một câu và rồi đảo nó. Rồi tôi ngắm nghía và lại đảo. Sau đó tôi ăn trưa. Tôi quay lại viết một câu khác. Và tôi đi uống trà trước khi đảo một câu mới. Rồi tôi đọc lại và đảo cả hai câu ấy. Tiếp đó tôi nằm dài trên ghế sofa và nghĩ. Tôi dậy và xóa sạch rồi làm lại từ đầu. Và chỉ cần gián đoạn cái guồng ấy một ngày là tôi sẽ phát ốm vì buồn chán và vì cảm giác phí phạm. Chủ nhật tôi ăn sáng muộn và đọc báo với Hope. Rồi chúng tôi đi dạo trên đồi và, tôi bị ám ảnh bởi cảm giác thời gian quý báu đang trôi tuột mất. Cứ mỗi sáng Chủ nhật là tôi gần như hoá điên bởi viễn cảnh có hàng đống thời gian vô tích sự. Tôi bứt rứt, cáu kỉnh, nhưng cô ấy cũng là con người, cậu hiểu chứ, nên tôi phải đi. Để tránh rắc rối, cô ấy bắt tôi để đồng hồ ở nhà. Kết quả là tôi cứ nhìn vào cổ tay trống trơn. Chúng tôi đi bộ, cô ấy nói chuyện, tôi nhìn cổ tay… và thường chỉ cần thế là đủ, nếu cơn cáu bẳn của tôi chưa kịp làm hỏng mọi thứ. Cô ấy từ bỏ và chúng tôi quay về. Mà đã ở nhà rồi thì Chủ nhật có khác gì thứ Năm? Tôi lại ngồi xuống bên chiếc máy chữ Olivetti bé nhỏ, tiếp tục nhìn vào các câu rồi đảo chúng. Thế rồi tôi tự hỏi tại sao mình chẳng có những cách khác để lấp đầy thời gian sống của mình?”
Lúc này Hope Lonoff đã khép cửa phòng làm việc và quay lại làm việc vặt. Lonoff và tôi cùng nghe tiếng máy trộn của bà quay tít trong bếp. Tôi không biết phải nói gì. Cuộc sống mà ông vừa kể là thiên đường đối với tôi; việc ông không làm gì khác ngoài đảo đi đảo lại những câu văn với tôi chẳng khác nào ân sủng dành cho không chỉ riêng ông mà còn cho nền văn chương thế giới. Tôi tự hỏi liệu mình có nên bật cười mặc dù cách ông nói hết sức điềm nhiên hay không, đó có phải kiểu hài châm biếm đặc trưng ở Lonoff không; nhưng rồi tôi lại nghĩ, nếu ông thực sự nghiêm túc và đang chán chường đến vậy, chẳng phải tôi nên nhắc ông nhớ rằng ông là ai và ông có ý nghĩa thế nào đối với những kẻ trọng chữ nghĩa hay sao? Nhưng làm sao ông lại không biết?
Tiếng máy trộn vẫn quay, lửa trong lò sưởi nổ lách tách, gió rít và cây cối rên rỉ trong khi tôi, ở tuổi hai mươi ba, cố nghĩ cách xua đi nỗi u uất nơi ông. Sự cởi mở của ông về chính mình, trái ngược hẳn với vẻ ngoài chỉn chu cùng cung cách mô phạm, làm tôi bối rối không kém những điều khác; tôi hiếm khi thấy ai lớn hơn gấp đôi tuổi mình nói ra chuyện như vậy, ngay cả khi những lời bộc bạch ấy có pha chút tự giễu. Mà chính nét tự giễu đó mới càng khiến tôi lúng túng.
“Tôi sẽ chẳng cố viết sau giờ uống trà nếu tôi biết mình phải làm gì với chính mình trong quãng còn lại của buổi chiều.” Ông giải thích với tôi rằng đến ba giờ chiều là ông đã không còn đủ sức hay đủ quyết tâm, thậm chí cả ham muốn để tiếp tục. Song còn gì khác nữa? Nếu biết chơi vĩ cầm hay dương cầm, thì có lẽ ông còn có một hoạt động nghiêm túc nào khác thay thế việc đọc để lấp đầy khoảng thời gian không viết. Vấn đề khi chỉ nghe nhạc là nếu ông ngồi một mình vào buổi chiều với một chiếc đĩa than, thì chẳng mấy chốc đầu óc ông sẽ tự động đảo qua đảo lại các câu văn và, rốt cuộc ông lại quay về bàn làm việc, nhìn đống chữ bằng ánh mắt hồ nghi. Dĩ nhiên, may mắn là ông còn có trường Cao đẳng Athene. Ông kể về sinh viên tại hai lớp mà mình giảng dạy bằng một sự tận tâm trìu mến. Ngôi trường nhỏ ở Stockbridge đã dành cho ông một vị trí trong đội ngũ giảng viên từ hai mươi năm, khi phần còn lại của giới học thuật còn chưa mảy may ngó ngàng, và vì vậy ông luôn luôn mang ơn. Song kỳ thực, sau rất nhiều năm dạy những cô gái trẻ thông minh và đầy sức sống ấy, ông nhận ra rằng, cả ông và họ, đều đã đâu đó lặp lại chính mình.
“Sao chú không xin nghỉ phép một thời gian?” Tôi không khỏi phấn kích, sau tất tật những gì vừa diễn ra trong mười lăm phút đầu tiên, khi chính mình là người đưa ra lời khuyên cho E. I. Lonoff. Thôi… thôi dẹp vụ nghỉ phép. Làm như thế, ít nhất mỗi tuần tôi còn phải dừng viết hai buổi chiều. Mà, lên trường lại chính là điểm sáng trong tuần của tôi. Tôi xách cặp. Tôi đội mũ. Tôi gật đầu chào mọi người trên cầu thang. Tôi dùng vệ sinh công cộng. Hỏi Hope mà xem. Về đến nhà là tôi chếnh choáng vì hỗn loạn.”
“Chú không có con sao… con ruột ấy?
Chuông điện thoại bắt đầu reo trong bếp. Phớt lờ nó, ông cho tôi biết rằng đứa con út trong ba người con của họ đã tốt nghiệp Wellesley vài năm trước; ông và vợ đã sống riêng cùng nhau hơn sáu năm.
Tức là cô gái đó không phải con ông. Vậy cô ấy là ai, mà lại được vợ ông phục vụ đồ ăn vặt đến tận sàn phòng làm việc như thế? Vợ lẽ à? Thật lố bịch, cái từ ấy, cả cái ý ấy nữa, mà sao chúng cứ che khuất các ý nghĩ hợp lý và đứng đắn khác. Một trong những phần thưởng khi làm nghệ sĩ vĩ đại là được sở hữu hậu cung toàn các công chúa kiểu Velázquez và hưởng sự thán phục từ các gã trai trẻ như tôi. Tôi đâm hoang mang khi ôm những kỳ vọng thấp hèn đến thế trước mặt người mà tôi xem là lương thức văn chương của mình - song chẳng phải chính những kỳ vọng thấp hèn kiểu vậy cũng từng giày vò các bậc thầy biết từ bỏ trong nhiều truyện ngắn của Lonoff sao? Thật ra, còn ai hiểu rõ hơn E. I. Lonoff rằng không chỉ những mục đích cao cả mới khiến chúng ta trở thành những sinh vật chuyển động, mà còn cả những nhu cầu và ham muốn tầm thường nhất? Dù vậy, tôi vẫn nên giấu nhẹm những như cầu và ham muốn tầm thường của mình đi thì hơn.
Cánh cửa bếp mở hé vài phân và vợ ông khẽ nói, “Anh có điện thoại.”
“Ai thế? Đừng bảo là thiên tài đó.”
“Em bảo anh có nhà nhé?”
“Em phải học cách nói không chứ. Mấy người kiểu đó có thể gọi năm chục cuộc một ngày đấy. Cứ hứng lên là gọi.”
“Không phải ông ta.”
“Ông ta chuyện gì cũng ý kiến huyên thuyên. Đầu óc nhồi đầy ý mà ý nào cũng ngu. Sao ông ta cứ sa sả vào mặt anh khi nói nhỉ? Sao cứ phải hiểu mọi thứ cho bằng được? Đừng mối anh với mấy tay trí thức nữa. Anh không nghĩ đủ nhanh đâu.”
“Em xin lỗi rồi mà. Với lại không phải ông ta.”
“Thế là ai?”
“Willis.”
“Hope, anh đang nói chuyện với Nathan.”
“Em xin lỗi. Em sẽ bảo anh đang làm việc.”
“Đừng lấy công việc ra làm cái cớ. Anh không nuốt nổi.”
“Vậy em sẽ bảo anh đang có khách.”
“Thứ lỗi,” tôi nói, với ý rằng tôi chẳng là ai cả, thậm chí không xứng làm khách.
“Sao đa cảm thế,” Lonoff nói với vợ. “Lúc nào cũng như sắp khóc đến nơi. Cậu ta động lòng cái gì suốt vậy?”
“Anh,” bà nói.
“Nhạy cảm như thế để làm gì?”
“Cậu ta ngưỡng mộ anh mà,” bà nói.
Vừa cài khuy áo, Lonoff vừa đứng dậy để nghe cuộc điện thoại mà ông không muốn nhận. “Thể nào cũng lại là mấy tay ngây thơ chuyên nghiệp,” ông nói với tôi, “không thì lại mấy tư tưởng gia uyên bác.”
Tôi bày tỏ sự cảm thông bằng cái nhún vai, tự hỏi, dĩ nhiên, liệu bức thư có khiến tôi thuộc vào cả hai hạng người ấy không. Rồi tôi lại nghĩ đến cô gái ở phía sau cánh cửa phòng làm việc. Cô sống ở ký túc xá trường hay đang ở đây với nhà Lonoff trong chuyến thăm từ Tây Ban Nha? Liệu cô ấy có bao giờ bước ra khỏi căn phòng không? Nếu không, làm sao tôi vào trong đó được? Nếu không, làm sao tôi có thể giàn xếp để một mình gặp lại cô ấy?
Phải gặp lại cô ấy.
Tôi mở tờ tạp chí, như một cách để xua đi những mơ tưởng xảo quyệt và chờ ở đó như một người đàn ông chững chạc. Lật vài trang, tôi bắt gặp một bài viết về tình hình chính trị Algeria và một bài khác về ngành công nghiệp truyền hình, cả hai đều được gạch chân chi chít. Đọc theo trình tự các đoạn gạch sẽ có một bản tóm lược hoàn hảo của từng bài và, đủ để một học sinh phổ thông dùng làm tư liệu viết báo cáo cho tiết thời sự trên lớp.
Khi Lonoff đi ra - chưa đầy một phút sau - từ trong bếp, ông lập tức thấy cần phải giải thích về cuốn Harper’s trong tay tôi. “Tâm trí tôi cứ lang thang,” ông nói, như thể tôi là một bác sĩ vừa ghé qua để hỏi về các triệu chứng lạ và đáng lo ngại gần đây của ông. “Cuối mỗi trang tôi luôn luôn cố tự tóm tắt xem mình vừa đọc cái gì mà đầu óc thì trống rỗng… tôi ngồi trên ghế cả buổi rốt cuộc vô tích sự. Dĩ nhiên, tôi thường đọc sách với cây bút trong tay, nhưng bây giờ ngay cả lúc đọc tạp chí, nếu không cầm bút, tôi chẳng thể tập trung vào những thứ trước mắt nữa.”
Cô ấy lại xuất hiện. Nhưng những gì trông thấy từ xa như vẻ đẹp, sự thuần khiết, vẻ nghiêm trang và giản dị, lại trở nên khó hiểu khi nhìn gần. Khi cô bước ngang qua tiền sảnh để vào phòng khách - vừa đúng lúc Lonoff kết thúc màn lí giải về nỗi khổ tâm mỗi khi đọc tạp chí - tôi nhận ra phần đầu nổi bật kia dường được tạo tác theo quy mô hoành tráng hơn nhiều so với phần thân còn lại. Chiếc áo len dày cộm và chiếc váy tuýt nhiều tầng đã lấp vào phần nào vóc dáng nhỏ nhắn của cô, nhưng đáng nói là vẻ kịch tính trên gương mặt, cùng nét dịu dàng và linh lợi nơi đôi mắt to nhạt màu, khiến tất tật đặc điểm ngoại hình khác (trừ mái tóc xoăn dày) đều trở nên nhạt nhoà. Phải thừa nhận, sự tĩnh lặng thâm sâu của đôi mắt ấy đủ khiến tôi lúng túng vì ngượng ngùng, nhưng việc tôi không thể nhìn thẳng vào ánh mắt cô phần nào liên quan tới sự bất cân xứng giữa cơ thể và hộp sọ, mà với tôi, nó dường báo hiệu một nỗi bất hạnh sớm, thứ gì đó thiết yếu từng bị đánh mất hoặc dồn nén, và, như để bù đắp, một thứ khác lại bị phóng to quá đà. Tôi nghĩ đến một con gà con mắc kẹt chỉ thò được cái đầu có mỏ ra khỏi vỏ trứng. Tôi nghĩ đến các tảng đá hình đầu to tướng trên đảo Phục Sinh. Tôi nghĩ đến những bệnh nhân sốt rét nằm trên hiên các trại điều dưỡng Thụy Sĩ đang hít thở làn khí thần diệu của ngọn núi. Nhưng tôi không nhằm cường điệu nỗi xót xa hay vẻ độc đáo của những ấn tượng ấy, nhất là khi tất tật nhanh chóng bị cuốn phăng bởi mối bận tâm vừa tầm thường vừa không thể kìm nén: chủ yếu tôi chỉ nghĩ đến niềm vinh quang được hôn lên gương mặt cô và, cơn phấn khích khi cô hôn lại tôi.
“Xong rồi,” cô nói với Lonoff, “tạm thời thế đã.”
Cái nhìn ân cần pha nét đăm chiêu của ông khiến tôi băn khoăn không biết cô có phải cháu gái ông không. Ông bỗng trở nên vô cùng dễ gần, như thể vừa giải thoát khỏi mọi lo âu và gánh nặng. Có lẽ, tôi nghĩ - vẫn cố lý giải một vài điểm kỳ lạ ở cô mà tôi chưa thể xác định - cô là con của một người con gái đã mất của ông.
“Đây là Mr. Zuckerman, người viết truyện ngắn,” ông giới thiệu, giọng pha chút đùa cợt thân mật, như ông tôi vậy. “Tôi từng đưa em một tuyển tập truyện ngắn của cậu ấy để đọc rồi đấy.”
Tôi đứng dậy và bắt tay cô.
“Đây là Miss Bellette. Cô ấy từng là sinh viên ở đây. Cô ấy ở lại với chúng tôi vài hôm và tự mình bắt tay vào việc sắp xếp đống bản thảo của tôi. Dạo này người ta đang cố thuyết phục tôi giao cho Đại học Harvard mớ giấy tờ có vết tích tôi đảo các câu. Amy làm việc cho thư viện Harvard. Thư viện Athene vừa đề xuất cho cô ấy một lời đề nghị hiếm có, nhưng cô ấy bảo rằng mình đã gắn bó với cuộc sống ở Cambridge. Cùng lúc, cô ấy đã khéo tận dụng chuyến thăm này để thuyết phục tôi…”
“Không, không, không,” cô dứt khoát. “Nếu thầy nghĩ như thế thì công cuộc này coi như tiêu rồi.” Như thể chưa đủ quyến rũ, giọng nói của Miss Bellette còn rất du dương nhờ chất giọng nước ngoài phảng phất. “Bậc thầy này,” cô quay sang phía tôi, giải thích, “vốn có bản tính phản kháng lại bất kỳ gợi ý nào.”
“Và phản kháng lại chính điều đó nữa,” ông thốt lên, như một cách phản đối thứ ngôn ngữ tâm lý học ấy.
“Tôi vừa tìm thấy hai mươi bảy bản nháp của một truyện ngắn,” cô nói với tôi.
“Truyện nào thế?” tôi hăm hở.
“Life Is Embarrassing.”
“Viết sai,” Lonoff nói, “hẳn ngần ấy lần.”
“Người ta nên dựng tượng để vinh danh lòng kiên nhẫn của thầy mới phải,” cô bảo ông.
Ông đưa tay chỉ vu vơ vào vệt đầy đặn hình lưỡi liềm được cài khuy bên dưới lớp áo khoác. “Họ đã làm thế.”
“Hồi ở lớp,” cô nói, “thầy ấy hay nói với các sinh viên viết văn rằng, “Không có lòng kiên nhẫn thì không có cuộc sống.” Chúng tôi chẳng ai hiểu nổi ông ấy nói gì.”
“Em hiểu. Em hiểu chứ. Cô gái trẻ thân mến, tôi học được điều đó chính nhờ việc quan sát em.”
“Nhưng em chẳng chờ đợi được điều gì cả,” cô nói
“Nhưng em đã làm thế.”
“Trong khi lúc nào cũng muốn nổ tung vì sốt ruột.”
“Nếu không phải lúc nào cũng muốn nổ tung,” thầy cô nói với cô, “thì em đã chẳng cần đến lòng kiên nhẫn.”
Tại tủ áo ngoài hành lang, cô tháo đôi giày lười đã mang lúc vào phòng khách và xỏ đôi tất len trắng cùng đôi ủng tuyết màu đỏ. Sau đó, cô lấy xuống từ móc treo một chiếc áo khoác kẻ sọc có mũ trùm, bên trong tay áo nhét sẵn chiếc mũ len trắng có tua dài kết thúc bằng quả bông trắng. Chỉ mới vài giây trước còn thấy cô đùa giỡn thoải mái với nhà văn lừng danh ấy - bản thân tôi cũng thấy mình như được kéo lại gần cái vòng tròn riêng tư bởi cách cô cư xử thoải mái và tự tin khi ở cạnh ông - khiến tôi không khỏi ngạc nhiên trước chiếc mũ trẻ con kia. Bộ đồ, mà bây giờ cô mặc trên người, giống hệt của một bé gái. Việc cô có thể cư xử khôn ngoan đến thế mà lại ăn mặc như vậy làm tôi không sao hiểu nổi.
Cùng với Lonoff, tôi đứng ở ngưỡng cửa và vẫy tay chào tạm biệt. Khi ấy tôi vô cùng kính nể hai con người trong ngôi nhà này.
Gió dữ dội hơn tuyết, trong vườn cây ăn quả của Lonoff, ánh sáng gần như đã tắt ngấm và âm thanh của thứ đang kéo đến nghe đầy đe dọa. Hai chục cây táo già mọc hoang đứng thành hàng như lớp chắn đầu tiên giữa con đường đất lạnh lẽo và ngôi nhà trại. Tiếp đến là một bụi đỗ quyên rậm rạp màu xanh đậm, rồi đến một bức tường đá rộng, sụm xuống ở giữa như chiếc răng hàm mòn vẹt, sau đó là bãi cỏ phủ tuyết đóng váng khoảng năm mươi feet, và cuối cùng - áp sát ngôi nhà, vươn tán che phủ mái ván - là ba cây phong lớn nom sống lâu bằng tuổi của chính vùng New England này. Phía sau, ngôi nhà mở ra khoảng đất trống, nơi tuyết đã phủ dày thành từng đợt từ những trận bão đầu tháng Mười Hai. Từ đó những ngọn đồi phủ rừng bắt đầu vươn lên ấn tượng, những dải rừng nhấp nhô cứ thế dâng cao lan sang cả tiểu bang kế bên.
Tôi đoán ngay cả một gã lính Hung dữ dằn nhất cũng phải mất gần hết mùa đông mới vượt qua được những thác băng và cánh rừng lộng gió của vùng núi hoang trước khi chạm đến rìa cánh đồng cỏ khô nhà Lonoff, lao thẳng vào cửa chống bão phía sau nhà, đập phá phòng làm việc và vung cao cây dùi cui có gai trên đầu chiếc máy chữ Olivetti, hét lớn với nhà văn đang gõ bản thảo lần thứ hai mươi bảy rằng: “Ngươi phải thay đổi cuộc đời mình!” Và ngay cả hắn cũng có thể nản lòng mà quay trở lại với vòng tay gia đình man rợ của hắn nếu lại gần những ngọn đồi đen thẫm của Massachusetts vào một đêm như thế này - khi chuẩn bị tới giờ uống cocktail và một cơn bão tuyết nữa lại đang kéo tới từ Ultima Thule. Không, ít nhất là vào lúc này, Lonoff thật sự chẳng có gì phải lo lắng từ thế giới bên ngoài. Chúng tôi đứng nhìn từ bậc thềm phía trước cho đến khi Lonoff chắc chắn rằng cô đã gạt sạch kính chắn gió lẫn kính sau; tuyết đã bắt đầu bám dày lên lớp kính bắng giá. “Lái chậm thôi nhé,” ông nói. Để vào được chiếc Renault nhỏ màu xanh, cô phải vén một nắm váy dài. Phía trên đôi ủng tuyết, tôi nhìn thấy tấc da trần và lập tức ngoảnh đi nơi khác để khỏi bị phát hiện.
“Phải, đi cẩn thận nhé,” tôi gọi với theo cô, dưới danh Mr. Zuckerman, nhà văn truyện ngắn. “Trơn lắm đấy, không dễ nhìn đâu.”
“Cô ấy có một văn phong thật đáng nể,” Lonoff nói với tôi khi chúng tôi trở vào trong nhà. “Bài viết của sinh viên hay nhất tôi từng đọc. Cực kỳ mạch lạc. Cũng vô cùng hài hước. Giàu trí tuệ. Cô ấy viết những truyện ngắn về trường đại học mà chỉ cần một câu là tóm được cả không khí nơi ấy. Mọi thứ lọt vào tầm mắt đều được ghi lại. Cô ấy còn chơi dương cầm rất khá. Cô ấy có thể chơi Chopin với một nét duyên khó tả. Cô ấy vẫn thường luyện tập với cây đàn dương cầm của con gái chúng tôi hồi mới đến Athene. Đó là phần tôi luôn luôn mong đợi vào cuối ngày.”
“Cô ấy có vẻ là một cô gái đặc biệt,” tôi trầm ngâm. “Gốc gác cô ấy ở đâu vậy?”
“Cô ấy đến đây từ Anh.”
“Nhưng giọng thì…?”
“Cái đó,” ông nhẹ nhàng đáp, “từ xứ sở Mê hoặc.”
“Cháu đồng ý,” tôi đánh bạo nói, và nghĩ : Thế là đủ rụt rè, đủ ngập ngừng trẻ con và đủ cái kiểu kính cẩn đến lắp bắp rồi. Dù sao đây cũng là tác giả của Life Is Embarrassing - nếu ông không biết thì còn ai biết?
Đứng bên lò sưởi, hai chúng tôi cùng hơ người; tôi quay sang Lonoff và nói, “Cháu nghĩ mình khó mà giữ được tỉnh táo nếu dạy ở một ngôi trường chỉ toàn những cô gái xinh đẹp, tài năng và mê hoặc như vậy.”
Ông thẳng thừng trả lời, “Thế thì cậu đừng làm.”
Thanh Nghi dịch
Philip Roth
Philip Roth: Trò chuyện với Edna O’Brien
Trò chuyện với Isaac Bashevis Singer về Bruno Schulz