favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Đông 2024
Next

Pessoa: Người trông đàn

17/01/2025 13:58

"Pessoa viết Người trông đàn, tác phẩm rất nổi tiếng, một mạch, tức là rất nhanh, viết không ngừng. Câu chuyện ấy cũng rất nổi tiếng.

Đấy là một trong những cú xoáy mạnh nhất của Pessoa, vốn dĩ là nhân vật có vô cùng nhiều cú xoáy.

Tôi thấy cũng cần làm như vậy, tức là dịch Người trông đàn thật nhanh, gần như liền một mạch không ngừng. Vấn đề không hẳn là nằm ở dịch, mà chủ yếu vấn đề là mô phỏng chuyển động. Có vẻ như là tôi đã làm được việc ấy.

(dịch từ bản tiếng Pháp của Armand Guibert)"

Dưới đây chỉ chép lại bảy chương đầu. 
 

Người trông đàn 

- Alberto Caeiro = Fernando Pessoa

I

Tôi chưa từng trông đàn thú nào,

nhưng cứ như thể tôi đã trông rồi.

Tâm hồn tôi giống một người chăn dắt,

nó biết rõ gió cùng mặt trời

và nắm tay các Mùa mà bước đi

theo con đường riêng và mắt mở.

Toàn bộ yên bình của một Tự nhiên hoang vu,

tới ngồi sát bên tôi.

Nhưng tôi buồn như một cuộc mặt trời lặn

và buồn theo trí tưởng tượng của chúng ta,

khi thời tiết mát đi nơi đáy bình nguyên

và người ta cảm thấy đêm đi vào

giống con bướm qua cửa sổ.

 

Nhưng nỗi buồn của tôi là sự dịu đi

bởi nó tự nhiên và đúng

và đấy là những gì hẳn có ở trong tâm hồn

lúc nó nghĩ là mình tồn tại

và các bàn tay hái những bông hoa mà nó không hay.

 

Từ tiếng rung các chuông nhỏ

quá chỗ rẽ con đường

các ý nghĩ của tôi lấy được niềm sung sướng.

Điều duy nhất tôi tiếc ấy là biết chúng đang sung sướng,

bởi nếu không biết điều này,

thay vì chỗ sung sướng và buồn,

hẳn chúng sẽ vui và sung sướng.

 

Nghĩ thì gây phiền, như đi dưới mưa

khi gió ào lên và trời như thể mưa to hơn.

 

Tôi không có cả các tham vọng lẫn những ham muốn.

Là nhà thơ đâu phải tham vọng tôi mang,

mà đó là cách riêng của tôi để được một mình.

 

Và nếu đôi khi tôi nảy ra sự muốn

thông qua trí tưởng tượng thuần, trở thành một con cừu nhỏ

(hoặc giả là cả đàn

để tung tóe đi trên khắp một dốc đồi

và được cảm thấy cùng một lúc nghìn điều vui sướng),

thì đấy là chỉ vì tôi cảm thấy những gì mình viết lúc chiều tà

hay lúc một đám mây lướt bàn tay qua ánh sáng

còn cỏ thì oằn xuống dưới những sóng của im lặng băng ngang.

 

Lúc tôi ngồi để viết các câu thơ,

hoặc, đi dạo trên những đường cùng lối,

lúc tôi viết các câu thơ trên một thứ giấy phi vật chất,

tôi cảm thấy tay mình cầm gậy chăn thú

và tôi thấy bóng dáng chính tôi

trên đỉnh một ngọn đồi,

đang ngắm đàn thú của tôi và thấy các ý của tôi,

hay ngắm các ý của tôi và thấy đàn thú của tôi

và mơ hồ mỉm cười như kẻ không hiểu người ta nói gì

và muốn làm ra vẻ là mình hiểu.

 

Tôi chào tất cả những ai vì ngẫu nhĩ sẽ đọc tôi,

đưa một đường ngả mũ thật rộng trước họ

khi họ trông thấy tôi ở bậu cửa nhà

ngay lúc cỗ xe xuất hiện trên đỉnh đồi.

Tôi chào họ và chúc họ có nắng,

hay là mưa, khi mưa là thứ họ cần,

và chúc cho nhà họ có

gần một cửa sổ mở

một chỗ ngồi thật khoan khoái

nơi họ sẽ ở mà đọc tôi.

Và chúc cho, lúc đọc những câu thơ tôi, họ nghĩ

rằng tôi là một điều tự nhiên -

chẳng hạn, cái cây già

dưới bóng nó, hồi vẫn còn trẻ con,

họ từng gieo người xuống, do đã chán chơi đùa,

đưa ống tay cái áo kẻ sọc lên

mà chùi mồ hôi trên trán hầm hập nóng.

 

II

Ánh mắt tôi nét như một bông hướng dương.

Tôi vẫn quen đi trên các con đường,

hết nhìn sang trái lại quay phải,

nhưng thỉnh thoảng cũng ngoảnh lại phía sau...

Và những gì tôi thấy vào mọi lúc

đều là những điều trước đó tôi chưa bao giờ thấy,

tôi hoàn toàn có ý thức về chuyện này.

Tôi biết cảm thấy nỗi sững sờ

của đứa bé, ngay lúc sinh ra,

hiểu rằng nó đã thực sự được sinh ra...

Tôi cảm thấy mình sinh ra vào mọi lúc

cho sự mới vĩnh cửu của Thế giới...

 

Tôi tin vào thế giới như tin bông hoa cúc đầu xuân,

vì tôi thấy nó. Nhưng tôi không nghĩ đến

vì nghĩ thì tức là không hiểu...

Thế giới đã không được làm ra để chúng ta nghĩ tới

(nghĩ tức là bị đau mắt)

mà để chúng ta nhìn nó, cảm thấy đồng tình...

 

Tôi đây chẳng có triết học nào: tôi có các giác quan...

Tôi nhắc đến Tự nhiên không phải vì biết nó là gì,

mà vì tôi yêu nó, và tôi yêu nó là bởi

kẻ nào yêu đâu có bao giờ biết cái hắn yêu,

cũng như tại sao yêu, hay yêu nghĩa là gì...

 

Yêu, đấy là sự trong trắng vĩnh cửu,

và sự trong trắng duy nhất, là không nghĩ.

 

III

Lúc nhập nhoạng, cúi mình nơi cửa sổ,

và biết, như thể theo lối xiên, là có những cánh đồng trước mặt,

tôi đọc cho tới khi mắt đau nhức

quyển sách của Cesário Verde.

 

Tôi thương ông mới dạt dào sao! Đó là một người nông thôn

bước đi, bị cầm tù trong tự do, trên các phố phường.

Nhưng cách ông ngắm các ngôi nhà,

và cách ông quan sát phố xá,

và lối của ông hướng vào các vật,

ấy là phong cách của người đang ngắm cây,

và người ấy hạ ánh mắt xuống con đường mình đang đi trên

và nhận ra các bông hoa mọc trên cánh đồng...

 

Chính vì thế ông mới buồn đến vậy

nỗi buồn chẳng bao giờ ông thú nhận,

nhưng ông bước đi trong thành phố giống người ta đi ở nông thôn,

và buồn như việc ép hoa vào những quyển sách

và cắm các cành cây nhỏ vào bình...

 

IV

Cơn giông tối nay ập xuống,

đổ ào từ các dốc bầu trời

như một đợt lở to lớn...

Không khác một người giũ khăn trải

trên một cửa sổ cao,

và những mẩu nhỏ, tất tật cùng nhau rơi,

gây chút tiếng động trong lúc rụng,

từ trên trời mưa tuôn

đến mức làm đen kịt các con đường...

 

Những tia chớp lay đảo bầu không khí

và rung chuyển không gian

thật giống một cái đầu to đang lắc,

tôi không hiểu tại sao - tôi chẳng hề thấy sợ -

lại đi khởi sự cầu nguyện nữ thánh Barbe

như thể tôi là một gái già vớ vẩn...

 

A, chính trong lúc cầu nguyện nữ thánh Barbe

tôi cảm thấy mình còn đơn giản hơn

so với thật ra tôi hay tưởng...

Tôi cảm thấy tâm hồn khiêm nhường và thích ru rú

của một người có cuộc đời trôi đi

bình thản, như bức tường bao khu vườn;

được thiên phú các ý cùng tình cảm vì là như vậy,

giống một bông hoa có màu và có mùi,

Tôi cảm thấy mình là người tin vào nữ thánh Barbe...

A, có thể tin vào nữ thánh Barbe!

 

Kẻ tin vào tồn tại của nữ thánh Barbe

hẳn nghĩ đó là một tạo vật hiển hiện

bằng không thì hắn có thể nghĩ gì?

 

(Xảo quá! Biết gì đây về nữ thánh Barbe

các bông hoa, cây cùng đàn thú?

Một cành cây, nếu nó suy nghĩ,

hẳn sẽ chẳng bao giờ có thể dựng ra cả thánh lẫn thiên thần.

Hẳn nó có thể nghĩ mặt trời

là Chúa, và cơn giông

là một vô số những con người

đang giận dữ trên đầu chúng ta...

A, sao mà các con người đơn giản nhất

cũng ốm yếu và ngu xuẩn và rối loạn đến thế

ở bên cạnh sự đơn giản sáng sủa

cùng tồn tại hoàn toàn lành mạnh

của những cây to và các cây nhỏ!)

 

Và tôi, ôm lấy tất tật các ý nghĩ kia,

tôi đã bởi vậy mà thấy kém sung sướng...

Vì thế mà tôi ủ dột, sầu muộn và u tối

như một ngày nơi cơn giông cứ đe dọa suốt

thế rồi cũng chẳng bùng lên tận lúc đêm buông...

 

V

Có khá là nhiều siêu hình học ở trong sự không-nghĩ.

 

Điều tôi nghĩ về thế giới?

Tôi có biết chăng, điều tôi nghĩ về thế giới?

Nếu bị ốm tôi sẽ nghĩ đến điều này.

 

Tôi có ý nào về các vật?

Ý kiến nào về nhân và quả?

Tôi từng suy ngẫm gì về Chúa và tâm hồn

và về việc tạo ra Thế giới?

Tôi đâu biết. Đối với tôi nghĩ về những cái đó là nhắm mắt lại

và không nghĩ. Đấy là kéo ri đô

cửa sổ phòng tôi (nhưng nó lại chẳng có chút ri đô nào).

 

Bí ẩn của các vật? Nhưng tôi biết gì đây, về bí ẩn?

Bí ẩn duy nhất, ấy là có những người đi nghĩ về bí ẩn

kẻ ở dưới mặt trời và nhắm mắt,

khởi sự không còn biết mặt trời là gì nữa

và nghĩ nhiều thứ chứa đầy sự nóng.

Nhưng hắn mở mắt ra và thấy mặt trời

và hắn không còn nghĩ được gì nữa

vì ánh sáng của mặt trời đáng giá hơn những ý nghĩ

của tất tật các triết gia cùng tất tật các nhà thơ.

Ánh sáng của mặt trời không biết nó làm gì.

Và do vậy nó không đánh lừa, nó chung và tốt.

 

Siêu hình học? Siêu hình học nào mà lại có những cái cây này?

Thứ siêu hình học về việc lục và rậm và có các cành

và ra quả khi đến lúc, thế thì đâu bắt chúng ta phải nghĩ,

chúng ta đây, vốn không biết nhắm vào tồn tại của chúng.

Nhưng, siêu hình học nào tốt hơn siêu hình học của chúng

tức là không biết tại sao chúng lại sống

và cũng không biết là mình không biết điều này?

 

"Sự tạo thành thiết thân của các vật..."

"Biểu nghĩa thiết thân của Vũ trụ..."

Toàn bộ cái đó sai, toàn bộ cái đó vớ vẩn.

Thật không tin nổi, chuyện người ta đi suy nghĩ về những cái đó.

Cứ như là nghĩ tới các lý do cùng mục đích

Khi chớm sáng bừng lên, và trên sườn của những cái cây

một thứ vàng mơ hồ và bóng láng dần mất đi phần bóng tối của nó.

 

Nghĩ đến biểu nghĩa thiết thân của các vật,

đó là một thứ thêm vào, giống nghĩ đến sức khỏe

hay giơ một cái cốc về phía nước suối.

 

Biểu nghĩa thiết thân duy nhất của các vật,

ấy là sự thể chúng chẳng có biểu nghĩa thiết thân nào.

 

Tôi không tin Chúa vì tôi chưa bao giờ thấy Chúa.

Nếu ông ta muốn tôi tin vào mình.

Thì chắc hẳn ông ta phải tới nói chuyện với tôi

và sẽ đi vào cửa nhà tôi

nói với tôi: Ta đây!

 

(Có lẽ điều này nghe hết sức lố bịch

đối với ai, vì không biết nhìn các vật nghĩa là gì,

không hiểu được người nhắc đến chúng

theo cách nói mà việc quan sát chúng dạy cho.)

 

Nhưng nếu Chúa là các bông hoa cùng những cái cây

và những núi và mặt trời và ánh trăng,

thì tôi tin vào ông ta,

thì tôi tin vào ông ta mọi giờ,

và cuộc đời tôi toàn chỉ là kinh cầu cùng lễ mi-xa,

và một ban thánh thể thông qua mắt và thông qua thính giác.

 

Nhưng nếu Chúa là những cái cây cùng các bông hoa

và những ngọn núi và ánh trăng và mặt trời,

thì tại sao tôi lại gọi ông ta là Chúa?

Tôi gọi ông ta là hoa là cây là núi là mặt trời và ánh trăng;

vì, nếu ông ta được làm ra, để tôi nhìn thấy được,

thành mặt trời và ánh trăng và hoa và cây và núi,

nếu ông ta xuất hiện trước tôi như cây và núi

và ánh trăng và mặt trời và hoa,

thì đấy là vì ông ta muốn tôi biết ông ta

ở tư cách cây và núi và hoa và ánh trăng và mặt trời.

 

Và chính vì vậy tôi nghe lời ông ta

(tôi biết gì về Chúa nhiều hơn so với chính Chúa đây?)

tôi nghe lời ông ta bằng cách sống, lối bộc phát,

như con người mở mắt và nhìn thấy,

và tôi gọi ông ta là ánh trăng và mặt trời và hoa và cây và núi

và tôi yêu ông ta mà không nghĩ tới ông ta,

và tôi suy nghĩ ông ta bằng mắt và bằng tai

và tôi đi về phía ông ta vào mọi giờ.

 

VI

Nghĩ đến Chúa là không nghe theo lời Chúa

bởi Chúa đã muốn rằng chúng ta không biết tới mình,

do đó ông ta đã không hiện ra trước chúng ta...

 

Hãy đơn giản và bình thản

như các dòng suối và những cái cây,

và Chúa sẽ yêu chúng ta, biến chúng ta

trở nên đẹp như những cái cây và các dòng suối,

và ông ta sẽ trao cho chúng ta màu lục mùa xuân của mình

cùng một dòng sông nơi chúng ta lao xuống chừng kết cục tới!...

 

VII

Từ làng mình tôi thấy về trái đất toàn bộ những gì người ta có thể thấy về Vũ trụ...

Chính vì lẽ đó làng tôi cũng to lớn bằng một đất nước khác nào đó,

vì kích thước của tôi là những gì tôi nhìn thấy

chứ đâu phải kích thước vóc dáng của riêng tôi...

 

Tại các thành phố cuộc sống nhỏ hơn

so với ở đây trong nhà tôi trên đỉnh ngọn đồi này.

Tại các thành phố những tòa nhà khóa tầm mắt lại,

giấu chân trời đi, đẩy các ánh mắt chúng ta xa khỏi toàn bộ bầu trời,

thu nhỏ chúng ta lại vì chúng tước đi khỏi chúng ta những gì mắt chúng ta có thể trao cho chúng ta,

và làm chúng ta nghèo nàn đi vì sự giàu có duy nhất của chúng ta là trông thấy.

Nhị Linh dịch 

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công