Pavese: Bãi biển V, VI
Bãi biển
- Cesare Pavese
Tôi mau chóng có vài cuộc phiêu lưu riêng để kể - những chuyện ngồi lê đôi mách của quán ăn nơi tôi hay dùng bữa trưa, các ý kỳ quặc cùng các sự kiện lạ thường, thuộc vào số những sự kiện mà sự thiếu trật tự của cuộc sống bên bờ biển tạo thuận lợi. Giọng nói kia, mà tôi đã nghe thấy hét lên bên dưới phòng tôi, vào buổi tối đầu tiên tôi từ trên nhà đi xuống, ngay hôm sau đó tôi đã biết là của ai. Trên bãi biển, một chàng thanh niên bị nắng nướng cho đen thui, đi tới chỗ tôi, đầy dễ mến giơ tay chào tôi rồi đi tiếp. Tôi nhận ra cậu ta lúc cậu ta đã đi qua. Đó chỉ là một trong những học trò của tôi hồi năm trước, người, một ngày đẹp trời, đã, chẳng hề báo trước, không đến học riêng với tôi tại nhà tôi nữa, mà tôi chưa từng gặp lại. Cũng sáng đó, tôi đang phơi mình dưới nắng thì một cơ thể màu đen và mạnh mẽ thả phịch xuống cạnh tôi: lại là cậu ta. Cậu mỉm cười với tôi, phô hàm răng ra, và hỏi tôi đang tắm biển à. Tôi đáp lại mà không ngẩng đầu lên: vì tình cờ mà tôi đang ở xa khỏi cái ô to của các bạn tôi và đã hy vọng được một mình. Về phần mình, rất đơn giản cậu giải thích cho tôi rằng hoàn toàn do tình cờ mà cậu đã tới vùng bờ biển này, và cậu thích được ở đây. Cậu không nhắc đến câu chuyện các bài học. Bực bội, tôi bảo cậu rằng, tối hôm trước, tôi đã nghe thấy bố mẹ cậu cãi nhau. Cậu lại mỉm cười và đáp rằng điều đó là không thể nào, vì bố mẹ cậu đang không ở đây. Nhưng cậu công nhận là mình ở một phố nơi có một cái cây ô liu. Và trong lúc nhỏm dậy để đi khỏi, cậu bảo có người đang đợi mình. Tối hôm đó, tôi nhìn vào tầng trệt, từ đó bốc ra mùi mỡ rán rất mạnh, và nom thấy bọn trẻ con, một người phụ nữ buộc khăn mùi soa quanh đầu, một cái giường bữa bãi và mấy cái lò. Vì họ thấy tôi, tôi hỏi về cậu ta, và người phụ nữ - chính là chủ nhà của tôi - đi ra chỗ bậu cửa và, sau khi nói nhiều chuyện khác, rốt cuộc cảm tạ trời đất vì tôi lại quen người thuê nhà của bà, bởi giờ đây, bà hối tiếc vì đã nhận cậu ta làm khách trọ và muốn viết thư cho gia đình cậu ta - những người rất đứng đắn gửi con trai mình ra biển để giúp cậu ta giải trí, thế mà cậu ta, mới tối hôm qua thôi, đã đưa một phụ nữ vào phòng mình.
- Đó là những điều!... bà nói. Cậu ấy còn chưa tròn mười tám tuổi.
Tôi kể câu chuyện nhỏ ấy cho Clelia và Doro, và tôi miêu tả cho họ cuộc viếng thăm của Berti vào sáng hôm sau, phía trên cầu thang nhà tôi, vừa chìa tay cho tôi vừa nói: "Vì giờ đây ông đã biết tôi ở đâu rồi, tốt hơn hết chúng ta nên trở thành bạn."
- Anh sẽ thấy rốt cuộc thậm chí cậu ta sẽ đòi dùng phòng của anh cho mà xem, Doro nói.
Được khích lệ bởi sự chú ý của Clelia, tôi kể thêm. Tôi khởi sự giải thích rằng sự táo gan của Berti chỉ là một dạng rụt rè, một sự rụt rè trở nên nhiều gây hấn do tự vệ. Tôi nói rằng hồi năm trước, trước khi biến mất và có khả năng đã tiêu mất số tiền mà lẽ ra cậu phải đưa cho tôi, cậu con trai đó tỏ ra có các dấu hiệu bối rối và những lúc nhìn thấy tôi, cậu lúng túng cúi gập người xuống. Đã xảy đến với cậu điều xảy tới với tất cả mọi người: thực tại bị biến thành ngược lại. Cũng như những tâm hồn dịu dàng thích chơi trò cứng rắn kia. Tôi thì, tôi nói, tôi ghen tị với cậu, vì đứa thiếu niên mà cậu đang là vẫn còn có thể bị đánh lừa về bản tính thật của mình.
- Tôi nghĩ, Clelia nói, rằng hẳn tôi phải có một tính cách đóng kín, đầy nghi ngại và biến thái.
Doro mỉm cười chẳng nói chẳng rằng.
- Doro không nghĩ thế, tôi nói, nhưng cả anh ấy nữa, những khi giả dạng kẻ hằn học, thì anh ấy đang muốn khóc.
Cô hầu phòng đang thay đĩa ăn cho chúng tôi dừng lại lắng nghe. Mặt cô ta đỏ lựng lên và chuồn mất. Tôi nói tiếp:
- Anh ấy từng lúc nào cũng thế. Tôi còn nhớ rõ. Anh ấy từng thuộc vào số những người nổi xung lên những khi nào người ta hỏi họ có khỏe không.
- Nếu điều đó đúng, thì hẳn sẽ thật dễ hiểu người khác, Clelia nói.
Những lời ấy ngừng khi, sau bữa tối, những người khác đến. Có Guido quen thuộc, ông ta chỉ rời bỏ cái xe ô tô của mình để chơi bài, có các phụ nữ có chồng, các cô thiếu nữ cùng, thảng hoặc, những người chồng - nói ngắn gọn, vòng giao du Genova. Đối với tôi chẳng mới gì chuyện hơn ba người sẽ tạo ra một đám đông và lúc đó thì người ta không còn có thể nói được gì đáng nhọc công nữa. Tôi gần như thấy thích hơn các buổi tối nơi chúng tôi lên xe và đi dọc theo bờ biển hóng gió. Đôi khi, tại một vọng lâu nào đó, trong lúc tất cả mọi người nhảy, tôi trao đổi được vài câu với Doro hoặc với Clelia hoặc đầy cả quyết nói được những điều xuẩn ngốc với một trong số các phụ nữ có chồng. Khi ấy chỉ cần một cốc rượu và gió biển là đủ để làm tôi trở nên phơi phới trở lại.
Ban ngày, trên bãi biển, chuyện rất khác. Người ta nói năng với một sự thận trọng lạ thường những lúc gần như trần truồng: các từ không còn cùng âm thanh với thường lệ nữa, đôi khi người ta im bặt và dường như chính sự im lặng giải phóng các lời lẽ mù mờ. Clelia có một cách thức đầy cao hứng để hưởng thụ mặt trời, nằm dài trên những tảng đá, hòa vào với chúng và ép dẹt mình xuống dưới bầu trời, gần như đáp lại bằng tiếng thì thầm, bằng một tiếng thở dài hay một cử chỉ đột ngột của đầu gối hoặc khuỷu tay trước những lời của người ở bên cạnh cô. Tôi sớm nhận thấy rằng, những lúc nằm như thế, Clelia không thực sự lắng nghe gì. Doro, vốn dĩ biết điều này, chẳng bao giờ nói chuyện với cô. Anh cứ ngồi đó trên cái khăn tắm của mình, hai tay chắp lại trên hai đầu gối, u tối và lo lắng; anh không nằm ra như Clelia; và nếu, đôi khi, anh thử làm như vậy, thì sau vài phút người ta thấy anh vặn vẹo người, xoay đi và nằm sấp xuống, hoặc ngồi dậy như trước.
Nhưng chẳng bao giờ được một mình. Cả bãi biển đông đặc người và nói chuyện với nhau - chính vì thế mà Clelia thích các tảng đá, thứ đá cứng và trơn, hơn so với cát của tất cả mọi người. Những khi cô nhỏm dậy, rũ mái tóc, đần ra vì nắng và cười, cô hỏi chúng tôi đã nói chuyện gì và nhìn xem ai đang ở đó. Có các cô bạn gái, có Guido, có cả đám. Lúc đó một người từ dưới nước đi lên. Một người khác thận trọng bước xuống đó. Guido, trong cái pe nhoa vải bông màu trắng của ông ta, tới cùng những mối quen biết lúc nào cũng mới của mình, mà ông ta tống xuống dưới cái ô to. Và rồi, ông ta leo lên tảng đá và đùa cợt với Clelia, nhưng không bao giờ ông ta xuống biển.
Cái giờ đẹp hơn cả, ấy là quá giữa trưa hoặc khi mặt trời lặn, lúc sự ấm hoặc màu của nước thúc đẩy những người nhiều ngần ngại nhất xuống tắm hoặc đi dạo trên bãi biển, và nơi người ta gần như được ở một mình, nhiều nhất thì cũng chỉ là với cái tay Guido kia, ông ta nói chuyện rất dễ mến. Doro, vốn dĩ có một thú vui, giải khuây với những cây cọ vẽ, đôi khi đặt giá vẽ lên tảng đá, và anh vẽ những con thuyền, những cái ô, các vệt màu, hài lòng với việc nhìn chúng tôi từ trên cao và lắng nghe những ba hoa xích tốc của chúng tôi. Đôi khi, một trong các thành viên của nhóm đi thuyền đến và, hết sức thận trọng cập vào bờ, gọi chúng tôi. Trong các quãng im lặng tiếp theo sau, chúng tôi lắng nghe tiếng nước vỗ ì oạp lên các viên đá cuội.
Người bạn Guido luôn luôn nói rằng tiếng ì oạp kia là tật xấu của Clelia, bí mật của cô, sự thiếu chung thủy mà cô gây cho tất tật chúng tôi.
- Tôi không thấy thế, Clelia nói, tôi lắng nghe nó, trần truồng và nằm dưới nắng, và ai muốn cũng có thể thấy chúng tôi.
- Ai mà biết? Guido đáp. Ai mà biết những điều một phụ nữ như cô được các cơn sóng kể cho. Tôi tưởng tượng những gì hai bên nói với nhau, vào lúc ôm chặt lấy nhau.
Các bức vẽ biển của Doro - những ngày ấy anh vẽ hai bức - được vẽ bằng những màu nhạt và không mấy rõ ràng, như thể chính sự dữ dội của mặt trời và không khí, gây náo động và khiến quáng mắt, đã làm nhạt đi các cú vẽ của anh. Ai đó leo lên phía sau Doro và, đưa bàn tay lướt trên tấm toan, khuyên nhủ anh. Doro không đáp lại. Một lần, anh bảo tôi rằng người ta vui thú như người ta có thể. Tôi thử nói với anh rằng anh không vẽ theo tự nhiên, bởi biển lúc nào cũng đẹp hơn các bức tranh nhỏ của anh: chỉ cần nhìn là thấy ngay. Ở chỗ của anh, với tài năng mà anh có, hẳn tôi sẽ vẽ tranh chân dung: thật thỏa mãn làm sao khi được đoán định những con người. Doro cười lớn đáp lại tôi rằng, chừng nào hết kỳ nghỉ, anh sẽ đóng hộp vẽ của mình lại và không nghĩ tới nó nữa.
Một tối nọ, chúng tôi nói đùa về điều này và, đi cùng Doro về phía quán cà phê để uống rượu apero, người bạn Guido nêu nhận xét, bằng giọng xảo trá của mình, rằng hẳn sẽ chẳng ai nói rằng bên dưới lớp vỏ cứng và năng động của con người thượng lưu đang thiu thiu ngủ, nơi Doro, tâm hồn của một nghệ sĩ.
- Phải, nó thiu thiu ngủ, Doro đáp, hờ hững và sung sướng. Có cái gì không thiu thiu ngủ bên dưới lớp vỏ của chúng ta không? Hẳn cần phải có đủ can đảm để tỉnh dậy và tìm lại bản thân. Hoặc, ít nhất, nói đến nó. Trên cõi đời này người ta nói quá ít.
- Nói ra đi, tôi bảo anh. Anh đã khám phá được điều gì?
- Tôi đã chẳng khám phá được gì. Nhưng anh còn nhớ toàn bộ những gì người ta từng nói hồi còn trẻ. Người ta nói chỉ để nói. Chúng ta từng biết rất rõ rằng đó chỉ toàn là các từ, và thế nhưng chúng ta chuyền cho nhau ham muốn đó.
- Doro, Doro, tôi bảo anh. Anh già mất rồi. Để những cái đó cho lũ con mà anh không có làm đi.
Thế là, Guido phá lên cười, một tiếng cười thân tình làm hai mắt ông ta híp nhỏ lại. Ông ta đặt một tay lên vai Doro và, vẫn cười, dựa mình vào đó. Về phần mình, chúng tôi nhìn, bán tín bán nghi, cái đầu hói trốc của ông ta cùng cặp mắt cứng rắn của một người đàn ông đẹp trai đang đi nghỉ nơi ông ta.
- Một cái gì đó cũng đang thiu thiu ngủ ở Guido, Doro nói. Đôi khi, ông ấy cười như một thằng đần.
Về sau tôi quan sát thấy Guido chỉ cười như thế những khi nào ở giữa đám đàn ông với nhau. Tối hôm ấy, sau khi đã thả Doro và Clelia xuống chỗ cửa sắt của villa, chúng tôi để cái xe lại ở khách sạn và cùng nhau đi bộ vài bước. Chúng tôi đi dọc biển. Gần như dẫu không hề muốn vậy, chúng tôi nói đến các bạn của chúng tôi. Guido giải thích chuyến đi của Doro cùng cuộc trở về bất thường bằng cách viện đến nguyên do nỗi lo lắng của nghệ sĩ. Thật kỳ khi thấy Doro thành công tới mức nào trong việc thuyết phục tất tật bọn họ tin vào sự nghiêm túc trong trò chơi của anh. Thậm chí người ta còn nói đến, trong vòng giao du hằng ngày của chúng tôi, cơ hội thúc đẩy anh trưng bày và biến nghệ thuật của anh thành cái mà người ta gọi là một nghề. "Nhưng tất nhiên, cả tôi lúc nào cũng nói với anh ấy như vậy", Clelia sôi nổi nói.
- Thật là điên, tối hôm ấy Guido nói.
- Nhưng Doro đùa mà, tôi đáp.
Guido im lặng đi vài bước - ông ta đi xăng đan và chúng tôi chậm chạp tiến lên, như hai thầy tu - và rồi, dừng lại, đột nhiên ông ta tuyên bố:
- Tôi thì tôi biết rõ hai bọn họ. Tôi biết những gì họ làm và những gì họ muốn. Nhưng tôi không biết tại sao Doro lại đi vẽ tranh.
- Thế thì có gì xấu đâu? cái đó giúp anh ấy giải trí.
Điều xấu nằm ở chỗ, giống tất tật các nghệ sĩ, Doro không khiến cho vợ anh được thỏa mãn. "Ông muốn nói gì?" Ông ta muốn nói rằng công việc thuộc đầu óc và thần kinh làm suy giảm nam tính, và chính vì vậy tất tật các họa sĩ đều có những cơn trầm uất khủng khiếp.
- Các điêu khắc gia thì không à?
- Tất cả mọi người, Guido lầm bầm, tất tật cái đám rồ dại hành hạ bộ não quá mức và không biết khi nào là lúc cần dừng lại.
Chúng tôi đứng bất động trước khách sạn của ông ta. Tôi hỏi theo ông ta cần phải sống như thế nào. "Một cuộc đời lành mạnh, ông ta đáp. Làm việc, nhưng không quá đà. Giải trí, ăn uống và nói chuyện. Nhất là phải giải trí."
Ông ta ở trước mặt tôi, đung đưa người trên hai chân, hai tay chắp sau lưng. Cái áo sơ mi mở phanh ngực của ông ta mang lại cho ông ta dáng vẻ xảo trá của một đứa thiếu niên biết rõ lắm thứ, tay tứ tuần vẫn là đứa thiếu niên do ăn không ngồi rồi. "Cần phải hiểu cuộc đời, ông ta lại nói, vừa nói vừa nháy mắt với biểu hiện bực bội. Hiểu nó chừng người ta còn trẻ."
V
Clelia từng bảo tôi rằng, sáng nào Doro cũng chuồn đi bơi ở biển màu trắng sữa lúc bình minh. Chính vì thế mà sau đó, cho tới trưa, anh hết sức lười biếng ở đằng sau giá vẽ của mình. Đôi khi, cô nói với tôi, cô cũng đi, nhưng không phải là ngày mai, vì cô rất buồn ngủ. Tôi hứa với Doro là sẽ đi cùng anh và, đúng đêm hôm đó, tôi không sao ngủ nổi. Tôi dậy ngay từ lúc có các tia nắng đầu tiên và, theo các phố mát mẻ và hoang vắng, tôi ra bãi biển hẵng còn ẩm ướt. Hẳn ấy là một dịp để tôi nán lại mà ngắm vàng của mặt trời đốt cháy và chặt ngang những cây nhỏ trên đỉnh núi, nhưng, khi đã ngồi trên bãi biển, tôi trông thấy tiến lại gần một cái đầu trong làn nước bất động và cơ thể sẫm màu của thằng bé cựu học trò trẻ trung của tôi lại gần, từ dưới nước đi lên, người lấp lánh.
Lẽ dĩ nhiên, cậu đến nói chuyện với tôi và, trong lúc làm vậy, gầy guộc và vóc dáng nhỏ bé, cậu ta lấy khăn tắm lau người. Tôi đưa mắt nhìn ra xa xem có thấy cái đầu của Doro không.
- Tại sao cậu lại chỉ có một mình như thế? tôi hỏi.
Cậu không đáp - cậu vẫn hoàn toàn bị tóm chặt bởi nỗ lực vừa thực hiện - và chừng đã lau chùi xong, cậu ngồi xuống cách tôi vài bước, quay mặt về phía biển. Về phần mình, tôi nhỏm ngiêng người lên để ngắm ngọn núi đang đẫm vàng. Berti dùng đầu các ngón tay lục tìm trong một cái gói nhỏ, rút từ đó ra một điếu thuốc lá và châm lửa. Rồi cậu xin lỗi vì chỉ có mỗi một điếu.
Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu dậy sớm đến vậy. Berti phác một cử chỉ mơ hồ và hỏi tôi có đang chờ ai không. Tôi bảo cậu rằng ở biển, người ta không đợi ai. Thế là, Berti, bằng một bước nhảy, nằm sấp xuống và, chống hai khuỷu tay, vừa hút thuốc vừa nhìn tôi.
Cậu bảo tôi rằng bầu không khí chợ phiên mà bãi biển có ở dưới nắng khiến cậu thấy kinh tởm. Lũ nhóc con, những cái ô to, các cô vú em, những gia đình. Nếu có quyền, cậu sẽ cấm ngặt bọn họ. Tôi bèn hỏi tại sao cậu lại đến bờ biển: cậu có thể ở lại thành phố nơi không có các cái ô to.
- Nắng cũng sắp tới đó thôi, cậu đáp, vặn người đi để nhìn ngọn núi.
Chúng tôi im bặt một hồi lâu, trong sự im lặng chỉ hơi gợn tiếng lao xao.
- Ông sẽ ở đây lâu chứ? cậu hỏi tôi. Tôi đáp là tôi không biết và lại nhìn ra ngoài khơi. Có thể thoáng thấy một điểm đen. Berti cũng nhìn và bảo tôi:
- Đó là người bạn của ông. Ông ấy đang ở chỗ phao nổi khi tôi vào bờ. Ông ấy bơi giỏi ghê. Ông có bơi không?
Sau một lúc, cậu ném điếu thuốc đi và đứng dậy.
- Hôm nay ông có ở nhà không? cậu hỏi. Tôi cần nói chuyện với ông.
- Cậu có thể nói với tôi ngay bây giờ, tôi nói, ngẩng mặt lên.
- Nhưng ông đang đợi người.
Tôi bảo cậu đừng làm vẻ đần độn. Chuyện là gì? Các bài học à?
Thế là, Berti ngồi xuống trở lại và nhìn vào hai đầu gối. Cậu bắt đầu nói như thể ai đó đang bị tra hỏi, chốc chốc lại tỏ ra xa vắng. Nhìn chung cậu nói là cậu thấy buồn chán, rằng cậu không có bạn và cậu sẽ rất sung sướng nếu được nói chuyện với tôi, đọc cùng tôi một cuốn sách nào đó - không, không phải là các bài học - mà là đọc, như tôi từng thỉnh thoảng làm ở trường, vừa đọc vừa giải thích và thảo luận, dạy cho cậu cả đống điều mà cậu biết là mình không biết.
Đầy khó chịu, tôi liếc nhìn cậu nhưng sự tò mò của tôi đã được châm lên. Berti thuộc vào số những người đến trường vì người ta bắt họ đến đó và, những lúc ta nói, nhìn miệng ta bằng cặp mắt phồng to và buồn chán. Giờ đây, trần trụi và rám nắng, cậu ép chặt hai đầu gối lại với nhau và mỉm cười, vẻ lo lắng. Ai mà biết, đột nhiên tôi tự nhủ, có lẽ những thằng bé ấy mới là những người tỉnh thức hơn cả.
Cậu đi khỏi khi đầu của Doro gần vào tới bờ. Đột nhiên cậu đứng dậy và bảo tôi: "Tạm biệt." Những người tắm biển khác bắt đầu dạo chơi giữa các ca bin, và tôi thấy dường cậu lao mình đuổi theo một cái váy đang biến mất đi phía đằng sau đám ca bin. Nhưng Doro đã từ dưới nước đi lên, người còng xuống như đang leo thang, người mượt và chảy nước ròng ròng, cái đầu sáng ánh lên bên dưới cái mũ trùm, nó khiến anh có dáng vẻ rất điền kinh. Anh dừng lại, người lắc lư, trước mặt tôi; anh thở hổn hển và, dưới xương ức cùng các xương sườn của anh, những nỗ lực của người bơi lội vẫn kéo dài ra. Không sao cưỡng lại nổi, tôi nghĩ đến Guido và những lời của ông ta vào tối hôm trước, và dẫu không muốn, tôi thoáng mỉm cười. Doro, giật cái mũ trùm đầu ra, gầm gừ:
- Có chuyện gì thế?
- Không có gì, tôi đáp. Tôi vừa nghĩ đến cái tay Guido nực cười kia, ông ta đang béo ị ra. Không lấy vợ thì thật nhiều ích lợi đấy!
- Nếu sáng nào cũng bơi một tiếng thì ông ta sẽ không như vậy đâu, Doro nói và anh thả người cho mình quỳ xuống cát.
Berti quay trở lại gặp tôi ở quán ăn, vào giữa trưa. Cậu dừng lại giữa các cái bàn, áo veste vắt trên vai cái áo may-ô bó người màu xanh sẫm. Tôi ra hiệu bảo cậu lại gần. Thế là cậu tới, trên đường nhấc một cái ghế đẩu từ một bàn, nhưng sự chú ý tôi dùng để nhìn cậu khiến cậu bị khớp, bởi cậu dừng lại và, do cái áo veste bị trượt xuống khỏi vai, cậu bỏ cái ghế ra để nhặt nó. Tôi bảo cậu ngồi xuống.
Lần này, cậu mời tôi một điếu thuốc lá và ngay tức khắc bắt đầu nói. Tôi châm tẩu, không đáp. Tôi để mặc cho cậu nói những gì mà cậu muốn. Cậu kể với tôi rằng vì những lý do gia đình, cậu đã phải ngắt ngang việc học, nhưng cậu còn chưa làm việc - và giờ đây khi đã ngắt ngang việc học, cậu đã hiểu lúc gặp tôi rằng việc học không phải như một học trò mà cho chính cậu, vì thích, là một điều khôn ngoan. Cậu nói là mình ghen tị với tôi và rằng từ lâu cậu đã nhận thấy tôi không chỉ là một ông thầy giáo mà còn là một người dễ mến. Có cả đống điều mà cậu muốn bàn luận với tôi.
- Chẳng hạn như? tôi hỏi.
- Chẳng hạn, cậu đáp, tại sao người ta lại không học bằng cách trò chuyện với thầy giáo của mình và, thậm chí có lẽ, trong lúc đi dạo cùng thầy? Có thực sự nhất thiết phải mất thời gian vì vài thằng ngẫn, chúng ngăn cản cả lớp tiến lên, không?
- Đúng, cậu từng muốn học đến mức trường không đủ cho cậu và cậu đã học riêng.
Berti mỉm cười và nói đó là chuyện khác.
- Và tôi không thích, tôi nói tiếp, khi giờ đây biết rằng bố mẹ cậu không phải là triệu phú. Tại sao cậu lại bắt họ tiêu tiền cho các bài học riêng?
Cậu lại mỉm cười, theo cách thức có một cái gì đó vừa nữ tính lại vừa nhiều khinh miệt. Phụ nữ thì mới hay trả lời như vậy. Một phụ nữ đã dạy cậu ta điều này, tôi tự nhủ.
Berti đi cùng tôi một đoạn - hôm ấy, tôi có chuyến đi chơi cùng các bạn của Clelia - và cậu lại bảo tôi rằng cậu hiểu rõ rằng tôi đã ra bờ biển để nghỉ ngơi và cậu không định ép tôi phải dạy cậu học nhưng ít nhất thì cậu hy vọng tôi sẽ chấp nhận cho cậu ở bên và thỉnh thoảng chuyện gẫu với cậu trên bãi biển. Lần này, chính tôi là người nở với cậu nụ cười của phụ nữ và, để cậu lại ở giữa phố, tôi nói với cậu:
- Rất sẵn lòng, nếu cậu thực sự chỉ có một mình.
Chuyến đi chơi của hôm đó - tất tật chúng tôi ngồi trên chiếc xe của Guido - kết thúc tệ hại, bởi một trong những phụ nữ, một người tên Mara, họ hàng của Guido, vì muốn hái dâu, bị trượt chân ngã từ một gò đất và trật một bên vai. Chúng tôi đã lên, theo con đường núi quen thuộc, xa hơn hộp đêm hôm trước, xa hơn các ngôi làng cô lẻ cuối cùng, giữa những cây thông cùng những tảng đá màu đỏ, cho tới tận cao nguyên nhỏ nơi, sáng hôm ấy, tôi đã trông thấy bừng lên những tia nắng đầu tiên. Khi đã đưa được cô gái nhỏ khốn khổ lên con đường, ngay lập tức chúng tôi hiểu ra rằng tất tật chúng tôi sẽ không lên xe lại được. Guido, hết sức bận trí, muốn cho Mara đang rên rỉ nằm lên đống gối dựa. Chỉ còn đủ chỗ cho Clelia và hai cô gái khác, bọn họ vui sướng nhìn chúng tôi, Doro và tôi và, rốt cuộc, hai chúng tôi cuốc bộ về. Sau hai trăm bước, chúng tôi thấy cô gái thứ hai đang ngồi trên một đống sỏi.
Doro vội kết thúc cuộc trò chuyện của chúng tôi:
- Cứ sống mãi giữa các phụ nữ thì sẽ thành ra như thế này đây.
Cô gái kia đã bị họ bắt xuống xe để nhường chỗ cho Mara, cô ta kêu gào rất kinh về việc chắc mình bị gãy vai. Chính cô đã bị chọn vì là thiếu nữ duy nhất trong hội. "Chúng tôi ấy mà, chúng tôi không phải là phụ nữ, cô nói với chúng tôi, vẻ đầy hờn dỗi. Mara thì, năm nay, đã không vui chơi được nữa rồi. Họ đang chở cô ấy đến Genova." Trong lúc bước đi, cô lén nhìn sang chúng tôi. Doro khẽ nở với cô một nụ cười chào đón. Họ nói một chút về Mara và hỏi nhau chồng cô ta sẽ nghĩ gì, cái người đàn ông hết sức cương nghị ấy, anh ta chỉ rời văn phòng ở Sestri của mình vào Chủ nhật.
- Anh ta sẽ rất sung sướng vì vợ anh ta bị rạn vai, Doro nói. Rốt cuộc, cô ấy sẽ ở với anh ta một mùa hè.
Cô thiếu nữ - tên là Ginetta - phá lên cười vẻ gây hấn.
- Anh nghĩ vậy à? cô vừa hỏi vừa ghim cặp mắt màu ghi của mình vào mắt anh. Tôi thì tôi biết rằng đám đàn ông thấy sung sướng những lúc nào vợ của họ ở xa. Đó là những kẻ ích kỷ.
Doro phá lên cười.
- Cô biết nhiều chuyện đấy, Ginetta. Tôi cá là vào lúc này Mara không nghĩ đến điều đó đâu.
Nói đoạn, anh nhìn sang tôi.
- Chỉ các thanh niên hoặc những người độc thân mới nói được một số điều.
- Tôi chẳng biết gì đâu, tôi lầm bầm.
Cô Ginetta kia là một thiếu nữ xinh xắn bước đi đầy hăng hái và có thói quen hất tóc ra đằng sau, giống một cái bờm. Cô đang định nói gì đó thì Doro cất lời trước.
- Năm nay Umberto có đến không?
- Những người độc thân là đám đạo đức giả, cô đáp lại. Tôi không biết, sau đó cô đáp.
- Cô được hưởng tất tật các bất lợi đấy, Ginetta. Cô lấy một người độc thân giờ đã để mặc cô một mình rồi. Anh ta sẽ còn có thể làm gì cô nữa?
Nửa nghiêm túc, Ginetta nhìn ra phía trước và lắc đầu.
- Thông thường, tôi nhẹ nhàng nêu nhận xét, một người chồng thoạt tiên từng là một người độc thân. Cần phải bắt đầu.
Nhưng Ginetta nói tới Umberto. Cô kể cho chúng tôi rằng anh ta viết thư kể rằng, ban đêm, bọn linh cẩu gào rú và điều đó khiến người ta nghĩ tới lũ nhóc con không chịu ngủ. Ginetta yêu quý, anh ta nói với cô, nếu con của chúng ta cũng gây ồn ào kinh như thế, thì anh sẽ ra khách sạn ngủ. Và rồi, anh ta nói với cô rằng khác biệt lớn giữa sa mạc và các vùng văn minh, ấy là tại đó người ta không nhắm được mắt vì ồn ào quá.
- Sao mà xuẩn thế! Ginetta phá lên cười. Lúc nào chúng tôi cũng đùa.
Những chỗ rẽ của con đường giữa các cây thông, nơi biển hiện ra, đối với tôi trộn lẫn vào những lời liến thoắng của Ginetta một hương vị ngon lành, một sự chóng mặt nhè nhẹ. Hẳn có thể nói là biển, ở đằng kia, tận sâu, đang hút chúng tôi. Doro cũng bước đi gấp gáp hơn. Chẳng mấy chốc nữa, trời sẽ tối.
- Mara khốn khổ, Ginetta nói. Chừng nào thì cô ấy mới có thể bơi được?
Tối hôm đó, chúng tôi thấy cái ô to vắng tanh và bãi biển đã bớt người. Ginetta và tôi, chúng tôi xuống nước, và chúng tôi bơi bên cạnh nhau như đang trong một cuộc thi, không dám rời xa khỏi nhau trong sự im lặng của biển trống rỗng. Chúng tôi quay lại bờ chẳng nói chẳng rằng và, giữa hai sải tay, tôi nom thấy cái đèo cao phủ đầy thông mà chúng tôi vừa đi xuống mới một lúc trước. Chân chúng tôi đã chạm đất; Ginetta đi lên, óng ánh như một con cá, và đi đến chỗ ca bin. Doro vừa hút hết điếu thuốc mà anh đã châm trong lúc đợi tôi.
Cùng nhau, chúng tôi đi lên villa nơi Clelia đã về, trước chúng tôi. Tối hôm đó, trong bữa ăn, tôi được biết Mara đã về Sestri cùng Guido và, vài hôm nữa, chúng tôi sẽ không có xe ô tô. Tin này khiến tôi sung sướng, bởi tôi thích được qua các buổi tối trong sự yên bình, mà trò chuyện.
- Cái con bé ngu ngốc ấy! Clelia nói. Lẽ ra cô ta đã có thể chờ cho hết mùa thì mới để cho mình bị gãy tay chứ.
- Ginetta bảo đám người ích kỷ phải là đàn ông bọn anh cơ, Doro nêu nhận xét.
- Anh có thích Ginetta không? Clelia hỏi tôi.
- Đấy là một cô gái rất khỏe khoắn, tôi đáp. Tại sao? Cô ấy còn có gì khác nữa à?
- Ồ, chẳng có gì đâu. Doro bảo tôi giống con bé ấy hồi tôi còn là thiếu nữ.
Thế là tôi nói, thật tròn vành rõ chữ, rằng tất tật thiếu nữ đều giống nhau và, để đánh giá họ, cần phải nhìn khi họ đã trở thành phụ nữ.
Clelia nhún vai.
- Chúa mới biết anh nghĩ gì về tôi, cô lầm bầm.
- Tôi còn thiếu mất một số yếu tố, tôi đáp. Hẳn chỉ mình Doro mới có thể có một đánh giá về cô.
Doro, rất không đúng lúc, khởi sự nói đùa và bảo rằng một người đàn ông đang yêu thì mất trí và rằng không tính ý kiến của anh được. Nghe cứ như Guido đang nói. Tôi lé mắt nhìn anh, sửng sốt. Điều đẹp hơn cả nằm ở chỗ Clelia không nhận thấy gì và lại nhún vai, lầm bầm bảo tất tật chúng tôi đều giống hệt nhau.
- Có chuyện gì thế? tôi cười phá lên hỏi.
Không có chuyện gì, và Clelia, giọng lí nhí, bắt đầu than thở, nói rằng cô cảm thấy mình là một mớ xập xệ cũ rích và rằng, những khi nghĩ đến tuổi trẻ của mình, hay nói đúng hơn, tuổi thơ của mình, lúc cô còn là học sinh và lúc đến dự vũ hội đầu tiên, và lúc đi tất chân lần đầu tiên, cô đã rùng mình run rẩy. Doro lắng nghe, tư lự, chỉ hơi mỉm cười.
- Tôi từng là một đứa bé quá ngoan, Clelia nói, rất tiếc. Tôi đã nghĩ rằng, ngày mai, nếu bố tôi đột nhiên trở nên nghèo khổ và lửa bén vào bếp, thì hẳn chúng tôi sẽ chẳng có gì mà ăn. Ngoài vườn, tôi đã tự làm cho mình một chỗ trốn, ở đó tôi để hạt hồ đào cùng vả khô, và tôi đợi chúng tôi trở nên nghèo khổ để tặng những món dự trữ của mình cho bố tôi. Tôi sẽ nói với bố mẹ tôi: "Đừng tuyệt vọng. Clelia nghĩ tới mọi chuyện. Bố mẹ đã trừng phạt nó, nhưng giờ đây nó tha thứ cho bố mẹ: cho nên, đừng có làm vậy nữa nhé." Sao mà tôi lại ngu xuẩn đến thế được.
- Ở tuổi đó, tất tật chúng ta đều ngu xuẩn.
- Tôi từng tin vào mọi điều người ta nói với tôi. Tôi không dám thò đầu vào giữa các thanh sắt hàng rào vì hẳn sẽ có kẻ nào đó đi ngang qua móc mắt tôi. Và thế nhưng, qua rào sắt có thể nhìn thấy biển và tôi đã không có trò giải khuây nào khác, bởi lúc nào tôi cũng bị nhốt và thế là tôi, ngồi trên một băng ghế, tôi lắng nghe những người đi ngang qua và các tiếng động bên ngoài. Chừng có tiếng còi tàu vang lên tại bến cảng, tôi thấy sung sướng lắm.
- Tại sao em lại kể cho cậu ấy chuyện đó? Doro hỏi. Để chịu đựng những kỷ niệm tuổi thơ của một người khác, cần phải yêu người đó.
- Nhưng, anh ấy yêu em mà, Clelia đáp.
Đêm hôm đó, chúng tôi chuyện gẫu rất lâu, và rồi chúng tôi đi ngắm biển dưới ánh sao. Đêm sáng sủa đến mức có thể thoáng thấy màu trắng của sóng phía bên dưới lan can của lối dạo chơi. Tôi nói rằng, nhìn chung, tôi không tin vào toàn bộ chỗ nước kia và rằng biển tạo hiệu ứng khiến tôi nghĩ mình bị buộc phải sống dưới một cái lồng thủy tinh. Tôi tả cây ô liu của tôi như một thứ thực vật thuộc mặt trăng, ngay cả những lúc không có trăng. Clelia, quay qua quay lại giữa Doro và tôi, kêu lên:
- Sao mà đẹp thế được! Chúng ta tới xem nó đi.
Nhưng trong khi băng ngang quảng trường nhỏ, chúng tôi gặp những người quen biết, và chúng tôi phải kể lại cuộc phiêu lưu tệ hại của Mara và, trong lúc nói, rốt cuộc Clelia quên biến mất cây ô liu, và tất tật họ quay về villa để chơi bài. Hơi bực bội, tôi chia tay họ, nói mình bị mệt.
Đi đến hết quảng trường nhỏ, tôi gặp trúng Berti, cậu không kịp lủi vào trong bóng tối. Tôi đi tiếp và chính cậu là người cất tiếng nói chuyện với tôi.
- Lẽo đẽo đi theo sau như thế này nghĩa là sao đấy? tôi bèn hỏi.
Một tiếng trước đó tôi đã thoáng nhìn thấy cậu phía dưới villa và cậu đã không ngừng lảng vảng trên lối đi dạo, cách chúng tôi một quãng. Cái áo veste màu trắng của cậu nổi bật quá mức trên cái may-ô. Cậu bảo tôi - bóng tối khiến cậu trở nên táo bạo - rằng khi nghe nói có một vụ tai nạn trong rừng thông, cậu đã muốn biết cụ thể chuyện là thế nào.
VI
- Như cậu thấy đấy, tôi nói với cậu, tôi còn sống đây. Đi theo tôi cả buổi tối như vậy thì để làm gì?
Cậu hỏi có phải tôi đang về nhà đi ngủ không. Chúng tôi dừng lại dưới cây ô liu, nó tạo thành một vệt đen trong bóng tối.
- Người ta bảo một bà đã tự sát, Berti nói.
- Cậu cũng quan tâm tới các phụ nữ đã có chồng à?
Bertin, cằm vểnh lên, nhìn cửa sổ của tôi. Cậu ngoái đầu lại thật gấp và nói rằng một vụ tai nạn có thể khiến một người đang đi nghỉ phải quyết định lên đường, và rằng cậu đã nghĩ tôi hoặc các bạn tôi sắp đi khỏi.
- Đấy có phải là một người họ hàng của ông không? cậu hỏi tôi.
Cao Việt Dũng dịch
để chào Pavese