favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Thu 2024
Next

Pavese: Bãi biển (đoạn cuối)

31/12/2024 20:56

phần thứ nhất

phần thứ hai 

phần thứ ba

quyển sách cuối cùng cũng đã có 

 

Bãi biển

- Pavese

Tối hôm ấy tôi hiểu ra rằng, lúc nhắc đến các bạn tôi, thì cậu muốn nói Clelia và Doro. Cậu cũng hỏi tôi Mara có phải là bà con của họ không. Mối nghi đầy phi lý, rằng cậu có thể quan tâm tới tuổi ba mươi của Mara, khiến tôi mỉm cười. Tôi hỏi cậu có quen cô ta không.

- Không, cậu đáp. Hỏi vậy thôi.

Tôi hẹn gặp cậu vào hôm sau trên bãi biển, nói đùa về ý tưởng đọc sách cùng tôi của cậu.

- Nếu cậu nghĩ đấy là một cách để được giới thiệu với đám con gái, thì cậu nhầm rồi. Tôi thấy có vẻ cậu biết cách tự xoay xở lắm.

Đêm hôm ấy, tôi hút thuốc, ngồi trước cửa sổ, nghĩ lại đến những lời tâm sự của Clelia và bực bội trước cái ý theo đó hẳn Ginetta sẽ chẳng bao giờ nói những điều tương tự với tôi. Các nỗi buồn mà tôi biết rõ chiếm lấy tôi. Kỷ niệm về cuộc nói chuyện của tôi với Guido, cộng thêm vào đó, hoàn thành việc làm cho tôi trầm uất. Thật may vì tôi đang ở biển, nơi những ban ngày thì chẳng đáng tính tới. "Mình ở đây để giải trí", tôi nghĩ.

Hôm sau, chúng tôi, Doro và tôi, ngồi trên đỉnh tảng đá, còn Clelia, phía bên dưới chúng tôi, nằm ngửa, che kín mắt lại. Trên cát, chỗ cái ô to không có ai. Chúng tôi lại nhắc đến Mara và kết luận rằng một bãi biển được làm nên từ đám phụ nữ và, nhiều nhất thì cũng chỉ thêm bọn nhóc con. Nếu thiếu một người đàn ông thì sẽ chẳng ai để ý, nhưng thiếu đi một Mara nào đó, tức thì vòng giao du bị phá tung.

- Nhìn kìa, Doro nói, những cái ô kia khác gì các ngôi nhà đâu: bọn họ đan ở đó, bọn họ ăn ở đó, bọn họ thay đồ ở đó, bọn họ thăm hỏi nhau ở đó, và vài ông chồng hiếm hoi có mặt chỉ ở đó dưới nắng, tại cái nơi vợ của bọn họ đã đặt bọn họ. Đây là một nền cộng hòa của phụ nữ.

- Hẳn có thể từ đó suy ra rằng chính bọn họ đã tạo ra xã hội.

Đúng lúc đó, một người bơi xáp lại gần phía bên dưới tảng đá. Đưa tay với lấy mấu đá, người đó ngẩng đầu lên khỏi mặt nước. Ấy là Berti.

Tôi dòm cậu, nhưng không nói gì. Có lẽ cậu không nhìn thấy tôi đang ngồi đây - những khi từ dưới nước đi lên, tôi không nhìn được gì ở cách quá một mét - và cậu cứ thế dựa vào tảng đá, bập bềnh trên nước. Ngang tầm trán cậu, cách vài mét, Clelia, bất động, nằm ngửa ở đó. Tóc của Berti chảy tràn lên hai mắt cậu và, để trụ được tại đó, hai bàn tay cậu có những cử động quều quào vẫn rất giống sự bơi và sự thiếu ổn định. Rồi đột nhiên cậu tách đi khỏi, bơi ngửa, và quay trở lại, bơi vòng tránh một tảng đá dựng lên ở cái chỗ cát trở nên một cái đáy cao phủ đầy đá. Từ đó, cậu hét lên với tôi một điều gì đó. Tôi vẫy tay chào cậu và lại tiếp tục nói chuyện với Doro.

Một lúc sau, khi Clelia bứt mình được khỏi sự ngây độn của mình và các cô gái khác cùng những người quen đến, tôi dõi mắt khắp bãi biển và thấy Berti, cậu đang đứng giữa các ca bin và, một tờ báo cầm ở tay, đọc. Đấy không phải là lần đầu tiên. Nhưng, sáng hôm ấy, hiển nhiên là cậu đang đợi. Tôi ra hiệu bảo cậu ta tiến lại gần. Tôi nhất định muốn vậy. Berti, gập tờ báo lại, chẳng hề nhìn chúng tôi, bắt đầu bước đi. Tới dưới chân các tảng đá, cậu dừng lại.

- Cậu kia là cái kẻ rất tháo vát mà tôi đã nói với anh đấy, tôi bảo Doro.

Doro mỉm cười nhìn cậu, và rồi anh quay trở lại với đống đồ nghề vẽ của mình. Thế là, tôi phải leo xuống và, đi lại gần Berti, nói với cậu điều gì đó.

Giới thiệu một chàng thanh niên mặc mỗi cái quần tắm màu đen với các cô thiếu nữ mặc đồ bơi và các quý ông mang pe nhoa, đấy là một việc chẳng nhiều nhặn gì và nhìn chung có thể tha thứ được. Nhưng biểu hiện trang trọng và buồn chán của Berti khiến tôi thấy bực: tôi tự cảm thấy mình lố bịch. Đột nhiên tôi lầm bầm: "Ở đây tất cả mọi người đều quen nhau", và vì Ginetta, đang bước xuống nước, đi ngang qua gần chúng tôi, tôi bèn bảo cô ta: "Chờ tôi với."

Lúc tôi quay trở vào bờ - Ginetta ở lại dưới nước hơn một tiếng - tôi lại thấy cậu ngồi trên cát, giữa cái ô to của chúng tôi và ô tiếp theo, hai tay bó gối.

Tôi để mặc cậu lại đó. Tôi thích nói chuyện một chút với Clelia hơn. Cô, khi ấy vừa từ ca bin của mình bước ra, đang choàng lên người một cái bolero màu trắng lên trên quần áo tắm. Tôi đi tới chỗ cô và chúng tôi vừa cười đùa vừa chào nhau. Dần dà chúng tôi vừa nói chuyện vừa đi xa khỏi, và chừng Berti đã biến mất đằng sau cái ô, tôi cảm thấy khá hơn. Chúng tôi thực hiện cuộc dạo chơi thường lệ trên bãi biển, giữa bọt sóng của bờ và các nhóm người nằm thượt, ồn ào.

- Tôi đã bơi cùng Ginetta, tôi nói. Còn cô, cô không bơi à?

Ngay từ hôm đầu tiên, vì lịch sự, tôi đã làm ra vẻ định xuống nước cùng cô, nhưng Clelia dừng khựng lại và nhìn tôi với một nụ cười khó cắt nghĩa. "Không, không", cô nói. Tôi, ngạc nhiên, cũng nhìn cô. "Không, không, tôi bơi một mình." Đã chẳng làm gì được. Cô giải thích với tôi rằng cô làm mọi việc trước đông người, nhưng về những gì liên quan đến biển, thì cô sắp xếp sao cho được một mình với nó. "Nhưng thế thì lạ quá. - Lạ thật, nhưng là như vậy đấy." Cô bơi giỏi và chuyện không phải do bị quấy rầy. Đó là một quyết định cá nhân. "Chỉ cần có biển thôi là đủ rồi. Tôi không muốn một ai. Trong đời, tôi chẳng có gì của riêng tôi. Ít nhất thì cũng phải để biển lại cho tôi chứ." Cô bơi đi khỏi, không làm động nước, và lúc cô quay lại, tôi đợi cô trên cát. Tôi quay trở lại chủ đề ấy và Clelia, trước những lời phản đối của tôi, đã đáp bằng một nụ cười thoáng qua. "Cả với Doro cũng không à? - Cả với Doro cũng không."

Sáng hôm đó, chúng tôi nói đùa về các lần đi bơi bí hiểm của cô, và chúng tôi bước qua những người nằm, chúng tôi chế nhạo những cái bụng to và chỉ trích các phụ nữ. "Anh có biết ai ở dưới cái ô màu đỏ kia không?" Clelia hỏi. Người ta thoáng nhìn thấy trên cái ghế dài một sự trần truồng nhiều xương xẩu nằm bên trong một bộ đồ bơi hai mảnh, xu chiêng cùng quần lót. Người phụ nữ đó rám nắng theo từng khoảng; cái bụng phơi trần của bà ta cho thấy dấu vết của một bộ đồ bơi bình thường trước đó. Các móng chân và móng tay sơn màu đỏ máu. Ở lưng cái ghế dài treo một cái khăn tắm đẹp bằng bông, màu hồng. "Đấy là bạn gái của Guido, Clelia vừa cười vừa thì thào. Ông ấy dẫn bà ta theo với mình nhưng giấu kín bà ta, và những khi gặp, thì ông ấy hôn tay bà ta và tỏ ra lịch thiệp lắm." Rồi, nắm lấy cánh tay tôi, cô cúi người xuống: "Tại sao đàn ông các anh lại thô thiển như thế? - Tôi thấy có vẻ như là Guido có tất tật mọi loại gu, tôi đáp. Về phần sự thô thiển, thì ông ta có nhiều lắm.

- Không đâu, Clelia nói, chính người phụ nữ kia mới thô thiển. Còn ông ấy, con người khốn khổ, ông ấy yêu tôi.

Tôi khởi sự giải thích với cô rằng chẳng gì là thô thiển tự thân, chính chúng ta tạo ra sự thô thiển chiểu theo cách thức với đó chúng ta nói năng hay suy nghĩ, nhưng Clelia đã nhìn đi chỗ khác và cười một cái mũ bo nê nhỏ màu đỏ mà một đứa bé sơ sinh đội trên đầu.

Chúng tôi đi dạo như vậy cho tới rìa bãi biển và dừng lại để hút thuốc trên các tảng đá. Sau đó chúng tôi quay lại, đờ đẫn vì nắng và tôi đặt xuống đây đó các ánh mắt lơ đãng, đang như thế thì tôi thoáng thấy ở gần cái ô của chúng tôi Berti đang đi xa dần - cái lưng đen trũi của cậu, cái quần tắm của cậu - vừa đi vừa nói chuyện vẻ rất sôi nổi với một phụ nữ nhỏ bé vận một cái áo cổ trễ kỳ quặc in hoa, đi xăng đan đế cao và có cặp má sáng ánh lên, thoa đầy phấn. Clelia, đúng lúc đó, giơ tay lên, hét một điều gì đó về phía Doro, và cặp kia ngoái đầu lại - Berti ngoái đầu thật nhanh, và lẩn mất ngay khi trông thấy chúng tôi; thế là con gà mái kia, hết sức buông tuồng và với vẻ xảo trá, gọi Berti bằng tên riêng, nặng nề lao theo cậu.

- Ả geisha chạy theo cậu đó, tôi nói với Berti khi cậu tới gặp tôi tại quán ăn, đấy có tình cờ cũng chính là người mà cậu đã dẫn về nhà hôm trước không?

Bertin, điếu thuốc ngậm ở miệng, mỉm cười thờ ơ.

- Tôi thấy là cậu có các mối quan hệ đẹp đẽ, tôi nói tiếp. Tại sao cậu lại muốn có những quan hệ khác? Thật may vì tôi đã không giới thiệu cậu với những cô thiếu nữ kia.

Berti chăm chăm nhìn tôi, như người ta vẫn hay làm những lúc vờ là mình đang nghĩ đến một điều gì đó khác.

- Đâu phải là lỗi của tôi, đột nhiên cậu nói, nếu tôi đã gặp bà ta. Xin lỗi các bạn của ông hộ tôi nhé.

Đổi sang chủ đề khác, tôi hỏi cậu bố mẹ cậu có biết những trò mưu mẹo của cậu không. Và cậu, với nụ cười mơ hồ quen thuộc, chậm rãi nói rằng người phụ nữ đó đáng giá hơn nhiều cô thiếu nữ con nhà gia giáo, cũng như, thêm nữa, tất tật các phụ nữ như bà ta, nếu họ có một cuộc đời khó nhọc, thì đấy là để tạo lợi thế cho những phụ nữ trung thực.

- Thế nào cơ?

- Phải. Tất tật đàn ông đều đồng lòng trong việc giao du với gái điếm, và với những người ấy bọn họ được xả cho nhẹ người và không còn làm phiền những người khác nữa. Vậy thì, bọn họ cần tôn trọng những người đó!

- Nhất trí, tôi đáp. Nhưng vậy thì tại sao cậu lại lủi mất, và thấy xấu hổ vì bà ta?

- Tôi? Berti ấp úng. Đấy là chuyện khác, cậu giải thích với tôi: cậu thì cậu ghê tởm phụ nữ và rất cáu sườn trước cảnh tất tật đàn ông chỉ sống vì mỗi chuyện ấy. Phụ nữ thì ngu ngốc và ti tiện; sự thể đám đàn ông rồ lên vì họ biến họ trở nên không thể thiếu; lẽ ra chỉ cần nhất trí với nhau không chạy theo họ nữa là đủ để tước đi toàn bộ sự kiêu ngạo của họ.

- Berti, Berti, tôi nói với cậu. Đã thế rồi, cậu lại còn đạo đức giả nữa.

Cậu nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên.

- Sử dụng một người, tôi nói tiếp, và rồi không chào người đó nữa, cái đó thì không!...

Thế là tôi thấy cậu mỉm cười và đầy khoa trương dụi mẩu thuốc lá của mình. Bằng giọng yên ả nhất, cậu nói rằng mình đã không sử dụng người phụ nữ kia, mà - cậu mỉm cười - người phụ nữ sử dụng cậu. Bà ta chỉ có một mình, bà ta buồn chán ở bờ biển; họ đã gặp nhau trên bãi biển - chính bà ta mới là người khởi sự đùa cợt và làm các trò khỉ.

- Ông thấy đấy, cậu bảo tôi. Tôi đã không từ chối bà ta vì bà ta khiến tôi thấy đau lòng. Bà ta khổ sở. Tôi hiểu bà ta. Bà ta chỉ đi tìm bầu bạn và không đòi xu nào: bà ta nói rằng ở bờ biển, người ta không làm việc. Nhưng bà ta ma lanh lắm. Bà ta giống tất tật các phụ nữ lợi dụng sự lố bịch nhằm làm một người đàn ông phải bối rối.

Chúng tôi quay về nhà qua những phố vắng vẻ lúc hai giờ chiều. Tôi đã quyết định không trao cho cậu chàng các lời khuyên nữa: cậu thuộc vào số những kẻ cần phải để mặc cho làm gì thì làm, xem thử bọn họ có thể đi đến tận đâu. Tôi hỏi cậu có phải tình cờ cậu đã dẫn người phụ nữ đó, "quý bà" đó, từ Torino tới đây không.

- Ông dở người thật đấy, cậu sẵng giọng đáp. Nhưng toàn bộ sự bộc phát rời bỏ cậu vào lúc tôi hỏi ai đã dạy cậu cách đi xin lỗi về những điều chẳng khiến người ta thấy có vấn đề gì như thế. Khi nào?... cậu ấp úng.

- Chẳng phải vừa nãy cậu bảo tôi xin lỗi các bạn tôi hộ cậu đấy à?

Cậu giải thích với tôi rằng, vì tôi không chỉ có một mình, cậu thấy phiền vì chúng tôi đã nhìn thấy cậu với người phụ nữ kia.

- Có những người, cậu nói, trước họ người ta thấy xấu hổ vì tỏ ra lố bịch.

- Chẳng hạn như ai?

Cậu im bặt một lúc.

- Các bạn của ông, cậu lơ đãng đáp.

Cậu để tôi lại ở bên dưới cầu thang và đi khỏi, dưới nắng. Vì, trong những giờ nóng bỏng ấy, Doro nghỉ ngơi, tôi, vốn dĩ vào ban ngày không ngủ được, tôi đã vờ đi về nhà chỉ nhằm thoát khỏi Berti. Và giờ đây bắt đầu nỗi buồn chán hằng ngày của những giờ nóng và rỗng. Tôi đi lang thang trong làng, giống mọi khi, nhưng không có bất kỳ ngóc ngách nào mà tôi còn chưa biết. Tôi bèn đi con đường dẫn đến villa, vì muốn nói chuyện với Clelia. Nhưng vẫn còn sớm đến mức tuyệt vọng và tôi nghiền ngẫm thật lâu, ngồi trên một bức tường thấp, đằng sau đám cây mọc chòi ra biển. Giữa các điều khác, lần đầu tiên tôi nghĩ rằng ai đó, không biết rõ Clelia, hẳn sẽ có thể nói lúc trông thấy chúng tôi đi dạo và cười đùa cùng nhau, là giữa chúng tôi có nhiều hơn những mối quan hệ bạn bè thân tình.

Tôi thấy Clelia đang ở ngoài vườn, nằm trong bóng râm, trên một cái ghế mây. Cô có vẻ sung sướng vì gặp tôi và khởi sự nói. Cô bảo tôi rằng Doro đã chán việc cứ vẽ biển mãi và anh muốn ngừng. Tôi mỉm cười, dẫu không muốn vậy.

- Guido của cô sẽ sung sướng lắm, tôi nói.

- Tại sao?

Thế là tôi phải giải thích cho cô rằng, theo Guido, Doro nghĩ tới hội họa của anh nhiều hơn là tới cô, và rằng đó là nguyên nhân cho những cãi cọ giữa họ.

- Những cãi cọ của chúng tôi? Clelia hỏi, nhướng mày.

Tôi cảm thấy sốt ruột.

- Nào, Clelia, dẫu sao thì cô cũng không muốn làm cho tôi nghĩ rằng hai người đã không cãi nhau tí chút đấy chứ. Hãy nhớ cái buổi tối cô cầu xin tôi ở cùng anh ấy và giải trí cho anh ấy...

Clelia lắng nghe tôi nói, có chút cau có, và lắc đầu ra dấu phản đối.

- Tôi chưa bao giờ nói gì hết, cô lầm bầm. Tôi không nhớ. Cô mỉm cười. Tôi không muốn nhớ lại chuyện đó. Còn anh, đừng bất lịch sự chứ.

- Trời ơi, tôi đáp. Ngay hôm đầu tiên tôi đến đây! Chúng tôi vừa quay về từ chuyến đi trong đó người ta đã bắn vào chúng tôi...

- Tuyệt vời! Clelia kêu lên. Và cái kẻ trắng toát nhảy nhót không ngừng ấy?

Tôi phải mỉm cười và Clelia nói:

- Tất tật các anh đều quá tin lời tôi. Các anh nhớ tật tật những gì tôi nói. Và các anh đặt các câu hỏi, các anh cứ muốn biết. Cô lại có vẻ cau có. Tôi có cảm giác là mình lại đang đi học.

- Về phần tôi thì... tôi lầm bầm.

- Không bao giờ được nhớ những điều mà tôi nói. Tôi thì tôi cứ nói, cứ nói, vì tôi có lưỡi và tôi không có khả năng ở một mình. Đừng coi tôi quá nghiêm túc, cả anh nữa, bởi cái đó thì chẳng đáng đâu.

- Ồ, Clelia, tôi nói, có phải là chúng ta chán ngán cuộc đời không đấy?

- Không đâu, cô cười lớn đáp, nó đẹp đến thế cơ mà.

Tôi bèn nói là mình không hiểu được Doro khốn khổ nữa. Tại sao anh lại muốn thôi vẽ? Hẳn anh sẽ thành công lắm.

Clelia trở nên tư lự và nói rằng, nếu không phải là người như cô vốn dĩ - một đứa trẻ bị chiều hư không biết làm gì - thì hẳn chính cô sẽ là người vẽ biển, mà cô rất yêu và là của cô; và không chỉ biển, mà cả những ngôi nhà, những con người, những cầu thang dốc đứng nữa, toàn bộ Genova.

- Tôi yêu nó lắm, cô nói.

- Có lẽ chính vì thế mà Doro đã có chuyến tẩu thoát kia. Vì cùng lý do. Anh ấy thì anh ấy yêu các ngọn đồi của mình.

- Có thể lắm. Nhưng anh ấy lại bảo quê anh ấy chỉ đẹp những khi nào người ta nhớ về nó thôi. Còn tôi thì hẳn tôi sẽ không có khả năng. Tôi chỉ sở hữu mỗi cái đó.

Ngồi đối diện nhau như thế - với cái bàn nhỏ ở giữa - chúng tôi đợi Doro. Clelia lại bắt đầu nói với tôi về quãng thời gian cô còn là thiếu nữ và nói đùa rất nhiều về những sự ngây thơ của cuộc đời đó, về cái chốn khép kín gồm toàn những người già nua ấy, họ muốn biến cô thành một nữ bá tước và tung hứng cô trong vòng tròn làm nên từ ba ngôi nhà - một cửa hàng, một cung điện và một villa - và cái mà cô thích là tam giác những phố tập hợp chúng với nhau xuyên qua cả thành phố. Cung điện của ông chú cô là một cung điện cổ với các tranh tường cùng nhiều gấm vóc, lắp đầy kính y như một viện bảo tàng, nó, nhìn từ ngoài phố, vươn ra phía trên biển và có những ô vuông lớn nẹp chì. Hồi cô còn bé, Clelia nói, thật là một cơn ác mộng những lúc bước vào tiền sảnh kia và qua buổi chiều trong bóng tối lờ mờ hắc ám của các căn phòng nhỏ đó. Quá mái nhà, là biển, không khí, phố và chuyển động của nó; và cô, cô phải chờ cho mẹ cô ngừng thì thào với bà cô già; và cứ không ngừng, bị nỗi buồn chán hành hạ, cô ngẩng đầu nhìn những bức tranh u tối nơi vểnh lên các hàng ria, các cái mũ hồng y cùng những cái má bợt màu của lũ búp bê không tuổi.

- Anh thấy là tôi ngu xuẩn đến thế nào rồi đấy, Clelia nói. Hồi ấy, lúc cung điện gần như là của chúng tôi, thì tôi đã không thể chịu nổi nó; và giờ đây khi chúng tôi nghèo và bị khánh kiệt, thì tôi lại sẵn lòng cho đi bất cứ cái gì nhằm có được nó.

Trước khi Doro xuất hiện trên ban công, Clelia còn nói với tôi rằng mẹ cô không muốn cô ở lại cửa hàng nơi có bố cô, vì thật không tốt, chuyện một đứa trẻ như cô nghe thấy người ta tranh cãi đằng sau công toa và biết tất tật những từ tục tĩu kia. Nhưng cửa hàng có đầy các thứ và có những ô kính sáng lấp lánh - cùng những thứ giống ở cung điện cũng có đầy - và tại đó, nhiều người đến và đi, và Clelia sung sướng khi thấy bố cô tỏ ra hài lòng. Lúc nào cô cũng hỏi ông tại sao họ không bán cả các bức tranh cùng những ngọn đèn ở cung điện, bởi như thế hẳn chúng tôi sẽ không rơi vào cảnh lụn bại.

- Tôi đã có một tuổi thơ rất khôn ngoan, cô mỉm cười giải thích với tôi. Ban đêm tôi tỉnh dậy, hãi hùng trước viễn cảnh bố tôi trở nên nghèo khó.

- Nhưng tại sao lại có nỗi sợ đó?

Clelia đáp, những năm ấy, cô cứ sợ hãi suốt. Những ý nghĩ tình yêu đầu tiên của cô, cô đã có chúng ở trước một bức tranh vẽ cuộc chịu nạn của thánh Sebastian, một thanh niên trần truồng, người đầy máu đã đông và rách nát, với những mũi tên găm vào bụng. Cặp mắt buồn bã và đầy yêu đương của vị thánh ấy khiến cô cảm thấy xấu hổ những khi nhìn, và đối với cô, cảnh đó đồng nghĩa với tình yêu.

- Tại sao tôi lại đi kể cho anh chuyện này nhỉ? cô nói.

Giây phút sau đó, Doro xuất hiện trên ban công, chăm chú dùng khăn tắm lau cổ. Anh ra hiệu với tôi và quay trở vào trong nhà để đi xuống. Tôi hỏi Clelia xem cô có từng đổi ý về tình yêu hay chăng.

- Dĩ nhiên rồi, cô đáp.

VII

Ban đêm, những khi về nhà, tôi hay đứng ở chỗ cửa sổ để hút thuốc. Người ta cứ tưởng làm như thế thì tạo thuận lợi cho suy tư, nhưng sự thật là trong lúc hút thuốc, các ý nghĩ tan đi như sương mù và nhiều nhất thì người ta cũng chỉ mơ mẩn, cái đó rất khác với nghĩ. Những gì tìm được, các khám phá, ngược lại, đến bất thình lình: khi người ta ngồi bên bàn, khi đang bơi ngoài biển hoặc đang nói về một điều hoàn toàn khác. Doro biết thói quen của tôi, tự trừu tượng mình đi trong giây lát ngay giữa một cuộc trò chuyện để dõi mắt theo một ý bất ngờ. Anh cũng làm giống hệt và, trong quá khứ, chúng tôi từng đi dạo cùng nhau rất nhiều, người nào cũng im lặng mà nghiền ngẫm. Nhưng giờ đây những quãng im lặng của anh - cũng như của tôi - đối với tôi có vẻ rất sâu, xa xôi, nói ngắn gọn là kỳ quái. Tôi mới chỉ ở biển vài hôm thế mà có cảm giác đã cả một thế kỷ rồi. Thế nhưng, đã chẳng xảy ra chuyện gì. Nhưng ban đêm, khi về nhà, tôi thấy như cả ngày đã qua - cái ngày tầm thường nơi bãi biển - cứ đợi từ phía tôi không rõ là nỗ lực làm sáng tỏ nào để có thể tự nhận ra mình.

Lúc, hôm sau vụ tai nạn của Mara, tôi gặp lại người bạn Guido cùng cái xe ô tô đáng nguyền rủa của ông ta, trong vòng vài giây tôi dùng để băng qua đường nhằm bắt tay ông ta, tôi hiểu được nhiều điều hơn so với trong vòng toàn bộ đêm dành để hút tẩu đã qua. Tôi muốn nói rằng tôi thoáng thấy rằng những lời tâm sự của Clelia là một sự tự vệ ngoài ý thức trước sự thô thiển của Guido: thế mà đấy lại là một người không thể có giáo dục và ga lăng hơn. Guido ngồi sau vô lăng, nước da rám nắng và hồng hào, chìa tay và nhe răng chào tôi. Guido giàu có và trông giống loài bò. Clelia phản ứng lén lút; vậy là cô coi ông ta nghiêm túc và giống ông ta. Ai mà biết tôi sẽ còn nghĩ gì nữa nếu Guido không phá lên cười và buộc tôi phải nói. Tôi leo lên xe với ông ta và ông ta chở tôi tới quán cà phê nơi, vào giờ đó, luôn luôn có tất cả mọi người.

Trong khi họ nói về Mara, tôi hết sức bận tâm với việc xem xét ý của mình, và tự hỏi không biết Doro có nghĩ các nuối tiếc của Clelia có cùng nghĩa như tôi thấy không và làm sao lại có chuyện anh không thấy bực bội vì Clelia cũng không có bí mật với tôi. Đang như vậy, thì họ cũng đến và, ngay từ những lời đầu tiên, Guido đã bảo Clelia là khi băng ngang Genova, ông ta đã nghĩ tới cô. Clelia bảo ông ta có tâm trí thật lộn xộn. Đó là một câu nói đùa, nhưng chỉ nó đã đủ để khiến tôi nghi ngờ rằng, trong quá khứ, cô cũng từng nói với Guido những lời tâm sự về tuổi thơ của cô, và tôi thấy khó mà nuốt trôi được điều này.

Sau bữa tối, Guido đến với chúng tôi tại villa trong một dáng vẻ tiệc tùng nhất định, Ginetta chở chúng tôi trên xe của ông ta. Trong khi Doro và Guido nói chuyện với nhau về công việc của họ, tôi lắng nghe Clelia và Ginetta và nghĩ lại đến câu nói móc của Doro khi chúng tôi từ trên núi xuống: rằng đặc trưng của một người lấy vợ, ấy là sống với hơn một phụ nữ. Nhưng Ginetta có phải là một phụ nữ hay chăng? Nụ cười hờn dỗi của cô ta cùng khía cạnh nhiều sức xâm chiếm nơi một số trong các ý kiến của cô ta nói đúng hơn biến cô ta thành một đứa thiếu niên phi giới tính. Càng lúc tôi càng thấy ít hiểu hơn bằng cách nào mà Clelia lại có thể, hồi còn là thiếu nữ, giống được với cái cô Ginetta này. Ở cô ta có một vẻ trẻ con nhiều e dè, kìm nén, nhưng nó, đôi khi giải phóng toàn bộ cơ thể của cô ta. Chắc chắn cô ta sẽ không tâm sự với các bạn của mình, và thế nhưng, chừng người ta nhìn cô ta nói, người ta có cảm giác chẳng có gì bị che giấu ở cô ta. Cặp mắt màu ghi mà cô ta mở không chút khoa trương có sự trong suốt của không khí.

Họ nhắc đến một vụ xì căng đan nào tôi cũng chẳng rõ - tôi không còn nhớ rõ - nhưng tôi nhớ được là cô thiếu nữ không đồng ý và gọi với sang Doro, thế là ngắt ngang lời anh, và Clelia với rất nhiều dịu dàng tiếp tục nhắc lại rằng đó không phải là một vấn đề luân lý mà về gu tốt.

- Nhưng họ sẽ lấy nhau, Ginetta nói.

Đó không phải là một giải pháp, Clelia đáp lại, cưới nhau là một lựa chọn chứ không phải một phương thuốc, và là một lựa chọn cần phải được thực hiện hết sức bình tĩnh.

- Quỷ thật, đó hẳn phải là một lựa chọn, Guido nói. Sau tất tật các kinh nghiệm mà họ đã có.

Ginetta không mỉm cười và đáp lại rằng, nếu mục đích của hôn nhân là gia đình, thì tốt nhất là người ta nghĩ đến điều đó ngay lập tức.

- Nhưng mục đích không chỉ là gia đình, Doro nói. Đấy là nhằm chuẩn bị khí hậu cho một gia đình.

- Tốt hơn hết là có một đứa con mà không có khí hậu, còn hơn một khí hậu mà không có những đứa con, Ginetta phán. Nói đoạn, cô ta đỏ mặt và bắt gặp ánh mắt của tôi. Clelia đứng dậy để đi rót rượu cho chúng tôi.

Sau đó, chúng tôi chơi bài. Muộn trong đêm, Guido chở chúng tôi về nhà. Sau khi đã thả Ginetta xuống trước ga ra, chúng tôi đi bộ quay ngược về phía khách sạn. Tôi những muốn được đi dạo một mình, nhưng Guido, vốn dĩ suốt buổi tối đã ít nói năng và chơi với một sự lơ đãng nhiều gây hấn, bảo tôi đi cùng ông ta. Tôi lại nhắc đến Mara với ông ta. Guido hờ hững theo cuộc trò chuyện: Mara đã được giao cho những bàn tay đáng tin cậy và không gặp phải nguy hiểm. Khi chúng tôi đã tới trước khách sạn, ông ta vẫn tiếp tục đi thẳng.

Im lìm, chúng tôi đi đến lối vào cái ngõ của tôi và tôi dợm đứng lại. Guido đi thêm vài bước nữa và rồi ông ta ngoái đầu lại, vẻ ơ hờ.

- Người ta sẽ đợi anh thôi, ông ta nói. Cho nên đi tiếp tới ga nhé.

Tôi hỏi ai đang đợi tôi và Guido đáp, vẻ vô tư lự, rằng, trời ơi, dẫu sao thì tôi cũng phải có ai đó để bầu bạn với tôi chứ.

- Tôi chẳng có ai đâu, tôi đáp lại. Tôi độc thân và chỉ có một mình.

Thế là Guido lẩm bẩm gì đó, và rồi chúng tôi lại bước đi.

- Ai mà lại đi đợi tôi, tôi lại hỏi. Chắc hẳn là cái cậu con trai ở bãi biển?

- Không, không, professore, tôi đã muốn nói một mối quan hệ... một người bạn gái.

- Tại sao? Ông từng trông thấy tôi với ai à?

- Tôi không nói vậy. Nhưng dẫu sao thì cũng phải giải khuây theo một cách nào đó chứ.

- Tôi ở đây để nghỉ ngơi, tôi giải thích. Và sự giải khuây của tôi, ấy là ở một mình.

- Thế à, Guido nói, vẻ tư lự.

Chúng tôi đang ở trên quảng trường nhỏ, trước quán cà phê, thì tôi nói.

- Thế còn ông, ông có một người bạn gái chứ?

Guido ngẩng đầu lên.

- Có, ông ta nói, vẻ gây hấn. Có. Đâu phải ai cũng là thánh. Và cô ta khiến tôi tốn kém chết thôi.

- Tuy nhiên ông giấu cô thật khéo đấy, ingegnere, tôi kêu lên.

Guido mỉm cười sung sướng.

- Chính điều đó khiến tôi tốn kém đấy. Hai hóa đơn, hai ca bin, hai cái bàn. Tin tôi đi, một nữ tình nhân là người vợ đắt tiền hơn cả.

- Ông lấy vợ đi, tôi nói.

Guido nhe những cái răng vàng của mình ra.

- Hẳn đó sẽ luôn luôn là một khoản chi nhân đôi. Anh không biết phụ nữ. Một người bạn gái, chừng nào cô ta hy vọng, sẽ giữ yên lặng. Cô ta cần giành được mọi thứ. Nhưng một kẻ bất hạnh nào có vợ liền rơi vào tay cô ta.

- Vậy thì, lấy người bạn gái của ông đi.

- Anh đùa đấy à. Đó là những điều người ta chỉ làm lúc nào đã già.

Tôi chia tay ông ta trước khách sạn của ông ta, hứa với ông ra rằng, hôm sau, tôi sẽ làm quen với bạn gái của ông ta. Ông ta hăng hái bắt tay tôi. Trong lúc quay về, tôi nghĩ đến Berti, và tôi nhìn ra xung quanh, nhưng lần này, cậu không ở đó.

Hôm sau, sau khi đã trùng trình để viết cho tới muộn trong buổi sáng, tôi đi lang thang trên các phố, vẫn nghiền ngẫm các ý của buổi tối hôm trước, chúng, giờ đây, trong sự ồn ào và sáng sủa của ngày, hiện ra với tôi thật nhợt nhạt và không có sức nặng. Tôi muốn đến bãi biển khi tất tật họ đều đã ở đó.

Nhưng ở lối vào khu tắm, tôi thấy Guido, lần này mặc trên người cái pe nhoa màu hạt dẻ, ngay lập tức ông ta túm chặt lấy tôi và chúng tôi tiến về phía cái ô kia, như đã thỏa thuận. Lúc chúng tôi tới nơi, Guido nở nụ cười bộc phát và kêu lên: "Nina yêu quý. Sao mà em lại ngủ được? Cho phép anh..." và ông ta nói tên tôi. Tôi lướt nhẹ qua những ngón tay của bàn tay gầy guộc kia và, bị lóa mắt do sự khúc xạ và cái ô, chủ yếu tôi nhìn thấy cặp chân, dài và sạm nâu, cùng đôi xăng đan phức tạp kết thúc chúng. Bà ta đã ngồi lên trên cái ghế dài của mình và nhìn tôi bằng cặp mắt khô khốc và không màu giống cái giọng mà bà ta dùng để nói chuyện với Guido.

Chúng tôi nói dăm ba câu chuyện bâng quơ và tôi hỏi bà ta có bơi không; bà ta đáp là mình chỉ bơi vào quãng tối, trong nước ấm; bà ta đón nhận bằng những tiếng cười nho nhỏ nhiều câu châm chọc của tôi và lại chìa tay cho tôi khi tôi từ biệt, mời tôi quay lại. Guido ở lại đó.

Đến chỗ tảng đá, tôi trông thấy Berti, cậu, ngồi dựa lưng vào đá, đang cất tiếng nói chuyện với một cô bạn của Ginetta, mười sáu tuổi, và Doro thì, nằm giữa họ trên cát, để mặc họ với nhau. Clelia, vào giờ ấy, bơi ngoài biển.

VIII

Vào một trong những buổi sáng ấy, Doro giải thích với tôi tại sao anh lại chán vẽ. Anh đã nắm lấy cánh tay tôi và dần dà, chúng tôi đi xa khỏi làng, trên con đường lớn nhìn thẳng xuống biển.

- Nếu trẻ lại, anh bảo tôi, thì tôi sẽ chỉ vẽ thôi. Tôi sẽ chạy khỏi nhà, sập cửa lại, nhưng đó sẽ là một điều đã quyết.

Tôi thấy thích cuộc bỏ trốn đó, nhưng tôi nói với anh rằng, nếu vậy, hẳn anh sẽ không lấy Clelia. Doro cười, đáp rằng ấy là điều duy nhất anh đã không làm hỏng mất. Clelia, phải, là một thiên hướng đẹp. Nhưng, anh nói, cái khiến anh tức tối không phải là những bức tranh ngu ngốc kia, mà anh vẽ vào các khoảnh khắc hoang vu của mình, ấy là đã đánh mất sở thích cùng ham muốn nói đến biết bao nhiêu điều với tôi, cái đó thì đúng.

- Những điều nào?

Anh nhìn tôi chằm chằm đầy dữ dội, không đi ra xa, và khởi sự nói rằng, nếu tôi coi anh như vậy, thì anh sẽ không phàn nàn nữa, bởi cả tôi cũng đang già đi và hiển nhiên là tất cả mọi người đều thế cả.

- Có thể lắm, tôi đáp, nhưng nếu anh đánh mất ham muốn nói chuyện, thì tôi có liên quan gì đâu.

Tôi nhận thấy mình đang bực bội và vậy thì thật lố bịch, nhưng quả đúng là tôi cứ im và Doro thả tay tôi ra. Tôi nhìn biển ở bên dưới chúng tôi và một ý nảy ra trong óc tôi: thế nếu như các cãi cọ của họ, giữa Clelia và anh, cũng được tạo ra từ những thứ ngu xuẩn tương tự?

Nhưng Doro đã lại bắt đầu nói, bằng giọng vô tư lự của lúc trước và tôi hiểu là thậm chí anh đã không nhận ra tôi bực. Tôi thờ ơ trả lời anh, nhưng, bên trong tôi, niềm thù hận, cơn giận đích thực và chân thành, cứ lớn thêm lên.

- Anh vẫn chưa giải thích cho tôi tại sao anh lại cãi nhau với Clelia, rốt cuộc tôi nói.

Nhưng Doro lại lảng tránh. Thoạt tiên, anh không hiểu tôi đang nói đến chuyện gì, rồi anh liếc xéo tôi và nói:

- Anh vẫn còn nghĩ đến điều đó? Anh bướng bỉnh thật đấy. Chuyện ấy ngày nào mà chẳng xảy ra giữa các cặp vợ chồng.

Cùng hôm đó, tôi nói với Clelia, cô than phiền về một cuốn tiểu thuyết chán quá, rằng, trong trường hợp ấy, lỗi là của người đọc nó. Clelia ngẩng đầu lên và mỉm cười.

- Cùng một điều xảy tới với tất cả mọi người, cô nói. Các anh đến đây để nghỉ ngơi và trở nên láo xược.

- Ai cơ, tất cả mọi người?

- Cả Guido nữa. Nhưng ít nhất thì Guido cũng có cớ để biện minh, đó là ông ấy có một bạn gái gây phiền nhiễu. Anh thì không.

Tôi nhún vai, nhăn mặt tỏ vẻ xảo trá. Khi tôi bảo cô là tôi đã làm quen với người phụ nữ kia, Clelia ửng hồng mặt vì sung sướng và, vỗ tay, cầu khẩn tôi:

- Nói cho tôi đi, nói cho tôi đi. Bà ta như thế nào?

Tôi chỉ biết rằng Guido mơ hồ có ý trút bỏ bà ta, chẳng hạn bằng cách đẩy sang cho tôi. Tôi nói điều này bằng tông giọng nghiêm trang, nó khiến Clelia thấy thích và tôi thấy cô tỏ ra hết sức sung sướng.

- Ông ấy than là bà ta khiến ông ấy tốn kém kinh quá, tôi nói thêm. Mà tại sao ông ấy không lấy bà ta đi?

- Chỉ còn thiếu mỗi vậy thôi đấy, Clelia đáp. Nhưng bà ta ngu xuẩn lắm, cái người phụ nữ đó. Thật ma lanh khi để cho mình bị xếp vào một cái tủ tường như một cái hộp giày! Anh có thích bà ta không?

- Cho tới giờ, tôi mới nhìn thấy hai chân bà ta thôi. Đấy là ai? một nữ vũ công à?

- Một bà thu ngân, Clelia nói. Một mụ phù thủy mà tất cả mọi người đều quen ở Genova trước khi Guido rơi vào móng vuốt của bà ta.

- Thế thì tức là bà ta ma lanh.

- Với Guido thì cũng chẳng cần gì nhiều nhặn đâu, Clelia mỉm cười.

- Tôi thì tôi nghĩ rằng bà ta vào vai phụ nữ vâng lời nhằm bẫy ông ta chắc cú hơn. Thật là một dấu hiệu tốt những lúc một phụ nữ để cho mình bị xếp vào một cái tủ tường. Điều đó muốn nói rằng người đó đã tự coi mình đang ở nhà mình.

- Nếu anh cho đó là một dấu hiệu tốt, Clelia nhăn nhó đáp.

- Nhưng ông ấy có thể làm được gì tốt hơn so với lấy bà ta?

- Không, không, Clelia phẫn nộ. Nếu vậy thì tôi sẽ không tiếp ông ấy ở nhà tôi nữa đâu.

- Cô thích một kẻ cục súc như ông ấy lấy một Clelia hay một Ginetta hơn à?

Tôi lén nhìn cô xem cô có phản ứng không, nhưng từ "cục súc" không gây chú ý.

- Thật tồi tệ, Clelia nói, khi một cô thiếu nữ không có gì để tự vệ trước các anh. Họ thật đúng, những phụ nữ ấy, khi lừa các anh.

Đúng là, một buổi chiều, tôi được Guido ghé thăm ở ngay chỗ tôi ở. Ông ta hiện ra trên ngưỡng cửa với một tiếng cười khẽ đầy bối rối và nói mình không muốn làm phiền tôi trong lúc tôi đang đọc sách. Tôi bảo ông ta vào, đến lượt mình bị bối rối trước cái giường sắt nhỏ, và ngồi xuống gần cửa sổ. Ông ta dùng mũ để quạt và rồi nhờ tôi cáo lỗi với Doro và Clelia, bởi ông ta sẽ không thể đi xe ô tô tới đón chúng tôi được. Ông ta có hẹn.

Trên bãi biển, tối hôm đó, chúng tôi thả sức nói xấu Guido. Hăng hái hơn cả là những cô thiếu nữ thích được đi chơi. Berti, giờ đây đã được đón nhận và đi lại giữa chúng tôi, dường là người duy nhất thờ ơ. Tôi nghe thấy cậu đáp lại Ginetta rằng, rốt cuộc, người ta ra biển là để ở trong nước chứ không phải đi thăm thú các đền đài.

- Thế nào, tôi vừa nói vừa ngồi xuống cạnh cậu trên cát, cậu không còn nghĩ đến việc chúng ta đọc sách cùng nhau nữa à?

- Có chứ, cậu đáp.

- Và kể cả là với các cô gái trẻ này.

Cậu nhìn tôi, vẻ khó chịu. "Tôi?" cậu hỏi. Quả thật là, ngồi đó bên dưới tảng đá, trông cậu có vẻ buồn chán. Và trước đó, những khi tôi gặp cậu, cậu đối xử đầy trịch thượng và đầy do dự trước tất tật họ.

- Cậu sẽ không nói với tôi rằng cả chúng tôi cũng khiến cậu kinh tởm đấy nhé. Chính cậu đã đến tìm chúng tôi.

Berti mỉm cười. Ginetta, đang chỉnh lại cái mũ trùm đầu để chuẩn bị bơi, đi ngang qua trước mặt chúng tôi. Nhìn cô, vốn dĩ tôi đang ngồi, chậm chạp vừa tiến lên vừa kéo mũ xuống che tai, tôi thấy dường cô cao lớn hơn, nhiều vẻ phụ nữ hơn. Berti nhìn hai đầu gối cô và gầm gừ:

- Bọn họ khiến tôi thấy phát bực. Người ta không thể hiểu nổi một cô thiếu nữ nghĩa là như thế nào.

Doro hiện ra trước chúng tôi và làm ra vẻ sắp gieo mình xuống cát.

- Cậu đây là học sinh của tôi, tôi nói với anh. Tôi giới thiệu họ với nhau. Quỳ gối lên, họ khẽ bắt tay nhau.

Rồi Doro bắt đầu trò chuyện với tôi về một điều vớ vẩn nào đó, chúng tôi rơi vào một tâm trạng kỳ quặc và đột ngột mà vốn dĩ chúng tôi vẫn hay có hồi còn là sinh viên. Hiển nhiên là Berti như không có mặt. Một mặt, tôi lắng nghe Doro và, mặt khác, tôi để mắt đến cậu thanh niên của mình.

Cậu thẳng thừng hỏi:

- Ông sẽ ở lại đây lâu chứ, ingegnere?

Doro nhìn xéo chúng tôi, không đáp gì. Berti chờ, khuôn mặt cậu đỏ lựng dẫu đã bị mặt trời nướng chín. Sau một hồi im lặng thật dài, rốt cuộc tôi nói là tôi sẽ đi vào cuối tháng Tám. Nhưng Doro, bất di bất dịch, vẫn không mở miệng. Cả ba chúng tôi nhìn biển nơi Ginetta đang bước xuống vào đúng lúc ấy và từ đó, bất thình lình, Clelia trồi lên. Chúng tôi để cho cô tiến lại gần và tôi không biết mình có nên mỉm cười hay chăng. Cô nhăn mặt với chúng tôi vì một chân của cô bị trượt trên đám sỏi.

- Các anh có thể xuống đó rồi, biển thuộc về các anh, cô hét lên với chúng tôi, huơ tay, và tiến về phía cái ô to. Doro đã đứng dậy.

- Chúng ta đi vài bước chứ? anh hỏi tôi.

Đến lượt mình tôi cũng đứng dậy, gần như không nhìn sang Berti. Lấy dáng vẻ khắc kỷ, cậu tiếp tục chằm chằm ngắm chân trời.

Một lúc sau, đã hóng mát và nghỉ ngơi, chúng tôi ngồi quanh cái ô, và Clelia hút thuốc lá, còn tôi thì hút tẩu.

- Có ai biết Berti đâu rồi không? tôi hỏi.

Doro không nhúc nhích. Nằm giữa chúng tôi, anh nhìn lên trời.

- Các anh đúng là bạn bè đấy, Clelia nói, không thể tách rời khỏi nhau.

- Tôi được dùng làm bình phong cho các mối tình của cậu ta, tôi đáp. Có một người phụ nữ hẳn sẽ ghen tuông lắm nếu tôi không làm thế.

Clelia thích những chuyện như vậy và tôi phải kể cho cô toàn bộ chuyện cùng cuộc trò chuyện của chúng tôi tại quán ăn. Doro, không nói gì, vẫn tiếp tục ngắm bầu trời.

IX

Tôi gặp lại Berti, mặt mày cau có, ở quán. Thấy rõ là cậu bước vào vì chẳng có gì để làm. Cậu bảo tôi là cậu muốn đến gặp tôi trong buổi chiều để đọc gì đó với tôi.

- Cậu không còn thích các cô gái trẻ nữa à? tôi hỏi.

- Ai cơ?... Tôi ghét họ, cậu đáp.

- Dẫu thế nào thì cậu cũng sẽ không nói là cậu tìm cách lại gần ingegnere đấy chứ?

Cậu hỏi tôi Doro có thực sự là bạn của tôi không. Tôi trả lời cậu rằng đúng vậy, rằng anh và vợ của anh là những người bạn thân nhất mà tôi có.

- Vợ ông ấy?

Cậu không biết Clelia là vợ của Doro. Cặp mắt của cậu ánh lên. "Thật à?" cậu nhắc lại và cụp mắt xuống với biểu hiện trơ khấc của buồn chán, vốn dĩ đó là biểu hiện nghiêm túc của cậu.

- Thế cậu tưởng gì nào? tôi lầm bầm. Rằng đó là một nữ vũ công à?

Berti nghịch khăn trải bàn và để mặc cho tôi nói. Rồi cậu ngẩng về phía tôi cặp mắt ngời sáng, ngây thơ, nói ngắn gọn, cặp mắt chàng trai trẻ của cậu, và cậu lại hỏi tôi chiều nay cậu có thể lên nhà tôi không.

- Sẽ không có ai đến gặp ông chứ? cậu hỏi.

Hiển nhiên là cậu đang nghĩ tới Clelia.

- Thế nào cơ? tôi hỏi cậu. Cậu ghét phụ nữ, thế mà mặt cậu lại đỏ lựng lên khi nghĩ đến họ?

Berti đáp lại bằng một điều ngớ ngẩn nào đó và rồi chúng tôi im lặng và, rốt cuộc, chúng tôi đứng dậy. Ngoài phố, cậu im lìm, nhưng cậu trả lời đầy sôi nổi, với dáng vẻ của một người nói lung tung vì đang nghĩ đến một điều gì đó cụ thể. Tôi dừng lại dưới gốc cây ô liu để trò chuyện một lúc với bà chủ nhà, còn cậu thì đợi tôi dưới cầu thang nhỏ, chằm chằm nhìn và vuốt ve thứ đá nhẵn dùng làm lan can, một nụ cười vừa dịu dàng vừa khinh thị nở trên môi.

- Lên đi, tôi bảo cậu, tiến lại gần.

Lúc chúng tôi đã lên trên, cậu đi ra cửa sổ và, dựa lưng vào đó, cậu nhìn tôi lăng xăng trong phòng.

- Professore, tôi sung sướng lắm, đột nhiên cậu nói, trong khi, quay lưng lại cậu, tôi súc miệng.

Tôi hỏi tại sao và cậu phác một cử chỉ đáp lại tôi, như để nói: "Vậy thôi."

Cả chiều hôm đó, chúng tôi cũng không đọc sách.

Cậu khởi sự giải thích với tôi rằng, thỉnh thoảng, cậu nảy ra ham muốn làm việc, một dạng nhiệt hứng lớn, một ham muốn làm cái gì đó, không phải học, mà là có được một vị thế nhiều trách nhiệm, một điều gì đó gây mệt nhưng có cái để vã hết sức ngày đêm, nhằm trở nên một người đàn ông giống chúng tôi, giống tôi.

- Thế thì, làm việc đi, tôi bảo cậu. Cậu còn trẻ; tôi thì, nếu ở vào chỗ của cậu...

Cậu bèn nói với tôi rằng cậu không hiểu tại sao người ta lại cứ nói vống lên về tuổi trẻ như vậy; cậu thì chỉ muốn mình đã ba mươi tuổi - xong luôn - những năm trung gian này ngu xuẩn quá.

- Nhưng tất tật các năm đều ngu xuẩn cả. Chỉ chừng nào đã qua rồi thì chúng mới trở nên hấp dẫn thôi.

Không, Berti đáp, cậu thực sự không tìm được gì hấp dẫn ở tuổi mười lăm hay mười bảy của mình; cậu sung sướng vì đã vượt qua chúng.

Tôi giải thích cho cậu rằng tuổi của cậu đẹp là vì các trò xuẩn chẳng đáng quan tâm và như vậy chính là vì lý do mà cậu không thích: người ta chỉ coi ta như lũ nhóc.

Cậu mỉm cười nhìn tôi.

- Thế thì, những gì tôi đang làm đây không phải các trò xuẩn?

- Cũng còn tùy, tôi đáp. Nếu cậu gây phiền phức cho các bạn tôi, thì chắc chắn đó sẽ là một trò xuẩn, lại còn là một sự thô lỗ nữa.

- Tôi chẳng gây phiền phức cho ai, cậu phản đối.

- Ta sẽ xem.

Cậu thú nhận với tôi, trong cuộc trò chuyện mà chúng tôi tiếp tục có với nhau, rằng hết sức ngu ngốc cậu đã tưởng người phụ nữ trẻ tuổi kia là bạn gái của người bạn tôi và việc biết rằng ngược lại cô là vợ của anh đã khiến cậu sung sướng, bởi cậu thấy hết sức đáng bực chuyện đám phụ nữ, lấy cái cớ bọn họ là phụ nữ, bán mình cho bất kỳ kẻ nào ra giá.

- Có những ngày tôi thấy thế giới và cuộc đời dường như là một nhà thổ rộng lớn.

Đúng lúc đó, cậu bị ngắt ngang bởi một giọng chua loét, mà tôi biết rõ, một giọng phụ nữ cáu kỉnh vẳng lên từ dưới phố, đáp trả giọng bà chủ nhà của chúng tôi. Chúng tôi nhìn vào mặt nhau. Berti im bặt và cụp mắt xuống. Tôi hiểu rằng đó là người phụ nữ ở bãi biển, nữ tình nhân lông bông của cậu. Berti không nhúc nhích.

Bà chủ nhà của chúng tôi nói:

- Tôi chẳng biết gì đâu, cậu ấy không có nhà.

Người kia hét lên những lời thô bỉ, khẳng định rằng đã không ai tỏ ra thiếu tôn trọng bà ta và rằng nước thánh cũng không đủ để rửa mặt.

Khi bọn họ đã im và ai đó đi xa dần, tôi chờ cho Berti nói, nhưng Berti nhìn mông lung, một biểu hiện cứng rắn và lơ đãng trên mặt, và cứ im lìm.

Tôi bảo cậu, khi cậu đi, phải làm sao để dạng chuyện này không tái diễn. Tôi không để cậu đáp lại, đóng luôn cửa vào.

Chiều tối hôm ấy, cậu không đến chỗ tảng đá. Guido thì tới đó, vừa đi vừa lau mồ hôi trên người. Clelia hỏi ông ta, giọng nhạo báng, khi nào thì chúng tôi sẽ quay lại trên cao kia để khiêu vũ.

- Anh nghe thấy chưa? ông ta hỏi Doro. Vợ anh muốn nhảy đấy.

- Tôi thì không, Doro đáp.

Clelia đang kể với tôi về một loggia nhỏ thuộc cung điện cũ của ông chú cô, nó quay trở lại trong ký ức cô tối hôm ấy và giờ đây cô muốn được ở đó. Guido lắng nghe cô một hồi và rồi ông ta nói rằng tôi đúng là người cần thiết để coi trọng các giọng nói của quá khứ kia.

Clelia mỉm cười, cấm khẩu, và trả lời ông ta rằng những lời về hiện tại thì cô đợi từ ông ta. Chúng tôi nhìn Guido, ông ta nháy mắt - về phía tôi, tôi nghĩ vậy - và đáp lại Clelia rằng ít nhất thì cô cũng phải kể cho chúng tôi chuyện gì đó hấp dẫn - vũ hội đầu tiên của cô - vũ hội đầu tiên của một phụ nữ thì luôn luôn đầy sự bất ngờ.

- Không, không, Clelia đáp, chúng tôi muốn ông kể về vũ hội đầu tiên của ông cơ. Hay thậm chí là vũ hội cuối cùng, vũ hội tối hôm qua ấy.

Doro đứng dậy và nói:

- Chừng mực nào. Tôi đi bơi đây.

- Phải, tôi nói. Người ta luôn luôn nói về vũ hội đầu tiên của các cô thiếu nữ. Thế còn vũ hội đầu tiên của đám thanh niên trẻ tuổi thì sao? Chuyện gì xảy đến với những Guido tương lai vào cái lần đầu tiên họ ôm một cô thiếu nữ?

- Không có lần đầu tiên đâu, Clelia nói. Những Guido tương lai đã không bắt đầu vào một ngày nào đó. Họ đã làm điều này từ trước khi sinh ra.

Chúng tôi cứ tiếp tục như vậy cho tới lúc Doro quay về. Clelia thích những lời nói đùa nhiều gây hấn đó và cô trộn vào đó một dạng ẩn ý đầy quyến rũ, một sự ma mãnh mà - có lẽ tôi nhầm - không phải lúc nào Guido cũng nhận ra. Hay nói đúng hơn, ông ta có vẻ lĩnh lấy chúng trong lúc nghĩ đến điều gì đó khác, nhưng sự vui thú đầy khinh thị với đó ông ta dự phần vào trò chơi ấy khiến tôi mỉm cười.

- Trông hai người cứ như vợ chồng, tôi nói.

- Thô bỉ, Clelia nói.

- Với một phụ nữ như Clelia thì người ta có thể làm gì khác ngoài đùa cợt chăng? Guido hỏi.

- Chỉ có mỗi một người đàn ông mà cô ấy không đem ra đùa cợt thôi, tới lượt mình tôi nói.

- Dĩ nhiên rồi, Clelia đáp.

Doro quay trở lại và ném mình xuống cát, trong những tia nắng cuối cùng. Sau một lúc, Guido đứng dậy và bảo chúng tôi là ông ta đến chỗ quầy bar. Ông ta đi xa dần giữa các thanh chống dù gập lại cùng những va chạm và ồn lên của sự qua lại buổi chiều muộn. Cách một quãng, Ginetta và các thanh niên khác ồn ào chào hỏi một chiếc thuyền đi tới. Ba chúng tôi thì im lặng; tôi lắng nghe những tiếng ồn sượng đục cùng các giọng nói bị dìm khuất đi.

- Cô có biết, Clelia, đột nhiên tôi nói, là khi thấy cô, cậu học sinh của tôi đã quyết định sống khác đi không?

Doro ngẩng đầu lên. Clelia mở to mắt.

- Cậu ta đã từ bỏ người tình của mình và nói xấu tất tật phụ nữ. Đấy là một dấu hiệu không sai được.

- Cám ơn, Clelia thì thầm.

Doro lại nằm ra.

- Vì đang có mặt Doro, tôi nói tiếp, tôi có thể thậm chí nói điều đó. Cậu ta yêu cô.

Clelia mỉm cười không nhúc nhích.

- Tôi rất tiếc cho người phụ nữ kia... Tôi có thể làm gì không?

Tôi mỉm cười dẫu không muốn.

- Khi có ngần ấy cô gái trẻ chẳng đòi gì hơn, Clelia nói, vậy thì thật đáng bực.

- Tại sao lại thế? tôi hỏi. Cậu ta sung sướng. Cậu ta sung sướng hơn chúng ta. Cần phải nhìn thấy cậu ta vuốt ve đám cây và mơ mộng.

- Nếu cậu ấy nghĩ chuyện là như vậy, Clelia nói.

Doro ngoái đầu lại trên cát.

- Ồ, đủ rồi, anh nói.

Chúng tôi bảo anh im đi vì chuyện không liên quan gì đến anh. Trong chốc lát Clelia nhìn xuống cát chẳng nói năng gì.

- Nhưng có đúng thế không? đột nhiên cô hỏi.

Tôi cười, đảm bảo với cô.

- Cái đồ ngốc đó thấy gì ở tôi? cô bèn hỏi. Cô nhìn tôi, vẻ nghi ngờ. Tất tật các anh đều thật ngốc, cô nói.

Tôi nhắc lại với cô một lần nữa rằng cậu học sinh của tôi thấy sung sướng và chỉ điều đó thôi đã là đủ rồi, và rằng, về phần mình, hẳn tôi sẽ chấp nhận mình ngu ngốc với cái giá ấy.

Thế là, Clelia mỉm cười, nói:

- Đúng vậy. Cũng như hồi tôi còn ở loggia và thay vì học tôi lại ném các viên giấy vào gáy những người đi ngang qua. Một lần có một ông đã đợi tôi ở dưới và dọa tôi sợ phát khiếp. Ông ta muốn biết tôi đã viết gì cho ông ta. Đấy là một bài học tiếng Latin.

Doro cười, nằm dài ra trên cát.

- Và cái ông đó là Guido, tôi nói.

Clelia dõi thẳng ánh mắt vào giữa mặt tôi.

Tôi có gì chống lại Guido thế, cô hỏi tôi. Tôi bối rối hết mức.

- Tôi biết ông ta mà, tôi bảo cô.

- Guido không làm những việc như thế đâu, Clelia nói. Guido tôn trọng các phụ nữ tốt.

X

Guido mời tôi, với rất nhiều cẩn trọng, đi cùng ông ta lên phía trên bằng ô tô, một tối nọ.

- Sẽ có Nina. Anh muốn vậy mà, đúng không? Bằng khóe mắt, ông ta liếc nhìn Berti, cậu nán lại đằng sau cách vài bước để cho chúng tôi nói chuyện với nhau, và ném cho tôi một ánh mắt tra hỏi. Tôi hỏi ông ta có dẫn theo Berti được không, đó là một thanh niên táo tợn lắm và biết nhảy nữa, hơn tôi nhiều. Guido nhíu mày và nói: "Tất nhiên." Thế là, tôi giới thiệu họ với nhau.

Ấy là một buổi tối của các quãng lặng. Berti đã tưởng sẽ gặp lại Clelia và, thay vì đó, cậu phải nhảy với Nina, bà ta nhìn chằm chằm vào mặt cậu làm cậu không nói được lời nào; chúng tôi, ngồi ở bàn, chúng tôi im lặng và đưa mắt dõi theo các cặp. Không phải Guido muốn trút bỏ Nina: điều đó, ông ta nói với tôi đầy vô tư lự, đối với tôi như thể là một lời tâm sự:

- Tôi đã ở cái tuổi, professore, nơi người ta không còn có thể thay đổi cuộc đời nữa, nhưng nếu Nina muốn giải trí, tìm một chỗ, một bầu bạn mà bà ấy thích, thì tôi thấy là rất ổn.

- Chỉ cần nói với bà ấy điều đó thôi.

- Không, Guido đáp. Bà ấy cảm thấy cô đơn. Anh hiểu đấy, đàn ông thì còn có bạn bè, các mối quan hệ cần giữ. Anh ta không thể lúc nào cũng dành hết thời gian cho bà ấy được.

- Một cuộc giải thích thẳng thắn với nhau chẳng phải sẽ là tốt hơn à? tôi gợi ý.

- Với những phụ nữ khác thì được, nhưng không phải là với bà ấy. Một bạn gái, một bạn gái lâu năm, anh hiểu chứ... một phụ nữ nhiều đòi hỏi, anh thấy tôi định nói gì chứ?

Sau đó, Nina thỉnh thoảng nhảy cùng ông ta, còn Berti thì hút thuốc lá ở bàn của chúng tôi, vừa hút vừa nhìn ra xung quanh. Cậu hỏi tôi quý bà kia có phải là vợ của Guido không.

- Không phải đâu, tôi đáp. Bà ấy thuộc về cái thế giới mà cậu tưởng tượng đấy. Cậu tìm ai thế?

- Không.

- Các bạn tôi sẽ không tới đâu. Khi có người phụ nữ kia, thì họ không tới.

Đêm hôm ấy, ở chỗ cái cầu thang nhỏ bên dưới cây ô liu, tôi hỏi cậu có thích Nina không và, trước vẻ mặt nhăn nhó của cậu, tôi đáp lại rằng cậu cũng sẽ khiến Guido rất vui sướng nếu để tâm một chút tới bà ta.

- Nhưng nếu ông ta chán bà ta rồi, thì tại sao lại không bỏ phắt bà ta đi? Berti hỏi.

- Thử hỏi ông ấy xem, tôi nói.

Berti không hỏi và, thay vì đó, buổi tối tiếp theo, vì nghe lỏm được là chúng tôi sẽ lên đó nhảy, với Clelia và Guido, cậu cuốc bộ đến sàn dancing - và tôi không biết thậm chí cậu có ăn tối từ trước hay không. Chúng tôi trông thấy cậu, tiến lên giữa những cái bàn, ngồi vào trong góc. Một cốc rượu để trước mặt cậu và cậu ném điếu thuốc đi. Nhưng cậu không nhúc nhích.

Vì tình cờ, Ginetta không có mặt trong nhóm. Đối với tôi, giờ đây có cảm giác đọc được trong suy nghĩ của cậu, hiển nhiên là cậu đã tính tới hiện diện của Ginetta nhằm bắt đầu nhảy. Guido, sôi động hẳn lên với buổi tối được tự do đó, nhìn ra xung quanh đầy sung sướng và lơ đãng ra hiệu với cậu. Berti đứng dậy và đi về phía chúng tôi. Tôi nhìn chằm chằm xuống đất: tôi cảm thấy hèn nhát.

- Bà có khỏe không? Berti hỏi.

Sự lúng túng của tất tật chúng tôi được phá vỡ bởi một tiếng cười nho nhỏ mà Clelia không thể kìm được. Thế là, Guido bèn đáp:

- Tất cả chúng tôi đều khỏe cả, bằng tông giọng và với một cử chỉ mơ hồ, chúng làm tất tật chúng tôi mỉm cười, trừ Berti, mặt cậu đỏ lựng lên. Cậu ở đó nhìn chúng tôi một lúc và tôi, không tài nào kháng cự nổi, tôi vừa nói vừa liếc nhìn sang Clelia:

- Đây là Berti lừng danh.

Doro, vẻ chán ngán, ra hiệu bảo cậu ngồi xuống, lầm bầm:

- Ở lại với chúng tôi nhé.

Lẽ dĩ nhiên, tôi phải chăm lo cho cậu. Ngồi ở gờ cái ghế của mình, cậu kiên nhẫn liếc nhìn chúng tôi. Tôi hỏi cậu làm gì một mình ở đây, và Berti trả lời bằng một cú nhăn mặt, run lên, như thể cậu đang nghe dàn nhạc chơi.

- Bạn tôi bảo cậu đã bỏ học, Doro đột nhiên nói. Cậu làm gì? Cậu làm việc à?

- Tôi đang thất nghiệp, Berti đáp, có chút hung hăng.

- Bạn tôi bảo là cậu đang vui vẻ lắm, Doro nói tiếp, không lắng nghe cậu nói. Cậu ở với ai à?

Berti chỉ đáp gọn lỏn là không. Tất tật chúng tôi im lặng. Clelia, đang xoay nửa mặt về phía dàn nhạc, ngoái đầu lại nói:

- Cậu có muốn nhảy không, Berti?

Tôi thấy biết ơn cô vì câu nói ấy. Berti có thể nhìn cô chăm chăm và gật đầu.

- Thật tiếc vì Ginetta và Luisella không đến, Clelia nói. Cậu quen họ, có phải không? Không rời mắt khỏi cô, Berti đáp là cậu quen họ. Còn tôi, thì cậu không muốn nhảy cùng à? Clelia hỏi.

Trong khi họ đi xa dần, không ai trong số chúng tôi làm gì. Guido náo động lên để nhặt một cái thìa nhỏ và trong khoảng thời gian ấy ánh mắt tôi giao với ánh mắt của Doro. Tôi nghĩ hẳn anh đọc được trên mặt tôi một câu hỏi lo lắng, bởi, trong lúc tôi, đầy bối rối, sắp nhìn đi chỗ khác, tôi thấy anh nhướng mày và mỉm cười rất tươi.

- Chuyện gì thế? Guido vừa nhỏm người lên vừa hỏi.

Clelia và Berti quay lại gần như ngay lập tức. Tôi không biết có phải dàn nhạc chơi ít nhạc hơn thường lệ hay vì tôi đã bị lãng trí bởi nỗi lo lắng của mình. Vậy là họ quay về, và Clelia nói gì đó, tôi không còn nhớ, những gì hẳn cô có thể nói khi bước từ một chiếc taxi xuống. Berti đi theo sát cô như một cái bóng.

Trong buổi tối, họ còn nhảy cùng nhau thêm một lần nữa. Tôi nghĩ rằng chính Clelia là người khích lệ cậu bằng một ánh mắt. Berti chẳng nói chẳng rằng đứng dậy và đợi Clelia tiến lại, gần như không nhìn cô. Trong những khoảnh khắc tôi ngồi ở bàn, lúc thì với Doro khi lại với Guido, có những khi một trong số chúng tôi nói chuyện với Berti và cậu đáp lại đầy vẻ trịch thượng, bằng toàn các từ đơn nhát gừng. Guido nhảy rất nhiều với Clelia và ông ta quay về bàn với cặp mắt sáng lấp lánh. Sau đó, trong một quãng, tất tật chúng tôi ngồi bên bàn, chuyện gẫu với nhau. Berti cố không nhìn Clelia quá nhiều và có dáng vẻ buồn chán và bị dàn nhạc thu hút. Cậu không nói. Lúc đó Guido hỏi cậu:

- Năm nay cậu có phải thi lại không?

- Không, Berti bình thản ấp úng.

- Vì cậu có bộ mặt của một kẻ phải thi lại chứ không phải của người có học vấn cao.

Berti nở nụ cười ngu độn. Clelia cũng mỉm cười. Doro không nhúc nhích. Các giây trôi đi và không ai nói gì. Guido thì liếc xéo về phía chúng tôi và còn lẩm bẩm điều gì đó nữa. Nhiều sỉ nhục hơn cả là cú gần như nhăn mặt mà ông ta hướng vào Berti. Như thể ông ta muốn nói:

- Thế là xong việc rồi nhé. Khỏi cần phải nghĩ đến nữa.

Berti không nói gì. Cậu lại mỉm cười mơ hồ. Đột nhiên, Clelia nói:

- Cậu muốn nhảy không?

Tôi ngẩng đầu lên. Berti vừa đứng dậy.

Chỉ một mình Clelia quay về bàn, bình thản đưa tay chào một ai đó mà cô quen. Cô ngồi xuống, mặt nhăn nhó và vẻ mệt mỏi, gần như đang hờn dỗi, và chẳng hề nhìn chúng tôi, lầm bầm:

- Tôi hy vọng giờ thì các anh sẽ hay ho hơn.

Những người bạn, đúng lúc đó đi ra từ bóng tối lờ mờ, đến rất đúng lúc để giải khuây cho chúng tôi.

Lên xe trở lại, Clelia trả lời một dạng tra hỏi của tôi rằng, trong lúc nhảy, Berti không nói lời nào. Ngược lại, Guido có rất nhiều điều để nói vào lúc, chỉ còn lại chúng tôi, chúng tôi uống một cốc cuối cùng ở quán bar. Ông ta giải thích với tôi rằng ông ta không chịu được đám thanh niên và ông ta không thể cho phép bọn họ làm ra vẻ dạy dỗ ông ta.

- Thế nhưng họ cũng phải sống chứ, tôi nói, và kinh nghiệm sẽ dạy cho họ thôi.

- Bọn họ cần phải bắt đầu bằng cách đi qua chỗ mà chúng ta đã qua, Guido bướng bỉnh đáp lại.

Nina đợi ông ta ở quầy bar. Tôi không ngạc nhiên về điều này. Bà ta ngồi trước một cái bàn nhỏ và thấp, tay chống cằm, và dõi mắt nhìn khói tỏa ra từ điếu thuốc lá của mình. Bà gật đầu chào chúng tôi và, trong khi Guido ra công toa gọi đồ, bà hỏi tôi bằng cái giọng ráp và nhiều biến âm của mình, không dịch chuyển tay, tại sao không thường thấy tôi đâu.

- Thế còn tối qua? tôi hỏi.

- Anh không nhảy, anh không tắm nắng, anh ăn một mình: tại sao anh không đến với chúng tôi? Ồ, các bạn của Guido! Nhưng người phụ nữ kia có gì để mà quyến rũ tất cả các anh như thế? Anh sẽ không nói với tôi là anh chỉ giao du với ingegnere đấy nhé.

- Tôi không nói gì, tôi ấp úng.

Trời ấm, đêm hôm ấy, và thật tệ nếu về nhà. Ai mà biết Berti có đang chờ sẵn tôi ở dưới cầu thang hay chăng. Có khả năng là cậu đã ra bãi biển ngồi để tiêu hóa sự láo xược phải nhận. Tôi chẳng hề thấy muốn gặp cậu. Lúc trở về phòng mình, tôi nán lại một hồi lâu bên cửa sổ.

Hôm sau, Berti gọi tôi từ bên dưới. Ngõ của chúng tôi vẫn hoàn toàn nằm trong bóng tối. Cậu hét lên với tôi hỏi có muốn đi bơi với cậu không. Cậu im lặng một lúc và rồi hỏi mình có thể lên nhà không. Cậu đi vào bằng bước chân nhiều gây hấn, cặp mắt thì long lanh và mệt mỏi.

- Cậu nghĩ sớm thế này mà được à? tôi hỏi.

Cậu có vẻ đã không hề ngủ và thêm nữa cậu nói với tôi điều đó ngay tắp lự, bằng tông giọng hờ hững. Thậm chí cậu còn có vẻ lấy đó để tự tán dương.

- Đi bơi đi, professore, cậu nằn nì. Không có ai đâu.

Tôi phải viết một bức thư.

- Professore, cậu nói với tôi sau một quãng im lặng ngắn, chỉ cần biến đêm thành ngày là được. Mọi sự liền trở nên rất đẹp.

Tôi ngẩng đầu lên khỏi tờ giấy của mình.

- Ở tuổi của cậu, các nỗi sầu muộn nhẹ lắm.

Berti mỉm cười, có chút cứng rắn.

- Tại sao tôi lại phải sầu muộn cơ chứ? Cậu nhìn ngược lên tôi.

- Tôi cứ tưởng là cậu đã cãi cọ..., tôi nói.

- Với ai? cậu ngắt lời tôi.

- Nếu thế thì mọi việc đều ổn, tôi lầm bầm.

- Ta đi bơi đi, professore, Berti nói. Biển rộng lắm.

XI

Tôi bảo cậu là tôi sẽ ra biển, muộn hơn, với các bạn tôi và cậu phải để cho tôi yên. Cậu bỏ đi với, trên khuôn mặt, biểu hiện của cậu, vừa trang nghiêm vừa buồn chán, và ngay tức thì tôi thấy tiếc vì đã đối xử như vậy với cậu. Nhưng kệ thôi, tôi kết luận, cậu cứ đi mà học lấy đau thương. Còn tôi, tôi đã học rồi.

Ở quán bar, tôi gặp Guido. Ông ta vẫn mặc cái áo sơ mi thường lệ phanh cổ cùng một cái quần trắng; và nam tính giả tạo nơi sự rám nắng của làn da ông khiến tôi mỉm cười. Guido mỉm cười chìa tay cho tôi và ngẩng đầu về phía những mái nhà, vẻ vừa bặm trợn vừa nghiêm khắc.

- Hôm nay trời đẹp quá, ông nói. Bầu trời và buổi sáng thực sự gây hứng khởi. Uống một cốc marsala đi, professore, Đêm qua thật là, hử? Ông ta nháy mắt, tôi không biết tại sao, và ông ta không để cho tôi đi. Thế Clelia xinh đẹp đang làm gì? ông hỏi.

- Tôi vừa từ nhà ra đây.

- Lúc nào cũng thật thánh thiện, professore.

Chúng tôi lên đường. Ông ta hỏi tôi có còn ở biển lâu không.

- Tôi bắt đầu thấy chán rồi, tôi đáp. Quá nhiều sự phức tạp.

Guido không nghe tôi nói, hoặc có lẽ không hiểu tôi.

- Anh chỉ có một mình, anh ấy, ông ta nói.

- Tôi có bạn bè mà.

- Vậy thì không đủ. Cả tôi nữa, tôi có cùng các bạn bè, nhưng hẳn sáng nay tôi sẽ không khỏe khoắn được như thế này nếu đã ngủ trên một cái giường chỉ có một chỗ.

Vì tôi im lặng, ông ta giải thích với tôi rằng ở gần Clelia thì ông ta cũng thích, nhưng mùi thịt rô ti thì không phải là món thịt rô ti.

- Thế món rô ti là gì?

Guido phá lên cười.

- Có những phụ nữ bằng da thịt, ông ta nói, và những phụ nữ bằng không khí. Một bụm không khí sau bữa ăn thì rất dễ chịu. Nhưng trước đó phải ăn cái đã.

Sự thật là, tôi bảo ông ta, tôi ở biển là vì Doro.

- Nhân tiện, tôi nói, anh ấy không vẽ nữa.

- Cũng tới lúc rồi đấy, Guido đáp.

Nhưng, sáng hôm đó, cả Clelia lẫn Doro đều không ra bãi biển. Ginetta cũng như những người khác không biết tin tức gì. Đến trưa, tôi thấy sốt ruột và, tận dụng việc người ta bàn nhau đi chơi bằng thuyền, tôi về nhà mặc quần áo và đi lên villa. Trên phố, chẳng có ai.

Tôi đang tiến lại gần rào sắt thì Doro đi ra lối đi rải sỏi cùng một người đàn ông lớn tuổi tay cầm can và đội mũ rơm, ông ta đường bệ đi ra phố và lắng nghe chẳng rõ điều gì, đáp lại bằng những cú gật đầu. Lúc chỉ còn lại chúng tôi, Doro nhìn tôi với cặp mắt lo lắng theo lối rất hài.

- Có chuyện gì thế? tôi hỏi.

- Chuyện là Clelia có thai rồi.

Trước khi chúc mừng anh, tôi chờ Doro cho tôi cơ hội làm việc ấy. Chúng tôi đi ngược lối đi nhỏ về phía bậc tam cấp. Doro có vẻ thấy khó mà tin nổi và hết sức vui sướng.

- Nhìn chung, anh hài lòng, tôi bảo anh.

- Trước hết tôi muốn xem chuyện sẽ kết thúc như thế nào, anh gầm gừ. Đây là lần đầu tiên chuyện đó xảy tới với tôi.

Clelia, khi ấy đi ra từ phòng mình, hỏi ai đấy. Cô mỉm cười với tôi, gần như có vẻ đang xin lỗi, và đưa khăn mùi soa của mình lên miệng.

- Anh không thấy kinh tởm tôi đấy chứ? cô hỏi

Rồi chúng tôi nói chuyện về ông bác sĩ kia, ông ta đã nói rất nhiều về trách nhiệm và muốn quay trở lại cùng các dụng cụ nào chẳng rõ để thực hiện một chẩn đoán khoa học.

- Sao mà ông ta điên thế, Clelia nói.

- Không đâu! Doro nói thật to. Hôm nay, chúng ta sẽ đi tàu hỏa đến Genova. Cần phải để De Luca khám cho em mới được.

Clelia nhìn tôi, vẻ nhẫn nhục.

- Anh thấy đấy, cô nói. Tình cha con đã bắt đầu rồi. Anh ấy là người chỉ huy.

Tôi nói là mình thấy tiếc vì cô phải ngắt ngang kỳ lưu trú ở biển của mình nhưng xét cho cùng, điều này thật đẹp đẽ.

- Thế anh tưởng tôi không tiếc à? Clelia lầm bầm.

Doro đếm ngón tay.

- Sẽ là khoảng...

- Đủ rồi, Clelia nói.

Trên thực tế, họ không đi tàu hỏa mà đi xe của Guido. Doro, đi cùng tôi đến làng, tâm sự với tôi rằng anh cảm thấy một nỗi kinh tởm nhất định vì phải nói chuyện này với xung quanh và anh thích một vụ trật khớp hoặc gãy chân tay hơn. Anh nói liến thoắng rất nhiều, đùa cợt về những điều chẳng mấy quan trọng.

- Anh còn náo động hơn cả Clelia, tôi bảo anh.

- Ồ, Clelia thì đã nhẫn nhục rồi, Doro đáp. Tôi thấy thật căng thẳng khi thấy sao mà cô ấy nhẫn nhục thế.

- Anh đã không chờ đợi điều này à?

- Cứ như là đánh xổ số ấy, Doro nói. Người ta nhét tờ vé số của mình vào túi áo và không nghĩ gì tới nó nữa.

Chiều hôm ấy, khi Guido dừng xe của mình lại trước rào sắt, tôi đang ở cùng Clelia và chúng tôi chào tạm biệt nhau. Tôi nhìn cô đi lại giữa các phòng và gói ghém đồ, trong lúc cô hầu phòng chạy lên chạy xuống. Thỉnh thoảng, Clelia lại thở dài và đi ra chỗ cửa sổ nơi tôi đang đứng dựa lưng, như một bà chủ nhà đang đi vòng vòng gặp khách khứa của mình và dành cho một trong số họ những biểu hiện mệt mỏi và buồn chán của mình.

- Sung sướng vì được trở về Genova chứ? tôi hỏi.

Lơ đãng mỉm cười, cô gật đầu.

- Doro thích những chuyến đi bất ngờ lắm, tôi nói. Chúng ta hãy hy vọng rằng đây sẽ là chuyến cuối.

Clelia cũng không để ý gì đến lời ám chỉ đó. Ngược lại cô nói rằng ở dạng việc này, người ta chẳng thể thề điều gì; rồi mặt cô đỏ lựng lên và vừa đi khỏi vừa phản đối:

- Ôi, đồ thô lỗ!

Tôi bảo cô rằng tôi cũng sẽ rời khỏi bãi biển. Tôi quay về nhà.

- Tôi rất tiếc, Clelia nói. Ngược lại, tôi trả lời cô, tôi sung sướng vì đã được cùng cô qua mùa hè thiếu nữ cuối cùng của cô. Trong thoáng chốc, Clelia quay trở lại là con người của những ngày vừa qua: cô dừng lại, đầu ngẩng lên, và nhỏ giọng nói: Đúng thế. Sao mà tôi ngu thế. Chắc anh đã phải buồn chán lắm, bạn khốn khổ của tôi.

Họ đi, vào giữa buổi chiều, với Guido, ông ta không ngừng nói đùa, nhưng vì ngay lập tức Clelia tỏ ra hơi mệt, tôi nghĩ ông ta sẽ ngừng. Họ bảo tôi đợi bởi họ tính vài hôm nữa sẽ quay lại: còn tôi, tôi nhìn họ đi xa dần với một nỗi buồn nhất định. Trong thâm tâm, tôi thấy bực bội vì Doro đã không đề nghị tôi đi cùng.

Sáng hôm sau, tôi ở trên bãi biển cùng Ginetta và, sau khi nói chuyện một chút về Clelia, tôi không còn biết nói gì với cô nữa, đúng lúc đó các thanh niên tới và cướp cô đi khỏi tôi. Tôi đi lang thang giữa những cái ô to. Trông thấy Nina, tôi vội lảng. Tôi chờ Berti, cậu có thể đến bất cứ lúc nào.

Thay vì đó, khi quay trở lại đại lộ, tôi gặp Guido. Ông ta vừa cho xe vào ga ra. Ông ta bảo tôi rằng cặp vợ chồng sẽ ở lại Genova. Bác sĩ của họ đi vắng và Clelia có chút bị ảnh hưởng bởi chuyến đi.

- Bực thật đấy, ông ta nói, năm nay, tất cả mọi người đều đi mất.

Berti, như thường lệ, xuất hiện tại quán ăn. Cậu bước vào như một cái bóng và tôi biết cậu đang đứng trước bàn mình trước cả khi ngẩng đầu lên. Trông cậu có vẻ bình thản.

Trước biểu hiện mệt mỏi và buồn chán của cậu, tôi sẵn lòng thề rằng cậu biết các bạn tôi đã đi. Thay vì thế, cậu hỏi sáng nay tôi có ra bãi biển không. Chúng tôi trao đổi vài câu, và vừa nói, tôi vừa tìm xem phải nói gì với cậu. Tôi hỏi chừng nào thì cậu về lại thành phố.

Cậu phác một cử chỉ chán nản.

- Tất cả mọi người đều về, tôi nói.

Khi biết Clelia đã đi, cậu khởi sự nghịch bao diêm của mình. Tôi đã không cho cậu biết lý do của sự khởi hành ấy; và vì tôi thấy dường cậu cảm thấy rất u ám - đột nhiên tôi nảy ra cái ý, cậu tự coi mình là nguyên nhân cho việc đó, sau sự cố ở sàn dancing - tôi bèn bảo cậu rằng, đúng theo các ham muốn của cậu, người phụ nữ trẻ tuổi ấy đã cư xử như một người vợ tốt và đã có thai một đứa trẻ. Berti nhìn tôi, không mỉm cười; rồi cậu mỉm cười không nguyên cớ, đặt bao diêm xuống và ấp úng:

- Tôi đã trông chờ điều đó.

- Bực thật, tôi nói, dạng việc ấy cứ xảy đến. Lẽ ra các quý bà như Clelia phải không được để cho mình bị mắc vào đó.

Dẫu tôi không để ý thấy đoạn trung chuyển, Berti đã trở nên sầu khổ vô cùng. Tôi còn nhớ là chúng tôi đã cùng nhau quay về nhà: tôi im lặng và cậu cũng im, nhìn ra đây đó.

- Cậu sẽ về Torino chứ? tôi hỏi.

Nhưng cậu muốn đi Genova. Cậu hỏi vay tiền tôi để đi. Tôi hỏi cậu có bị điên không. Cậu đáp rằng lẽ ra cậu đã có thể nói dối, vay tôi số tiền ấy, bảo là để trả một món nợ, nhưng với tôi thì người ta tiêu tốn sự thành thực chẳng được ích gì. Cậu chỉ muốn gặp lại Clelia và chào cô thôi.

- Cậu nghĩ gì thế hả? tôi kêu lên. Rằng cô ấy còn nhớ cậu?

Thế là, cậu lại im bặt. Còn tôi, tôi nghĩ tới sự lạ thường của chuyện đó: tôi có tiền để trả cho chuyến đi nhưng lại không thực hiện nó. Trong lúc ấy, chúng tôi đến cái ngõ và tôi bực bội lúc nom thấy cây ô liu. Tôi bắt đầu hiểu ra rằng chẳng gì khó sống nổi hơn so với một nơi người ta từng sung sướng. Tôi hiểu tại sao Doro, một ngày đẹp trời, lại lên tàu hỏa để quay về chỗ các ngọn đồi của anh, và tại sao, sáng hôm sau, anh lại quay về với số phận của mình.

Tối cùng ngày, chúng tôi gặp lại nhau tại quán cà phê - có tất cả mọi người, kể cả Guido và kể cả Nina ở bàn ông ta - và tôi bắt Berti phải quyết định về Torino cùng tôi. Guido muốn đưa chúng tôi đi nhảy, ông ta sẵn sàng chở cả Berti đến đó. Nhưng chúng tôi, đêm hôm ấy chúng tôi phải lên đường.

Cao Việt Dũng dịch

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công