Hơn sáu tháng của những ngày chờ đợi không ngừng để tìm một chỗ trú. Chưa bao giờ như chiều hôm qua, không một tiếng động, không một bước chân nào, thợ tạm nghỉ, chỉ có tôi giữa sự trơ trọi của những thùng chữ khổng lồ, luôn chực chờ đấm đá vào tôi. Chưa bao giờ thấy yên bình lại vừa thấy sợ hãi như thế.
Một buổi chiều khác, khi đang dọn dẹp tôi bỗng ngước lên ray đèn thấy bụi mù mịt, căn phòng như được xông hơi, chỉ có điều phổi sẽ phình to ra nếu ở trong đây thời gian quá lâu. Khi được hỏi có thấy trời Hà Nội mấy nay ô nhiễm không, tôi đã so sánh chính căn phòng tôi làm việc với cái bầu không khí Hà Nội để xem ở đâu sẽ khiếp hơn. Nhưng dường như không có câu trả lời, vì không dám trả lời nếu như chọn căn phòng mà mình đang trụ lại từng ngày. Tôi đã ở đây ba ngày chỉ để chứng minh rằng mình có thể làm chủ được đống ngổn ngang ấy.
Thấy vài thùng sách tưởng chừng hết rồi, khoảnh khắc băng dính bật ra, tôi bất lực kinh khủng, ngồi sụp một góc nhìn đống sách vô tri ấy tôi chỉ muốn vứt quách nó đi. Chưa bao giờ tôi có cảm giác chán ghét những thứ cũ kỹ như vậy, dọn dẹp tàn dư từ ngày này qua tháng nọ, vật lộn với nó, đã quăng nó như thể một bà mẹ điên tiết mỗi khi đứa con không nghe lời. Những thùng la liệt trên sàn, sàn đầy bụi bẩn, mỗi bước chân đều hằn bụi.
Chiều nay, như bao buổi chiều khác trong hơn một tháng vừa qua, thợ làm việc, bật nhạc rất lâu, đủ mọi loại từ xập xình tới bolero trữ tình, thể loại mà mấy xe khách liên tỉnh hay bật, tài xế tỉnh táo lái xe nhưng khách thì đau đầu chóng mặt buồn nôn, cho tới khi họ tắt điện đi về, tôi tự hỏi tới khi nào không gian chiều hôm qua mới trở lại.
Tôi về nhà cởi bỏ bộ quần áo đầy bụi bẩn trên người, không còn sức để nằm nữa, sàn nhà lạnh, tôi không muốn nằm trên đống bụi ấy thêm một giây phút nào. Nhìn thân thể mình đầy những vết bầm ở đùi, ở bắp tay, ở ống chân, tôi bật khóc vì những gì sách vở đối xử với tôi. Tôi khóc như mưa hoà với làn nước đang dội lên mặt.
Vài ngày nay, tôi thèm bánh giò và cố đi tìm nó, tôi có thể rất dễ để mua được nhưng luôn cố gắng bẻ sự dễ đấy khiến nó trở nên khó chiều hơn: phải đúng cung đường đi làm, nhưng không được quay xe dù chỉ cách vài chục mét. Sau đó, nghĩ tới phải đi mua bao diêm, trên đường ghé chợ Ngọc Hà nhưng không có, đành phi tiếp ra chợ Đồng Xuân. Năm ngoái để tìm được những bao diêm cũng phải rất vất vả, hỏi khắp Hàng Mã xem nó còn tồn tại trên đời này không. Năm nay cực hơn vì đi một mình, cực hơn nữa là tôi chẳng nhớ nổi đường tới đấy, tôi lạc trong mê cung các con phố, nhận ra có chỗ đã vòng lại tới lần thứ hai, tôi lẩm bẩm, mọi khi chẳng có việc gì thì sẽ băng băng đi tới, nhưng hôm nay qua lại vài lần mà không ra, tự thấy ngượng vì hôm nào đấy dám khẳng định rằng để tôi ở đoạn đường nào cũng sẽ về được nhà. Tình cờ trên đường thấy biển Hội người cao tuổi việt nam, tôi bật cười, vì thấy mọi hành động buổi sáng nay như một bà già lẩn thẩn ngồi đan len, chỉ vì một mũi đan hỏng mà tháo hết rồi lọ mọ móc lại từ đầu.
Buổi sáng nay tôi đã thấy rất vui dù tay có tê cứng vì lái xe ngoài đường, nhưng thời tiết làm tôi quên đi mọi sự giục giã của biết bao người, sự chờ đợi và hối hả đang chạy khắp người tôi. Lúc dừng đèn đỏ trên đường Trần Hưng Đạo, lần đầu tiên tôi thấy một vỉa hè toàn đàn ông mặc áo phao ngồi dòm một bàn cờ tướng cười hố lên, ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi là cầm máy lên chụp, nhưng chắc chắn sẽ rất dở hơi nếu tôi giơ máy lên giữa đường chỉ để chụp một đám đàn ông trung niên tận hưởng buổi sáng mùa đông vui vẻ.
Mấy hôm rồi tầng 2 nhà đối diện có cơi nới thêm 40 phân khung sắt để nuôi gà, sự vụ này khiến mấy ông giám đốc tá hoả, tức giận và yêu cầu gỡ bỏ nhưng ông ta nhất quyết lì tới cùng, kết quả cuộc thương lượng là ông ta được trồng thêm 4 chậu hoa và 2 con gà trong 2 năm. Bên dưới là đống rác phế liệu ở đó từ rất lâu. Có thể chính nó là chỗ dựa vững chắc cho ông hàng xóm tự do thả gà, mỗi lần dọn chuồng, nước thải cứ nhỏ giọt chậm chậm xuống. Chiều tối, khi dọn chuồng xong, ông ta sẽ tưới cây bằng cái bình xịt vàng, vẫn là nước ào ạt rơi xuống, tôi phải cố gắng để quên nó đi, mắt không thấy thì bản thân không khó chịu.
Buổi chiều nhà in có hẹn trả sách, trong thời gian chờ tôi nhờ một người phụ nữ tới dọn dẹp đống thùng vứt đi, tôi không giấu nổi tức giận vì người đàn bà đó chẳng coi tôi ra gì, nhưng cũng chính bà ta giúp tôi nhận ra chính mình trong vòng xoay của sự gian mãnh, của sự chiếm đoạt từng thứ nhỏ nhặt nhất, tôi nhận ra ở một nơi như vậy, dáng vẻ của xấu xí sẽ trông dịu dàng, từ tốn, chất phác, chân thật. Điều này thật khó nhận ra, nhưng sẽ dễ rơi vào hố sâu của sự lừa lọc, niềm tin loãng ra rơi xuống, tan tành như những giọt nước thải bốc mùi rồi rơi xuống đống phế liệu.
Từ hồi chuyển về, thấy chỗ nào cũng như được tưới thêm nước, hồi sinh, sợ hãi, ông đá, ông hàn đua nhau chăm chỉ, có lẽ cuối năm, chắc hẳn ai cũng tất bật hơn.
Tôi nghĩ về vài câu nói gần đây, và…tự ái.
Dường như mỗi sự xuất hiện đều để lại một điều gì đó thật kinh hãi. Tôi thấy nhiều thứ chậm chậm tới, tần suất nhiều tới nỗi cuốn trôi đi ngày tháng, ở đây, chỉ bật điện lên là đêm cũng như ngày, tôi có thể tới khi sương sớm cũng có thể ra về khi lán xe khu giáp bên chẳng còn ai ở lại. Tôi đã hy vọng sự lì lợm chân thành của tôi sẽ khiến những người có mặt tại đó cư xử tốt với mình và cả những người khuất mặt đều cảm thấy được tôn trọng, tôi cũng không hề đi quá giới hạn và thực ra tôi chưa dám làm điều gì khiến mình trở nên sợ hãi. Tôi cẩn trọng dọn từng cành cây rơi, dẹp gọn lối đi mà không dẫm lên chúng, sợ nó đau, hoặc nó mách ai đó quở trách.
Một buổi sáng gần đây, khi vừa mở mắt, tôi nằm nghĩ một hồi lâu về những người đã gặp, những việc đã làm và khuyên mình nên cảm thấy biết ơn, không phải nhân tiện dịp cuối năm, mà hẳn những tháng qua đủ để cho tôi cơ hội nhìn ngắm.
Tôi đã đi qua quãng đầu như thế, đầy những sợ hãi và chán nản
Dạo này nước mắt tôi cứ tự động rơi, tôi không hiểu tại sao nữa.
Bây giờ tôi có thể ngồi ở kho và khóc ngon lành.
(Hà Nội, 11/12/2024)