Năm Chesterton ngắn
Năm Chesterton ngắn
- Chesterton
PHO MÁT
Bộ sách năm tập sắp tới của tôi – nhan đề “Sự Thờ Ơ Với Pho Mát trong Văn Học Châu Âu” – là công trình đồ sộ vô tiền khoáng hậu, được viết với sự tỉ mỉ tới mức có lẽ tới chết tôi cũng không hoàn thành kịp. Vậy nên, xin phép các bạn cho tôi rỉ ra đôi dòng tinh túy từ mạch nguồn tri thức cuồn cuộn ấy. Đến tận lúc này, tôi vẫn không tài nào lý giải cho trọn trặn cái sự lãng quên khó hiểu ấy. Các thi nhân im lặng một cách bí ẩn trước đề tài pho mát. Virgil, nếu tôi nhớ không lầm, từng có nhắc tới nó vài lần, nhưng với sự dè dặt quá mức đặc trưng của người La Mã. Ông không thực sự thả hồn vào pho mát. Ngay lúc này đây, thi sĩ duy nhất có thể khiến tôi có chút cảm nhận về điều này là người đứng đằng sau bài đồng dao khuyết danh: “Giá toàn bộ cây cối là bánh mì và pho mát” – quả là tầm nhìn phốp pháp và vĩ đại về nghệ thuật phàm ăn đỉnh cao. Nếu toàn bộ cây cối hóa bánh mì và pho mát thì toàn bộ chỗ nước Anh tôi sống rừng rú sẽ trụi lủi cả. Những khoanh rừng hoang vu, rộng lớn sẽ bứt rễ biến mất còn nhanh hơn chạy theo Orpheus (1). Ngoài Virgil và tác giả khuyết danh của bài đồng dao trên, tôi không thể nhớ có vần thơ nào viết về pho mát nữa. Nhưng nghĩ kỹ mà xem, pho mát hội tụ mọi phẩm chất để đi vào thi ca trác tuyệt: cái từ ngắn gọn mà mạnh mẽ, hiệp vần với từ ‘breeze’ và ‘seas’ (mấu chốt chỗ này); ngay cả nền văn minh đô thị hiện đại cũng phải thừa nhận âm tiết này một cách đầy nhấn nhá – thị dân hay hô ‘Cheese it!’ hay ‘Quite the cheese!’ chẳng vì mục đích gì ngoài biểu lộ cảm xúc mạnh mẽ(2). Bản thân pho mát là vật liệu đầy thi vị. Nó cổ xưa – khi ở từng miếng riêng lẻ, khi thì đi chung với loại thể của mình và một tập tục nào đó). Nó đơn thuần, được nấu từ sữa, thức uống đã có tự thời tổ tiên ta, không dễ dàng bị vẩn đục bởi nước xô-đa. Bạn biết đấy, tôi hình dung (dù chỉ mới đây thôi), rằng bốn dòng sông trên Vườn Địa Đàng là dòng sữa, dòng nước, dòng rượu và dòng bia. Nước bơm ga là sản phẩm của Sa Ngã.
Nhưng pho mát còn có một đặc tính khác – chính đặc tính này cho nó cái linh hồn thi ca. Một lần nọ, để có thể cùng lúc diễn thuyết được nhiều chỗ khác nhau, tôi phải đi một chuyến xuyên Anh kì quặc với lộ trình dị thường tới mức phi lý, cái chuyến ấy buộc tôi phải ăn trưa bốn ngày liền ở bốn quán trọ ven đường nằm ở bốn hạt khác nhau. Phần ăn mỗi quán chỉ gồm một lát bánh mì và pho mát – mà tôi nghĩ chẳng ai cần gì hơn thế, nhiêu đó mà được ăn thỏa thuê thì cũng tốt. Điều kỳ diệu là, chỗ nào cũng có riêng một loại pho mát ngon, nhưng không có cái ngon nào giống cái ngon nào: pho mát Wensleydale hảo hạng ở Yorkshire, pho mát Cheshire đúng chất Cheshire, vân vân. Chính tại chỗ này, nền văn minh thi ca đích thực tách biệt khỏi thứ văn minh cơ giới tầm thường đang trói buộc chúng ta. Tập tục xấu thì phổ quát và cứng nhắc như chủ nghĩa quân phiệt hiện đại; tập tục tốt thì phổ quát nhưng đủ dạng đủ kiểu, hệt như tinh thần hào hiệp hay tự vệ ở mỗi địa phương. Những nền văn minh dầu thuộc dạng tốt hay dạng xấu đều giống như mái lá, che chắn ra trước những thứ ngoại cảnh. Nhưng trong khi những nền văn minh tốt tỏa khắp chúng ta như cây, đâm mọc đủ kiểu và um tùm bao bọc bởi chúng là vật sống thì nền văn minh xấu thì sừng sững đội dậy, che trên đầu ta như cái ô – nhân tạo, kích thước được tính toán đâu ra đấy; vừa đồng dạng, vừa đồng bộ với nhau. Như thế, có sự trái ngược giữa những vật liệu đa dạng và những vật liệu đồng nhất ở bất kỳ nơi nào chúng hiện diện. Theo một sự sắp đặt khôn khéo của đất trời, định mệnh của con người là ăn pho mát, nhưng không phải cùng một loại. Vì chỗ nào cũng có pho mát, nó sẽ biến đổi theo từng khu vực. Nhưng nếu, giả sử, ta so sánh pho mát với xà phòng (một vật liệu kém cỏi hơn nhiều), ta sẽ thấy toàn bộ xà phòng đều thuộc hãng Smith hay hãng Brown, được tẩu tán một cách tự động đi khắp thế giới. Nếu người da đỏ có xà phòng thì đó sẽ là cục xà phòng của Smith. Nếu Đạt-lai Lạt-ma có xà phòng thì đó là cục xà phòng của Brown. Trong thứ xà phòng đó của ông ta, không có thứ gì tinh tế, lạ lùng mang đậm dấu ấn Phật giáo, cũng không có vẻ dịu dàng và đặc trưng của vùng đất Tây Tạng. Tôi đoán Đạt-lai Lạt-ma có lẽ không ăn pho mát (vì ông ta không xứng đáng), nhưng nếu giả sử ông ta có ăn pho mát thật, đó cũng sẽ là loại pho mát được dân địa phương làm, thứ pho mát có liên hệ thật sự với cuộc sống và thế giới quan của ông. Diêm an toàn, đồ đóng hộp, thuốc men được tẩu tán đi khắp thế giới; nhưng chúng không được sản xuất trên khắp thế giới. Vì thế, trong chúng chỉ có một bản sắc chết cứng, không bao giờ có được sự biến đổi mềm mại. Bạn có thể uống uýt-ki pha xô-đa ngay ở những vùng biên thùy xa xôi nhất trong Đế quốc Anh: đó là lý do tại sao nhiều những nhà kiến thiết Đế quốc lại phát điên. Nhưng bạn không thể nếm trải hay chạm vào thứ rượu táo vùng Devonshire hay thứ nho vùng Rhine ở bất cứ nơi nào khác. Bạn sẽ không bao giờ đến gần một trong vô vàn sắc thái và tâm tư của Tự Nhiên như lúc bạn thực hiện hành động ăn pho mát đầy thiêng liêng.
Sau chuyến hành hương qua bốn quán trọ dọc đường ấy, tôi tới được một thành phố lớn ở miền Bắc. Ở đó, tôi chẳng nghĩ cho ra chuyện, cứ lao xộc vào một nhà hàng sang trọng được bày biện công phu – nơi tôi biết mình có thể gọi nhiều thứ hơn là bánh mì và pho mát. Dĩ nhiên, tôi vẫn có thể chỉ gọi bánh mì và pho mát – ít ra suy nghĩ ấy đã hiện diện trong đầu tôi. Nhưng tôi bàng hoàng nhận ra, mình đã bước vào Babylon và bỏ lại nước Anh phía sau. Người bồi bạn mang pho mát tới, nhưng đó là thứ pho mát bị bằm nhỏ thành những cục tí hon đáng khinh bỉ. Và càng kinh khủng hơn nữa, thay vì bánh mì theo kiểu Cơ Đốc, tay bồi bàn lại mang ra bánh quy. Bánh quy – cho người vừa mới thưởng thức thứ pho mát trác tuyệt ở bốn vùng quê ấy sao! Bánh quy – cho người vừa đích thân chứng nghiệm hôn lễ thiêng liêng của pho mát và bánh mì sao! Tôi chất vấn người bồi bàn bằng những lời lẽ nhiệt thành và đầy xúc động. Tôi hỏi hắn, hắn là ai mà dám thẳng tay chia cắt thứ chính Nhân Loại đã tác thành. Tôi hỏi hắn, nếu hắn là một kẻ có chút tính cách nghệ sĩ, chẳng lẽ hắn không thấy một thứ mềm mềm, dẻo dẻo như pho mát phải đi cùng với một thứ dẻo dẻo, mềm mềm như bánh mì hay sao; ăn pho mát với bánh quy khác gì ăn pho mát với đá phiến. Tôi hỏi hắn, khi cầu nguyện, hắn có dám ngạo nghễ tới độ xin mỗi ngày đều có bánh quy hay không. Hắn cho tôi biết rằng mình chỉ tuân theo tập tục của Xã hội Hiện Đại. Tôi nghe xong mới quyết định cất cao lời phản đối, không phải với tay bồi bàn, mà với cả Xã Hội Hiện Đại vì cái tội ác hiện đại tày trời và chưa từng có tiền lệ này.
THÈM ĂN ĐẤT
Hôm nọ, tôi đi dạo một vườn rau, thứ không hiểu bằng cách nào đã nhập thành một phần đất đai của tôi, và tôi tự hỏi tại sao mình lại thích nó. Sau một hồi tư lự kéo dài, tôi đi đến kết luận rằng mình thích vườn rau đơn giản vì nó chứa đựng những thứ có thể ăn được. Tôi không có ý nói rằng vườn rau xấu xí; ngược lại, nó thường rất đẹp mắt. Màu xanh lục và tím pha trộn với nhau trên những cây bắp cải khổng lồ còn tinh tế và trác tuyệt hơn cả những vệt vàng-vi-ô-lét lòe loẹt và kì dị trên hoa păng xê. Hiếm có loài hoa nào chỉ để ngắm lại có cái thanh tao tót vời như một củ khoai tây. Một vườn rau mà đẹp thì chẳng kém cạnh gì một vườn ăn trái; nhưng tại sao hai từ “vườn ăn trái” và “vườn hoa” nghe đều đẹp đẽ như nhau, nhưng từ trước lại gợi ra cảm giác điền viên hơn? Một lần nữa, tôi xin đề cập đến một tìm tòi vừa sâu sắc vừa giản dị của mình: bởi nó chứa đựng những thứ có thể ăn được.
Cây bắp cải là một khối rắn; ta có thể tiếp cận nó từ mọi phía cùng một lúc; cảm nhận nó bằng mọi giác quan hết một lượt. So với nó, hoa hướng dương – thứ vốn chỉ có thể để nhìn – đơn thuần chỉ là một họa tiết, một bức vẽ trải ra trên tường phẳng. Chính cảm giác về sự rắn của vạn vật này khiến nó chỉ có thể được diễn tả bằng ẩn dụ ăn uống. Để truyền tải chính xác độ đầy đặn của củ cải, bạn phải bao trọn nó một lúc. Cách duy nhất để làm điều đó là ăn củ cải. Tôi tin bất kỳ tâm hồn thi sĩ nào từng yêu sự rắn, độ dày của thân cây, độ vuông vức của đá, độ chắc nịch của đất sét, hẳn đã ước mình có thể bỏ những thứ ấy vào miệng mà ăn. Giá mà lớp than bùn nâu kia ngon như vẻ ngoài của nó! Giá mà đống gỗ linh sam trắng kia có thể bỏ vào bụng, nhai nuốt! Người ta hay bảo đừng đổi đá lấy bánh(3), nhưng ở Bảo tàng Địa chất, tôi đã bắt gặp những phiến đá hoa cẩm thạch đỏ thẫm, nhưng tảng đá xanh lam lẫn lục vỡ đôi khiến tôi chỉ ước hàm răng mình khỏe hơn để cắn phập vào đó.
Cũng cùng ước ao lâng lâng ấy, có người lại ngước nhìn trời mà tuyên bố rằng: mặt trăng làm bằng pho mát mốc lục. Chân thành mà nói, tôi chưa bao giờ thấy toàn bộ học thuyết này thực sự đáng tin. Về chuyện này, tôi về phe Hiện Đại. Mặt trăng làm bằng pho mát ư? Thuở nhỏ, tôi cũng tin là như thế thật; cứ mỗi tháng, một gã khổng lồ (người quen của tôi) lại cắn một miếng to tướng vào nó. Với tôi, đây là học thuyết chệch khỏi duy lý, nhưng không nghịch lý. Nhưng việc cho rằng mặt trăng là pho mát mốc lục lại có phần mâu thuẫn với cảm năng và lẽ phải: thứ nhất, nếu mặt trăng thực sự làm bằng pho mát mốc lục, ắt hẳn nó phải có sự sống; thứ hai, nếu nó làm bằng pho mát mốc lục, nó đã phải có màu xanh. Người ta chỉ hay bảo trăng xanh là hiện tượng hiếm thấy; nhưng từ đó tôi có thể suy ra rằng, hiện tượng trăng lục còn ít phổ biến hơn nhiều. Thực tế, nói mặt trăng có hình dạng của loại pho mát nào thì tôi cũng có thể chấp nhận được, ngoài pho mát mốc lục. Tôi thì từng thấy nó giống hệt pho mát kem: một vầng trắng ngần treo trên nền trời tím nhạt ấm áp phía trên cánh đồng lúa mì ở Kent. Tôi từng thấy nó y đúc pho mát Hà Lan, khi nó mọc lên như chiếc đĩa đồng đỏ ối giữa rừng cột buồm và mặt nước đen kìn kịt ở Honfleur. Tôi từng thấy nó như miếng pho mát cheddar bình thường giản dị trên nền trời xanh dương đúng mực; và có lần, tôi thấy nó trơ trụi và tụy tiều đến nỗi, dưới ánh sáng kỳ quái, nó giống hệt như pho mát gruyere – thứ pho mát núi lửa kinh dị với những lỗ đục ghê rợn như thể được kết đông từ thứ sữa sôi sùng sục phi nhiên của lũ bò ngoài hành tinh. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy mặt trăng là pho mát mốc lục; và tôi nghiêng về giả thuyết rằng mặt trăng vẫn chưa đủ chín. Mặt trăng, cũng giống như mọi thứ khác trên đời thôi, đều sẽ chín muồi vào hồi thế gian kết tận; và trong những cuối cùng, chúng ta có lẽ sẽ thấy nó khoác lên những sắc hoàng hôn núi lửa và nhảy múa với sức sống kỳ vĩ, vô lường.
Nhưng đây chỉ là một ý phụ và vẫn còn chưa tính toán đến yếu tố hiện thực trụi trần. Dù những suy đoán trên có giá trị như thế nào, câu nói về mặt trăng và pho mát mốc lục vẫn là ví dụ tuyệt vời cho chiêm nghiệm về sự ăn và sự uống trên một quy mô lớn hơn. Trí tưởng tượng vô biên ấy đã hiện diện trong câu “giá mà mọi cây cối đều là bánh mì và pho mát” mà tôi từng trích dẫn ở một nơi khác; và trong cơn ác mộng hùng vĩ của truyền thuyết Bắc Âu, khi Thor uống cạn biển sâu từ một chiếc sừng. Trong một tiểu luận như thế này (ban đầu dự tính sẽ được đọc trước Hội Khoa học Hoàng gia), ta không thể quá cầu toàn; và tôi thừa nhận, lý thuyết về sự lục hóa dần của mặt trăng nên được xem là một giả thuyết thay thế hơn là một định luật đã được chứng minh và được toàn thể giới khoa học công nhận. Đó chỉ là một giả thuyết còn đang chờ kiểm chứng, nói theo cái cách mà các khoa học nói với một giả thuyết hiện còn chưa có đủ xác minh.
Nhưng độc giả đừng lo rằng tôi sẽ đột nhiên trổ khùng mà cắn những miếng to tướng vào thân cây hay phá phách cả một quả núi hùng vĩ và tuyệt mĩ bằng những vết cắn hình bán nguyệt từ hàm răng của mình. Nhu cầu được diễn tả một sự rắn chắc tươi mới bằng ẩn dụ về ăn uốc thực ra đã có từ rất lâu rồi. Đó hoàn toàn không phải là một nỗ lực gây ra nghịch lý bướng bỉnh(4), nó là một trong những tư tưởng tôn giáo lâu đời nhất. Nếu có ai đang loay hoay tìm một thử nghiệm để phân biệt ngụy chân lý và chân lý, tôi sẽ chỉ ngay: dấu hiểu của ngụy tôn giáo là luôn cố biến sự thật cụ thể thành trừu tượng; nó gọi tình dục là ái lực; nó gọi rượu là cồn; nó gọi nạn đói trầm trọng là vấn đề kinh tế. Một tôn giáo xác đáng luôn đi ngược lại: cố gắng biến chân lý thành thứ ta có thể tri giác được như một sự thật hữu hình; biến cái trừu tượng thành cụ thể, rõ ràng; khiến con người không chỉ chấp nhận chân lý, mà còn có thể nhìn, ngửi, chạm, nghe và ngấu nghiến chân lý. Tất cả những kinh văn tâm linh đều tràn ngập những lời gọi mời, không phải để xét, mà là để xơi. Ngôn từ trong đó chứa đầy nước hằng sống và bánh thánh, những viên ma-na thần bí và những thứ rượu đủ sức khiến ta run rẩy. Thế gian và xã hội lịch lãm thời nay thường coi rẻ bản năng ăn uống này, nhưng tôn giáo chưa bao giờ xem nhẹ nó. Khi nhìn vách đá phấn trắng ngần, vững chãi ở Dover, tôi không khuyên bạn hãy thèm thuồng nó đi – thế thì dị quá. Nhưng tôi thực sự muốn ta nghĩ rằng: ăn nó thì ngon; sẽ ngon nếu ai đó ăn nó. Và quả thực, có ai đó đang ăn nó thật: cỏ mọc trên đỉnh vách đang âm thầm ngốn ngấu, chắc hẳn đang ngon miệng phát điên.
ĐÓA HỒNG NỔI GIẬN
Vị trí của hoa hồng trong thế giới hoa cũng giống như vị trí của chó trong thế giới động vật. Không chỉ vì cả hai đều đã được thuần hóa, mà còn bởi chúng ta luôn có một cảm thức mơ hồ rằng chúng vốn dĩ là những sinh vật đã được thuần hóa từ thuở xa xưa lắm rồi. Đương nhiên, không phải là giờ đây chúng ta không còn thấy hồng dại hay chó hoang nữa. Chó hoang thì tôi chưa gặp, chứ hồng dại thì tôi thấy rồi, rất đẹp. Nhưng nếu có ai đó đột ngột nhắc tới “hoa hồng” hay “chó” trong một lời tán dóc hay một bài thơ, sẽ chẳng ai nghĩ tới hồng dại hay chó hoang cả. Ngược lại, dù ngày nay, không khó bắt gặp những con hổ thuần hóa hay những con rắn hổ mang đã thuần hóa thì khi ai đó bảo: “Tôi mang một con rắn hổ mang trong túi” hoặc “Có con hổ trong phòng âm nhạc,” thì người ta phải vội vàng đính chính ngay bằng việc thêm vào tính từ ‘đã thuần hóa.’ Khi người ta nói đến những loài dã thú, ta nghĩ ngay tới những loài dã thú hoang dại; khi nói tới hoa, đầu tiên ta cũng nghĩ tới hoa dại.
Nhưng có hai ngoại lệ vĩ đại; hai thứ bị cuốn vào bánh xe văn minh của loài người tới mức hòa làm một, quện chặt tới mức không thể gỡ ra khỏi những xúc cảm và biểu tượng có tự thuở xa xăm của con người, khiến thứ nhân tạo xem chừng lại tự nhiên hơn cả tự nhiên. Chó không thuộc về lịch sử tự nhiên, nó thuộc về lịch sử nhân loại; và những bông hồng đích thức chỉ nở trong vườn tược nhân gian. Ai cũng xem voi là sinh vật hùng vĩ nhưng đã thuần hóa; nhiều người, nhất là những người trong giới thượng lưu văn minh của ta, xem mọi con bò đực không ít thì nhiều là bò điên. Cũng hệt như thế, ta nghĩ phần lớn cây cối trong vườn nhà mình như những sinh thể hoang dã của rừng sâu hay đầm lầy cuối cùng đã khuất phục trước sức mạnh kiềm tỏa.
Nhưng với chó và hồng, nguyên tắc bản năng ấy bị đảo ngược. Với chúng, ta xem loại nhân tạo mới là nguyên mẫu, còn thứ mọc hoang lại là ngoại lệ lạc loài. Trong tiềm thức, ta luôn mơ hồ nghĩ chó hoang là những con chó bị lạc chủ, bỏ trốn, giống như mèo hoang vậy. Và ta không thể ngăn mình tưởng tượng đóa hồng dại tuyệt đẹp ở bờ giậu đã vượt ngục bằng cách vươn mình qua hàng rào. Biết đâu chúng cùng nhau đào tẩu, con chó và hoa hồng, một cuộc tẩu thoát kì khôi và (nhìn chung) thiếu khôn ngoan. Có lẽ con chó bội nghĩa đã lẻn trốn khỏi chuồng, đóa hồng nổi giận đã bò khỏi luống hoa, và chúng cùng nhau mở đường máu chạy trốn, một đứa mở bằng răng nanh, một đứa mở bằng gai thân. Cũng có thể vì thế mà con chó nhà trở thành chó hoang khi nó thấy hoa hồng và đá tung chúng khắp nơi. Cũng có lẽ vì thế mà hồng dại còn được gọi là hồng chó (dog rose). Mà cũng không chắc nữa.
Nhưng trong huyền thoại cổ quái mà tôi vừa bịa ra kia vẫn lấp lánh một chân lý có chiều mọi rợ. Trong hai trường hợp trên, sản phẩm văn minh lại được cảm nhận là hung dữ hơn, thậm chí hoang dã hơn. Chẳng ai sợ chó hoang cả; nó bị xếp chung với đám chó rừng và những sinh vật làm nô lệ cho con người. Nhưng để đối phó với chính tạo vật của mình, con người lại hay treo biển “Coi chừng chó dữ” một cách đầy sợ hãi. Khi thấy tấm biển “Coi chừng chó dữ” ấy, người ta nghĩ ngay rằng mình phải cẩn thận chó nhà: chính chó nhà mới đáng sợ. Mức độ đáng sợ tăng dần theo tỉ lệ thuận với mức độ thuần hóa của con chó; chính sự trung thành và phẩm chất của nó là thứ làm khách khiếp đảm, ngay khi họ đã bước vào nhà gia chủ, huống hồ chỉ kẻ đang trèo nửa chừng cổng. Hắn sẽ kinh hãi trước sự ngoan ngoãn ầm ĩ và hung hăng ấy; hắn tháo chạy khỏi con quái vật khổng lồ của sự hiền hậu.
Tôi cũng có cảm giác tương tự khi ngắm nhìn những giậu hồng đỏ thắm, ken dày và kiên cường bọc quanh khu vườn; chúng gợi lên trong tâm hồn tôi sự bạo dạn, thậm chí là ngạo mạn. Xin nói ngây rằng, tôi còn chẳng biết về khu vườn của mình nhiều bằng khu vườn của bất kỳ người nào khác. Tôi chẳng biết gì về hoa hồng, ngay cả tên những chủng loại của chúng. Tôi chỉ biết mỗi cái tên Hồng; và Hồng là (theo mọi nghĩa của từ này) là một cái tên Ki-tô. Nó mang tính chất Ki-tô theo nghĩa tuyệt đích và nguyên sơ nhất – khi nó bắt đầu xuất hiện từ thời đại ngoại giáo. Ta có thể nhìn thấy hoa hồng, thậm chí ngửi thấy hoa hồng, trong thi ca Hy Lạp, Provençal, Gothic, Phục Hưng và Thanh Giáo. Ngoài đơn thuần là Hồng, cái tên mỗi một âm tiết (như rượu và những từ cao quý khác) hao hao giống nhau trong mọi ngôn ngữ của người da trắng – tôi thật sự chẳng biết gì thêm. Tôi từng nghe qua những cái tên phổ biến và nổi tiếng. Tôi biết có một chủng hồng được người ta xưng là Vinh Quang của Dijon – cái tên thoạt tiên cứ làm tôi liên tưởng tới nhà thờ lớn của thành phố Dijon đó. Dù sao, sản sinh ra một đóa hồng và một nhà thờ lớn không chỉ tạo ra hai thứ vinh quang và nhân văn, mà, theo tôi, còn tạo ra hai thứ mang tinh thần thượng võ và đầy thách thức. Tôi cũng biết có một giống hồng được gọi là Marechal Niel – lại một cái tên mang âm hưởng nhà binh nữa.
Vài hôm trước, trong lúc tản bộ trong vườn, tôi đánh bạo hỏi người làm vườn của mình (hành động ấy cũng cần dũng khí lắm chứ chẳng đùa) về tên của một đóa hồng lạ, sẫm màu, đã bằng cách nào đó thu hút ánh nhìn của tôi. Nó gợi lên ở tôi cảm giác về thứ gì đó u ám trong lịch sử và tâm hồn. Sắc đỏ của nó không chỉ sâu, trầm mà còn như ám khói; có thứ gì đó bứ nghẹt và phẫn nộ trong màu sắc đó. Nó vừa kịch tính lại vừa ủ ê. Người làm vườn bảo tôi tên loài hoa ấy là Victor Hugo.
Từ đó, tôi luôn cảm thấy hoa hồng mang trong mình một sức mạnh bí ẩn; ngay cả tên gọi của chúng cũng có thể ẩn chứa những ý nghĩa gắn liền với bản thân chúng – điều mà hầu hết con người đều không thể có được/. Nhưng bản thân đóa hồng ấy lại vừa cao quý, lại nguy hiểm; dù đã ngự tự thuở nào trong ngôi nhà sang trọng của nền văn minh nhân loại, nó vẫn chưa bao giờ rũ giáp. Đóa hồng nào cũng luôn luôn trông giống như một quý tộc Ý thời Trung Cổ, khoác áo choàng đỏ thẫm và mang kiếm bên hông: gai chính là thanh kiếm của hồng.
Và trong câu chuyện này, ta rút ra một bài học đạo đức thực sự: ta phải nhớ, khi văn minh phát triển, nó có thể bớt hiếu chiến hơn – nhưng nó sẵn sàng hơn để lao vào cuộc chiến. Trật tự mà ta gìn giữ càn quý giá và yên bình, thì ý thức cảnh giác và tiềm năng bạo lực của ta sau rốt phải càng mãnh liệt hơn hết. Và khi tôi đi dạo trong một khu vườn hạ, tôi có thể hiểu được vì sao những lãnh chúa cuồng vọng cuối thời Trung Cổ, ngay trước khi gươm đao giày xéo lẫn nhau, đã chọn hoa hồng làm biểu tượng cho bản chất quyền lực và ganh đua. Bởi vởi tôi, bất kỳ khu vườn nào như thế cũng đầy ắp những chiến tranh hoa hồng.
NHỮNG CỘT ĐIỆN BÁO
Tôi và bạn dạo bước trên một vùng rừng thông hoang vu ngút mắt, thứ được mệnh danh là bể cô độc nằm giữa vùng nội địa Tây Âu, đem tới nỗi kinh hoàng đích thức của sa mạc bởi sự đơn điệu tới mức có thể khiến người ta bị lạc lối. Những cây thông cứng nhắc, thẳng đuột và giống hệt nhau vây quanh chúng tôi như những mũi mác của một cuộc binh biến thầm lặng. Người ta vẫn nói về sự đa dạng của Tự nhiên, nhưng tôi nghĩ thứ kỳ lạ nhất Tự nhiên bộc lộ ra chính là sự lặp lại của nó. Trong sự đều đặn tăm tắp ấy, có gì ma mị; tựa hồ mặt đất quyết tâm sao chép liên hồi một hình dáng duy nhất cho tới khi nó trở nên quái đản.
Bạn đã bao giờ thử lặp đi lặp lại một từ đơn giản – đại để, từ ‘chó’ – ba mươi lần chưa? Đến lần thứ ba mươi, nó sẽ biến thành từ ‘s-nó” hay “pờ hó.” Sự lặp lại không khiến cái từ ấy trở nên nhuần nhuyễn, mà biến tướng nó, kỳ dị hóa nó. Cuối cùng, một con chó cũng trở nên kinh ngạc và khó tin hệt như Leviathan hay Croquemitaine.
Điều đó có lẽ giải thích được cho sự lặp lại trong Tự nhiên, cùng lý do tại sao ngoài kia tồn tại hàng triệu chiếc lá và viên sỏi giống hệt nhau. Chúng như thế có thể không phải để trở nên thân thuộc, mà là để hy vọng một ngày nào đó sẽ trở nên dị biệt. Có thể người ta không giật mình với con mèo đầu tiên, nhưng họ chắc chắn sẽ nhảy dựng lên khi thấy con mèo thứ bảy mươi chín. Có lẽ phải đi qua nghìn cây thông, ta mới tìm thấy được một cái cây thực sự là thông. Dù sao, có một thứ gì đó vừa rùng rợn, vừa gấp gáp và bất khoan nhượng trong sự lặp lại vô tận của rừng cây; một vẻ gì điên rồ trong giai điệu đơn sắc của rừng thông.
Tôi tỏ bày điều đó với bạn, anh ta đáp lại một cách chua chát: “À, cậu cứ đợi cho tới khi thấy cột điện báo đi.”
Bạn tôi nói đúng, điều hiếm khi xảy ra trong các cuộc tranh luận giữa chúng tôi, đặc biệt là khi nói về những thực tế. Chúng tôi băng qua rừng thông theo một lối mòn ngẫu nhiên chạy dọc teo đường dây điện báo nối về tỉnh lẻ; và dù những cột điện chỉ thưa thớt đứng đó, chúng vẫn tạo ra sự khác biệt mỗi khi xuất hiện. Ngay khi nhìn thấy cột điện thẳng đuột, ta mới té ngửa chợt nhận ra những cây thông thực sự chẳng hề thẳng lắm. Tựa như một trăm nét vẽ nguệch ngoạc bằng bút chí của học sinh bỗng bị đem ra so với một đường kẻ bằng thường. Những đường kẻ nghiệp dư ấy giờ trông thật vẹo vọ, lệch chệch trái phải. Chỉ vài giây trước, tôi còn thề chúng thẳng tắp như mũi giáo; giờ, tôi thấy chúng cong vênh, uốn éo đủ kiểu, có khác gì những lưỡi scimitar hay dao găm yataghan đâu chứ. So với cột điện báo, những cây thông trở nên cong vòng – và đầy sức sống. Cái cột sắt đơn độc ấy đồng thời bóp méo và giải thoát cho khu rừng. Nó xoắn xuýt khu rừng cả lại, nhưng cũng khiến khu rừng tự do, như bất kỳ bụi cây sồi hay nhựa ruồi kỳ dị nào khác.
“Phải đấy,” người bạn ủ ê của tôi đáp, đoán đúng những gì tôi đang nghĩ. “Câu không hiểu sự thẳng đứng đáng xấu hổ và tàn nhẫn tới mức nào nếu cậu còn cho những cái cây kia là thẳng. Cậu sẽ chẳng bao giờ hiểu được điều đó cho tới khi nền văn minh trí tuệ quý báu của cậu dựng lên một khu rừng cột điện báo dài bốn mươi dặm đâu.”
Chúng tôi bắt đầu rời khỏi cánh rừng mình muộn hơn dự định; và buổi chiều dài đã nhạt dần thành một buổi tối vàng óng khi chúng tôi bước ra được khu rừng, tiến về ngọn đồi trên một thị trấn hoặc một ngôi làng lạ lẫm gì đó – nơi những ánh đèn đã bắt đầu lấp lánh trong thung lũng sẫm tối. Dấu hiệu của hoàng hôn là sự thay đổi: bầu trời vẫn sáng, nhưng mặt đất đã tối thêm, đặc biệt ở những chỗ mép đồi và ngọn thông. Điều đó càng làm cho rừng thông trở nên bí ẩn, như loài cú; người bạn tôi liếc nhìn chúng với ánh mắt tiếc nuối khi bước ra khoảng trời rộng. Rồi anh ta quay về phía trước – bất thình lình, một cột điện báo sừng sững đứng chắn trước mặt, đang tắm trogn ánh nắng cuối ngày. Nó không còn bị những đường nét tinh tế của rừng thông che lấp và làm dịu đi; bấy giờ, nó đứng đó, xấu xí, độc đoán và vuông vắn như bất kỳ hình khối thô kệch nào trong sách hình học. Người bạn tôi dừng lại, chống gậy chỉ vào nó và tuồn ra mớ triết lý vô trị nãy giờ giữ trong lòng bỗng trào lên cổ họng.
“Quỷ dữ kia,” anh ta nói ngắn gọn với tôi, “hãy nhìn vào tác phẩm của ngươi. Cung điện hùng vĩ của những cây thông phía sau khi chính là thế giới trước khi bọn ngươi, những kẻ văn minh, những Cơ đốc nhân, những kẻ dân chủ và những kẻ khác, đến đây và khiến nó tẻ nhạt bằng những quy tắc đạo đức và bình đẳng chán ngắt của các ngươi. Trong cuộc chiến thầm lặng của khu rừng ấy, cây đấu với cây, cành đấu với cành – tất cả đều diễn ra trong im ắng. Trận chiến không lời ấy chính là khởi sinh cho sự bất bình đẳng – lẫn cái đẹp. Giờ ngước mắt lên mà nhìn sự bình đẳng và xấu xí này đi. Hãy xem những chiếc nút trắng trên cây cột đen kia được sắp xếp đều đặn đến nhường nào và bảo vệ giáo điều của ngươi nếu bản lĩnh.”
“Cột điện báo ấy có thực sự tượng trưng cho dân chủ không?” Tôi hỏi. “Tôi cho rằng, nếu có ba người xây dựng đường dây điện báo để kiếm lợi nhuận thì có cả ngàn người bảo vệ rừng thông chỉ để chặt gỗ. Nhưng nếu cột điện xấu xí (cái này thì không cãi được), thì đó không phải do học thuyết nào hết, mà là do sự vô trị thương mại. Nếu ai đó nảy ra một học thuyết gì đó về cột điện báo, nó có thể được chạm khắc ngà và dát vàng. Những thứ hiện đại xấu xí vì con người hiện đại cẩu thả, chứ không phải vì họ cẩn thận.”
Không,” bạn tôi đáp, mắt đăm đăm nhìn về phía hoàng hôn rực rỡ đang trải dài, “có một thứ gì đó vốn dĩ đã lầm tê liệt chính ý tưởng về học thuyết. Một đường thẳng thì luôn xấu. Cái đẹp luôn quanh co. Những cái cột thẳng đứng cứng nhắc này xấu xí vì chúng truyền tải thông điệp thực sự của nền dân chủ đi khắp thế giới.”
“Ngay bây giờ,” tôi đáp, “chúng có lẽ đang truyền tải đi khắp thế giới thông điệp, ‘Hãy mua cổ phiếu đường sắt Bulgaria.’ Chúng là công cụ liên lạc thần tốc giữa hai trong số những đứa con giàu có và xảo quyệt nhất mà Chúa từng kiên nhẫn chịu đựng. Không, những cột điện báo này thật là xấu xí, đáng ghét, phi nhân tính và trơ trẽn. Nhưng sự thấp hèn của chúng nằm ở tính cá nhân của nó, không phải tính công khai. Cây cột đen với những nút trắng kia đâu phải là sự sáng tạo từ tâm hồn của đám đông đại đồng. Nó là sản phẩm điên rồ từ tâm hồn của tai tay triệu phú nào đó.”
“Như thế, anh ít nhất phải giải thích được,” người bạn tôi nghiêm trọng đáp, “tại sao học thuyết dân chủ cứng nhắc và những đường dây điện báo khô khan lại xuất hiện đồng thời; anh phải… Nhưng chết thật, ta phải về nhà thôi. Ai mà ngờ đã muộn thế này. Để xem nào, tôi nghĩ qua khỏi rừng thì đường về nhà sẽ ở hướng này. Nào, hãy cùng nguyên rủa cột điện báo vì những tất cả những lí do khác nhau mà ta có thể nghĩ được và về nhà trước khi tới sập tối.”
Chúng tôi đã không về được nhà trước khi trời tối. Vì nhiều cơn cớ, chúng tôi đã đánh giá thấp tốc độ của hoàng hôn và sự ập tới đường đột của màn đêm, đặc biệt là khi nó len lỏi qua khu rừng dày. Sau năm phút đầu tiên sập tối, bạn tôi vấp phải một khúc gỗ, và chỉ mười phút sau, tôi bước phải một vũng bùn ngập gần đầu gối. Chúng tôi bắt đầu nghi ngờ về hướng đi của mình. Cuối cùng, người bạn tôi nói bằng giọng khàn khàn, giọng lí nhí:
“Tôi e chúng ta nhầm đường mất. Đen như mực thế này.”
“Tôi cứ tưởng ta đi đúng hướng,” tôi ái ngại.
“Ừ thì,” anh ta nói, sau một khoảng dừng dài, “Nãy giờ không thấy cột điện báo nào cả. Nãy giờ tôi tính lần theo mà có thấy đâu.”
“Tôi cũng thế,” tôi nói. “Chúng quá thẳng.”
Chúng tôi mò mẫm trong bóng tối gần hai tiếng đồng hồ giữa những tán cây dày đặc đang dường như nhảy múa chế nhạo xung quanh. Tuy thế, đôi lúc chúng tôi vẫn có thể nhận ra đường nét của thứ gì đó quá thẳng và thô cứng để có thể là một cây thông. Nhờ lần theo những cột điện đó, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đường về, tới được nhà thì vừa lúc bình minh lan ra thứ ánh sáng xanh và lạnh.
GẶP SIÊU NHÂN
Độc giả của quý ngài Bernard Shaw và những văn nhân tân thời khác có lẽ sẽ thích thú không ít khi biết có người đã gặp được Siêu Nhân. Chính tôi đã tìm ra anh ta; anh ta sống ở South Croydon. Thành công của tôi sẽ là một cú đánh đau điếng với ngài Shaw – người vẫn đang lần theo những manh mối sai lầm và hiện vẫn đang săn lùng sinh vật ấy ở Blackpool; còn ý tưởng của ngài Wells về việc tạo ra Siêu Nhân từ khí gas trong phòng thí nghiệm cá nhân, theo tôi là không thể nào thành công. Tôi xin cam đoan với ngài Wells rằng Siêu Nhân ở Croydon được sinh ra theo cái cách mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng được sinh ra, dẫu bản thân anh ta chẳng giống ai trong chúng ta chút nào.
Cha mẹ anh ta đều xứng đáng với tạo vật kỳ diệu mà họ đã ban tặng cho thế giới. Tên tuổi của Lady Hypatia Smythe-Browne (bấy giờ là Lady Hypatia Hagg) sẽ đời đời ghi dấu ở East End, nơi ai ai cũng đều biết danh bà là một người hoạt động xã hội có tiếng. Bà thường kêu gọi “Hãy cứu lấy trẻ!” để cảnh tỉnh phụ huynh về sự thờ ơ đầy tàn nhẫn của họ trước thị lực của trẻ nhỏ khi để chúng chơi với những món đồ chơi phết sơn lem luốc. Bà viện dẫn những thống kê không thể chối cãi đến chứng minh rằng nếu để trẻ em nhìn thấy màu tím và đỏ cam thường bị suy giảm thị lực khi về già; và nhờ cuộc thập tự chinh không biết mệt mỏi của bà, dịch Gà-Mắc-Tóc(5) gần như bị quét sạch khỏi Hoxton. Người phụ nữ tận tụy ấy không mệt mỏi rảo bước khắp các con phố, tịch thu mấy món đồ chơi từ tay lũ trẻ nghèo – những đứa thường cảm động rơi nước mắt trước lòng tốt của bà. Đùng một cái, công việc thiện nguyện của bà bị gián đoạn, một phần vì bà chuyển hướng quan tâm sang một giáo lý gọi là Zoroaster, một phần vì bị người ta dùng ô quật tới tấp vào đầu. Thủ phạm là một người phụ nữ người Ái Nhĩ Lan bán táo lăng loàn, trong lúc cô này đang trở về căn hộ như cái chuồng bò sau cơn say, đã phát hiện Lady Hypatia đang trong phòng ngủ của mình, lúi húi gỡ bức tranh in dầu có nội dung mà, nói giảm nói tránh nhất, không thể nào khiến đầu óc nghĩ tốt lên được. Người đàn bà Celt vừa ngu vừa say này đã đập một cú như trời giáng vào nhà hoạt động xã hội và buộc tội người này tội trộm cắp rất chi nực cười. Tâm hồn tinh hoa của quý bà bị một phen chấn động, và chính trong cơn suy sụp ngắn ngủi đó, bà đã kết hôn với Tiến sĩ Hagg.
Về Tiến sĩ Hagg, tôi nghĩ mình cũng không cần phải giới thiệu nhiều. Bất cứ ai từng biết đến những thí nghiệm táo bạo trong Thuyết Ưu sinh Tân Cá nhân Chủ nghĩa – thứ đang là mối quan tâm duy nhất của nước Anh dân chủ - hẳn phải biết tên ông và thường xuyên viện dẫn tên ông như tấm bùa hộ mạng trước một thế lực siêu nhiên nào đó. Từ thuở niên thiếu, khi còn là một kỹ sư điện, ông đã có cái nhìn sắc bén về lịch sử tôn giáo. Về sau, ông trở thành một trong những nhà địa chất học vĩ đại nhất trong thời đại cảu chúng ta, đã đạt được đến tầm nhìn thấu được tương lai của Xã hội chủ nghĩa – thứ chỉ có ngành địa chất học mới có thể mang lại được. Thoạt đầu, hình như có một vết nứt, rất nhỏ nhưng rất rõ, trong quan điểm của ông và người vợ quý tộc. Bà thì ủng hộ việc (trích đúng lời châm ngôn đanh thép của bà) “bảo vệ người nghèo khỏi chính họ”, trong khi ông chồng bà lại tuyên bố không chút xót thường, bằng một ẩn dụ mới mẻ và gây sốc, rằng “kẻ yếu nhất phải bị đẩy vào đường cùng.” Cuối cùng, đôi vợ chồng nhận ra sự đồng điệu trong tính chất tân thời không thể nhầm lẫn của cả hai quan điểm trên, và với công thức đầy sáng sủa này, tâm hồn họ tìm được bình yên. Kết quả của sự hòa kết hai hình mẫu cao quý nhất của nền văn minh chúng ta – một quý bà thượng lưu và một ông tiến sĩ suýt soát thô tục – đã được phù hộ bằng sự chào đời của Siêu Nhân, sinh vật mà mọi công nhân ở Battersea ngày đêm mong đợi.
Tôi tìm đến nhà của vợ chồng tiến sĩ Hypatia Hagg không mấy khó khăn; nó nằm trên một trong những con phố cuối cùng ở Croydon với hàng bạch dương cao vút. Tôi đến cửa vào khắc hoàng hôn, và tự nhiên trong tôi lại hình dung ra thứ gì đó tối tăm và kỳ quái trong bóng dáng mờ ảo của ngôi nhà đang chứa đựng sinh vật kỳ diệu hơn cả con cái của loài người. Lúc bước vào, tôi được Lady Hypatia và chồng đón tiếp bặt thiệp và tinh tế; nhưng tôi gặp ít nhiều khó khăn trong việc xin gặp mặt trực tiếp Siêu Nhân – bấy giờ đã mười nhăm tuổi và có một căn phòng riêng yên tĩnh. Ngay cả cuộc trò chuyện với cha mẹ cậu cũng không làm rõ lắm tính cách thực sự của sinh vật bí ẩn này. Lady Hypatia – với khuôn mặt xanh xao nhưng mặn mà, vận bồ đồ xám và xanh lá nhạt nhòa và tầm thường đã đi cùng bà thắp sáng đôi mắt bao nhiêu gia đình ở Hoxton, dường như không nói về con mình với chút kiêu hãnh thường trực gì của một bà mẹ bình thường. Tôi đánh liều hỏi thẳng: “Siêu Nhân có dễ coi không?”
“Anh biết đấy, nó tự tạo ra quy chuẩn cho riêng mình,” bà vừa đáp, vừa lọt ra một tiếng thở dài khe khẽ. “Nếu xét trên quy chuẩn ấy, nó còn đẹp hơn cả thần Apollo. Nếu nhìn từ quy chuẩn tầm thường của chúng ta, dĩ nhiên…” Và bà lại thở dài.
Tôi bỗng nảy ra một ý định kỳ quặc, buột miệng hỏi: “Cháu nhà có tóc không?”
Một khoảng lặng đau khổ kéo dài, rồi tiến sĩ Hagg giọng êm ái trả lời: “Trên quy chuẩn ấy, mọi thứ đều khác biệt; thứ nó có không phải là… à, không hẳn là thứ ta vẫn gọi là tóc… mà là…”
“Em nghĩ…” vợ ông ngắt lời, giọng rất nhẹ nhàng, “khi nói chuyện với người ngoài, mình cứ tạm gọi là tóc đi nhé?”
“Em có lý,” người chồng trầm ngâm một lúc rồi đáp. “Khi đề cập đến thứ tóc như thế, ta phải dùng dụ ngôn mới được.”
“Vậy rốt cục là thứ gì mới được,” tôi hơi bực, nói, “nếu không phải là tóc? Lông vũ chăng?”
“Không phải lông vũ, chúng tôi biết lông vũ là gì chứ,” Hagg đáp bằng giọng thống khổ.
Tôi đứng phắt dậy, không giấu nối cơn bực. “Ít nhất cũng cho tôi gặp cháu nhà chứ? Tôi là nhà báo, tôi chỉ hiếu kỳ và tò mò thôi mà. Tôi muốn được khoe là mình đã bắt tay được với Siêu Nhân.”
Vợ chồng họ cùng đứng lên, mặt lộ rõ vẻ lúng túng. “À, anh biết đấy,” Lady Hypatia nở một nụ cười đặc trưng của giới thượng lưu, “nó không thể bắt tay theo cách thông thường… mà cũng không phải tay theo nghĩa thông thường… Cấu trúc cơ thể của nó…”
Tôi rũ bỏ hết mọi quy tắc xã giao bình thường, sầm sập xông thẳng vào căn phòng mà tôi nghĩ là của sinh vật dị thường kia. Tôi mạnh tay đẩy cửa vào – căn phòng tối om. Nhưng trước mặt tôi vang lên một tiếng rên yếu ớt, còn phía sau tôi hai vợ chồng nọ đang hét lên kinh hãi.
“Anh phá hỏng hết rồi!” Tiến sĩ Hagg kêu lên, hai tay ôm lấy cái đầu hói. “Anh để gió lùa vào, giờ nó chết mất rồi.”
Khi rời Croydon vào đêm hôm đó, tôi thấy những người đàn ông vận đồ đen khiêng một cỗ áo quan có hình thù không hề giống bất cứ thứ gì giống con người. Gió rít từng cơn, xoáy vào dãy bạch dương, làm chúng sã xuống như những chiếc lông vũ đang dự đám tang của hoàn vũ. “Đó chính là,” tiến sĩ Hagg nói, “vũ trụ đang khóc thương cho sự bại trận của một kiệt tác vĩ đại tột bực.” Nhưng tôi nghe trong tiếng gió hú ấy có cả một tràng cười khoái trá.
Bùi Gia Bin dịch
- Trong thần thoại, Orpheus là thần âm nhạc có tiếng đàn được miêu tả là có thể khiến cây cối bật gốc chạy theo.
- Đều là những khẩu ngữ, lần lượt là “Nhìn kìa!” và “Tuyệt!”
- (Matthew 7:9) “Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đó chăng?” Ý khuyên đừng lấy dối trá để đáp lại những mong ước thật thà.
- Nghịch lý mà ở đó, những ý định tốt đẹp và thiện tâm của ta khi thực hiện lại khiến tình hình càng thêm trầm trọng và xấu đi.
- Bản gốc là Moneky-on-a-stick, một tục ngữ chỉ ai đó không thể nào tập trung hay ngồi yên một chỗ được, lúc nào cũng lúng túng, lảo đảo, lắng lo.
Chesterton
Chesterton: Triết lý tham quan