Một vấn đề
Sau ba text đã xuất bản, giờ ta đã có thể xem xét truyện ngắn của James trong tổng thể. "Một vấn đề" là truyện thuộc thời kỳ đầu của James, cùng "Bi kịch từ lỗi." Có thể thấy rất rõ khác biệt với những novella thời kỳ sau như "Con quái vật trong rừng" hay Daisy Miller và Aspern Papers. Cùng các tiểu luận phê bình hay lý thuyết về nghệ thuật hư cấu và các tiểu thuyết (cf: Những người Châu Âu và Vẽ một phụ nữ), truyện ngắn là mảnh ghép còn thiếu để hoàn chỉnh hình dung đầy đủ về một con đường hết sức phức tạp của một nhân vật hết sức phức tạp như Henry James.
Trên con đường ấy, có những giai đoạn James chỉ muốn viết được như Maupassant (cf. Maupassant về tiểu thuyết), nhưng sẽ đến lúc Maupassant không còn là tiêu chí nữa, hơi giống một thử chỉ tự tiêu dùng cho phẫu thuật: cần phải qua rất nhiều lần mổ thì James mới thành James được, và khi đó kể cả các sẹo cũng đầy ý nghĩa.
Một vấn đề
- Henry James
Tháng Chín sắp kết thúc, cùng với đó là tuần trăng mặt của hai người trẻ tuổi mà tôi sung sướng được giới thiệu đến độc giả. Họ đã kéo giãn nó ra, hoàn toàn khinh thường sự cân đối của tờ lịch. Tháng Chín có ba mươi ngày là sự thật mà đứa trẻ ngây dại nhất cũng biết; nhưng những người trẻ tuổi đang yêu của chúng ta cho nó ít nhất cũng phải bốn mươi ngày. Tuy nhiên, nhìn chung họ không tiếc đoạn mào đầu trôi tuột đi và chứng kiến bức màn vén lên cho vở kịch trong đó họ đảm nhận vai chính. Emma thường hay nghĩ về ngôi nhà nhỏ duyên dáng đang chờ nàng trong thị trấn và về những người hầu mà bà mẹ thân yêu của nàng đã hứa thuê cho; và, quả thật, về chuyện ấy, người vợ trẻ để cho trí tưởng tượng của nàng lượn lờ quanh việc lựa chọn đồ gia dụng mà nàng kỳ vọng sẽ tìm thấy luôn cái tủ bếp để chất lên ở cùng một cửa hiệu.
Ngoài ra, nàng đã để bộ váy cưới ở nhà - cho rằng thật ngớ ngẩn khi mang những trang phục lộng lẫy về miền quê - và nàng cảm thấy nỗi khao khát cháy bỏng được rửa sạch ký ức mình khỏi sắc thái cụ thể của một thứ lụa tím, cũng như chiều dài chính xác của một cái đuôi váy nào đó. Độc giả sẽ thấy rằng Emma là một người đơn thuần, chẳng hề tinh vi, và rằng đời sống hôn nhân của nàng hầu như chỉ gồm toàn những niềm vui và phiền toái nho nhỏ. Nàng đơn thuần, dịu dàng, đẹp và trẻ; nàng tôn thờ chồng. Anh, cũng thế, bắt đầu cảm thấy rằng đã đến lúc họ phải nghiêm túc với hôn nhân. Ý nghĩ của anh vơ vẩn quay lại phòng kế toán và bàn làm việc để trống, cùng nội dung khả dĩ của những bức thư anh đã yêu cầu thư ký đồng nghiệp mở ra xem khi anh vắng mặt. Vì David, cũng vậy, là một anh chàng đơn thuần, tự nhiên, và mặc dù anh nghĩ vợ mình là tạo vật con người ngọt ngào nhất - hoặc, thật ra vì chính lý do ấy - anh không thể quên rằng cuộc sống đầy rẫy những điều tất yếu và hiểm nguy đắng cay vô nhân tính, chúng vây chặt lấy ta ngay khi ta đứng yên. Tóm lại, anh hạnh phúc, và anh cảm thấy thật không công bằng nếu như không còn được hạnh phúc nữa chẳng vì lý do gì.
Vậy là hai người đã lại thu xếp hành lý và đặt xe để đến kịp chuyến tàu hôm sau. Trời đã sẩm tối, và Emma ngồi rảnh tay bên cửa sổ, tạm biệt trong im lặng phong cảnh nơi nàng cảm thấy họ đã thả vào bí mật tình yêu tuổi trẻ. Họ đã ngồi dưới bóng từng cái cây và ngắm mặt trời trên từng tảng đá.
David đã đi thanh toán với chủ nhà và đến chào tạm biệt bác sĩ, người từng giúp đỡ rất nhiều lúc Emma bị cảm vì ngồi ba tiếng liền trên cỏ sau một ngày mưa.
Ngồi một mình là việc rất tẻ. Emma trèo qua bệ cửa sổ dài, đến chỗ cổng vườn tìm chồng. Nhà của bác sĩ cách đó một dặm, gần làng. Không thấy bóng dáng David, nàng tản bộ dọc theo con đường, đầu trần, quấn mình trong khăn choàng. Đó là một buổi tối dễ chịu. Vì không có ai để nói điều ấy, Emma tự nói với chính mình, hơi quá hăng hái; và ngoài điều này, nàng lại thêm vào hàng chục nhận xét nữa, không kém độc đáo và hùng hồn - cũng không kém thành thực. Rằng David thì, a! thật tuyệt, và rằng nàng sẽ phải thật hạnh phúc. Rằng nàng hẳn sẽ có rất nhiều mối bận tâm, nhưng rằng nàng sẽ chỉn chu, và tiết kiệm, và cẩn thận, và rằng căn nhà của nàng hẳn sẽ là nơi trú ẩn tao nhã một cách khiêm tốn và có gu; và, rồi thì, nàng sẽ làm mẹ.
Khi Emma chạm đến điểm này, nàng ngừng suy ngẫm và ngừng thì thầm những điều đạo đức vô thưởng vô phạt với lương tâm. Nàng vui; nàng đi chậm lại và nhìn quanh những ngọn đồi tối sẫm, nhô lên thành các gợn sóng mềm mại trên nền trời phía Tây rực rỡ, nghe những nhịp đập dài của âm thanh trỗi lên từ những rừng cây, hàng rào và bờ hồ. Tai nàng ù đi, và mắt nàng đẫm lệ.
Trong khi đó nàng đã đi được nửa dặm mà vẫn chưa thấy David đâu. Sự chú ý của nàng, tuy vậy, lúc này đã chệch hướng khỏi cuộc tìm kiếm. Bên phải nàng, ngang tầm mặt đường trải ra một không gian rộng, quây tròn, nửa đồng cỏ, nửa sân chung, phía sau được vây lại bởi khu rừng. Cách nàng một khoảng, gần bìa rừng có vài cái lều, giống như lều của những người da đỏ lang thang bán giỏ đan và các mặt hàng làm từ vỏ cây. Phía trước đám lều, chỗ gần con đường, ngồi trên một khúc cây đổ, một phụ nữ da đỏ đang đan một cái giỏ với hai đứa trẻ bên cạnh. Emma tò mò nhìn khi nàng đến gần.
“Buổi tối tốt lành,” người phụ nữ nói, nhìn đáp lại với cặp mắt đen sáng, rắn rỏi. “Cô muốn mua thứ gì không?”
“Chị bán gì? Emma hỏi, đứng lại.
“Đủ thứ. Giỏ, gối giắt kim, và quạt.”
“Tôi cũng thích một cái giỏ - cái nào nhỏ thôi - nếu nó đẹp.”
“Ồ, phải, chúng đẹp lắm, cô sẽ thấy.” Và cô ta nói gì đó với một trong hai đứa trẻ, bằng thổ ngữ. Thằng bé chạy đi, theo mệnh lệnh, đến chỗ đám lều. Trong khi nó đi, Emma nhìn đứa còn lại, bảo rằng nó rất đẹp trai nhưng không hề chạm vào nó, bởi thằng mọi con này bẩn đến cùng cực. Người phụ nữ tiếp tục công việc bền bỉ của mình, xem xét Emma từ đầu đến chân và chằm chằm nhìn váy nàng, tay nàng và những chiếc nhẫn nàng đeo.
Một lúc sau thằng bé trở lại với mấy cái giỏ được buộc lại với nhau, theo sau là một bà già, có vẻ như là mẹ của người phụ nữ kia. Emma nhìn qua đám giỏ, chọn lấy một cái xinh xinh, và lấy ví ra trả tiền. Giá là một đô-la, nhưng Emma không có tờ nào nhỏ hơn hai đô-la, và người phụ nữ cho biết không thể trả lại tiền thừa.
“Đưa tiền cho nó đi,” bà già bảo, “và, đổi lấy phần tiền thừa, ta sẽ nói cho cô biết tương lai của cô.”
Emma nhìn bà ta, do dự. Đó là một bà da đỏ già gớm guốc, có đôi mắt đen ủ rũ, khuôn mặt ngăm đen của bà ta chằng chịt vô số nếp nhăn.
Người phụ nữ trẻ hơn thấy Emma có vẻ hơi hoảng sợ và nói gì đó bằng thứ thổ ngữ man rợ làu bàu trong cổ họng với người đồng hương. Người kia đáp lại, và người này phá lên cười.
“Đưa tay cô cho ta,” bà già nói, “và ta sẽ nói về tương lai của cô.” Và, trước khi Emma kịp kháng cự, bà ta bước đến và nắm lấy bàn tay trái của nàng. Bà ta giữ nó một lúc, mu bàn tay hướng lên trên, nhìn vào bề mặt nhẵn nhụi của nó, và nhìn những viên kim cương trên ngón giữa. Rồi, lật ngửa lòng bàn tay lên, bà ta bắt đầu lẩm bẩm càu nhàu. Ngay khi bà ta sắp nói, Emma thấy bà ta nhìn, có phần ngờ vực, vào ai đó dường như đang ở phía sau nàng. Quay lại, nàng thấy chồng mình đã đến lúc nào không biết. Nàng cảm thấy nhẹ nhõm. Người đàn bà kia có bộ dạng xấu xa ghê tởm, và còn hơn thế, ở bà ta xông lên mùi whiskey nồng nặc. David ngay lập tức cảm thấy điều này.
“Bà ấy đang làm gì thế?” anh hỏi vợ.
“Anh không thấy sao. Bà ấy đang xem bói cho em.”
“Bà ấy đã nói gì với em?”
“Vẫn chưa. Bà ấy có vẻ vẫn đang đợi nó đến.”
Bà già da đỏ nhìn David đầy xảo quyệt, và David đáp lại cái nhìn của bà ta với vẻ thù ghét lộ rõ. “Bà ta sẽ phải chờ lâu đấy,” anh bảo vợ. “Bà ta say rồi.”
Anh hạ thấp giọng, nhưng người đàn bà nghe thấy anh. Người phụ nữ kia bắt đầu cười và nói gì đó bằng thổ ngữ với bà mẹ. Người này vẫn đang cầm bàn tay Emma và vẫn im lặng.
“Đây là chồng cô?” rốt cuộc bà ta nói, gật đầu với David. Emma gật đầu tỏ ý đúng vậy. Người đàn bà lại xem xét tay nàng. “Trong vòng một năm nữa,” bà ta nói, “cô sẽ làm mẹ.”
“Tin ấy thật tuyệt,” David nói. “Là con trai hay con gái?”
Người đàn bà nhìn David chăm chú. “Một bé gái,” bà ta nói. Và rồi bà chuyển cái nhìn về lòng bàn tay Emma.
“Tốt, vậy là hết rồi?” Emma nói.
“Nó sẽ bị ốm.”
“Rất có thể,” David nói. “Và chúng tôi sẽ gọi bác sĩ.”
“Bác sĩ sẽ không làm gì được.”
“Vậy thì chúng tôi sẽ gọi một bác sĩ khác,” Emma nói, cười lớn - nhưng chẳng phải không gắng gượng.
“Ông ta sẽ không làm gì được. Con bé sẽ chết.”
Người phụ nữ da đỏ trẻ lại bắt đầu cười lớn. Emma rút tay lại, nhìn chồng. Mặt anh hơi tái, và Emma nắm lấy cánh tay anh.
“Chúng tôi rất biết ơn bà về thông tin này,” David nói. “Lúc mấy tuổi thì con gái bé bỏng của chúng tôi chết?”
“Ô, rất nhỏ.”
“Nhỏ chừng nào?”
“Ô, nhỏ lắm.” Bà già có vẻ không muốn cho biết thêm nữa, và David dẫn vợ đi.
“Tốt thôi,” Emma nói, “bà ấy cho chúng ta món hời giá một đô-la.”
“Anh nghĩ,” David nói, “bà ta đã kiếm được món hời một đô-la. Bà ta say như hũ chìm ấy.”
Nhờ sự đảm bảo này Emma được an ủi rất nhiều trong hai mươi bốn giờ. Về phần David, chỉ qua một giờ là anh đã hoàn toàn quên đi lời tiên tri.
Ngày hôm sau họ trở lại thị trấn. Emma tìm thấy ở ngôi nhà của nàng tất tật những gì nàng mong muốn, và tấm lụa tím oải hương của nàng không nhạt hơn một tông, cũng như không ngắn hơn một inch. Mùa đông đến rồi đi, và nàng vẫn là một phụ nữ rất hạnh phúc. Mùa xuân đến, mùa hè cận kề, và niềm vui của nàng tăng lên. Nàng trở thành mẹ một bé gái.
Một thời gian sau khi đứa bé chào đời, Emma ở cữ trong phòng. Nàng thường ngồi ôm con vào lòng, cho con bú, đếm nhịp thở, băn khoăn tự hỏi đứa bé có trở nên xinh đẹp hay không. David ở chỗ làm của anh, trong đầu đầy những con số. Hàng chục lần Emma nhớ lại lời tiên tri của bà già, đôi khi run rẩy, đôi khi thờ ơ, đôi khi gần như thách thức. Rồi, nàng tuyên bố rằng thật ngớ ngẩn khi nhớ về điều nó. Một bà già da đỏ say mèm - điềm báo cho đứa con quý báu của nàng. Có lẽ bà ta giờ đã chết rồi. Dẫu sao thì lời tiên tri của bà già cũng thật lạ lùng; bà ta có vẻ rất cả quyết. Và người phụ nữ kia cười thật đáng ghét. Emma không quên tiếng cười ấy. Có lẽ cô ta hay cười, với đám mọi con khỏe mạnh bên cạnh.
Hôm đầu tiên Emma ra khỏi phòng, một buổi tối, trong bữa ăn, nàng không thể không hỏi chồng xem anh còn nhớ lời tiên tri của người đàn bà Anh Điêng chăng. David đang uống một ly rượu. Anh gật đầu.
“Anh xem, nó đã đúng một nửa,” Emma nói. “Một bé gái.”
“Em yêu,” David nói, “người ta sẽ nghĩ là em tin nó đấy.”
“Tất nhiên con bé sẽ ốm,” Emma nói. “Chúng ta phải lường trước điều đó.”
“Em có nghĩ, em yêu,” David nói tiếp, “rằng đó là một bé gái bởi vì con người đáng kính kia đã phán như thế không?”
“Gì cơ, đương nhiên là không rồi. Đó chỉ là trùng hợp.”
“Được rồi, vậy thì, nếu đó chỉ là trùng hợp, chúng ta hãy kệ chuyện này đi. Kể cả nếu như lời tuyên bố của mụ già đúng là một lời tiên tri thì chúng ta cũng có thể kệ nó. Việc nó đúng một nửa sẽ làm giảm cơ hội cho nửa còn lại.”
Độc giả có thể phát hiện một lỗ hổng trong logic của David, nhưng logic ấy hết sức thỏa đáng với Emma. Nàng sống dựa vào nó trong khoảng một năm, và rồi cũng đến lúc nó được đem ra xem xét.
Chắc hẳn là không đúng nếu nói rằng Emma đã bảo vệ và nâng niu con gái bé bỏng của nàng cẩn thận hơn chỉ vì vẻ cả quyết của bà già; tình cảm tự nhiên của nàng bản thân nó đã đảm bảo cho sự cảnh giác hoàn hảo. Nhưng sự cảnh giác hoàn hảo không phải là không thể sai lầm. Khi được mười hai tháng tuổi, đứa bé ốm nặng và sau một tuần, sinh mệnh bé bỏng ấy như treo trên sợi tóc. Trong quãng thời gian này, tôi có xu hướng nghĩ rằng Emma đã quên mất lời tiên tri đáng buồn treo lơ lửng trên đầu đứa bé; ít ra, chắc chắn là nàng không khi nào nói về nó với chồng và anh cũng không hề nhắc nàng về nó. Cuối cùng, sau một hồi giằng co khó nhọc, cô bé đã thoát khỏi vòng ôm tàn khốc của căn bệnh, hổn hển và kiệt sức, nhưng không hề hấn gì. Emma cảm thấy như thể con nàng bất tử, và như thể, từ nay trở đi, cuộc sống hẳn không còn thử thách nào với đứa bé nữa. Mãi cho đến lúc ấy nàng mới nhớ lại lời tiên tri của bà thầy bói da ngăm.
Nàng đang ngồi trên sofa trong phòng, đứa bé thiếp đi trong lòng, ngắm ánh sáng nhợt nhạt của sự sống dần quay trở lại trên đôi má nhỏ hao mòn của nó. David trở về sau ngày làm việc và ngồi xuống cạnh nàng.
“Em tự hỏi,” Emma nói, “không biết cô bạn Magawisca của chúng ta - hay bất kể tên gì - sẽ nói sao về việc ấy.”
“Hẳn là cảm thấy bị ruồng rẫy đến tuyệt vọng,” David nói. “Phải vậy không, cô bé siêu việt vừa khỏi bệnh?” Và anh nhè nhẹ cù vào chóp mũi cô con gái nhỏ bằng chỏm ria mép của anh. Đứa bé khẽ mở mắt và, mơ hồ nhận ra cha mình, nhấc tay lên uể oải nắm lấy mũi anh. “Lạy hồn,” David nói, “hung dữ chưa này. Con chó già vẫn còn khỏe chán.”
“Ôi, David, sao anh có thể?” Emma nói. Nhưng nàng ngồi ngắm chồng nàng và đứa bé với một với một nụ cười hiền hậu, vui vẻ. Dần dần, nụ cười của nàng trở nên nghiêm trang hơn, rồi biến mất, dù trông nàng vẫn giống người phụ nữ hạnh phúc nàng vốn dĩ. Cô nhũ mẫu đến sau bữa tối, và ẵm lấy đứa bé. Emma buông con ra, vẫn ngồi lại trên sofa. Khi nhũ mẫu đi sang phòng bên cạnh, nàng đặt tay vào tay chồng.
“David,” nàng nói, “em có một bí mật nho nhỏ.”
“Anh chẳng nghi ngờ,” David nói, “là em có cả chục. Em thuộc loại phụ nữ hay giấu giếm, ám muội, khả nghi nhất mà anh từng gặp.”
Chẳng cần phải nói rằng đây chỉ là sự hài hước quá đà của David, bởi Emma có tâm hồn cởi mở và dễ đồng cảm nhất đời. Nàng thực hành, theo cách lặng lẽ, một lòng tận tâm đầy nhiệt thành với chồng, và việc coi anh là tri kỷ đã trở thành một phần tín ngưỡng của nàng. Đương nhiên, kể tường tận ra thì nàng có rất ít thứ để tâm sự với anh. Nhưng nàng tâm sự với anh những chuyện nhỏ nhặt, với hy vọng rằng một ngày nào đó anh sẽ tâm sự với nàng điều khiến nàng hài lòng khi tin vào sự dạt dào tình cảm của anh.
“Đó không hẳn là một bí mật,” Emma tiếp tục; “chỉ là em đã giữ nó quá lâu đến mức nó gần như một bí mật. Anh sẽ cho là em rất ngớ ngẩn, David. Em không thể chịu được việc nhắc đến nó chừng nào lời phán của bà già da đỏ khủng khiếp ấy còn có nguy cơ trở thành hiện thực. Nhưng giờ, nó đã bị bác bỏ, thật vô lý nếu cứ giữ mãi trong đầu; không phải là bởi em thực sự cảm thấy nó ở đó, nhưng nếu như em không nói gì về nó thì đó là vì anh. Em chắc chắn là anh sẽ không bận tâm; và nếu như anh không bận tâm, David, em chắc là em không cần.”
“Cô nàng yêu dấu của tôi, chuyện gì đang xảy ra vậy?” David nói. ‘Nếu anh không bận tâm, em chắc là em không cần!’ - em khiến người ta nổi da gà đấy.”
“Tại sao, vì đó là một lời tiên tri khác,” Emma nói.
“Một lời tiên tri khác? Vậy thì hãy chấp nhận nó, theo mọi nghĩa.”
“Nhưng anh không có ý, David, rằng anh sẽ tin nó chứ?”
“Còn tùy. Nếu như nó có lợi cho anh, đương nhiên anh sẽ tin.”
“Có lợi cho anh! Ôi, David!”
“Emma yêu dấu của anh, những lời tiên tri không nên bị chế nhạo. Hãy xem lời tiên tri về đứa bé.”
“Đáng lẽ phải nói, hãy xem đứa bé kìa.”
“Chính xác. Chẳng phải đó là một bé gái sao? Chẳng phải con bé vừa mới ở ngay trước cửa chết sao?”
“Phải; nhưng bà già ấy đã để con bé đi qua.”
“Không; em không biết tưởng tượng. Đương nhiên những lời tiên tri dạng ấy chỉ định một sự như là thảm họa; nhưng nhân tiện, chúng lại cho em một món hời.”
“Được thôi, anh yêu, bởi anh nhất quyết tin chúng, em rất tiếc vì đã giấu anh. Em tặng anh một món trong số đó.”
“Lại một mụ da đỏ nữa sao?”
“Không, đó là một bà già người Ý từng đến trường vào các sáng thứ Bảy và bán cho bọn em những quả mận ngâm hay trang sức rẻ tiền. Chuyện đã mười năm về trước. Giáo viên không ưa bà ấy nhưng bọn em để bà ấy vào vườn qua lối cổng sau. Bà ấy thường bưng một cái khay nhỏ, như một người bán rong. Bà ấy có kẹo, bánh, găng tay trẻ em. Một hôm, bà ấy đề nghị bói bài cho bọn em. Bà ấy trải bộ bài ra cái khay, và khoảng nửa chục trong số bọn em tham gia nghi thức. Số còn lại sợ hãi. Em tin rằng em nằm trong đám thứ hai. Bà ấy kể một chuyện dông dài mà em đã quên, nhưng không nói gì về người yêu hay chồng. Đương nhiên, đó là tất cả những gì bọn em muốn nghe; và, dẫu thất vọng, em quá xấu hổ để đặt bất cứ câu hỏi nào. Với những con bé đến sau em, bà ấy hứa hẹn những cuộc hôn nhân huy hoàng nhất. Em thắc mắc không biết mình có trở thành gái già hay không. Ý nghĩ ấy thật tệ, và em quyết tâm hỏi thử xem số phận thế nào. ‘Còn con?’ Em hỏi khi bà ấy đang xếp lại cỗ bài; ‘có phải con sẽ không bao giờ kết hôn?’ Bà ấy nhìn em, rồi lại nhìn qua những lá bài. Em cho rằng bà ấy muốn bù đắp cho sự bỏ bê của mình. ‘À, con. Cô gái,’ bà bảo - ‘con khá hơn tất tật những đứa khác. Con kết hôn hai lần!’ Giờ thì, anh yêu,” Emma nói thêm, “vui hết mình đi nào.” Và nàng ngả đầu lên vai chồng rồi ngắm nhìn khuôn mặt anh, mỉm cười.
Nhưng David không hề cười. Trái lại, anh trông có vẻ nghiêm trọng. Bởi vậy, Emma không cười nữa và cũng trở nên nghiêm trọng. Thực ra, trông nàng có vẻ khổ sở. Nàng nghĩ David rõ là không tử tế khi đón nhận câu chuyện nho nhỏ của nàng theo kiểu cứng nhắc như vậy.
“Lạ thật,” David nói.
“Chuyện vớ vẩn ấy mà,” Emma nói. “Em xin lỗi vì đã kể với anh, David.”
“Anh vui đấy chứ. Thật hết sức lạ lùng. Nghe này, và em sẽ thấy - cả anh nữa, anh cũng có một bí mật, Emma.”
“Không, em không muốn nghe đâu,” Emma nói.
“Em sẽ nghe,” người đàn ông trẻ nói. “Anh chưa bao giờ nhắc đến chuyện này trước đây, đơn giản vì anh đã quên mất nó - hoàn toàn quên nó. Nhưng câu chuyện của em khiến anh nhớ lại. Cả anh nữa, anh từng được báo trước tương lai. Không phải bởi một mụ da đỏ hay gypsy. Đó là một cô gái trẻ trong nhóm. Anh quên mất tên cô ta rồi. Lúc ấy anh chưa đầy hai mươi. Chuyện xảy ra trong một bữa tiệc, và cô ta bói cho mọi người. Cô ta có cỗ bài; cô ta giả vờ như có một món quà. Anh không biết mình đã nói gì. Anh cho rằng, như mọi anh chàng ở tuổi ấy thích làm, anh trưng ra sự thông thái của mình bằng cách gây hấn với đời sống hôn nhân. Anh nhớ là một cô bạn trẻ đã giới thiệu anh với người này, bảo rằng đây là chàng trai đã tuyên bố sẽ không bao giờ kết hôn. Phải vậy không nhỉ? Người kia nhìn những lá bài của mình và bảo rằng điều đó hoàn toàn sai, và rằng anh sẽ kết hôn hai lần. Cả đám bắt đầu cười. Anh thì xấu hổ. ‘Sao cô không nói là ba lần?’ anh nói. ‘Bởi vì,’ người phụ nữ trẻ đáp, ‘những lá bài của tôi nói rằng chỉ hai lần. ’” David đứng dậy khỏi sofa và tới trước mặt vợ. “Em không thấy rằng điều đó rất lạ sao?” anh nói.
“Cũng lạ. Người ta sẽ cho rằng anh thấy nó còn hơn cả lạ nữa.”
“Em biết đấy,” David tiếp tục, “chúng ta không thể đều kết hôn hai lần.”
“Em biết đấy,” Emma la lên, “Hoan hô, anh yêu. Cái câu ‘Em biết đấy’ thật thú vị quá. Có lẽ anh muốn em rút lui và cho anh cơ hội.”
David nhìn vợ, hơi ngạc nhiên trước sự cay đắng trong lời lẽ của nàng. Rõ ràng anh sắp sửa phát biểu gì đó để hòa giải, nhưng dường như anh còn đang ngơ ngẩn vì sự tương đồng kỳ dị của hai lời tiên đoán. “Lạy hồn!” anh nói, “thật kỳ quặc quá sức tưởng tượng!” Anh phá ra cười một tràng.
Emma ấp tay lên mặt và ngồi im lặng. Rồi, sau một lúc: “Về phần em,” nàng nói, “em thấy chuyện đó khó chịu vô cùng!” Kiệt sức bởi cố gắng nói, nàng khóc òa.
Chồng nàng lại ngồi xuống bên nàng. Anh vẫn giữ vẻ khôi hài - nhìn chung, có lẽ thiếu thận trọng - trước vụ việc. “Nào, Emma,” anh nói, “lau nước mắt đi, và cố lục lại trí nhớ xem. Em có chắc là trước đây em chưa từng kết hôn không?”
Emma gạt đi những vuốt ve của anh và đứng dậy. Rồi, đột ngột quay lại, nàng nói, kịch liệt, “Còn ngài thì sao, thưa ngài?”
Thay cho câu trả lời David lại cười lớn; và rồi, liếc nhìn vợ một cái, anh đứng lên và đi theo nàng. “Où diable la jalousie va-t-elle se nicher!” [tiếng Pháp: “Lòng ghen tuông sẽ rúc vào đâu đây!]” anh hét lên. Anh choàng tay quanh nàng, nàng chịu thua, và anh hôn nàng. Lúc này, tiếng khóc nhỏ của đứa bé vang lên ở phòng bên cạnh. Emma vội vã chạy sang.
Thật vậy, như câu hỏi của David, ả ghen tuông sẽ lẩn trốn vào đâu? Và ả sẽ chui ra từ những góc lạ lùng không ngờ nào? Ả tự làm tổ trong trái tim ngây thơ của Emma tội nghiệp và, khi nhàn rỗi, ả trải thảm và trang trí cho nó. Cái xen nho nhỏ tôi vừa tả không chịu rời khỏi hai người, thật vậy, một khi nó đã tìm ra họ. David đã hôn vợ và cho thấy sự điên rồ nơi những giọt nước mắt nàng, nhưng anh không rút lại câu chuyện của mình. Suốt mười năm anh đã không nghĩ về nó; nhưng, giờ khi đã nhớ lại, anh không thể nào gạt nó ra khỏi suy nghĩ. Nó vây lấy anh, quấy rầy và làm anh rối trí; nó găm vào tâm trí anh trong những thời điểm không thích hợp nhất; nó vo ve bên tai anh và nhảy múa giữa những cột số trong quyển sổ kế toán khổ lớn của anh. Đôi khi lời tiên đoán của cô gái trẻ nối vào một dãy số khổng lồ và đi vơ vẩn từ vị trí khiêm tốn của nó giữa các đơn vị sang hàng trăm nghìn. David lúc nào cũng xem mình là một người chồng. Nhưng, xét cho cùng, như anh nghĩ, điều kỳ lạ không phải ở chỗ anh đã được tiên đoán kết hôn hai lần; lạ là ở chỗ Emma đã rút chính xác cùng lá số ấy. Đó là một cuộc xung đột của các lời tiên tri. Sẽ là một cuộc điều tra thú vị, dù cho lúc này đương nhiên hoàn toàn là bất khả, khi xác định xem lời tiên tri nào đáng tin hơn. Vì làm sao mà cả hai có thể cùng tiết lộ sự thật được? Khéo đến đâu cũng chẳng thể hóa giải sự bất tương thích của chúng. Liệu có khả năng một trong hai nhà tiên tri đã đưa ra lời tuyên bố của mình theo nghĩa bóng không? Nhưng David thấy nghĩ như thế là đánh giá họ quá cao. Giải pháp đơn giản nhất - trừ việc hoàn toàn không nghĩ về chuyện này nữa, điều anh không thể tự ép mình - là tưởng tượng rằng những lời tiên tri ấy đã vô hiệu hóa nhau và rằng giây phút anh trở thành chồng của Emma, định mệnh giả của họ đã bị phế bỏ.
Emma cảm thấy hoàn toàn không thể tiếp nhận vấn đề đơn giản như vậy được. Ngày đêm nàng nghiền ngẫm nó, trong vòng một tháng. Nàng thừa nhận rằng viễn cảnh về một cuộc hôn nhân thứ hai, theo lẽ tất yếu, là không thực tế với một trong hai người; nhưng trái tim nàng đau nhói khi phải tìm hiểu xem nó là thực với người nào trong hai. Nàng đã cười nhạo lời đe dọa điên rồ của bà già da đỏ, nhưng nàng không thể cười nổi trước sự trùng hợp lạ thường trong số phận tiền định của David và của nàng. Sự phi lý và lố bịch ấy chỉ khiến đau đớn thêm. Nó khiến cuộc sống nàng đầy ngập một nỗi bất an khủng khiếp. Nó dường như chỉ ra rằng dù có thế nào chăng nữa, những lời mách lẻo bá láp của mấy kẻ lừa đảo ấy, một trong hai, vẫn hoàn toàn thỏa đáng; mây đen phủ lên cuộc hôn nhân của họ. Tại sao một cặp đôi trẻ ngay thật lại phải chịu những tiên đoán lạ lùng đến thế? Tại sao họ lại bị yêu cầu phải đọc một bí ẩn không thể đọc? Emma cay đắng hối hận vì đã nói ra bí mật của mình. Tuy vậy, nàng cũng mừng; bởi vì thật khủng khiếp cái ý nghĩ rằng David đã giấu kín trong ngực và chỉ tiết lộ vì vô tình một chuyện kinh khủng chừng ấy, có trời mới biết nó có thể ảnh hưởng tai hại đến mức nào đến cuộc sống và tương lai của nàng. Giờ nàng có thể sống chung với nó; nàng có thể chống lại nó, cười cợt nó. Và David cũng có thể làm tương tự đối với lời tiên đoán bí ẩn về sự diệt vong của anh. Chưa bao giờ tưởng tượng của Emma sôi động đến thế. Nàng đặt hai khuôn mặt của số phận nàng dưới mọi ánh sáng có thể hình dung được. Trong một khoảnh khắc, nàng thấy David ngã quỵ dưới áp lực từ số phận tưởng tượng của anh và bỏ nàng góa bụa, tự do kết hôn lần nữa; rồi một lúc khác, nàng lại thấy anh mê mẩn muốn tuân theo lời tiên tri của mình, đè nghiến nàng đến chết bằng sức mạnh nam tính của ý chí anh. Rồi, một lần khác, nàng cảm thấy như thể ý chí của mình mạnh vô cùng, như thể nàng mang trên đầu bàn tay che chở của số phận. Tình yêu rất lớn, đúng thế, nhưng số phận còn lớn hơn. Và ở đây, quả thật, số phận là gì ngoài tình yêu? Giống như đã yêu David, nàng sẽ yêu một người khác. Nàng vắt óc tưởng tượng ra chủ nhân tương lai của đời nàng. Nhưng dù nàng đã cố hết sức, việc này vẫn hoàn toàn vô vọng. Nàng không thể quên David. Dẫu sao, nàng vẫn cảm thấy có lỗi. Và rồi nàng nghĩ về David, tự hỏi phải chăng anh cũng thấy có lỗi - phải chăng anh cũng đang mơ về một phụ nữ khác.
Vậy là Emma bắt đầu ghen. Nàng là một cô gái vô cùng khờ dại, tôi không vờ chối bỏ điều này. Tôi đã nói ngay rằng nàng là một sinh vật được khuôn tạo rất đơn giản; và tương ứng với sức mạnh của lòng tin ngay thật trước đây của nàng đối với chồng ngày trước giờ là sự ngờ vực và thay đổi thất thường.
Từ khi Emma bắt đầu ghen, thiên thần hòa bình của gia đình giũ đôi cánh trong trắng và buồn rầu bay đi. Emma lập tức lộ mặt. Nàng cáo buộc chồng hờ hững và thích giao du với các phụ nữ khác. Một lần nàng bảo chồng rằng anh có thể làm thế, nếu anh thích. Đó là à propos [tiếng Pháp: nhân dịp, về] một buổi dạ tiệc, cả hai đều được mời. Suốt buổi chiều, trong khi David vẫn ở chỗ làm, đứa bé bị ốm, và Emma đã gửi một lời nhắn nói rằng họ sẽ không đến được. Khi David về nhà, nàng kể anh nghe về lời nhắn của nàng, anh cười và bảo rằng anh băn khoăn không biết bà chủ tiệc có tưởng tượng là anh có thói quen bế em bé không. Về phần mình, anh tuyên bố rằng anh sẽ đi; và lúc chín giờ anh xuất hiện, đã lên đồ. Emma nhìn anh, tái mặt phẫn nộ.
“Rốt cuộc,” nàng nói, “anh đúng. Vui hết mình đi nào.”
Đó là những từ khủng khiếp, và, theo lẽ tự nhiên, chúng gây một vết nứt lớn giữa người chồng và người vợ.
Thảng hoặc Emma cảm thấy một thôi thúc muốn trả thù, tìm kiếm vui thú trong giới tiệc tùng, trong sự cảm thông và quan tâm của những người đàn ông dễ chịu. Nhưng nàng chẳng bao giờ đi quá xa. Những vui thú như vậy có vẻ chỉ là một sự nghỉ ngơi rắc rối, và hầu như cả thế giới chẳng có lý do gì để ngờ rằng nàng và chồng không viên mãn.
David, về phần mình, đi xa hơn nhiều. Anh dần dần biến đổi từ một anh chàng trìu mến, lặng lẽ, ru rú xó nhà thành một người đàn ông hay càu nhàu, dễ nóng nảy, bồn chồn không yên của lạc thú, một người hay đi ăn ngoài và chăm lui tới các câu lạc bộ và rạp hát.
Kể từ khi phát hiện ra ảnh hưởng chúng gây lên cuộc sống của mình, anh không còn có thể xem nhẹ hai lời tiên tri ấy. Hết cái này rồi đến cái kia, chúng thống trị tưởng tượng của anh và, trong cả hai trường hợp, anh đều không thể sống như anh đã sống khi chưa biết gì về chúng. Đôi khi, với ý nghĩ về cái chết đến sớm, anh bị bóp nghẹt bởi một quyến luyến nồng nàn với thế giới và một khao khát khôn cưỡng được lao vào các thú vui trần tục. Những lúc khác, nghĩ về cái chết khả dĩ của vợ và về việc nàng sẽ bị thế chỗ bởi một người phụ nữ khác, anh cảm thấy một sự thiếu kiên nhẫn dị thường và hung tợn đối với tất tật những trì hoãn trong tiến trình sự kiện. Anh ước có thể thủ tiêu hiện tại. Sống trong sự chờ đợi nhói buốt và sốt hầm hầm như thế không phải là sống. David tội nghiệp thỉnh thoảng lại bị cám dỗ bởi những thủ đoạn ghê sợ để giết thời gian. Dần dà sự dao động không ngừng nghỉ từ mặt này sang mặt kia của số phận anh và sự thay đổi liên tục từ hưng phấn đầy nồng nhiệt sang trầm cảm bệnh hoạn gây ra một trạng thái phấn khích thường hằng, không xa chứng điên.
Khoảng thời gian ấy, anh làm quen với một phụ nữ trẻ chưa chồng mà tôi có thể gọi là Julia - một người rất mực duyên dáng, cao thượng, có thể gây một ảnh hưởng mang tính xoa dịu, hàn gắn lên tâm hồn đang rối bời của anh. Theo thời gian, anh kể cho cô nghe câu chuyện về cuộc đảo lộn trong gia đình mình. Thoạt đầu, cô rất thích thú; cô cười anh và gọi cho là người mê tín, viển vông và trẻ con. Nhưng anh không để tâm đến sự khinh thường của cô, đến mức cô phải thay đổi chiến thuật và chiều theo những huyễn tưởng của anh.
Tuy vậy, cô thấy trường hợp của anh rất nghiêm trọng và nếu không có nỗ lực nào để ngăn chặn sự xa lánh ngày càng tăng của anh với vợ thì hạnh phúc của cả hai có thể mất đi mãi mãi. Cô tin rằng bóng ma lởn vởn trên tương lai bí ẩn của họ chỉ có thể bị giải trừ bằng một cuộc hòa giải. Cô ngờ rằng tình yêu của họ chưa hẳn đã chết. Nó chỉ đang nằm im. Nếu cô có thể đánh thức nó một lần, cô sẽ nhẹ nhàng rút lui và để nó thống trị ngôi nhà.
Vì vậy, chẳng báo trước cho David về ý định của mình, Julia mạo hiểm đến gặp Emma, người chưa từng biết về cô. Cô hoàn toàn không biết mình nên nói gì; cô sẽ giao phó cho thần hứng của thời điểm ấy; cô chỉ mong thắp lên một tia sáng trong ngôi nhà tối tăm của người vợ trẻ. Emma, theo cô tưởng tượng, là một người giản dị, nhạy cảm; nàng sẽ nhanh chóng bị lay động trước lòng tốt được hiến dâng.
Tuy nhiên, dù cô không quen biết Emma, người vợ trẻ đã biết đáng kể về Julia. Cô đã được trỏ cho nàng thấy ở nơi công cộng. Julia xinh đẹp. Emma ghét cô. Nàng xem cô như người đàn bà quyến rũ, hung thần của chồng mình. Nàng tự nhủ rằng họ đang chờ đợi cái chết của nàng, chỉ cần thế họ sẽ kết hôn với nhau. Có lẽ anh đã là tình nhân của cô rồi. Chẳng nghi ngờ gì nữa, họ sẽ vui lòng mà giết nàng. Bởi thế, thay vì thấy một người phụ nữ dịu dàng, buồn bã, nhạy cảm, Julia chỉ thấy một người phụ nữ chua chát, đầy khinh miệt, tức giận bởi ý nghĩ bị sỉ nhục và làm tổn thương. Chuyến thăm của Julia đối với Emma dường như là đỉnh điểm của sự xấc xược. Nàng từ chối nghe cô nói. Sự nhã nhặn, dịu dàng và nỗ lực hòa giải của cô đập vào nàng như một sự nhạo báng và một cái bẫy. Rốt cuộc, mất sạch tự chủ, nàng gọi cô bằng một từ vô cùng khó nghe.
Rồi thì Julia, vốn tính khí nóng nảy, xốc lại tinh thần và giáng một đòn nặng vào phẩm giá của nàng - một cái tát, tuy vậy, không may nó dội lại trúng David. “Madam, tôi đã nhất định không chịu,” cô nói, “tin rằng chị là một con ngốc. Nhưng chị đã hoàn toàn thuyết phục được tôi.”
Sau lời ấy cô rút lui. Nhưng chẳng quan trọng mấy với Emma việc cô ở lại hay bỏ đi. Nàng chỉ ý thức được duy nhất một điều, rằng David đã gọi nàng là một con ngốc trước một phụ nữ khác. “Một con ngốc?” nàng hét lên. “Đúng là tôi đã như vậy. Nhưng sẽ không bao giờ nữa.”
Ngay lập tức nàng thu dọn để rời khỏi nhà chồng, và khi David về, anh thấy nàng và đứa con cùng một gia nhân đã chuẩn bị khởi hành. Nàng nói ngắn gọn với anh rằng nàng về nhà mẹ, rằng khi vắng mặt, anh đã thuê người đến lăng mạ nàng ngay tại nhà nàng, và nàng rất cần phải tìm đến sự che chở nơi gia đình nàng. David không phản kháng. Anh không hề có ý định nổi giận với lời buộc tội của nàng. Anh đã chuẩn bị cho mọi thứ. Đó là định mệnh.
Vậy nên Emma về nhà mẹ. Nàng được vững lòng trong bước đi lạ lùng này cũng như trong nhiều tháng dài sống tách biệt sau đó bởi ý thức cao cả về sự chính trực và đức hạnh có phần trội hơn của mình. Ít ra nàng đã là một người vợ chung thủy. Nàng đã chịu đựng, nàng đã kiên nhẫn. Dù số phận nàng có ra sao, nàng đã không cố làm điều gì khiếm nhã để thúc đẩy nó. Hơn bao giờ hết, nàng hiến trọn bản thân cho đứa con gái nhỏ. Sự yên bình và tự do trong cuộc sống giờ đây mang lại cho nàng một cảm giác gần như hạnh phúc. Nàng cảm thấy sự thỏa mãn sâu xa đậu lên tâm hồn khi nó đã trả cho sự mãn nguyện cái giá của danh tiếng. Ít nhất là bây giờ không còn điều dối trá nào trong cuộc sống của nàng. Nàng không coi trọng cuộc hôn nhân của mình cũng chẳng giả vờ coi trọng nó.
Về phần David, anh ít gặp ai khác ngoài Julia. Julia, như tôi đã nói, là một phụ nữ giỏi giang và vô cùng rộng lượng. Chẳng bao lâu sau, cô đã thôi bực tức vì sự kháng cự của Emma và, không chịu tuyệt vọng với công cuộc tái lập sự bình yên trong ngôi nhà của người đàn ông trẻ tuổi, cô thấy lương tâm buộc cô phải giữ David dưới ảnh hưởng của mình, trong một trạng thái tinh thần tỉnh táo và không lầm lạc khi hoàn cảnh cho phép. “Cô ta có thể ghét mình,” Julia nghĩ, “nhưng mình sẽ giữ anh ấy cho cô ta.” Bạn thấy đấy, Julia là người duy nhất sáng suốt trong toàn bộ chuyện này.
David có cái nhìn của riêng anh về mối quan hệ của họ. “Chắc chắn anh sẽ gặp em khi nào anh muốn,” anh tuyên bố. “Anh sẽ có được sự an ủi ở nơi anh tìm thấy nó. Cô ấy có đứa bé... mẹ cô ấy. Lẽ nào cô ấy còn ghen với anh vì một người bạn ư? Cô ấy nên cảm ơn những vì sao của mình vì anh không nhậu nhẹt hay chơi bời.”
Trong vòng sáu tháng David không hề thấy mặt vợ. Cuối cùng, vào một buổi tối, khi anh đang ở nhà Julia, anh nhận được lời nhắn này:
“Con gái anh chết sáng nay, sau nhiều giờ đau đớn. Con bé sẽ được chôn vào sáng ngày mai.
E.”
David đưa lời nhắn cho Julia. “Rốt cuộc,” anh nói, “bà ta đã đúng.”
“Ai đã đúng, anh bạn đáng thương của tôi?” Julia hỏi.
“Mụ già da đỏ. Chúng tôi đã quá vội mừng.”
Sáng hôm sau, anh đến nhà mẹ vợ. Người gia nhân, nhận ra anh, dẫn anh vào căn phòng đặt thi hài đứa con gái nhỏ, chuẩn bị đưa đi chôn. Đứng bên ô cửa sổ tối là mẹ vợ anh, đang nói chuyện với một quý ông - một Mr. Clark nào đó - David nhận ra đó là mục sư mà vợ anh yêu mến, và anh thì chưa bao giờ thích. Người phụ nữ, khi anh bước vào, chào anh vô cùng trang trọng - nếu cử chỉ ấy có thể được cho là phù hợp với những quy tắc đã định ra cho kiểu chào này, với cái đầu hất lên cân xứng với cơ thể hạ xuống - rồi ào ra khỏi phòng. David cúi chào vị mục sư, và đi đến nhìn tàn tích nhỏ bé của thứ từng là con gái anh. Sau một khoảng lặng hợp lệ, Mr. Clark đánh bạo lại gần anh.
“Ngài đã gặp một thử thách lớn, thưa ngài,” vị mục sư nói.
David tán thành trong im lặng.
“Tôi cho rằng,” Mr. Clark tiếp tục, “thử thách ấy được gửi đến, như mọi thử thứ thách khác, để nhắc nhở chúng ta về sự yếu đuối và lệ thuộc của chúng ta - để lọc khỏi chúng ta sự kiêu ngạo và ương ngạnh - để khiến chúng ta phải khám xét tâm hồn mình và xem phải chăng chúng ta đã vô tình để cho đám cỏ dại của điên loạn lấn át và bóp nghẹt hoa trái khiêm nhường của hiểu biết.”
Liệu Mr. Clark có chủ tâm chuẩn bị bài diễn văn này nhằm dùng cho một dịp như thế, chuyện đó tôi ngần ngại chưa dám khẳng định. Các quý ông thuộc chức vụ ấy luôn có những gói tình cảm nho nhỏ như vậy sẵn trong tay. Nhưng vị mục sư này đương nhiên biết về sự bất hòa giữa Emma và chồng (dù không biết căn nguyên của nó) và, như một người mang tình cảm chân thành, ông cho rằng dưới tác động xoa dịu của một sự đau buồn chung, hai trái tim chai sạn của họ có thể tan chảy và lại hòa làm một. “Các bạn của tôi, càng mất mát nhiều,” ông tiếp tục, “chúng ta càng phải trân trọng và nâng niu những gì còn lại.”
“Ý định của điều ngài nói thật tốt đẹp, thưa ngài,” David nói; “nhưng tôi, không may, chẳng còn gì.”
Đúng lúc ấy cánh cửa mở ra, và Emma bước vào - tái nhợt, mặc đồ đen. Nàng dừng lại, dường như không sẵn sàng bắt gặp chồng nàng. Nhưng, khi David quay về phía mình, nàng bước tới.
David cảm thấy như thể một thiên sứ từ Trời xuống đã đặt sự dối trá vào cái câu vừa rồi của anh. Mặt anh đỏ bừng - trước tiên bởi xấu hổ, sau là bởi vui mừng. Anh dang tay ra. Emma ngập ngừng một lúc, đấu tranh với niềm kiêu hãnh của mình và nhìn vị mục sư. Ông giơ tay lên, làm cử chỉ ban phép lành, và nàng gục vào vai chồng.
Vị giáo sĩ nắm lấy tay David và siết chặt; và, mặc dù, như tôi đã nói, người đàn ông trẻ chưa bao giờ mến Mr. Clark, anh nhiệt tình đáp lại cú siết.
“Tốt rồi,” Julia nói, hai tuần sau đó - vì trong khoảng thời gian ấy, Emma đã bằng lòng để chồng nàng duy trì mối quan hệ với người phụ nữ này, và ngay bản thân nàng cũng nghĩ rằng cô ta là một người tốt - “tôi không hiểu lắm nhưng vấn đề khủng khiếp rốt cuộc đã được giải quyết, và mỗi người các bạn đều đã kết hôn hai lần.”
Công Hiện dịch
Chương trình Henry James
cùng thông báo (pending)