favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Đông 2024
Next

Martin Buber: Các text

21/03/2025 20:56


Martin Buber là nhân vật đặc biệt quan trọng: tầm quan trọng của Buber lớn đến nỗi ngay cả các học giả Thiên chúa giáo cũng đọc Buber, một người Do Thái, không ít.

Trong số nhiều điều khác, Martin Buber có vị trí nổi bật trong việc hình thành ban đầu của nền đại học ở Israel mới thành lập, cùng Gershom Scholem, nhân vật mà ai quan tâm đến Walter Benjamin và Theodor Adorno đều biết.

Dưới đây là một số text của Martin Buber


SÁCH VÀ NGƯỜI (1947)

Ở tuổi thanh niên nếu có ai hỏi tôi rằng tôi thích xoay xở với người hơn hay thích xoay xở với sách hơn, thì câu trả lời của tôi chắc chắn sẽ nghiêng về những quyển sách. Về sau, điều này càng ngày càng khác đi. Đấy chẳng phải vì tôi có những cuộc gặp gỡ tốt đẹp hơn với con người so với những quyển sách; mà trái lại, những quyển sách thực sự thú vị vào thời điểm này đến với tôi nhiều hơn những con người thực sự thú vị. Nhưng quyển sách cao quý nhất đã chẳng thể nuôi dưỡng cánh đồng của cuộc đời tôi cho bằng những cuộc gặp gỡ tồi tệ với con người, và các cuộc gặp gỡ tốt đẹp đã khiến cho trái đất này trở thành một khu vườn đối với tôi. Đằng khác, một quyển sách không thể làm gì hơn việc đưa tôi vào thiên đường của các tinh thần lớn, một nơi mà tận sâu trong tim tôi không bao giờ quên rằng mình chẳng thể ở lại lâu, thậm chí cũng chẳng ước mình có thể ở lại lâu. Bởi lẽ (tôi buộc phải nói thẳng điều này để quý vị hiểu) tận sâu trong tim tôi nó đã yêu thế giới nhiều hơn nó yêu tinh thần. Thú thực, tôi đã không bám vào cuộc sống ở thế giới này được như tôi có thể; trong mối quan hệ của tôi với nó, tôi đã khiến nó thất vọng hết lần này đến lần khác; hết lần này đến lần khác tôi vẫn mắc lỗi với nó vì đã không đáp ứng được điều nó mong đợi nơi mình, và điều này một phần, chắc chắn, là vì tôi quá mắc nợ tinh thần. Tôi mắc nợ tinh thần cũng như tôi mắc nợ với tôi, nhưng tôi không, thẳng thắn mà nói, yêu nó, cũng như tôi không, thẳng thắn mà nói, yêu chính mình. Thực tế tôi không yêu cái đối tượng đã dùng nanh vuốt thiên đường để tóm lấy tôi và giữ chặt tôi; đúng ra tôi yêu nàng, “thế giới”, người đã hết lần này đến lần khác đã đến gặp tôi và chạm vào tôi.

Cả hai đều có những món quà để dâng tặng. Cái thì mang đến cho tôi món bánh lộc, những quyển sách; cái thì mang đến cho tôi thứ bánh mì nâu mà vỏ khiến tôi phải gãy cả răng, một thứ bánh mà tôi không bao giờ thấy đủ: con người. Phải, những con người đầu bù tóc rối và vô tích sự, tôi yêu họ biết chừng nào! Tôi tôn kính các quyển sách - những quyển sách mà tôi thực sự đọc - quá nhiều thành thử chẳng thể yêu chúng. Nhưng trong những con người đáng kính nhất đang sống, tôi luôn luôn thấy nơi ấy nhiều điều để yêu hơn là để tôn kính: tôi tìm thấy nơi họ một điều gì đó của thế giới này, vốn chỉ đơn giản là có ở đó trong khi tinh thần không bao giờ có thể ở đó. Tinh thần lơ lửng trên tôi một cách mạnh mẽ và tuôn ra món quà ngôn từ cao quý của mình, sách; vinh quang làm sao, kỳ lạ làm sao! Nhưng nàng, thế giới con người, chỉ cần nở một nụ cười không lời, là tôi không thể sống thiếu nàng. Nàng câm lặng; tất cả những lời huyên thuyên của con người không tạo ra một lời nào như các âm thanh liên tục phát ra từ những quyển sách. Và tôi lắng nghe nó hết thảy để đón nhận sự im lặng qua đó thẩm thấu vào tôi, sự im lặng của thụ tạo. Nhưng chỉ là thụ tạo con người! Thụ tạo đó mang nghĩa một sự hỗn hợp. Sách thì thuần khiết, con người thì hỗn hợp; sách là tinh thần và lời, tinh thần thuần khiết và lời được thanh lọc; con người được tạo thành từ sự huyên thuyên và sự im lặng, và sự im lặng của họ không phải là sự im lặng của động vật mà là của con người. Từ sự im lặng của con người đằng sau sự huyên thuyên, tinh thần thì thầm với bạn, tinh thần như là linh hồn. Nàng, nàng là người được yêu.

Đây là một bài thử nghiệm không thể sai lầm. Hãy tưởng tượng chính bạn đang ở trong một tình huống nơi bạn đang ở một mình, hoàn toàn một mình trên trái đất này, và bạn được chọn một trong hai thứ, sách hoặc người. Tôi thường nghe con người quý trọng sự cô đơn của họ, nhưng đó chỉ là vì vẫn còn con người đâu đó trên trái đất, tuy rằng đang ở rất xa. Tôi không biết gì về sách khi tôi được sinh ra từ trong lòng mẹ, và tôi sẽ chết mà không có sách, với một bàn tay con người khác trong tay tôi. Thật ra, lắm phen tôi đóng cửa lại và dâng mình cho một quyển sách, nhưng chỉ là vì tôi lại có thể mở cửa và trông thấy một con người đang nhìn tôi.


CON QUỶ TRONG GIẤC MƠ (1914)

“Bạn thấy gì?” Con quỷ trong giấc mơ hỏi.

“Một bức tường rất dài”, tôi trả lời.

“Đấy là,” nó giải thích, “bức tường ranh giới giữa vùng đất của các sự vật và vùng đất của các suy nghĩ. Trên bức tường này, bọn quỷ chúng tớ sinh sống. Đối với bạn, nó có vẻ hẹp, và chật chội, đúng chứ? Thế mà với bọn tớ, nó vừa rộng rãi vừa thoải mái. Và ở trên đấy bọn tớ cảm thấy cứ như đang ở nhà mình. Phải, tớ thậm chí cho phép bản thân tớ nghĩ rằng cảm xúc của bọn tớ còn tốt hơn của bạn nữa, bởi bạn cảm thấy là nhà ở vì cả hai vùng đất ấy và không thực sự là nhà ở vùng đất nào.

“Con người các bạn ấy! Các bạn cư xử như thể bức tường này, nôm na, chỉ là một ranh giới mà nếu không nói tới thì chẳng hề tồn tại; cứ như thể trên bức tường này người ta không thể ngồi xổm, như tớ đang ngồi xổm lúc này đây, hoặc là nhảy múa trên đó, như bạn thấy cách đây ít lâu. Bạn tin vào một điều ngớ ngẩn như vậy chỉ vì bạn chẳng biết gì về bọn tớ. Và nếu một người không biết gì về bọn tớ, thì làm sao người ấy có thể biết bất kỳ điều gì về thế giới hoặc về vương quốc tinh tế nhất của nó, là bức tường này?

“Bạn chẳng biết gì về bọn tớ. Bạn chỉ ‘nghi ngờ’ một điều gì đó. Ôi, những mối ngờ của bạn! Chúng khiến cho mọi thứ - sự vật, suy nghĩ và ác quỷ - trở nên ghê tởm. Kìa, từ trong bóng tối, một cánh tay nhầy nhụa vươn ra chộp lấy bạn rồi sượt qua bạn. Xời, bạn ơi, thật phát chán! Tớ thà một thân cây thô sơ và chỉ kinh nghiệm những gì cần thiết còn hơn là một thứ sinh vật đầy nghi ngờ.

“Nói thế, thì bạn cũng nghi ngờ bọn tớ. Nhưng bọn tớ biết bạn đến tận gốc rễ và sâu sắc hơn nữa kìa. Bọn tớ biết bạn rõ hơn bất kỳ điều gì khác, và theo một cách khác. Nhưng đối với bọn tớ, bạn lại quan trọng hơn bất kỳ điều gì. Phải, tớ đành phải thừa nhận rằng bọn tớ phụ thuộc trực tiếp vào bạn. Bởi vì bọn tớ sống nhờ vào bạn. Bọn tớ chỉ có thể nhận được sức mạnh của thế giới thông qua bạn. Bọn tớ chỉ có thể thụ hưởng mọi thứ thông qua bạn mà thôi. Kinh nghiệm của bạn chính là của ăn nuôi dưỡng bọn tớ, và bọn tớ chẳng có của ăn nào khác.

“Bạn sống càng mãnh liệt, bọn tớ càng say mê hưởng thụ. Nội dung cuộc sống của bạn chẳng quan trọng lắm với bọn tớ; niềm vui và tức giận, tội lỗi và thánh thiện, thái độ anh hùng và tuyệt vọng của bạn, với bọn tớ tất tật đều như nhau. Nhưng khi nào bạn sống trọn vẹn và mờ nhạt, khi ấy bạn mới khiến bọn tớ bận tâm. Sự điều độ của bạn là một vụn bánh xoàng, khí chất của bạn là một miếng ăn cứng ngắc mắc kẹt nơi cổ họng. Nhưng hễ nơi nào có người kinh hoàng trước thế giới và lao tới chống lại nó và nổi giận với mọi xoa dịu của nó và bị vỡ tan trên bức tường của sự thờ ơ lớn lao; hoặc hễ nơi nào có người điên cuồng yêu và liên tục trút ra sức mạnh mới từ sự phung phí của mình, và chuyển đổi nó thành ái tình cho đến khi người ấy xoay quanh một trục trông như một bánh xe lửa trăm nan hoa, bừng cháy và nổ lách tách trong làn khói hoan lạc - thì chính nơi ấy là nơi bọn tớ tiệc tùng, nơi ấy bọn tớ phát triển mạnh mẽ.

“Những gì bạn gọi là nội dung đối với bọn tớ chỉ là sự đa dạng màu sắc cho thêm phần vui mắt, một tủ đựng gia vị thêm vào cho dễ ăn, không hơn. Bọn tớ chẳng quan tâm chuyện bạn thích loại này hơn loại kia. Mặc cho dục vọng của bạn theo đuổi nhục dục hay chính trị, buôn bán hay làm từ thiện, điều đó chẳng gây ảnh hưởng đến sự tận hưởng của bọn tớ; nó chỉ quanh quẩn nơi đấy. Nhưng nhờ cái mãnh liệt trong dục vọng của bạn, mà bọn tớ phải chịu phụ thuộc vào nó.

“Cứ mỗi lời nói Có là bạn có một lời nói Không, và với mỗi thứ có giá trị, thì là một thứ vô giá trị. Bạn đổi cái này với cái kia, và bạn gọi Có là tốt và Không là xấu, hoặc ngược lại, và còn rất lo lắng xem dục vọng của bạn nằm ở bên Có hay ở bên Không. Nhưng bọn tớ chẳng lấy làm quan tâm gì đến tất cả những thứ ấy. Trò lộn nhào ấy làm bọn tớ thích thú, nhưng tớ đoan chắc với bạn rằng bọn tớ chẳng cách nào khác coi trọng đức hạnh và sự cao thượng điều độ của bạn ngoài cách để nguyên như vậy.

“Nhưng bạn đừng có nghĩ rằng bọn tớ đang tự mình giải trí trên bức tường này và ngồi yên chờ đợi sức mạnh phấn khích của con người mang đến cho bọn tớ. Chắc khi ấy bọn tớ sẽ sống khổ sở lắm! Bởi bạn thì đã quen với việc ‘để mọi thứ xảy ra’ và để cho những khả năng trong bạn cứ mãi là những khả năng mà thôi. Bạn nghĩ, thật là mệt và khó chịu khi phải cống hiến hết mình; thậm chí đấy lại còn chẳng đáng gì cho cam. Nếu không có bọn tớ, thì chắc bạn sẽ lỡ mất mọi cơ hội của bạn. Bọn tớ hạ mình xuống với bạn, bọn tớ hóa thành các sự vật hoặc các suy nghĩ để cho bạn khỏi giật mình, và bọn tớ hòa mình vào với bạn, và - bọn tớ cám dỗ bạn. Bọn tớ nếm thử cái miếng ăn này, và khi thấy nó nhạt nhẽo, thì bọn tớ sẽ ra tay cám dỗ: thế rồi sau đó, miếng ăn trở nên ngon lành. Bọn tớ lôi kéo dục vọng của bạn ra khỏi nơi ẩn mình của nó. Bọn tớ thổi bùng khả năng cảm nhận của bạn cho đến khi bạn biết cảm nhận. Bọn tớ hiện thực hóa bạn. Tất nhiên bọn tớ làm tất cả những điều này vì lợi ích của chính bọn tớ; nhưng, nhân tiện, nếu bọn tớ không khuấy động bạn thì bạn sẽ trở thành thứ gì đây?

“Có một số người trong các bạn nghĩ rằng người ta chỉ bị cám dỗ phạm tội. Suy nghĩ đó hợp với họ lắm, này bạn hiền: bởi họ chẳng có nghệ thuật nào khác ngoài thứ nghệ thuật khiến họ hướng đến cái mà họ gọi là tội lỗi. Nhưng thực ra bọn tớ không hề chuyên về một thứ gì: bọn tớ chỉ mong muốn rằng cái potentia của bạn sẽ trở thành cái actus, không hơn. Bọn tớ không quan tâm những lời ngụy biện của bạn.

“Quả thật - chẳng giấu gì bạn - bọn tớ cũng có lúc buồn của mình. Bọn tớ tiêu phá bản thân ngay trong hành động cám dỗ. Cám dỗ con người không hề là chuyện trẻ con. Bọn tớ lao đầu vào công việc mới, và nó nuốt chửng tất cả những gì là bọn tớ và tất cả những gì có thể là bọn tớ. Thực tế, có thể nói rằng bọn tớ mạo hiểm chính mình. Đúng là, bọn tớ thích thú làm vậy lắm; nhưng cái niềm thích thú thì độc chiếm và tàn nhẫn. Khi xong xuôi cùng với niềm thích thú này, bọn tớ sụp đổ vào chính mình. Sự sụp đổ này của bọn tớ không giống như giấc ngủ của bạn; nó là một sự phân tán, một sự tan rã, một sự xóa sổ. Nó kéo dài cho đến khi một khao khát tận hưởng mới chiếm lấy bọn tớ và tập hợp bọn tớ. Từ điều này, bạn có thể hình dung được thời độ trong cuộc sống của bọn tớ. Thiếu điều chắc không còn một dấu vết mơ hồ nào còn lại trong ký ức giữa cuộc phiêu lưu trước sang cuộc phiêu lưu sau! Có vẻ như bọn tớ cứ mãi liên tục bắt đầu lại cuộc sống. Đúng là, mỗi cuộc phiêu lưu đều có vẻ như là một cuộc phiêu lưu xứng đáng - nhưng suy cho cùng, đó là một vấn đề vẫn chưa có lời giải.

“Tuy rằng cứ luôn luôn bắt đầu lại, bọn tớ không thể nhớ một khởi đầu đích thực trong cuộc sống của mình. Thú thực, với tớ có vẻ như bọn tớ không có gì có thể gọi là một khởi đầu đích thực. Lắm phen, tớ cảm thấy buồn tẻ như thể tớ lúc nào cũng đã tồn tại rồi. Nhưng bọn tớ có một kết thúc, đấy là điều chắc chắn. Đôi khi, một niềm thích thú cuối cùng sẽ đến, thứ sẽ nuốt chửng tớ và không cho tớ một khởi đầu mới nữa. Và đến lúc ấy...! Phải, tớ không thể phủ nhận, đó là một niềm hoan lạc u sầu.

“Và trong số bọn tớ từng có kẻ, mà tớ sẽ kể cho bạn nghe, tuy rằng tớ khó mà tin rằng bạn sẽ hiểu câu chuyện cho trọn vẹn; bởi đó là một câu chuyện có nguồn gốc xa xưa - nhưng bạn có cách nhìn nhận hay về nó, như thể bạn... nhưng thôi!

“Ngày xưa có một con quỷ bất mãn lắm. Hắn khao khát cái sự liên tục. Những khoảnh khắc - hắn ghét những khoảnh khắc nếu nó không thể tiến thẳng từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc kia, thế mà một khoảnh khắc cứ nằm đó và đáng khinh bỉ hơn cả một tên say rượu! Hắn không muốn dự phần vào nhịp điệu ngớ ngẩn của sức mạnh và yếu đuối này nữa. Nhưng bạn chớ nghĩ rằng hắn cư xử giống như mấy kẻ nổi loạn nổi tiếng của loài người, đứng lên chống lại một vị thần nào đó. Khi nhận ra bản thân đã chán ngấy, hắn đứng dậy và bước ra khỏi thời gian. Một khi đã ở bên ngoài, hắn lại ngồi xuống.

“Hắn ngồi đó và toàn bộ trò chơi ấy chẳng còn ảnh hưởng tới hắn nữa. Không có sự vui thú, nhưng cũng chẳng còn trống rỗng - bởi hễ nơi nào thời gian không còn đập thì nơi ấy không còn sự trống rỗng nữa, chỉ còn hình dạng của tĩnh tại. Thế là, kẻ từng bất mãn nay đã trở nên lớn mạnh về quyền năng và trường độ. Hắn mặc lấy sự an toàn như một thân cây có thêm vòng gỗ. Quyền năng của hắn càng lúc càng mạnh cho đến khi hắn nhận ra rằng quyền năng ấy không bao giờ có thể yếu đi nữa. Đắc chí rằng hắn hoàn toàn làm chủ bản thân, thế giới này dường như hoàn toàn là của hắn. Bạn phải nhìn thấy hắn khi hắn quay trở lại thời gian mới được!

“Hắn trở lại cám dỗ con người. Nhưng vì quyền năng của hắn quá lớn, thành ra mỗi lần cám dỗ là mỗi lần đẩy nạn nhân của hắn đến cực điểm. Mỗi khả năng của con người này điều được đẩy lên tới mức tối đa, mỗi khao khát đều bị kéo căng đến kiệt cùng. Cực điểm của con người, chắc bạn có biết, là một điều tuyệt vời. Cực điểm của con người thì sáng tạo. Đó là một hoạt động nguy hiểm. Nó tạo ra các dạng thức của tồn tại, yếu tính, sự bất tử. Nó lôi kéo con người vào cái điên rồ và hủy diệt, nhưng nó biến khoảnh khắc cực điểm thành vĩnh hằng. Và nếu bọn tớ hưởng thụ nó thì nó cũng không thể cạn kiệt; vị ngọt ngào sâu thẳm của nó vẫn chưa ai nếm bao giờ, một phần không thể tiếp cận mãi mãi.

“Kẻ trở về ấy hẳn đã có thể sung sướng chẳng biết về phần ngọt ngào này trước khi hắn bước ra khỏi thời gian. Vậy mà giờ đây hắn chẳng thể được như vậy nữa. Giờ đây dưới ảnh hưởng của sự tĩnh tại, có điều gì đó lớn lao hơn niềm thích thú đã lớn lên trong hắn: hắn nhận thấy cái vô tận đối diện với hắn; hắn đau khổ, hắn bị thiêu đốt. Hắn không chỉ bất mãn như trước; mà hắn còn khốn khổ và chẳng giống ai. Và hắn càng lúc càng thêm khốn khổ khi những cám dỗ của hắn bước lên trên nấc thang sáng tạo. Sức mạnh của hắn, khả năng hưởng thụ của hắn, thì vẫn vậy; thậm chí nó còn phát triển theo thời gian mà không hề suy suyển. Hắn đi thẳng từ cuộc phiêu lưu này sang cuộc phiêu lưu khác, nhưng mỗi lần như thế thì phần còn lại kia lại làm hắn thêm đau đớn bội phần. Niềm thích thú ấy chỉ có thể thỏa mãn bằng cường độ thì càng lúc càng vô nghĩa; niềm khao khát tầm nhìn của hắn thì càng lúc càng điên cuồng. Để nắm được phần còn lại, để hiểu được những phẩm chất, để chiếm hữu sáng tạo, để thấy! Nhưng một con quỷ có thể sáng tạo thì đâu có thấy gì. 

“Và trong khi trò chơi vĩ đại mà con quỷ đồng loại của tớ khơi dậy những trạng thái phấn khích, những chiến thắng, những sụp đổ khủng khiếp nhất trên trái đất, thúc đẩy linh hồn con người hướng làm những việc lớn lao nhất của nó; trong khi một lễ vật toàn thiêu khổng lồ bay lên cùng sự hỗn loạn và vẻ đẹp, sự chuyên chế và ân sủng tới kẻ cám dỗ, thì con quỷ đồng loại của tớ nhận ra: ‘Những gì ta thích không phải là yếu tính, yếu tính nằm ngoài tầm với của ta; yếu tính được trao cho con người nhỏ bé mà ta chơi đùa này. Trong khi ta chơi với nó, ta gợi lên trong nó yếu tính, ta làm cho yếu tính trong nó sống động.’ Và trong kẻ cám dỗ, dấy lên ham muốn này: ‘Ta muốn trở thành con người: con người, lại muốn trở thành đồ chơi - ta muốn sự bất tử - ta muốn một linh hồn sáng tạo!’ Vì sự bất tử, hắn nhận ra, không gì khác ngoài linh hồn sáng tạo.”

Con quỷ trong giấc mơ của tôi đã thay đổi. Nụ cười toe toét của nó đã biến thành một nụ cười ngượng nghịu, giống như nụ cười đầu tiên trên khuôn mặt của một đứa trẻ, và giọng nói ban đầu chói tai của nó giờ đây nghe như giọng của những người trồng nho mà tôi được nghe hát giai điệu cổ xưa của người chết theo lời của một bài hát mùa gặt. Rồi giấc ngủ buông, và những thế giới đan xen tuột khỏi vòng tay nhau.


KỊCH VÀ SÂN KHẤU (1925)

Kịch, khi được xem như là một thể loại thi ca, là một điều gì đó hoàn toàn khác biệt với kịch của sân khấu. Nó tái hiện sự vươn lên hầu đạt được tính độc lập nghệ thuật của một yếu tố vốn chỉ được sử dụng miễn cưỡng trong sử thi: đối thoại. Trong kể chuyện sử thi, cuộc hội thoại chỉ chiếm một phần vừa đủ để nâng đỡ hành động và thúc đẩy nó tiến về phía trước; còn với kịch, cuộc hội thoại chứa đựng toàn bộ hành động.

Khi chúng ta đọc một vở kịch, thực sự đọc nó, chúng ta có thể xem kịch bản và các chỉ dẫn sân khấu (sự phồng to của chúng trong thời của chúng ta thuộc về dấu hiệu của sự tan rã hình thức) chỉ là để làm cho cuộc hội thoại thêm phần rõ ràng; bằng không, chúng ta sẽ lạc trong mớ rối ren của nhận thức. Vốn được xem như là một thể loại thi ca, cho nên kịch là sự biến đổi của lời với vai trò là một thứ chuyển động giữa các đối tượng, bí ẩn của lời và đáp lời. Bản chất của nó nằm ở lực căng của lời và đáp lời; quả thật, hai con người không bao giờ thực sự có ý muốn nói đúng theo những gì mà họ nói với nhau; thành thử, không có câu trả lời thuần túy; thành thử, tại mỗi điểm của cuộc hội thoại, việc hiểu và hiểu lầm đan xen với nhau; bởi đấy mới xuất hiện sự tác động qua lại giữa cởi mở và ẩn mình, biểu lộ và giữ kín.

Vậy thông qua thực tế đơn thuần, vốn được định hình nhờ đối thoại, của sự khác biệt giữa người với người, trước khi có bất kỳ hành động thực tế nào, đã sẵn có sự thắt nối mang tính kịch, thứ, nếu được dệt nên cùng với sự khó hiểu của số phận, trở thành “bi kịch”, cũng cùng sự thắt nối ấy, nếu được cuốn vào thế giới hiển nhiên của thất thường và ngẫu nhiên, nó trở thành “hài kịch”. Cái cách mà cả hai thứ, bi và hài, có thể kết hợp cùng nhau trong đối thoại phi hành động thuần túy đã được Plato cho chúng ta thấy trong các tác phẩm, nơi người thầy của ông và nhà ngụy-biện-nhiều-tên đối chất với nhau như hai hình mẫu trong sân khấu Athens: mẫu châm biếm (Eiron), người không nói điều mà anh ta biết, và mẫu khoác lác (Alazon), người nói điều mà anh ta không biết - và thứ mà chúng ta cuối cùng cũng được kinh nghiệm chính là định mệnh của tinh thần trong thế giới. Khi tồn tại đối kháng của các nhân vật, thứ biểu lộ chính nó thông qua đối thoại, thì yếu tố kịch về bản chất đã hiện diện; toàn bộ hành động chỉ còn bóc tách nó thêm.

Khi sự ứng biến với vai trò là thi ca, nó bắt nguồn từ thực tế rằng con người tìm cách giao tiếp với nhau thông qua lời nói, và đã thực sự thành công trong giao tiếp mặc cho mọi rào cản cá nhân; chỉ khi được đặt trong trạng thái căng, thì sự ứng biến với vai trò là sản phẩm của kịch nghệ lại thuộc vào một cấp độ tự nhiên hơn. Nó bắt nguồn từ thôi thúc cơ bản để thực hiện cú nhảy bật, thông qua biến đổi, khỏi vực thẳm giữa Tôi và Người, với phát ngôn làm cầu nối - như người nguyên thủy tin rằng khi họ bắt chước khía cạnh và các cử chỉ của một thụ tạo khác, một con vật, một anh hùng, một con quỷ, thì có thể trở thành thụ tạo ấy. Đấy không phải là một niềm tin đơn thuần mà đúng ra là một kinh nghiệm. Những người thuộc bộ lạc ở châu Úc lấy chuột túi làm vật tổ, hoặc người Thrace nhảy vũ điệu satyr trong đoàn rước thần Dionysus, xét về thể lý, đã mang tính xác thực về nhân dạng của bản thể mà họ tái hiện. Tính xác thực này không phải là “diễn”, nhưng nó vẫn là một vở kịch, bởi nó sẽ biến mất ngay khi các mặt nạ và tư thế được trút bỏ. Nhưng nếu như nó vẫn kéo dài đến khi cơ thể hôn mê, đến khi ý thức không còn, nó vẫn sẽ, với mỗi lần tái diễn, càng dễ nhận diện hơn, càng tùy hứng hơn, càng diễn hơn. 

Tuy vậy, đây vẫn chưa phải là một sự ứng biến. Sự ứng biến chỉ được hình thành khi có hiện diện của khán giả. Ta không nên xem sự hiện diện này là một thứ diễn ra cùng một lúc và hiển minh, nhưng là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài, hay nói đúng hơn, sự mắc nối. Ở mỗi biến đổi, sự ứng biến xảy ra một cách bộc phát; quả thật, không phải cho chính nó mà vì mục đích ma thuật để đạt được hình thức được công nhận mà cộng đồng mong muốn. Một người ăn mừng hôn lễ và sự giao hòa của Chúa Trời với Mẹ Trái Đất bởi vì hành động ấy biểu hiện, tác động, bao hàm việc trời cho mưa trút xuống cung lòng đồng ruộng. Nếu lúc này “Các khán giả” được dự phần vào nghi lễ thiêng liêng này, họ cũng đồng thời dự phần vào quyền năng và sự kính sợ của sự kiện đó, với niềm tin xác tín rằng hạnh phúc của họ, có khi là mạng sống của họ, phụ thuộc vào sự thành công của ma thuật ấy. Vậy các diễn viên vẫn chưa biết mình “bị nhìn”. Họ là những người tham gia nhưng không phải những người tham gia của một cuộc trình diễn; họ tham gia vì lợi ích của đám đông đang dõi theo chứ không phải để làm hài lòng họ. Họ ở trong “trạng thái ngây thơ”, giống như một người đang yêu dựa trên thôi thúc của mình và không dựa trên hình ảnh mà người ấy tạo ra trong mắt người khác. (Ta cần nói thêm ở đây rằng dựa trên sự phân biệt giữa người trực tiếp và người gián tiếp, cũng có sự phân biệt giữa hai hình thức diễn xuất khác nhau.) Điều này cũng xảy ra theo cùng một mức độ với sự tan rã của niềm tin. Khán giả không còn xem hành động mà họ đang chứng kiến là thực tại đang xâm nhập vào đời sống của mình và giúp cho xác định số phận của mình; và diễn viên không còn bị chi phối bởi sự biến đổi mà đã quen với nó và biết cách sử dụng nó. Diễn viên biết mình bị nhìn, bị nhìn mà không thấy sợ và không thấy xấu hổ; anh ta diễn mà không thấy sợ và không thấy xấu hổ, như một màn trình diễn. Niềm tin ma thuật có thể, tất nhiên, thanh lọc thành một niềm tin vào giá trị của vở kịch để được cứu rỗi, và nhờ đó mà giữ được quyền năng hoặc một phần quyền năng của nó. Ở sân khấu Aeschylus, một thứ gì đó thiêng liêng mang tính Nghi lễ Thần bí Eleusis vẫn còn thống trị nơi dàn hợp xướng cũng như trên khán đài. Những điều đã diễn ra trên sân khấu - cử chỉ và phát ngôn, và tiếng hát và hành quân của dàn hợp xướng - không chỉ là một kiểu bắt chước ảo tưởng về thứ đã từng xảy ra hoặc là sản phẩm của trí tưởng tượng, mà là một thực tại thiêng liêng liên quan đến thực tế đời sống của mỗi người khán giả đang xem và đang nghe, liên quan theo cách không thể định nghĩa hoặc tái hiện, nhưng với quyền năng nguyên thủy. Cho nên, niềm kinh sợ và xấu hổ vẫn còn hiện diện, với cả người xem và người diễn. 

Tôi đã lấy ví dụ bi kịch Hy Lạp này làm trù liệu cho mình. Ở đây cả hai nguyên tắc đã được kết hợp, nguyên tắc tinh thần của đối thoại và nguyên tắc tự nhiên của ứng biến-biến đổi mang tính bắt chước vốn liên quan với nhau như tình yêu đối với tình dục, rằng cả hai đều cần có nhau, như tình yêu cần tình dục để có được cơ thể, và tình dục cần tình yêu để có được tinh thần. Nhưng ta cần phải hiểu, đúng là tuy tình yêu đã hẳn về sau này mới xuất hiện trong lịch sử con người, nhưng nó không thể bắt nguồn từ tình dục. Trong sự thật của bản thể, tình yêu là vũ trụ và quyền năng vĩnh cửu mà tình dục được gửi đến với vai trò là một dấu hiệu và phương tiện để thông qua nó mà tình yêu có thể được tái sinh trên trái đất. Đây là cách của tinh thần trong mọi sự. Do đó, nhà hát cần có kịch hơn là kịch cần có nhà hát. Kịch không thể được hiện thân trong thứ nhà hát tồn tại tinh thần cô đơn phi nhập thể. Nhưng nhà hát không tuân theo kịch thì phải gánh chịu lời nguyền vô hồn, tuy với tất cả sự đa dạng phong phú của nó, nó vẫn khó mà che đậy sự vô hồn ấy suốt thời gian cuộc trình diễn ma thuật của nó. Một thời đại nơi kịch không được diễn có thể là một mẫu Eiron anh hùng; nhưng một thời đại nơi nhà hát tự ca tụng bản thân xem toàn bộ kịch như là chất liệu và là cơ hội để dựng ảo cảnh cho nó thì chính là một mẫu Alazon thảm hại. Để một công chúng vô tín, vốn cho phép “những trò giải trí” được bày ra trước mắt vì họ sợ sự tập trung, được cứu khỏi nỗi sợ thành niềm kính sợ và được nâng lên thành niềm tin vào thực tại tinh thần, cần phải có tác phẩm lớn, nền giáo dục lớn, và sự dạy dỗ lớn.

Nhà hát có thể tham gia vào công việc này trước tiên thông qua sự tuân phục mệnh lệnh của lời. Lời rung động toàn bộ cơ thể của người nói, lời phục vụ mọi cử chỉ để toàn bộ sự linh hoạt của sân khấu được xây dựng và tái xây dựng chính nó với vai trò là một khung, một kháng lực của Tôi và Người, được bao trùm bằng sự kỳ diệu của phát ngôn, chi phối toàn bộ vở kịch của biến đổi, dệt bí ẩn tinh thần vào mỗi yếu tố - chỉ có nó mới có thể xác định mối tương quan phù hợp giữa kịch và sân khấu.


TIÊN TRI, KHẢI HUYỀN, VÀ GIỜ LỊCH SỬ (1954)

1

Một người, không đặc biệt suy ngẫm về bản thân, để bản thân bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống, vẫn có lúc không thể tránh khỏi thời điểm phải đối điện với mối quan hệ đặc biệt và thậm chí là khó hiểu đối với tương lai của chính mình. Trong số những phản ứng có thể xảy ra của anh ta, có hai phản ứng chính yếu. Người mà tôi đang đề cập có thể từ bỏ con đường mòn ngay tức khắc, kéo các tiềm lực nguyên sơ ra khỏi nơi ẩn náu của chúng, và ra quyết định phản ứng với tình huống; anh ta ấp ủ cái niềm chắn chắn đến-nay-chưa-hề-suy-suyển của việc có khả năng tham gia, ngay tại lúc chuyển mình, vào quyết định thực tế để hình thành thời điểm tiếp theo, và theo cách ấy ít nhiều cũng là hình thành nên những giờ tương lai. Hoặc, trái lại, anh ta có lẽ sẽ xua tan mọi thôi thúc ấy và như ta thường nói, nhất định không được phép để bản thân bị lừa - không phải bị lừa bởi tình huống, vốn chỉ là một sự mắc nối, và bị lừa bởi chính mình, vốn chỉ là một con người đang trong cơn bế tắc; bởi mọi thứ này đều được liên kết với mọi thứ kia một cách không thể cưỡng lại, và không có một kẽ hở để anh ta có thể bám vào. Một lần nữa anh ta đầu hàng sự rối loạn, nhưng giờ đây, anh ta nghĩ, ấy là đã cân nhắc kỹ lưỡng.

Giả như, không bàn đến những khác biệt và sự phức tạp giữa hai thái độ này, chúng ta đổi chỗ giờ phút này, cùng những khả năng bên trong của hai thái độ cơ bản ở hai cực đối lập, từ phạm vi tiểu sử sang phạm vi lịch sử, chúng ta nhận thấy một vấn đề có lẽ là hữu ích khi xem xét. Nhưng ở lập trường nào thì vấn đề này mới được nhìn nhận đầy đủ, như cần có, để, khi chú mục vào chiều sâu của thực tại với tinh thần sáng suốt, chúng ta có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn giữa chấp nhận lựa chọn và từ chối lựa chọn? Làm thế nào để chúng ta có thể thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan mà diễn đạt lan man của nó là cuộc tranh cãi triết học giữa vô định luận và quyết định luận về thế giới? Ở đây, điều này nằm ngoài phạm vi mà phép biện chứng triết học có thể giúp cho ta; điều cao nhất mà nó có thể đạt được, thay vì đặt hai khía cạnh đối lập với nhau, thì ta hãy hiểu chúng như là hai mặt không thể hòa giải-có thể hòa giải của cùng một sự kiện. Bằng cách này, chắc chắn, triết học đã đánh giá đúng kinh nghiệm sống trong đó thời điểm bắt đầu hành động được thì soi sáng nhờ ý thức về tự do, và thời điểm đã hành động thì bị lu mờ nhờ hiểu biết về tính tất yếu. Nhưng khi không còn là vấn đề khía cạnh, hoặc được kinh nghiệm hoặc được nhớ lại, và không còn là vấn đề mối liên kết của chúng với nhau; nhưng là vấn đề niềm tin nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn, thì bấy nhiêu đấy triết học vẫn không đủ để hướng dẫn chúng ta.

Vấn đề là: Liệu tôi có dám làm điều chắc chắn không thể hay tôi thích nghi với điều không thể tránh khỏi? Liệu tôi có dám trở thành thứ gì đó khác với chính mình, tin tưởng rằng thực tế tôi đúng là một người khác và có thể thử thách nó, hay liệu tôi có nhận thức được một rào cản trong tồn tại ngay lúc này của tôi như là một thứ sẽ mãi mãi là rào cản? Nếu ta chuyển vấn đề từ khía cạnh tiểu sử sang lịch sử: thì liệu giờ lịch sử có khi nào kinh nghiệm những giới hạn đúng nghĩa của nó bằng cách vượt qua những giới hạn mà nó quen thuộc? Liệu tương lai có khi nào tự thiết lập lại chính nó hay chăng, hay đấy là số phận không thể tránh khỏi của nó? Bởi xét nơi sâu thẳm nhất trong hành động thực tiễn của chúng ta, không có sự nâng đỡ nào khác ngoài chính niềm tin, hoặc để gọi nó bằng cái tên thiêng liêng của nó, đức tin. Nhưng đức tin này không phải là đức tin cá nhân của chúng ta, mà lịch sử đức tin của con người mới có khả năng giúp đỡ chúng ta. Sự giúp đỡ của nó không phải kiểu đặt cái đúng ngay trước mặt ta trong quá trình nhận thức lịch sử như là một sự thật không phải đối mặt với bất kỳ mâu thuẫn nào. Một cái nhìn thoáng qua của lịch sử đức tin con người có lẽ sẽ làm sáng tỏ phản đề của hai khả năng để quyết định giữa chúng có thể diễn ra trọn vẹn. Trong lịch sử đức tin, đức tin của tôi tìm thấy sự nâng đỡ không thể thay thế ngay cả khi nó chỉ nhận một cách lựa chọn mới.

2

Trong lịch sử Do Thái giáo, hai thái độ cơ bản ấy đã vươn lên thành sự thuần khiết và sự vô điều kiện trong địa hạt tôn giáo, được thể hiện trong hai hiện thân của tinh thần, chúng, nhờ sự thuần khiết và vô điều kiện này, đã mang lại ý nghĩa cho cách sống của con người trên thế giới, và nhất là cho chặng đường hiện tại, một thứ khó có thể hiểu sao cho thật sâu sắc.

Những hiện thân ấy chính là các tiên tri trong thời đại các vua Judah và Israel và các tác phẩm khải huyền thuộc Do Thái giáo và Do Thái-Ki-tô giáo vào thời cuối và thời suy tàn của văn hóa Hy Lạp. Vấn đề ở đây không phải là một vấn đề về các sự kiện lịch sử mang tính biến động và các phán quyết liên quan đến chúng dựa theo lời kêu gọi thần thánh của tiên tri hay tác giả khải huyền đang sống vào thời điểm ấy. Nhưng đây là vấn đề khác nhau về bản chất của hai lập trường quan điểm, một bên là các lời tiên tri và một bên là các tác phẩm khải huyền, nên được hiểu như thế nào. Điểm chung của cả hai là đức tin vào một vị Thiên Chúa lịch sử quá khứ, hiện tại, và tương lai của tất cả mọi thụ tạo đang tồn tại; cả hai quan điểm đều chắc chắn về ý muốn của Ngài đó là để ban sự cứu rỗi cho thụ tạo của Ngài. Nhưng ý muốn ấy được biểu hiện ra sao ngay trong khoảnh khắc thai nghén khi người phát ngôn đang phát ngôn; khoảnh khắc này có tương quan gì với các sự kiện sắp tới; con người, do đó là những người đang nghe người phát ngôn nói, dự phần trong mối tương quan này như thế nào - ở những điểm này, các thông điệp tiên tri và khải huyền về cơ bản là khác nhau.

Sự khác nhau đó, như ta đã biết, không chỉ có ý nghĩa lịch sử: nó có một điều gì đó vô cùng quan trọng để dạy cho mỗi thế hệ, nhất là thế hệ của chúng ta. Để làm nổi bật ý nghĩa này, tôi phải bỏ qua tất cả những gì không điển hình, dẫu chúng có thể có ý nghĩa cơ bản. Tôi phải bỏ qua câu hỏi về những mô típ khải huyền nào, đã được tìm thấy trong số các tiên tri cổ điển và những mô típ tiên tri nào, vẫn còn được tìm thấy trong số các giai đoạn khải huyền sau này. Tôi chỉ cần phải đưa ra sự khác biệt cốt lõi của các thái độ cơ bản bằng những ví dụ rõ ràng nhất. 

3

Vào thời điểm cuộc khủng hoảng đối ngoại và đối nội của vương quốc Judah bắt đầu thể hiện bằng các dấu hiệu quan trọng, khoảng hai mươi năm trước khi thành Jerusalem bị người Chaldea phá hủy, tiên tri Jeremiah được Thiên Chúa truyền lệnh đến xưởng gốm ở bên dưới thung lũng; khi đã đến đó, thì Chúa sẽ phán với ông (Jer 18, 2). Chúng ta hiểu ý nghĩa của điều này: vị tiên tri sẽ chiêm nghiệm một thực tế sắp xảy đến với ông với như là một ẩn dụ khải huyền ngay trong lúc chiêm nghiệm. Jeremiah đi xuống thung lũng và nhận thấy cách người thợ gốm nặn đất sét trên bàn quay hai bánh. “Và nếu chiếc bình đang làm mà bị hỏng khi vẫn đang còn là đất sét trong tay người thợ gốm, thì anh sẽ làm lại một chiếc bình khác, đúng như người thợ gốm thấy cần phải làm.” Ba lần như vậy, theo phong cách lặp lại tuyệt vời của Kinh Thánh, động từ “làm” được nhấn mạnh; vấn đề được đề cập ở đây là quyền tối thượng của quá trình làm. Khi chiêm nghiệm về quyền tối thượng này, Jeremiah đã nhận được thông điệp của Chúa, hết lần này đến lần khác, khi từ ấy được lặp lại: “Hỡi nhà Israel, đối với các ngươi, ta đã chẳng làm được như người thợ gốm này hay sao? Này, hỡi nhà Israel, đất sét trong tay người thợ gốm thế nào thì các ngươi ở trong tay Ta cũng như thế ấy! Có khi, Ta phán truyền sẽ nhổ, sẽ lật, sẽ diệt một dân tộc hay một vương quốc - nhưng nếu dân tộc đó từ bỏ cái ác đã khiến ta Ta đã phán truyền, thì Ta sẽ hối tiếc về tai họa đã định giáng lên chúng. Và có khi, Ta phán truyền sẽ xây, sẽ trồng một dân tộc hay một vương quốc, nhưng nếu chúng làm điều ác trước mắt Ta đến độ chúng không chịu nghe tiếng Ta, thì sẽ Ta hối tiếc vì phúc lành mà Ta đã định ban cho chúng.”

Chúng ta phải nhớ rằng chỉ bằng những lời nói này, Jeremiah trẻ tuổi đã nhận được hai mươi năm trước khi ông được kêu gọi làm “người loan báo cho các dân tộc” (Jer 1, 5; 7; 10). Lời Ngài phán với ông, “Ta sai ngươi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói.” Khi ông cảm thấy có ngón tay chạm vào miệng ông, ông còn nghe rằng: “Ta đã đặt Lời ta vào miệng ngươi; coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân tộc, các vương quốc, để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng.” Lời truyền đạt này đến với ông như là một nabi [dạng nhà tiên tri nhìn được trong giấc ngủ] được chọn, “người loan báo” - tức là, người thốt ra lời nói từ trời - lúc này đến với ông theo tương quan ngôn ngữ của lời kêu gọi, được khai triển về nghĩa, khi bàn quay phía dưới của người thợ gốm quay trước mặt ông và các bình gốm được thành hình trên bàn quay phía trên, những gì thành công sẽ ở lại thế giới, những gì thất bại sẽ bị loại bỏ và được định hình lại.

Vậy người thợ gốm thiêng liêng làm việc trên những hình dáng và số phận lịch sử của các dân tộc. Nhưng, theo ý muốn của Ngài, công trình ấy của Ngài tự nó có thể có ý muốn, tự nó có thể làm hoặc không làm; bằng sự làm và sự không làm mà nó muốn, nó chạm đến công trình của Người Thợ. Ngay từ đầu, Ngài đã ban cho họ sự tự do ấy, và trong toàn bộ quyền tối thượng của việc tạo hình và phá bỏ của Ngài, khi làm như vậy, Ngài vẫn ban cho họ câu trả lời - tạo hình và phá bỏ. Ngài “hối tiếc” về phúc lành đã định khi họ quay lưng lại với Ngài; Ngài “hối tiếc” tai họa đã định khi họ quay lại với Ngài.

Nhưng người loan báo - thụ tạo mà Chúa từng phán rằng, “Ngươi sẽ là miệng Ta” - là một phần của sự kiện. Vì đôi khi ông buộc phải nói “điều Chúa đang làm”, như đã nói trong sấm ngôn của Balaam (Num. 23, 23) - để nói điều đó với những người có liên quan. Tuy nhiên, ông có thể làm điều đó theo hai cách khác nhau. Một cách là đề ra một lựa chọn mở. Cho nên, chúng ta nhiều lần nghe Jeremiah nói với dân mình theo cách trực tiếp nhất khi ông truyền đạt cho họ lời nói ngắn ngọn của Chúa: “Hãy sửa sang đường lối và việc làm của các ngươi, rồi Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này.” Nhưng khi những người được kêu gọi cứng đầu chống đối, ông không còn tuyên bố phương án thay thế đó nữa mà là loan báo thảm họa đang đến như là một sự diệt vong không thể thay đổi. Tuy vậy, ngay cả trong lời đe dọa này, cánh cửa ân sủng vẫn mở ra cho con người khi con người cùng toàn bộ bản thể của mình quay về với Chúa. Ở đây, cũng vậy, không có hồi kết đối với khả năng tác động thực sự của cuộc đối thoại giữa thần linh và nhân loại, trong đó lòng thương xót là lời đáp cho việc con người cùng toàn bộ bản thể của mình quay về với Chúa. 

Chiều sâu của tính chất qua lại trong đối thoại giữa trời và đất được thể hiện rõ nhất nơi các tiên tri của Israel - từ thời kỳ đầu cho đến thời kỳ sau lưu đày - thông qua phép lặp từ và tương ứng từ đầy ý nghĩa vốn vô cùng phong phú trong Kinh Thánh Híp-ri. Sự quay về của bản thể con người và phản ứng của Thiên Chúa thường được ấn định nhờ một động từ, một động từ có thể mang ý nghĩa quay lại cũng như là quay đi, nhưng cũng như là quay về và quay hướng về phía ai đó, và sự trọn vẹn về nghĩa này đã được tận dụng trong các bản văn Kinh Thánh. Như trong số các tiên tri xuất hiện sớm nhất trong Kinh Thánh, trong sách tiên tri Hosea, chúng ta nghe tiếng Chúa nói trước tiên, “Hỡi Irasel, hãy quay về với Thiên Chúa”, và một lần nữa, “Hãy quay về”; rồi văn bản viết (như sau này trong sách tiên tri Jeremiah), “Ta sẽ chữa chúng khỏi những lần chúng quay lưng với Ta”, văn bản tiếp “Ta sẽ yêu thương chúng hết lòng, vì cơn thịnh nộ của Ta đã không còn hướng về chúng”. Sự tương ứng này, được thể hiện thông qua phép lặp từ, giữa hành động của con người và hành động của Chúa, không mang tính nhân quả mà là mối liên hệ mang tính đối thoại giữa đôi bên, kéo dài theo một truyền thống rõ ràng về phong cách đến tận thời kỳ sau lưu đày. Tiên tri Joel, tuy thuộc thời kỳ sau, nhưng đầy sức mạnh ngôn từ, trong thị kiến đã nhìn thấy một kẻ thù khủng khiếp đang đến, nhưng mô tả về cuộc xâm lược đầy đe dọa được nối tiếp bởi lời phán của Chúa, “Hãy hết lòng trở về với ta”. Sau đó văn bản nói thêm một lần nữa, “Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi”, nhưng giờ thì văn bản tiếp, “Biết đâu Ngài sẽ hồi tâm và hối tiếc”.

Cũng cùng một cách diễn đạt, “Biết đâu”, như diễn đạt một niềm hy vọng rụt rè của những người quay trở lại, chúng ta lại thấy trong câu chuyện ngụ ngôn cuối cùng của Jonah, trái với cách giải thích thịnh hành, đối với tôi có vẻ như nó xuất phát từ một giai đoạn vẫn còn tồn tại chiều hướng muốn làm rõ với mọi người rằng nhiệm vụ của tiên tri đích thực không phải là để dự đoán mà là để đặt đối diện con người trước các lựa chọn thay thế. Đây không chỉ là văn chương; đúng ra, cùng với toàn bộ tính chất kế vị của nó, nó vẫn là tiếng vang thực của ngôn ngữ tiên tri dưới hình thức một mô thức tôn kính khi Vua của thành Nineveh lần đầu kêu gọi dân mình, những người mà dữ liệu chính xác về sự hủy diệt của họ vừa được vua ban sắc chỉ, “Tất cả mọi người đều phải quay về, từ bỏ con đường gian ác của mình”, và bản văn thêm, “Biết đâu Ngài sẽ hồi tâm, Ngài sẽ hối tiếc và sẽ nguôi cơn thịnh nộ của Ngài, và chúng ta sẽ khỏi phải chết”.

Quan điểm nào về cai trị của Người Cai trị làm nền tảng cho toàn bộ điều này? Rõ ràng là một quan điểm giữ gìn sự bí ẩn của mối quan hệ đối thoại giữa Chúa và con người khỏi mọi ham muốn về sự bao bọc trong giáo điều. Bí ẩn chính là ở sự sáng tạo con người như một thụ tạo có khả năng thực sự lựa chọn giữa các con đường, người đã luôn luôn và ngay cả lúc này đây có khả năng lựa chọn giữa các con đường ấy. Chỉ có một thụ tạo như vậy mới phù hợp để trở thành đối tác của Thiên Chúa trong cuộc đối thoại của lịch sử. Tương lai không cố định, bởi lẽ Chúa muốn con người đến với Ngài với sự tự do trọn vẹn, trở về với Ngài ngay từ cảnh ngộ tuyệt vọng đến kiệt cùng và sau đó là thực sự ở bên Ngài. Đây là thần học về tiên tri, dẫu chưa bao giờ được diễn đạt theo cách này nhưng đã ăn sâu vào nền tảng của tiên tri Do Thái.

Một đoạn phúc âm ngụy thư có nguồn gốc Do Thái-Ki-tô giáo kể rằng Chúa Thánh Thần đã nói với Chúa Jesus khi chịu phép rửa ở sông Jordan rằng Ngài là đấng được mong chờ “trong tất cả các tiên tri”. Niềm mong chờ lịch sử của tinh thần để hoàn tất ý định sáng tạo con người chính là hơi thở mang sự sống của tiên tri. Đức tin tiên tri bao gồm đức tin vào bản chất thực tế của tồn tại con người, như là thứ tồn tại mà thực tế gặp đấng siêu việt. Lời tiên tri đã tuyên bố theo cách của nó rằng thứ thụ tạo độc nhất, con người, được tạo ra để trở thành trung tâm của bất ngờ trong công trình sáng tạo. Bởi vì và miễn là con người tồn tại, thì sự thay đổi thực tế có thể diễn ra hướng tới sự cứu rỗi cũng như hướng tới thảm họa, vốn bắt đầu từ thế giới trong mỗi giờ lịch sử, bất kể muộn đến đâu. Thông điệp này đã được các tiên tri tuyên bố cho tất cả các thế hệ tương lai, cho mỗi thế hệ bằng ngôn ngữ riêng của mình.

4

Có nhiều hình thức hỗn hợp đáng chú ý dẫn từ phạm vi lịch sử sang phạm vi khải huyền, nhưng việc thảo luận về chúng không thuộc nhiệm vụ lúc này của tôi. Tuy nhiên, tôi phải nhắc đến một dạng biểu hiện, bởi nó không minh hoạ cho một dạng chuyển tiếp mà là một trường hợp ngoại lệ thuộc loại này. Tôi muốn nói đến một tiên tri ẩn danh thuộc thời kỳ lưu đày Babylon lấy tên theo Isaiah, không chỉ vì những lời tiên tri của ông được đưa vào Sách Isaiah, mà còn vì ông hiểu rõ mình như là một môn đệ của Isaiah sau khi qua đời. Trong số các nhà tiên tri, ông là người phải công bố lịch sử thế giới và báo trước lịch sử ấy như là đã được Thiên Chúa tiền định. Thay vì cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, ông mang đến niềm an ủi của Đấng sẽ cứu chuộc những ai mà Ngài muốn cứu chuộc; điều Chúa nói ở đây không chỉ là điều đã biết trước mà còn là đã báo trước những gì đang diễn ra trong lịch sử - những thay đổi cách mạng trong đời sống của các dân tộc và sự giải phóng của Israel đã hoàn tất bên trong nó. Cái lựa chọn thay thế ấy không còn chỗ ở đây nữa: tương lai được nói đến như đã được thiết lập ngay từ ban đầu.

Sự chuyển đổi quan điểm tiên tri này tạo điều kiện thuận lợi cho “Deutero-Isaiah” [Bố cục Sách Tiên tri Isaiah được chia làm ba phần: Isaiah Đệ nhất (Proto-Isaiah chương I-XXXIX), Isaiah Đệ nhị (Deutero-Isaiah chương XL-LV), và Isaiah Đệ tam (Trito-Isaiah chương LVI-LXVI)] thông qua thực tế là ông đã liên kết bản thân mình xuyên suốt hàng thế kỷ với vị tiên tri vĩ đại, như trong ghi chép của ông cho thấy (Chương VI-VIII), đã hết lần này đến lần khác ý thức được bản thân ông bị ràng buộc bởi nghĩa vụ tàn khốc là phải giữ cho người dân không biết đến phạm vi của lựa chọn thay thế và là người chỉ có thể tuyên bố nó bằng biểu tượng. Nhưng về cơ bản, sự chuyển đổi này có khả năng xảy ra, là nhờ tính chất mới mẻ chưa từng thấy của hoàn cảnh lịch sử. Ở đây, lần đầu tiên một nhà tiên tri phải tuyên bố một sự chuộc tội được thực hiện thông qua đau khổ của tất cả mọi người. Tội lỗi được chuộc, một ngày mới bắt đầu. Trong khoảng thời gian khi lịch sử nín thở, thì lựa chọn thay thế im lặng. Vào thời điểm này, vấn đề đang đặt ra không còn là việc lựa chọn như là một dân tộc giữa hai con đường nữa, nhưng là với vai trò một cá nhân, hiểu được lời mời gọi mới, cao hơn, sẽ được thực hiện thông qua một nhóm “tôi tớ của Chúa”, một nhóm tôi tớ mà người nói nhìn thấy chính mình ngay từ lúc ban đầu. Một thời đại như thời đại chúng ta, vướng vào tội lỗi và xa rời chuộc tội, có thể học được điều gì đó lớn lao từ vị tiên tri này, nhưng nó không thể lấy đươc bất cứ điều gì trực tiếp từ ông. Ở đây, một điều gì đó nằm ngoài ý muốn của chúng ta chiếu sáng an ủi cho chúng ta.

5

Nếu chúng ta muốn so sánh các phạm trù lịch sử của tiên tri và khải huyền theo mức thuần túy nhất có thể về bản chất đặc trưng của chúng, thì, cũng giống như khi chúng ta đã xuất phát từ lời tiên tri của Jeremiah như là hiện thân đúng nghĩa cho thị kiến tiên tri về hiện tại và tương lai, vậy để trình bày về khải huyền, chúng ta sẽ không gặp khó khăn nếu chọn một trong hai tác phẩm muộn nhất và trưởng thành nhất của thể loại này - Sách Khải Huyền của John và quyển được gọi là Sách Ezra Đệ tứ. Dù tác phẩm cuối cùng trong quy điển Ki-tô giáo [Sách Khải Huyền] là quyển quan trọng hơn trong trong cả hai, tôi vẫn thích tác phẩm kia cho mục đích của chúng ta hơn, vì nó mang lại cái nhìn trọn vẹn hơn về mối quan hệ giữa người phát ngôn và lịch sử đương thời. Quyển sách này, các phần cấu thành của nó có lẽ bắt nguồn từ khoảng giữa thế kỷ đầu tiên Công nguyên, rõ ràng chỉ đạt được hình thức cuối cùng của nó vài thập kỷ sau khi thành Jerusalem bị người Roma phá hủy. Tuy nhiên, người phát ngôn lại có ý tỏ ra như là thành viên đang sống trong triều đình vua vào thời lưu đày ngay sau khi Jerusalem bị người Chaldea phá hủy.

Trường hợp hư cấu văn chương như vậy, thường gặp ở hầu hết các tác giả khải huyền, không hề là một hiện tượng thứ yếu; bối cảnh lịch sử-tiểu sử thực tế của người phát ngôn đã được cố tình thay thế bằng một cảnh tượng xa lạ được lấy làm tương đồng với bối cảnh của chính ông. Sự hư cấu ấy đưa chúng ta đi sâu hơn vào vấn đề. Thời điểm mà giọng tiên tri kêu gọi chúng ta tham dự chính là thời điểm ra quyết định thực sự; nhà tiên tri kêu gọi những người nghe ông hướng lòng vào điều này, và không ít lần khiến bản thân ông phải đối mặt với nguy cơ tử đạo. Trong thế giới khải huyền, giờ lịch sử-tiểu sử hiện tại này hầu như không tồn tại, chính bởi vì quyết định của con người dưới vai trò là một yếu tố trong quyết định lịch sử-siêu lịch sử không phải là vấn đề ở đây. Vị tiên tri nhắm đến những người lắng nghe ông, những người đáng lẽ đã lắng nghe ông. Ông biết rằng mình được sai đến với họ để đặt trước họ những lựa chọn nghiêm khắc của giờ. Ngay cả khi ông viết ra thông điệp của mình hay nhờ người viết ra nó, dẫu nó đã được nói ra hay sắp được nói ra, thì nó vẫn luôn nhắm đến những con người cụ thể, để thúc đẩy họ - trực tiếp như thể họ đang lắng nghe - nhận ra tình thế của họ đòi phải có quyết định và để hành động phù hợp. Người viết khải huyền không có bất kỳ thính giả nào quay về phía ông; ông nói với cuốn sổ tay của mình. Ông không thực sự nói, mà ông chỉ viết; ông không chép lại bài diễn thuyết, mà ông chỉ viết những suy nghĩ của ông - ông viết một quyển sách.

Nhà tiên tri nói lời mà ông có nhiệm vụ phải nói; ông được sinh ra để làm nhiệm vụ này, xuất phát từ một ý định thiêng liêng và hướng đến một mục đích thiêng liêng. Thần khí tác động trên ông; không chỉ các cơ quan phát ngôn mà còn toàn bộ con người ông được cuốn vào trong sự phục vụ thần khí. Thân thể và đời sống của ông trở thành một phần của sự phục vụ này và nhờ đó mà trở thành một biểu tượng của thông điệp. Gánh nặng của thông điệp đôi khi được đặt lên vai chính cá nhân tác giả khải huyền, nhưng thông điệp này không gắn liền với một nhiệm vụ sống còn. Tác giả của sách Khải Huyền Ezra hoàn toàn không nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ. Ngay từ đầu cuốn sách của ông, người phát ngôn - chúng ta không biết đó có phải đấy thực sự là người phát ngôn hay chỉ là một nhân vật hư cấu - nằm trên giường và, chịu nỗi lo lắng cùng cực về số phận của Israel và của nhân loại, than khóc với trời và phàn nàn về sự cai trị của thế gian, đồng thời thuật lại với Chúa một cách chi tiết lịch sử Kinh Thánh từ khi sáng thế đến nay, cùng thêm vào những câu hỏi quan trọng. Theo sau đó là các cuộc đối thoại với thiên thần, những đấng tiết lộ cho một người có tên “Ezra” về những mầu nhiệm của thiên đàng và của những thời đại sắp tới; các thị kiến hòa lẫn với trò chuyện, đa phần mang tính lược đồ-phúng dụ, và từng phần được giải thích có trật tự trước sau. Ở phần kết thúc, một nhiệm vụ được định hình, nhưng điều này chỉ là một yếu tố trong cấu trúc văn chương và dường như thậm chí không thuộc vào phần nguyên bản; bởi vì thay vì vị quốc vương của thế kỷ thứ sáu, chúng ta thấy xuất hiện trước mắt mình Ezra Ký Lục. Ezra được lệnh truyền phải chép lại hai mươi bốn sách trong quy điển Cựu Ước và ngoài ra thêm bảy mươi sách giáo huấn bí truyền; một khi đã hoàn thành nhiệm vụ, ông biến mất.

Trong sách không hề có hơi thở tiên tri của lịch sử đang-thực-sự-diễn-ra và tính quyết định trọn vẹn của nó. Mỗi sự việc ở đây đều đã được tiền định, mỗi quyết định của con người chỉ là những cuộc tranh đấu giả tạo. Tương lai không đến; tương lai đã hiện diện sẵn trên trời, như thể đã có từ lúc khởi đầu. Do đó mà nó có thể được “tiết lộ” cho người phát ngôn, và người ấy có thể tiết lộ nó cho những người khác. Câu hỏi sâu thẳm nhất của ông, theo đó, không phải là về những gì con người bất hạnh sẽ làm, mà là tại sao sự việc lại xảy đến với ông như vậy. Quả thật, trong cuộc tìm kiếm này, câu hỏi của Jeremiah và Job, tại sao điều tốt lại đến với kẻ ác và điều xấu lại giáng xuống người công chính, một lần nữa được xem xét dưới lăng kính lịch sử thế giới. Câu hỏi được đặt ra là tại sao Zion bị phá hủy trong khi Babylon, một nơi chắc chắn không hề tốt lành hơn, lại được tha thứ; nhưng kèm theo đó là một vấn đề mới và hoàn toàn khác: làm thế nào mà sự gian ác lại tồn tại; vấn đề về nguồn gốc sự “gian ác trong lòng” mà thông qua đó Adam và tất cả những ai sinh ra từ ông đã rơi vào tội ác và lỗi phạm. 

Tuy nhiên, ở đây, chúng ta phải phân biệt hai giai đoạn. Ở giai đoạn này, một loại tội lỗi di truyền được thừa nhận, điều hoàn toàn xa lạ với Cựu Ước. Ở đó, mặc cho mọi ý thức về gánh nặng lịch sử ngày càng lớn, mỗi người một lần nữa đều đứng lên trong tự do của Adam; năng lực quyết định của ông không bị suy giảm bởi bất kỳ di sản bên trong nào. Vậy mà giờ đây, nhà khải huyền đã chép: “Hỡi, Adam, người đã làm gì! Khi người phạm tội, sự sa ngã của người không chỉ giáng xuống một mình người mà còn lên cả chúng tôi, những kẻ sinh ra từ người. Một kỷ nguyên bất tử được hứa ban cho chúng tôi thì có ích gì khi chúng tôi đã làm những chuyện đưa đến cái chết?” Và ông đã được Thiên Chúa tuyên bố với sự chính xác tuyệt đối: “Khi Adam không tuân phục mệnh lệnh của Ta, sinh vật ấy đã bị kết án.”

Người phát ngôn tiếp tục đi xa hơn. Tội lỗi của Adam phát sinh từ chính bản tính của ông, và điều này là do ông nhận được từ Thiên Chúa. Chúa đã đặt vào ông một tấm lòng gian ác và để lại nó trong dòng giống Adam. Ngay cả khi Ngài tỏ mình ra với Israel, Ngài cũng không cất đi cái lòng gian ác ấy; do đó, ý thức về sự thật không thể trụ vững trước “hạt giống xấu”. Và thiên thần đáp lời với một tuyên bố còn mạnh mẽ hơn: “Một hạt giống xấu đã được gieo vào lòng Adam ngay từ thuở ban đầu”; giờ đây cả cánh đồng phải trổ sinh, và chỉ khi đến gặt thì cánh đồng của điều thiện mới lộ ra. Quan điểm này của tác giả khải huyền mâu thuẫn căn bản với giáo huấn tiên tri trước đó. Nó cũng mâu thuẫn với giáo huấn Talmud sơ khởi đương thời, theo đó, niềm thôi thúc gian ác không được đặt vào lòng con người lúc sáng tạo, mà chỉ có những dục vọng trung tính, vốn không thể thành công nếu không có nó. Nó tùy thuộc vào con người hoặc dục vọng này hướng về Thiên Chúa hoặc rơi vào hỗn loạn vô phương hướng. Mục đích sáng tạo, theo đó, là để thế giới trở thành một trung tâm của tự do lựa chọn, từ đó thụ tạo mới có một câu trả lời đích thực để đưa ra cho Đấng Sáng Tạo. Ngược lại, nhà khải huyền, dù biết rõ vật lộn trong tâm hồn con người, nhưng lại xem sự vật lộn này không hề có ý nghĩa căn bản nào. Đối với ông, không tồn tồn tại bất kỳ khả năng nào để thay đổi hướng đi của vận mệnh lịch sử mà con người có thể tạo ra, bị tác động, hoặc cùng bị tác động bởi con người. Nguyên tắc tiên tri của bước ngoặt lịch sử không chỉ bị phủ nhận trong hình thức cá nhân của nó, mà ngay cả một bước ngoặt từ phía cộng đồng cũng không còn được nghĩ đến nữa. Bước ngoặt ấy không được nhìn nhận là có quyền năng thay đổi lịch sử hay thậm chí là quyền năng tự biểu hiện theo chiều hướng cánh chung, một lần nữa đã cho thấy sự tương phản trong truyền thống Talmud sơ khởi vốn cho rằng sự tiếp nối lịch sử của tồn tại phụ thuộc vào bước ngoặt.

Hơn nữa, trong văn chương khải huyền đã trưởng thành, không còn biết đến một tương lai lịch sử theo nghĩa thực sự. Hồi cuối của toàn bộ lịch sử đang gần kề. Sáng tạo thì đã cũ, bản văn ghi nhận như một điểm được xác lập không thể thay đổi; điều này được khẳng định mạnh mẽ hơn trong khải huyền Baruch: “Đoàn rước của các thời đại sắp qua đi.” Kỷ nguyên hiện tại, tức là thế giới và lịch sử thế giới, đang “nhanh chóng lao đến hồi kết thúc”. Thời đại sắp đến, sự biến đổi vạn vật thông qua sự xâm nhập của siêu việt, đang cận kề. Phản đề của thời đại sắp đến đối với tất cả các thời đại lịch sử được diễn đạt mạnh mẽ nhất bằng một câu trong Khải Huyền John, một câu vượt qua mọi điều có thể tưởng tượng: “Thời gian sẽ không còn.” Chủ đề chính và nghịch lý của khải huyền thời kỳ sau chính là một tương lai không còn thuộc về thời gian, và ông mong đợi sự hoàn tất này đến mức đối với ông, mọi thứ có thể xảy đến trong lịch sử không còn mang đặc tính lịch sử nữa. Con người không thể đạt được tương lai này, nhưng họ cũng không còn điều gì để đạt đến nữa.

6

Lời tiên tri và khải huyền, khi ta xem xét thông qua tác phẩm của chúng, là những hiện thân độc đáo trong lịch sử của tinh thần con người và của mối quan hệ của nó đối với siêu việt. Lời tiên tri xuất hiện vào thời điểm khi tinh thần phương Đông ở mức hùng mạnh nhất và trổ sinh nhiều hoa trái nhất, còn khải huyền thì xuất hiện khi các nền văn hóa và tôn giáo đang lúc suy tàn. Nhưng hễ nơi nào cuộc đối thoại lịch sử sống động của hành động thần linh và con người được khai mở, dẫu hiển hiện hay vô hình, thì vẫn luôn tồn tại một mối liên kết với lời tiên tri của Israel. Và hễ nơi nào con người rùng mình trước mối đe dọa từ chính công trình của mình và mong trốn chạy khỏi cái giờ lịch sử đòi hỏi khắt khe đến tận gốc, thì chính nơi ấy, con người thấy mình ở rất gần với thị kiến khải huyền về một quá trình không thể ngăn chặn.

Tất nhiên, ta cũng có một dạng khải huyền hiện đại lạc quan, mà ví dụ điển hình nhất chính là quan niệm của Marx về tương lai. Quan niệm ấy đã bị nhìn nhận không đúng rằng nó có nguồn gốc tiên tri. Trong lời tuyên bố về một bước nhảy phải có của thế giới nhân loại ra khỏi kỷ nguyên của tính tất yếu vào kỷ nguyên của tự do, chỉ riêng nguyên lý khải huyền cũng đã đóng vai trò chi phối. Ở đây thay vì một quyền lực bên trên con người tác động vào thế giới để thực hiện chuyển đổi, thì một biện chứng nội tại đã xuất hiện. Nhưng theo cách bí ẩn, mục tiêu của nó cũng chính là sự hoàn thiện, thậm chí là sự cứu rỗi thế giới. Trong hình thức hiện đại của nó, khải huyền cũng không biết đến bất kỳ sự chuyển hóa bên trong nào của con người lại diễn ra trước sự chuyển hóa của thế giới và cùng tham gia vào quá trình đó; nó không biết đến sự “quay lại” mang tính tiên tri. Marx, quả thật, đôi khi (1856) đã viết rằng: “Các lực lượng mới của xã hội” - ý nói xã hội tiền cách mạng - “cần những con người mới để thực hiện công việc tốt đẹp”, dẫu rằng, theo cách giải thích của duy vật về lịch sử, những con người mới chỉ có thể xuất hiện dưới điều kiện mới của xã hội hậu cách mạng. Nhưng những tia sáng của ngọn lửa tiên tri ấy luôn hiện diện trong mọi tư tưởng khải huyền. Không một người nào từng kinh nghiệm tự do lựa chọn và vai trò của nó trong sự thay đổi khách quan của hoàn cảnh lại có thể duy trì mãi niềm tin rằng lịch sử vận hành theo một chuỗi sự kiện được định sẵn mà không hề có các bước ngoặt. Dẫu vậy, điều này cũng không làm thay đổi quan điểm cơ bản của Marx về lịch sử, và ba năm sau, Lasalle đã có thể biện minh mà viết về nó rằng, khi liên kết tính tất yếu trắng trợn ấy với tính tất yếu, nó “bỏ qua và xóa bỏ, chính vì lý do đó, hiệu lực của những quyết định và hành động cá nhân”.

Ngày nay, bất chấp mọi đảm bảo trái chiều, tư tưởng khải huyền đảo ngược này không còn chiếm một vị trí đáng kể trong suy nghĩ thực tế của những người ủng hộ nó. Trong khi đó, một thái độ khải huyền trực tiếp đối lập đã hình thành trong nhân văn phương Tây. Thái độ này có vẻ như tiếp thu một số giáo lý từ các sách khải huyền của Ezra và Baruch sau khi chúng đã bị tước bỏ mọi yếu tố thần học về một kỷ nguyên sắp đến. Toàn bộ trạng thái tồn tại khác từng được hứa hẹn sẽ xuất hiện sau khi thế giới của chúng ta kết thúc, nay đã bị xóa bỏ, nhưng đặc tính của hiện tại như một giai đoạn muộn, quá muộn, vẫn còn được duy trì. Thế giới, chắc chắn, không còn được gọi là sự sáng tạo nữa, nhưng tình trạng già cỗi vô phương cứu chữa của nó lại được mặc nhiên thừa nhận. Trái ngược với những gì còn phổ biến cách đây không lâu, giờ đây không ai còn đẩy phép loại suy với một cơ thể sống đến mức họ liên kết kỳ vọng về một cái chết sớm với tuyên bố về tuổi già; những tiên đoán loại này đã trở nên hiếm hoi. Tư tưởng khải huyền hiện đại không chỉ hoàn toàn bị thế tục hóa, mà còn, sau một vài khởi đầu hoành tráng hơn là đáng tin, đã hoàn toàn vỡ mộng. Các tiên đoán vì vậy đã trở nên kém phổ biến, điều này dẫu sao cũng là một điều đáng hoan nghênh. Thay vì đảm nhận vai trò ấy, tư tưởng khải huyền giờ đây, có thể nói, đã tự khai triển nó đến luôn mãi. Nó không còn nói rằng: “Người ta không ai có thể bơi ngược dòng” - hình ảnh dòng suối với một lối thoát gắn liền với nó, giờ đây đã mang quá nhiều thương cảm. Nhưng nó đã nói: “Một thời đại cũ phải hành xử như một thời đại cũ nếu không muốn bị chế giễu”. Thi ca duy nhất vẫn còn phù hợp với một thời đại như vậy là thi ca mang tính mỉa mai tự giác; nghệ thuật duy nhất còn thích hợp là nghệ thuật phân tách mọi thứ ra từng mảnh. Xin áp dụng một nhận xét ấn tượng của Max Picard: đức tin đã trở thành một điều hoàn toàn lạc lõng. Trong một thế giới già cỗi, người ta biết chính xác điều gì là hợp thức và điều gì không.

Nếu một người đến và chống lại cái tính quanh co đã thâm nhập vào mọi mối quan hệ giữa con người, chống lại bầu không khí của khách quan giả tạo, nơi mỗi người không còn nhìn thấy người kia như một bạn đồng hành trong tồn tại của mình mà chỉ như là một đối tượng giữa các đối tượng để ghi nhận người ấy vào những kết nối lợi ích “khách quan” vốn đã luôn luôn tồn tại, thì người đó sẽ bị các nhà phê bình chỉ trích là một kẻ lãng mạn bị ảo tưởng bao vây. Nếu người ấy chống lại sự suy yếu của mối quan hệ đối thoại giữa con người, ngay lập tức anh ta sẽ bị chê trách vì không nhận ra sự cô đơn định mệnh của đời sống hiện nay, như thể ý nghĩa cơ bản của mỗi sự cô đơn mới không phải là người ta cần phải vượt qua nó ở một cấp độ toàn diện hơn so mọi thời trước đây. Nếu một người tuyên bố rằng một trong những lý do chính khiến cuộc khủng hoảng đời sống các dân tộc có vẻ vô vọng chính là mối nghi ngờ tồn tại của tất cả mọi người với nhau, đã ngăn cản bất kỳ đàm phán ý nghĩa nào về những khác biệt thực tế về lợi ích, thì người ấy sẽ bị chỉnh đốn bằng một nụ cười tinh ranh: một thế giới “cũ” đương nhiên phải tinh ranh.

Những tác phẩm khải huyền lớn của giai đoạn bước ngoặt trước đó có hai loại. Một loại cho rằng con người không còn có thể đặt niềm tin vào việc lịch sử sẽ đi theo một hướng mới; còn loại kia cho rằng con người có thể tin vào một vị Chúa quyết định mọi điều, nhưng với một giới hạn đặc biệt: Chúa có thể làm mọi thứ, ngoại trừ tạo ra một Người [Thou] thực sự tự do. Sự tin và sự không tin ở đây chỉ là hai mặt của một quan điểm. Trong hai điều này, chỉ có sự không tin thì vẫn còn tồn tại trong khải huyền đã vỡ nát nhưng đầy mạnh mẽ của thời đại chúng ta. Chắc chắn, nó tiến lên với dáng vẻ anh hùng; nó tự cho mình là sự thừa nhận anh hùng của điều không thể tránh khỏi, là hiện thân của amor fati [yêu số phận]. Nhưng cử chỉ co giật này không có điểm gì giống với tình yêu thực.

Cũng như trong đời sống của một cá nhân, trong đời sống của toàn thể nhân loại cũng vậy: điều gì có thể xảy ra vào một giờ nhất định và điều gì không thể xảy ra thì ta cũng không thể xác định đầy đủ bằng bất kỳ tri thức tiên nghiệm nào. Rõ ràng, trong cả hai địa hạt này, người ta phải bắt đầu từ bản chất của tình huống tại bất kỳ thời điểm, miễn là nó còn có thể nhận diện được. Nhưng người ta không thể học được giới hạn của những gì có thể đạt được theo một hướng mong muốn nếu không trực tiếp bước đi theo hướng đó. Những sức mạnh của linh hồn chỉ có thể đo lường được khi con người thực sự sử dụng chúng. Trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của tồn tại, không có sự lập kế hoạch cũng không có sự bất ngờ nào nắm quyền chi phối: ngay trong quá trình trung thành thực hiện một kế hoạch, chúng ta vẫn có thể bất ngờ trước những cánh cửa mở ra và những bổ sung bất ngờ. Cần phải chừa chỗ cho những bất ngờ như vậy; tuy nhiên, lập kế hoạch như thể bất ngờ là điều không thể, sẽ khiến chúng trở thành không thể. Người ta không thể theo đuổi cái tức thời, nhưng có thể giữ mình tự do và sẵn sàng đón nhận nó. Người ta không thể tạo ra đối thoại đúng nghĩa, nhưng có thể đặt mình trong tư thế sẵn sàng đón nhận nó. Sự ngờ vực tồn tại không thể được thay thế bằng niềm tin, nhưng có thể được thay thế bằng sự thẳng thắn tái sinh.

Thái độ này bao hàm rủi ro, rủi ro của việc dâng hiến chính mình, của sự chuyển hóa bên trong. Chuyển hóa bên trong chỉ đơn giản là vượt qua cấu trúc thực tế hiện tại của bản thân; nó có nghĩa là con người mà ta định sẽ thâm nhập vào những gì đã được xuất hiện từ trước đến nay, rằng linh hồn quen thuộc mở rộng và biến đổi thành linh hồn bất ngờ. Đây là điều mà các ngôn sứ Israel hiểu thông qua bước ngoặt trong ngôn ngữ đức tin của họ: không phải là sự quay về một giai đoạn vô tội trước kia, mà là một sự quay ngoắt, nơi mà cái lang thang vô định bắt đầu trở thành cái bước đi trên đường hành trình, và tội lỗi được chuộc trong tính chân thực mới xuất hiện của tồn tại.

Vào cuối một phần ba thế kỷ đầu ấy, nơi các tư tưởng khải huyền đã được tạo ra, nói về thế giới già cỗi và loan báo sự đứt gãy đang tới của lịch sử, John Tẩy Giả một lần nữa đã nối tiếp tiếng kêu của các tiên tri: “Hãy trở lại!”, và, hoàn toàn phù hợp với niềm tin của họ vào các lựa chọn thực sự, ông đã kết hợp lời cảnh báo dứt khoát rằng lưỡi rìu đã kề sẵn vào gốc cây. Ông tin tưởng những người lắng nghe ông có thể tin vào bản thân như những người có khả năng thực hiện bước ngoặt được yêu cầu, và ông tin rằng thế giới con người vào giờ của ông có thể thực hiện chính bước ngoặt này, bước ngoặt của rủi ro, của sự dâng hiến chính mình, của biến đổi bên trong. Sau khi Giêsu và các sứ giả của Người cũng đã kêu gọi một lần nữa, các nhà khải huyền và cộng sự của họ lại tuyên bố rằng sẽ không có bước ngoặt nào và cũng không có hướng đi mới nào trong số phận của thế giới có thể nảy sinh từ bước ngoặt. Nhưng chiều sâu của lịch sử, vốn luôn vận động để trẻ hoá công trình sáng tạo, vẫn đứng về phía các tiên tri.

Khương Anh dịch

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công