Mario Vargas Llosa: Cá gặp nước (chương III)
Sau Chương I, lẽ ra phải đến Chương II, nhưng đây sẽ là Chương III: Cuốn hồi ký của Mario Vargas Llosa gồm hai tuyến truyện song song với nhau: các chương lẻ kể câu chuyện cuộc đời, còn các chương chẵn thì chỉ tập trung vào các hoạt động chính trị, nhất là quãng thời gian nhà văn ra ứng cử tổng thống Peru. Ở đây chỉ dịch tuyến thứ nhất.
Cá gặp nước
- Mario Vargas Llosa
III. Lima khủng khiếp
Tuyến tramway Lima-San Miguel băng ngang đại lộ Salaverry, trước ngôi nhà nhỏ ở khu Magdalena nơi chúng tôi đến sống vào những ngày cuối năm 1946 hoặc đầu năm 1947 ấy. Giờ đây ngôi nhà vẫn còn, xập xệ, rệu rã, và tận bây giờ, nếu có lúc nào đi ngang qua đó, tôi vẫn thấy hoảng sợ. Bởi tôi đã sống ở đó cái năm - và hơn thế - cay đắng nhất đời mình. Đấy là một villa ba tầng, có ở dưới tầng trệt một phòng khách nhỏ, một phòng ăn, bếp cũng như một cái sân con với phòng dành cho người hầu. Và ở tầng trên là phòng tắm, phòng ngủ của bố mẹ tôi và phòng ngủ của tôi, được phân tách bởi một cái thềm hẹp.
Ngay khi chúng tôi đến nơi, tôi cảm thấy mình bị loại trừ khỏi mối quan hệ giữa mẹ tôi và bố tôi, một ông mà tôi thấy càng lúc càng xa hơn, theo các ngày trôi đi. Tôi tức tối khi thấy họ tự nhốt mình vào phòng ngủ của họ trong ngày, và dưới bất kỳ cái cớ nào tôi đập cửa, cho tới lúc bố tôi, mắng mỏ tôi, bảo tôi không bao giờ được làm vậy nữa. Cách thức nói năng lạnh lùng của ông và cặp mắt với lóe sáng sắc cạnh, đấy là điều mà tôi nhớ nhất từ những ngày đầu ở Lima đó, cái thành phố mà tôi đã ghét ngay từ hôm đầu tiên. Tôi cảm thấy đơn độc, tôi nhớ ông bà tôi, Mamaé, cậu Lucho, các bạn tôi ở Piura. Không lâu sau khi chúng tôi đến, bố tôi ghi tên cho tôi vào trường La Salle, lớp sáu tiểu học, nhưng tháng Tư các lớp mới bắt đầu, mà giờ mới chỉ là tháng Giêng. Tôi sẽ qua cả mùa hè ấy bị nhốt chặt, mà nhìn qua cửa sổ, thỉnh thoảng, đoàn tramway San Miguel kêu loảng xoảng?
Ở góc phố, tại một ngôi nhà giống hệt nhà chúng tôi, bác César và bác Orieli cùng những đứa con của họ, Eduardo, Pepe và Jorge, sống. Hai người con đầu lớn hơn tôi một chút, còn Jorge thì bằng tuổi tôi. Họ dễ mến và cố công làm cho tôi cảm thấy như mình đang ở nhà mình, thế nên một tối nọ họ dẫn tôi tới chỗ quán Trung Quốc ở phố Capón - lần đầu tiên tôi được ăn đồ Trung Quốc-Peru - và, mấy người anh họ tôi thì dẫn tôi đi xem bóng đá. Tôi vẫn còn rất nhớ sân vận động cũ trên phố José Díaz, tại khu khán đài bình dân, chúng tôi xem trận đấu kinh điển Alianza Lima-Universitario de Deportes. Eduardo và Jorge là các supporter của Alianza, còn Pepe thì ủng hộ đội U; và tôi trở thành, giống anh, một fan của đội tuyển mặc áo màu kem, sớm dán đầy phòng ngủ của mình những bức ảnh chụp các ngôi sao của nó: thủ môn Garagate rất ấn tượng, hậu vệ kiêm đội trưởng Da Silva, Toto Terry mũi tên vàng, và nhất là siêu cao thủ Lolo Fernández, tiền vệ vĩ đại, vị thần của sân vận động và là người ghi được rất nhiều bàn thắng. Các anh họ tôi có một khu, những người bạn mà họ gặp ở trước nhà để chuyện gẫu, đá vào một quả bóng và đá phạt vào lưới; họ gọi tôi đến chơi cùng. Nhưng tôi đã không bao giờ có thể nhập được vào khu của họ, một phần vì khác với các ông anh họ vốn dĩ có thể ra khỏi nhà vào mọi lúc và tiếp bạn bè ở nhà, điều đó thì tôi bị cấm. Và một phần vì, dẫu bác César và bác Orieli, cũng như Eduardo, Pepe và Jorge, từng lúc nào cũng có các cử chỉ khích lệ, tôi vẫn giữ khoảng cách. Vì họ là gia đình của cái ông kia, chứ không phải gia đình tôi.
Không lâu sau khi chúng tôi đến ở Magdalena, một tối nọ, vào giờ ăn, tôi òa khóc. Lúc bố tôi hỏi tôi bị làm sao, tôi bảo ông rằng tôi nhớ ông bà và muốn quay về Piura. Đấy là lần đầu tiên ông mắng tôi. Không đánh, nhưng ông lên giọng theo một cách thức làm cho tôi phát hoảng, và nhìn tôi bằng ánh mắt chăm chăm mà kể từ đó tôi gắn chặt vào với những cơn điên giận của ông. Cho tới khi ấy tôi ghen vì ông đã ăn cắp mẹ tôi khỏi tôi, nhưng từ tối hôm đó tôi khởi sự thấy sợ ông. Ông bắt tôi đi ngủ và không lâu sau, đã nằm trong chăn, tôi nghe thấy ông trách mẹ tôi vì đã nuôi dạy tôi như một thằng nhóc thất thường, và nói những lời rất nặng nề về gia đình Llosa.
Do đó, mỗi lần nào chỉ có chúng tôi với nhau, tôi lại hành hạ mẹ tôi, người đã lôi kéo tôi đến đây, thúc đẩy bà để chúng tôi bỏ trốn về Piura. Bà tìm cách làm tôi bình tĩnh lại, đòi tôi phải kiên nhẫn, hết sức nỗ lực nhằm giành lấy tình trìu mến của bố tôi, bởi bà thấy rõ sự thù địch của tôi và rất giận vì thế. Tôi hét lên đáp lại bà rằng tôi thây kệ cái ông đó, rằng tôi không yêu ông và sẽ chẳng bao giờ yêu ông, bởi tôi yêu các cậu tôi và ông bà tôi. Các xen ấy khiến bà ngao ngán và làm bà khóc.
Trước nhà chúng tôi, trên đại lộ Salaverry, có một hiệu sách nằm trong một cái ga ra. Tại đó người ta bán các tạp chí cùng những quyển sách cho trẻ con và tôi đổ hết tiền tiêu vặt của mình vào đó, để mua Peneca, Billiken và El Gráfico, một tờ tạp chí thể thao Argentina, với nhiều hình minh họa màu rất đẹp, cũng như tất tật các quyển sách mà tôi có thể mua, của Salgari, Karl May và Jules Verne, chủ yếu là vậy, trong đó Người đưa thư của Sa hoàng [Michel Strogoff] và Vòng quanh thế giới trong tám mươi ngày đã làm cho tôi mơ đến các đất nước xa xôi và những số phận ngoại hạng. Tôi không bao giờ có đủ tiền tiêu vặt để mua những gì mà tôi muốn, nhưng ông chủ hiệu, một người bé nhỏ lưng còng và rậm râu, đôi khi cho tôi mượn một tờ tạp chí hay một quyển sách phiêu lưu, với điều kiện phải mang trả cho ông trong vòng hai mươi tư tiếng, và còn nguyên vẹn. Những tháng đầu tiên ở Lima đó, dài và u ám, những cuộc đọc là sự thoát khỏi nỗi cô đơn nơi đột nhiên tôi bị dìm vào, sau khi đã sống vây quanh là họ hàng và bạn bè, quen với việc người ta làm tôi vui lòng trong mọi chuyện và bỏ qua tất tật các thất thường cho tôi, đứa trẻ được nuông chiều. Do đó tôi quen mơ mộng, để mặc cho trí tưởng tượng của mình lang thang khắp nơi, mà những tờ tạp chí cùng những cuốn tiểu thuyết nhỏ ấy kích thích, để đi tìm một cuộc đời thay thế cho cuộc đời mà tôi đang sống, trong sự quẩn quanh đơn độc của mình. Nếu đã có ở tôi một hạt mầm của người thêu dệt chuyện, thì chính vào lúc đó nó nảy, hoặc ít nhất vào quãng thời gian ấy nó sinh ra.
Còn tệ hơn chuyện không bao giờ đi ra ngoài và cứ thế ở trong phòng hàng tiếng đồng hồ, khi ấy một cảm tri mới chụp lấy tôi và không rời bỏ tôi nữa: nỗi sợ. Sợ việc cái ông kia từ văn phòng về nhà với nước da nhợt nhạt, hai mắt thâm quầng và mạch máu nhỏ phồng lên trên trán báo hiệu cơn giông, và việc ông khởi sự sỉ nhục mẹ tôi, đòi bà thanh toán cho những gì mà bà đã làm trong vòng mười năm vừa qua, tra hỏi bà về các trò bẩn thỉu bà đã có thể làm khi sống tách biệt khỏi ông, và nguyền rủa tất tật những người nhà Llosa, từng người một, ông bà, các cậu và các cô, ông ị vào họ - đúng, ông ị vào - ngay cả khi họ là họ hàng của cái tên đớn hèn tổng thống Cộng hòa kia, tất nhiên là ông cũng ị vào cả ông ấy nữa. Tôi rơi vào hoảng loạn. Hai chân tôi run lên. Tôi muốn mình bé lại, biến mất. Và những lúc, quá mức phấn khích vì cơn điên giận của chính mình, đôi khi ông lao vào mẹ tôi để đánh bà, thì tôi thực sự muốn chết, vì đối với tôi ngay cả cái chết dường cũng đáng mong muốn hơn nỗi sợ mà tôi cảm thấy.
Rốt cuộc ông cũng đánh cả tôi nữa, thỉnh thoảng. Lần đầu tiên là một Chủ nhật, khi từ lễ mi-xa của nhà thờ giáo xứ Magdalena ra. Tôi đã bị phạt chẳng rõ vì điều gì và không được ra khỏi nhà, nhưng tôi đặt giả định rằng lệnh cấm không bao trùm cả việc đi lễ, do đó với sự cho phép của mẹ, tôi đến nhà thờ. Lúc đi ra, giữa đám đông, tôi nom thấy cái xe Ford màu xanh đỗ ở bên dưới các bậc cầu thang. Và ông, đứng sừng sững ngay giữa phố, đợi sẵn tôi. Thấy mặt ông, tôi biết chuyện gì sẽ xảy tới. Hoặc có lẽ là chưa, bởi đó mới là đoạn đầu và tôi chưa biết rõ ông. Tôi tưởng tượng là giống các cậu tôi những lúc họ không chịu nổi những trò con nít của tôi nữa, ông sẽ táng cho tôi một cú nhẹ hay véo tai tôi và rồi năm phút sau mọi việc xong xuôi. Không nói một lời, ông tát tôi một phát thật mạnh làm tôi ngã lăn xuống đất, rồi ông tiếp tục đánh tôi, trong lúc đẩy tôi lên xe nơi ông khởi sự nói những từ bậy khủng khiếp, chúng làm tôi cũng đau y như các cú đòn của ông. Và ở nhà, trong khi bắt tôi xin lỗi, ông đánh tôi tiếp, cùng lúc ông cảnh báo tôi là ông sẽ chấn chỉnh tôi và biến tôi thành một người đàn ông, bởi ông không thể dung thứ được việc con trai ông là thằng nhóc pê đê mà nhà Llosa đã nuôi dạy nên.
Thế là, cùng lúc với sự kinh hoàng, ông cũng truyền cho tôi niềm căm hận. Từ này quá mạnh, tôi công nhận, nhưng những lúc đột nhiên, vào ban đêm, nằm co quắp trên giường của mình, tôi nghe thấy ông hét lên với mẹ tôi và sỉ nhục bà, tôi mong ông phải nhận tất tật các bất hạnh trên đời: như là, chẳng hạn, rơi vào ổ phục kích của các cậu tôi, Juan, Lucho, Pedro và Jorge, họ sẽ tẩn cho ông một trận nên thân. Thế là, tôi thấy vô cùng khiếp hãi, bởi căm hận bố mình hẳn là một tội lỗi chết người và Chúa sẽ trừng phạt tôi vì điều đó. Tại trường, tuần nào cũng phải thú tội và tôi cũng hay đi thú; kể từ bấy tôi làm vậy với ý thức bị vấy bẩn bởi cái lỗi kia, căm hận bố cùng ham muốn thấy ông chết đi để mẹ tôi và tôi được quay trở về với cuộc sống khi trước. Tôi tiến lại gần phòng xưng tội, mặt nóng bừng vì xấu hổ để lần nào cũng nhắc lại cùng một tội lỗi.
Cả ở Bolivia lẫn ở Piura tôi đều đã không quá mức mộ đạo, như những người bạn sùng kính vô biên mà tôi có ở La Salle hay trường trung học Salesian; nhưng trong thời kỳ đầu tiên tại Lima đó tôi ở rất gần chỗ trở thành như thế, dẫu là vì các lý do tệ hại, cách thức kín đáo nhằm phản kháng lại bố tôi. Ông luôn luôn chế nhạo đám người nhà Llosa thỏ đế, những cách thức pê đê mà họ đã dạy cho tôi như làm dấu thánh khi đi qua một nhà thờ và thói quen của những người Công giáo quỳ xuống trước những người mặc váy, tức là các ông cha xứ. Ông bảo là để thông hiểu được với Chúa thì đâu cần trung gian, và còn ít hơn, lũ ăn không ngồi rồi và ký sinh trùng mặc váy đàn bà. Nhưng, cho dù chế nhạo rất nhiều sự mộ đạo mà chúng tôi, mẹ tôi và tôi, tỏ lộ, ông không cấm chúng tôi đi dự lễ mi-xa, có lẽ vì ông đoán được rằng dẫu cho sự nghe lời của bà trước tất tật những mệnh lệnh cùng cấm đoán của ông, hẳn mẹ tôi sẽ cự lại: lòng tin vào Chúa và vào Nhà thờ Công giáo của bà mạnh hơn niềm say mê bà dành cho ông. Cho dù, ai mà biết? tình yêu của mẹ tôi dành cho bố tôi, đầy tính cách khổ dâm và bị dằn vặt như nó từng lúc nào cũng có vẻ, đối với tôi, có tính cách quá đà và nhiều vi phạm của các tình yêu-dục vọng lớn không do dự trả cái giá địa ngục nhằm tự khẳng định mình. Dẫu có là thế nào, ông cho phép chúng tôi đi lễ mi-xa và đôi khi - tôi từng đặt giả định rằng đấy là vì sự ghen tuông vô chừng mực của ông - ông đi cùng chúng tôi. Ông cứ đứng suốt buổi lễ, không cả làm dấu thánh lẫn quỳ xuống. Nhưng, ngược lại, tôi làm như vậy và hăng hái cầu nguyện, hai tay chắp lại và mắt thì nhắm hờ. Và tôi cầu Chúa vào mọi dịp. Những biểu hiện như thế là một cách thức cho tôi để đối lập lại uy quyền của ông, thậm chí còn nhằm khiến ông tức tối.
Nhưng tôi không thực sự có ý thức về điều này, bởi nỗi sợ mà ông gây cho tôi quá lớn thành thử tôi không thể tự chủ đích mà mạo hiểm khơi lên các cơn giận dữ to lớn kia, ác mộng của tuổi thơ tôi. Những biểu đạt phản kháng của tôi, nếu có thể gọi chúng như vậy, đều gián tiếp và nhút nhát, chúng được rèn ra trong trí tưởng tượng của tôi, tránh khỏi ánh mắt ông, những lúc nằm trên giường và trong bóng tối tôi bịa ra đối với ông những sự độc ác của tôi, hoặc chúng được dịch ra bởi các cử chỉ cùng thái độ không thể có ai khác ngoài tôi nhận ra được. Như không bao giờ hôn ông nữa, sau cái hôm tôi làm quen với ông, tại khách sạn Du khách ở Piura. Tại ngôi nhà ở Magdalena, tôi hôn mẹ tôi còn với ông thì tôi chỉ nói "chúc ngủ ngon" rồi chạy biến vào trong phòng, mới đầu hoảng sợ trước sự táo bạo của mình, e sợ ông sẽ gọi tôi, dùng ánh mắt bất động của ông xuyên thủng tôi ra và, với giọng nói đanh thép, hỏi tại sao tôi lại không hôn cả ông. Nhưng ông không làm thế, chắc hẳn vì ông bố cũng kiêu ngạo như thằng con trai.
Chúng tôi sống rất căng thẳng. Tôi có dự cảm là vào bất cứ lúc nào một điều khủng khiếp cũng có thể xảy ra, một nỗi bất hạnh lớn, như là việc giết, trong một cơn điên giận, mẹ tôi hoặc tôi, hoặc cả hai cùng nhau. Nhà chúng tôi không bao giờ có khách, chúng tôi không bao giờ đến nhà ai. Thậm chí còn không sang nhà bác César và bác Orieli, vì bố tôi ghét cuộc sống xã hội. Những khi chỉ có chúng tôi và tôi nói thẳng vào mặt bà rằng bà đã dàn hòa với ông để chúng tôi phải sống trong cảnh sợ chết khiếp, mẹ tôi lại tìm cách thuyết phục tôi rằng bố tôi không độc ác đến mức như vậy. Ông có các phẩm chất của mình. Ông không uống một giọt rượu nào, cũng không hút thuốc, ông không lăng nhăng, ông là người hết sức nghiêm túc, chăm chỉ. Chẳng phải đấy là những công trạng lớn sao? Tôi đáp lại rằng giá ông say khướt và quen thói trăng hoa thì lại còn hơn so với bình thường như thế, để mà bà cùng tôi có thể đi ra ngoài, tôi có bạn bè, mời chúng tới nhà và đến nhà chúng chơi.
Vài tháng sau khi chúng tôi đến ở tại Magdalena, mối quan hệ với mấy người anh họ của tôi, Eduardo, Pepe và Jorge bị ngắt ngang, sau một cuộc cãi vã trong gia đình, nó sẽ khiến bố tôi tuyệt giao với César, anh của ông, suốt nhiều năm. Tôi không còn nhớ các chi tiết, đại khái bác César đã đến nhà cùng ba con trai của bác để rủ tôi đi xem đá bóng. Bố tôi không có nhà và tôi, vốn dĩ đã học được sự thận trọng, tôi bảo họ là tôi không dám đi mà còn chưa được ông cho phép. Nhưng bác César nói là bác sẽ giải thích với ông sau trận đấu. Lúc quay về, ban đêm, bố tôi đợi sẵn chúng tôi ngoài phố, ở cửa nhà bác César. Và bác Orieli thì đứng ở chỗ cửa sổ, vẻ lo lắng, như để bảo chúng tôi phải đề phòng. Tôi vẫn còn nhớ vụ bê bối lớn, những tiếng hét nhắm vào bác César cứ thế bước thối lui, đầy bối rối, tự biện minh, và nỗi kinh hãi của chính tôi, trong lúc bố tôi dẫn tôi về nhà, liên hồi đá đít tôi.
Những lúc ông đánh tôi, tôi bị kinh hoảng, tôi loạn đầu óc lên tận đến mức tự làm nhục mình trước mặt ông và chắp hai tay lại cầu xin ông tha thứ. Nhưng điều đó chẳng hề khiến ông bình tĩnh lại. Và ông tiếp tục đánh, chửi rủa và dọa ném tôi vào quân đội làm lính trơn ngay khi nào tôi đủ tuổi, để rèn giũa tôi. Khi ông đã xong và tôi đã có thể chui vào phòng nhốt kín mình lại, thì không phải những cú đòn, mà là nỗi điên giận cùng chán ghét về phía tôi, nỗi sợ quá đà và nỗi nhục của tôi là những thứ làm tôi thức mãi và khóc trong im lặng.
Kể từ hôm ấy tôi bị cấm sang nhà bác César và bác Orieli, và gặp mấy người anh họ. Nỗi cô đơn của tôi trở nên hoàn toàn, cho tới cuối mùa hè năm 1947 và sinh nhật mười một tuổi của tôi. Với ngày khai giảng, nhập học ở trường La Salle, mọi chuyện được cải thiện. Tôi được ở bên ngoài nhà nhiều tiếng mỗi ngày. Cái xe bus màu xanh của trường nhặt tôi ở góc phố, vào lúc bảy giờ rưỡi, đưa tôi về vào giữa trưa, lại đón tôi vào lúc một giờ rưỡi để rồi đưa tôi quay về Magdalena vào năm giờ. Hành trình trên đại lộ Brasil dài về hướng Breña, nhặt lấy và cho xuống các học sinh, giải thoát cho tôi khỏi sự nhốt kín và khiến tôi sung sướng. Cha Leoncio, thầy giáo của chúng tôi năm lớp sáu, một người Pháp da đỏ au và trạc tứ tuần, khá khó tính, tóc bạc rối bời, với một lọn lớn rơi xuống trước trán, mà ông hất về đằng sau bằng một cử động giống ngựa bắt chúng tôi học thuộc lòng các bài thơ của Fray Luis de Léon ("Và người để lại con, hỡi đấng chăn chiên thánh..."). Rất mau chóng tôi chiến thắng được điểm yếu của mình, phải là một kẻ mới đến ở một lớp học gồm toàn những thằng con trai đã quen biết nhau từ nhiều năm, và tôi có nhiều bạn tốt tại La Salle. Vài người vẫn là bạn sau ba năm tại đó, như José Miguel Oviedo, bạn cùng bàn, sau đó sẽ trở thành nhà phê bình văn học đầu tiên viết một cuốn sách về tôi.
Nhưng mặc cho bạn bè, và cả vài ông thầy tốt, ký ức của tôi về những năm trung học đó vẫn bị tối xỉn đi bởi hiện diện của bố tôi, mà cái bóng nhiều sức nghiền nát cứ thế dài ra, đi theo các bước chân tôi và dường can thiệp vào tất tật những hoạt động của tôi nhằm phá hoại chúng. Cuộc sống trường học đúng nghĩa là cuộc sống của các trò chơi cùng nghi thức, nó không diễn ra trong lớp mà trước và sau đó, tại các góc phố nơi những người bạn tụ tập với nhau, ở nhà những đứa nơi người ta gặp nhau nhằm lên kế hoạch cho những chuyến đi xem phim, đến sân vận động hay cuộc sống của các trò trẻ con, chúng, song song với việc học tập, tạo dựng sự đào tạo sâu sắc cho một thằng bé, cuộc phiêu lưu thật đẹp của tuổi thơ. Tôi từng biết những cái đó bên Bolivia và ở Piura, giờ đây khi bị tước mất chúng, tôi sống trong nỗi hoài nhớ cái thời ấy, đầy ghen tị đối với những đứa bạn ở trường La Salle, như Perro Martínez, hay Perales, hay Vieja Zanelli, hay Flaco Ramos, chúng có thể ở lại chơi đá bóng trên cái sân của trường sau giờ học, đến nhà nhau và đi xem các bộ phim nhiều tập tại các rạp trong khu phố ngay cả khi đó không phải là Chủ nhật. Còn tôi, tôi phải về nhà ngay khi học xong và tự nhốt mình vào phòng để làm bài tập. Và những lúc có ai đó ở trường nảy ra ý mời tôi đi uống trà hay tới nhà vào Chủ nhật sau lễ mi-xa, để ăn trưa và đi xem phim suất chiếu ban ngày, tôi phải bịa ra đủ mọi loại cớ, bởi làm thế nào mà tôi lại có đủ sự táo bạo xin phép bố tôi để làm những việc như vậy?
Tôi về lại Magdalena và bảo mẹ tôi dọn bữa tối cho tôi thật sớm để lên giường nằm trước khi ông về đến nhà và như vậy thì không phải gặp ông cho tới hôm sau. Rất nhiều lần, lúc đã sắp ăn xong, thì tôi nghe thấy tiếng cái xe Ford màu xanh đỗ lại trước cửa, ngay tức khắc tôi lao lên cầu thang và vẫn mặc nguyên quần áo nhảy tót lên giường, kéo chăn cao quá đầu. Tôi đợi tới lúc họ đang ăn hoặc nghe từ Radio Central chương trình của Teresita Arce, La Chola Purificación Chauca, nó làm họ cười như nắc nẻ, để nhón chân dậy mặc pyjama vào.
Việc nghĩ rằng ở Lima có cậu Juan, cô Laura cùng hai em họ tôi, Nancy và Gladys, cũng như cậu Jorge và cô Gaby, và cậu Pedro, nhưng chúng tôi không thể gặp được, do nỗi căm ghét gia đình Llosa của ông, cũng khiến tôi đau khổ hệt như chuyện phải quy phục trước uy quyền của ông. Mẹ tôi muốn làm cho tôi hiểu ông, với những lập luận mà tôi không thèm nghe: "Ông ấy có tính cách riêng, cần phải làm ông ấy vui thì mới được bình yên." Tại sao ông lại cấm chúng tôi gặp các cậu và các cô, mấy đứa em họ tôi? Những khi ông không có nhà, chỉ có một mình trước mẹ tôi, tôi tìm lại được sự tự tin cùng các hỗn xược mà xưa kia ông bà và Mamaé từng cho phép tôi. Những xen mà tôi gây ra với bà, đòi trốn đi đến nơi nào ông sẽ không thể tìm được chúng tôi hẳn biến cuộc đời bà trở nên khó khăn hơn. Một ngày tuyệt vọng nọ, tôi còn đe dọa bà, nếu chúng tôi không lên đường, sẽ tố cáo với bố tôi là bà từng tiếp, tại văn phòng tỉnh ở Piura, cái người Tây Ban Nha tên là Azcárate đó, người tìm cách mua chuộc tôi bằng cách dẫn tôi đi xem giải vô địch quyền Anh. Bà bật khóc và tôi cảm thấy thật thảm hại.
Và rồi một hôm chúng tôi đã đi. Tôi không còn nhớ cuộc cãi cọ nào - nhưng người ta có thể gọi là cãi cọ được chăng, những xen nơi ông la hét, sỉ nhục và đánh đập, trong khi mẹ tôi thì khóc hoặc câm lặng lắng nghe? - đã khiến bà quyết định được. Có lẽ là cuộc cãi cọ mà ký ức tôi còn lưu giữ như là một trong những cuộc gây kinh hãi hơn cả. Đấy là buổi tối và chúng tôi quay về từ đâu đó, trên chiếc Ford màu xanh. Mẹ tôi đang kể chuyện gì đó và đột nhiên bà nhắc đến một bà ở Arequipa tên là Elsa. "Elsa? ông hỏi. Có phải là cái đồ Elsa...?" Tôi run lên. "Đúng, chị ấy", mẹ tôi ấp úng và bà định chuyển sang chuyện khác. "Bà hoàng của lũ gái điếm", ông dằn giọng. Ông im lặng một hồi lâu và đột nhiên tôi nghe thấy mẹ tôi hú lên. Ông đã véo chân bà mạnh tới nỗi ngay lập tức xuất hiện một vết bầm tím. Sau đó bà chỉ nó cho tôi, bảo rằng bà không chịu nổi nữa. "Chúng ta đi thôi, mẹ, chúng ta đi hẳn thôi."
Chúng tôi đợi cho đến lúc ông đi làm và, trên một chiếc taxi, chỉ mang theo vài thứ đồ, chúng tôi đi tới Miraflores, đại lộ 28 de Julio, nơi cậu Jorge và cô Gaby sống, cũng như cậu Pedro, lúc đó hẵng còn độc thân, năm ấy sẽ học xong trường y. Thật xúc động khi được gặp lại hai cậu cùng cô tôi và được ở cái khu phố hết sức xinh đẹp ấy, với các phố rợp bóng cây cùng những villa có vườn được chăm sóc kỹ lưỡng. Nhất là, thật tuyệt khi được trở về trong gia đình, xa khỏi cái ông kia, và biết rằng chẳng bao giờ nữa tôi sẽ nghe thấy ông, cũng như gặp lại ông hay phải sợ ông. Nhà của cậu Jorge và cô Gaby, họ có hai đứa con nhỏ, Silvia và Jorgito, nhỏ xíu, nhưng vẫn thu xếp được cho chúng tôi ở nhờ - tôi ngủ trên một cái phô tơi - và niềm hạnh phúc của tôi thật không bờ bến. Giờ thì chuyện gì sẽ xảy đến với chúng tôi? Mẹ tôi và các cậu có những cuộc trò chuyện dài mà tôi không được nghe. Dẫu chuyện có là thế nào, thì tôi cũng không có đủ từ để cảm tạ Chúa, Đức Mẹ Đồng Trinh cùng Đức Chúa Limpias mà vốn dĩ Carmen bà tôi rất sùng mộ, vì đã giải thoát chúng tôi khỏi ông.
Vài hôm sau, khi tôi ra khỏi lớp, chuẩn bị leo lên xe bus của trường La Salle đưa học sinh về San Isidro và Miraflores, thì bầu trời ập xuống đầu tôi: ông ở đó. "Đừng sợ, ông nói với tôi. Bố sẽ không làm gì con đâu. Đến đây với bố." Mặt ông rất nhợt nhạt với những quầng thâm lớn, như thể ông đã không ngủ suốt nhiều ngày. Trên xe, nói chuyện với tôi hết sức mềm mỏng, ông giải thích với tôi rằng chúng tôi đi lấy quần áo của tôi và quần áo của mẹ tôi và sau đó ông sẽ chở tôi tới Miraflores. Tôi cứ đinh ninh rằng các cung cách dễ mến kia che giấu một cái bẫy và ngay chừng nào chúng tôi đến đại lộ Salaverry ông sẽ đánh tôi. Nhưng ông không làm thế. Ông đã nhét một phần đồ đạc của chúng tôi vào mấy cái va li và tôi phải giúp ông cho phần còn lại vào những cái túi rồi, khi không còn túi nữa, vào một cái chăn màu xanh, mà chúng tôi buộc túm các góc lại. Trong lúc chúng tôi làm việc đó, tôi, chết vì lo lắng, lúc nào cũng e sợ bất cứ khi nào ông cũng có thể thấy hối vì đã để tôi đi, tôi nhận ra, đầy kinh ngạc, là ông đã cắt nhỏ nhiều bức ảnh mà mẹ tôi để trên bàn đầu giường, và loại trừ bà cùng tôi đi, và trên những bức ảnh khác ông đã cắm các cây kim vào. Lúc rốt cuộc cũng đã gói ghém xong hết, chúng tôi chuyển toàn bộ xuống cái xe Ford màu xanh và lên đường. Tôi không thể tin rằng mọi chuyện dễ dàng nhường ấy và ông thì biết điều đến vậy. Tại Miraflores, trước nhà của cậu Jorge và cô Gaby, ông không để cho tôi gọi cô hầu để lấy đồ. Ông vứt hết đồ xuống phố, trên lối đi nhỏ; cái chăn bung ra và quần áo cùng các thứ đồ lăn lóc trên bãi cỏ. Sau đó các cậu và cô tôi nói rằng trước cảnh tượng đó toàn bộ những người sống ở xung quanh hẳn đã khám phá được quần áo bẩn của gia đình.
Vài hôm sau, khi về nhà để ăn trưa, tôi để ý thấy dáng vẻ hơi lạ của các cậu và cô tôi. Chuyện gì đã xảy ra? Mẹ tôi đâu? Họ báo tin cho tôi hết sức gượng nhẹ, giống họ làm mọi điều, ý thức được rằng đối với tôi đó sẽ là một nỗi thất vọng khủng khiếp. Vậy đấy, hai người đó đã dàn hòa với nhau, mẹ tôi đã quay về với ông. Và buổi chiều hôm ấy, học xong, thay vì đi đến Miraflores, tôi cũng sẽ phải về đại lộ Salaverry. Thế giới sụp đổ. Làm sao mà bà lại có thể làm chuyện đó? Mẹ tôi cũng phản bội tôi?
Khi ấy tôi không thể hiểu điều này, mà chỉ thấy đau đớn vì thế, và lần nào, trong chuỗi bỏ chạy và dàn hòa liên tiếp của bố mẹ tôi, tôi cũng cảm thấy sầu khổ hơn, cảm thấy rằng cuộc đời đầy những cú nhảy dựng, chẳng có chút bù trừ nào. Tại sao lần nào mẹ tôi cũng dàn hòa với ông trong khi bà biết hết sức rõ rằng sau vài hôm, vài tuần yên ổn, dưới một cái cớ nhỏ nhặt nào đó, các cú đánh, những sỉ nhục thế nào cũng quay lại? Bà làm điều đó vì xét cho cùng bà yêu ông với lực bướng bỉnh vốn dĩ là một nét trong tính cách của bà (thứ mà tôi đã được thừa hưởng) và vì đó là người chồng mà Chúa đã trao cho bà - và một phụ nữ như bà chỉ có một chồng cho tới tận cuối các thế kỷ, mặc cho những đối xử tồi tệ và một cuộc ly dị đã tuyên - và cũng vì, mặc cho công việc của bà tại Casa Grace ở Cochabamba và ở Piura, mẹ tôi đã được nuôi dưỡng để lấy chồng, để trở thành một bà chủ nhà, và bà không cảm thấy mình có đủ khả năng kiếm sống và giành lấy sự độc lập cho bà và cho con trai bà. Bà làm điều đó vì thấy xấu hổ phải sống nhờ ông bà tôi, vốn dĩ tình hình của họ không tốt - ông tôi chưa từng bao giờ có thể tiết kiệm được xu nào với cái bộ lạc sống bám vào ông - hay nhờ các cậu tôi, những người đang loay hoay tạo lập một chỗ đứng tại Lima. Giờ đây tôi biết điều này, nhưng ở tuổi mười một, mười hai thì tôi không biết, và ngay cả khi có biết thì hẳn tôi cũng sẽ chẳng hiểu. Toàn bộ những gì tôi biết và hiểu là, vào mỗi lần hòa giải, tôi phải quay trở lại cuộc sống ru rú, nỗi cô đơn cùng nỗi sợ, và chuyện này khiến lòng tôi tràn ngập nỗi căm hận cả đối với mẹ tôi, mà kể từ đó tôi không còn gần gũi như hồi còn chưa quen bố tôi.
Từ năm 1947 đến 1949 chúng tôi nhiều lần bỏ đi, ít nhất là nửa chục lần, lúc nào cũng là tới nhà cậu Jorge và Gaby hoặc đến nhà cậu Juan và Laura, cũng sống ở Miraflores và, sau vài hôm, chuyện không thể tránh, là tới vụ hòa giải khủng khiếp. Nhìn từ xa, chúng thật hài, mấy trò trốn tìm ấy, mấy cuộc bỏ trốn ấy, những tiếp đón đẫm nước mắt ấy, những cái giường tạm bợ mà người ta kê cho chúng tôi trong phòng khách hay trong phòng ăn ấy! Luôn luôn có sự đi đi lại lại của mấy cái va li cùng mấy cái túi, và nỗi bối rối đối với trường, các cha cùng các bạn học của tôi nhằm giải thích tôi đột nhiên đi xe bus Miraflores thay vì xe bus Magdalena và rồi lại là xe bus Magdalena. Tôi đã chuyển nhà à, có hay không? Bởi không ai như chúng tôi cứ chuyển nhà đi chuyển nhà lại xoành xoạch như thế.
Một hôm - đó là mùa hè, tức là không lâu sau khi chúng tôi đến Lima - bố tôi chở một mình tôi trên chiếc ô tô của ông và chúng tôi đón lên xe hai thằng bé con tại một góc phố. Ông giới thiệu chúng với tôi: "Đây là hai em của con." Thằng cả, kém tôi một tuổi, tên là Enrique, còn thằng thứ hai, kém hai tuổi, Ernesto. Ernesto có mái tóc vàng và cặp mắt sáng đến nỗi hẳn có thể nói đấy là một gringo. Bố tôi đưa chúng tôi ra bãi biển Agua Dulce, ông thuê một cái dù to, ngồi dưới bóng của nó, và bảo chúng tôi chạy chơi trên cát và dưới nước. Dần dà chúng tôi bắt đầu tin nhau. Chúng học ở trường San Andrés và nói tiếng Anh. San Andrés, chẳng phải đó là một ngôi trường Tin lành hay sao? Tôi không dám hỏi chúng điều này. Sau đó, lúc chỉ có chúng tôi với nhau, mẹ tôi kể cho tôi rằng sau khi họ chia tay, bố tôi đã lấy vợ mới, một phụ nữ người Đức và Enrique và Ernesto là những đứa con từ cuộc hôn nhân ấy. Nhưng ông đã ly dị với gringa của ông cách đây nhiều năm, bởi hẳn bà cũng có tính cách riêng của mình và không chịu nổi tính khí tồi tệ của ông.
Tôi không gặp lại hai đứa em trong vòng một quãng thời gian dài. Cho tới lúc, vào một trong những cuộc bỏ trốn định kỳ kia - lần này chúng tôi đến trú tại nhà cô Lala và cậu Juan - bố tôi đến tìm tôi ở cổng trường La Salle. Cũng giống lần trước, ông bảo tôi lên chiếc Ford màu xanh. Ông rất nghiêm trang, còn tôi thì sợ chết khiếp. "Nhà Llosa đang tìm cách đưa con ra nước ngoài, ông bảo tôi. Bằng cách lợi dụng mối quan hệ họ hàng của họ với tổng thống. Nhưng họ sẽ gặp phải bố ngáng ngang đường và cứ để xem ai thắng." Thay vì Magdalena, chúng tôi đi đến Jesús María nơi ông đỗ lại trước một khu gồm nhiều ngôi nhà bằng gạch đỏ. Ông bảo tôi xuống, bấm chuông cửa và chúng tôi bước vào. Hai thằng em tôi đang ở đó. Và mẹ chúng, một bà tóc vàng, bà mời tôi uống trà. "Con sẽ ở đây cho tới khi bố thu xếp xong mọi chuyện", bố tôi nói. Và ông đi mất.
Tôi ở đó hai hôm, không đến trường, đinh ninh là mình sẽ chẳng bao giờ gặp lại mẹ nữa. Ông đã bắt cóc tôi và hẳn đây sẽ mãi mãi là nhà tôi. Người ta cho tôi ngủ trên một trong hai cái giường của mấy thằng em, còn chúng thì ngủ chung trên cái giường còn lại. Ban đêm, chúng nghe thấy tiếng tôi khóc và dậy, bật đèn, tìm cách an ủi tôi. Nhưng tôi tiếp tục khóc, cho tới khi mẹ chúng cũng xuất hiện và cố làm tôi bình tĩnh lại. Hai hôm sau, bố tôi đến đón tôi. Họ đã dàn hòa với nhau và mẹ tôi đang đợi tôi tại cái nhà nhỏ ở Magdalena. Rồi bà kể cho tôi là quả thật bà đã nghĩ đến việc hỏi xin tổng thống một chỗ ở lãnh sự quán Peru nào đó tại nước ngoài và bố tôi biết được chuyện này. Việc ông đã bắt cóc tôi chẳng phải là một chứng cứ cho thấy ông yêu tôi hay sao? Những lúc nào mẹ tôi tìm cách thuyết phục tôi rằng ông yêu tôi hoặc tôi phải yêu ông bởi, dẫu thế nào, đó cũng là bố tôi, tôi cảm thấy mình còn hận thù bà nhiều hơn.
Tôi nghĩ mình đã chỉ gặp lại hai đứa em tôi thêm hai lần nữa trong năm đó, và lần nào cũng là trong vòng vài tiếng. Năm tiếp theo, chúng cùng mẹ chuyển đi Los Angeles, nơi bà và Ernesto - giờ đây là Ernie, bởi đấy là một công dân Bắc Mỹ và là một luật sư giàu có - vẫn sống. Enrique thì bị mắc bệnh bạch cầu khi còn học trung học và đã có một cơn hấp hối đau đớn. Nó quay về Lima vài hôm, không lâu trước khi chết. Tôi tới gặp nó và gần như không nhận ra nổi nó, trong cái cơ thể mong manh kia, bị bệnh tật gặm nhấm, thằng bé thanh mảnh và xì po trong những bức ảnh mà nó gửi tới Lima, mà đôi khi bố tôi cho chúng tôi xem.
Trong khi ông nhốt tôi ở nhà gringa (như chúng tôi, mẹ tôi và tôi, vẫn hay gọi bà), bố tôi đã bất thần xuất hiện ở nhà cậu Juan. Ông không vào nhà. Ông nói với cô hầu là ông muốn nói chuyện với cậu tôi và ông đợi ngoài xe. Bố tôi đã không còn bất kỳ quan hệ nào với bất cứ ai trong gia đình kể từ cái ngày xa xôi đó, nơi ông bỏ lại mẹ tôi ở sân bay Arequipa, cuối năm 1935. Cậu Juan kể lại cho tôi, rất lâu sau cuộc gặp choáng ngợp. Bố tôi ngồi sau vô lăng chiếc Ford màu xanh chờ cậu và khi cậu Juan mở cửa xe bước vào, ông báo với cậu: "Tôi có vũ khí và sẵn sàng làm mọi việc." Để cậu không phải nghi ngờ gì, ông chìa cho cậu xem khẩu súng ngắn mà ông để trong túi áo. Ông nói rằng nếu những người nhà Llosa, lợi dụng quan hệ của họ với tổng thống, tìm cách đưa tôi ra nước ngoài, thì ông sẽ trả đũa lên gia đình. Rồi ông nói, nặng lời vô cùng, về sự giáo dục mà họ đã trao cho tôi, bằng cách đó truyền sang tôi lòng kiêu ngạo và hận thù nhằm vào ông hoặc khích lệ ở tôi các thái độ pê đê như là bảo về sau tôi sẽ trở thành toreto hay nhà thơ. Nhưng cái tên của ông bị mắc míu và ông sẽ không có một thằng con trai pê đê. Sau tràng thuyết giảng có phần hysteria ấy, nơi cậu Juan chẳng thể xen vào lấy một lời, ông tuyên bố chừng nào người ta còn chưa đảm bảo với ông rằng mẹ tôi sẽ không ra nước ngoài cùng tôi, những người nhà Llosa sẽ không nhìn thấy lại mặt tôi. Rồi ông đi.
Khẩu súng ngắn đó, mà ông giơ ra cho cậu Juan xem, là một món đồ nhiều sức biểu trưng của tuổi thơ và tuổi trẻ tôi, biểu tượng cho các tương quan của tôi với bố tôi chừng nào tôi còn sống với ông. Tôi nghe thấy, một tối nọ, ông dùng nó để bắn, trong ngôi nhà nhỏ ở La Perla, nhưng tôi không biết có lần nào mình được tận mắt trông thấy khẩu súng đó hay không. Ngược lại, tôi không ngừng thấy nó trong các ác mộng của tôi và trong những nỗi sợ của tôi, và mỗi lần nào tôi nghe thấy bố tôi hét lên và đe dọa mẹ tôi, tôi lại thấy dường, quả thật, ông sắp làm cái việc mà ông nói: rút khẩu súng kia ra, bắn năm phát, giết bà rồi giết tôi.
Tuy nhiên, những cuộc chạy trốn bất thành ấy mang lại một niềm an ủi cho những gì cuộc sống của tôi tại đại lộ Salaverry rồi tại La Perla vốn dĩ: niềm an ủi được qua các kỳ cuối tuần ở Miraflores, nhà các cậu tôi. Điều này xảy ra sau một trong những cuộc bỏ chạy của chúng tôi: trong lúc dàn hòa mẹ tôi đạt được việc bố tôi cho phép tôi, khi học xong vào thứ Bảy, đi thẳng từ trường La Salle tới nhà cô Lala và cậu Juan. Tôi quay về nhà vào thứ Hai, sau giờ học buổi sáng. Một ngày rưỡi hằng tuần ấy, tại Miraflores, xa khỏi sự kiểm soát của ông và nơi tôi có được cuộc sống bình thường của những thằng con trai khác cùng độ tuổi, trở thành điều quan trọng nhất của đời tôi, cái đích được ve vuốt trong trí tưởng tượng của tôi suốt cả tuần, và thứ Bảy cùng Chủ nhật ở Miraflores đó, một kinh nghiệm khiến tôi đầy tràn can đảm cùng những hình ảnh đẹp để có thể trụ vững được năm ngày khủng khiếp còn lại.
Tuy vậy không phải cuối tuần nào tôi cũng tới Miraflores: chỉ những khi tôi nhận được trong sổ học bạ, mà thứ Bảy nào chúng tôi cũng được phát, danh hiệu Rất Tốt hoặc Tốt. Nếu điểm số của tôi chỉ ở mức Khá hay Trung Bình, thì tôi phải về nhà và qua kỳ cuối tuần trong cảnh tự nhốt mình. Và thêm nữa, lại còn có các trừng phạt mà tôi phải chịu vì một lý do nào đó khác và chúng, kể từ lúc bố tôi khám phá ra rằng niềm hạnh phúc lớn nhất trên đời của tôi là được ở xa ông, đồng nghĩa với câu: "Tuần này con sẽ không đến Miraflores." Mấy năm, 1948, 1949 và mùa hè 1950 được phân chia như sau: từ thứ Hai tới thứ Sáu ở Magdalena hoặc ở La Perla, các thứ Bảy và Chủ nhật thì ở khu Miraflores của Diego Ferré.
Một khu là một gia đình song song, một nhóm gồm những thằng con trai cùng tuổi, để nói chuyện về các môn thể thao hay chơi đá bóng (hoặc ở phiên bản thu nhỏ của nó: đá bóng sân nhỏ), đi bơi ở bể hoặc trườn trên những đợt sóng ầm ào của các bãi biển của Miraflores, Regatas hoặc La Herradura, đi một vòng trong công viên sau lễ mi-xa lúc mười một giờ, đến rạp Leuro hoặc rạp Ricardo Palma xem buổi chiếu ban ngày và kết thúc buổi chiều tại công viên Salazar. Và với những người bạn cùng khu ấy, theo đà người ta lớn lên, học hút thuốc lá, khiêu vũ và quyến rũ các cô gái, họ, dần dà, được gia đình cho phép đi ra ngưỡng cửa nhà mình để chuyện gẫu với đám con trai và tổ chức, vào tối thứ Bảy, những surprise-party nơi, vừa nhảy một điệu bolero - được ưa chuộng hơn cả là Anh thích em của Leo Marini - bọn con trai đổ những đứa con gái nào mà chúng cắn. Bọn họ nói "tớ sẽ suy nghĩ", hoặc giả "được" hay "tớ còn chưa muốn có người yêu vì mẹ tớ không cho". Nếu câu trả lời là "được", thì thế là người ta có một "cô người yêu". Và tại các surprise-party người ta có thể nhảy với cô ta cheek to cheek , cùng đến rạp chiếu phim buổi ban ngày vào Chủ nhật và, trong bóng tối, hôn nhau. Cũng vừa đi vừa cầm tay nhau nữa, sau cái kem ở Cream Rica trên đại lộ Larco, và vừa ngắm mặt trời lặn xuống biển từ công viên Salazar vừa nói một điều ước. Cô Lala và cậu Juan sống trong một ngôi nhà màu trắng hai tầng, ở chính giữa một trong các khu nổi tiếng hơn cả của Miraflores; Nancy và Gladys thì thuộc vào lứa mới nhất của khu phố, nó cũng có những kẻ lâu năm đã mười lăm, mười tám hoặc hai mươi tuổi, và nhờ hai cô em tôi được dự phần. Tất tật những kỷ niệm đẹp của tôi từ mười một đến mười bốn tuổi, tôi đều có được nhờ khu của mình. Trước đây nó được gọi là "các phố của niềm vui", nhưng đã đổi tên khi báo chí bắt đầu cũng gọi đại lộ Huatica de La Victoria (phố của gái làm tiền) như vậy và biến thành "khu của Diego Ferré" hay "Colón", vì chính ở chỗ giao của hai phố mà chúng tôi lập đại bản doanh của mình.
Gladys và tôi sinh cùng ngày, và cô Lala cùng cậu Juan tổ chức một bữa tiệc gồm cả trai lẫn gái của khu vào hôm 28 tháng Ba năm 1948 ấy. Tôi còn nhớ nỗi ngạc nhiên của mình khi bước vào và trông thấy các cặp đang nhảy, giữa đó có hai em họ tôi. Và cả khi thấy rằng việc ăn mừng một sinh nhật không đồng nghĩa với chơi đùa mà bật những cái đĩa, nghe nhạc và gái trai trộn lẫn vào với nhau. Tất tật các cậu cùng cô tôi đều có mặt; họ giới thiệu với tôi một số trong những người sau đó sẽ trở thành bạn thân của tôi - Tico, Coco, Luchín, Mario, Luquen, Víctor, Emilio, El Chino - và thậm chí bắt tôi phải mời Teresita nhảy. Tôi ngượng chín người và cảm thấy bị tê liệt, chẳng biết phải làm gì với hai bàn tay và hai bàn chân. Nhưng sau đó tôi nhảy với hai cô em họ và những đứa con gái khác, và kể từ hôm đó tôi ấp ủ những giấc mơ tình yêu lãng mạn với Teresita. Đó là người yêu đầu tiên của tôi. Inge là người thứ hai và người thứ ba, Helena. Tôi tuyên bố hết sức đúng chuẩn mực với cả ba. Giữa đám bạn, trước đó chúng tôi đã tập dượt, và đứa nào cũng gợi ý những từ hay những cử chỉ nhằm khỏi bị thất bại chừng người ta muốn đổ một cô gái. Một số thích tỏ tình ở rạp chiếu phim, lợi dụng bóng tối và khớp lời tỏ tình với một cảnh lãng mạn nào đó của bộ phim, mà chúng cho là có một hiệu ứng lây nhiễm. Tôi thử phương pháp ấy một lần với Maritza, một cô bé rất xinh, với mái tóc đen huyền và nước da rất trắng, và kết quả rất hài; bởi khi, sau nhiều do dự, tôi dạn dĩ lên được mà thì thầm vào tai cô cái câu nhất thiết phải nói - "Anh thích em lắm, anh yêu em. Em có muốn làm người yêu của anh không?" - cô quay sang tôi và vừa nhìn tôi vừa khóc như một Magdalena. Đang hoàn toàn chú tâm vào màn ảnh, cô gần như chẳng hề lắng nghe tôi và hỏi: "Gì cơ, cái gì thế?" Không thể nào nối lại được với chuyện kia, tôi chỉ có thể ấp úng: "Phim buồn quá, nhỉ?"
Nhưng tôi tỏ tình với Tere, Inge và Helena theo đúng cách thức chính thống, trong lúc nhảy một điệu bolero tại một surprise-party ngày thứ Bảy, và tôi viết cho họ những bài thơ tình mà chẳng bao giờ tôi cho họ đọc. Nhưng suốt cả tuần tôi mơ về họ, đếm từng ngày còn lại để có thể tới gặp họ và cầu nguyện xin cho có một surprise-party vào thứ Bảy ấy, và tôi có thể nhảy với người yêu của mình cheek to cheek. Tại rạp chiếu phim ngày Chủ nhật tôi cần tay họ trong bóng tối, nhưng không dám hôn. Tôi chỉ hôn họ trong khi chơi trò mèo đuổi chuột hay thả đỉa ba ba, khi đám bạn cùng khu, vốn dĩ biết chúng tôi yêu nhau, bắt chúng tôi, để trừng phạt, nếu chúng tôi thua cuộc, hôn nhau ba, bốn, thậm chí mười cái liền. Nhưng đấy là những nụ hôn lên má và cái đó thì, Luchín nói, với dáng vẻ ra điệu người lớn của nó, không tính, vì một nụ hôn trên má không phải là mút. Những cú mút thì cần phải dùng đến miệng. Nhưng vào thời ấy các cặp yêu nhau tại Miraflores ở tuổi mười hai hay mười ba có tính cách khá thiên thần, và rất hiếm những ai dám mút nhau. Tất nhiên, tôi không có sự táo bạo đó. Tôi yêu như lũ bò yêu mặt trăng - lối nói thật đẹp và bí hiểm mà chúng tôi hay dùng để chỉ những thằng nào bị cắn - nhưng tôi rụt rè đến bệnh hoạn với các cô bé Miraflores.
Qua kỳ cuối tuần ở Miraflores là một cuộc phiêu lưu của tự do, khả năng về cả nghìn điều vui thú và gây kích thích. Đến câu lạc bộ Terrazas chơi đá bóng sân nhỏ hoặc bơi ở bể, nơi tạo ra nhiều người bơi giỏi. Tôi bơi tự do khá được và một trong những nỗi ấm ức của tôi là đã không thể tập luyện tại trường dạy bơi của Walter Ledgard, biệt danh Phù Thủy, giống mấy cậu cùng tuổi tôi sau đó sẽ trở thành - như Ismael Merino hay Conejo Villarán - các nhà vô địch thế giới. Tôi chưa bao giờ từng là một cầu thủ bóng đá giỏi, nhưng niềm hào hứng của tôi bù lại được cho sự thiếu hụt độ khéo léo và một trong những ngày sung sướng nhất đời tôi là cái Chủ nhật ấy nơi Toto Terry, thuộc vào số bọn lớn của khu chúng tôi, dẫn tôi đến Sân Vận động Quốc gia và cho tôi chơi cùng lũ cầu thủ bé của Universitario de Deportes trước các đối thủ thuộc Deportivo Municipal. Được xuất hiện trên cái sân rộng mênh mông đó, mặc áo thi đấu màu kem, chẳng phải ấy là điều tốt đẹp nhất có thể xảy đến với ta trong đời ư? Và Toto Terry, mũi tên vàng của U, khi chơi bên ngoài khu, chẳng phải anh cho thấy rằng câu lạc bộ của chúng tôi giỏi nhất tại Miraflores sao? Đấy là điều được chứng thực vào những cuộc thi đấu mà người ta tổ chức trong nhiều kỳ cuối tuần liên tiếp, nơi chúng tôi đối đầu với khu thuộc phố San Martín ở các môn: đua xe đạp, điền kinh, đá bóng sân nhỏ và bơi.
Các carnaval là khoảnh khắc tuyệt nhất trong năm. Ban ngày người ta ra khỏi nhà để chơi té nước vào nhau, và trong buổi chiều thì, đóng giả thành lũ cướp biển, tới dự những vũ hội hóa trang. Có ba vũ hội cho trẻ con không thể để hụt mất: vũ hội ở công viên Barranco, vũ hội ở Terrazas và vũ hội ở Lawn Tennis. Chúng tôi mang đến các dải dây cùng những bình xịt ê-te; các màn hóa trang của khu vui vẻ và có rất nhiều. Tại một trong các carnaval ấy Dámaso Pérez Prado cùng dàn nhạc của ông chơi. Mambo, điệu nhảy Caribê rất mới, cũng gây cuồng loạn ở Lima nơi thậm chí người ta đã tổ chức một cuộc thi mambo toàn quốc tại đấu trường Acho, mà tổng giám mục, Đức ông Guevara, cấm, đe dọa sẽ phạt vạ tuyệt thông những ai tham gia. Việc Pérez Prado tới khiến sân bay đông đặc người ra đón, và cả tôi cũng ở đó với đám bạn, chạy đằng sau cái xe ô tô mui trần đưa đến khách sạn Bolívar, vừa đi vừa phân phát lời chào sang hai bên, tác giả của El ruletero và Mambo número cinco. Cô Lala và cậu Juan cười phá lên lúc trông thấy tôi, ngay khi tôi đến ngôi nhà tại Diego Ferré, vào buổi trưa thứ Bảy, thực hiện các bước nhảy mambo, một mình, trên cầu thang và trong các phòng, để chuẩn bị cho surprise-party vào buổi tối.
Teresita và Inge là những cô người yêu thoáng qua, trong vòng vài tuần, ở giữa trò chơi con nít và niềm say mê thiếu niên, cái mà Gide gọi là "những trò làm giả vô hại" [Paludes]. Nhưng Helena là một người yêu thật, ổn định và lâu dài - tức là vài tháng hay có lẽ một năm. Cô là bạn thân và bạn học cùng lớp với Nancy ở trường La Reparación. Cô sống tại một khu gồm nhiều villa màu nâu sẫm, ở Grimaldo del Solar, hơi xa khỏi Diego Ferré, chỗ ấy cũng có một khu. Việc một kẻ lạ đến quyến rũ các cô bé tại đó không tạo thiện cảm và tạo ra một xâm lấn không gian lãnh thổ. Nhưng tôi rất yêu Helena và, ngay khi đến Miraflores, tôi liền chạy tới Grimaldo del Solar để được nhìn thấy cô, dẫu là từ xa, nơi cửa sổ nhà cô. Tôi đi cùng Luchín và cậu bạn trùng tên Mario, họ thì tán Ilse và Lucy, hàng xóm của Helena. Với một chút may mắn, chúng tôi có thể chuyện gẫu với mấy cô một lúc, ở cửa nhà họ. Nhưng bọn con trai của khu đó kéo đến chửi chúng tôi hoặc ném đá vào chúng tôi, và một tối nọ chúng tôi phải dùng tới nắm đấm vì chúng định đuổi chúng tôi đi.
Helena tóc vàng, mắt nhạt màu, với hàm răng rất xinh và nụ cười rất vui. Tôi rất nhớ cô trong nỗi cô đơn của mình tại La Perla, tại cái ngôi nhà cô lẻ ở giữa một mảnh đất trống rộng nơi chúng tôi đã chuyển đến ở vào năm 1948. Bố tôi, ngoài công việc của ông tại International News Service, còn mua các miếng đất, xây lên rồi sau đó bán những ngôi nhà, và đối với ông đấy là, trong vòng nhiều năm, tôi nghĩ vậy, một nguồn thu nhập lớn. Tôi nói điều này mà không hoàn toàn chắc vì hoàn cảnh kinh tế của ông, cũng như một phần lớn cuộc đời ông, đối với tôi vẫn là một bí ẩn. Ông có kiếm được nhiều tiền không? Ông có tiết kiệm được nhiều không? Sự giản dị trong lối sống của ông lên đến mức cực điểm. Ông không bao giờ đi ăn ngoài quán và càng ít hơn, dĩ nhiên rồi, tại các hộp đêm - La Cabaña, Embassy hay Grill Bolívar - nơi các cậu và các cô của tôi hay tới khiêu vũ vào tối thứ Bảy. Chắc hẳn mẹ tôi và ông thỉnh thoảng ra rạp chiếu phim, nhưng tôi cũng không nhớ điều đó, hoặc có lẽ họ đi xem phim vào cuối tuần lúc tôi đang ở Miraflores. Từ thứ Hai đến thứ Sáu ông từ văn phòng về vào quãng giữa bảy và tám giờ, và sau bữa tối ông nghe radio, một hay hai tiếng, trước khi đi ngủ. Tôi nghĩ rằng các chương trình hài của Teresita Arce, La Chola Purificación Chauca, trên Radio Central, là trò giải trí duy nhất trong nhà, những chương trình luôn luôn khiến ông cười. Và mẹ tôi và tôi cũng cười, hòa điệu theo vị lãnh chúa và ông chủ của chúng tôi. Ngôi nhà ở La Perla, chính ông đã xây nó, ở tư cách nhà thầu. Cuối những năm năm mươi, La Perla là một khu đất hoang khổng lồ. Chỉ mấy đại lộ, Las Palmeras rồi Progreso, đã được làm. Phần còn lại của khu vực, nằm giữa hình ê ke của các phố và Costanera, được tạo nên từ những hình vuông và những hình vuông vạch bằng dây, với các vỉa hè và cột đèn, nhưng không nhà cửa gì. Nhà của chúng tôi là một trong những cái nhà đầu tiên của toàn khu và quãng một năm rưỡi hoặc hai năm chúng tôi sống tại đó, chúng tôi đã ở giữa sa mạc. Về phía Bellavista, cách vài khối nhà, có một khu trại với một cái quán thuộc loại ở Peru người ta vẫn còn gọi là "Trung Quốc", và ở đầu bên kia, ngay gần biển, là sở cảnh sát. Mẹ tôi sợ phải ở đó một mình cả ngày, do sự cô lập. Và một đêm nọ, quả thật, chúng tôi nghe thấy có tiếng bước chân trên đầu; bố tôi đi xem tên trộm; tôi tỉnh dậy và nghe thấy tiếng ông hét lên và chính vào lúc đó, nhằm khiến kẻ đột nhập bỏ chạy, ông bắn hai phát súng lên trời bằng khẩu súng ngắn huyền thoại. Vào thời ấy Mamaé sống cùng chúng tôi, và lúc này tôi đang nhìn thấy lại khuôn mặt hoảng sợ của bà già bé nhỏ, mặc áo ngủ, trong hành lang lạnh lẽo lát đá hoa đen trắng phân tách các phòng ngủ của chúng tôi.
Nếu ở ngôi nhà trên đại lộ Salaverry tôi thiếu bạn, thì ở La Perla cuộc đời tôi là cuộc đời của một cây nấm. Tôi đi và về từ La Salle bằng xe bus tuyến Lima-Callao, mà tôi bắt trên đại lộ Progreso, và tôi xuống ở đại lộ Venezuela, nơi tôi còn phải đi qua nhiều phố nữa thì mới đến được trường. Do đó tôi được đăng ký học bán trú, để có thể ăn trưa tại La Salle. Quay về La Perla, vào quãng năm giờ, và vì bố tôi còn lâu mới về, tôi đi ra các khoảnh đất hoang và đá một quả bóng cho tới sở cảnh sát hoặc vách đá; đấy là tất tật những trò chơi hằng ngày của tôi. Dối trá: điều quan trọng là nghĩ đến Helena, và viết cho cô các bức thư, các bài thơ tình. Viết thơ là một cách thức bí mật khác để đối đầu với bố tôi, vì tôi biết việc này khiến ông bực bội tới mức nào, vốn dĩ ông coi hoạt động ấy là một trò kỳ quái, thứ lưu đãng và điều khiến ông kinh hãi hơn cả: sự pê đê. Tôi đặt giả định rằng đối với ông, nếu phải làm thơ, điều tuyệt đối không được để lộ ra - ở nhà không có lấy một quyển sách nào, cả thơ lẫn văn xuôi, ngoài những quyển sách của tôi, và tôi chưa từng bao giờ thấy ông đọc gì khác ngoài báo - thì phụ nữ đi mà viết chúng. Việc đàn ông cũng làm vậy khiến ông thấy bị rối trí, trong mắt ông đó là một cách thức kỳ quái để đánh mất thời gian của mình, một hoạt động không tương thích với quần dài cùng tinh hoàn.
Bởi tôi đọc rất nhiều thơ và thuộc lòng chúng - Bécquer, Chocano, Amado Nervo, Juan de Dios Peza, Zorrilla - và tôi làm thơ, trước và sau lúc làm bài tập, mà đôi khi tôi cả gan đọc, vào cuối tuần, cho cô Lala, cho cậu Juan hay cậu Jorge nghe. Nhưng không bao giờ cho Helena, nàng thơ và nguồn cảm hứng cho các vọt trào tu từ học ấy. Việc bố tôi có thể mắng tôi nếu bắt chợt tôi viết các bài thơ khiến xung quanh sự viết thơ có một hào quang của nguy hiểm, và cái đó, chắc chắn, kích thích tôi rất nhiều. Các cậu và cô tôi rất sung sướng khi thấy tôi đi lại với Helena, và cái ngày mẹ tôi làm quen với cô, ở nhà cô Lala, bà cũng bị chinh phục: sao mà lại có cô con gái xinh đẹp và dễ thương đến thế! Rất nhiều lần, những năm về sau, tôi nghe thấy bà nói ra sự hối tiếc của mình, rằng vì đã lấy được một người như Helenita, con trai bà đã làm những việc điên rồ như nó đã làm.
Helena là người yêu của tôi cho đến khi tôi vào trường trung học quân sự Leoncio Prado, lớp mười, vài hôm sau sinh nhật mười bốn tuổi. Và cô cũng là người yêu cuối cùng của tôi - với tính cách nghiêm túc, trang trọng và thuần túy tình cảm mà điều này muốn nói. (Những gì xảy ra sau đó, ở địa hạt yêu đương, phức tạp hơn và khó mà bày ra hơn.) Và tôi yêu Helena đắm đuối đến mức tôi có được sự táo bạo, một ngày kia, giả mạo học bạ của mình. Ông thầy giáo năm tôi học lớp chín tại La Salle là một người không phải giáo chức, Cañón Paredes, với ông lúc nào tôi cũng hục hặc. Và vào một kỳ cuối tuần ông trả lại học bạ cho tôi với đánh giá Khá đầy ô nhục, nói cách khác là không đủ. Vậy là, tôi phải quay về La Perla. Nhưng cái ý không được đến khu của tôi, không được gặp Helena thêm một tuần nữa thật không sao mà chịu nổi, do đó tôi đã cứ đến Miraflores. Ở đó tôi đã sửa Khá thành Tốt, tưởng rằng trò man sẽ không bị ai biết. Nhưng Cañón Paredes phát hiện được điều này, vài hôm sau đó, và chẳng hề nói gì với tôi, ông triệu tập bố tôi tới trường thông qua ông hiệu trưởng.
Những gì xảy ra sau đó vẫn còn khiến tôi thấy vô cùng xấu hổ những khi, đột nhiên, các hình ảnh ấy bỗng từ đâu sống lại. Sau giờ ra chơi, xếp thành hàng để đi về lớp, tôi trông thấy từ xa - đi cùng cha Agustín, hiệu trưởng - bố tôi. Ông tiến lại gần các hàng và tôi hiểu rằng ông biết mọi chuyện và mình sắp phải trả giá. Ông giáng cho tôi một cái tát khiến bọn bạn tôi hóa đá. Rồi, véo tai tôi, ông lôi tôi đến phòng làm việc của hiệu trưởng nơi ông lại đánh tôi trước cha Agustín, cha cố sức làm ông bình tĩnh lại. Tôi tưởng tượng rằng nhờ cú chấn chỉnh đó mà ông hiệu trưởng đâm ra thương hại tôi và không đuổi học tôi, như lẽ ra phải làm với lỗi ấy. Tôi bị phạt không được đến Miraflores suốt nhiều tuần.
Tháng Mười năm 1948, cuộc đảo chính quân sự của tướng Odría lật đổ chính phủ dân chủ và ông trẻ José Luis phải đi đày. Bố tôi ăn mừng sự kiện như một thắng lợi cá nhân: người nhà Llosa sẽ không còn có thể khoe khoang việc mình có một người họ hàng giữ chức tổng thống nữa. Kể từ khi chúng tôi tới Lima, tôi không nhớ mình từng nghe thấy ông nói chuyện chính trị, cả ở nhà bố mẹ tôi lẫn ở nhà các cậu tôi, trừ một câu rải rác nào đó và thoáng qua chống lại những người theo APRA, mà tất tật những ai ở xung quanh tôi dường đều coi là đám mạt hạng (về điều này thân sinh tôi nhất trí với những người nhà Llosa). Nhưng, ngược lại, cú sụp đổ của Bustamante và việc tướng Odría lên nắm quyền giật được từ bố tôi các màn độc thoại phấn chấn dưới cặp mắt buồn rầu của mẹ tôi, mà những ngày đó tôi nghe thấy, tự hỏi người ta có thể gửi một bức thư về đâu "cho José Luis và María Jesús khốn khổ (mà đám quân nhân đã đẩy sang Argentina) mà bố con không biết".
Pedro ông tôi từ chức tỉnh trưởng Piura vào cùng ngày xảy ra binh biến, và bắt toàn bộ lạc - Carmen bà tôi, Mamaé, Joaquín và Orlando - dọn dẹp khăn gói đi Lima. Cậu Lucho và cô Olga ở lại Piura. Chức tỉnh trưởng đó là vị trí ổn định cuối cùng của ông tôi. Khi ấy đối với ông, hẵng còn rất tráng kiện và sáng suốt ở tuổi sáu mươi lăm, bắt đầu một chặng đường vác thánh giá dài, sự hòa mình chậm chạp vào nỗi tầm thường của thói quen và sự nghèo khổ, mà ông không bao giờ mệt mỏi chiến đấu chống lại, tìm việc tứ phía, đôi khi giành được tạm thời một cuộc bán đấu giá hoặc một vụ thanh lý mà một ngân hàng giao cho ông thực hiện, hay các kế hoạch ở chỗ những cơ quan hành chính, chúng làm ông ngập đầy hy vọng, khiến ông rời khỏi giường ngay từ bình minh để chuẩn bị thật chóng vánh rồi sốt ruột đợi đến giờ "đi làm" (ngay cả khi đấy chỉ là đi xếp hàng tại một bộ nào đó để lấy visa cho một viên công chức). Thảm hại và máy móc, những công việc nhỏ nhoi đó mang lại cho ông sự sống đống, và làm giảm đi sự tra tấn mà ông gánh chịu vì phải phụ thuộc vào món tiền hằng tháng mà các con trai ông cho. Về sau, lúc ông bị nhồi máu não lần đầu - như một sự phản đối của cơ thể ông, tôi biết điều này - trước sự bất công khủng khiếp kia, không thể nào giành được một công việc trong khi ông vẫn còn rất khỏe và cảm thấy mình bị kết án phải sống một cuộc đời vô tích sự và ký sinh - và thậm chí không còn cả mấy thứ việc làm phù du kia, sự thiếu hoạt động khiến ông phát điên. Ông lao ra ngoài, đi chỗ này chỗ kia, rất nhanh, tự bịa ra các việc. Và các cậu tôi tìm cách giao cho ông một số thứ để làm, để ông khỏi cảm thấy mình hoàn toàn vô tích sự và già nua.
Pedro ông tôi không phải là người ôm chầm lấy lũ cháu của mình và hôn chúng chùn chụt. Bọn nhóc con làm ông thấy chán ốm và, đôi khi, bên Bolivia, tại Piura, rồi ở những ngôi nhà tại Lima nơi ông sống, những lúc lũ cháu chắt ông nô đùa, ông bắt chúng phải im. Nhưng đấy là con người tốt đẹp nhất và hào phóng nhất mà tôi từng biết và tôi vẫn thường nghĩ đến ông những khi nào thấy tuyệt vọng về giống người và xét cho tới cùng chỉ thấy nơi loài người toàn sự thối rữa. Thậm chí cho tận đến cuối cùng, trong cái tuổi già thảm hại đó, ông vẫn không đánh mất đi sự nghiêm ngặt về luân lý, thứ đặc trưng hóa cho ông và, trong suốt tồn tại của mình, làm cho ông lúc nào cũng kính trọng một số giá trị và quy tắc hành xử nối vào với một tôn giáo và những nguyên tắc, chúng, ở trường hợp của ông, chẳng bao giờ là phù phiếm hay máy móc. Đấy là điều hướng lối cho tất tật các hành động quan trọng trong đời ông. Nếu chẳng phải là ông đã nhận lấy trách nhiệm, trên khắp thế giới, về những người không được bảo vệ mà Carmen bà tôi đón lấy và nhận làm con nuôi - nhận lấy chúng tôi, chính chúng tôi, bởi chính ông là ông bố đích thực của tôi trong vòng mười năm đầu đời tôi, ông, người đã nuôi tôi lớn - có lẽ ông đã không đến tuổi già của mình mà lại nghèo như Job. Cũng sẽ không như thế nếu ông từng ăn cắp, hay lạnh lùng mà tính toán cuộc đời mình, nếu ông bớt trung thực hơn trong toàn bộ những gì mà ông làm. Tôi nghĩ rằng mối lo âu lớn nhất đời ông là hành động sao cho Carmen bà tôi không thấy là cái ác và sự bẩn thỉu cũng là những thứ thuộc vào tồn tại. Ông chỉ làm được một phần việc ấy, tất nhiên, dẫu rằng trong việc này các con trai ông giúp ông, nhưng ông thành công được trong việc tránh cho bà nhiều đau đớn và làm giảm nhẹ đáng kể những đau đớn nào mà ông không thể khiến bà tránh được. Đấy là mục đích của ông, bà tôi biết điều đó, do đó họ là cặp vợ chồng sung sướng nhất trên mặt đất này, nơi, rất thường xuyên, tính từ ấy có vẻ thật bậy bạ.
Ông tôi hồi còn trẻ hay bị coi là gringo vì tóc ông, dường như vậy, vàng. Nhưng tôi, xa hết mức mà tôi nhớ được, tôi nhìn thấy ông với lưa thưa những sợi tóc bạc, khuôn mặt ửng đỏ và cái mũi to vốn dĩ là một thuộc tính của những người nhà Llosa, cũng như đi bước đi với mũi bàn chân hướng ra bên ngoài. Ông thuộc lòng nhiều bài thơ, một số là của ông, mà ông dạy tôi ngâm. Ông rất vui khi thấy tôi viết thơ lúc tôi còn bé, nhưng sau đó ông hào hứng khi đọc trên báo những gì mà tôi viết, và lúc, rốt cuộc, tôi in được những cuốn sách, ông thỏa mãn vô cùng. Dẫu tôi chắc chắn rằng họ kinh hãi, cả ông lẫn Carmen bà tôi, người nói lại cho tôi hay, trước cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi, Thành phố và lũ chó (mà tôi gửi cho họ từ Tây Ban Nha ngay khi vừa in xong), trong đó có quá nhiều từ bậy. Bởi đấy là một quý ông - lúc nào ông cũng là như vậy - và các quý ông thì không bao giờ nói, viết còn ít hơn, các từ bậy.
Năm 1956, khi Manuel Prado thắng cử và lên nắm quyền, tận Bộ trưởng Nội vụ, Jorge Fernandéz Stoll, triệu tập ông tôi đến ca bi nê của mình và hỏi ông có nhận lời làm tỉnh trưởng Arequipa không. Tôi chưa bao giờ thấy có người nào sung sướng tới vậy. Ông sẽ làm việc, ngừng phụ thuộc vào mấy người con trai. Ông sẽ quay về Arequipa, tổ quốc yêu quý của ông. Hết sức cẩn thận, ông viết một bài diễn văn nhậm chức, mà ông đọc cho chúng tôi nghe tại phòng ăn nhỏ trên phố Porta. Chúng tôi vỗ tay hoan hô. Ông mỉm cười. Nhưng bộ trưởng không gọi lại cho ông và không đáp lại các cuộc gọi của ông; mãi về sau này ông ta mới cho ông biết rằng APRA, đồng minh của Prado, đã ngăn trở ông do mối quan hệ họ hàng của ông với Bustamante y Rivero. Đó là một đòn đánh rất nặng, nhưng tôi chưa bao giờ nghe thấy ông cất lời trách móc một ai.
Từ chức tỉnh trưởng Piura xong, ông bà tôi đến sống tại một căn hộ trên đại lộ Dos de Mayo, ở Miraflores. Nó nhỏ xíu, họ sống rất chật chội. Không lâu sau đó, Mamaé tới ở nhà chúng tôi tại la Perla. Tôi không biết làm thế nào mà bố tôi lại chấp nhận chuyện một người đại diện theo lối gan ruột đến vậy cho gia đình mà ông căm ghét nhập vào tổ ấm của ông. Có lẽ ông nghĩ rằng như thế mẹ tôi sẽ có người bầu bạn trong những giờ dài dặc nơi ông ở văn phòng. Mamaé sống cùng chúng tôi suốt quãng thời gian chúng tôi còn ở La Perla.
Trên thực tế, bà tên là Elvira, và là em họ của Carmen bà tôi. Từ nhỏ đã mồ côi và tại Tacna, hồi cuối thế kỷ 19, bà được các cụ tôi nhận nuôi, họ đã nuôi bà như một người em gái của Carmen con gái họ. Hồi còn thiếu niên bà đính hôn với một viên sĩ quan người Chilê. Sắp làm đám cưới - truyền thuyết gia đình bảo rằng váy cưới đã sẵn sàng, thiệp mời đã gửi - thì xảy ra một sự kiện, bà biết được điều gì đó và hủy hôn. Kể từ bấy, bà sống đời gái già không có ràng buộc gì cho tới tuổi một trăm linh tư. Bà không bao giờ rời khỏi bà tôi, mà bà đi theo đến Arequipa lúc bà tôi lấy chồng, rồi sang Bolivia, tới Piura và Lima. Chính bà đã nuôi nấng mẹ tôi cùng tất tật các cậu tôi, họ gọi bà là Mamaé. Và bà cũng nuôi tôi, cũng như mấy đứa em họ tôi; thậm chí bà đã có thể bế những đứa con tôi và những đứa con của chúng. Bí mật cho vụ hủy hôn - sự kiện kịch tính nào khiến bà chọn sự độc thân mãi mãi? - bà mang nó theo xuống mồ, và bà tôi cũng thế, đấy là người duy nhất biết các chi tiết của việc kia. Mamaé từng luôn luôn là một cái bóng bảo trợ trong gia đình, bà mẹ thứ hai của tất tật, người ban đêm thức ở đầu giường những ai bị ốm và làm vú em hay nữ nhân tùy tùng, người giám sát nhà cửa những khi tất tật đi vắng và người không bao giờ phản đối cũng như than phiền, người yêu quý tất tật chúng tôi và chúng tôi vô cùng yêu. Bà chỉ có vài sự giải khuây, nghe radio khi những người khác cũng nghe, đọc lại những cuốn sách hồi trẻ của bà, chừng nào bà còn có thể đọc và, lẽ dĩ nhiên, đều đặn cầu nguyện và đi dự lễ mi-xa vào Chủ nhật.
Đối với mẹ tôi bà là một bầu bạn quý giá tại La Perla, và đối với tôi, một niềm vui to lớn, có bà ở nhà chúng tôi, bởi hiện diện của bà điều hòa được đôi chút các thịnh nộ của bố tôi. Thỉnh thoảng, vào những lần lên cơn chửi rủa và đánh đập ấy, Mamée đi đến, nhỏ xíu, lê chân, hai tay chắp lại, cầu xin ông - "Ernesto, cho tôi xin", "Ernesto, vì những gì mà cậu yêu quý nhất"; ông bèn hết sức nỗ lực và bình tĩnh lại trước mặt bà.
Cuối năm 1948, khi chúng tôi đã qua kỳ thi kết thúc năm thứ nhất của cấp hai - đầu hoặc giữa tháng Chạp - một chuyện xảy ra tại La Salle đã có một hiệu ứng, chậm nhưng rất quyết định, lên tương quan của tôi với Chúa. Tôi là một đứa bé tin và thực hành toàn bộ những gì được dạy cho trong địa hạt tôn giáo, và đối với nó tồn tại của Chúa, bản tính đích thực của Công giáo hiển nhiên đến mức không hề nảy ra trong tâm trí nó tới cái bóng của một nỗi nghi ngờ về điều này. Việc bố tôi chế nhạo sự sùng đạo của chúng tôi, mẹ tôi và tôi, chỉ xác nhận thêm sự chắc chắn đó. Chẳng phải thật bình thường khi một người đối với tôi như thể hiện thân của sự tàn nhẫn, là cái ác biến thành người, lại thiếu lòng tin và bội giáo sao?
Các cha ở trường La Salle, trong chừng mực tôi còn nhớ được, không dùng giáo lý và các thực hành mộ đạo làm chúng tôi u mê. Chúng tôi có một giờ tôn giáo - bài giảng mà cha Agustín truyền cho chúng tôi, ở năm thứ hai, cũng gây nhiều thích thú ngang với các bài giảng của ông về lịch sử chung và thúc đẩy tôi đến chỗ mua một quyển Thánh Kinh - lễ mi-xa Chủ nhật và một đợt cấm túc, thỉnh thoảng, trong năm, nhưng chẳng có gì giống với các trường lừng danh vì sự nghiêm ngặt trong dạy dỗ tôn giáo như La Inmaculada hay La Recoleta. Đôi khi các cha bắt chúng tôi trả lời những bảng câu hỏi khảo sát nhằm biết xem chúng tôi có cảm thấy lời gọi của Chúa hay không, và lúc nào tôi cũng trả lời là không, rằng thiên hướng của tôi là trở thành thủy thủ. Và, xin thề, tôi chưa từng bao giờ cảm thấy, giống một số bạn tôi, các khủng hoảng hay những manh nha tôn giáo. Tôi còn nhớ nỗi kinh ngạc của mình, một tối nọ ở khu tôi, khi thấy một trong các bạn tôi đột nhiên òa khóc nức nở, và khi Luchín cùng tôi vừa dỗ dành vừa hỏi cậu ta có chuyện gì, nghe thấy cậu ta ấp úng là mình khóc vì con người xúc phạm Chúa ghê gớm quá.
Vì một lý do nào đó, tôi không thể đi lấy sổ học bạ của tôi, vào cuối năm 1948 ấy. Hôm sau tôi đến. Trường vắng ngắt. Người ta đưa sổ học bạ cho tôi ở chỗ ban giám hiệu và tôi chuẩn bị đi khỏi thì cha Leoncio xuất hiện, cười rất tươi. Ông hỏi điểm số của tôi cùng các dự định trong kỳ nghỉ. Mặc cho danh tiếng là người hay cáu bẳn, cha Leoncio đó, người luôn luôn véo chúng tôi những khi chúng tôi gây ra chuyện gì, tất tật chúng tôi đều yêu quý ông do khuôn mặt ửng đỏ của ông, lọn tóc hay đi lang thang cùng thứ tiếng Tây Ban Nha lai Pháp của ông. Ông hỏi tôi dồn dập, không để cho tôi thoát thân và đột nhiên, ông nói muốn cho tôi xem một cái này và bảo tôi đi theo. Thế là chúng tôi đi lên tầng hai, nơi các cha ở, một chỗ mà học sinh chúng tôi không bao giờ được vào. Ông mở một cánh cửa: đấy là một căn phòng nhỏ kê một cái giường, một cái tủ, một bàn làm việc, và trên những bức tường đầy các hình ảnh đạo cùng các bức ảnh. Tôi thấy ông rất phấn khích, nói thật nhanh, về tội lỗi, quỷ hoặc cái gì đó tương tự, cùng lúc ấy thì cứ lục tìm trong tủ. Tôi cảm thấy khó ở. Rốt cuộc, ông lấy ra một đống tạp chí, đưa cho tôi. Tờ đầu tiên mà tôi mở ra tên là Vea, đầy phụ nữ khỏa thân. Tôi rơi vào một nỗi ngạc nhiên to lớn, trộn lẫn với xấu hổ. Tôi không dám ngẩng đầu lên, cũng như đáp lại, bởi vẫn nói liến thoắng, cha Leoncio đã xáp lại gần, hỏi tôi có biết những tờ tạp chí này không, các bạn tôi và tôi có mua chúng để lén xem không. Và đột nhiên tôi cảm thấy bàn tay ông đặt lên khóa quần tôi. Ông tìm cách mở nó ra, cùng lúc, hết sức vụng về, trên cái quần của tôi, ông cọ dương vật của ông vào. Giờ đây tôi vẫn nhìn thấy lại khuôn mặt nhăn nhúm của ông, cái giọng run rẩy của ông, một dòng nước dãi ở miệng. Ông không làm cho tôi thấy sợ như bố tôi. Tôi khởi sự hét to: "Để tôi yên, để tôi yên!" bằng tất tật các sức lực của mình; cha Leoncio, đột nhiên, tái dại đi. Ông mở cửa cho tôi và thì thào một điều gì đó như là "nhưng em sợ gì mới được chứ?". Tôi chạy thẳng ra ngoài phố.
Cha Leoncio khốn khổ! Nỗi xấu hổ của ông chắc cũng phải lớn lắm, sau trường đoạn đó! Năm tiếp theo, năm cuối cùng của tôi ở La Salle, những lúc bắt gặp tôi ngoài sân, cặp mắt ông lảng tránh đi, ông có vẻ lúng túng.
Ngay lúc đó, theo cách thức dần dần, tôi ngừng quan tâm đến tôn giáo và Chúa. Tôi tiếp tục đi dự lễ mi-xa, thú tội và nhận ban thánh thể, thậm chí tôi còn cầu nguyện vào buổi tối, nhưng theo một lối càng lúc càng máy móc hơn, không dự phần vào những gì mình đang làm và, tại lễ mi-xa bắt buộc ở trường, nghĩ đến chuyện khác; và rồi một ngày nọ tôi nhận thấy là mình không còn tin nữa. Tôi đã trở thành một kẻ lạc đạo. Tôi không dám nói điều này với ai, nhưng trong thâm tâm tôi tự thú nhận, không cả xấu hổ lẫn e sợ. Mãi tới năm 1950, vào học ở trường trung học quân sự Leoncio Prado, thì tôi mới dám thách thức những người xung quanh bằng cách khẳng định gọn lỏn: "Tôi không tin vào Chúa, tôi là người vô thần."
Câu chuyện với cha Leoncio đó, ngoài việc nó tách tôi khỏi tôn giáo, càng làm tăng nỗi ghê tởm tình dục của tôi kể từ cái buổi chiều ở Piura ấy, nơi đám bạn tôi đã hé lộ cho tôi biết người ta làm ra lũ trẻ sơ sinh như thế nào, bằng cách nào chúng chào đời. Đó là một nỗi kinh tởm mà tôi che giấu thật kỹ, bởi cả ở trường La Salle lẫn tại khu tôi việc nhắc đến xxx là dấu hiệu cho thấy nam tính, cách thức ngừng là một đứa bé, trở thành đàn ông, điều mà tôi muốn cũng ngang, thậm chí còn hơn, với các bạn tôi. Nhưng tôi có nói tới xxx và tự tán dương, chẳng hạn, về chuyện từng rình xem một cô gái cởi quần áo, hay thủ dâm, thì tôi thấy tởm những cái đó. Và những khi tình cờ, để khỏi tỏ ra tụt hậu, tôi làm việc đó - như một buổi chiều nọ, chúng tôi xuống dưới vách đá của Miraflores, khoảng nửa chục thằng của khu, để tổ chức một cuộc thi thủ dâm trước biển và Luquen làm chúng tôi sửng sốt vì thắng cuộc - sau đó tôi đã thấy kinh tởm suốt nhiều ngày.
Trong mắt tôi hồi ấy yêu chẳng hề có liên quan gì đến dục: chính đấy là cái cảm giác trong ngần, không hiện thân, cường độ lớn và thuần khiết mà tôi có với Helena. Nó có nghĩa là mơ đến cô thật nhiều, tưởng tượng là chúng tôi đã lấy nhau, chúng tôi đi xa, đến những nơi rất đẹp, viết cho cô những bài thơ và mơ tới các hoàn cảnh anh hùng và đầy say mê trong đó tôi cứu cô khỏi nguy hiểm, khỏi kẻ thù của cô, và trả thù hộ cô lên những kẻ xúc phạm cô. Cô ban thưởng cho tôi bằng một nụ hôn. Một nụ hôn "không dùng lưỡi": chúng tôi từng có một cuộc tranh luận về chủ đề ấy giữa bọn con trai của khu và tôi bảo vệ luận điểm theo đó cô gái người yêu của ta, ta không thể hôn cô ấy "với lưỡi"; cái đó thì chỉ dành cho bọn khốn, lũ gái lăng loàn, phụ nữ chẳng đáng gì. Hôn "với lưỡi" thì cũng như đặt tay lên mà sờ mó, và chẳng phải là thiếu cung kính hết mức khi sờ mó một cô gái con nhà gia giáo hay sao?
Nhưng nếu tôi kinh tởm tình dục, thì ngược lại tôi chia sẻ niềm say mê của lũ bạn cùng khu đối với sự thanh lịch của trang phục, giày đẹp và, nếu có thể được, kính Ray Ban, thứ khiến bọn con trai trở nên không thể cưỡng nổi trong mắt con gái. Bố tôi không bao giờ mua quần áo cho tôi, nhưng các cậu tôi thì tặng tôi những bộ com lê mà họ mặc quá chật hoặc đã lỗi mốt; một thợ may ở phố Manco Cápac lộn mặt vải và chỉnh lại chúng cho vừa với người tôi, thành thử lúc nào tôi cũng ăn mặc rất xịn. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ, khi com lê được lộn mặt, thì vẫn còn lại một đường khâu lộ rõ trên phạt bên phải áo, chỗ có cái túi nhỏ, thế nên lần nào tôi cũng khăng khăng đòi ông thợ may phải làm nó biến mất nhờ một miếng vải đắp lên dấu vết cái túi kia, thứ có thể làm cho người ta đoán được sự thừa hưởng đáng ngờ.
Về phần tiền tiêu vặt của tôi, các cậu tôi, Jorge, Juan và đôi khi Pedro - đã đút túi được tấm bằng và trở thành bác sĩ tại hacienda San Jacinto, ở phía Bắc - cho tôi năm, rồi mười sole vào mỗi Chủ nhật, vậy thì còn hơn là đủ để đi xem phim, mua thuốc lá Viceroy mà chúng tôi mua theo đơn vị điếu, để uống một cốc "capitán" - vermouth trộn với pisco - với các cậu bạn cùng khu trước những surprise-party ngày thứ Bảy, nơi chỉ có đồ ăn nhẹ. Thoạt đầu, bố tôi cũng cho tôi ít tiền, nhưng ngay khi tôi hay đến Miraflores và nhận được tiền từ mấy ông cậu, tôi kín đáo từ chối đóng góp của ông, bằng cách vội vã lỉnh đi trước khi ông kịp nhét tay vào túi: một cách khác trong những gì rất loằng ngoằng mà sự hèn nhát của tôi tưởng tượng ra nhằm chống đối ông. Chắc ông hiểu điều này bởi chính vào quãng ấy, đầu năm 1948, ông vĩnh viễn ngừng đưa cho tôi dù chỉ là một xu.
Nhưng mặc cho các thể hiện đó của lòng cao ngạo về mặt kinh tế, vào năm 1949 tôi cả gan - một lần duy nhất - xin ông cho tôi đi làm răng. Mấy cái răng cửa bị hô của tôi làm phiền tôi rất nhiều ở trường nơi tôi bị gọi là thỏ và bị chế nhạo vì thế. Điều này hồi ấy không phải là quan trọng lắm, nhưng kể từ lúc tôi hay lui tới các surprise-party và đi chơi với các cô gái, trong số đó có người yêu tôi, tôi rất mong mỏi được niềng răng để làm cho chúng dựng đứng lên và ngang bằng với nhau, giống một số bạn tôi đã làm. Và đột nhiên cơ hội hiện ra. Một người bạn ở khu của tôi, Coco, là con trai một nha sĩ mà chuyên môn lại chính là niềng để chỉnh cho răng ngay ngắn. Tôi nói chuyện này với Coco, cậu ta nói với bố, và bác sĩ Lañas đáng mến tiếp tôi tại phòng khám của ông trên đại lộ La Unión, giữa trung tâm Lima, và khám cho tôi. Ông đặt cái niềng lừng danh ấy mà không bắt tôi phải trả tiền; tôi chỉ phải trả tiền mua vật dụng. Lòng tự kiêu của tôi tranh cãi với sự cồ quẹt của tôi trong vòng suốt nhiều hôm, trước khi đi cái bước thật dài kia mà trong thâm tâm tôi coi là một sự thoái vị nhơ bẩn. Nhưng sự cồ quẹt mạnh hơn - chắc giọng tôi phải run lên dữ lắm - và tôi đề nghị ông như vậy.
Ông đáp là ông đồng ý sẽ nói chuyện đó với bác sĩ Lañas, và có lẽ ông làm việc ấy thật. Nhưng trước khi bắt đầu cuộc điều trị thì xảy đến một trong những cơn giông tố trong nhà, với cuộc chạy trốn đến nhà mấy ông cậu, và một khi khủng hoảng đã qua, nhất thể gia đình đã được tái thiết lập, ông không còn nhắc lại chuyện đó với tôi nữa và tôi từ bỏ việc đưa nó ra để bàn. Vậy là tôi vẫn có mấy cái răng thỏ và năm tiếp theo, năm tôi vào trường trung học quân sự Leoncio Prado, với mấy cái răng chìa ra ở phía trước, tôi thây kệ chúng hoàn toàn.
Huỳnh Bất Thức dịch
Mario Vargas Llosa